Tin Việt Nam – 08/05/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 08/05/2017

Lễ hạ thủy tàu Cảnh sát biển 8004 sáng 27/11/2015 tại Hải Phòng.

 

Tàu cảnh sát biển Việt Nam thăm Trung Quốc

Vào sáng ngày 8 tháng 5, tàu cảnh sát biển 8004 của Việt Nam đưa đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam lên đường đến thăm Trung Quốc theo lời mời của cảnh sát biển Trung Quốc.

Theo báo Quân đội Nhân dân, đây là chuyến thăm hữu nghị đầu tiên của tàu cảnh sát biển Việt Nam đến một quốc gia khác. Báo Quân đội Nhân dân cho biết chuyến thăm nhằm tăng cường mối quan hệ hữu nghị sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa cảnh sát biển hai nước. Các hoạt động giao lưu giúp tạo không khí thân thiện và hữu nghị giữa hai lực lượng và giảm nguy cơ va chạm xung đột trên các vùng biển của Việt Nam.

Nhân chuyến thăm này, hai bên sẽ có những trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động ngăn chặn tội phạm xuyên quốc gia như cướp biển, buôn lậu, vượt biên, hoạt động khủng bố, vận chuyển và buôn lậu vũ khí, vật liệu nổ, ma túy, tiền giả, tìm kiếm và giúp đỡ người dân hai nước gặp nạn trên biển.

Hồi tháng 11 năm 2016, tàu cảnh sát biển Trung Quốc cũng đã ghé thăm cảng Hải Phòng của Việt Nam.

www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/vietnam-patrol-ship-visits-cn-0508201710463

 

Tàu chiến Việt Nam thăm Singapore

Tàu hộ vệ tên lửa 011 Đinh Tiên Hoàng của Hải quân Việt Nam đã rời cảng Cam Ranh đi Singapore tham gia những hoạt dộng nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Hải quân Singapore. Báo Quân đội nhân dân loan tin này hôm nay. Tàu có 137 sĩ quan và thủy thủ, do đại tá Lê Hồng Chiến, Phó từ lệnh vùng 4 Hải quân làm trưởng đoàn.

Các hoạt động của tàu hộ vệ tên lửa 011 Đinh Tiên Hoàng tại Singapore bao gồm duyệt binh tàu quốc tế, diễn tập biển đa phương trong khuon khổ Hội thảo Hải quân các nước Tây Thái Bình dương lần thứ 6 (WPNS-6), diễn tập chi sẻ thông tin hàng hải năm 2017 và tham gia triển lãm Quốc tế về Hàng hải quốc phòng châu Á 2017.

Theo báo Quân đội Nhân dân, tàu của hải quân Việt Nam đến Singapore lần này là nhằm thực hiện quan điểm chỉ đạo của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, đường lối đối ngoại của  Đảng về tích cực chủ động hội nhập quốc tế.

Hồi cuối tháng 3 vừa qua, tàu buồn huấn luyện Lê Quý Đôn của Hải quân Việt Nam cũng đã đến thăm Trung Quốc, Philippines và Brunei. Quân chủng Hải quân Việt Nam cho biết chuyến đi nhằm mục đích tăng cường mối quan hệ nữu nghị, hợp tác, hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa quân đội và hải quân các nước.

www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/vn-navy-ship-visit-sing-05082017102717.html

 

Chương trình đối tác Thái Bình Dương diễn ra tại Đà Nẵng

Tàu viễn chinh cao tốc USNS Fall River của Mỹ vừa đến cảng Đà Nẵng ngày hôm nay, 8 tháng 5 trong khuôn khổ chương trình đối tác Thái Bình Dương 2017.

Đây là lần thứ 8 chương trình đối tác Thái Bình Dương được tổ chức tại Việt Nam trong suốt 11 năm của sự kiện này và là năm thứ 4 liên tiếp chương trình được tổ chức tại Việt Nam. Cùng đến tham gia với tàu Mỹ trong năm nay còn có tàu của Anh, Australia và Nhật Bản.

Thông cáo báo chí của lãnh sự quán Mỹ tại Việt Nam cho biết một nửa thời gian của chương trình kéo dài 1 tuần tại Việt Nam lần này sẽ nhằm thúc đẩy hợp tác đối tác toàn diện giữa Mỹ và Việt Nam, và hợp tác với các nước khác. Các hoạt động chính bao gồm làm việc với đội ngũ y tế dân sự của Việt Nam, thăm Ủy ban nhân  dân thành phố Đà Nẵng, tham gia vào các dự án xây dựng công trình công cộng, trao đổi kinh nghiệm với đội ngũ y tế quân đội và tham gia các dự án cộng đồng khác.

www.rfa.org/…/pacific-partnership-2017-arrives-in-danang-05082017101857.html

 

Viên chức Việt Nam nhận hối lộ từ lâm tặc

Một cơ quan giám sát môi trường cáo buộc chính phủ Việt Nam và các quan chức quân đội nhận hối hộ để cho qua các vụ buôn lậu gỗ từ Campuchia về Việt Nam.

Báo cáo của Cơ quan điều tra Môi trường Anh EIA cho biết số tiền hối lộ các quan chức cả hai phía Việt Nam và Campuchia lên đến hàng triệu Mỹ kim. Trong đó, bên Việt Nam chịu trách nhiệm hạn ngạch nhập khẩu gỗ (còn gọi là quota) và phía Campuchia đảm nhận việc mở các khu vực khai thác và đường dây buôn lậu.

Hãng thông tấn AP ngày 8/5 cho biết Bộ Ngoại giao Việt Nam từ chối trả lời AP về cáo buộc này. Trong khi đó Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Campuchia khẳng định rằng việc buôn lậu gỗ đã dừng lại từ năm 2016, và nếu có tái diễn thì được thực hiện một cách bí mật.

Tin cho biết thêm rằng Việt Nam và Liên minh Châu Âu dự tính sẽ ký thỏa thuận nhằm đảm bảo chỉ có gỗ hợp pháp được xuất khẩu ra khỏi Việt Nam.

Campuchia đã ra lệnh cấm xuất khẩu gỗ tròn và kể từ đầu năm 2016 đã đóng cửa biên giới xuất khẩu gỗ sang Việt Nam. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê hiện tại khoảng 300.000 mét khối gỗ tròn đã được vận chuyển ra khỏi Campuchia và được đưa qua Việt Nam theo con đường hạn ngạch.

www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/watchdog-say-vns-official-bribes-by-log-smug…

 

Nghệ An: Hội phụ nữ ‘phản đối linh mục Nam’

Cuối tuần qua, ‘hàng ngàn’ hội viên Hội Nông dân, Phụ nữ huyện Quỳnh Lưu đã phản đối, đòi truy tố một linh mục dẫn dắt các cuộc biểu tình đòi bồi thường thiệt hại do Formosa gây ra, báo Nghệ An tường thuật.

Hôm 8/5, báo Nghệ An đăng bài ‘Hơn 600 nông dân huyện Quỳnh Lưu yêu cầu truy tố Đặng Hữu Nam’.

Linh mục Đặng Hữu Nam cùng linh mục Nguyễn Đình Thục là hai người dẫn dắt các cuộc biểu tình đòi bồi thường thiệt hại do Formosa gây ra trong thời gian qua.

Báo này dẫn lời ông Trịnh Xuân Tiền, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quỳnh Hưng: “Thời gian qua, ông Đặng Hữu Nam đã có những việc làm trái pháp luật, đi lại lợi ích nhân dân, không thành tâm hướng thiện để dìu dắt con chiên sống tốt đời đẹp đạo. Việc làm sai trái đó gây bức xúc, phẫn nộ trong nhân dân, đề nghị Đảng, Nhà nước phải xử lý nghiêm”.

Nghệ An: ‘hàng trăm người’ đi kiện Formosa

Báo QĐND nói về ‘lợi dụng tôn giáo kích động’

Diễu hành vì môi trường ‘bị ngăn chặn’ 

Biểu tình hôm 5/3 ‘không như mong đợi’

Cùng thời điểm, báo Nghệ An còn đăng các bài ‘Hàng ngàn phụ nữ Quỳnh Lưu lên tiếng phản đối linh mục Đặng Hữu Nam‘, ‘Hơn 3.000 người dân vùng bãi ngang phản đối linh mục Đặng Hữu Nam, hay ‘Đặng Hữu Nam đã ‘cạn bài’, Lộ chân tướng ngông cuồng và hoang đường‘…

Trong một đoạn clip đăng trên báo Nghệ An, bà Phạm Thị Hải Yến, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Quỳnh Lưu phát biểu: “Trước những hành động phản động của linh mục Nam, chúng tôi kêu gọi hội viên phụ nữ Quỳnh Lưu yêu cầu linh mục Nam không có những lời kích động bà con giáo dân, dừng ngay mọi hành động chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, xin lỗi nhân dân về những phát ngôn xuyên tạc lịch sử…”

Hôm 8/5, BBC gọi cho bà Phạm Thị Hải Yến nhưng bà chỉ nói: “Đó không phải là biểu tình” rồi cúp máy.

‘Đấu tố’

Hôm 8/5, từ TP Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh nói với BBC với tư cách một nhà giáo và là người Công giáo: “Tôi nghĩ những gì diễn ra ở huyện Quỳnh Lưu cuối tuần qua là một hoạt động rất dễ gây hiểu lầm, vì nó có thể làm cho người bên ngoài nghĩ rằng chính quyền đứng sau lưng vụ này.”

“Hơn nữa, nó gây chia rẽ giữa những người theo Công giáo và những người không phải là giáo dân. Dù điều đó có đúng sự thật hay không thì cũng cần tránh tối đa có thể được.”

“Qua việc báo địa phương tường thuật sự kiện, tôi cho rằng đây là một cuộc “biểu tình” được cho phép chính thức, nếu không phải là do chính nhà chức trách địa phương đứng ra tổ chức như nhiều cuộc biểu tình khác đã từng xảy ra tại Việt Nam.”

“Điều đặc biệt nhạy cảm lần này là đối tượng của cuộc “biểu tình” hoặc “mít-tinh” không phải là kẻ thù xâm lược, mà lại là một chức sắc của một tôn giáo không nhỏ tại Việt Nam, tức là một bộ phận trong khối đại đoàn kết dân tộc như người ta thường nói.”

Bà Phương Anh nói thêm: “Không những thế, những ý kiến của người dân trong cuộc “biểu tình” nói trên không chỉ là phản đối, lên án những gì người ta không đồng tình, mà còn là đề nghị Nhà nước trừng trị nghiêm minh đối với những người khác quan điểm với họ, với những hình phạt cụ thể và rất nặng nề như là bỏ tù 20 năm.”

“Tất nhiên những đề nghị đó rất buồn cười và vô căn cứ, vì muốn phạt tù ai đó thì phải có án, phải đưa ra tòa xử theo đúng Luật Tố tụng hình sự, phải có chứng cứ phạm tội, phải có tuyên án và có khung hình phạt theo luật pháp quy định, chứ không phải là những phản ứng đầy cảm tính như đã thấy trong các phát biểu tại buổi “biểu tình” nói trên.”

“Chính vì những lời buộc tội khá vu vơ cảm tính như trên nên khiến nó bị xem là “đấu tố” vì nó có yếu tố rất giống các “tòa án nhân dân đặc biệt” của thời cải cách ruộng đất, vốn đã được chính quyền chính thức thừa nhận là có những sai lầm nghiêm trọng và không ai muốn lập lại những sai lầm ấy, nhất là sau hơn nửa thế kỷ.”

“Tôi hoàn toàn không tán thành việc lôi trẻ em vào việc này. Việc của các trường là dạy cho các em biết đâu là đúng đâu là sai, và từ những giá trị mà các em đã hình thành từ nhà trường (bên cạnh gia đình và xã hội) thì các em sẽ phải tự đưa ra quan điểm của chính các em.”

“Không nên dùng quyền của nhà trường, thầy cô để lôi kéo các em vào các tranh luận chính trị, ủng hộ quan điểm của nhóm người này và chống lại quan điểm của nhóm người khác – cho dù nhóm người đó là thiểu số hay đa số, hoặc cho dù quan điểm đó là phổ biến hay mới lạ và chưa được nhiều người ủng hộ.”

“Tôi nghĩ nếu việc “biểu tình” này là chủ trương của chính quyền địa phương thì đó là một chủ trương sai lầm vì nó không giúp giải quyết được vấn đề gì cả, nếu không phải là làm chia rẽ giáo – lương và làm xấu đi bộ mặt của chính quyền đối với thế giới,” bà Phương Anh nói với Ben Ngô của BBC Tiếng Việt hôm 8/5.

BBC đã liên hệ bà Nguyễn Thị Kim Chi, Giám đốc Sở Giáo dục tỉnh Nghệ An, người được cho là đã yêu cầu các học sinh trên địa bàn tỉnh tham gia biểu tình phản đối linh mục Nam nhưng không nhận được phản hồi.

www.bbc.com/vietnamese/vietnam-39814352

 

Viện mồ côi trên đất sỏi

Quảng Bình, nơi đất cằn cỗi nhất, thời tiết khắc nghiệt nhất, một bên hứng gió Lào, một bên đón nhận bão, cũng là nơi mà loài cây gỗ quí, thơm tho và có giá trị nhất mọc dễ dàng, sinh sôi nảy nở: gỗ huê, còn gọi là huỳnh đàn, sưa đỏ hay trắc thối. Sự hình thành, tồn tại qua thời gian của viện mồ côi-trẻ em tàn tật Hướng Phương thuộc Cộng đoàn Mến Thánh Giá Hướng Phương có nét gì đó giống như một cây sưa đỏ đã thành hình sau bão giông và nắng gió. Đây là mái nhà chung của 105 trẻ em mồ côi, trong đó 30% khuyết tật không có khả năng quản lý hành vi. Không có nguồn tài trợ của nhà nước, hoàn toàn tự cung tự cấp, nhưng cô nhi viện Hướng Phương đã có những thành tựu đáng kể.

Sơ Bà ở Cô nhi viện Hướng Phương chia sẻ với VOA: “Mục đích của các Sơ là gom góp để nuôi các cháu. Ở đây các Sơ nuôi trâu, bò, dê, trồng sắn, bắp, khoai lang. Như khoai lang thì mình phơi khô nghiền cho bò ăn, heo ăn, vịt ăn để làm thịt trong nhà ăn, các cháu ăn. Chứ không mua ngoài, bởi thứ gì cũng độc địa, thuốc độc cả.”

Sơ Thương, Phó Quản nhiệm Cô nhi viện Hướng Phương, cho biết: “Chúng con thuộc Dòng Mến Thánh Giá Vinh, nhưng cộng đoàn thì ở Quảng Bình. Hiện tại viện có 105 cháu, có cháu đi học mẫu giáo, cấp một, cấp hai, cấp 3. Các cháu chủ yếu là mồ côi cha mẹ. Nhưng một số mồ côi cha nhưng mẹ thì bị khuyết tật, mất sức lao động thì cả mẹ cả con ở đây luôn. Các cháu khuyết tật thì ở nhà được các Sơ chăm sóc, dạy cho các cháu biết tên, tuổi, tắm rửa, dạy cho các cháu công việc của cuộc sống hằng ngày, tự lo cho bản thân thôi.”

Tọa lạc trong khuôn viên rộng 4 hecta với các vườn rau, trại chăn nuôi, ao nuôi cá, xưởng nước đá và kho làm mắm, hầu như mọi thứ lương thực-thực phẩm ở Hướng Phương đều tự cung tự cấp. Từ ký thịt lợn cho đến bát sữa dê, củ khoai, trái bắp, trái ổi, chén nước mắm, trái cà, bó rau, mọi thứ đều do trung tâm Hướng Phương tự trồng, tự nuôi. Và cách sắp xếp công việc ở đây cũng khá nhịp nhàng, khoa học. Hằng ngày, những cháu có sức khỏe nhưng không đủ trí lực để đến trường thì đi giữ trâu, chăn dê, cắt cỏ và được vui chơi theo chế độ đặc biệt. Những cháu nhỏ được các Sơ đưa đến lớp mẫu giáo, sáng đi chiều về. Các cháu học trung học cơ sở và trung học phổ thông đều có chế độ dinh dưỡng và thời gian học hành tử tế. Nguồn thu nhập từ trại chăn nuôi, xưởng nước đá cũng như các vườn rau được tập trung thành quĩ hoạt động lâu dài của Cô nhi viện Hướng Phương.

Phía trước là một con đường đầy chông gai, bởi việc nuôi các trẻ mồ côi không chỉ dừng ở nuôi cho khôn lớn mà mục tiêu của các Sơ ở Hướng Phương là nuôi các cháu trở thành người tốt, có ích cho cộng đồng, xã hội. Muốn vậy, không có gì khác ngoài việc dạy dỗ cho các cháu có được phẩm hạnh và đạo đức làm người ngay từ nhỏ. Các cháu có khả năng đi học thì các Sơ dạy cho các cháu biết ước mơ, biết lấy tri thức và nỗ lực học tập làm phao cứu sinh cho số phận. Hiện tại, Hướng Phương có trên 30 cháu không đủ khả năng tự tồn tại bởi dị tật. Các cháu còn lại khỏe mạnh và đang tuổi đi học. Đặc biệt, có 10 cháu đang học cấp trung học phổ thông và chuẩn bị thi đại học. Việc vào đại học của các em cũng là một nỗi lo của các Sơ.

Dường như trong hành trình vào đời của mỗi trẻ mồ côi ở đây đều thấm đẫm yêu thương của những người mẹ chưa bao giờ sinh ra họ, những người mẹ thoáng qua trong cuộc đời, đã thương yêu họ như máu mủ, ruột thịt.

www.voatiengviet.com/a/3843417.htm

 

Cái chết ở đồn CA Vĩnh Long: Gia đình không muốn nói gì thêm

Sau cái chết nhiều uẩn khúc trong khi đang bị công an tỉnh Vĩnh Long tạm giam, anh Nguyễn Hữu Tấn, 38 tuổi, đã được gia đình an táng chiều ngày 8/5.

Anh Tấn, một tín đồ thuộc Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy, bị công an Vĩnh Long bắt giam vào chiều ngày 2/5, vì bị tình nghi có hành vi “lật đổ chế độ và tuyên truyền chống nhà nước”.

Gần trưa ngày hôm sau, 3/5, công an báo cho gia đình biết anh Tấn đã dùng dao cắt cổ tự sát. Chiều cùng ngày, công an giao thi thể của anh lại cho gia đình.

Báo chí Việt Nam đưa tin công an Vĩnh Long đã “mời” gia đình anh Tấn “xem hình ảnh về quá trình nghi phạm tự sát, chứng kiến quá trình khám nghiệm tử thi, khám nghiệm hiện trường”.

 

Trả lời báo chí nước ngoài, cha và em trai anh Tấn nói gia đình không tin anh Tấn tự sát vì có nhiều điểm vô lý. Cha nạn nhân, ông Nguyễn Hữu Quang, hôm 5/5 nói rằng nếu đến ngày 8/5 công an “vẫn chưa minh oan” cho anh, gia đình sẽ “đẩy thi hài đến các cửa công ở Vĩnh Long”.

 

Tuy nhiên, nói chuyện với VOA-Việt ngữ vào chiều tối ngày 8/5, ông Quang buồn bã cho biết:

 

“Con tôi chôn rồi. Mới chôn hồi 3h chiều. Bây giờ tôi cũng không biết làm gì nữa. Còn con dâu còn khiếu nại gì hay là mong làm rõ, làm minh bạch, trả lại sự trong sạch cho con [tôi], cho chồng nó, hay như thế nào thì nó [là] nguyện vọng của nó. Còn tôi thì tới đây giờ tôi không nói gì nữa. Tôi giờ quá đuối rồi”.

 

Chị Huỳnh Thị Muội, vợ anh Tấn, nói ngắn gọn với giọng đau đớn:

 

“Giờ em mệt mỏi quá rồi. Gia đình hết sức rồi. Gia đình không nói gì nữa hết. Em mệt lắm rồi. Em không còn sức nói chuyện nữa”.

 

Ông Nguyễn Hữu Quang cho biết sau cái chết đầy oan khuất của con ông, công an Vĩnh Long đã hai lần cử đại diện đến “thăm và nói chuyện” với gia đình, lần mới nhất, một phó giám đốc sở công an đã đến gặp gia đình vào sáng 8/5, trước khi anh Tấn được chôn cất.

Ông Quang cho hay phía công an hứa với gia đình sẽ làm rõ nhân viên công an nào liên quan đến cái chết của anh Tấn nhưng hiện chưa có thông tin gì mới.

Trả lời VOA vào chiều tối 8/5, ông Trương Thái Hoàng, cán bộ thuộc Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an tỉnh Vĩnh Long, một lần nữa khẳng định anh Tấn đã “tự tử” trong khi bị giam. Ông Hoàng nói đang tiến hành một cuộc điều tra xem nhân viên công an nào có trách nhiệm liên quan tới cái chết của anh Tấn:

“Theo chỉ đạo của đồng chí giám đốc và phó giám đốc công an tỉnh, sẽ là không bao che, cán bộ chúng ta sai tới đâu thì làm đúng đến đó. Làm cho mọi việc đều rõ ràng, minh bạch. Hiện tại, những việc điều tra sắp tới chỉ có sếp của tôi mới có thể giải trình. Còn hiện tại tôi không có tiện để giải trình chuyện này”.

Cuối tuần trước, ông Nguyễn Văn Điền, Hội trưởng Giáo Hội Trung ương Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy nói với VOA-Việt ngữ rằng ông nghi công an đã dàn dựng cái chết của anh Tấn. Theo ông, công an Vĩnh Long “đã ép cung, tra tấn” anh cho đến chết và cuối cùng “dàn dựng lên một hiện trường giả” quy cho anh Tấn tự sát.

Trong mấy năm qua, nhiều nghi can, nghi phạm đã tử vong khi mới bị bắt giữ. Một con số thống kê được Bộ Công an công bố hồi tháng 3/2015 cho thấy trong khoảng thời gian 3 năm, từ tháng 10/2011 đến tháng 9/2014, đã xảy ra 226 trường hợp chết tại nhà tạm giữ, trại tạm giam trên toàn quốc.

Bộ nói nguyên nhân chủ yếu của các trường hợp tử vong đó là do “bệnh lý” và do đối tượng bị tạm giữ, tạm giam “tự sát”.

Báo chí Việt Nam đưa tin đã có nhiều trường hợp chết người trong các điều kiện tương tự từ năm 2016 đến nay, nhưng chưa có con số thống kê chính thức từ một cơ quan nhà nước.

www.voatiengviet.com/a/3842378.html