Tin Việt Nam – 08/04/2019
Dâm ô trẻ em ở TP.HCM chưa bị khởi tố,
người dân dùng ‘công lý đám đông’
Một tuần trôi qua kể từ khi một cựu cán bộ về hưu bị phát hiện có hành vi dâm ô một bé gái ở thành phố Hồ Chí Minh, tuy nhiên, nghi phạm vẫn chưa bị khởi tố. Điều này dẫn đến nhiều phản ứng tức giận trong công chúng, bao gổm cả những biện pháp “công lý đám đông” để lên án nghi phạm.
Vụ việc xảy ra tối hôm 1/4 tại khu chung cư Galaxy 9 ở quận 4, TP.HCM, theo tường thuật của VietnamNet, Kenh14.vn, báo Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh và nhiều báo khác. Tin cho hay camera an ninh của tòa nhà ghi lại cảnh một người đàn ông trung niên “ôm hôn”, “sàm sỡ” một bé gái 9 tuổi khi chỉ có hai người trong buồng thang.
Báo chí trong nước dẫn lời công an địa phương cho biết hôm 3/4 rằng họ đã “lấy lời khai” của nghi phạm có tên là Nguyễn Hữu Linh, 61 tuổi, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Đà Nẵng đã nghỉ hưu.
Ông Linh thừa nhận mình chính là người đàn ông trong đoạn video, tuy nhiên, ông Linh nói ông ta “chỉ nựng bé gái chứ không có ý đồ gì khác”, theo nội dung các bài báo.
Hôm 5/4, các báo đưa tin Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM gửi công văn đến một số cơ quan, bao gồm cả công an quận 4, các viện kiểm sát cấp quận và cấp thành phố, đề nghị khởi tố vụ án ông Linh có hành vi dâm ô đối với bé gái.
Nhưng theo quan sát của VOA, cho đến thời điểm bản tin này được đăng, vẫn chưa có thêm động thái pháp lý nào từ nhà chức trách đối với cựu Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Đà Nẵng.
VOA cũng nhận thấy trong những ngày này, nhiều người dường như mất kiên nhẫn trong khi chờ đợi xem nhà chức trách sẽ xử lý nghi phạm Nguyễn Hữu Linh ra sao.
Trên mạng xã hội và báo chí chính thống Việt Nam, xuất hiện các thông tin cho hay hiện có một làn sóng tẩy chay, lên án vị cựu quan chức bằng cách đăng lên mạng các thông tin cá nhân của ông, ảnh căn nhà của ông ở Đà Nẵng với lời chú thích đó là nhà của “kẻ ấu dâm”. Thậm chí có một số người ném chất bẩn hoặc xịt sơn lên cổng nhà ông Linh, theo tìm hiểu của VOA.
Ngay tại chung cư Galaxy 9, nhiều cư dân vào sáng 7/4 cùng mặc áo đồng phục in dòng chữ “Lạm dụng tình dục là tội ác” hay “Cùng lên tiếng bảo vệ trẻ em gái” để phản đối hành vi của ông Linh và yêu cầu nhà chức trách “phải xử lý nghiêm ông Linh để răn đe”, báo chí trong nước cho hay.
Trên Facebook cá nhân với bút danh Dương Tiêu có khoảng 15.000 bạn bè và người theo dõi, nhà báo Trần Anh Tú của báo Đại Đoàn Kết đưa ra nhận xét rằng nhiều người dân “không chấp nhận việc ông Linh nhởn nhơ” sau khi tấn công tình dục cháu bé, và họ “buộc phải nhắc nhở mọi người về vụ việc này theo cách riêng của họ”.
Dười góc nhìn của nhà báo này, điều đó cho thấy “khi pháp luật bó tay thì đám đông có cách ‘thi hành án’ của riêng mình”, mà ông Tú coi đó có thể gọi là “công lý đám đông”.
Vị Trưởng ban Điện tử báo Đại Đoàn Kết lưu ý không phải “tự nhiên” mà cổng và nhà riêng của nghi phạm Nguyễn Hữu Linh bị xịt sơn, ném chất bẩn. Mặc dù vậy, nhà báo Trần Anh Tú đồng ý với các ý kiến cho rằng hành động tấn công nhà ông Nguyễn Hữu Linh là “hành vi vi phạm pháp luật cần bị xử lý”.
Một bài báo của VietnamNet đăng hôm 6/4 trích lời luật sư Lê Văn Hoan, thuộc Đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng dù ông Linh có vi phạm pháp luật, song những người khác không có quyền vi phạm vào tài sản của gia đình ông. Luật sư Hoan gọi việc ném chất bẩn, viết bậy bằng sơn “giống như một hình thức khủng bố, quá khích và gây rối”.
Một vài Facebooker có nhiều ảnh hưởng, trong đó có bà Nguyền Hoàng Ánh, một giảng viên đại học, cũng kêu gọi công chúng lên án nghi phạm Linh “một cách công bằng, văn minh”. Trong một bài đăng trên trang cá nhân, bà Ánh viết: “Tội của ai người nấy chịu, đừng làm vạ lây sang gia đình ông ta”.
Trong khi đó, nhà báo kỳ cựu Hoàng Hải Vân viết trên trang Facebook có tổng cộng gần 94.000 người theo dõi rằng các động thái của dân chúng về vụ cựu quan chức Đà Nẵng dâm ô, đồi bại đối với trẻ em là “sự phẫn nộ hoàn toàn chính đáng”.
Dẫn các thông tin đã được báo chí đăng tải, ông Vân nhấn mạnh “việc chậm trễ khởi tố và bắt giam” nghi phạm Nguyễn Hữu Linh là “vô trách nhiệm”.
Gọi ông Linh là “thằng dâm tặc”, nhà báo Hoàng Hải Vân đưa ra quan điểm nếu không bắt ông Linh sẽ “không răn đe được những thằng dâm tặc khác”, và như vậy, sự lo lắng trog dân càng dâng cao.
Cũng góp lời bình luận về vụ việc này, nhà nghiên cứu Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Nghiên cứu Phát triển Xã hội, viết trên trang cá nhân rằng “Nếu kẻ phạm tội không bị xét xử thích đáng bởi một quan toà, hắn sẽ bị xét xử bởi hàng triệu quan toà. Đó là hậu quả của một khung pháp lý thiếu hụt và một nển tư pháp yếu kém”.
Bà Hồng bày tỏ mong muốn rằng nhà chức trách “sớm vào cuộc”, bởi theo suy nghĩ của bà, thái độ bức xúc trước sự chậm trễ hoặc thiếu nghiêm minh của việc thực thi pháp luật “sẽ có thể dẫn đến sự cuồng nộ và bùng phát những hành vi cực đoan”.
Vụ việc của cựu quan chức Đà Nẵng xảy ra trong bối cảnh chỉ mới hơn 3 tháng đầu năm đã liên tiếp xảy ra các vụ xâm hại hoặc bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái. Nghiêm trọng nhất trong số đó là vụ một nữ sinh ở tỉnh Điện Biên bị một nhóm đàn ông bắt cóc, hãm hiếp rồi giết hại đúng dịp Tết âm lịch.
Tiếp đến là các vụ thầy giáo dâm ô học sinh ở tỉnh Bắc Giang; cha đẻ là sỹ quan quân đội xâm hại tình dục con suốt 4 năm liền, từ khi cháu mới học lớp 4, cũng ở BắcGiang; nữ sinh ở Quảng Trị bị một nhóm nam sinh hiếp dâm tập thể; bé gái 9 tuổi bị hàng xóm xâm hại ở Chương Mỹ, Hà Nội; và vụ một người đàn ông tấn công tình dục một cô gái trong thang máy, cũng ở Hà Nội.
Riêng về xâm hại tình dục trẻ em trong năm 2018 trước đó, theo tìm hiểu của VOA, Bộ Công an Việt Nam công bố con số thống kê cho thấy đã xảy ra 1.269 vụ án loại này, trong đó 1.141 em bị xâm hại.
Bức xúc về số lượng lớn các vụ tấn công, xâm hại tình dục xảy ra với phụ nữ và trẻ em gái, cũng như về các án phạt chưa đủ nghiêm khắc dành cho tội phạm loại này, 16 nhóm và tổ chức hiện tiến hành thu thập chữ ký cho một bản kiến nghị gửi đến Quốc hội Việt Nam, đề nghị sửa các luật liên quan để “ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi bạo lực tình dục và giành lại công lý cho các nạn nhân”.
VOA ghi nhận rằng đến tối 8/4, có hơn 13.400 người ký vào bản kiến nghị.
Trong số các nhóm, tổ chức khởi xướng bản kiển nghị là nhóm Tính nữ đỉnh cao, còn có tên là Funfreedom; Nhóm thúc đẩy Phong trào xã hội phi bạo lực, Hate Change; Nhóm Không gian Nhân quyền, Human Rights Space; Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới – Gia đình -Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA); Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS); Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE).
https://www.voatiengviet.com/a/dam-o-nguyen-huu-linh-cong-ly-dam-dong/4866608.html
Phó Viện kiểm sát Đà Nẵng “dâm ô” bé gái
có liên hệ với anh thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc?
Tin Đà Nẵng – Đài VOV ngày 7 tháng 4 loan tin, công an thành phố Đà Nẵng đang truy tìm người đã xịt sơn chữ “Ấu Dâm” lên nhà ông Nguyễn Hữu Linh, cựu phó viện trưởng Viện kiểm sát thành phố Đà Nẵng, người đã có hành vi tấn công tình dục một bé gái trong thang máy tại chung cư Galaxy ở quận 1, Sài Gòn. Hành vi của ông Linh được ngành tố tụng CSVN gọi với cái tên đầy mơ hồ là “ấu dâm.”
Sau khi hành vi của ông Linh được lan truyền trên cộng đồng mạng, nhiều người trong đó đa số là học sinh, các bạn trẻ đã kéo đến trước cổng nhà ông Linh ở quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng để chụp hình, thậm chí một số xe du lịch cũng chở khách đi qua xem.
Do không còn tin vào các cơ quan tố tụng CSVN sau vụ phạt 200 ngàn đồng cho hành vi cưỡng hôn cô gái trong thang máy ở Hà Nội, nhiều người dân đã tức giận kéo đến nhà ông Linh để ném mắm tôm, bao rác, dầu nhớt vào nhà.
Mặc dù, hành vi tương tự này nhiều người dân và những người bất đồng chính kiến tại Việt Nam liên tục gặp phải, nhưng công an không bao giờ lên tiếng hay điều tra. Thế nhưng, với một kẻ ấu dâm thì công an Đà Nẵng lại lên tiếng bảo vệ ông Linh bằng cách cho người điều tra, tìm ra người xịt sơn.
Giải thích cho hành động này của công an Đà Nẵng, một nguồn tin của phóng viên cho biết, ông Nguyễn Hữu Linh từng là đồng nghiệp thân thiết, làm cùng cơ quan với ông Nguyễn Quốc Dũng, cựu viện trưởng Viện kiểm sát thành phố Đà Nẵng. Ông Dũng lại là anh cùng cha khác mẹ với ông Nguyễn Xuân Phúc, thủ tướng chính phủ CSVN. Vì vậy, nguồn tin cho rằng, vì mối “thân tình” này mà công an Đà Nẵng đã lên tiếng bảo vệ ông Linh, và ông Phúc thì im như thóc, không có bất kỳ hành động gì như những sự việc khác.
An Nhiên
Nghiên cứu mới: Nhiều nữ công nhân may của Việt Nam
bị lạm dụng tình dục và chịu bạo lực
Một nghiên cứu mới công bố của tổ chức Fair Wear Foundation và Care International mới đây cho biết nhiều nữ công nhân ngành may của Việt Nam thường xuyên phải đối mặt với tình trạng bị lạm dụng và bạo lực, thậm chí bị hãm hiếp.
Nghiên cứu được thực hiện dựa trên phỏng vấn của 763 phụ nữ ở các nhà máy tại 3 tỉnh của Việt Nam. Trong đó có đến hơn 43% phụ nữ được hỏi cho biết họ thường phải đối mặt với tình trạng bạo lực và lạm dụng.
Những hình thức lạm dụng cụ thể được nghiên cứu đưa ra bao gồm: sàm sỡ, tát, hãm hiếp, doạ cắt hợp đồng. Bà Jane Pillinger, chuyên gia về bạo lực giới và tác giả của nghiên cứu được The Guardian trích lời cho biết kết quả này đã cho thấy điều kiện làm việc mà những nữ công nhân ngành may của Việt Nam đang phải đối mặt tại các nhà máy nơi có khoảng 20.000 công nhân làm việc.
Bà Annabel Meurs, phụ trách khu vực Việt Nam của Fair Wear Foundation cho biết đây là nghiên cứu đầu tiên tìm hiểu về tình trạng bạo lực và lạm dụng tình dục ở các nhà máy may ở Việt Nam, bao gồm cả việc làm thêm giờ quá mức, lương thấp, thời gian làm việc kéo dài và khoán sản phẩm quá mức do các nhãn hàng lớn áp đặt.
The Guardian trích lời bà Pillinger cho biết, tên của các nhà máy, nhãn hàng mà các nhà máy này nhận may gia công được giữ bí mật để khuyến khích các nữ công nhân mạnh dạn tham gia nghiên cứu, nhưng có khả năng lớn các nhà máy này có liên quan đến các nhãn hàng lớn của Mỹ và EU.
Hiện có khoảng 2 triệu người làm việc trong khu vực may mặc của Việt Nam, với 80% trong số này là phụ nữ. Nghiên cứu mới cho biết có đến gần 90% số phụ nữ được hỏi cho biết họ phải nghe những lời nói có tính sỉ nhục trong năm qua, bao gồm những nhận xét không hay về cơ thể họ hay người nào đó, các lời nói đùa về tình dục hoặc cả các hành động sách nhiễu. Hơn 49% người được hỏi cho biết họ gặp tình trạng bạo lực, sách nhiễu khi đi làm hoặc từ chỗ làm về. Khoảng 34% cho biết họ bị các hành động lạm dụng như hôn hít, sờ mó, đánh đập, đấm.
Những người được hỏi cũng cho biết họ phải làm việc quá thời gian thường xuyên. Có đến hơn một nửa số phụ nữ được hỏi cho biết họ phải làm việc quá 60 tiếng trong tháng qua, nhiều người cho biết họ không được trả tiền cho thời gian làm quá giờ.
Những người phụ nữ cũng được phỏng vấn cũng cho biết họ chịu sức ép môi trường làm việc rất lớn, không dám đi vệ sinh.
Dệt may là một trong những ngành xuất khẩu chính của Việt Nam. Năm 2018, ngành nay đạt doanh thu xuất khẩu là 36 tỷ đô la. Mỹ hiện là thị trường lớn nhất của dệt may Việt Nam với 40% kim ngạch xuất khẩu ngành này là vào thị trường Mỹ, theo báo cáo ngành dệt may của Công ty chứng khoán quốc tế năm 2018. Phần lớn các sản phẩm may mặc của Việt Nam là hàng gia công cho các nhãn hiệu nước ngoài.
Thêm một vụ bạo lực học đường vừa xảy ra ở Quảng Ninh
Công an Quảng Ninh tiến hành điều tra vụ việc 10 nữ sinh đánh hội đồng hai bạn học vào chiều ngày 6 tháng 4, dẫn đến bị thương nặng phải nhập viện.
Truyền thông trong nước, vào ngày 7 tháng 4 dẫn nguồn từ báo cáo của Sở Giáo dục-Đào tạo tỉnh Quảng Ninh cho biết cơ quan này cùng với công an và chính quyền địa phương phối hợp xác minh, điều tra một đoạn clip ghi hình một nhóm 10 nữ sinh đánh hai bạn học, một nam và một nữ và được đăng tải trên mạng xã hội. Vụ việc xảy ra vào khoảng 5 giờ chiều ngày 6/4, tại khu vực Cung quy hoạch, hội chợ và triển lãm ở thành phố Hạ Long.
Sau khi vụ việc xảy ra, hai nạn nhân được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh điều trị. Hai nạn nhân khai bị các nữ sinh bạn học dùng gậy đánh, đá và đạp vào người.
Báo cáo của Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh ghi nhận bệnh nhân nữ bị sưng, kèm xây sát da trán phải. Bệnh nhân nam bị sưng vùng đầu và lưng, vết thương nhỏ 0,5cm vùng thái dương phải. Kết quả chụp CT cho thấy cả hai bệnh nhân có tụ máu dưới da đầu.
Trước đó, vào hạ tuần tháng 3 và đầu tháng 4 đã xảy ra liên tiếp hai vụ nữ sinh đánh hội đồng bạn học ở Hưng Yên và Nghệ An. Nữ sinh nạn nhân ở Hưng Yên phải nhập viện điều trị tâm thần.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2019, diễn ra vào ngày 2/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu lên vấn đề bạo lực học đường ở mức báo động và yêu cầu ngành giáo dục cùng chính quyền địa phương cần phải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh và thân thiện.
120 Km đường ở Bình Phước có đến 6 trạm BOT
Tin Bình Phước – Báo Tiền phong ngày 6 tháng 4 loan tin, tỉnh lộ 741 là tuyến đường huyết mạch của tỉnh Bình Phước, cũng là cửa ngõ lưu thông hàng hóa từ Bình Phước đi Sài Gòn, và ngược lại, nên hàng ngày có một lưu lượng xe rất lớn qua đây. Nắm bắt được điều này, nhà cầm quyền CSVN tại tỉnh Bình Phước đã cho đặt 6 trạm BOT trên tuyến đường dài 120km này, cứ trung bình 20km đường là có một trạm thu phí BOT. Trong khi đó, nhà cầm quyền CS trung ương quy định 70km mới được đặt một trạm thu phí BOT.
Sau một thời gian dài chịu đựng, những ngày gần đây, nhiều công ty đóng trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã đồng loạt phản ánh đến lãnh đạo tỉnh về sự việc. Ông Võ Quang Thuận, chủ tịch Hiệp hội vận tải vừa và nhỏ Bình Phước cho rằng, tỉnh Bình Phước có trạm thu phí dày đặc nhất thế giới. Tính ra, một sản phẩm tại Bình Phước làm ra thì công ty phải chịu 24 lần lệ phí qua trạm, tức là 12 lần đi và về lấy nguyên liệu, và 12 lần cho vận chuyển hàng hóa ra khỏi tỉnh này. Theo một lãnh đạo công ty, giá thành một sản phẩm từ Bình Phước đi cảng Cát Lái, Sài Gòn hiện đang cao gấp 4 đến 5 lần từ cảng Cát Lái đi Thượng Hải, Trung Cộng. Bình Phước chủ yếu sản xuất nông sản, nhưng do chi phí vận tải cao nên không thể xuất cảng ra ngoại quốc, đây là điều thiệt thòi đối với nông dân tỉnh này.
Trước phản ánh của người dân, đại diện Sở giao thông vận tải tỉnh Bình Phước cho rằng, vị trí các trạm thu phí dày đặc như trên là có cơ sở. Theo báo cáo kết quả của VCCI “nhờ” có các trạm BOT này, mà chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Bình Phước năm 2011 ở vị trí thứ 8, đứng trong top đầu cả nước. Nhưng đến năm 2018, thì tỉnh này xếp thứ 61 trong tổng số 63 tỉnh, thành.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/120-km-duong-o-binh-phuoc-co-den-6-tram-bot/
Khởi tố thêm 3 bị can liên quan vụ sửa kết quả thi tại Hà Giang
Công an tỉnh Hà Giang vào ngày 8/4 vừa ra quyết định khởi tối và cấm ra khỏi nơi cư trú đối với ba quan chức Sở Giáo dục – Đào Tạo và Công an tỉnh Hà Giang liên quan vụ can thiệp kết quả thi tại trường trung học phổ thông Quốc gia năm 2018 của tỉnh này.
Truyền thông trong nước loan tin dẫn lời phát biểu của đại tá Lê Văn Canh người phát ngôn của công an tỉnh Hà Giang cho biết, ba bị can gồm Triệu Thị Chính và Phạm Văn Khuông cùng là Phó giám đốc sở giáo dục đào tạo Hà Giang, Lê Thị Dung Phó đội trưởng phòng bảo vệ Chính trị nội bộ – Công an tỉnh Hà Giang.
Ba bị cáo trên bị khởi tố về tội lợi dụng dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi theo điều 356 Bộ Luật hình sự Việt Nam.
Kết quả điều tra vào năm 2018 cho thấy, tại Hà Giang đã có 114 thí sinh với hơn 330 bài thi có chỉnh sửa điểm chênh lệch từ 1 điểm đến 8 điểm so với điểm ban đầu. Rất nhiều thí sinh có tổng điểm chênh lệch hơn 20 điểm so với điểm ban đầu và có những trường hợp thâm chí lên tới gần 30 điểm.
Trước đó, vào ngày 20/7/2018 và 23/7/2018, Cơ quan An ninh Điều tra, Công an Tỉnh Hà Giang đã ra quyết định khởi tố và bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Thanh Hoài – Trưởng phòng khảo thí và quản lý chất lượng và ông Vũ Trọng Lương – Phó trưởng phòng. Cả hai người bị cáo buộc tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Điều tra ban đầu của Công an tỉnh Hà Giang cho biết ông Nguyễn Thanh Hoài đã đưa chìa khóa nơi lưu giữ bài thi, hồ sơ thi trắc nghiệm đã chấm cho ông Vũ Trọng Lương. Sau khi có kết quả bài thi của Bộ giáo dục đào tạo ông Vũ Trọng Lương là người trực tiếp mở ổ khóa niêm phong, rút các bài thi để chỉnh sửa đáp án bài thi.
Cơ quan an ninh điều tra khẳng định đây là trái với quy chế thi trung học phổ thông quốc gia cần được khởi tố và hiện đang tiếp tục điều tra và xử lý theo quy định pháp luật.
Công ty gang thép Thái Nguyên có nguy cơ phá sản
Lãnh đạo Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) cho biết doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước này đang lâm vào tình trạng khó khăn nhất, mất cân đối tài chính nghiêm trọng và có nguy cơ phá sản nếu không được ‘Chính phủ, các ngân hàng và cấp có thẩm quyền giải cứu kịp thời.’
Đó là nội dung được nêu ra trong tài liệu gửi tới các cổ đông chuẩn bị cho cuộc họp Đại hội đồng cổ đông của TISCO vào ngày 10/4 sắp diễn ra.
Truyền thông trong nước loan tin hôm 8/4 cho biết số liệu của Ban kiểm soát TISCO nói rõ vốn điều lệ của doanh nghiệp này vào cuối năm 2018 là 1.937 tỷ đồng, nhưng nợ phải trả đã chiếm khoảng 82%. Trong khi đó, vốn chủ sỡ hữu được đánh giá là thấp với chỉ 18% cơ cấu.
Tài liệu gửi các cổ đông của TISCO cho biết cuối năm 2018, các khoản nợ xấu của doanh nghiệp là hơn 850 tỷ đồng; gấp 4,65 lần vốn chủ sở hữu cho thấy cơ cấu vốn không an toàn.
Báo trong nước nhận định nguyên nhân của những khó khăn mà TISCO đang mắc phải là do cạnh tranh với các đối thủ do giá thép xuống thấp, và phần lớn là do dự án mở rộng giai đoạn 2 tại nhà máy này.
Dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên triển khai từ năm 2007 đến nay vẫn chưa hoàn thành với chi phí đầu tư lên đến hơn 8.000 tỷ đồng.
Thanh tra Chính phủ năm 2015 đưa dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 vào danh sách 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ và chỉ ra nhiều sai phạm.
Thanh tra Chính phủ cho biết đến năm 2012, dự án này lại bị đình trệ khiến Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc (MCC) rút khỏi dự án, và TISCO phải bồi thường 92% giá trị hợp đồng thời điểm đó nhưng phần lớn dự án chưa được hoàn thành.
Vụ tương ớt Chinsu của Masan: Bộ Y tế khẳng định
Axit Benzoic được phép sử dụng
Đại diện Cục An toàn Thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế Việt Nam hôm 8/4 cho báo chí biết chất axit benzoic là phụ gia thực phẩm được phép sử dụng trong một số thực phẩm nhất định ở cả Việt Nam và Nhật Bản.
Bộ Y tế đưa ra câu trả lời này sau khi có thông tin trên báo chí vào cuối tuần qua cho biết Trung tâm Y tế cộng đồng thành phố Osaka, Nhật Bản, đã ra lệnh thu hồi hơn 18.000 chai tương ớt Chinsu của công ty Masan, nhập khẩu từ Việt Nam vì có chứa axit benzoic không được phép ở Nhật.
Tờ Lao Động, ngày 8/4, dẫn lời bà Trần Việt Nga – Phó cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế – khẳng định các qui định về phụ gia thực phẩm của Việt Nam hoàn toàn phù hợp với các qui định của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm của Liên Hợp quốc (CODEX).
Bà Nga cho biết axit benzoic, một chất phụ gia dùng trong bảo quản thực phẩm được phép sử dụng ở Việt Nam trong một số thực phẩm nhất định, với hàm lượng 1g/1kg sản phẩm.
Bà Nga cho hay, theo qui định mới nhất của Nhật Bản, axit benzoic cũng được cho phép sử dụng trong một số nhóm thực phẩm như nước tương, các loại đồ uống không cồn, siro, bơ thực vật, trứng cá..với hàm lượng khác nhau.
Theo kết quả phân tích bước đầu của phía Nhật Bản, hàm lượng axit benzoic trong tương ớt Chin-su bị thu hồi dao động trong khoảng từ 0,41g/kg đến 0,45g/kg sản phẩm.
Đại diện cục ATTP cho biết hiện cơ quan này vẫn chưa nhận được thông tin chính thống từ Nhật Bản về việc thu hồi 18.000 chai tương ớt Chinsu.
Hàn Quốc là nơi phụ nữ Việt Nam thích đến nhất
Hàn Quốc đã nổi lên thành điểm đến yêu thích nhất của phụ nữ Việt Nam, theo một khảo sát được công bố hôm 8/4.
Khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Q&Me ở thành phố Hồ Chí Minh thực hiện hồi tháng 3 cho thấy 20% trong tổng số 1.200 người trưởng thành được hỏi đã chọn Hàn Quốc là đất nước yêu thích của họ để đến du lịch, trong khi Nhật đứng đầu trong danh sách các nước được yêu thích nhất với 24%, theo Yonhap.
Tuy nhiên, hãng thông tấn Hàn Quốc trích dẫn khảo sát này cho biết 23% của tất cả những phụ nữ tham gia trả lời nói rằng họ thích đến thăm Hàn Quốc hơn – do đó quốc đảo phía nam của bán đảo Triều Tiên trở thành điểm đến được yêu thích nhất của họ. Nhật đứng thứ 2 với 19% số phụ nữ tham gia khảo sát nói họ muốn tới thăm quốc gia này.
Trong khi đó Nhật là điểm đến được yêu thích nhất của những người đàn ông tham gia khảo sát với 32%, và 15% chọn Hàn Quốc, theo khảo sát của Q&Me.
Khảo sát cũng cho thấy rằng sự lựa chọn điểm du lịch yêu thích của người Việt Nam có ảnh hưởng của những yếu tố như phong cảnh chiếm 48%; văn hóa, 43%; ẩm thực, 25%; và giải trí, 15%.
Người Việt tìm kiếm thông tin về những nơi họ muốn đến thăm chủ yếu thông qua bạn bè, Facebook và các trang web.
VNExpress, trang báo mạng tiếng Việt được nhiều người đọc nhất, trích dẫn số liệu năm 2017 của cơ quan nghiên cứu thị trường toàn cầu Euromonitor cho thấy số lượng người Việt Nam đi du lịch nước ngoài hàng năm tăng từ 10% đến 15% trong khoảng thời gian từ 2012-2017.
Số lượng khách du lịch Việt Nam tới Hàn Quốc trong năm 2018 là 457.000, tăng 41% so với năm trước đó, theo Yonhap.
https://www.voatiengviet.com/a/han-quoc-la-noi-phu-nu-viet-nam-thich-den-nhat/4866500.html
VN muốn gửi thêm công nhân sang Qatar lao động
Chủ tịch quốc hội Việt Nam Nguyễn thị Kim Ngân hôm 8/4/2019 cho hay bà đã yêu cầu giới lãnh đạo Qatar nhận thêm lao động Việt Nam giữa lúc nước này đang chuẩn bị cho World Cup 2022.
Bản tin của tờ Nhân Dân tường thuật rằng Chủ tịch quốc hội Việt Nam đã tiết lộ thông tin này trong cuộc gặp gỡ với các nhân viên của Đại sứ quán Việt Nam ở Doha, và cộng đồng người Việt tại Qatar.
Nguồn tin này dẫn lời ông Nguyễn Trung Hiếu, người đứng đầu văn phòng liên lạc của cộng đồng Việt Nam, nói với bà Kim Ngân rằng hiện có khoảng 1.400 người Việt ở Qatar, đa số là công nhân làm việc trong ngành xây dựng.
Qatar và Việt Nam đánh dấu 10 năm quan hệ bang giao hồi năm ngoái. Đại sứ Việt Nam tại Qatar Nguyễn Đình Thao nói rằng quan hệ chính trị và ngoại giao tốt đẹp với Qatar cung cấp một nển tảng vững chắc để cổ vũ cho hợp tác kinh tế, đầu tư và du lịch.
Chủ tịch quốc hội Việt Nam đến Doha để dự Đại hội đồng lần thứ 140 của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU-140), thể theo lời mời của Chủ tịch IPU Gabriela Cuevas Barron và Chủ tịch Nghị viện Ahmad Bin Abdullah Al Mahmoud.
Ngày hôm trước, Chủ nhật 7/4, bà Kim Ngân đã gặp Thủ Tướng Qatar Abdullah bin Nasser bin Khalifa Al Thani bên lề Đại Hội Đồng IPU-140.
Dịp này Chủ tịch quốc hội Việt Nam bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác với nước chủ nhà trong lĩnh vực thương mại và đầu tư. Nhà lãnh đạo Qatar cũng bày tỏ mong muốn nhận thêm người Việt Nam tới Qatar làm việc trong một số lĩnh vực, kể cả chăm sóc y tế, thay vì chỉ tập trung vào ngành xây dựng như hiện nay.
Theo báo cáo về tình hình công nhân nước ngoài lao động ở Qatar trong phúc trình nhân quyền 2019 của Human Rights Watch, Qatar có một lực lượng lao động nước ngoài đông đảo, vượt quá 2 triệu người, tổng cộng chiếm tới 95% lực lượng lao động nước này. Ước lượng 800.000 người làm việc trong ngành xây dựng, 100.000 người phục vụ trong tư cách “ô-sin” giúp việc nhà.
Cách đây 2 năm, Tổ chức Human Rights Watch bày tỏ quan ngại về hệ thống bảo trợ chi phối việc mướn lao động di dân của Qatar (hệ thống kafala), trao quyền kiểm soát quá đáng cho giới chủ nhân, kể cả quyền cấm người lao động rời Qatar, hoặc thậm chí, đổi việc.
Dưới áp lực của các tổ chức vô vụ lợi quốc tế, Qatar đồng ý với Tổ chức Lao động Quốc tế sẽ triệt để cải cách hệ thống kafala, áp dụng mức lương tối thiểu, chấm dứt việc tịch thu tài liệu cá nhân, đình chỉ việc cấm công nhân rời Qatar, và tăng cường các nỗ lực để tránh cưỡng bách lao động. Tổng Liên đoàn Lao động Quốc tế – ITUC loan báo tin này vào tháng 10 năm 2017.
Tháng 11 năm 2017, Qatar ấn định mức lương tối thiểu cho công nhân nước ngoài là QR750, tương đương với US$ 206/tháng, và lần đầu tiên áp dụng các quy định bảo vệ lao động giúp việc nhà, như tối đa chỉ làm việc 10 giờ/ngày, mỗi tuần được nghỉ 1 ngày, 3 tuần nghỉ phép/năm, cùng với một số phúc lợi y tế. Tuy nhiên, luật mới vẫn chưa đáp ứng đòi hỏi của Luật Lao động, và không đi kèm với những biện pháp trừng phạt những kẻ vi phạm.
Theo phúc trình của Human Rights Watch, Qatar không thi hành đầy đủ những cải cách mà họ đã hứa hẹn, và ngày 30/4/2018, Tổ chức Lao động Quốc tế khánh thành văn phòng đầu tiên ở Qatar trong một chương trình hợp tác 3 năm để giúp nước này thực hiện các cam kết hầu bảo vệ các quyền của công nhân di dân
https://www.voatiengviet.com/a/vn-muon-gui-tham-cong-nhan-sang-qatar-lao-dong/4866465.html
VN ‘mất tự do’ nếu “chấm điểm công dân”
theo mô hình Trung Quốc
Một nhà quan sát nói về mặt được mặt mất nếu Việt Nam đi theo mô hình của Trung Quốc về “chấm điểm công dân”.
Trả lời phỏng vấn với BBC News Tiếng Việt mới đây tại Hà Nội, ông Lê Ngọc Sơn, thành viên nghiên cứu quốc tế về truyền thông trong khủng hoảng của Đại học Công nghệ Ilmenau, Đức, cũng tỏ ra hoài nghi về ý tưởng Việt Nam lập mạng xã hội riêng thay cho các “ông lớn” như Facebook.
Cuộc phỏng vấn được thực hiện trong bối cảnh truyền thông trong nước gần đây bàn về vai trò của trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc “giúp ích” cho xã hội và công dân.
Tuy nhiên có một số ý kiến cho rằng AI xét về thực chất chỉ là một phần trong nhiều công cụ mà Trung Quốc đã và đang sử dụng trong việc thiết lập nên cái gọi là “Hệ thống tín nhiệm xã hội”, thực ra một phần là xử lý Big Data (Dữ liệu Lớn) thông qua camera theo dõi tại mọi nơi với công dân.
Ông Lê Ngọc Sơn: Chúng ta phải hỏi là nhiệm vụ tối thượng của khoa học là để làm gì và khi khoa học được sử dụng sai mục đích thì điều đó là gì. Việc Trung Quốc dùng công nghệ và dụng “Big Data” để đánh giá cái gọi là “tín chỉ” của người dân hay là chấm điểm công dân thì có mấy điểm cần nói.
Thứ nhất là về kỹ thuật thì Trung Quốc hiện đã đạt trình độ cao trong việc nghiên cứu về Dữ liệu Lớn và thực sự họ là đầu tàu trong việc nghiên cứu về lĩnh vực này và trí tuệ nhân tạo.
Điểm thứ hai phải nói tới là việc sử dụng này nó đang đặt ra vấn đề về mặt đạo đức trong việc áp dụng các chuẩn về khoa học. Mục tiêu tối thượng của con người là gì, là phải có các giá trị về tự do, nhân bản. Thế nhưng con người thời đại ngày nay lại chính là nô lệ của công nghệ về kỹ thuật số đó. Tức là trong một xã hội được số hóa thì chúng ta có được tự do hay không.
Khi ta ra đường mà bị giám sát bất cứ lúc nào bởi một camera công cộng thì con người chính là một dạng nô lệ của công nghệ hay nói cách khác đi là nếu xét về đạo đức của khoa học thì như vậy đã ổn chưa.
Xét về mặt lợi về quản lý thì có những các giá trị khác như tự do công dân thì sẽ như thế nào, đây là các bài toán hoàn toàn mới. Tức là về mặt quản lý nhà nước thì người ta nói rằng quản lý như thế sẽ tốt hơn nhưng nó lại xung đột với các giá trị lõi mà con người hướng đến. Và vấn đề đặt ra là người ta cân đong đo đếm các giá trị đó như thế nào.
Việt Nam và bài toán không dễ về ‘Big Data’
Microsoft: Bing được khôi phục tại Trung Quốc
Google và YouTube đặt máy chủ ở đâu?
Năm quốc gia thuận lợi cho khởi nghiệp
BBC: Trung Quốc có hệ thống mạng xã hội của riêng Trung Quốc và giới chức tại Việt Nam từng nói về nhu cầu cần có hệ thống mạng xã hội “của Việt Nam” tương tự vậy. Điều này có cần thiết không?
Ông Lê Ngọc Sơn: Đứng về mặt chủ nghĩa dân tộc mà nói hoặc xét về góc độ của các nhà quản lý thì chúng ta thấy là việc có mạng xã hội kiểu Việt Nam là cần thiết. Trong một nền kinh tế số thì những cái đó hoàn toàn có thể mang lại lợi ích về mặt kinh tế cho đất nước. Tức là nếu xét về mặt đó thì ổn.
Thế nhưng nếu xét về thời điểm hiện nay về mặt hiệu quả thì về mặt kỹ thuật Việt Nam có làm được không và với sự canh tranh của các “ông lớn” hiện nay thì nếu chúng ta làm ra các sản phẩm đó thì chúng ta có thể tồn tại được không.
Tại sao nói vậy vì cái này nếu làm là phải dùng tới ngân sách. Và đã dùng đến ngân sách là cần phải tính toán kỹ càng vì là dùng tới tiền thuế của người dân đóng góp. Tôi nghĩ là việc muốn thì ai cũng muốn có thôi nhưng cứ không phải muốn đã là được, nhất là trong thời điểm hiện nay.
Còn câu chuyện đằng sau câu chuyện lập ra các dịch vụ đó là cái gì như là người ta muốn nắm hành vi của con người, kiểm soát được nội dung thì nó là cái gì. Tại Trung Quốc mức độ quản lý rất tập trung. Chúng ta có thể dùng từ “độc tài”. Chẳng hạn Trung Quốc không cho Facebook hay YouTube vào thị trường của họ chẳng hạn. Thì câu hỏi là Việt Nam có làm được điều đó không. Thế thì chúng ta đang trong thời kỳ hội nhập khá sâu hiện nay thì có khi muốn chưa hẳn là đã làm được và nó sẽ là thách thức rất lớn.Một nhà quan sát về ‘dữ liệu lớn’ nói về thách thức của việc thu thập và sử dụng thông tin cá nhân tại Việt Nam, nước mới bắt đầu bước vào lĩnh vực này.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-47849608
Cao tốc La Sơn – Túy Loan có rút kinh nghiệm về môi sinh?
Tại Việt Nam, đường cao tốc La Sơn – Túy Loan xuyên qua khu vực Vườn quốc gia Bạch Mã sắp hoàn thành, trong lúc có ý kiến nói cần lưu ý ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường.
“Đã động đến vấn đề xuyên rừng hoặc khu bảo tồn thiên nhiên thì cần hoàn toàn nghiêm cấm,” GS.TSHK Phạm Ngọc Đăng, người từng tham gia thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đường Hồ Chí Minh xuyên rừng Trường Sơn, nói với Mỹ Hằng của BBC Tiếng Việt hôm 8/4.
Cao tốc La Sơn – Túy Loan dài 77 km, rộng 22 m, có 4 làn xe, là dự án đường xuyên rừng nguyên sinh mới nhất của chính phủ Việt Nam.
Cáp treo vào hang Én đe dọa Sơn Đoòng?
‘Bán đảo Sơn Trà là miếng mồi ngon’
‘VN cần trình giấy phép mua vây cá mập Chile’
Nhân viên thương vụ VN ‘mua vây cá mập cho gia đình’
Con đường với tổng vốn 11.000 tỷ đồng, với 11 km xuyên qua vườn quốc gia Bạch Mã, sẽ nối tỉnh Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng
Những hình ảnh con đường rộng lớn đang được gấp rút thi công, với các máy xúc, ủi hạng nặng nằm giữa các vạt rừng, đăng tải trên truyền thông Việt Nam đầu tháng Tư khiến dư luận đặt câu hỏi về tác động của dự án đối với hệ sinh thái của Vườn Quốc gia Bạch Mã – ‘lá phổi xanh’ của Việt Nam.
Trường hợp đường cao tốc Hồ Chí Minh
Năm 2000, Việt Nam bắt đầu khởi công xây dựng đường Hồ Chí Minh.
Thời điểm đó, đã xuất hiện các phản đối vì hướng tuyến của đường Hồ Chí Minh đi qua khu vực vùng đệm của vườn quốc gia Cúc Phương.
GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng cho hay trong thời gian cùng giới khoa học tham gia đánh giá tác động môi trường dự án đường Hồ Chí Minh, ông cùng các cộng sự đã đưa ra nhiều biện pháp giảm thiểu tác động xấu của con đường này đối với hệ môi trường và sinh thái.
“Ít nhất, có hai điều chỉnh đáng chú ý đã được nhà thầu thực hiện dựa trên khuyến cáo của các nhà khoa học.
“Thứ nhất là người ta đã làm đường cầu cạn ở Vườn Quốc gia Cúc Phương để vừa lưu thông nước vừa giúp động vật qua lại được, đồng thời tránh việc người dân bám đường để xây nhà hai bên rồi tìm cách xâm nhập vào rừng.
“Thứ hai là những đường xuyên qua các đoạn rừng nguyên sinh thì đều phải tránh, phải chuyển ra ngoài cả.”
“Thế nhưng các dự án đường cao tốc xuyên rừng quốc gia bao giờ cũng để lại những hậu quả đáng lo ngại đối với hệ sinh thái, hệ sinh vật.”
GS Phạm Ngọc Đăng nói dù đã có các điều chỉnh nhưng vẫn còn rất nhiều vấn đề, như “mở đường ra rồi thì bọn lâm tặc dễ dàng thâm nhập vào sâu trong rừng, phá rừng, chặt các cây cổ thụ, và săn bắn”.
Các ảnh hưởng đáng lo ngại không chỉ xảy ra trong giai đoạn thi công, xây dựng, mà cả trong quá trình sử dụng con đường, nhà khoc học nhấn mạnh.
“Về lâu dài thì việc bảo vệ các đa dạng sinh học, các nguồn gien và hệ sinh thái trong điều kiện mở đường [xuyên rừng] thì tôi cho đó là việc rất bức xúc và gay cấn trong điều kiện của Việt Nam hiện nay.”
‘Nên cấm làm đường qua rừng’
Trao đổi với phóng viên BBC Tiếng Việt qua điện thoại từ Hà Nội, nhà khoa học Phạm Ngọc Đăng cho hay tới nay chưa có kiểm kê chính thức về tác động của dự án đường Hồ Chí Minh tới hệ sinh thái rừng Trường Sơn.
“Nhưng nhưng rõ ràng các vụ xâm phạm, phá rừng, săn bắn đã phát triển nhiều hơn trước đây,” ông Đăng khẳng định.
“Về nguyên tắc giao thông không nên đi cạnh và càng không thể nào đi xuyên qua các khu bảo tồn thiên nhiên, các khu rừng nguyên sinh được. Không nên làm việc đó vì nó tạo điều kiện cho việc phá rừng, phá hệ sinh thái và đa dạng sinh học. Theo quan điểm của tôi thì phải tránh các khu đó.”
Ông Đăng nói các dự án đường cao tốc như La Sơn – Túy Loan cần rút kinh nghiệm từ dự án đường Hồ Chí Minh để có giảm thiểu tác hại đối với môi sinh.
“Thời kỳ vừa rồi làm đường cao tốc Hồ Chí Minh, cũng nhờ áp lực của nhiều nhà khoc học trong và ngoài nước thì chủ dự án mới chịu thay đổi phương án để bảo vệ thiên nhiên và rừng. Không có tiếng nói của các nhà khoa học, của dân nhân thì người ta còn phá mạnh hơn nữa.”
“Theo tôi đó là do nhu cầu phát triển mưu sinh, kinh tế, du lịch mà thôi. Họ cãi là cần phải mở giao thông ra. Có điều là mở giao thông ra thì cần phải có các biện pháp và đề phòng trường hợp ảnh hưởng lớn đến đa dạng sinh học, tài nguyên thiên nhiên. Cái chính là nhà nước phải đảm bảo về vấn đề quản lý.”
“Đã động đến vấn đề xuyên rừng hoặc khu bảo tồn thiên nhiên thì cần nên hoàn toàn nghiêm cấm,” nhà khoa học cho hay.
Quốc tế nói gì?
Không có nhiều tài liệu nguồn mở bằng tiếng Việt đề cập đến các động của các dự án đường xuyên rừng tại Việt Nam trên internet.
Trong một nghiên cứu công bố bằng tiếng Anh năm 2008 do WWF Greater Mekong phối hợp với Forest Protection Department (FPD) thực hiện, các khảo sát trong 2 năm về các tác động của đường Hồ Chí Minh lên hệ sinh thái rừng Trường Sơn cho thấy thực tế đáng ngại.
Theo đó, “công trình này đã dẫn đến mức độ xói mòn cao, gây thiệt hại cho cả khu vực rừng xung quanh và cho chính con đường. Ngân sách để bảo trì đường được cho là bằng ngân sách xây dựng đường…. Các dòng chảy bị tắc nghẽn do cát, dẫn đến mất nguồn cá cho cộng đồng ở đây”.
“Đường cao tốc [Hồ Chí Minh] rõ ràng đã và sẽ tiếp tục làm suy giảm hệ sinh thái và đa dạng sinh học của rừng Trường Sơn.”
Còn trong một nghiên cứu năm 2014 của một nhóm tác giả về ảnh hưởng của các dự án đường tới các loài động vật có vú trong các khu rừng ở Đông Nam Á, đường Hồ Chí Minh với dự án xuyên vùng đệm của Vườn Quốc gia Cúc Phương được coi là mối đe dọa lớn cho đa dạng sinh học của khu vực này – vốn được coi là một trung tâm toàn cầu về đa dạng thực vật và là ngôi nhà của một loài linh trưởng đang nguy cấp, cũng như đại bàng cá đầu xám, hổ và voi.
Trong khi đó, dường như có rất ít thông tin về đánh giá tác động môi trường của cao tốc La Sơn – Túy Loan đoạn chạy qua Vườn Quốc gia Bạch Mã, nơi được thành lập năm năm 1991 với diện tích mở rộng gần 37.500ha, là ngôi nhà của hơn 4.500 loài thực vật và động vật, bao gồm các loài đặc hữu và có nguy cơ tuyệt chủng theo danh sách của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế.
Đã có 14.752ha đất rừng Bạch Mã bị sử dụng để làm đường cao tốc La Sơn – Túy Loan, theo truyền thông Việt Nam.
Giải pháp nào?
Nghiên cứu công bố năm 2014 có tên “Where and How Are Roads Endangering Mammals in Southeast Asia’s Forests?” của một nhóm các nhà khoc học, phỏng vấn 36 chuyên gia tại 7 nước Đông Nam Á, đã đưa ra 10 đề xuất sau đối với các nước có dự án đường xuyên rừng nhằm giảm thiểu tác động tới hệ sinh thái, đặc biệt tới các loài động vật có vú trong khu vực:
1.Duy trì và phát triển rừng ở hai bên đường cao tốc
2.Tăng cường thực thi luật pháp bảo vệ rừng và động thực vật rừng tại các khu vực có đường cao tốc chạy qua
3.Giảm thiểu mối đe dọa từ các con đường vận chuyển, khai thác gỗ thông qua cơ chế quản lý rừng bền vững
4.Giải quyết các vấn đề về quyền sử dụng đất trước, tái định cư cho người dân có đất rừng bị thu hồi trước khi xây dựng đường.
5.Tăng cường phối kết hợp với các cơ quan phát triển đường bộ trong quy hoạch bảo tồn.
6.Dự án đường cần phải thông qua các cơ quan cấp chính phủ có liên quan
7.Tiến hành dự báo tổn thất kinh tế và đa dạng sinh học trước khi phát triển đường
8.Xem xét các chương trình bồi thường có thể giảm thiểu nhu cầu đối với, hoặc tác động của các con đường xuyên rừng
9.Đánh giá tác động môi trường và xã hội
10. Nâng cao nhận thức cộng đồng về tác động môi trường của các dự án đường bộ