Tin Việt Nam – 08/12/2016
Thêm một quan chức đi nước ngoài trị bệnh không trở về
Lại thêm một cán bộ cao cấp nữa của Việt Nam đi nước ngoài trị bệnh rồi biến mất. Báo mạng Dân Trí của Việt Nam cho hay là ông Lê Chung Dũng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty điện lực dầu khí, thuộc Tập đoàn dầu khí Việt Nam, đi nước ngoài chữa bệnh đã quá thời hạn được cho phép là hơn ba tuần lễ mà chưa thấy về.
Tờ Dân Trí cũng nói là Bộ Công thương, cơ quan chủ quản của Tập đoàn dầu khí đã yêu cầu Tập đoàn dầu khí báo cáo về chuyện này.
Một nguồn tin của báo Dân Trí cho hay là ông Dũng đang bị tình nghi là có sai phạm khi thực hiện việc xây dựng nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, khi ông làm ở Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí, dưới quyền ông Trịnh Xuân Thanh làm chủ tịch và ông Vũ Đức Thuận làm Tổng giám đốc.
Giới chức Việt Nam xác nhận ông Thanh đang ở Châu Âu, và bị Việt Nam phát lệnh truy nã toàn cầu, còn ông Vũ Đức Thuận đang bị tạm giam để điều tra.
Vẫn liên quan đến vụ ông Trịnh Xuân Thanh, hôm nay Ban Bí thư Trung ương đảng Việt Nam đã họp và quyết định kỷ luật ba cán bộ cao cấp, là các ông Trần Lưu Hải, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban tổ chức trung ương, đã có khuyết điểm khi ký giấy trả lời việc điều ông Trịnh Xuân Thanh về làm Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang.
Ông Huỳnh Minh Chắc, nguyên bí thư tỉnh ủy Hậu Giang, có sai phạm khi tiếp nhận ông Thanh về Hậu Giang.
Ông Nguyễn Duy Thăng, Thứ trưởng Bộ nội vụ, đã sai phạm khi thẩm định và phê chuẩn chức danh Phó chủ tịch của ông Thanh.
Ông Hải và ông Chắc bị cảnh cáo, còn ông Thăng bị khiển trách.
Cũng liên quan đến bổ nhiệm các cán bộ cao cấp, báo chí Việt Nam đưa tin ông Vũ Minh Hoàng, 26 tuổi được bổ nhiệm làm phó vụ trưởng vụ kinh tế, thuộc Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ. Nhưng điều lạ là viên chức trẻ tuổi này được bổ nhiệm khi đang du học, và việc bổ nhiệm cũng không được cấp trên trực tiếp của ông là ông vụ trưởng biết đến.
Và chỉ sau 32 ngày, theo báo Tuổi trẻ từ Thành phố Hồ Chí Minh, thì ông Hoàng lại được chuyển sang làm việc tại Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ.
Điều cũng đáng nói là trong suốt thời gian đó ông Hoàng đang du học tại Nhật Bản cho đến nay chưa làm việc một ngày nào.
VN bắt giám đốc dùng súng thị uy phụ nữ ở Sài Gòn
Công an TP HCM hôm 7/12 bắt giữ ông Bùi Đức Phương, ít ngày sau khi xuất hiện một đoạn video mà ông này bị cáo buộc “nổ súng đe dọa một người phụ nữ”.
Ông Phương bị giữ để, theo VnExpress, “làm rõ một số hành vi vi phạm pháp luật” như “việc nổ súng bắn đạn hơi cay đe dọa người phụ nữ” và “làm giả thẻ ngành công an”.
Cơ quan chức năng khám xét văn phòng của người được báo chí trong nước nói là Giám đốc Công ty dịch vụ bảo vệ Việt – Nhật, hai ngày sau khi xuất hiện một đoạn video trên mạng xã hội, trong đó ông Phương tranh cãi với một người phụ nữ về tiền lương chưa trả của con bà rồi sau đó nổ súng để thị uy.
Luật sư Võ An Đôn nhận định với VOA Việt Ngữ rằng công an TP HCM khởi tố vụ này nhanh chóng vì theo ông “dư luận đang quan tâm”, nhất là trên Facebook.
Ông nói thêm:
“Theo luật pháp Việt Nam, anh sử dụng súng, được phép đi nữa nhưng sử dụng súng thị uy không đúng mục đích thì cũng vi phạm nữa. Sử dụng con dấu giả mạo, chữ ký giả mạo cơ quan nhà nước thì là một tội danh khác nữa”.
Truyền thông trong nước dẫn lời cơ quan điều tra xác định rằng ông Phương đã “sử dụng súng loại công cụ hỗ trợ có thể bắn đạn cao su, hơi cay, trấn áp”.
VnExpress dẫn lời công an điều tra nói rằng vị giám đốc này đã sử dụng súng “sai quy định” dù công ty bảo vệ của ông “được cấp phép sử dụng công cụ hỗ trợ”.
Hiện chưa rõ thống kê số người thiệt mạng vì súng ở Việt Nam trong năm 2015. Tuy nhiên, báo chí Việt Nam thời gian qua đăng tải nhiều bài viết về tình trạng bạo lực liên quan tới súng ống.
http://www.voatiengviet.com/a/vn-bat-giam-doc-dung-sung-thi-uy-phu-nu-o-sai-gon/3628121.html
Điều trần vụ ô nhiễm Formosa tại Quốc hội Đài Loan
Trong hai ngày 5/12 và 6/12, hai linh mục Nguyễn Đình Thục và Nguyễn Văn Hùng đã có buổi làm việc với các dân biểu Đài Loan tại Đài Bắc, liên quan đến vụ ô nhiễm môi trường biển miền Trung Việt Nam do Tập đoàn Formosa của Đài Loan gây ra.
Buổi điều trần có sự tham dự của các dân biểu Đài Loan Tô Thị Phần, Ngô Côn Dụ, Trần Mạn Lệ và người đại diện của Chủ tịch Quốc hội Tô Gia Truyền.
Phía Việt Nam có Linh mục Nguyễn Đình Thục, quản xứ Song Ngọc, Giáo phận Vinh. Linh mục Nguyễn Đình Thục đã thay mặt cho người dân bị ảnh hưởng của vụ ô nhiễm môi trường đề đạt lên Quốc hội Đài Loan những yêu cầu và nguyện vọng của các nạn nhân Formosa tại Việt Nam. Ông nhận xét với VOA:
“Họ rất quan tâm đến vấn đề của Việt Nam, thể hiện qua việc có 3 dân biểu tham gia trong buổi điều trần, có nhiều luật sư, đại diện của Chủ tịch Quốc hội và các đại diện của các tổ chức xã hội dân sự. Sau khi tôi trình bày các vấn đề của chúng tôi xong thì họ đã thảo luận, xem ra họ rất nỗ lực để tìm ra giải pháp cho vấn đề đó. Ở Việt Nam, lẽ ra trách nhiệm của họ phải bảo vệ người dân, phải lắng nghe tiếng nói của các nạn nhân để hiểu được các nạn nhân đã phải chịu thiệt hại, khổ cực như thế nào. Nhưng xem ra việc đó rất khó để thực hiện ở Việt Nam. Ví dụ như bây giờ tôi đến để gặp một vị lãnh đạo cấp cao của Việt Nam thì tôi nghĩ chắc là rất khó. Nếu tôi đi gặp một vị bộ trưởng thì có lẽ nằm ngoài ước mơ của tôi, có lẽ tôi không thực hiện được. Nhưng chính phủ Đài Loan đã dành cho chúng tôi điều đó. Tôi cảm thấy đó là một vinh dự vì họ đã quan tâm đến vấn đề của Việt Nam”.
Kể từ khi xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường ở 4 tỉnh miền Trung từ đầu tháng 4 cho tới nay, đa số người dân ở khu vực này vẫn chưa tìm được công ăn việc làm mới. Linh mục Nguyễn Đình Thục cho biết nhiều người đã phải bán cả thuyền bè để trả nợ ngân hàng khi chưa tìm được nguồn thu nhập thay thế. Mặc dù chính phủ Việt Nam đã đồng ý mức bồi thường thiệt hại 500 triệu đôla của Công ty Formosa, nhưng các nạn nhân nói số tiền trên là quá nhỏ bé so với mức độ thiệt hại gây ra cho người dân và đối với môi trường, ước tính sẽ phải mất nhiều năm để khôi phục. Một số linh mục Công Giáo đã giúp đỡ cho người dân bằng cách quyên góp vật chất và hỗ trợ về mặt pháp lý cho người dân khởi kiện Formosa.
Sau buổi làm việc với các dân biểu Đài Loan, Linh mục Nguyễn Văn Hùng tại Đài Loan cho biết kết quả:
“Bên phía các dân biểu, với sự bảo trợ của Quốc hội, sẽ yêu cầu công ty China Steel, là công ty có cổ phần 25% trong cổ phần của Công ty Formosa Hưng Nghiệp ở Hà Tĩnh, phải đến một buổi tranh luận công khai ở Quốc hội, để yêu cầu Công ty China Steel phải trình bày những kết quả kiểm nghiệm về chất độc đã thải ra trong nước biển, và hiện nay đã làm gì để giải quyết những độc hại trong nước biển. Đồng thời, yêu cầu Công ty China Steel của chính phủ Đài Loan phải có trách nhiệm về việc đó”.
Ngoài ra, các đại diện của Việt Nam trình lên Quốc hội Đài Loan những yêu cầu phải sửa đổi một số quy định luật pháp về việc kiểm soát và xử lý những doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường ở nước ngoài như Formosa. Linh mục Hùng cho biết thêm chi tiết:
“Thứ nhất, chúng tôi yêu cầu bên Bộ Kinh tế, trong việc xét duyệt những đề án kinh tế đến các nước làm việc, đầu tư, thì không thể chỉ báo cáo miệng mà phải có trình tự đi qua. Thứ hai, nếu công ty ra nước ngoài mà gây thiệt hại hoặc vi phạm nhân quyền, thì chính phủ phải có trách nhiệm để ràng buộc công ty đó. Thứ ba, những nạn nhân ở những quốc gia mà những công ty làm kinh doanh gây ra những tai hại đó, thì dân chúng tại những địa phương ở quốc gia đó có quyền tới Đài Loan để thưa kiện”.
Linh mục Nguyễn Văn Hùng cho biết trong 2 ngày làm việc, Dân biểu Tô Thị Phần (Su Chih Fen) đã nhiều lần đề cập đến việc chính phủ Đài Loan trong những năm qua đã tạo điều kiện cho tập đoàn Formosa phát triển quá lớn mạnh. Chính điều này đã gây khó khăn cho việc giới hạn những việc làm sai trái của tập đoàn này. Theo Linh mục Nguyễn Văn Hùng, Tập đoàn Formosa ở Đài Loan cũng không giành được thiện cảm của người dân bản xứ sau những vụ gây ô nhiễm môi trường ở trong và ngoài nước.
“Công ty Formosa, trên trường quốc tế và cũng ảnh hưởng đến Đài Loan, đã được một huy chương đen, là huy chương mà một tổ chức ở bên Đức trao cho công ty vì công ty này đã đóng góp vào việc gây ô nhiễm môi trường và làm hại cho trái đất mà chúng ta đang sống”.
Cũng trong buổi làm việc, các linh mục Việt Nam đã trao một thỉnh nguyện thư của 46 tổ chức xã hội dân sự và nhân quyền ở Việt Nam, Hoa Kỳ, Đài Loan, Hàn Quốc, Mông Cổ, Campuchia và Iran tới Văn phòng Chủ tịch Quốc hội Đài Loan.
Các linh mục Việt Nam hy vọng các dân biểu Đài Loan có thể giúp Việt Nam bằng cách yêu cầu công ty Formosa công bố thông tin về mức độ ô nhiễm phát thải từ các nhà máy thép cũng như những nỗ lực để cải thiện môi trường và bồi thường, đồng thời đảm bảo các nhà máy được trang bị các thiết bị phù hợp để xử lý các chất gây ô nhiễm môi trường.
Các đại diện Việt Nam nói những vụ ô nhiễm môi trường do Formosa gây ra tại Việt Nam và những nơi khác trên thế giới đã làm ảnh hưởng đến uy tín của Đài Loan và cũng có tác động tới “chính sách hướng Nam mới” của Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn.
Đáp lại yêu cầu từ phía Việt Nam, các dân biểu Đài Loan hứa sẽ gây áp lực đối với công ty Formosa Hưng Nghiệp ở Hà Tĩnh thông qua Công ty China Steel, đòi công ty này phải cung cấp kế hoạch cụ thể để bồi thường cho các nạn nhân ở Việt Nam. Ngoài ra, các dân biểu hứa sẽ nỗ lực đưa những yêu cầu về môi trường vào bản dự thảo kế hoạch trong “chính sách hướng nam mới” của Đài Loan.
http://www.voatiengviet.com/a/dieu-tran-vu-o-nhiem-formosa-tai-quoc-hoi-dai-loan/3626761.html
Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường đối thoại với ngư dân Kỳ Anh
Vào 8 giờ sáng ngày hôm nay 8 tháng 12 năm 2016 một cuộc gặp gỡ khá hiếm hoi đã xảy ra giữa đại diện nhà nước là ông Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà cùng với sáu người dân đại diện bà con huyện Kỳ Anh cùng với hai luật sư Trần Vũ Hải và Lê Luân với mục đích đối thoại về vấn đề khiếu nại kiến nghị liên quan đến thảm họa do Formosa gây ra vào tháng 4 năm 2016 vừa qua.
Trong suốt 4 giờ đồng hồ từ 8 giờ sáng tới 12 giờ trưa, luật sư Hải đưa ra câu hỏi về việc Bộ Tài nguyên Môi trường đã cấp phép cho Formosa mà không tham vấn địa phương nơi đặt ống xả thải. Vấn đề thứ hai là việc đền bù chỉ gói gọn trong vòng 6 tháng còn những tháng còn lại ai chịu trách nhiệm vì ngư dân vẫn tiếp tục nằm bờ cũng như các ngành nghề liên quan khác không thể hoạt động được.
Luật sư Trần Vũ Hải sau cuộc họp cho đại diện RFA tại Hà Nội biết như sau:
Tôi ấn tượng với ông Trần Hồng Hà có cam kết với bà con rằng nếu Formosa có vận hành phải đảm bảo những cam kết với quốc tế mà cụ thể ở đây là cam kết với Ngân hàng Thế giới, và ông còn cho rằng đây là sinh mạng chính trị của ông ấy.
-LS Trần Vũ Hải
“Hai vấn đề được bàn đó là giấy phép xả nước thải cấp cho Formosa và vấn đề thứ hai liên quan đến người dân mà thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ tài nguyên Môi trường thí dụ như môi trường cũng như bồi thường đã được các ngư dân và luật sư bàn bạc đối thoại với Bộ trưởng Trần Hồng Hà. Tôi ấn tượng với ông Trần Hồng Hà có cam kết với bà con rằng nếu Formosa có vận hành phải đảm bảo những cam kết với quốc tế mà cụ thể ở đây là cam kết với Ngân hàng Thế giới, và ông còn cho rằng đây là sinh mạng chính trị của ông ấy.”
Ông Lê Xuân Vượng, Chủ tịch xã Kỳ Anh cũng có mặt trong cuộc đối thoại cho biết việc bồi thường cho người dân tại xã Kỳ Lợi:
“Hiện nay Huyện Kỳ Lợi đang tiến hành hoàn thiện hồ sơ để chi trả. Xã Kỳ Lợi có 14 thôn nhưng 6 thôn đã hoàn chỉnh và đang áp giá, niêm yết công khai để bà con ngư dân ta có ý kiến gì thì đề xuất. Bốn thôn còn lại của Đông Yên thì hiện nay đang thẩm định. Lý do chậm là trước đây bà con gư dân chư thống nhất việc hỗ trợ bồi thường do chính phủ quy định.”
Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã trả lời cả hai vấn đề bức thiết vừa nói như việc cấp phép là đúng trình tự vì lúc cấp phép cho Formosa thì luật mới chưa có. Riêng vấn đề thứ hai Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết sẽ có hỗ trợ giai đoạn sau bồi thường như đào tạo việc làm, hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng để người dân đóng tàu cỡ lớn ra khơi xa đánh cá.
Riêng các vấn đề khác như người dân gặp khó khăn trong việc đóng âu thuyền khi thảm họa xảy ra ông Bộ trưởng trả lời sẽ giao cho Hà Tĩnh làm và phải xong trước quý 1 năm 2017. Việc tái định cư và các vấn đề như điện hay nước sạch cũng được giao cho Hà Tĩnh giải quyết.
Cuộc đối thoại này được người dân và hai luật sư đánh giá là khá công bằng và có sự lắng nghe từ nhà nước.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/ky-anh-update-12082016104712.html
Chuyên gia:
Việt Nam sẽ hoan nghênh dự luật Mỹ trừng phạt Trung Quốc
Một số báo Mỹ đưa tin Thượng nghị sĩ Marco Rubio hôm 6/12 đã đề xuất một dự luật đặt ra những hạn chế đối với các cá nhân hoặc pháp nhân tiếp tay cho hành vi hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Một chuyên gia ở Hà Nội cho rằng Việt Nam sẽ hoan nghênh dự luật này.
Dự luật của vị thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa đại diện bang Florida có tên “Đạo luật Trừng phạt Biển Đông và Biển Hoa Đông”.
Các biện pháp trừng phạt được đề xuất bao gồm cấm visa Mỹ đối với các cá nhân, pháp nhân Trung Quốc nào đóng góp cho các công trình đe dọa đến hòa bình trong khu vực, thực hiện trừng phạt các pháp nhân hưởng lợi từ các hoạt động trong trường hợp Trung Quốc có hành động quân sự hung hăng, yêu cầu lập phúc trình về những người liên quan đến các hành động có thể bị trừng phạt, và hạn chế viện trợ nước ngoài đối với những nước công nhận chủ quyền của Trung Quốc ở các vùng biển này.
Diễn dịch một cách khái quát, dự luật sẽ nhắm mục tiêu vào nhiều đối tượng, từ nhân viên tuần duyên và hải quân Trung Quốc, cho đến các công ty xây dựng và đội ngũ ngư dân thực hiện việc tuần tra trá hình ở vùng biển xa xôi cách bờ biển Trung Quốc.
Ông Rubio nói những hàng động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông không có tính chính danh, đe dọa an ninh khu vực và thương mại của Mỹ. Ông nói không thể để an ninh của các đồng minh của Mỹ trong khu vực và các quyền lợi kinh tế của Mỹ bị ảnh hưởng vì những vi phạm các chuẩn mực quốc tế của Trung Quốc giữa lúc nước này theo đuổi mộng bá chủ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Vị thượng nghị sĩ Mỹ từng tranh cử tổng thống nhấn mạnh: “Các hành động bất chính của Bắc Kinh ở các vùng biển này phải chấm dứt, và những biện pháp trừng phạt được đề xuất trong dự luật này sẽ buộc những kẻ vi phạm phải chịu trách nhiệm, và như vậy sẽ có tác dụng răn đe với những kẻ khác”.
Thượng nghị sĩ Rubio nói thêm rằng: “Phù hợp với luật quốc tế, không nên cho phép Trung Quốc can thiệp theo bất cứ cách nào với tàu thuyền, máy bay dân sự hay quân sự của tất cả các nước tự do sử dụng vùng biển và vùng trời ở Biển Đông và Biển Hoa Đông”.
Từ Hà Nội, Tiến sĩ Trần Công Trục nói với VOA việc một thượng nghị sĩ Mỹ đề xuất một dự luật như vậy là “nên có, nên làm”.
Vị cựu Trưởng ban Biên giới Chính phủ của Việt Nam chỉ ra rằng hoạt động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông đã bị nhiều nước coi là gây hủy hoại môi trường và là “một tội ác đối với nhân loại”. Ông nói thêm nếu Trung Quốc dùng các đảo đó để cản trở tự do đi lại trên tuyến thương mại huyết mạch, đó sẽ là một vi phạm lớn đối với Công ước Luật Biển và các luật khác.
Tiến sĩ Trục cho rằng nếu dự luật được Quốc hội Mỹ thông qua, Việt Nam sẽ hoan nghênh:
“Nếu mà cái bộ luật của ông thượng nghị sĩ đặt ra những việc liên quan đó, rõ ràng đây là những tiếng nói hết sức có giá trị để bảo vệ lấy sự đúng đắn, thượng tôn pháp luật, và trừng trị những kẻ mà có thể đã có những hành động gây nguy hiểm cho loài người. Cái điều này tôi nghĩ Việt Nam chúng tôi sẽ hoan nghênh thôi. Nó là đóng góp chung cho cuộc sống, môi trường sống của nhân loại và đảm bảo cho nền hòa bình, an ninh khu vực, của nhân loại và lợi ích kinh tế chung của mọi người thì rõ ràng không có lý gì không hoan nghênh cả. Nếu như điều đó biến thành hiện thực, thì đó là sự đóng góp rất lớn cho nhân loại”.
Vị chuyên gia với kinh nghiệm 30 năm làm việc cho Ban Biên giới Chính phủ Việt Nam nhận định Trung Quốc sẽ phản ứng với dự luật vì nước này “đương nhiên tìm mọi cách để phản đối” các động thái “trái với ý đồ, trái với tính toán” của họ. Mặc dù vậy, ông Trục cho rằng khi Mỹ, Việt Nam và các nước có động thái “vì lợi ích chung, thượng tôn pháp luật” họ “không có gì phải quan ngại”. Theo ông, Mỹ và các nước cũng cần kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ những động thái như vậy.
Bà Bonnie Glaser, một nhà phân tích chính sách đối ngoại tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở thủ đô Washington, cũng cho rằng dự luật của ông Rubio là đáng hoan nghênh. Bà nói với tờ Foreign Policy rằng dự luật này nhắc nhở rằng Mỹ có nhiều công cụ có thể sử dụng để gây ảnh hưởng đến chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Bà nói ngay cả khi dự luật không được thông qua, nó vẫn có tác dụng gợi ý với chính quyền mới của Mỹ rằng các tiếp cận nhắm mục tiêu vào các cá nhân và công ty dính líu đến hoạt động quân sự, xây dựng và bồi đắp ở Biển Đông và Biển Hoa Đông sẽ có ích cho việc Mỹ đóng vai trò chủ đạo trong vấn đề này và khôi phục mức độ đáng tin cậy của Mỹ.
http://www.voatiengviet.com/a/chuyen-gia-vn-se-hoan-nghenh-du-luat-my-trung-phat-tq/3628352.html
Bổ nhiệm và truy tố trong hệ thống song trùng
Kính Hòa, phóng viên RFA
Trong một buổi gặp cử tri tại Cần Thơ, bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết có nhiều cán bộ trong vụ bê bối Trịnh Xuân Thanh kêu oan. Vụ bê bối Trịnh Xuân Thanh, ngoài tình nghi tham nhũng, còn có việc liên quan đến việc bổ nhiệm các cán bộ cao cấp khác nhau trong đó có ông Trịnh Xuân Thanh.
Sau đây là phân tích của một số nhà quan sát trong nước về chuyện bổ nhiệm và truy tố các viên chức nhà nước Việt Nam.
Không tìm được thủ phạm
Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, người từng làm trong cơ quan nội chính của đảng cộng sản Việt Nam cho biết về qui trình bổ nhiệm các viên chức cấp cao của Việt Nam, mà cụ thể là trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh:
“Ở Việt Nam những nhân vật được Ban bí thư quản lý, hay là Bộ chính trị quản lý hay ít nhất do Ban tổ chức trung ương quản lý đều phải thông qua cơ chế đảng. Khi Ban tổ chức trung ương có giấy thỏa thuận về việc bổ nhiệm trên cơ sở đề nghị của Bộ nội vụ, tức là của chính phủ, và trên cơ sở đó ông Trịnh Xuân Thanh sẽ nhận được quyết định điều động về tỉnh Hậu Giang, và quyết định đó được một Thủ tướng, hay một Phó Thủ tướng ký. Người chịu trách nhiệm cao nhất trong vụ bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh, thì ngoài Bộ Công thương ra còn có hai cơ quan khác là Bộ Nội vụ và Ban tổ chức trung ương.”
Vào thời kỳ hoàng kim của Ban nội chính thì cơ quan này trùm lên cả ngành công an và pháp luật, chỉ đạo việc xử án và mức án. Đó là sự can thiệp của đảng.
-Nhà báo Phạm Chí Dũng
Theo ông Dũng thì người chịu trách nhiệm cao nhất trong vụ Trịnh Xuân Thanh là ông Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Bộ công thương. Nhưng ông Vũ Huy Hoàng nay đã về hưu, và các cơ quan quyền lực Việt Nam không biết phải xử ông Vũ Huy Hoàng như thế nào. Họ chỉ đưa ra được một quyết định của đảng cộng sản là cách chức cán sự đảng của ông, mặc dù ông đã mãn nhiệm chức vụ này.
Trong danh sách các viên chức đảng bị kỷ luật được báo chí Việt Nam công bố, thì chức vụ cao nhất bên đảng là các cấp phó của Ban tổ chức trung ương đảng.
Bình luận về việc này với Nam Nguyên của đài RFA, Luật sư Trần Quốc Thuận, từng là Phó chủ nhiệm văn phòng Quốc hội đặt ra câu hỏi là ai là người chịu trách nhiệm cao nhất trong những vụ bê bối này.
Như vậy trong hệ thống quyền lực Việt Nam hiện nay với những quyết định khác nhau từ những người làm trong bộ máy nhà nước, và từ những người làm trong bộ máy của đảng, đã làm cho việc định trách nhiệm về một vụ bê bối nào đó trở nên khó khăn.
Ông Phạm Chí Dũng nói tiếp:
Ông Trịnh Xuân Thanh, ảnh minh họa chụp trước đây. Courtesy photo
“Ngay trong nội bộ cũng không thống nhất được cách xử lý các cán bộ liên quan đến vụ Trịnh Xuân Thanh, cũng như vụ Vũ Huy Hoàng. Cho đến giờ vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, và dường như họ tranh luận mãi thì cuối cùng Quốc hội mới có một nghị quyết là đưa trường hợp ông Vũ Huy Hoàng ra pháp luật xử lý. Nhưng pháp luật thế nào, xử lý tới đâu thì chúng ta hoàn toàn không biết.”
Theo dự đoán của ông Phạm Chí Dũng thì các cán bộ cao cấp trong vụ Trịnh Xuân Thanh sẽ chỉ bị trừng phạt theo kiểu giơ cao đánh khẽ, vì ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát hiện ra rằng nếu trừng phạt tới người chịu trách nhiệm cao nhất thì sẽ là ông Tô Huy Rứa, cựu trưởng ban tổ chức trung ương, một đồng minh chính trị của ông Trọng.
Những quyết định không có tính pháp lý
Luật sư Lê Công Định từ Sài Gòn bình luận về hệ thống kỷ luật của đảng chồng lên hệ thống pháp luật của quốc gia:
“Chúng ta thấy rằng đa phần, các quan chức trước khi bị xử lý kỷ luật, hay bị truy tố ra trước pháp luật, bao giờ họ cũng bị xử lý nội bộ về phương diện của đảng trước. Các cán bộ cấp cao thì phải có Ủy ban kiểm tra trung ương đảng quyết định trước, rồi sau đó cơ quan điều tra về phương diện luật pháp mới có thể tham gia điều tra để xem hành vi của người đó có vi phạm luật hay không, rồi mới bắt đầu giai đoạn truy tố, khởi tố, rồi xét xử.”
Luật sư Định nói thêm là cơ chế này làm cho người dân cảm thấy rằng pháp luật của nhà nước chỉ có áp dụng lên dân chúng, trong khi các đảng viên cộng sản thì không.
Nhà báo Phạm Chí Dũng cho biết về quyền lực đảng, mà đại diện là cơ quan nội chính, nơi ông từng làm việc, trong việc xử lý những vụ án tại Việt Nam:
“Trước đây tôi làm trong Ban nội chính, thì tôi biết là khi đưa ra xử những án quan trọng, thì đều có sự tham gia của Ban nội chính, tức là một cơ quan đại diện về mặt đảng ở địa phương. Vào thời kỳ hoàng kim của Ban nội chính thì cơ quan này trùm lên cả ngành công an và pháp luật, chỉ đạo việc xử án và mức án. Đó là sự can thiệp của đảng. Điều này mà kéo dài thì không thể nghĩ tới chuyện tam quyền phân lập hay là minh bạch.”
Nó (các văn bản kỷ luật của ban tổ chức trung ương) hoàn toàn không có một tư cách pháp lý, và những quyết định cỉa nó hoàn toàn vô giá trị về mặt pháp lý.
-LS Lê Công Định
Một hệ thống kỷ luật và pháp luật song trùng như vậy thường được truyền thông phương Tây nhắc đến là hệ thống Song Qui ở Trung quốc. Trong hệ thống này các viên chức chính quyền có thể bị xử bằng các hình phạt trong đảng mà không liên quan gì đến hệ thống pháp luật của quốc gia cả.
Khi được hỏi rằng hai hệ thống chồng nhau của Việt Nam, một bên là kỷ luật của đảng, còn bên kia là pháp luật của nhà nước, có giống hệ thống Song Qui này của Trung Quốc hay không, ông Phạm Chí Dũng cho rằng ở Việt Nam chưa đến mức độ trầm trọng như bên Trung Quốc.
Nhưng Luật sư Lê Công Định cho rằng những nguyên tắc của hệ thống Song Qui hoàn toàn hiện diện ở Việt Nam. Ông nêu ví dụ về chuyện tài sản của một vị Tổng thanh tra nhà nước:
“Cách đây một vài năm chúng ta thấy họ kỷ luật ông Tổng thanh tra nhà nước, về vấn đề nhà cửa đất đai thế nào, cách xử lý của họ là hoàn toàn theo kỷ luật đảng. Những người như vậy rõ ràng là có hành vi, tôi nói là hành vi thôi, còn kết luận thì chưa, là hành vi tham nhũng, nhưng hoàn toàn không được pháp luật xử lý. Ở đây cơ quan kiểm tra trung ương đảng lại xử lý trước người đó, sau đó đưa ra những quyết định bắt họ phải trả lại tài sản như thế nào đó, nhưng đều hoàn toàn là những quyết định nội bộ thôi.”
Bình luận về những bản kỷ luật của Ban tổ chức trung ương đảng, đứng về góc cạnh pháp lý, Luật sư Định cho rằng nó vô giá trị:
“Nó hoàn toàn không có một tư cách pháp lý, và những quyết định cỉa nó hoàn toàn vô giá trị về mặt pháp lý. Tuy nhiên trong thực tế Việt Nam thì nó là một cơ quan siêu quyền lực, những quyết định của nó, những biện pháp nó áp dụng, bao giờ cũng có giá trị vượt trội lên mọi quyết định của cơ quan tư pháp.”
Trở lại chuyện buổi tiếp cử tri của bà Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân, khi bà nói rằng có nhiều cán bộ liên quan trong vụ Trịnh Xuân Thanh kêu oan, Luật sư Định bình luận:
“Đảng của họ xử lý kỷ luật của họ. Chuyện họ kêu oan như thế nào là chuyện nội bộ của đảng của họ. Còn chuyện những người đó có phạm tội hay không thì cho tới giờ này những cơ quan tư pháp như cơ quan điều tra, Viện kiểm sát vẫn hoàn toàn im lặng không thấy một phản ứng nào đối với những việc mà họ bị cáo buộc giống như ủy ban kiểm tra trung ương đảng đã làm với họ.”
“Chúng ta không biết khi nào họ ứng xử với một tư cách là quan chức của chính quyền, khi nào là quan chức của đảng. Chúng ta hoàn toàn không biết. Lúc thì họ đi gặp cử tri, đang làm việc với cơ quan chính quyền, thì lại phát ngôn như là những nhà lãnh đạo của đảng. Còn trong khi họ đang nói về những chuyện nội bộ của đảng, thì họ vẫn phát biểu những vấn đề của chính quyền.”
Còn về lời phát ngôn của ông Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng, cũng trong một buổi tiếp cử tri, rằng đảng đang chỉ đạo trình Quốc hội nghiên cứu cách xử lý những trường hợp như ông Vũ Huy Hoàng trong tương lai, Luật sư Lê Công Định nói rằng đó là hình ảnh chứng tỏ sự lấn lướt quyền lực của nhà nước của đảng cộng sản, còn ông Phạm Chí Dũng thì nói rằng đảng giống như một quốc gia trong một quốc gia.
Tin cuối cùng sau khi chúng tôi hoàn thành bài viết này là ba cán bộ cao cấp trong vụ Trịnh Xuân Thanh bị Ban bí thư Trung ương đảng ra quyết định cảnh cáo. Đồng thời lại một cán bộ cao cấp nữa của Tập đoàn dầu khí Việt Nam, trước đây do ông Trịnh Xuân Thanh quản lý, ra nước ngoài trị bệnh và không thấy trở về.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/appointment-trial-shuanggui-12082016075703.html
“Xin cống hiến cho quê hương?”
Cát Linh, phóng viên RFA
Một cựu quan chức do tham nhũng đất đai bị đưa ra tòa xử tội; trong lời phát biểu cuối cùng trước tòa người này đưa ra nguyện vọng xin miễn hoặc giảm án để tiếp tục ‘cống hiến’ cho quê hương. Từ ‘cống hiến’ của vị tham quan khiến cộng đồng bất bình vì cho là không phù hợp.
Cống hiến là gì?
Phiên toà sơ thẩm xét xử vụ án làm thất thoát 10,4 tỉ đồng khi thực hiện giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án Formosa Hà Tĩnh kết thúc với hình phạt tù giam dành cho các bị cáo. Trong đó, ông Nguyễn Văn Bổng, nguyên Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, kiêm chủ tịch Hội đồng bồi thường và giải phóng mặt bằng huyện Kỳ Anh dù biện minh là do áp lực của cấp trên nên phải “nhắm mắt ký bừa” đã nhận mức án 12 năm tù giam. Khi được nói lời sau cùng, ông nói rằng “Tôi xin đề nghị miễn hoặc giảm nhẹ hình phạt cho tôi để tôi tiếp tục cống hiến cho quê hương.“
Quê hương của ông Nguyễn Văn Bổng có lẽ trước hết phải nói đến là thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, nơi ông đóng vai trò là người “đầy tớ” của hàng ngàn hộ gia đình cư dân. Xa hơn nữa, quê hương của Bổng là đất nước Việt Nam, nơi mà nhà thơ Đỗ Trung Quân từng nói là “mỗi người chỉ có một”.
Cái đó còn phải đặt trong tình huống cụ thể, là dân chúng có nghĩ là cống hiến hay không. Trong công việc ấy, việc ông ấy xin được cống hiến là có chính đáng hay không?
-TS Vũ Minh Giang
Trên chính mảnh đất đó, mỗi một con người sẽ là một phần nhỏ của trang lịch sử lớn. Mỗi một cá nhân, có quyền được hưởng di sản của quê hương họ, và ngược lại, có quyền cống hiến để giữ gìn và phát triển.
Theo Tiến sĩ Vũ Minh Giang, nguyên Uỷ viên Ban lý luận trung ương cho rằng, nếu hiểu theo cách thuần tuý của ngữ nghĩa thì từ ‘cống hiến’ mang một ý nghĩa tốt đẹp vì chuyển tải thông điệp là “mang công sức của mình ra để làm một điều gì đó có ích”.
Cũng theo ông, mỗi cá nhân có một nguyện vọng của riêng người đó. chính vì vậy khi xét về từ ‘cống hiến’ nên có hai chiều suy nghĩ, một là từ cá nhân người đó và hai là từ xã hội:
“Cống hiến thì phải hiểu theo nguyện vọng cá nhân của từng người, người ta hiểu rằng người ta muốn được làm 1 điều gì đó, theo cách nghĩ của họ thì đó là cống hiến. Đấy là chiều nghĩ.
Chiều thứ hai là đánh giá của xã hội, đánh giá của cộng đồng. Có khi suy nghĩ của cá nhân chưa chắc trùng với suy nghĩ của cộng đồng.”
Do đó, khi nhận định về phát ngôn của nguyên Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, kiêm chủ tịch Hội đồng bồi thường và giải phóng mặt bằng huyện Kỳ Anh, ông Nguyễn Văn Bổng trong phiên toà xét xử sơ thẩm, tuy Tiến sĩ Vũ Minh Giang cho rằng “đó là cách diễn đạt thể hiện nguyện vọng cá nhân của ông Nguyễn Văn Bổng”, tuy nhiên:
“Cái đó còn phải đặt trong tình huống cụ thể, là dân chúng có nghĩ là cống hiến hay không. Trong công việc ấy, việc ông ấy xin được cống hiến là có chính đáng hay không? Tôi nghĩ là quan hệ hai chiều.”
Trong bối cảnh Formosa
Thảm họa quốc gia về ô nhiễm môi trường đã hiển hiện qua sự kiện cá chết hàng loạt ở các tỉnh ven biển miền Trung. Giới khoa học cho rằng đây là hậu quả của nhiều thập niên phát triển kinh tế bằng mọi giá và xem nhẹ việc hủy hoại môi trường. AFP
Vụ án của ông Nguyễn Văn Bổng liên quan đến hoạt động giải tỏa đất đai cho dự án nhà máy thép Formosa và Cảng nước sâu Sơn Dương trong những năm 2008-2009. Trong đó, ông Bổng và các cán bộ đồng lõa bị cáo buộc biến hóa đất công, hoặc đất tranh chấp thành đất nông nghiệp, để được hưởng đền bù 100%.
Theo tường trình của báo Vietnamnet trong nước, hành vi của ông Bổng và những bị cáo trong vụ án đã gây thất thoát hơn 10,4 tỉ đồng cho hai xã Kỳ Long và Kỳ Phương.
Trong lời nói sau cùng ở phiên toà sơ thẩm, ông Nguyễn Văn Bổng nhắc đến thành tích “40 năm học tập và cống hiến” của ông, và tiếp lời với nguyện vọng xin được miễn hoặc giảm nhẹ hình phạt để ở ngoài xã hội ông được tiếp tục cống hiến cho quê hương.
Người dân cả nước chưa bao giờ quên và ngưng nhắc đến câu chuyện nhà máy thép Formosa Vũng Áng gây ra thảm hoạ môi trường biển cho 4 tỉnh miền Trung trong suốt mấy tháng qua. Từ những câu phát biểu của những quan chức có trách nhiệm trực tiếp cho đến quá trình xử lý hậu quả, bồi thường thiệt hại cho ngư dân 4 tỉnh.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê hồi cuối tháng 9/2016 cho biết đã có đến gần 25.000 người dân mất việc, sau sự cố môi trường biển bị nhiễm độc. Trả lời Đài Á Châu Tự Do, ông Lê Sáng, một người dân ở Hà Tĩnh cho biết ảnh hưởng của thảm họa môi trường biển với đời sống nói chung của người dân:
“Từ cái bữa biển và cá bị nhiễm độc thế này thì họ bị thất thu nên họ thôi không đi chợ nữa, trước đây chồng đi đánh cá về thì vợ mang đồ hải sản ra chợ bán. Nhưng bây giờ có bán cũng không có ai mua nên chồng cũng không đi biển luôn. Như tôi là có xe ô tô buôn hải sản, mà bây giờ họ không ra biển thì tôi lấy gì buôn? Đấy là một cái thất thu của tôi. Rồi những người buôn bán bánh kẹo, thực phẩm, bia rượu để cho dân phục vụ cho dân đi biển, nhưng bây giờ dân không đi biển thì họ bán cho ai?”
Chân lý là nhìn nhận 1 cách phổ quát thì việc làm nào được nhân dân đánh giá một cách thống nhất thì thường là cái điều sát gần với chân lý.
-TS Vũ Minh Giang
Một ngư dân ở Hà Tĩnh trả lời phóng viên của chúng tôi về những khó khăn mà ngư dân 4 tỉnh gặp phải:
“Khi mà đánh bắt trên biển thì thường thường trước đây biển chưa chết thì tôi gặp rất nhiều thuyền bè ở Tỉnh Nghệ An mà vùng biển Nghệ An khi mà theo luồng cá, khi con cá, con mực mà nó đi theo dòng nước thì ở tỉnh Hà Tĩnh thì lên cùng tỉnh Nghệ An nên đánh bắt ở cùng vùng tỉnh Nghệ An khi thảm họa môi trường thiệt hại ở bốn tỉnh miền Trung thì các tỉnh lân cận cụ thể như là tỉnh Nghệ An thì sát với tỉnh Hà Tĩnh thì cũng chẳng xa là bao mà một khó khăn nhất, một thiệt hại nhất đó là khi đánh bắt thu nhập về chẳng ai mua mặc dù cá đó là của biển Nghệ An.”
Tiến sĩ Vũ Minh Giang tuy đã cho rằng lời phát biểu của ông Nguyễn Văn Bổng tuy là cách thể hiện suy nghĩ cá nhân của ông Bổng, thế nhưng nếu xét theo quan hệ hai chiều thì cần phải có sự nhìn nhận của chiều ngược lại. Trong vấn đề này thì niềm tin của Tiến sĩ Vũ Minh Giang dành cho người dân, là người được nhận sự cống hiến:
“Mà tôi thì luôn luôn tuyệt đối tin tưởng vào đánh giá của nhân dân. Bởi vì chân lý là nhìn nhận 1 cách phổ quát thì việc làm nào được nhân dân đánh giá một cách thống nhất thì thường là cái điều sát gần với chân lý.”
Cống hiến, tự bản thân của nó đã luôn là một lý tưởng đẹp dẫn đến những hành động hy sinh cao cả, góp phần tạo ra hoặc nâng cao giá trị sẵn có trong cuộc sống. Lịch sử chưa bao giờ quên những sự cống hiến cho nhân loại, từ chính trị cho đến khoa học, nghệ thuật. Và người đặt con dấu tri ân cho hai từ cống hiến ấy không ai khác chính là nhân dân. Họ in hai từ ấy vào cuốn sổ thời gian, để người đời sau ghi nhớ.
Truyền thông từng trích dẫn câu nói của nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi nói lời từ biệt với các thành viên chính phủ trước khi Quốc hội miễn nhiệm ngày 6 tháng tư, đó là “Chúc các đồng chí và chúc tôi luôn, kỳ này nghỉ chính sách ráng giữ gìn sức khỏe, làm công dân tốt, đảng viên tốt, ráng được vào chương trình “sống tử tế”, làm người tử tế”. Ngay sau đó, câu nói này gây chú ý dư luận và được truyền thông mạng bàn tán với hàm ý “làm lãnh đạo tử tế và làm người dân tử tế cái nào khó hơn?”
Giờ đây sau nguyện vọng của nguyên chủ tịch nhân dân huyện Kỳ Anh, ông Nguyễn Văn Bổng, người dân lại một lần nữa đặt câu hỏi họ đã được gì sau 40 năm cống hiến ây?
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/be-dedicated-for-my-country-cl-12072016211607.html
Nỗi khổ người bán hàng rong ở Sài Gòn
Gia Bảo, RFA Việt Nam
Bán hàng rong từ lâu đã là một trong những phương cách mưu sinh của người nghèo tại Việt Nam. Tiếng rao hàng hằn sâu trong ký ức của nhiều người, nhất là những người phải rời xa làng quê của họ.
Bán rong không phải dễ
Khắp nơi, trên mọi miền đất nước chỗ nào chúng ta cũng dễ dàng thấy các gánh hàng rong. Tuy nhiên gần đây lượng người từ các địa phương khác nhau đổ về Sài Gòn kiếm sống bằng những gánh hàng, những xe đẩy, hay chỉ những mẹt nhỏ mỗi ngày một nhiều.
Hằng ngày họ tìm đến các khu trung tâm thành phố như Quận 1, Quận 3… là nơi có lượng khách tiềm năng đối với giới bán hàng rong. Thế nhưng đó lại là những nơi mà lực lượng Trật tự Đô thị lại đông dày và “làm việc” tích cực nhất.
Một phụ nữ lớn tuổi bán hàng rong cho biết nổi khổ của bà:
“Lớn tuổi rồi đi mệt, ngồi xuống là đau, đứng dậy không được, lỡ bị đuổi một cái là thôi, đứng ngó nó hốt chứ đừng nói chuyện… chạy đâu có được.”
Một người bán hàng rong khác cũng tâm sự:
“Bản thân cô hiện tại giờ đâu có ai nuôi đâu, bố thằng nhóc hiện tại giờ đang học rồi bố nó chết còn có mình cô à. Giờ cô không làm ai nuôi nó, bản thân cô cũng chẳng ai nuôi mà giờ cô lại nhà mướn nhà thuê, ở đây ai cũng biết hết trơn, giờ không cho cô bán thì cô sống bằng nghề gì đây.
Bán cái này đâu có lời bao nhiêu đâu cũng phải đi bán rồi trời mưa gió cũng phải bán rồi công an chạy rượt chạy muốn chết luôn, đâu phải không biết mình vi phạm hàng rong ngoài đường đâu.”
Giải pháp nào?
Những người phải hằng ngày ra đường kiếm sống với gánh hàng rong vì do không còn con đường nào khác. Thế nhưng đối với những nhà quản lý đô thị thì hoạt động của họ làm mất đi vẻ mỹ quan của thành phố, lấn chiếm lòng lề đường… Điều này cũng được một người dân đồng tình:
“Bán thì cũng có chỗ bán chứ đâu phải muốn ngồi đâu thì ngồi, mình bán mình thuê mình mướn cũng được vậy, mình ngồi đau thì ngồi cho nó gọn thôi chứ mình ngồi mà mình bày tùm lum ra đường thì đương nhiên người ta cấm là đúng rồi , mình chiếm lề đường của người ta mà”.
Trước thực trạng này, có ý kiến cho rằng cần phải sắp xếp cho dân chứ không thể cấm cản như hiện nay. Một bạn sinh viên nói với phóng viên RFA:
“Thật ra thì không nên cấm bán mà mình nên tập trung tại khu vực nào đó khi nào người ta muốn ăn thì tới khu vựcđó người ta mua thôi . Theo em thì nên tạo ra một khu vực riêng để người ta tập trung vào khu vực đó người ta bán như vậy sẽ không lấn chiếm lòng đề đường nữa”.
Một câu hỏi được đặt ra, đó là tại sao nhiều người bán hàng rong dù bị cấm, bị bắt nhưng rồi vẫn phải tiếp tục công việc buôn bán vất vả, khó khăn như thế?
Câu trả lời thuộc chính quyền và các nhà quản lý xã hội.
http://www.rfa.org/vietnamese/reportfromvn/street-vendors-in-saigon-12072016122927.html
Ngư dân bám biển gặp nhiều khó khăn
Ngư dân ở khu vực miền Trung Việt Nam gặp vô vàn khó khăn khi đi đánh bắt ở Biển Đông, do liên tục bị phía Trung Quốc tấn công truy đuổi, thậm chí là bắt bớ, hành hung, giam cầm; nhưng lại không nhận được hỗ trợ đúng mức từ phía chính quyền và cơ quan chức năng.
Việc ra khơi đánh bắt hải sản ngày càng trở nên khó khăn bội phần, nhưng nay hải sản mang về cũng khó bán, vì ảnh hưởng từ thảm họa môi trường do Formosa thải hóa chất ra biển, khiến nhiều người tiêu dùng sợ ăn hải sản bị nhiễm độc.
Một ngư dân Lý Sơn tên Trường tâm sự với RFA: “Đúng cá đã không có, vô còn rẻ nữa. Đúng là bấp bênh thiệt. Kỳ này neo luôn không dám đi nữa mà, đi một tháng trời vô không có một đồng luôn”.
Cuộc sống trên đảo Lý Sơn
Khi đến với một phiên chợ chiều tại đảo Lý Sơn chúng tôi làm quen với chị Thắm, một người bán cá tại ngôi chợ làng này đã lâu năm. Ngoài việc bán cá do chồng chị đánh bắt về chị còn mua lại cá của những ngư dân khác để bán kiếm thêm lời.
Chị Thắm cho biết cuộc sống của ngư dân cũng như những người sống nhờ vào nguồn hải sản đang gặp rất nhiều khó khăn:
“Vừa rồi ông xã cũng đi làm được mấy con cá mà bán không được nên về không có tiền để mua dầu để chi dùng để cho tàu ra khơi. Từ chỗ đó, chị cũng yêu cầu chính quyền và nhà nước quan tâm. Chị không đòi hỏi cho riêng chị mà đòi hỏi cho tất cả mọi người cho dân, cho mấy người ra khơi bám biển. Chính quyền hãy hỗ trợ cho họ có dầuđể chạy đi làm chứ cuộc sống Lý Sơn năm nay rất khổ.”
Có quá nhiều nghịch lý trong đời sống của ngư dân khi tình hình trở nên khó khăn do lượng cá không đủ đánh bắt, nhưng khi bắt được vào đến bờ thì cá lại rẻ mạt. Chị Thắm nói tiếp:
“Lý Sơn năm nay rất đói, vì năm nay mùa màng cũng mất mà biển không làm cá được, mà khi làm cá được lại không bán được. Chẳng hạn con cá này bình thường bán được một trăm mấy ngàn 1 ký mà từ ngày cá bị vậy đó là cá bán rất rẻ. Giờ bán 50 ngàn 1 ký mà bán không được, khi người ta ăn họ cũng sợ nên đi làm biển cũng rất khó khăn”.
Kết quả điều tra nguồn lợi hải sản do các đơn vị thuộc Tổng Cục Thủy Sản Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn thực hiện và được công bố hôm 27/10 cho thấy trên toàn vùng biển Việt Nam có hơn 1.000 loài hải sản, trong đó có rất nhiều loài có giá trị kinh tế cao.
Tuy nhiên do tình hình khai thác quá mức không có kiểm soát gần; thế rồi hoạt động phá hoại rạn san hô nơi cư trú của nhiều loài cá… khiến nguồn hải sản dồi dào đó bị suy giảm.
Trước tình thế ‘lưỡng nan’ đó, nhiều ngư dân phải bỏ nghề đi biển sang làm nghề khác để kiếm sống.
Đây sẽ là phần tiếp trong loạt bài về ngư dân chúng tôi gửi đến quí khán thính giả hiện nay.
http://www.rfa.org/vietnamese/reportfromvn/fishermen-life-part3-12082016122830.html
VN cảnh cáo hai cựu Ủy viên Trung ương Đảng
Hai cựu Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo vì liên quan quy trình bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh.
Đây là kết quả từ cuộc họp ngày 8/12 của Ban Bí thư Đảng, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ông Trần Lưu Hải, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương, bị kết luận đã ký công văn trả lời Tỉnh ủy Hậu Giang về thực hiện quy trình nhân sự tăng thêm một cấp ủy viên nhiệm kỳ 2015-2020 đối với Trịnh Xuân Thanh.
Ông cũng ký ban hành công văn của Ban Tổ chức Trung ương về việc được tăng thêm chức danh Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011-2016.
Người thứ hai bị cảnh cáo là Huỳnh Minh Chắc, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang nhiệm kỳ 2010-2015.
Ông này bị phê phán là đã “vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ” khi đề nghị, tiếp nhận Trịnh Xuân Thanh từ Bộ Công Thương về tỉnh Hậu Giang để giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
Ông Nguyễn Duy Thăng, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, bị khiển trách.
Ông Trịnh Xuân Thanh hiện vẫn đang bị Việt Nam truy nã.
Hôm 15/9, ông bị khởi tố tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, liên quan khoản thua lỗ gần 3.300 tỷ tại PVC thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thời gian ông Thanh làm lãnh đạo tại đây.