Tin Việt Nam – 10/01/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 10/01/2017

Buôn người – tệ nạn chưa có hồi kết

Lan Hương, phóng viên RFA

Nạn buôn người ở Việt Nam vẫn tiếp tục gia tăng và chưa có dấu hiệu suy giảm dù truyền thông đưa tin rất thường xuyên để cảnh báo người dân và Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách, biện pháp.

Đưa sang Trung Quốc

Ủy ban Quốc gia Việt Nam Phòng chống HIV/AIDS và Ma túy- Mại dâm đưa ra số liệu cho thấy trong năm 2016 vừa qua có 600 phụ nữ và trẻ em được giải cứu khỏi các đường dây buôn người. Tổng cộng từ năm 2013 đến giữa năm ngoái, cơ quan chức năng của Việt Nam phát hiện gần 1700 vụ, lừa bán 3.400 nạn nhân.

Theo đó nạn nhân của tình trạng buôn người chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, và một trong những “thị trường tiêu thụ” chính là Trung Quốc, nơi mà sự mất cân bằng giới tính khiến chuyện “nhập khẩu vợ” gia tăng. Còn theo Linh mục Nguyễn Bá Thông, người lâu nay giúp đỡ cho các nạn nhân Việt Nam, thì số nạn nhân bị buôn bán với 3 mục đích gồm làm nô lệ lao động, nô lệ tình dục và lấy nội tạng. Mỗi một mục đích lại có nguyên nhân và các mánh khóe lừa đảo khác nhau:

Theo tôi thì nhìn nhận cả hai phía, phía quản lý của chính quyền Nhà nước và phía của người dân.
– Tiến sĩ Đinh Thị Dung

Đó là ba loại buôn người chính ở Việt Nam. Buôn người để làm tình dục thì tư tưởng như thế này: các em được hứa đồng tiền rất cao, giống như nô lệ lao động. Đi qua bên đó không phải làm gì cả, ví dụ như đi Mã Lai, không phải làm gì. Đi qua đó phục vụ bưng nước thôi, tháng được 15 triệu, nhưng thực sự chỉ là 5 triệu, 3 triệu, rồi tiền thiếu nó chồng chất lên. Lúc đó nó mới nói rằng nếu không muốn làm cái đó thì làm tình dục hay làm nô lệ khác với cái giá như vậy. Thì những người kia không có chọn lựa, bắt buộc phải làm thì mới có tiền trả nợ để đi về nước.

Cái thứ 2 là buôn người để buôn bán nội tạng thì mình đã biết lâu lắm rồi, từ chục năm trước khi mình lên miền Bắc Trung Quốc là Lào Cai, thì Chính phủ Việt Nam có nhiều biện pháp trên giấy tờ nhưng thực tế không có gì hết đó. Chẳng hạn có những trẻ hay người lớn bị bắt qua Trung Quốc, nhưng mà khi đưa lên thì chính công an của tỉnh đó lại nói là không có thật. Từ chối là chuyện có thật. Chẳng hạn ở Lào Cai, Bắc Giang thì Chính phủ, chính quyền địa phương lại nói là không có thật, tầm bậy.

Người dân thiếu thông tin

Tiến sĩ Đinh Thị Dung, giảng viên khoa lịch sử, văn hóa Trung Quốc cho rằng hai nguyên nhân chính dẫn đến tệ nạn này, đó là phía quản lý lỏng lẻo của Chính quyền và nhận thức, dân trí của người dân còn thấp:

Theo tôi thì nhìn nhận cả hai phía, phía quản lý của chính quyền Nhà nước và phía của người dân. Thứ nhất là cần phải có thông tin chi tiết, cụ thể hơn nữa để người ta hiểu, có nhiều người mù mờ, ngu ngơ về cái vấn đề này lắm thì người ta vẫn đi thôi. Thứ 2 là trình độ dân trí của những người bị lừa còn thấp.

Tiến sĩ Phạm Quang Minh, giảng viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn cũng có nhận định tương tự và thêm một điểm đáng chú ý là thủ đoạn ngày càng tinh vi của các tay buôn người:

Tôi nghĩ là chắc chắn là do người dân thiếu thông tin về vấn đề đó. Họ sống ở những vùng sâu vùng xa, như vậy không có khả năng tiếp cận thông tin, hay là nhận được những thông tin sai lệch. Thứ hai, là tội phạm ngày càng tinh vi, có nhiều thủ đoạn, nhiều âm mưu, tìm mọi cách để lừa những người dân ít thông tin, kém hiểu biết như vậy.

Thủ tướng Na Uy, bà Erna Solberg đến thăm các cô gái Việt Nam là nạn nhân buôn người trong một trại phục hồi chức năng ở Lào Cai hôm 18/4/2015. AFP photo

Phân tích nguyên nhân nạn buôn người ở Việt Nam không có dấu hiệu thuyên giảm, linh mục Nguyễn Văn Thông cho biết là do điều kiện cuộc sống nghèo khổ, thiếu thốn nên nhiều người ôm ấp giấc mơ đổi đời. Lý do khác nữa theo ông là sự thờ ơ, đa phần người dân Việt quan tâm đến những chương trình giải trí nhiều hơn là tin tức trên báo, đài.

Lý do tại sao nạn buôn người xảy ra nhiều là thứ nhất không có thực tế để chống, không ai nói gì hết. Có lên TV mà ở Việt Nam có ai coi tin đâu, người ta toàn coi show này show nọ, hay lên báo thì ai đọc báo đâu. Nhưng chính quyền địa phương họ không có công việc cụ thể để làm điều đó thì tệ nạn đó cứ tăng thôi. Và khi xã hội làm cho người ta càng nghèo, thì  người ta càng muốn thoát ra với một hi vọng là đổi đời, thì đó là lý do họ đưa vô đường đó nhiều.

Quản lý yếu kém

Chính phủ Việt Nam đã đưa ra rất nhiều biện pháp để phòng chống nạn buôn người. Ngày 10/5/2016, Thủ tướng ban hành Quyết định số 793/QĐ-TTg lấy ngày 30/7 hàng năm là “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”. Luật phòng chống mua bán người đã được ban hành và có hiệu lực từ năm 2012. Cũng trong năm 2012, Chính phủ Việt Nam đã phê chuẩn Nghị định thư Palermo về Phòng ngừa, trấn áp và trừng trị buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Sau đó, năm 2015, Việt Nam ký Công ước ASEAN về Phòng chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Tuy nhiên như trình bày tệ nạn này vẫn ngày một gia tăng ở Việt Nam, mà theo ý kiến của Tiến sĩ Phạm Quang Minh lỗi một phần còn do sự quản lý của chính quyền chưa chặt chẽ:

Quản lý của các cấp chính quyền địa phương chưa được chặt chẽ, chưa được tốt. Khi có những tình trạng như vậy thì cần phải kiểm tra, thông tin cho người dân để người ta không mắc phải những sai lầm như thế.

Phép vua thì có đưa ra, nhưng lệ làng có ai nói đâu, người dân họ chỉ biết những gì xã, huyện, phường nói.
– Linh mục Nguyễn Văn Thông

Trong khi đó, linh mục Thông lại cho rằng Chính phủ Việt Nam đã đưa ra nhiều biện pháp để đẩy lui tệ nạn này, tuy nhiên việc thực thi ở cấp địa phương chưa được hiệu quả, dẫn đến tình trạng “phép vua thì mạnh mà lệ làng lại không có”:

Phép vua thì có đưa ra, nhưng lệ làng có ai nói đâu, người dân họ chỉ biết những gì xã, huyện, phường nói. Thành ra những vùng có người bị lừa đưa ra nước ngoài nhiều nhất, nhưng chính quyền địa phương không bao giờ tổ chức cho họ những buổi học để họ biết thế nào là thật, giả, những cạm bẫy sẽ đến với họ khi họ ra nước ngoài để làm vợ hay lao động. Tức là ở trên có nhưng ở dưới không có ai tổ chức để nói. Phép vua thì nhiều mà làng thì chẳng ai tổ chức để báo, giúp người ta chuẩn bị.

Buôn người là loại tội phạm xuyên biên giới, cơ quan chức năng Việt Nam cũng nhận ra đươc tình hình buôn người nghiêm trọng trong nước, và đã phối hợp với rất nhiều tổ chức như Tổ chức Hagar quốc tế tại Việt Nam, tiến hành các buổi hội thảo về nạn buôn người với Lào và Thái Lan.

Tuy vậy dường như vấn đề vẫn còn khó không chỉ đối với chính phủ Hà Nội mà còn nhiều quốc gia khác cũng như cả những tổ chức quốc tế tham gia công tác ngăn ngừa tệ nạn này.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/human-trafficking-not-over-yet-lh-01102017092717.html

 

Tôm Việt Nam bị cấm nhập vào Úc vì virus đốm trắng

Lệnh cấm nhập vào Australia tôm xanh, tôm nguyên liệu từ một số nước Châu Á, trong đó có Việt Nam, bắt đầu có hiệu lực kể từ hôm qua 9 tháng 1. Theo lệnh của chính phủ Australia các lô hàng tôm xanh, tôm nguyên liệu đến nước này kể từ ngày 9 tháng giêng đều bị tiêu hủy.

Nguyên nhân lệnh cấm vừa nêu được cho biết vì cơ quan chức năng Australia phát hiện virus đốm trắng có trong tôm bán tại các cửa hàng nước Úc; và suy đoán có thể đó là nguyên nhân làm bùng phát dịch đốm trắng tại bang Queensland của Australia.

Hiệp hội Nuôi tôm Australia quy kết có sai phạm trong khẩu kiểm dịch các sản phẩm tôm nhập khẩu vào nước Úc.

Phát ngôn nhân của Bộ trưởng Nông nghiệp Australia cho biết công tác điều tra đang được tiến hành và biện pháp cấm giúp Bộ này có thời gian xem xét lại công tác quản lý các nguy cơ cũng như các thỏa thuận liên quan.

Thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam- VASEP, cho thấy trong năm qua tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt chừng 3,15 tỷ đô la, tăng 7% so với năm 2015.

Việt Nam đứng thứ 4, sau Thái Lan, Trung Quốc và New Zealand, trong nhóm các nước cung cấp thủy sản hàng đầu cho Australia.

http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/aus-ban-shrimp-fr-asia-includ-vn-01102017080252.html

 

Cháy tàu du lịch tại Vịnh Hạ Long

Một tàu du lịch nghỉ đêm trên Vịnh Hạ Long bốc cháy vào sáng hôm nay khi trên tàu đang có 21 người, trong đó có 14 khách nước ngoài mang quốc tịch Australia, Canada, Hoa Kỳ.

Tin cho biết lực lượng chức năng sau khi được cấp báo đã đến tại hiện trường làm công tác ứng cứu, đưa tất cả du khách và thuyền viên vào bờ. Không có thiệt hại nào về nhân mạng.

Cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra nguyên nhân khiến chiếc tàu bị bốc cháy khi đang neo đậu trên Vịnh Hạ Long với số du khách có mặt tham gia tập dưỡng sinh trên boong tàu.

Những vụ cháy tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long trước đây đều được kết luận do chập điện.

Chiếc tàu bốc cháy hôm nay tại Vịnh Hạ Long mang số hiệu QN 3598 thuộc Công ty Trách nhiệm Hữu Hạn Du lịch Ánh Dương 1. Đây là loại tàu vỏ gỗ trong số hơn 500 chiếc trên Vịnh Hạ Long.

Ngay sau khi xảy ra vụ cháy, cơ quan chức năng quyết định đình chỉ hoạt động của đội tàu 6 chiếc của Công ty Ánh Dương 1 kể từ ngày 10 tháng giêng. Quyết định nêu rõ công ty này chỉ được hoạt động trở lại sau khi đoàn kiểm tra báo cáo với ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh nguyên nhân gây cháy tàu và doanh nghiệp hoàn thành thực hiện các biện pháp khắc phục, đủ điều kiện phục vụ khách trên Vịnh Hạ Long.

http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/tourist-ship-fire-on-ha-long-bay-01102017074324.html

 

Dự luật về hiến máu

gây tranh cãi còn lấy ý kiến đến 2018

An Tôn – VOA

Dự luật về hiến máu mới được công bố đang chịu các phản ứng tiêu cực từ công chúng Việt Nam. Người đứng đầu Viện Huyết học và Truyền máu nói mọi ý kiến từ nhân dân đều được “tôn trọng”.

Báo chí Việt Nam đưa tin Bộ Y tế hôm 9/1 đã công bố dự thảo Luật về máu và tế bào gốc, trong đó, bộ đề xuất 2 phương án về việc công dân hiến máu. Phương án 1 là Việt Nam sẽ đặt ra quy định pháp lý rằng việc hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc của công dân, họ phải thực hiện 1 lần mỗi năm, một số trường hợp không thể hiến máu sẽ được miễn. Ngược lại, phương án 2 quy định việc hiến máu là tự nguyện như vẫn diễn ra từ trước đến nay.

Con số thống kê của Bộ Y tế cho thấy trong năm 2016 đã có 1,4% dân số Việt Nam hiến máu. Các đơn vị y tế trên cả nước đã tiếp nhận khoảng 1,2 triệu đơn vị máu, mỗi đơn vị là 350 mililit. Lượng máu này đáp ứng 66% nhu cầu về máu.

Trong khi đó, theo chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới, ở các nước đang phát triển, cần khoảng 2% dân số hiến máu mỗi năm. Như vậy, với dân số khoảng 90 triệu dân, Việt Nam cần đến khoảng 1,8 triệu đơn vị máu.

Một cán bộ y tế Việt Nam có chuyên môn về huyết học và truyền máu đề nghị không nêu tên nói với VOA rằng một người bình thường có thể hiến máu 3, 4 lần một năm mà không ảnh hưởng gì đến sức khỏe.

Cán bộ này so sánh rằng ở Việt Nam sau 20 năm vận động mới chỉ có hơn 1% dân số hiến máu, trong khi ở các nước như Nhật Bản, Singapore, Mỹ, tỷ lệ người dân hiến máu lên đến 3 hoặc 4%. Về dự luật có phương án quy định “hiến máu bắt buộc”, cán bộ y tế nêu quan điểm cá nhân:

“Sử dụng truyền thông, sử dụng mạng xã hội, sử dụng Facebook để vận động hiến máu cũng là kênh khá là hiệu quả. Và nếu như nó tác động trực tiếp đến người dân Việt Nam thì chúng ta cũng không cần phải có một cái chế tài luật nào cả. Để đáp ứng tốt hơn nhu cầu máu cho người bệnh khi mà phong trào của chúng ta chưa thực sự đáp ứng đủ nhu cầu, thì tôi khá mong muốn là luật này sẽ được thông qua”.

Dù mới chỉ ở dạng dự thảo và chứa đựng cả hai phương án về bắt buộc lẫn tự nguyện hiến máu, song một số báo và nhiều người dân Việt Nam đã dành nhiều sự chú ý hơn đến phương án “bắt buộc hiến máu”.

Báo Tuổi Trẻ gọi đó là phương án “gây ra tranh cãi”, trong khi đó trên mạng xã hội, nhiều người phản đối phương án này, coi nó là “sự vi phạm tự do thân thể” hoặc thậm chí là “vi phạm nhân quyền”.

Trước phản ứng của dư luận, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, nói với VOA rằng các ý kiến đều sẽ được tôn trọng và quá trình chuẩn bị cho dự luật còn đang diễn ra:

“Để đưa được phong trào hiến máu nhân đạo vào một cách chính thức trong xã hội, trong cộng đồng thì rất nên luật hóa vấn đề hiến máu. Bây giờ ta mới xây dựng luật, và bước đầu đưa ra để xin ý kiến của các bộ, ban, ngành và nhân dân. Tôi tin có một điều chắc chắn, và tôi cũng là đại biểu Quốc hội thì thấy rằng nhìn chung mà nói các ý kiến của cộng đồng, ý kiến của nhân dân đều được rất tôn trọng, và sẽ có sửa chữa một cách hợp lý để đưa ra để nhận được sự đồng thuận nhiều nhất”.

Theo báo chí Tuổi Trẻ, quan điểm của nhiều chuyên gia trong Bộ Y tế là nghiêng về phương án chỉ đặt ra quy định về hiến máu tình nguyện.

Vị viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cho biết sẽ có 4 vòng góp ý về dự luật và phải đến năm 2018 nó mới được trình Quốc hội để thông qua. Ông nói việc luật hóa về hiến máu là cần thiết để một mặt thúc đẩy phong trào hiến máu nhân đạo, mặt khác cũng “đảm bảo sự bình đẳng trong xã hội văn minh”.

Ông Trí nói người dân cần tham gia hiến máu để góp phần cứu những người bị bệnh tật hoặc gặp tai nạn, thảm họa, ngược lại, trong trường hợp cần thiết những người hiến máu “cũng được xã hội, cộng đồng đảm bảo có máu để sử dụng”.

http://www.voatiengviet.com/a/du-luat-ve-hien-mau-gay-tranh-cai-con-lay-y-kien-den-2018/3668960.html

 

Tổng Bí thư Trọng đi TQ

thăm dò cách đối phó với ông Trump

Việt Nam loan tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ bắt đầu chuyến thăm 4 ngày đến Trung Quốc vào thứ Năm tuần này. Ông Trọng dự kiến sẽ gặp nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Nước Tập Cận Bình.

Hôm Chủ nhật, Tân Hoa xã cũng xác nhận chuyến thăm Trung Quốc của ông Nguyễn Phú Trọng từ ngày 12 đến ngày 15 tháng 01, theo lời mời của ông Tập.

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, một chuyên gia về Chính trị và Bang giao Quốc tế của Đại học George Mason, đồng thời là một học giả của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quan hệ Quốc tế ở Thủ đô Hoa Thịnh Đốn (CSIS) nhận định rằng chuyến thăm Trung Quốc của ông Trọng lần này chỉ mang tính xã giao, “không có thông điệp gì quan trọng.” Việt Nam sẽ phải tiếp tục giữ thế cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc.

“Thế nhưng khi Mỹ có chính quyền mới, trong mối bang giao giữa ba nước Việt Nam – Trung Quốc – Hoa Kỳ thì Việt Nam sẽ tiếp tục đi dây giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Những chuyến thăm của lãnh đạo Việt Nam đến cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều phục vụ cho mục tiêu này. Ngoài ra khi hai nhà lãnh đạo Việt – Trung gặp nhau, ông Tập dĩ nhiên là muốn biết chiến dịch chống tham nhũng ở Việt Nam đi đến đâu và thái độ của Việt Nam đối với chính quyền mới của Mỹ ra sao.”

Được biết sau khi tái đắc cử chức tổng bí thư ở đại hội đảng lần thứ XII, ông Trọng mở chiến dịch chống tham nhũng với châm ngôn “đánh chuột không vỡ bình”. Tuy nhiên, chiến dịch này đang giậm chân tại chỗ và ông Trọng đã tuyên bố rằng việc chống tham nhũng hiện nay vô cùng khó khăn, bởi vì “ta đánh vào ta.”

Theo giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, khi ông Trọng hội đàm với ông Tập, ông Trọng rất mong muốn lắng nghe những suy nghĩ và thái độ của nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc đối với những chính sách Á châu sau ngày 20/01 khi Hoa Kỳ chính thức có tân thổng thống.

“Ông Trọng cũng muốn biết ông Tập nghĩ gì và sẽ làm gì đối với chính quyền mới của ông Trump.”

Giáo sư Hùng cũng nhận định rằng rất khó đoán việc chính quyền mới của ông Donald Trump sẽ ảnh hưởng đến chính sách ngoại giao của Việt Như như thế nào. Bởi vì, hiện nay chính sách của ông Trump về châu Á và Biển Đông chưa rõ ràng.

“Tuy nhiên, căn cứ vào qua những điều mà ông Trump tuyên bố cho đến giờ phút này và căn cứ vào những người mà ông ấy bổ nhiệm thì ông ấy có nói đến Biển Đông, nhưng ưu tiên tầm quan trọng của ông Trump là quan hệ của Mỹ với Trung Quốc, đặc biệt là vấn đề kinh tế được ưu tiên hơn vấn đề chiến lược.”

Giáo sư Hùng cũng cho rằng các nước nhỏ ở Đông Nam Á, trong đó Việt Nam rất quan tâm đến quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc bởi vì hai cường quốc này vì lợi ích kinh tế của mình mà mang các vấn đề khác trao đổi lẫn nhau. Một khi các nước lớn không thể thỏa hiệp được các lợi kinh tế thì vấn đề Biển Đông sẽ mang ra làm vật trao đổi, trong khi đó Việt Nam vẫn chưa tỏ rõ tầm quan trọng trong chính sách của tân tổng thống Mỹ Donald Trump. Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng phân tích thêm:

“Việt Nam chưa lộ rõ hình ảnh quan trọng đối với ông Trump. Điều đó không có nghĩa là Việt Nam không quan trọng. Bởi vì nó tùy thuộc vào thái độ của ông ấy và thái độ các nước khác đối với Mỹ. Thí dụ, nếu Trung Quốc và Mỹ không giải quyết được vấn đề tranh chấp kinh tế, dĩ nhiên là có ảnh hưởng đến hai nước và trong đó có vấn đề Biển Đông. Ông Trump có thể đổi chác vấn đề Biển Đông với Trung Quốc.”

Khi phân tích lý do trên, Giáo sư Hùng dự đoán rằng có thể vấn đề Biển Đông cũng sẽ được sắp xếp trong nghị trình chuyến thăm Trung Quốc của ông Trọng. Tuy báo chí Việt Nam chưa đề cập vấn đề Biển Đông trong nghị trình của ông Trọng vì đây là chủ đề rất nhạy cảm và “tế nhị”, nhưng điều đó không có nghĩa là không xảy ra.

Ngoài ra, Giáo sư Hùng cũng chắc chắn rằng ông Trọng sẽ không như Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, người đã dám tuyên bố cắt đứt quan hệ với Mỹ. Bởi vì ngoài Trung Quốc ra, Hoa Kỳ vẫn là một đối tác rất quan trọng của Việt Nam.

http://www.voatiengviet.com/a/tong-bi-thu-trong-di-tq-do-cach-doi-pho-voi-ong-trump/3669103.html

 

Dân phản đối

di dời chợ Tân Hiệp Kiên Giang ngay dịp trước Tết

Bất chấp sự phản đối của hàng trăm tiểu thương chợ Tân Hiệp (Kiên Giang), chính quyền địa phương đã huy động lực lượng đến cưỡng chếngay trước Tết. Đến chiều tối ngày 10/1, một phần của ngôi chợ đã bị san thành bình địa.

Việc cưỡng chế chợ Tân Hiệp diễn ra trong bối cảnh những ngày cuối năm Bính Thân, giới tiểu thương trong chợ đang cần nơi để buôn bán, đây là thời điểm kiếm được nhiều tiền nhất trong năm. Rất nhiều người đã đứng ra phản đối việc cưỡng chế, nhưng tất thảy đã bị lực lượng công an hùng hậu bắt hốt về đồn.

Việc cưỡng chế chợ Tân Hiệp đã diễn ra từ hơn 2 năm nay, kể từ khi chính quyền bắt tay với Công ty Sao Mai để xây dựng chợ mới cách chợ cũ khoảng 1km. Đến cuối năm 2014, chợ mới xây gần xong, chính quyền huyện Tân Hiệp liền lấy lý do chợ cũ xuống cấp, không bảo đảm được an toàn cháy nổ, nên quyết định di dời sang chợ mới. Hạn cuối cùng để các tiểu thương di dời là ngày 20/3/2015.

Khoảng 300 người đang kinh doanh buôn bán tại đây đã đồng loạt phản đối. Theo phía các tiểu thương, việc xây dựng chợ mới là điều không cần thiết, khi chợ cũ vẫn hoạt động bình thường. Cùng với đó, giá thuê ki-ốt tại chợ mới rất cao, lại xa khu dân cư, gần nghĩa địa…

Theo người dân, giá thuê ki-ốt ở chợ mới có giá từ 200 đến 300 triệu, trong khi phía chính quyền chỉ hỗ trợ cho 3 triệu để di dời. Số tiền còn lại người dân phải gánh chịu. Khi chuyển đến chợ mới, họ vừa mất ki-ốt ở chợ cũ, đã vậy hàng tháng còn phải đóng tiền cho Công ty Sao Mai. Trước khi xây dựng chợ mới chính quyền không hề hỏi ý kiến giới tiểu thương.

Lãnh đạo chính quyền đã bắt tay với doanh nghiệp để bức tử ngôi chợ cũ, o ép các tiểu thương. Từ đó đến nay, giữa chính quyền và giới tiểu thương ở chợ cũ xảy ra nhiều tranh chấp. Phía lãnh đạo chính quyền đã sử dụng rất nhiều chiêu trò để o ép người dân, buộc họ phải di dời sang chợ mới, như: không trông giữ xe máy, để rác không đúng nơi quy định để tạo ra cảnh hỗn loạn. Đến tháng 8/2016, chính quyền huyện Tân Hiệp ban hành quyết định đình chỉ hoạt động chợ cũ, ngưng cung cấp điện. Song, bà con đã kịch liệt phản đối. Những phản ứng của các tiểu thương quá mạnh mẽ khiến chính quyền phải ngưng tay.

Cuối cùng, người dân vẫn không thể thắng được chính quyền, đến chiều tối ngày 10/1, một phần ngôi chợ đã bị san bằng bình địa.

Ngọc Quân/SBTN

http://www.sbtn.tv/dan-phan-doi-di-doi-cho-tan-hiep-kien-giang-ngay-dip-truoc-tet/

 

New Delhi khuyến khích

Hà Nội mua tên lửa phòng không Ấn Độ

Trọng Nghĩa

Theo báo chí Ấn Độ ngày 09/01/2017, New Delhi hiện đang tích cực thảo luận với Hà Nội về khả năng bán cho Việt Nam một hệ thống tên lửa phòng không hoàn toàn do Ấn Độ chế tạo. Đề nghị được phía Ấn Độ đưa ra trong bối cảnh cả New Delhi lẫn Hà Nội đều quan ngại trước đà bành trướng càng lúc càng rõ nét của Trung Quốc tại vùng châu Á-Thái Bình Dương.

Nhật báo Times Of India đã trích dẫn một số nguồn tin thông thạo từ phía Ấn Độ cho biết là đàm phán đang được thúc đẩy về thương vụ bán cho Việt Nam hệ thống tên lửa phòng không khu vực Akash. Hệ thống này có khả năng tiêu diệt được các loại phi cơ chiến đấu, trực thăng và máy bay không người lái UAV trong phạm vi 25km.

Theo các nguồn tin trên, phía Việt Nam đã tỏ ý rất quan tâm đến hệ thống tên lửa phòng không Akash, nhưng muốn được chuyển giao công nghệ và liên doanh sản xuất. Ấn Độ tuy nhiên lại muốn tiến hành theo từng bước, thoạt đầu chỉ bán tên lửa « chế tạo sẵn », rồi sau đó mới tính đến việc chuyển giao công nghệ.

Theo nhật báo Ấn Độ, đàm phán tiến triển thuận lợi, bộ trưởng Quốc Phòng hai nước sẽ sớm gặp nhau trong những ngày tới đây để thúc đẩy thương vụ được lồng vào trong khuôn khổ khoản tín dụng quốc phòng 500 triệu đô la mà thủ tướng Ấn Độ Modi đã chính thức loan báo cho Việt Nam vào tháng Chín năm 2016.

Các nguồn tin được Times of India cũng nhắc đến việc Ấn Độ từng đề nghị bán cho Việt Nam loại tên lửa diệt hạm siêu thanh BrahMos, có tầm bắn xa đến 290 km. Thương vụ này cho đến nay chưa thấy có dấu hiệu tiến triển thêm vì lẽ tên lửa Brahmos do một liên doanh Nga-Ấn hợp tác sản xuất. Theo tờ báo Ấn, việc bán Brahmos cho Việt Nam do đó phức tạp hơn.

Ấn Độ hiện đang đẩy mạnh đà tăng cường quan hệ quân sự đặc biệt là với hai nước đang bị Trung Quốc lấn lướt trên biển là Nhật Bản ở Biển Hoa Đông, và Việt Nam ở Biển Đông.

Riêng đối với Việt Nam, tờ báo trích dẫn bộ trưởng Quốc Phòng Ấn Độ Manohar Parrikar khẳng định rằng Việt Nam là « một người bạn thân thiết », và đã có nhiều sáng kiến nhằm đẩy mạnh việc hợp tác quốc phòng giữa hai nước, từ việc giúp Việt Nam nâng cấp vũ khí đến đào tạo nhân sự điều khiển tàu ngầm và chiến đấu cơ.

Quan hệ đối tác chiến lược Việt Ấn, có từ năm 2007, đã được nâng lên thành « đối tác chiến lược toàn diện » nhân dịp thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thăm Hà Nội tháng 09/2016.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20170110-new-delhi-khuyen-khich-ha-noi-mua-ten-lua-phong-khong-an-do

 

Việt Nam trước áp lực đồng đô la mạnh, lãi suất tăng

Thanh Hà

Theo chuyên gia Vũ Quang Việt, nguyên là chuyên gia về thống kê của Liên Hiệp Quốc, đối với Việt Nam : « Tạo ổn định kinh tế trong thời gian sắp tới khó khăn hơn nhiều, vì đồng đô la tăng giá, vì lãi suất ngân hàng trên thế giới và cả ở Việt Nam gia tăng, lạm phát ở Việt Nam cũng sẽ cao hơn so với năm vừa qua ».

Giữa tháng 12/2016, đô la Mỹ tăng giá ở mức cao nhất kể từ năm 2004. Sau khi Donald Trump đắc cử tổng thống vào tháng 11/2016, ngoại tệ được ưa chuộng nhất thế giới tăng giá thêm 3 %. Cục Dự Trữ Liên Bang Mỹ đã tăng lãi suất chỉ đạo vào những tuần lễ cuối năm 2016 và dự trù siết chặt thêm chính sách tiền tệ qua ba đợt khác nhau trong tài khóa 2017. Thêm vào đó, theo các dự báo, tăng trưởng của Hoa Kỳ trong năm nay sẽ vững mạnh. Tất cả những yếu tố trên đây cho thấy, đồng đô la Mỹ có khuynh hướng tăng giá từ 5 tới 7 % so với năm 2016.

Riêng trên thị trường Việt Nam, cuối năm 2016 đô Mỹ tăng giá 4 % so với 12 tháng trước đó.

Đô la mạnh chỉ là một yếu tố

Nợ công theo định nghĩa của Việt Nam – gồm nợ của chính phủ và nợ do chính phủ bảo lãnh –  đến cuối năm 2016 lên tới 115 tỉ đô la, tăng gấp đôi so với năm 2011. Theo báo cáo của bộ Tài Chính Việt Nam được công bố ngày 06/01/2017, cho đến cuối 2016, tổng nợ công của chính phủ tương đương với hơn 53% tổng sản phẩm nội địa và nếu tính luôn cả nợ do chính phủ đi vay và bảo lãnh, tỉ lệ này lên tới gần sát trần 65 % như quy định của Quốc Hội cho kế hoạch 2016-2020 đã được thông qua vào tháng 11/2016.

Hiện tượng đô la tăng giá có lợi cho xuất khẩu Việt Nam vì hàng Việt tính bằng đô la sẽ rẻ hơn trên thị trường, nhưng hóa đơn thanh toán bằng đô la cho các nhà cung cấp sẽ « nặng hơn » với các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên theo chuyên gia kinh tế Vũ Quang Việt, nhìn chung, cán cân thương mại của Việt Nam không bị thiệt hại nhiều vì những giao động của đồng đô la trong năm. Đáng quan ngại hơn là nợ của Việt Nam được tính bằng đô la.

Nợ của Việt Nam tính bằng đô la

Cụ thể là khi đồng tiền Mỹ tăng giá, Việt Nam – hay bất kỳ một quốc gia nào đi vay bằng đô la đều phải huy động thêm nội tệ để trả nợ. Trả lời ban Việt ngữ RFI, ông Vũ Quang Việt, nguyên là chuyên gia thống kê của Liên Hiệp Quốc, không chỉ quan ngại trước hiện tượng này mà ông còn đặc biệt chú ý đến áp lực của lạm phát, đẩy lãi suất ngân hàng lên ít nhất là 2 điểm, khiến gánh nặng nợ nần của Việt Nam càng đáng lo ngại :

Chuyên gia kinh tế Vũ Quang Việt- New York. Ngày 10/01/201710/01/2017Nghe

« Đồng đô la trên thế giới nói chung tăng giá, lãi suất cũng vậy. Ở Việt Nam ảnh hưởng còn mạnh hơn vì nhu cầu phải đi vay tín dụng và trả nợ. Nhìn vào thống kê, năm 2016 đô la tăng giá 4 % ở Việt Nam. Bên cạnh chuyện đô la tăng giá, còn phải chú ý tới lãi suất. Trước đây, lãi suất ở Việt Nam rất cao vì lạm phát. Hai năm trở lại đây, khi lạm phát giảm xuống thì một số ngân hàng vẫn còn giữ lãi suất ở mức 5 hay 6 % để kiếm lời. Nhưng khi vật giá leo thang lên trở lại, ngân hàng buộc phải tiếp tục đẩy lãi suất lên thêm khoảng 2 điểm nữa, tức là khoảng từ 7 đến 8 % trong năm … ».

Nhưng 115 tỉ đô la là chỉ thu hẹp ở phạm trù nợ công, tức là nợ nhà nước đi vay và nợ do chính phủ bảo lãnh, bên cạnh đó còn có khoản nợ của các doanh nghiệp tư nhân và quốc doanh. Tính luôn cả khối nợ của các doanh nghiệp, chuyên gia về thống kê Vũ Quang Việt nêu ra con số nợ hơn 300 tỉ đô la của Việt Nam, lớn hơn với cả tổng sản phẩm nội địa. Điều đáng báo động là tổng số nợ so với vốn là gấp hai lần. Một số các tập đoàn doanh nghiệp nhà nước thậm chí vẫn có thể vay được tín dụng lớn gấp ba lần so với vốn. Từ đó dẫn tới tình trạng « nợ dây chuyền ».

Cuối cùng, theo ông Vũ Quang Việt, vấn đề nằm ở chỗ, chi tiêu trong ngân sách của Việt Nam đã tương đương với 34 % GDP, một tỉ lệ cao hơn nhiều so với các nước Đông Nam Á chung quanh. Không làm chủ được lạm phát thì sẽ đẩy lãi suất ngân hàng lên cao, giải quyết nợ càng trở nên một thách thức đối với chính phủ Việt Nam, với nhiều rủi ro đi kèm, nhất là khi 60 % nợ của chính phủ Việt Nam là do đi vay từ tư nhân ở trong nước và đó là những khoản nợ ngắn hạn.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20170110-viet-nam-truoc-ap-luc-dong-do-la-manh-lai-suat-tang