Tin Việt Nam – 09/10/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 09/10/2017

Cảnh báo mưa và lũ lớn tại miền Trung

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cảnh báo về tình trạng mưa và lũ lớn có thể xảy ra tại miền Trung trong mấy ngày tới.

Chiều tối và đêm ngày 9/10, lũ trên các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi sẽ lên nhanh và đến ngày 11/10 mực nước trên các sông ở Miền Trung có thể lên mức báo động 2 hoặc 3.

Cũng trong ngày 10 và ngày 11 tháng 10, khu vực sông Thao, sông Lô có thể xảy ra lũ nhỏ. Trong khi các tỉnh miền núi phía Bắc có thể xảy ra ngập úng cục bộ.

Tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thái Nguyên, Nam Định,… có khả năng xảy ra tình trạng ngập úng.

Còn tại khu vực miền Nam, mực nước tại các con sông chính sẽ lên cao đến 3,5m. Trong 2-3 ngày tới, nước sông Cửu Long và Sài Gòn sẽ xuống dần, tuy nhiên ngập lụt vẫn xảy ra tại các vùng trũng thấp.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/tropical-depression-causes-heavy-rain-flood-in-vn-10092017103758.html

 

Bộ Y Tế không phát hiện cán bộ tham nhũng năm nay

Thanh tra Bộ Y tế nói rằng trong chín tháng đầu năm nay, trong bộ này không có việc tặng quà sai qui định nhân dịp lễ tết.

Đây là một nội dung trong báo cáo của Thanh tra Bộ Y tế gửi lên Thanh tra của Chính phủ.

Tuy vậy bảng báo cáo này cũng nói là việc kê khai tài sản của Bộ này chưa có hiệu quả, vì có các đơn tố cáo, khiếu nại, nhưng chưa có ai bị kiểm tra, để kê khai thu nhập.

Trong thời gian qua đã xảy ra một vụ bê bối có liên quan đến Bộ Y tế, đó là việc Bộ này cấp phép cho một công ty là VN Pharma nhập khẩu dược phẩm thuốc trị ung thư giả vào Việt Nam, mà một người quản lý cao cấp của công ty này lại là người nhà của đương kim Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến.

Ngành y tế cũng bị người dân than phiền vì phải gửi phong bì cho bác sĩ, hộ lý khi đưa người thân đến chữa trị tại các bệnh viện; nhất là trong trường hợp khẩn cấp.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/no-inappropriate-gifts-in-the-health-ministry-official-say-10092017091729.html

 

Sáp nhập Ủy ban Kiểm tra TƯ với Thanh tra Chính phủ?

Một thành viên Hội đồng lý luận Trung ương tại Việt Nam cho rằng có thể sáp nhập Ủy ban Kiểm tra Trung ương với Thanh tra Chính phủ, trong nỗ lực tinh gọn bộ máy.

PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng – Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nói với Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV).

Phát biểu của ông đưa ra trong bối cảnh Đảng Cộng sản Việt Nam đang bàn bạc làm sao tổ chức lại bộ máy chính trị.

“Chúng ta phải sắp xếp lại theo hướng sáp nhập những bộ phận có cùng chức năng lại với nhau.”

“Ví dụ như Ủy ban Kiểm tra Trung ương có thể sáp nhập với Thanh tra Chính phủ; Ban Tổ chức Trung ương có thể nhập với Bộ Nội vụ; Bộ Kế hoạch Đầu tư có thể gắn với Bộ Tài chính,” ông Quốc Dũng nói.

Đà Nẵng: ‘Giờ ai làm cũng thế’

Bí thư Đà Nẵng bị cách chức, ra khỏi Trung ương Đảng

Ông Đinh Thế Huynh ‘điều trị bệnh’

Ông nói thêm: “Hay các đảng ủy khối từ TW đến tỉnh, thành, các đảng ủy khối doanh nghiệp, khối cơ quan, khối Dân chính đảng, Đảng ủy khối doanh nhiệp tư nhân cũng là tầng nấc trung gian.”

“Nếu không có tổ chức này, hoạt động của Đảng vẫn tồn tại và phát triển.”

“Ví dụ như Ủy ban Kiểm tra Trung ương có thể sáp nhập với Thanh tra Chính phủ; Ban Tổ chức Trung ương có thể nhập với Bộ Nội vụ; Bộ Kế hoạch Đầu tư có thể gắn với Bộ Tài chín.PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng

Ông ủng hộ nhất thể hóa bộ máy chức danh giữa Đảng và Nhà nước.

“Ví như, Bí thư giữ chức Chủ tịch một địa phương; người đứng đầu một đơn vị của Nhà nước phải là Bí thư Đảng ủy của cơ quan ấy. Nhất thể hóa như vậy, một người làm việc của hai người, quyền lực sẽ tập trung hơn và sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước.”

Mới đây nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cũng kêu gọi “cách mạng bộ máy”.

“Như Bộ Công an, nhiều tổng cục quá, hoàn toàn có thể sắp xếp tổ chức lại. Nếu không sẽ phát sinh tầng nấc trung gian, chồng chéo,” ông Phiêu nói.

Hội nghị Trung ương 6 của Đảng Cộng sản tuần rồi có bàn về Đề án xây dựng, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

TBT Trọng thăm Trung Quốc vào tháng 1

‘Không sửa chữa chỉ là một đảng hỏng’

Lãnh đạo Việt-Trung uống trà bàn ‘định hướng lớn’

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41528163

 

VN muốn Campuchia ‘đảm bảo quyền lợi người gốc Việt’

Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng mong muốn Campuchia ‘đảm bảo quyền lợi người gốc Việt’ sau khi có tin hàng chục nghìn người có thể bị tước quyền cư trú.

Hôm thứ Hai 9/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao, bà Lê Thị Thu Hằng nói Việt Nam mong muốn Campuchia đảm bảo “quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người Campuchia gốc Việt , trang VN Express đưa tin.

“Việt Nam và Campuchia có quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống tốt đẹp. Cộng đồng người Campuchia gốc Việt sinh sống ở Campuchia đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Campuchia, vun đắp quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước”, tờ VN Express trích lời bà Hằng

“Chúng tôi mong rằng trong quá trình hoàn thiện giấy tờ pháp lý, người dân được duy trì cuộc sống ổn định, tiếp tục góp sức vào đời sống kinh tế xã hội Campuchia, góp phần củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện giữa hai nước”, bà Lê Thị Thu Hằng.

Thu hồi giấy tờ?

Hôm 4/10, tờ Phnom Penh Post đưa tin Campuchia sẽ tiếp tục tiến hành chính sách thu hồi giấy tờ của 70.000 người gốc Việt đang sinh sống tại Campuchia, và nói giấy tờ quyền công dân của họ là “không đúng quy định.”

Trong khi đó, rất nhiều người trong số này là người gốc Việt đã sinh ra và lớn lên ở Campuchia.

Tuyên bố này đưa ra trong bối cảnh tư tưởng bài Việt vẫn luôn ngấm ngầm nhuốm màu bản sắc chính trị và xã hội Campuchia, tờ báo này nhận định.

Ông Sok Phal, Vụ trưởng Vụ Xuất nhập cảnh, thừa nhận rằng hầu hết những người vi phạm là người gốc Việt sinh ra ở Campuchia và không có quốc tịch khác.

Ông Phal khẳng định Campuchia “không tước quyền công dân của họ. Họ là người Việt Nam. Chúng tôi chỉ lấy giấy tờ Campuchia”.

Lãnh đạo đối lập Campuchia muốn ‘chế tài lên Hun Sen’

Người Thượng ở Campuchia ‘cầu cứu, không muốn về VN’

Campuchia tước quyền công dân 70.000 người gốc Việt

Những người này sẽ bị coi là nhập cư bất hợp pháp nhưng sẽ không bị buộc rời đi. Họ có thể nộp đơn để giới chức xem xét trở thành người nhập cư.

“Chúng tôi không xóa bỏ quyền công dân của họ, họ là người Việt Nam. Chúng tôi chỉ lấy lại giấy tờ về quyền công dân Campuchia,” ông nói.

Vấn đề biên giới Việt Nam – Campuchia thường trở thành đề tài để phe đối lập Campuchia đem vào nghị trình vận động cho tinh thần dân tộc chủ nghĩa.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41559796

 

Con kiến leo cành đa

Nguyễn Tường Thụy

Cứ mỗi khi tình hình kinh tế, xã hội trở nên tồi tệ, các mâu thuẫn nội tại chuyển hóa thành gay gắt thì ĐCSVN (đảng Cộng sản Việt Nam) lại tìm cách đổi mới, cải cách, ra nghị quyết và kêu gọi tinh thần quyết tâm. Những cải cách ấy dù có chút tác dụng tích cực nhưng cũng chỉ là nửa vời.

Năm 1986, trước cuộc khủng hoảng kinh tế dẫn đất nước đến bên bờ vực thẳm, VN (Việt Nam) đã phát động đổi mới (mà thực chất là sửa sai). Cuộc đổi mới này tuy “đã thu được kết quả ban đầu, về sau ngày càng đuối sức, trở về cảnh trì trệ kéo dài, ngày càng nặng nề, để càng đổi mới càng tụt hậu và khủng hoảng nặng nề thêm mà vẫn không sao tìm ra lối thoát” (VOA). Nền kinh tế vẫn yếu kém và bế tắc như chúng ta đều thấy bởi đã kinh tế thị trường lại còn mang theo cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa”; bởi kinh tế nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo và đặc biệt là bởi cải cách kinh tế nhưng không cải cách chính trị, chế độ vẫn là chế độ độc tài.

Cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90 thế kỷ trước, hệ thống xã hội chủ nghĩa sụp đổ hàng loạt ở Liên Xô và Đông Âu, đồng thời khủng hoảng ngoại giao dẫn đến VN bị cô lập trên trường quốc tế. Để vớt vát phần nhỏ nhoi còn lại của khối xã hội chủ nghĩa (XHCN) và để cứu đảng, ĐCSVN phải xin bình thường hóa với TQ (Trung Quốc). Sự kiện này được đánh dấu bắt đầu bởi Hội nghị Thành Đô. Kết quả Hội nghị này ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống chính trị, kinh tế của VN. Việc bình thường hóa quan hệ với TQ tuy khắc phục được một số hậu quả của quá khứ nhưng từ đó VN phụ thuộc ngày càng nặng nề vào TQ về chính trị, kinh tế, mất thêm biển đảo và đất liền.

Và bây giờ, bức tranh về VN là một màu đen tối ở tất cả các mặt của đời sống xã hội. Kinh tế trì trệ, tham nhũng len lỏi vào từng con ốc trong guồng máy vận hành đất nước, quan chức tham lam hống hách và trơ trẽn, đạo đức xã hội suy đồi, cái ác lên ngôi, mọi giá trị bị đảo lộn, nỗi oan ức thống khổ của nhân dân ở đâu cũng nhìn thấy bởi sự khốn nạn của hệ thống tư pháp và quan chức.

Hệ thống chính trị như một ngôi nhà đã mục ruỗng và vì vậy, Hội nghị Trung ương 6 (khóa 12) lại đặt ra vấn đề đổi mới chính trị nhưng chỉ là sắp xếp tổ chức lại bộ máy sao cho tinh gọn để “hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Vấn đề tinh giản bộ máy cũng như chống tham nhũng không phải đến bây giờ mới nhắc tới mà đặt ra đã từ lâu, từ năm mươi hay sáu mươi năm có lẽ ít ai còn nhớ.  Cũng nghị quyết, cũng  hô hào, cũng quyết tâm, nhưng mỗi lần quyết tâm, thi đua đem lại kết quả thế nào thì… như đã biết.

Nguyên nhân của tình trạng này là mỗi lần cải cách, đổi mới ĐCSVN chỉ đưa ra được những biện pháp tình thế nhằm cứu vãn đảng. Cải cách nhưng vẫn phải giữ mục tiêu chủ nghĩa xã hội – thứ mà không ai hình dung được nó như thế nào, đã kinh tế thị trường lại phải định hướng XHCN, kinh tế nhiều thành phần nhưng vẫn phải kinh tế nhà nước là chủ đạo và cuối cùng là cải cách, đổi mới kiểu gì thì ĐCSVN vẫn phải độc quyền lãnh đạo. Đây là những mâu thuẫn mà ĐCSVN không muốn nhìn thấy. Nguyên nhân của sự nửa vời là ở chỗ ấy.

Thiết nghĩ khoảng thời gian đã quá dài, kể từ khi điều hành đất nước năm 1954 đủ cho ĐCSVN loay hoay, thử nghiệm với những thất bại đau đớn để thấy cần phải cải tổ chứ không chỉ cải cách nửa vời. Làm điều đó phải chấp nhận vứt bỏ quyền lợi ích kỷ, phi lý của cá nhân, của một nhóm lợi ích hay của một đảng phái để đi tới một nền chính trị dân chủ đa nguyên, xây dựng một nhà nước pháp quyền với mô hình tam quyền phân lập. Tiếc rằng, cho đến bây giờ, mấy chữ đa nguyên, dân chủ, nhân quyền vẫn còn là kỵ húy, “nhạy cảm” trong đảng CSVN và trong xã hội. Những người mạnh dạn nhất cũng mới chỉ manh nha đề cập đến việc tách đảng, đổi tên nước mà thôi. Nhiều người hoạt động dân chủ bị tống vào tù nhằm bịt tiếng nói của họ và xu hướng bắt bớ ngày càng gia tăng. Chỉ tính từ đầu năm 2017 đến nay đã có 24 người hoạt động bị bắt hoặc bị truy nã.

Hiện nay, giới dân chủ chưa ai đặt ra vấn đề phải xóa đảng cộng sản bằng bạo lực cho dù muốn hay không. Nói thẳng ra là việc này không làm được và không phù hợp với xu thế của thời đại. Mục tiêu của giới dân chủ hướng tới là dân chủ đa nguyên với chủ trương bất bạo động. Đa đảng là để cạnh tranh chính trị, kiểm soát quyền lực, tập trung trí tuệ và tâm huyết để đưa đất nước phát triển. Thế nhưng, người ta luôn mang vấn đề đa đảng ra làm con ngáo ộp để hù dọa nhân dân, bất chấp đa số nhân loại đi theo mô hình dân chủ đã chứng minh là không có con ngáo ộp ấy.

Sẽ chẳng có ai đòi loại trừ đảng CSVN nếu thực hiện đa đảng. Họ tha hồ thể hiện mình trong cạnh tranh. Họ vẫn tranh cử và tham gia điều hành đất nước như các đảng phái khác. Có điều số phiếu của họ phụ thuộc vào tín nhiệm của cử tri trong những cuộc bầu cử tự do mà thôi. Nếu họ làm không tốt, vẫn thể hiện như trước đó, nhân dân sẽ quay lưng lại với họ.

Loay hoay cải cách với đổi mới sẽ chẳng bao giờ đi đến đâu. Cái sự luẩn quẩn ấy giống như con kiến leo cành đa (leo phải cành cụt leo ra leo vào). Thử nghiệm mãi thì sức dân đã mệt mỏi, tinh thần đã chán chường, lòng tin đã cạn. Kinh tế thị trường vì có cạnh tranh thì mới thúc đẩy được sản xuất phát triển. Vì vậy không có lý do gì để chính trị không có đa đảng, trừ khi bị cưỡng ép. Một chế độ chính trị đa nguyên ở VN lúc này là lối thoát duy nhất cho đất nước, cho dân tộc. Nếu ĐCSVN tự tin ở mình thì sợ gì mà không dám cạnh tranh với các đảng phái khác?

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

http://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/dead-end-measures-10092017080342.html

 

Không còn đường lùi, nhưng chưa biết tiến đi đâu

Nguyễn Anh Tuấn

Trước thềm Hội nghị Trung ương 6 bàn về đổi mới bộ máy chính trị, hàng loạt tờ báo đã đăng tải bài phỏng vấn của cựu Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, trong đó ông nhấn mạnh về tính cấp thiết của đổi mới bộ máy chính trị bằng cụm từ “không còn đường lùi”.

Tình thế lưỡng nan mà Đảng Cộng sản đang đối mặt đến từ chính công thức cầm quyền của họ vài thập niên gần đây. Để đảm bảo vị trí độc tôn của mình, trong bối cảnh lý tưởng đại đồng cộng sản đã hết sức sống, đảng chỉ còn biết dùng lợi ich vật chất để mua sự trung thành của nhiều người nhất có thể.

Hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương cũng vì thế mà phình ra không ngừng. Có thời điểm người ta tính được có tới 11 triệu người hưởng lương ngân sách. Chỉ cần nhẩm tính mỗi lao động hưởng lương ngân sách lại nuôi 2-3 người phụ thuộc sẽ thấy đảng đã xây dựng được một nền tảng ủng hộ làm bệ đỡ quyền lực rộng lớn đến mức nào trong lòng xã hội với một đám đông có cảm giác “đồng hội đồng thuyền” về lợi ích với đảng.

Và quả tình, dưới cái bóng của hệ thống chính trị khổng lồ này, mọi phản kháng ngay cả ở mức độ dân sự cũng rất dễ bị đè bẹp trong giai đoạn trứng nước, chỉ cần đảng hô câu hiệu lệnh quen thuộc “huy động toàn hệ thống chính trị vào cuộc”

Tuy nhiên, nuôi được bộ máy cồng kềnh này chẳng hề đơn giản. Lời giải của đảng đối với bài toán này cho tới nay gồm hai phần chính sau:

Một, dành một khoản chi lớn (gần 3/4 tổng chi ngân sách) chỉ để nuôi bộ máy – đồng nghĩa với việc phải bớt chi cho đầu tư phát triển, điện, đường, trường, trạm – tức những khoản chi nâng cao đời sống cho toàn xã hội. Nợ công vì thế mà phải chạm trần, tài nguyên bởi vậy mà phải cạn kiệt, để nuôi bộ máy cứ ngày một phình to suốt vài thập kỷ vừa qua.

Hai, dẫu có dành phần lớn tổng chi ngân sách để nuôi bộ máy nhưng vì nó quá lớn nên tính ra lương cho đầu người vẫn thấp, không đáp ứng được cuộc sống. Một cách tự nhiên đảng nhanh chóng đạt được đồng thuận nhắm mắt “mạnh ai nấy ăn” để bù đắp phần thiếu hụt. Nhưng ăn vào đâu? Còn đâu khác ngoài người dân và doanh nghiệp. Đây chính là gốc rễ của tình trạng tham nhũng có hệ thống ở Việt Nam, phơi bày trong đời sống hàng ngày của chúng ta, thông qua đủ loại tệ nạn, nào là “giấy phép con”, “thanh kiểm tra”, “mãi lộ”, “BOT”, “lạm thu”, “thư vận động đóng góp”, “chạy việc”, “chạy trường”…

Giá mà có thể duy trì giải pháp trên thì những người lãnh đạo đảng có thể yên tâm kê cao gối mà ngủ. Tuy nhiên, nay thì nợ công đã chạm trần, tài nguyên khoảng sản cũng đã cạn kiệt, mô hình tăng trưởng lạc hậu vẫn chưa được chuyển đổi, lợi tức tạo ra không tương xứng với độ phình của bộ máy.

Tệ hơn, người dân và doanh nghiệp – nền tảng kinh tế của quốc gia – một khi không chịu nổi áp lực “kiếm chác” từ hệ thống chính trị khổng lồ này sẽ dần mất đi động lực; nhiều người tài năng và tự trọng thâm chí còn tìm cách ra đi. Kết quả là kinh tế đình đốn, nguồn thu ngân sách vì thế sẽ sụt giảm theo, khiến chỉ riêng việc nuôi bộ máy với mức độ như hiện tại đã khó, đừng nói tới việc trả lương cao hơn.

Thế thì đúng là như cựu TBT Phiêu nói, quả là không còn đường lùi, và giải pháp duy nhất là giảm biên chế. Nhưng bộ phận nào trong hệ thống chính trị bị nhắm tới đầu tiên? Hội nghị Trung ương 6 lựa chọn “các tổ chức sự nghiệp công lập”, có lẽ là vì đây là nhóm ít quyền lực nhất – đồng nghĩa là khả năng phản đối thấp nhất. Đây cũng là lý do mà cách đây vài tháng Bộ Giáo dục Đào tạo thăm dò việc bỏ biên chế giáo viên.

Tuy nhiên, nếu chỉ tập trung giảm biên chế mỗi khu vực sự nghiệp thì chỉ là cách trì hoãn chứ không phải là giải pháp toàn diện cho vấn đề. Toàn bộ hệ thống cần phải được tinh gọn ở mức độ cao thì mới có thể giảm áp lực chi thường xuyên và bớt được phiền hà cho người dân, doanh nghiệp một cách căn cơ, từ đó mới khôi phục được động lực làm ăn, kinh tế mới phát triển để tăng được nguồn thu cho ngân sách.

Thế nhưng, một khi không còn trong tay hệ thống chính trị khổng lồ như hiện nay nữa, đảng có gì để trấn áp những phản kháng trong xã hội để đảm bảo quyền lực độc tôn của mình?

Chọn một thôi, không thể có cả hai đâu các ông.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

http://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/no-way-out-10092017081550.html

 

Nghệ An: Bất ổn không được giải quyết tại giáo họ Đông Kiều

Một số giáo dân tại giáo họ Đông Kiều thuộc xã Diễn Mỹ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An vừa bị những thành phần bất hảo tấn công, đập phá; trong khi đơn tố cáo của các linh mục giáo hạt Đông Tháp chưa được cơ quan chức năng địa phương giải quyết.

Một nữ nạn nhân vào tối ngày 9 tháng 7 kể lại vụ việc với RFA:

“Chừng 8 giờ tối, chỉ một mình tôi ở trong nhà thì có những người bị mặt dùng tuýt sắt và đá tấn công vào nhà tôi. Tôi chạy trốn trong nhà tắm và có gọi điện cho trưởng và phó công an xã cũng như chủ tịch xã Diễn Mỹ.

Sau đó họ đến và yêu cầu khai báo. Tuy nhiên đến ngày 9 tháng 10 vẫn chưa thấy có biện pháp gì cụ thể.”

Bà này nói những thành phần bịt mặt đập phá quán cà phê của nhà bà, ngoài ra khi vào nhà họ còn dùng đá ném lên bàn thờ của gia đình.

Tình trạng những thành phần dùng hung khí, gạch đá tấn công một số gia đình giáo dân tại giáo họ Đông Kiều, giáo phận Vinh được trình bày trong Đơn Tố Cáo do các linh mục Giáo hạt Đông Tháp gửi đến các cấp chính quyền địa phương tỉnh Nghệ An, huyện Diễn Châu, xã Diễn Mỹ.

Một trong những linh mục ký tên vào tối ngày 9 tháng 10 cho biết cơ quan chức năng có trả lời đơn tố cáo nhưng thoái thác trách nhiệm nói rằng đó là do những thành phần dân chúng tự phát ra tay.

“Họ luôn thoái thác trách nhiệm và không giải quyết rốt ráo các vụ việc được nêu ra với chính quyền.”

Theo vị linh mục này thì hành xử của chính quyền hiện nay tại những nơi ông từng biết có những vụ tấn công, hành hung giáo dân xảy ra tương tự như thời Cải Cách Ruộng Đất. Tức chính quyền sử dụng người dân để tố cáo người dân.

Vị linh mục này cho rằng hành xử như thế đang gây bất an trong giáo dân khi mà tiếng nói đòi hỏi công lý không được lắng nghe.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/unrest-continued-at-dong-kieu-sub-parish-10092017101011.html

 

VN chịu gần 10.000 cuộc tấn công mạng từ đầu năm

Trong 9 tháng đầu năm 2017, tại Việt Nam xảy ra gần 10.000 cuộc tấn công mạng với cả 3 loại hình là Phishing, Malware và Deface.

Đây là thông tin được Trung tâm Ứng cứu Khẩn cấp Máy tính Việt Nam (VNCERT), thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết vào ngày 9/10.

Trong số các cuộc tấn công này, phần lớn là loại hình Malware với số lượng hơn 4.500 trường hợp trong đó có 16 trang web có tên miền “.gov.vn” và hơn 3.600 cuộc thay đổi diện mạo Deface.

Đại diện VNCERT cho biết hiện hiện nay mã độc nguy hiểm ngày càng tăng, trong đó có những loại mã vượt qua các phần mềm chống virus và loại mã hóa dữ liệu không thể phục hồi. Nhiều cuộc tấn công nhắm vào cơ quan chính phủ và mang màu sắc chính trị.

Mặc dù tình trạng tấn công mạng ngày càng phát triển nhưng đại diện VNCERT nói rằng vấn đề đảm bảo an ninh mạng của Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, trong đó máy tính không được quản lý tốt, người dùng thiếu kiến thức về an toàn thông tin và phản ứng còn hạn chế.

VNCERT đưa ra giải pháp là các doanh nghiệp giám sát an ninh mạng liên tục 24h trong ngày và phối hợp với giám sát quốc gia.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/10k-cyber-attacks-in-vn-in-2017-10092017102447.html

 

Việt Nam nhận hai tàu tên lửa Molniya

Hải quân Việt Nam ngày 9/10 nhận cặp tàu tên lửa Molniya hay còn gọi là chiến hạm Tia Chớp từ Tổng công ty Ba Son, thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng.

Đây là hai trong tổng số sáu tàu tên lửa Molniya được Quân chủng Hải quân ký hợp đồng đóng với Tổng công ty Ba Son, và được bàn giao cho  Lữ đoàn 167 Bộ Tư lệnh Vùng 2 hải quân.

Cặp tàu tên lửa này được sản xuất theo công nghệ chuyển giao của Nga, và được các chuyên gia Nga đánh giá là đảm bảo yêu cầu chất lượng.

Tàu tên lửa Molniya là một trong những tàu tên lửa tấn công hiện đại, được đánh giá là tân tiến và ổn định hàng đầu thế giới. Loại chiến hạm này có kích thước nhỏ nhưng có hỏa lực mạnh, được thiết kế để tiêu diệt tất cả các loại tàu chiến, tàu vận tải của đối phương.

Vũ khí chính của “Tia chớp” là hệ thống tên lửa hành trình đối hạm 3M24 Uran-E với 16 quả đạn, 1 pháo hạm tự động, 2 pháo phòng không bắn nhanh và 12 tên lửa đối không tầm thấp.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-receives-2-tarantul-class-corvettes-10092017102112.html

 

Không thuyên chuyển cán bộ bị kỷ luật về trung ương

Đảng Cộng Sản Việt Nam vừa đưa ra một quy định mới không cho phép các cán bộ bị kỷ luật được chuyển về trung ương.

Qui định mang số 98-QĐ/TW được ông Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng, ký ban hành vào ngày 7 tháng 10 vừa qua.

Theo qui định này việc luân chuyển cán bộ kể từ đây sẽ được thực hiện đối với những người làm công việc quản lý và thời gian luân chuyển ít nhất là ba năm.

Qui định này cũng nêu lý do tại sao phải luân chuyển cán bộ quản lý, đó là để tránh các cán bộ quản lý cao cấp là người địa phương, cũng như không để cho họ làm việc tại một địa phương quá lâu.

Các chức vụ sẽ nằm trong việc luân chuyển cán bộ như thế bao gồm: Bí thư tỉnh ủy, huyện ủy, chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, các bộ đứng đầu các cơ quan thanh tra, tài chính, công an, hải quan, thuế vụi cấp tỉnh, cấp huyện.

Trường hợp gần đây nhất cán bộ bị kỷ luật đã được chuyển về trung ương là ông Đinh La Thăng, bị cách chức Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư thành ủy thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, vào tháng Năm vừa qua và được chuyển về Ban nghiên cứu kinh tế trung ương của Đảng cộng sản.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/disciplined-officials-are-not-allowed-in-central-committee-10092017091045.html

 

Công An VN dừng bổ nhiệm mới tại nhiều đơn vị

Hai năm nay ngành công an Việt Nam không tuyển thêm người từ bên ngoài.

Tin này được một số đơn vị công an tiết lộ cho báo chí Việt Nam biết.

Theo các nguồn tin thì Bộ Công an Việt Nam đang nghiên cứu một đề án kéo dài trong hai năm về hiệu quả công việc liên quan đến bộ máy nhân sự.

Tin cũng cho biết là có lúc bộ máy công an tăng lên rất nhiều biên chế sau năm 2009.

Hiện nay Trung ương đảng cộng sản Việt Nam đang nhóm họp tại Hà Nội, và trong chương trình nghị sự của kỳ họp lần này có bàn đến việc làm sao để bộ máy chính trị Đảng cộng sản cũng như Nhà nước Việt Nam do đảng này độc quyền lãnh đạo được gọn hơn.

Theo thống kê từ Đảng cộng sản Việt Nam, hiện nay có đến 2 triệu năm trăm ngàn người làm việc trong các cơ quan đảng cộng sản và hành chính của chính phủ, chưa kể những người trong lực lượng quân đội và công an.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/no-new-appointment-in-the-security-ministry-10092017090227.html

 

Việt Nam : Nhà máy diêm đầu tiên ở Hà Nội

Thu Hằng

Trước năm 1892, diêm được tiêu thụ ở Đông Dương chủ yếu đến từ Nhật Bản. Không một hộp diêm nào của Pháp có mặt ở thị trường Viễn Đông. Diêm được nhập vào Đông Dương thành từng kiện nặng 90 kg và chứa 7.200 gói gồm 10 bao, mỗi bao có khoảng 70 que diêm. Có nghĩa là một cân diêm có khoảng 56.000 que diêm.

Theo số liệu thống kê trong cuốn Bắc Kỳ năm 1893 (Le Tonkin en 1893), Bắc Kỳ nhập 36.109 kg diêm vào năm 1887. Đến năm 1892, con số này tăng thành 570.793 kg, tăng khoảng 15 lần trong vòng 5 năm. Còn ở Nam Kỳ, theo số liệu thống kê của hải quan, khối lượng diêm nhập khẩu vào vùng đất này tăng trung bình từ khoảng 1891-1899, với 620.000 kg, tương đương với 5.200.000 gói gồm 10 bao.

Trước nhu cầu ngày càng tăng, Công ty Diêm Hà Nội được một công ty Pháp xây dựng vào năm 1890, dưới sự điều hành của ông Guignot, kỹ sư dân dụng. Nhà máy nằm trên đường Huế (route de Huế), lúc đó bị coi là ngoại thành, cách trung tâm Hà Nội khoảng 1 km.

Hai năm sau, công trình hoàn thành, trang thiết bị máy móc được lắp đặt và nhà máy đi vào hoạt động. Lễ khánh thành được tổ chức long trọng vào tháng 10/1892. Theo hồi ký của toàn quyền De Lanessan, nhà máy sản xuất hơn 1/3 lượng diêm tiêu thụ trên toàn Đông Dương.

Năm 1895, công ty Pháp cho công ty Taa Hing của một nhóm người Hoa thuê lại nhà máy với thời hạn 10 năm. Nhà máy sản xuất rất hiệu quả dưới sự điều hành của người Hoa.

Trong cuốn Bắc Kỳ năm 1900 (Le Tonkin en 1900), tác giả Robert Dubois cho biết trang thiết bị của nhà máy đều được nhập từ Pháp, gồm nhiều máy móc thường chỉ được sử dụng tại Pháp. Nhiên liệu cũng được nhập trực tiếp từ Pháp. Công việc hoàn toàn vận hành bằng máy móc với lực lượng nhân công địa phương rất chuyên cần và có đốc công người Hoa. Gỗ sử dụng để sản xuất diêm đều lấy từ các khu rừng ở Bắc Kỳ.

Nhà máy gồm 5 dãy nhà chính và vài nhà phụ. Ở dãy nhà thứ nhất, có một phòng thí nghiệm để chuẩn bị bột diêm. Dãy thứ hai có một phòng xẻ gỗ. Dãy thứ ba là nơi chuẩn bị đóng hộp diêm. Dãy nhà thứ tư chứa quạt lật, dùng để loại via khỏi gỗ diêm. Cuối cùng, tòa nhà thứ năm là phòng để đóng đầu diêm, nén và đóng hộp.

Ngoài ra, còn phải kể đến hai máy sấy chạy bằng quạt và nhiệt độ luôn được giữ ở mức cần thiết. Công việc dán gói được làm trong các tòa nhà khác. Một số phòng đặc biệt được biến thành cửa hàng để trưng bày và bán sản phẩm.

Nói chung, nhà máy diêm được điều hành một cách quy củ. Người Hoa có được đội ngũ thợ người Việt rất chăm chỉ, làm việc nhanh nhẹn, điều mà các ông chủ người Pháp khó đạt được. Vốn khai thác được nhiều người Hoa hùn chung trong công ty Taa Hing.

Diêm do nhà máy cung cấp trên toàn Đông Dương được gọi là “diêm an toàn” vì chỉ bắt lửa khi quẹt vào tờ giấy dán bên cạnh bao diêm. Nói tóm lại, nhà máy có vai trò rất quan trọng. Nhà máy hoàn toàn được điều hành tốt bởi một công ty Trung Quốc và vì chất lượng diêm và không sợ bị cạnh tranh.

Đến năm 1904, Công ty Diêm Hà Nội được nhượng quyền sản xuất cho Nhà máy Diêm Đông Dương, lúc đó đã có một nhà máy khác ở Bến Thủy. Diêm do hai nhà máy này sản xuất thay thế phần lớn diêm nhập khẩu từ nước ngoài. Sản lượng hàng năm của nhà máy ở Hà Nội đạt khoảng 40 đến 43 triệu bao diêm, theo Kỷ yếu Kinh tế Đông Dương số ra tháng 01-02/1908 (Bulletin économique de l’Indochine). Vào năm 1908, hai công ty Diêm Hà Nội và Diêm Đông Dương được hợp nhất và mang tên Công ty Diêm Đông Dương.

Đánh thuế diêm để tăng ngân sách nhà nước

Sự xuất hiện của ngành công nghiệp mới là một tin vui, song cũng buộc chính quyền đưa ra những biện pháp cần thiết để kích thích sự phát triển và thành công của ngành này. Với chính quyền thuộc địa Pháp, điều quan trọng là để ngành công nghiệp diêm được vận hành hoàn toàn tự do bằng cách không gây ra bất kỳ hình thức độc quyền nào, nhưng ngược lại, cần phải bảo vệ ngành này trước sản phẩm của Đức và Nhật Bản.

Chính vì vậy, nghị định ngày 01/05/1892 được toàn quyền Đông Dương De Lanessan ban hành với mục tiêu được cho là bảo vệ một cách hiệu quả ngành công nghiệp địa phương mà không vi phạm đến quyền tự do công nghiệp, đồng thời cùng dung hòa lợi ích của nhà sản xuất, người tiêu dùng và Kho bạc Nhà nước. Hay nói một cách khác, chính quyền thuộc địa áp đặt loại thuế tiêu dùng đối với sản phẩm diêm được bán tại Đông Dương tùy theo nguồn gốc.

Theo nghị định ngày 01/05/1892, diêm được sản xuất ở nước ngoài bị đánh thuế 2 xu rưỡi (0,025 đồng Đông Dương – piastre) đối với một gói gồm 10 bao không quá 70 que diêm mỗi bao ; diêm được sản xuất tại Bắc Kỳ hay An Nam nhưng làm từ gỗ nhập khẩu phải chịu thuế 0,018 đồng ; còn diêm sản xuất trong nước và bằng gỗ trong nước chỉ phải trả thuế 0,008 đồng. Nhờ thuế này, ngân khố Bắc Kỳ thu về 6.018 đồng Đông Dương từ ngày 01/12/1892 đến 28/02/1893 và Nam Kỳ thu về 1.161,33 đồng.

Vào đầu thế kỷ XX, diêm nước ngoài bị cấm trên khắp Đông Dương để đảm bảo đầu ra cho diêm Pháp sản xuất tại An Nam và Bắc Kỳ. Sau khi sáp nhập, Công ty Diêm Đông Dương có hai nhà máy lớn ở Hà Nội và Bến Thủy do người Pháp quản lý. Chính phủ Pháp bắt đầu chú ý đến việc quản lý điều kiện lao động và thời gian làm việc tại các nhà máy diêm. Toàn quyền Đông Dương Klobukowski ra sắc lệnh ngày 09/06/1909 quy định thời gian làm việc là 12 giờ mỗi ngày tại các nhà máy diêm và nhà máy thuốc lá.

Trong những năm 1930, Đông Dương cũng không tránh bị ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Diêm giả (diêm không dán tem thuế) xuất hiện ngày càng nhiều do giá của diêm thật quá đắt vì thuế tiêu dùng, bị đánh đến đến 45 đồng Đông Dương/kiện, cao hơn cả chi phí thành phẩm, theo nhận định trong một bài viết trên tờ Eveil économique de l’Indochine(22/04/1934). Thay vì sử dụng diêm, người dân chú ý đến việc “giữ lửa” bằng những chiếc đèn dầu leo lắt để hút thuốc lá hay ống điếu. Từ 45.750 kiện được tiêu thụ vào năm 1929, con số này giảm xuống một nửa, chỉ còn 23.000 kiện vào năm 1932.

Theo bài báo, mức tiêu thụ ở Đông Dương có thể trở lại bình thường, vào khoảng 46.000 kiện mỗi năm, mà Nhà nước có thể duy trì khoản thu thuế, nếu chính phủ thuộc địa và các nhà sản xuất diêm cùng cố gắng : Phía chính phủ nên hạ thuế xuống còn một nửa, thay vì 45 đồng/kiện xuống còn 22,5 đồng/kiện ; Phía nhà máy vừa phải cải thiện chất lượng, vừa nên giảm giá bán xỉ. Ngoài ra, bài báo cũng cho rằng chính phủ nên giảm thuế thuốc lá và thuốc lào, vì hai mặt hàng bình dân thường được người Việt sử dụng đang dần trở thành một mặt hàng xa xỉ.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20171030-viet-nam-nha-may-diem-dau-tien-o-ha-noi