Tin Việt Nam – 08/03/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 08/03/2017

Các tổ chức quốc tế

kêu gọi Việt Nam phóng thích các nữ tù nhân lương tâm

Hôm qua 7/3, các tổ chức quốc tế ủng hộ cho nhân quyền như Những Người Bảo vệ quyền Dân sự, Ân xá Quốc tế, và Uỷ ban Việt Nam về Nhân quyền đã kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho các nữ tù nhân lương tâm như Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần Thị Nga, Trần Thị Thúy, Cấn Thị Thêu, Đỗ Thị Minh Thúy…

Tổ chức Những Người Bảo vệ quyền Dân sự (Civil Rights Defenders, CRD) có trụ sở ở Thụy Điển, ra thông cáo nói rằng “Ngày Phụ Nữ Quốc Tế là tiếng chuông cảnh tỉnh nhà cầm quyền Việt Nam phải ngưng hẳn đàn áp và dùng bạo lực đối với những phụ nữ lên tiếng cho quyền công dân, công bằng và thăng tiến xã hội.”

Chủ đề của Ngày Quốc tế Phụ nữ năm 2017 là “Mạnh dạn Đổi mới,” chính là “cơ hội cho Việt Nam tiến hành bước đầu tiên để thể hiện cam kết của mình đối với các quyền của phụ nữ bằng cách trả tự do cho tất cả các phụ nữ bảo vệ nhân quyền, các nhà hoạt động và các blogger nữ đang bị giam cầm phi lý.”

Sau gần 5 tháng bị bắt giam, chính quyền Việt Nam tiếp tục gia hạn lệnh tạm giam với nhà vận động nhân quyền và môi trường Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, không cho phép gặp gia đình và tiếp xúc luật sư, theo tin từ bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, mẹ của cô Như Quỳnh.

Tôi cứ thắc mắc từ đó cho đến hôm nay, không biết con tôi có việc gì xảy ra hay không. Hoàn toàn từ ngày bị bắt tới giờ, tôi chưa bao giờ nhận được tin, chưa bao giờ được gặp con, chưa có một tin tức nào để tôi tin rằng con tôi khỏe mạnh và an bình hết.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Lan

Như Quỳnh bị công an tỉnh Khánh Hòa bắt giữ hôm 10/10/2016 tại Nha Trang và bị truy tố phạm tội “tuyên truyền chống phá nhà nước” theo Khoản 1 Điều 88 với lệnh tạm giam 4 tháng. Ngày 21/2 bà Nguyễn Thị Tuyết Lan được chính quyền thông báo miệng là con bà bị gia hạn tạm giam thêm 3 tháng nữa, tức đến ngày 7/5/2017.

Bà Lan rất đau khổ vì không nhận được bất kỳ tin tức gì về con của bà, ngay cả một mảnh tin nhắn nhỏ hỏi thăm sức khỏe của con hay quyền được gặp luật sư cũng bị từ chối. Bà Lan rất lo lắng:

“Tôi cứ thắc mắc từ đó cho đến hôm nay, không biết con tôi có việc gì xảy ra hay không. Hoàn toàn từ ngày bị bắt tới giờ, tôi chưa bao giờ nhận được tin, chưa bao giờ được gặp con, chưa có một tin tức nào để tôi tin rằng con tôi khỏe mạnh và an bình hết.”

Việc Như Quỳnh bị bắt làm cho người mẹ, người bà, và hai con thơ của Như Quỳnh hoàn toàn suy sụp, họ sống trong nỗi đau vì sự chia cắt tình mẫu tử, tình bà cháu:

“Nỗi đau nhất của tôi là khi bắt Quỳnh, còng tay Quỳnh, và dắt Quỳnh đi thì có mặt mẹ già của tôi. Mẹ già của tôi gần 90 tuổi rồi. Mẹ tôi lại in sâu hình ảnh đó. Bây giờ mẹ tôi rất hoảng loạn, dẫn đến lẫn. Chiều nào cũng vậy, bà ra ngõ chờ đón cháu về. Mong cháu về. Tôi là người phụ nữ hơn 60 tuổi rồi, phải nuôi hai đứa con dại của Quỳnh. Gấu thì quá nhỏ. Gấu cứ hỏi ‘Ngoại ơi, sao không gọi điện thoại cho Quỳnh về đi?’, ‘Sao mình cứ cầu nguyện hoài mà Chúa chưa cho Quỳnh về? Tôi không biết trả lời cho cháu tôi như thế nào những câu hỏi mà như những vết dao chém thẳng vào lòng tôi. Tôi không biết làm sao.”

Những Người Bảo vệ quyền Dân sự nói rằng: “Thật là đạo đức giả khi chính quyền Việt Nam tuyên bố rằng họ bảo vệ quyền của phụ nữ trong khi đó chính họ đã trực tiếp trừng trị những phụ nữ ủng hộ một xã hội công bằng, cởi mở và bình đẳng. Ngay lập tức chính quyền Việt Nam nên trả tự do vô điều kiện cho blogger Mẹ Nấm và tất cả những phụ nữ khác đang bị giam giữ chỉ vì họ thể hiện quyền công dân của họ một cách hợp pháp.”

CRD viết Nguyễn Ngọc Như Quỳnh hay còn gọi là “Mẹ Nấm là một trong nhiều phụ nữ tranh đấu bảo vệ nhân quyền, các nhà hoạt động xã hội và các blogger mà nhà chức trách Việt Nam nhắm tới vì họ đã vận động ôn hòa hoặc chỉ đơn thuần thực hiện các quyền công dân của họ.”

Ngoài ra CRD còn kêu gọi trả tự do nêu tên các nhà hoạt động xã hội, các blogger như bà Nguyễn Thị Minh Thúy, bị kết án 3 năm tù; bà Trần Thị Nga, thành viên của nhóm Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam, bị bắt vào tháng 1 năm 2017; và bà Cấn Thị Thêu, một nhà vận động về quyền đất đai đã bị kết án 20 tháng tù giam; và nhiều thành viên của các nhóm tôn giáo ôn hòa như bà Đỗ Thị Hồng và bà Trần Thị Thúy.

Ngoài việc kêu gọi trả tự do cho các nữ tù nhân lương tâm ở Đông Nam Á như Sirikan Charoensiri ở Thái Lan, Maria Chin Abdullah ở Malaysia, Tep Vanny ở Camphuchia, Leila de Lima ở Philippines, tổ chức Ân xá Quốc tế còn kêu gọi chính phủ Việt Nam thả ngay lập tức nhà hoạt động, dân oan Trần Thị Nga.

Bà Champa Patel, Giám đốc khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương của tổ chức Ân xá Quốc tế nói: “Vào Ngày Phụ nữ Quốc tế năm nay, chúng tôi muốn vinh danh 5 người phụ nữ từ 5 quốc gia khác nhau này. Họ là những người đã truyền cảm hứng về chủ nghĩa anh hùng cho nhiều người trong khu vực và đã có nhiều đóng góp cho xã hội đáng được khen thưởng hơn là bị lên án.”

Trần Thị Nga là một nhà hoạt động vì dân chủ và là người bênh vực cho dân chủ ở tỉnh Hà Nam. Vào 21/1/2017, bà Nga bị bắt vì “tuyên truyền chống phá nhà nước”, theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự, một điều khoản thường xuyên được sử dụng để bắt giam các nhà bất đồng chính kiến trong một thời gian dài, theo Tổ chức Ân xá Quốc tế.

Blogger Huỳnh Ngọc Chênh nhận định về các hoạt động đấu tranh của chị Nga khi chị đi lao động ở Đài Loan và ở Việt Nam:

“Chị Trần Thị Nga là một nạn nhân của xuất khẩu lao động qua Đài Loan. Chị bị áp bức bên đó. Chị là nạn nhân nên chị có kinh nghiệm. Từ kinh nghiệm đó, chị muốn cứu giúp mọi người. Chị đã giúp cho các nạn nhân khác, những người lao động xuất khẩu khác, hiểu biết thêm về pháp lý để đấu tranh quyền lợi của mình. Khi về nước chị tiếp tục làm công việc đó thì bị đàn áp. Vì bị đàn áp nên chị biết việc nhân quyền ở Việt Nam bị xâm phạm. Vì bị xâm phạm nhân quyền nên chị tiếp tục đấu tranh cho nhân quyền, cho những quyền lợi nầy, quyền lợi khác của người dân.”

Theo Ân xá Quốc tế, bà Nga từng ủng hộ nhân quyền và tham gia Mạng lưới Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam. Nhiều lần bà là mục tiêu tấn công của công an cả sắc phục lẫn thường phục và những cuộc tấn công này đã xảy ra trước mặt bốn đứa con của bà.

Từ thành phố Hồ Chí Minh, luật sư Lê Công Định cho biết thêm về chị Nga:

“Chị Trần Thị Nga, khoảng một năm nay, chị hoàn toàn đi theo con đường tranh đấu một cách ôn hòa. Rõ ràng chúng ta biết là chị Nga là một người đang nuôi con nhỏ và đó là một bà mẹ đơn thân. Việc bắt chị Nga trong một hoàn cảnh éo le như vậy đã gửi ra một thông điệp rất rõ rằng là từ nay, bất kỳ ai lên tiếng chống lại bất kỳ chính sách nào của nhà cầm quyền thì có khả năng trong tầm ngắm mà cầm quyền có thể bắt hoặc trấn áp.”

Báo An ninh Thủ đô đưa tin bà Nga bị bắt do cáo buộc “đưa một số video, clip, bài viết tuyên truyền chống nhà nước” lên mạng Internet.

CRD nói thêm: “Ngoài việc trả tự do cho những phụ nữ bị giam giữ bất hợp lý, chính quyền Việt Nam cần phải bắt giam các thủ phạm đã ngược đãi phụ nữ – bao gồm những phụ nữ bảo vệ nhân quyền, những nhà hoạt động và các blogger – buộc họ phải chịu trách nhiệm, và chấm dứt tình trạng miễn trừng phạt với những tội phạm này. Việt Nam cũng nên bảo đảm rằng tất cả những người bị giam giữ đều có quyền tiếp cận luật sư, gia đình, và được chăm sóc y tế, đối xử hợp lý, và theo đúng Tiêu chuẩn Tối thiểu Đối xử Tù nhân của Liên Hiệp Quốc.

Cuối tháng Hai vừa qua, Tiểu ban Nhân quyền của Nghị viện châu Âu (DROI) đã có chuyến công tác tới Việt Nam và có các buổi đối thoại mang tính xây dựng để đánh giá tình hình nhân quyền. Tiểu ban này ngay sau đó ra tuyên bố: “chúng tôi đã bày tỏ quan ngại đối với sự hạn chế tự do ngôn luận. Việc bắt giữ các blogger, các nhà bất đồng chính kiến, các nhà hoạt động dân sự, các nhà bảo vệ nhân quyền, các đại diện tôn giáo, cũng như những bản án tù nặng cùng các điều kiện giam giữ khắc nghiệt là đi ngược lại với các công ước quốc tế về nhân quyền.”

http://www.voatiengviet.com/a/cac-to-chuc-quoc-te-keu-goi-vn-phong-thich-cac-nu-tu-nhan-luong-tam/3755391.html

 

Việt Nam hướng về Bắc Kinh ngày 18/3?

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson dự kiến sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Bắc Kinh bắt đầu từ ngày 18/3 tới, trong khi giới quan sát cho rằng Việt Nam sẽ “phải theo dõi kỹ” chuyến công du này.

Đây được coi là cuộc tiếp xúc cấp cao đầu tiên giữa một thành viên nội các của chính quyền của Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo quốc gia đông dân nhất thế giới.

Trả lời báo giới hôm 7/3, theo Kyodo, ông Daniel Russel, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, nói rằng cuộc tiếp xúc giữa ông Tillerson và ông Tập mở đường cho cuộc gặp giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và nhà lãnh đạo Trung Quốc.

“Ông ấy sẽ bắt đầu vạch ra một tầm nhìn cho mối quan hệ Trung – Mỹ trong vòng bốn năm tới”, ông Russel được hãng tin Nhật dẫn lời nói thêm như vậy về chuyến công du 3 nước châu Á của ông Tillerson, trong đó ông sẽ tới cả Nhật Bản và Hàn Quốc.

Thạc sĩ Hoàng Việt, thành viên Quỹ Nghiên cứu Biển Đông, nhận định với VOA Việt Ngữ rằng “hai cường quốc, mặc dù có những phát biểu hoặc xung đột về mặt lợi ích, nhưng về tổng thể, hai quốc gia này vẫn muốn đối thoại và trao đổi với nhau”.

Nhà nghiên cứu còn là thành viên Ban Nghiên cứu Luật Biển và Hải đảo thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng “chắc chắn Việt Nam sẽ phải theo dõi kỹ các động thái sắp tới trong chuyến thăm này”.

“Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ ảnh hưởng tới toàn thế giới. Cho nên, không cứ riêng gì Việt Nam, mà hầu hết các quốc gia ở châu Á hoặc Đông Á hay Châu Á – Thái Bình Dương đều phải xem xét cái việc gặp giữa hai bên. Trong bối cảnh đó, Việt Nam phải theo dõi là chắc chắn vì một bên là Trung Quốc, quốc gia láng giềng, có nhiều ân oán với Việt Nam, mà hiện bây giờ đang là đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam. Thứ hai là Hoa Kỳ, quốc gia đang trở thành đối tác quan trọng với Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam đang nằm trong vòng xoáy giữa hai quốc gia này”.

Trong bản tin hôm 8/3, tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi sáng của Hong Kong nhận định rằng ngoài các vấn đề như Bắc Hàn hay Đài Loan, Biển Đông cũng có thể nằm cao trong nghị trình của ông Tillerson ở Trung Quốc.

Trong cuộc điều trần tại quốc hội Mỹ trước khi trở thành ngoại trưởng hồi đầu năm nay, ông Tillerson đề xuất “chặn” Trung Quốc tiếp xúc các đảo nhân tạo mà nước này cấp tập xây dựng ở Biển Đông trong thời gian gần đây.

Đáp lại, Global Times, tờ báo có tư tưởng dân tộc của Trung Quốc, cảnh báo rằng chiến tranh sẽ bùng ra, nếu Washington làm vậy.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình phản ứng với tuyên bố đó của ông Tillerson với tuyên bố rằng “duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở khu vực là mục tiêu và lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực”.

Trước những thông tin khác nhau về sự cam kết của chính quyền của Tổng thống Trump đối với Biển Đông, nhà nghiên cứu Hoàng Việt cho rằng “Mỹ không thể bỏ qua lợi ích của Hoa Kỳ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương được”.

Ông nói thêm:

“Trong cuộc chơi này, Trung Quốc là một tay chơi rất là giỏi, đang cân não phản ứng của Hoa Kỳ. Chỉ cần Hoa Kỳ có một cái gì đó có vẻ là xuống nước, hoặc là thay đổi chính sách, thì lập tức Trung Quốc sẽ trám ngay vào chỗ trống đó. Chính vì vậy, sau khi chính quyền của ông Donald Trump đã hiểu được vai trò quan trọng của châu Á – Thái Bình Dương, và đặc biệt là Biển Đông, thì Hoa Kỳ đã phải tái xuất hiện lại, và đầu tiên bằng cách đưa cái hàng không mẫu hạm tuần tra hàng hải, cho Trung Quốc thấy phần nào sức mạnh và quyết tâm can dự vào khu vực này của Hoa Kỳ”.

Kể từ khi ông Trump bất ngờ giành thắng lợi trước ứng viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton và trở thành tổng thống Mỹ mà nhiều nhà bình luận người Việt cho là “khó lường”, các nhà quan sát nói với VOA Việt Ngữ rằng Hà Nội vẫn phải theo dõi mọi động thái của Hoa Kỳ để xem chính sách của Nhà Trắng với Việt Nam sẽ ra sao.

http://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-huong-ve-bac-kinh-ngay-18-3/3755167.html

 

8/3 tại Việt Nam: thừa ‘tôn vinh’, thiếu ‘tranh đấu’

Khánh An-VOA

Đa số phụ nữ Việt Nam khi được hỏi “Ngày 8/3 là ngày gì?” đều trả lời đó là ngày phụ nữ được “tôn vinh”, được tặng quà, hiếm ai đề cập đến từ “tranh đấu”. Một nhà vận động cho xã hội dân sự tại Việt Nam nói với VOA cụm từ “quyền của phụ nữ” cũng chỉ mới được nhắc đến gần đây.

Ngày “vòi quà”

Cùng với nhịp phát triển của xã hội, ngày 8/3 tại Việt Nam ngày càng được tổ chức rầm rộ hơn. Phụ nữ ngày càng quen thuộc với chuyện xem ngày này là đương nhiên được tặng quà. Thậm chí, nam giới gọi đây là ngày “vòi quà” của phụ nữ Việt.

Chị Như, một chuyên viên tuyển dụng ở Bắc Ninh, nói với VOA về ngày 8/3:

“Ngày hôm nay thì con gái sẽ được tặng quà này, rồi nhận lời chúc mừng, có thể được đi chơi, được tổ chức tiệc”.

Ngày Quốc tế Phụ nữ có nguồn gốc từ những cuộc tuần hành đòi quyền được bầu cử, giảm giờ làm và tăng lương của phụ nữ ở New York, Mỹ vào những năm 1990. Phong trào này sau đó đã lan rộng ra thế giới với những hoạt động mang tính tranh đấu cho quyền của người phụ nữ, đòi hỏi bình đẳng so với nam giới và nhấn mạnh vai trò của nữ giới.

Ở đất nước Việt Nam mình, chỉ đồng đẳng đối với một số bộ phận nào đó thôi. Đa số phụ nữ đau khổ, lầm lũi, thui thủi, an phận, chấp nhận sự đè đầu cưỡi cổ của cả chế độ lẫn đàn ông.

Nhà thơ Bùi Chí Vinh.

Khi được hỏi về những hoạt động mang ý nghĩa truyền thống của ngày 8/3 tại Việt Nam, chị Như kể: “Lúc trước bọn em đi học thì có lễ mít-ting kỷ niệm, sẽ nhắc lại truyền thống của ngày, tuyên dương những phụ nữ có thành tích tiêu biểu, rồi tặng quà và tổ chức tiệc nho nhỏ”.

Hoa, quà và tiệc tùng là những điểm nổi bật có thể thấy ở khắp nơi tại Việt Nam vào ngày 8/3. Từ thành phố đến nông thôn, tấp nập người mua, kẻ bán từ cành hoa hồng cho đến những món quà “càng độc càng hay” để dành tặng phụ nữ. Đàn ông, nam giới chuẩn bị túi tiền để “tôn vinh” người phụ nữ của đời mình. Còn chị em phụ nữ sửa soạn chỉn chu hơn, với tâm thế sẵn sàng, chờ đợi nhận quà từ nam giới.

Bị chế độ và đàn ông “đè đầu cưỡi cổ”

Nhà thơ Bùi Chí Vinh, tác giả của rất nhiều bài thơ tình nổi tiếng nhận xét nếu chỉ nhìn vào những hoạt động rầm rộ mừng ngày Quốc tế Phụ nữ tại Việt Nam, người ta sẽ có cảm nhận đây là một đất nước hạnh phúc, cơm no áo ấm, đàn ông chăm sóc cho phụ nữ. Nhưng theo ông, cuộc sống còn rất nhiều mặt và nhiều điều “đáng nói” khác. Ông nói:

Những ngày 8/3 trong quá khứ, không bao giờ người ta nhắc đến quyền của phụ nữ cả, khi phụ nữ Việt Nam còn bị đối xử khá phân biệt. Có lẽ chỉ vài năm nay, khi có các phong trào xã hội dân sự nổi lên về vấn đề quyền con người, lúc đó người ta mới gắn một chút quyền của phụ nữ vào ngày 8/3.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A.

“Ngày 8/3, theo tôi, chỉ là một ngày khuếch trương lên để người ta quên lãng đi số phận của người phụ nữ. Ở đất nước Việt Nam mình, chỉ đồng đẳng đối với một số bộ phận nào đó thôi. Đa số phụ nữ đau khổ, lầm lũi, thui thủi, an phận, chấp nhận sự đè đầu cưỡi cổ của cả chế độ lẫn đàn ông”.

Thừa “tôn vinh”, thiếu “tranh đấu”

Điểm tin trên báo chí Việt Nam ngày 8/3, bao trùm vẫn là những tấm gương phụ nữ nổi bật, thành công, những hoạt động vui chơi, giải trí hay “mách nước” chiều lòng phụ nữ… Một nhà vận động cho xã hội dân sự tại Việt Nam, TS. Nguyễn Quang A, nhận xét phụ nữ nói riêng và người dân Việt Nam nói chung gần như chỉ biết đến khía cạnh “tôn vinh” phụ nữ và không biết đến việc phải “đấu tranh” cho quyền lợi phụ nữ, ý nghĩa nguyên thủy của ngày 8/3.

“Rất nhiều chục năm qua người ta nhồi nhét quan điểm ngày này là ngày để tôn vinh phụ nữ, không phải là ngày đấu tranh cho quyền của phụ nữ. Thực sự ở Việt Nam, những ngày 8/3 trong quá khứ, không bao giờ người ta nhắc đến quyền của phụ nữ cả, khi phụ nữ Việt Nam còn bị đối xử khá phân biệt. Có lẽ chỉ vài năm nay, khi có các phong trào xã hội dân sự nổi lên về vấn đề quyền con người, lúc đó người ta mới gắn một chút quyền của phụ nữ vào ngày 8/3”.

Dịp Quốc tế Phụ nữ năm nay, mạng xã hội của Việt Nam xuất hiện khá nhiều bài viết đề cập đến những phụ nữ đang bị giam giữ vì tranh đấu cho quyền con người. Tuy nhiên theo nhận xét của TS. Nguyễn Quang A, các cư dân mạng cũng mới chỉ lại ở việc hô hào và chúc cho những phụ nữ này “chân cứng đá mềm”, nhưng vẫn chưa có hoạt động nào mang tính “tranh đấu” thực sự nổi trội và hiệu quả cho ngày 8/3 tại Việt Nam.

http://www.voatiengviet.com/a/tam_thang_3_tai_vn_thua_ton_vinh_thieu_tranh_dau/3755315.html

 

Mỹ công bố phúc trình nhân quyền Việt Nam 2016

Phúc trình có một phần riêng nói về Việt Nam, trong đó một số từ được nhắc tới thuộc loại nhiều nhất là ‘tùy tiện’ và ‘bắt giữ, tạm giam’.

Bản báo cáo dài đăng trên website đại sứ quán Hoa Kỳ ở Việt Nam hôm 06/03 có nhiều hạng mục khác nhau như tôn trọng nhân phẩm, bảo đảm quyền tự do, tình trạng nhà tù và về các vụ bắt bớ, quyền tự do dân sự, tham nhũng và công khai tài sản.

Ngay từ phần mở đầu, báo cáo nhận định việc Quốc hội Việt Nam trì hoãn thực thi một số luật đã được thông qua năm 2015 làm “ảnh hưởng tới quyền công dân, gồm có luật hình sự mới, thủ tục tố tụng hình sự và luật về tạm giữ, tạm giam”.

“Vấn đề nhân quyền nổi bật nhất ở đất nước này là việc cấm đoán chặt chẽ quyền chính trị của người dân, nhất là quyền thay đổi chính quyền qua quá trình bầu cử tự do và công bằng; giới hạn quyền tự do của công dân, trong đó tự do hội họp, liên kết và biểu hiện; và bảo vệ không đầy đủ quyền công dân theo đúng thủ tục, trong đó có bảo vệ chống lại giam giữ tùy tiện.”

“Có nhiều báo cáo chỉ ra rằng quan chức hoặc tay sai dưới sự chỉ huy của Bộ Công an hay công an tỉnh đã phạm phải các vụ sát hại tùy tiện hoặc bất hợp pháp, trong đó có báo cáo cho rằng có ít nhất 9 người thiệt mạng trong lúc bị tạm giam,” nhưng chỉ có một số ít nhân viên an ninh phải chịu trách nhiệm, báo cáo viết.

‘Ngăn cản gặp lãnh đạo nước ngoài’

Bản phúc trình cũng nhắc tới tình trạng lạm dụng nhân quyền trong đó có bắt và giam giữ ‘tùy tiện’ các nhà hoạt động chính trị, và đánh giá đây “vẫn là một vấn đề nghiêm trọng”.

“Cảnh sát và nhân viên an ninh mặc thường phục bắt giữ hoặc giữ tại nhà nhiều nhà hoạt động trong những ngày giai đoạn 23-25 tháng Năm, với chuyến thăm của một lãnh đạo nước ngoài tới Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.”

Báo cáo nêu cụ thể trường hợp của ông Nguyễn Quang A bị cảnh sát và nhân viên an ninh mặc thường phục cản không cho tới dự một cuộc gặp với lãnh đạo này. Tương tự là trường hợp của nhà báo tự do Phạm Đoan Trang bị chặn ở Ninh Bình và nhà hoạt động Trần Hoàng Phúc ở TP HCM.

Ông Barack Obama đã tới thăm Việt Nam từ ngày 23-25/05 khi còn giữ vai trò Tổng thống Hoa Kỳ.

‘Tự do báo chí là nền móng của nhân quyền’

Đặng Xuân Diệu phát biểu về nhân quyền ở Geneva

‘Trừng phạt’

Báo cáo cũng nhắc tới các hình phạt, cách đối xử dã man, vô nhân đạo, hạ thấp con người: “Luật Việt Nam cấm lạm dụng thể chất người bị tạm giữ, nhưng các nghi phạm thường lên tiếng tố cáo bị ngược đãi và tra tấn bởi cảnh sát, nhân viên an ninh mặc thường phục và nhân viên các trại cai nghiện ma túy trong quá trình bắt giữ, thẩm vấn và giam giữ. Cảnh sát, công tố viên, và cơ quan giám sát của chính quyền hiếm khi điều tra cụ thể những tố cáo này.”

Báo cáo trích dẫn Tổ chức Ân xá Quốc tế và các cựu tù nhân lương tâm cho biết, quan chức trại giam thường tách riêng tù nhân chính trị, đặc biệt là ở khu vực Tây Nguyên và các vùng dân tộc thiểu số nhạy cảm để lạm dụng về thể chất, biệt giam, và thuyên chuyển trại giam để trừng phạt.

Đặc biệt với các nhà hoạt động chính trị và gia đình cáo buộc nhiều lần bị quan chức và nhân viên an ninh làm phiền, bị “công an mặc thường phục đe dọa, sỉ nhục hay ném đá vào nhà”.

Hoa Kỳ nhận xét hệ thống tư pháp thiếu minh bạch và thiếu sự độc lập, và thường bị ảnh hưởng bởi sức ép từ các nhóm kinh tế và chính trị.

“Chính quyền giới hạn tự do biểu đạt và đàn áp những ai chống đối; thi hành kiểm soát và kiểm duyệt báo chí; giới hạn tự do internet và tự do tôn giáo; tiếp tục giám sát chặt chẽ các nhà hoạt động; và tiếp tục giới hạn quyền riêng tư và quyền tự do hội họp, liên kết và di chuyển,” báo cáo viết.

Tuy nhiên, năm 2016 chính quyền Việt Nam đã bắt giữ ít tù nhân chính trị hơn các năm trước.

Tham nhũng ‘rộng khắp’

Về tham nhũng, bản phúc trình nhận định đây là vấn đề rộng khắp ở khối cơ quan công, trong đó có cả ngành công an.

“Năm 2013, luật chống tham nhũng cho phép công dân có thể cởi mở khiếu nại về các thủ tục hành chính, cách điều hành không hiệu quả của chính quyền, tham nhũng và chính sách kinh tế, tuy nhiên, các nhà tổ chức biểu tình phản đối tham nhũng lại bị bắt bớ và làm phiền.”

Báo cáo nêu ra một số vụ điều tra các cựu quan chức do chính quyền khởi xướng, như vụ liên quan tới Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, vụ tham nhũng ở Tổng Công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí PVC, và cả vụ truy bắt Trịnh Xuân Thanh cựu chủ tịch PVC, công ty con của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN.

Internet vẫn tiếp tục bị chính quyền Việt Nam kiểm soát bằng cách chỉ cấp phép cho một số nhỏ các nhà cung cấp dịch vụ mạng, đều là các công ty nhà nước. Báo cáo dẫn lời các nhà bất đồng chính kiến chính trị và blogger cho rằng Bộ Công an vẫn thường cắt kết nối internet ở nhà họ.

Phúc trình nhân quyền của Hoa Kỳ về nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ được thực hiện và công bố hàng năm. Hiện chưa thấy phía ngoại giao Việt Nam phản hồi về bản báo cáo này.

Dân biểu Mỹ ‘nguyện tranh đấu’ vì Việt Nam

Mỹ rút khỏi TPP và nhân quyền ở VN

LHQ: Việt Nam ‘cần bỏ điều 88, 79’

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-39192521

 

Bộ Công thương có nhiều sai sót trong bổ nhiệm cán bộ

Thanh tra Bộ Nội vụ kết luận Bộ Công thương có nhiều sai sót trong công tác bổ nhiệm cán bộ. Kết luận được đưa ra hôm thứ tư 8 tháng 3 trong thông báo sau khi điều tra việc thực hiện các quy định pháp luật về bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý của Bộ Công Thương.

Kết luận thanh tra cho biết có hai trường hợp không đáp ứng về tuổi khi bổ nhiệm lần đầu (quá hai tháng và 8 tháng), 31 trường hợp không đáp ứng trình độ lý luận chính trị, ba người không có chứng chỉ nghiệp vụ quản lý nhà nước và ba người không có chứng chỉ ngoại ngữ.

Ngoài ra còn có hai trường hợp bổ nhiệm khác không qua kỳ thi tuyển công chức. điều này không đúng với quy định tuyển dụng và quản lý cán bộ của chính phủ.

Thêm vào đó, Bộ công thương bổ nhiệm 7 phó vụ trưởng, vượt quá số lượng cấp phó theo quy định.

Một chi tiết được đề cập trong bản kết luận là trường hợp của ông Trịnh Xuân Thanh được bổ nhiệm chức Vụ trưởng, Chánh văn phòng Ban Cán sự đã được phát hiện trong giai đoạn thanh tra của Thanh tra Bộ Nội vụ.

http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/ministry-of-industry-mistake-hire-officer-03082017121758.html

 

Thứ trưởng ngoại giao Việt – Trung trao đổi nhiều vấn đề

Các vấn đề về quan hệ song phương và biên giới lãnh thổ giữa Việt Nam – Trung Quốc được đề cập trong cuộc gặp thường niên tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà từ ngày 5 đến 8 tháng 3 vừa qua.

Cuộc họp do thứ trưởng Bộ ngoại giao Việt Nam, ông Lê Hoài Trung và thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc ông Lưu Chấn Dân chủ trì.

Tại cuộc gặp, phía Việt Nam và Trung Quốc cùng đưa ra đánh giá cao về các tiến triển tích cực của hai nước trong thời gian qua. Hai bên cùng trao đổi những biện pháp triển khai các thoả thuận, duy trì hoà bình, ổn định trên biển, khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp hai nước hợp tác lâu dài, có lợi, đảm bảo tiến triển cho các dự án công trình Trung Quốc đang đầu tư, xây dựng tại Việt Nam.

Ngoài các cơ chế hợp tác trên đất liền, Việt Nam và Trung Quốc cùng nhất trí tuân thủ nghiêm túc các thoả thuận về vấn đề trên biển, phù hợp với Luật pháp quốc tế và Công ước của liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Bên cạnh đó, các chuyến thăm cấp cao giữa hai nước trong năm 2017 sẽ được phối hợp chuẩn bị, đặc biệt là phiên họp lần thứ 10 Uỷ ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc.

http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/vn-cn-talk-about-south-china-sea-03082017114041.html

 

Chính phủ ra chỉ thị giám sát chặt chẽ Formosa

Công ty Formosa từng gây thảm họa môi trường tại khu vực miền Trung Việt Nam, cần phải được giám sát chặt chẽ trong cam kết về môi trường; đến khi nào bảo đảm an toàn mới cho xả thải.

Đó là chỉ thị mà ông Trương Hòa Bình, phó thủ tướng thường trực chính phủ Việt Nam, đưa ra tại cuộc họp trong ngày 8 tháng 3 ở Hà Nội. Theo chỉ thị của phó thủ tướng Trương Hòa Bình thì cần tiếp tục giám sát Công ty Formosa trong cam kết về xả thải, cũng như cam kết có trách nhiệm xã hội với người dân tại địa bàn nơi công ty này đặt nhà máy.

Ông nói chỉ khi nào Công ty Formosa bảo đảm an toàn tuyệt đối về môi trường mới cho xả thải. Ngoài ra cơ quan chức năng cần phải theo dõi chặt chẽ các hiện tượng về môi trường nhằm có biện pháp khắc phục, không để lo lắng trong dân chúng.

Gần đây tại khu vực biển Vũng Áng nơi có nhà máy Formosa, cũng như ở Thừa Thiên- Huế và Đà Nẵng người dân phát hiện những vệt nước màu đỏ mà họ cho là bất thường. Trong khi đó cơ quan chức năng lại nói đó là hiện tượng bình thường, khiến dư luận hoang mang.

Nhà máy thép Formosa ở Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh vào đầu tháng tư năm ngoái xả hóa chất độc trực tiếp ra biển khiến hải sản và sinh vật biển chết hằng loạt. Công ty Formosa thừa nhận việc làm của nhà máy và đồng ý chi trả 500 triệu đô la cho phía chính phủ Việt Nam để bồi thường cho người dân chịu tác động cũng như khắc phục môi trường bị ô nhiễm bởi hóa chất.

Theo thông báo được đưa ra tại cuộc họp vào ngày 8 tháng 3 của Ban chỉ đạo Khắc phục sự cố môi trường 4 tỉnh miền Trung do ông Trương Hòa Bình làm trưởng ban thì sẽ cho thành lập 4 đoàn kiểm tra, thanh tra việc bồi thường thiệt hại môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung.

Thông tin từ cuộc họp cho biết đến ngày 6 tháng 3 cơ quan chức năng giải ngân được gần 3.600 tỷ đồng cho 4 tỉnh được khoanh trong vùng chịu tác động bởi thảm họa môi trường gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế.

Số tiền 3600 tỷ đồng được nói thuộc khoản 4.680 tỷ đồng tạm cấp; như vậy khoản chi bồi thường đạt 76%.

Một số người dân sống ven biển ở tỉnh Nghệ An lâu nay lên tiếng nói họ cũng bị thiệt hại nhiều do thảm họa môi trường gây nên nhưng không được đưa vào diện bồi thường. Người dân tiến hành nộp đơn kiện nhưng không được tòa thụ lý hồ sơ.

Đối với thảm họa môi trường do nhà máy Formosa gây nên, nhiều người dân chịu tác động trong thời gian qua tiến hành biểu tình yêu cầu chấm dứt hoạt động của nhà máy gây hại môi trường, cũng như đòi hỏi phải bồi thường thỏa đáng cho số bị thiệt hại.

Cuộc biểu tình mới nhất diễn ra ngay trước nhà máy Formosa là vào ngày 5 tháng 3 vừa qua.

http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/strict-monitoring-of-formosa-is-called-by-vn-deputy-pm-03082017081342.html