Tin Việt Nam – 08/05/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 08/05/2018

Thủ Thiêm: Hòn ngọc bị đánh cắp?

Trần Quốc Quân

Năm 1626 thực dân Hà Lan mua lại đảo Manhattan từ tù trưởng thổ dân da đỏ bản địa với giá 60 gulden tương đương với giá hơn 1050 đô la hiện giờ.

Từ một hòn đảo hoang vu, sau hàng trăm năm phát triển, Manhattan ngày nay vừa cổ kính, vừa hiện đại mà không kém phần lãng mạn với những công trình kiến trúc kỳ vĩ được ví như trái tim của thành phố New York, trung tâm tài chính, thời trang, báo chí lớn nhất của nước Mỹ và thế giới.

Manhattan là nơi đặt tòa nhà trụ sở Liên Hiệp Quốc, là nơi có phố Wall và sàn giao dịch chứng khoán New York, là nơi có những tòa nhà chọc trời và các trung tâm mua sắm sầm uất của nhiều thương hiệu thời trang nổi tiếng nhất toàn cầu.

Giá bất động sản Manhattan thuộc hàng đắt nhất thế giới. Cả đất, cùng nhà và hạ tầng của hòn đảo này năm 2013 được định giá khoảng 3 tỷ tỷ USD.

Ban đêm Manhattan lung linh soi hình dưới bóng nước ba con sông Đông, Hudson và Harlem.

Pudong

Pudong tiếng Việt nghĩa là phần đất phía đông sông Hoàng Phố đối diện với khu Phố Tây cũ nằm ở bờ tây sông Hoàng Phố của thành phố Thượng Hải. Tương tự như Thủ Thiêm của Sài Gòn, trước đây Pudong chỉ là một hòn đảo hoang vu được sông Hoàng Phố bao bọc phần phía tây và biển Đông Trung Hoa bao bọc phần phía đông.

Từ năm 1990, Pudong được đầu tư xây dựng để trở thành trung tâm tài chính, kinh tế và thương mại của Trung Quốc.

Hiện nay với hàng trăm tòa nhà chọc trời, trong đó nổi bật là tháp truyền hình Minh Châu Phương Đông cao 468 mét và tòa tháp Shanghai World Financial Centre 101 tầng cao 492 mét, Pudong đã trở thành biểu tượng phát triển của Thượng Hải và sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Sự thật về tấm bản đồ Thủ Thiêm?

Từ trên cao nhìn xuống, bán đảo Thủ Thiêm trông giống viên ngọc nằm gọn ba bề trong miệng rồng đất Sài Gòn. Với vị trí đắc địa, chỉ cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh con sông rộng chừng 200 mét, bán đảo Thủ Thiêm trông giống “hòn ngọc trong đá” vô cùng quí giá chưa được mài giũa.

Thủ Thiêm là quỹ đất cuối cùng giáp Quận 1. Bởi vậy, từ lâu các cấp chính quyền đã có ý định mở rộng trung tâm thành phố sang đây.

Để cụ thể hóa ý định này, ngày 04/6/1996 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định QĐ367/TTg phê duyệt quy hoạch xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quy mô 930 ha, bao gồm Khu đô thị diện tích 770 ha (trong đó có 640 ha đất, 130 ha mặt nước) và Khu tái định cư 160 ha. Theo Quyết định này, Khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ được xây dựng thành trung tâm tài chính – thương mại hiện đại, trung tâm văn hóa cung cấp các dịch vụ nghỉ ngơi, giải trí cao cấp, bổ sung cho trung tâm thành phố vốn thiếu không gian phát triển.

Quyết định QĐ367/TTG đã được Thủ tướng phê duyệt, về nguyên tắc nhất thiết phải có bản đồ chi tiết kèm theo. Nhưng lạ một điều là nhiều năm nay, không ai biết bộ bản đồ qui hoạch đó ở đâu, từ Văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố, đến Văn phòng Chính phủ, và các cơ quan lưu trữ…

Ngày 5/5/2018, ông Võ Viết Thanh nguyên chủ tịch UBND thành phố đã bất ngờ công bố toàn bộ 13 bản đồ gắn với Quyết định QĐ367/TTg, nhưng không bản đồ nào có dấu giáp lai của Văn phòng Chính phủ.

Theo quyết định QĐ367/TTg, Khu Đô thị mới Thủ Thiêm chỉ có một khu nhà ở cao cấp ở phía bắc bán đảo và khu tái định cư, còn dọc đại lộ Đông – Tây là các cao ốc 30-100 tầng. Với vị trí cận kề Quận 1, đất bán đảo Thủ Thiêm phải được ưu tiên phát triển thành trung tâm tài chính, thương mại và dịch vụ, còn nhà ở có thể chọn nơi xây dựng xa hơn.

Nhưng thực tế đến nay, thành phố đã giao hàng trăm héc ta quĩ đất Thủ Thiêm cho nhiều công ty tư nhân đầu tư xây dựng nhà ở cao cấp và tái định cư, góp phần băm nát qui hoạch bán đảo.

Kế đó, vào ngày 22/3/2002 Văn phòng UBND thành phố đã vội vã ban hành 2 thông báo hoả tốc 77/TB-VP và 78/TB-VP giao cho Kiến trúc sư trưởng thành phố và Giám đốc sở Địa chính nhà đất có trách nhiệm giao đủ 770 ha đất khu trung tâm trái với tinh thần quyết định QĐ367/TTG tức là phải xoay đủ 130 ha đất để bù vào 130 ha mặt nước.

Đất không thể tự đẻ ra đất. Muốn làm được điều này thì hoặc là phải cắt bớt phần đất 160 ha tái định cư của dân, hoặc là phải lấp 130 ha mặt nước hồ trên bán đảo và sông Sài Gòn.

Chưa dừng lại ở đó, ngày 27-12-2005 UBND thành phố lại ban hành quyết định 6565/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung Khu đô thị mới Thủ Thiêm tỷ lệ 1/5000 và quyết định 6566/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới Thủ Thiêm tỷ lệ 1/2000. Mục đích là tự tạo ra khu đô thị chỉnh trang rộng 80 héc ta không có trong qui hoạch ban đầu của QĐ367/TTG nhằm hợp thức hoá 80 ha đất tái định cư của dân, trước đó đã giao trái phép cho 27 công ty tư nhân.

Để thực hiện được điều này, chính quyền thành phố đã thu hồi đất của dân, khiến cho không ít người mất đất phản ứng gay gắt.

Thủ Thiêm sau 22 năm qui hoạch

Các biện pháp “chữa cháy” này đã tiếp tay cho nhiều dự án ven sông Sài Gòn đắp kè, lấn chiếm lòng sông để mở rộng đất. Việc lấn sông lấy đất tạo nền này đã phá vỡ qui hoạch chỉnh trang công viên ven sông, làm thay đổi dòng chảy chủ lưu, khiến mặt cắt sông co hẹp, làm tăng khả năng sạt lở bờ sông thượng lưu và hạ lưu.

Việc giao đất cho các công ty bất động sản tư nhân cũng có những biểu hiện tiêu cực.

Khuôn khổ bài báo có hạn, chỉ đơn cử một ví dụ. Theo số liệu chính quyền thành phố công bố, công ty Đại Quang Minh đã chi 8.265 tỷ đồng làm 4 tuyến đường chính, 3.082 tỷ đồng xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 dưới hình thức BT, và đã nộp vào ngân sách thành phố 3.325 tỷ đồng. Tổng chi là 14.672 tỷ. Đổi lại, công ty này được giao 106 ha để xây dựng Khu đô thị Sala.

Như vậy với chi phí đó, diện tích đất đó, giá đất trung tâm bán đảo Thủ Thiêm mà Đại Quang Minh được chính quyền thành phố giao tương đương 14 triệu đồng/m2. Trong khi đất Thủ Thiêm như vị trí của Sala, hiện nay được thị trường định giá khoảng 100 triệu đồng/m2.

Suốt hơn 20 năm qua, những người nặng lòng yêu quí Sài Gòn luôn kỳ vọng trong viễn cảnh tương lai bán đảo Thủ Thiêm sẽ là Manhattan, Pudong lung linh soi bóng bên sông Sài Gòn.

Tuy nhiên, với tình hình những năm qua, có vẻ bán đảo Thủ Thiêm vẫn chỉ là hòn ngọc trong mơ.

Bài viết nêu quan điểm riêng của tác giả, viết từ Ba Lan.

http://www.bbc.com/vietnamese/forum-44031384

 

Hội nghị TƯ 7: Bầu hai người vào Ban Bí thư?

Nhiều khả năng hai người mới sẽ được giới thiệu để bầu vào Ban Bí thư tại Hội nghị Trung ương 7 đang diễn ra ở Hà Nội.

Hội nghị TƯ 7: Làm gì để các quyết sách khả thi?

Hội nghị Trung ương 7 ‘có rất nhiều trọng tâm’

Hội nghị TƯ 7: Thay đổi nhân sự để củng cố quyền lực?

Hai ứng viên này là Trần Cẩm Tú, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Ban bí thư khoá 12 hiện có 12 thành viên, gồm hai người mới được bầu vào tháng 10/2017.

Vào tháng Ba năm nay, ông Trần Quốc Vượng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, đã chính thức giữ chức Thường trực Ban Bí thư.

Bộ Chính trị Đảng Cộng sản đồng ý để ông Đinh Thế Huynh thôi giữ chức Thường trực Ban Bí thư và Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương để tiếp tục chữa bệnh dài hạn.

Mặc dù Ủy viên Bộ Chính trị Trần Quốc Vượng vẫn đang kiêm chức lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nhưng ông Trần Cẩm Tú được xem là ứng viên hàng đầu để thay ông Vượng nắm Ủy ban này.

Hai ứng viên

Sinh năm 1961 ở tỉnh Hà Tĩnh, ông Trần Cẩm Tú có thời gian lâu dài công tác ở Ủy ban Kiểm tra Trung ương từ 2009.

Một thời gian từ 2011 đến 2015, ông được phân công làm Bí thư Thái Bình, nhưng đầu năm 2015, ông được bầu bổ sung vào Ủy ban Kiểm tra Trung ương, sau đó làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Sau Đại hội Đảng 2016, ông trở thành Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Ông Trần Thanh Mẫn, sinh năm 1962 ở tỉnh Hậu Giang, có bằng tiến sĩ kinh tế, từng là Bí thư thành ủy Thành phố Cần Thơ.

Ông được cử thay ông Nguyễn Thiện Nhân làm Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc hồi tháng 6/2017, sau khi ông Nhân được phân công làm Bí thư Thành ủy TPHCM.

Dự kiến, Hội nghị Trung ương 7 sẽ bế mạc vào ngày 12/5.

Danh sách Ban bí thư khoá 12 tính đến trước Hội nghị Trung ương 7

1. Ông Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng.

2. Ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thường trực Ban bí thư.

3. Ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị.

4. Ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương.

5. Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.

6. Bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận Trung ương.

7. Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban kinh tế Trung ương

8. Ông Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.

9. Ông Nguyễn Văn Nên, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.

10. Ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

11. Ông Phan Đình Trạc, Trưởng ban Nội chính Trung ương.

12. Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44031386

 

Dân chủ trong quy hoạch cán bộ có đáng yên tâm?

Một nhà quan sát chính trị Việt Nam, từ Đại học Quốc gia Hà Nội, nói với BBC News Tiếng Việt rằng ông chưa yên tâm về công tác quy hoạch cán bộ của Đảng Cộng sản và chính quyền ở Việt Nam.

Bình luận về Hội nghị TƯ7 của Đảng CSVN đang diễn ra ở Hà Nội từ ngày 07/5 tới 12/5/2018, Giáo sư Trần Ngọc Vương nói:

“Cái mà tôi thấy không thể yên tâm được là sự thiếu dân chủ trong công tác quy hoạch cán bộ và lựa chọn cán bộ, khi lựa chọn cán bộ thay một nguyên tắc mà theo tôi là rất cũ – là Đảng cử rồi dân bầu – thì phần dân chủ biến mất, cho nên người ta không thấy cái thể hiện của nền dân chủ trong việc lựa chọn người quản lý, cai trị đối với nhân dân.

Hội nghị TƯ 7: Làm gì để các quyết sách khả thi?

Việc kiểm tra, việc đôn đốc thực hiện những tiêu chuẩn đó thì lại bị thả lỏng, cho nên khắp nơi dậy lên những câu chuyện, thậm chí là chuyện tiếu lâm về tư cách và tầm của nhà quản lý. Và điều đó gây ra cho người quan sát như tôi một cảm giác là không yên tâm, không bằng lòng với thực trạngGS. Trần Ngọc Vương

Hội nghị Trung ương 7 ‘có rất nhiều trọng tâm’

Hội nghị TƯ 7: Thay đổi nhân sự để củng cố quyền lực?

“Và người ta có quyền đặt ra câu hỏi là những thế lực đề ra những nguyên tắc như vậy là rốt cuộc thì họ theo mục tiêu gì, nếu như câu khẩu hiệu chính trị nêu lên là ‘xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh’, thì bây giờ yếu tố dân chủ là yếu tố thiếu hụt một cách rất là nghiêm trọng.”

‘Cảm giác không yên tâm’

Trong diễn văn khai mạc Hội nghị Trung ương 7, liên quan nội dung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, đặc biệt liên quan đội ngũ cán bộ cấp chi lược, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Hội nghị ‘cố gắng chỉ ra khâu đột phá’, bình luận về khía cạnh này, ông Trần Ngọc Vương nói:

“Tìm được khâu đột phá để giải quyết những vướng mắc về công tác cán bộ nói riêng và nền chính trị nói chung là một việc rất khó khăn trong bối cảnh hiện nay, bởi vì có một thời kỳ rất lâu, chúng ta đưa ra những tiêu chuẩn vừa lộn xộn, không rõ ràng, vừa mâu thuẫn và thậm chí nhiều tiêu chuẩn thấp để cho nó phù hợp với một đối tượng nào đó.

“Cho nên những đòi hỏi thực tế đối với người cầm quyền ở cấp độ cao là không được chính xác cho lắm, cùng với việc kiểm tra, việc đôn đốc thực hiện những tiêu chuẩn đó thì lại bị thả lỏng, cho nên khắp nơi dậy lên những câu chuyện, thậm chí là chuyện tiếu lâm về tư cách và tầm của nhà quản lý. Và điều đó gây ra cho người quan sát như tôi một cảm giác là không yên tâm, không bằng lòng với thực trạng…”

Trong cuộc trao đổi với BBC hôm 07/5, Giáo sư Trần Ngọc Vương cũng bình luận một số khía cạnh khác về chính trị Việt Nam mà ông quan sát trong dịp này từ dân chủ hóa trong Đảng tới ngoài xã hội, hay từ các chiến dịch chống tham nhũng, chỉnh đốn đảng đang được phát động và tiến hành hiện nay, cho tới so sánh cách làm giữa Việt Nam với Trung Quốc trong cùng lĩnh vực này.

http://www.bbc.com/vietnamese/media-44032420

 

Năng suất lao động của Việt Nam

thấp nhất trong 9 nước Đông Bắc Á

Năng suất lao động của 9 nhóm ngành hàng tại Việt Nam ở mức gần hoặc thấp nhất trong nhóm các nước Đông Bắc Á, gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia và Campuchia.

Trong ba ngành gồm: công nghiệp chế biến, xây dựng, vận tải- kho bãi, Việt Nam còn thấp hơn cả Campuchia.

Đó là kết quả do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đưa ra trong báo cáo thường niên Kinh tế năm 2018 và được truyền thông nhà nước loan tin hôm 8/5/2018.

Theo VEPR, chính sách tăng lương tối thiểu gần đây của chính phủ đã làm cho các doanh nghiệp tư nhân có khuynh hướng đối phó bằng cách cắt giảm lao động chính thức. Điều này làm giảm tốc độ tăng trưởng việc làm, suy giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước.

Ngoài ra, trong báo cáo cũng đề cập đến chất lượng lao động việc làm. Hơn 60% lao động trẻ có trình độ trung học cơ sở và phổ thông lựa chọn làm việc cho các hộ kinh doanh cá thể hoặc lao động gia đình. Đây là khu vực được khoanh vùng là có năng suất lao động thấp.

VEPR còn đề cập đến chủ trương đưa học sinh, thực tập sinh ra nước ngoài để cải thiện tay nghề và nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, chính sách này không mang lại hiệu quả do không có các dịch vụ hỗ trợ khi thực tập sinh về nước.

Báo cáo thường niên năm nay xây dựng với trọng tâm “Hiểu về thị trường lao động để tăng năng suất”.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/Labor-productivity-for-dynamic-near-vn-almost-lowest-in-9-northeast-asia-05082018090528.html

 

Giáo sư Việt kiều từ giã giấc mơ

làm Hiệu trưởng Đại học Hoa Sen

Hôm 6/5 Giáo sư Trương Nguyện Thành cho VOA biết ông đang bay trở lại Việt Nam, sau mấy hôm về Mỹ vì một quyết định gây tranh cãi của cơ quan chức năng ở thành phố Hồ Chí Minh, nhưng nhiều khả năng cho thấy ông sẽ không cộng tác với trường đại học Hoa Sen nữa.

Tuần trước truyền thông Việt Nam cho biết giáo sư Trương Nguyện Thành đã rời đại học Hoa Sen về lại Mỹ sau khi Sở Giáo dục thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định cho rằng giáo sư người Mỹ gốc Việt này ‘không đủ kinh nghiệm’ làm hiệu trưởng, dù Hội đồng Quản trị nhà trường đã tín nhiệm bầu ông.

Ngày 7/5, trả lời phỏng vấn báo Thanh Niên, ông Lưu Tiến Hiệp, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiệm Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, nói rằng hiện chỉ mới có văn bản tham mưu của Sở GD-ĐT TP.HCM, chứ chưa có văn bản chính thức của UBND TP.HCM. Ông Hiệp nói thêm: “lúc có quyết định chính thức thì trường mới có động tác tiếp theo.”

Từ thành phố Hồ Chí Minh, ông Trịnh Xuân Thủy, một người chuyên theo dõi các vấn đề giáo dục – xã hội của Việt Nam, nêu nhận định của ông về quyết định trên của Sở GD-ĐT TP.HCM:

“Nếu thực sự mà giáo sư Thành phải trở về Mỹ chỉ vì cái lý do này thì thật là một điều đáng tiếc. Ở đây có thể là trong kết luận còn có những sơ xuất, nhưng nên biết rằng trường ĐH Hoa Sen về cơ bản đã trở thành trường tư thục và tự chủ hoàn toàn, đồng nghĩa là đây là một doanh nghiệp đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, vì vậy cơ chế quản lý phải là cơ chế của Luật Doanh nghiệp. Tôi không hiểu việc họ gây sức ép hay họ dùng quy chế nào trong việc bầu giáo sư Thành làm hiệu trưởng trường ĐH Hoa Sen.”

Tôi không hiểu việc họ gây sức ép hay họ dùng quy chế nào trong việc bầu giáo sư Thành làm hiệu trưởng trường ĐH Hoa Sen.

Ông Trịnh Xuân Thủy.

Theo Điều 20 Luật Giáo dục ĐH Việt Nam hiện hành, hiệu trưởng phải đảm bảo các tiêu chuẩn: Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có uy tín về khoa học, giáo dục, có năng lực quản lý và đã tham gia quản lý cấp khoa, phòng của cơ sở giáo dục đại học ít nhất 5 năm, có trình độ tiến sĩ đối với trường ĐH, giám đốc học viện, đại học, và có sức khỏe tốt.

Viết trên Facebook sau khi rời Đại học Hoa Sen, giáo sư Thành chia sẻ: “Hội Đồng Quản Trị của ĐH Hoa Sen đề cử tôi vào vị trí Hiệu trưởng với số phiếu 16/18 (2 phiếu trắng) một phần nói lên sự tín nhiệm vào khả năng của tôi. Còn việc công nhận vị trí Hiệu trưởng của một trường đại học tư thục là theo luật Giáo dục đại học của Việt Nam, tôi không có ý kiến.”

Truyền thông Việt Nam nêu nhận định của giáo sư Vũ Hà Văn, Đại học Yale: “Giáo sư Thành, về khả năng và thành tích nghiên cứu, hơn mặt bằng ở Việt Nam rất xa. Ông đã làm hiệu phó một thời gian và được ban quản trị của trường tín nhiệm với số phiếu cao. Như vậy về năng lực là thích hợp, vả lại Hoa Sen là trường tư, tự nhiên ban quản trị sẽ hành động theo hướng tốt nhất cho trường.”

Tương tự, tiến sĩ Đàm Quang Minh, thuộc Tổ chức Giáo Dục Hoa Kỳ, nói với Báo Thanh niên rằng ở Mỹ thậm chí không yêu cầu hiệu trưởng trường đại học cần phải có bằng tiến sĩ.” Ông kết luận rằng: “Giáo sư Thành cũng rất phù hợp nếu xét theo tiêu chuẩn hiệu trưởng đại học Mỹ.”

Ông Trịnh Xuân Thủy nêu thực trạng chung về chính sách sử dụng các học giả gốc Việt vào nền giáo dục trong nước:

“Nền giáo dục tiên tiến của quốc tế là một trong những mục tiêu mà nền giáo dục Việt Nam cần phải hướng tới. Trong đó những người như giáo sư Thành là những nhân tố quan trọng. Thế nhưng các nhà khoa học, có nhiều thành tựu nghiên cứu, có tri thức cao từ các nước tư bản, phương Tây… về Việt Nam giảng dạy hay tham gia các hoạt động khoa học trong nước đều không chịu được những vướng mắc về mặt quản lý, chính sách, nói chung là mọi thứ… khiến họ rốt cuộc phải ra đi, hoặc bị hạn chế rất nhiều… mà trước đây đã xảy ra với trường hợp giáo sư Ngô Bảo Châu.”

Các nhà khoa học, có nhiều thành tựu nghiên cứu, có tri thức cao từ các nước tư bản, phương Tây… về Việt Nam giảng dạy hay tham gia các hoạt động khoa học trong nước đều không chịu được những vướng mắc về mặt quản lý, chính sách, nói chung là mọi thứ… khiến họ rốt cuộc phải ra đi, hoặc bị hạn chế rất nhiều.

Ông Trịnh Xuân Thủy.

Giáo sư Thành được sinh viên biết đến qua hình ảnh một người thầy thân thiện, đôi khi mặc quần short, áo thun đi dạy. Ông được cho là người tìm cách cởi trói trong tư duy sáng tạo và hành động. Báo chí trong nước nói ông là trí thức Việt kiều có tài đúng nghĩa, được trọng dụng và yêu quý.

Trao đổi với Báo Người Lao Động ngày 7/5, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục ĐH – Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam nhận định: “Ở đây hội đồng nhà trường đã có ý kiến thì tôi nghĩ cơ quan quản lý cần phải cân nhắc, xem xét. Đúng là đúng luật nhưng những quy định đã lạc hậu thì phải điều chính cho phù hợp thực tiễn. Luật Giáo dục ĐH nên tăng quyền tự chủ cho các trường và quy định hiệu trưởng phải có 5 năm làm công tác quản lý ở các khoa.”

Theo ông Lê Viết Khuyến, cơ quan quản lý nhà nước nên có thay đổi tư duy, vì nếu chỉ bám theo những quy định cứng nhắc thì “thiệt thòi cho giáo dục Việt Nam”. Nói thêm về trường hợp của GS Thành, TS Lê Viết Khuyến nhấn mạnh: “Cần phải sửa luật, hoặc là trình cơ quan cấp cao hơn để có hướng xử lý đối với những trường hơp đặc biệt.”

https://www.voatiengviet.com/a/giao-su-viet-kieu-tu-gia-giac-mo-lam-hieu-truong-dh-hoa-sen/4384646.html

 

Dòng Thánh Phaolô

phản đối công trình ở 5 Quang Trung, Hà nội

Các nữ tu Dòng Thánh Phaolô hôm 8/5 phản đối việc một chủ đầu tư khởi động lại công trình xây dựng tại một khu đất ở trung tâm Hà Nội. Hội Dòng khẳng định họ có đầy đủ giấy tờ chứng minh khu đất thuộc về họ.

Công an chỉ đẩy các soeur ra, và còn văng tục, chửi các người dân cảm thấy bức xúc nâng đỡ các soeur, và bảo kê cho xã hội đen và chủ đầu tư mang dụng cụ vào đấy.

Soeur Theresa Nguyễn Thị Tú

Vào chiều tối 8/5, nữ tu Theresa Nguyễn Thị Tú cho VOA biết một nhóm người đã đưa máy móc vào khu đất tại địa chỉ 5A-5B phố Quang Trung, quận Hoàn Kiếm vào sáng cùng ngày. Các nữ tu của hội dòng cùng với giáo dân đã phản đối hành động này. Đáp lại, nhóm người kia đã có hành vi “côn đồ”, quấy nhiễu, và thậm chí, hành hung các nữ tu và giáo dân.

Soeur Theresa cáo buộc rằng trong nhóm người, có một số “dân đầu gấu”, “dân xã hội đen” được thuê. Nữ tu cho biết thêm rằng công an có mặt tại vụ việc nhưng “không làm gì”:

“Công an chỉ đẩy các soeur ra, và còn văng tục, chửi các người dân cảm thấy bức xúc nâng đỡ các soeur, và bảo kê cho xã hội đen và chủ đầu tư mang dụng cụ vào đấy. Sau khi chủ đầu tư đã mang hết dụng cụ vào mảnh đất thì công an lên xe đi hết”.

Tranh chấp quanh khu đất rộng chừng 200m2 đã kéo dài nhiều năm nay. Một phụ nữ có tên là Trần Hương Ly hiện là chủ sở hữu mảnh đất với giấy chứng nhận sử dụng đất do nhà nước cấp, thường gọi là “sổ đỏ”, và cả giấy phép xây dựng.

Cách đây gần 2 năm, hồi cuối tháng 7/2016, khi bà Ly chuẩn bị xây dựng nhà trên khu đất, các nữ tu Dòng Thánh Phaolô Hà Nội đã phản đối bằng cách cầu nguyện hàng ngày tại địa điểm đó.

Hành động của các nữ tu đã dẫn đến việc Ủy ban Nhân dân Quận Hoàn Kiếm chỉ đạo cho cấp dưới là UBND Phường Trần Hưng Đạo ra thông báo yêu cầu bà Ly “tạm dừng thi công”.

Dòng Thánh Phaolô nói mảnh đất tại số 5 phố Quang Trung thuộc sở hữu của họ từ khoảng năm 1883.

Do những biến cố lịch sử, tháng 12/1954 một cơ quan y tế của chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thuê nhà của Hội Dòng và từ đó những nhà đất này không được trả lại cho chủ cũ.

UBND quận Hoàn Kiếm đã âm thầm cho phường Trần Hưng Đạo ra một thông báo để chủ đầu tư làm mà chúng tôi không hề nhận được.

Soeur Theresa, Dòng Thanh Phaolô

Hội Dòng cho VOA biết họ vẫn còn giữ các văn bản về quyền sở hữu, cho thuê bằng cả tiếng Việt và tiếng Pháp.

Việc công trình của bà Ly được nối lại hiện nay, theo soeur Theresa, là “sai trái pháp luật” với sự tiếp tay không minh bạch của chính quyền địa phương. Bà nói:

“UBND quận Hoàn Kiếm đã âm thầm cho phường Trần Hưng Đạo ra một thông báo để chủ đầu tư làm mà chúng tôi không hề nhận được. Còn khi chúng tôi đi đến gặp thì không bao giờ tiếp chúng tôi cả, mà còn cho người ra cản trở, đánh, rình rập để các tu sĩ, nữ tu và giáo dân không thể đi ra khỏi nhà được”.

VOA chưa thể liên lạc được với nhà chức trách địa phương để làm rõ các cáo buộc nêu trên.

Vấn đề tranh chấp đất đai giữa phía chính quyền Việt Nam với các cơ sở tôn giáo rất phức tạp do lịch sử để lại.

Theo văn bản số 1940 do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký hồi tháng 12/2008 sau các sự cố tranh chấp đất đai tại Toà Nhà Khâm Sứ 42 Nhà Chung và Dòng Chúa Cứu Thế 178 Nguyễn Lương Bằng, cả hai đều ở Hà Nội, chính phủ Việt Nam cấm việc chuyển đổi mục đích các cơ sở có nguồn gốc tôn giáo để tránh nổ ra những bất ổn xã hội.

Ngoài ra, theo văn bản vừa nêu, những nơi nào còn sử dụng cho mục đích xã hội như trường học, trạm y tế hay công sở thì vẫn tiếp tục duy trì. Những nơi nào không sử dụng được, nếu có thể trả lại cho các hội, nhóm tôn giáo ban đầu thì trả lại; nếu không trả lại, cần giữ nguyên trạng.

Nữ tu Theresa Nguyễn Thị Tú cho VOA biết Dòng Thánh Phaolô đang cân nhắc làm việc với các luật sư Việt Nam và quốc tế để đưa tranh chấp về khu đất số 5 Quang Trung, Hà Nội, ra tòa.

https://www.voatiengviet.com/a/dong-thanh-phaolo-phan-doi-cong-trinh-o-5-quang-trung-ha-noi/4384488.html