Tin Việt Nam – 09/09/2018
Hồ chứa vỡ đập, chất thải phân bón
chảy tràn vào nhà, xa lộ và suối ở Lào Cai
Hồ chứa chất thải một nhà máy phân bón ở tỉnh Lào Cai bị vỡ đập vào trưa Thứ Sáu 7 tháng 9, khiến nước và chất thải tràn ra môi trường.
Truyền thông trong nước đưa tin, ít nhất hai gia đình ở gần hồ chứa bị bùn đất tràn vào nhà, cuốn trôi tất cả tài sản. Hàng chục gia đình khác không mất tài sản nhưng cũng bị ảnh hưởng. Hồ chứa chất thải bị vỡ đập bờ bao là của nhà máy DAP số 2 trong khu công nghiệp Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng.
Các giới chức ước lượng khoảng 45,000 mét khối nước và chất thải đã tràn ra môi trường. Chất thải còn tràn ra tỉnh lộ 151 rồi chảy vào các dòng suối trong khu vực. Giới chức tỉnh Lào Cai cho biết chất thải tràn ra có độ pH xấp xỉ bằng 2, tức có tính acid cao. Giới hữu trách sẽ phải bịt cửa đập bị vỡ và đổ hàng trăm tấn vôi bột xuống những con suối bị nhiễm chất thải để trung hòa, vì những dòng suối trong tỉnh Lào Cai sẽ đổ vào sông Hồng.
Theo lời kể của nhiều cư dân trong khu vực, trước đây nhà máy DAP 2 đã nhiều lần để thất thoát chất thải gây ảnh hưởng tới cuộc sống của họ. Công ty DAP số 2 thuộc Tập Đoàn Hóa Chất Việt Nam (Vinachem) thành lập năm 2008 với tổng kinh phí hơn 5 ngàn tỷ đồng. Mới đây công ty này bị tỉnh Lào Cai phạt 150 triệu đồng vì không vận hành hệ thống bảo vệ môi trường đúng quy trình tại bãi thải, và yêu cầu có biện pháp ngăn ngừa nước thải tràn ra môi trường.
Huy Lam / SBTN
https://www.sbtn.tv/ho-chua-vo-dap-chat-thai-phan-bon-chay-tran-vao-nha-xa-lo-va-suoi-o-lao-cai/
Gia đình gửi thư khẩn về tình trạng
của Trần Huỳnh Duy Thức
Sáng ngày 9/9, ông Trần Văn Huỳnh, cha ruột của tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức, đã gửi thư kêu gọi các tổ chức xã hội dân sự và nhân dân Việt Nam “cùng lên tiếng giữ lại tính mạng” của ông Trần Huỳnh Duy Thức, “trước đe dọa đã tính từng ngày” do tuyệt thực dài ngày.
Cựu Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ điện thoại internet OCI -Trần Huỳnh Duy Thức, người bị tuyên án 16 năm tù giam với cáo buộc “hoạt động nhằm chống chính quyền nhân dân”, đang tuyệt thực trong trại giam số 6 Thanh Chương – Nghệ An từ ngày 14/8/2018.
Ngày 9/9/2018 là ngày thứ 27 ông Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thực để yêu cầu nhà nước Việt Nam thượng tôn pháp luật bằng cách trả tự do cho ông theo khoản 3 của điều 109 Bộ luật hình sự năm 2015 và công an trại giam ngừng việc áp bức ông.
Bức thư gửi cho lãnh đạo nhà nước, chính phủ Việt Nam, các tổ chức quốc tế, đại sứ quán, cơ quan ngoại giao quốc tế, các tổ chức xã hội dân sự cùng toàn thể nhân dân Việt Nam bày tỏ quan ngại về sức khỏe của ông Thức và cho rằng: “Điều này là quá sức chịu đựng của một cơ thể thông thường. Và như vậy tính mạng con trai tôi có thể bị cướp đi bất cứ lúc nào”.
Qua đó, gia đình yêu cầu 2 điểm như, cán bộ trại giam ngay lập tức phải thông báo về tình trạng sức khỏe của ông Thức và cho ông này gọi điện thoại về gia đình.
Điều này là quá sức chịu đựng của một cơ thể thông thường. Và như vậy tính mạng con trai tôi có thể bị cướp đi bất cứ lúc nào – Trần Văn Huỳnh
Thứ hai, gia đình của tù nhân đang thụ án qua năm thứ 9 “yêu cầu các cơ quan chấp pháp của Việt Nam xem xét ngay các yêu cầu của Trần Huỳnh Duy Thức và có trả lời ngay, dựa trên các quy định của Pháp luật.”
Đây là cuộc tuyệt thực dài ngày lần thứ hai của ông Thức trong trại giam, đã gây cảm hứng cho nhiều người dân, những nhà hoạt động và các nhân sĩ trí thức thực hiện các cuộc nhịn ăn ít nhất 1 ngày để đồng hành cùng với ông.
Ông Trần Huỳnh Duy Thức, sinh năm 1966, nguyên là Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ điện thoại Internet One Connection thành lập ở Singapore khoảng năm 2002, nắm giữ giao thức gọi điện thoại qua Internet với mức phí rất rẻ được xem là tiền thân của các ứng dụng sau này như Viber, Skype…
Năm 2009, ông Thức bị bắt với cáo buộc ban đầu là “trộm cước viễn thông”, tuy nhiên sau đó bị chuyển tội danh thành “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.
Ông Thức bị tuyên án 16 năm tù giam trong phiên tòa đầu năm 2010. Tổ chức Ân xá quốc tế sau đó gọi phiên tòa là “sự nhạo báng công lý”.
Báo Người Lao Động dẫn cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng, ông Thức và những đồng sự thành lập nhóm Nghiên cứu chấn để đề ra đường lối, kế hoạch hoạt động nằm lật đổ chính quyền nhân dân.
Từ đó thông qua kế hoạch “Đoài đánh Đoài”, tức là sử dụng những người cộng sản “đánh” cộng sản, từ đó, chia rẽ, phân hoá nội bộ trong Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước CHXHCN Việt Nam.
Tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức nhiều lần từ chối lời đề nghị đi định cư ở Hoa Kỳ hay Âu Châu, và tuyên bố “ở lại để cống hiến và phục vụ cho đất nước”.
Một số người sử dụng Facebook
vẫn mất tích bí ẩn sau ngày 2 tháng 9
Nhiều người sử dụng Facebook ở Việt Nam mất tích bí ẩn kể từ ngày quốc khánh 2 tháng 9 của chế độ cộng sản.
Gia đình họ tin rằng họ đã bị công an bắt, nhưng đến nay công an các nơi đều tìm cách lảng tránh trả lời câu hỏi họ đang ở đâu. Đài Á Châu Tự Do hôm Thứ Sáu 7 tháng 9 dẫn lời bà Kim Nga, vợ của ông Ngô Văn Dũng, tức Facebooker Biển Mặn, cho biết ông Dũng biến mất khỏi thành phố nhà Buôn Mê Thuột, tỉnh Đăk Lăk từ ngày 4 tháng 9. Bà nói rằng vào ngày đó, một vài người bạn của chồng bà từ Sài Gòn cho biết ông đã bị bắt về đồn công an phường Bến Nghé, quận 1. Bà Kim Nga đã đi 400 cây số từ Buôn Mê Thuột vào Sài Gòn tìm chồng. Nhưng khi bà đến đồn công an Bến Nghé, họ chỉ qua Tao Đàn, rồi Tao Đàn chỉ qua Quận 1. Khi bà Kim Nga đến công an Quận 1 thì các giới chức cho biết đã chuyển giao ông Dũng cho chính quyền thành phố Buôn Mê Thuột.
Trong khi đó, có hai người sử dụng Facebook khác là Xuân Hồng, tức bà Đoàn Thị Hồng, và Phạm Vũ Phong, tức ông Phạm Minh Trí, vẫn còn mất tích. Gia đình họ tin rằng họ bị công an phường Đông Hưng Thuận, quận 12, bắt giữ vào đúng ngày quốc khánh 2 tháng 9 của chế độ cộng sản. Nhưng khi gia đình đến đó hỏi thì công an phường chỉ qua quận, và quận 12 sau đó lại chỉ ngược về phường. Đến chiều tối Thứ Sáu 7 tháng 9, cả ba gia đình đều chưa nhận được bất cứ giấy tờ nào liên quan đến việc bắt giữ người thân của họ.
Nhà cầm quyền CSVN hiện đang trong tình trạng cảnh giác tột độ trước mọi cuộc tụ họp của dân chúng về những vấn đề chính trị, xã hội và môi trường. Ngày 2 tháng 9 hàng năm vẫn thường là dịp để chế độ khoe khoang về những “thành quả cách mạng”. Nhưng năm nay, nhà cầm quyền điều động các lực lượng công an và cảnh sát cơ động trấn đóng dày đặc tại các thành phố lớn. Rào chắn, kẽm gai khiến cho Sài Gòn, Hà Nội giống như trong thời chiến tranh.
Huy Lam / SBTN
https://www.sbtn.tv/mot-so-nguoi-su-dung-facebook-van-mat-tich-bi-an-sau-ngay-2-thang-9/
Việt Nam bắt, trục xuất
lãnh đạo tổ chức nhân quyền quốc tế
Lãnh đạo cấp cao của một nhóm nhân quyền quốc tế đã bị chính quyền Việt Nam bắt giữ hôm 9/9, khi bà tới thủ đô Hà Nội để dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) và sắp bị trục xuất.
AP dẫn lời bà Fon Mathuros, nữ phát ngôn viên của WEF, cho biết rằng bà Debbie Stothard, Tổng thư ký của Liên đoàn Quốc tế về nhân quyền, bị chặn bắt, không cho nhập cảnh tại sân bay Nội Bài ở Hà Nội, và dự kiến bà Stothard sẽ tới Malaysia vào ngày 10/9.
“Chúng tôi lấy làm tiếc về quyết định của chính phủ [Việt Nam], không cho bà ấy nhập cảnh. Lời mời bà ấy tham dự cuộc họp vẫn còn và chúng tôi sẽ tiếp tục tìm cách tạo điều kiện cho bà ấy tham gia”, bà Mathuros nói.
Bà Stothard viết trên Facebook rằng bà bị quan chức hải quan bắt tại sân bay vì theo bà “chính phủ Việt Nam đưa tôi vào danh sách đen theo điều 21 nhằm cản trở tôi phát biểu” tại sự kiện của Diễn đàn Kinh tế Thế giới.
Theo tìm hiểu của phóng viên VOA tiếng Việt, Điều 21 của Luật Xuất Nhập cảnh về “các trường hợp chưa cho nhập cảnh” có một khoản liên quan tới “lý do quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội”.
Hãng tin AP cho rằng Việt Nam gần đây đã tăng cường cuộc trấn áp nhắm vào các nhà bất đồng chính kiến, và bỏ tù hàng chục người vì vi phạm an ninh quốc gia.
Những bất tiện mà tôi trải qua không là gì so với các cuộc tấn công vào truyền thông và các nhà hoạt động vì nhân quyền Việt Nam.
Bà Stothard viết trên Twitter.
Bà Stothard viết trên Twitter: “Những bất tiện mà tôi trải qua không là gì so với các cuộc tấn công vào truyền thông và các nhà hoạt động vì nhân quyền Việt Nam”.
Một số chính phủ và các tổ chức nhân quyền trên thế giới thường chỉ trích Việt Nam tống giam những người bày tỏ quan điểm một cách ôn hòa, nhưng Hà Nội luôn nhấn mạnh rằng chỉ bỏ tù những ai vi phạm pháp luật.
Bà Stothard hồi tháng Tư từng kêu gọi cộng đồng quốc tế lên án “cuộc đàn áp không ngừng của chính phủ Việt Nam nhắm vào xã hội dân sự”.
Một số nguyên thủ và quan chức cùng hàng trăm lãnh đạo doanh nghiệp khắp thế giới tới Việt Nam trong tuần này để dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới kéo dài ba ngày với chủ đề trọng tâm là Đông Nam Á, theo AP.
Phát hiện ‘vi phạm’ trong qui hoạch Thủ Thiêm,
TP.HCM bị qui trách
Thanh tra Chính phủ Việt Nam kết luận việc qui hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm ở Thành phố Hồ Chí Minh đã để xảy ra những “khuyết điểm, vi phạm” dẫn đến khiếu nại kéo dài của người dân, đồng thời qui trách nhiệm trực tiếp cho nhà chức trách địa phương và Ủy ban Nhân dân Thành phố, theo một báo cáo công bố hôm thứ Sáu.
Bản báo cáo 10 trang của cơ quan đặc trách giải quyết khiếu nại cũng kêu gọi chính phủ “xử lí nghiêm” những tổ chức và cá nhân có liên quan đến việc phê duyệt qui hoạch, điều chỉnh qui hoạch, thu hồi đất, đến bù, tái định cư và lưu trữ hồ sơ, tài liệu, bản đồ.
Tọa lạc tại Quận 2 bên bờ đông sông Sài Gòn, Khu đô thị mới Thủ Thiêm là một dự án qui hoạch được thủ tướng phê duyệt vào năm 1996 nhằm phát triển khu vực này thành một trung tâm kinh tế và văn hóa hiện đại của thành phố. Nhưng từ đầu những năm 2000 tranh chấp đã bùng ra giữa người dân và chính quyền về ranh qui hoạch và chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng bị coi là phi lí và thiếu thỏa đáng.
Kết luận của Thanh tra Chính phủ là thắng lợi, dù chỉ là một phần, cho những cư dân đã khiếu kiện dai dẳng và gay gắt hơn 10 năm qua từ các cấp địa phương cho tới trung ương ở Hà Nội.
Vụ Thủ Thiêm: Hàng chục nhà báo, người dân ‘vây’ trụ sở tiếp dân
Một trong những vấn đề bức xúc nhất trong cuộc tranh chấp liên quan tới việc Ủy ban Nhân dân Thành phố qui hoạch 4,3 hectare đất thuộc Khu phố 1, Phường Bình An, Quận 2. Qua điều tra, Thanh tra Chính phủ kết luận phần diện tích đất này không nằm trong ranh qui hoạch được thủ tướng phê duyệt, và việc thu hồi đất “chưa đủ cơ sở pháp lý.”
“Việc khiếu nại của người dân về ranh quy hoạch đối với 4,3 ha thuộc Khu phố 1, phường Bình An, quận 2 nằm ngoài ranh quy hoạch [Khu đô thị] Thủ Thiêm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 367/TTg của Thủ tướng Chính phủ là có cơ sở, cần sớm được xem xét và có giải pháp giải qưyết phù hợp,” báo cáo của Thanh tra Chính phủ kết luận.
Việc thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng có trường hợp đang khiếu nại chưa phù hợp qui định, chưa đúng thời điểm thu hồi đất, nhất là khi Luật Đất đai 2003 có hiệu lực, báo cáo nói thêm. Thanh tra Chính phủ cũng qui trách Ủy ban Nhân dân Thành phố là không có kế hoạch triển khai thực hiện xây dựng nhà tái định cư trước khi thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, và việc thực hiện còn chậm, còn một số hạn chế, bất cập dẫn tới những khiếu kiện.
Bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm ‘mất’ hay ‘làm gì có’?
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố ra soát từng trường hợp người dân đang khiếu nại để bồi thường, hỗ trợ và tái định cư phù hợp. Cơ quan này cũng kêu gọi thủ tướng có “biện pháp xử lý phù hợp” đối với những tổ chức, cá nhân có liên quan đến các khuyết điểm, vi phạm được nêu trong bản báo cáo.
Một số cư dân bị ảnh hưởng phản ứng với sự phấn khởi dè dặt về kết luận của thanh tra. Họ chỉ ra rằng còn “nhiều” diện tích đất nằm ngoài ranh qui hoạch bị thu hồi nhưng không thấy nhắc tới trong bản báo cáo.
“Tui đọc kết luận mà buồn thêm chớ không mừng chút nào,” trang tin điện tử Zing dẫn lời cư dân Lê Thị The, 75 tuổi, nói. Bà nói bà có đất bị thu hồi không nằm trong khu 4,3 hectare.
“Chắc tui lại ra Hà Nội nữa. Nghĩ đến việc cứ đi đi lại lại miết, hết đời người rồi cũng không biết có đòi lại được gì cho con cháu không,” bà được dẫn lời nói.
Bắt người ‘nói xấu Đảng’ và tự do ngôn luận
Một luật sư bình luận với BBC rằng quyền tự do ngôn luận của người dân “cần được tôn trọng và bảo vệ” trong lúc truyền thông Việt Nam cho hay một số người vừa bị bắt vì tội “nói xấu Đảng”.
VietnamNet hôm 2/9 tường thuật vụ hai ông Đoàn Khánh Vinh Quang và Bùi Mạnh Đồng ở Cần Thơ vừa bị bắt vì” có hành vi đăng tải bài viết, hình ảnh nói xấu, bôi nhọ Đảng, Nhà nước, Quốc hội trên mạng xã hội”.‘VN sao chép cách kiểm soát thông tin của TQ’
Truyền thông quốc tế nói về ‘Lực lượng 47’
Việt Nam áp dụng nghe lén trong điều tra hình sự
Ông Quang được mô tả lập Facebook Quang Đoàn để chia sẻ bài viết, hình ảnh “có nội dung xuyên tạc các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; nói xấu Đảng, Nhà nước, Quốc hội; đăng bài viết có nội dung kêu gọi xuống đường tuần hành, biểu tình”.
Ông Đồng được ghi nhận lập Facebook Kiều Thanh và trang “Ăn cướp Công An” đưa những hình ảnh, bài viết “nói xấu, bôi nhọ Đảng, Nhà nước, lãnh đạo”.
Cả hai ông đều bị khép vào hành vi “Đưa trái phép thông tin máy tính, mạng viễn thông”, theo Điều 288 Bộ luật Hình sự 2015.
‘Sự ban phát’
Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty Luật Thế Giới Luật Pháp ở TP Hồ Chí Minh, nói với BBC: “Hiện nay, hành lang pháp lý để bảo vệ quyền tự do ngôn luận của người dân đang rất mù mờ. Mặc dù Điều 25 của Hiến pháp cũng quy định “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình”.
“Tuy nhiên, ngay tại điều này lại thòng thêm một câu: “Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Điều này dẫn đến quyền tự do ngôn luận của người dân nằm trong tay và chịu sự ban phát của những người làm luật.”
“Thực tế, khi ban hành Bộ luật Hình sự mới cũng như luật An ninh mạng, quyền tự do ngôn luận của người dân bị hạn chế đi rất nhiều vì những đạo luật này không có sự phân biệt giữa hành vi bày tỏ chính kiến, quan điểm hay chia sẻ thông tin gây bất lợi cho đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước và hành vi cố tình xuyên tạc, bịa đặt sự thật gây bất lợi cho Đảng, Nhà nước.”
‘Có thể bị xử lý bất cứ lúc nào’
Luật sư Sơn nhận định: “Đây là một rủi ro rất lớn cho người dân. Người dân có thể bị xử lý bất cứ lúc nào nếu đăng hoặc chia sẻ những post gây bất lợi cho Đảng, chính quyền.”
Việt Nam: Mở đầu của các phong trào xã hội qua mạng
Truyền thông Việt Nam ‘bênh’ Nga và Syria?
Giới đấu tranh Việt Nam lo ngại Facebook ‘thỏa hiệp’
“Điều này tạo ra sự sợ hãi trong nhân dân. Người dân không dám bày tỏ chính kiến, chia sẻ những thông tin đi ngược lại với đường lối, chủ trương chính sách của Đảng. Việc này về lâu dài sẽ tạo ra một xã hội giáo điều, làm xã hội thụt lùi.”
“Hiện nay, pháp luật Việt Nam không có định nghĩa thế nào là quyền tự do ngôn luận nên việc diễn giải người dân vi phạm quyền tự do ngôn luận rất tùy tiện.”
“Luật báo chí mới chỉ đề cập đến quyền tự do ngôn luận trên báo chí. Mà Việt Nam không có báo chí tư nhân nên quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân thực tế cũng đã bị hạn chế đi rất nhiều. Những nội dung không “hợp nhãn” với chủ trương đường lối chính sách của Đảng, nhà nước, nhóm lợi ích thường không được đăng.”
“Theo triết học Marx-Lenin thì mâu thuẫn là hiện tượng khách quan và mang tính phổ biến, là nguồn gốc của sự vận động và phát triển. Nếu chính sách pháp luật của nhà nước ban hành nhằm triệt tiêu các mâu thuẫn giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân thì nó đi ngược lại sự vận động và phát triển.”
‘Biểu đạt theo kiểu suy diễn’
Tuy vậy, dường như cách hiểu thế nào là quyền tự do ngôn luận còn khác nhau giữa quan chức và giới luật sư.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin Truyền thông được báo VTC hồi năm ngoái dẫn lời: “Cần khẳng định là không phải Việt Nam hạn chế quyền tự do ngôn luận. Có một sự khác nhau rất lớn giữa việc biểu đạt chính kiến một cách hòa bình, có văn hóa, với việc biểu đạt theo kiểu suy diễn, suy đoán, đặc biệt là những sự chụp mũ vấn đề nào đó, làm rối loạn tình hình.”
“Những vấn đề đó cho thấy, mạng xã hội có những tác động tiêu cực cần phải tỉnh táo nhận thức rõ. Chúng ta cũng thấy có những thông tin được phát tán nhân chuyện nọ, chuyện kia, chẳng hạn như chuyện lợi dụng tự do tín ngưỡng tôn giáo để kêu gọi biểu tình trái pháp luật, xuyên tạc những chính sách chủ trương và những việc mà Đảng và Nhà nước làm ở vấn đề xử lý sự cố môi trường biển miền Trung chẳng hạn… Đó là những hành vi không chấp nhận được trên mạng xã hội, vi phạm pháp luật Việt Nam.”
Giải pháp nào?
Luật sư Phùng Thanh Sơn đưa ra đề xuất: “Vấn đề này cần phải được quy về hệ quy chiếu chung của nhân loại đó là quyền tự do ngôn luận của con người được ghi nhận tại Điều 19 Công ước Quốc tế về quyền dân sự và chính trị.”
“Công ước này quy định rõ: “Mọi người đều có quyền giữ vững quan điểm mà không bị can thiệp. Mọi người đều có quyền tự do thể hiện; quyền này bao gồm quyền tự do tìm kiếm, nhận và truyền đạt thông tin và ý tưởng của tất cả các loại, không kể biên giới, bằng miệng, bằng văn bản hoặc ấn phẩm, dưới hình thức nghệ thuật, hay bằng mọi phương tiện truyền thông khác của sự lựa chọn của mình.”
“Như vậy, nếu người dân dùng mạng xã hội hay bất kỳ phương tiện nào khác để nêu quan điểm, chính kiến, truyền tải thông tin, ý tưởng, tâm tư tình cảm của mình về bất kỳ sự vật, hiện tượng, thể chế chính trị, đảng phái, chính sách…. thì đó là quyền tự do ngôn luận của người dân.”
“Quyền này cần phải được tôn trọng và bảo vệ,” Luật sư Sơn nói với BBC.
Đến nay, việc bắt người “nói xấu Đảng” đã có tiền lệ tại các địa phương.
Hồi tháng 5/2018, theo VietnamNet, ông Nguyễn Duy Sơn, cán bộ quản lý học sinh, sinh viên của trường Dự bị Đại học Sầm Sơn bị bắt với cáo buộc lập Facebook Nguyễn Sơn để đăng tải các bài viết “xuyên tạc, bôi nhọ, hạ uy tín các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa”.
“Hành vi của Sơn đã gây ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và các đồng chí lãnh đạo Trung ương, địa phương, gây hoài nghi trong quần chúng nhân dân và ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn,” VietnamNet viết.
Ông Duy Sơn sau đó bị khép tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”.
https://www.bbc.com/vietnamese/45463240
‘Bảy lập luận sai về việc dùng tiền TQ ở biên giới’
BBC Tiếng Việt nhận được nhiều ý kiến khác nhau về quyết định dùng tiền Trung Quốc (nhân dân tệ – NDT) trong giao dịch bình thường ở bảy tỉnh biên giới của Việt Nam.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) trong một văn bản gửi tới BBC Tiếng Việt hôm 03/09/2018 nói rằng Thông tư 19 nhằm “khắc phục những bất cập trong thực tiễn thanh toán đã thực hiện từ nhiều năm nay” trong khi “tạo thuận lợi cho thương nhân và cư dân biên giới”.
“Thông tư này đảm bảo trên lãnh thổ Việt Nam chỉ cho phép thanh toán bằng tiền mặt VND, không cho phép sử dụng nhân dân tệ tiền mặt để mua bán hàng hóa trên lãnh thổ Việt Nam theo đúng tinh thanh của pháp lệnh ngoại hối; đồng thời tăng cường kiểm soát tiền tệ qua hệ thống ngân hàng, hạn chế buôn lậu, gian lận thương mại phù hợp với chủ trương, định hướng chỉ đạo của Chính phủ,” văn bản do ông Nguyễn Ngọc Minh, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối NHNN, viết.
“Việc sử dụng đồng bản tệ trong thanh toán thương mại đang là xu hướng được nhiều nước trên thế giới và khu vực sử dụng.”
Dưới đây, chúng tôi xin giới thiệu ý kiến của Tiến sỹ Đinh Trường Hinh từ Virginia, Hoa Kỳ, phản biện lại các lập luận ủng hộ cho việc sử dụng đồng nhân dân tệ theo quy định tại Thông tư 19.
Lập luận 1: “Trên thế giới đã có rất nhiều nước dùng tiền nước ngoài để làm đồng tiền chính thức trong nước.”
Trả lời: Điều này hoàn toàn sai. Trên thế giới hiện nay chỉ có Panama, một nước rất nhỏ ở Nam Mỹ dùng đồng đô la làm tiền tệ chính thức của mình từ năm 1904 do nhiều lý do lịch sử.
Một số các hòn đảo nhỏ (như Marshall Islands, Micronesia, Palau, Turks and Caicos, British Virgin Islands), hoặc một vài nước vì kinh tế hoặc vì chiến tranh như Ecuador, East Timor, El Salvador, Zimbabwe dùng đô la làm tiền trong nước.
Thông tư 19: ‘Không kiểm soát được, có thể tác hại khó lường’
Việc cho phép dùng NDT ở VN: Hiểm họa khôn lường
Kinh tế VN: 9 giải pháp thay cho 3 đặc khu
Còn ngoài ra trên 200 các nước còn lại đều dùng tiền riêng của họ. Lý đó là tiền nội địa phải làm ba chức năng sau: i) phương tiện trao đổi; ii) đơn vị kế toán; và iii) dự trữ giá trị.
Tất cả các tiến tệ trên thế giới hiện này là fiat, có nghĩa là tiền quy ước mà giá trị vượt xa chi phí sản xuất, và điều kiện tiên quyết cho loại tiền này tồn tại là sự công nhận hợp pháp của luật pháp trong nước.
Tiền quy ước này được bổ sung thêm bằng tiền ghi nợ mà luật pháp công nhận cho một nước. Chính vì giá trị đồng tiền vượt xa chi phí sản xuất mà khi in tiền, chính phủ của một nước được một nguồn thu nhập quan trọng gọi là seignorage.
Nước Panama và các nước kể trên là những nước duy nhất trên thế giới không có nguồn thu nhập này. Một khi đồng nhân dân tệ được dùng tại bảy tỉnh biên giới, Việt Nam sẽ mất seignorage trên số tiền Việt Nam trước kia dùng ở đó.
Lập luận 2: “Thông tư 19 chỉ nhằm để giúp các doanh nhân và cơ sở thương mại phát triển ở trong bảy tỉnh biên giới, không có ảnh hưởng gì đến các tỉnh khác cũng như sẽ không có ảnh hưởng gì đến tiền tệ hay chính sách tiền tệ.”
Trả lời: Điều này hoàn toàn sai. Thông tư 19 đã chính thức đem nhân dân tệ vào đất nước Việt Nam và trong bảy tỉnh biên giới sẽ có hai thứ tiền tệ: VND va NDT.
Thông tư 19 đã ghi rõ là các doanh nhân cũng như là cư dân ở những vùng gần biên giới có thể mua bán dùng tiền mặt hay qua hệ thống ngân hàng bằng cả hai thứ tiền. Như vậy là mặc nhiên cho NDT làm đồng tiền chính thức ở những vùng đó, và hàng hóa hay dịch vụ một khi đã được mua hay bán bằng NDT ở những vùng biên giới thì sẽ được phân phối đi trong cả nước Việt Nam, do đó không thể nào ngăn chặn được.
Ý nghĩa kinh tế của việc dùng NDT trong thương mại VN-TQ
Thông tư 19 có tạo ‘nơi trú ẩn’ cho đồng nhân dân tệ?
Lưu hành đồng tiền TQ ở VN ‘có vi hiến’?
Một mặt khác NHNN cũng sẽ mất độc lập trong chính sách tiền tệ do hai lý do.
Thứ nhất, những dự trữ của các ngân hàng VN ở bảy tỉnh này sẽ không nằm trong sự kiểm soát của NHNN, do đó NHNN không thể kiểm soát lượng cung ứng tiền tệ.
Thứ hai, vận tốc nhu cầu tiền (velocity of money demand) sẽ thay đổi trong những tỉnh này và sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu cần tiền (money demand) của tiền VN mà NHNN không thể dự đoán được để kiểm soát tiền tệ.
Lập luận 3 : “Việc cho NDT được chính thức dùng ở bảy tỉnh biên giới sẽ không có ảnh hưởng gì đến hối đoái và chính sách hối đoái của NHNN Việt Nam.”
Trả lời: Điều này hoàn toàn sai. Các công ty TQ sẽ dùng tiền VN để đối ra các ngoại tệ mà chính phủ TQ hoặc là không cho phép hoặc là cho phép rất hạn chế.
Điều này tuỳ thuộc vào thành phần xuất cảng và nhập cảng của TQ đối với các nước đang dùng ngoại tệ đó và có thể không liên quan gì đến xuất cảng và nhập cảng của VN.
VN cho dùng nhân dân tệ tại bảy tỉnh giáp TQ
VN dễ thiệt hại vì vấn đề ‘hàng TQ tuồn sang’
5 điều cần biết về tiền Trung Quốc
Nhưng vì các công ty TQ và các ngân hàng TQ dùng tiền VN để đổi mà hối suất của VN đối với các ngoại tệ đó cũng sẽ thay đổi.
Quan trọng hơn nữa là điều này sẽ có ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam, vì chính sách hối đoái này đưa một tín hiệu sai lầm đến các nhà sản xuất VN, làm họ mất đi khả năng cạnh tranh theo hệ thống tín hiệu thị trường và chỉ có thể sản xuất theo lợi thế so sánh của TQ thay vì của VN.
Đây là một điều hết sức nguy hiểm về lâu về dài cho công kỹ nghệ VN.
Lập luận 4: “Hiện tại NDT đang được dùng để giao dịch cho các nước. Chính IMF đã bỏ đồng NDT vào giỏ tiền tệ của SDR.”
Trả lời: Thật không có gì sai hơn.
Đồng SDR (gồm có đô la, euro, tiền Nhật bản, v.v…) là một loại tiền tệ giả tạo chỉ được dùng như một phương tiện để thanh toán mậu dịch giữa các nước với nhau chứ SDR chưa bao giờ được sử dụng như một loại tiền tệ trong nước (có bao giờ bạn đi mua cái áo sơ mi mà trả bằng SDR chưa?).
Do đó, đồng NDT cũng chưa bao giờ được chính thức dùng như là tiền tệ cho các nước khác, và vì vậy không có nước nào trên thế giới chính thức cho đồng NDT lưu hành song song với tiền nước họ, ngoại trừ Zimbabwe bị khủng hoảng kinh tế phải dùng tám thứ tiền khác nhau, trong đó có NDT.
Ngay cả những nước nghèo đói ở châu Phi như Democratic Republic of Congo nơi mà TQ đã dùng tiền bạc mua chuộc lợi ích kinh tế, đồng NDT vẫn được coi là một ngoại tệ chứ không phải tiền trong nước như ở bảy tỉnh của Việt Nam.
Lập luận 5: “Thông tư 19 chỉ hợp thức hóa những gì đang xảy ra và tiếp tục quyết định của NHNN VN năm 2004 (689/2004/QĐ-NHNN).”
Trả lời: Điều này sai do hai lý do.
Thứ nhất, Thông tư 19 chính thức cho tất cả mọi người kể cả dân chúng và doanh nghiệp dùng NDT trong khi Quyết định 2004 có giới hạn vì không đề cập đến doanh nghiệp.
Thứ hai, dù là NHNN đã quyết định năm 2004 như vậy đi nữa, nếu là một quyết định sai thì không có lý do gì ta phải giữ hoài chuyện đó. Nếu mọi chuyện đã và đang xảy ra là sai thì phải sửa đổi chứ không thể để mọi chuyện tiếp tục như vậy.
Lập luận 6: “Thanh toán bằng đồng NDT sẽ giúp giảm tác động tiêu cực lên nhập siêu và Thông tư 19 sẽ đem lại những kết quả tốt đẹp cho cán cân thương mại Việt – Trung.”
Trả lời: Điều này hoàn toàn sai.
Cán cân thương mại giữa hai nước sẽ không có ảnh hưởng gì nếu thanh toán bằng đồng NDT hay đồng đô la, vì trong trường hợp này đồng tiền chỉ là một đơn vị kế toán và những động cơ để đưa đến sự chênh lệch giữa xuất khẩu và nhập khẩu sẽ không có thay đổi.
Cũng chính vì vậy mà tất cả các nước trên thế giới (kể cả TQ) đều trình bày thống kê về cán cân ngoại thương (balance of payments) của họ bằng đô la mặc dù đồng tiền họ dùng là các tiền tệ khác.
Nếu hiện tại cán cân thương mại Việt-Trung đang bị thất thiệt nặng nề thì VN phải dùng các chính sách kinh tế thích hợp để tăng năng lực cạnh tranh trong nước, kể cả dùng chính sách đổi giá hối đoái giữa hai nước. Nếu dùng tiền NDT để đạt mục đích này vì hiện tại TQ đang phá giá thì nay mai khi NDT trở nên đắt so với đô la (như những năm gần đây) thì VN sẽ bán hàng hoá cho ai?
Lập luận 7: “Có thể giữ 2 loại tiền (tiền VN và tiền TQ) cùng giao lưu cho 7 tỉnh biên giới.”
Trả lời: Theo luật Gresham, không thể nào có hai loại tiền lưu hành cùng lúc trong cùng một nước vì đồng tiền xấu sẽ làm cho đồng tiền tốt biến đi.
Cho đến nay, đồng tiền NDT đã phá giá khoảng 8% so với đô la Mỹ trong khi VND chỉ mất khoảng 2-3%.
Ta hãy lấy một ví dụ thực tế. Một doanh nhân VN muốn mua hàng hoá với một doanh nhân TQ có trị giá 100 NDT. Ông ta có thể dùng NDT hay VND để làm cuộc buôn bán. Ví dụ tài sản ông ta có một nửa là NDT và một nửa VND (100 NDT= 340,728 VND). Trong trường hợp này ông ta nên mua bằng tiền NDT hay là bằng tiền VN? Ông ta sẽ mua bằng NDT vì đồng tiền NDT đang mất giá so với VND và để lâu NDT sẽ mất giá thêm. Do đó, mọi người sẽ dùng NDT và đồng VND sẽ biến mất dần.
Lẽ dĩ nhiên bạn cũng có thể ví dụ ngược lại, đồng VN là đồng tiền xấu và như vậy NDT sẽ dần dần mất đi, nhưng như vậy thì đem NDT vào làm gì nữa?
Tiến sĩ Đinh Trường Hinh hiện là Chủ Tịch Công Ty EGAT tại Hoa Kỳ. Ông nguyên là chuyên gia kinh tế chính, Văn phòng Phó chủ tịch và Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới ở Washington, D.C. (1978-2014). Bài thể hiện quan điểm và cách hành văn của tác giả.
BBC Tiếng Việt hoan nghênh các ý kiến tranh luận, thảo luận về chủ đề Thông tư 19 và các vấn đề liên quan. Hãy gửi bài về cho chúng tôi theo địa chỉ vietnamese@bbc.co.uk.
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-45465059
Hợp tác Việt-Nga: Vũ khí, dầu khí và tiền tệ
Việt Nam đặt mua vũ khí và dịch vụ quân sự từ Nga với tổng trị giá hơn một tỷ đô la, hãng thông tấn Nga TASS tường thuật.
Các đơn hàng được thực hiện trong chuyến đi của Tổng Bí thư ĐCS Nguyễn Phú Trọng tới Moscow, TASS nói, nhưng không cho biết nội dung chi tiết thỏa thuận mới nhất.
Việc VN mua vũ khí Mỹ ‘mang tính chất phòng thủ’
Mua vũ khí: Việt Nam là khách hàng lớn của ai?
VN thứ 10 thế giới về nhập khẩu vũ khí
Tàu ngầm thứ năm cập cảng Cam Ranh
Nga là nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai trên thế giới, và là nhà cung ứng vũ khí lớn nhất của Việt Nam.
Hà Nội là khách hàng lớn thứ ba của Moscow trong các thương vụ mua bán vũ khí, theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) ra hồi đầu năm nay.
Trước các đơn hàng mới nhất này, quân đội Việt Nam đã mua sáu chiếc tàu ngầm tấn công tối tân Kilo cùng một số tàu chiến, chiến đấu cơ và các thiết bị quân sự khác của Nga.
“Hai bên bày tỏ hài lòng về sự phát triển của quan hệ hợp tác quốc phòng và an ninh,” Nga và Việt Nam hôm thứ Sáu 7/09 ra tuyên bố chung về kết quả chuyến đi.
Trong những năm gần đây, Việt Nam là một trong các nhà nhập khẩu vũ khí tích cực nhất thế giới, trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày càng quyết liệt trong việc xác quyết chủ quyền ở vùng Biển Đông có tranh chấp.
Theo báo cáo của SIPRI, Việt Nam còn có những đơn đặt hàng lớn đối với vũ khí của Israel, Belarus và Cộng hòa Czech, là các nước nằm trong danh sách 25 nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới
Hà Nội gần đây cũng mua vũ khí của Mỹ, nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, nhưng với các đơn hàng nhỏ với tổng trị giá chưa tới 100 triệu đô la, theo một nguồn tin ngoại giao Hoa Kỳ được VOA Tiếng Việt trích dẫn.
Đối tác chiến lược toàn diện song phương
Tổng Bí thư Trọng có chuyến thăm chính thức Nga từ 5-8/9/2018, và đã có cuộc họp với Tổng thống Putin và tiếp xúc các quan chức hàng đầu khác của Nga.
Ngoài vấn đề hợp tác quân sự và mua vũ khí, nhiều chủ đề quan trọng khác cũng được bàn tới trong chuyến đi của nhà lãnh đạo Việt Nam.
TQ, Nga và VN nói gì về dự án khí của Rosneft?
Ý nghĩa kinh tế của việc dùng NDT trong thương mại VN-TQ
Lưu hành đồng tiền TQ ở VN ‘có vi hiến’?
Hai bên cam kết tiếp tục mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện song phương và “tiếp tục các nỗ lực chung nhằm thúc đẩy hợp tác trên tất cả các lĩnh vực”, bản tuyên bố chung nói.
Trong lĩnh vực dầu khí, Moscow và Hà Nội đồng ý phát triển các khu vực thăm dò và khai thác ở ngoài khơi Việt Nam, TASS dẫn nguồn từ văn phòng báo chí Điện Kremlin hôm thứ Bảy.
Đây là nội dung tái khẳng định những gì hai bên đã nêu trong tuyên bố chung, theo đó nói lãnh đạo hai nước “nhất trí hợp tác” trong các hoạt động dầu khí ở thềm lục địa Việt Nam “phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Một số dự án đã được nhắc tới trong bản tuyên bố chung là kế hoạch của tập đoàn Gazprom tham gia dự nhà máy điện khí tại Quảng Trị, và kế hoạch của hãng Novatech tham gia dự án xây cảng khí thiên nhiên hóa lỏng và nhà máy điện khí ở Bình Thuận.
Tuy nhiên, nội dung tuyên bố không nhắc tới dự án thuộc hãng dầu khí quốc gia Rosneft ở ngoài khơi Vũng Tàu, khu vực thuộc dự án mỏ khí Lan Đỏ, là dự án trở thành tâm điểm chú ý hồi tháng Năm trong cuộc tranh cãi ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Trong vấn đề tài chính, tiền tệ, Hà Nội và Moscow đồng ý “tạo điều kiện mở rộng sử dụng đồng nội tệ của hai nước trong thanh toán song phương” và thúc đẩy vai trò của Ngân hàng Liên doanh Việt – Nga “nhằm phục vụ các dự án hợp tác lớn giữa hai nước”, nội dung tuyên bố viết.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45439029
VN: Cải cách chưa hỗ trợ
tăng trưởng kinh tế bền vững
PGS. TS. Phạm Quý ThọHọc Viện Chính sách & Phát triển
Đảng CS và Chính phủ VN luôn coi trọng chính sách kinh tế để duy trì tính chính danh và thể hiện năng lực điều hành.
Cuối tháng 8/2018 trong một phiên họp Thường trực Chính phủ để góp ý kiến về báo cáo đánh giá giữa kỳ kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước, kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 và kế hoạch tài chính-ngân sách Nhà nước quốc gia 3 năm 2019-2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tiếp tục hoàn thiện các báo cáo đánh giá và nhấn mạnh cần chuẩn bị kỹ các nội dung trước khi trình hội nghị BCH TƯ lần thứ 8 và kỳ họp Quốc hội thứ 6 trong quý 4 năm 2018.
Vì sao nhiều ngân hàng nước ngoài tháo chạy khỏi VN?
Chủ tịch Quang thăm Ấn Độ, mẫu hạm Mỹ ghé Đà Nẵng và thực chất?
Vụ ông Thăng: Đâu là trách nhiệm của Đảng?
Chất lượng tăng trưởng thấp
Từ các đánh giá sơ bộ Thủ tướng cho rằng 12/12 chỉ tiêu năm 2018 mà Quốc hội giao có thể đạt và vượt, trong đó GDP có khả năng đạt trên 6,7%, thu ngân sách vượt dự toán 3-5%, nợ công giảm, lạm phát dưới 4%.
Tự do kinh tế là quyền tự do mà đa số người dân quan tâm. Kinh nghiệm của hầu hết các quốc gia trên thế giới chỉ ra một khi những người dân bình thường được hưởng quyền tự do kinh tế thì đất nước sẽ trở nên giàu có. Tự do là cốt lõi của tự do kinh tế, và hệ thống chính trị cần thay đổi hướng tới điều đó.PGS. TS. Phạm Quý Thọ
Sau thời gian suy giảm của giai đoạn 2010-2016, năm 2017 tốc độ tăng trưởng GDP năm 2017 đạt 6,83%. Tổng cục Thống kê Việt Nam mới công bố chỉ tiêu này 6 tháng đầu của năm 2018 là 7,08%, cao nhất trong vòng 7 năm trở lại đây.
Tốc độ tăng cao GDP của Việt Nam trong hơn 2 năm gần đây và những dự báo khả quan thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu.
Các tổ chức quốc tế như Quỹ tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới nhận định khá lạc quan rằng ‘đà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua đã được củng cố và song hành với ổn định kinh tế vĩ mô’.
Chính sách kinh tế của Chính phủ là ổn định kinh tế vĩ mô, khuyến khích tự do kinh doanh, đồng thời loại bỏ các rào cản, điều kiện trói buộc các doanh nghiệp và người dân làm kinh tế. Chính sách này đang mang lại kết quả tích cực.
Dưới góc nhìn kinh tế học đây là chính sách trọng cung. Thực tế chỉ ra rằng mô hình kinh tế này có thể duy trì tốc độ tăng trưởng tương đối cao trong bối cảnh ổn định và sự tự chủ tương đối của nền kinh tế thị trường.
Bên cạnh những phân tích trên, một số đánh giá thận trọng cảnh báo về chất lượng tăng trưởng chưa bền vững, khi tăng trưởng do hai yếu tố: nông nghiệp dễ tổn thương vì thời vụ và thị trường đầu ra, và đầu tư trực tiếp nước ngoài đặc biệt là các tập đoàn lớn như Samsung.
Một số nhà phân tích kinh tế thậm chí lưu ý về bẫy thu nhập trung bình thấp và chu kỳ khủng hoảng 10 năm 1 lần ở Việt Nam và cảnh báo có thể diễn ra trong các năm tới.
Rào cản điều kiện và thủ tục hành chính
Các ý kiến về tính không bền vững của tăng trưởng kinh tế hiện nay là có cơ sở khi việc dỡ bỏ rào cản điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính đang gặp ‘sự trì hoãn’ từ bộ máy và nhiều quan chức dưới nhiều hình thức.
Nghị định 19 của Chính phủ về tạo môi trường kinh doanh được coi trọng trong nhiều hoạt động, nhưng sự chuyển động là được nhận định ‘chậm chạp’, không đáp ứng yêu cầu.
Ngân hàng sa thải 2 cán bộ ‘vụ Bí thư Thăng’
Đảng CS: 12 đại án của năm 2017
Việt Nam: ‘Minh bạch là thang thuốc tốt nhất’
Từ Trịnh Xuân Thanh đến Trầm Bê, Hồ Thị Kim Thoa
Các báo cáo thường xuyên của Tổ công tác – tổ chức giúp Thủ tướng điều phối hoạt động của các bộ, cho thấy việc thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng giao luôn chậm theo thời hạn ấn định và mục tiêu cắt giảm điều kiện kinh doanh không hoàn thành hoặc thực hiện với chất lượng thấp.
Ông Bộ trưởng chủ nhiệm văn phòng Chính phủ có lưu ý rằng Thủ tướng sẽ phê bình và nêu những cá nhân và cơ quan vi phạm kỷ luật hành chính khi thực thi Nghị định 19, song cho đến nay, kể cả trong các phiên họp Chính phủ thường kỳ hàng tháng việc đó vẫn chưa xảy ra.
Quyết định hành chính, mang tính mệnh lệnh, đã từng có tác dụng tức thì trong cơ chế tập trung, nhưng nay gặp khó khi đương đầu với các lợi ích cục bộ, bị chia tách dưới tác động của kinh tế thị trường.
Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) trong một báo cáo có nhận xét: “Thực tế cho thấy, những cơ quan, tổ chức bị mất quyền, mất lợi luôn chống lại những cải cách”.
Tình trạng ‘trên nóng dưới lạnh’ của bộ máy đã được cảnh báo, nhưng ít được cải thiện. Tâm lý ‘giấu mình chờ thời’, ‘sợ mắc khuyết điểm’ trước thay đổi thời cuộc và tương lai nhân sự bấp bênh đang tạo ra hiện tượng ‘đóng băng’ ở cán bộ của một số ngành, lĩnh vực và địa phương.
Quyền tự do kinh tế chưa đảm bảo
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra cam kết mạnh mẽ về một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Những nỗ lực của Thủ tướng Chính phủ và một số thành viên nội các khó dẫn đến sự thay đổi hệ thống. Vì vậy, chính sách khuyến khích tự do kinh doanh khó có thể tạo cơ sở cho sự tăng trưởng kinh tế trong dài hạn, bền vững nếu không có cải cách sâu rộng hệ thống chính trị thích hợp và tương xứng với cam kết về một Chính phủ kiến tạo.
Chủ trương cải cách thể chế đang trở nên phức tạp khi phải đối mặt với bộ máy và cán bộ quan liêu, cồng kềnh, tham nhũng và năng lực kém từ trung ương đến địa phương.
Bộ máy nhà nước vận hành ì ạch, nhưng vẫn đòi hỏi chi tiêu cho các bộ phận và nhân sự ‘thừa’. Vận động tăng đầu tư công vì lợi ích nhóm thay vì chống tham nhũng, lãng phí để nâng cao hiệu quả. Bảo trợ chính trị đang là nơi ẩn nấp cho chủ nghĩa cơ hội. Bệnh thành tích che giấu sự trung thực, và yêu cầu công khai minh bạch. Đòi hỏi quan chức đối thoại với dân và đáp ứng các quyền dân sự, quyền con người được hiến định đang bị coi nhẹ.
Bội chi ngân sách, nợ công tăng cao, lạm phát, bất công, tư nhân hoá chậm chạp là hệ quả khó tránh khỏi.
Việt Nam: ‘Lãnh đạo ngân hàng dễ bị khép tội’
Việt Nam: Ý kiến về ‘phá sản ngân hàng’?
Kinh tế VN: ADB cảnh báo nợ xấu ngân hàng
Ngoài ra, với cải cách thể chế ở Việt Nam không thể không tính đến yếu tố quốc tế tác động, đặc biệt yếu tố Trung Quốc, cụ thể hiện tại là cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Động thái gần đây như Ngân hàng Nhà nước có quyết định cho sử dụng Nhân dân tệ thanh toán tại 7 tỉnh biên giới Việt – Trung khiến giới quan sát quan tâm theo dõi.
Tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh như trên khó có thể nói sẽ bền vững khi không được hỗ trợ cần thiết từ cải cách đột phá, đòi hỏi thay đổi từ cam kết chính trị đến hành động thực thế.
Trong nền kinh tế chuyển đổi như ở Việt Nam tăng trưởng kinh tế có thể dẫn đến cải cách nhưng sẽ là quá trình chậm chạp nếu trì hoãn hoặc cải cách thể chế vể bản chất.
Nếu coi cải cách thể chế là dư địa tăng trưởng quan trọng thì một chính sách khuyến khích tự do kinh doanh để giải phóng sức sản xuất xã hội là chưa đủ để đảm bảo duy trì trong dài hạn. Tự do kinh tế cần trở thành định hướng của chính sách kinh tế dài hạn.
Tự do kinh tế được định nghĩa là ‘môi trường kinh tế cho người ta quyền tư hữu, tự do hoạt động về lao động, tiền bạc, hàng hóa, và hoàn toàn không có chèn ép hay giới hạn tự do kinh tế ngoại trừ những giới hạn tối thiểu cần thiết để bảo đảm người dân được tự do’.
Mức độ tự do kinh tế ở Việt Nam rất thấp. Chỉ số tự do kinh tế được tính toán dựa trên 12 yếu tố định tính và định lượng thuộc bốn nhóm: Nền pháp trị, Quy mô của Chính phủ, Hiệu quả điều tiết kinh tế và Thị trường tự do. Trong thời gian dài chỉ số này không được cải thiện, năm 2014 là 50/100 Việt Nam xếp hạng 140, đến năm 2017 là 52,4 xếp hạng 147/180 quốc gia.
Tự do kinh tế là quyền tự do mà đa số người dân quan tâm. Kinh nghiệm của hầu hết các quốc gia trên thế giới chỉ ra một khi những người dân bình thường được hưởng quyền tự do kinh tế thì đất nước sẽ trở nên giàu có. Tự do là cốt lõi của tự do kinh tế, và hệ thống chính trị cần thay đổi hướng tới điều đó.
Khẳng định tri thức tạo nên sự giàu có, các nhà nghiên cứu kinh tế thể chế khẳng định rằng khi người dân có nhiều tự do hơn, sẽ có nhiều trí thức và phát minh hơn. Và nhiều phát minh dẫn đến nền kinh tế tăng trưởng năng động hơn, và ngược lại. Vì vậy, tự do kích thích tri thức và sáng tạo sẽ dẫn đến tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững hơn.
Hà Nội, 1/9/2018
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, một nhà phân tích chính sách công từ Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư của Việt Nam.