Tin Việt Nam – 08/09/2019
Công an truy nã
Giám đốc Sở Tài chính thành phố HCM
Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an vừa có quyết định truy nã đối với bà Đào Thị Hương Lan (59 tuổi), nguyên Giám đốc Sở Tài chính thành phố Hồ Chí Minh. Truyền thông trong nước loan tin này hôm 8/9.
Theo truyền thông trong nước, bà Đào Thị Hương Lan đã bỏ trốn sau khi bị khởi tố về hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí”, theo điều 219 Bộ luật Hình sự 2015.
Bà Lan đã công tác tại Sở Tài chính TP HCM từ năm 2004 và đã kinh qua nhiều chức vụ trước khi làm giám đốc hai nhiệm kỳ và về hưu vào năm 2015.
Theo báo Thanh Niên, bà Lan đã được nhắc đến trong kết luận điều tra vụ án Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín và 4 nguyên cán bô sai phạm khi giao đất ‘vàng’ ở 15 Thi Sách, Quận 1, cho cựu sĩ quan công an Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”)- người hiện đang thụ án tù với một loạt các cáo buộc bao gồm làm lộ bí mật nhà nước, và lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản.
Thanh Niên trích thông tin từ cơ quan điều tra cho biết bà Lan đã từng là thành viên Ban chỉ đạo sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước (Ban chỉ đạo 09) do nguyên Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoàng Quân đứng đầu. Ban này bị cho là có sai phạm khi nhận các công văn do ông Tín ký, có nội dung chấp thuận cho công ty của Vũ “nhôm” được ký hợp đồng thuê đất, khấu trừ tiền thuê đất, nhưng không có ý kiến gì.
Bộ Công an hôm 29/8 đã đề nghị xử lý trách nhiệm ông Lê Hoàng Quân vì liên quan đến sai phạm của ông Nguyễn Hữu Tín tại lô đất 15 Thi Sách.
Cuộc chiến chống tham nhũng của đảng Cộng sản Việt Nam do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động rầm rộ từ khoảng năm 2016 đã khiến nhiều quan chức cấp cao của đảng và chính phủ bị khởi tố về các tội liên quan đến vi phạm quy định về quản lý kinh tế, đất đai, lợi dụng chức vụ quyền hạn, và tham nhũng. Một số quan chức đã chạy trốn và bị truy nã. Ngoài Trịnh Xuân Thanh – cựu quan chức ngành dầu khí – bị bắt từ Đức đưa về Việt Nam và Vũ ‘nhôm’ bị Singapore dẫn độ về Việt Nam, vẫn còn quan chức đến giờ vẫn chưa bị bắt giữ. Điển hình là trường hợp ông Vũ Đình Duy, nguyên Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hóa dầu và xơ sợi dầu khí (PVTex). Bộ Công an đã ra quyết định truy nã ông Duy từ ngày 31/5/2018 nhưng đến giờ vẫn chưa bắt được. Ông Duy bị khởi tố với tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, theo điều 165 Bộ luật Hình sự 1999 và tội “nhận hối lộ” theo điều 354 Bộ luật Hình sự 2015.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/hcm-city-finance-chief-ran-away-09082019113511.html
Rạng Đông thừa nhận sử dụng thủy ngân lỏng,
viết thư xin lỗi lãnh đạo thành phố
Lãnh đạo công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông thừa nhận đã sử dụng thủy ngân lỏng trong 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy trong vụ hỏa hoạt xảy ra tại nhà máy này đêm hôm 28 tháng 8 vừa qua. Truyền thông trong nước hôm 8/9 trích thông tin từ Tổng cục Môi trường – Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay.
Cụ thể, tại buổi làm việc của Tổng cục Môi trường với lãnh đạo công ty Rạng Đông hôm 31/8, lãnh đạo công ty thừa nhận đã sử dụng thủy ngân lỏng với hàm lượng 20 mg/bóng cho 480.000 bóng đèn huỳnh quang, và sử dụng Amalgam cho 1.600.000 bóng đèn compact, cùng một số nguyên liệu và hóa chất độc hại khác. Amalgam là hỗn hống của thủy ngân, kẽm và Bismut.
Hôm 4/9, Bộ Tài nguyên Môi trường công bố kết quả quan trắc và các mẫu lấy xung quanh khu vực xảy ra vụ cháy tại công ty Rạng Đông và xác định có khoảng từ 15,1 kg đến 27,2 kg thủy ngân bị phát tán ra môi trường. Bộ Tài nguyên – Môi trường khẳng định, tại một số số thời điểm, quan trắc không khí trong khuôn viên nhà máy sau vụ cháy có lượng thủy ngân cao vượt ngưỡng khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới.
Bộ Tài nguyên và Môi trường khuyến cáo người dân trong bán kinh 500 m tính từ hang rào nhà máy cần thực hiện các biện pháp phun rửa nhà cửa và đồ dùng; Người dân sống trong bán kinh 200 m đến 500 m cần đi khám khi có dấu hiệu ngộ độc thủy ngân.
Trong khi đó, vào ngày 6/9, Tổng giám đốc công ty Rạng Đông, ông Nguyễn Đoàn Thắng đã viết thư gửi đến lãnh đạo thành phố Hà Nội, phường Thanh Xuân Trung, Hạ Đình và quận Thanh Xuân, cùng các đơn vị, cơ quan, nhân dân hai phường để xin lỗi về hậu quả vụ cháy.
“Sự cố hỏa hoạn xảy ra tại công ty chúng tôi đã làm bận tâm, phiền hà đến lãnh đạo thành phố, quận Thanh Xuân, ảnh hưởng sức khỏe của lực lượng PCCC và đặc biệt tới nhân dân 2 phường sát công ty”, bức thư có đoạn viết.
Lãnh đạo công ty viết tiếp: “Thay mặt Ban Lãnh đạo và toàn thể CBCNV Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông qua thư xin lỗi này gửi lời lỗi của chúng tôi tới Thành ủy, UBND Thành phố Hà Nội, tới Đảng ủy, UBND Quận Thanh Xuân, UBND hai Phường Thanh Xuân Trung, Hạ Đình và bà con dân cư khu vực quanh Công ty”.
Hiện vẫn chưa có số liệu thống kê chính thức được công bố về số người dân thực sự bị ảnh hưởng bởi vụ hỏa hoạn.
Đề nghị thuê chuyên gia nước ngoài
giám định ô nhiễm bởi vụ cháy nhà máy Rạng Đông
Tin ngày 08/9/2019: Nhà cầm quyền thành phố Hà Nội đề nghị Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam mời chuyên gia trong và ngoài nước tham gia giám định mức độ ô nhiễm gây bởi vụ cháy Nhà máy bóng đèn-phích nước Rạng Đông vào tuần trước.
Công văn của chủ tịch thành phố được gửi hoả tốc vào ngày 06/9 với đề nghị nêu trên, nhằm xác định mức độ ô nhiễm, cũng như biện pháp khắc phục hậu quả sau vụ cháy ngày 28/8.
Động thái trên được tiến hành hai ngày sau khi Thứ trưởng tài nguyên và môi trường Võ Tuấn Nhân công bố kết quả quan trắc các mẫu lấy xung quanh khu vực xảy ra vụ cháy và có thể xác định đã có khoảng từ 15,1 kg đến 27,2 kg thủy ngân bị phát tán ra môi trường. Đã có hơn 50 người gần nhà máy bị phát hiện nhiễm thuỷ ngân trong máu.
Ông Nhân cho biết tại một số thời điểm quan trắc không khí trong khuôn viên nhà máy sau vụ cháy có lượng thủy ngân trong không khí cao vượt ngưỡng khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới. Thông tin này trái với sự khẳng định của nhà máy, rằng Rạng Đông không sử dụng thủy ngân làm bóng đèn từ năm 2016.
Ngay sau vụ hoả hoạn, uỷ ban phường Hạ Đình đã ban hành văn bản khuyến cáo người dân không sử dụng thực phẩm rau, hoa quả, gia cầm, cá, lợn được nuôi trong vòng bán kính 1 km tính từ tâm của đám cháy trong vòng 21 ngày. Tuy nhiên, một ngày sau đó, phường thu hồi văn bản. Ngày 31/8, uỷ ban quận Thanh Xuân phê bình phường Hạ Đình vì đã ban hành văn bản khuyến nghị này vì cho rằng sự việc không nghiêm trọng như vậy.
Quốc Tuấn
Công an đề nghị xem xét kỷ luật gian lận thi cử,
Hà Giang vẫn im lặng
Trong ba tỉnh xảy ra gian lận thi cử năm 2018, Sơn La và Hòa Bình đã lần lượt “gọi tên” những lãnh đạo có con em được nâng điểm, chỉ riêng tỉnh Hà Giang đến giờ này vẫn lặng thinh.
Cuối tháng 8 vừa qua, Cơ quan An ninh điều tra đề nghị Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang yêu cầu các đơn vị xử lý 210 phụ huynh của 107 thí sinh được nâng điểm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.
Ngày 22/8, VKSND tỉnh Hà Giang đã ra cáo trạng truy tố 5 bị can trong vụ án gian lận điểm thi THPT quốc gia 2018 tại tỉnh Hà Giang. Tòa án cùng cấp cho biết thêm, sẽ thông báo công khai lịch xét xử vụ án sau khi nhận được hồ sơ.
Đáng chú ý, cáo trạng thể hiện, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Giang đã có báo cáo đề xuất số 52 ngày 12/8 gửi Thường trực Tỉnh ủy Hà Giang chỉ đạo cấp, cơ quan, đơn vị có thẩm quyền
xử lý 210 bố, mẹ của 107 thí sinh được nâng điểm theo quy định hiện hành. Thế nhưng đến giờ, Hà Giang vẫn chưa có bất cứ động thái nào cho vấn đề này.
Tỉnh Sơn La có 44 thí sinh được nâng sửa điểm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, nhiều thí sinh có cha, mẹ đang đảm nhiệm những vị trí quan trọng tại tỉnh này.
Trong số đó có thể kể đến các ông bà cục trưởng Cục Thống kê tỉnh, cục trưởng Cục Thuế tỉnh, phó chánh Thanh tra tỉnh, phó giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La, chánh Thanh tra Sở GD&ĐT Sơn La, hai phó chủ tịch UBND TP Sơn La, phó chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai, giám đốc VNPT Sơn La, giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Sơn La, phó chánh văn phòng Tỉnh ủy…
Đối với các phụ huynh này, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đã có công văn số 2267 gửi các sở, ban, ngành; đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh; UBND các huyện, thành phố của tỉnh.
Theo đó, chủ tịch tỉnh yêu cầu thực hiện nghiêm quy định số 889 – QĐ/TU ngày 28-5-2019 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trong việc xem xét, kiểm điểm cán bộ, đảng viên liên quan sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại tỉnh Sơn La.
Trong công văn này, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La yêu cầu “chưa xem xét việc đề bạt, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu cán bộ ứng cử, khen thưởng, bổ sung quy hoạch, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức có liên quan việc nâng điểm cho thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại tỉnh Sơn La khi chưa có kết luận của các cơ quan có thẩm quyền”.
Còn tại tỉnh Hòa Bình, Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy trước đó đã họp và ra thông báo về kết quả kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với đảng viên là cán bộ thuộc diện Ban thường vụ Tỉnh ủy quản lý liên quan vụ gian lận thi cử năm 2018 tại tỉnh này.
Trong đó, ủy ban kiểm tra nêu rõ 5 lãnh đạo có con được nâng điểm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, gồm nguyên giám đốc Sở Giao thông Vận tải, giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh và giám đốc Công ty Bảo Việt Hòa Bình.
Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Hòa Bình cũng nêu rõ kết quả xác minh dù các vị cán bộ trên và người thân khẳng định không tác động, can thiệp nâng điểm cho con, thực tế là con họ đã được sửa nâng điểm và đã sử dụng điểm bất hợp pháp này đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, học viện. Việc làm này của các thí sinh trên là vi phạm điều 49 quy chế thi và điều 13 quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ do Bộ GD&ĐT ban hành, vi phạm quy định của pháp luật.
Vì vậy, là phụ huynh của các em, các cán bộ lãnh đạo trên đã vi phạm khoản 8, điều 3, quy định số 08-QĐ/TW của Ban Chấp hành trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên.
Gần đây nhất, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh Hòa Bình thông tin về kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với những người là cán bộ, đảng viên thuộc Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh có con được nâng điểm thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.
Theo đó, 15 đảng viên có con được nâng điểm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 đã vi phạm khoản 8, Điều 3, Quy định 08 ngày 25/10/2018 của ban Chấp hành Trung ương quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Do đó sẽ phải thực hiện thi hành kỷ luật theo thẩm quyền và báo cáo kết quả trước ngày 7/9. 15 đảng viên này bao gồm phó giám đốc, trưởng phòng, phó trưởng phòng… tới nhân viên lái xe ở các sở, ngành Hòa Bình bị yêu cầu kỷ luật Đảng vì có con được nâng điểm thi THPT quốc gia 2018.
Như vậy, cho đến giờ, Hòa Bình đã có 20 phụ huynh có con được nâng điểm bị xem xét kỷ luật.
Ân Xá Quốc Tế kêu gọi
CSVN trả tự do cho Đoàn Thị Hồng
Tin từ Bangkok, ngày 08/9/2019: Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) đã kêu gọi người Việt và cộng đồng quốc tế gửi thư ngỏ chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thúc giục CSVN trả tự do cho cô Đoàn Thị Hồng, thành viên của nhóm Hiến Pháp, người đang bị giam giữ ở trại tạm giam số 4 Phan Đăng Lưu (Sài Gòn).
Theo tổ chức nhân quyền có trụ sở ở London, cô Hồng bị bắt chỉ vì thực thi một cách ôn hoà quyền dân sự và chính trị. Là người có con nhỏ dưới 2 tuổi, cô bị bắt giữ ngày 04/9/2018 và bị cáo buộc “gây rối an ninh” theo Điều 118 của Bộ luật hình sự, với mức án từ 7 đến 15 năm tù nếu bị kết tội.
Theo Ân xá Quốc tế, nhà cầm quyền Việt Nam phải chữa trị y tế và đối xử nhân đạo với cô Hồng và những người bị giam giữ khác theo Tiêu chuẩn quốc tế về giam giữ (quy tắc Mandela) trong khi chưa trả tự do cho họ.
Cô Hồng là một trong 7 thành viên của nhóm Hiến Pháp vẫn bị giam giữ kể từ khi bị bắt đầu tháng 9 năm 2018 mà không được đem ra xét xử. Ngoài cô Hồng, lực lượng mật vụ cộng sản ở Sài Gòn đã bắt cóc 4 ông Ngô Văn Dũng, Trần Thanh Phương, Hồ Văn Cương, và Đỗ Thế Hoá, cùng 2 cô Trần Thị Ngọc Hạnh và Hoàng Thị Thu Vang rồi biệt giam họ. Gia đình họ chỉ được thông báo sau khi tìm kiếm người thân ở nhiều đồn công an trong nhiều tuần.
Công an chưa công bố cáo buộc chống lại hai ông Đỗ Thế Hoá và ông Trần Thanh Phương, 5 người còn lại đều bị cáo buộc “gây rối an ninh.” Họ mới chỉ được gặp gia đình gần đây. Tuy việc điều tra gần kết thúc nhưng họ vẫn chưa được gặp luật sư mà gia đình đã thuê cho họ. Có dấu hiệu cho thấy phía công an đe doạ và dụ dỗ họ để họ từ chối luật sư.
Nhóm Hiến Pháp có khoảng 20 thành viên, hoạt động nhằm cổ suý nhân quyền và dân quyền bằng cách phổ biến bản Hiến pháp 2013. Họ là những người tích cực trong cuộc biểu tình ở Sài Gòn ngày 10/6/2018 khi hàng chục nghìn người xuống đường phản đối hai dự luật Đặc khu Kinh tế và An ninh mạng.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/an-xa-quoc-te-keu-goi-csvn-tra-tu-do-cho-doan-thi-hong/
Xe ôm Grab bất mãn
vì bị nhà cầm quyền thu thuế thu nhập cá nhân
Tin Saigon.- Báo Lao Động ngày 7 tháng 9 năm 2019 loan tin, tại “Buổi trao đổi giải đáp thắc mắc về nghĩa vụ thuế dành cho đối tác Grab 2 bánh” tổ chức ở Sài Gòn, nhiều tài xế xe ôm tỏ ra bất mãn vì bị nhà cầm quyền định danh là “cá nhân kinh doanh” với mục đích để thu thuế thu nhập cá nhân.
Ông Đỗ Ngọc Thịnh, tài xế xe ôm xe gắn máy cho biết, nghề chạy xe ôm như ông được xem gần như là dưới cùng của xã hội. Thế nhưng nhà cầm quyền lại gán cho họ với cái tên mỹ miều là “cá nhân kinh doanh”. Công việc vừa vất vả, thu nhập lại không cao nên nhiều tài xế phải chạy xe mỗi ngày 10 đến 12 tiếng đồng hồ, thậm chí là nhiều hơn để có tiền nuôi sống gia đình. Áp lực của cuộc sống cao, nên ngay cả những ngày Tết cổ truyền ông Thịnh cũng không dám nghỉ, mà tiếp tục chạy xe khiến con anh thắc mắc vì ngày Tết mà cũng không ở nhà chở con đi chơi.
Một tài xế Grab khác cho biết, các tài xế xe xe gắn máy phải trả đến 20% tiền chiết khấu cho công ty Grab, tức cứ 100,000 đồng thì họ bị phía Grab lấy 20,000 đồng tiền dịch vụ kết nối. 80,000 đồng còn lại họ phải trả các khoản tiền khác như 10% tiền xăng, 7,000 đồng tiền mạng 4G mỗi ngày; ngoài ra, còn các khoản tiền khác như cứ 10 ngày phải thay một bình nhớt 80,000 đồng; 6 tháng phải thay 1 cặp vỏ xe, cùng các chi phí khác. Như vậy, trung bình mỗi ngày chạy xe nếu không xảy ra tai nạn, hư xe, hay các vấn đề khác thì các tài xế mất khoảng trên 30% chi phí trong tổng thu nhập. Số tiền còn lại, họ phải tằn tiện để cho gia đình sinh hoạt.
Nhưng nay, họ lại bị nhà cầm quyền “chiếm” thêm 4,5% trong tổng số tiền thu nhập, được gọi là thuế thu nhập cá nhân. Vì theo quy định của nhà cầm quyền, những cá nhân kinh doanh với thu nhập 100 triệu đồng một năm thì buộc phải đóng thuế thu nhập cá nhân.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/xe-om-grab-bat-man-vi-bi-nha-cam-quyen-thu-thue-thu-nhap-ca-nhan/
Bảo vệ tổ dân phố được trang bị như công an
Tin Saigon.- Báo Dân trí ngày 7 tháng 9 năm 2019 loan tin, ban bảo vệ tổ dân phố phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, Sài Gòn vừa được trang bị như công an khi ra đường. Theo đó, ban bảo vệ tổ dân phố này gồm 15 người, được đầu tư 4 mô tô phân khối lớn, 1 xe hơi tuần tra, 15 áo giáp chống đạn, 15 mũ bảo hiểm loại Q2, tấm khiên, dùi cui.
Những chiếc xe mới mua trên đều được cấp biển số xanh, tức là biển số công vụ. Người đứng ra mua các xe trên là ông Lý Nhơn Thành, Trưởng ban bảo vệ tổ dân phố. Ông này cho biết, ông đã vay ngân hàng để mua những tài sản trên về trang bị cho cả nhóm. Mỗi chiếc xe mô tô ông Thành mua với giá 70 triệu đồng, riêng khiên, gậy, và mũ được ông mua với giá 200 triệu đồng, còn áo giáp chống đạn là 10 triệu đồng một chiếc. Và ông giành tiền lương của mình để trả nợ ngân hàng. Ông Thành giải thích rằng, nếu các ông ăn mặc lè phè, đi xe cà tàng thì các tội phạm thấy sẽ không sợ.
Thông tin và hình ảnh liên quan đến nhóm của ông Thành đã khiến cho dư luận mạng xã hội sửng sốt. Bởi vì ban bảo vệ tổ dân phố là những người không được học hành, đào tạo bài bản. Họ thường là những người thất nghiệp, đi đầu quân làm tay sai cho nhà cầm quyền, và được trả một khoản tiền công gọi là phụ cấp khá thấp. Nhưng giờ đây lực lượng này được trang bị dụng cụ như công an phường khiến nhiều người dân lo lắng. Bởi thực tế cho thấy, họ trấn áp tội phạm ở đâu chưa biết, nhưng hình ảnh những người bảo vệ tổ dân phố thường đập phá tài sản của những người dân buôn bán nhỏ lẻ là rất phổ biến. Và trong các cuộc biểu tình của người dân thì lực lượng này cũng được huy động ra để trấn áp. Dư luận đặt nghi vấn, với mức trợ cấp rất thấp, những người trong tổ chức trên không biết thường sống bằng gì?
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/bao-ve-to-dan-pho-duoc-trang-bi-nhu-cong-an/
Nhiều quan chức, và thương gia trang bị vũ khí
vì xã hội không an toàn
Tin Vietnam.- Báo Tuổi Trẻ ngày 8 tháng 9 năm 2019 loan tin, vừa qua một số quan chức, và thương gia tại Việt Nam bị phát hiện đang tàng trữ vũ khí, trong khi đó luật pháp Việt Nam không cho phép điều này.
Gần đây nhất là ông Trần Văn Minh, cựu Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng bị công an phát hiện, tịch thu 5 khẩu súng, và 18 viên đạn khi khám xét nhà ông này. Ngoài ra, vào tháng 9 năm 2019, một giám đốc công ty ở tỉnh Thanh Hoá đã rút súng doạ một tài xế khi xảy ra va chạm giao thông. Hay một lãnh đạo ngân hàng đã gí súng vào một nhân viên điều hành hãng taxi.
Giải thích nguyên nhân cho tình trạng trên, thiếu tướng công an Hoàng Kiền cho rằng hành vi trên gây nguy hiểm, và bất ổn cho xã hội. Những quan chức, và thương gia này bị suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống nên thiếu niềm tin vào trật tự an toàn xã hội, nên lo sợ cho an ninh, an toàn của bản thân, và gia đình. Vì vậy, họ đã tàng trữ vũ khí để phòng thân.
Tiến sĩ Nguyễn Huỳnh Bảo Khánh, giảng viên đại học Luật Sài Gòn thì cho rằng, ban đầu có thể do những người nói trên giàu có, muốn trữ vũ khí để bảo vệ tài sản. Thứ hai, khi cần đến vũ khí là bản thân họ đã mất tự tin khi đối mặt với người khác, nên họ cần đến vũ khí để tự tin rằng bản thân đã thắng thế. Thứ ba là, những người này muốn thể hiện quyền lực để lấn lướt đối phương.
Không rõ những người này mua súng ở đâu tại Việt Nam.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/nhieu-quan-chuc-va-thuong-gia-trang-bi-vu-khi-vi-xa-hoi-khong-an-toan/
Việt Nam ‘cung cấp tàu chiến’
cho cuộc tập trận Mỹ – ASEAN đầu tiên
Một quan chức hải quân Mỹ mới cho biết rằng Việt Nam đã “cung cấp tàu chiến” cho cuộc tập trận chung đầu tiên giữa Mỹ và Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Biển Đông.
“Việt Nam là một đối tác và một thành viên tuyệt vời. Họ đã cung cấp một tàu chiến loại nhỏ mà hiện là một phần của Nhóm Công tác 3. Chúng tôi có các kế hoạch lớn trên biển để cùng nhau làm việc về an ninh hàng hải, nhận thức chung”, Chuẩn đô đốc Murray Joe Tynch, Tư lệnh Nhóm Hậu cần Tây Thái Bình Dương, nói trong một cuộc họp báo hôm 3/9.
“Vì thế, tôi thực sự hài lòng với sự tham gia của họ”.
Căng thẳng Biển Đông: Trung Quốc muốn ‘bào mòn quyết tâm của Việt Nam’
Ông Tynch cũng kể về chuyến đi tới tỉnh Phú Yên của Việt Nam hồi tháng Năm năm nay để tham dự Chương trình Đối tác Thái Bình Dương 19, và nói rằng ông “rất ấn tượng với sự chuyên nghiệp của mọi người tôi gặp ở Việt Nam khi chúng tôi tiến hành cuộc diễn tập đó”.
“Họ đã tiếp tục với nỗ lực xuất sắc ở đây khi là một phần của Cuộc Diễn tập Hàng hải Mỹ – ASEAN”, Chuẩn đô đốc Tynch nói thêm.
Hoa Kỳ và 10 nước thành viên của ASEAN hôm 2/9 khai mạc cuộc thao dượt hải quân chung đầu tiên kéo dài 5 ngày, với sự tham gia của tám tàu chiến, bốn máy bay và lực lượng gồm hơn một nghìn quân nhân. Tin cho hay, cuộc tập trận bắt đầu ở Căn cứ Hải quân Sattahip ở Thái Lan và kết thúc ở Singapore.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng từng cho biết rằng cuộc tập trận Mỹ và ASEAN được tiến hành theo “thỏa thuận giữa các bộ trưởng quốc phòng ASEAN và Mỹ năm 2018”.
Trong cuộc họp báo, quan chức hải quân của Mỹ đã nhiều lần không trả lời trực tiếp các câu hỏi về tình hình căng thẳng ở Biển Đông, nhất là việc tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc thăm dò gần Bãi Tư Chính trong Vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam cũng như về tham vọng “vượt mặt” Mỹ của Trung Quốc ở khu vực, mà tập trung chủ yếu nói về cuộc tập trận được viết tắt là AUMX.
“Cuộc thao dượt Mỹ – ASEAN là một sự kiện quan trọng và là một bước tích cực tiến tới gây dựng một khu vực liên kết hơn. Và đó là chìa khóa nhằm duy trì ổn định và an ninh hàng hải”, ông Tynch nói.
“Trong khi Hải quân Mỹ đã tiến hành các cuộc diễn tập, các chuyến cập cảng và giao tiếp ở Đông Nam Á trong nhiều thập kỷ qua, sự kiện này cho thấy một bước tiến. Hiện có xu hướng gia tăng hợp tác đa phương và AUMX là một ví dụ tuyệt vời”.
Khi được hỏi về việc liệu cuộc tập trận này có tiếp tục được tổ chức trong tương lai, ông Tynch nói rằng điều cần làm lúc này là “tập trung triển khai nhiệm vụ lần này một cách an toàn và chuyên nghiệp” để “học hỏi nhiều nhất có thể” rồi sau đó mới ngồi lại để xem xét lại những gì đã thực hiện và bàn về kế hoạch tương lai.
Một quan chức ngoại giao Mỹ chuyên về vấn đề kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế tháng trước nói rằng Washington “phối hợp đa phương” trong khi đương đầu với Trung Quốc trên Biển Đông.
Trung Quốc tái bác bỏ phán quyết Biển Đông có lợi cho Philippines
Khi được hỏi về nỗ lực yêu cầu Bắc Kinh minh bạch hóa các hoạt động quân sự trên Biển Đông, bà Andrea L. Thompson, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ chuyên trách về Kiểm soát Vũ khí và An ninh Quốc tế, trả lời rằng “đây là một nỗ lực chung, không phải của riêng Hoa Kỳ”.
“Chúng tôi phối hợp với các đối tác và đồng minh nhằm bảo đảm quyền tự do hàng hải và quyền tự do đi lại ở khu vực đó [Biển Đông]. [Chúng tôi] phối hợp song phương cũng như đa phương nhằm quy trách nhiệm cho Trung Quốc”, bà Thompson nói.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các đồng minh và đối tác của chúng tôi. Chúng tôi cũng tin tưởng tuyệt đối vào đội ngũ lãnh đạo cấp cao ở cả Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng để đảm bảo rằng Trung Quốc biết rõ quan điểm của chúng tôi và sẽ tiếp tục đứng lên bảo vệ lẽ phải cũng như quyền tự do hàng hải”.
Đoạn trường… thất thanh,
Tô Lâm bán mình chuộc Vũ!
Đồng Phụng Việt
Tô Lâm thân mến,
Tớ là một người hâm mộ công an và đặc biệt ái mộ cậu. Thời buổi bây giờ, đâu có dễ kiếm những sĩ quan công an mà sự nghiệp gắn chặt với lực lượng an ninh nhân dân suốt 45 năm như cậu. Trong nhận thức của dân xứ mình, công an vốn đã… độc, an ninh còn… độc hơn! Thành ra đa số sĩ quan an ninh nhân dân thường “chồn tay, lỏng gối”, không xin chuyển công tác thì cũng thoái ngành sớm. Kiên định như cậu rõ ràng là hiếm mà thành quý đấy!
Tớ biết “càng cao danh vọng, càng dày gian nan” nên rất thông cảm với cậu khi cậu bị đám “tiện dân” dè bỉu về đủ thứ chuyện. Chẳng hạn chuyện bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Đức.
Lũ “tiện dân” đó làm sao biết được Tiến sĩ Luật có nhiều loại, Giáo sư Khoa học An ninh cũng thế. Tổ chức bắt cóc, tạo ra – lưu lại đủ thứ dấu vết cho thiên hạ vạch mặt, chỉ tên thì đã… sao?
Lẽ ra “tiện dân” phải thấy đó cũng là… “biện pháp nghiệp vụ” để cả thế giới biết đồng chí Tô Lâm, Bộ trưởng Công an Việt Nam là… Giáo sư – Tiến sĩ chứ! Thiếu những “biện pháp nghiệp vụ” đó, làm sao Tô Lâm có tên trong các giáo trình về tội phạm, không phải ở vị trí… tác giả mà ở phần… “case studies”?
Tô Lâm thân mến,
Tuy cậu không biết tớ nhưng xét về tất cả mọi mặt, tớ tin, tớ chính là “tri kỷ, tri bỉ, tri âm” của cậu đấy! À… mà… này… có thể mớ từ ấy khiến cậu hoang mang về ngữ nghĩa, vì sở học giúp cậu thành Giáo sư – Tiến sĩ toàn những thứ chẳng mấy người bận tâm nhưng đừng… lo.
Đâu phải là lần đầu cậu nghe những thứ mà cậu thật sự chẳng biết là gì mà vẫn lập đi lập lại suốt 45 năm qua, đúng không? Thế thì cứ xem “tri kỷ, tri bỉ, tri âm” giống như… bất cứ thứ gì cậu… thích! Vậy nhé!
Tớ chẳng biết cậu có còn cần kiếm thêm tiền nữa hay không nhưng tớ tin cậu vẫn đang cầu… danh. Tớ vốn thuộc loại hèn kém, không phải Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng, Bộ trưởng Công an, tất nhiên không có cơ hội kiếm tiền như cậu nên không dám lạm bàn chuyện thu thập vàng bạc nhưng thú thật với cậu là tớ vẫn thèm… danh và vừa nhìn thấy cơ hội có thể kiếm tí… danh, nếu tớ giúp cậu… giương danh. Thành ra tớ mới viết thư này.
Tô Lâm thân mến,
Sau khi thuộc cấp của cậu công bố Kết luận điều tra vụ Nguyễn Bắc Son và đồng bọn “vi phạm quy định của nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”, “nhận hối lộ”, “đưa hối lộ” – xác định lão Son là chủ mưu, kèm đề nghị cho Phạm Nhật Vũ hưởng “chính sách hình sự đặc biệt”, tớ nghĩ ngay đến kiệt tác “Đoạn trường tân thanh”.
Bởi cậu là… Giáo sư – Tiến sĩ chỉ rành… theo dõi, tống giam, đánh cho ra… lời khai và cúi đầu nhận… tội nên chỗ này tớ phải mở ngoặc chú thích “Đoạn trường tân thanh” là tác phẩm mà các cụ nhà mình vẫn gọi nôm na là… Truyện Kiều đấy!
Tớ tin là hồi nhỏ cậu cũng có… đi học! Học hành dẫu “ba chớp, ba nhoáng” thì cũng có biết loáng thoáng chuyện Thúy Kiều bán mình chuộc cha trong Truyện Kiều. “Đoạn trường tân thanh” với Thúy Kiều bán mình chuộc cha là gợi ý để tớ dự tính viết “Đoạn trường… thất thanh” nhằm khắc họa Tô Lâm bán mình chuộc Vũ đấy.
Tớ tin chắc, chỉ cần tóm lược quá trình công an các cậu thụ lý – điều tra vụ án Nguyễn Bắc Son và đồng bọn “vi phạm quy định của nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”, “nhận hối lộ” là… hoàn thành tác phẩm này thôi! Để cậu dễ hình dung, tớ tạm tóm tắt như thế này nhé: Tô Lâm là Bộ trưởng Công an và chắc chắn không thể đứng ngoài, nhìn thuộc cấp điều tra một trong những vụ án mà Ban Chỉ đạo Phòng – Chống tham nhũng trung ương xác định là phải giám sát như vụ MobiFone mua 95% cổ phần của AVG. Với tư cách là người đứng đầu, trách nhiệm của cậu ra sao khi…
Thương vụ vừa kể diễn ra vào năm 2015 và chính công an các cậu đã tạo điều kiện để xảy ra những sai phạm đặc biệt nghiêm trọng: Các cậu nhân danh “an ninh quốc gia”, khuyến cáo Bộ Thông tin – Truyền thông (TTTT) không để AVG bán cổ phần cho nước ngoài khi AVG “dọa” bán thân, mở đường cho obiFone “thương lượng” mua lại cổ phần của AVG.
Chuyện MobiFone mua AVG vốn đã lùm xùm ngay từ lúc khởi đầu, thư tố cáo bay lượn như bươm bướm trên Internet nhưng tất cả những viên chức, cơ quan hữu trách đều làm ngơ, không xem xét, không có ý kiến nào về việc định giá rồi trả cho AVG khoản tiền gấp 14 lần giá trị thật, chỉ vì công an các cậu dán nhãn… “mật” lên hồ sơ.
Mãi đến giữa năm 2017, sau khi Ban Bí thư chỉ đạo phải thanh tra thương vụ này, Thanh tra của chính phủ mới có quyền tiếp cận hồ sơ nhưng Bộ TTTT đã dùng cảnh báo do công an các cậu phát hành và nhãn “mật” do các cậu dán, cản trở thanh tra, khiến cuộc thanh tra kéo dài cả năm. Tháng 3 năm 2018, Ban Bí thư phải thúc, Kết luận Thanh tra mới được công bố.
Tô Lâm thân mến,
Tại sao Thanh tra đề nghị công an các cậu khởi tố vụ án nhưng các cậu án binh, bất động cho đến tháng 7 năm 2018, tạo điều kiện để MobiFone và AVG ký thỏa thuận hủy hợp đồng mua bán, giúp AVG “lập công chuộc tội” bằng cách hoàn trả toàn bộ số tiền đã nhận từ MobiFone, thậm chí trả thêm tiền lãi cho khoản tiền đã nhận này?
Tuần rồi, sau khi công bố Kết luận Điều tra của Bộ Công an, cậu Ngọc – Thiếu tướng, Thứ trưởng của cậu – bảo rằng, công an các cậu “đã điều tra toàn diện vụ án, vi phạm đến đâu, kết luận đến đó”, thế thì tại sao công an các cậu lại bỏ qua, không xác định đúng – sai, không truy cứu trách nhiệm về cảnh báo mà các cậu từng phát hành và nhãn “mật” mà các cậu từng dán?
Công an các cậu còn tùy tiện đặt ra “chính sách hình sự đặc biệt”, vò cam kết “sống, làm việc theo Hiến pháp, pháp luật” vứt vào thùng rác, biến Kết luận Điều tra thành… bản báo công cho Phạm Nhật Vũ. Chuyển hóa Vũ thành “nạn nhân” trong vụ án do lão Son là “đạo diễn”?
Tô Lâm thân mến,
Tuy cậu là Ủy viên Bộ Chính trị, được đảng cử phụ trách ngành công an song có thể cậu bị thuộc cấp qua mặt. Khả năng này rất thấp, dường như chưa ai dám… đẻ những cá nhân dám qua mặt cậu nhưng… biết đâu được! Thế nhưng, xét cho đến cùng, cậu là người đứng đầu ngành công an nên muốn hay không, cậu vẫn chịu trách nhiệm liên đới.
Đã có những dấu hiệu khá rõ ràng cho thấy, công an các cậu bán Hiến pháp, pháp luật để chuộc Vũ. Ngay cả “tiện dân” như tớ cũng thấy: Công an các cậu đã dám dùng “an ninh quốc gia” mở đường, bảo trợ cho Vũ bán AVG thì chuyện “sáng tạo” ra “chính sách hình sự đặc biệt” là hợp… quy luật thôi. Cậu đã không ngại xuất hiện trước đồng đội, đồng chí, đồng bào như một… “Giáo sư Khoa học an ninh”, một Tiến sĩ Luật” thì tớ tin, dù chủ động hay bị qua mặt, cậu vẫn quan tâm đến việc trở thành nhân vật chính của “Đoạn trường… thất thanh”, được hậu sinh nhắc tới… vạn niên.
Nói tới danh, đám “tiện dân” thích luận về danh thơm và xú danh (lưu danh thiên cổ, lưu xú vạn niên) hưng tớ tin cậu đã vượt qua khỏi mức tầm thường, không còn sá thơm hay… thúi, cứ… muôn năm, muôn đời là… được! Đây là dịp hiếm có, cậu nên suy nghĩ và hồi âm sớm để tớ biết cậu có hợp tác, giúp tớ viết “Đoạn trường… thất thanh, Tô Lâm bán mình chuộc Vũ!” – không nhé!
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/how-to-lam-saves-vu-09072019205636.html
AVG là… ‘trận đánh đẹp’ hay ‘trận đánh… cuội’?
Thoạt nhìn, Kết luận điều tra vụ án “vi phạm quy định của nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”, “nhận hối lộ”, “đưa hối lộ”, xảy ra trong thương vụ AVG bán 95% cổ phần cho Mobifone, có vẻ như một… “trận đánh đẹp”.
“Trận” này, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam thắng “đẹp” vì là lần đầu tiên trong quá trình chỉnh đốn đảng, phòng – chống tham nhũng, “ta” xác định có hai Ủy viên Ban chấp hành Trung ương (BCH TƯ) đảng, đồng thời là hai cựu bộ trưởng “nhận hối lộ”.
Trước nay, tuy cuộc chiến “chống tham nhũng” kéo dài ngót nghét hai thập niên, chưa có “trận” nào “ta” đánh… “đẹp” như thế. Tất cả các viên chức có liên quan, từ Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn đến Lê Nam Trà,… đồng loạt tự thú đã “nhận hối lộ”.
Thậm chí Nguyễn Bắc Son còn thành khẩn đến mức cung khai cả con gái, xác định cô như một đồng phạm, tham gia tẩu tán tài sản do phạm tội mà có. Tiếc là cô con gái ông Son không thừa nhận nên công an bó tay (1). Nếu không, mức độ “đẹp” sẽ còn cao hơn nữa.
Cho dù việc Bộ Công an trao Kết luận điều tra vụ AVG cho hệ thống truyền thông chính thức công bố rộng rãi ngay sau khi hoàn tất điều tra có khiến dư luận dậy lên thành bão, không hay lắm cho đảng nhưng nhìn một cách tổng quát thì “trận đánh” này vẫn… “đẹp”.
Công cuộc chỉnh đốn đảng, phòng – chống tham nhũng vốn vẫn bị bỉ bôi là thiếu thực chất, chưa bao giờ tìm ra viên chức nào “nhận hối lộ” giờ đã có ít nhất… một câu trả lời và sự thành khẩn của Son, Tuấn, Trà,… đã góp phần đập tan sự bỉ bôi ấy.
Đâu phải tự nhiên mà hệ thống truyền thông chính thức được tạo điều kiện khai thác tận tình Kết luận điều tra, hỗ trợ công bố những thông tin làm nức lòng công chúng như hệ thống tư pháp đã kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản của những viên chức “nhận hối lộ” (2).
Thậm chí hệ thống truyền thông chính thức còn… dám bước… xa hơn: Chất vấn những viên chức hữu trách xem có nên thu hồi tác phẩm “Phòng chống ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hóa’ về tư tưởng trong cán bộ, đảng viên”, do Trương Minh Tuấn chủ biên hay không (3).
***
Chắc chắn là không quá lời khi bảo rằng, kết quả “đẹp” của “trận đánh” vào thương vụ AVG bán 95% cổ phần cho Mobifone, giống như son phấn, giúp đảng ta tô điểm lại diện mạo, tẩy xóa cho bớt nhem
nhuốc trước khi tiến hành “đại hội 13” để đảng ta chứng tỏ vẫn còn xứng đáng duy trì vai trò lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối tại Việt Nam.
Chưa kể quy hoạch nhân sự lãnh đạo quốc gia, dân tộc, lãnh đạo các ngành, các cấp trước các đại hội đảng toàn quốc luôn luôn diễn biến… phức tạp, vì các băng, nhóm áp dụng đủ thứ chiêu, trò nhằm triệt hạ lẫn nhau, song lần này hi vọng sẽ khác. Có “đồng chí” nào mà tay không nhúng chàm? Đã dính chàm mà còn ti toe ư? Son đó, Tuấn đây,… nhìn đi!
Có ai ngờ đồng chí Nguyễn Bắc Son, nhân vật từng là thư ký riêng của đồng chí Lê Đức Anh – oai trấn giang hồ, giờ bị cáo buộc là chính phạm trong trong thương vụ AVG bán 95% cổ phần cho Mobifone. Đồng chí Son không chỉ bị xác định là “đạo diễn” toàn bộ vụ án (4) mà còn được sắp đặt cho mất hết… oai phong.
Trong mắt công chúng, nhân vật từng “phun ra lửa, mửa ra khói”, hóa ra lại tệ hại tới mức toan kéo cả con gái vào vòng lao lý để… chia sẻ trách nhiệm hình sự. Chẳng lẽ Bộ Công an – nơi lờ đi trách nhiệm của những đồng đội từng đem nhãn “an ninh quốc gia” dán vào thương vụ AVG bán 95% cổ phần cho Mobifone – lại… vô ý đến thế?
Ai dám bảo tình tiết vốn thừa, chẳng đem lại chút lợi ích nào trong việc thu hồi tài sản tham nhũng ấy, không chỉ khiến công chúng xúm vào phỉ nhổ bản lĩnh, tư cách đồng chí Nguyễn Bắc Son – nhân vật mà tiến trình thăng tiến gắn chặt với tầm ảnh hưởng của chủ – không làm đồng đội của đồng chí Son nản lòng trong cuộc chiến giành, giữ ảnh hưởng của cả nhóm?
Từ giờ trở đi, liệu công chúng có còn cơ hội được nhìn thấy nhiều đồng chí mang hàm tướng, đa số đã nghỉ hưu “tả xung, hữu đột” vì bảo vệ thanh danh đồng chí Lê Đức Anh mà chống từ những thứ bị các đồng chí cho là “lật sử”, đến chất vấn cả giới lãnh đạo đảng vì đổi cách gọi “ngụy quân”, ngụy quyền”, nữa hay không (5)?
***
Cho dù “trận đánh” vào vụ AVG bán 95% cổ phần cho Mobifone có một số nét… “đẹp”: Lần đầu tiên có hai Ủy viên BCH TƯ đảng thú nhận nhận hối lộ. Lần đầu tiên Ủy viên BCH TƯ đảng bị cáo buộc là chính phạm của một đại án liên quan tới tham nhũng. Lẩn đầu tiên, công an nhấn nhá, bôi bẩn “thanh danh” uy tín Ủy viên BCH TƯ đảng,… song vẫn còn khá nhiều tình tiết khác khiến người ta phải tự hỏi đảng ta có tổ chức đánh… cuội hay không?
Chẳng hạn tại sao thương vụ AVG bán 95% cổ phần cho Mobifone đã được các cá nhân, các bên có liên quan đặt hết sức kỹ lưỡng, chặt chẽ như đã biết mà Phạm Nhật Vũ vừa vui vẻ hủy hợp đồng mua bán, “ói” ra toàn bộ khoản bạc khổng lồ đã nuốt gọn, vừa tự nguyện trả thêm lãi cho khoản bạc khổng lồ đã nhận đủ (6)? Xưa nay, dưới gầm trời này, có thương vụ nào kỳ quặc như thế không?
Tại sao phải chờ Phạm Nhật Vũ hoàn tất việc thanh lý hợp đồng mua bán giữa AVG với Mobifone, công an – kiểm sát mới nhất trí khởi tố vụ án “vi phạm quy định của nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”? Có phải vì khởi tố sớm hơn – sau khi Thanh tra xác định thương vụ AVG/Mobifone sai phạm đặc biệt nghiêm trọng – sẽ không còn cơ sở đề nghị cho Phạm Nhật Vũ hưởng “chính sách hình sự đặc biệt” (7)?
Phải chăng đảng ta có vô số viên chức như Son, Tuấn, Trà,… nhưng lại chẳng có bao nhiêu… “doanh nhân” thành thạo “hối mại quyền thế” như Phạm Nhật Vũ, thành ra hệ thống tư pháp mới thản nhiên sử dụng “biện pháp nghiệp vụ” biến ông Vũ – một trong các chính phạm thành anh hùng để buộc “các đối tượng” còn lại phải “rất thành khẩn” như đại diện công an, kiểm sát mới khoe với Ủy ban Thường vụ Quốc hội (8)?
Khoan bàn đề nghị cho ông Vũ hưởng “chính sách hình sự đặc biệt” có đúng pháp luật hay không (?), với những đặc điểm như đã biết về hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam, việc biến ông Vũ từ kẻ phạm đại tội thành có công (chủ động hủy bỏ thỏa thuận và hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, tự nguyện trả lại toàn bộ tiền gốc và lãi, chi phí dự án, góp phần giảm thiệt hại cho nhà nước,…) sẽ tạo ra tiền lệ nguy hiểm.
Khi những “doanh nhân” chuyên “hối mại quyền thế” được khuyến khích “thay chủ giữa dòng” và chỉ cần ưng thuận “hoán đổi chủ” là có thể xoay chuyển tình thế từ bất lợi thành có lợi cho mình, sẽ có bao nhiêu viên chức cao cấp trót nhúng chàm bị biến thành “con tin” vì không múa may theo lệnh của những “doanh nhân” ấy chắc chắn sẽ “thân bại, danh liệt, mà Son, Tuấn, Trà,… chính là gương tày liếp?
Một khía cạnh khác cũng cần xét tới là vì sao ông Vũ và thân hữu có thể sắp đặt để cả hệ thống ưng thuận mua AVG gấp 14 lần giá trị thực, lại dễ dàng ói sạch khoản đã nuốt và tự nguyện trả thêm tiền lãi? Những kẻ có thể điều khiển Bộ Công an đem nhãn “an ninh quốc gia” dán lên thương vụ, chẳng lẽ không thể thúc hệ thống tư pháp soạn kịch bản giúp Phạm Nhật Vũ hưởng “chính sách hình sự đặc biệt”?
***
Thương vụ AVG bán 95% cổ phần cho Mobifone là một ví dụ nữa cho thấy, chính đảng ta khiến chỉnh đốn đảng, phòng – chống tham nhũng trở thành khó khăn, phức tạp đến mức bất khả thực thi.
Có những giải pháp vốn dĩ rất đơn giản như: Công bố bản kê khai tài sản của các viên chức cho công chúng xem xét, giám sát. Xác định “giàu có bất minh” (không thể giải trình hợp lý về nguồn gốc tài sản) là tội phạm, đương sự vừa bị phạt tù, vừa bị tịch thu tài sản nhưng đảng ta cương quyết khước từ.
Cũng vì thế, hệ thống tư pháp chưa bao giờ điều tra vì sao viên chức giàu có bất thường mà chỉ tìm – xử những kẻ tiết lộ các bản kê khai tài sản. Sau ba năm nâng lên, đặt xuống, tháng 11 năm ngoái, tất cả các hình thức xử lý “giàu có bất minh” đều bị gạt khỏi Dự luật sửa Luật Phòng – Chống tham nhũng trước khi Quốc hội thông qua dự luật này! Vậy là “chống” hay “trống” như các gánh mãi võ bán thuốc trị bá bệnh?
Cũng vì thế, công an mới không biết tìm ở đâu cho đủ ba triệu Mỹ kim mà ông Son thừa nhận là đã nhận. Cũng vì thế, “đối tượng” không “thành khẩn” là hệ thống tư pháp bị “bó toàn thân” và mới có cơ hội đồng thanh “tri ân” những cá nhân như Phạm Nhật Vũ.
Cũng vì thế những “trận đánh” trong cuộc chiến chống tham nhũng như trận tiễu trừ tham quan trong vụ AVG bán 95% cổ phần cho Mobifone, tuy ly kỳ, thậm chí phảng phất nét “đẹp” nhưng làm sao dám tin đó là “trận đánh” thật? Thế mới khổ!
Chú thích
(5) https://thongtinchongphandong.com/trung-tuong-nguyen-thanh-tuan-nguyen-cuc-truong-cuc-tuyen-huan-tong-cuc-chinh-tri-gui-thu-ngo-den-vtv/
(6) https://tuoitre.vn/cac-co-dong-avg-hoan-tat-viec-tra-lai-tien-cho-mobifone-20180502200552008.htm
https://www.voatiengviet.com/a/avg-mobifone-pham-nhat-vu/5072855.html