Tin Việt Nam – 09/11/2019

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 09/11/2019

Phát hiện khu ăn chơi khép kín

 của người Trung Cộng tại Đà Nẵng

Tin Vietnam.- Báo Thanh Niên ngày 7 tháng 11 năm 2019 loan tin, công an thành phố Đà Nẵng vừa có kết quả điều tra về quán karaoke Thuỷ Tinh Tím KTV Amethyst của người Trung Cộng nằm trên phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng.

Chủ quán là bà Lợi Thục Phấn, gốc Trung Cộng, tạm trú tại phường 11, quận 5, Sài Gòn. Bà Phấn ra Đà Nẵng thuê nhà để mở quán karaoke, chuyên đón khách người Trung Cộng. DJ của quán cũng là người Trung cộng. Dù quán chưa được khai trương, nhưng trong thời gian qua bà Phấn đã nhiều lần đón khách. Những khách hàng của bà Phấn thường đặt tour thông qua các ứng dụng trên mạng xã hội. Đây là những tour ăn chơi khép kín từ di chuyển đến lưu trú, đánh bạc, và các hoạt động khác được thực hiện tại Đà Nẵng.

Trước đó, vào khoảng 3 giờ sáng ngày 5 tháng 11, công an Đà Nẵng ập vào kiểm tra quán karaoke trên thì phát hiện có 47 khách trong quán, trên các bàn tiệc ăn chơi có 5 đĩa sứ chứa ma tuý. Trong số này có 37 người dương tính với ma tuý, gồm18 người là người Trung Cộng, 6 người Nam Hàn, 1 người Malaysia, và 12 nữ tiếp viên người Việt Nam.

An Nhiên

https://www.sbtn.tv/phat-hien-khu-an-choi-khep-kin-cua-nguoi-trung-cong-tai-da-nang/

 

Hơn 90% camera Việt Nam mua của Trung Cộng

có khả năng lộ thông tin cá nhân cao

Tin Vietnam.- Trang Báo Mới ngày 9 tháng 11 năm 2019 dẫn lại tin cho biết, hơn 90% số camera đang sử dụng ở Việt Nam đều có nguồn gốc từ Trung Cộng, và chúng đều có mã trong phần mềm để đồng bộ với máy chủ. Không chỉ vậy, các camera này đều không thay đổi mật khẩu mặc định của thiết bị, vì vậy, khả năng các thông tin, hình ảnh cá nhân của người dân Việt bị lộ ra bên ngoài là rất cao.

Theo cơ quan An ninh mạng, thuộc bộ công an cộng sản Việt Nam thì chỉ cần truy cập trang web shodan và gõ từ khoá tìm kiếm camera ở Việt Nam thì kết quả cho ra có 1,452 camera đang bị công khai các thông tin trên mạng như, từ nhà riêng cho đến nơi công cộng, với các hình ảnh sinh hoạt hàng ngày của nhà dân. Cơ quan này cảnh báo, việc trên có thể khiến kẻ gian khai thác được thông tin cá nhân, và đời tư của người dân.

Đại diện công ty viễn thông MobiFone cho biết, không chỉ các thiết bị, camera của người dân, mà ngay cả các camera của nhà cầm quyền cũng có thể bị lộ những hình ảnh, thông tin cá nhân ra bên ngoài, vì nhà cầm quyền cũng sử dụng camera của Trung Cộng. Cơ quan này phán đoán, khả năng thông tin cá nhân bị lộ ra bên ngoài là rất cao, trừ khi các camera được sản xuất ở Việt Nam. Tuy nhiên, dù sản xuất ở Việt Nam thì phần cứng của bộ phận vẫn được mua từ Trung Cộng vì Việt Nam chưa sản xuất được.

Và khi tìm hiểu sâu thì những dòng mã trên camera đều liên quan đến các trang web của Trung Cộng.

An Nhiên

https://www.sbtn.tv/hon-90-camera-viet-nam-mua-cua-trung-cong-co-kha-nang-lo-thong-tin-ca-nhan-cao/

 

Dân Việt dùng mạng xã hội nhiều,

nhưng Việt Nam đứng chót bảng Tự do Internet

Trả lời chất vấn Quốc hội, Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông Việt Nam dẫn chiếu nhiều kết quả trong quản l‎ý nhà nước của bộ này, nhất là với mạng xã hội (MXH).

Nhưng càng quản l‎ý, tự do Internet ở Việt Nam càng tệ.

Việt Nam: Tự do Internet dậm chân tại chỗ?

VN với tự do Internet và nhà báo ‘xung kích’

Bảng điện tử cho thấy, có tới 83 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng liên quan đến những vấn đề về quản lý báo chí; cấp, thu hồi thẻ nhà báo, thông tin điện tử, chuyển đổi số tiến tới nền kinh tế số…

Tuy nhiên, một trong những vấn đề được quan tâm chất vấn nhiều vẫn là quản lý mạng xã hội.

Trả lời chất vấn, ông Hùng cho biết, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia có tỉ lệ người dân sử dụng nhiều smartphone và mạng xã hội cao.

Ông đưa ra con số Việt Nam hiện đang có 50 triệu người dùng Facebook.

“Thời gian chúng ta dành cho smartphone, mạng xã hội cũng cỡ khoảng 2,5-3 tiếng một ngày, vào loại cao trên thế giới,” ông Hùng nói.

Một trong những kết quả của quản l‎ý nhà nước về mạng xã hội được ông Hùng viện dẫn là việc Việt Nam tiếp tục yêu cầu các mạng xã hội xuyên biên giới chặn các nội dung chính trị.

Ông Hùng nói: “Trước đây với Facebook nếu chúng ta [chính phủ Việt Nam] yêu cầu 100 thì họ chỉ làm 20-30%, nhưng nay tỉ lệ này nâng lên 70%. Google nếu ta yêu cầu 100 họ chỉ chấp hành khoảng 40-50%, nhưng nay tăng lên 85%, thậm chí 90%, ví dụ gỡ các game xấu độc như đánh bài.”

“Rất ít nước làm được việc này”

Đó là nhận xét của ông Hùng khi trả lời về việc phát triển các mạng xã hội Việt Nam.

Theo ông Hùng, việc người Việt Nam dùng một mạng xã hội cũng giống như “não người Việt Nam tập trung vào một chỗ, mà chỗ đó không nằm ở Việt Nam.”

“Đấy là an ninh quốc gia. Rất nguy hiểm,” ông Hùng nói.

Và bởi vậy, theo ông Hùng, việc ra đời các mạng xã hội của Việt Nam chính là để tạo sự phân tán về thông tin, tạo ra sự an toàn.

“Đây là một trong số rất ít nước làm được việc này,” ông Hùng nói trên diễn đàn Quốc hội.

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, ông Hùng cũng cho biết, các mạng xã hội của Việt Nam có 65 triệu tài khoản. Trong đó có 2 mạng xã hội lớn và 8 mạng xã hội nhỏ.

Theo ông Hùng, nếu tiếp tục đẩy mạnh cộng với sự hỗ trợ của người dân ưu tiên dùng hàng Việt Nam thì đến năm 2020, các mạng xã hội Việt Nam có thể đạt mục tiêu 90 triệu tài khoản, tương đương với các mạng Facebook Google.

Với các mạng xã hội nước ngoài, ông Hùng nói sẽ không hạn chế nhưng sẽ quản ‎lý.

“Họ đến đây kinh doanh thì phải đóng thuế và tuân thủ luật pháp Việt Nam,” ông Hùng nhấn mạnh.

Theo ông Hùng, sau khi có 2 nghị định hướng dẫn triển khai thi hành Luật An ninh mạng thì cơ bản Việt Nam sẽ có đủ hành lang pháp lý để quản lý mạng xã hội nước ngoài.

Ông Hùng cũng cho biết chỉ cách đây 2 ngày, Facebook đã công bố chặn quảng cáo chính trị đối với 21 trang chống phá Nhà nước Việt Nam, trong đó có cả những trang mà Chính phủ Việt Nam tuyên bố là khủng bố.

VN vẫn chót bảng về tự do Internet

Nhà nước Việt Nam cần dũng khí ‘từ bỏ độc quyền báo chí’

Việt Nam ‘thực ra đã có lực lượng đối lập’

Việt Nam ‘chỉ vươn lên được bằng dân chủ và tự do’

Điều đáng chú ‎là những kết quả tích cực trong quản lý‎ nhà nước về mạng xã hội mà ông Hùng nói trước Quốc hội cũng nằm trong những điểm liên quan đến những tiến triển mới gây ảnh hưởng đến tự do Internet ở Việt Nam, theo báo cáo “Freedom on the Net 2019” (Tự do trên mạng 2019), do tổ chức Freedom House công bố hôm 5/11.

Báo cáo này xếp Việt Nam vào nhóm các nước không có tự do internet, với số điểm 24 trên tổng số 100.

Với con số này, Việt Nam đứng gần chót bảng và chỉ trên có Cuba, Syria, Iran và Trung Quốc.

Trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Việt Nam xếp sau tất cả các nước được đánh giá kể cả các nước láng giềng Đông Nam Á và chỉ trên Trung Quốc.

Vị trí này của Việt Nam không mấy thay đổi so với đánh giá của tổ chức Freedom House vào năm 2018.

Cụ thể, theo báo cáo, các bước phát triển mới của Việt Nam trong năm 2019 gây ảnh hưởng đến tự do Internet là sự ra đời của Luật An ninh mạng có hiệu lực từ tháng 1/2019 “cung cấp sức mạnh càn quét cho các cơ quan chức năng để kiểm duyệt nội dung internet và lấy dữ liệu người dùng… tiếp tục hạn chế quyền của người dùng internet”.

Tiếp đó, tháng 10/2018, tòa án phúc thẩm ở Hà Nội đã bác bỏ kháng cáo của nhà hoạt động môi trường Lê Đình Lượng, y án 20 năm tù với ông.

Theo báo cáo này, đây là một trong những bản án nặng nền nhất đối với một nhà hoạt động trực tuyến trong những năm gần đây.

Tương tự, một số nhà báo và nhà hoạt động trực tuyến đã nhận án tù.

Rồi việc từ tháng 7 đến tháng 12/2018, hơn 1.500 mẩu nội dung trên Facebook đã bị xóa theo yêu cầu của chính quyền, tăng gấp ba lần so với sáu tháng trước.

Bên cạnh những thông tin sai sự thật thì những nội dung thông tin của các nhà hoạt động, tổ chức xã hội dân sự và người dùng bình thường cũng bị xóa.

Vào tháng 10/2018, Việt Nam đã thành lập một đơn vị quốc gia để giám sát phương tiện truyền thông xã hội và các nội dung trên web.

Nhà chức trách khẳng định rằng, trung tâm này được trang bị phần mềm có thể phân tích, đánh giá và phân loại hàng triệu bài đăng trên mạng xã hội, theo báo cáo của Freedom House

Báo cáo này cho rằng, những “hạn chế khắc nghiệt” đối với tự do internet tiếp tục ở Việt Nam, trong khi không gian mạng cho quan điểm bất đồng và tranh đấu tiếp tục bị thu hẹp.

Điều đáng nói là trong khi những nội dung quản l‎ý mạng xã hội được Bộ Thông tin – Truyền thông chú trọng nhiều đến kiểm soát những tiếng nói bất đồng hay chỉ trích trên mạng, thì thông tin “xấu, độc” trên mạng – như cách nói của chính bộ này – vẫn lan tràn trên mạng.

Trở lại với phần chất vấn của ông Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông sáng 8/11 trước Quốc hội Việt Nam, khi trả lời đại biểu Nguyễn Quang Tuấn hỏi về bộ lọc để phát hiện tin xấu, độc, Bộ trưởng Hùng cho biết là hiện nay có tới 2 bộ lọc, mà đầu tiên là của công ty cung cấp nền tảng.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã đầu tư xây dựng trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia.

Ông Hùng cũng nói đến một lực lượng của bộ này để giải quyết các trang mạng mạo danh lãnh đạo đảng, Nhà nước của Việt Nam.

Trả lời một đại biểu khác, ông Hùng cho biết là bộ này cũng sẽ trình Chính phủ ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng.

Đồng thời, theo ông Hùng, sắp tới, Luật An ninh mạng yêu cầu rất nghiêm ngặt việc này, nhà mạng xã hội phải cung cấp danh tính của tài khoản. Khi cơ quan điều tra yêu cầu, thì nhà mạng phải cung cấp danh tính của chủ tài khoản đấy. Những người có ý định tung thông tin giả sẽ phải ngừng tay”, ông nói.

Nhưng bên cạnh đó, còn những nguồn khác phát xuất thông tin giả.

Chẳng hạn, theo chính ông Hùng, hiện có nhiều trang web mạo danh, đến nỗi chỉ trong có 2 tháng vừa qua, bộ này đã gỡ, hạ 207 website mạo danh.

Rồi quản lý nội dung quảng cáo truyên truyền hình còn để xảy ra nhiều sai phạm; vi phạm đạo đức nghề nghiệp ngay trong các cơ quan báo chí của nhà nước…

Tất cả đều có thể ảnh hưởng đến môi trường thông tin trên Internet.

Những giải pháp mà ông Hùng đưa ra cũng tập trung nhiều vào các quy định pháp luật hay tạo bộ lọc phát hiện và cách ly tin giả.

Chưa thấy ông Hùng nói đến một bộ lọc giúp lắng nghe những ý kiến trên mang xã hội để nhà nước điều chỉnh chính mình.

Nhà báo VN không được làm gì trên mạng xã hội?

Sau 20 năm, Internet ‘chuyển hoá’ Việt Nam như thế nào?

Bà Phạm Đoan Trang được giải Tự do Báo chí 2019

Trung Quốc vẫn tệ nhất

Báo cáo “Tự do trên mạng năm 2019” đánh giá tự do internet tại 65 quốc gia, chiếm 87% người sử dụng internet trên toàn thế giới.

Báo cáo này tuyên bố “một cuộc khủng hoảng” về truyền thông xã hội, bởi các chế độ độc tài chuyên chế ngày càng gia tăng sử dụng công cụ này để kiểm soát người dân của họ và can thiệp vào các cuộc bầu cử được tổ chức trong các nước tự do.”

Trung Quốc tiếp tục bị báo cáo này coi là nước vi phạm tự do Internet tệ hại nhất trên thế giới năm thứ tư liên tiếp.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-50342854

 

“Thắp lửa yêu nước trong dân”

phải bằng hành động cụ thể

Mất lửa yêu nước

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên chất vấn trước Quốc Hội vào chiều ngày 8/11 nhấn mạnh rằng, chất vấn là dịp để các thành viên Chính phủ nhìn lại mình, nâng cao chất lượng điều hành và quản lý. Người đứng đầu Chính phủ khẳng định trước Quốc hội cho rằng, chưa bao giờ đất nước đứng trước thời cơ và thuận lợi lớn như hiện nay. Ông nói: “Chúng ta phải tận dụng triệt để những thời cơ lớn đó, phải nỗ lực bằng tất cả trái tim và khối óc, phải hành động bằng ý chí và sức mạnh của cả dân tộc chúng ta; bằng sự đoàn kết chung sức, đồng lòng của toàn dân và trong toàn hệ thống chính trị cũng như trong từng cơ quan/đơn vị như Bác Hồ kính yêu từng dạy: Dân ta nhớ một chữ đồng: Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh.”

Do đó, ông Phúc cho rằng, chỉ có khát vọng dân tộc, quyết tâm hành động bằng ý chí mới có thể đưa Việt Nam phát triển hưng thịnh.

Tuy nhiên, sau lời kêu gọi của Thủ tướng, dư luận xã hội cho rằng, dường như lời nói của lãnh đạo nước không gắn với thực tế và không đi đôi với hành động.

Có ý kiến về vấn đề này, nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng thành viên nhóm No-U từ Hà Nội cho chúng tôi biết rằng, anh hoàn toàn đồng ý với ý kiến của Thủ tướng đưa ra trước Quốc hội về việc nhân dân Việt Nam đã trải qua thời kỳ hết sức là khó khăn và đã đứng lên dành độc lập, nhưng:

“…điều ông Phúc nói thì cũng chưa đầy đủ vì trong lịch sử cũng có nhiều vua chúa rất là tàn bạo, kém tài kém đức thì khi gặp những trường hợp như vậy thì đất nước suy vong vì do những vị vua đó. Khi người dân có thể đứng lên cùng với triều đình chống ngoại bang khi có vua đủ tài đủ đức thì nhân dân mới tập hợp được.”

Còn với Nhà báo Ngô Nhật Đăng, thì ông có suy nghĩ khác, ông cho rằng, không riêng gì Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mà ngay cả những nhà lãnh đạo cũng hô hào mọi người thể hiện tinh thần yêu nước nhưng đi vào thực tế đều ngược lại khi mọi người lên tiếng đều bị đàn áp thẳng tay.

“Dù rằng những người cộng sản nhận thấy rằng đất nước phải thay đổi thì người dân phải thể hiện lòng yêu nước nhưng những mục tiêu thay đổi của họ nó rất là mâu thuẫn, muốn kinh tế đất nước phát

triển mà chế độ chính trị phải ổn định thì cho thấy hai phạm trù thay đổi nó khác nhau nên đối với những lời kêu gọi như vậy chẳng được người dân phản ứng.”

Có một góc nhìn nhận thực tế hơn, nhạc sĩ Lê Thiệu chia sẻ rằng, hiện nay nhân dân đã mất hết niềm tin vào chính phủ Việt Nam nên đối với những lời kêu gọi của chính phủ thì người dân cũng phớt lời, chẳng ai quan tâm để ý.

“Vì chính bản thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã không có uy tín, trên diễn dàn chỉ nói theo kiểu tào lao thôi chứ không phải là người chính khách, nên niềm tin người dân không còn tin vào chính phủ hiện nay và thậm chí Thủ tướng phát biểu như một trò hề cho người dân cười vậy đó.”

Mất niềm tin

Cũng tại phiên chất vấn báo cáo Quốc hội, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cho rằng còn quá nhiều vấn đề mà người dân đang bức xúc và để giải quyết được những vấn đề đó, mọi người dân phải cùng đoàn kết, chung sức đồng lòng, cùng hành động quyết liệt thì mới có thể tháo gỡ những khó khăn vướng mắc này.

Đúng là lời nói của thủ tướng Phúc không sai chệch đường hướng của chính phủ VN đưa ra, nghĩa là chính phủ lúc nào cũng là …của dân, vì dân và do dân. Tuy nhiên, nhìn nhận lại thực tế, bao nhiêu tiếng nói của giới nhân sĩ, trí thức lên tiếng bảo vệ đất nước đã bị quy kết là phần tử phản động, thậm chí nhiều người trong số họ đã bị bắt bớ và bỏ tù.

Vậy, ngọn lửa yêu nước của người dân làm sao để thắp lên?

Kỹ sư Trần Bang từ Sài Gòn nhận định, đối với những lời nói đó thì việc tin hay không tin là tùy thuộc vào mỗi người nhưng đối với cá nhân ông thì ông khẳng định là không tin.

“…vì nếu các ông thả những người tù chính trị, biểu tình yêu nước ra, phản đối luật Đặc khu và An Ninh mạng mà hai luật này từ Trung Quốc mà ra giờ vác về kêu chống giặc ngoại xâm mà lại đi tiếp tay cho ngoại xâm. Nhiệt điện than, Vũng Áng Formosa, Bôxit Tây Nguyên… thì những điều đó tôi không tin. Họ thả hết những tù nhân lương tâm, những người đấu tranh lên tiếng chống Trung Quốc xâm lược bị bắt bỏ tù mà họ cho là tuyên truyền nói xấu. Khi nào bỏ Cộng sản thì chúng tôi công nhận yêu nước, còn không bỏ thì không yêu nước thế thôi. Đảng lãnh đạo mà cho đảng viên sang Trung Quốc tập huấn thì làm sao nói yêu nước, nói vậy chỉ nói giả vờ, mị dân thôi.”

Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng bổ sung thêm ý kiến về điều này:

“…thật nực cười và phi lý khi có hàng trăm tù nhân lương tâm vẫn đang chịu cảnh đọa đày trong ngục tối vì những điều họ nói và làm đi ngược với ý chí của nhà nước này. Mặc dù những việc họ làm cũng để bảo vệ đất nước, lên tiếng chống bất công, chống giặc ngoại xâm thế nhưng những người như thế là minh chứng lớn cho thấy nhà cầm quyền hiện nay họ không có thiện chí, ý chí gì bảo vệ tổ quốc, bảo vệ đất nước và tất cả những điều họ kêu gọi mục đích cũng chỉ là bảo vệ chế độ mà thôi chứ không phải bảo vệ đất nước bảo vệ nhân dân này.”

Còn theo nhà báo Ngô Nhật Đăng dẫn ra một ví dụ để minh chứng cho mọi lời nói của chính phủ đều không được người dân quan tâm. “ví dụ như luật đất đai không thể để luật là đất đai sở hữu toàn dân nhưng do nhà nước quản lý đó là một khái niệm nghe rất phẫn nộ, bất kỳ lúc nào có thể bị tước đoạt đất đai của mình.” Do đó, ông cho rằng mọi vấn đề mà họ (chính quyền –PV) nói một đằng nhưng đều làm một nẻo làm cho mọi người hay nhớ lại câu nói của cố tổng thống Nguyễn Văn Thiệu “Đừng nghe những gì cộng sản nói mà hãy xem những gì cộng sản làm”.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/calling-for-people-loving-country-by-actions-11082019125921.html

 

Chính phủ VN có kiểm soát được mạng xã hội?

Diễm Thi, RFA

Từ khi mạng xã hội phát triển mạnh ở Việt Nam, rất nhiều những phát ngôn ngớ ngẩn của các quan chức, những hành xử sai trái của cơ quan chức năng bị phơi bày lên mạng xã hội khiến chính quyền nhiều lần muốn quản lý mạng xã hội nhưng dường chưa họ vẫn chưa làm được.

Gài “an ninh quốc gia” để kiểm soát?

Tại phiên trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội sáng 8 tháng 11 năm 2019, Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu rằng: “Hiện nay rất nhiều người nghĩ gì, nói gì, mua gì, thậm chí yêu ai đều thông qua mạng xã hội. Nếu như tất cả các thông tin đó ở trên một mạng xã hội

nước ngoài có nghĩa là não người Việt Nam chỉ tập trung vào một chỗ và không nằm ở Việt Nam. Điều này là rất nguy hiểm đến an ninh quốc gia”.

Theo dư luận trên mạng xã hội, việc ông Hùng nêu vấn đề an ninh quốc gia là để mở đường cho việc quản lý chặt chẽ hơn các mạng xã hội không “Made in Vietnam” hiện nay. Ông Nguyễn Kế Quang, một cư dân mạng có lời “nhắn gửi” tới ông Hùng:

“Đã là con người nói chung, người Việt nói riêng thì chẳng có bộ não nào giống bộ não nào vì họ không phải là là những robot được sản xuất trong cùng một hãng! Vấn đề là những người đang có nhiệm vụ, chức năng như ông cần phải không ngừng nâng cao trình độ quản lý tương xứng với sự phát triển của xã hội chứ không phải kéo sự phát triển của xã hội lùi lại cho phù hợp với trình độ quản lý của mình, ông Nguyễn Mạnh Hùng ạ!”

Ngoài những mạng xã hội nước ngoài nổi tiếng và thông dụng hiện nay như Facebook, Twitter, Instagram, Flickr …, Việt Nam có một số mạng xã hội “nội địa” như Zalo, Mocha, Gapo, Hahalolo, Lotus…

Tại buổi lễ ra mắt mạng xã hội Lotus hôm 16 tháng 9 vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói rằng hơn chục năm rồi ông mới được nghe mọi người nói về một cách tiếp cận mới, và ông có một niềm tin là người Việt Nam có thể làm ra những thứ mà thế giới chưa từng làm.

Có lẽ Việt Nam làm những việc mà thế giới chưa từng làm nên những mạng xã hội “Made in Vietnam” không thu hút được người dùng Việt Nam vì cách thức hoạt động “không giống ai”, tức không sòng phẳng với người dùng như chuyên gia công nghệ thông tin Lê Ngọc Sơn từ Đức từng chia sẻ với RFA:

“Thứ nhất về mặt kỹ thuật chúng ta còn thua xa so với các mạng xã hội hiện nay; Thứ hai người ta lo ngại về sinh quyển, đàm luận trên không gian mạng và sự an toàn của nó. Những thứ này đang là một dấu chấm hỏi, các nhà phát triển cần phải trả lời vấn đề này một cách sòng phẳng với người tiêu dùng thì mới thu hút người dùng.”

Ông Nguyễn Tiến Trung, Thạc sĩ Công nghệ Thông tin, cũng là cựu tù nhân lương tâm nói với RFA rằng, đa số những người đăng chính kiến của mình lên Facebook liên quan đến chính trị, hoặc phơi bày một sự thật nào đó về tham nhũng trong nội bộ đảng cộng sản, thì thường bị chính quyền VN tìm cách trù dập, bắt bớ thậm chí bị block mạng và gỡ bài. Chỉ vậy thôi cũng đủ thấy là có một “đội ngũ” chuyên theo dõi nội dung của người dùng trên mạng xã hội thông qua việc yêu cầu facebook, google gỡ các nội dung bị cho là không phù hợp chính sách cộng đồng (?!)

Có kiểm soát được MXH nước ngoài không?

Ngoài việc đó, để kiểm soát người dùng mạng xã hội thì Nhà nước Việt Nam cũng đã và đang vận dụng nhiều cách để kiểm soát, kiểm duyệt nội dung đăng tải trên facebook và hiển nhiên trên mạng xã hội “Made in Vietnam”. Tuy vậy, các cách thức mà chính quyền VN đang áp dụng kiểm duyệt nội dung trên facebook, đều đang gặp phải sự phản ứng gắt gao từ cộng đồng. Có thể kể ra như vào giữa tháng 8 năm 2019, Bộ Thông tin-Truyền thông yêu cầu Facebook phải tiến hành định danh tài khoản người dùng ở Việt Nam. Lúc bấy giờ Nhà báo  Nguyễn Ngọc Già lên tiếng với RFA rằng như vậy sẽ không công bằng cho người dân. Ông giải thích:

“Định danh là phải rõ mặt người, vậy lực lượng Dư luận viên, AK47 của phía nhà cầm quyền CSVN – những kẻ mà người ta hay gọi là cuồng đảng, yêu đảng – không dám xuất hiện thì sẽ được giải quyết ra sao? Liệu có công bằng hay không?”

Còn với Luật An Ninh Mạng thì bị tổ chức Human Rights Watch chỉ trích rằng luật này được thiết kế để giúp Bộ Công An tăng cường giám sát phát hiện các chỉ trích, và làm sâu hơn nữa sự độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Nếu luật được thực hiện, bất cứ người dùng internet nào ở Việt Nam cũng sẽ không còn quyền riêng tư.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam nói với RFA tối ngày 8 tháng 11 rằng, ngoài chuyện bắt bớ những người bày tỏ chính kiến không vừa ý chính quyền trên mạng xã hội, về mặt kỹ thuật chính quyền có thể quản lý được mạng xã hội, chỉ có điều họ chưa dám làm thôi. Ông dẫn chứng về Luật An Ninh Mạng:

“Luật An ninh mạng là một luật rất khắc nghiệt nhưng có lẽ chính quyền thấy không ổn, cho nên nghị định để thi hành luật này vẫn còn bị treo chưa ra đời. Có lẽ còn nhiều bàn cãi trong nội bộ của giới lãnh đạo. Tôi đoán họ cũng có nhiều phe trong giới lãnh đạo và ông Hùng thuộc phe có tư duy rất là cổ lỗ.”

Cũng trong phiên trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, các mạng xã hội vào Việt Nam càng nhiều càng tốt nhưng phải tuân thủ luật pháp Việt Nam. Vào đây làm ăn thịnh vượng thì cũng phải làm cho Việt Nam thịnh vượng.

Về mặt này, Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận xét rằng ở khía cạnh nào đấy thì chính quyền Việt Nam cũng có lý, vì các mạng xã hội lớn như Facebook, Google hoạt động ở Việt Nam có lợi nhuận nhưng không đóng đồng thuế doanh thu và giá trị gia tăng nào. Ông kết luận:

“Chỉ có cách đánh thuế, nhưng đây là vấn đề của cả thế giới chứ không chỉ ở Việt Nam.”

Hồi tháng 6 Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói trước Quốc hội rằng Bộ Thông tin – Truyền thông sắp tới sẽ có yêu cầu cụ thể đối với các nhà mạng phải có các bộ lọc để xử lý thông tin trên mạng xã hội, mà ông gọi là “dọn rác”.

Ông cho biết Bộ Thông tin – Truyền thông đã có trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia và có thể phân tích, đánh giá. Các bộ ngành sau khi xác định thông tin nào là “rác” sẽ thông báo để Bộ này gỡ bỏ thông tin, kể cả đối với các nhà mạng nước ngoài.

Nghe có vẻ Chính phủ VN đang “chuẩn hóa” các công cụ kiểm soát mạng, kể cả mạng nước ngoài trong thời gian tới khi hoạt động không gian ảo trên mạng phát triển mạnh mẽ. Thế nhưng, với cách kiểm soát không công bằng như bấy lâu nay thì Việt Nam rất dễ sa lầy vào chiến thuật “thà giết lầm còn hơn bỏ sót” và như thế nguy cơ xung đột giữa nhà nước và người dân chắc chắn sẽ tăng lên. Tình thế “vỡ trận” sẽ không sớm thì muộn sẽ diễn ra…

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/can-vietnamese-goverment-control-the-media-socials-dt-11082019132014.html

 

Kiện Trung Quốc: “Thập thò lo chẳng chết”

Chiến Sỹ

Thứ trưởng Ngoại giao CSVN tại Hội thảo về Biển Đông (từ ngày 6 đến 7/11 ở Hà Nội) ám chỉ sẽ dùng công cụ pháp lý đối với Trung cộng. Tuy nhiên, phát biểu này hiện đang gây nên một khủng hoảng truyền thông ở trong nước… Điều này gợi nhớ lại chuyện anh chàng cù lần nọ bị cướp vợ, nhưng do đầu óc lú lẫn nên chẳng dám làm gì. Nhờ học lỏm được mấy câu của người khác, nhại lại đúng chỗ, khiến thiên hạ tưởng anh này hết ngốc, cả nể và trả lại vợ cho anh ta!

Nhưng cái kết cục ngoài đời đối với việc kiện Trung Quốc về Biển Đông sẽ không thể kết thúc có hậu như trong câu chuyện cổ tích về “chàng ngốc học khôn” nói trên. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã bỏ ra khoản kinh phí khá lớn để tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế Biển Đông suốt hai ngày trời, về một đề tài còn nóng hơn cả chảo lửa: “Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực”. Qua 8 phiên toàn thể, giữa phiên thứ nhất, đánh giá hiện trạng trên Biển Đông đến phiên cuối cùng, củng cố nền tảng hoà bình và trật tự dựa trên luật lệ, là các đề tài nhánh như chiến lược các nước lớn, hội tụ của Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và việc ngăn ngừa sự cố và xây dựng lòng tin… Một cuộc gặp mặt – kỷ niệm 11 năm giao lưu giữa các chuyên gia thượng thặng – về Biển Đông, với nội dung khá phong phú như vậy, mà truyền thông hầu như bị gạt ra ngoài rìa, đủ thấy quyền thông tin của người dân mong manh đến nhường nào!

Dù sao, so với các cuộc họp từ 2009 đến nay, phải thừa nhận dư luận quốc tế năm nay có những điểm thuận lợi hơn cho Việt Nam. Thế giới một lần nữa thấy được tính chất “vô căn cứ, phi pháp và phi lý” trong các đòi hỏi về chủ quyền, quyền chủ quyền của Trung Quốc. Nhưng vạch ra được bản chất côn đồ của Trung cộng như những tên hải tặc trên các vùng biển quốc tế là một chuyện, còn quy tụ dư luận thế giới để thành một diễn đàn pháp lý làm hậu thuẫn cho Việt Nam và các nước yếu thế trên Biển Đông trong cuộc chiến đấu chống lại chủ nghĩa bá quyền, lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Cơ bản ở đây là não trạng và bản lĩnh của quốc gia bị xâm hại. Một khi CSVN vẫn duy trì “chính sách ba không”, khư khư giữa “cái đại cục” với quan thầy và vẫn coi Hoa Kỳ là đối tượng tác chiến trong học thuyết quân sự, thì Trung cộng hẳn nhiên nhếch mép “cười ruồi” và chấp cả chục lần kiểu phát biểu như của Thứ trưởng Lê Hoài Trung. Với hệ thống chính sách “bất biến” của Hà Nội, Trung cộng vẫn tiếp tục giương cao ngọn cờ “luật pháp là tao!”

Cũng lạ là ngay đến cả cái “ám chỉ rụt rè” của Thứ trưởng Trung vẫn gây ra được một “cơn bão trong cốc nước”. Vào ngày đầu của Hội thảo, hãng tin Reuters đã chạy tít lớn: “Vietnam mulls legal action over South China Sea dispute”. Hãng truyền thông có tên tuổi này đương nhiên dựa vào phát biểu của Thứ trưởng Lê Hoài Trung sáng 6/11 rằng, Việt Nam chuẩn bị các biện pháp (đối phó với Trung Quốc) bao gồm tìm kiếm sự thật, trung gian hòa giải, đàm phán, trọng tài và kiện. Hiến chương Liên Hợp Quốc và Công ước của LHQ về luật biển (UNCLOS 1982) có đủ các cơ chế cho chúng ta áp dụng những biện pháp này. Nhưng khi được bao chí trong nước đôn đáo chất vấn thì hình như chính vị Thứ trưởng Ngoại

giao này lại “đính chính” rằng, ông không hề đề cập đến chuyện khởi kiện Trung Quốc! Thế mới biết, phát âm được hai chữ “Trung Quốc” đối với lãnh đạo cấp cao Hà Nội đã khó, tuyên bố được cả một mệnh đề, “khởi kiện Trung Quốc”, đối với ông Thứ trưởng, lại càng khó hơn!

Dư luận hiện đang lo ngại, đến hai tiếng “Trung Quốc” còn không dám nhắc đến, thì liệu sang 2020, Việt Nam làm thế nào để ngồi vào cái ghế Chủ tịch ASEAN một cách vững chãi được. Và Bắc Kinh càng được nước trước sự ươn hèn về chính sách của Hà Nội. Cứ xem cách phản ứng của đại diện Trung Quốc tại Hội thảo thì rõ! Khi các đại biểu chất vấn về thái độ coi thường công pháp quốc tế của Trung Quốc trên Biển Đông hồi mùa hè qua thì trong trả lời, đại biểu Bắc Kinh lại huyên thuyên về triển vọng của bang giao Trung – Mỹ (?) Còn phát ngôn viên của BNG Hà Nội, ngay hôm 7/11, ngày Hội thảo kết thúc, vẫn né tránh khi phóng viên hỏi Việt Nam đã chuẩn bị cụ thể gì cho vụ kiện? Phó phát ngôn viên Ngô Toàn Thắng lặp lại như một robot: “Việt Nam sẵn sàng cùng cộng đồng quốc tế đóng góp tích cực vào duy trì trật tự hòa bình, an ninh khu vực, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật ở Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của LHQ về UNCLOS 1982”. Rõ là ông hỏi gà, bà trả lời vịt!

Và cũng chẳng cần đợi lâu, ngay khi các quan khách chưa rời Hà Nội, Bắc Kinh đã tố ngược Việt Nam là xâm lấn vùng biển Trung Quốc. Bắc Kinh kêu gọi Hà Nội không nên “làm phức tạp” vấn đề Biển Đông. Lời tố cáo ngược này được đưa ra ngay sau khi Thứ trưởng Trung chỉ mới hàm ý, Hà Nội không loại trừ khả năng kiện Trung Quốc. Phát ngôn viên BNGTQ Cảnh Sảng hôm 8/11 khẳng định rằng, cốt lõi của vấn đề Biển Đông là việc Việt Nam và các nước có yêu sách khác đã “xâm chiếm và chiếm đóng” các hòn đảo của Trung Quốc. Theo ông Cảnh Sảng, “Việt Nam cần phải đối mặt với thực tế lịch sử và tuân thủ sự đồng thuận ở cấp cao mà hai nước đã đạt được… đồng thời tránh những hành động có thể làm phức tạp tình hình, xáo trộn đại cục hòa bình, ổn định ở Biển Đông và quan hệ song phương”.

Vẫn liên quan đến khả năng khởi kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế, chuyên gia hàng hải Poling khẳng định trong Hội thảo nói trên rằng, Việt Nam nên nghiêm túc cân nhắc việc này. Bởi vì cho tới nay, đã khá rõ ràng rằng Trung Quốc đang áp dụng chiến lược cưỡng ép, hiếp đáp, nhằm đẩy Việt Nam ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của mình (EEZ). Suốt trong vòng 4 tháng qua kể khi tàu khảo sát Trung Quốc vi phạm vùng biển của Việt Nam, mọi cơ chế giao tiếp song phương đều tỏ ra không hiệu quả. Các ý kiến chuyên gia cố động viên Hà Nội rằng, nếu Việt Nam lần này kiện, thì xác suất thắng kiện là cao. Tuy nhiên, các đại biểu trong Hội thảo cũng nói rõ rằng, Việt Nam nên tuyên bố công khai, đừng úp úp mở mở về “bên liên quan” hay “nước ngoài” vi phạm vùng EEZ của mình. Ngay tại Hội nghị cấp cao ASEAN-35, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn không dám đả động một từ nào đến “Bãi Tư Chính” và cái tên “Trung Quốc”. Trước thái độ đó của người đứng đầu chính phủ Việt Nam, có thể cắt nghĩa được, đã chẳng có bất kỳ ý kiến nào từ các nước  ASEAN bày tỏ “ủng hộ Việt Nam”, bất chấp Việt Nam sẽ là Chủ tịch luân phiên của khối này vào năm 2020./.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/vn-needs-to-sue-china-11082019132629.html

 

Giáo sư Carl Thayer: Việt Nam cần tạo mặt trận

thống nhất đáp trả chiến tranh tâm lý của TQ

Ông Carl Thayer khẳng định, Việt Nam cần tạo ra mặt trận thống nhất chống lại chiến tranh tâm lý, ngăn chặn thông tin sai lệch của Trung Quốc về Biển Đông.

Liên tục thời gian qua, xã hội rất bức xúc trước việc hàng loạt các mặt hàng, ấn phẩm từ sách, bản đồ, phim ảnh, ứng dụng điều hướng trên ô tô… bị Trung Quốc cài cắm “đường lưỡi bò”. Thủ đoạn xảo quyệt, tinh vi này được xem là một phần trong chiến dịch tổng thể nhằm cướp trọn Biển Đông của Trung Quốc.

Bên lề Hội thảo Khoa học Quốc tế về Biển Đông lần thứ 11 tại Hà Nội, Giáo sư Carl Thayer, nhà nghiên cứu của Học viện Quốc phòng Australia, trả lời phóng viên VTC News về quan điểm đối với chiến dịch tâm lý chiến “đường lưỡi bò” của Trung Quốc.

Giáo sư Carl Thayer cho rằng, chiến tranh tâm lý hay chiến dịch cài cắm “đường lưỡi bò” trong các sản phẩm lưu hành rộng rãi chỉ là một trong nhiều mặt trận nhằm mục đích cuối cùng, chiếm trọn Biển Đông của Trung Quốc.

Theo chuyên gia, hình thức tuyên truyền này không chỉ được sử dụng đối với Việt Nam, mà còn ở nhiều nước khác trong khu vực, thậm chí cả ở Australia.

“Chúng tôi cũng thường xuyên đối mặt với những vấn đề tuyên truyền này. Ví dụ như các trang điện tử giả (fake website), luôn thể hiện quan điểm ủng hộ Trung Quốc”, Giáo sư Thayer cho biết.

“Chiến tranh tâm lý là một hoạt động quan trọng trong chiến thuật của Trung Quốc, là cách giành chiến thắng trong cuộc chiến mà không cần đánh (không sử dụng vũ khí quân sự)”, ông Thayer giải thích.

Ông Carl Thayer cho rằng, nhiều quốc gia đang lo ngại về mối đe dọa an ninh từ  chiến dịch tâm lý chiến này của Trung Quốc. Không chỉ riêng Việt Nam mà cả Australia cũng đang phải đối mặt với vấn đề trên.

Hiện nay, trên nền tảng công nghệ thông tin, cho phép thực hiện các hình thức chiến tranh mới trên không gian mạng và cả chiến tranh tâm lý nữa. Đây là một mặt trận mới và rất nguy hiểm. Trung Quốc rất biết cách phát triển các chiến thuật mới, nhằm cài đặt hình ảnh đường lưỡi bò, thể hiện những yêu sách phi lý, bất hợp pháp của họ về vấn đề Biển Đông.

Cũng theo Giáo sư Carl Thayer, để đối phó với chiến dịch tâm lý chiến “đường lưỡi bò” của Trung Quốc, Chính phủ Việt Nam, cụ thể là Bộ Thông tin và Truyền thông cần chứng minh và chỉ rõ cho nhân dân trong nước và cộng đồng thế giới biết cụ thể về chiến dịch tuyên truyền (về đường lưỡi bò) này của Trung Quốc.

“Việt Nam cần tạo ra một mặt trận thống nhất trong cả nước, nhằm đáp trả chiến dịch trên”.

“Cần nói rõ cho người dân và cộng đồng quốc tế biết về quan điểm của Việt Nam đối với vấn đề này. Tôi nghĩ rằng, Việt Nam biết cách hoàn thành tốt nhiệm vụ này. Đặc biệt cần sử dùng nhiều kênh thông tin, truyền tải nội dung phản đối (hành động chiến tranh tâm lý của Trung Quốc)”, chuyên gia Carl Thayer nói.

Ngoài ra, Việt Nam, cũng như Australia và các nước trong khu vực cần phối hợp tốt hơn nữa, để đáp trả lại cuộc chiến tâm lý và đấu tranh loại bỏ các thông tin sai lệch về Biển Đông từ phía Bắc Kinh.

http://biendong.net/goc-nhin-moi/31325-giao-su-carl-thayer-viet-nam-can-tao-mat-tran-thong-nhat-dap-tra-chien-tranh-tam-ly-cua-tq.html

 

Hãy cứu giúp người tù

bị cưỡng bức điều trị âm thần: Lê Anh Hùng

Nguyễn Vũ Bình

Là người bạn khá thân của Lê Anh Hùng, tôi và các bạn bè Anh thường đưa bác Niêm, mẹ Lê Anh Hùng đi thăm nuôi Hùng từ những ngày còn ở Trại tạm giam số 2, Hà Nội. Sau này, khi Hùng bị cưỡng bức đưa về điều trị tâm thần ở bệnh viện Tâm thần trung ương I (Thường Tín, Hà Nội), chúng tôi vẫn thường xuyên đưa mẹ Hùng đi thăm nuôi. Ngày 08/11/2019, sau khi gặp Lê Anh Hùng, bác Niêm cho biết, Hùng gần đây đã bị bệnh viện tăng gấp đôi liều thuốc tâm thần đang dùng mà không có lý do. Hùng nói sau khi uống thuốc thì choáng váng, đau đầu và không ngủ được. Hùng nhờ mẹ đưa thông tin đó ra ngoài để mọi người được biết, và phản đối việc này giúp Hùng.

Lê Anh Hùng sinh năm 1973 ở Hà Tĩnh, Anh tốt nghiệp đại học Kinh tế Quốc dân năm 1998, sau đó có làm cho một số công ty về xây dựng của nhà nước.

Xuất phát từ những mối quan hệ trong gia đình, Lê Anh Hùng phát hiện ra một đường dây buôn ma túy có dính líu tới nhiều quan chức cao cấp. Anh đã gửi đơn thư tố giác đi nhiều nơi, nhưng không được thụ lý và giải quyết thỏa đáng. Việc tố giác này, Lê Anh Hùng đã trao đổi với nhiều người, và theo Hùng thì Anh tin tưởng tuyệt đối vào vụ việc, sẵn sàng chịu trách nhiệm cho việc tố cáo của mình. Anh mong muốn các cơ quan pháp luật thực hiện theo đúng các trình tự thủ tục tố giác tội phạm.

Tuy nhiên, các cơ quan tố tụng của Việt Nam, từ thị xã Đông Hà, Quảng Trị, tới các cơ quan trung ương đều không thực hiện đúng trình tự các thủ tục tố giác tội phạm. Không những vậy, Anh còn bị bắt giam và truy tố nhiều lần. Đó là vào tháng 12/2009, Anh bị bắt tạm giam và khởi tố với tội danh “Vu khống các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước” theo điều 122 bộ luật hình sự. Sau khi bị bắt tạm giam, Lê Anh Hùng lại bị các cơ quan tố tụng cưỡng bức đi giám định tâm thần, bị kết luận tâm thần và đình chỉ điều tra vụ án (23/8/2010). Sau khi được tự do, Lê Anh Hùng vẫn tiếp tục vụ tố giác, gửi đơn thư đi các

nơi. Lần thứ hai, Lê Anh Hùng lại bị Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội cưỡng bức đưa vào Trung tâm Bảo trợ Xã hội, bắt giữ trái phép 12 ngày, đến ngày 05/2/2013 thì phải thả Anh ra.

Tuy hai lần bị nhà cầm quyền các cấp đối xử thô bạo, nhưng Lê Anh Hùng vẫn không nhụt chí, Anh tiếp tục các đơn thư tố cáo của mình. Tổng cộng, số lần gửi đơn thư của Anh đã lên tới con số 137.

Sau rất nhiều lần gửi đơn thư nhưng không có hồi âm, hoặc nhận được sự đối xử thô bạo, Lê Anh Hùng đã thất vọng, không còn cách nào để vụ việc của mình được chú ý. Anh đã dùng việc căng băng rôn, biểu ngữ mà hiện nay nhiều người sử dụng để nhận được sự chú ý của dư luận, và việc giải quyết của các cơ quan công quyền. Lại một lần nữa, nhà cầm quyền không thụ lý giải quyết vụ việc cho Anh mà liên tục bắt giữ, gây sức ép. Cuối cùng, ngày 05/7/2018, nhà cầm quyền đã bắt giam và khởi tố Anh với tội danh “ Lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo điều 331 bộ luật hình sự.

Sau một thời gian Lê Anh Hùng bị bắt, thay vì khởi tố vụ án Lê Anh Hùng tố cáo hoặc tiếp tục truy tố Hùng với tội danh khi bắt giam Anh, nhà cầm quyền đã đưa Anh đi giám định tâm thần hai đợt (cuối tháng 10/2018 và tháng 4/2019), và cưỡng ép Lê Anh Hùng vào bệnh viện Tâm thần Trung ương I, Thường Tín điều trị. Việc giám định và cưỡng ép chữa bệnh đối với Lê Anh Hùng, nhà cầm quyền đã không hề trao đổi, thông báo cho gia đình. Chỉ đến khi Lê Anh Hùng đã bị đưa về bệnh viện điều trị, gia đình mới được biết và tới thăm nuôi.

Điều đáng lên án là trong quá trình giam giữ, Lê Anh Hùng đã bị đối xử rất thô bạo. Điển hình là khi bị cưỡng bức đưa đi giám định tâm thần, Anh đã tuyệt thực phản đối nhưng đã bị các nhân viên công quyền đè ra, truyền thức ăn qua đường mũi, miệng đến chảy cả máu…

Để nói về Lê Anh Hùng, tất cả đều biết Anh là một dịch giả, và là nhà báo viết blog cho Ban Việt ngữ Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA). Anh đồng thời tham gia phản biện xã hội, và đấu tranh cho nhân quyền, tự do và dân chủ ở Việt Nam. Các bài viết của Lê Anh Hùng mạnh mẽ, khúc triết, có nhiều suy tư và kiến thức. Đặc biệt không có ai có bất kỳ ý kiến nào về các bài viết theo kiểu con người anh có vấn đề về tâm thần hoặc thần kinh. Trong các mối quan hệ, những ai từng giao tiếp với Lê Anh Hùng đều chung nhận xét, anh nói năng nhỏ nhẹ, mạch lạc, khiêm nhường, không to tiếng gây sự với ai bao giờ. Anh là người cha, người chồng thương yêu vợ con và có lòng bao dung với những sai lầm của vợ.

Việc cưỡng bức Lê Anh Hùng vào giám định, điều trị tâm thần đã bị gia đình và cộng đồng phản đối mãnh liệt. Tuy nhiên, nhà cầm quyền chưa dừng tay, mới đây nhất, bệnh viện Tâm thần trung ương I đã tăng gấp đôi liều lượng thuốc tâm thần dành cho Lê Anh Hùng mà không có lý do khiến Anh bị choáng váng, đau đầu và không ngủ được (theo lời Lê Anh Hùng nói với mẹ trong cuộc thăm nuôi ngày 08/11/2019). Việc người bình thường bị đưa vào bệnh viện tâm thần cho uống thuốc hàng ngày đã hủy hoại tinh thần của con người. Đến nay lại tăng gấp đối liều lượng thuốc cho Lê Anh Hùng là điều độc ác, dã man và không thể chấp nhận nổi. Yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam, an ninh và bệnh viện Tâm thần trung ương I Thường Tín Hà Nội hãy dừng tay trước khi hủy hoại một nhân cách, một con người!

Kính mong tất cả những người Việt còn lương tri hãy lên tiếng cho trường hợp của Lê Anh Hùng!

Hà Nội, ngày 09/11/2019

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/save-le-anh-hung-11092019092411.html

 

Cuộc đi trên dây ngoạn mục của báo chí Việt Nam

trong vụ 39 nạn nhân chết ở Essex

Cao Phong

Tối 09-11, sau khi Cảnh sát Essex (Anh) và Bộ Công an Việt Nam đồng thời phát đi thông báo tên tuổi, quê quán của 39 nạn nhân người Việt thiệt mạng trong chiếc xe đông lạnh tại Essex. Những ai theo dõi báo chí Việt Nam tối 08-11 sẽ quan sát thấy một cảnh tượng đầy thú vị. Tôi chắc nếu ai ghi nhận lại cặn kẽ thì nó có thể trở thành một ca tham khảo vô cùng lý thú trong lịch sử báo chí Việt Nam sau này.

Tôi phải nói lại một chút lý do vì sao vụ việc này được quan tâm.

Vụ việc chấn động thế giới không chỉ vì cái chết bi thảm của 39 con người, mà còn do nó một lần nữa tiết lộ những đường dây buôn người xuyên quốc tế và tình trạng nô lệ hiện đại. Một lần nữa, nó nhắc cho những con người đang vui vẻ trên thế giới rằng rất nhiều đồng loại của họ vẫn đang dấn thân trong

các nẻo đường di cư bất hợp pháp đầy hiểm nguy, mà với không ít người đó là tìm sự sống.
39 mạng người, trong đó có những thanh niên 17, 18, 19 tuổi, có những người cha, người mẹ để lại 2, 3, 4 đứa con thơ và món nợ khổng lồ với gia đình. Có cả 2 trẻ vị thành niên mới 15 tuổi. Tại sao họ phải đi? Tại sao hầu hết họ đều xuất thân từ ba tỉnh nghèo Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình?

Nhưng, “các cơ quan chức năng” (được hiểu là Ban tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin truyền thông) đã ra nhiều lệnh cấm báo chí tìm hiểu hoàn cảnh sống và đưa danh tính những người thiệt mạng, mặc dù chính tên tuổi và hoàn cảnh gia đình của các nạn nhân mới chính là các thông tin được quan tâm (Lý do là từ đó mới có thể hiểu được động cơ và mục đích nào thúc bách họ chọn con đường bất hợp pháp và đầy nguy hiểm đó). Không còn là câu chuyện riêng tư của từng gia đình, nó đã là vấn đề xã hội.

Và đây là cuộc leo dây của các báo Việt Nam:

Tuổi Trẻ, tờ báo vốn có uy tín về các vấn đề thời sự rất nhạy bén làm một tấm ảnh tưởng niệm, thu hút người đọc ngay lập tức. Nhưng dưới đó chỉ lặp lại của thông tin từ trang web Bộ Công an, cho biết danh tính của tất cả nạn nhân đã được xác định, liệt kê tuổi tác lớn nhỏ, quê quán của họ, nhưng không có dòng nào ghi rõ tên tuổi. Đây là cú hẫng bất ngờ cho độc giả của báo Tuổi Trẻ, vì trong suốt vụ việc, tờ báo này đã thông tin rất đầy đủ.

Báo điện tử Zing tuân lệnh, giống Tuổi Trẻ.

Báo Thanh Niên rất khéo léo và thông minh, cài trong dòng tin trung tính các cụm từ khóa khác màu, trỏ đến trang web của Cảnh sát Essex và Bộ Công an Việt Nam, để người đọc ngay lập tức biết rõ toàn bộ thông tin họ muốn biết. Mà Thanh Niên vẫn không vi phạm lệnh cấm gì cả, vì họ có trực tiếp đưa tên tuổi quê quán nạn nhân lên đâu!

Nhóm gan lì, gồm Thông tấn xã Việt Nam, Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh, VNExpress, Vietnamnet, Lao Động, Công an nhân dân, Công an thành phố Hồ Chí Minh, Phụ nữ Việt Nam… bất chấp lệnh cấm, đưa rõ toàn bộ danh sách nạn nhân.

Ngạc nhiên và đáng khen là báo Hà Tĩnh. Không chỉ bất chấp lệnh cấm mà họ còn chọn lọc ra 10 nạn nhân quê quán ở Hà Tĩnh để đăng trước trong danh sách. Kèm theo đó là những thông tin về chia buồn, hỗ trợ các gia đình có người thân thiệt mạng. Tôi nói ngạc nhiên vì là một tờ báo Đảng ở tỉnh nhỏ, ngoài phạm vi Hà Tĩnh ra thì không có tiếng nói nào trên làng báo Việt Nam, thế nhưng với ứng xử kể trên họ đã cho thấy khả năng tác nghiệp phục vụ người đọc hơn hẳn sự nửa vời của Tuổi Trẻ.
Báo Nghệ An, nơi có đông nạn nhân nhất trong vụ Essex, cũng là nơi trực tiếp hưởng lợi nhiều nhất từ nguồn kiều hối các di dân lậu và không lậu gửi về (đến nỗi xã này được chính báo Nghệ An mệnh danh là “làng tỷ phú” với tinh thần hân hoan khen ngợi từ nhiều năm trước) cũng đưa toàn bộ danh tính nạn nhân.

Sự việc diễn ra ngay tại địa bàn cho nên lẽ ra các tờ báo này phải là hàng đầu trong việc thông tin đầy đủ, tuy nhiên do cái mũ báo Đảng bộ địa phương quá lớn nên họ đã phải nhường sân cho các tờ báo ít chính thống bằng.

Đặc biệt, báo Nhân Dân chỉ có vỏn vẹn khoảng chục tin bài và không có bất cứ dòng nào làm rõ hoàn cảnh, nhân thân, động cơ nào đã đẩy các nạn nhân chọn con đường hiểm nguy như vậy. Ngoài các bài viết thông tấn (nhưng cũng tích cực) như nêu lại động thái của các lãnh đạo Nhà nước chia buồn, hỗ trợ đưa các nạn nhân về nước, tờ Nhân Dân có bài báo rất độc đáo mang tên “Đừng có lúc nào cũng đổ tội cho nhà nước”, nội dung nói nước nào thì cũng có người di dân cả, sống ở Việt Nam cũng rất tốt nhưng những người đi chỉ là do đồng bảng Anh thu hút thôi.

Ở các làng quê Nghệ An, Hà Tĩnh…, những đêm nay mấy chục gia đình không ngủ. Một hai ngày nữa, thi thể các nạn nhân được đưa về, một đỉnh điểm đau đớn sẽ lại trào lên.

Nhưng an táng xong, tất cả mọi người phải quay về với thực tế bi thảm hơn trước mắt: Người đã mất, nợ thì còn. Họ sẽ làm gì để sống tiếp và trả nợ? Địa phương nơi họ sinh sống cần làm gì để ngăn chặn nạn vượt biên tự nguyện này?

Cách đây vài ngày, tôi vừa xem một tài khoản facebook chụp hai tấm ảnh một thanh niên và một vị thành niên, nói rằng em trai “đã đến an toàn”. Điểm đến là một nước châu Âu. Ở dưới, rất nhiều bình luận chúc mừng, cả thương cảm (vì cuộc sống mưu sinh các con phải đi xa) và dặn dò giữ sức khỏe. Qua cách dùng từ và tò mò lần theo vài tài khoản, tôi nhận ra họ sống ở Nghệ An.

Không thể kết luận chàng trai kia đi sang châu Âu bằng con đường nào, nhưng cũng không khó để tạm kết luận rằng các cuộc di dân sang Anh trên xe tải và container vẫn sẽ tiếp diễn, chừng nào người dân vẫn còn thấy sức thu hút của đồng bảng Anh quá chênh lệch với tiếng gọi của quê hương họ, đến nỗi bất chấp sinh mạng.

Nhưng với động thái đáng khâm phục như đã kể trên của Ban Tuyên giáo, cái chết của 39 nạn nhân đã không mang lại sức cảnh báo mạnh mẽ như nó phải thế.

Thông tin đưa lên vào buổi tối cuối tuần (thứ Sáu), người đọc báo giảm đi rất nhiều so với ngày trong tuần, nên chỉ đến trưa thứ Bảy (9-11) thì hầu như mọi tin tức về tấn thảm kịch này trên các mặt báo Việt Nam đã rút hết vào trong, gần như chưa từng xuất hiện.

Qua một ngày chủ nhật nữa, và đến đầu tuần, toàn bộ câu chuyện này sẽ êm đềm đi vào quên lãng, như chưa bao giờ từng khuấy động xã hội dữ dội.

Thương thay 39 con người thiệt mạng và hàng trăm người thân của họ. Thương cho chúng ta.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/how-vn-state-media-cover-story-of-39-victims-11092019091005.html