Tin Việt Nam – 09/02/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 09/02/2017

Đồng bằng sông Cửu Long với những khó khăn trước mắt

Mặc Lâm, biên tập viên RFA

Sau nhiều thập niên trù phú với các sản vật được thiên nhiên ưu đãi như lúa, cây ăn trái và động vật hoang dã thân thiện với con người, giờ đây người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long đang đối diện với biến đổi khí hậu, Mekong cạn dòng cũng như canh tác khó khăn hơn bởi ngập mặn và thiếu nước.

Vùng kinh tế quan trọng

Đồng bằng sông Cửu Long với diện tích gần 40 ngàn cây số vuông, dân số hơn 18 triệu người, là vùng kinh tế hết sức quan trọng của đất nước. Sản lượng lúa chiếm hơn 50% sản lượng thủy sản chiếm 65% và 70% sản lượng cây ăn trái trên cả nước.

Ngoài lúa ra tất cả tài nguyên khoáng sản thiên nhiên gần như không có khiến việc phát triển kinh tế, xã hội của đồng bằng chỉ trông cậy vào xuất khẩu gạo còn người dân canh tác thêm ở sân vườn nhà mình với tâm lý kiếm được chút nào hay chút nấy.

Rừng ngập mặn bị mất dần; đáng quan ngại nhiều nơi trong vùng ngọt hóa, người dân khoan giếng bơm nước ngầm mặn lên nuôi tôm.”

– Giáo sư Nguyễn Ngọc Trân

Lúa tuy là huyết mạch của người nông dân nhưng nếu tập trung hết sức người lẫn kỹ thuật chạy theo sản xuất đại trà, công nghiệp thì cái hại của nó sẽ khó lường trước, bởi nó sẽ làm biến mất diện tích rừng tràm ở Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên và ngay cả vùng U Minh Thượng và Hạ.

Cây lúa dù sao cũng không làm cho người nông dân giàu có một cách nhanh chóng và vì vậy ước muốn thoát nghèo ngày một lớn và bức thiết hơn. Giải pháp nuôi trồng thủy sản đã trở nên thời sự và câu chuyện nuôi cá da trơn, tôm cùng các loại thủy sản khác đã thúc đẩy cuộc sống người dân vượt ra bên ngoài chiếc vòng tròn khoanh vùng bởi nghèo khó. Đời sống của những gia đình này lần hồi biến đổi, nhưng tiếc thay sự biến đổi của họ kéo theo sự biến đổi đất đai do nhu cầu khai mở nước mặn cho con tôm đã lần hồi làm đất không còn giữ được phù sa do ngập mặn.

Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nay đã về hưu sống cùng con cá vườn rau chia sẻ với chúng tôi:

Nói chung thì vấn đề này cũng thăng giáng lắm! Cá da trơn có lúc lên lúc xuống. Trường hợp của tôi đây cũng nuôi mười mấy năm nhưng bây giờ cũng nghỉ rồi vì thấy tình hình này bây giờ cũng lớn tuổi mệt quá nên nghỉ. Cá bữa nay nó lại lên giá nữa rồi cũng không biết chừng nào nó xuống lại, thị trường nó bấp bênh vậy đó. Lúa gạo cũng vậy hiện nay nó đang trầm lắng nói chung thì tình hình chưa có gì để nói chưa có gì tốt hay xấu lằm, đặc biệt lắm. Bây giờ cá da trơn hiện nay sản lượng trong ao nó sụt giảm dữ lắm, thị trường đang hút cho nên nó lên giá. Nhưng có điều phục hồi nó lại như thế nào thì tôi cũng chưa biết quản lý ngành như thế nào.

Từ sự “thăng giáng” của con cá da trơn tới mức xuất khẩu đáng mơ ước của con tôm thật không khác gì một giấc mơ thời thượng của người nông dân miền nam. Chính thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng mơ chung giấc mơ này khi ông yêu cầu Việt Nam phải là thủ phủ của con tôm so với thế giới và mức xuất khẩu tôm trong những năm tới phải đạt bằng được con số 10 tỷ đô la. Nói về việc này ông Nguyễn Minh Nhị chia sẻ:

Cái này tôi không nắm được cụ thể nhưng tôi có thông tin là xuất khẩu tôm hai năm nay nó tăng lên tới gần ba tỷ gì đó. Có lẽ thông tin đó nó cũng gây hứng khởi còn con số 10 tỷ như thế nào thì tôi không rõ, nhưng nuôi tôm hiện nay đang có triển vọng của thị trường nên nó nổi lên và thủ tướng nắm nó có chỉ đạo khuếch trương thế nào thì tôi không biết nhưng tôi tin là nó có xu hướng khởi sắc.

Thiếu nước mùa khô

Theo Giáo sư TSKH Nguyễn Ngọc Trân, một chuyên gia về biến đổi khí hậu nhận xét thì “quy hoạch diện tích nuôi tôm 5 năm được các tỉnh ven biển hoàn thành trong một, hai năm. Nhiều cống ngăn mặn bị tháo ra để lấy nước mặn nuôi tôm…. Rừng ngập mặn bị mất dần; đáng quan ngại nhiều nơi trong vùng ngọt hóa, người dân khoan giếng bơm nước ngầm mặn lên nuôi tôm.”

Cái giá phải trả ấy đang hiện hữu và ngày một rõ nét hơn khi đất ngập mặn ngày một nhiều và lan rộng.

TS Nguyễn Đình Long, nguyên Viện phó Viện chính sách và chiến lược phát triển nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long chia sẻ kinh nghiệm của ông:

Những vấn đề anh nói những hướng xử lý phát triển bền vững cho đồng bằng sông Cửu Long là đúng rồi. Tôi cho là muốn phát triển thì đúng là muốn có đột phá mới thì thứ nhất phải nhìn nhận thách thức mới đó là tác động của biến đổi khí hậu, nó trực tiếp và trên cái diện rộng trên giòng Cửu Long.

Thứ hai là nguồn nước sông Cửu Long thì bây giờ sử dụng nguồn nước cũng khó và ít dẫn tới ngập mặn đã bắt đầu. Đổi cái trục mới trong sản xuất nông nghiệp mới chính vì vậy nên đồng bằng sông Cửu Long tuy là cái vựa lúa nhưng nông nghiệp bây giờ cần thay đổi thật mạnh, phải khai thác từ cái bất lợi trở thành cái thuận lợi mới, tiềm năng mới tức là phải chuyển trục mới không còn là cây lúa nữa bởi vì lúa chỉ có mức độ thôi mà nên tập trung phát triển thủy sản.

Muốn có đột phá mới thì phải nhìn nhận thách thức mới đó là tác động của biến đổi khí hậu, nó trực tiếp và trên cái diện rộng trên giòng Cửu Long. 

– TS Nguyễn Đình Long

Thế mạnh thứ hai là cây ăn trái, thứ ba mới đến cây lúa. Nếu chúng ta còn tiếp tục cây lúa thì thực tế bây giờ cây lúa hạn chế khả năng cạnh tranh rất nhiều ví nhiều yếu tố sản xuất cây lúa không còn thuận lợi như trước nữa.

Thiếu nước là một vết dao khác cắt sâu vào da thịt đồng bằng sông Cửu Long khi vào mùa khô hầu như cả vùng không có mưa, nguồn nước quan trọng nhất vẫn từ con sông Mekong và ngay cả vần đề của con sông này cũng đã và đang làm cho người dân các tỉnh miền Tây băn khoăn vì không biết khi nào thì nó không còn là của mình nữa.

Con sông không chỉ riêng của Việt Nam mà nó chia sẻ với 5 nước từ thượng nguồn cho tới Việt Nam là chót sổ. Chẳng may cho Việt Nam cả 5 nước đều trông cậy vào nguồn nước của Mekong vì mục đích sản xuất lúa nước. Trong thời gian tới, thủy điện và phát triển cây lúa sẽ vắt dần đến cạn kiệt nguồn nước Mekong và người dân Đồng bằng công Cửu Long sẽ là nạn nhân chung cuộc.

Theo dự báo trong những năm tới, do biến đổi khí hậu nên mực nước biển sẽ ngày một dâng cao, khả năng xâm nhập mặn sẽ rất lớn. Nước thượng nguồn Mekong về bị giảm sút sẽ không đủ lưu lượng để đẩy mặn, do đó nước mặn sẽ xâm nhập sâu vào nội địa càng làm cho bài toán ngập mặn lâm vào thế bí hơn.

Vì vậy, cuộc sống trù phú, ổn định và đáng mơ ước của người dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang lâm vào bước ngoặc của thử thách. Thử thách từ biến đổi khí hậu đến từ biển, cho tới các nước lân cận từ thượng nguồn sông Mekong lẫn thử thách do chính cư dân của nó trong các kế hoạch không hoàn chỉnh thúc đẩy sự phát triển bền vững.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/mekong-delta-n-the-tough-ahead-ml-02092017100029.html

 

32 phụ nữ Việt bị bán qua Trung Quốc được giải cứu

Cảnh sát tỉnh Vân Nam Trung Quốc giải cứu 32 phụ nữ Việt bị bán qua Hoa Lục để làm vợ các nông dân địa phương.

Đây là kết quả một chiến dịch truy quét nhằm giảm thiểu nạn buôn người tại các khu vực nghèo khó ở Việt Nam. Tin AFP dựa trên nguồn tin của Phòng Công An Nhân Dân tỉnh Vân Nam cho biết 75 nghi phạm trong đường dây buôn bán phụ nữ Việt qua vùng Vân Nam của Trung Quốc đã bị bắt giữ.

Đài truyền hình CCTV của Trung Quốc cho biết  trước khi bị bán đi thì các nạn nhân bị cầm giữ và canh chừng bởi những gia đình Trung Quốc thuộc vùng sâu vùng xa tỉnh Vân Nam gần biên giới Việt Nam. Tiếp đó, họ sẽ được đưa đi gả bán cho những người cần vợ tại 6 tỉnh miền Trung và miền Đông của Hoa Lục. Một phụ nữ được giải cứu nói với phóng viên là khi cô tìm cách trốn  thì đã bị 2 người đàn ông bắt lại, họ hăm dọa  và đánh đập cô cô bằng cây sắt.

Nạn buôn người trở nên nghiêm trọng tại Trung Quốc bao năm qua với nhiều cô gái quê từ Việt Nam bị bán sang đây để làm vợ. Đàn ông thôn quê ở Trung Quốc cho rằng mua một người vợ từ bên ngoài về thì rẻ hơn là cưới một người vợ  bản địa.

http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/cn-police-rescue-32-traffick-vns-brides-02092017081829.html

 

Đăng ảnh ‘xe biển số xanh’ và hậu quả pháp lý

Việc cơ quan công an tiến hành điều tra hành vi đăng ảnh ‘xe ô tô mô hình gắn biển số xanh’ lên mạng xã hội là “hoàn toàn đúng”, một số luật sư bình luận với BBC.

Hình ảnh có vẻ như các siêu xe gắn biển số công thuộc Cần Thơ được đăng lên mạng, với lời chú thích “Sắp có biến rồi” được đăng lên một diễn đàn ô tô hôm 7/2 sau đó đã nhanh chóng được giới chức xác định chỉ là mô hình đồ chơi bằng nhựa, trang Dân Trí tường thuật.

Công an Cần Thơ hôm 8/2 nói sẽ tiếp tục điều tra để “làm rõ động cơ” của việc đăng tải các hình ảnh xe nhựa gắn biển xe công này.

‘Gây tác động xấu’

Từ Hà Nội, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng văn phòng Luật sư Nguyên Anh, bình luận rằng việc đăng tải như trên đã “gây ảnh hưởng tới quyền lợi, lợi ích của các cơ quan nhà nước tại Cần Thơ”, và “gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của các cơ quan nhà nước”.

“Việc một cá nhân đưa những thông tin, hình ảnh lên phải phù hợp với quy định pháp luật. Cơ quan công an cần xem động cơ mục đích và việc những người đó đưa hình ảnh lên nhằm mục đích gì.”

“Dù là đùa vui hay có mục đích gì khác thì hành vi này cũng đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của cơ quan nhà nước, gây dư luận không tốt trong xã hội,” luật sư Thơm nói với BBC.

Có cùng quan điểm đó, luật sư Hoàng Văn Hướng từ Văn phòng luật sư Hoàng Hưng cho rằng việc đăng ảnh “rõ ràng gây ảnh hưởng”.

“Đặc biệt là chuyện này liên quan đến các biển số xe của nhà nước trong lúc tại Việt Nam, các cơ quan báo chí và các công dân đang theo dõi chặt chẽ các hoạt động của xe công hay vấn đề sử dụng lãng phí tài sản công. Rõ ràng, việc đưa ra thông tin như vậy sẽ tạo ra những nhìn nhận không khách quan, không tốt, gây ảnh hưởng tới an ninh xã hội,” luật sư Hướng nói.

‘Hành vi sai’

Việc đưa hình ảnh xe mô hình có gắn biển số lên mạng xã hội, nếu không gây ảnh hưởng tới trật tự xã hội và tâm lý cộng đồng thì không bị coi là hành vi sai trái, luật sư Hướng giải thích thêm.

Tuy nhiên, khi biển số được gắn trông giống với biển số xe công, thì vấn đề lại khác, ông nói. “Trong vấn đề quản lý biển xe công, nhà nước làm rất chặt chẽ, không để sử dụng tràn lan kể cả việc gắn lên đồ chơi hay các mô hình, bởi đó là hình ảnh của nhà nước.”

“Quan điểm của tôi, tuy đó là đồ chơi nhưng có bao nhiêu người nhận biết đó là đồ chơi, bao nhiêu người tưởng lầm đó là xe thật, dẫn đến phản ứng tiêu cực với hiện tượng này? Rõ ràng như vậy là trật tự xã hội đã không được đảm bảo.”

“Sự nhận biết của người dân trên mạng xã hội ngày nay rất nhạy cảm.”

Về tranh cãi quanh việc đăng hình ảnh chụp mô hình ô tô đồ chơi lên mạng có bị coi là hành vi vi phạm pháp luật hay không, luật sư Thơm giải thích:

Ngay cả mô hình đồ chơi cũng không được gắn các biển số xe hay những dấu hiệu đặc trưng cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho một đơn vị cụ thể nào đóLuật sư Hoàng Văn Hướng, Văn phòng luật sư Hoàng Hưng

“Nếu là hình ảnh đồ chơi thì khi đưa lên mạng, người đăng tải cần chú thích hoặc chọn cách thể hiện thích hợp để người xem hiểu được rằng đây là đồ chơi, chứ không thể có hành động khiến người khác nhầm lẫn.”

“Hình ảnh [đã đăng] nếu nhìn thoáng qua thì không ai nghĩ đó là đồ chơi. Bởi các mô hình ô tô được chụp trong bối cảnh như trong hầm để xe.”

“Ngay cả mô hình đồ chơi cũng không được gắn các biển số xe hay những dấu hiệu đặc trưng cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho một đơn vị cụ thể nào đó.”

Biện pháp xử lý

Việc đăng tải hình ảnh sai trái lên mạng được điều chỉnh tại Nghị định 174 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin. Tuy nhiên, có cần xử lý hay không, hay xử lý tới mức độ nào lại còn phụ thuộc vào mức độ ảnh hưởng hay hậu quả mà hành vi đăng tải đó gây ra, theo các luật sư.

“Cơ quan chức năng chắc chắn cần điều tra xem ảnh hưởng tiêu cực mà hành vi này gây ra cho xã hội là tới mức nào. Nếu ít thì có thể gọi người đăng thông tin lên để răn đe. Nếu gây bức xúc nhiều trong xã hội thì sẽ cần xử lý hành chính, thậm chí xử lý hình sự,” luật sư Hướng nói.

Ngoài ra, nếu động cơ mục đích nhằm bôi nhọ cơ quan tổ chức nhà nước hoặc tạo dư luận xấu hoặc các mục đích không lành mạnh khác, thì đối tượng có thể còn bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 226 Bộ luật Hình sự, luật sư Thơm cho biết.

Bên cạnh đó, việc các cơ quan báo chí nếu đăng tải dựa trên những thông tin, hình ảnh sai do các cá nhân đưa lên mạng xã hội mà không kiểm chứng cũng sẽ bị xử lý, theo luật sư Hướng. “Nếu các cơ quan quản lý báo chí, thanh tra thông tin truyền thông và các cơ quan an ninh quản lý về văn hóa báo chí phát hiện ra các thông tin sai lệch, không chính xác, vi phạm luật báo chí, họ sẽ áp dụng các chế tài xử lý.”

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-38907936

Chưa rõ số phận ba phụ nữ Việt ‘thề chết vẫn ở lại Úc’

Hiện vẫn chưa rõ số phận của ba người phụ nữ từ tỉnh Bình Thuận, được cho là đang trên đường tới Úc xin tị nạn lần hai, và từng tuyên bố sẽ “nhảy xuống biển tự tử nếu bị bắt, chứ không chịu trở về Việt Nam”.

Bà Trần Thị Thanh Loan, Trần Thị Lụa và Trần Thị Phúc cùng gia đình dùng thuyền vượt biên sang Australia từ hôm mùng 4 Tết, tức ngày 31/1 dương lịch, theo luật sư Võ An Đôn từ Phú Yên, người từng bào chữa cho ba người phụ nữ này về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép”.

Luật sư Đôn cho VOA Việt Ngữ biết thông tin mới nhất: “Sáng nay chị Lụa có gọi điện thông báo cho tôi biết rằng đã vào hải phận nước Úc và đang tiến vào bờ. Tôi không hỏi được nhiều. Chị nói vài câu thì chị cúp máy, mà sóng rất là yếu”.

VOA Việt Ngữ có gọi tới số điện thoại mà luật sư Đôn cung cấp, nhưng không thể liên lạc được với những người phụ nữ trong nhóm được cho là đang lênh đênh trên đại dương.

Trả lời VOA tiếng Việt qua email, phát ngôn viên của Bộ Di trú và Bảo vệ Biên giới của Australia nói rằng “chính phủ Australia không đưa ra bình luận về các vấn đề liên quan tới các chiến dịch trên biển”.

Tuyên bố cũng nói rằng “bất kỳ chiếc thuyền buôn người nào tìm cách tới Australia sẽ bị chặn bắt và bị gửi trả về nước”.

Ba người phụ nữ trên từng một lần vượt biên sang Úc bằng đường biển, nhưng bị bắt và bị đưa về Việt Nam năm 2015.

Năm ngoái, hai trong ba người bị phạt tù nhưng bị hoãn chấp hành án do đang nuôi con nhỏ, và người còn lại bị phạt hành chính.

Bác sĩ Nguyễn Anh Dũng, Chủ tịch Cộng đồng người Việt tại tiểu bang Tây Úc, nơi từng đón nhận nhiều thuyền nhân được Úc cho định cư, nói rằng những người phụ nữ từ Bình Thuận, nếu họ tới được Úc, sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là khi quốc gia này đã và đang siết chặt chính sách đối với người nhập cư.

Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ hy vọng: “Một quốc gia dân chủ và tự do như nước Úc thì ngoài luật pháp rất là nghiêm minh, nó vẫn còn yếu tố nhân đạo nằm phía sau. Thí dụ như nếu ba người phụ nữ nói rằng tôi sẽ tự tử, tôi không có về Việt Nam nữa, thì sự cứu xét của chính phủ sẽ thay đổi, vì người ta vẫn dựa vào tình người rất là nhiều. Mỗi một năm, tổng trưởng về di trú vẫn có quyền quyết định cá nhân của ông ấy bao nhiêu ngàn người. Ông ấy phán quyết như vậy vượt lên cả quy định chung của Bộ. Ông vẫn có quyền, dựa trên nhân bản của con người”.

Ông Dương Minh Tân, một thuyền nhân từ Việt Nam được phép tới Úc tái định cư, nói với VOA Việt Ngữ rằng ông cũng “hy vọng ba người phụ nữ đó sẽ nhận được sự đối xử nhân đạo của chính phủ Úc”, và “họ sẽ được cứu xét như chúng tôi”.

Về những khó khăn trên biển, ông Tân nói: “Tôi thấy mức độ nguy hiểm mà đi ở trên biển cũng rất là phức tạp, cộng với luật di trú của Úc rất là khắt khe, nhưng mà đối với tôi, những khó khăn đó mình cũng có thể vượt qua. [Trước] sự hành hạ của cộng sản, tôi nghĩ họ có thể dám đánh đổi. Có lẽ những ai cùng chung hoàn cảnh đó thì họ mới hiểu sự khó khăn đó”.

Bộ Ngoại giao Việt Nam cho tới nay vẫn chưa lên tiếng về các trường hợp thuyền nhân Việt bị Australia bắt giữ, nhưng từng gửi công hàm đề nghị nước này đối xử nhân đạo với các ngư dân bị bắt vì nghi đánh cá trái phép.

Bác sĩ Nguyễn Anh Dũng gửi thông điệp tới những người muốn tìm đường tới Úc xin tị nạn rằng “phải tuân thủ luật lệ của nước Úc, đừng có vượt biên trái phép và mình phải đi bằng con đường chính ngạch”, và rằng việc dùng thuyền tới Úc “có rủi ro rất lớn”.

Chính phủ Australia từng tuyên bố sẽ cùng hợp tác với Việt Nam để “bắt giữ và khởi tố những người tổ chức đưa người vượt biên trái phép và ngăn chặn hành vi kinh doanh nguy hiểm dựa trên sinh mạng của con người”.

Tin mới nhất cho biết, chính phủ Papua New Guinea hôm 6/2 cho biết đang hoàn tất thủ tục giấy tờ để trục xuất về nước 60 người xin tị nạn tại một trại tị nạn do Australia quản lý ở nước này.

Hầu hết những người sẽ bị gửi trả về nước là từ Iran, nhưng trong số đó còn có công dân của nhiều quốc gia khác như Việt Nam.

http://www.voatiengviet.com/a/chua-ro-so-phan-ba-phu-nu-viet-the-chet-van-o-lai-uc/3716038.html

 

Vụ Formosa Hà Tĩnh gây ô nhiễm môi trường tiếp tục đưa đến hàng loạt hệ lụy khôn lường trong đời sống cộng đồng.

Từ ngày Formosa xả thải làm cá biển chết hàng loạt cho đến nay, hàng loạt nhà hàng ven biển Hà Tĩnh không còn một bóng khách. Sáng ngày 8 tháng 2 năm 2017, có tin Bộ tài chính vừa cấp thêm 1.680 tỷ đồng tiền bồi thường thiệt hại của Formosa. Tuy nhiên, trong số nhận bồi thường đó không có chủ của những nhà hàng đã phá sản vì Formosa.

Bà Nguyễn Thị Thương, chủ nhà hàng nơi đây than rằng coi như lại thêm một năm nữa sẽ trắng tay: “Cuộc sống của cô hiện tại bây giờ là sang cái năm nay, từ đợt xảy ra sự cố đến giờ là rất khó khăn, khó khăn từ vật chất, từ tinh thần, khó khăn từ mọi điều kiện làm ăn. Thế còn bây giờ, muốn khắc phục trở lại đây để mà làm ăn, lấy hàng chất lượng, lấy hàng của hồ mình nuôi, hoặc lấy hàng của hồ lòng bè mình làm, họ cũng không ai tin tưởng đến mà ăn. Là vì chưa được 100% người là tin tưởng về an toàn hải sản”.

Không quá lời khi nói rằng giờ đây xứ biển Hà Tĩnh đang là vùng đất chết đối với giới kinh doanh nhà hàng hải sản. Không có khách ngay từ sau vụ xả thải hủy diệt môi trường biển của Formosa, những ông bà chủ nhà hàng nơi đây ráng cầm cự, nhưng rồi cứ mãi kéo dài chuyện ô nhiễm khiến nhiều nhà hàng đã giở bỏ cơ ngơi, kiếm kế sinh nhai khác.

Theo lời kể của bà Nguyễn Thị Thương, trước đây mỗi năm bà tiêu thụ hàng chục tấn hải sản, và có thể giúp cả họ cùng làm giàu: “Cô ra đây được 7, 8 năm rồi. Buôn bán của cô thuận tiện. Trừ trường hợp bão gió thì mình tu sửa lại một vài ba ngày gì đó thôi, chứ buôn bán thuận tiện. Gia đình cô, cả con cái sinh sống đây cả đó. Mình làm ăn được. Bây giờ thì một năm nay là mình trắng tay. Một năm nay là đóng quán, giữ quán, coi quán và dọn vệ sinh. Có ai quen biết đến hỗ trợ thì mình được một vài mâm, còn hổng có thì mình chấp nhận.”

Giờ đây, những người như bà Thương đang cố níu giữ cơ ngơi đầu tư bạc tỷ này để mong ngày biển miền Trung thật sự hồi sinh, để hàng quán nơi đây có lại cảnh tấp nập như trước khi xảy ra vụ xả thải hủy diệt của Formosa. Tuy nhiên, niềm tin này ngày càng cạn dần, khi mà còn nhiều nơi khác cũng bị thiệt hại từ chuyện xả thải của Formosa. Họ đã phải xuống đường đòi đền bù nhưng rồi chỉ nhận được những lời hứa hẹn từ nhà chức trách.

Sẽ là một năm Đinh Dậu thật dài đối với những ông bà chủ nhà hàng ở ven biển Hà Tĩnh.

http://www.voatiengviet.com/a/them-1-nam-trang-tay-cua-cac-chu-nha-hang-o-ha-tinh/3715703.html

 

Bà Minh Hằng được thả ngày 11/2, từ chối đi Mỹ

Một nhà hoạt động cho biết bà Bùi Thị Minh Hằng sẽ được thả tự do vào ngày 11/2, sau 3 năm thụ án vì “gây rối trật tự công cộng”. Bà đã từ chối đề nghị đi định cư tại Hoa Kỳ.

Từ thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Bắc Truyển, người vận động cho nhân quyền và tôn giáo Việt Nam cho VOA biết, dù được Bộ Công an Việt Nam khuyên nên đi Mỹ nhưng bà Bùi Thị Minh Hằng đã nhất mực từ chối:

“Chị Bùi Thị Minh Hằng là nhà tranh đấu cho quyền con người ở tại Việt Nam. Chính vì đấu tranh cho nhân quyền nên chị bị giam cầm, tù tội trong 3 năm vừa qua. Vừa rồi chị có nói với gia đình rằng là Bộ Công An có vào khuyên chị là nên đi định cư ở Hoa Kỳ thì họ sẽ thả chị sớm, nhưng chị Hằng đã từ chối. Chị Hằng nói là chị sẽ ở lại cho đến ngày cuối cùng của hạn tù, và sẽ tiếp tục con đường đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam.”

Theo ông Nguyễn Bắc Truyển, gia đình và bạn bè đã thu xếp để đi đón bà Hằng về từ trại giam Gia Trung vào ngày 11/2. Tuy nhiên ông Truyển không biết liệu bà Hằng có được thả từ trại giam hay không:

“Chị Hằng có nói với tôi qua điện thoại là chị không biết về bằng cách nào, nên chúng tôi sắp xếp cho tất cả các tình huống. Trại giam có hứa với chị là họ thu xếp thả chị theo một cách bình thường nhất. Hiện nay có nhiều anh em trong số 21 người bị đánh đập ở Lấp Vò, Đồng Tháp vào năm 2014 đang bị công an để ý, ngăn cản không cho họ lên Sài gòn để đi đón chị Hằng.”

Các trang mạng xã hội cũng cho biết là một nhà hoạt động bị cầm tù khác, là Đoàn Huy Chương cũng sắp mãn hạn tù.

Từ Trà Vinh, bà Chiêm Thị Tường Mạnh, vợ của ông Đoàn Huy Chương cho VOA biết chồng của bà sẽ được ra tù vào 7 giờ sáng ngày 13/2:

“Hôm 29 Tết em có đi thăm ảnh. Ảnh kêu tới ngày ảnh ra (13/2) thì lên đón ảnh từ trai giam K2 Xuân Lộc, Đồng Nai. 7 giờ sáng là ảnh ra rồi.”

Bà nói bà rất trông mong ngày chồng được phóng thích, về lại với gia đình:

“Em rất trông đến ngày ảnh ra. Em mừng lắm. Em trông ảnh ra để ảnh mần phụ nuôi hai đứa nhỏ, một mình em lo khổ lắm. Nhờ có ông bà ngoại đùm bọc. Thằng con trai của em học lớp 9, con gái em học lớp 7. Ở quê em làm mức lương thấp lắm, không đủ cho hai đứa con em đi học.”

Những tin tức quốc tế xoay quanh các vụ bắt bớ các nhà hoạt động, đàn áp giới bất đồng ở Việt Nam thường xuyên bị chính quyền chỉ trích là đưa thông tin sai lệch và “thiếu khách quan và không phản ánh đúng tình hình thực tế ở Việt Nam”.

​Quá trình hoạt động

Vào năm 2008, Đoàn Huy Chương, sinh năm 1985, cùng Đỗ Thị Minh Hạnh và Nguyễn Hoàng Quốc Hùng thành lập phong trào Lao động Việt, để hỗ trợ cho các công nhân tranh đấu cho quyền của người lao động tại Việt Nam.

Vào tháng 10, năm 2010, ông Chương, bà Hạnh và ông Hùng bị xét xử về tội danh ‘chống lại chính quyền nhân dân’ theo Điều 89 Bộ Luật Hình sự Việt Nam. Cả 3 người được cho là đã phát tờ rơi và tham gia tổ chức cuộc đình công đòi tăng lương tại công ty giày da Mỹ Phong ở Trà Vinh. Ông Chương và bà Hạnh cùng bị tuyên án 7 năm tù giam, nhưng bà Hạnh được trả tự do vào tháng 4/2014. Hiện nay ông Hùng vẫn đang chịu án 9 năm tù.

Trước đó, ông Chương bị kết tội là thành lập “Hiệp Hội Đoàn Kết Công Nông Việt Nam” năm 2006, và rồi bị bắt tháng 11, 2006 và bị xử 18 tháng tù. Ông được thả năm 2008.

Bà Bùi Thị Minh Hằng là nhà hoạt động nhân quyền được nhiều người biết đến từ năm 2011, khi bà tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lấn Hoàng Sa – Trường Sa. Kể từ đó, bà trở thành mục tiêu thường xuyên bị hành hung, bắt bớ và giam cầm.

Vào tháng 8 năm 2014, tòa án tỉnh Đồng Tháp tuyên án bà Hằng 3 năm tù giam với tội danh ‘gây rối trật tự công cộng’ theo điều 245 Bộ Luật hình sự. Bà Hằng bị đưa ra xét xử cùng với hai người khác là ông Nguyễn Văn Minh và bà Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, cả hai bị tuyên án theo thứ tự là 2,5 năm tù và 2 năm tù. Ông Minh và bà Quỳnh đã mãn án tù. Cả 3 bị bắt vào ngày 11/2/2014 vì bị quy tội “gây cản trở giao thông nghiêm trọng.”

Năm 2014, trong một chuyến đi từ Thành phố Hồ Chí Minh về tỉnh Đồng Tháp để thăm các nhà hoạt động khác bị công an sách nhiễu và câu lưu, Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh và Nguyễn Văn Minh cùng đi với một nhóm 21 nhà hoạt động Phật giáo Hòa Hảo, đã bị công an chặn xe với lý do là “vi phạm giao thông”, rồi bị một nhóm côn đồ mặc thường phục hành hung. Sau đó công an bắt cả nhóm, nhưng chỉ truy tố 3 người vừa nêu.

Ngay sau phiên xét xử bà Hằng, bà Quỳnh và ông Minh, Đại Sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam đã lên tiếng bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về vụ án này, nói rằng “việc chính quyền Việt Nam sử dụng luật về trật tự công cộng để bỏ tù những người chỉ trích chính phủ vì bày tỏ quan điểm chính trị một cách ôn hòa là ‘đáng báo động’.”

Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói “Chính quyền Việt Nam giờ còn dùng cả lỗi giao thông ngụy tạo để truy tố hình sự các nhà hoạt động. Lẽ ra chính quyền Việt Nam nên nhận thức rằng cách hành xử này không đáng để phải chịu sự chỉ trích của quốc tế, và tức thời hủy bỏ những cáo buộc đó.”

Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Bill Cassidy và các nhà lập pháp Mỹ từng thúc giục Hà Nội phóng thích cho nhà hoạt động Bùi Thị Minh Hằng, lúc đó nhắc nhở chính phủ Việt Nam rằng “sẽ bất lợi cho chính họ khi họ bịt miệng những tiếng nói bất đồng như tiếng nói của bà Hằng”.

Trong bức thư đề ngày 9/9/2015 gửi đến trại giam Gia Trung, Gia Lai, nơi bà Hằng bị giam cầm, thượng nghị sĩ Cassidy viết: “Dù bị tước quyền tự do và bị buộc phải sống trong điều kiện giam cầm tệ hại, bà vẫn tìm cách động viên những người cùng hoạt động xã hội với mình. Tôi xin vinh danh lòng can đảm và sự mạnh mẽ của bà”.

Nhà chức trách Việt Nam từng ra lệnh quản chế không cần xét xử và đưa bà Hằng tới Cơ sở Giáo dục Thanh Hà ở tỉnh Vĩnh Phúc vào năm 2011, chỉ vì bà tham gia biểu tình ôn hòa chống chính sách bá quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bà được trả tự do vào tháng 4 năm sau, do làn sóng phản đối dữ dội từ trong nước và của quốc tế.

http://www.voatiengviet.com/a/bui-thi-minh-hang-se-duoc-tha-ngay-11-2-tu-choi-sang-my/3714589.html