Tin Việt Nam – 08/12/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 08/12/2018

Nhóm Phật tử ở Vũng Tàu bị công an truy sát

Chiều ngày 07 /12 /2018, xe hơi của  nhóm Phật tử gồm 4 người Vũng Tàu đã bị công an giả danh côn đồ truy sát trên đường đi thăm 15 gia đình có con em bị bắt đi tù trong cuộc biểu tình ngày 10/06 tại tỉnh Đồng Nai.

4 người bị truy sát gồm thầy Võ Văn Trai, Huỳnh Tấn Tuyên, Nguyễn Thanh Hải và bà Trần Ngọc Anh. Theo lời các nhân chứng kể lại, khi xe hơi của họ chạy đến quốc lộ 1A gần tới Biên Hòa thì có hơn 10 chiếc xe gắn máy ép sát xe của họ. Mỗi chiếc xe chở 2 người, những người ngồi phía sau đeo một balo đựng đá và liên tiếp ném vào xe hơi của họ. Một trận mưa đá tới tấp khiến kiếng xe phía trước và sau bể nát, mảnh kiếng văng tứ tung, bà Ngọc Anh bị một viên đá trúng vào đầu, thầy Vũ Văn Trai bị mảnh kiếng văng vào đầu máu chảy rất nhiều nhưng nhóm Phật tử không dám dừng xe để chữa trị vết thương.

Cảm thấy không thể đảm bảo tính mạng nếu tiếp tục đi đến Biên Hoà, nhóm đã quyết định quay đầu xe về Vũng Tàu. Họ chỉ an toàn khi về đến chùa Phước Bửu. Các nhân chứng nói trên nói rằng, họ đã rất may mắn vì nếu tài xế bị ném trúng đầu thì sẽ có hàng loạt xe hơi đâm vào nhau tạo nên một vụ tai nạn kinh hoàng không biết bao nhiêu người dân vô tội sẽ bỏ mạng.

Trong những năm qua, khi mà cả thế giới lên án những cuộc đàn áp thô bạo của CSVN đối với những người bất đồng quan điểm chính kiến thì chính quyền Việt Nam đã thay đổi những chiêu thức đàn áp khác nhau nhằm che đậy những tội ác man rợ trước công luận.

Bà Trần Ngọc Anh bị thương tích ở phần đầu quá bức xúc trước hành động của công an Việt Nam đã tố cáo rằng: Những người tham gia biểu tình ngày 10/06 bị công an CSVN bắt đi tù là những người yêu nước, họ đấu tranh vì đất nước Việt Nam nên họ không có tội. Chúng tôi đến thăm và động viên gia đình họ không có gì sai trái pháp luật tại sao lại dùng những thủ đoạn giết người đê hèn đối với chúng tôi!

Thuyết Nguyễn

https://www.sbtn.tv/nhom-phat-tu-o-vung-tau-bi-cong-an-truy-sat/

 

Liên Hiệp Quốc quan ngại luật của Việt Nam

cho phép giới chức tra tấn dân mà không sợ bị truy tố

Hôm 8/12 Uỷ ban Chống tra tấn Liên Hiệp Quốc chính thức ra văn bản bày tỏ lo ngại về những quy định trong luật của Việt Nam cho phép các giới chức có thể thực hiện việc tra tấn người dân mà không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật hoặc chỉ phải chịu những án phạt quá nhẹ.

Quan ngại này được nêu ra trong kết luận của Uỷ ban nhằm đánh giá về việc thực hiện Công ước Chống tra tấn của Việt Nam.

Văn bản kết luận của Liên Hiệp Quốc dựa trên cơ sở xem xét báo cáo quốc gia và kết quả phiên điều trần đối thoại với chính phủ Việt Nam vào hôm 14 và 15 tháng 11 vừa qua.

Trong văn bản này, Liên Hiệp Quốc bày tỏ lo ngại về việc các nhân viên nhà nước thực hiện lệnh cấp trên và sự phức tạp trong hành động tra tấn.

Uỷ ban chống tra tấn cho rằng các quy định trong luật công an nhân dân, luật về sĩ quan quân đội nhân dân và luật về cán bộ công chức cho phép nhân viên có quyền thực hiện nghiêm các lệnh, chỉ thị của cấp trên trong khi không phải chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thực hiện những lệnh này mà đáng ra họ phải báo cáo cho cấp trên ngay lập tức khi phát hiện có những dấu hiệu sai luật.

Liên Hiệp Quốc cũng quan ngại quy định trong Luật Hình sự của Việt Nam cho phép những đồng phạm trong các vụ tra tấn không phải chịu trách nhiệm về việc dùng nhục hình như những người trực tiếp thực hiện hành vi tra tấn mặc dù đồng phạm cũng có thể là người tham gia tổ chức tra tấn, và điều này có thể dẫn đến việc là người ra lệnh tra tấn sẽ không bị truy tố.

Ngoài ra, kết luận của Liên Hiệp Quốc cũng cho rằng các quy định liên quan đến định nghĩa về phạm tội tra tấn để từ đó quy ra các án phạt tù khác nhau là khá mơ hồ. Cụ thể điều 373 trong bộ luật này quy định mức án 6 đến 36 tháng tù giam bị cho là quá nhẹ khi không tính đến các tình tiết tăng nặng.

Liên Hiệp Quốc cho rằng Luật Hình sự sửa đổi của Việt Nam đã không hình sự hoá được các tội tra tấn và thiếu một định nghĩa về tra tấn.

Đối với các cáo buộc về tra tấn ở Việt Nam, Uỷ ban chống Tra tấn Liên Hiệp Quốc bày tỏ qua ngại về nạn tra tấn tràn lan ở các đồn công an khi lấy lời khai. Đã có những báo cáo được gửi lên Uỷ ban cho thấy nhiều trường hợp bị tra tấn ở đồn công an, thậm chí dẫn đến chết người. Tuy nhiên Liên Hiệp Quốc cho rằng con số những người vi phạm luật do tra tấn dân bị truy tố còn quá thấp. Trong giai đoạn từ 2010 đến 2015, chỉ có 10 trường hợp bị truy tố. Ngoài ra, Liên Hiệp Quốc cũng quan ngại là những nhân viên y tế tham gia vào các vụ lạm dụng quyền hạn hoặc từ chối chăm sóc y tế cho người bị tra tấn.

Dựa trên những kết luận này, Uỷ ban Chống tra tấn của Liên Hiệp Quốc kiến nghị Việt Nam phải xem xét những hành vi tra tấn hoặc tìm cách tra tấn là những tội phải bị trừng phạt với hình phạt tương ứng; cung cấp cho uỷ ban thông tin liên quan đến việc liệu việc thực thi luật Hình sự sửa đổi từ ngày 1/1/2018 có khiến một số lượng lớn những trường hợp bị truy tố hay không.

Uỷ ban yêu cầu nhà nước Việt Nam phải báo cáo tiến độ thực hiện các khuyến nghị của Uỷ ban trước ngày 7/12/2019 và ấn định thời hạn báo cáo định kỳ lần thứ hai của Việt Nam vào ngày 7/12/2022.

Uỷ ban cũng đề nghị Việt Nam phải dịch bản kết luận này sang tiếng Việt và phổ biến đến các công chức, đăng tải phổ biến văn bản này trên các trang thông tin chính thức của nhà nước.

Trước đó, tại buổi điều trần ở Liên Hiệp Quốc, phái đoàn Việt Nam đã bác bỏ các cáo buộc cho rằng Việt Nam có nhiều vụ công an tra tấn dân. Đại diện Việt Nam, Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, Cục rưởng Cục pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an), nói rằng tỷ lệ phạm nhân chết trong trại giam chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chỉ ở mức 0,3% tổng số phạm nhân đang thi hành án rong trại giam. Ông này cho biết chủ yếu các trường hợp chết là do bị mắc bệnh hiểm nghèo trước khi vào trại.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/un-conclusion-on-vn-implemetation-of-against-torture-convention-12082018100608.html

 

Thêm một vụ phạt tiền 40 triệu đồng

vì đổi 100 đô la

Uỷ ban Nhân dân tỉnh Nghệ An hôm 8/12 cho biết đã ra quyết định xử phạt hành chính 40 triệu đồng đối với bà Trần Thị Việt, chủ một tiệm vàng ở xã Nghĩa Thuận, vì mua 100 đô la từ người dân. Truyền thông trong nước loan tin này vào cùng ngày.

Bà Việt bị kết luận là vi phạm quy định về hoạt động ngoại hối trong trường hợp mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau. Truyền thông trong nước cho biết bà Việt bị công an thị xã bắt quả tang khi đang đổi tiền.

Trung tá Trần Ngọc Tuấn – Trưởng Công an thị xã Thái Hoà được báo chí trích lời cho biết, sau khi bắt quả tang bà Việt với hành vi giao dịch ngoại tệ trái phép, đơn vị đã lập hồ sơ xử lý, đồng thời xin ý kiến chỉ đạo lãnh đạo Công an tỉnh, tham mưu UBND tỉnh Nghệ An để có quyết định xử phạt. Ông Tuấn cũng cho biết thêm chỉ có tiệm vàng bị xử phạt, còn người dân đổi tiền không bị phạt.

Truyền thông trong nước cho biết bà Việt thừa nhận tiệm vàng của mình không được phép đổi ngoại tệ.

Đây không phải là trường hợp đầu tiên một người đổi 100 đô la bị phạt số tiền gấp nhiều lần ở Việt Nam. Hồi cuối năm ngoái, một người dân ở thành phố Cần Thơ bán 100 đô la cho tiệm vàng đã bị thành phố xử phạt 90 triệu đồng, bị tịch thu số tiền bán đô la. Tiệm vàng nhận đổi đô la bị phạt 180 triệu đồng về hành vi thu đổi ngoại tệ khi chưa được phép. Vụ việc đã gây bất bình trong dư luận khiến giới chức thành phố Cần Thơ sau đó phải rút lại quyết định xử phạt đối vời người dân đổi tiền.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/another-fined-40-mil-for-exchanging-100-12082018101911.html

 

Xuống đường cổ vũ bóng đá

là cách để người dân giải tỏa tâm lý

Mỗi khi đội tuyển bóng đá của Việt Nam có một trận thắng, rất nhiều cổ động viên Việt Nam đổ ra đường ăn mừng. Điều này dẫn đến tắc nghẽn giao thông, tai nạn, ẩu đả, thậm chí có những cô gái ‘phấn khích’ cởi trần giữa đường gây phản cảm.

Vì sao dân Việt lại có tâm lý bùng phát sau những chiến thắng thể thao như thế?

Biện pháp ‘giải tỏa tâm lý’

Sau chiến thắng của Việt Nam trước Đội tuyển Philippines trong trận đấu bóng đá vòng bán kết giải AFF Cup 2018 vào đêm 6/12, hàng vạn cổ động viên Việt Nam đã đổ ra đường hò reo ăn mừng thắng lợi ở hai thành phố lớn Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Không phải vì người ta cuồng bóng đá mà vì người ta không tìm thấy được niềm vui nào khác ở đất nước này ngoài bóng đá.

-Người dân

T, một nam thanh niên cho biết lý do bạn tham gia xuống đường cổ vũ cho Đội tuyển bóng đá Việt Nam:

Tại vì mình thấy đội tuyển nước mình chiến thắng thì mình vui mừng thôi. Đối với em khi mà thấy chiến thắng đó thì mình có lòng tự hào trong đó.

Hoa, một bạn trẻ trong nước, lại chia sẻ góc nhìn của bạn về mặt xã hội như sau:

Trong cái thắng đó nó có cái vui, và làm cho họ giải tỏa niềm vui đó. Sự bộc phát của niềm vui đó cho thấy ở Việt Nam không có niềm vui nào khác hơn ngoài bóng đá hết. Không phải vì người ta cuồng bóng đá mà vì người ta không tìm thấy được niềm vui nào khác ở đất nước này ngoài bóng đá.

Hoa chia sẻ với chúng tôi hình ảnh một cửa hàng trên đường Phan Xích Long ở Thành phố Hồ Chí Minh sau đêm 6/12 đã căng panô cổ vũ ngay trước mặt tiền với dòng chữ: ‘“Chẳng” cần gì nhiều ngoài Việt Nam vô địch’ và bạn nhấn mạnh:

Có quá nhiều vấn đề đè nén tâm lý họ về giáo dục, văn hóa, giao thông. Không có gì đáng để họ cảm thấy tự hào ngoài bóng đá hết.

Cùng quan điểm với  Hoa, Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Xã hội học Việt Nam, trình bày ngoài bộ phận người dân thích ca mừng thắng lợi thể thao thì còn một bộ phận khác như lời của ông mô tả:

Một bộ phận khác chỉ chực chờ để được xuống đường, để thực hiện những gì mạnh mẽ, hồ hởi và để người ta giải tỏa trạng thái tâm lý. Tâm lý vui sướng thì không nói, nhưng có nhiều người trong cuộc đời, trong đời thường bị dồn nén nhiều thứ tình cảm. Những sự bất bình nào đó, sơ sẩy nào đó trong sinh hoạt khối, phố mà người ta không vượt qua được thì người ta chỉ chờ một hình thức nào đó để òa ra.

Xuống đường vì ‘niềm tin’

Hồi đầu năm 2018, hàng vạn người hâm mộ bóng đá Việt Nam cũng đã được một dịp ùa ra đường ‘đi bão’ khi lần đầu tiên đội bóng U23 Việt Nam chiến thắng Iraq giành vé bán kết giải U23 châu Á vào tối 20/1.

Các tờ báo trong nước lúc đó đã giựt những tít như ‘Hành trình rung chuyển châu Á của U23 Việt Nam’, ‘U23 VN gây địa chấn, ‘U23 Việt Nam đi vào lịch sử, thậm chí ‘Không thể tin nổi! U23 VN đặt cả châu Á dưới chân bằng chiến thắng để đời’ đã bị dư luận chỉ trích.

Tuy vậy, lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá Việt Nam, các cầu thủ U23 dưới sự hướng dẫn của ông Park Hang Seo đã thực sự mang về một luồng hy vọng cho người dân, như lời của Hoa cho biết:

Đội bóng trẻ này nổi lên mang cho người ta cảm hứng, niềm tin về sự phát triển. Có thể sự phát triển này chẳng ảnh hưởng gì đến kinh tế, giáo dục, mặt bằng chung nhưng ít ra làm cho người ta có niềm phấn khích vì có một điều gì đó để người ta tin tưởng và hướng tới. Người ta tin tưởng và thấy vui vì chuyện đó.

Nhân các sự kiện thể thao, các ý kiến cho rằng đây chính là sợi dây liên nối để đánh thức trái tim, tinh thần nghĩa hiệp của người dân để xích lại gần nhau cho công việc chung.

TS. Trịnh Hòa Bình thì lại cho rằng thực tế không phải như vậy, ông nói:

Có dịp để người ta òa ra thế thôi, thực ra họ không có ý tưởng đó đâu. Bởi nếu như vậy thì người ta mong quá, kêu gọi mọi cá nhân hành xử lại, xác nhận trách nhiệm cá nhân với xã hội, kêu gọi ủng hộ cái này cái kia. Nói gọn lại là đồng thuận phát triển cùng thể thế. Thậm chí người ta nghĩ như thế nhưng tôi không nghĩ như vậy. Nói chung sự chia sẻ đó không phải cơ học mà giống như chuyện cười vui thôi.

Bạn Hoa cho biết niềm vui xuống đường ăn mừng chiến thắng của người dân là không có gì sai hết, nhưng bạn thắc mắc liệu niềm vui đó đang phản ảnh một đất nước luôn nói rằng đang phát triển nhưng thật ra chỉ có bóng đá phát triển. Vì vậy, Hoa bày tỏ sự bi quan của bạn như sau:

Tôi không có niềm tin gì hết. Bóng đá thì cũng sẽ qua đi mà thôi. Cái người ta cần là vẫn phải sống, phát triển, sinh sản, phải có tiền, có giáo dục, có an sinh xã hội. Những cái đó mới là cái quan trọng.

Bị xử lý vì ‘kích động gây rối’

Truyền thông trong nước hôm 7/12/2018 cho biết đã có 78 trường hợp ra đường cổ vũ bóng đá bị công an thành phố Hồ Chí Minh xử lý phạt hành chính và tạm giữ phương tiện về các lỗi vi phạm bao gồm có hành vi kích động đám đông, nẹt pô, tụ tập gây rối làm ùn ứ giao thông, và một số lỗi khác về giao thông. Nhiều tai nạn, ẩu đả, các vụ được cho là ‘kích động gây rối’ cũng được nói đã xảy ra tại Hà Nội vào tối 6/12.

Đây là lần đầu tiên truyền thông trong nước đưa tin về một số lượng lớn những người đi ăn mừng chiến thắng của đội tuyển bóng đã bị xử phạt vì kích động gây rối.

Một bộ phận khác chỉ chực chờ để được xuống đường, để thực hiện những gì mạnh mẽ, hồ hởi và để người ta giải tỏa trạng thái tâm lý. 

-TS. Trịnh Hòa Bình

Trong khi đó, các cuộc tuần hành ôn hòa phản đối Trung Quốc và ô nhiễm môi trường ở Việt Nam thường bị công an và an ninh đàn áp mạnh tay. Hoa giải thích có sự khác biệt giữa các vụ được chính quyền cho là ‘tụ tập đông người’ như sau:

Cái tụ tập đá banh là người ta đem cờ nước ra ăn mừng thì trong sự tụ tập đó nếu mà có mất an ninh hay không, nếu nhà nước không kiểm soát được thì họ cũng chỉ nói vài ba câu cho huề vốn, hoặc vài câu thế này thế nọ. Nhưng hình ảnh của sự tụ tập đó là hình ảnh của Việt Nam vô địch, hình ảnh Việt Nam Hồ Chí Minh quang vinh thì người ta không thể đàn áp được một sự tụ tập như vậy. Nhưng nếu tụ tập yêu cầu chính quyền làm một việc gì đó, cho dù là ôn hòa đi chăng nữa, nhưng chính quyền họ sẽ cố gắng gán ghép những từ ngữ và hệ quả rất đi xa vấn đề.

Hoa nói rõ lý do vì sao nhà nước đàn áp những cuộc biểu tình ôn hòa của người dân:

Chính quyền họ thích tụ tập ca ngợi đất nước dưới sự lãnh đạo của nhà nước này thì họ để cho tụ tập. Còn nếu tụ tập mà phê bình nhà nước này thì tất nhiên họ phải ngăn cấm thôi.

Đã có hàng trăm người tham gia những cuộc tuần hành này trong các năm qua bị đánh đập, bắt giữ với cáo buộc gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ. Điển hình là những cuộc tuần hành của hàng ngàn người ở một số thành phố tại Việt Nam trong tháng 6 vừa qua phản đối hai dự luật Đặc khu và An ninh mạng.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/football-cheering-is-a-psychological-relief-12072018131154.html

 

Các ông ác lắm, vô cảm lắm và đểu lắm

Nguyễn Tường Thụy

Mỗi khi Việt Nam chiến thắng về môn bóng đá ở giải đấu nào, dù đá ở sân Mỹ Đình hay sân Thường Châu, hoặc ở sân nào đó, cơn bão ăn mừng chiến thắng đều nổ ra ở Hà Nội, Tp HCM và các tỉnh thành khác.

Khi đó, với cổ động viên VN, VN là vô địch. Trong đầu họ, không chỉ vô dịch bóng đá (dù chỉ tưởng tượng) mà cái gì cũng vô địch. Cờ đỏ sao vàng đã đành, họ mang cả hình ông Hồ, ông Giáp ra để hù dọa thiên hạ.

Ngày hôm qua, sau chiến thắng lượt về trước Philippines cũng thế. Kết quả sự ăn mừng quá khích này là nhiều cổ động viên chết khi đi bão ăn mừng đội VN thắng.

Lo ngại rằng ngày 11/12 tới, sau trận chung kết lượt đi với Malaysia, nếu VN thắng sẽ chết nhiều hơn,

Đặc biệt, sau trận trận chung kết lượt về tổ chức ngay tại VN ngày 15/12, nếu VN thắng nữa thì sẽ ra sao. Sợ thật.

Trong khi, các cường quốc bóng đá hàng đầu địa cầu, cũng không có sự quá khích tới mức ấy.

Điều rất lạ là, thực tế ấy, Liên đoàn bóng đá VN chưa bao giờ có một khuyến cáo nào.

Báo chí  VN cũng thế.

Lãnh đạo, quan chức VN không cũng không đưa ra một cảnh báo nào về cái sự ăn mừng quá khích.

Các ông rất vô trách nhiệm và vô cảm.

Các ông ác lắm, vô cảm lắm và đểu lắm.

Hình như các ông cũng ủng hộ việc ca ngợi hết mình vì chiến thắng của VN, và muốn cổ động viên điên hơn nữa để quên đi hiện thực đau đớn mà ở mặt nào của xã hội đều có. Còn thằng nào chết kệ chúng nó.

Giải thích tại sao, bóng đá VN mới gọi là có vị trí ở khu vực mà đã điên lên thế, có nhiều ý kiến cho rằng, VN chẳng hơn thiên hạ được cái gì, cho nên chỉ hơn chút về bóng đá mới điên lên như vậy. Họ không tìm ra được niềm vui nào từ hiện thực đau khổ ở xã hội này nên mới hơn người chút thì tranh thủ để vui, để tự hào. Đây là một tâm lý có thật.

Khi lên cơn cuồng như vậy, họ cố quên hết những gì tủi nhục, hổ thẹn của VN so với thế giới.

Kể cả khi không có gì thì họ bung lên một lá cờ đỏ sao vàng khi thiên hạ ghi bàn thắng ở một giải đấu chẳng liên quan gì đến VN rồi la lên: “Tự hào quá VN ơi” thì đủ biết sự trơ trẽn đã ở mức nào.

Những việc đó diễn ra bởi hàng trăm nghìn người, trong khi chỉ 4 người giăng biểu ngữ ủng hộ Huỳnh Thục Vy ở vỉa hè đường phố thị xã Buôn Hồ cũng đòi về đồn để “làm rõ” vì tội tụ tập đông người.

Cần cảnh giác trước mưu mô lấy chiến thắng bóng đá để để lấp liếm đi sự khốn nạn ở đất nước đau khổ này.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/you-are-mean-and-cruel-12072018135307.html

 

Nói trước, không phải lỗi tại tôi

khi các anh chị bịt mũi đọc cái bài này

Tre
Sát nhà tôi là nhà vợ chồng một công chức về hưu sớm. Họ làm thêm và tiết kiệm bằng cách nuôi gà, nuôi chim cút, nuôi nhím, trồng rau.

Cái chuồng nuôi vài chục con gà của họ đặt sát hàng rào phân cách hai nhà.

Cách đó chỉ hai mét, qua cái sân nhỏ, là phòng ngủ của tôi.

Mỗi sáng, chưa đến 5 giờ, bọn gà hò nhau gáy vang!

Tôi, của đáng tội, cũng hay tỏ vẻ yêu thiên nhiên lắm. Cơ mà bị thiên nhiên đánh thức đều đặn vào cái giờ ấy, trong khi mình muốn và được quyền ngủ đến 8 giờ cơ thì cái tình yêu ấy xem chừng cũng yêu yếu dần đi, rồi đến ngày đoản mệnh.

Thêm vào đấy là mùi phân gà. Chưa có quy định nào yêu cầu nuôi gà trong thành phố thì phải tắm (gà) thường xuyên, cũng chưa ai thấy con gà nào xài khử mùi (thơm mát, trắng mịn như ngọc trai, TV hay quảng cáo) nên mùi phân của cái bọn gà ấy không thể nào gọi là dễ chịu cả.

Tiếp đến là con mạt gà cuốn theo chiều gió bay vào nhà, khiến chúng tôi gãi xoành xoạch suốt cả ngày.

Nhắc thì anh ấy “ní nuận”: “Đất nhà tôi, tôi làm gì kệ xác”. Ừ mà phòng khách nhà anh ta cũng bên cạnh chuồng gà.

Đành phải đưa đơn ra tổ dân phố.

Các nhà bên cạnh cũng đồng loạt than vãn. Anh ấy nhượng bộ bằng cách mua nilon với lưới về quây kín cái chuồng bên phần đất anh ta. Lâu lâu nilon thủng thì lại thay.

Ở cuối khu thì có một anh khác trồng cả một vườn hoa rực rỡ bên ngoài đường đi. Anh yêu và siêng năng chăm sóc cây hoa lắm lắm.

Phiền nỗi, anh toàn chăm bằng các biện pháp đặc sệt “sinh thái”, như để dành nước tiểu vào vại, om thật lâu rồi múc ra tưới hoa và cây cảnh.

Lạy giời, hoa đẹp thì đẹp lắm, tươi thì tươi lắm, nhưng mỗi lần anh tưới hoa thì hàng xóm cứ phải bịt mũi nghiến răng rõ lâu.

Cho nên hễ đọc các bài báo ca ngợi những ngôi nhà giữa lòng thủ đô “đưa được mô hình vườn-ao-chuồng” vào thành phố, “tạo nên một vẻ xanh mát organic cho thành thị”, tôi lại rưng rưng thương xót những hàng xóm của họ.

Có những ngôi nhà ống bốn tầng nhưng chủ nhà tự dựng lên 3 tầng nữa bằng fibro ciment và gỗ, để làm chuồng nuôi lợn (ăn cho nó sạch bác ạ, dạo này thực phẩm đáng sợ lắm). Bên cạnh chuồng lợn là chuồng gà. Dưới tầng 2 là ao cá.

Bên cạnh đấy là cái phuy ủ chất thải và phân gà, để làm đất bón rau. Úi giời ơi cứ là xanh mơn mởn! Sâu á, cứ gọi là đầy đất. Rau sạch thì mới có sâu nhá, hàng chuẩn đấy bác ạ!

Báo chí ca ngợi họ cứ như tân Cô-lông-bô phát hiện ra châu Mỹ. Chả những đủ ăn lại còn thừa thãi vì bán rau gà cá lợn sạch cho hàng phố. Góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Mấy năm nay dân Việt Nam hễ cứ đọc báo là run lẩy bẩy. Nào rau muống tướt nhớt gây ung thư. Nào cá rô phi gây ung thư. Nào mít nhúng hóa chất gây ung thư. Nào chảo chống dính gây ung thư. Nào ăn nhiều đường gây ung thư…

Nói chung, cứ cầm đến báo chí là lại thấy cái gì đấy gây ung thư!

Mà tất cả tin tức gì về ung thư đều được share dữ dội trên mạng. Người người tát (tag) nhau. Nhà nhà tát (tag) nhau. Tẩy chay.

Ngay cả khi những kỹ sư nông học, bác sĩ, những nhà khoa học phản biện và chia sẻ kiến thức đúng trên báo hay trên trang mạng cá nhân, dân ta vẫn không tin.

Có doanh nghiệp đang bán mít sấy, bán chạy đùng đùng thì tin mít (dứa, chuối) ung thư dội xuống. Chả ai dám mua nữa. Mít (dứa, chuối) tươi bỏ thối, mít (dứa, chuối) khô may mà xuất khẩu nên còn vớt vát. Khóc nỉ khóc non, họ mời các nhà khoa học tổ chức hội thảo, mời cả nông dân và báo giới đến thông tin rộng rãi.

Cơ mà chúng (dân) ông vẫn chả thèm tin.

Họ không tin chả phải vì có cơ sở để nghi ngờ chứng minh của các nhà khoa học. Không tin là bởi vì trước nay nhiều cái không tin được quá, cớ gì lần này ta đổi ý?

Tại vì rằng thì là cái con niềm tin nó đỏng đảnh, nó dở người, nó khó nuôi lắm. Cho ăn no thì nó vẫn chưa chắc sống mãi, mà dính tí nước bẩn  thì nó lăn đùng ra chết (xã hội Việt Nam mình hình như cái con niềm tin ấy nó không hợp hệ sinh thái, thỉnh thoảng lắm mới trông thấy nó đã đành, nó lại còn thường xuyên chết yểu).

Thế là những bà mẹ quê càng vất vả trăm chiều, để mà nuôi một đàn con chắt chiu (thưa ông Phạm Duy, ông đáng đánh đòn vì cái tội tiên đoán quá đúng như thế),  tháng tháng đóng thùng gửi rau, gà, lợn, cá ra thành phố cho con. Những dịp nghỉ dài ngày, dân phố về quê khệ nệ ôm theo bao gạo, tải rau, cả những bu gà, bao tải dứa đựng vịt.

Trên tàu hỏa, trên xe đò, những cái bu gà vịt sẽ được đặt ở ngay giữa sàn xe, trên lối đi. Chúng thò đầu ra ngắm con đường lên tỉnh, phấn khích kêu quàng quạc và ị sực nức.

Người cùng chuyến xe hay chuyến tàu thì chẳng còn cách nào khác là bịt mũi “thông cảm”.

Trong những chuyến tàu từ Bắc vào Nam, không ít lần tôi gặp những bà mẹ miền Trung sắp nắp thồ đến hai ba bao tải cao ngất, đậu xanh, gạo, bánh đa, và cả than củi để xông hơ cho con gái mới sinh, ở Sài Gòn.

Báo chí thổi bùng lên cơn phấn khích nông thôn hóa thành thị, vườn ao chuồng hóa cao ốc, gà hóa khu dân cư. Toàn dân nô nức phấn khởi thực hành chế độ nông dân sân thượng. Đi làm về thì dọn phân ủ phân trộn phân, trong giờ làm thì tranh thủ lên mạng vào Hội nông dân sân thượng học hỏi kinh nghiệm, gần hết giờ thì chạy trước để còn tạt chỗ nọ chỗ kia mua đất, mua giống, mua phân, mua trấu rải chuồng gà…

Bất chấp sự nguy hiểm tiềm tàng của những cái sân thượng nhà ống hay những cái ban công chung cư đột nhiên phải cõng đến hàng trăm hộp xốp chứa đầy đất và phân bón; hay mùi nước tiểu, mùi phân và ký sinh trùng phát tán khắp nơi từ những cái chuồng gà hay chuồng lợn sát bên phòng ngủ.

Các anh chị đọc đến đây chưa? Rõ khổ, đã bảo đừng đọc rồi cứ không chịu nghe cơ. Tôi đã bảo trước lỗi không phải tại tôi mà lị. Đáng ra tôi không viết cái sớ (vừa dài thườn thượt, vừa khăn khẳn phân gà phân lợn) thế này để làm hỏng một cuối tuần đẹp đẽ của các anh chị. Tôi muốn viết những bài thơ tình (bịa) xanh tươi, có hoa thơm bướm lượn, có những chú ong vo ve trong nắng vàng bên ly cà phê thơm ngát cơ.

Nhưng mà biết làm thế nào, khi mà cái ban công ngắm trăng của chúng tôi đã được khuyến mãi với những cái chuồng gà organic thời thượng đến như thế?

Tre

Chú thích

https://kienthuc.net.vn/khoe-dep/phat-hien-soc-an-ca-ro-phi-co-the-bi-ung-thu-606167.html

https://ngoisao.net/tin-tuc/gia-dinh/ong-bo-ha-noi-nuoi-50-con-ga-tren-san-thuong-cho-vo-con-an-tet-3711033.html

https://baomoi.com/da-mat-san-thuong-100m2-trong-rau-nuoi-ga-tha-ca-nhot-tho/c/19880519.epi

http://danviet.vn/gia-dinh/me-dam-vua-trong-rau-xanh-muot-nuoi-ga-sach-tren-san-thuong-40m2-863625.html

http://vinamit.com.vn/2016/12/29/chu-tich-kiem-ceo-vinamit-nguoi-dan-dang-bi-nhiem-doc-boi-truyen-thong-ve-thuc-pham-ban/

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/tt-is-not-my-fault-12072018132426.html

 

Lúng túng trong xử lý ‘Việt Phủ Thành Chương’

Trung Khang, RFA

Trong những ngày qua, dư luận ồn ào về việc có nên phá bỏ công trình ‘Việt Phủ Thành Chương’ vi phạm đất rừng Sóc Sơn.

Tuân thủ pháp luật cũng là một nét văn hóa

Tình trạng chiếm dụng đất rừng phòng hộ Sóc Sơn để xây biệt phủ và khu du lịch là chủ đề của nhiều bài báo thời gian gần đây. Một trong những sai phạm mà báo chí lên tiếng là việc cấp hơn 200 sổ đỏ cho việc nhận và chuyển nhượng đất rừng, cùng với việc quản lý lỏng lẻo của chính quyền địa phương khiến đất rừng bị “xẻ thịt”, nhưng đến nay tình trạng vẫn tiếp diễn tại một số biệt phủ và khu du lịch sinh thái.

Một trong những trường hợp là người có “địa vị xã hội, có ảnh hưởng” có công trình xây dựng trên đất thuộc rừng phòng hộ Sóc Sơn, là gia đình ca sĩ Mỹ Linh và ‘Việt Phủ Thành Chương’ của họa sĩ Thành Chương.

Tôi cho rằng pháp luật thì phải công bằng với tất cả mọi người, không kể đấy là trường hợp nào. Mà trường hợp xây Việt Phủ trong rừng phòng hộ thì chắc chắn là vi phạm pháp luật rồi.
-Giáo sư Đặng Hùng Võ

‘Việt Phủ Thành Chương’ do họa sĩ Thành Chương đầu tư xây dựng từ năm 2001 đến 2004 và hoàn thiện nhiều năm sau đó. Theo một số nhà văn hóa, ‘Việt Phủ Thành Chương’ là một khu văn hóa mang đậm nét làng quê Bắc bộ Việt Nam, với rất nhiều những giá trị truyền thống, dân gian, những di sản như cổ vật.v.v…

Vào ngày 17 tháng 4 năm 2006 Thanh tra Chính phủ kết luận về tình trạng xây dựng công trình trái phép, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ sai quy định… có ‘Việt Phủ Thành Chương’.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ khi đó nêu rõ, ‘Việt Phủ Thành Chương’có diện tích xây dựng khoảng 3.000 m2- 8.000m2. Đây là đất quy hoạch rừng đặc dụng, trước đây giao cho ông Lưu Văn Sỹ quản lý bằng sổ lâm bạ. Đến năm 2001, ông Lưu Văn Sỹ bán cho ông Nguyễn Thành Chương dưới dạng liên doanh liên kết, có giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân xã. Sau khi mua ông Chương đã xây dựng công trình kiên cố, suốt quá trình xây dựng chỉ một lần chính quyền xã phạt 10 triệu đồng và cho công trình tồn tại, sau đó ông Chương tiếp tục xây dựng cho đến khi hoàn thành.

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do về trường hợp này, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam cho biết:

“Tôi cho rằng pháp luật thì phải công bằng với tất cả mọi người, không kể đấy là trường hợp nào. Mà trường hợp xây Việt Phủ trong rừng phòng hộ thì chắc chắn là vi phạm pháp luật rồi. Về nguyên tắt thì pháp luật đất đai không cho phép chuyển nhượng đất cho người từ bên ngoài vào mua để tránh nguy cơ phá hoại rừng.”

Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, trường hợp họa sĩ Thành Chương muốn xây dựng một cơ sở văn hóa, để lưu giữ về văn hóa tâm linh… là tốt… nhưng thế nào đi nữa cũng là vi phạm đất đai.

Chúng tôi liên lạc với Họa sĩ Thành Chương, chủ nhân của ‘Việt Phủ Thành Chương’ và được ông trả lời như sau:

“Bây giời đang… đang… đang… đang… đang ăn cơm… không thể trả lời… lát nữa gọi lại nhé…”

Tuy nhiên, sau đó chúng tôi cố gắng gọi lại cho Họa sĩ Thành Chương nhiều lần nhưng điện thoại của ông tắt máy.

Khi nói về  ‘Việt Phủ Thành Chương’, Anh Nguyễn Chí Tuyến, một người dân ở Hà Nội đưa ra ý kiến của mình:

“Việc ông họa sĩ Thành Chương xây dựng Việt Phủ đó trên đất không được phép xây dựng, thì nếu sai thì họ có xử lý triệt để hay không? Cái Việt Phủ đó thì tôi cũng có theo dõi thì có biết nó có giá trị văn hóa, và mọi người cũng có ý kiến theo chiều hướng là để cho nó tồn tại. Tức là hợp pháp hóa hay xử phạt như thế nào đó, không tháo dỡ và để đó coi như một công trình văn hóa của Việt Nam. Nhưng cũng có một luồng ý kiến khác họ cũng phản đối, họ nói việc ông họa sĩ Thành Chương xây dựng Việt Phủ như vậy, nhưng việc ông ấy vi phạm pháp luật cũng là một nét văn hóa, bởi vì tuân thủ pháp luật cũng là một nét văn hóa.”

Anh Nguyễn Chí Tuyến không đưa ra ý kiến chủ quan của mình, nhưng anh cho rằng, nếu sai đến đâu thì xử lý đến đó cho đúng, nếu mà nói là thượng tôn pháp luật thì phải tìm cách xử lý cho nó hợp tình hợp lý.

Khó xử lý nghiêm minh

Vào ngày 4 tháng 12 năm 2018, bên lề kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, Bí thư huyện Sóc Sơn, Phạm Xuân Phương khi trả lời báo chí về việc xử lý những sai phạm liên quan quản lý đất rừng Sóc Sơn, trong đó có công trình Việt Phủ Thành Chương, ông Phương nói rằng ‘phá Việt phủ Thành Chương là vô cảm’.

Ông Bí thư huyện Sóc Sơn cũng cho rằng, đây là công trình hiếm về văn hoá Việt cổ, cần có cơ chế để thành điểm du lịch tâm linh hợp pháp!?

Việc ông họa sĩ Thành Chương xây dựng Việt Phủ đó trên đất không được phép xây dựng, thì nếu sai thì họ có xử lý triệt để hay không?

-Nguyễn Chí Tuyến

Liên quan nhận định này, Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ truởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương, đưa ra ý kiến:

“Thật ra phá rừng thì đã là vô cảm rồi, cái bất chấp quy hoạch thì gần như bình thường ở Việt Nam, họ nói vậy mà không phải vậy, luôn luôn nó là như thế. Cho nên cái chuyện ‘quân hồi vô phèng’ làm lung tung vô chính phủ là cái chuyện rất bình thường ở Việt Nam, Bây giờ đấy mới là cái khó để giải quyết. Bây giờ nếu đập cái Việt Phủ Thành Chương thì mình cũng đã hủy hoại một loạt cái tài sản, mà tài sản cũng là của xã hội, thành ra đó cũng là thế kẹt.”

Giáo sư Nguyễn Khắc Mai cho rằng, giải pháp hay nhất là  phạt Phủ Thành Chương một khoản tiền lớn, khoảng bằng 70% đến 80% giá trị của nó, và cho tồn tại. Sau đó đưa số tiền phạt ấy vào bảo vệ môi trường, lập lại các khu rừng, trồng thêm cây cho Hà Nội.. v.v.

Một người dân ở huyện Sóc Sơn, sống gần ‘Việt Phủ Thành Chương’ cho rằng:

“Em nghĩ Việt Phủ Thành Chương thì nên giữ, cái đó người dân người ta bỏ bao nhiêu công sức ra mà bây kêu dở bỏ có mà… ai cũng tiếc lắm chứ anh. Cái đấy báo chí cứ bảo là vi phạm thế này thế kia, nhưng em thấy dân có vi phạm cái gì đâu? Cái đấy là ven rừng, ở dưới thôi, chứ không phải trên đất rừng hẳn. Thứ bảy, chủ nhật cũng có khách vào tham quan, em ở gần đấy nên cũng biết, hồi xưa lúc mới xây xong em cũng đã có vào xem.”

Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, khi nói pháp luật đất đai không thiên vị ai cả thì phải giải quyết, không có cách nào khác. Ông cho rằng xử lý theo cách nào cũng được nhưng bắt buộc phải xử lý.

Còn Giáo sư Nguyễn Khắc Mai thì cho rằng, hiện nay chính quyền Hà Nội đang lưỡng lự, không biết xử lý như thế nào? Bởi vì theo ông, Việt Nam có luật nhưng xử theo luật rừng, tùy tiện lắm, vì vậy rất khó khăn để xử lý nghiêm minh được.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/can-destroy-illegal-construction-viet-phu-thanh-chuong-12072018180008.html

 

Bắt cựu Phó chủ tịch thành phố Hồ Chí Minh,

khởi tố Bí thư Quận 2

Cơ quan điều tra Bộ Công an Việt Nam hôm 8/12 đã thực hiện lệnh bắt giam đối với cựu Phó Chủ tịch thành phố Hồ Chí Minh, Nguyễn Thành Tài, cùng hai cựu quan chức quản lý đất đai của thành phố.

Ngoài ra, còn có một viên chức đương nhiệm khác cũng bị khởi tố trong đợt này và bị cấm không được đi khỏi nơi cư trú là ông Nguyễn Hoài Nam, Bí thư Quận uỷ quận 2.

Truyền thông trong nước cho biết trong cùng ngày, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã quyết định khởi tố vụ án hình sự Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo điều 219 Bộ luật Hình sự 2015. Ông Nguyễn Thành Tài, người là Phó chủ tịch thành phố giai đoạn 2011 – 2015, bị khởi tố bị can cùng về tội danh trên. Ông Tài bị khởi tố điều tra liên quan đến những sai phạm trong việc giao, cho thuê không qua đấu giá khu đất 5.000 m2 tại số 8 -12 đường Lê Duẩn, quận 1.

Bí thư quận 2 Nguyễn Hoài Nam cũng bị khởi tố liên quan đến vụ án ‘đất vàng’ ở đường Lê Duẩn.

Hai cựu quan chức bị bắt khác trong cùng ngày là ông Đào Anh Kiệt, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường thành phố, và ông Trương Văn Út, nguyên Phó trưởng phòng quản lý đất, Sở Tài nguyên Môi trường thành phố. Hai ông Kiệt và Út đã bị khởi tố từ tháng 9 vì có liên quan đến dự án 2 – 4 – 6 Hai Bà Trưng, quận 1 và dự án số 15 Thi Sách, quận 1, là những vụ án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ nhôm) – một cựu sĩ quan an ninh đang phải chịu hai án là làm lộ bí mật nhà nước và lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Hôm 10/11, Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Bộ Công an cho báo giới biết cơ quan này đã khởi tố bị can và áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 5 cựu lãnh đạo thành phố bao gồm hai người vừa bị bắt là ông Trương Văn Út, Đào Anh Kiệt và 3 người khác là ông Nguyễn Hữu Tín – nguyên Phó chủ tịch thành phố, ông Lê Văn Thanh – Phó Chánh văn phòng UBND và ông Nguyễn Thanh Chương – Trưởng phòng Đô thị, văn phòng UBND. Những cựu quan chức này bị khởi tố vì liên quan đến việc cho thuê khu đất số 2 – 4 -6 Hai Bà Trưng trái quy định.

Hôm 7/12, một quan chức đương nhiệm khác của thành phố Hồ Chí Minh cũng bị Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đề nghị kỷ luật lên Bộ Chính trị vì những sai phạm liên quan đến quản lý nhà đất là ông Tất Thành Cang, Phó bí thư thường trực của thành phố.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/former-vice-chairman-of-hochimichcity-arrested-party-chief-of-district-2-prosecuted-12082018101315.html

 

Dân Việt ghét Trung Quốc

có gây khó khăn cho chính phủ Hà Nội?

Diễm Thi, RFA

Hôm 7 tháng 12, mạng báo Scroll có bài viết của tác giả Tom Fawthorp dịch ra tiếng Việt đại ý là “Người dân chống đối Trung Quốc gây khó khăn cho chính quyền Việt Nam.”

Bài viết đề cập đến các cuộc biểu tình chống Trung Quốc bành trướng hay những dự án có yếu tố Trung Quốc. Một trong những cuộc biểu tình lớn bị chính quyền đàn áp mạnh mẽ là biểu tình chống Dự luật đặc khu mà Quốc hội thảo luận vào tháng 6 năm nay.

Tại các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang, Vinh và Hà Nội, các cuộc biểu tình nổ ra vào sáng ngày 10 và 11 tháng 6 năm 2018.

Người dân phẫn nộ vì các đặc khu này nằm ở các vị trí chiến lược mà thời gian cho thuê đất tới 99 năm, và gần như chắc chắn Trung Quốc sẽ là bên thuê đất. Giáo sư Nguyễn Đình Cống phân tích về làn sóng phản đối Trung Quốc với RFA ngay khi sự việc xảy ra:

“Phản ứng nhiều nhất của dân Việt Nam là ở điểm này, là người ta cho là Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc là những vị trí có tính chất chiến lược. Những chỗ ấy nếu để cho nước ngoài, mà nước ngoài là nói chung chung chứ người ta rất lo khả năng rất lớn nước ngoài chính là Tàu vào, đưa người của họ vào.”

Theo bài viết thì đảng cộng sản Việt Nam thường đàn áp thẳng tay các lời kêu gọi đa đảng, nhưng xã hội dân sự và một số các tiếng nói cải cách bên trong chính phủ có thể làm trì hoãn hoặc sửa đổi các chính sách không hợp lòng dân liên quan đến Trung Quốc. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Trung ương đã từng ký tên vào một bản kiến ​​nghị lên Quốc hội kêu gọi hoãn lại dự luật. Vào tối ngày 27 tháng 8 năm 2018, ông  lên tiếng với RFA về thông báo của Quốc hội liên quan Dự luật Đặc khu:

“Tôi hoan nghênh động thái của Quốc hội đã dừng không có xem xét Luật Đặc khu và cũng lại hoãn việc xem xét luật này vào kỳ họp sắp tới đây, để chắc chắn là phải lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, của các cựu chiến binh, của người dân và cần phải có sự đánh giá thật là khách quan, khoa học, dựa trên kinh nghiệm thực tế và những kinh nghiệm trong nước.”

Những năm gần đây, nhiều cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền gần trọn Biển Đông đã xảy ra ở Hà Nội và Sài Gòn.

Ngoài ra còn có các cuộc biểu tình của người dân chống lại dự án Bauxite năm 2009 và vụ nhà máy thép Formosa xả chất thải độc hại trực tiếp ra biển gây nhiễm độc biển khiến cá chết hàng loạt dọc theo 120 km bờ biển bốn tỉnh miền Trung Việt Nam năm 2016.

Ảnh hưởng Internet

Theo số liệu của Liên Hiệp Quốc thì mức độ thâm nhập Internet của Việt Nam hơn 60% dân số và Việt Nam hiện là nước đứng thứ bảy trên thế giới với số lượng người dùng facebook là 58 triệu.

Theo tác giả Tom Fawthorp, các nhà phê bình nghi ngờ rằng Trung Quốc trao đổi việc giám sát internet với Việt Nam, nhưng họ cũng thừa nhận không có bằng chứng cụ thể. Blogger Mạnh Kim từng viết “Chúng tôi biết rằng cảnh sát an ninh mạng Việt Nam được đào tạo tại Trung Quốc và không loại trừ việc Trung Quốc đã giúp Việt Nam thiết kế và trang bị cơ sở hạ tầng an ninh mạng.”

Bài viết trích dẫn các cuộc phản đối dự luật đặc khu diễn ra sôi nổi trên không gian mạng xã hội. Đức Giám mục Phaolo Nguyễn Thái Hợp, một nhân vật hàng đầu của cộng đồng Công giáo Việt Nam, đã nêu trong một bản kiến ​​nghị với Quốc hội rằng việc thông qua dự luật đặc khu có thể gây hại cho an ninh và chủ quyền quốc gia bởi Trung Quốc có thể thông qua các tập đoàn được ưu đãi để từng bước xâm nhập những vị trí an ninh chiến lược của Việt Nam như một cuộc xâm lược mềm.

Chuyên gia về Việt Nam, ông Carl Thayer giải thích rằng các đặc khu có thể mang lại lợi ích kinh tế, nhưng các địa điểm lại rất nhạy cảm: Quảng Ninh nằm gần biên giới với Trung Quốc; Đảo Phú Quốc nằm gần các dự án và xây dựng cảng của Trung Quốc ở vùng duyên hải Campuchia; và Bắc Vân Phong là ở tỉnh Khánh Hòa.

Phân tích thêm về vị trí chiến lược của ba khu vực trong dự thảo Luật đặc khu, Giáo sư Tương Lai nhắc đến lịch sử ngàn năm đô hộ giặc Tàu trên đất Việt trong một lần trao đổi với RFA:

“Vân Đồn án ngữ cửa ngõ phía Đông Bắc nhìn ra Vịnh Bắc Bộ chỉ cách Hải Nam của Trung Quốc 200 hải lý, một vị trí chiến lược ở cửa ngõ phía Đông Bắc mà xưa kia ông cha ta đã từng ngăn chặn quân xâm lược phương Bắc theo đường biển kéo vào nước ta: Ngô Quyền chống quân Nam Hán, Lý Thường Kiệt chống quân Tống, Trần Hưng Đạo chống quân Nguyên.”

Trung Quốc có thể sẽ là nhà đầu tư lớn trong ba đặc khu do sự thống trị kinh tế tại Mekong, Đông Nam Á, một phần trong Sáng kiến ​​Vành đai và Con Đường của Trung Quốc. Tiến sĩ Vũ Quang Việt, từng làm việc ở Cục thống kê Liên Hiệp Quốc hoài nghi về những lợi ích. Ông cho rằng các đặc khu sẽ không giúp phát triển kinh tế công nghệ cao mà chỉ là khuyến khích phát triển các dự án bất động sản và cờ bạc.

Ngày 9 tháng 6 năm 2018, người dân trong nước nhận được thông báo từ Văn phòng Chính phủ về quyết định lùi Dự thảo Luật Đặc khu đến kỳ họp kế tiếp, tức tháng 10 năm 2018. Sau đó lại được hoãn tiếp đến tháng 5 năm 2019. Đây được cho là một thắng lợi của các tiếng nói phản biện.

Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng khi trao đổi với RFA về lần hoãn đầu tiên, ông gọi đó chỉ là kế hoãn binh:

“Lùi lại luôn luôn là một kế hoãn binh. Khi mà họ không tiến lên được thì họ chấp nhận lùi. Lùi đó là một cách âm thầm tổ chức lại và sẽ có một số động tác không công bố và sau đó sẽ trình dự luật y như cũ, và thậm chí có thể âm thầm lén lút thông qua. Với Quốc hội như thế này thì tôi chẳng kỳ vọng gì.”

Hóc búa Trung Quốc

Cũng theo bài viết trên mạng báo Scroll thì Trung Quốc là một vấn đề hóc búa cho các nhà lãnh đạo Việt Nam với lịch sử xâm lược từ hàng ngàn năm.

Gần đây nhất là cuộc chiến tranh biên giới nổ ra vào sáng sớm ngày 17 tháng 2 năm 1979, khi hơn 600 ngàn lính Trung Quốc đồng loạt tấn công các tỉnh dọc biên giới phía bắc Việt Nam bao gồm Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai và Lai Châu. Sau một tháng, Trung Quốc tuyên bố đã đạt mục đích và rút quân.

Trung Quốc và Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ trong những năm 1990 với thương mại, đầu tư và ngoại giao nhưng vẫn tiếp tục có những xung đột do Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên những vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn ở Hoàng Sa và Trường Sa cũng như việc Trung Quốc đánh chìm các tàu cá của Việt Nam trong vùng biển tranh chấp.

Bắc Kinh là đối tác thương mại không được ưa chuộng tại Việt Nam.

Các cuộc biểu tình chống Trung Quốc của người dân Việt Nam những năm gần đây phản ánh tình trạng người dân Việt không còn tin tưởng vào những quyết sách của chính phủ Việt Nam với Trung Quốc.

Trong khi đó, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc được tổ chức ở Thượng Hải đầu tháng 11 năm 2018 rằng Việt Nam là vùng đất hứa cho các nhà đầu tư quốc tế, trong đó có Trung Quốc. Ông nói thêm rằng Việt Nam cần 25 tỷ USD mỗi năm để phát triển cơ sở hạ tầng.

Bác sĩ Đinh Đức Long nói với RFA rằng theo ông thì chính phủ có quyền lực trong tay và họ làm theo ý họ, người dân phản đối không ảnh hưởng lên quyết định của nhà cầm quyền. Luật An ninh mạng chính thức được thi hành vào ngày 1/1/2019 là một ví dụ.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vn-opposition-to-cn-put-the-gov-in-a-tough-spot-dt-12072018145124.html

 

Chủ tịch Trọng nên nói gì

 với Tổng thống Trump nếu thăm Mỹ

Tiến sỹ Phạm Đỗ ChíGửi cho BBC từ Florida, Hoa Kỳ

Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng nếu đến Hoa Kỳ nên nói rằng Việt Nam đang làm theo kinh tế thị trường thực sự khi Mỹ – Trung đang thương chiến, Tiến sỹ Phạm Đỗ Chí, cựu quan chức cao cấp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nêu ý kiến.

Mỹ-Trung hưu chiến: Trump hay Tập đang thắng?

Thế giới sẽ ‘nghèo hơn’ vì cuộc chiến thương mại

Cuộc chiến thương mại: ‘TQ đang lo lắng’

Ba câu hỏi lớn cho Việt Nam lúc này là:

Thứ nhất, Việt Nam cần chọn cách đi gì khi cuộc thương chiến Hoa Kỳ – Trung Quốc đang tạm “bớt nóng” sau cuộc họp Trump-Tập hôm 1/12 bên lề cuộc họp G-20 ở Argentina?

Thứ hai, các chính sách kinh tế, chính trị và quân sự lớn đang có của Việt Nam có gì đúng, sai?

Cuối cùng, liên quan đến sáng kiến gì ở cấp cao nhất sau “nhất thể hóa” ở Hà Nội, nếu muốn?

Thương chiến Mỹ – Trung

Việt Nam có thể hưởng lợi lớn trong cuộc thương chiến Mỹ – Trung hiện tại.

Thứ nhất, do cả sự di chuyển của một số hãng công nghệ quốc tế từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh thuế Mỹ (đang áp đặt từ tháng Tư và có thể tăng cao và kéo dài).

Thứ hai, bằng cách thu hút thêm nhiều đầu tư FDI khác ngoài Trung Quốc, nhất là từ phía Mỹ, để sản xuất thay thế cho nhiều hàng nhập từ Trung Quốc vào Mỹ.

Ví dụ lớn nhất đang làm xôn xao Hà Nội là việc Foxconn, đối tác gia công các sản phẩm iPhone lớn nhất của Apple, có thể đang thương thuyết các điều kiện ưu đãi để mở nhà máy sản xuất iPhone ở Việt Nam, tương đương nhà máy của Samsung ở miền Bắc.

Con đường rõ ràng để đi là cải cách thể chế, tăng cường tính thị trường của nền kinh tế, khuyến khích khu vực tư nhân thay vì doanh nghiệp nhà nước trong sản xuất và xuất cảng…Tiến sỹ Phạm Đỗ Chí, Cựu quan chức cao cấp quỹ IMF

Nhưng như thế không có nghĩa là Việt Nam nên để các hãng Trung Quốc tràn vào Việt Nam để thay “mác Trung Quốc” bằng “mác Việt Nam giả” nhằm xuất sang Mỹ.

Qua các tiếp xúc gần nhất, người viết có thể khẳng định là các giới chức Mỹ rất cảnh tỉnh với “âm mưu” này của Trung Quốc.

Giống như trường hợp “thép Việt Nam xuất xứ Trung Quốc“, họ có thể sẵn sàng cấm nhập vào Mỹ hay ít nhất áp thuế rất cao đến 25% -35% với các mặt hàng này từ Việt Nam, thậm chí chặn hẳn hàng “mác giả Việt Nam thay mác Trung Quốc” lúc vào cửa khẩu Mỹ.

Trong tinh thần này, vẫn còn nhiều vấn đề đòi hỏi xem lại tính hợp hiến và hợp pháp của Thông tư 19 của Ngân hàng Nhà nước từ ngày 12/10/2018 cho phép dùng đồng Nhân dân tệ (NDT) ở bảy tỉnh biên giới (và sau này có thể lan tràn khắp Việt Nam).

Thông tư 19 cho dùng Nhân dân tệ: Mối nguy bắt đầu?

Thanh toán bằng nhân dân tệ là ‘xu hướng thế giới’

Thông tư 19 có tạo ‘nơi trú ẩn’ cho đồng NDT?

Đây là một chính sách sai lầm cần rút lại ngay trước khi có tác động làm hàng Trung Quốc tràn ồ ạt vào Việt Nam (khiến Mỹ đề phòng cần đối phó trực diện với Việt Nam), và làm lũng đoạn chính sách tiền tệ, bên cạnh vấn đề nghiêm trọng là vi hiến và xâm phạm chủ quyền quốc gia.

Con đường rõ ràng để đi là cải cách thể chế, tăng cường tính thị trường của nền kinh tế, khuyến khích khu vực tư nhân thay vì doanh nghiệp nhà nước trong sản xuất và xuất cảng, cho phép tự do mua bán với Mỹ, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và tránh áp lực bắt các hãng Mỹ truyền các bí mật công nghệ cao lúc sản xuất bên Việt Nam để lập các thương hiệu, chuỗi sản xuất mới và riêng biệt của Việt Nam.

Đây cũng là các đòi hỏi chính yếu của Tổng thống Trump được nhắc lại trong cuộc hội nghị mới đây với Chủ tịch Tập Cận Bình.

Nhìn xa hơn, với chính sách mới của Mỹ khuyến khích phát triển khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương, Việt Nam có thể hưởng lợi lớn về cả chính trị và kinh tế thương mại bằng cách tham gia một lên minh mới với vài nước chính trong khu vực (không nhất thiết phải là ASEAN vì khối này có Lào và Campuchia đã nghiêng hẳn về Trung Quốc) như Ấn độ, Úc và New Zealand để phát triển ngoại giao và thương mại khu vực, đặt thế đứng vững chãi nhằm tăng cường thương mại bền vững với Mỹ.

Nhưng quan trọng nhất là điểm sau mà Việt Nam cần nắm ngay sáng kiến để tăng uy thế với cả Mỹ và Trung Quốc mà không cần nghiêng về bên nào.

Lưu tâm của Mỹ có thể thương thuyết tái lập TPP với vài điều kiện mới (dưới đây), để cô lập Trung Quốc thêm nữa ngoài vòng mua bán bùng nổ của châu Á với Bắc Mỹ và khối EU cho các năm tới.

Nguyễn Phú Trọng sẽ gặp Donald Trump ở Mỹ?

Từ Washington, D.C. nơi có các hoạt động thường xuyên và nhộn nhịp của giới vận động hành lang (lobbyists) có ảnh hưởng quan trọng tới giới hoạch định chính sách hàng đầu của Mỹ, đang có tin đồn là có các vận động dàn xếp quan trọng để ông Nguyễn Phú Trọng trong tư cách mới là Chủ tịch nước Việt Nam sẽ được mời sang thăm Mỹ lần nữa, trong tháng Một hay tháng Hai tới, để gặp Tổng thống Donald Trump.

TBT Nguyễn Phú Trọng ‘sẽ kiêm Chủ tịch nước’

Kỳ vọng gì từ Tân Chủ tịch nước Việt Nam?

Nguyễn Phú Trọng: ‘Người đốt lò vĩ đại’

Trong việc tạo thế cân bằng chính trị giữa hai sức mạnh khổng lồ là Trung Quốc và Mỹ, sẽ là một lỗi lầm nghiêm trọng nếu Việt Nam ngả về phía Trung QuốcTiến sỹ Phạm Đỗ Chí, Cựu quan chức cao cấp quỹ IMF

Nếu như vậy, Việt Nam với bộ mặt “nhất thể” mới có thể nhân dịp này để:

Tuyên bố cải cách kinh tế thị trường, nhất là tuyên bố cắt giảm các chi tiêu ngân sách do có thể ghép các hoạt động của Nhà nước (Chính phủ) và Đảng, và thống nhất hơn trong việc đàm phán chính trị, kinh tế cũng như các hiệp ước thương mại với thế giới;

Thống nhất nội bộ để sang thăm Mỹ ở cấp cao nhất và gần ngày nhất (trước cuộc họp với Chủ tịch Kim Jong-un của Bắc Hàn để có các tin truyền thông hiệu quả và giật gân (“good media coverage”) và tranh thủ sáng kiến cùng Nhật Bản đề nghị với Mỹ tái lập thương thuyết TPP, có vẻ như không tưởng lúc này, nhưng sáng kiến này sẽ được Mỹ nghe và yểm trợ hết mình, vì là đối trọng với chính sách “Một Vành đai, Một Con đường” của Trung Quốc mà Mỹ đang muốn làm suy yếu hay chết hẳn. Vai trò của ông Trọng sẽ quan trọng và nổi bật nhất ở điểm này.

Từ đó cũng có nhiều hy vọng ngăn chặn sự “xâm lăng” tài chính tiền tệ của Trung Quốc như đã nêu ở trên.

Việt Nam cần sửa soạn kỹ về mặt chuyên môn từ chuyên gia của các bộ liên quan để trình bày Việt Nam có thể làm gì, như giúp Trump đang muốn thúc đẩy Trung Quốc cải cách kinh tế hướng đến thị trường và cụ thể giảm xuất siêu sang Mỹ ra sao:

Ví dụ: mua thêm đầu nành và hàng nông sản Mỹ khác, đang là “chỗ ngứa” chính của Trump;

Kiểm soát và thực thi sở hữu trí tuệ ra sao, ngăn ngừa việc ăn cắp công nghệ của Mỹ (ví dụ: ZTE và Huawei);

Không xuất khẩu “hàng Trung Quốc lấy mác Việt Nam” mà thay vào đó, tăng cường các mặt hàng ưu thế của Việt Nam có đầu tư của nhiều nước khác ngoài Trung Quốc (nhất là Hoa Kỳ).

Trong việc tạo thế cân bằng chính trị giữa hai sức mạnh khổng lồ là Trung Quốc và Mỹ, hay nôm na là thế “đu dây” của Việt Nam, sẽ là một lỗi lầm nghiêm trọng nếu Việt Nam ngả về phía Trung Quốc.

Về mặt quân sự, Mỹ có những bước đi lớn:

Luật mới về quân sự mà Quốc hội Hoa Kỳ vừa thông qua, với ngân sách lớn cho các can thiệp tương lai của Mỹ trong vùng Biển Đông;

Các quyết định quân sự quan trọng cùng lúc của Mỹ trong tuần lễ 23 – 30/9/2018, gồm: cho máy bay B-52 thị sát vùng Biển Đông, tập trận thủy quân lục chiến ngoài khơi, và cho tàu Decatur tiến vào vùng tự do hàng hải để “nắn gân Trung Quốc” và bị tàu Trung Quốc cắt mặt cách 41m khiêu khích;

Rút khỏi hiệp định hạt nhân với Nga để tự do sản xuất tên lửa tầm ngắn và trung, thực sự là nhằm vào lãnh thổ Trung Quốc.

Những động thái này đã xác định hùng hồn và mạnh mẽ (giúp Việt Nam có thể yên tâm hơn) về sự cương quyết can thiệp của Mỹ ở Biển Đông trong tương lai, bắt buộc Trung Quốc tôn trọng luật di chuyển hàng hải tự do trong vùng, phủ nhận và ngăn chặn sự xâm lăng của “đường lưỡi bò” của Trung Quốc trên lãnh hải Việt Nam.

Việc Thượng viện Hoa Kỳ cũng thông qua đạo luật cho phép Mỹ cắt đứt “đường lưỡi bò” đó của Trung Quốc ở Biển Đông và Bộ trưởng Quốc phòng James N. Mattis mới chính thức xác nhận các chủ quyền của Việt Nam ở vùng này phải chăng nằm trong vận động mà Mỹ rất cần Việt Nam ủng hộ?

May mắn chăng là Việt Nam có thể ở vào thế hưởng lợi “bất chiến tự nhiên thành”?

Làm sao thể hiện rõ các điểm quan trọng này nếu quả thật sẽ có cuộc gặp cấp cao của Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng với Tổng thống Trump sắp tới?

https://www.bbc.com/vietnamese/forum-46480877

 

Quan hệ quốc phòng Việt Ấn tăng tốc

Kính Hòa RFA

Đã có tới 6 chuyến thăm viếng qua lại giữa các giới chức cao cấp Việt Nam Ấn Độ trong năm 2018.

Tháng Giêng 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Ấn Độ.

Tháng Ba 2018, cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm New Delhi.

Tháng Sáu 2018 Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ, bà Nirmala Sitharaman, thăm Việt Nam.

Tháng 10/2018, Trung tướng Lê Huy Vịnh của Không quân Việt Nam thăm Ấn Độ.

Từ ngày 18 đến ngày 20/ tháng 11/2018, Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind thăm Hà Nội. Ngay sau chuyến thăm này vài ngày, Đại tướng Bipin Rawat, Tổng tham mưu trưởng quân đội Ấn Độ thăm Việt Nam.

Đó là chưa kể tàu chiến Ấn Độ và tàu chiến Việt Nam tập trận chung tại vùng biển Việt Nam vào tháng 5/2018, một đơn vị quân đội Việt Nam lần đầu tiên tập trận với lục quân Ấn Độ tại miền Trung Ấn Độ vào tháng Giêng, cuộc tập trận chung đầu tiên trong lịch sử quan hệ hai nước.

Ngoài ra Ấn Độ cũng cho tàu chiến thăm các cảng của Việt Nam liên tục từ năm 2016 đến nay.

Có những sự kiện trong số này ít, hoặc hoàn toàn không được báo chí nhà nước Việt Nam nhắc đến như chuyến thăm Ấn Độ của Tướng Lê Huy Vịnh, hay là cuộc tập trận lục quân vào tháng Giêng.

Những sự kiện này, theo nhà nghiên cứu độc lập Hà Hoàng Hợp tại Singapore, là nối tiếp của sự kiện quan trọng nhất trong quan hệ hai nước là chuyến đi Việt Nam của Thủ tướng Ấn Độ, ông Narendra Modi, vào năm 2016.

Nói chuyện với chúng tôi sau khi Tổng thống Kovind đến Hà Nội, ông Hà Hoàng Hợp cho biết:

Chuyến thăm này rất quan trọng, nhưng không quan trọng bằng chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ đến Việt Nam. Thủ tướng đến rồi thì nay Tổng thống đến cũng là đáp lễ với chuyến thăm của Chủ tịch Trần Đại Quang trước đó.”

Trong chuyến thăm Việt Nam vào năm 2016, Thủ tướng Modi đã tuyên bố một gói tín dụng trị giá 500 triệu đô la Mỹ cho Việt Nam dùng để mua sắm vũ khí, trang bị của Ấn Độ. Đây là sự kiện lớn nhất đại diện cho quan hệ quốc phòng Việt Ấn tăng tốc trong thời gian gần đây.

Việt Nam cần có một quốc gia đủ mạnh chống lại tham vọng của Trung Quốc.
-Thạc sĩ Hoàng Việt.

Tác giả Saurav Jha, chuyên gia về năng lượng và quốc phòng người Ấn Độ, có viết một bài phân tích dài về việc cung cấp vũ khí từ New Delhi cho Hà Nội.

Theo những thông tin từ tác giả này, khả năng cung cấp vũ khí và những dịch vụ quốc phòng của Ấn Độ cho Việt Nam là rất rộng, từ những tên lửa BrahMos, Akash, cho đến các hệ thống radar, điện tử phòng thủ, từ việc huấn luyện thủy thủ tàu ngầm loại Kilo mà hai bên cùng mua của nước Nga cho đến nâng cấp tàu chiến loại Petya, huấn luyện phi công cho máy bay chiến đấu Sukhoi.

Một lợi điểm cho quan hệ mua bán vũ khí này là cả hai cùng có nguồn cung cấp chung trước đây là Liên Xô cũ.

Trong mối quan hệ quốc phòng này, một số nhà nghiên cứu Việt Nam nêu cao việc hợp tác hải quân, trong bối cảnh Việt Nam bị sức ép trên biển từ Trung Quốc.

Thạc sĩ Hoàng Việt, một chuyên gia nghiên cứu Biển Đông nói với đài RFA:

“Hai quốc gia đều có biên giới trực tiếp với Trung Quốc. Và hai quốc gia này trong quá khứ đã từng có chiến tranh biên giới với Trung quốc. Cho nên trước sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc trên những khu vực mà họ cho là họ có chủ quyền, trên biển lẫn trên bộ, Việt Nam cần có một quốc gia đủ mạnh chống lại tham vọng của Trung Quốc, quốc gia đó là Ấn Độ, bởi vì Ấn Độ cũng là một cường quốc.”không thua kém gì Trung Quốc cả, và về mặt hải quân còn có thể là hơn Trung Quốc một phần.”

Nếu mối quan hệ quốc phòng này được Việt Nam dùng để răn đe đe dọa từ Trung Quốc, thì ngược lại phía Ấn Độ cũng có thể dựa vào quan hệ với Việt Nam để đối trọng với Trung Quốc. Theo Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, chuyên về quan hệ quốc tế đang làm việc tại Singapore thì Ấn Độ đang tìm cách quân bình sức ép từ Trung Quốc bằng cách đẩy mạnh sự hiện diện của họ tại Biển Đông và khu vực Đông Nam Á nói chung. Đây chính là trọng tâm của chính sách “Hướng Đông” được Ấn độ thúc đẩy trong những năm gần đây. Chính sách này về mặt nào đó đối trọng với sự hiện diện của Trung Quốc ngày càng tăng ở khu vực Ấn Độ Dương bao quanh Ấn Độ.

Theo ông Saurav Jha, mối quan hệ quốc phòng với Việt Nam cũng cho phép New Delhi đặt tai mắt của mình đến gần Trung Quốc hơn, nhất là nếu các gói thiết bị điện tử phòng thủ và radar chuyển giao cho Việt Nam được suông sẻ.

Nhưng vì cả hai quốc gia có chung một quan ngại về phía Trung Quốc, nên sự gia tăng quan hệ song phương, đặc biệt là quan hệ quốc phòng không khỏi làm cho Trung Quốc cảnh giác. Ngay từ năm 2016, Bắc Kinh đã lên tiếng lo ngại về việc chuyển giao tên lửa đất đối không Akash của Ấn Độ cho Việt Nam.

Về việc này, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp cho rằng Ấn Độ cũng đang bị phân tâm về những vấn đề khác nhau về an ninh nội địa, cũng như sức ép của Trung Quốc trên biên giới giữa hai nước, nên có thể sẽ không hoàn toàn tập trung đẩy chính sách Hướng Đông, và quan hệ Việt Ấn đi nhanh hơn.

Từ phía Việt Nam cũng có những tín hiệu cho thấy Hà Nội cũng đánh tiếng không tham gia một liên minh quân sự bốn quốc gia bao gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, và Úc, qua lời phát biểu của tân Đại sứ Việt Nam tại Ấn là ông Phạm Sanh Châu mới đây.

Tôi không thấy trở ngại gì cả. Nhưng nếu nói Việt Nam tiếp cận khối bốn quốc gia đó thuần túy quân sự thì không phải.

-Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp.

Nhưng ông Hà Hoàng Hợp lại cho rằng quan hệ Việt Ấn không gặp trở ngại nào cả.

Tôi không thấy trở ngại gì cả. Nhưng nếu nói Việt Nam tiếp cận khối bốn quốc gia đó thuần túy quân sự thì không phải. Việt Nam tiếp cận toàn diện cả bốn quốc gia và cái khối đó còn có ý nghĩa toàn diện về chính trị, quốc phòng, an ninh.”

Theo ông Saurav Jha, các viên chức Ấn Độ tin rằng Việt Nam sẽ vẫn duy trì sự phát triển quan hệ quốc phòng Việt Ấn như hiện nay, bất kể những tín hiệu lo ngại đưa ra từ Bắc Kinh. Nhưng ông cho rằng sự thành công của Ấn Độ trong việc chuyển giao vũ khí cho Việt Nam sẽ là điều quan trọng để tăng tốc quan hệ đó.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-india-military-accelerates-12072018130340.html

 

VN xử nặng người tự vệ chống trộm còn TQ tha bổng

Luật sư Ngô Ngọc TraiGửi bài đến Diễn đàn BBC từ Hà Nội

Theo bài trên trang Vnexpress thì hôm 1/9/2018 Cảnh sát thành phố Côn Sơn, tỉnh Giang Tô đã tuyên bố ông Dư 41 tuổi, không phải chịu bất cứ trách nhiệm hình sự nào về cái chết của tài xế Lưu 36 tuổi và vụ án sẽ được khép lại.

Trước đó vào đêm 27/8, hai người đàn ông xảy ra ẩu đả sau khi Lưu điều khiển ôtô đi vào làn đường xe đạp và suýt tông trúng ông Dư đang đi xe đạp điện ở phía trước.

Lưu sau đó ra khỏi xe gây gổ với ông Dư, trước khi quay lại lấy mã tấu từ ghế sau và dọa chém người thợ điện đi xe đạp. Không may Lưu bị ông Dư quật ngã, cướp vũ khí và chém liên tiếp khiến tài xế xe sang phải bỏ chạy.

Làm sao để tòa án bảo vệ được công lý?

Xử ông Thăng nhưng có ‘xử được cơ chế’?

Chín án tử hình trong một phiên tòa

Tòa Hà Nam y án 9 năm tù cho bà Trần Thúy Nga

5 nhát chém trong vòng 7 giây khiến Lưu bị đứt một trong các tĩnh mạch chính và ruột. Lưu được đưa tới bệnh viện cấp cứu nhưng tử vong do mất quá nhiều máu trong khi ông Dư chỉ bị thâm ở cổ và thân.

Cũng theo báo chí đưa tin thì vụ việc tạo ra cuộc tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội Trung Quốc về việc liệu hành động của người đi xe đạp có vượt quá quyền tự vệ hợp pháp hay không.

Truyền thông đưa tin Lưu từng có tiền án tiền sự, bao gồm bắt người đòi tiền chuộc, trộm cắp và hành hung. Khi xảy ra ẩu đả, Lưu cũng đang lái xe trong tình trạng say xỉn.

Theo cảnh sát, Lưu đã đe dọa tính mạng của người đi xe đạp và phạm tội hành hung nghiêm trọng. Ông Dư được xác định chỉ hành động tự vệ và kết luận này đã được công tố viên tán đồng.

Có tiến bộ về quyền con người

Trung Quốc lâu nay vốn bị xem là nhà nước độc tài kém tôn trọng nhân quyền nhưng vụ xử trên cho thấy họ cũng có tiến bộ lớn trong vấn đề bảo hộ nhân quyền.

Bình luận về vụ án, một giáo sư thuộc đại học Luật và Khoa học Chính trị Trung Quốc cho hay phán quyết trên rất ít khi được áp dụng trong quá khứ nhưng vụ án của ông Dư sẽ khuyến khích việc chấp nhận điều này một cách rộng rãi hơn trong bộ máy tư pháp.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc bày tỏ sự ủng hộ với cuộc điều tra của cảnh sát, mô tả đây là “một thắng lợi của luật pháp”.

Bản thân tôi là một luật sư hành nghề ở Việt Nam thường xuyên quan tâm đến những tiến bộ của nền tư pháp, tôi đánh giá cao phán quyết của cơ quan tư pháp Trung Quốc trong vụ này.

Đó là một sự trưởng thành tiến bộ lớn về vấn đề tôn trọng và bảo hộ tính mạng sức khỏe công dân.

Vì khi xác định vô tội cho người đàn ông tự vệ mặc dù đã đánh chết kẻ kia, đó chính là sự bảo hộ tính mạng sức khỏe công dân là bất khả xâm phạm.

Một điểm đáng chú ý nữa là khoảng thời gian từ khi xảy ra vụ án đêm 27/8 đến khi công an có kết luận là ngày 1/9 chỉ 6 ngày, thời gian không dài mà cơ quan tư pháp Trung Quốc đã đưa ra được một phán quyết như vậy thì tôi cho rằng những tư duy pháp lý của họ đã tiến bộ rất xa.

Nhìn lại Việt Nam

Mới đây, hôm 1/11/2018 Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên án 9 năm tù cho một người đàn ông sinh năm 1967 ở Bắc Từ Liêm về tội giết người vì đã chém trọng thương một thiếu niên 17 tuổi nửa đêm vào nhà ăn trộm.

Phán quyết này cũng gây ra tranh cãi với nhiều ý kiến bất bình, vì lẽ chống trộm là phòng vệ chính đáng và tôi đồng ý với quan điểm này.

Đặt vụ án trong bối cảnh xã hội Việt Nam lâu nay đã xảy ra rất nhiều vụ đột nhập vào nhà mà ban đầu là trộm cắp sau đó là giết người khi bị phát hiện.

Mà không chỉ giết một người nhiều vụ đã xảy ra giết cả nhà, đỉnh cao tội ác là vụ án Lê Văn Luyện giết ba người trong một gia đình xảy ra hồi năm 2011 ở Bắc Giang.

Hay như mới đây, hôm 17/8/2018 vào khoảng giữa đêm một người đàn ông từng là cán bộ tư pháp phường ở thành phố Hưng Yên đã đột nhập vào nhà để ăn trộm, khi bị phát hiện đã đâm chết cả hai vợ chồng chủ nhà.

Cũng ở Hưng Yên, hôm 5/11/2018 một thiếu niên hàng xóm cũng đột nhập vào nhà một nữ giáo viên về hưu ở huyện Phù Cừ mục đích là để ăn trộm và khi bị phát hiện đã giết bà này.

Hôm 6/11/2018 Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An cũng đưa ra xét xử tuyên án 16 năm tù cho một bị cáo vì lý do ban đêm đột nhập vào nhà một phụ nữ ăn trộm, khi bị phát hiện đã chém 23 nhát dao giết chết chủ nhà.

Và rất nhiều vụ khác đã xảy ra mà báo chí đã đưa tin.

Trừng phạt người phòng vệ vì đã tấn công kẻ xâm nhập vào nhà mình, đó là đặt để tính mạng và tài sản công dân vào thế rủi roLS Ngô Ngọc Trai

Đặt trong tình trạng xã hội mất an ninh như vậy thì hành vi chém trộm của người đàn ông ở Bắc Từ Liêm cần được xem là tự vệ chính đáng, và ngành tòa án đúng ra phải củng cố trao quyền cho người dân được tự vệ giết kẻ đột nhập mới phải.

Nếu Tòa án Hà Nội tuyên vô tội cho người đàn ông chém trộm thì đó sẽ là một bước tiến bộ lớn về tư duy pháp lý, giống như bước đột phá trong phán quyết của vụ án bên Trung Quốc.

Nhưng Tòa án Hà Nội lại xử bị cáo kia 9 năm tù, và nhiều tòa án khác cũng xử lý những vụ tương tự, thì đó là một sai lầm về tư pháp bộc lộ trình độ tri thức pháp lý yếu kém và không coi trọng quyền được bảo hộ tính mạng sức khỏe và tài sản của công dân.

Trừng phạt người phòng vệ vì đã tấn công kẻ xâm nhập vào nhà mình, đó là đặt để tính mạng và tài sản công dân vào thế rủi ro.

Nó cũng giống như nhiều việc làm khác bộc lộ cùng một lối quan điểm nhận thức tương tự, như việc lạm dụng bắt bớ để xảy ra chết người, dễ dàng khám xét thu giữ tài sản hay những quy định cho phép được thu hồi đất, trưng thu trưng dụng tài sản.

Các hành vi đó đều là biến tướng khác nhau của cùng một lối nhận thức bản chất không coi trọng quyền sống và quyền sở hữu tài sản của công dân mà thôi.

Nền tư pháp Việt Nam lâu nay chưa khiến cho người dân yên tâm về thứ công lý mà nó mang lại và nó đóng góp rất hạn chế cho công cuộc quản trị đất nước.

Nhiều vấn đề tệ trạng của đất nước có cùng một nguyên nhân bản chất là do tư pháp yếu kém không đủ năng lực quản trị xã hội thực thi công lý.

Đã đến lúc vấn đề cải cách nền tư pháp cần được coi trọng đặt ngang với các chính sách quan trọng khác đang được thực hiện lâu nay như chống tham nhũng của Trung ương Đảng Cộng sản VN và phát triển kinh tế của Chính phủ.

Có vậy thì một trong những mảng ghép lớn của bộ máy nhà nước (ở các nước theo thể chế tam quyền phân lập thì tư pháp là một trong ba trụ cột quốc gia) mới phát triển được xứng tầm, đảm đương được vai trò quản trị xã hội và bảo hộ công dân như vai trò vốn có.

Quay trở lại với vụ án bên Trung Quốc, cách xử lý của họ cho thấy những tư duy pháp lý của tư pháp Trung Quốc đã tiến bộ bỏ xa Việt Nam.

Sự tiến bộ của tư pháp Trung Quốc còn thể hiện qua việc từ hàng chục năm trước họ đã cải cách thể chế bộ máy nhà nước, chuyển giao quyền quản lý các trại giam giữ từ Bộ Công an sang cho Bộ Tư pháp, tiệm cận với khung khổ pháp lý chuẩn mực tiến bộ, cái mà Việt Nam hiện nay loay hoay mãi mà vẫn chưa làm được.

Bài thể hiện quan điểm riêng của LS Ngô Ngọc Trai từ Hà Nội.

https://www.bbc.com/vietnamese/forum-46484537