Tin Việt Nam – 09/12/2015
Trợ lý Ngoại Trưởng Mỹ: TPP giúp VN chứng minh sự khác biệt với TC — Hiệp định thương mại tự do VN-EU sẽ có hiệu lực vào năm 2018
Trợ lý ngoại trưởng Mỹ Tom Malinowski vừa có cuộc gặp với cộng đồng Việt Nam tại thủ đô Washington để giải đáp những thắc mắc về TPP đối với Việt Nam. Bên cạnh những vấn đề về quyền của người lao động, Khánh An của đài VOA có cuộc trao đổi ngắn với ông về những tác động và ảnh hưởng có thể có của TPP đối với Việt Nam trong mối quan hệ với nước láng giềng Trung Quốc.
VOA: Việt Nam, chứ không phải Mỹ, được cho là nước hưởng lợi nhiều nhất nếu TPP được thông qua, thế nhưng tại sao Tổng thống Obama lại dành rất nhiều tâm huyết và sức lực để thúc đẩy TPP thành công? Phải chăng đây là một phần trong chiến lược xoay trục Á Châu của ông?
Ông Malinowski: Tổng thống Obama xem TPP là lợi ích của Mỹ trên nhiều phương diện. Nó có lợi cho kinh tế, cho khả năng cạnh tranh lâu dài và có lợi cho vị thế của Mỹ ở Châu Á về quan hệ kinh tế, quan hệ đối tác với các quốc gia Á Châu đang nổi lên, bao gồm Việt Nam. Nó cho người Châu Á thấy rằng Mỹ sẽ duy trì mối quan hệ với Châu Á trong dài hạn. Và chúng tôi nghĩ nó có lợi cho nhân quyền, điều mà chúng tôi đã cổ xúy ở các quốc gia như Việt Nam trong nhiều năm nay.
VOA: TPP, một cách nào đó, có thể giúp cho Việt Nam tái cân bằng, hay nói rõ hơn là giảm bớt lệ thuộc, trong mối quan hệ với nước láng giềng Trung Quốc hay không?
Ông Malinowski: TPP giúp cho kinh tế Việt Nam, giúp cho người dân Việt Nam được hưởng các quyền thông thường. Đồng thời, TPP còn giúp cho Việt Nam và Mỹ gần nhau hơn. Nó giúp Việt Nam cho thế giới thấy là Việt Nam khác biệt với Trung Quốc, rằng Việt Nam đang xây dựng một nền kinh tế cởi mở hơn, và hy vọng, là một xã hội cởi mở hơn.
VOA: Trong trường hợp nếu Việt Nam không tuân thủ một vài cam kết của TPP, nhưng bù lại giúp cho Hoa Kỳ một mặt nào đó cân bằng với Trung Quốc trong khu vực, Hoa Kỳ sẽ chọn lựa thế nào?
Ông Malinowski: Hiệp ước TPP có những quy định rất rõ ràng. Việt Nam buộc phải đáp ứng các quy định đó, bao gồm các quyền của người lao động, cho phép thành lập công đoàn độc lập. Và nếu chúng tôi không chứng nhận điều này với Quốc hội (Hoa Kỳ) rằng Việt Nam đã đáp ứng các yêu cầu đó thì Việt Nam sẽ không nhận được các lợi ích (về thương mại) của TPP. Đây là yêu cầu pháp lý, chứ không phải là lựa chọn.
VOA: Cám ơn Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Tom Malinowski đã dành thời gian cho VOA. – VOA
***
Việt Nam và Liên Hiệp Âu Châu sẽ có hai năm để chuẩn bị trước khi hiệp định thương mại tự do đạt được trước đây trong tháng này có hiệu lực, theo trang mạng Fibre2Fashion hôm nay trích tin từ một trang mạng tin tức Việt Nam.
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (VEFTA) được ký kết tại Bruxelles hôm 2/12 sau 14 vòng thương thuyết kéo dài gần 3 năm. Một khi được thi hành, hiệp định này sẽ tháo gỡ hầu hết các thuế quan đối với hàng nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước thành viên Liên Hiệp Âu Châu.
Phát biểu tại Hà Nội, Đại sứ Liên Hiệp Âu Châu tại Việt Nam Bruno Angelet nói rằng hiệp định này thể hiện mong muốn của Liên Hiệp Châu Âu là trở thành một đối tác quan trọng trong sự phát triển bền vững của Việt Nam.
Trong năm nay, Liên Hiệp Âu Châu đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 3 tại Việt Nam, so với vị thế số 6 trong năm 2014.
Các mặt hàng chủ yếu Việt Nam xuất khẩu sang Châu Âu gồm có điện thoại di động và các thiết bị điện tử khác, giày dép và vải sợi cũng như nông phẩm, gồm cà phê, gạo và hải sản.
Hàng nhập khẩu từ các nước Châu Âu gồm máy móc và thiết bị điện tử, máy bay, xe hơi và dược phẩm.
VEFTA là hiệp định thương mại tự do đầu tiên đạt được giữa EU và một nước đang phát triển. Theo hiệp định này, 99% thuế quan đánh trên các mặt hàng trao đổi giữa hai bên sẽ được loại bỏ trong vòng 7 năm.
Việt Nam có 10 năm để loại bỏ các thuế quan cho EU và theo ông Angelet đây là một cơ hội cho các nhà xuất khẩu Việt Nam chuẩn bị tốt hơn để tiến vào thị trường Âu Châu.
Ông Angelet nói ông hy vọng rằng VEFTA sẽ cho phép Việt Nam cải thiện sức cạnh tranh của mình so với các nước khác trong khối ASEAN.
Trang mạng của CCFgroup nói rằng VEFTA được đánh giá là một trong các hiệp định thương mại đầy đủ nhất. GDP của Việt Nam dự kiến sẽ tăng 0.5% mỗi năm, hàng xuất khẩu sẽ tăng từ 4 tới 6% mỗi năm.
Nếu xu hướng này tiếp tục thì tới năm 2020, hàng hoá Việt Nam xuất khẩu sang Liên Hiệp Âu Châu sẽ tăng lên 16 tỉ đôla, và tới năm 2025, dự kiến hiệp định thương mại tự do sẽ đẩy GDP của Việt Nam lên thêm từ 7 tới 8% trên đà tăng trưởng hiện nay. – VOA
TP HCM, Hà Nội đều ‘không tham nhũng’ [LMN: khôi hài]
Quan chức ngành thanh tra khẳng định từ đầu năm tới nay “chưa phát hiện trường hợp tham nhũng nào” ở cả TP HCM và Hà Nội.
Tại cuộc họp Hội đồng Nhân dân TP HCM hiện đang diễn ra, Phó Chánh thanh tra TP HCM Nguyễn Thị Ngọc Nga nói sáng thứ Tư 9/12 rằng: “Chín tháng đầu năm 2015 qua công tác thanh tra, chưa phát hiện trường hợp tham nhũng tại TP HCM”.
Bà Nga nói thêm rằng “qua kiểm tra xử lý nội bộ, cũng không phát hiện trường hợp tham nhũng nào”.
Mới đây, hồi cuối tháng 11, báo cáo kết quả phòng, chống tham nhũng năm 2015 của Ủy ban Nhân dân TP gửi Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội cũng viết “qua kiểm tra nội bộ chưa phát hiện trường hợp nào có dấu hiệu tội phạm tham nhũng”.
Tuy nhiên giới chức ở cả hai thành phố đều đánh giá rằng “tình hình tham nhũng vẫn còn phức tạp”.
Kết luận và thực trạng dường như cho thấy bất cập trong việc phát hiện tham nhũng ở trong nước.
Hàng trăm cuộc thanh tra
Theo Phó Chánh thanh tra TP HCM Nguyễn Thị Ngọc Nga, trong chín tháng đầu năm nay đã có tới 176 cuộc thanh tra trong thành phố do ngành thanh tra tổ chức.
“Kết quả đã phát hiện 80/341 đơn vị có sai phạm, chủ yếu là sai phạm về kinh tế. Thanh tra thành phố đã phát hiện hơn 80 tỷ đồng sai phạm, thu hồi hơn 31 tỷ và 3 căn nhà. Kết quả thanh tra cũng thu hồi nộp ngân sách 141 tỷ.”
Tại Hà Nội, năm 2015, thanh tra thành phố và các sở ngành, quận huyện, đã triển khai 374 cuộc thanh tra, 269 cuộc đã có kết luận.
Kết quả thanh tra phát hiện sai phạm 1.173 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 114 tỷ đồng, kiến nghị xử lý trách nhiệm và rút kinh nghiệm 119 tập thể, 80 cá nhân thiếu trách nhiệm, buông lỏng công tác quản lý dẫn đến sai phạm.
Thanh tra Hà Nội năm 2015 chỉ xử phạt vi phạm hành chính được 61,8 tỷ đồng, kiến nghị chuyển cơ quan điều tra có bảy vụ. – BBC