Tin Việt Nam – 10/11/202
Lâm tặc phá rừng một phần, diện tích 9 phần còn lại do nhà cầm quyền phá
Tin Vietnam.- Báo Lao động ngày 9 tháng 11 năm 2020 loan tin, báo cáo của bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn của Cộng sản cho biết, thủ phạm phá rừng, làm mất diện tích đất rừng lớn nhất ở Việt Nam không phải là lâm tặc, mà chính là nhà cầm quyền vì chủ trương chuyển mục đích rừng để làm dự án.
Theo dữ kiện chỉ tính từ năm 2012 đến 2017 của bộ Nông nghiệp Cộng sản, đã có 89% tổng diện tích rừng tự nhiên bị mất là do nhà cầm quyền chuyển mục đích sử dụng rừng sang làm các dự án kinh tế như thuỷ điện, hồ thuỷ lợi và các dự án khác.
Với mức độ trên thì số rừng bị nhà cầm quyền cho phá một cách hợp pháp đã cao gấp 9 lần so với lâm tặc phá. Giải thích cho hành vi phá rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cộng sản nói, do nhu cầu sử dụng đất cho phát triển kinh tế, xã hội ngày càng lớn, nên một số địa phương đã cho chuyển mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp.
Mặc dù tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra mạnh mẽ ở Việt Nam, nhưng ông Cường cho biết, hiện các địa phương đang đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng từ nay đến năm 2020 với diện tích là 60,129 ha, trong đó có 16,866 ha là rừng tự nhiên.
Với thực tế phá không ai bằng như trên, nhưng không hiểu vì nguyên nhân gì mà ông Cường vẫn báo cáo là trong 30 năm qua, diện tích rừng tự nhiên ở Việt Nam đã tăng từ 9 triệu ha lên 14.6 triệu ha, trong đó có 10.3 triệu ha là rừng tự nhiên, số còn lại là “rừng” cây cao su, cây cà phê, và cây hồ tiêu.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/lam-tac-pha-rung-mot-phan-dien-tich-9-phan-con-lai-do-nha-cam-quyen-pha/
Bão số 12 đổ bộ Khánh Hòa – Phú Yên
Trưa 10/11, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết bão số 12 đã đi vào đất liền các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận.
Sức gió mạnh nhất cấp 8, giật cấp 10. Trên đất liền đã có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9 đến cấp 11.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết lúc 8 giờ sáng, tâm bão nằm sát bờ biển các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận, gây gió mạnh và mưa rất lớn cho khu vực. Hiện, bão duy trì sức gió cấp 8, giật cấp 10.
Dù suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, bão số 12 vẫn gây mất điện tại nhiều địa phương. Nhiều khu dân cư, các tuyến đường ở Phú Yên, Khánh Hòa đã ngập sâu trong nước, hàng loạt cây xanh bị bật gốc và người đi đường bị gió quật ngã.
Vì sao thiên tai ở miền Trung VN ngày càng trầm trọng?
Mưa lũ miền Trung: Thiên tai hay nhân tai?
Lúc 11 giờ, ông Lê Hồng Phương, Phó chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa, cho biết do mưa lớn kéo dài từ đêm 9/11 nên khu vực đường sắt tại Km 1233+600 (Đại Lãnh, Vạn Ninh) bị ngập nước nặng khiến tàu SE2 di chuyển theo hướng từ Nam ra Bắc hiện đang phải tạm dừng.
Đồng thời, ông Phong cho biết huyện đã đi dời 52 hộ dân ở khu vực chân Đèo Cả đến nơi an toàn, cũng như triển khai lực lượng túc trực ở các cảng để ngăn người dân ra lại các lồng bè nuôi thủy sản trên biển.
Trên sông Dinh thuộc huyện Ninh Hòa, Khánh Hòa xuất hiện một đợt lũ ở mức trên dưới báo động III. Trên sông Cái thuộc Nha Trang xuất hiện lũ ở mức báo động II, III. Nguy cơ ngập úng ở vùng trũng, ven sông, các khu đô thị Ninh Hòa, Nha Trang. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ cấp 1.
Tại Bình Định, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cảnh báo sạt lở núi và mưa to ở tỉnh này. Trước bão số 12, TP Quy Nhơn đã di dời hàng trăm hộ dân dưới chân núi Bà Hỏa và Vũng Chua, nơi có nguy cơ sạt lở cao.
Ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định cũng chỉ đạo ngành y tế ngừng họp để cùng người dân ứng phó bão. Công ty Điện lực tỉnh Bình Định cho biết bão 12 đã gây ra 23 sự cố lưới điện, làm 758 trạm biến áp mất điện.
Ngoài bão số 12, đại diện cơ quan khí tượng cũng cho biết cơn bão Vamco chuẩn bị vào Biển Đông có nhiều điểm gần giống bão số 9 (Molave) với điều kiện nhiệt lực, động lực lớn và tiềm năng mạnh lên rất cao. Hiện, bão ở cấp 8-9 và tăng nhanh trong 2 ngày tới, khả năng đổ bộ vào Philippines với sức gió mạnh cấp 13.
Sau đó, bão Vamco giữ sức gió mạnh cấp 12, giật cấp 15 sẽ đi vào Biển Đông sáng 12/11. Chuyên gia đánh giá đây là cơn bão mạnh, di chuyển nhanh với hoàn lưu rộng.
Mưa lũ 2020: Nhớ lại trận lụt đau thương năm 1999
Theo đó, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các địa phương gấp rút triển khai phương án ứng phó với bão số 12, mưa lũ sau bão và cần sớm lên kế hoạch ứng phó với cơn bão số 13 sắp tới.
Bão Etau được xem là bão số 12 của Việt Nam. Trước đó, trong tháng 10, miền Trung hứng chịu bốn cơn bão và một áp thấp nhiệt đới, nhiều bằng tháng 10/1993.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54883265
90% nước thải sinh hoạt
thải ra môi trường chưa qua xử lý
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường Trần Hồng Hà cho biết có đến 90% nước thải sinh hoạt chưa được xử lý khi thải ra môi trường.
Tại phiên họp Quốc hội vào sáng ngày 9/11, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh rằng tình trạng ô nhiễm môi trường tại nhiều lưu vực sông ở Việt Nam hiện nay là thực trạng chung, do nước thải chưa được xử lý khi thải ra môi trường.
Trước đó, tại Hội nghị Giải trình “An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ đập” do Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, tổ chức sáng ngày 17/8, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng đề cập đến việc ô nhiễm nguồn nước do khai thác khoáng sản, sử dụng hóa chất trong nông nghiệp, nước thải chưa xử lý của các đô thị, công nghiệp, làng nghề; trên 90% nước thải sinh hoạt nông thôn chưa được xử lý.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà giải thích những khó khăn, bất cập trong giải quyết tình trạng ô nhiễm các hệ thống sông là do quy định của pháp luật về cấp phép xả nước thải còn chồng chéo, chưa rõ trách nhiệm giữa các bộ ngành.
Ông Trần Hồng Hà, tại hội nghị hôm 17/8, cho biết Bộ Tài nguyên-Môi trường đang triển khai việc sửa Luật Bảo vệ môi trường, hướng đến việc kiểm soát chặt nguồn nước thải, nước thải xả ra môi trường
phải đạt quy chuẩn. Đồng thời, Bộ này đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án kiểm soát đặc biệt đối với các cơ sở tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; xây dựng tiêu chí về môi trường làm cơ sở lựa chọn, sàng lọc loại hình sản xuất và công nghệ có nguy cơ gây ô nhiễm…
Tại phiên họp Quốc hội sáng ngày 9/11, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói rằng Chính phủ đã đầu tư hơn 20 nghìn tỷ đồng vào các trạm quan trắc môi trường để khắc phục tình trạng ô nhiễm nguồn nước ở Hà Nội, Hà Nam, Hòa Bình…Tuy nhiên, để xử lý triệt để thì cần phải giải quyết bài toán làm thế nào kiểm soát được lượng nước thải khi thải ra môi trường.
Phú Yên: 50 hồ thủy lợi, thủy điện đồng loạt xả lũ
Hiểu Minh
Ông Trần Hữu Thế, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, việc tất cả các hồ thủy điện, thủy lợi xả lũ như thế sẽ gây ngập nhiều vùng của tỉnh, đe dọa tính mạng của người dân, theo Báo Người lao động.
11 giờ trưa 10/11, Thủy điện Sông Ba Hạ (Phú Yên) đã nâng mức xả lũ lên 2.000 m3/giây. Nước cũng đang về với lưu lượng gần 1.200 m3/giây đối với Thủy điện Sông Hinh, nhưng hiện thủy điện này chỉ mới xả nước chạy máy. Riêng Thủy điện La Hiêng 2 (huyện Đồng Xuân) cũng đã xả tràn với lưu lượng khoảng 350m3/giây.
Theo ông Trần Hữu Thế, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, tất cả 50 hồ thủy lợi của tỉnh này cũng đang xả lũ. “Việc tất cả các hồ thủy điện, thủy lợi xả lũ như thế này sẽ gây ngập nhiều vùng của tỉnh, đe dọa tính mạng của người dân. Vì vậy, tỉnh đang giám sát chặt chẽ việc này để không gây thiệt hại về người, hạn chế tối đa thiệt hại về tài sản cho người dân”- ông Thế nói.
Trưa nay 10/11, bão số 12 đã đi vào đất liền các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Phú Yên mưa to diện rộng, cao nhất trong các tỉnh Nam Trung bộ tính đến thời điểm này
Theo báo Tuổi Trẻ cập nhật, 12h ngày 10/11, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên cho biết do ảnh hưởng của bão số 12, toàn tỉnh có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 89,6-318,6mm (lượng mưa lớn nhất tại Hòa Thịnh, Tây Hòa: 318,6mm).
Bão khiến 1 người bị thương (do tai nạn giao thông), làm sập 3 ngôi nhà, trong đó 1 nhà bị sập hoàn toàn; 64/110 xã của tỉnh bị mất điện (tính đến 10h ngày 10/11).
Lúc 10h sáng 10/11, ông Trần Hữu Thế – phó bí thư Tỉnh ủy, phó chủ tịch tỉnh Phú Yên cho biết theo báo cáo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Phú Yên, tại Đông Hòa có gió bão cấp 9, giật cấp 11. Bước đầu đã có một số địa phương bị chia cắt, mất điện, chưa thống kê được thiệt hại cụ thể.
Theo ghi nhận, từ 19h ngày 9/11 đến 9h15 ngày 10/11, Phú Yên có mưa rất to trên diện rộng, trong đó tại xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa lượng mưa lên đến 283mm – cao nhất trong các tỉnh khu vực Nam Trung bộ tính đến thời điểm này.
Mưa rất lớn cũng được ghi nhận tại Sơn Xuân (huyện Đồng Xuân): 243mm, Hòa Thắng (huyện Phú Hòa): 213,8mm, Hòa Vinh (thị xã Đông Hòa): 208,6mm, Sơn Định (huyện Sơn Hòa): 193,6mm…
Hiện tại, cả thị xã Đông Hòa và huyện Đồng Xuân đã bị mất điện. Báo cáo của Điện lực Phú Yên lúc 9h cho biết đã có 45/110 xã, phường, thị trấn ở tỉnh này bị mất điện do bão.
https://www.dkn.tv/thoi-su/phu-yen-50-ho-thuy-loi-thuy-dien-dong-loat-xa-lu.html
Người dân quanh Điện lực Vĩnh Tân
phải di dời vì bụi và tiếng ồn
Chính quyền tỉnh Bình Thuận hôm 10/11 vừa quyết định di dời người dân sống gần Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, vì thông số bụi và tiếng ồn đã vượt ngưỡng.
Truyền thông nhà nước Việt Nam loan tin vừa nói cùng ngày theo báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết của tỉnh Bình Thuận về giám sát bảo vệ môi trường tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân.
Theo báo cáo, khi kho than Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng bắt đầu hoạt động từ đầu tháng 3 năm 2020, bụi than xuất hiện nhiều hơn và lan rộng ra địa bàn thôn Vĩnh Phúc và thôn Vĩnh Tiến thuộc huyện Vĩnh Tân và Tuy Phong.
Cụ thể, kết quả phân tích mẫu không khí xung quanh khu vực dân cư thôn Vĩnh Phúc cho thấy thông số bụi đã vượt từ 1,19 đến 1,63 lần so với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí; và tiếng ồn vào ban đêm đã vượt khoảng 1,05 lần.
Ngoài ra, các nhà máy của Vĩnh Tân hoạt động có lưu lượng chất thải phát sinh rất lớn như nước thải, nước làm mát, khí thải, tro xỉ, bụi than…
Trước đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cũng đã đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận xem xét sớm việc di dời các hộ dân bị ảnh hưởng bởi bụi, tiếng ồn của Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, để tạo hành lang an toàn.
Tin cũng cho biết, hiện UBND tỉnh Bình Thuận dù đã phối hợp với Cục Bảo vệ môi trường miền Nam giám sát việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong việc thu gom, xử lý chất thải ở Vĩnh Tân; tuy nhiên, hiện một số nội dung vẫn chưa được giải quyết như việc tiêu thụ tro, xỉ nhà máy nhiệt điện thay cho giải pháp chôn lấp tại bãi xỉ, vì hiện nay tro xỉ thải ra đã quá nhiều.
Trung tâm điện lực Vĩnh Tân có 5 dự án nhà máy nhiệt điện, trong đó có nhà máy Vĩnh Tân 4 do Trung Quốc đầu tư.
Cư dân địa phương ở xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, nơi các nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân được xây dựng, suốt nhiều năm qua đã lên tiếng phản đối tình trạng ô nhiễm môi trường do các nhà máy này gây ra. Tháng 4/2015, người dân đã chặn Quốc lộ 1A; nhiều người bi cho quá khích đã dùng đá, bom xăng tấn công lực lượng chức năng.
Người nuôi heo bán đàn giá rẻ
vì lo dịch tả heo Châu Phi
Theo truyền thông Nhà nước Việt Nam, nhiều hộ chăn nuôi heo tại Hà Nam chấp nhận bán tháo đàn giá rẻ để “chạy” dịch tả heo châu Phi.
Dịch tả heo châu Phi đã xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước từ tháng 10 đến nay. Tại Đắk Lắk, có 42/184 xã/phường ở 15 huyện, thành phố, thị xã của tỉnh có heo bị dịch. Tại miền Bắc, ổ dịch cũng xuất hiện ở nhiều địa phương chăn nuôi số lượng lớn trên địa bàn tỉnh Hà Nam, như huyện Lý Nhân, huyện Bình Lục.
Báo Dân Việt dẫn lời ông Đỗ Thế Trọng – Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam rằng, huyện này xuất hiện heo ốm, chết ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Cơ quan chức năng vẫn đang tìm nguyên nhân, chưa kết luận là do dịch tả heo châu Phi, dù ở huyện Lý Nhân – huyện giáp ranh với Bình Lục – đã có mấy xã xuất hiện dịch tả heo châu Phi.
Cũng tin liên quan, hôm 6 tháng 11, tại phiên chất vấn của Kỳ họp thứ 10 – Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, hiện Việt Nam đã hợp tác, tiếp nhận sản xuất lô vaccine dịch tả heo châu Phi bước đầu thử nghiệm rất khả quan. Dự kiến khoảng quý 3/2021 Việt Nam sẽ có vaccine dịch tả heo châu Phi.
Ngoài ra, Bộ NN&PTNT đã tổng kết nhân rộng mô hình sử dụng các chế phẩm sinh học chăn nuôi an toàn với tổng đàn 100.000 con heo sinh trưởng tốt, không có dịch bệnh.
Vào năm ngoái, dịch tả heo Châu Phi xảy ra tại khắp 63 tỉnh thành Việt Nam khiến gần 6 triệu con heo mắc bệnh bị tiêu hủy.
Ông Trương Hoà Bình cập nhật
vụ công ty phân bón Thuận Phong
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình, vào sáng 10/11, đã trả lời câu hỏi của một đại biểu quốc hội, Nguyễn Sỹ Cương, về việc vì sao vẫn chưa xử lý xong tranh cãi quanh vụ công ty phân bón Thuận Phong.
Diễn tiến mới của vụ phân bón Thuận Phong
Vụ phân bón Thuận Phong: Vì sao kéo ‘quá lâu’?
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trả lời rằng trách nhiệm chính trong vụ việc công ty phân bón Thuận Phong thuộc về các cơ quan tư pháp “giải quyết theo đúng quy định của pháp luật”.
Dường như diễn tiến mới nhất là vào ngày 15/4 năm nay khi cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai nhận được kết luận giám định của Bộ Công thương.
Ngày 3/4/2020, theo yêu cầu của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai, cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã ban hành quyết định số 05 gửi Bộ Khoa học và Công nghệ trưng cầu giám định bổ sung.
Sau đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành kết quả giám định bổ sung theo yêu cầu của cơ quan điều tra công an tỉnh Đồng Nai.
“Như vậy, hiện nay vụ việc đang thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan tố tụng hình sự, các Bộ: Công thương, Khoa học và Công nghệ đã có kết quả giám định theo yêu cầu của cơ quan tố tụng hình sự”, Phó Thủ tướng Thường trực cho biết.
Bộ Công an sẽ “chỉ đạo các cơ quan cảnh sát điều tra phối hợp liên ngành tư pháp để đánh giá tài liệu, chứng cứ theo thẩm quyền của mình và chịu trách nhiệm giải quyết vụ việc theo đúng quy định của pháp luật”, theo trả lời của ông Trương Hòa Bình ngày 10/11.
Đây là một vụ việc đã kéo dài 5 năm chưa xong.
Nguồn gốc
Vụ việc liên quan công ty phân bón Thuận Phong bắt đầu từ ngày 24/4/2015, khi Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389 quốc gia) tiến hành kiểm tra nơi sản xuất của Công ty Thuận Phong, tỉnh Đồng Nai.
Một bản tin năm 2015 của trang web Chính phủ Việt Nam cho hay tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra liên ngành đã phát hiện “hành vi sang chiết, đóng chai phân bón (dạng nước) mang nhãn hiệu VITOL, làm giả nguồn gốc, xuất xứ “MADE IN USA” của Công ty Thuận Phong”.
Vào tháng 10/2015, ông Nguyễn Xuân Phúc, thời điểm đó là Phó Thủ tướng và Trưởng ban chỉ đạo 389 quốc gia, chỉ đạo giao Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương – Phó Trưởng ban chỉ đạo 389 quốc gia – tiến hành điều tra.
Vài tháng sau, ngày 24/3/2016, tại một cuộc họp của Bộ Công an, Thứ trưởng Lê Quý Vương kết luận những sai phạm của Công ty Thuận Phong “không có dấu hiệu tội phạm, không có căn cứ để xử lý hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng giả”, theo tường thuật trên báo Hải Quan
Tiếp đó, công an tỉnh Đồng Nai ra quyết định không khởi tố vụ án.
Nhưng sau ý kiến phản đối của một số bộ, ngành, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, lúc này đã thay Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng ban chỉ đạo 389 Quốc gia, chủ trì cuộc họp ngày 12/11/2016.
Tại đây, ông Trương Hòa Bình đồng ý với ý kiến của 4 bộ: Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Tư pháp, Quốc phòng rằng công ty Thuận Phong “có dấu hiệu sản xuất, buôn bán hàng giả là phân bón”, theo báo Quân đội Nhân dân.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình sau đó yêu cầu các bộ “truy cho ra tận gốc” vụ việc.
Vụ việc vẫn tiếp tục kéo dài, mặc dù sang tháng 5/2017, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao yêu cầu hủy quyết định không khởi tố vụ án hình sự để tiếp tục điều tra.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54890999
Luật sư thực sự được tạo điều kiện
trong quá trình tố tụng như lời Tướng Tô Lâm?
Luật sư luôn được tạo điều kiện tham gia
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, khi trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội hôm 6/11, cho biết trong năm 2020, cơ quan điều tra đã cấp hơn 3.700 giấy chứng nhận bào chữa theo yêu cầu của bị can, tăng so với trước gần 2,5 % và gần 7.200 giấy chứng nhận bào chữa cấp theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự. Số liệu này được ghi nhận tăng hơn 17%.
Đại tướng Tô Lâm nhắc lại Bộ Công an đã ban hành Thông tư 46, quy định công an thực hiện theo Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 liên quan bảo đảm quyền bào chữa cho người bị tạm giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc theo quyết định truy nã người bị tạm giữ, bị can và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố.
Thực tế hoàn toàn trái ngược?
Luật sư Phạm Công Út, vào tối ngày 9/11, lên tiếng với RFA rằng ông ghi nhận Bộ Luật Tố tụng Hình sự năm 2015 có những điều luật tiến bộ, nhưng trong thực tế chưa được khả thi.
Theo Bộ luật Hình sự 2015, có 6 nhóm đối tượng phải có luật sư nếu như họ yêu cầu. Đó là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố; người bị giữ trong trường trường hợp khẩn cấp; người bị bắt; người bị tạm giữ; bị can và bị cáo.
Luật sư Phạm Công Út giải thích thêm tình hình liên quan trong thực tế ở Việt Nam:
“Ba chủ thể đầu tiên, tức là người bị tố giác hay những trường hợp khác mà tôi vừa mới trình bày như bị bắt gặp quả tang, hoặc bị nghi ngờ thì các trường hợp đó hầu như đều không có luật sư. Hoặc có luật sư thì họ từ chối rằng ‘chúng tôi chưa khởi tố, nên chúng tôi không thể đưa vào sổ công nhận sự bào chữa’. Đó là câu trả lời của hầu hết cơ quan công an, bao gồm công an điều tra và công an phường. Vấn đề thứ hai, đối với các loại tội phạm phải có luật sư khi họ yêu cầu hay đối với những tội phạm có những khung hình phạm thuộc loại rất nghiêm trọng cho tới đặc biệt nghiêm trọng. Trước đây đối với đặc biệt nghiêm trọng thì bắt buộc phải có luật sư, nhưng bây giờ sửa đổi lại là rất nghiêm trọng phải có luật sư. Tuy nhiên, có nhiều vụ án thuộc loại đặc biệt nghiêm trọng thì bằng cách này hoặc cách khác dù người ta yêu cầu phải có luật sư một cách quyết liệt nhưng cuối cùng họ phải ký vào một cái đơn gọi là ‘từ chối luật sư’. Như vậy, có một áp lực nào đó mà ông Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm có biết hay không?”
Chúng ta phải khẳng định một điều chắc chắn 100% là ngành công an, viện kiểm sát và tòa án của Nhà nước Cộng sản Việt Nam là công cụ của Đảng CSVN để cai trị đất nước Việt Nam. Bản thân Đảng CSVN cũng từng nói rằng tất cả các cơ quan đấy đều phục vụ cho quyền và lợi ích của Đảng. Trong điều kệ Đảng đã khẳng định điều này. Thế cho nên, những cái gì có lợi cho Đảng và chế độ thì họ làm thôi. Tức nhiên trong quá trình hội nhập quốc tế và trình độ dân trí ngày càng nâng cao thì đương nhiên là họ từng bước tiến hành cải cách, nhưng những cải cách đó không mang tính triệt để chỉ mang tính nửa vời
-Luật sư Nguyễn Văn Đài
Luật sư Nguyễn Văn Đài, trong cùng ngày 9/11, nêu lên quan điểm của ông rằng số liệu giấy chứng nhận bào chữa của bị can yêu cầu và được cấp tăng trong năm 2020 qua tuyên bố của Bộ trưởng Tô Lâm cần được hiểu là số người bị bắt giữ cùng số vụ án gia tăng ở Việt Nam, chứ thực tế không mang ý nghĩa chính xác như lời Bộ trưởng lý giải.
Bản thân là một nhân chứng cụ thể, luật sư Nguyễn Văn Đài cho biết khi công an đến nhà đọc lệnh bắt giữ ông, hồi trung tuần tháng 12/2015, thì ông đã yêu cầu phải có luật sư bảo vệ cho mình. Tuy nhiên, công an và nhân viên của Viện Kiểm sát đã đưa ra văn bản kèm theo chữ ký của Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao, ghi rõ vụ án “liên quan đến an ninh quốc gia” nên yêu cầu có luật sư bị bác bỏ.
Luật sư Nguyễn Văn Đài cho biết thêm trong suốt quá trình điều tra, ông đều yêu cầu phải có luật sư trong mỗi lần làm việc với an ninh. Thế nhưng, ông đều bị từ chối với lý do tương tự.
Vị luật sư nhân quyền bị Chính quyền Việt Nam tống xuất đến Đức tị nạn vào năm 2018, kể lại với RFA về diễn tiến của quá trình ông yêu cầu được có luật sư bào chữa:
“Thế thì đến khi kết thúc điều tra, họ vẫn tìm mọi cách trì hoãn để không cho luật sư của tôi tham gia. Cho đến khi hồ sơ của tôi được chuyển sang Viện Kiểm sát, vào một hôm trong lúc tôi chờ đợi gặp luật sư do gia đình cử vào nhưng đã không được gặp, thì tôi được gọi ra ngoài và họ nói rằng tôi được gặp luật sư. Khi gặp luật sư thì tôi được nghe ông nói rằng ông được Viện Kiểm sát chỉ định vì gia đình của tôi không thuê luật sư, do hồ sơ của tôi liên quan đến tội nghiêm trọng, cho nên đoàn luật sư đã cử ông. Vị luật sư này nhấn mạnh rằng khi Viện Kiểm sát gửi giấy về cho đoàn luật sư thì không có một luật sư nào dám nhận bào chữa cho tôi cả và do ông là bí thư của đoàn luật sư cũng như khi đọc hồ sơ của tôi thì ông cảm thấy hâm mộ tôi nên ông nhận bào chữa cho tôi.”
Luật sư Nguyễn Văn Đài nhận ra ông đã bị lừa. Lý do vì gia đình và các luật sư được gia đình ủy thác đại diện pháp lý cho ông đã nộp đơn đến Cơ quan Điều tra và Viện Kiểm sát nhưng đều bị làm ngơ. Và vị luật sư được chỉ định đại diện cho ông chính là người làm việc cho cơ quan an ninh, với mục đích thăm dò quan điểm về vụ án như thế nào vì từ khi có kết luận điều tra cho đến cáo trạng được thành lập thì ông đều giữ quyền im lặng và giữ quan điểm bào chữa cho đến khi gặp được luật sư.
“Khi vị luật sư gọi là làm việc cho an ninh này vào thì ông ta dùng những lời lẽ với mỹ từ rất hay. Khi đấy thì tôi bộc lộ ra những điều tôi mong muốn được bào chữa thế nào, quan điểm vụ án ra sao lúc trả lời câu hỏi của vị luật sư này. Và khi ra tòa thì tôi bị hớ vì tất cả những gì tôi chuẩn bị đều bị tòa án bóp méo. Tòa đã không hỏi và cũng không cho tôi cơ hội để nói những vấn đề mà mình đã chuẩn bị. Tức là, họ đã không cho luật sư của mình vào mà họ còn tìm cách lừa dối mình để làm lộ quan điểm bào chữa của mình trước đó để tìm cách đối phó với mình.”
Ngành tư pháp của Việt Nam đang bị thụt lùi
Nhận định về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Tô Lâm trong phiên họp Quốc hội ngày 6/11, luật sư Nguyễn Văn Đài nhấn mạnh:
“Chúng ta phải khẳng định một điều chắc chắn 100% là ngành công an, viện kiểm sát và tòa án của Nhà nước Cộng sản Việt Nam là công cụ của Đảng CSVN để cai trị đất nước Việt Nam. Bản thân Đảng CSVN cũng từng nói rằng tất cả các cơ quan đấy đều phục vụ cho quyền và lợi ích của Đảng. Trong điều lệ Đảng đã khẳng định điều này. Thế cho nên, những cái gì có lợi cho Đảng và chế độ thì họ làm thôi. Tức nhiên trong quá trình hội nhập quốc tế và trình độ dân trí ngày càng nâng cao thì đương nhiên là họ từng bước tiến hành cải cách, nhưng những cải cách đó không mang tính triệt để, chỉ nửa vời.”
Luật sư Nguyễn Văn Đài cho rằng dưới sức ép của người dân và giới luật sư ở trong nước thì Chính quyền Việt Nam cũng buộc phải cải cách, nhưng không theo đúng chuẩn mực quy định của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam.
Đồng quan điểm, luật sư Phạm Công Út cho rằng ngành tư pháp đang lạm dụng về vấn đề luật pháp. Điển hình rõ ràng nhất là những vụ án bị quy tội “gây rối trật tự công cộng”, không có liên quan gì đến “xâm phạm an ninh quốc gia”, nhưng lại bị ghép vào “vụ án chính trị” thì luật sư tham gia trong quá trình điều tra cũng bị từ chối.
Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp với tầm nhìn đến năm 2020 thì coi như đã hoàn tất chương trình 15 năm cải cách tư pháp. Thế thì tôi coi như đã chưa cải cách tư pháp được mà đang đi thụt lùi. Một sự thụt lùi về vấn đề tư pháp
-Luật sư Phạm Công Út
Đài RFA ghi nhận qua vụ án Đồng Tâm, một vụ án được dư luận trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm, luật sư Ngô Anh Tuấn cũng từng phản ánh với RFA về những khó khăn của các luật sư trong việc tiếp cận thân chủ và hồ sơ vụ án trong quá trình điều tra. Bên cạnh đó, thời gian họ được tiếp xúc và nghiên cứu hồ sơ vụ án cũng bị hạn chế vì cận kề ngày phiên tòa sơ thẩm được mở ra.
Một trường hợp điển hình mới đây nhất, luật sư Hà Huy Sơn, vào ngày 5/11 nói với RFA rằng ông đã được gặp thân chủ của mình là ông Trần Đức Thạch tại trại tạm giam tỉnh Nghệ An. Đây là lần đầu tiên sau khi kết thúc giai đoạn điều tra, tuy nhiên luật sư Hà Huy Sơn không được quyền sao chụp hồ sơ vụ án để làm căn cứ bào chữa mà chỉ được viết lại.
Nhà thơ Trần Đức Thạch là một nhà hoạt động nhân quyền, thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ, bị bắt hồi tháng 4/2020 với cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 109 Bộ luật hình sự 2015.
Luật sư Phạm Công Út cho rằng ngành tư pháp Việt Nam đang bị thụt lùi, không giống như những lời tuyên bố của Đại tướng Tô Lâm trước Quốc hội:“Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp với tầm nhìn đến năm 2020 thì coi như đã hoàn tất chương trình 15 năm cải cách tư pháp. Thế thì tôi coi như đã chưa cải cách tư pháp được mà đang đi thụt lùi. Một sự thụt lùi về vấn đề tư pháp”.
Bộ trưởng Bộ Công an thừa nhận
nhiều cán bộ sử dụng giấy tờ giả
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thừa nhận rằng ngay trong đội ngũ cán bộ có nhiều người sử dụng giấy tờ giả. Truyền thông Nhà nước Việt Nam dẫn phát biểu của ông Tô Lâm tại phiên chất vấn của đại biểu Quốc hội hôm ngày 9 tháng 11 về tình trạng mua bán giấy tờ giả trên mạng.
Cụ thể tình trạng mua bán giấy tờ giả trên mạng và tình trạng giả mạo các trang website quảng bá các dịch vụ làm giấy tờ, chứng chỉ giả diễn ra công khai. Bộ trưởng Tô Lâm cho biết cơ quan chức năng đã triệt phá nhiều tổ chức, đường dây làm giấy tờ và chứng chỉ giả có quy mô rất lớn. Tất cả các loại giấy tờ, chứng chỉ, kể cả bằng tốt nghiệp các trường đại học, bằng lái xe đều có thể làm giả.
Hôm 5 tháng 10 vừa qua, Uỷ ban kiểm tra tỉnh Lai Châu đã ra quyết định khai trừ ra khỏi đảng với hàng loạt công an cấp huyện do vi phạm qui định về sử dụng văn bằng, chứng chỉ và ma tuý.
Tin cho biết Uỷ ban kiểm tra huyện uỷ Tam Đường đã ra quyết định khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Phùng Quang Tuyến – Bí thư Chi bộ Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc, Đảng bộ Công an huyện Tam Đường, do ông này đã vi phạm nghiêm trọng trong thực hiện quy định về sử dụng văn bằng, chứng chỉ.
Uỷ ban kiểm tra huyện cũng đã thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng đối với ba công an huyện là ông Lê Văn Hồng, Phan Văn Luân, và ông Phạm Đức Hùng.
Ông Tô Lâm cho rằng, trước nay người sử dụng giấy tờ giả chỉ bị xử lý hành chính, ít khi xử lý hình sự. Bây giờ đã đến lúc cần xử lý hình sự.
‘Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng’
có thể thay đổi hành vi ứng xử người dùng?
Tại phiên chất vấn các thành viên Chính phủ tại Quốc hội hôm 9 tháng 11 năm 2020, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng sẽ được ban hành trong năm 2020.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS, đã tự giải thể, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 9 tháng 11 năm 2020 từ Hà Nội, nói:
“Tôi cũng không hiểu Bộ quy tắc ứng xử bao phủ những lĩnh vực gì? Bởi vì một Bộ quy tắc ứng xử có ý nghĩa khuyến nghị, hướng dẫn về mặt đạo đức, cách ứng xử… Nếu một cái hội nào đấy, hội của người sử dụng internet chẳng hạn, họ đưa ra Bộ quy tắc như thế để khuyên người dùng thì có vẻ hợp lý. Còn Bộ TT&TT mà đưa ra như thế thì có vẻ rất là khiên cưỡng, vì đấy chẳng phải là luật, mà cũng chẳng phải là nghị định, mà cũng không phải là thông tư… đó là những cái mà theo luật, Bộ đấy giỏi nhất có thể làm là ra một cái thông tư gì đấy. Đó là quy định về pháp lý, còn đưa ra lời khuyên như thế thì một Bộ đưa ra là hơi vô duyên.”
“Cụ thể hóa Luật An ninh mạng”
Nếu một cái hội nào đấy, hội của người sử dụng internet chẳng hạn, họ đưa ra Bộ quy tắc như thế để khuyên người dùng thì có vẻ hợp lý. Còn Bộ TT&TT mà đưa ra như thế thì có vẻ rất là khiên cưỡng.
-TS.Nguyễn Quang A
Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông khi trả lời Quốc hội về lý do chậm trễ ban hành, giải thích Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng đã có từ tháng 4 năm 2020, nhưng chậm trễ vì vướng mắc thẩm quyền ban hành.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, trong bộ quy tắc ứng xử này Chính phủ yêu cầu nhà cung cấp nội dung tôn trọng pháp luật Việt Nam và tôn trọng quyền con người, trong đó có quyền trẻ em…
Vì sao có luật an ninh mạng lại phải ban hành thêm ‘Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng’?
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 9 tháng 11 năm 2020 từ Sài Gòn, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam cho rằng, Luật an ninh mạng năm 2018 có những điều chưa được rõ, ví dụ như là những việc tung tin giả, thì phải xử lý hình sự. Hay ví dụ như liên quan đến Covid-19, có người đưa thông tin sai sự thật trên mạng xã hội, gây hoang mang dư luận, thì lúng túng trong xử lý. Ông giải thích thêm:
“Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng là những quy định pháp luật, vì Luật An ninh mạng có giao cho chính phủ xây dựng, hướng dẫn, thực hiện Bộ quy tắc ứng xử, nó giống như quy tắc hướng dẫn đạo đức nghề nghiệp. Ví dụ khi sử dụng không gian mạng không được xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, không xâm phạm đời tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của một người nào đó… không được lợi dụng không gian mạng để xúc phạm, phỉ báng người khác… Do vậy phải có Bộ quy tắc ứng xử để khi xử lý, ví dụ như một cán bộ công chức, hay xử lý vi phạm hành chính với một công dân thì sẽ thuận lợi hơn, tức nó sẽ cụ thể hóa Luật An ninh mạng.”
Luật An ninh Mạng của Việt Nam có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2019, sau khi được thông qua tại Quốc hội Việt Nam vào tháng 6 năm 2018. Luật này tăng cường sức mạnh cho chính phủ trong biện pháp giám sát hệ thống thông tin và truyền thông ở Việt Nam, chặn và xóa nội dung dữ liệu trực tuyến.
Việt Nam nằm trong số các quốc gia ở Đông Nam Á thực hiện các biện pháp nhằm tăng cường kiểm soát internet. Những thay đổi chính sách trong lĩnh vực quản trị mạng được chính phủ đưa ra với nhiều lý do, bao gồm mong muốn được cho là để bảo vệ đất nước tốt hơn, loại trừ các mối đe dọa an ninh mạng từ nước ngoài, buộc dữ liệu được lưu trữ trong nước để thúc đẩy sáng kiến nội địa… Tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng, tất cả đều là mong muốn kiểm duyệt internet dễ dàng hơn.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận định thêm:
“Tôi nghĩa thật sự ở đây có hai vấn đề thật sự khác biệt nhau. Một là làm sao để giáo dục người dân có ứng xử trên mạng một cách văn minh. Thí dụ như phải cân nhắc khi chia sẻ những thông tin mà mình không kiểm chứng được, hoặc né đưa ra những nhận xét, xác nhận mà không có cơ sở. Tôi đấy là những việc nên làm và xã hội dân sự phải đóng góp. Còn về vấn đề người ta lợi dụng Luật An ninh mạng để đàn áp bắt bớ những người bất đồng chính kiến là chuyện hoàn toàn khác. Bởi vì những người nêu chính kiến của mình một cách độc lập, nhưng nếu họ không thích thì họ vinh vào chuyện đụng đến an ninh quốc gia. Và thật sự họ muốn bắt bất kể ai là họ chụp lên đầu người đấy những điều luật mơ hồ như vậy.”
‘Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng’ sẽ gây khó cho dân?
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng khi thông báo ‘Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng’ sẽ được ban hành trong năm 2020… đã không nhấn mạnh đến vấn đề an ninh quốc gia như Luật An ninh mạng. Ông Hùng chỉ nhấn mạnh việc người dùng mạng xã hội và nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội phải hướng dẫn trẻ em và trẻ vị thành niên dùng mạng xã hội an toàn, lành mạnh…
Tuy nhiên dư luận trên mạng xã hội lo ngại, với nhiều quy định ngày càng cự thể, chi tiết… sẽ gây khó khăn cho người sử dụng cũng như nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội.
Ông Diệp Quang Văn, giám đốc một công ty công nghệ tin học, sở hữu trang mạng xã hội Việt Nam Ta, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 9 tháng 11 năm 2020 từ Việt Nam, cho biết ý kiến về việc này:
“Đưa ra Bộ quy tắc ứng xử như vậy nhưng cũng chưa biết rõ nội dung ra sao. Nói chung lời nói đó cũng hơi chung chung, chưa biết cụ thể nó sẽ ra sao, mình cũng đang ngóng nhưng chưa biết phán đoán thế nào? Nói về sự ràng buộc thì trong một giới hạn nào đó cũng sẽ có sự ràng buộc. Ví dụ như người sư dụng bị bắt buộc khi tham gia phải đang ký nhiều thứ thì đương nhiên sẽ bị hạn chế, đối tượng tham gia sẽ ít đi, có những cái người ta không vào được chẳng hạn…”
Những người nêu chính kiến của mình một cách độc lập, nhưng nếu họ không thích thì họ vinh vào chuyện đụng đến an ninh quốc gia.
-TS. Nguyễn Quang A
Với câu hỏi, liệu có phải chính phủ Việt Nam ngày càng gia tăng kiểm soát internet vì lo ngại sự phát triển của mạng xã hội. Một người dân ở Sài Gòn không muốn nêu tên vì lý do an ninh, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do, cho biết cô nghi ngờ về nguồn gốc của những thông tin sai lệch trên mạng xã hội:
“Căn bản Việt Nam đẩy mạnh tuyên truyền nhưng bị phản tác dụng với dân, nên vừa rồi khi ra dự luật An ninh mạng người ta phản đối rất nhiều. Thêm nữa họ (chính phủ) lên mạng tung những bài báo nói là dùng mạng xã hội lừa đảo, cắt cổ, những thông tin sai lệch thế này thế kia nhưng thực sự ra thì bây giờ là thời buổi 4.0, bất kỳ ai cũng có thể là nhà báo, đó là lý do vì sao mạng xã hội phát triển.”
Vào ngày 23/6/2020, Tổ chức phi chính phủ về nhân quyền có tên Dự án 88 (Project 88) đã công bố báo cáo cho biết, chính quyền Việt Nam trong năm 2019 đã gia tăng việc đàn áp, kết án tù với nhiều người chỉ vì họ bày tỏ ý kiến một cách ôn hoà trên mạng về các vấn đề kinh tế và xã hội.
Báo cáo còn cho biết trong năm 2019, có 41 người ở Việt Nam bị bắt giữ vì các hoạt động ôn hoà của họ. Con số này thấp hơn con số 148 người bị bắt giữ trong năm 2018 khi nổ ra những cuộc biểu tình lớn tại nhiều nơi ở Việt Nam để phản đối dự luật Đặc khu và luật An ninh mạng.
Theo Project 88, trong số 41 người bị bắt giữ trong năm 2019, 22 người bị bắt giữ với các cáo buộc liên quan đến bày tỏ ý kiến, 19 người bị bắt vì các hoạt động chống tham nhũng, tiếp theo là các cáo buộc khác liên quan đến dân chủ, nhân quyền.
Điểm đáng chú ý là trong số những người bị bắt giữ trong năm 2019 có cả những người vốn không có bề dày hoạt động xã hội hay tham gia bất cứ tổ chức hay đảng phái nào mà chỉ đơn thuần là những người bày tỏ ý kiến của mình trên mạng. Đây là điểm khác biệt lớn so với những năm trước đây.
Vấn đề hành vi ứng xử của con người không thể ngày một ngày hai mà hình thành được. Đó là kết quả của quá trình giáo dục từ khi còn nhỏ trong gia đình và qua môi trường giáo dục nhà trường, trong cộng đồng, xã hội mà người đó được dự phần.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: “Netflix vi phạm
pháp luật Việt Nam về báo chí, điện ảnh, trẻ em!”
Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông (Bộ 4T) Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng sáng 10-11-2020 trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội đoàn Thành Phố Hồ Chí Minh Trương Trọng Nghĩa về việc các nền tảng truyền hình trong nước bị kiểm soát chặt chẽ hơn các nền tảng của nước ngoài.
Qua đó ông Hùng quy kết, dịch vụ video trực tuyến của Mỹ như Netflix vi phạm pháp luật Việt Nam.
“Netflix thì đúng là có nhiều nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam như là pháp luật về báo chí, điện ảnh, trẻ em.
Cụ thể là sai trái lịch sử ví dụ như là loạt phim về Chiến tranh Việt Nam, xuyên tạc về chủ quyền lãnh thổ Việt Nam thí dụ như phim Madam Secretary; có nội dung bạo lực, sử dụng ma túy, khiêu dâm”, Bộ trưởng Bộ TT&TT nói.
Hồi tháng 6, nhiều tài khoản mạng xã hội Facebook Việt Nam chia sẻ bức hình chụp màn hình phim Madam Secretary trong đó có cảnh phim được cho là ở Phố cổ Hội An, nhưng lại được chú thích là tỉnh Phú Lãng, Trung Quốc (Fuling – China).
Chính quyền Việt Nam từ đó đến nay đã ít nhất 2 lần có văn bản gửi tới công ty Netflix yêu cầu công ty của Mỹ “chấm dứt hoạt động chuyển ngữ tiếng Việt, gỡ bỏ các nội dung xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc chủ quyền, khiêu dâm, vi phạm thuần phong mỹ tục Việt Nam trên kho nội dung đang cung cấp đến người dùng Việt Nam”.
Ông Hùng trong phát biểu của mình cũng tiết lộ các nền tảng xem truyền hình truyền thống của doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2020 giảm 1 triệu thuê bao trong khi đó thuê bao của Netflix tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái.
Người đứng đầu Bộ Thông tin & Truyền thông cũng cho biết, để kiểm soát việc này cần sửa đổi nghị định 06/2016 của Chính phủ đồng thời “tiếp tục các biện pháp đấu tranh về pháp lý truyền thông, kinh tế, kỹ thuật nhằm yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tuân thủ pháp luật Việt Nam.”
Chính phủ Việt Nam do Đảng Cộng sản duy nhất lãnh đạo trong những năm qua tiếp tục các hành động kiểm soát chặt chẽ thông tin trên mạng Internet do các công ty nước ngoài cung cấp như Facebook, YouTube, Netflix…
Kể từ khi luật An ninh mạng có hiệu lực từ ngày 1-1-2019, hàng trăm nhà hoạt động nhân quyền, dân chủ ở Việt Nam đã bị cơ quan công an bắt giữ, bỏ tù vì các tội danh khác nhau trong đó có những người chỉ đăng tải nội dung chỉ trích chính phủ một cách ôn hòa trên mạng xã hội Facebook.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vn-net-flix-11102020080107.html
Tổng thanh tra Chính phủ Cộng sản đánh giá
tham nhũng ở bộ máy cầm quyền mang tính trừu tượng
Tin Vietnam.- Báo Vietnamnet loan tin, tại kỳ họp thứ 10 của Quốc hội Cộng sản khoá 14 vào sáng 9 tháng 11 năm 2020, ông Lê Minh Khái, Tổng thanh tra Chính phủ Cộng sản nói rằng, việc đánh giá tình hình tham nhũng trong bộ máy cầm quyền Cộng sản là hết sức khó khăn, mang tính trừu tượng.
Ông Khái giải thích, việc đánh giá đầu tiên là ý kiến của người dân, người dân cảm nhận tình hình tình hình tham nhũng của viên chức Cộng sản thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Thứ hai là thông qua bộ chỉ số đánh giá tham nhũng của Thanh tra Chính phủ. Thứ 3 là dựa vào chỉ số tham nhũng của tổ chức Minh bạch thế giới.
Tổ chức này đã đánh giá tình trạng tham nhũng của nhà cầm quyền Cộng sản năm 2019 đã tăng 21 bậc so với năm 2018, tức là năm 2018 đứng thứ 117/180 nước thì năm 2019 đứng thứ 96/180 quốc gia trên thế giới. Và cuối cùng của việc đánh giá là căn cứ vào những đánh giá, lệnh của ban Chỉ đạo Trung ương Cộng sản về phòng, chống tham nhũng.
Ông Khái khẳng định, trong thời gian qua, nhà cầm quyền Cộng sản đã thực hiện phòng, chống tham nhũng với kết quả tích cực toàn diện, và đã tạo được niềm tin cho nhân dân, được quốc tế đánh giá cao.
Trước khẳng định này của ông Khái, một số dư luận Việt Nam bày tỏ rằng, có lẽ đây là lỗi của người dân đã để cho những kẻ vô lại như ông Khái và các viên chức Cộng sản khác được nắm quyền cai trị để nói những câu vừa không logic, vừa xem thường, xúc phạm nhận thức của người dân.
Họ cũng không quên nhắc lại vụ 2 người vừa là giảng viên đại học, vừa là võ sư bị Bùi Văn Cường, Bí thư tỉnh Đăk Lăk sai công an bắt cóc trong tháng 9 vừa qua. Chỉ vì 2 người này đã tố cáo ông Cường đã đạo nhái luận văn tiến sĩ. Nhưng vài tuần sau đó ông Cường vẫn tái trúng cử bí thư với số phiếu 100%.
An Nhiên
Bộ trưởng Ngoại giao VN và các đồng nhiệm ASEAN
trao đổi về Biển Đông
Vấn đề Biển Đông là một nội dung được Phó thủ tướng kiêm Bộ Trưởng Ngoại giao Việt Nam, Phạm Bình Minh và bộ trưởng ngoại giao các nước thuộc Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN) thảo luận vào ngày 10 tháng 11. Các vị bộ trưởng thảo luận vấn đề này trong khuôn khổ chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị cấp cao liên quan.
Truyền thông Nhà nước Việt Nam loan tin cho biết ông Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN cho rằng Biển Đông tiếp tục là vấn đề nổi lên khi nhiều hành động đơn phương, kể cả quân sự hóa, đòi hỏi chủ quyền thiếu căn cứ, hành xử áp đặt vẫn tiếp diễn gây lo ngại cho hòa bình, ổn định tại Biển Đông nói riêng và cả khu vực nói chung.
Theo những người đứng đầu ngành ngoại giao của khối các nước ASEAN thì năm 2020 là một năm đầy thách thức, khó khăn và bất ổn. Nguyên nhân do dịch bệnh COVID-19 bùng phát rồi lây lan trên diện rộng; tình trạng cạnh tranh giữa các cường quốc chiến lược ngày càng gia tăng cùng vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống.
Theo các Bộ trưởng Ngoại giao khối ASEAN thì cần tiếp tục thúc đẩy những nội dung hợp tác trong quá trình phục hồi và khôi phục tăng trưởng sau đại dịch. Đó là cần bảo đảm sự liền mạch của chuỗi cung cứng, khôi phục giao thương an toàn giữa các quốc gia; kết thúc đàm phán và ký kết các Hiệp định Thương Mại Thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn Diện Khu vực (RCEP); tăng cường hợp tác trong việc thu hẹp khoảng cách phát triển trong khối ASEAN thông qua nâng tầm các hoạt động hợp tác giữa các tiểu vùng thuộc khu vực này.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vn-asean-scs-11102020061002.html
Trung Cộng và Đài Loan gia tăng đầu tư vào Việt Nam
Tin từ Hà Nội: Báo Đất Việt đưa tin đến tháng 9 năm nay, tổng đầu tư của Trung Cộng, Hongkong và Đài Loan vào Việt Nam đạt 79 tỷ Mỹ kim so với con số 19.6 tỷ Mỹ kim mà khu vực Châu Âu đầu tư vào Việt Nam.
Theo bộ kế hoạch và đầu tư, nhà đầu tư Trung Cộng, Hongkong và Đài Loan gia tăng đổ vốn, mua cổ phần các doanh nghiệp Việt Nam. Nguồn vốn đầu tư Trung Cộng vào kỹ thuật rất kém, chủ yếu sử dụng kỹ thuật lạc hậu, tỉ lệ giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ rất thấp, kéo theo đó là những mối lo về nợ công, vốn vay…
Các dự án chủ yếu phục vụ mục tiêu phát triển chiến lược “một vành đai, một con đường” của Trung Cộng, giúp Bắc Kinh đầu tư để xuất cảng lao động, xuất cảng vốn, xuất cảng kỹ thuật lạc hậu sang các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Còn theo bộ quốc phòng, tính đến cuối năm ngoái, có 92 doanh nghiệp Trung Cộng và 57 doanh nghiệp vốn liên doanh với Trung Cộng đang hoạt động ở khu vực biên giới của 22 tỉnh, thành biên giới. Các doanh nghiệp này sử dụng đất với tổng diện tích 162,467.7 hecta và tổng vốn đầu tư của các doanh nghiệp này là 30.87 tỷ Mỹ kim.
Cũng theo bộ quốc phòng, có 4,239 lao động Hoa Lục đang làm việc tại các doanh nghiệp trên với lĩnh vực hoạt động chủ yếu là kinh doanh khách sạn, nhà hàng, du lịch, vui chơi giải trí, may mặc, nuôi trồng thủy sản, giầy da, sản xuất bao bì, đồ chơi trẻ em, linh kiện điện tử…
Thời gian gần đây, các nhà đầu tư Hoa Lục bắt đầu chuyển hướng, mở rộng đầu tư sang các lĩnh vực như bất động sản, thị trường tiêu dùng, bán lẻ.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/trung-cong-va-dai-loan-gia-tang-dau-tu-vao-viet-nam/
Điểm tin trong nước sáng 10/11:
Vụ thi thể người phụ nữ không nguyên vẹn
ở chung cư TP.HCM, người thân tiết lộ gì?
Mạnh Đức
Mục lục bài viết
7h sáng bão đổ vào biển Bình Định – Ninh Thuận, gió giật cấp 11
Bị nợ lương, hàng trăm tài xế xe buýt tại Đà Nẵng đình công
Hộ dân 10 lần bị chặt hạ vườn cà phê, cần Bộ Công an vào cuộc?
Nhóm nâng giá máy xét nghiệm Covid-19 bị truy tố
Bà Nguyễn Thị Hồng được giới thiệu làm Thống đốc NHNN Việt Nam
Vụ thi thể người phụ nữ không nguyên vẹn ở chung cư TP.HCM: Người thân tiết lộ gì?
Mục Điểm tin trong nước sáng thứ ba (10/11) của DKN xin gửi đến quý độc giả những tin sau:
7h sáng bão đổ vào biển Bình Định – Ninh Thuận, gió giật cấp 11
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, vào hồi 04 giờ ngày 10/11, vị trí tâm bão ở khoảng 12,3 độ Vĩ Bắc; 110,3 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển từ Bình Định đến Ninh Thuận. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 150km tính từ tâm bão.
Do ảnh hưởng của bão số 12, ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) và An Nhơn (Bình Định) đã có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9. Ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Khanh Hòa đã có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa (tính từ 19h ngày 9/11 đến 04h ngày 10/11) phổ biến 50-150mm.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 10-15km, đi vào đất liền các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 16 giờ ngày 10/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 12,3 độ Vĩ Bắc; 108,3 độ Kinh Đông, trên khu vực Nam Tây Nguyên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.
Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km và suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 04 giờ ngày 11/11, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 12,3 độ Vĩ Bắc; 106,2 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông Cam-pu-chia. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).
Vùng nguy hiểm trên biển trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 11,0 đến 15,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 112,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 12 kết hợp với không khí lạnh nên từ nay đến ngày 12/11, ở các tỉnh từ Quảng Trị đến phía Bắc Khánh Hòa có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt, có nơi trên 450mm; Quảng Bình, phía Nam Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên có lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do bão: cấp 3.
Bị nợ lương, hàng trăm tài xế xe buýt tại Đà Nẵng đình công
Sáng 9/11, hơn 100 nhân viên bao gồm tài xế và phụ xe các tuyến xe buýt trợ giá thuộc công ty cổ phần Công nghiệp Quảng An 1 tại thành phố Đà Nẵng đã đồng loạt đình công đòi quyền lợi.
Trao đổi với báo chí trong nước, một tài xế cho biết nguyên do công ty Quảng An đã nợ lương của các nhân viên tháng 7, 9 và 10/2020, còn tháng 8 không có lương vì xe buýt ngưng hoạt động do đại dịch viêm phổi Vũ Hán.
Phía công ty hứa sẽ giải quyết lương tháng 7 cho nhân viên vào ngày 9/10 nhưng đến nay đã qua một tháng các nhân viên vẫn chưa nhận được đồng lương nào.
Ngoài ra, tài xế còn cho biết mỗi tháng phía công ty đều trừ tiền các loại bảo hiểm (khoảng 400.000 đồng) nhưng đến nay vẫn chưa nhận được bất cứ chế độ bảo hiểm nào hoặc có trường hợp nhân viên làm thủ tục bảo hiểm mới phát hiện phía công ty đã không đóng bảo hiểm cho nhân viên.
Phía công ty bảo hiểm cũng khẳng định công ty Quảng An 1 đang nợ bảo hiểm xã hội 15 tháng với số tiền gần 5 tỷ đồng của khoảng 200 lao động.
Hộ dân 10 lần bị chặt hạ vườn cà phê, cần Bộ Công an vào cuộc?
Báo Thanh Niên đã đưa tin, chiều 7/11, Công an xã Hòa Ninh và Công an H.Di Linh (Lâm Đồng) tiến hành khám nghiệm hiện trường và thống kê số lượng cà phê của gia đình ông Vũ Xuân Hải (ngụ thôn 7, xã Hòa Ninh) bị kẻ xấu chặt phá để phục vụ công tác điều tra, truy tìm thủ phạm.
Qua khám nghiệm xác định vườn cà phê của ông Hải có 118 cây bị chặt phá, đốn hạ; trong đó 103 cây 1 năm tuổi và 15 cây 5 năm tuổi đang cho thu hoạch.
Ông Hải cho biết: “Từ năm 2015 đến nay, vườn cà phê của tôi đã bị kẻ gian đốn hạ 10 lần, ít thì 50 – 60 cây, nhiều thì lên đến hơn 200 cây. Trong năm 2020, đây là lần thứ 2 vườn cà phê của gia đình tôi bị kẻ gian chặt phá. Lần nào xảy ra sự việc, tôi cũng đều báo với cơ quan công an nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra thủ phạm”.
Rất nhiều bạn đọc bức xúc khi biết chuyện của gia đình ông Hải, sao mà đến nay công an địa phương vẫn chưa tìm ra được thủ phạm, cho rằng “đã đến lúc mời Bộ Công an vào cuộc”.
Ngoài vườn cà phê nhà ông Hải bị chặt phá, trong năm 2020, trên địa bàn H.Di Linh, ở các xã như Hòa Ninh, Hòa Nam đã xảy ra ít nhất 5 vụ chặt phá vườn cây cà phê và sầu riêng của người dân địa phương.
Nhóm nâng giá máy xét nghiệm Covid-19 bị truy tố
Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, ông Cảm và 9 đồng phạm bị truy tố về tội Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, theo khoản 3 điều 222 Bộ luật Hình sự 2015.
Trong vụ án, 6 người là cựu cán bộ, lãnh đạo CDC Hà Nội, gồm: ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc; Nguyễn Vũ Hà Thanh, Trưởng phòng Tài chính kế toán; Hoàng Kim Thư, Kế toán trưởng; Lê Xuân Tuấn, cán bộ Phòng Tài chính kế toán; Nguyễn Thị Kim Dung, Trưởng phòng Tổ chức hành chính và Nguyễn Ngọc Quỳnh, Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ.
Bốn bị can còn lại gồm: Đào Thế Vinh, Giám đốc Công ty TNHH vật tư khoa học và thương mại Việt Nam (MST); Nguyễn Trần Duy, Tổng giám đốc Công ty CP định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành; Nguyễn Ngọc Nhất, nhân viên Công ty TNHH phát triển khoa học Vitech và Nguyễn Thanh Tuyền, nhân viên Công ty TNHH thiết bị y tế Phương Đông.
Cáo trạng xác định, lợi dụng tình hình dịch Covid- 19 diễn ra phức tạp, từ tháng 2/2020, các bị can vì động cơ vụ lợi đã câu kết thỏa thuận gian lận, nâng giá mua bán thiết bị xét nghiệm.
Bà Nguyễn Thị Hồng được giới thiệu làm Thống đốc NHNN Việt Nam
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy cho biết: Theo phương án nhân sự của Chính phủ, người được giới thiệu để trình Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm giữ chức Thống đốc NHNN thay ông Lê Minh Hưng là bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN hiện nay.
Theo chương trình, vào sáng 11/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ trình Quốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đối với ông Chu Ngọc Anh, do nhận nhiệm vụ mới và hiện đang là Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội. Đồng thời Quốc hội cũng phê chuẩn miễn nhiệm với Thống đốc NHNN Việt Nam đối với ông Lê Minh Hưng, người được phân công làm Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.
Quy trình nhân sự sẽ được Quốc hội phê chuẩn bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng sinh năm 1968, quê quán tại Hà Nội. Trước khi trở thành Phó Thống đốc từ ngày 25/8/2014 đến nay, bà Hồng từng giữ chức Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN Việt Nam.
Hiện NHNN có 4 Phó Thống đốc là: ông Đào Minh Tú, bà Nguyễn Thị Hồng, ông Nguyễn Kim Anh và ông Đoàn Thái Sơn.
Vụ thi thể người phụ nữ không nguyên vẹn ở chung cư TP.HCM: Người thân tiết lộ gì?
VTC News đưa tin, công an đã xác định được danh tính thi thể người phụ nữ không nguyên vẹn ở chung cư Hoàng Anh Thanh Bình, Quận 7, TP.HCM.
Danh tính nạn nhân được xác định là chị N.T.A.T. (33 tuổi, sinh sống tại tầng 31, Block B chung cư). Một số cư dân sống tại chung cư cho biết chị T. có tiền sử bệnh trầm cảm, trước khi xảy ra vụ việc nạn nhân sống cùng gia đình em gái.
Em gái chị T. (sống cùng nhà với nạn nhân) cho biết, chị T. mắc bệnh trầm cảm từ năm 2013 đến nay và từng điều trị tại nhiều bệnh viện. Khoảng một tháng nay, chị T. đỡ bệnh và mở tiệm nail trên đường Nguyễn Văn Quỳ, phường Tân Phong, quận 7. Tuy nhiên, chị T. thường xuyên than vãn chán nản việc kinh doanh và nhiều lần tâm sự muốn tự tử.
Trước thời điểm xảy ra sự việc, em gái nạn nhân cho biết đang ru con ngủ còn chị T. ở trong phòng khách. Đến khoảng 14h cùng ngày, em gái không thấy chị T. đâu nên gọi điện cho một số người quen để hỏi thông tin, nhưng không ai thấy nên nghĩ chị T đi nhà thờ. Một lúc em gái chị T. nhận được hung tin.
Khoảng 14h35 ngày 8/11, người dân phát hiện nhiều vết máu dọc hành lang tầng 3 của chung cư nên đi kiểm tra. Họ phát hiện một thi thể nữ giới.
Điểm tin trong nước tối 10/11- Thủ tướng:
‘Để có văn hoá từ chức, cán bộ cần nêu gương’
Tâm Tuệ – Hiểu Minh
Mục lục bài viết
Thủ tướng: ‘Để có văn hoá từ chức, cán bộ cần nêu gương’
Phó giám đốc Công an Hà Nội: ‘Cần bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm’
Bão số 12 thổi ‘xiêu vẹo’ người đi đường, quật đổ cây xanh
Chánh án Nguyễn Hòa Bình: ‘Toà án tôn trọng xét xử độc lập’
600 hộ dân Đăk Lăk bị mưa lũ chia cắt
Mục Điểm tin trong nước tối thứ ba (10/11) của DKN xin gửi đến quý độc giả những tin sau:
Thủ tướng: ‘Để có văn hoá từ chức, cán bộ cần nêu gương’
Báo chí nhà nước trong buổi tường thuật trả lời chất vấn quốc hội sáng 10/11 đã dẫn phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về văn hoá từ chức trong cán bộ hiện nay. Theo thủ tướng, với những cán bộ lãnh đạo không đủ năng lực, thì được thôi nhiệm vụ, cán bộ công chức chủ động xin thôi nhiệm vụ. Song để có văn hóa từ chức, Thủ tướng nói ‘cần phát huy tinh thần nêu gương của cán bộ, lãnh đạo’.
Cũng trong bài phát biểu, Thủ tướng cũng đề cập đến tình trạng lũ lụt triền miên như hiện nay, nêu đề xuất trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới, trong đó có trồng rừng và cây xanh đô thị.
Phó giám đốc Công an Hà Nội: ‘Cần bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm’
Chiều 10/11 Ông Đào Thanh Hải – Phó Giám đốc Công an TP. Hà Nội nói “Nếu như không bảo vệ được cán bộ, sẽ không nhiều người dám sáng tạo, đổi mới”, ông Hải nói.
“Vừa qua, sau hàng loạt vụ việc xảy ra, nhiều cán bộ, đảng viên không dám đổi mới, sáng tạo. Điều này diễn ra ở tất cả các cấp, ngành, địa phương. Nhiều cán bộ, đảng viên gần đây xác định làm tròn vai”, ông nói.
Ông Hải cho rằng trong đổi mới sáng tạo và đột phá thì giữa đúng và sai “vô cùng mong manh”.
Ông Hải cho biết, vừa qua được Ban Tổ chức Trung ương mời tham gia xây dựng chỉ thị về việc “bảo vệ cán bộ, đảng viên đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”. Quá trình thảo luận, các thành viên thấy rằng nhiều vấn đề sẽ trái luật nếu bảo vệ được cán bộ.
Vị đại biểu Hà Nội bày tỏ và nêu thực trạng, vừa qua, có trường hợp khi cán bộ sáng tạo, làm được việc thì khen, không làm được lại bị quy trách nhiệm rất nặng nề. Trong khi đó, công việc không thành công có thể do khách quan, do tình hình kinh tế thế giới và nhiều vấn đề khác ảnh hưởng.
Bão số 12 thổi ‘xiêu vẹo’ người đi đường, quật đổ cây xanh
Với sức gió giật cấp 9 khi đổ bộ đất liền sáng nay, bão số 12 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân các tỉnh miền Trung.
Theo ghi nhận của truyền thông trong nước, tại TP. Nha Trang, Khánh Hòa, gió giật liên hồi xô đổ nhiều xe máy của người đi đường. Một số người phải bỏ xe giữa đường để tìm nơi trú ẩn.
Tại TP. Tuy Hòa, Phú Yên gió giật mạnh khiến một số cây xanh bị gãy đổ. Do mưa lớn từ đêm qua nên một số tuyến đường như Lê Thành Phương, Trần Hưng Đạo… bị ngập cục bộ. Quốc lộ 29 đoạn qua huyện Sông Hinh nước lũ lên nhanh cũng gây chia cắt. Nhiều vùng có nguy cơ ngập nặng khi tất cả các công trình thủy lợi, thủy điện trong tỉnh đồng loạt xả lũ.
Mưa to cũng gây sạt lở ở huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam khiến 1 người chết. Một số khu vực tại các huyện Núi Thành, Bắc Trà My đã bị ngập nặng, giao thông chia cắt. Hồ Phú Ninh và nhiều thủy điện ở Quảng Nam cũng bắt đầu xả lũ.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình: ‘Toà án tôn trọng xét xử độc lập’
Chất vấn tại hội trường Quốc hội sáng nay, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (đoàn Khánh Hòa) đề nghị, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết các giải pháp để hạn chế và loại bỏ hiện tượng tiêu cực trên nhằm thực hiện nghiêm quy định của Hiến pháp là “Thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm can thiệp vào việc xét xử của thẩm phán, hội thẩm”.
Trả lời chất vấn, ông Bình khẳng định, không có chỉ đạo xét xử tòa án cấp dưới với án hành chính và tất cả các loại án khác. Ông nhấn mạnh: “Tòa án tôn trọng xét xử độc lập của tòa án cấp dưới, không có sự can thiệp”.
600 hộ dân Đăk Lăk bị mưa lũ chia cắt
Ảnh hưởng bão Etau khiến mưa lớn kéo dài, báo VnExpress đưa tin đến chiều 10/11, một số khu vực ở Đăk Lăk vẫn mưa còn nặng hạt. Trận mưa kéo dài gây ngập bốn buôn tại xã Đăk Liêng, huyện Lăk, có nơi ngập sâu hơn một mét. Chính quyền đã dùng ca nô di dời hơn 400 hộ dân ở xã ra khỏi khu vực ngập lụt.
Mưa kéo dài cùng với nước thượng nguồn đổ về cuồn cuộn cũng gây ngập hàng trăm mét tuyến đường dẫn vào thôn Ea Hăn, xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông, khiến khoảng 100 hộ dân ở đây bị cô lập.
Tại huyện M’Đrăk, cơ quan chức năng cùng với lực lượng quân đội, công an đang dồn sức để di dời 100 hộ dân khu vực lòng hồ thủy lợi Krông Păk Thượng (xã Cư San) ra khỏi khu vực nguy hiểm.