Tin Việt Nam – 08/11/2019

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 08/11/2019

Luật sư Trần Vũ Hải

được gần 60 luật sư đăng ký bào chữa

Gần 60 luật sư đăng ký bào chữa cho vợ chồng Luật sư Trần Vũ Hải tại phiên tòa theo dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 13 tháng 11 tới đây; thế nhưng tòa án chỉ cấp chứng nhận bào chữa cho một nửa luật sư trong số này. Truyền thông trong nước loan tin vừa nêu vào ngày 8 tháng 11.

Luật sư Trần Vũ Hải và vợ là bà Ngô Tuyết Phương bị cáo buộc trốn thuế trong một vụ giao dịch mua bán đất ở thành phố Nha Trang. Luật sư Trần Vũ Hải cũng là người tham gia đại diện cho nhiều người dân mất đất và các nhà hoạt động ở Việt Nam trong những năm qua.

Trả lời RFA hôm 8/11, Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc, một trong những người đồng hành cùng Luật sư Trần Vũ Hải trong các bản kiến nghị trước phiên tòa, nói:

Sự tham gia đông đúc của các luật sư vào vụ án như thế nói lên là các luật sư rất quan tâm đến sự kiện của vụ án Luật sư Trần Vũ Hải và nó thể hiện tình đoàn kết của giới luật sư trước một biến cố, một việc mà có cảm nhận là có dấu hiệu oan sai trong đó. Việc này cũng thể hiện thái độ quan tâm của đồng nghiệp trước dấu hiệu đồng nghiệp mình chịu bất công.”

“Chúng tôi cũng đang hồi hộp chờ đợi kết quả của phiên tòa ngày 13/11 tới đây. Cũng không lường hết, có thể có những suy đoán, phán đoán rằng có một quyết tâm người ta xử cho bằng được, bất luận như thế nào, đối với các chứng cứ pháp lý bất luận nhiều vấn đề khác.”

“Nhưng mà chúng tôi cũng có niềm tin rằng với một sự đấu tranh pháp lý, có căn cứ, có cơ sở pháp lý rõ ràng, với một quyết tâm thể hiện điều đó thì nó cũng buộc việc xét xử, họ phải giữ một thái độ cẩn trọng, tỏ sự khách quan, căn cứ vào pháp luật và cũng phải có sự tôn trọng với sự đề cao công lý. Chúng tôi cũng có hy vọng là sự tin tưởng có một kết quả nhất định, có hiệu quả đối với công việc.”

Vào ngày 7 tháng 11, Luật sư Trần Vũ Hải được cộng đồng mạng bầu chọn trao giải thường “Luật sư vì cộng đồng”. Về giải thưởng này cho Luật sư Trần Vũ Hải,  Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc chia sẻ:

Chúng tôi không muốn tạo ra một cái sự gây bất lợi gì đó đối với Luật sư Hải khi mà lên tiếng, làm việc gây quá khích, có thể gây áp lực cho Luật sư Hải nên là chúng tôi không có đưa ra bình luận nhất định gì cả, mà chỉ đưa thông tin chừng mực, không thể hiện bình luận mạnh mẽ.”

“Thực ra, đó cũng là một nổi  niềm của nhiều anh em vì với chúng tôi, Luật sư Trần Vũ Hải rất xứng đáng với giải thưởng này. Đáng lẽ lâu nay anh xứng đáng được trao nhưng tại vì anh từ chối việc đó và dành cho các luật sư trẻ hơn. Và giờ nhân sự kiện này thì chúng tôi muốn dành sự vinh danh đó cho anh Hải để muốn là xã hội chú ý và ghi nhận công lao của anh ấy, và thể hiện thái độ của giới luật sư trong vấn đề này.”

Liên quan đến vụ án ‘trốn thuế’ đối với vợ chồng Luật sư Trần Vũ Hải, những người bào chữa cho ông đã gửi đơn yêu cầu Tòa án nhân dân thành phố Nha Trang trả hồ sơ để giám định bổ sung trước khi đưa vụ án ra xét xử với lý do “các kết luận giám định và giám định bổ sung trong vụ án là chưa rõ”.

Tuy nhiên, tòa án đã thông báo bác yêu cầu này và cho rằng hai kết luận giám định đã nêu rõ việc có hay không hành vi trốn thuế, cụ thể loại thuế, số tiền trốn thuế trong giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại 78/40 đường Tuệ Tĩnh, thành phố Nha Trang.

Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa xác định: trong quá trình giao dịch, chuyển nhượng ngôi nhà cùng đất tại 78/40 đường Tuệ Tĩnh, thành phố Nha Trang, vợ chồng Luật sư Trần Vũ Hải cùng hai người khác đã có hành vi trốn thuế thu nhập cá nhân hơn 280 triệu đồng. Tuy nhiên, cáo trạng không nêu hành vi phạm tội của từng bị can.

Do hiện tại, Luật sư Trần Vũ Hải đã tạm dừng trả lời phỏng vấn của giới truyền thông nên RFA chưa thể ghi nhận phản hồi từ ông.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/nearly-60-lawyers-registered-to-defend-lawyer-tran-vu-hai-and-his-wife-at-the-coming-trial-11082019084943.html

 

Cảnh sát Anh công bố đầy đủ tên tuổi của 39 nạn nhân

 trong vụ di dân lậu chết ở Anh

Tin trên Reuters ngày 8 tháng 11, cảnh sát Anh đã công bố tên tuổi của 39 nạn nhân chết trong container xe tải vào Anh. Sau đây là danh sách

Những nạn nhân đến từ Hà Tĩnh:

Pham Thi Tra My, 26; Nguyen Dinh Luong, 20; Nguyen Huy Phong, 35; Vo Nhan Du, 19; Tran Manh Hung, 37; Tran Khanh Tho, 18; Vo Van Linh, 25; Nguyen Van Nhan, 33; Bui Phan Thang, 37 và Nguyen Huy Hung, 15.

Từ Nghệ An:

Tran Thi Tho, 21; Bui Thi Nhung, 19; Vo Ngoc Nam, 28; Nguyen Dinh Tu, 26; Le Van Ha, 30; Tran Thi Ngoc, 19; Nguyen Van Hung, 33; Hoang Van Tiep, 18; Cao Tien Dung, 37; Cao Huy Thanh, 33; Tran Thi Mai Nhung, 18; Nguyen Minh Quang, 20, Pham Thi Ngoc Oanh, 28; Hoang Van Hoi, 24; Nguyen Tho Tuan, 25; Dang Huu Tuyen, 22; Nguyen Trong Thai, 26; Nguyen Van Hiep, 24; Nguyen Thi Van, 35; Tran Hai Loc, 35.

Từ những thành phố khác:

Le Trong Thanh, 44,  Diễn Châu; Duong Minh Tuan, 27,  Quảng Bình; Nguyen Ngoc Ha, 32, Quảng Bình; Nguyen Tien Dung, 33, Quảng Bình; Phan Thi Thanh, 41, Hải Phòng; Nguyen Ba Vu Hung, 34, Thừa Thiên Huế; Dinh Thai Quyen, 18, from Hải Phòng; Tran Ngoc Hieu, 17, Hải Dương; Dinh Dinh Binh 15, from Hải Phòng. (BBT)

https://www.sbtn.tv/canh-sat-anh-cong-bo-ten-cua-39-nan-nhan-trong-vu-di-dan-lau-chet-o-anh/

 

Phát hiện “đường lưỡi bò”

trong phần mềm thiết bị điện mặt trời

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hôm 8/11 cho biết đã phát hiện một thiết bị biến đổi điện mặt trời xuất xứ từ nước ngoài mà phần mềm vận hành theo dõi hệ thống điện mặt trời trên mái nhà có chứa bản đồ hình ‘đường lưỡi bò’ của Trung Quốc.

Truyền thông trong nước loan tin cùng ngày cho biết EVN đã yêu cầu các đơn vị thành viên và người đại diện phần vốn EVN kiểm tra, rà soát tất cả các trang thiết bị, phầm mềm, tài liệu kỹ thuật để phát hiện và loại bỏ hình ảnh bản đồ có ‘đường lưỡi bò’.

EVN nói sẽ tuyên truyền cho khách không sử dụng thiết bị, phần mềm, tài liệu kỹ thuật có chứa ‘đường lưỡi bò’ và khuyến cáo những đơn vị của EVN nếu phát hiện có trường hợp vi phạm thì phải báo cáo và làm việc với chính quyền địa phương, đối tác, khách hàng để loại bỏ hoặc chấm dứt sử dụng.

Thông báo của EVN nêu rõ nếu đối tác, khách hàng sử dụng điện của EVN không hợp tác thì đơn vị này sẽ ngừng thực hiện giao dịch, mua bán hoặc cung cấp các dịch vụ điện liên quan.

Trước đó hôm 30/10, báo trong nước cho biết Công ty Điện lực Kiên Giang đã phát văn bản nêu rõ một nhà cung cấp thiết bị biến đổi điện mặt trời của Trung Quốc là Zeversolar có kèm theo phần mềm có chứa hình ảnh ‘đường lưỡi bò’. Công ty Điện lực Kiên Giang đã yêu cầu các đơn vị triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn.

Thời gian gần đây, Việt Nam phát hiện khá nhiều các ấn phẩm, sản phẩm có ‘đường lưỡi bò’ phi pháp của Trung Quốc.

Đại diện Cục điều tra chống buôn lậu Việt Nam hôm 7/11 cho biết sẽ kiểm tra tất cả các loại điện thoại nhập khẩu từ Trung Quốc, bao gồm các mẫu của Huawei và Xiaomi vì lo ngại những phần mềm định vị được cài đặt trước của các mẫu điện thoại này có hình ‘đường lưỡi bò’.

Hồi trung tuần tháng 10, Việt Nam cũng đã thu giữ 7 mẫu xe ô tô từ công ty Trung Quốc Hanteng Autos vì sử dụng bản đồ định vị có ‘đường lưỡi bò’.

Ngày 17/10, Sở Du lịch Việt Nam nhận được thông tin bản đồ có ‘đường lưỡi bò’ xuất hiện phía bìa sau sách giới thiệu quảng cáo du lịch tại Phượng Hoàng cổ trấn và Trương Gia Giới ở Trung Quốc, được trưng bày tại quầy bán tour của Saigontourist.

Tối 13/10/2019, phim hoạt hình Người tuyết bé nhỏ hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc bị gỡ khỏi lịch chiếu của cụm rạp CGV vì một đoạn phim chiếu bản đồ có hình ‘đường lưỡi bò’.

Các vụ việc xảy ra liên tục khiến Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng hôm 5/11 lên tiếng nói cần cảnh giác, không để ‘đường lưỡi bò’ xuất hiện tràn lan ở Việt Nam. Đại diện Bộ Công thương cũng cam kết sẽ ngăn chặn và tiến hành biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn tình trạng này.

Bộ Văn hóa – Thể theo – Du lịch cũng vừa giao Trung tâm Công nghệ Thông tin của bộ này, xây dựng phần mềm để phát hiện hình ảnh, âm thanh, lời thoại vi phạm về chủ quyền như hình “đường lưỡi bò”.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch Trịnh Thị Thủy cho báo chí trong nước biết tin này tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ hôm 5/11.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/the-nine-dash-line-discovered-in-solar-power-equipment-software-11082019075449.html

 

Hàng trăm nữ sinh Việt Nam

bỏ học ở Anh để đi làm lậu

Tin từ London, ngày 08/11/2019: Tờ báo The Times của Anh cho biết gần đây có hàng trăm nữ sinh Việt Nam đến Anh Quốc theo dạng du học, nhưng lại bỏ học để đi làm bất hợp pháp trong tiệm nail, trang trại cần sa, và thậm chí là nhà chứa.

Học sinh Việt Nam phải trả hàng trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng để được nhập học ở nhiều trường trung học, cao đẳng hay đại học ở Anh Quốc. Họ được bố trí ở nhà dân địa phương hoặc trong ký túc xá của trường. Rất nhiều trong số này đã bỏ học và trốn ra ngoài làm chỉ vài tuần hoặc vài tháng kể từ khi nhập học, số khác thì học một kỳ rồi không quay trở lại trường sau kỳ nghỉ.

Báo The Times đưa tin người trẻ nhất trốn khỏi trường khi mới 15 tuổi và cảnh sát không tìm thấy từ 3 năm trước.

Theo đánh giá của giới chức Anh Quốc, Việt Nam là một trong 3 quốc gia có số học sinh bỏ học nhiều nhất ở đây, và cũng là một trong 3 quốc gia có công dân có nguy cơ  trở thành nạn nhân của buôn người. Nhiều trong số họ được cảnh sát Anh tìm thấy trong nhiều tiệm nail do người Việt làm chủ.

Nhiều trường đã phải cử giáo viên đi cùng cảnh sát để truy lùng học sinh Việt Nam bỏ trốn. Tất cả các trường đã bị cảnh báo trong việc xét hồ sơ du học của trẻ em Việt Nam.

The Times cũng cho biết nhiều phụ nữ Việt Nam lao động trong tiệm nail và sống với điều kiện kham khổ trong khu vực gần tiệm. Có người còn phải bán dâm bên cạnh việc làm nail.

Việc học sinh Việt Nam trốn trường không chỉ xảy ra ở Anh Quốc, mà còn ở Nam Hàn. Tờ báo The Korea Times đưa tin có 30 học sinh Việt Nam trốn khỏi Gyeongsang National University năm 2017.

Quốc Tuấn

https://www.sbtn.tv/hang-tram-nu-sinh-viet-nam-bo-hoc-o-anh-de-di-lam-lau/

 

Việt Nam vẫn ‘bắt buộc’ phải xuất khẩu lao động

Quốc PhươngBBC News Tiếng Việt

Mặc dù các thảm họa có tính chất bi kịch như vụ 39 nạn nhân tử nạn ở Essex, Anh quốc, Việt Nam dưới các áp lực rất lớn sẽ “buộc phải tiếp tục” xuất khẩu lao động, khách mời nói với BBC News Tiếng Việt tại một tọa đàm trực tuyến hôm 07/11/2019.

Các áp lực này đến từ nhiều hướng, trong đó có các yếu tố từ kinh tế, dân số, tài nguyên và đặc biệt là biến đổi khí hậu và thay đổi môi trường, tiến sỹ Hoàng Kim Phúc, đến từ Oxford, nói với Bàn tròn thứ Năm.

Việt Nam ‘đang lo hậu sự’ cho nạn nhân

Địa phương ‘không thể không biết’

Bắt 15 người trong xe thùng nghi đi lậu vào Anh

39 tử thi trong xe tải, bi kịch và giải pháp

“Việt Nam là một đất nước có 96 triệu dân, với tỷ lệ dân số đầu người trên diện tích là gần gấp đôi Trung Quốc. Chúng ta hiện nay đứng trước những thảm họa về biến đổi khí hậu mà có thể Đồng bằng Sông Cửu Long trong một thời gian ngắn khoảng vài chục năm nữa sẽ mất và thậm chí có thể ảnh hưởng đến các đồng bằng ở Bắc Bộ và Trung Bộ.

Thảm họa đó xảy ra có thể mấy chục triệu người mất việc làm. Lúc đó chúng ta tính thế nào?TS. Hoàng Kim Phúc

“Như vậy, vấn đề của chúng ta sẽ là vấn đề không phải là có lao động xuất khẩu hay không, mà có thể nói chắc chắn rằng với tình trạng trình độ lao động hiện nay, chúng ta bắt buộc phải xuất khẩu lao động.

“Bởi vì các vị thử hình dung xem, nếu như khi các đồng bằng mất đi, thì số 96 triệu dân đó sẽ đi đâu? Điều đó như tôi nói là chính sách lao động. Cái mà chúng tôi đang nói tới là chính sách lao động, không phải là một chính sách nhỏ nào đó mà Bộ Lao động Việt Nam đang tiến hành mà là cả một chính sách vĩ mô để cứu cả một dân tộc đứng trước cả một thảm họa đó.

“Thảm họa đó xảy ra có thể mấy chục triệu người mất việc làm. Lúc đó chúng ta tính thế nào? Những số liệu chúng tôi được biết, như chúng ta đều biết là Việt Nam có ba vòng cung ở phía Bắc là vòng cung Ngân Sơn, Bắc Sơn và Đông Triều, những vòng cung đó, vì tôi là một nhà sinh học, ngày trước đã từng nghiên cứu hàng chục năm ở Việt Nam, nó tạo ra cái tiểu khí hậu và những tiểu khí hậu đó rất đa dạng ở trong những vòng cung đó.

“Nhưng đến bây giờ, khi tôi quay về nước sau khoảng hai chục năm, thì anh em, bạn bè, nhất là những người làm trong công tác về mặt sinh thái học thì họ nói rằng nhiệt độ và khí hậu trong những vòng cung đó gần như là giống nhau, tức là nóng lên rất kinh khủng. Khí hậu thay đổi và khô hạn, mất rừng thì đó là một thảm họa nhìn thấy chứ không phải là không.

“Mà thảm họa đó đồng thời cùng với những báo cáo của Liên Hiệp Quốc nghiên cứu nói rằng Việt Nam bị sụt lún ở Đồng bằng Sông Cửu Long và nước biển dâng lên sẽ xảy ra ở Trung Bộ, thậm chí ở Bắc Bộ thì chúng ta sẽ làm như thế nào?

“Nếu chúng ta không có những chính sách về thực tế là thay đổi về mặt giáo dục, thay đổi về mặt chính sách lao động để đào tạo con người thích nghi với đó, thích nghi để làm gì? Để chúng ta có tiếng Anh, để chúng ta có thể đi ra nước ngoài làm được một cách hợp pháp và có thu nhập, để tránh những khủng hoảng.

“Cái đó là trách nhiệm của chính quyền Việt Nam, là trách nhiệm của Quốc hội Việt Nam. Ví dụ tôi rất không đồng ý với việc vừa rồi Quốc hội Việt Nam không đồng ý với việc đưa tiếng Anh là thứ tiếng thứ hai, việc đó là việc bắt buộc phải làm.”

Nước Anh đã làm đủ chưa?

Nước Anh, một trong các quốc gia ở châu Âu và hiện vẫn trong khối Liên minh châu Âu đã và đang là điểm đến của nhiều dòng di dân trên thế giới, trong đó có các nước từ châu Á, châu Phi, trước câu hỏi nước Anh đã làm đủ chưa để góp phần làm giảm thiểu hay tránh được những thảm họa như vụ 39 người Việt Nam tử nạn ở Essex, tiến sỹ Hoàng Kim Phúc nói:

“Luật nhập cư ở nước Anh có rất nhiều những lỗ hổng, những lỗ hổng đó có thể xuất phát từ trình độ nhân đạo và những luật về bảo vệ nhân quyền ở đây phát triển quá xa. Trong khi đó những người nhập cư khai thác vào những khía cạnh đó và để tìm cách hợp thức hóa, hợp pháp hóa và cái lỗ hổng đó liên tục được khai thác.

“Ở đây lại là xã hội dân chủ, cho nên việc khai thác đó là nhiều bên, nhất là hệ thống luật sư ở đây, nhiều khi họ tìm được những lỗ hổng đó và họ giúp những người nhập cư bất hợp pháp. Tất nhiên những trường hợp nhân đạo, phải luôn luôn mở lòng với trường hợp nhân đạo.

“Nhưng nếu trường hợp không phải là nhân đạo, thì cũng phải có những cái nhìn và có những điều chỉnh phù hợp… Không phải nhân đạo là anh có thể chỉ vì đơn thuần là lý do kinh tế, anh muốn làm giàu, anh muốn tham gia vào những băng đảng, anh đến đây anh trồng cần sa để anh thu hoạch, anh kiếm một số tiền khổng lồ.

“Thực ra những người trồng cần sa ở đây, theo những số liệu mà chúng tôi được biết, bản thân thân nhân của họ ở nhà, mặc dù là nhà cao, tiền tỷ, nhưng không hạnh phúc. Bởi vì con cái phải sống xa bố mẹ, hư hỏng, phá phách, gia đình chia ly, tất cả những thứ đó cộng hợp lại, thành một giá trị mà chúng ta phải tính trong bài toán này.

“Thực ra họ làm được tiền, nhưng họ phá nhiều hơn. Họ phá cả ở quê hương Việt Nam và phá cả ở đây. Chính vì thế, tôi cho rằng rõ ràng là Quốc hội Anh cần phải có những cuộc điều trần và phải nghe những vấn đề này.

“Chúng tôi có thể viết hoặc chuyển ra những thông tin bằng tiếng Anh để Quốc hội Anh phải nghe, đồng thời chúng tôi cũng phải nói chuyện với những nghị sỹ ở khu vực của mình để mà có thể có những sự thay đổi để phù hợp, vừa tránh những thảm họa đã xảy ra tiếp tục (lặp lại) mà có thể làm hàng chục người chết, hoặc có thể chết nhiều hơn nữa, nhưng đồng thời để ổn định cuộc sống ở đây.”

‘Gian nan, bỏ mạng dọc đường’

Bình luận tại chỗ sau ý kiến này ngay tại Bàn tròn, khách mời tại Studio, Phêrô Trần Mạnh Tuấn, một người từng vào nước Anh vài năm trước cũng qua một con đường và cách thức khá giống với 39 nạn nhân tử nạn ở Essex nói:

“Điều Tiến sỹ Phúc nói ra, tôi cũng đồng tình, về những trường hợp ‘không nhân đạo’, chẳng hạn những trường hợp mà sang đây, những phần không nhân đạo, chẳng hạn như họ có những cái làm mà gây ra sự xấu cho đất nước này thì đó là cái ‘không nhân đạo’.

“Còn trường hợp nhân đạo như bây giờ ở đất nước này, họ luôn luôn mơ ước vòng tay để đón nhận. Chẳng hạn như là những con người ở nhà bị áp bức về mặt chính quyền, vì một vấn đề gì đó của chính quyền Việt Nam, họ phải ra đi, thì họ cũng xin ở nước Anh cưu mang, đó là cái nhân đạo.”

Nếu trong cái công đó, trường hợp chỉ 2 đến 3 người, hoặc 5 người, thì tôi tin chắc rằng là không chết, lượng ôxy sẽ đủ, nhưng với 39 người, trong quá trình kéo dài thời gian, nó sẽ hết ôxy, thì dẫn đến là chết ngạtPhêrô Trần Mạnh Tuấn, khách mời Bàn tròn

Nhân dịp này, khách mời từng nhập cư vào nước Anh qua con đường xe tải chở container lạnh này chia sẻ cảm tưởng của mình về vụ việc 39 nạn nhân ở Essex mới tử nạn và hồi tưởng chuyến đi vài năm trước đã từng tham gia.

“Vụ 39 người mất đây, cộng đồng ai cũng đều đau thương cả, hiện giờ một số ra nhận dạng cũng tương đối đầy đủ, chỉ thiếu một vài trường hợp là chưa, còn trong đường đi thì hầu như là người Việt Nam để ra đi thì sang Nga là con đường chính. Hoặc là một số đi sang các nước khác, thì đều để vượt biên vào Anh.

“Trên chặng đường đi từ Nga, thì đều trèo đồi, lội suối, để vượt đi. Có những chặng đường rất là gian nan. Chặng đường đó tôi đã từng đi. Ở Nga thì chờ đợi, và sau quãng thời gian để vượt rừng ở Nga, lội suối, rất là vất vả. Cũng có những trường hợp họ yếu không đi được và đã có những trường hợp phải bỏ mạng lại.

“Rồi khi đi được qua các nước, nhất là quãng đường như Ukraine hoặc khác để qua các nước thì hầu như là họ có chở xe container, xe van, hoặc là xe taxi, khi đi vào địa phận Ba Lan hoặc Đức, rồi sang Pháp, thì chặng đường đó, khoảng thời gian đi đỡ hơn, có xe chở.

“Còn khi sang Pháp rồi, thì phải chờ đợi. Đi trong hai kiểu đi một là đi “VIP” hai là đi “cỏ”, đi VIP thì có thể họ cho ăn ở một nhà nào đó, tôi đi “cỏ”, đi VIP thì họ sắp xếp cho đi có thể là nhàn hơn.

“Việc đi đó thì đều là bất hợp pháp, vì đều vượt biên vào một đất nước khác là bất hợp phá, còn số tiền để chi trả thì với tôi, người ở nhà cũng là nợ nần để họ đưa đi thì số tiền tôi không biết.

Khi được hỏi vì sao biết là bất hợp pháp, nhưng vẫn đã quyết định đi, khách mời Phêrô Trần Mạnh Tuấn nói: “Vì ở trong đất nước khi không có nhân quyền, dân chủ, tự do, việc làm không có rồi bệnh tật nhiều, môi sinh, môi trường ô nhiễm, con người buộc phải ra đi.”

‘Đặt mình vào hoàn cảnh các nạn nhân’

Các nạn nhân trong vụ 39 người tử nạn trong thùng đông lạnh trên xe container vừa qua được cho là có thể đã mất ít nhất vì lý do thiếu dưỡng khí, hoặc ngạt khí, hoặc có thể có nguyên nhân thêm là bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ hạ thấp trong khoang đông lạnh. Đặt mình vào hoàn cảnh của những nạn nhân và hồi tưởng chuyến đi của mình, Phêrô Trần Mạnh Tuấn chia sẻ thêm:

“Trong việc mà họ đóng lên công (container), thì thường công đông lạnh là phần lớn, công đông lạnh thường là đi qua các cửa chốt thì an toàn hơn là các công khô, công bạt, nhưng mà cái công với số nạn nhân chết ở đây thì chắc chắn là công đó nằm chờ đợi quá lâu, không có đầu máy để gắn, để làm mát ôxy vào, thì con người ở trong đó thiếu ôxy, sẽ dẫn đến chết ngạt.

“Nếu trong cái công đó, trường hợp chỉ 2 đến 3 người, hoặc 5 người, thì tôi tin chắc rằng là không chết, lượng ôxy sẽ đủ, nhưng với 39 người, trong quá trình kéo dài thời gian, nó sẽ hết ôxy, thì dẫn đến là chết ngạt.

Không thể giải cứu được, vì cửa bên ngoài khi đó họ đóng chặt rồi thì chúng tôi ở trong đó không có một vật gì để mà phá, mà kể cả có cũng không phá được, vì cái container không thể phá bằng cách nào được để thoát raPhêrô Trần Mạnh Tuấn

“Khi chết rồi, họ biết, chắc chắn người lái xe biết số nạn nhân trong đó tử vong mà nhất là có tin nhắn của cô Trà My nữa, thì chắc chắn đường giây họ sẽ báo về người lái xe thôi, khi kiểm tra chết rồi, thì họ phải làm tăng số nhiệt độ cao lên để làm âm trong đó, con người khi đó chắc chắn là chết rồi, thì họ làm âm thôi.”

Phêrô Trần Mạnh Tuấn mang tới trường quay vài kỷ vật mà đã theo anh trên chặng đường vào nước Anh bằng xe chở container, anh nói:

“Đi trên đường, vợ tôi có sắm cho tôi một ít đồ, năm 2013, cũng có một số khác nhưng không còn nữa, nhưng còn chiếc áo len này tôi luôn mang ở trong mình, và thứ hai là chuỗi hạt mân-côi thì luôn gắn bó bên mình tôi, vì trên quãng đường đi thì tôi đã luôn luôn cầu nguyện để xin được sự bằng an, được Thiên Chúa, Đức Mẹ che chở để đi được bằng an, chuyến đi của tôi đã bằng an. Khi qua bên này, cảnh sát cũng bắt được trên chuyến xe đó, nhưng tính mạng thì an toàn, không sao.”

“Khi ở trong công rất là sợ hãi vì toàn bộ nó đóng kín lại, giống như một tủ lạnh làm mát, xe đó là xe đông lạnh, nó chở trong đó các hàng thực phẩm như sữa hoặc là cái gì đó, xe tôi là xe chở sữa thì máy luôn làm mát để giữ sữa được an toàn. Thì trong đó tăm tối, chẳng biết gì cả.”

Trước câu hỏi liệu có thể tự giải cứu hay không nếu có vấn đề xảy ra đe dọa an toàn, tính mạng, Phêrô Trần Mạnh Tuấn nói:

“Không thể giải cứu được, vì cửa bên ngoài khi đó họ đóng chặt rồi thì chúng tôi ở trong đó không có một vật gì để mà phá, mà kể cả có cũng không phá được, vì cái container không thể phá bằng cách nào được để thoát ra.”

Về liên lạc khẩn cấp chẳng hạn như muốn được cấp cứu, xin được cứu, khách mời này nói thêm:

“Khi đó đi qua đất nước khác rồi, tất nhiên trên đường đi thì các điện thoại kiểu dùng được internet chắc chắn là không đưa đi được, thời nay tôi không biết, nhưng thời tôi đi là không đưa đi được. Chỉ mang được ‘cục gạch’ trong người, một loại điện thoại mà chỉ có thể điện được thôi. Nhưng SIM qua địa bàn khác rồi, không có thì không bằng cách gì liên lạc được.”

Ít cơ hội và bị kỳ thị vùng miền?

Luật sư Lê Quốc Quân, tham gia cuộc hội luận trực tuyến từ Hà Nội, chia sẻ một số thông tin mà theo ông có thể liên quan đến một nhóm đông các nạn nhân được cho là đã xuất phát từ miền Trung Việt Nam:

“Ngay khi nghe tin, bây giờ có cơ hội, tôi xin chia buồn sâu sắc đến những người tôi biết đã bị nạn, còn tình hình cập nhật quê hương ở đây, theo tôi được biết có đến 24 người là ở trong tỉnh Nghệ An mà thân nhân đã liên lạc với cơ quan nhà nước để họ có thể sang nhận diện, có thể có nghĩa rằng có thể đến 24 người là đã đến từ tỉnh Nghệ An, trong đó có rất nhiều người là từ Yên Thành, là nơi tôi sinh ra.

“Còn phía bên nhà nước, theo như ông Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công An của tỉnh Nghệ An, nói rằng đã bắt đến 8 người về việc trong điều 349 (Bộ Luật Hình sự Việt Nam) là điều về tổ chức cho người trốn đi hoặc ở lại nước ngoài trái phép.

Nói chung là ít cơ hội trên đất nước Việt Nam, nhưng trong giai đoạn vừa rồi, thì có tình trạng Formosa rất nhiều người ven biển bị mất việcLuật sư Lê Quốc Quân

“Đó là quan điểm nhà nước, còn cá nhân tôi, tôi đồng ý với quan điểm nói rằng ở Việt Nam rất ít cơ hội cho những người ở các tỉnh như Nghệ An, Hà Tĩnh của chúng tôi.

“Nói chung là ít cơ hội trên đất nước Việt Nam, nhưng trong giai đoạn vừa rồi, thì có tình trạng Formosa rất nhiều người ven biển bị mất việc.

“Thứ hai nữa là khí chất, tính chất của người Nghệ An, Hà Tĩnh thế nào mà đi làm công ở những vùng nơi xa, ví dụ trong khu công nghiệp ở miền Nam, thì có những điểm người ta không tuyển người Nghệ An, Hà Tĩnh.

“Và khu vực này là khu vực đông dân, cho nên có rất nhiều điều kiện nó tác động làm cho chính quê hương của chúng tôi phải bỏ nước ra đi khá là nhiều.”

Vì sao phụ nữ ra đi?

Một số thống kê cho thấy có tỷ lệ đáng kể phụ nữ từ Việt Nam, trong đó có các người tuổi đời còn trẻ, đã rời Việt Nam ra nước ngoài, trong đó có nhiều trường hợp tới Anh qua những con đường được cho là bất hợp pháp, khi được hỏi về nguyên nhân, nhà báo tự do Cát Linh từ Hà Nội bình luận:

“Về chuyện ra đi, thì đàn ông bình thường hơn là phụ nữ, phụ nữ mà để rời bỏ quê hương thì thực sự là rất khó, bởi vì phụ nữ vướng bận rất là nhiều. Có những người đã lập gia đình, có những người thậm chí cũng đang có công việc của họ nhưng họ vẫn bỏ ra đi.

“Cùng quê Hà Tĩnh với tôi, rất nhiều thanh niên, bạn của tôi hầu hết trong độ tuổi từ 18, cùng trang lứa trở đi từ 18 đến 20 tuổi, lượng bạn đi làm công nhân, rồi số lượng đi nước ngoài bằng đủ mọi cách, từ ‘đi chui’, đi xuất khẩu lao động, đi du lịch ở lại, đi du học vừa học vừa làm, thì rất nhiều và cũng có rất nhiều bạn sau khi đi làm công nhân thì bỏ làm công nhân và quay trở về để đi xuất khẩu và đi chi bằng một cách nào đó, miễn là ra được khỏi đất nước Việt Nam.

Về chuyện ra đi, thì đàn ông bình thường hơn là phụ nữ, phụ nữ mà để rời bỏ quê hương thì thực sự là rất khóNhà báo tự do Cát Linh

“Thì chúng ta có thể nhìn nhận rằng đây là vấn đề mà chế độ lao động, có thể rất khắc nghiệt và lương lậu không nhiều. Lương không đủ sống, chi phí mọi thứ đều tăng, hơn nữa, khi mà cuộc sống quá khó khăn như vậy, không đủ để trang trải như thế và chế độ làm việc thì nhiều, họ phải làm tăng ca, thì lương tháng công nhân cũng chỉ được 8-9 triệu đồng là cùng.

“Thì việc mà họ rời bỏ để đi tìm một cuộc sống mới, đi tìm một tia hy vọng khác hơn thì có thể, bởi vì lượng công việc hiện nay cũng không nhiều nữa, lượng công việc không đủ và như Luật sư Lê Quốc Quân nói có nhiều nơi họ không tuyển người Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa… cái này mình không thể chắc chắn được…”

Lý do của việc này có thể vì những người có quê ở hai vùng miền này dù rất chịu khó, cần cù, nhưng bên cạnh đó có thể có một số vấn đề nào đó mà dẫn đến việc có ai đó còn e ngại khi tuyển dụng, nhà báo tự do này nói với Bàn tròn thứ Năm.

Thông tin từ Cảnh sát Anh từ hạt Essex, hôm 08/11/2019 cho hay toàn bộ 39 nạn nhân trong vụ tử nạn đến từ Việt Nam, trong đó người trẻ nhất 15 tuổi (hai trường hợp) và cao tuổi nhất là 44 tuổi, với 8 phụ nữ trong đó.

Cũng trong danh sách này, 21 nạn nhân đến từ Nghệ An, 10 đến từ Hà Tĩnh, Quảng Bình và Hải Phòng có 3 người và Hải Dương, Thừa Thiên Huế, mỗi địa phương có một người.

Mời quý vị bấm vào đường dẫn này để theo dõi Bàn tròn thứ Năm về chủ đề trên của BBC News Tiếng Việt.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-50346221

 

Cộng đồng mạng VN nói

họ không cần ‘nụ cười Thành Long’

Tổ chức Operation Smile Việt Nam ngày 8/11 đã thông báo rút tên diễn viên Thành Long (Jackie Chan) khỏi sự kiện sắp tới sau khi có nhiều phản đối từ cộng đồng mạng.

Thành Long ‘luyện kung-fu cho tê tê’

Thành Long được trao Oscar danh dự

Con trai Thành Long lãnh án tù

Trước đó, người dùng mạng xã hội Việt Nam sôi sục làn sóng đòi tẩy chay Thành Long khi tổ chức thiện nguyện Operation Smile thông tin rằng dịp kỷ niệm 30 năm hoạt động sẽ có sự tham dự của ngôi sao phim hành động Hong Kong Thành Long.

Nguyên nhân chính được cho hay là do Thành Long từng công khai ủng hộ Đường lưỡi bò của Trung Quốc trên Biển Đông.

Nhiều ý kiến nói rằng Trung Quốc đã tìm cách cài cắm hình ảnh ‘Đường lưỡi bò’ vào nhiều ấn phẩm, sản phẩm lưu hành tại Việt Nam, từ sách, báo, tới phim, ô tô, điện thoại, khiến nhà chức trách nước này phải vào cuộc.

Gần đây nhất Hải quan Việt Nam nói sẽ tịch thu 7 xe ô tô Hanteng xuất xứ Trung Quốc vì có bản đồ định vị vệ tinh ‘đường lười bò’.

Phản ứng của Operation Smile

Trước áp lực này, trong thông cáo báo chí ngày 8/11, Operation Smile Việt Nam cho hay “ghi nhận những phản ứng trên mạng xã hội phản đối việc Thành Long – Đại sứ Toàn cầu của Operation Smile sang tham dự chuỗi các hoạt động kỷ niệm 30 năm hoạt động tại Việt Nam”.

Tổ chức này cũng nói “lấy làm tiếc khi sự việc trên xảy ra tạo những thông tin trái chiều làm ảnh hưởng tới dư luận” và rằng họ đã “không lường trước được phản ứng của người dân trong nước”.

Operation Smile khẳng định “sẽ không tổ chức bất cứ hoạt động nào có sự tham gia của Thành Long trong đợt kỷ niệm 30 năm thành lập tổ chức tại Việt Nam”.

Hình ảnh của Thành Long trên Fanpage và trên poster sự kiện của Operation Smile cũng bị rút.

Thành Long từng tới Việt Nam với vai trò đại sứ của tổ chức Operation Smile năm 2009 nhưng không bị phản đối như lần này – khi mối quan hệ giữa hai nước đang trở nên căng thẳng liên quan đến hoạt động của Trung Quốc tại Bãi Tư Chính của Việt Nam.

‘Đường lưỡi bò’, hay ‘đường chín đoạn’ (nine-dot-line) là sản phẩm của Trung Quốc vẽ ra và cho in ấn nhiều nơi nhằm khẳng định chủ quyền gần trọn vùng biển Đông Nam Á, mà Việt Nam gọi là Biển Đông.

Việt Nam chưa bao giờ công nhận ‘đường lưỡi bò’ và luôn nói họ có chủ quyền ở cả hai quần đảo Hoàng Sa (hiện do Trung Quốc giữ), và Trường Sa (hiện có nhiều nước cùng tuyên bố chủ quyền).

Không ít ấn phẩm của Trung Quốc có bản đồ ‘đường lưỡi bò’ đã vào Việt Nam bằng nhiều đường dù nước này được cho là kiểm soát truyền thông và văn hóa phẩm rất chặt.

Việc đặt hàng in ấn ở Trung Quốc dẫn tới tình trạng công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist phát cho khách ẩn phẩm du lịch có hình ảnh bản đồ với đường lưỡi bò.

Thành Long: ‘Tôi là người gác cờ Trung Quốc’

Mạng xã hội và cả báo chính thống của Việt Nam đều chia sẻ thông tin Thành Long bị tẩy chay là do ông từng ủng hộ Đường lưỡi bò của Trung Quốc trên trang cá nhân, nhưng không thấy có ảnh chụp màn hình hay đường dẫn tới chia sẻ nói trên của Thành Long.

Trong khi đó, trang Hongkongfp từng cho hay sau vụ Trung Quốc thua kiện Philippines trước Tòa trọng tài quốc tế liên quan đến chủ quyền trên Biển Đông năm 2016, Thành Long bị cộng đồng mạng Trung Quốc chỉ trích vì ông không lên tiếng ủng hộ quan điểm của Bắc Kinh như các nghệ sỹ khác.

Dù vậy, Thành Long luôn công khai ủng hộ chính phủ Trung Quốc.

Mới đây, Thành Long tuyên bố ông là ‘người gác cờ Trung Quốc’ trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình nhà nước CCTV, theo báo Shanghaiist.

Theo đó, nói về quyết định tham gia chiến dịch “1,4 tỷ người gác cờ” sau khi người biểu tình Hong Kong đốt và vứt cờ Trung Quốc xuống biển, Jackie Chan cho hay ông muốn thể hiện lòng yêu nước với tư cách là một công dân Hong Kong và Trung Quốc. “Tôi là một trong những người bảo vệ lá cờ tổ quốc,” Thành Long tuyên bố.

Tờ Shanghaiist cũng cho hay Thành Long từ lâu đã là ngôi sao ủng hộ Bắc Kinh nổi bật nhất tại Hong Kong.

Tờ South China Morning Post viết rằng người dùng mạng Hong Kong đã vô cùng tức giận khi Thành Long nói tình hình ở Hong Kong hiện nay ‘rất đáng buồn’ và ‘mong Hong Kong sớm trở lại yên bình’, đồng thời ca ngợi sự phát triển kinh tế của đại lục, và rằng ông “tự hào là người Trung Quốc.”

“Hong Kong căm ghét ông,” một người Hong Kong viết trên Twitter sau đó.

Người khác viết: “Thật đáng hổ thẹn.”

Năm 2009, Thành Long từng bị chỉ trích dữ dội khi phát biểu về phong trào ủng hộ dân chủ: “Tôi không chắc có tự do thì có tốt không nữa… Nếu bạn quá tự do, bạn giống Hong Kong bây giờ. Rất hỗn loạn. Đài Loan đã rất hỗn loạn rồi.”

‘Tinh thần dân tộc cực đoan’?

Facebooker Nguyễn Văn Phước (Giám đốc Công ty Trí Việt): Tất cả người Việt Nam phản đối bất kể ai ủng hộ Đường lưỡi bò xâm lược!

Hãy nhìn kỹ nụ cười của gã Thành Long – Jacky Chan khi khúm núm đứng cạnh Chủ tịch Tập Cận Bình và tấm ảnh thứ hai vì sao hắn ta lại được sắp đứng sát ngay cạnh Chủ tịch Tập Cận Bình trong đại lễ

quan trọng kỷ niệm 70 năm thành lập ĐCSTQ ngày 1/10 tại Quảng trường Thiên An Môn cùng dàn lãnh đạo cấp cao nhất nhiều nhiệm kỳ Trung Quốc.

Từ đó lý giải vì sao Thành Long lại có thể uốn ba tấc lưỡi tuyên bố ủng hộ đường lưỡi bò phi pháp xâm lược chiếm Biển Đông của Việt Nam và lên tiếng ủng hộ cảnh sát Hong Kong trấn áp sinh viên Hong Kong đấu tranh đòi quyền dân chủ gây phẫn nộ cho nhân dân Hong Kong…

Rất nhiều người Hong Kong ngạc nhiên và tức giận khi phát hiện ra các vai đóng phim trên màn ảnh của Thành Long đều rất nghĩa hiệp, chống tà ác bảo vệ kẻ yếu thì ngoài đời thật lại thể hiện và ứng xử ngược lại hoàn toàn – để lấy lòng Bắc Kinh hắn ta động viên cổ vũ cảnh sát đặc nhiệm ra tay với người trẻ Hong Kong. Đến đứa con gái ruột của mình mà hắn ta cũng không dám công nhận nuôi dưỡng đàng hoàng dù hắn ta rất giàu có.

Facebook nhạc sỹ Tuấn Khanh: …Việc từ chối Thành Long đến Việt Nam, không hoàn toàn là chuyện thù ghét cá nhân, mà là một thái độ của một dân tộc, của một quốc gia đã bị bức hiếp công khai hoặc thầm lặng về chủ quyền, về phẩm giá của một quốc gia.

Trung Quốc không bỏ lỡ một cơ hội nào để lấn vào cuộc sống của người Việt, đầu độc cảm giác bằng cách tạo sự quen thuộc với dối trá mà họ đã dựng nên. Đừng nghĩ rằng Bắc Kinh khờ khạo khi đầu tư hàng triệu USD cho những bộ phim của Hollywood, chỉ để gán ghép một vài điều thoáng qua, để vẽ nên điều họ muốn. Trung Quốc cũng không tự nhiên để tặng các giáo trình công phu, chỉ để gắn vào đó một trang bản đồ có đường chín đoạn. Cũng không phải ngẫu nhiên mà nhiều lần du khách Trung Quốc đến Việt Nam lại mặc áo có bản đồ xiển dương cho đường lưỡi bò. Tất cả những những điều đó, âm thầm và dai dẳng để thay cho những phát ngôn chính thức của chính quyền Trung Quốc về một loại bá quyền, chà đạp lên chủ quyền của Việt Nam.

Hãy để Thành Long ở yên với suy nghĩ của ông ấy. Và khi nào ông ta không gắn liền với những vấn đề chính trị như đường lưỡi bò, hãy đến và cùng làm việc từ thiện với người Việt.

Facebook nhà văn Đoàn Bảo Châu: Làn sóng phản đối diễn viên Thành Long sang Việt Nam với tư cách đại sứ của tổ chức Phẫu Thuật Nụ Cười tiếp tục lan rộng, lý do bởi Thành Long là người công khai ủng hộ Đường lưỡi bò mà Trung Cộng trơ tráo vẽ ra, coi Biển Đông là ao nhà của chúng, bất chấp luật pháp quốc tế, bất chấp chủ quyền không thể chối cãi được của Việt Nam.

Tuy nhiên cũng lác đác một số ý kiến ủng hộ việc Thành Long tới Việt Nam:

Facebook Nguyễn Trường Sơn: Tôi lại muốn Thành Long tới Việt Nam và được đón chào bởi hàng đoàn người cầm biểu ngữ ủng hộ Hong Kong và Nói Không Với Đường lưỡi Bò.

Việc phản đối và ngăn cản ai đó tới nước chúng ta, về mặt quốc tế, sẽ khiến người khác nghĩ rằng chúng ta sợ, thiếu tự tin, lép vế đâm ra phản ứng gay gắt. Một cá nhân thôi mà đã khiến cả xã hội dậy sóng, trong khi cá nhân ấy chẳng phải chính trị gia, thực ra khiến chúng ta trông khá yếu ớt nếu nhìn từ bên ngoài.

…Tôi biết rằng nói những điều này trong bối cảnh tình cảm của mọi người đang dâng cao sẽ khiến nhiều người cảm thấy khó chịu, thậm chí sẽ có người cho rằng những lời lẽ này là đạo đức giả và cải lương. Nhưng sự thật là, nhìn từ bên ngoài, xã hội chúng ta đang thể hiện một tinh thần dân tộc rất cực đoan. Và nó không hề có lợi trong việc thuyết phục cộng đồng quốc tế tin vào lý lẽ của chúng ta.

Thành Long là ai?

Thành Long (Jackie Chan) sinh năm 1954, là ngôi sao phim võ thuật Hong Kong.

Ông trở thành đại sứ quốc tế từ năm 1994 của tổ chức Operation Smile. Ông từng tới Việt Nam với vai trò tương tự vào năm 2009.

Thành Long từng cho hay ông muốn gắn bó với công việc từ thiện sau khi thôi đóng phim.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-50342155

 

Bị cư dân mạng phản đối

Thành Long không đến Việt Nam tham

dự sự kiện của Operation Smile

Operation Smile Việt Nam vào ngày 8/11 chính thức cho biết sự kiện kỷ niệm 30 năm hoạt động của tổ chức này tại Việt Nam sẽ không có sự xuất hiện của diễn viên Hong Kong Jackie Chan tức Thành Long.

Ngoài việc không đến Việt Nam, các hình ảnh của Thành Long cũng đã được gỡ hoàn toàn trên Fanpage của tổ chức này sau khi dân mạng Việt Nam phản ứng gây gắt trước thông tin Operation Smile Vietnam mời Thành Long.

Thông cáo của Operation Smile Việt Nam ngày 8/11 cũng giải thích rõ lý do vì sao Thành Long không đến dự sự kiện của tổ chức này và cho rằng rất lấy làm tiếc khi sự việc xảy ra tạo những thông tin trái chiều làm ảnh hưởng đến dư luận cũng như hoạt động nhân đạo của Operation Smile Vietnam.

Cụ thể thông cáo ghi “…dù luôn trân trọng các đóng góp của Thành Long với những hoạt động thiện nguyện của tổ chức nhưng do không lường trước những phản ứng của người dân trong nước cũng như trong bối cảnh chưa có kế hoạch cụ thể về việc anh tới Việt Nam, Operation Smile sẽ không tổ chức bất cứ hoạt động nào có sự tham gia của anh trong đợt kỷ niệm 30 năm thành lập tổ chức tại Việt Nam”.

Trước đó tổ chức Operation Smile Việt Nam đã đăng tải thông tin diễn viên Thành Long – đại sứ toàn cầu của tổ chức này sẽ đến Việt nam vào tháng 11 năm 2019 để kỷ niệm 30 tổ chức này hoạt động tại Việt Nam. Thông tin này ngay lập tức đã vấp phải sự phản đối mạnh mẻ của dư luận trong nước.

Nguyên nhân được cho là Thành Long từng chia sẻ trên tài khoản mạng xã hội bản đồ có hình đường lưỡi bò của Trung Quốc vào năm 2016.

Đường lưỡi bò hay đường đứt khúc 9 đoạn mà Trung Quốc vẽ ra đòi chủ quyền vùng nước lịch sử đến gần 90% diện tích Biển Đông. Tòa Trọng tài Quốc tế đã bác bỏ tính hợp lý của đường đứt khúc này trong một phán quyết năm 2016 nhưng Bắc Kinh không chấp nhận phán quyết này.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/jackie-chan-actor-not-to-come-vietnam-to-take-part-in-operation-smiles-event-due-to-netizens-opposition-11082019083429.html

 

Mạng Xã Hội

gây “chướng mắt” đảng và Nhà Nước Việt Nam?

Thanh Trúc, RFA

Facebookers là thế lực thù địch?

Dù vậy, theo viên chức đứng đầu Bộ Công An Việt Nam, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn diễn biến phức tạp. Báo chí trong nước trích dẫn nguyên văn lời đại tường công an Tô Lâm rằng “Các tổ chức phản động lưu vong, đối tượng chống đối trong nước tiếp tục gia tăng các hoạt động chống phá, trong đó có cả hoạt động khủng bố manh động; không gian mạng, nhất là mạng xã hội, đang bị các thế lực thù địch, phản động, các loại tội phạm triệt để lợi dụng hoạt động chống phá”

Đây không phải lần đầu tiên thế lực thù địch, phản động, tức tội phạm chuyên sử dụng mạng xã hội như Facebook, được nhắc đến và bị liệt vào thành phần khủng bố, âm mưu chống phá, lật đổ chính phủ.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Già, cựu tù nhân quyền mà tài khoản Facebook cá nhân từng bị đánh sập trước đây, nói ông không ngạc nhiên và hiểu vì sao báo chí lề phải, điển hình báo Thanh Niên, đưa phát biểu về tội phạm không gian mạng của bộ trưởng công an Tô Lâm lên hàng đầu bản tin với hàng chữ đậm nét:

Khi đã gọi là thế lực thù địch thì phải chỉ rõ đó là tổ chức nào, tên tuổi, đóng tại đâu. Nếu là cá nhân thì phải chỉ rõ cá nhân nào, ở đâu. Đó gọi là cách làm việc có khoa học, còn cứ nói chung chung như vậy thì nên nghiêm túc nhìn lại trách nhiệm của mình chứ đừng đổ thừa theo cách tôi cho là ấu trĩ.

Điều IV Hiến Pháp qui định đảng cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân và chịu mọi trách nhiệm trước nhân dân về các quyết định của mình. Như vậy, ông Tô Lâm nói riêng và Bộ Chính Trị nói chung cần phải nhớ khi mà qui cho thế lực thù địch thì vô hình chung họ đã chứng tỏ họ bất lực trước thế lực thù địch nào đó.

Đối với tiến sĩ giáo dục Mạc Văn Trang, cũng là một Facebooker, thế   lực thù địch, phản động, chống phá trên không gian mạng là điều được công an Việt Nam liên tục nhắc đến:

Thậm chí trên Facebook tôi xem lúc chiều tôi thấy họ đưa hình ông giám đốc hay phó giám đốc công an Nghệ An nói rằng trong tỉnh Nghệ An có 150 tổ chức phản động đang hoạt động. Chuyện này không có gì mới đâu, người cộng sản, đặc biệt bên công an hay an ninh nói chung, luôn tìm cách tung hỏa mù, gây hoang mang để đe dọa quần chúng nhân dân là có thế lực thù địch nó phá hoại, nó tuyên truyền, nó bôi nhọ, nó xuyên tạc, nó nói xấu vân vân…

Thế bây giờ hỏi ai là thù địch, ai là phản động họ không chỉ ra đâu, họ chỉ đưa ra được bằng chứng là một số người có đăng  bài phản biện trên Facebook rồi họ cho là kích động lật đổ chính quyền nhân dân, họ bắt bỏ tù. Đó là chủ trương, là cách tuyên truyền của chế độ cộng sản ở đâu cũng vậy.

Gán ghép và xử phạt những tổ chức hay những cá nhân dùng Facebook để trao đổi tin tức là manh động, kích động, khủng bố, mà Việt Nam thường áp đặt lâu nay, mới chính là hành động khủng bố, là nhận định của nhà hoạt động Đoàn Huy Chương đang ở bên ngoài Việt Nam: :

Nhà nước Việt Nam đã lập ra lực lượng AK47 có 10.000 dư luận viên, đó là những dư luận viên cấp cao, còn có những dư luận viên cấp thấp nữa, để đánh phá những tiếng nói trên không gian mạng. Thế lực thù địch trên không gian mạng chỉ là những người muốn cho Việt Nam có sự thay đổi tốt đẹp hơn, nhưng nhà nước Việt Nam  không muốn và họ tìm cách ngăn chặn những tiếng nói tự do. Đó là những tiếng nói như Nguyễn Ngọc Ánh, Trương Minh Đức, Hoàng Đức Bình, Phạm Văn Trội, Nguyễn Bắc Truyển, nhiều và nhiều lắm.

Tính từ tháng Mười đến đầu tháng Mười Một 2019, nhiều Facebookers trong nước đã bị tuyên án tù. Điển hình hôm 31/10 Facebooker Nguyễn Văn Phước bị tuyên 5 năm tù giam với cáo buộc sử dụng mạng xã hội để chia sẻ thông tin xuyên tạc, chống phá Nhà Nước. Cùng ngày 31/10, Facebooker Phạm Xuân Hảo, thạc sĩ giảng viên Khoa Công Nghệ Đại Học Cần Thơ, bị kết án một năm tù giam vì chia sẻ trên mạng bài viết có nội dung bị cho là trái chiều, xuyên tạc đường lối, chủ trương của đảng.

Mới đây nhất, ngày 5 tháng Mười Một, tức chỉ một ngày sau báo cáo của bộ trưởng công an Tô Lâm nhắm vào các thế lực phản động, thù địch trên không gian mạng, đến lượt  Facebooker “ Giáo Sư Hớt Tóc” Nguyễn Văn Nghiêm, bị bắt tạm gian đã 4 tháng, nay bị khởi tố tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ bang chính quyền với nội dung bịa đặt gây hoang mang trong nhân . Facebooker Nghiêm Nguyễn được cộng đồng mạng biết tới qua những video trên YouTube với các chủ đề thời sự như “Dấu hiệu Trung Quốc tiếp tục xâm lược Bãi Tư Chính của Việt Nam” , “Tướng hèn đông như quân Nguyên”, vân vân…

Kế tiếp là nhà hoạt động Nguyễn Ngọc Ánh, thường có bài  viết trên tài khoản Facebook cá nhân khiến ông bị bắt từ tháng Tám 2018, ra tòa  phúc thẩm ngày 6/11 và bị y án 6 năm tù giam đã tuyên trước đó. Tội danh của Facebooker Nguyễn Ngọc Ánh là chia sẻ tin, bài phản động, nói xấu đảng và nhà nước, kích động biểu tình trong ngày lễ Quốc Khánh…

Mạng xã hội: càng siết, càng phát

Nguồn tin trong nước cho thấy từ trung tuần tháng Tám 2019, Bộ Thông Tin Truyền Thông Việt Nam đã đẩy mạnh việc trao đổi với Facebook và Google để gỡ bỏ các thông tin sai sự thật, trái quan điểm, chủ trương của đảng và Nhà Nước. Trong báo cáo gởi Quốc Hội ngày 9 tháng Mười, Bộ Thông Tin Truyền Thông đã đề cập đến những giải pháp về việc tăng cường quản lý thông tin điện tử  trong những ngày tới.

Đến ngày 6 tháng Mười Một, Hà Nội một lần nữa yêu cầu Facebook góp phần bảo đảm an ninh mạng cho Việt Nam bằng cách hợp tác gỡ bỏ các thông tin độc hại.

Cụ thể, tại buổi tiếp xúc giữa ông Nguyễn Văn Bình,trưởng Ban Kinh Tế Trung Ương Việt Nam, với ông Silmon Milner, phó chủ tịch chuyên trách chính sách công khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Tập đoàn Facebook, ông Nguyễn Văn Bình đã đề nghị Facebook phối hợp gỡ bỏ những thông tin mà ông cho là xấu độc, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và trật tự xã hội nhằm bảo đảm an ninh, an toàn cùng là  bảo vệ thông tin cá nhân người sử dụng.

Để tìm hiểu rõ, đài Á Châu Tự Do đã liên lạc bằng điện thư cho Facebook nhưng đến giờ vẫn chưa nhận được hồi đáp. Trước đó, hồi tháng Tám, trả lời qua email với RFA về câu hỏi Facebook sẽ giải quyết yêu cầu của Bộ Thông Tin-Truyền Thông như thế nào, bà Amy Sawitta Lefevre, Quản lý chính sách truyền thông của Facebook cho biết khi nhận được yêu cầu từ chính phủ Việt Nam gỡ xuống một nội dung thì trước tiên Facebook sẽ xem xét báo cáo về việc không tuân thủ các Tiêu chuẩn cộng đồng và sẽ gỡ bỏ nội dung mà Facebook thấy vi phạm các tiêu chuẩn này.

Trường hợp nôi dung bị coi là bất hợp pháp ở Việt Nam, bà Lefevre nói tiếp, Facebook có thể hạn chế quyền truy cập và việc này được thực hiện ở Việt Nam giống như những nơi khác trên thế giới.

Theo tôi ở Việt Nam hiện nay mạng xã hội cũng rất là mạnh, nhờ mạng xã hội mà phát hiện được rất nhiều vấn đề trước kia còn che dấu được hết. Chính mạng xã hội làm dân trí được nâng cao hơn, chính quyền cũng được cảnh báo nhiều hơn. Cho nên hiện nay tôi nghĩ cái mức độ tự do trên mạng xã hội của Việt Nam là tương đối tốt chứ không phải bị đàn áp triệt để đâu, TS Mạc Văn Trang 

Giới phân tích cho rằng đây là bằng chứng cho thấy tự do Internet ở Việt Nam ngày càng bị hạn chế. Tuy vậy, tiến sĩ Mạc Văn Trang cho rằng nhận xét này chưa chính xác:

Về phương diện tự do Internet ở Việt Nam thì phải nói à hơn hẳn bên Trung Quốc vì nhiều mạng xã hội như Facebook và Google được sử dụng. Việt Nam đã đề ra Luật An Ninh Mạng, ai vi phạm thì cứ việc đem ra xét xử. Trong Luật An Ninh Mạng thì vi phạm thứ nhất là làm lộ bí mật quốc gia, thứ hai là bôi nhọ người này người kia, thứ ba nữa là kích động hận thù dân tộc, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc vân vân… Thế thì những ai làm việc đó họ đã bắt họ xử rồi, mà những người đó là công dân phạm pháp chứ đâu phải là thù địch.

Theo tôi ở Việt Nam hiện nay mạng xã hội cũng rất là mạnh, nhờ mạng xã hội mà phát hiện được rất nhiều vấn đề trước kia còn che dấu được hết. Chính mạng xã hội làm dân trí được nâng cao hơn, chính quyền cũng được cảnh báo nhiều hơn. Cho nên hiện nay tôi nghĩ cái mức độ tự do trên mạng xã hội của Việt Nam là tương đối tốt chứ không phải bị đàn áp triệt để đâu.

Càng không có tự do mạng thì càng không thể nào xử lý hết hay dẹp bỏ cho xuể những thông tin gọi là trái chiều hay phản động trên không gian mạng, là khẳng định của nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng:

Không thể ngăn chặn vì đó là xu hướng toàn cầu đã lan tới Việt Nam rất rộng, thứ hai là ảnh hưởng đến toàn bộ khối đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Vấn đề thứ ba, lượng người theo dõi, sử dụng cũng như phản biện trên mạng xã hội, mạng Internet, càng ngày càng tăng.Có một cuộc khảo sát của một nhóm các nhà hoạt động nhân quyền thì trong vòng khoảng 4 hay 5 năm qua lượng người “like” và lượng người “follow” Facebook của những nhà hoạt động này tăng lên ít nhất là gấp đôi, có những trường hợp tăng gấp 4 tới 5 lần.

Đáng chú ý là những người “like” như vậy ban đầu họ chỉ like thôi, nhưng rồi sau đó chính họ trở thành những người viết phản biện, nói phản biện và livestream phản biện. Vô hình chung chính họ bước vào và trở thành một thành viên của phong trào dân chủ, nhân quyền và phản biện ở Việt Nam.

Và, hôm thứ Năm 7 tháng Mười Một, Hà Nội chính thức lên tiếng phủ nhận thẩm định  của Freedom House cho rằng Việt Nam không có tự do Internet.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/social-network-becomes-enemy-government-vn-party-11072019140125.html

 

Xã hội càng phát triển thì tự tử càng nhiều:

Nghịch lý ở Việt Nam

Diễm Thi, RFA

Khả năng chịu đựng áp lực kém

Báo cáo của UNICEF chỉ ra rằng tình trạng tự tử ở tuổi vị thành niên đang ngày càng tăng cao trong 10 năm qua. Trong đó, tự tử và lạm dụng chất ở vị thành niên của Việt Nam gia tăng rất nhiều. Nguyên nhân được PGS.TS Đặng Hoàng Minh chỉ ra là việc thiếu hiểu biết kiến thức về sức khoẻ tâm thần ở nhiều cấp độ từ cá nhân cho đến cộng đồng, chính phủ…

Chia sẻ với báo chí trong nước, PGS.TS Trần Thành Nam (Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục – ĐHQG Hà Nội) cho rằng: “Cũng có thể việc các em không đáp ứng nổi những mong muốn kỳ vọng hoặc có suy nghĩ không đền đáp lại nổi so với sự đầu tư về mặt thời gian và tiền bạc của bố mẹ dẫn đến hành động tự sát để tự trừng phạt bản thân và như một lời xin lỗi đối với họ”.

Các vấn đề sức khoẻ tâm thần phổ biến ở trẻ em và thanh niên Việt Nam là lo âu, trầm cảm, sự đơn độc (hướng nội) và các vấn đề hướng ngoại như tăng động, giảm chú ý. Trong khi đó, nguyên nhân tự tử chủ yếu xuất phát từ thất bại trong các mối quan hệ tình cảm, mâu thuẫn trong hôn nhân, các vấn đề trong trường học, gia đình và do sự e dè trong chia sẻ cảm xúc. Tiến sĩ Nguyễn Quý Thanh đưa ra một góc nhận định quan trọng khác về vấn đề này, đó là việc nhận thức về sức khỏe tâm thần trong trường học và cộng đồng còn nhiều hạn chế và đó cũng là lý do khiến thanh thiếu niên ở độ tuổi đi học vướng phải nhiều việc đáng tiếc xảy ra.

Khi trao đổi với RFA, Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam lại cho rằng nhiều người thì bảo là do áp lực học hành, áp lực gia đình, áp lực công việc, trầm cảm, nhưng với cá nhân bà thì những thế hệ trước đây bị áp lực nhiều hơn thế hệ trẻ bây giờ nhiều. Bà nói:

“Trước đây đời sống nghèo khổ hơn, vất vả hơn kiếm việc khó khăn hơn và gánh nặng chăm sóc gia đình, con cái cũng nhiều hơn. Trước đây nghe đến tự tử cũng khá hiếm. Tôi nghĩ nguyên nhân dẫn đến việc số người tự tử tăng là do cá nhân. Giới trẻ bây giờ họ suy nghĩ khác với ngày xưa.”

Tiến sĩ Quỳnh Hương giải thích thêm rằng, ngày xưa người ta sống không ích kỷ như bây giờ. Mối ràng buộc, quan hệ gia đình cũng chặt chẽ hơn và có trách nhiệm với nhau hơn. Nếu có ý định tự tử thì việc đầu tiên họ nghĩ đến sẽ là những người ruột thịt trong gia đình. Họ không muốn những người trong gia đình sẽ đau khổ, mất mát. Bây giờ thì họ nghĩ đến bản thân họ nhiều hơn.

Theo Psychology Today, một tạp chí y học được xuất bản hai tháng một lần tại Mỹ từ năm 1967 thì  có 6 nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến việc tự tử đó là Trầm cảm; Tâm thần phân liệt; Phụ thuộc vào chất kích thích; Không tìm được sự giúp đỡ; Một lý tưởng triết học. Nhìn chung, người ta không tự tử vì họ đau khổ, họ tự tử vì họ không tin rằng có lý do đáng để họ sống, và thế giới sẽ đỡ phiền hơn khi không có họ.

Tiến sĩ Quỳnh Hương đưa thêm một nguyên nhân mang tính thời đại ở Việt Nam, đó là trẻ con hay các bạn trẻ bây giờ được bao bọc nhiều quá nên vô hình chung họ không được rèn luyện khả năng ứng phó với áp lực trong cuộc sống. Khi gặp chuyện gì khó khăn, dù nhỏ, sẽ khó vượt qua. Bà nói thêm:

“Giáo dục ở Việt Nam không chú trọng đến giáo dục kỹ năng sống nên họ không biết cuộc sống ngoài xã hội nhiều, ra ngoài xã hội thì cái gì cũng bỡ ngỡ cả. Không hiểu biết và không có kỹ năng ứng phó với áp lực ngoài xã hội nên rất dễ bị sốc và dễ trầm cảm hoặc suy nghĩ tiêu cực…”

Nâng cao giáo dục kỹ năng

Báo cáo năm ngoái của UNICEF đã chỉ ra số người tự tử ở Việt Nam tăng cao trong 10 năm qua và báo cáo năm nay cũng không đổi. Như vậy có thể thấy tình hình vẫn chưa được cải thiện. Vậy có giải pháp nào hữu hiệu để ngăn chặn hành vi tự tử trong giới trẻ Việt Nam hay không?

PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ với báo chí trong nước rằng phụ huynh cần quan tâm và dành thời gian nhiều hơn cho con cái để nhận biết ngay những dấu hiệu thể hiện sự thay đổi về mặt cảm xúc là phương thuốc hữu hiệu nhất để giải quyết vấn đề này.

Cũng cùng suy nghĩ này, cô Thúy Quỳnh, một nhân viên văn phòng có hai con nhỏ trong độ tuổi đi học chia sẻ kinh nghiệm chăm con của bà:

“Bé đi học về là 5h30, mình về đến nhà là 7h, khoảng thời gian đó mình hay gọi điện về hỏi cô giúp việc xem bé đang làm gì. Rồi mình cũng hay tâm sự với con giống một người bạn. Mình hỏi han trên lớp có chuyện gì, bạn bè như thế nào để bé tâm sự. Mình tự biến mình thành người nếu có chuyện gì bé tâm sự với mình đầu tiên. Có chuyện gì mình cũng song hành cùng con.”

Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương thì nhận định rằng thời gian gần đây, các gia đình ở Việt Nam cũng như các trường học tư bắt đầu chú trọng đến việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ nhằm giúp trẻ có cuộc sống hài hòa và cân bằng hơn, phát triển những kỹ năng xã hội nhiều hơn. Bà có lời khuyên:

“Ngoài những kiến thức sách vở ở nhà trường, bản thân cha mẹ cũng chủ động dành nhiều thời gian cho con hơn và có những kế hoạch rất cụ thể để giáo dục kỹ năng cho con.”

Theo con số mà báo cáo của UNICEF đưa ra, tỉ lệ thanh thiếu niên trong độ tuổi đến trường có tổn thương sức khỏe tâm thần đến mức cần can thiệp là khoảng 12%, tương đương với 3 triệu người. Tuy nhiên, nhận thức về sức khỏe tâm thần còn nhiều hạn chế và mang nhiều định kiến ở Việt Nam nên dẫn đến nhiều sự việc đáng tiếc vì không được phát hiện sớm.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-more-societies-develop-the-more-suicidal-cases-occur-the-paradox-in-vn-11072019130634.html

 

Xúc phạm nhóm nhạc Hàn Quốc,

phải xin lỗi trước trường: sai lầm & đáng lên án

“Xử phạt” là một hình thức phổ biến trong trường học tuy nhiên phạt như thế nào để học sinh và phụ huynh, cộng đồng không bị sốc đang là câu chuyện gây bàn cãi sau khi một học sinh lớp 8 tại TPHCM vì xúc phạm một nhóm nhạc Hàn Quốc đã bị nhà trường đình chỉ học 4 ngày, xếp hạnh kiểm trung bình đến yếu HK1, lao động công ích và đọc kiểm điểm trước trường.

Xúc phạm nhân phẩm trẻ em

Câu chuyện của cậu học sinh lớp 8 bị phạt như vừa nêu xảy ra tại trường Trung học Cơ sở Ngô Quyền, quận Tân Bình, TPHCM vào ngày 5/11.

Ngay sau đó, hình ảnh cậu học sinh lớp 8 đọc kiểm điểm trước toàn trường được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội. Nhiều phụ huynh và các chuyên gia ngành giáo dục cho rằng nhà trường làm vậy là mạnh tay và không thuyết phục, phản giáo dục, báo động việc tùy tiện xử phạt học sinh.

Một số phụ huynh cho rằng việc sai phạm của các em ở độ tuổi chưa ý thức được lời nói của mình mà dẫn đến việc xử phạt kỷ luật như vậy là quá nặng và không phải cứ kỷ luật, cảnh cáo như vậy mới gọi là giáo dục trẻ em.

Một phụ huynh sống tại TPHCM và có con cũng đang học lớp 8 nhận định với RFA hôm 7/11 cho rằng việc xử phạt như vậy là quá đáng.

“Vì hiện nay với mức phạt coi như là nghỉ học, cấm học 4 ngày như vậy thì đó chỉ là những hiện tượng đánh nhau trong trường mới làm kiểm điểm và đình chỉ học rồi hạ hạnh kiểm thì cái đó đúng là có theo mức hình phạt như vậy nhưng nếu chỉ là lên mạng rồi bị cho là xúc phạm đến ban nhạc nước ngoài như vậy thì bị phạt như vậy hơi quá đáng. Vì các em còn quá nhỏ xét ra cũng phải đến 18 tuổi mới chịu trách nhiệm về luật an ninh mạng mà hiện nay luật an ninh mạng cũng chưa đến mức hình phạt như thế này.”

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng giáo sư danh dự tại trường đại học ở Bỉ và hiện là cố vấn cấp cao Đại Học Duy Tân ở Đà Nẵng nhận xét cho rằng, hành động xử phạt em học sinh như vậy được gọi là hạ thấp nhân phẩm trẻ em và giáo sư khẳng định hành động này rất sai lầm và đáng lên án.

“Đây là một độ tuổi chưa trưởng thành, chưa vị thành niên mà chỉ là tuổi trẻ em mà hạ nhục tâm lý trước mặt mọi người như vậy nó sẽ ảnh hưởng tâm lý rất là trầm trọng đối với em này về sau. Người sinh ra ai cũng có một nhân phẩm và nhân phẩm phải nuôi dưỡng để ngày càng thành đạt còn cái này là hạ thấp nhân phẩm em nó và gây cho em điều sỉ nhục và cái đó nên tránh đối với trẻ em và những việc này nó ảnh hưởng về sau trong nhân cách và hành động tâm lý của em này về sau, nên đây là sự tai hại và cần lên án.”

Đồng quan điểm về điều này, thầy giáo Đỗ Việt Khoa từ Hà Nội chia sẻ bức xúc của ông về việc này với 3 quan điểm.

“Thứ nhất em học sinh đó chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự do đó không được điều chỉnh bằng những quy định xử phạt hành chính hay cảnh cáo. Thứ hai ban nhạc này ở nước ngoài chứ không phải tại VN và họ chưa hề có ý kiến. Nếu họ là người bị hại thì họ cần lên tiếng còn tại VN thì họ nhanh nhảu phạt hộ người ta đó là việc không nên. Thứ ba đây là trẻ em nên khi có những hành vi như thế thì nên có những biện pháp giáo dục hợp lý chứ không phải đưa lên trước toàn trường chào cờ, đưa lên toàn bộ báo chí như hiện nay. Hình ảnh em rất rõ trên báo chí, nêu tên đích danh như vậy là điều xúc phạm rất nghiêm trọng đối với trẻ em mà quên rằng chúng ta cần bảo vệ các trẻ em. Xử phạt nhắc nhở cảnh cáo nhưng không được phép công bố công khai tên tuổi mặt mũi em trên báo chí như thế.”

Ngoài ra, thầy Khoa đề nghị các luật sư và gia đình, người lớn nên vào cuộc yêu cầu bồi thường nhân phẩm cho em học sinh này vì đây là sự vi phạm nghiêm trọng trong luật bảo vệ trẻ em tại Việt Nam. Thầy khẳng định lần nữa:

“Trẻ em nói bậy bạ là do văn hóa VN, do học từ người lớn VN, do thầy cô uốn nắn chưa đúng nên có biện pháp nhắc nhở thì đối với trẻ em nên như thế. Có rất nhiều ví dụ về hành vi sai của trẻ nhưng xử phạt rất là kín đáo và thường chỉ gặp gỡ riêng em đó thôi, không để ai biết, không để bạn bè biết, báo chí càng không được biết còn đằng này đăng um tùm lên mạng xã hội, báo chí đọc kiểm điểm… tôi thấy người lớn có vấn đề bất thường, xúc phạm em này quá nhiều, vi phạm luật bảo vệ trẻ em nên cần xử lý nhà trường này.”

Ảnh hưởng tâm lý lâu dài

Ngay sau vụ việc được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, nhiều ý kiến cho rằng, đối với một học sinh lớp 8 đang ở độ tuổi chưa chín chắn chưa kiểm soát được lời nói hành vi của mình thì liệu rằng việc xử phạt kỷ luật quá nặng, phải đứng trước toàn trường xin lỗi như thế dễ khiến tâm lý của em học sinh này bị ảnh hưởng?

Nhà xã hội học, Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng, sự việc cần phải nhìn nhận ở 2 vấn đề về giáo dục. Thứ nhất, từ xưa người ta vẫn luôn coi trẻ vị thành niên như thế này là lứa tuổi chưa chín chắn, chưa ổn định và muốn để nó phát triển đúng cách thì luôn gò ép vào khuôn vào phép và luôn nghiêm khắc với bất kỳ sai phạm nào để trừng trị làm gương cho các em khác, thì hành động của nhà trường vừa rồi đã ứng xử theo hướng này.

“Hướng thứ hai gần đây đã đi theo một hướng mới hơn nghĩ đến các em nhiều hơn, tức là khi các em chưa ổn định về tâm lý cũng như nhân cách thì chắc chắn sẽ có rất là nhiều sơ xuất và sai lệch thì với trách nhiệm của nhà trường mà suy nghĩ trước đây thì người lớn, gia đình và nhà trường phải có trách nhiệm luôn luôn giáo dục thanh thiếu niên nhưng mà với bây giờ không còn là trách nhiệm nữa mà sẽ là hỗ trợ các em để các em điều chỉnh hành vi và rút kinh nghiệm cho những sai lầm để cho các em điều chỉnh. Tuy nhiên điều này cũng chưa phải là phổ biến, trong xã hội và ngay trong gia đình cũng luôn luôn có những xung đột cách giáo dục giữa cha mẹ ông bà đã có những suy nghĩ khác nhau, thì nhà trường cũng vậy nên vụ việc vừa rồi là dấu hiệu kiểm tra cho thấy cách ứng xử đối với hành vi được gọi là sai của em học sinh, tức có nghĩa là ứng xử đối với hành vi sai của em học sinh bằng một hành vi sai khác, nó sẽ gây ảnh hưởng tâm lý của các em ở độ tuổi đó.”

Ngoài ra, tiến sĩ Hương còn chia sẻ thêm 2 đặc điểm tâm lý đối với lứa tuổi này. “Nếu như em đó ngoan hiền, không có quan điểm hay suy nghĩ độc lập thì bị sự cố như vậy thì rất là sốc và rất dễ bị trầm cảm. Và nếu giả sử em đó có cá tính và biết rõ mình muốn làm cái gì thì đối với các em này thì cách ứng xử phạt như vậy cũng sẽ hơi thất vọng chứ không đến nổi trầm cảm hoặc sốc, em sẽ có kinh nghiệm hơn sau này đối với những tình huống như thế thì có thể chống đỡ lại được, bộc lộ lại được những quan điểm của mình để tự vệ chống lại phán xét của nhà trường và người lớn.”

Dù kết quả của việc xử phạt sai sẽ như thế nào đi nữa đối với các em học sinh thì theo giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, việc răn dạy phải đến từ sự hòa nhã, từ tốn của người thầy cô và nếu trường hợp nặng thì cần sự can thiệp từ gia đình để răn dạy thêm.

“Có thể răn dạy phê phán em trong lớp học vừa dạy vừa làm gương cho lớp trẻ khác không làm những chuyện sai trái, đến chừng mực đó là đủ rồi không cần đi xa đến mức vậy trở thành sự xỉ nhục chứ không còn là cuộc răn dạy. Răn dạy là phải tạo lối thoát, tạo điều kiện để em sửa đổi, cảm thấy được nhà trường, bố mẹ yêu thương, bạn bè thông cảm thì trên tinh thần vậy mới dạy được trẻ em chứ sát phạt sỉ nhục như vậy thì ngay cả trẻ em sẽ có nhiều tác hại khôn lường trong tương lai.”

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/insult-the-korean-group-must-apologize-before-the-school-wrong-deserving-of-condemnation-11072019142117.html

 

Việt Nam và Hoa Kỳ tăng cường hợp tác

trong lĩnh vực thương mại

Sáng ngày 08 tháng 11 năm 2019, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã tiếp Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Wilbur Ross cùng đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ gồm 35 thành viên đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đang phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực và Bộ Công Thương Việt Nam mong muốn cùng với Bộ Thương mại Hoa Kỳ tiếp tục nỗ lực đưa trụ cột hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước ngày càng phát triển mạnh mẽ, sâu rộng, đóng góp một cách thực chất và hiệu quả vào tổng thể quan hệ song phương giữa hai nước.

Về việc hợp tác chống gian lận xuất xứ hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp, Bộ trưởng Tuấn Anh đề nghị hai Bộ tăng cường hợp tác hơn nữa, đặc biệt sau khi Hiệp định hỗ trợ hải quan (CMAA) được ký kết trong thời gian tới, nhằm ngăn chặn và xử lý các vụ gian lận thương mại mạnh mẽ hơn.

Ông Trần Tuấn Anh cảm ơn về quyết định mới đây của phía Hoa Kỳ công nhận tiêu chuẩn tương đồng đối với cá tra, basa của Việt Nam đồng thời hoan nghênh việc Hoa Kỳ tiếp tục coi Việt Nam là trọng tâm trong chương trình xúc tiến thương mại quốc gia Tradewinds năm 2020 của Hoa Kỳ. Đáp lại, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Wilbur Ross cho biết, Hoa Kỳ hết sức coi trọng phát triển quan hệ hợp tác với Việt Nam trên các lĩnh vực.

Trước đó một ngày, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink đã chào đón Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Wilbur Ross và một phái đoàn khác gồm các quan chức chính phủ Hoa Kỳ và giám đốc điều hành từ 17 công ty hàng đầu của Hoa Kỳ đến Hà Nội.

Chuyến thăm này là một phần của nhiệm vụ thương mại lớn hơn ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương với các điểm dừng ở Bangkok, Thái lan và Jakarta, Indonesia.

Hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Hoa Kỳ thời gian qua không ngừng tăng trưởng với kim ngạch thương mại song phương năm 2018 đạt 60 tỷ USD.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/us-secretary-of-commerce-wilbur-ross-comes-to-vn-11082019081944.html

 

Bộ trưởng Công thương VN:

Nhôm TQ giả Việt chưa gây hại quan hệ Mỹ-Việt

Trả lời chất vấn trước Quốc hội hôm 7/11, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định kho nhôm giả hàng Việt trị giá hơn 4 tỷ đôla tại Bà Rịa-Vũng Tàu là của chủ Trung Quốc.

Tuy nhiên ông Tuấn Anh cũng nói lượng nhôm Trung ‘đội lốt’ Việt xuất khẩu hiện ‘không đáng kể’ và không gây ảnh hưởng tới quan hệ thương mại với Mỹ.

Việt Nam áp thuế lên nhôm Trung Quốc

Thương mại: Ông Donald Trump đe dọa Việt Nam

David Hutt: ‘Mục tiêu thương chiến kế tiếp của Trump là VN’

Vấn đề nhôm Trung Quốc giả nhôm Việt được đại biểu quốc hội Mai Sỹ Diến đưa ra chất vấn trước Quốc hội sáng 7/11.

Theo đó, mới đây Hải quan Việt Nam cho hay phát hiện ra một kho nhôm khổng lồ phủ bạt của Công ty Nhôm Toàn Cầu tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, trị giá 4,3 tỷ đôla Mỹ, thực ra là hàng nhập khẩu từ nhiều nước, trong đó có Trung Quốc.

Doanh nghiệp này nay được xác định là được chủ Trung Quốc đầu tư, nhiều năm nay đã nhập nhiều nhôm đưa về chế xuất rồi xuất khẩu sang Mỹ và các thị trường khác.

Trước vấn đề này, ông Trần Tuấn Anh nói Tổng cục Hải quan đã tăng cường giám sát hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp này ngay từ khi có ‘biến động bất thường’, nên lượng nhôm Trung Quốc ‘giả’ Việt Nam xuất đi ‘không đáng kể’ và không gây ảnh hưởng tới quan hệ thương mại với Mỹ.

Về lo ngại lô nhôm này được tiêu thụ trong nước, ông Trần Tuấn Anh nói sẽ giám sát chặt hơn và áp thuế nhập khẩu lên nguyên liệu thép nhập khẩu phục vụ cho tiêu dùng trong nước.

VN liệu có thành nạn nhân cuộc chiến thương mại?

Các đại biểu cũng bày tỏ lo ngại rằng Việt Nam có thể trở thành nạn nhân cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Ông Diến đặt vấn đề là các nước hiện đang bị Mỹ và EU trừng phạt có thể lợi dụng thị trường và chính sách xuất khẩu của Việt Nam, như Trung Quốc đã và đang làm, khiến Việt Nam bị các nước điều tra áp thuế, chống phá giá. Việc này cũng gây thiệt hại cho doanh nghiệp Việt, làm mất niềm tin của người tiêu dùng.

Trong khi đó, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho hay bộ máy quản lý thị trường hiện ‘chưa hoàn thiện’ nên “không đủ sức chiến đấu”.

Trump: Chiến tranh Việt Nam ‘tồi tệ, lẽ ra Mỹ đừng tham gia’

Việt Nam mua hàng Mỹ sau khi ‘bị Trump dọa’?

Trước các câu hỏi trên, ông Trần Tuấn Anh nói hiện có 25 mặt hàng được cảnh báo có nguy cơ gian lận thương mại, và cần kiểm tra thực tế để khẳng định có đúng gian lận hay không.

Ông Tuấn Anh cũng nói rất khó để đảm bảo vừa có môi trường đầu tư, vừa xử lý tốt gian lận thương mại, và cần sự phối hợp của các cơ quan giám sát.

Ông Tuấn cũng thừa nhận hiện tượng nhập hàng nước ngoài về dán mác Made in Vietnam để lừa người tiêu dùng trong nước. Trong đó vụ Khải Silk được coi là ‘điển hình gian lận thương mại, lừa dối người tiêu dùng’.

Ngoài các quy định của pháp luật hiện hành về chống gian lận xuất xứ của hàng hóa, ông Tuấn Anh cho hay Bộ Công Thương đã hoàn thành dự thảo thông tư hướng dẫn chứng nhận xuất xứ hàng hoá sản xuất, lưu thông trong nước, hiện đang lấy ý kiến phản biện của nhân dân và các tổ chức.

Việt Nam sợ bị Mỹ trừng phạt?

Dù ông Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói là quan hệ thương mại Mỹ-Việt chưa bị ảnh hưởng gì, trước đó đã có ý kiến lo ngại rằng Việt Nam sẽ bị Mỹ trừng phạt.

Hồi tháng 6/2019, truyền thông Việt Nam và quốc tế đồng loạt đưa tin nhiều mặt hàng Trung Quốc, từ nông nghiệp đến may mặc, nhôm thép, đã được xuất qua Việt Nam để sơ chế hoặc gia công, sau đó dán mác Made in Việt Nam rồi xuất sang Mỹ nhằm trốn thuế.

Sau đó, ông Đỗ Văn Sinh, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho biết Việt Nam lo ngại có thể bị Mỹ trừng phạt khi cho phép hàng giả made in Vietnam được xuất khẩu sang nước này.

Việt Nam hiện đã bị Hoa Kỳ theo dõi sát sao, sau khi Bộ Tài chính Mỹ hồi tháng Năm cho Việt Nam vào danh sách ‘đen’ về ‘thao túng tiền tệ’, theo Bloomberg.

Chính quyền Việt Nam cho biết tỷ giá hối đoái sẽ không được sử dụng để tạo ra lợi thế thương mại không công bằng, ngay cả khi họ lo ngại rằng chiến tranh thương mại Mỹ-Trung có thể làm tổn hại tăng trưởng kinh tế, vẫn theo Bloomberg.

Hồi tháng Sáu, ông Trump, trong cuộc phỏng vấn với Fox Business Network, nói: “Nhiều công ty đang chuyển sang Việt Nam, nhưng Việt Nam lợi dụng chúng tôi còn tệ hơn Trung Quốc“, đồng thời gọi Việt Nam là “kẻ lợi dụng thương mại”.

Sau đó, chính phủ Việt Nam đã cho mua ngay một lượng lớn khí đốt của Mỹ để giảm thặng dư với Mỹ.

Hôi tháng Mười, Việt Nam tuyên bố áp thuế chống bán phá giá lên nhôm Trung Quốc.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-50327487

 

Nhiều quốc gia điều tra 154 vụ kiện

liên quan đến hàng hoá Việt Nam

Tin Vietnam.- Truyền thông trong nước ngày 7 tháng 11 năm 2019 loan tin, trong 9 tháng đầu năm 2019, đã có 19 quốc gia và vùng lãnh thổ điều tra 154 vụ kiện thương mại đối với hàng hoá xuất cảng của Việt Nam.

Trong đó, Mỹ là nước khởi xướng điều tra nhiều nhất với 30 vụ, chiếm 19%; đứng thứ 2 là Thổ Nhĩ Kỳ với 21 vụ, chiếm 14%. Các vấn đề bị kiện gồm: điều tra chống bán phá giá với 87 vụ. Thứ hai là tự vệ với 33 vụ. Tự vệ tức là nước sở tại sẽ hạn chế nhập cảng hàng hoá Việt Nam do lượng hàng được nhập cảng vào nước sở tại tăng nhanh. Thứ ba là chống trốn tránh thuế chống bán phá giá với 19 vụ. Và cuối cùng là chống trợ cấp với 15 vụ.

Trước sự kiện này, bộ CSVN cho biết, phía nhà cầm quyền đã kháng kiện thành công để không áp dụng biện pháp đối với 57 vụ. Có 5 vụ Việt Nam đã khiếu kiện ra cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO.

Nguyên nhân của việc hàng loạt các quốc gia ồ ạt khởi xướng điều tra đối với hàng hoá Việt Nam không được bộ Công thương giải thích. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, đã có nhiều công ty tại Việt Nam tiếp tay cho Trung Cộng làm giả xuất xứ hàng hoá, “hô biến” hàng hoá Trung Cộng thành hàng Việt Nam để xuất cảng sang nhiều nước nhằm hưởng lợi thuế quan Sự việc sau đó đã bị Mỹ và một số quốc gia phát hiện, nên đã thực hiện các biện pháp để ngăn chặn.

An Nhiên

https://www.sbtn.tv/nhieu-quoc-gia-dieu-tra-154-vu-kien-lien-quan-den-hang-hoa-viet-nam/

 

Việt – Mỹ trao đổi cách thức

nâng cao quan hệ quốc phòng

Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam hôm 8/11  ra thông cáo cho biết Bộ trưởng Quốc phòng nước này là ông Mark T. Esper sẽ có chuyến thăm tới Việt Nam trong tháng 11 tới đây. Mục đích của chuyến đi được cho biết nhằm trao đổi cách thức nâng cao quan hệ quốc phòng hai nước.

Theo thông cáo, chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark T. Esper nằm trong chuyến thăm tới các nước châu Á gồm Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines và Việt Nam, bắt đầu từ 13/11.

Đại sứ quán Mỹ trong thông cáo cũng nêu rõ: “Tại Việt Nam, Bộ trưởng Esper sẽ gặp người đồng cấp Việt Nam và các lãnh đạo cấp cao để trao đổi về môi trường an ninh khu vực và các cách thức để nâng cao quan hệ quốc phòng đang ngày càng lớn mạnh”.

Theo lịch trình làm việc, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper sẽ tham dự Hội nghị Tham vấn An ninh Mỹ – Hàn lần thứ 51 và gặp gỡ người đồng cấp Hàn Quốc.

Ngoài ra, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng dự kiến tới Thái Lan để tham dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng (ADMM+). ADMM+ là cơ chế hợp tác thực tiễn hiệu quả nhất giữa lực lượng quốc phòng của các nước thành viên. Tại Philippines, ông cũng sẽ gặp người đồng cấp Philippines để thúc đẩy hợp tác an ninh khu vực…

Ông Mark Esper tuyên thệ nhậm chức Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ hôm 23/7. Trước đó, ông Esper từng là Bộ trưởng Lục quân Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Esper tuyên bố chiến lược của ông bao gồm nâng cấp hệ thống vũ khí, tăng cường liên minh và cải thiện hiệu suất, trách nhiệm tại Lầu Năm Góc.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/exchange-of-ways-to-improve-vietnam-us-defense-relations-11082019073944.html

 

HRW kêu gọi Việt Nam bỏ cáo buộc khủng bố

đối với những người vận động chính trị

Việt Nam nên bãi bỏ cáo buộc khủng bố đối với 3 người bị cho có liên hệ đến một đảng chính trị ở nước ngoài hiện cổ xúy cho dân chủ, nhân quyền, và cải cách chính trị tại Việt Nam.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) vào ngày 8 tháng 11 ra thông cáo báo chí với kêu gọi như vừa nêu trước khi diễn ra phiên xử dự kiến vào ngày 11 tháng 11 đối với ba ông Châu Văn Khảm, Nguyễn Văn Viễn và Trần Văn Quyền.

Cả ba người này bị buộc tội ‘khủng bố nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’ theo điều 113 của Bộ Luật Hình sự Việt Nam.

Giám đốc Úc Châu của Human Rights Watch, bà Elaine Pearson, lên tiếng qua thông cáo báo chí rằng đảng cộng sản Việt Nam nắm quyền cai trị suốt hơn 40 năm qua và không dung thứ cho bất cứ đối lập chính trị nào. Cơ quan chức năng Việt Nam bắt giữ và bỏ tù bất cứ ai bị cho là một mối đe dọa cho độc quyền lãnh đạo của đảng cộng sản; và ba người sắp bị đưa ra xét xử là những nạn nhân mới nhất.

Ông Châu Văn Khảm, một công dân Úc gốc Việt 70 tuổi, ông Nguyễn Văn Viễn, 48 tuổi – một thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ, và anh Trần Văn Quyền, 20 tuổi – một chuyên gia chuyên lắp đặt camera ở Bình Dương theo dự kiến sẽ bị đưa ra xét xử vào ngày 11 tháng 11.

Đảng Việt Tân, trụ sở tại Hoa Kỳ, vào ngày 5 tháng 11 ra thông cáo báo chí lên án phiên tòa sắp diễn ra vào ngày 11 tháng 11 để xét xử các ông Châu Văn Khảm, Nguyễn Văn Viễn và Trần Văn Quyền như vừa nêu.

Thông cáo báo chí của Việt Tân cho rằng cơ quan chức năng Việt Nam lại cho thấy việc áp dụng tùy tiện hệ thống luật pháp nhằm trấn áp việc bày tỏ ý kiến một cách ôn hòa.

Thông cáo báo chí nhắc lại rằng ba nhà hoạt động vừa nêu bị bắt hồi tháng giêng. Thoạt tiên họ bị cáo buộc ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’; sau đó cáo buộc chuyển sang tội danh mơ hồ hơn là ‘hoạt động khủng bố chống lại nhà nước’. Tuy nhiên cơ quan chức năng không thể đưa ra bất kỳ chứng cứ nào cho thấy ba nhà hoạt động vừa nêu dính líu vào hoạt động khủng bố.

Việt Tân cho rằng Cáo trạng dài 21 trang đưa ra những thông tin bị bóp méo và những cáo buộc không liên quan gì đến đảng Việt Tân. Cả ba ông Châu Văn Khảm, Nguyễn Văn Viễn và Trần Văn Quyền bị cáo buộc là thành viên và hợp tác với Việt Tân – một tổ chức bị chính phủ Việt Nam xếp vào danh sách khủng bố.

Thông cáo báo chí của Việt Tân cho rằng kết luận của cáo trạng mang tính tùy tiện, vi phạm công ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam tham gia ký kết.

Chủ tịch Đảng Việt Tân, ông Đỗ Hoàng Điềm, được dẫn lời trong thông cáo báo chí rằng đảng này sẽ tiếp tục hỗ trợ cho những nhà bảo vệ nhân quyền trên thực địa. Ông Châu Văn Khảm vào Việt Nam để thu thập những hiểu biết tại chỗ về tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Viễn và Trần Văn Quyền là những nhà hoạt động ôn hòa. Ông Đỗ Hoàng Điềm nói rằng đảng Việt Tân thách thức chính phủ Việt Nam có thể cung cấp bất cứ hình thức bằng chứng nào liên quan ba người vừa nêu với ‘khủng bố’. Đảng Việt Tân sẵn sàng đưa chính phủ Việt Nam ra diễn đàn quốc tế để trình bày sự thật.

Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc, người bào chữa cho ông Châu Văn Khảm, thành viên tổ chức Việt Tân, trong phiên tòa sẽ diễn ra ngày 11/11, nói với RFA hôm 5/11:

“Xem xét nội dung cáo trạng và hồ sơ vụ án, chúng tôi nhận thấy hành vi của ông Châu Văn Khảm không có gì đáng nói lắm, trừ hành vi ông ấy nhập cảnh vào Việt Nam không phải con đường chính tắc, không phải bằng hộ chiếu mà là bằng chứng minh nhân dân mang tên người khác và đi qua đường cửa khẩu Campuchia-Việt Nam.”

“Còn việc ông ấy có hành vi bị quy kết tại Việt Nam thì ông ấy chỉ tiếp xúc với ông Nguyễn Văn Viễn và ông Trần Văn Quyền gọi là trao đổi, thuyết phục những người này tham gia vào Việt Tân, giúp những người này mấy trăm đô la mà thôi. Nhưng mà họ quy kết hành vi này là ‘tham gia vào tổ chức khủng bố và tài trợ hoạt động khủng bố’, nên phạm vào điều luật nặng nề, điểm A khoản 2 Điều 113 với khung hình phạt lên đến 15 năm tù”.

Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc nói thêm rằng các luật sư trong vụ này “băn khoăn vì đây là tham gia vào tổ chức Việt Tân bên Mỹ, mà ông Khảm ở tại Úc thì có đủ yếu tố để cấu thành tội “khủng bố hay không”.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vn-drop-terrorism-charges-against-political-campaigners-11082019082002.html

 

Một triệu đồng/tháng cho cha mẹ già là đủ,

con cái Việt Nam chớ lo bất hiếu

Cao Phong

Luật Thuế thu nhập Việt Nam quy định con cái sẽ được giảm trừ gia cảnh trên thu nhập của mình, nghĩa là được giảm một phần thuế thu nhập hàng năm, nếu có những người phụ thuộc là người thân (cha, mẹ, con cái, kể cả cha mẹ vợ, cha mẹ chồng và cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế…). Với điều kiện những người này hoàn toàn không có thu nhập, hoặc có nhưng mức thu nhập bình quân không vượt quá 1.000 triệu đồng/tháng.

Nghĩa là nếu cha, mẹ của bạn đã mất sức lao động, hoặc là người khuyết tật nhưng vẫn đi bán vé số, bán hàng rong, bán trà đá, hoặc ngồi ăn xin ở các lề đường, nhưng mang về một tháng được một triệu lẻ một đồng, thì bạn vẫn sẽ phải nộp trọn vẹn thuế thu nhập cá nhân của bạn cho nhà nước.  Bạn không được giữ lại thêm một đồng nào trong số thuế đó để chi tiêu cho con cái, phụng dưỡng cha mẹ. Vì với cách tính của nhà nước, thì 1 triệu đồng/tháng là đủ để những người ấy sống rồi. (Một người được xem là ngoài độ tuổi lao động tại Việt Nam khi trên 60 tuổi với nam và 55 tuổi với nữ).

Một triệu đồng, chia ra 30 ngày, mỗi ngày được 33.000 đ. Số tiền này bằng một suất cơm bụi ở các thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng, Nghệ An, Cần Thơ… Nhưng đó là chi phí cho tất tần tật nhu cầu ăn uống, điện, nước, vệ sinh, chất đốt, quần áo, thuốc men, điện thoại, nhà ở, văn hóa tinh thần… cho 01 người/01 ngày. Còn với trẻ con, phải cộng thêm chi phí sữa + học hành nữa.

33.000 đ/ngày, cho toàn bộ cuộc sống của một con người. Có ăn chay trường kỳ gian khổ như Đức Thích Ca cũng không thể sống nổi với chi phí đó.

Nhưng đó là quy định của Nhà nước. Đó là chuẩn cận nghèo của Chính phủ. Giải thích cho bạn đọc xa quê: có chuẩn nghèo (thu nhập 700.000 đ/tháng ở khu vực nông thôn và 900.000 đ/tháng ở khu vực thành thị) và chuẩn cận nghèo. Cận nghèo tức là đã hết nghèo, thu nhập cao hơn một tí (độ 300.000 đ/tháng) và thiếu hụt vài thứ trong các dịch vụ xã hội cơ bản như nhà ở, nước sạch, vệ sinh, y tế, thông tin.. Tuy vậy, họ vẫn còn tiệm cận với nghèo, thu nhập rớt xuống một tí là lại đến đáy ngay.

Quy định nói trên được ban hành cuối năm 2015 và vẫn còn hiệu lực đến nay. Trong khi đó, chỉ riêng trong năm nay, giá điện bình quân tăng 8,36%; chỉ số giá nhóm dịch vụ y tế tăng 3,36% so với cùng kỳ năm 2018; chỉ số giá nhóm dịch vụ giáo dục tăng 6,73%. Giá các mặt hàng thực phẩm tăng 4,21%, trong đó giá thịt lợn tăng 8,04% … (theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê 9 tháng năm 2019). Một triệu đồng của năm 2019 thì giá trị chỉ còn tương đương đâu độ 800.000 đ của năm 2015 mà thôi.

Người ta cần bao nhiêu tiền để sống?

Với công nhân đang trong độ tuổi lao động, tối thiểu là 4 triệu đồng. “Chị Nguyễn Thị Mận (27 tuổi, quê Thanh Hóa), công nhân một công ty may tại Khu chế xuất Linh Trung 1 (TPHCM), cho biết vì phải thường xuyên làm việc tăng ca 10 tiếng/ngày, chị không có thời gian để chăm sóc con cái. Ngoài ra, do học phí khi gửi con đi nhà trẻ cũng khá cao trong khi lương công nhân ít ỏi, chị buộc lòng phải gửi con về quê nhờ ông bà ngoại nuôi giúp. “Nếu không làm tăng ca, lương của tôi chỉ hơn 4 triệu đồng trên tháng. Xoay qua một cái là đã hết.” (trích báo Sài Gòn giải phóng).

Vẫn theo báo Sài Gòn giải phóng, theo kết quả nghiên cứu khảo sát của Oxfam vào năm 2018, có 69% công nhân làm việc trong ngành dệt may cho biết họ không có đủ tiền để trang trải nhu cầu sinh hoạt, 31% không tiết kiệm được gì từ tiền lương, 37% luôn ở trong tình trạng vay nợ bạn bè và 96% không bao giờ hoặc hiếm khi đi ăn hàng, 53% không đủ tiền trang trải chi phí khám chữa bệnh, và  23% công nhân đang sống trong điều kiện nhà ở tạm bợ.

Bốn triệu đồng/tháng cho một người mà mức sống, không-phải nói là mức tồn tại như nêu trên. Thì với một triệu đồng/tháng, cha mẹ già của họ sống-hay ngắc ngoải sống, như thế nào?

Nhưng không sao, dân ta sống giỏi lắm. Với 33.000đ/ngày, cha mẹ của bạn chưa chết ngay đâu mà lo. Những đứa con có hiếu vẫn nên cày cuốc chăm chỉ để được đóng đầy đủ thuế thu nhập, không bớt một cắc giảm trừ gia cảnh nào. Để còn có tiền mà xây tượng đài và bắn pháo hoa, quên đi cái nghèo, cái khó-như lời ông Phan Đăng Long, phó Ban tuyên giáo Hà Nội đã cất lên năm nào chứ!

Tham khảo:

https://bizlive.vn/chinh-tri-xa-hoi/dung-nghi-cho-ban-phao-hoa-thuong-xuyen-la-lang-phi-758353.htmlhttp://bhxhtphcm.gov.vn/tintuc/chitiet/3624

https://dantri.com.vn/viec-lam/luong-toi-thieu-bao-gio-dap-ung-du-muc-song-toi-thieu-20190710174855380.htm
https://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=382&idmid=2&ItemID=19362

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự  Do

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/1-mil-vnd-a-month-not-enough-to-support-family-11082019092623.html