Tin Việt Nam – 09/11/2018
Đồng Nai y án sơ thẩm 15 người biểu tình
chống dự luật Đặc khu
Mười lăm người biểu tình chống dự luật đặc khu ở Đồng Nai hôm nay 9 tháng 11 bị tòa phúc thẩm bác kháng cáo đối với án tù mà tòa sơ thẩm tuyên đối với họ hôm cuối tháng 7 vừa qua.
Luật sư Nguyễn Văn Miếng, một trong ba luật sư bào chữa tại phiên phúc thẩm, cũng như báo Thanh niên trong nước loan tin rằng 15 người có đơn kháng cáo tại phiên phúc thẩm đều nói rằng họ tham gia biểu tình xuất phát từ lòng yêu nước. Họ bác bỏ cáo buộc nói rằng họ ‘gây rối trật tự’ khi đi biểu tình.
Luật sư Nguyễn Văn Miếng nói với Đài Á Châu Tự Do sau phiên phúc thẩm:
“Trong phiên tòa ngày hôm nay họ đều nói là biểu tình vì lòng yêu nước. Có bị cáo Phạm Ngọc Huyền dù chỉ làm công nhân thôi nhưng đã nói là ‘nước mất thì nhà tan nên tôi đi biểu tình’. Rồi có hai chị em ra tòa nói là ‘tôi yêu bản thân, tôi yêu gia đình nhưng mà muốn giữ được điều đó chúng tôi phải yêu đất nước trước đã,”
Báo Đồng Nai dẫn cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Biên Hòa cho biết, khoảng 10 giờ, ngày 10/6, nhiều người tụ tập đi bộ và xe mô tô trên Quốc lộ 1A, đoạn thuộc các phường: Tân Biên, Tân Hòa đến ngã ba Tam Hiệp (Tp.Biên Hòa).
Sau đó, nhóm người này đi qua đường Phạm Văn Thuận về cầu Mương Sao thuộc phường Tân Tiến mang theo cờ Tổ quốc, băng rôn khẩu hiệu phản đối Dự thảo Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.
Cũng theo cáo trạng trong quá trình diễu hành, một số người đã cầm băng rôn, biểu ngữ, hô hào, la hét, dàn hàng ngang giữa đường, gây ùn tắc giao thông, làm mất trật tự nơi công cộng.
Trong những ngày 9,10,11 tháng 6 tại nhiều tỉnh/thành ở Việt Nam nổ ra đợt biểu tình chống hai dự luật đặc khu và an ninh mạng mà Quốc Hội đưa ra bàn thảo.
Đợt biểu tình tự phát này được đánh giá là lớn nhất kể từ sau năm 1975 tại Việt Nam.
Nhóm luật sư bảo vệ người biểu tình
nghi bị bắn ‘cảnh cáo’ vào xe
Ba luật sư bào chữa cho nhóm 20 thanh niên tham gia biểu tình phản đối dự luật Đặc khu ở Đồng Nai vừa bị bắn vào xe khi đang chuẩn bị đi gặp các thân chủ ở trại giam B5 – công an TP. Biên Hòa, khiến cửa kính xe bị rạn nứt. Các luật sư cho VOA biết họ đã trình báo công an trong thời gian tìm cách xác minh nguyên nhân có phải là do đạn bắn vào hay không.
Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc, một trong ba luật sư bào chữa cho những người biểu tình ở Đồng Nai, cho VOA biết sự việc xảy ra vào sáng 6/11, khi ông cùng với Luật sư Đặng Đình Mạnh lái xe tới đón Luật sư Nguyễn Văn Miếng ở quận Thủ Đức, TPHCM, để cùng đi xuống trại giam B5-công an TP. Biên Hòa làm việc với các thân chủ trước khi diễn ra phiên xử phúc thẩm họ vào ngày 10/6.
Khi xe bắt đầu lăn bánh, thì họ nghe tiếng “cạch” và cửa kính bên phải xe bị thủng một lỗ và rạn nứt toàn bộ. Ngay sau đó, một tiếng “cạch” thứ hai bắn vào thân xe. Các luật sư cho biết vào thời điểm xảy ra sự việc, đường khá đông xe và mặt đường trong tình trạng tốt.
“Tôi nghĩ cũng chưa hẳn họ muốn hạ sát, mà có thể chỉ mang tính đe dọa, khủng bố tinh thần thôi, vì nếu họ muốn ra tay thì với các luật sư tay không tấc sắt thì rất dễ dàng”, LS. Trịnh Vĩnh Phúc nói với VOA.
Giải thích cho nhận định này, LS. Phúc nói:
“Lâu nay chúng tôi làm việc ở khắp nơi, nhiều địa hình, nhiều hoàn cảnh có thể dễ rủi ro nhưng lại không xảy ra, còn ở đây là ban ngày, trong khu phố có người qua lại, lại đang ở trên xe nên nếu có bắn thì cũng qua cửa kiếng nên không ảnh hưởng. Nhưng vấn đề đặt ra là đây có phải do bắn bằng đạn hay không, đạn gì? Đạn đồng, đạn chì hay đạn cao su? Loại súng gì? Có phải vũ khí quân dụng hay không?”
Ba luật sư trên nằm trong nhóm luật sư thường xuyên bào chữa trong những vụ án được xem là “nhạy cảm” như xử các nhà hoạt động vì dân chủ, nhân quyền, những người tham gia biểu tình…
LS. Phúc cho biết dựa theo vết nứt trên kính xe, nhiều người am hiểu cho rằng đây là dấu vết của đạn, nhưng ông chưa thể xác định chính thức điều này vì hiện các luật sư vẫn đang tìm chuyên gia uy tín để giám định vết nứt và cũng chưa có kết luận từ cơ quan chức năng.
“Nếu trong trường hợp xác định được đó là đầu đạn thì vụ việc mang tính chất nghiêm trọng”, LS. Phúc nói với VOA.
Tình trạng luật sư bị hành hung, đe dọa đã trở nên khá phổ biến ở Việt Nam. Tuy nhiên, theo LS. Phúc, sự việc lần này là khá hy hữu.
Ông nói: “Luật sư bị đe dọa bằng vũ khí quân dụng bắn vào xe là chưa có. Còn chuyện luật sư bị hành hung trên đường hay tại phiên tòa, do côn đồ thực hiện thì đã có nhiều. Thậm chí có một luật sư ở Hải Phòng bị tạt axit nhiều năm qua rồi mà cũng không tìm ra được hung thủ. Rồi nhiều vụ khác như luật sư bị hành hung ở Chương Mỹ, Hà Nội”.
LS. Phúc cho biết bản thân ông tuy chưa bị đe dọa trực tiếp, nhưng cũng từng nhận nhiều tin nhắn đe dọa qua điện thoại hay qua người thân, bạn bè.
“Bạn bè, đồng nghiệp tôi cũng có trường hợp bị khống chế để tước đoạt laptop, hồ sơ nhưng thường các anh không báo ra vì biết khi báo tin cũng không giải quyết được gì, gây hoang mang, thành ra cũng chịu đựng”.
Các luật sư cho biết họ đã trình báo vụ việc cho công an địa phương. Trong trường hợp nếu xác định được vết bắn từ đạn, họ sẽ báo cáo lên Liên đoàn Luật sư Việt Nam, cơ quan có nhiệm vụ bảo vệ cho việc hành nghề của các luật sư.
Các thân chủ mà nhóm luật sư trên nhận bào chữa là 12 người có đơn kháng cáo trong số 20 người bị tòa án nhân dân TP. Biên Hòa kết án từ 8 -18 tháng tù về tội “gây rối trật tự công cộng” khi họ tham gia vào cuộc biểu tình trên cả nước chống lại dự luật Đặc khu và An ninh mạng vào tháng 6.
Tổng Giáo phận Hà Nội phản đối
việc chiếm cướp đất nhà thờ tại 29 Phố Nhà Chung
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Ngày 05/11/2018, Tòa Tổng Giám mục Hà Nội đã Đơn Kiến nghị khẩn cấp số VP2018/11CQ do Đức Hồng y Phê rô Nguyễn Văn Nhơn, Tổng Giám mục Hà Nội và Đức Giám mục Phụ Tá Laurenxo Chu Văn Minh ký tên thay mặt hàng linh mục Tổng Giáo phận Hà Nội và toàn thể giáo dân gửi đến Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội và các cơ quan chính quyền Hà Nội phản đối mạnh mẽ việc chính quyền Hà Nội đã ngang nhiên xây dựng trên đất đai và cơ sở của Tòa Tổng Giám mục Hà Nội.
Văn bản cho biết: Nhà cầm quyền Hà Nội đã tự ý xây dựng tại 29 phố Nhà Chung, là khu đất thuộc quyền sở hữu của Tòa Tổng Giám mục Hà Nội được chứng nhận tại bằng khoán điền thổ số 1794, quyển 9, trang 191.
Đây là cơ sở Trường Dũng Lạc của Tổng Giáo phận Hà Nội.
Cho đến nay, Tòa TGM Hà Nội chưa hề có bất cứ một văn bản nào về việc hiến, tặng, cho hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng khu đất và tài sản tại đây cho bất cứ ai.
Việc xây dựng đã được tiến hành lén lút, bởi dự án không có bất cứ một thông báo, bản vẽ và những thông tin cần thiết theo luật định cho việc tiến hành một dự án.
Đặc biệt, đây là khu đất của Tòa Tổng giám mục Hà Nội đã bị chiếm cướp làm trường học và nay tự ý xây dựng công trình nào đó mà Tòa TGM không hề được thông qua, người dân không hề được biết.
Ngang nhiên hơn nữa, để xây dựng công trình này, chính quyền Hà Nội đã tự ý xây bịt lối đi, đưa máy móc vào hoạt động như chỗ không người.
Cần nhớ rằng, trước đây, cuối năm 2007 và năm 2008, Tòa TGM Hà Nội đã yêu cầu chính quyền Hà Nội trả lại Tòa Khâm sứ thuộc Tòa TGM Hà Nội bị nhà cầm quyền Hà Nội chiếm để làm nơi ăn chơi nhảy múa, khiêu khích cơ sở tôn giáo tôn nghiêm tại đây và sau đó bán cho một cơ sở tư nhân.
Toàn thể giáo dân Hà Nội cũng như giáo dân cả nước đã cực lực phản đối dưới sự hướng dẫn của Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt. Việc phản đối kéo dài đã gây nên những căng thẳng và đã thể hiện tinh thần của Giáo dân, giáo hội Công giáo Việt Nam. Sự phản ứng mạnh mẽ của nhiều cơ quan ngoại giao, các nước quan tâm đã buộc nhà cầm quyền Hà Nội phải nhả miếng đất vàng của tôn giáo định chia chác này và biến thành một vườn hoa khẩn cấp.
Cho đến nay, người dân Hà Nội vẫn gọi đó là Vườn hoa ô nhục của chính quyền Hà Nội.
Kể từ sau sự kiện đó, nhà cầm quyền Hà Nội đã hòa hoãn với giáo hội Công giáo bằng nhiều hình thức, đặc biệt là xoa dịu giáo hội Công giáo bằng nhiều mưu đồ khác nhau.
Cho đến nay, khi mà mọi việc đã tạm lắng xuống, nhà cầm quyền Hà Nội nhầm tưởng rằng có thể khuynh loát được Giáo hội Công giáo tại đây. Vì thế nhà cầm quyền Hà Nội lại tiếp tục âm mưu mới với những cơ sở tôn giáo của Giáo hội Công giáo Việt Nam nói chung và TGP Hà Nội nói riêng.
Việc nhà cầm quyền Hà Nội lại bắt đầu chiến dịch cướp đất đai, tài sản của Giáo hội Công giáo một lần nữa, báo động cho tất cả giáo dân, giáo hội và những người quan tâm về những âm mưu dai dẳng và chính sách tiêu diệt các tôn giáo không thể khuynh loát của nhà cầm quyền CSVN là không thay đổi.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
Tài sản tu sĩ Cao Đài không theo Nhà nước
lại bị đốt phá
Ông Hứa Phi, Chánh trị sự đạo Cao Đài, đồng Chủ Tịch Hội đồng Liên Tôn Việt Nam cho biết nhà sản xuất cà phê của ông ở huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng vừa bị công an đốt sau khi ông đi gặp phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ vào ngày 5 tháng 11 vừa qua tại Sài Gòn cùng một số vị lãnh đạo tôn giáo khác.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do vào ngày 9 tháng 11, Chánh trị sự Hứa Phi cho biết diễn biến:
“8/11/2018 tôi có vô thăm rẫy cà phê của chúng tôi. Tôi vô thấy cái nhà trong vườn cà phê để sản xuất cửa đã bung ra rồi, bên trong cháy hết 3 phòng. Trong đó gồm dụng cụ sản xuất nông nghiệp, tủ lạnh, máy giặt này kia cũng cháy tan hoang hết.”
Ông Chánh trị sự Hứa Phi đưa ra lập luận về đối tượng gây ra vụ phá hoại như vừa nêu mà theo ông là công an địa phương:
“Trước đó ông Thịnh và ông Vinh, công an huyện Đức Trọng, nghĩa là những người công an mật, an ninh, cũng đã vô nhà hỏi rồi. Chiều mùng 4 tây đến khuya mùng 4 rạng mùng 5, người ta thấy tôi đang ở Sài Gòn, đang ở trong đó thì người ta tức giận vì canh gác cả đêm mà giữ tôi không được nên người ta tức, người ta đốt tất cả những dụng cụ tôi sản xuất.”
Ông Hứa Phi là người mạnh mẽ lên tiếng phản đối những đàn áp của chính quyền Hà Nội đối với Đạo Cao Đài không theo phái nhà nước lập nên; cũng như đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam.
Theo Chánh trị sự Hứa Phi, đây không phải là lần đầu tiên ông bị chính quyền sách nhiễu, đàn áp, ngăn cấm đi gặp các phái đoàn ngoại giao, tổ chức nhân quyền.
Gần đây nhất, Chánh trị sự Hứa Phi cho biết ông đã bị công an địa phương mặc thường phục đến nhà vào chiều ngày 22/6, đánh đập đến bất tỉnh rồi cắt râu của ông. Nguyên nhân được cho biết là do ông nhận được giấy mời từ Đại sứ quán Úc để gặp các viên chức đại sứ quán vào ngày 25/6.
Đà Nẵng cưỡng chế giải tỏa chùa An Cư
Sáng ngày 9/11, chính quyền Đà Nẵng đã cưỡng chế giải tỏa chùa An Cư thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất để thiết lập cơ sở hạ tầng cho mục đích thương mại, theo tin từ trụ trì chùa.
Ngay sau khi chính quyền thực hiện cưỡng chế, Đại đức Thích Thiện Phúc, trụ trì chùa An Cư tọa lạc ở xã An Hải Bắc, quận Sơn Trà, buộc phải rời khỏi cở sở thờ tự tăng lập này để tá túc ở một ngôi chùa khác thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế.
Đại đức Thích Thiện Phúc chia sẻ với VOA:
Việc giải tỏa để phóng đường chỉ là cái cớ thôi, vì Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất luôn nằm trong tầm ngắm của họ, họ muốn xóa sổ đi.
Thích Thiện Phúc
“Lúc 8 giờ sáng thì ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch UBND Phường An Hải Bắc đọc lệnh cưỡng chế. Việc giải tỏa để phóng đường chỉ là cái cớ thôi, vì Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất luôn nằm trong tầm ngắm của họ, họ muốn xóa sổ đi. Dự án đã có từ năm 2003-2004, bây giờ họ chỉ đền bù cho có thôi.”
Trong một video trên Facebook của thầy Thích Thiện Phúc cho thấy chính quyền sử dụng cần cẩu để san bằng chùa An Cư dưới sự chứng kiến của các tăng ni và Phật tử.
Luật sư Võ An Đôn viết trên Facebook rằng trong việc cưỡng chế này chính quyền quận Sơn Trà “có nhiều điểm sai: bồi thường quá thấp, thu hồi 332m2 đất nhưng chỉ hỗ trợ 160m vuông tái định cư, thu hồi đất mặt đường nhưng hỗ trợ đất trong hẻm giá trị thấp… là không đúng pháp luật.”
Thầy Thích Thiện Phúc cho VOA biết chính quyền Đà Nẵng không chấp nhận sự tồn tại của chùa An Cư, họ từng ngăn trở Phật tử đến chùa, và sách nhiễu các tăng ni khi họ dâng lễ, bản thân ông bị cô lập và cấm đoán nhiều lần, chỉ vì ông từng lên tiếng cho tự do tôn giáo.
“Hoàn toàn không có tự do tôn giáo, chỉ là một cái bánh vẽ thôi. Nếu cơ sở thờ tự nào theo Nhà nước, theo Đảng thì được tồn tại, còn cơ sở nào không theo Nhà nước thì chắc chắn bị loại bỏ, bị đàn áp. Các thầy và phật tử bị xa cách, hương linh ở tù không được thắp hương, bản thân tôi bị cô lập hoàn toàn.”
Hòa Thượng Thích Không Tánh phát biểu trong cuộc họp với phái đoàn USCIRF tại chùa Giác Hoa, Sài Gòn, ngày 5/11/2018. Photo: Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất)
Chư tăng và Phật tử vô cùng xót xa, lo lắng cho hoàn cảnh của Thượng tọa và Phật tử chùa An Cư sẽ giống như tình trạng đau thương của chùa Liên Trì của Hòa thượng Thích Không Tánh ở Thủ Thiêm, Sài Gòn.
Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
Hôm 5/11, Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã lên tiếng về việc cưỡng chế chùa An Cư, nói rằng: “Chư tăng và Phật tử vô cùng xót xa, lo lắng cho hoàn cảnh của Thượng tọa và Phật tử chùa An Cư sẽ giống như tình trạng đau thương của chùa Liên Trì của Hòa thượng Thích Không Tánh ở Thủ Thiêm, Sài Gòn.”
Cũng hôm 5/11, Hòa thượng Thích Không Tánh, trụ trì chùa Liên Trì ở Thủ Thiêm từng bị cưỡng chế năm 2016, đã cùng các thành viên trong Hội đồng Liên tôn Việt Nam đã có cuộc gặp với phái đoàn của Uỷ hội Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ (USCIRF) tại thành phố Hồ Chí Minh, kêu gọi Mỹ tăng áp lực với chính quyền Hà Nội để dân “được tự do hành đạo, các công nhân được tôn trọng nhân quyền, và toàn dân được hưởng tự do, dân chủ.”
https://www.voatiengviet.com/a/da-nang-cuong-che-giai-toa-chua-an-cu/4651423.html
Củ tỏi và thân phận người Lý Sơn
Vài năm trở lại đây, ngành du lịch tỉnh Quảng Ngãi phát triển bộc phát, ngoài đèo Eo Gió ở Nghĩa Hành, thác Trắng ở huyện Minh Long, đảo Lý Sơn được nhắm đến như là điểm mạnh du lịch của tỉnh này. Và có thể nói rằng phát triển du lịch biển, du lịch sinh thái trên đảo Lý Sơn khá thành công. Đây cũng là niểm hi vọng cho rất nhiều gia đình ngư dân bám biển lâu đời, chịu sóng chịu gió, chịu hiểm nguy và không ít người đã trả giá bằng tính mạng. Chuyển đổi ngành nghề từ đánh bắt sang đánh bắt phục vụ du lịch hoặc bỏ hẳn đánh bắt sang phục vụ du lịch là lựa chọn của rất nhiều ngư dân Lý Sơn.
Tỏi Lý Sơn: giả và thật!
Ngành nông nghiệp với cây tỏi làm chủ lực cũng nhanh chóng bắt nhịp phục vụ du lịch, bán cho khách vãng lai với giá tương đối cao và nguồn cung luôn luôn không đủ cầu trong vài năm. Thế rồi mọi chuyện đột ngột thay đổi trong vài tháng trở lại đây, cụ thể là từ khi các quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trở nên “êm đềm” hơn, người Trung Quốc được lái xe sang Việt Nam, hàng hóa Trung Quốc được thông quan mạnh hơn và hàng tiểu ngạch từ hai phía Việt – Trung cũng tăng động. Củ tỏi Lý Sơn từ chỗ nổi tiếng lành tính, thơm ngon trở thành mối nghi ngại của người tiêu dùng bởi không thể phân biệt đâu là tỏi Lý Sơn, đâu là tỏi Trung Quốc, người nông dân Lý Sơn điêu đứng vì tỏi thật tỏi giả. Hiện tại, ở Lý Sơn sắp sang mùa trồng tỏi nhưng tỏi của vụ trước vẫn tồn đọng hàng trăm tấn.
Một khi củ tỏi Lý Sơn bị đánh phá, bị mất giá trị, sẽ có nhiều giá trị liên đới bị mất đi. Mà một khi đã mất đi dưới sức ép lòng ham muốn, lòng tham, sự bất chấp thì sẽ không bao giờ tìm lại được.
Một nông dân trồng tỏi tên Nguyên, ở Đảo Lớn, chia sẻ: “Tỏi đẹp hồi xưa là 80 ngàn đồng mỗi ký, bữa nay còn có 40 ngàn à, rớt dữ lắm, khó sống lắm, nhưng mà đỡ cái là còn có hành nó bù qua chứ tỏi vậy khó sống lắm. Trước phơi qua xong thì tỏi đẹp được 75 ngàn một ký chứ giờ còn có 40 ký thì chết a, người nông dân chết a, bữa nay Lý Sơn khổ lắm, lý do là điêu đứng tỏi, ứ đọng như nhà tôi đã là mấy trăm ký đây. Mà may cũng có du lịch, ở đâu có du lịch thì ở đó tiến bộ hơn chứ, họ rinh đi một mớ rồi chứ không có du lịch thì khổ nữa…!
Ông Nguyên than thở rằng hiện tại, chuyện củ tỏi Lý Sơn tưởng như đơn giản nhưng thực ra, ông cảm nhận một mối nguy hiểm khó lường. Bởi trước đây người Lý Sơn yêu biển đảo, yêu chủ quyền đất nước bao nhiều thì bây giờ, cũng chính những con người khốn khó từng vào sinh ra tử ấy lại thấy yêu tiền bấy nhiêu. Tiền khiến cho nhiều người bất chấp. Hơn nữa, đã làm du lịch thì khách hàng luôn là Thượng Đế, mà khách du lịch Trung Quốc luôn chiếm con số rất cao trong các lượt khách thăm Việt Nam nói chung và thăm đảo Lý Sơn nói riêng. Một khi đã chấp nhận xem người Trung Quốc là Thượng đế thì cũng đồng nghĩa với việc các Thượng Đế sẽ tìm cách tác oai tác quái trên đảo này.
Mỗi ngày chỉ có vài chuyến tàu du lịch ra vào đảo, đều qua cửa an ninh và được kiểm soát gắt gao. Vậy tại sao tỏi Trung Quốc có thể vượt 15 hải lý để vào đảo và đóng vai tỏi Lý Sơn với giá rẻ bèo, cuối cùng, củ tỏi Lý Sơn mất uy tín trên thị trường và mất cả đầu ra. Người nông dân Lý Sơn điêu đứng?
Du lịch hái ra tiền, nguy hiểm cũng cao hơn…
Một người làm kinh doanh du lịch trên đảo Lý Sơn, không muốn nêu tên, chia sẻ: “Du lịch về phát triển kinh mà, đồng ý có những thứ phải thay đổi chứ. Như Hội An thì dù muốn dù không, cái thay đổi của Hội An là theo xã hội, tiến bộ còn Lý Sơn thì thay đổi vì nếu không cứ theo cái đà cù lần là đi xuống thôi nên buộc nó thay đổi, khác xưa nhiều chứ. Còn chuyện tỏi, hành thì tệ quá, căn bản là do biến động thị trường, chứ một số tỏi ở trên đất liền mang ra đảo bán thì chẳng đáng gì nhưng do biến động thị trường kinh quá, đọng, ứ đọng, nhất là thị trường Trung Quốc, nó ăn nhiều, nó nhập nhiều, nó nhập về quá mức luôn, nó ép!”
Vị này chia sẻ thêm rằng nếu với đà hiện tại, nghĩa là người ta thi nhau làm du lịch, lấy lợi nhuận làm kim chỉ Nam và bất chấp mọi chuyện… thì nguy cơ người Trung Quốc núp bóng một nhà đầu tư nào đó vào thao túng các diện tích đất vàng trên đảo Lý Sơn không phải là chuyện tưởng tượng mà đó phải là sự thật. Hiện tại, có một tập đoàn kinh tế nổi tiếng đã vào thao túng toàn bộ bờ biển Lý Sơn để xây dựng du lịch. Và theo vị này, với mức độ thao túng như vậy, đến một lúc nào đó các dự án này đi vào hoạt động thì cơ may hái ra tiền từ du lịch của người dân Lý Sơn sẽ teo tóp trở lại. Đó là chưa muốn nói đến các chuyến tàu đặc cách chỉ chở khách Trung Quốc vào thăm Lý Sơn.
“Lo chứ, sợ chứ… ví như vừa rồi có một tập đoàn FLC đó, nó định mở ra Lý Sơn, quy hoạch ngoài này, dân Lý Sơn phản ảnh, sợ lắm! Làm gì thì làm nhưng Trung Quốc đứng sau thì dân đả đảo. Lý Sơn làm gì thì làm cũng có truyền thống là ngày xưa ông bà đi giữ đảo vậy mà giờ Trung Quốc nó lấy Hoàng Sa rồi, tức giữ lắm mà không biết làm sao. Giờ nhiều khi cán bộ tham nhũng, ăn hối lộ rồi cái gì vào cũng có Trung Quốc đứng đằng sau thì dân bức xúc lắm, ghét ghê lắm! Nói chung là nếu để bọn nó núp bóng vào, tương lai nếu mà để nó thay thế thì mất đảo (Lý Sơn) luôn á!”
Ông nhấn mạnh thêm, sở dĩ ông không nhắc đến khách các nước mà chỉ nói đến khách Trung Quốc bởi hai chữ này là nỗi ám ảnh lâu dài của người Lý Sơn. Đã có không biết bao ngư dân vì chén cơm manh áo, và vì cả chủ quyền biển quốc gia đã đương đầu sóng gió, hiểm nguy để đánh bắt, giữ ngư trường Hoàng Sa thần thánh. Và cũng từng có một hải đội Hoàng Sa thời nhà Nguyễn thề không bao giờ để mất Hoàng Sa. Thế nhưng mọi chuyện trở nên khôi hài một khi đồng tiền phá sạch mọi thứ.
Củ tỏi Lý Sơn bị điêu đứng trên thị trường, nông dân Lý Sơn tuyệt vọng, câu chuyện ấy không đơn giản là câu chuyện kinh tế. Ông cho rằng sâu xa bên trong mùi vị, màu sắc và giá trị của củ tỏi Lý Sơn cũng là mùi vị dân tộc, màu sắc lòng yêu nước, quyết tâm giữ nước và giá trị trung kiện của nhiều thế hệ. Một khi củ tỏi Lý Sơn bị đánh phá, bị mất giá trị, sẽ có nhiều giá trị liên đới bị mất đi. Mà một khi đã mất đi dưới sức ép lòng ham muốn, lòng tham, sự bất chấp thì sẽ không bao giờ tìm lại được.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/reportfromvn/ly-son-garlic-and-ly-son-people-11092018112917.html
Công an bắt
cựu lãnh đạo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam
Bộ Công an Việt Nam khởi tố bắt tạm giam dàn cựu lãnh đạo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam về tội Cố ý làm trái.
Trang web Bộ Công an hôm 09/11 đưa tin Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đang điều tra mở vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Công ty ALCII và các đơn vị có liên quan.
Ông Lê Bạch Hồng, nguyên Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam bị khởi tố bị can và bị tạm giam.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam là cơ quan nhà nước thuộc Chính phủ, chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; của Bộ Y tế về bảo hiểm y tế; của Bộ Tài chính về chế độ tài chính đối với các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.
Tân Chủ tịch nước có thấu hiểu nỗi lòng luật sư?
Vụ ông Thăng: Đâu là trách nhiệm của Đảng?
Việt Nam: Buôn lậu ngà voi ‘lãi hơn ma túy’
Ông Hồng từng làm Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH. Năm 2008, ông Hồng nhận quyết định kiêm chức Tổng giám đốc BHXH Việt Nam. Đến năm 2014, ông Hồng nghỉ hưu theo chế độ, theo truyền thông trong nước.
Theo quyết định này, ba người khác cùng cơ quan cũng bị khởi tố và bắt tạm giam là Nguyễn Huy Ban, nguyên Tổng Giám đốc;Trần Tiến Vỹ, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp Ban Kế hoạch Tài chính; và Hoàng Hà, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp Ban Kế hoạch Tài chính.
Những người này bị truy tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165, Bộ luật Hình sự năm 1999.
Bản tin của Bộ Công an nói hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đang tập trung lực lượng điều tra mở rộng vụ án và thu hồi tài sản cho Nhà nước.
Quyết định này được đưa ra kể từ khi đã có quyết định khởi tố vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng tại cơ quan này từ 26/12/2017.
C03 khi đó ra quyết định khởi tố bị can lệnh khám xét, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Nguyễn Phước Tường, nguyên Trưởng Ban Kế hoạch Tài chính, BHXH Việt Nam.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-46152808
Hai cựu tướng công an trước ngày xử
vụ đánh bạc nghìn tỷ trên mạng
Tin tức mới nhất liên quan hai ông cựu tướng Công an bị cáo buộc ăn tiền để bao che đường dây đánh bạc nghìn tỉ trên mạng cho biết ông Phan Văn Vĩnh, cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, đã được đưa từ Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ về lại trại giam Công an tỉnh Phú Thọ, vào sáng ngày 9 tháng 11 năm 2018.
Truyền thông trong nước dẫn phát biểu của Luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang, người bào chữa cho ông Vĩnh khi trả lời báo chí rằng các bác sĩ đã khám sức khỏe cho ông Vĩnh và đồng ý để cảnh sát áp giải ông Vĩnh về lại trại tạm giam.
Theo truyền thông trong nước, trước đó vào tối ngày 7 tháng 11, cựu trung tướng Phan Văn Vĩnh đã lên cơn đau tim và khó thở, sau đó ông bị xỉu rồi té xuống nền nhà của Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ.
Cựu trung tướng Phan Văn Vĩnh là bị cáo trong vụ án ‘đường dây đánh bạc ngàn tỷ’ sẽ ra tòa cùng 91 người khác từ ngày 12 tháng 11. Phiên tòa do Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ xử sơ thẩm dự kiến kéo dài 20 ngày.
Truyền thông trong nước cho biết sau gần một tuần điều trị tại bệnh viện vì cao huyết áp, sức khỏe của cựu Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa, cũng là bị cáo trong vụ án ‘đường dây đánh bạc ngàn tỷ’, đã ổn định và được xuất viện để dự phiên xử ngày 12 tháng 11.
Thông tin về việc nhập viện của ông Nguyễn Thanh Hóa được đại diện Công an tỉnh Phú Thọ xác nhận với báo chí hôm 9 tháng 11.
Theo Bệnh viện Phú Thọ, trong đầu ông Hóa vẫn còn mảnh đạn, bom từ thời chiến nên ảnh hưởng đến sức khỏe.
Ông Phan Văn Vĩnh và ông Nguyễn Thanh Hóa bị cáo buộc ‘bảo kê’ cho đường dây đánh bạc ngàn tỷ do Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam tổ chức. Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ, hai ông bị truy tố về tội ‘lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ’. Hai bị cáo Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương bị truy tố về tội ‘tổ chức cờ bạc’ và ‘rửa tiền’.
Đừng khóc cho Việt Nam, hỡi Argentina!
TS Đinh Hoàng ThắngGửi tới BBC từ Hà Nội
Cuộc gặp cấp cao Mỹ – Trung tới đây sẽ diễn ra bên lề Hội nghị G20 tại Buenos Aires. Bất giác, địa danh cuộc gặp làm tôi chợt nhớ tới câu chuyện “nàng lọ lem” Evita từ góc nhìn không mấy lạ lẫm.
Thánh nữ Evita là một chứng nhân, một bài học cho thấy cuộc sống luôn dành cho ta cơ hội, giúp làm nên những điều kỳ vĩ lớn lao với điều kiện ta “cần phải thay đổi, không thể để cho cuộc đời này trôi nổi trên những lối mòn” như chính ca khúc trong chủ đề trung tâm “Don’t cry for me, Argentina!” của vở nhạc kịch “Evita” nổi tiếng.
Đức ‘giữ quan điểm về Trịnh Xuân Thanh’
Kỷ luật GS. Chu Hảo có giúp bảo vệ Đảng?
Trump: Có thể sẽ ký thỏa thuận thương mại với TQ
“Rút củi dưới đáy nồi!”
Bộ Ngoại giao và Bộ Công thương VN mấy ngày qua đã cùng với phía Đức tìm mọi cách để khôi phục toàn diện quan hệ “đối tác chiến lược” giữa hai nước. Nhật báo của Đức rò rỉ tin tức về các cuộc thương lượng gần đây nhất được thực hiện theo lời mời của chính phủ Đức. Phái đoàn VN tham gia đàm phán tại Bộ Ngoại giao Đức hôm 1/11 do một thứ trưởng Ngoại giao dẫn đầu. Theo tin giờ chót, “khủng hoảng ngoại giao lớn nhất” giữa VN với Đức và một vài nước châu Âu có hướng đang đi dần vào hồi kết.
Khác với xi-căng-đan nói trên, việc kỷ luật GS. Chu Hảo tiếp tục khuấy đảo cộng đồng dân cư mạng từ hôm 25/10 đến nay, lại là một vụ “gậy ông đập lưng ông (boomerang). Nếu như biết trước, trong chưa đầy một phút, Google đã cho hàng chục triệu kết quả về chuyện này thì liệu UBKTTW có đi tới cái quyết định như vừa qua? “Món quà” đầu tiên gửi đến trí thức, cho dù là trực tiếp hay gián tiếp (proxy), ngay sau dịp Chủ tịch nước nhậm chức quả là đắt giá. Nhưng mấy ai tính được những thiệt hại trong cả nội trị lẫn ngoại giao do vụ quyết định kỷ luật ấy mang lại?
Cộng đồng mạng vừa qua đã góp phần dẹp “dự luật đặc khu”, nhất là đánh trúng gót chân achilles (a-sin) của nó, ở chỗ dự luật được thiết kế cho “quốc gia láng giềng có chung đường biên giới với Việt Nam tại tỉnh Quảng Ninh”. “Chở thuyền là dân…” Mà người dân thường chỉ hỏi một cách đơn giản, dự luật ấy được làm ra để cho ai? Nước nào “mót” mấy cái đặc khu ấy nhất? Cũng thật may, nhờ dân mà đến giờ chót, Quốc hội hiểu ra vấn đề, biết lắng nghe và biết dừng tay bấm nút.
Cộng đồng mạng hiện cũng đã và đang góp phần bảo vệ GS. Chu Hảo, nhưng dịp này có cả tiếng “chửi thề” đối với đảng, thậm chí đối với cả Chu Hảo. Bên cạnh những người tử tế, vẫn biết xã hội là đa nguyên, từ kẻ chọc gậy bánh xe, đến các vị “dư luận viên”, từ cái nhìn bất mãn đến những nghĩ suy lệch lạc… Chừng ấy lý cớ đủ để tất cả mọi ý kiến “bị quy” về một mớ hỗn tạp. “Yêu nhau như thế bằng mười phụ nhau!”
GS. Chu Hảo là một loại củi mới, củi “chuyển hoá” và “tự chuyển hoá” chưa có trong “bộ sưu tập” của tân Chủ tịch nước. Hẳn nhiên không thể cho vào “một bó” với Trịnh Xuân Thanh và đồng bọn. “Củi Chu Hảo” mà đem đốt, nó chỉ thắp sáng. Nhưng vượt lên tất cả, “rút củi dưới đáy nồi” vẫn là một trong những giải pháp thông minh nên lựa chọn.
Đảng Cộng sản nêu ‘sai trái’ của GS Chu Hảo
Vụ GS Chu Hảo khiến sách về dân chủ ‘cháy hàng’
Còn nhiều việc phải tính
Chẳng phải ngẫu nhiên, tại một diễn đàn quan trọng như Hội nghị Ngoại giao cứ hai năm nhóm họp một lần, ngày 13/8/2018, TBT Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu các chuyên gia ngoại giao “phải phân tích, dự báo được những biến động về địa-chiến lược toàn cầu, khu vực liên quan trực tiếp đến môi trường an ninh của ta”. TBT Trọng cũng chất vấn: “Trong nhận thức và chỉ đạo thực tiễn ta đã theo kịp những chuyển biến mau lẹ, phức tạp của tình hình, nhất là sự điều chỉnh chiến lược và quan hệ của các nước lớn hay chưa?”
Thì đây, chỉ trong vòng chưa đầy một tuần lễ, chúng ta chứng kiến hai nước lớn đã đi bài “tăng-gô” chóng mặt đến như thế nào. Tổng thống Trump hôm 2/11 tuyên bố có thể sẽ kí một thỏa thuận với Trung Quốc về thương mại (sau đó hình như lại cho cải chính) và nói thêm, có rất nhiều tiến bộ đạt được để giải quyết những khác biệt giữa hai nước. Đài Truyền hình TWTQ (CCTV) cũng đưa tin, ông Tập và ông Trump đã điện đàm. Ông Tập cho biết, ông rất vui mừng khi một lần nữa trao đổi qua điện thoại với ông Trump và hy vọng sẽ đạt được nhận thức chung, thúc đẩy quan hệ Trung – Mỹ phát triển ổn định.
Người Việt với bầu cử và Donald Trump
Nên nhớ, trong cuộc chiến tổng lực hiện nay, Mỹ có quá nhiều loại vũ khí nên có thể mở cùng lúc nhiều mặt trận, làm cho TQ phân tán lực lượng, chẳng mấy chốc đã có biểu hiện “hoang mang và hụt hơi”. Đúng là TQ nắm giữ 1.200 tỷ đô la trái phiếu chính phủ Mỹ thật đấy. Nhưng gọi nó là “quả bom nợ” thì hơi quá.
Nhưng liệu Trump đã đạt được “điểm tới hạn của TQ” trên tất cả các vấn đề hay chưa và rồi ra Bắc Kinh có chịu “xuống nước” hay không? Sau 29/11 chúng ta hy vọng sẽ có câu trả lời, nhưng ngay bây giờ có thể nhận ra thái độ tự tin của Trump khi ông tuyên bố “TQ đang rất muốn đạt được một thỏa thuận”.
Tuy nhiên, các ông trùm cũng chỉ mới nói tới các thoả thuận về thương mại, về Bắc Triều Tiên, mà chưa thấy đả động gì đến vấn đề sát sườn của Việt Nam và các nước ASEAN đang tranh chấp biển đảo với Bắc Kinh.
Trách nhiệm đè hai vai
Phát biểu của ông Nguyễn Phú Trọng hôm nhậm chức đáng được chia sẻ. “Tình hình thế giới diễn biến không thể lường hết được”.
Tổng bí thư đảng, Chủ tịch nước buộc phải tìm cách đối phó với mọi đe doạ và thách thức đối với an ninh và phát triển của Việt Nam. Thiên thời giờ đây là, không ở đâu ta thấy bóng dáng của Việt Nam rõ rệt như trong “Luật về chính sách quốc phòng của Mỹ” (NDAA) vừa được thông qua. Việt Nam và nhiều nước Đông Nam Á có thể được hưởng lợi từ NDAA 2019. Về phần mình, trước sau, VN cần bày tỏ thái độ đối với “sự xoay trục” của các cường quốc, kiến tạo nên một “Ấn Thái Dương tự do và rộng mở” (FOIP) nhằm đối trọng lại OBOR (Nhất đới nhất lộ).
GS Trọng kiêm chủ tịch nước: Phản ứng ban đầu
Chấp thuận quy chế “đối tác mới nổi”, Việt Nam hiểu rõ luật chơi “chia sẻ gánh nặng với bạn cũng là tự giúp mình”. Yêu cầu của thời đại mới là đất nước phải vươn lên trở thành một quốc gia có bản lĩnh! Phải hiểu rõ giá trị của chữ “tín” trong việc thực hiện các cam kết đối với hội nhập quốc tế. Bởi vì trong quan hệ giữa nhà nước với nhà nước, giữa quốc gia với quốc gia, nếu mất chữ “tín” là mất hết. “Một sự bất tín, vạn sự mất tin”. Trong khi đang nỗ lực kiến tạo các quan hệ mang tính chiến lược lâu bền, không được làm tổn thương thêm các “đối tác chiến lược” mà ta đã từng dày công xây dựng.
Trong vòng chưa đầy 9 tháng, cả bộ trưởng lẫn thứ trưởng Quốc phòng Mỹ đã sang VN năm lần cả thảy, chắc chắn không phải chỉ để “ngắm hoàng hôn” trên Cảng Cam Ranh và sân bay Biên Hoà (những căn cứ đồn trú của Không lực Hoa Kỳ một thời). Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, mẫu hạm Carl Vinson ghé vào Vịnh Cam Ranh chắc cũng không phải là một tour du lịch sinh thái. Đấy là chưa nói về các quan hệ “ngoại giao quốc phòng” khác giữa VN với các thành viên trong và ngoài “Bộ Tứ” làm nền tảng cho “chiến lược Ấn Thái Dương” (IPS) để tạo ra một khu vực an ninh và thịnh vượng tự do và rộng mở (FOIP).
Trong bối cảnh “Vành đai con đường” (BRI) chọi nhau với “Chiến lược Ấn Thái Dương (IPS), tức cũng là OBOR đối lại FOIP, dư luận đang đón đợi hai chuyến công du trước sau cũng sẽ diễn ra, đó là chuyến thăm Bắc Kinh và cuộc vượt đại dương, trực chỉ bay sang Washington DC của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước.
Nội dung cuộc gặp Nguyễn Phú Trọng – Tập Cận Bình ngay từ bây giờ đã có thể hình dung được những điểm cốt yếu, từ khẳng định “đại cục” đến các khẩu hiệu “bốn tốt”, từ bảo tồn các di sản “truyền thống” đến triển khai “đối tác chiến lược toàn diện”… Hy vọng, một vấn đề cốt tử khác sẽ được giải mã nhân dịp ấy, tức là VN sẽ phải chấp nhận vị trí nào trong BRI vốn đang gây khá nhiều tai tiếng?
Trái lại, cuộc “tái ngộ” Trọng – Trump sẽ hé mở nhiều hứa hẹn, không chỉ cho VN mà còn cho cả cho toàn vùng. Tại một khu vực Washington nói rõ là “không gợi ý bất kỳ nước nào phải chọn giữa Mỹ hay Trung Quốc… Mỹ chỉ đề nghị mối quan hệ ‘đối tác chiến lược’, chứ không phải lệ thuộc về chiến lược”. Và Hoa Kỳ tin rằng: “Chỉ khi các quốc gia trở nên độc lập, không bị chi phối và trở nên vững mạnh thì mới giúp đỡ được các nước khác, mới hỗ trợ được các quốc gia khác”.
Đối với Việt Nam, thứ trưởng Quốc phòng Schriver tuyên bố công khai tại Hà Nội, Mỹ muốn nâng quan hệ với VN lên “đối tác chiến lược”. Tuy nhiên, quy mô cũng như tiến độ của quá trình này giờ đây hoàn toàn tuỳ thuộc phía VN. Nói một cách khác “quả bóng” đang ở trong chân chúng ta!
Những tuần lễ tới đây, Buenos Aires — quê hương của đệ nhất phu nhân María Eva Duarte, nàng Evita của người dân Argentina — sẽ còn được nhắc tới nhiều nhờ cuộc gặp Trump – Tập. Trên mộ nàng, ta đọc thấy lời bài hát nổi tiếng: “Don’t cry for me Argentina / The truth is I never left you” (Đừng khóc vì tôi, hỡi đất nước Argentina / Sự thật là tôi không bao giờ rời xa các bạn!)
* Bài viết thể hiện cách hành văn và quan điểm riêng của tác giả, từ viện Nghiên cứu Phát triển VDIS, Hà Nội.
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-46151787
Quanh nghi vấn
thông tin ‘5 triệu’ khách hàng TGDĐ bị lộ
Cộng đồng mạng Việt Nam đang xôn xao về việc hơn 5,4 triệu thông tin cá nhân, được cho là khách hàng của Thế giới di động (TGDĐ), đang bị đăng tải công khai trên mạng, nhưng TGDĐ khẳng định “đó là thông tin giả.”
Đại diện của TGDĐ khẳng định với báo chí Việt Nam rằng “các thông tin được lan truyền trên mạng về việc này đều là giả và hệ thống của TGDĐ vẫn an toàn, hoạt động hình thường và không hề bị ảnh hưởng.”
Dù vậy, cộng đồng mạng Việt Nam vẫn chia sẻ nhiều lo lắng về việc, thông tin email, lịch sử giao dịch và số thẻ tín dụng giao dịch với TGDĐ trong khoảng thời gian tháng 6/2016 đã bị lộ vào đầu tháng 11, theo tìm hiểu của BBC Tiếng Việt.
5,4 triệu thông tin khách hàng bị lộ?
Ngày 1/11, trên diễn đàn Raidforums, một tài khoản có tên erwincho đã đăng tải 1 trong 3 phần của kho dữ liệu được giới thiệu là chứa thông tin của hơn 5.4 triệu khách hàng tại TGDĐ, khoảng 31.000 địa chỉ email nhân viên của hệ thống này.
Người này cho biết sẽ tiếp tục đăng tải kho dữ liệu này, trong đó phần 2-3 của sẽ chứa thông tin về thời gian, địa điểm, số tiền giao dịch, thậm chí là số thẻ tín dụng của các khách hàng có giao dịch với TGDĐ trong khoản thời gian cuối tháng 6/2016.
Vụ việc đã làm dậy sóng mạng xã hội vì nhiều người lo ngại các thông tin nhạy cảm sẽ bị lộ ra ngoài.
Đặc biệt, trong tập tin chứa email, nhiều người dùng cho biết phát hiện email của mình trong danh sách này.
Thuấn, một phóng viên công nghệ ở TPHCM, cho biết anh đã tìm thấy kho dữ liệu này trên diễn đàn Raidforums. Sau khi thử tìm, anh Thuấn phát hiện email của mình có trong danh sách bị phát tán trên mạng.
TGDĐ khẳng định là thông tin giả
Ngày 7/11, erwincho tiếp tục đăng tải một bản chụp màn hình và gọi nó là “teaser” của phần dữ liệu chứa số thẻ tín dụng của khách hàng TGDĐ. Trong nội dung, erwincho cho biết “đây chỉ là bề mặt của kho dữ liệu. Bản đầy đủ sẽ chứa mọi thứ. Hãy đón xem.”
Trả lời báo Tuổi Trẻ , ông Đặng Thanh Phong, đại diện truyền thông của TGDĐ, khẳng định các thông tin được lan truyền trên mạng đều là giả và hệ thống của TGDĐ vẫn an toàn, hoạt động hình thường và không hề bị ảnh hưởng.
Đại diện Thế giới di động lý giải “khi khách hàng mua hàng và cà thẻ tại cửa hàng, máy POS đọc thẻ của khách và là máy của ngân hàng. Như vậy bản chất là ngân hàng đang đọc thẻ của khách và chuyển dữ liệu về ngân hàng, hệ thống của TGDĐ không can thiệp vào quá trình này cũng như không được phép lưu trữ bất cứ thông tin nào của khách hàng”.
Cùng thông tin về sự việc, báo Dân Trí dẫn lời ông Phong cho biết “đó có thể là những email được ‘cào’ trên mạng hoặc ở một đơn vị nào đó mà hacker đã chiếm được. Những tập tin này không thể nói lên được là đánh cắp từ Thế giới Di động.”
Chuyên gia bảo mật nói gì?
Nhận định về vụ việc, một chuyên gia về bảo mật cho biết thời điểm này “không thể xác định được là TGDĐ bị hack thật hay không nhưng đây vẫn là công ty tốt hàng đầu trên thị trường, với hệ thống phần mềm tốt và hoàn toàn tự xây dựng.”
“Công ty nào quy mô to thì bảo mật cũng sẽ trở thành vấn đề, sớm hay muộn cũng bị ‘giang hồ mạng’ quấy rầy. Ở Việt Nam, các công ty thường bị ‘giang hồ mạng’ tấn công rồi mới đầu tư cho bảo mật.”
Dương Vi Khoa – admin của diễn đàn về tin học (www.ddth.com) cho biết trên Facebook hôm 7/11:
“Thông tin có những gì và có thực hay không thì đang là vấn đề cần tranh cãi. Có rất nhiều thông tin có thể fake, mấy cái screenshot đều fake được hết.”
“Danh sách email thì có nhiều cách để có được, không liên quan việc bị hack DB (database). Nếu bạn có vô tình thấy email mình trong danh sách đó thì cũng là chuyện bình thường. Chưa kể danh sách email đó cũng có rất nhiều email dạng của hệ thống, nghĩa là con người không dùng email đó nên càng có cơ sở để tin nó chỉ là 1 danh sách email được ‘cào’ ở đâu đó mà thôi.”
“Dù (khối dữ liệu) là fake hay thật thì TGDĐ cũng sẽ rất mệt mỏi để chạy truyền thông trong vụ này. Đồng thời các ngân hàng sẽ tiếp nhận 1 làn sóng khóa thẻ và đổi thẻ của những khách hàng lo xa, nhất là người nào có nhiều tiền trong thẻ”, ông Vi Khoa nhận định.
Bỏ qua {socialnetworki} tin bởi Vi Khoa
Cuối Facebook tin bởi Vi Khoa
Tháng 7/2016, nhân vụ việc Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất bị hacker tấn công, trang Forbes đã đăng tải bài viết trích dẫn ý kiến công ty bảo mật mạng Việt Nam BKAV cho biết họ đã theo dõi phần mềm độc hại ở Việt Nam.
Theo đó, BKAV cho biết ước tính có thể hai phần ba các trang web ở Việt Nam có một số loại phần mềm độc hại hoặc phần mềm gián điệp ẩn nấp bên trong.
https://www.bbc.com/vietnamese/business-46138464
Bộ 4T quyết tâm thu phục dân
dùng mạng xã hội ‘made in Vietnam’
Việt Nam đặt mục tiêu sẽ có 50% người dùng mạng xã hội sử dụng mạng trong nước vào năm 2020, đồng thời lên kế hoạch để ngăn chặn ‘thông tin xấu, độc’ trên Facebook, Google, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết.
Tại buổi họp báo hôm 6/11, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết bộ đã hoàn thiện bộ quy tắc ứng xử cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam nhằm xây dựng một môi trường “lành mạnh và an toàn” trên mạng. Đây là một phần trong kế hoạch “ngăn chặn việc phát tán, lan truyền thông tin xấu, độc trên internet và mạng xã hội.”
Tân Bộ trưởng TT&TT cho biết mục tiêu của bộ là trong 12 năm nữa, “thuê bao mạng xã hội Việt Nam chiếm 50% tổng số thuê bao mạng xã hội,” theo truyền thông trong nước.
Liệu mục tiêu này có khả thi?
Một người dùng mạng xã hội từng có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực phần mềm ứng dụng, Lã Việt Dũng, nhận định với VOA rằng mục tiêu này có khả thi hay không còn “phụ thuộc vào cách mà chính quyền Việt Nam sẽ đối xử với các mạng (xã hội) quốc tế như thế nào.”
“Nếu (chính quyền) quyết tâm đóng cửa Facebook thì tôi cho rằng có thể họ sẽ xây dựng một mạng xã hội cho người dân dùng và như vậy (mục tiêu) 50% người dùng mạng xã hội trong nước là toàn toàn có thể.”
Tuy nhiên ông Dũng, cũng là một nhà hoạt động dân chủ, bày tỏ lo lắng rằng mạng xã hội do nhà nước lập ra sẽ bị kiểm duyệt chặt chẽ và người dân sẽ không được tự do ngôn luận như bây giờ.
Mặc dù có những cải cách kinh tế và một mức độ cởi mở về những thay đổi trong xã hội nhưng Đảng Cộng sản đang cầm quyền ở Việt Nam vẫn tìm cách siết chặt kiểm soát trên mạng xã hội, đặc biệt đối với giới bất đồng chính kiến.
Tuần trước, chính phủ công bố nghị định hướng dẫn việc thực hiện Luật An ninh mạng dù đã được thông qua hồi tháng 6 nhưng vẫn đang gây tranh cãi. Luật này vấp phải phản đối từ các công ty công nghệ toàn cầu cũng như các tổ chức nhân quyền quốc tế, vì bị coi là một công cụ của nhà cầm quyền để siết chặt kiểm soát tự do ngôn luận trên mạng.
Công nghệ Trung Quốc?
Một mối quan ngại khác của việc phát triển mạng xã hội trong nước mà ông Dũng nêu ra là khả năng nhà mạng Việt Nam do “không đủ năng lực để làm” nên sẽ dùng công nghệ của Trung Quốc.
“Khi họ sử dụng công nghệ mua của Trung Quốc thì rất nhiều khả năng là cơ sở dữ liệu số của người dân Việt Nam sẽ rơi vào tay Trung Quốc và điều đó là cực kỳ nguy hiểm,” theo ông Dũng.
Giải thích về mối nguy này, ông Dũng, người đã từng viết thư đề nghị giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg đừng thỏa hiệp với chính quyền Việt Nam để dập tắt những tiếng nói bất đồng, cảnh báo không nên để “thông tin của một cộng đồng, một quốc gia rơi vào tay người khác.”
“Những thông tin cá nhân như chứng minh nhân dân hay nhân trắc học như luật An ninh mạng vừa nêu, hay những thông tin mang tính riêng tư khác mà chính quyền Cộng sản Việt Nam bắt người dân phải đưa lên mạng xã hội do họ kiểm soát sau đó bị lọt vào tay Trung Quốc thì cực kỳ nguy hại.”
Zalo, mạng xã hội ‘made in Việt Nam’ hiện đang có hơn 100 triệu người dùng, theo ông Dũng, là một “công cụ/app đã bị kiểm soát” và là sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Zalo của VNG là một trong 3 nhà mạng, cùng với VCCorp và Mocha của Viettel, được Bộ TT&TT – thường được gọi là Bộ 4T – giao nhiệm vụ thực hiện mục tiêu “50%” nói trên.
Tân bộ trưởng TT&TT hồi tháng 9 nói rằng cần phát triển các mạng xã hội ‘made in Vietnam’ thay vì để thị phần rơi vào tay Facebook hay Google. Theo số liệu của Statista, Việt Nam hiện đứng thứ 7 thế giới về số lượng người dùng Facebook, được ước lượng vào khoảng 70 triệu người.
Việt Nam Trung Quốc họp phân định cửa Vịnh Bắc bộ
Từ ngày 6 đến ngày 7 tháng 11 vừa qua Việt Nam và Trung Quốc đã họp bàn về phân định cửa Vịnh Bắc bộ, và hợp tác trên biển.
Bản tin của Thông tấn xã nhà nước Việt Nam cho biết như vậy.
Đây là vòng đàm phán lần thứ 10 về việc phân định cửa Vịnh Bắc bộ, và lần thứ bảy về hợp tác trên biển. Cuộc họp diễn ra tại thành phố Ninh Ba, tỉnh Triết Giang miền Đông Trung Quốc.
Đoàn Việt Nam do ông Nguyễn Đăng Thắng, phụ trách Ủy ban biên giới của Bộ Ngoại giao dẫn đầu. Phía Trung Quốc là ông Chu Kiện, đại diện bộ phận các vấn đề biển và biên giới của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Theo Thông tấn xã VN, cuộc họp đã diễn ra thẳng thắn và hữu nghị, hai bên đồng ý trên nguyên tắc tiến dần từng bước để giải quyết việc phân định cửa Vịnh Bắc bộ, hợp tác chung trên biển, phù hợp với luật quốc tế nhất là Công ước về luật biển 1982, mà hai bên đều đã cùng công nhận.
Việt Nam và Trung Quốc đã ký Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ vào năm 2000, xác định biên giới lãnh hải, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế trong Vịnh Bắc Bộ sau nhiều năm đàm phán. Hai bên cũng đặt ra một vùng đánh cá chung ở Vịnh Bắc Bộ.
Đến năm 2004, chính phủ Việt Nam công bố những tọa độ chính xác liên quan đến việc phân định Vịnh Bắc Bộ làm dấy lên những lo ngại và phản đối từ phía người dân Việt Nam vì cho rằng Việt Nam đã nhượng bộ Trung Quốc quá nhiều.
Hai bên từ năm 2005 cũng đã tiến hành các hoạt động tuần tra chung ở Vịnh Bắc Bộ. Vào tháng giêng năm 2005, hai tàu cá của ngư dân Thanh Hóa bị một Tàu Cảnh sát Biển của Trung Quốc nổ súng tấn công khiến 9 ngư dân Việt Nam tử vong, 7 người bị thương.
Những đàm phán liên quan đến cửa Vịnh Bắc Bộ hiện vẫn chưa đi đến kết quả cuối cùng vì theo như đánh giá của một số chuyên gia quốc tế là do Việt Nam không muốn nhượng bộ những đòi hỏi quá đáng của Trung Quốc.
Ngoài tranh chấp ở vùng cửa Vịnh Bắc Bộ, hai bên còn tranh chấp về chủ quyền liên quan đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông. Trung Quốc chiếm Hoàng Sa từ Việt Nam vào năm 1974. Tại Trường Sa, Trung Quốc hiện đang chiếm giữ một số đảo, trong đó có đảo Gạc Ma mà họ giành từ tay Việt Nam vào năm 1988.
Nhiều người Việt tham gia biểu tình
phản đối Trung Quốc trước Liên Hiệp Quốc
Tường An
Ngày 6/11 vừa qua, Tại Geneva, Thụy sĩ, gần 2.000 người đã tụ họp tại Place de Nation, nơi có chiếc ghế ba chân (Broken Chair) để biểu tình, trong khi đó, đối diện công trường này là trụ sở Hội Đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, nơi đang diễn ra cuộc kiểm điểm định kỳ (UPR) về vấn đề Nhân quyền tại Trung quốc.
UPR là chữ viết tắt của Universal Periodic Review, còn được gọi là Kiểm điểm định kỳ phổ quát về Nhân Quyền tại Liên Hiệp Quốc. Bốn năm 1 lần, vấn đề Nhân quyền của 193 nước thành viên sẽ được đem ra xem xét, mỗi lần kéo dài 14 ngày với khoảng 14-15 nước được đem ra rà soát về Nhân quyền.
Từ 9 giờ sáng, một đoàn người đông đảo gồm các sắc dân Duy Ngô Nhĩ, Tây Tạng và Việt Nam.v.v… đã tụ họp phía trước cung điện Wilson (Palais Wilson) và diễn hành trên một đoạn đường dài gần 2 km đến Place de Nation.
Những người Duy Ngô Nhĩ đứng ra tổ chức cuộc biểu tình này và họ mời một số quốc gia và sắc dân bị Trung cộng đàn áp trực tiếp hoặc gián tiếp như Tây Tạng, Kirzistan, Uberkistan,
Việt Nam.v.v… cùng tham gia biểu tình.
Về phía Việt Nam, Phong Trào Giới Trẻ Vì Nhân Quyền với người sáng lập là luật sư Trần Kiều Ngọc được mời tham dự.
Một Ban Tổ Chức sau đó được thành lập để tham gia cuộc biểu tình này là Phong Trào Giới Trẻ Vì Nhân Quyền, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại Âu châu và Phong trào Việt Hưng.
Chúng tôi cũng nghe nói sự đàn áp bên Trung Cộng mỗi ngày một quyết liệt, thì nhân cơ hội này chúng ta cũng cổ động để làm sao cho quê hương mình không bị vào tay của Trung Cộng giống như Tây Tạng – Thích Quảng Đạo
Gần 300 người Việt từ Pháp, Đức, Na Uy, Đan Mạch, Úc, Mỹ v.v…đã hưởng ứng lời kêu gọi này và tập trung tại Geneva với cờ và biểu ngữ gồm những nội dung chống bành trướng Trung quốc và phản đối việc vi phạm nhân quyền. Phái đoàn Pháp đông nhất có 55 người, Phái đoàn Đức cũng khoảng 50 người, kế đó phái đoàn Na Uy gồm khoảng 20 người.
Thầy Thích Quảng Đạo, chùa Khánh Anh, đồng tổ chức cuộc biểu tình cho biết suy nghĩ của thầy :
« Chúng tôi cũng nghe nói sự đàn áp bên Trung Cộng mỗi ngày một quyết liệt, thì nhân cơ hội này chúng ta cũng cổ động để làm sao cho quê hương mình không bị vào tay của Trung Cộng giống như Tây Tạng »
Cô Thủy đến từ Na Uy cho biết :
« Tinh thần dân tộc của mình vẫn còn trong dòng máu, vì vậy cho nên khi mà em nghe tất cả mọi người từ trên các nước tụ tập về đây để đòi hỏi Nhân quyền, cho nên em cũng đồng hành cùng những bạn bè tới đây. Mình cảm thấy có trách nhiệm, mình không để yên được, đó là lương tâm»
Một người Duy Ngô Nhĩ cho biết anh tham gia biểu tình để lên tiếng cho cha mẹ anh đang bị cầm tù mà không biết vì lý do gì :
« Tôi là người Duy Ngô Nhĩ, tôi đến đây để lên tiếng cho Cha Mẹ tôi bị bắt vào trại tập trung đã 1 năm rưỡi nay. Hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ đã bị bắt vào các trại tập trung. Tôi đến đây để tố cáo Trung quốc. Tự do cho Duy Ngô Nhĩ và Tự do cho Turkistan »
Cuộc biểu tình được xem là rầm rộ và quy mô kéo dài từ 10 sáng đến 12 giờ trưa với các bài phát biểu của đại diện các sắc dân Duy Ngô Nhĩ, Tây Tạng Việt Nam…v.v…Đại diện của phái đoàn Việt Nam là Thầy Thích Quảng Đạo và luật sư Trần Kiều Ngọc đều lần lượt phát biểu.
« …… Chúng tôi thay mặt cho Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu châu cực lực phản đối sự vi phạm nhân quyền của Trung Cộng vì đây là một tham vọng, họa lớn cho đất nước Việt Nam chúng ta…… »
Luật sư Trần Kiều Ngọc phát biểu:
« ….Chúng ta hãy đứng chung cùng người dân Duy Ngô Nhĩ, công lý phải được thực thi.Trong công lý và đoàn kết, cầu cho chúng ta bình an”
Ông Nguyễn Hoàng Bảo Việt, Phó Chủ tịch Hội Văn Bút Quốc tế tại Thụy sĩ, người đã tham dự trực tiếp các diễn tiến UPR cho biết các cáo buộc về vi phạm nhân quyền của các quốc gia đối với Trung quốc sáng nay và phản ứng từ Trung quốc:
« Hầu hết các nước dân chủ ở Âu Châu, Úc châu, Tân Tây Lan, nhất là Nhật bản và những nước Đông Âu cũ đều đưa ra những khuyến cáo liên quan đến tự do phát biểu, tự do ngôn luận, việc đàn áp các sắc tộc thiểu số ở Trung Hoa như dân tộc Duy Ngô Nhĩ, Tây Tạng, Mông Cổ, đặc biệt là Hồng Kông. Năm nay, Hồng Kông nói rất nhều về việc Trung Cộng tìm cách bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận và in sách báo tự do của những nhà văn, nhà báo ở Hồng Kông.”
Theo ông Nguyễn Hoàng Bảo Việt, tại UPR, đại diện Trung Quốc tìm cách bác bỏ các cáo buộc này, và nói rằng những người bị bắt giữ đã vi phạm luật pháp.
Vào ngày 22/1/2019 sẽ đến lượt Việt Nam kiểm điểm định kỳ tại Liên Hiệp Quốc.