Tin Việt Nam – 10/03/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 10/03/2017

Kiều hối về Việt Nam suy giảm, gây lo lắng

Các nhà kinh tế nói kiều hối về Việt Nam đã giảm trong năm qua và còn có thể giảm nữa trong tương lai do những chính sách chặt chẽ hơn về nhập cảnh của Mỹ.

Theo các con số của chính phủ, kiều hối của người Việt làm việc ở Mỹ và các nước khác đã tăng đều đặn trong hơn 20 năm qua, đạt mức kỷ lục 13,2 tỷ đôla vào năm 2015, sau đó giảm còn 9 tỷ đôla vào năm ngoái.

Nhà kinh tế Nguyễn Minh Phong hôm 9/3 nói kiều hối từ Mỹ gửi về đã giảm hồi năm ngoái chủ yếu vì Việt Nam giảm lãi suất còn khoảng 0% từ mức 5-6%. Lãi suất gửi tiết kiệm thấp xuống không còn khuyến khích việc gửi tiền về nước.

Gần một nửa trong số 4,5 triệu người Việt sống ở hải ngoại định cư ở Mỹ. Họ chiếm khoảng 60% kiều hối gửi về tổ quốc.

Credit Suisse trong tuần này ra báo cáo nói các biện pháp kiểm soát biên giới gắt gao hơn của chính quyền Tổng thống Trump có thể làm giảm một lượng kiều hối tương đương với 0,4% GDP của Việt Nam. Tổng lượng kiều hồi từ Mỹ về chiếm 4% GDP của Việt Nam. Báo cáo cho rằng điều này sẽ tác động mạnh nhất đến thị trường bất động sản và bán lẻ.

Credit Suisse còn cảnh báo sự suy giảm kiều hối cũng sẽ gây thêm áp lực lên đến tỷ giá. Tiền đồng Việt Nam đã mất giá 2,2% so với đôla Mỹ kể từ tháng 11 năm ngoái. Bên cạnh đó, nếu dự luật về thuế biên giới đánh vào hàng nhập khẩu của chính quyền ông Trump được thông qua, Việt Nam có thể bị giảm thêm 0,9% GDP.

(Theo AP, US News)

http://www.voatiengviet.com/a/kieu-hoi-ve-vn-giam/3757053.html

 

Vận động Minh bạch Formosa

Tuần này một nhóm các nhà vận động vì môi trường Việt Nam đã phát động chiến dịch ký tên đòi minh bạch vụ ô nhiễm môi trường do Formosa gây ra.

Đại diện cho nhóm Biển Xanh, nhóm khởi xướng cuộc vận động, nhà vận động vì môi trường và blogger Nguyễn An Dân cho VOA biết mục đích của đợt vận động này:

“Cuộc vận động này để minh bạch các thông tin liên quan đến Formosa. Thứ nhất là minh bạch về thỏa thuận đền bù giữa chính phủ và Formosa đã ký kết với nhau. Hai ông ký với nhau cái gì thì phải công bố cái đó. Cơ sở pháp lý là tại vì chính phủ đại diện cho nhân dân, là bên bị hại, đã đứng ra thương lượng và ký kết. Thứ hai, như Bộ Tài Nguyên và Môi trường nói rằng Formosa đã khắc phục 48/53 sai phạm trong quá trình xử lý xả thải, nhưng đến tháng 2/2017 vừa qua như báo Thanh Niên có đưa tin là có hiện tượng chất phenol ở trên vùng biển Hà Tĩnh. Chúng tôi đỏi minh bạch qui trình khắc phục, máy móc, tiền đầu tư, nhân sự…chứ không thể khắc phục bằng miệng được.”

Theo nhóm Biển xanh, thảm họa môi trường Formosa Hà Tĩnh (FHS) là một thảm họa lớn ảnh hưởng đến cả nước về kinh tế-chính trị và an ninh xã hội. Từ khi thảm họa xảy ra đến nay, đã có nhiều hội đoàn, cá nhân, tổ chức lên tiếng, khiếu kiện, biểu tình phản đối, nhưng người dân bị thiệt hại vẫn chưa đạt được điều họ mong muốn.

Theo báo chí trong nước, trong tuyên bố của thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có lời chỉ đạo xây dựng chính phủ kiến tạo và minh bạch, cũng như xuất phát từ nhu cầu minh bạch các thông tin liên quan đến FHS là cần thiết để những ai quan tâm và có liên quan nhìn ra được bối cảnh để ứng xử phù hợp.

Thảm họa này, theo nhóm Biển Xanh, xét về mức độ phát triển là ở vùng ven biển miền Bắc Trung bộ nhưng ý thức về thảm họa, về môi trường sống và thiệt hại là trên phạm vi cả nước. Việc hình thành các tổ chức xã hội dân sự nhằm bảo vệ quyền lợi trước hết của người dân 4 tỉnh miền Trung, tiếp đến là đấu tranh đi đến việc đóng cửa FHS hoặc chí ít phải buộc nó tuân thủ các quy định về xả thải và bảo vệ môi trường trước và trong khi hoạt động về sau là việc phù hợp đạo lý và pháp luật.

Vì vậy, nhóm Biển Xanh thấy cần thiết để thúc đẩy một phong trào đòi “minh bạch FHS” mang tính chuyên nghiệp, có hệ thống hơn và lâu dài, đúng mục đích.

Mục đích của nhóm Biển Xanh là vận động để đòi hỏi việc minh bạch trong thảm họa FHS nói riêng, và góp phần bảo vệ môi trường đất nước nói chung về sau.

Anh An Dân giải thích về hình thức đợt vận động đòi “Minh bạch Formosa”:

“Chúng tôi sẽ thực hiện khoảng 10.000 chữ ký, đối tượng là cả nước. Thông điệp này chúng tôi sẽ lưu truyền rộng rãi và những ai tham gia ký tên sẽ biết nguồn để họ đăng ký. Chúng tôi vận động thông qua các nhóm xã hội dân sự sẽ cộng tác với chúng tôi trong việc lấy ý kiến nhân dân về Formosa. Một nhóm đối tượng nữa là bà con ngư dân ở 4 tỉnh bị thiệt hại. Bây giờ họ bị bí, họ kiện thì chính phủ nhận đơn rồi trả. Tòa nhận đơn nhưng bác đơn, lý do là họ được bồi thường rồi. Kỳ này họ ký vào đây để yêu cầu chính phủ minh bạch ra thì đã thỏa thuận những cái gì. Đó là những đối tượng vừa bị thiệt hại trực tiếp và thiệt hại gián tiếp.”

Trong ngắn hạn, sắp tới nhóm Biển Xanh sẽ thúc đẩy chiến dịch vận động người dân ký tên thực tế trên giấy để kiến nghị chính phủ và FHS phải minh bạch 2 vấn đề: Minh bạch thỏa thuận đền bù đã ký kết giữa chính phủ và FHS và minh bạch quá trình khắc phục xử lý xả thải (rắn, lỏng, khí) của FHS sau thảm họa.

Ngoài ra, nhóm Biển Xanh cũng cho biết rằng cho đến hôm nay “đã có đủ căn cứ để đóng cửa FHS vì 3 lý do như sau mà nhóm đã ghi nhận, tổng hợp thông tin từ các cơ quan truyền thông trong nước:

Công bố chi tiết kết quả điều tra của chính phủ với thảm họa môi trường Formosa Hà Tĩnh nói rằng “Đoàn kiểm tra chia làm 6 tổ, kết quả đã phát hiện Formosa vi phạm nhiều quy định hành chính về bảo vệ môi trường và cuối cùng xác định chỉ nguồn thải của Formosa mới có phenol và xyanua.” (Báo Tuổi Trẻ ngày 28/07/2016)

Công bố kiểm tra vệt nước đỏ tại biển Vũng Áng – Sơn Dương cho biết hàm lượng phenol cao gấp 10 lần chỉ tiêu cho phép (Báo Thanh Niên ngày 1/3/2017)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có hứa sẽ đóng cửa Formosa Hà Tĩnh nếu tái phạm. (Báo VietNamnet ngày 03/08/2016)

Với 3 lý do trên nhóm Biển Xanh nhận định rằng “đã có đủ căn cứ để đóng cửa FHS.”

Và nhóm Biển Xanh đặt câu hỏi: “Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chưa biết việc này hay ông đã quên lời hứa của mình?”

http://www.voatiengviet.com/a/van-dong-minh-bach-formosa/3760045.html

 

Việt Nam: Formosa chỉ được xả thải khi bảo đảm an toàn

Chính phủ Việt Nam ngày 8/3 tuyên bố chỉ cho phép đơn vị địa phương của Tập đoàn Formosa Plastics xả thải một khi công ty này hoàn toàn đảm bảo thực hiện một cách an toàn.

Công ty Thép Formosa Hà Tĩnh, điều hành nhà máy thép trị giá 11 tỉ đô la, làm ô nhiễm hơn 200 km bờ biển miền Trung Việt Nam vào tháng 4 năm 2016, khiến hơn 100 tấn cá chết, hủy hoại sinh kế và kinh tế của 4 tỉnh miền Trung.

Nhà máy hiện bị đình chỉ hoạt động trong khi công ty đang tìm cách giải quyết hơn 50 vụ vi phạm bị chính phủ phát hiện.

Một tuyên bố trên trang mạng của chính phủ nói Việt Nam chỉ cho phép công ty xả thải khi công ty “đảm bảo đầy đủ an toàn môi trường.”

Trang mạng chính phủ không cho biết Formosa đã thi hành những điều kiện an toàn đến đâu.

Công ty đồng ý trả 500 triệu đô la bồi thường thiệt hại, khơi dậy những cuộc biểu tình chống chính phủ và phản đối một trong những nhà đầu tư lớn nhất của quốc gia cộng sản này.

Bộ Tài nguyên Môi trường Việt Nam nói phải mất 10 năm mới có thể khôi phục hoàn toàn từ thảm họa Formosa gây ra.

http://www.voatiengviet.com/a/vietnam-formosa-chi-duoc-xa-thai-khi-dam-bao/3758268.html

 

Một đại biểu QH chuyên trách ‘cáo quan, về quê’ bất thường

Khánh An-VOA

Một đại biểu Quốc hội (QH) chuyên trách của Việt Nam vừa bất ngờ xin “cáo quan, về quê” vào giữa nhiệm kỳ. Đây là một sự kiện được cho là rất bất thường trong lịch sử Quốc hội Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Cảnh, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khóa 14 vừa xin thôi việc với lý do “gia đình làm kinh doanh, bố mẹ đã già yếu nên muốn nghỉ chuyên trách, có thời gian lo việc gia đình”, VnExpress dẫn lời Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết hôm 10/3.

Ông Nguyễn Văn Cảnh sinh năm 1977, quê Phù Cát, Bình Định. Ông Cảnh có bằng thạc sĩ kinh tế, được bầu vào Quốc hội từ khóa 13 và tiếp tục trúng cử khóa 14.

Tiến sĩ Phạm Quý Thọ, một chuyên gia về chính sách công thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, cho biết thêm về ông Nguyễn Văn Cảnh:

“Đại biểu Quốc hội này là một trong những gương mặt trẻ của Quốc hội. Thế nhưng ông này có một cái đặc biệt là ông ấy không phải là Đảng viên. Thứ hai nữa là ông ấy lại là chủ một doanh nghiệp tư nhân. Thế nên việc ông ấy được tiếp tục bầu vào khóa 14 (đương nhiệm) cũng là một cái có vẻ như là đương nhiên, bởi vì có trong diện được gọi là tương đối đổi mới so với Quốc hội truyền thống của Việt Nam”.

Quốc hội Việt Nam chưa có những trường hợp như thế này. Hoặc nếu có thì là do những lý do rất hy hữu, thí dụ như bị chết hoặc bị gì đấy. Còn rõ ràng với đại biểu Quốc hội này thì không có một lý do cụ thể.

TS. Phạm Quý Thọ.

Chiều 10/3, Quốc hội Việt Nam ban hành nghị quyết phê chuẩn đơn xin thôi việc của Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh.

Sự kiện một đại biểu Quốc hội chuyên trách xin thôi việc giữa nhiệm kỳ được cho là chưa từng xảy ra trong lịch sử Quốc hội Việt Nam. Theo TS. Thọ: “Quốc hội Việt Nam chưa có những trường hợp như thế này. Hoặc nếu có thì là do những lý do rất hy hữu, thí dụ như bị chết hoặc bị gì đấy. Còn rõ ràng với đại biểu Quốc hội này thì không có một lý do cụ thể”.

Lương tương đương thứ trưởng

Không như những đại biểu Quốc hội khác, đại biểu “chuyên trách” trong Quốc hội có một chế độ đãi ngộ khá đặc biệt, với việc nhận phụ cấp 1,25. TS. Phạm Quý Thọ giải thích thêm: “Với vai trò chuyên trách Ủy ban Khoa học kỹ thuật, ông ấy có lương rất cao, thậm chí tương đương với một thứ trưởng. Thứ hai nữa là ông ấy có chế độ xe đưa, xe đón, thậm chí có những tiêu chuẩn khác khi ông ấy làm trong Quốc hội”.

Báo chí cho hay sau khi trúng cử vào đại biểu Quốc hội, ông Cảnh có một quá trình thăng tiến rất nhanh. Theo báo Tuổi Trẻ, ông Cảnh được kết nạp vào Đảng năm 2012, làm chuyên viên rồi lãnh đạo Văn phòng Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định trước khi được phê chuẩn làm Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

Trong một diễn tiến có liên quan, các bài báo viết về việc ông Nguyễn Văn Cảnh xin thôi việc tại Quốc hội đã được đồng loạt đổi tựa đề vào cuối ngày 10/3, thay cụm từ “cáo quan, về quê” thành “được cho thôi nhiệm vụ”.

Bị kỷ luật?

Lý do “gia đình” mà ông Nguyễn Văn Cảnh nêu ra trong đơn xin thôi việc cũng có vẻ không thuyết phục đối với công chúng. Một số tin đồn đoán nói thực chất ông Cảnh bị kỷ luật.

Xung đột lợi ích là không tránh khỏi khi nền kinh tế chuyển đổi sang kinh tế thị trường. Cái này cần phải được cân nhắc là khi các đại biểu vào thì có xung đột lợi ích không…

TS. Phạm Quý Thọ.

TS. Phạm Quý Thọ cũng nêu lên một sự kiện xảy ra gần đây với ủy ban mà ông Nguyễn Văn Cảnh phụ trách: “Vừa rồi cũng có một thông tin là sau khi thủ tướng nhắc sự chậm trễ của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc ban hành các văn bản quy phạm như các thông tư, hướng dẫn… rất chậm. Khi thủ tướng nhắc nhở như thế thì ủy ban này báo cáo rằng vừa rồi đã khắc phục được những vấn đề đấy. Không biết là nó có liên quan không, nhưng một bên là lập pháp, một bên là hành pháp nên nó cũng có thể có những mối liên hệ nhất định”.

Khi được nhóm phóng viên báo Tuổi Trẻ liên lạc để hỏi lý do xin về quê, đặc biệt là về tin đồn bị kỷ luật, ông Nguyễn Văn Cảnh trả lời: “Mọi chuyện cứ hỏi lãnh đạo Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, còn tôi khi tiếp xúc cử tri nếu được cử tri yêu cầu, tôi có trách nhiệm trả lời”.

Xung đột lợi ích

Theo TS. Thọ, ngay cả lý do xin thôi việc của ông Cảnh cũng là một điểm rất đáng lưu ý và cân nhắc về “xung đột lợt ích” khi bầu chọn đại biểu Quốc hội cho các nhiệm kỳ sắp tới.

Ông nói: “Xung đột lợi ích là không tránh khỏi khi nền kinh tế chuyển đổi sang kinh tế thị trường. Cái này cần phải được cân nhắc là khi các đại biểu vào thì có xung đột lợi ích không, thí dụ như lợi ích vùng miền, lợi ích về phân phối tài sản… Đó là những lợi ích mà người ta thấy rõ nhất. Còn các lợi ích chính trị thì chắc chắn người ta cân nhất rất là kỹ. Trong thể chế này, người ta đã lường trước, phần lớn là xét đến vấn đề chính trị. Nhưng các lợi ích khác cũng cần phải được tính đến”.

Trong Quốc hội Việt Nam, tỷ lệ người ngoài Đảng được trúng cử làm đại biểu Quốc hội từ trước tới nay rất thấp. Thậm chí theo TS. Thọ, trước khi diễn ra cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 14, đã có những vòng sơ loại rất “khắt khe” để xem “ai vào, ai không”. Có khá nhiều người ngoài Đảng đã tự ra ứng cử làm đại biểu QH, nhưng hầu hết đều bị loại ngay từ vòng hiệp thương.

http://www.voatiengviet.com/a/mot-dai-bieu-qh-chuyen-trach-cao-quan-ve-que-bat-thuong/3760041.html

 

Cơm trắng Sài Gòn

Đường Nguyễn Thông, Sài Gòn, gần ga xe lửa Hòa Hưng, có khu phố chuyên bán cơm trắng, hay còn gọi là cơm không, hoặc cơm ký. Mối ruột là những người từ tỉnh lẻ tha phương lên Sài Gòn làm các nghề như bán vé số, mua ve chai, chạy xe ôm. Nhiều người bận bịu công việc cũng đến đây mua cơm trắng.

Ông Việt, người đàn ông hành nghề xe ôm ở phố cơm trắng kể rằng chuyện bán cả tạ cơm trắng trong một ngày là bình thường:

“Đầu tiên thì nấu nồi nhỏ thôi, kiểu như là bán thử thôi. Thấy vấn đề mà người ta nấu cơm này kia…, mấy người đàn bà đi chợ ưa phàn nàn là phải lo cơm nước vậy đó, thì mới nghĩ ra vấn đề nấu cơm ký để bán này kia… coi thử nó ra làm sao. Bán thấy được. Rồi bán được, người ta lại người ta mua. Lúc đầu tiên người ta mua một ký, nửa ký, lần 5 ngàn, 10 ngàn vậy đó. Rồi từ từ sau này cái mấy tiệm cơm thấy vậy người ta mới mua 10 ký, 20 ký về người ta bán, khỏi nấu. Lợi là cái lợi chỗ đó đó. Ngày xưa có một nồi bán cả ngày đó. Nhưng bây giờ thì bốn nồi bán chừng nửa buổi sáng là hết đó. Ngày bán cả tạ cơm chứ đâu có ít đâu. Có bữa như những ngày rằm, lễ lạc, bán nhiều lắm”.

Gọi là phố nhưng các quán cơm nằm rải rác chứ không tập trung thành dãy. Người nghèo không ăn sáng, nên theo lời một người phụ bán cơm trắng, người ta bắt đầu nấu từ 6 hoặc 7 giờ sáng để kịp bán trưa:

“Thời gian nấu một nồi cơm là 45 đến 50 phút. Thường thường như chủ thì dậy từ 5 giờ, còn tụi em người làm thì tới từ 6 giờ, 7 giờ. Nấu cơm đảm bảo thì mình lấy gạo ngon một chút. Mua một lần, hai lần người ta thấy ngon, người ta cứ tới mua hoài vậy đó. Khách hàng của em là toàn những thành phần người bán vé số, người đi mua ve chai, rồi sinh viên, rồi những người già… Hầu như là toàn những người mà… dân ở xa tới đây lập nghiệp, làm ăn”.

Một ký gạo nấu thành 2 ký cơm, gạo ở đây thường là loại giá rẻ, hạt cơm dễ bị cứng khi để nguội. Khách mua chủ yếu người nghèo, chỉ cần ăn no, rẻ chứ không cần ngon.

Ông Việt cho rằng các quán cơm trắng đã giúp ông tiết kiệm được ít tiền để nuôi gia đình, công nhân có dư chút đỉnh gửi về quê, hay các em sinh viên đang tuổi ăn tuổi học được no bụng mà không phải tốn tiền ăn cơm tiệm:

“Tiện lợi. Biết sao hông? Cái xã hội phải cần có những quán cơm như vầy nè, để cho người dân tới người ta ăn uống, cho nhu cầu của người ta đó. Đỡ tốn thời gian nữa. Người ta mua bán , người ta không có thời gian để nấu cơm, người ta ghé người ta mua, rồi người ta ăn luôn. Còn mấy người mà đi đường, người ta lỡ, cơ nhỡ đồ đó, người ta mua một, hai ký, năm, ba ngàn gì đó, người ta về người ta ăn thôi, khỏi phải nấu. Trời, đông lắm anh ơi… Mười một, mười hai giờ… người ta mua nườm nượp luôn đó…, đến chiều tối luôn. Mà đa số là bán [cho] người nghèo không à. Bán cho mấy người mà người ta nấu cơm, người ta bán cơm bình dân đó. Người ta mua ký về người ta bán, người ta khỏi nấu”.

Một cô sinh viên cho biết hay ra đây mua mỗi khi kín lịch học:

“Em là sinh viên, đang đi học… nói chung là trong một tuần, mình dành ra thời gian, khi nào mình rảnh theo thời khóa biểu lịch học của mình, thì mình nấu khoảng từ 3 đến 4 bữa. Còn lại thì mình mua cơm ngoài… Giá cả được, hợp với sinh viên”.

Giá gạo, giá gas biến động không ngừng, người bán cũng trầy trật, nói gì đến người mua. Nhiều người bán chia sẻ rằng mỗi lần tăng giá cơm, họ thấy xót ruột lắm. Không phải họ sợ mất khách, mà chỉ sợ lại thêm nhiều người nghèo không đủ tiền ăn cơm, hay lại phải bớt tiền gửi về nhà cho người thân.

Trong những hạt gạo trắng, xen lẫn tình người ấm áp. Không quá lời khi nói rằng Sài Gòn luôn có đủ cách dang tay che chở cho những phận nghèo.

http://www.voatiengviet.com/a/com-trang-sai-gon/3758289.html

 

Một số website sân bay VN ‘bị tấn công’

Tin cho hay các website sân bay Tân Sơn Nhất, Rạch Giá, Tuy Hòa bị tin tặc tấn công trong khi một tin tặc ‘mũ trắng’ nói với BBC rằng “vụ này bé tí thôi vì các website của các sân bay Việt Nam thường ít có người truy cập và cũng chẳng cập nhật thông tin gì”.

Truyền thông Việt Nam cho hay đêm 9/3, website của sân bay Rạch Giá bị tin tặc tấn công, chèn hình ảnh thể hiện đã bị xâm nhập, website sân bay Tuy Hòa (Phú Yên) cũng bị thay đổi giao diện và ngừng hoạt động.

Trước đó, website sân bay Tân Sơn Nhất trong tình trạng “không truy cập được”, xuất hiện cảnh báo hệ thống đã bị xâm nhập trên trang chủ nhưng sau đó đã được khôi phục.

Vụ tin tặc: ‘Bình tĩnh, tránh suy diễn’

Ngân hàng tại VN ‘lo tin tặc tấn công’

Hôm 10/3, trong thông cáo gửi đến BBC, ông Ngô Tuấn Anh, Phó chủ tịch phụ trách an ninh mạng của công ty BKAV cho hay: “Đây không phải là tấn công APT, bằng cách sử dụng virus cài phần mềm gián điệp vào máy của quản trị như vụ việc của Vietnam Airlines hồi tháng 7/2016 mà chỉ là khai thác lỗ hổng website.”

“Căn cứ trên dấu hiệu để lại, các website cảng hàng không chỉ đơn thuần là bị tin tặc khai thác lỗ hổng website.”

“Những lỗ hổng này chủ yếu là do thiếu quy trình kiểm tra đánh giá cũng như kinh nghiệm về lập trình an toàn của đội ngũ lập trình viên.”

“Qua vụ việc này, để đảm bảo an toàn cho hệ thống, người quản trị mạng nên có quy trình kiểm tra đánh giá website trước khi đưa vào sử dụng.” “Đồng thời, cần kiểm tra định kỳ để có biện pháp khắc phục các lỗ hổng, đảm bảo cho hệ thống website của mình được an toàn hơn.”

‘Yếu kém’

“Những sự cố trong lĩnh vực hàng không xảy ra vừa qua cho thấy việc đảm bảo an ninh mạng cho ngành hàng không vẫn còn yếu kém và việc đầu tư chưa tương xứng với tầm quan trọng của hệ thống”, ông Tuấn Anh nói thêm.

Cùng ngày, một chuyên gia bảo mật độc lập ở TP Hồ Chí Minh đề nghị không nêu danh tính nói với BBC rằng “vụ này bé tí thôi vì các website của các sân bay Việt Nam thường ít có người truy cập và lâu nay cũng chẳng cập nhật thông tin gì hữu ích”.

Đề cập đến vụ tin tặc tấn công màn hình sân bay năm ngoái, người này nói: “Theo như tôi biết thì cơ quan chức năng đã lần ra dấu vết của tin tặc trong vụ đó nhưng thông tin xử lý thế nào thì không được công bố.”

“Nhưng chí ít thì tôi biết sau vụ việc thì hãng hàng không bị ảnh hưởng đã ký hợp đồng dịch vụ bảo mật.”

Số lượng website bị tấn công tại Việt Nam “rất nhiều”, trung bình hàng tháng lên tới 300 trang, trong đó có khoảng 20 trang của Chính phủ, theo VnExpress hôm 10/3.

Tháng 7/2016, các báo Việt Nam đồng loạt phát đi cáo buộc nhóm hacker 1937cn của Trung Quốc đứng đằng sau các vụ tấn công này.

Tuy nhiên, sau đó website được cho là của nhóm 1937cn lên tiếng phủ nhận trách nhiệm.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-39202242

 

Phố Tàu đang được lén lút xây tại Đà Nẵng

Báo Giáo dục Việt Nam đưa tin vào sáng ngày 10 tháng 3, cơ quan chức năng đã phát hiện nguyên một khu phố nằm gọn trong bức tường xây chung quanh tại khu vực giao nhau giữa đường Phạm Hùng – Hoàng Đạo Thành  thuộc khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ, Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng. Bức tường cao hơn 10 mét kéo dài hơn nửa cây số trên phần đất của Công ty VietMay Home Tổng kho miền Trung, thuộc tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai.

Trong khuôn viên này có hơn 10 căn nhà kiên cố đã được xây lên, hình dáng và kiểu cách đặc trưng văn hóa Trung Quốc bao gồm phố đi bộ, những ghế đá, cột đèn kiểu Thượng Hải cũng được phát hiện.

Ông Nguyễn Văn Quyết, Bí thư phường Hòa Xuân cho biết vào thời điểm cơ quan chức năng xuống kiểm tra hiện trường thì phát hiện có 5 người mang quốc tịch Trung Quốc đang đứng chỉ đạo, xem xét việc xây dựng.

Một trong năm hộ chiếu của họ có in hình lưỡi bò trên đó, đây là những tấm hộ chiếu Trung Quốc từng bị hải quan Việt Nam gạch bỏ khi phát hiện tại các cửa khẩu.

Trong thời gian gần đây báo chí và người dân Đà Nẵng liên tục tố cáo việc người Trung Quốc có những vi phạm nghiêm trọng về lao động bất hợp pháp, xây dựng trái phép cũng như nhiều đoàn du lịch người Trung Quốc gây phản cảm khi tới Đà Nẵng tham quan.

http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/a-small-cn-secret-town-detected-in-danang-city-03102017082545.html

 

Công an ngăn cản buổi lễ tưởng niệm tử sĩ Gạc Ma

Sáng nay ngày 10/3/2017 khoảng 20 người dân thuộc thành viên CLB Lê Hiếu Đằng – Sài Gòn và một số nhà hoạt động ở Vũng Tàu đã tổ chức tưởng niệm các tử sĩ trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma – Trường Sa thì bị an ninh gây khó dễ, ngăn cản.

Tham gia lễ tưởng niệm có nhà báo Kha Lương Ngãi – cựu Phó TBT báo SGGP, nhà thơ Hoàng Hưng, nghệ sĩ Kim Chi, cùng một số người hoạt động dân chủ nhân quyền tại Vũng Tàu.

Buổi lể diễn ra được khoảng 15p thì khoảng 50 công an phường 2 thành phố Vũng Tàu, cùng nhưng nhân viên An Ninh thường phục lần sắc phục tới can thiệp. Họ thu vòng hoa đã được thả trôi trên biển và sau đó bắt đi 3 người tham dự buổi lễ là nhà báo Sương Quỳnh, anh Lê Công Vinh và facebooker Tâm Kế.

Nhà báo Sương Quỳnh, người đã bị an ninh bắt đi sau buổi lể cho biết: Sau khi buổi lể diễn ra, tôi thấy rất nhiều công an An Ninh tới can thiệp, hoi gọi điện thoại cho nhau để thông báo vụ việc và xem chúng tôi như tội phạm. Lúc chứng kiến họ bắt anh Tâm Kế, nên tôi lấy máy đt ra quay lại. Thì bị họ bắt lên xe chở về phường 2 luôn.

Sau khi tra hỏi tôi mà ko có kết quả gì, họ đã nhúng điện thoại của tôi vào nước và làm hư điện thoại của tôi.

Anh Lê Công Vinh, một người cùng bị bắt với nhà báo Sương Quỳnh cho biết họ bắt anh ký vào biên bản, nhưng anh bất hợp tác nên họ đã đấm vào mặt anh 2 cái. Mãi đến 1h chiều họ mới thả anh về.

Nghệ sĩ Kim Chi, người tham dự buổi lễ sáng nay cho biết lý do vì sao bà tham dự buổi lễ: “Lẽ ra những buổi lễ như vậy phải do chính nhà nước tổ chức. Đằng này họ đã ko làm mà còn ra sức ngăn chặn thì đúng là bè lũ bán nước. Vì máu của những người lính nằm xuống ngoài đảo Gạc Ma không phải là nước lã”.

Tưởng niệm các chiến sĩ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ cho tổ quốc là điều nên làm. Thế nhưng bấy lâu nay, nhiều buổi tưởng niệm chiến sĩ trong các trận đánh với Trung Quốc luôn bị nhà cầm quyền cản trở, gây khó dễ.

http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/police-harasse-pp-who-attend-the-memories-of-gacma-03102017074126.html