Tin Việt Nam – 08/02/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 08/02/2017

Thỉnh nguyện thư

gửi Giáo Hoàng về cựu TGM Ngô Quang Kiệt

1.500 người vừa ký thỉnh nguyện thư gửi Giáo hoàng Francis xin minh xét cho cựu Tổng Giám mục Hà Nội Ngô Quang Kiệt, người mà họ cho là đã “bị oan khiên”.

Đức Joseph Ngô Quang Kiệt, sinh năm 1952, đảm nhận chức vụ Tổng giáo phận Hà Nội từ năm 2005 – 2010.

Trong thời gian đó, ông đã gặp nhiều khó khăn với chính quyền, nhất là quanh vụ Tòa Khâm sứ ở phố Nhà Chung.

Tòa Tổng giám mục Hà Nội, đứng đầu là Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt, trong một thời gian dài đã yêu cầu xin lại tòa nhà từng được dùng làm văn phòng của đại diện tòa thánh Vatican.

Giáo dân cũng tổ chức nhiều cuộc cầu nguyện đông người bên ngoài để “đòi khu đất tòa Khâm sứ cũ”.

Các nỗ lực đó đã thất bại khi cuối cùng vào năm 2008, chính quyền Hà Nội thu hồi, ‘quy hoạch dự án xây dựng công viên cây xanh’ tại đây.

Tháng 5/2010, theo Đài Vatican, Giáo Hoàng Benedict XVI nhận đơn từ chức của Tổng Giám Mục Hà Nội Joseph Ngô Quang Kiệt vì lý do sức khỏe, chiếu theo khoản số 401 triệt 2 của Bộ Giáo Luật.

Sau đó, ông chuyển tới Đan viện Châu Sơn, Ninh Bình

‘Oan khiên’

Thỉnh nguyện thư ký tên một số cá nhân ở Mỹ, Canada, Bỉ, Pháp… nêu: “Cựu Tổng Giám mục Joseph Ngô Quang Kiệt luôn đứng trước đàn chiên, tuyên bố sẵn sàng chết hay bị tù vì đoàn chiên. Ngài không bỏ chiên, nhưng Ngài bị chính Bề trên, quyền lực Giáo hội tại Vatican chấp nhận yêu sách của sói, buộc Ngài phải rời khỏi đoàn chiên”.

“Xin Chúa phù hộ để Đức Thánh Cha [Giáo hoàng] nghĩ đến một kẻ chăn chiên biết bảo vệ đàn chiên và vâng lời Bề trên hiện đang phải ẩn mình trong trong một tu viện, như một người bị lôi ra khỏi hệ thống chăn chiên chỉ vì Vatican và các anh em Ngài đã bức bách Ngài rời bỏ đoàn chiên do áp lực của đàn sói”.

Hôm 8/2, trả lời BBC từ TP Hồ Chí Minh, Linh mục Anton Lê Ngọc Thanh, phòng Công lý Hòa bình, Dòng Chúa Cứu thế Sài Gòn, nói: “Thỉnh nguyện thư cho thấy tiếng nói của giáo dân có thể khiến Vatican nhìn lại vấn đề liên quan đến Đức cha Kiệt một cách toàn diện hơn.”

“Giáo dân không đòi hỏi Vatican phải quyết định theo ý của họ mà mong nhận được những chỉ dẫn mang tính ơn Chúa chứ không phải dàn xếp chính trị.”

“Lần này, nếu thỉnh nguyện thư đến được tay Giáo hoàng Francis, tôi tin là Ngài sẽ xem xét nghiêm túc, vì Ngài đang trong tiến trình cải tổ Roma và có những vấn đề mà Ngài quan tâm đến Việt Nam nhưng chỉ nhận được thông tin qua lăng kính ngoại giao hơn là từ giáo dân.”

Giáo Hoàng nhận đơn từ chức của TGM Kiệt

Vụ Tòa Khâm: Đối thoại bất thành

“Hiện Đức cha Kiệt tuy không có chức danh chính thức nhưng có đóng góp cho giáo dân, giáo sĩ trong và ngoài nước.”

“Nếu ở vị trí chính thức, Ngài sẽ gánh vác trách nhiệm trọn vẹn hơn.”

“Tôi không đặt vấn đề Đức cha Kiệt có được quay về Giáo phận Hà Nội sau thỉnh nguyện thư này hay không.”

“Vấn đề lớn hơn là đã đến lúc Hà Nội trả lại tự do thật sự cho cộng đồng tôn giáo và tín ngưỡng, chứ không phải sự kềm kẹp và nhả ra từ từ.”

“Còn chuyện Đức cha Kiệt có trở lại Hà Nội hay không thì có khi chính quyền muốn mà chưa chắc Vatican muốn, vì ngài có thể được đặt vào một vị trí phù hợp hơn với ơn Chúa,” linh mục Thanh nói với BBC.

Hôm 8/2, BBC liên hệ với Đan viện Thánh Mẫu Châu Sơn, Nho Quan, Ninh Bình, nơi Cựu Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt sống từ bảy năm qua, để hỏi suy nghĩ của ông về thỉnh nguyện thư nêu trên.

Tuy vậy, ông nhắn lại qua một người khác rằng “đang muốn nghỉ ngơi”.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-38903410

 

Ban Bí thư chỉ định phó bí thư Yên Bái

Một thứ trưởng Bộ Xây dựng vừa được luân chuyển sang vị trí mới, đảm nhiệm chức Phó bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, nhiệm kỳ 2016-2021.

Ông Đỗ Đức Duy được Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ định tham gia Ban chấp hành, ủy viên Ban Thường vụ tỉnh.

Đồng thời với việc đảm nhận các chức vụ về Đảng, ông Duy cũng đã nhanh chóng được Hội đồng Nhân dân (HĐND) Yên Bái bầu vào vị trí Chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh.

Sinh năm 1970, ông Đỗ Đức Duy, quê Thái Bình, từng là Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ rồi Chánh văn phòng Bộ Xây dựng trước khi được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bổ nhiệm vào vị trí Thứ trưởng, hồi tháng 8/2015.

Chức chủ tịch UBND Yên Bái trước đó do bà Phạm Thị Thanh Trà, Bí thư Tỉnh ủy, đảm nhận.

Trong cùng phiên họp bất thường, bà Trà thôi vị trí chủ tịch UBND tỉnh và được bầu làm chủ tịch HĐND Yên Bái.

Bà Trà làm Bí thư kiêm Chủ tịch UBND tỉnh từ hồi tháng 9/2016, hơn một tháng sau vụ nổ súng gây chấn động dư luận ở Yên Bái.

Theo báo chí Việt Nam trích nguồn từ nhà chức trách thì Bí thư Tỉnh ủy Phạm Duy Cường và Chủ tịch HĐND kiêm Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Yên Bái Ngô Ngọc Tuấn “bị Chi cục trưởng Kiểm lâm Đỗ Cường Minh dùng súng quân dụng K59 bắn chết trong phòng làm việc ngày 18/8”.

Cũng các nguồn chính thống ở Việt Nam viết rằng sau đó ông Đỗ Cường Minh “đã tự sát”.

Vụ này thoạt tiên được khởi tố vụ án nhưng sau đó đã đóng lại vì “tất cả các nhân vật liên quan đều đã chết”.

Cũng liên quan đến Yên Bái, trước đó không lâu, thiếu tướng Lê Xuân Duy, quyền Tư lệnh Quân khu 2, đột ngột qua đời vì bạo bệnh, theo báo Quân đội Nhân dân.

Ông Lê Xuân Duy (sinh năm 1962) được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương ĐCSVN khóa mới hồi tháng 1/2016.

Trước đó, ông Duy từng giữ chức Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Yên Bái (2012-14).

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-38907791

 

Bàn về lễ hội

nhân nhà sư phát lộc gây phản cảm ở chùa Hương

Hà MiBBC Tiếng Việt

Cảnh đi lễ chùa Hương với nhiều người lâu nay vẫn thường gắn liền với hình ảnh “hoa cỏ mờ hơi sương” và tâm tư của một cô gái mới lớn đầy mộng mơ trong bài thơ của nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp.

Thế nhưng những năm gần đây hàng chục ngàn người đổ về di tích thắng cảnh Hương Sơn, Hà Nội, khiến các lối đi lên chùa Thiên Trù và vào động Hương Tích ùn tắc và đặc biệt lễ khai hội chùa Hương năm nay lại được nói tới nhiều vì là cảnh người đi lễ chen lấn tranh giành lộc từ tay một nhà sư tại chùa.

Được biết người tung lộc là sư thầy Thích Đạo Trụ, đang tu hành trong chùa Hương và Phó chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Hà Nội, Trưởng ban tổ chức lễ hội chùa Hương năm 2017, ông Nguyễn Văn Hậu, được báo chí trích thuật cho biết chương trình phát lộc cho phật tử và du khách về dự là không có trong kế hoạch khai hội.

Lộc được phát là một biểu tượng Phật Bà in chìm bằng nhựa trong, có dây đeo và các video lưu truyền trên mạng cho thấy hàng trăm người đã chen lấn xúm quanh nhà sư để cố tranh giành lộc. Có thể thấy lúc đầu nhà sư còn phát cho từng người đứng quanh, nhưng sau đó đám đông lớn quá, chen lấn và thậm chí có người còn thò tay giật lộc từ tay nhà sư và nhà sư này đã ném lộc ra cho những người ở xa khiến gây phản cảm.

‘Mưu cầu hạnh phúc tầm thường’

Nói với BBC Tiếng Việt khi được hỏi nhân vụ việc này, giáo sư Nguyễn Huệ Chi chia sẻ: “Tôi nghĩ ngày xưa những lễ hội như Chùa Hương, như Yên Tử, cũng đông người đi nhưng người ta đi tuần tự mà thực sự ra không phải để cầu cho được cái hạnh phúc vật chất tầm thường để muốn trở về là có ngay, hiện ngay trước mắt như bây giờ.

“Ngày nay người ta đi Bà Chúa Kho, đi Chùa Hương, tất cả những nơi được truyền nhau là linh ấy, chỉ để trở về ngày mai buôn bán, xin dự án, v.v. giành phần lợi về mình, vì thế mới chen chúc nhau. Và vì đua nhau nên đông một cách khủng khiếp.

“Cũng vì thế những người muốn đi đến nơi đó để thưởng thức thiên nhiên, thưởng thức sự thanh tịnh của cảnh vật, cái mà tôn giáo đem lại cho mình, thì người ta cũng không dám đi đến đó nữa vì đông nghẹt. Tôi thấy nhiều trí thức không đi đến đó nữa. Và tình trạng này hiện nay chưa giải quyết được.

“Tôi có nguyện vọng làm sao để người ta đỡ đốt hương, bớt vàng mã. Nói ví dụ các nhân vật trong các đền chùa ngày xưa làm gì có biết xem TV với đi ô tô mà người ta cũng đốt xuống.

“Rồi thậm chí những cái ấn vô nghĩa vì người ta không biết chữ Hán nên khắc lung tung, phải nói là lăng nhăng, thì cứ đóng ấn là người ta đến mua và tranh cướp nhau. Chỉ riêng chuyện đó cũng thấy tâm lý của dân tộc có nét gì đó thay đổi, mà lại là thay đổi không hay, cần phải dẹp.

“Riêng phần lễ tục này thì không thể dùng lệnh được mà phải làm thế nào để sự hiểu biết được nâng cao trong toàn xã hội thì tự nhiên cái đó sẽ được dẹp bỏ.

“Nếu không, với tình trạng này thì ở đâu cũng tắc nghẽn, không chỉ giao thông bị tắc nghẽn mà ngay đến chùa chiền an thanh cảnh vắng để thưởng thức cũng bị tắc nghẽn, không còn lối để cho sinh hoạt tâm linh đúng với ý nghĩa chân tịnh của nó nữa,” giáo sư Huệ Chi nói.

‘Nhìn bằng con mắt thị trường’

Một giáo sư dân tộc học không muốn được nêu tên nói với BBC Tiếng Việt rằng xưa nay không có chuyện chùa hay sư phát lộc theo kiểu như vậy và ông cho rằng nay các chùa chiền đang làm những việc mà ngày xưa không làm.

“Chuyện gây ra tranh cướp lộc như vậy là một điều không hay. Kỷ cương xã hội và văn hóa của ngày xưa nó đồng bộ trong một xã hội và văn hóa làng xã. Nhưng bây giờ xã hội đang bị giải thể về cấu trúc nên đã không còn mang ‎ nghĩa như ngày xưa. Nó đã bị pha trộn nhiều loại văn hóa khác nhau và những cái coi là truyền thống đã bị giảm sút.

“Đó là dấu hiệu của quá trình giải thể những gì quý giá của ngày xưa mà nay đang được nhìn nhận với con mắt thị trường. Mà như vậy thì không phải là tín ngưỡng”, giáo sư dân tộc học nói.

“Chính vì với cái nhìn thị trường như vậy nên với mỗi người được càng nhiều sẽ càng tốt, do vậy mới dẫn tới hiện tượng giành giật lộc Phật như người ta được chứng kiến ở Chùa Hương mới đây,” ông nói.

Đạo lý và sự tôn trọng

Không chỉ ở Chùa Hương mà đã xảy ra tình trạng hàng nghìn người cướp hoa tre và trầu cau sau khi việc dâng lễ kết thúc tại hội Gióng, được tổ chức vào ngày 6-8 tháng Giêng âm lịch tại đền Sóc, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

So sánh việc người đi hội Gióng cướp lộc với việc người đi hội Chùa Hương chen lấn giành giật lộc, nhà dân tộc học này cho rằng có sự khác biệt: “Một bên là tục lệ của làng còn một bên là nhà chùa lại đứng ra làm những việc không phải của mình, tức là hiện đại hóa tôn giáo,” ông nói.

Ngay cả là phong tục tập quán hay tục lệ của làng, xã, giáo sư Nguyễn Huệ Chi giải thích ngày xưa cũng có đạo lý và sự tôn trọng.

Riêng phần lễ tục này thì không thể dùng lệnh được mà phải làm thế nào để sự hiểu biết được nâng cao trong toàn xã hội thì tự nhiên cái đó sẽ được dẹp bỏ.Giáo sư Nguyễn Huệ Chi

Ông cho biết có những phong tục đã đi nào nếp sống của người dân và đưa ra ví dụ như lễ hội phồn thực, khi vãn hội là người ta tắt đèn và nam thanh nữ tú được tự do buông thả, để thả lỏng tình cảm của mình “và cái đó được gọi là thiên nhân hợp nhất, nó rất trong sáng, lành mạnh”, hay khi vãn lễ, oản được nhà chùa đem ra chia cho mỗi người một phần để hưởng lộc Phật, mỗi người được một ít mang về, nhưng người nào không được cũng không sao cả.

Giáo sư Huệ Chi nói: “Nó đã thành nền nếp. Ở đó có sự tôn trọng và có đạo lý, mình không được phép làm điều gì vi phạm tư cách con người. Hai nguyên tắc đó nó chi phối và nó tạo nên nét đẹp dân gian.

“Tôi ngày xưa lúc còn bé đi các lễ hội thì cũng có thấy tranh cướp nhưng sự tranh giành đó không gây nên sự tức giận, đến mức cào cấu nhau, ai không được thì cũng cười vui vẻ và nói là cố năm sau hy vọng sẽ được.

“Nhưng bây giờ lại khác, nếu tôi không giật được mà kẻ kia giật được thì có khi cái lộc đó nó thể hiện trong đời sống, nó sẽ không đến với tôi – người ta tin một cách thiển cận như vậy – vì thế nó trở thành tàn bạo, nó đẩy phong tục có giới hạn về đạo lý của ngày xưa thành ra mất giới hạn và thành tàn bạo với nhau.

“Nó đi cả vào trong đời sống tâm linh, gây nên sự bất bình thường khiến những người đứng ở cự ly xa hơn mà nhìn, hay những người còn giữ được chút thiện lương nhìn vào, thì người ta không thể chịu nổi.”

Sống lương thiện

Sống lương thiện cũng là điều nhà văn Vũ Thư Hiên được con gái, bà Vũ My Lan, lãnh đạo một doanh nghiệp ở Hà Nội, nhắc tới khi nói về người Việt. Trong một đăng cải trên Facebook cá nhân của mình so sánh cảnh đi chùa ở Đài Loan và chuyện xảy ra ở Chùa Hương vừa rồi, bà Vũ My Lan viết:

“Ngày mồng một Tết, nhân chuyến du lịch tới Đài Loan, gia đình mình tới Chùa Long Sơn Tự – ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng tại Đài Bắc để cầu bình an cho năm mới.

“Đúng như dự đoán, số lượng người tới lễ Chùa ngày đầu năm mới rất đông.

“Điều làm mình hết sức ngạc nhiên là cho dù cổng Chùa mở rộng nhưng người dân nơi đây không hề chen lấn, xô đẩy mà tự giác xếp theo hàng một để vào Chủa.

“Cũng chẳng thấy bóng dáng một anh cảnh sát hay bảo vệ nào bắt mọi người phải xếp hàng cả – người ta cứ tự giác đứng vào hàng, trên khuôn mặt mỗi người có thể thấy rõ cái cảm giác bình an, thư thái trong ngày đầu xuân mới.

“Một phụ nữ xếp hàng gần gia đình mình thỉnh thoảng lại tỏ ý muốn giúp đỡ khi thấy mẹ mình phải di chuyển bằng xe lăn. Chốc chốc lại có người hỏi thăm bà.

“Hôm nay xem cái video về khai hội Chùa Hương mà thấy vừa buồn và thương cho người dân mình quá! Ôi đất nước tôi! Ngay ở những chốn linh thiêng mà còn có tâm lý tranh cướp! Sư thầy trong cái video này cũng chẳng ra sao!

“Chợt nhớ tới câu của bố mình khi mấy bố con nói chuyện về cái sự “loạn” ở Việt Nam – “người Việt mình bây giờ cần học nhiều thứ nhưng trước hết là phải học sống lương thiện con ạ”.

“Lương thiện trong suy nghĩ và văn hoá trong hành xử – chỉ cần thế thôi mà sao khó có thế!”

‘Nó là từ hai phía’

Theo giáo sư Nguyễn Huệ Chi, ông cho là chính vị sư kia khi ném hình Phật có khi cũng không phải đã có ý thức là đang đưa một tín vật của nhà Phật tới cho đệ tử đâu và ông nói thêm: “Các nhà sư bây giờ được đào tạo cũng bị trần tục hóa, một số sư sãi chịu nhiều sự tác động nên không còn là một vị sư đúng tính cách của một nhà tu hành có phẩm hạnh như ngày xưa.

“Nó là từ cả hai phía – phía thiện nam tín nữ đến chùa và phía người tu hành – đều có sự thoái hóa và nó gặp nhau ở hiện tượng Chùa Hương vừa rồi và người ta thấy phản cảm.”

Người Việt mình bây giờ cần học nhiều thứ nhưng trước hết là phải học sống lương thiện.Nhà văn Vũ Thư Hiên

“Chính một số nhà sư cũng đem lại cho người ta quan niệm rằng cái phúc do nhà Phật phát ra là cái phúc thực dụng, chính vì vậy bản thân các nhà sư về phương diện đạo lý, đạo đức tôi không đánh giá cao trong thực tế đời sống tu hành hiện nay. Đây tôi nói là ở nửa phía Bắc mà tôi quan sát chứ nửa phía Nam thì thực tình tôi chưa biết nên không dám nói,” ông Huệ Chi nói.

Vẫn theo giáo sư Huệ Chi: “Đây là một biểu hiện của sự thoái hóa xuống cấp về phong tục và nó là điều không thể cưỡng lại được tại Việt Nam hiện nay.

“Vì chúng ta kiến tạo xã hội trên tinh thần đấu tranh giai cấp để xây dựng một xã hội bình đằng nhưng quên mất cái quan trọng là cái nhân văn, nhân bản, tức là cái tính người của con người, sự gắn bó với nhau trên tinh thần nhân ái của cả cộng đồng.”

Tính thực dụng

Giáo sư Huệ Chi giải thích: “Nền kinh tế hiện nay thực sự là một nền kinh tế Tư bản chủ nghĩa man dã, hoang sơ cho nên con người nhìn nhau là theo hướng tôi được, thì anh mất và tôi phải cố mà giành cho được, còn anh mất thì mặc anh.

“Vì vậy nó dần đi sâu vào quan hệ trong cộng đồng, và người ta mất dần đi cái gọi là sự nhường nhịn: mình có thể không được mà người được thì mình cũng vui lòng, hoặc là mình làm cho người hạnh phúc thì đó là hạnh phúc của mình.”

Theo giáo sư Huệ Chi do vậy trong bất kỳ hình thức sinh hoạt nào có chút dính đến tinh thần, tâm linh thì con người ta nay cũng mất đi sự hòa đồng, mất đi niềm vui nhường nhịn, mà chỉ cố gắng giành giật lấy phần được về mình.

“Đó là một nguy cơ hết sức lớn và nó thể hiện ra lễ hội cũng vậy thôi. Tôi cũng cho đây là một sự tha hóa thể hiện rõ ở tính thực dụng trong quan niệm về mục đích cuối cùng của việc tu hành: mình đi theo đời sống tâm linh để đạt được cái gì.

“Vì sự tha hóa đó nên cái thực dụng nó lấn át cái thanh tao. Thanh tao là để đạt được sự thanh thản trong tâm hồn và con người hướng đến lẽ sống sâu sa là tìm sự bình yên về tinh thần.

“Cái đó chính là cái mà Phật giáo và nhiều tôn giáo khác nhắm tới. Nhưng con người Việt Nam trở thành thực dụng cho nên khi đến chùa chiền, lễ hội thì ồn ào và có thói tục mà theo tôi nên làm thế nào để gạt bỏ, đó là đem hết tất cả mọi thứ tài lộc đến để cầu thần cầu Phật, mà chỉ cầu cho mình làm ăn phát tài để mà sống, để mà giành giật hạnh phúc ở giữa cõi trần, vì thế ngày nay người ta đi ào ạt,” ông Huệ Chi nói.

Nói về chuyện đi lễ cầu lộc đầu năm, một chủ doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh cũng chia sẻ suy nghĩ của ông:

“Cái Tết của người Việt mình nặng nề & kéo dài. Cả nửa tháng trước tết & hàng tháng sau tết mới đi vào ổn định cuộc sống. Trước tết thì mua sắm, biếu xén, sau tết thì lễ hội, cúng bái, cầu tài lộc (đặc biệt là ở phía Bắc) đến hết tháng Giêng luôn.

“Chẳng chịu làm ăn thì cầu, xin cũng thế, nghèo vẫn hoàn nghèo. Trời phật cũng chẳng giúp cho người lười chỉ muốn cúng bái mà giàu có,” ông nói.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-38898510

 

Hà Nội chi 4680 tỉ đồng bồi thường thiệt hại Formosa

Khoản tiền bồi thường cấp cho nạn nhân chịu tác động bởi thảm họa môi trường mà nhà máy thép Formosa gây nên tính đến nay tổng cộng 4680 tỷ đồng.

Bộ Tài Chính Việt Nam cho biết vào ngày hôm qua. Theo đó vào qúi 3 năm ngoái bộ này chi ra 3000 tỷ đồng và đợt thứ hai là 1680 tỷ đồng. Tổng số tiền chi ra để bồi thường cho ngư dân 4 tỉnh bắc Trung bộ gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên- Huế.

Trong đợt thứ nhất tỉnh Quảng Bình được nhận 1100 tỷ đồng, Hà Tĩnh 1 ngàn tỷ đồng, Quảng Trị 500 tỷ đồng và Thừa Thiên- Huế 400 tỷ đồng. Đợt thứ hai tỉnh Quảng Bình được 760 tỷ đồng, Hà Tĩnh 560 tỷ đồng, Thừa Thiên- Huế 200 tỷ đồng và Quảng Trị 160 tỷ đồng.

Có bảy nhóm đối tượng thuộc diện được bồi thường theo quyết định 1880 của thủ tướng Việt Nam ban hành hồi tháng 9 năm ngoái. Các đối tượng được cho phải gánh chịu tác động của thảm họa hóa chất độc mà nhà máy gang thép Formosa Hà Tĩnh thải thẳng ra biển giết chết cá và hải sản, gồm: khai thác hải sản, nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối, hoạt động kinh doanh thủy sản ven biển, dịch vụ hậu cần nghề cá, dịch vụ du lịch- thương mại ven biển, thu mua-tạm trữ thủy sản.

Vừa qua nhiều người trong các nhóm đối tượng vừa nêu tại một số địa phương thuộc phạm vi bốn tỉnh trong vùng chịu tác động biểu tình phản đối tình trạng thiếu công bằng, minh bạch và chậm trễ trong bồi thường do thảm họa môi trường mà Formosa gây nên kể từ tháng tư năm ngoái.

Công ty Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, đơn vị chủ quản nhà máy thép Formosa, thừa nhận gây nên thảm họa môi trường và trao cho chính phủ Việt Nam 500 triệu đô la để bồi thường cho nạn nhân bị tác động cũng như khắc phục tình trạng ô nhiễm biển.

http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/formosa-compensation-advanced-victims-02082017104141.html

 

Mã độc tấn công máy tính Việt Nam

Việt Nam là quốc gia đứng thứ hai tại khu vực Châu Á- Thái Bình Dương bị mã độc tấn công.

Đây là kết luận trong Báo cáo An Ninh Mạng do Microsoft công bố ngày hôm nay, 8 tháng 2.

Theo báo cáo của Microsoft thì trên thế giới có 5 nước đứng đầu về nguy cơ nhiễm mã độc; trong đó có hai nước tại khu vực Đông Nam Á là Việt Nam và Indonesia. Khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, đặc biệt những thị trường mới nổi, là nơi có những quốc gia gặp nguy cơ cao nhất về an ninh mạng.

Báo cáo nêu ra danh sách mã độc xuất hiện nhiều ở khu vực Châu Á- Thái Bình Dương gồm Gamarue- sâu máy tính cung cấp một điều khiển mã độc chiếm quyền trên máy tính người dùng, ăn cắp thông tin và thay đổi các thiết lập bảo vệ trên máy; Lodbak- dạng chương trình độc hại ngụy trang thường được cài dặt trên các ổ di động bị điều khiển bởi Gamarue, và luôn cố cài đặt Gamarue khi ổ đĩa bị nhiễm kết nối với máy tính; Dynamer, chương trình độc hại ngụy trang có thể ăn cắp các thông tin các nhân, tải thêm mã độc hoặc giúp các hacker truy cập vào máy tính

Báo cáo của Microsoft được thực hiện dựa trên phân tích các thông tin hiểm họa từ hơn 1 tỷ hệ thống khắp thế giới của Microsoft.

Thống kê do Tập đoàn công nghệ an ninh mạng Bkav đưa ra vào tháng qua cho thấy trong năm 2016 thiệt hại do vi rút máy tính gây ra đối với người tiêu dùng Việt Nam lên đến 10.400 tỷ đồng, vượt mức 8700 tỷ đồng ghi nhận được trong năm 2015

http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/vn-ranks-second-in-asia-as-malware-victims-02082017090257.html

 

Trung Quốc sẽ dùng ‘chiêu bài’ mới với Việt Nam?

Khách du lịch Trung Quốc tới Việt Nam năm 2016 “đông chưa từng có” trong bối cảnh có ý kiến cho rằng Bắc Kinh có thể sử dụng lợi thế này làm “lá bài”, “công cụ chính trị”, để “gây sức ép” lên Hà Nội.

Du khách tới Việt Nam từ quốc gia láng giềng phương Bắc năm ngoái đạt con số kỷ lục là gần 2,7 triệu người, đứng đầu số khách du lịch quốc tế tới Việt Nam năm ngoái, theo Tổng cục Thống kê Việt Nam. Con số trên chiếm khoảng 30% trong tổng số hơn 10 triệu du khách nước ngoài tới Việt Nam trong năm ngoái.

Ông Vũ Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Du lịch thuộc Tổng Cục Du lịch Việt Nam, cho VOA Việt Ngữ biết rằng một trong các nguyên nhân khiến du khách Trung Quốc tới Việt Nam nhiều đó là “quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã có nhiều chuyển biến rất là tốt đẹp trong năm vừa qua”.

Chị Hà Lê, một nhân viên tiếp thị tại một nhà hàng nhiều du khách Trung Quốc hay lui tới ở Nha Trang, cho biết rằng theo quan sát của chị, khách du lịch Trung Quốc áp đảo các du khách từ những nước khác.

Chị ví von rằng “nếu cùng người nhà đi lên một cái đảo [ở Nha Trang], người nhà mà bị lạc thì không thể tìm thấy vì nó quá đông [du khách Trung Quốc]”.

Chị nói thêm:

“Khách Trung Quốc mà, họ đi đến nước nào cũng thế, đi đến địa phương nào cũng thế, đều không nhận được sự chào đón của người dân. Cái cách hành xử, ăn uống thì nói chung không có ai chấp nhận được, nhưng mà chẳng qua nó đang mang tiền đến cho mình và mình là người kinh doanh. Ở đây, lúc trước Trung Quốc nó không có tới thì lượng khách Nga, đại khái là khách nước ngoài, thì họ cư xử văn minh hơn một chút”.

Hiệp hội Du lịch TP HCM năm ngoái đã đề xuất “việc có thể sẽ áp dụng hình thức xử phạt thật nặng với những du khách Trung Quốc có hành vi ngạo mạn, không tôn trọng phong tục tập quán, lịch sử văn hóa Việt Nam”, sau khi xảy ra tình trạng khách du lịch từ nước láng giềng “đốt tiền Việt” tại Đà Nẵng hay hành hung nhân viên hàng không Việt Nam.

Ông Daniel Meesak, một chuyên gia về du lịch Trung Quốc hiện làm việc ở Đài Loan, nói với VOA Việt Ngữ rằng, do ngành du lịch đóng vai trò lớn ở nhiều nước đang phát triển như Việt Nam, nên nếu Bắc Kinh ngưng số du khách này tới một nước nào đó thì nó sẽ gây ra nhiều xáo trộn.

Ông nói thêm:

“Trung Quốc hiện là thị trường du khách lớn nhất thế giới nên dĩ nhiên họ sẽ dùng lợi thế này để làm công cụ chính trị trong quan hệ với các nước láng giềng”.

Khi được hỏi rằng liệu ngành du lịch trong nước sẽ chịu tác động ra sao nếu quan hệ giữa hai nước xấu đi, dẫn tới việc Trung Quốc kêu gọi người dân nước này rút khỏi Việt Nam, hay ra khuyến cáo không tới nước này du lịch như từng làm sau các biến cố quanh giàn khoan dầu Hải Dương 981 xảy ra năm 2014, ông Nam nói:

“Tôi nghĩ rằng cũng không ảnh hưởng lớn. Tất nhiên là, khi một thị trường nào đó sụt giảm, không chỉ Trung Quốc mà Hàn Quốc, Nhật Bản mà cả Tây Âu, khi mà có sự sụt giảm, hoặc vì lý do nào đó về bệnh dịch gây ra sự sụt giảm, nó có ảnh hưởng tới sự phát triển chung của du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng một thị trường không thể ảnh hưởng nhiều. Chúng tôi luôn có các giải pháp cân bằng [thị trường]”.

Theo chuyên gia Meesak, một số nước ở châu Á như Đài Loan đã bắt đầu đa dạng hóa ngành du lịch, thay vì để cho du khách Trung Quốc thống lĩnh thị trường, nhằm tránh những hệ quả không hay trong những tình huống xấu.

Ông Frederick Burke từ tập đoàn luật đa quốc gia Baker & McKenzie ở TP HCM nói với VOA rằng Bắc Kinh dường như vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy nước này đẩy mạnh du lịch tới Việt Nam nhằm mưu tìm lợi thế chiến lược về mặt chính trị.

Ông nói thêm rằng Trung Quốc từng được biết đã sử dụng luồng du khách ra nước ngoài làm công cụ chính trị. “Nhưng chính phủ Việt Nam hiểu rằng nguy cơ như vậy chỉ là một phần nhỏ trong mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc cũng như các quyền lợi chính trị và ngoại giao lớn hơn”, ông Burke nói.

http://www.voatiengviet.com/a/tq-se-dung-chieu-bai-moi-voi-vn/3714452.html

 

Dự án nhà ở 100 triệu USD của Formosa gây bất an

Khánh An-VOA

Hôm 7/2, lãnh đạo Ban quản lý khu kinh tế Hà Tĩnh loan báo dự án của Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, cho xây một khu gia cư trị giá hơn 100 triệu đôla (3.150 tỷ đồng) ở thị xã Kỳ Anh, đã khiến một số người quan ngại về khả năng xuất hiện những khu “phố Tàu” trong tương lai.

Được biết dự án khu nhà ở “nghìn tỷ” của Formosa được thực hiện trên một diện tích rộng hơn 19 ha đất tại phường Kỳ Liên và Kỳ Phương thuộc thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, nơi được xem là đầu mối của thảm họa ô nhiễm biển ở các tỉnh miền Trung vào năm 2016.

Dự án sẽ bao gồm những ngôi nhà liền kề và hệ thống cơ sở hạ tầng như nhà trẻ, công viên cho trẻ em, siêu thị, công viên thể thao ngoài trời…

Báo Dân Trí trích lời một giới chức của Ban Quản lý dự án cho biết dự án đó là “nhằm tạo điều kiện cho cán bộ nhân viên yên tâm làm việc lâu dài, cũng như xây dựng gia đình, dễ dàng chăm sóc người nhà, giữ người tài an cư lập nghiệp ở Hà Tĩnh”.

Theo nguồn tin này, công ty Formosa đã xin phép xây dự án nhà ở, gồm ký túc xá hộ gia đình cho cán bộ và công nhân viên của công ty, và đã được chính quyền Việt Nam chấp thuận.

Ngay sau khi tin này được loan ra, một số người Việt Nam bày tỏ lo ngại về khả năng xuất hiện “tô giới” của người Trung Quốc tại khu Formosa.

Linh mục Đặng Hữu Nam, người từng sát cánh với các nạn nhân trong sự kiện ô nhiễm môi trường Formosa, bày tỏ nghi ngờ về đối tượng sẽ được thuê nhà là các công nhân của Formosa, cũng như những lo ngại về thông tin liên quan đến công nhân Trung Quốc xuất hiện ngày càng nhiều tại Việt Nam. Ông nói:

“Dù là quan chức (Việt Nam), khi sự kiện ô nhiễm môi trường xảy ra, họ cũng không được vào khu vực của Formosa. Đó đã trở thành tô giới của Tàu. Cũng có rất nhiều thông tin như đường hầm, có bằng chứng hơn 10.000 người là công nhân của Tàu được đưa đến làm việc tại Formosa… Rồi những thông tin mà chúng ta thấy được là những tội phạm người Trung Quốc người ta đưa sang để lao động tại Formosa. Và cũng có thể đó là những người mà ban ngày là công nhân, ban đêm là lính như ở Tân Rai, Bauxite Tây Nguyên mà chúng ta có một vài lần có thể kiểm chứng được điều đó”.

Dự án nhà ở của Formosa có thời gian hoạt động là 50 năm kể từ ngày được cấp quyết định chủ trương đầu tư.

http://www.voatiengviet.com/a/du-an-nha-o-100-trieu-usd-cua-formosa-gay-bat-an/3710165.html

 

Việt Nam thành ‘thủ phủ tôm’ thế giới?

Khánh An-VOA

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc hôm 6/2 đã đề ra mục tiêu biến Việt Nam thành “thủ phủ tôm” của thế giới với kim ngạch xuất khẩu đạt 10 tỷ đôla vào năm 2025. Một chuyên gia kinh tế kỳ cựu của Việt Nam cho rằng mục tiêu này tuy “cao” nhưng khả thi nếu Việt Nam áp dụng những “cải tiến mạnh mẽ”.

Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, Việt Nam đề ra mục tiêu cao về xuất khẩu tôm là nhằm thích ứng với tình trạng xâm nhập mặn đáng báo động hiện nay ở những khu vực được xem là vựa lúa của Việt Nam. TS. Lê Đăng Doanh cho rằng cách thức biến “nguy” thành “cơ” này là khả thi nếu Việt Nam quyết tâm thực hiện những cải tiến mạnh mẽ và thay đổi chính sách. Ông nói:

“Mục tiêu của thủ tướng đề ra có thể là cao, nhưng nếu như có những biện pháp tổ chức và chính sách đúng đắn, tôi nghĩ đây cũng là biện pháp có thể khả thi”.

Phát biểu tại Hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam ở Cà Mau hôm 6/2, ông Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quyết tâm đưa ngành tôm trở thành “ngành mũi nhọn” với mục tiêu biến đồng bằng sông Cửu Long trở thành “thủ phủ” ngành tôm, tiến tới việc nuôi trồng và chế biến tôm đạt tiêu chuẩn thế giới nhằm đạt được mục tiêu chiếm 10% GDP của cả nước vào năm 2025.

Tôm xuất khẩu của Việt Nam lâu nay thường bị kẹt lại ở cửa khẩu của một số nước nhập khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, Nhật… vì bị phát hiện bơm các tạp chất vào nhằm tăng trọng lượng tôm.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Phúc được các báo Việt Nam dẫn lời nói sẽ “tuyên chiến” với những hành vi bơm chì, hóa chất, tạp chất vào tôm để trục lợi.

TS. Lê Đăng Doanh thừa nhận tình trạng này đã làm “mất tín nhiệm” của tôm Việt Nam trên thị trường thế giới:

“Có một điều kỳ lạ là những tạp chất, thủ thuật đó lại qua được hàng rào kiểm soát của Việt Nam. Trong khi đó, Nhật Bản, Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ lập tức phát hiện ra ngay, gây mất tín nhiệm đối với tôm Việt Nam”.

TS. Lê Đăng Doanh nói sự rút lui của Hoa Kỳ khỏi Hiệp định Thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng là một yếu tố bất lợi đối với xuất khẩu tôm của Việt Nam. Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm 23% trong kim ngạch xuất khẩu đạt 520,2 triệu đôla trong 9 tháng đầu năm 2016 của Việt Nam. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế của Việt Nam cho rằng để đạt được mục tiêu đề ra, ngoài việc “tuyên chiến” với những thủ thuật xấu, Việt Nam cần phải thực hiện những cải tiến cụ thể:

“Trước hết, ngành tôm Việt Nam phải cải tiến mạnh mẽ phương thức nuôi tôm, xem xét mô hình nuôi tôm như thế nào cho phù hợp. Về mặt chính sách, chính phủ sẽ nới rộng hạn miền, tức giới hạn tối đa mà doanh nghiệp có thể có để nuôi tôm, để không có hạn chế về mặt pháp lý đối với những doanh nghiệp kinh doanh lớn. Điều cuối cùng, Việt Nam hiện nay chủ yếu vẫn xuất khẩu tôm đông lạnh, tức ở dạng thô. Việt Nam có thể tiến tới xuất khẩu tôm dưới dạng chế biến sâu hơn như tôm bao bột, tôm tempura, để xuất khẩu sang các thị trường khác. Và cần làm những việc khác như đăng ký nhãn hiệu, thiết lập các chuỗi giá trị, liên kết với các nhà nhập khẩu tôm trên thế giới…”

Tin cho hay Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa cho biết tôm nhập khẩu từ Việt Nam sẽ tiếp tục bị áp thuế chống bán phá giá trên thị trường Mỹ và mức thuế cụ thể sẽ được công bố trong tháng này. Kết luận trên được DOC đưa ra trong đợt xem xét 5 năm lần thứ hai về thuế chống bán phá giá đối với tôm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam.

http://www.voatiengviet.com/a/muc-tieu-bien-vn-thanh-thu-phu-tom-the-gioi-co-kha-thi/3710136.html