Tin Việt Nam – 09/02/2018
Tết Mậu Thân: ‘Những bộ hài cốt Khe Đá Mài’
“Tại giáo xứ Phủ Cam, trước đây cứ đến khoảng ngày mùng 6, mùng 7 Tết là nhiều linh mục của giáo xứ lên núi Bân để làm lễ,” linh mục Phan Văn Lợi từ Huế nói với BBC.
“Ở khu mộ tập thể trên núi Bân có hai bàn thờ, một bên cho Phật giáo, một bên cho Thiên Chúa giáo.”
“Nhưng sau 1975, người ta đã phá huỷ hai bàn thờ đó và để cho nấm mộ hoang tàn, cỏ mọc um tùm.”
Trận Mậu Thân: ‘Chúng tôi cố tránh tổn thất cho dân’
Trận Mậu Thân 1968 qua nguồn từ điển
4 điều có thể bạn chưa biết về Mậu Thân 1968
USS Hue City: Chiến hạm Mỹ mang tên TP Huế
Núi Bân, còn có tên là núi Ba Tầng, nằm về phía nam thành phố Huế. Nơi đây có khu nghĩa trang chôn cất hơn 400 bộ hài cốt, đa phần là được tìm thấy tại Khe Đá Mài hồi cuối năm 1969.
Việc phát hiện ra hàng trăm bộ hài cốt lộ thiên, dồn đống với những dấu hiệu giống như bị giết chết khiến địa điểm nằm sâu trong rừng rậm, cách thành phố Huế chừng 15km về phía nam, được nhắc tới như sự kiện bi thảm nhất xảy ra tại cố đô.
Số hài cốt tìm được trong “vụ thảm sát Khe Đá Mài” vẫn là điều chưa rõ ràng, tuy tin tức về vụ việc được loan tải rộng khắp trên truyền thông Sài Gòn.
Con số chính thức mà Ngũ Giác Đài nêu tại thời điểm ban đầu là 250 bộ hài cốt, nhưng Douglas Pike, chuyên gia của Phòng Thông tin Mỹ điều tra về vụ việc, đưa ra sau đó vài tháng là 428, theo Gareth Porter, người giảng môn chính trị Đông Nam Á của trường American University’s School of International Service.
Trận chiến thành Huế
Ngày 30/1/1968, lực lượng Bắc Việt và Mặt trận Giải phóng bất ngờ đồng loạt tấn công trên toàn lãnh thổ miền Nam Việt Nam.
Trong lúc ở hầu hết các tỉnh thành, làn sóng tấn công nhanh chóng bị bẻ gãy sau vài ngày, thì riêng ở Huế, phe cộng sản đã chiếm giữ thành phố được cho tới cuối tháng Hai.
Sau khi Mỹ và Việt Nam Cộng hòa tái chiếm cố đô, hơn 10 mồ chôn tập thể được phát hiện ở quanh Huế.
Tết Mậu Thân: sỹ quan Ba Lan gặp ai ở Sài Gòn?
‘The Vietnam War’ và khi Đồng Minh tháo chạy
4 điều có thể bạn chưa biết về Mậu Thân 1968
1968: Mồ tập thể đầu tiên bên Sông Hương
Ước tính tổng số người bị giết trong thời gian quân Bắc Việt và Việt Cộng làm chủ thành phố là từ hàng trăm cho tới hàng ngàn người.
Vào 9/1969, “theo lời khai của một số người Việt Cộng, người ta đã lên Khe Đá Mài để tìm”, linh mục Phan Văn Lợi nói, và đã “tìm được những bộ xương”.
Tại đây, “bên cạnh các bộ xương, người ta đã tìm được y phục, những chuỗi tượng của người Công giáo và những thẻ căn cước”.
“Sau đó, người ta đem tất cả các bộ xương này, các vật dụng còn sót lại, y phục, thẻ bọc nhựa về trường tiểu học Nam Hoà.”
“Rất nhiều người tại Phủ Cam đã đến trường đó và có những người may mắn nhận ra được những vật dụng của thân nhân họ.”
Câu chuyện của nhân chứng
Linh mục Phan Văn Lợi nói ông đã “may mắn thoát khỏi biến cố”.
“Cộng sản tấn công Huế vào ngày mùng 1 Tết. Sáng hôm đó tôi đã về làng quê, làng Dương Sơn, cách Huế chừng 8 km. Nếu họ tấn công vào đêm 30 Tết như ở các khu vực từ Quảng Nam tới Khánh Hoà thì chắc chắn tôi không thể thoát ra khỏi thành phố được.”
Sau khi cộng sản rút lui, linh mục Phan Văn Lợi trở về thành phố và “làm trong một văn phòng cứu trợ của tôn giáo, cứu trợ những nạn nhân Tết Mậu Thân”.
“Tôi đã gặp rất nhiều người. Họ tường thuật lại những chuyện đã xảy ra và sự khốn khổ của họ.”
Nhưng có lẽ đặc biệt nhất là lần gặp gỡ tình cờ giữa ông với một người, 40 năm sau khi ông có các hoạt động cứu trợ Mậu Thân, và là khi những người Cộng sản đã làm chủ cả nước được hơn 30 năm.
Trận Mậu Thân 1968 qua nguồn từ điển
30/04: Những xui xẻo định mệnh của VNCH
Bà Hạnh Nhơn ‘trọn đời giúp thương phế binh VNCH’
Cuộc gặp diễn ra vào năm 2007.
“Người này là nhân chứng duy nhất còn sống sót của vụ thảm sát tại Khe Đá Mài.”
“Tôi đã mời ông ấy đến nhà, nghe ông ấy tường thuật và sau đó tôi viết lại theo lời của ông ấy.”
Hiện hai người vẫn giữ mối liên lạc thường xuyên, linh mục Phan Văn Lợi cho BBC biết.
Tuy nhiên, vì lo sợ cho sự an toàn bản thân nên nhân chứng, một thanh niên mới 17 tuổi vào thời điểm Tết Mậu Thân, từ chối tiếp xúc với BBC.
Người thứ hai chạy thoát cùng nhân chứng đã chết trong những năm chiến tranh sau đó.
Lời kể giúp dựng lại những gì đã xảy ra, “từ lúc đoàn người bị bắt đi” cho tới lúc nhân chứng sống sót “nghe thấy tiếng đạn” và những âm thanh cuối cùng từ các nạn nhân, linh mục Phan Văn Lợi nói.
Nhân chứng nói với ông Lợi rằng người đó là một trong những thanh niên bị bắt đi từ nhà thờ Phủ Cam hôm mùng 6 và mùng 7 Tết Mậu Thân.
“Họ bị dẫn lên chùa Từ Đàm. Ở đó có thêm một số người khác nữa, nhưng đại đa phần là người từ giáo xứ Phủ Cam, những thanh niên đã trốn trong nhà thờ.”
Trước đó, khu vực nhà thờ được một số nghĩa quân địa phương và binh lính (VNCH) “canh tất cả các đường đi vào”, nên phía Cộng sản đã không thể vào được trong mấy ngày đầu.
Do không có tiếp viện, các quân nhân này sau đó phải chạy đi, theo lời nhân chứng.
Lực lượng cộng sản nói với những người bị gom, “Anh em đừng lo, cách mạng tới giải phóng cho nên đi học tập ba ngày rồi sẽ về,” linh mục Phan Văn Lợi thuật lại lời nhân chứng.
“Khi họ bị giam tại chùa Từ Đàm, cán binh Việt Cộng đã cho một vài người về nhắn với gia đình của những người ở Phủ Cam là hãy gửi đồ tiếp tế lên để cho họ có thể ăn uống.”
“Vì vậy, rất nhiều những thân nhân của những người bị bắt đó đã gánh gồng lên chùa Từ Đàm.”
“Tuy nhiên, khi lên tới nơi họ biết rằng đoàn người đã không còn ở đó nữa. Các cán bộ bảo hãy để lại đồ để tiếp tế.”
Số đồ đó không bao giờ đến tay người nhận, theo lời nhân chứng, bởi họ đã bị dẫn tới vùng rừng núi “không rõ là ở đâu”.
‘Cần giải oan’
“Trong hoàn cảnh chiến tranh, chuyện tên bay đạn lạc là chuyện bình thường, điều này đã xảy ra ở nhiều nơi trong chiến trận Mậu Thân như ở Sài Gòn.”
“Nhưng tại Huế, lực lượng Cộng sản chiếm 26 ngày.”
Hàng trăm thanh niên trong nhà thờ Phủ Cam khi đó “tất cả đã đi không trở lại”, linh mục Phan Văn Lợi nói.
“Đây không thể nói là lầm lẫn hay là tên bay lạc đạn trong chiến tranh được.”
“Tại Phủ Cam, có những người vẫn giữ được kỷ vật của thân nhân mà họ đã lấy được, đã thu được trong sân trường tiểu học Nam Hoà.”
Những gì được biết, được chứng kiến, được nghe kể là lý do khiến ông “có một chiến dịch cầu nguyện”, linh mục Phan Văn Lợi nói với BBC.
“Tôi vẫn tiếp tục cầu nguyện cho các oan hồn, cho những người đồng bào của chúng ta được giải thoát.”
“Tôi cũng cầu nguyện cho những người cán binh Cộng sản đã bị đẩy vào một trận chiến mà chắc chắn họ không ngờ rằng lại gây ra bao nhiêu tai hại cho đồng bào của mình, cho đất nước.”
“Những gia đình có thân nhân chết trong Mậu Thân là chết oan. Bây giờ họ chỉ mong là nhà nước này lên tiếng nhận trách nhiệm để cho các vong hồn được giải oan.”
“Đó là điều mà 50 năm rồi người ta không thấy.”
Cuộc phỏng vấn linh mục Phan Văn Lợi được thực hiện trong tháng 1/2018, nhân dịp 50 năm trận Tết Mậu Thân.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-42967956
Sáu tín đồ Phật giáo Hòa Hảo bị tuyên án tù
Sáu tín đồ Phật giáo Hòa Hảo không theo Ban Trị Sự do Nhà nước Việt Nam lập nên vào ngày 9 tháng 2 bị tòa án sơ thẩm tại huyện An Phú, tỉnh An Giang tuyên án tù với cáo buộc ‘gây rối trật tự công cộng’ theo điều 245 và 257 của Bộ Luật Hình Sự Việt Nam.
Vào chiều tối ngày 9 tháng 2, cô Bùi Thị Kim Thoa, con gái đầu của một trong sáu người bị đưa ra tòa trong ngày 9 tháng 2, cho biết các bản án mà tòa tuyên cho sáu người:
“Các bản án tuyên gồm ông Bùi Văn Trung 6 năm tù, Bùi Văn Thâm 6 năm tù, Nguyễn Hoàng Nam 4 năm tù, Lê thị Hồng Hạnh 3 năm tù, Bùi thị Bích Tuyền 3 năm tù và bà Lê thị Hên 2 năm tù nhưng vì bệnh nên cho án treo.”
Cô Bùi Thị Kim Thoa cho biết khi bắt đầu phiên tòa vào buổi sáng, thân nhân và nhiều đồng đạo Phật Giáo Hòa Hảo bị công an ngăn chặn không cho vào dự phiên tòa; nhưng trước phản ứng của những tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo và thân nhân, lực lượng chức năng phải để họ vào dự phiên xử.
Cô Bùi Thị Kim Thoa thuật lại những diễn biến tại phiên tòa như sau:
“Luật sư bào chữa và những bị cáo đều cho là không có căn cứ để buộc tội; tuy nhiên tòa từ chối tranh luận với luật sư. Những người ra làm chứng (cho phía chính quyền) từ chối trả lời luật sư.”
Cô Bùi Thị Kim Thoa cũng trình bày lại những lời phát biểu của các bị cáo tại phiên xử và nhận xét về các bản án mà tòa tuyên:
“Trước khi nghị án, Hội Đồng Xét Xử cũng cho nói lời bào chữa cuối cùng cho bản thân. Ông Bùi Văn Trung, cha tôi, nói đây là vụ đàn áp tôn giáo không phải gấy rối trật tự, ông yêu cầu xử đúng người, đúng tội, đúng theo pháp luật. Những người khác cũng nói tương tự.
Các bản án trong vụ này là quá nặng”
Cô Bùi Thị Kim Thoa cho biết có khả năng sẽ tiến hành kháng cáo.
Hàng ngàn công nhân tập trung đòi lương tết
Gần 1 ngàn công nhân Công ty KL Texwell Vina tại Khu Công nghiệp Bùi Xéo, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai vào sáng ngày 9 tháng 2 tập trung trước cổng công ty để đòi lương và các khoản phúc lợi khác vì công ty đóng cửa không cho công nhân vào bên trong.
Truyền thông trong nước loan tin cho biết ngoài lực lượng bảo vệ công ty còn có công an địa phương đến tại công ty với lý do giữ trật tự.
Phía công nhân cho báo giới biết trong thời gian gần đây công ty chậm trả lương và các khoản phúc lợi khác cho họ. Đối với một số nữ công nhân từ giữa năm ngoái đến nay chế độ thai sản cũng không được chi trả theo qui định.
Theo nhiều công nhân chỉ còn một tuần nữa là đến Tết âm lịch Mậu Tuất; nhiều công nhân ở xa cần lương và các khoản phúc lợi khác để trang trải mọi chi phí và về quê ăn tết cùng gia đình; thế nhưng việc công ty chưa chi trả khiến họ không biết xoay xở làm sao.
Công ty KL Texwell Vina là doanh nghiệp có vốn 100% Hàn Quốc, chuyên sản xuất các mặt hàng thời trang xuất khẩu đi Châu Âu, Châu Mỹ…
Hoạt động công đoàn độc lập tại Việt Nam
Kính Hòa RFA
Đàn áp công đoàn độc lập
Việc bắt giam và kết án ông Hoàng Đức Bình đưa tổng số những thành viên của tổ chức Phong trào Lao động Việt, hiện bị giam giữ lên bốn người. Đó là các ông Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Trương Minh Đức, Nguyễn Văn Đức Độ, và Hoàng Đức Bình.
Một trong những người chủ chốt của tổ chức này là ông Đoàn Huy Chương đang trốn tránh sự bắt bớ của công an Việt Nam. Vào tháng 11 năm 2006, ông Chương và một số người khác thành lập Hội Đoàn kết công nông để đấu tranh cho quyền lợi của công nhân và nông dân, nhưng chỉ vài ngày sau là ông bị bắt. Ông ra tù năm 2006, rồi lại bị bắt một lần nữa sau khi tổ chức một cuộc đình công tại Trà Vinh lên đến hơn 10000 công nhân tham gia. Ông được trả tự do vào đầu năm 2017 sau khi mãn án tù.
Từ nơi ẩn náu, ông Chương cho chúng tôi biết hiện nay có hai tổ chức nghiệp đoàn độc lập đang hoạt động là Phong trào Lao động Việt do ông và một số người thành lập vào tháng Tám, năm 2008, và tổ chức thứ hai là Liên đoàn Lao động Việt tự do. Ông nói về hoạt động của hai tổ chức này:
“Có thể hỗ trợ nhau về thông tin, chứ không dẫm chân lên nhau bởi vì tuy rằng là hai tổ chức nhưng cùng một mục tiêu là giúp đỡ những người công nhân nói lên sự bất công mà giới chủ doanh nghiệp đàn áp họ, hay là những cái mà công đoàn Việt Nam không bảo vệ họ, thì chúng tôi, Lao động Việt hay Phong trào Lao động Việt làm mọi cách để hướng dẫn họ, bảo vệ họ chứ không giẫm chân lên nhau.”
Ông Đoàn Huy Chương cho biết là từ cuối tháng 12 năm 2017 đến nay, cha ông nhiều lần bị công an tỉnh Đồng Nam tạm giữ. Ông cho rằng công an làm như vậy là để làm cho ông ra khỏi chổ ẩn náu để bắt, vì họ lo ngại ông Chương là người hay tiếp xúc với giới công nhân.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động dân sự ở Hà Nội nói với chúng tôi về sự đàn áp hiện nay của nhà cầm quyền đối với các tổ chức đối lập nói chung, và các tổ chức công đoàn độc lập nói riêng:
“Những người mà họ cảm thấy rằng hành động của những người đấy thực sự nguy hiểm đối với sự tồn tại của họ, sự nắm quyền của họ, thì họ tìm mọi cách để trừng trị, vu khống, vu cáo những tội như thế, còn những người họ cảm thấy không quá nguy hiểm thì họ cứ để đấy.”
Ông Chương cũng nói rằng những người cộng sản rất ngại những tổ chức được thành lập mà họ không thể kiểm soát được.
Vào cuối năm 2012, Thủ tướng Việt Nam lúc đó là ông Nguyễn Tấn Dũng có nói chuyện trong một hội nghị của ngành công an rằng không để cho các tổ chức, các nhóm đối lập được thành lập.
Cuối năm 2014, ông Nguyễn Tấn Dũng lại lặp lại tuyên bố đó, cũng trong một hội nghị của ngành công an.
Những tổ chức công đoàn độc lập mà nhà nước Việt Nam không kiểm soát được thì luôn được báo chí nhà nước Việt Nam gọi là những tổ chức phản động. Sau khi bản tuyên án ông Hoàng Đức Bình được công bố, báo điện tử Nghệ An nói rằng ông Bình đã tham gia tổ chức phản động là Phong trào Lao động Việt.
Tuy nhiên một nhạc sĩ tự do ở Sài Gòn là ông Nguyễn Tín nói với chúng tôi:
Tôi nghĩ là chưa có thực sự một tổ chức công đoàn độc lập nào ở Việt Nam cả.
-Tiến sĩ Nguyễn Quang A.
“Ngày xưa tôi cũng có làm công nhân, tôi biết những cái công đoàn không nói tiếng nói của người công nhân, không đứng về phía công nhân, cho nên việc anh (Bình) thành lập Lao động Việt, tôi thấy rất hợp lý, nơi đó sẽ đòi lại những quyền lợi mà công nhân Việt Nam cần phải có.”
Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, điều mà ông Nguyễn Tín trình bày là một nhu cầu rất cao trong giới lao động tại Việt Nam hiện nay, vì thực sự các công đoàn của nhà nước, mà ông gọi là công đoàn vàng theo tiếng lóng của báo chí phương Tây, là không đại diện cho công nhân.
Thực trạng và tương lai của hoạt động công đoàn tại Việt Nam
Tuy nhiên theo quan sát của Tiến sĩ Nguyễn Quang A, ngoài những tổ chức gọi là “công đoàn vàng” của nhà nước, những hoạt động công đoàn độc lập chưa thực sự tồn tại, mặc dù ông công nhận rằng có những hoạt động có thể có tính tổ chức của các cuộc đình công xảy ra đây đó trên cả nước:
“Tôi nghĩ là chưa có thực sự một tổ chức công đoàn độc lập nào ở Việt Nam cả. Lao động Việt là một phong trào để xúc tiến thành lập những công đoàn độc lập ấy. Họ có những tổ chức không chính thức của họ.
Những tổ chức ấy bất kể là nó có đăng ký hay không, nó phải có một hoạt động nhất định nào đó, và nó phải kéo tương đối là dài.”
Quan sát của ông trái với sự khẳng định của một số nhà hoạt động nghiệp đoàn tự do nói với chúng tôi rằng hiện nay các hoạt động nghiệp đoàn thực sự đã bắt đầu và dưới hình thức mà họ gọi là không cần một tổ chức.
Khẳng định điều này với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Hùng, hiện nay là Chủ tịch Liên đoàn lao động Việt tự do dẫn chứng trường hợp đấu tranh của giới lái xe chống trạm thu phí Cai Lậy, không cần một tổ chức mang tính hình thức.
Cho dù là với hiện trạng không có tổ chức, hoặc có thể là có tổ chức bí mật như hiện nay, những người hoạt động công đoàn độc lập đã bắt đầu nói nhiều đến áp lực của bên ngoài khi Việt Nam gia nhập những tổ chức thương mại quốc tế, có những điều kiện ràng buộc về công đoàn độc lập, chẳng hạn như thỏa thuận thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam mong muốn tham gia, có yêu cầu phải để cho công nhân tự thành lập tổ chức của mình.
Hy vọng này một lần nữa lại được nhen nhóm trong những ngày đầu năm 2018, khi mà tại diễn đàn kinh tế Davos, chính phủ Mỹ có tuyên bố khả năng nước này quay trở lại TPP sau khi đã rút ra hồi đầu năm 2017. Điều này sẽ làm cho thỏa thuận TPP mạnh mẽ và có sức ép lớn hơn.
Một câu hỏi được đặt ra là liệu Chính phủ Việt Nam có thành lập những tổ chức công đoàn độc lập giả hiệu hay không? Vì rằng trong quá khứ Đảng Cộng sản Việt Nam đã từng thành lập những tổ chức ngoại vi của họ, mang danh nghĩa không cộng sản.
Thành lập một tổ chức công đoàn ảo thì đối với họ là không khó. Nhưng chúng tôi không ngại chuyện đó, chúng tôi đấu tranh cho sự thật, làm những gì thực chất cho công nhân.
-Ông Đoàn Huy Chương.
Ông Đoàn Huy Chương tự tin rằng tổ chức của ông có thể đương đầu được với viễn cảnh đó:
“Thành lập một tổ chức công đoàn ảo thì đối với họ là không khó. Nhưng chúng tôi không ngại chuyện đó, chúng tôi đấu tranh cho sự thật, làm những gì thực chất cho công nhân. Những người nhìn thấy việc đó là công nhân chứ không để cho những người cộng sản nhìn thấy, hay một tổ chức nào nhìn thấy. Sự quyết định là ở những người công nhân.”
Tiến sĩ Nguyễn Quang A cũng cảnh báo những người hoạt động nghiệp đoàn độc lập hiện nay về điều đó:
“Những người hoạt động vì phong trào lao động phải chú ý đến khả năng đó. Theo suy đoán của tôi thì khả năng đấy chắc chắn xảy ra. Khi đó mình phải tương kế tựu kế biến cái đó thành của mình, hay là vô hiệu hóa nó đi. Đây là một cuộc đấu tranh trí tuệ và cân não.”
Theo ông Nguyễn Quang A, các nhà hoạt động công đoàn độc lập có thể bắt đầu bằng những hoạt động nhỏ cho giới công nhân để cho nhà nước độc đảng của Việt Nam không cảm thấy sợ hãi, từ đó dẫn đến việc họ sẽ thấy sự tồn tại của những công đoàn độc lập là một chuyện bình thường.
Ông cũng nói là những hoạt động công đoàn nên công khai, tuy ông vẫn không loại trừ những hoạt động ngầm vì quyền lợi của người công nhân.
Như vậy là sau hơn 40 năm cầm quyền của Đảng Cộng sản, một đảng tự xưng là đảng của giai cấp công nhân với biểu tượng búa liềm trên lá cờ đảng, những người cộng sản tiếp tục gọi các tổ chức độc lập của công nhân là phản động, còn những người hoạt động nghiệp đoàn như ông Đoàn Huy Chương, hoạt động xã hội dân sự như ông Nguyễn Quang A, đang tìm cách thực hiện những điều bình thường trong một xã hội bình thường, đó là tổ chức tranh đấu cho quyền lợi thực sự của người công nhân.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/independent-union-vietnam-02082018124529.html
Tịch thu sách ‘nhạy cảm chính trị’ gửi về từ nước ngoài
Cục Hải quan Đà Nẵng vừa tịch thu 4 bưu kiện gửi từ nước ngoài về, trong đó có một số cuốn sách mà cơ quan này cho rằng nếu để lưu hành, sẽ tạo ra “nhận thức sai lệch về lịch sử cuộc chiến chống xâm lược của nhân dân Việt Nam, cũng như các vấn đề dân chủ, nhân quyền của Nhà nước Việt Nam hiện nay”.
Những cuốn sách bị tịch thu vì lý do “nhạy cảm chính trị” bao gồm: Cuốn “Where the ashes are – The Odyssey of a Vietnamese Family” của nhà báo, nhà văn, dịch giả nổi tiếng Nguyễn Quí Đức; cuốn “Chính Trị Bình Dân” của nhà báo Phạm Đoan Trang; cuốn “Huế 1968 – A Turning Point of the American War in Vietnam” của tác giả Mark Bowden, theo báo Tin Tức.
Tất cả ba cuốn sách trên đều được xuất bản tại Mỹ và được bán trên trang mạng Amazon.
Trong cuốn “Where the ashes are – The Odyssey of a Vietnamese Family”, nhà báo từng làm việc cho nhiều cơ quan truyền thống quốc tế ở Mỹ kể lại câu chuyện của chính gia đình ông trong thời Chiến tranh Việt Nam. Theo giới thiệu của Amazon, cuốn sách “cho chúng ta nhìn thấy cuộc chiến Việt Nam qua đôi mắt của một đứa trẻ, sự túng quẫn sau khi Cộng sản lên cầm quyền, và những chật vật, gian khổ của di dân”. Cuốn sách được tổ chức Words Without Border đề cử là một trong 8 cuốn sách cần đọc để hiểu về Việt Nam và cộng đồng người Việt ở nước ngoài.
Cuốn “Huế 1968 – A Turning Point of the American War in Vietnam” là cuốn sách đầu tiên của tác giả Mark Bowden kể từ khi cuốn Black Hawk Down của ông trở thành cuốn sách bán chạy nhất trong danh sách uy tín của New York Times. “Huế 1968 – A Turning Point of the American War in Vietnam” kể về cuộc tấn mang tính bước ngoặt trong cuộc chiến Việt Nam, Tết Mậu Thân 1968.
Trong khi đó, “Chính Trị Bình Dân” là cuốn sách mà nhà báo Phạm Đoan Trang viết với mong muốn đánh tan định kiến tai hại “chính trị là xấu xa, thủ đoạn” đã bám rễ vào nhận thức của nhiều người dân Việt Nam. Tác phẩm được giới trí thức hoạt động xã hội đánh giá cao về cả nội dung, phong cách viết và mức độ cần thiết của nó trong bối cảnh hiện tại của Việt Nam.
“[Sách] Chính trị mà Việt Nam xuất bản sau năm 1975 phần lớn là viết về quan điểm của Đảng Cộng sản và dành cho các đảng viên. Còn xuất bản sách về chính trị thì hoàn toàn vắng bóng. Chính vì vậy, tôi đánh giá đây là một tác phẩm rất quan trọng. Nó mở ra một lối cho chính trị đi vào tầng lớp bình dân. Ai cũng có thể tiếp cận nó qua những câu chuyện bình dân và thực tế”. Blogger Phạm Lê Vương Các nhận định với VOA.
Tin cho hay các cuốn sách trên được gửi về Hà Lan, Ba Lan và Mỹ trong 4 bưu kiện, mỗi bưu kiện chỉ có một cuốn sách, tới các địa chỉ cá nhân ở Đà Nẵng và Huế.
Hải quan Đà Nẵng cho biết đã báo cáo lãnh đạo và phối hợp với cơ quan chức năng để có các bước xử lý tiếp theo.
https://www.voatiengviet.com/a/tich-thu-sach-nhay-cam-chinh-tri-gui-ve-tu-nuoc-ngoai/4246079.html
HRW yêu cầu Việt Nam
chấm dứt đàn áp tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo
Trên nguyên tắc hôm nay, 09/02/2018, một tòa án tại tỉnh An Giang ở miền Nam Việt Nam mở phiên xét xử 6 người về tội danh « gây rối trật tự công cộng ». Tuy nhiên, tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch vào hôm qua, 08/02 đã xem đấy là một hành vi đàn áp tôn giáo, cụ thể là nhắm vào tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo và kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do ngay cho các bị cáo và chấm dứt « đàn áp các nhà hoạt động tôn giáo ».
Trong bản thông cáo báo chí công bố tại New York, Human Rights Watch cho rằng chính quyền Việt Nam cần hoãn việc xét xử sáu tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo nói trên và điều tra xem việc đưa họ ra tòa « có phải vì nguyên nhân kỳ thị hay đàn áp tôn giáo » hay không.
Những người bị đưa ra xét xử là nguyên một gia đình 4 người gồm một cặp vợ chồng đã trên 50 tuổi, và hai người con một trai, một gái hơn 30 tuổi, cùng với hai người khác.
Theo tổ chức bảo vệ nhân quyền Mỹ, họ đã bị bắt giữ sau khi khởi xướng một cuộc biểu tình để phản đối các hành vi của Công An nhằm vào các tín đồ ở tỉnh An Giang đang trên đường đi dự đám giỗ bà mẹ một cư sĩ Phật giáo Hòa Hảo.
Human Rights Watch ghi nhận việc Công An vẫn thường xuyên sách nhiễu các thành viên độc lập của nhóm tôn giáo thiểu số thuộc Phật Giáo Hòa Hảo, « vốn có quá trình hiềm khích với nhà nước từ rất lâu ».
Nhận định về phiên tòa, ông Brad Adams, giám đốc Châu Á của tổ chức nhân quyền Mỹ cho rằng : « Vụ việc có vẻ là biểu hiện mới nhất về chủ trương đàn áp của chính quyền » nhắm vào Phật Giáo Hòa Hảo. Đối với ông : « Chính quyền cần chấm dứt sách nhiễu và bắt bớ những người tham gia các nhóm tôn giáo không được đăng ký và để cho người dân thực hành tín ngưỡng theo ý mình. »
Phật Giáo Hòa Hảo là một tôn giáo được chính thức công nhận tại Việt Nam, nhưng có nhiều tín đồ từ chối tham gia Giáo Hội được Nhà Nước công nhận. Theo HRW, những người này do vậy thường bị đàn áp và theo dõi gắt gao, với việc công an địa phương sử dụng nhiều biện pháp để ngăn chặn, không cho họ tụ tập nhận các dịp quan trọng như ngày thành lập giáo phái, hay ngày giỗ người sáng lập.
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20180209-hrw-yeu-cau-viet-nam-cham-dut-dan-ap-tin-do-phat-giao-hoa-hao