Tin Việt Nam – 08/08/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 08/08/2017

Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa bị mất chức vụ Đảng

Ban Bí thư Trung ương Đảng, trong cuộc họp hôm 8/8/2017 do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, đã ra quyết định miễn nhiệm chức vụ của bà Hồ Thị Kim Thoa trong Đảng bộ Bộ Công Thương.

Bà Hồ Thị Kim Thoa trước đó là ủy viên Ban cán sự Đảng.

Với việc bị miễn nhiệm chức vụ Đảng, bà Kim Thoa nay chỉ còn lại vị trí duy nhất là thứ trưởng Công Thương.

Thứ trưởng Công Thương sẽ được cho nghỉ hay mất chức?

Nữ Thứ trưởng Bộ Công thương VN ‘sẽ mất chức’?

Tuy nhiên, việc bà sẽ mất nốt chức danh này nhiều khả năng sẽ sớm xảy ra, khi mà trong nội dung quyết định mới đây của Ban Bí thư cũng gồm cả đề xuất Thủ tướng miễn nhiệm chức thứ trưởng.

Bà Hồ Thị Kim Thoa hôm 31/7 bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng kỷ luật cảnh cáo và kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền miễn nhiệm chức vụ do “có vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng”.

Trước đó, hôm 28/7, bà Kim Thoa đã nộp đơn xin nghỉ việc “vì l‎í do cá nhân” và “xin nghỉ phép”.

Bộ Công Thương nói với truyền thông rằng phần việc bà Thoa vẫn đảm nhiệm đã được chuyển sang một quan chức khác của Bộ kể từ 1/8.

Bộ cũng tuyên bố không thể chuẩn thuận hay bác đơn xin nghỉ việc của bà Thoa, bởi đây là quyết định “thuộc thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ” trên cơ sở ý kiến của Ban Bí thư và các cơ quan có liên quan.

Bà Hồ Thị Kim Thoa bị kỷ luật Đảng liên quan tới thời gian bà làm lãnh đạo ở Công ty Bóng đèn Điện Quang, 2004-2010.

Bà bị cho là đã vi phạm trình tự cổ phần hóa doanh nghiệp và không báo cáo đầy đủ cho Bộ chủ quản về việc xử l‎í, sử dụng các khoản tiền với tổng trị giá khoảng 37 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, bà bị cho là đã có sai phạm trọng việc mua bán, chuyển nhượng cổ phần trong công ty, và đã không tuân thủ quy định về kê khai tài sản, thu nhập.

‘Bị kỷ luật liên quan tới vụ Trịnh Xuân Thanh’

Bà Hồ Thị Kim Thoa từng bị kỷ luật về “vi phạm liên quan tới công tác cán bộ tại Bộ Công Thương”.

Hồi 10/2016, bà bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng ra quyết định “khiển trách” liên quan tới vai trò của bà tại Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011-2016.

Trong thời gian này, bà đã có “vi phạm, khuyết điểm” liên quan tới việc tiếp nhận, bổ nhiệm và điều động ông Trịnh Xuân Thanh.

Cũng liên quan tới việc này, đến tháng 1/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ra quyết định “kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương” trang tin Chính Phủ công bố.

Quyết định kỷ luật bà Kim Thoa được đưa ra cùng lúc với thời điểm ông Vũ Huy Hoàng bị Thủ tướng kỷ luật, xóa tư cách Bộ trưởng Công Thương nhiệm kỳ 2011-2016 do “vi phạm về công tác cán bộ”.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40862445

 

Cộng hòa Czech điều tra vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh

Hôm 8/8, cảnh sát Cộng hòa Czech cho VOA – Việt ngữ biết cơ quan này đã chính thức mở cuộc điều tra vụ ông Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc ở Berlin, Đức rồi đưa lên một chiếc xe đăng ký biển số Cộng hòa Czech.

Trao đổi qua email với VOA, bà Ivana NguyenováPhát ngôn viên của Cảnh sát Cộng hòa Czech cho biết: “Chúng tôi có thể xác nhận rằng cảnh sát đang xử lý hồ sơ này. Tuy nhiên, vì lý do nghiệp vụ, chúng tôi không thể cung cấp thêm chi tiết.”

Chúng tôi có thể xác nhận rằng cảnh sát đang xử lý hồ sơ này. Tuy nhiên, vì lý do nghiệp vụ, chúng tôi không thể cung cấp thêm chi tiết.

Phát ngôn viên Cảnh sát CH Czech Ivana Nguyenova

Trước đó hôm 4/8, Đài phát thanh Praha (Radio Praha) và cũng loan báo rằng chính quyền Cộng hòa Czech đang thực hiện cuộc điều tra này.

Cùng ngày, báo Tyden của Cộng hòa Czech trích lời luật sư Victor Pfaff của ông Thanh nói rằng các nhân chứng nhìn thấy những người đàn ông có vũ trang hôm 23/7 đã cưỡng bức, đẩy một người đàn ông và một phụ nữ vào một chiếc xe hơi gắn biển số Cộng hòa Czech trước khách sạn Sheraton ở thủ đô Berlin.

Bản tin của Radio Praha cho biết thêm, Trịnh Xuân Thanh đã đệ đơn xin tỵ nạn chính trị ở Đức vì bị nhà nước Việt Nam truy nã.

Trong một diễn biến liên quan, hôm 7/8, Bộ Công an Việt Nam ra lệnh tạm giam thời hạn 4 tháng đối với Trịnh Xuân Thanh để phục vụ công tác điều tra về những sai phạm trong thời kỳ tại vị của bị can này.

Ngày 31/7, truyền thông trong nước loan báo ông Trịnh Xuân Thanh đã đến trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đầu thú “để được hưởng sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước và pháp luật.”

Trả lời đài truyền hình VTV hôm 3/8, ông Trịnh Xuân Thanh cho biết cảm thấy lo sợ trước kết luận về vi phạm của mình và phải chịu trách nhiệm là người đứng đầu trong thua lỗ của Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) nên đã quyết định trốn tại Đức.

Gần một năm trước, Bộ Công an phát lệnh khởi tố và truy nã quốc tế đối với Cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC vì “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.”

Chính phủ Đức đã yêu cầu Hà Nội cho phép ông trở lại quốc gia Tây Âu này để được xét đơn tị nạn cũng như để cân nhắc yêu cầu dẫn độ ông của Việt Nam.

Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel nói hôm 4/8 rằng nước này đang xem xét các biện pháp chống lại Việt Nam vì đã bắt cóc cựu lãnh đạo ngành dầu khí Trịnh Xuân Thanh trên lãnh thổ Đức.

Hãng tin Reuters trích lời ngoại trưởng Gabriel nói việc Hà Nội chối bỏ vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh “gợi nhớ lại những bộ phim gián điệp thời Chiến tranh lạnh.”

Ngoại trưởng Gabriel cho biết Đức đã yêu cầu một nhân viên tình báo tại sứ quán Việt Nam ở Berlin rời khỏi Đức vì có dính líu tới vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh.

Trước đó vào tháng 6 tại Hà Nội, theo Thông tấn xã Việt Nam, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Cộng hòa Czech Milos Zeman đã ký kết văn kiện hợp tác trong lĩnh vực “chuyển giao người bị kết án và phòng, chống tội phạm.”

Không rõ liệu vấn đề chuyển giao tội phạm đối với Trịnh Xuân Thanh có được bàn trong cuộc gặp cấp nhà nước này hay không, nhưng những quyết tâm truy bắt và di lý ông Thanh về Việt Nam là rất lớn, vì Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng chỉ đạo rằng: “Bằng mọi cách phải di lý, bắt bằng được Trịnh Xuân Thanh về nước phục vụ điều tra, xét xử.”

https://www.voatiengviet.com/a/cong-hoa-czech-dieu-tra-vu-bat-coc-trinh-xuan-thanh/3976930.html

 

Đồng Tâm: 14 nguyên cán bộ ra tòa vì sai phạm đất đai

TAND huyện Mỹ Đức, Hà Nội hôm 8/8 mở phiên sơ thẩm xét xử 14 bị cáo có sai phạm trong công tác quản lý đất đai ở xã Đồng Tâm và huyện Mỹ Đức.

Tuy nhiên có ý kiến từ dân xã Đồng Tâm cho rằng, vụ xét xử này không liên quan đến vụ tranh chấp gay gắt, đụng độ hồi tháng Tư.

Theo báo Tuổi trẻ, TAND huyện Mỹ Đức, Hà Nội hôm 8/8 đã mở phiên sơ thẩm xét xử vụ 14 cựu cán bộ nguyên là lãnh đạo, cán bộ UBND xã Đồng Tâm, lãnh đạo Phòng TN&MT huyện Mỹ Đức đã lợi dụng chức vụ để chia chác đất, cấp đất trái thẩm quyền cho cán bộ, hợp thức hóa đất lấn chiếm.

Theo bản thông báo kết luận thanh tra của Thanh tra Hà Nội hôm 24/7, cũng ghi rõ việc xử lý kỷ luật, khởi tố 14 bị can trong mục “Về quá trình xử lý từ trước đến nay trên diện tích đất sân bay Miếu Môn”.

Đồng Tâm: Nhận diện đâu là đất tranh chấp

Khởi tố ‘quan’ trong vụ đất đai Đồng Tâm

Tuy nhiên, ông Lê Đình Kình, đại diện phía người dân trong vụ tranh chấp đất Đồng Sênh, nói sai phạm đất đai mà 14 cán bộ đang bị xét xử nằm ở một khu đất khác thuộc xã Đồng Tâm, không liên quan đến tranh chấp đất nông nghiệp-quốc phòng của dự án sân bay Miếu Môn.

“Thực tể 11 cán bộ lấy đất nông nghiệp của xã Đồng Tâm nhưng khu đất này ở xa sân bay Miếu Môn. Ba cán bộ còn lại thì không liên quan gì đến vụ tranh chấp đất nông nghiệp-đất quốc phòng.”

“Khu đất họ đang xét xử nằm ở đồng mít, phía bắc bia Chiến thắng, gần đầu làng Đồng Mít, mà người dân chúng tôi gọi là khu rặng trúc, không liên quan gì đến Đồng Sênh cả,” ông Kình lên tiếng.

Còn về các sai phạm đang xét xử hôm 8/8, ông Kình cho biết ông và nhiều người dân khác chính là nguyên đơn tố cáo các sai phạm này, nhưng không nhận được giấy mời phiên tòa.

“8 giờ sáng nay phiên tòa khai mạc, nhưng 9 giờ chúng tôi vẫn không biết họ xử ở đâu hay thông tin nội dung về phiên tòa. Có một số người dân đến TAND huyện Mỹ Đức nhưng bảo phải có giấy mời mới vào được.”

Theo báo Tuổi Trẻ, chỉ những người có giấy mời, giấy triệu tập của hội đồng xét xử mới được vào.

Cũng theo tường thuật phiên tòa của báo này, 14 cán bộ thừa nhận “Lấy đất giãn dân chia chác cho cán bộ xã Đồng Tâm”.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40860514

 

Tàu chiến USS San Diego cập cảng Cam Ranh

Tàu Hải quân Hoa Kỳ USS San Diego (LPD 22) cập cảng Cam Ranh của Việt Nam vào ngày 6 tháng 8, trong chặng dừng kỹ thuật thường lệ, sau khi tham gia huấn luyện trên biển ở khu vực Ấn Độ Dương-Châu Á-Thái Bình Dương.

Đại Sứ Quán Hoa Kỳ ở Hà Nội cho biết thông tin vừa nêu trong thông cáo báo chí đưa ra ngày 8 tháng 8.

Tàu Hải quân Hoa Kỳ USS San Diego (LPD 22) là tàu vận tải đổ bộ đường biển, dùng để chở thủy quân lục chiến cùng thiết bị, có thể hỗ trợ thực hiện nhiều hoạt động tác chiến viễn chinh. Đây là chiếc tàu thứ 6 thuộc lớp tàu chiến đổ bộ đường biển San Antonio và được đưa vào biên chế Hải quân Hoa Kỳ năm 2012.

Chặng dừng chân của tàu Hải quân Hoa Kỳ USS San Diego tại cảng Cam Ranh lần đầu tiên được cho là đánh dấu thêm bằng chứng thể hiện chiều sâu của mối quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ thông qua tăng cường quan hệ dân sự và quân sự.

Sau chặng dừng chân tại cảng Cam Ranh, tàu Hải quân Hoa Kỳ USS San Diego sẽ tiếp tục hành trình tham gia huấn luyện với đồng minh và đối tác trong khu vực hoạt động của Hạm đội 7 Hải quân Hoa Kỳ.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/uss-san-diego-arrives-in-camranh-08082017104547.html

 

Đất sân bay Tân Sơn Nhất là đất quốc phòng

Đất sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất là đất quốc phòng. Đây là khẳng định do ông Thượng tướng Trần Đơn, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết tại tại Hội nghị quán triệt, triển khai kết luận của Thường vụ Quân ủy Trung ương về quản lý, sử dụng đất quốc phòng khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, diễn ra vào sáng 8/8 tại TP.HCM.

Ông Đơn nói rằng đất sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất là đất quốc phòng nên bất cứ khi nào Bộ này cũng có thể thu hồi để giao lại cho Chính phủ, cho Bộ Giao thông Vận tải để làm đường băng.

Thứ trưởng Bộ quốc phòng nhận định rằng hiện tại việc quản lý đất quốc phòng cho mục đích kinh tế tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất còn nhiều bất cập, gây lãng phí đất đai, nói thêm rằng trong thời gian tới quân đội không được ký kết hợp đồng cho thuê đất mới nào tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất mà tập trung vào việc quy hoach lại.

Đất quốc phòng tại sân bay Tân Sơn nhất có diện tích khá lớn, khoảng 1.060 ha, trong đó 489 ha là đất quốc phòng đang quản lý, 107 ha là đất hàng không dân dụng và 464 ha là đất dùng chung.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vn-ministry-of-defense-on-tan-son-nhat-airport-land-08082017091054.html

 

Nhà tranh đấu Hoàng Đức Bình bị truy tố thêm tội danh

Nhà tranh đấu Hoàng Đức Bình vào tháng rồi bị chính quyền Việt Nam truy tố thêm một tội danh nữa –“Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản”. Như vậy, nhà tranh đấu môi trường và quyền người lao động 34 tuổi này hiện đang đối mặt với cả 3 tội danh theo các điều 257, 258, và 143 của Bộ Luật hình sự.

Từ Nghệ An, ông Hoàng Đức Nguyên, em trai của ông Bình cho VOA biết:

“Chính quyền không hề thông báo cho gia đình. Luật sư Lê Văn Luân gặp anh Hoàng Bình và trao đổi lại là Hoàng Bình bị truy tố thêm một tội danh nữa là ‘hủy hoại tài sản của nhà nước.’ Tính đến thời điểm hiện tại thì Hoàng Đức Bình bị truy tố 3 tội danh: điều 257, điều 258 và điều 143.”

Vào ngày 15/5, Công an đã bắt nhà hoạt động Hoàng Đức Bình tại Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

Khi bắt ông Bình, truyền thông Việt Nam dẫn nguồn tin của Công an tỉnh Nghệ An nói rằng ông Bình bị buộc tội “Chống người thi hành công vụ” (điều 257) và “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”, (điều 258). Tuy nhiên, các bài báo không nêu chi tiết những vụ việc cụ thể mà ông Bình có liên quan.

Trong một năm trở lại đây, ông Bình tích cực tham gia các hoạt động phản đối vụ hãng Formosa gây thảm họa ô nhiễm biển miền trung Việt Nam, nhất là tại một số vùng có đông giáo dân ở Nghệ An và Hà Tĩnh. Ông Bình đã giúp đỡ nhiều hoạt động truyền thông cho người dân ở bị ảnh hưởng bởi vụ ô nhiễm biển do hãng Formosa của Đài Loan gây ra.

Trước đó ông Bình là Phó Chủ tịch Phong trào Lao động Việt, tổ chức được thành lập năm 2008 với mục tiêu giúp người lao động đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của họ. Chính quyền Việt Nam không công nhận tổ chức này.

Ông Nguyên nói ông Bình vô tội. Ông cho rằng chính quyền dùng các tội danh này quy chụp cho hoạt động bảo vệ môi trường ôn hòa của ông Bình:

“Chính quyền quy chụp các tội danh này cho anh Bình. Anh Bình chỉ đấu tranh các vấn đề như Formosa và quyền của người lao động. Anh Bình hỗ trợ làm hồ sơ, giúp bà con ngư dân 4 tỉnh miền Trung khởi kiện Formosa, giúp cho Phong trào Lao động Việt, hỗ trợ cho công nhân bị các công ty ngược đãi.”

Ông Nguyên cho biết thêm hiện nay các luật sư chưa thể tiếp xúc nhiều với ông Bình do vụ án còn đang trong quá trình điều tra, và cũng chưa biết khi nào kết thúc điều tra hay được xét xử.

Hiện nay khi khách đến thăm nhà đều bị chính quyền cho người canh giữ, quan sát, theo dõi khiến cho sinh hoạt của gia đình gặp khó khăn, ông Nguyên chia sẻ thêm.

Sau một tháng bị giam ở tỉnh Nghệ An, chính quyền đã chuyển ông Bình ra Trại giam B14 ở Hà Nội mà không thông báo cho gia đình hay luật sư biết, theo tin từ ông Nguyên. Ngoài ra, quản lý trại giam B14 không nhận thuốc trị bệnh từ gia đình gửi cho ông Bình.

Ngày 15/5/2017, ông Hoàng Đức Bình bị một nhóm công an thường phục lẫn sắc phục phối hợp bắt giữ ông bất ngờ, khi ông đang cùng linh mục Nguyễn Đình Thục đi trên đường bằng xe ô tô.

Trước đó vào ngày 11/5, một người bạn tranh đấu của anh Bình là Bạch Hồng Quyền cũng bị công an phát lệnh truy nã toàn quốc.

Báo ViệtNamNet loan tin rằng ông Bình thường xuyên đăng tải, chia sẻ trên facebook cá nhân những thông tin, tài liệu tuyên truyền nói xấu chế độ, cổ vũ phong trào đa nguyên, đa đảng.

https://www.voatiengviet.com/a/nha-tranh-dau-hoang-duc-binh-bi-truy-to-them-toi-danh/3976907.html