Tin Việt Nam – 08/01/2020
Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải
bị đề nghị thi hành kỷ luật
Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa có đề nghị Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, nguyên Phó thủ tướng vì những vi phạm trong dự án mở rộng sản xuất ở Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO II).
Đề nghị này được đưa ra sau kỳ họp 42 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương từ ngày 3 đến 8 tháng 1.
Trước đó, tại kỳ họp 41 vào đầu tháng 12/2019, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đề nghị xem xét kỷ luật ông Hoàng Trung Hải vì trong thời gian làm Phó thủ tướng đã “có vi phạm, khuyết điểm khi cho một số ý kiến chỉ đạo đối với dự án TISCO II”.
Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đưa ra hồi tháng 12 cho biết những sai phạm của Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng Công ty Thép Việt Nam trong dự án TISCO II đã “gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thiệt hại lớn tiền và tài sản của nhà nước, nhiều cán bộ, đảng viên liên quan bị xử lý hình sự, gây bức xúc trong xã hội”.
Liên quan đến dự án TISCO II, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật khai trừ Đảng đối với các ông: Mai Văn Tình, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐQT; Đậu Văn Hùng, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam.
Ngoài ra, còn có 4 cựu lãnh đạo khác của Công ty gang thép Thái Nguyên bị khai trừ đảng.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đồng thời cũng cảnh cáo các ông Văn Trọng lý, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Nguyễn Văn Tài, nguyên Hàm vụ trưởng Văn phòng Chính phủ; Đỗ Cảnh Dương, Tổng cực trưởng Tổng cục Địa chất và khoáng sản thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, nguyên cán bộ Văn phòng Chính phủ.
4 cá nhân khác bị khiển trách gồm ông Nguyễn Hữu Vũ, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Đặng Thúc Kháng, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐQT; Lê Phú Hưng, nguyên Phó bí thư Đảng ủy, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam.
“Xử lý Hoàng Trung Hải là đụng đến vấn đề cán bộ
do Trung Nam Hải quản lý”: Nhà quan sát
Hai ngày sau khi có tin Bí thư Hà Nội, cựu phó thủ tướng Hoàng Trung Hải bị xem xét để kỷ luật, một nhà quan sát kỳ cựu đưa ra nhận định việc kỷ luật ông Hải là đụng đến Trung Quốc.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải có những vi phạm trong thời gian làm Ủy viên Ban Cán sự đảng, Phó thủ tướng chính phủ khi chỉ đạo dự án Gang Thép Thái Nguyên II (TISCO II). Những vi phạm này cần phải xem xét kỷ luật.
Đây là kết luận của Ủy Ban Kiểm Tra Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam đưa ra tại kỳ họp thứ 41 từ ngày 4 đến 6 tháng 12 vừa qua và được truyền thông trong nước loan đi vào ngày 9 tháng 12.
Theo đó thì ông Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính Trị, Bí Thư Thành Ủy Hà Nội, trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ đã có vi phạm, khuyết điểm khi cho một số ý kiến chỉ đạo đối với dự án TISCO II.
Ông Hải làm phó thủ tướng phụ trách kinh tế ngành từ tháng 8 năm 2007 đến tháng 4 năm 2016.
Việc ông Hải, đương kim Bí thư Thành ủy Hà Nội bất ngờ bị lật lại sai phạm thời còn làm phó thủ tướng từ hơn ba năm trước làm dấy lên suy đoán rằng ông này sẽ có kết cục tương tự cựu Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Đinh La Thăng, người đang thụ án tổng cộng 30 năm tù vì những sai phạm thời ông làm lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia.
Hôm 11/12, nhà báo tự do Phạm Thành, tức blogger Bà Đầm Xòe, nói với RFA:
“Trước hết tôi thấy một sự khác biệt. Ông Đinh La Thăng, dưới quan điểm của tôi, ông ấy có tinh thần chống sự ảnh hưởng của Tàu Cộng đối với vấn đề của Việt Nam nói chung. Còn Hoàng Trung Hải là tay trong của Tàu Cộng, được cài cắm vào trong lãnh đạo Việt Nam có mục tiêu phá hoại kinh tế Việt Nam và bằng mọi cách làm suy yếu nước Việt Nam, để Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào Tàu Cộng.”
“Còn sự giống nhau thì họ đều là hai quan chức Cộng sản, họ làm gì thì đều theo chủ trương đường lối của Đảng hết. Và họ là những người nằm trong tổ chức mà với tôi bây giờ thấy là tổ chức này không có mục đích kiến tạo cho Việt Nam ngày một phát triển về kinh tế cũng như về tiến bộ xã hội.”
Cựu nhà báo từng công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam và là tác giả cuốn sách “Nguyễn Phú Trọng: Thế thiên hành đạo hay đại nghịch bất đạo” nhận định rằng “về mặt tội đồ thì hai ông này như nhau nhưng mà mục tiêu thì mỗi người có một nét riêng”.
Ông Phạm Thành lý giải về việc đưa cáo buộc ông Hoàng Trung Hải “liên quan đến Trung Quốc”:
“Trước hết, ông Hoàng Trung Hải có một lý lịch, bố ông ấy là người Tàu. Ngày xưa, đã có rất nhiều người phản đối khi đưa ông Hoàng Trung Hải lên bộ trưởng Bộ Công nghiệp. Khi đó, rất nhiều cựu chiến binh tố cáo ông Hải, một là nhân thân có bố là người Tàu, khi chết chôn ở tỉnh Thái Bình. Hai là các cán bộ cao cấp thời đó đã phản đối nhưng ông Hải được sự nâng đỡ của ông Nông Đức Mạnh nên vẫn giữ chức bộ trưởng.”
“Tôi nắm được tư liệu này là vì khi ấy tôi còn làm ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Một trợ lý của ông Nông Đức Mạnh đã mang tài liệu đó đến cho tôi cũng như nhiều nhà báo khác của Đài Tiếng nói Việt Nam, các nhà báo khác trong hệ thống báo chí nhà nước. Nhưng mà vụ việc, các đơn tố cáo bị chìm xuồng. Các nhà báo thì không ai dám lên tiếng cả.”
“Bây giờ thì có thể nhìn vào hồ sơ mà Ủy ban trung ương vừa kết luận, ông này là chuyên gia kiến tạo để nhằm tất cả nguồn điện than vào Việt Nam mà thế giới người ta bỏ đi, Trung Quốc cũng bỏ đi, thế nhưng ông Hải vẫn đứng ra chủ trì để đưa nhiệt điện phế thải của Trung Quốc vào Việt Nam.”
Ông Phạm Thành nhắc lại hậu quả mà các báo nhà nước Việt Nam tường thuật rằng dự án Gang Thép Thái Nguyên “đã có trên 8.100 tỷ đồng đầu tư mấy chục năm nay, cuối cùng thành bãi thải rác” và “rất nhiều dự án nhiệt điện khác do ông Hải khi còn ở cương vị phó thủ tướng đưa về”.
Bây giờ thì có thể nhìn vào hồ sơ mà Ủy ban trung ương vừa kết luận, ông này là chuyên gia kiến tạo để nhằm tất cả nguồn điện than vào Việt Nam mà thế giới người ta bỏ đi, Trung Quốc cũng bỏ đi, thế nhưng ông Hải vẫn đứng ra chủ trì để đưa nhiệt điện phế thải của Trung Quốc vào Việt Nam. – Nhà báo Phạm Thành
Ông Phạm Thành cũng đề cập chuyện blogger, nhà báo tự do Lê Anh Hùng “từng viết tố cáo ông Hoàng Trung Hải ‘làm tay trong của Trung Quốc’ từ hàng chục năm nay mà không ai xử lý”.
Đề cập về mối liên hệ giữa việc ông Hoàng Trung Hải sắp bị đảng Cộng sản Việt Nam xử lý kỷ luật và chuyện đấu đá phe phái trước Đại hội Đảng 13, ông Phạm Thành nói:
“Đại hội nào chẳng có đấu đá phe cánh, đương nhiên phe cánh này loại phe cánh kia. Tôi thấy rằng việc đưa được Hoàng Trung Hải ra để xử lý như vậy không biết tới đâu, nhưng nếu làm triệt để thì cũng là dấu hiệu tốt.”
“Bởi vì cái sự nguy hiểm của Hoàng Trung Hải là âm thầm, phá hoại cơ sở hạ tầng mạnh hơn những người khác. Nên nếu mà xử lý được, tống tù ông ta như Đinh La Thăng thì quá tốt. Nhưng mà tôi sợ rằng họ cũng chỉ làm tới mức đó thôi. Vì xử lý Hoàng Trung Hải là đụng đến vấn đề cán bộ do Trung Nam Hải quản lý. Nên việc này là rất khó. Người dân vui và hy vọng, những người có tư tưởng thoát Tàu cũng vui và đang chờ xem các phe phái đấu nhau thế này là đi tới đâu. Bắt Hoàng Trung Hải vào tù là dấu hiệu tốt, cũng có thể là tín hiệu tốt trong việc giữ gìn độc lập và thoát Trung. Chúng ta còn phải chờ xem.”
Từ một góc độ khác, Luật sư Trần Quốc Thuận, cựu Phó chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội, nói với RFA hôm 12/12 về việc ông Hoàng Trung Hải sắp bị kỷ luật:
“Cái thứ nhất là việc chống tham nhũng không có vùng cấm. Người nào, bất cứ cương vị nào mà có sai phạm thì đều bị xử, không có loại trừ. Cũng không xử nội bộ mà xử công khai. Nghị quyết của Đảng cũng nói rằng sai phạm của một bộ phận không nhỏ, kể cả cấp quản lý, lãnh đạo bên trên.”
“Cái thứ hai là việc [ông Hoàng Trung Hải ]đã nghỉ rồi, tức là cái việc xảy ra cách đây ba bốn năm thì đã có tiền lệ rồi. Xử một số ông bộ trưởng, rồi xử ông Đinh La Thăng cũng nguyên là Bộ Chính trị. Cho nên cái này không có gì mới. Về ông Đinh La Thăng thì có khác một chút là khi Ban Chấp hành trung ương đã cách chức ra khỏi Bộ Chính trị rồi, sau đó thì mới khởi tố. Còn bây giờ ông Hoàng Trung Hải đương là Bộ Chính trị, đương chức, bị đề nghị kỷ luật. Gần đây có những văn bản quy định pháp luật trong nội bộ mà tôi cũng không nắm được. Thường thì những người đương là Bộ Chính trị mà việc bị xử lý kỷ luật là của Ban Chấp hành trung ương. Còn bây giờ Ban Chấp hành trung ương đã ủy quyền cho Bộ Chính trị thì cái đó có một số văn bản không công khai thì tôi không nắm được.”
Đề cập về cáo buộc ông Hoàng Trung Hải “có yếu tố cài cắm liên quan đến Trung Quốc”, Luật sư Trần Quốc Thuận cho biết rằng “người ta nói lâu rồi nhưng cái kỳ thị sắc tộc thế là âm mưu sai lầm”.
Ông giải thích:
“Bố ông Hoàng Trung Hải là người Việt gốc Hoa, tham gia kháng chiến thời chống Pháp. Sau thì con ông ấy lại tiếp tục tham gia cách mạng, hoạt động rồi trưởng thành như thế thì cũng là bình thường chứ không phải là người mới tinh hay là người Hoa mới nhập tịch Việt Nam. Đó là câu chuyện khác. Tôi có nghe bố ông Hải là thiếu tướng, sau đó ông Hoàng Trung Hải là con rồi trưởng thành lên. Cho nên nếu như vậy mà nói cài cắm thì lộ quá.”
Không bàn luận sâu về mối liên quan giữa vụ việc của ông Hoàng Trung Hải và đấu đá phe phái trước Đại hội Đảng 13, nhưng Luật sư Trần Quốc Thuận nói rằng “thực tế là có hiện tượng như thế nhưng có sai phạm và có chứng cứ rõ ràng thì mới xử được, như vậy phải chăng là có phe chống tiêu cực và phe tiêu cực” và “cũng có thể là có câu chuyện ấy nhưng đâu phải là do mình dựng lên và muốn xử ai cũng được”.
Trong cùng vụ việc TISCO II, các ông Văn Trọng Lý, Nguyễn Hữu Vũ- cùng là nguyên phó Chủ nhiệm Văn Phòng Chính Phủ; ông Nguyễn Văn Tài-nguyên phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế ngành; ông Đỗ Cảnh Dương-Tổng cục trưởng Tổng Cục Địa Chất và Khoáng Sản, Bộ Tài nguyên- Môi trường, nguyên cán bộ Văn Phòng Chính Phủ có vi phạm, khuyết điểm trong tham mưu lãnh đạo Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo đối với dự án TISCO II.
Dự án TISCO II được phê duyệt vào năm 2005 với tổng vốn hơn 3.800 tỷ đồng (tương đương hơn 240 triệu đô la Mỹ). Dự án này có 2 gói thầu chính: gói thầu mỏ sắt Tiến Bộ đã hoàn thành và đưa vào sử dụng với giá trị thánh toán trên 220 tỷ đồng; gói thầu EPC dây chuyền công nghệ luyện kim được tổ chức đấu thầu và Tập đoàn Xây lắp luyện kim Trung Quốc MCC trúng thầu với giá hơn 160 triệu đô la Mỹ.
Theo kết luận thanh tra toàn diện về dự án TISCO II của Thanh Tra Chính phủ Hà Nội thì TISCO điều chỉnh sai qui định từ 3.800 tỷ đồng lên trên 8.100 tỷ đồng. Đến năm 2013 MCC và các nhà thầu dừng thi công dự án; đến nay một số thiết bị gỉ sét, hư hỏng ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ, chất lượng dự án, thiệt hại vốn đầu tư.
Vào tháng 4 năm nay, Cơ quan Cảnh sát Điều Tra Bộ Công an Việt Nam thông báo đã khởi tố vụ án về tội ‘vi phạm qui định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng và vi phạm về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí’. Thông báo được đưa ra khi điều tra mở rộng 4 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật tại dự án TISCO II.
Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên là một trong 12 dự án ngàn tỷ bị cho là yếu kém của ngành Công Thương Việt Nam đến nay vẫn chưa thể giải quyết.
Ông Lê Thanh Hải
bị xem xét kỷ luật liên quan vụ Thủ Thiêm
Nguyên Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, ông Lê Thanh Hải bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét đề nghị kỷ luật vì những sai phạm trong dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Thủ Thiêm được chính quyền TP. HCM giải tỏa từ năm 2002 để xây khu đô thị mới, khiến khoảng 15.000 hộ dân phải di dời. Tuy nhiên hàng trăm hộ dân tại đây đến giờ vẫn đi khiếu kiện ra trung ương vì cho rằng việc giải tỏa, đền phù không hợp lý, không đúng chủ trương của Chính phủ.
Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương sau kỳ họp 42 từ ngày 3 đến 8 tháng 1 cho rằng Ban Thường vụ Thành Ủy và Ban cán sự Đảng UBND TP. HCM mà đứng đầu là ông Lê Thanh Hải đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong quá trình thực hiện dự án đầu tư Khu đô thị mới Thủ Thiêm, gây hậu quả nghiêm trọng, làm thiệt hại lớn tiền và tài sản của Nhà nước. Kết luận cho rằng những sai phạm này đã ảnh hưởng xấu đến phát triển kinh tế – xã hội và đời sống một bộ phận nhân dân thành phố, gây bức xúc trong xã hội.
Ông Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy được xác định phải chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành ủy.
Ngoài ông Lê Thanh Hải, còn có 5 lãnh đạo cấp cao khác của thành phố bị xác định có sai phạm.
Trong số này có ông Lê Hoàng Quân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch UBND thành phố; ông Nguyễn Văn Đua, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, nguyên Phó chủ tịch UBND thành phố; ông Vũ Hùng Việt, nguyên Phó chủ tịch UBND thành phố.
Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng vi phạm của Ban Thường vụ Thành ủy nhiệm kỳ 2010 – 2015, và Ban cán sự Đảng UBND thành phố nhiệm kỳ 2011 – 2016 và các cá nhân được nêu tên đã ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền thành phố, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét kỷ luật.
Gia Lai: bắt giữ ba cán bộ
làm giả hồ sơ chiếm đoạt tiền ngân sách
Công an tỉnh Gia Lai vào ngày 8/1 vừa tiến hành đọc lệnh bắt tạm giam và khám xét phòng làm việc của ông Nguyễn Hồng Lam chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai để điều tra về tội “tham ô tài sản”.
Ngoài ông Lam, công tỉnh Gia Lai còn bắt tạm giam hai cán bộ khác là ông Nguyễn Xuân Tứ chánh văn phòng Hội đồng Nhân dân – Ủy ban Nhân dân huyện Đức Cơ và ông Nguyễn Đông Dương chuyên viên phòng Tài chính – Kế hoạch huyện Đức Cơ cùng với tội danh như ông Lam.
Theo công an tỉnh Gia Lai, ông Nguyễn Hồng Lam khi còn đảm nhiệm chức Trưởng phòng Tài chính Kế Hoạch huyện Đức Cơ đã cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý, sử dụng ngân sách, tạo điều kiện cho ông Nguyễn Xuân Tứ khi đó là Phó phòng Tài chính Kế hoạch chiếm đoạt với số tiền lên tới hơn 520 triệu đồng.
Ông Nguyễn Xuân Tứ lợi dụng chức vụ quyền hạn ký ban hành quyết định 1827 sai quy định để chiếm đoạt tiền ngân sách với mục đích cá nhân. Ông Nguyễn Đông Dương chuyên viên phòng Tài chính Kế hoạch huyện dù biết việc xuất ngân sách là sai quy định nhưng vẫn ký lệnh chi tiền khiến nhà nước thất thoát ngân sách.
Theo báo Tiền Phong đưa tin vào ngày 9/1/2012 Ủy ban Nhân dân huyện Đức Cơ ra quyết định số 42 về việc xuất ứng ngân sách huyện cho Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư huyện để chi trả thanh lý cây cao su, giao đất tái định cư cho các hộ gia đình nằm trong khu vực giải tỏa mặt bằng để xây dựng mở rộng nghĩa trang liệt sĩ Đức Cơ.
Tuy nhiên, quyết định số 42 này được thanh tra tỉnh Gia Lai cho rằng không đúng theo quy định và từ đó mới có quyết định xuất ngân sách số 1827 ngày 9/8/2018 của Ủy ban Nhân dân huyện Đức Cơ gây thất thoát ngân sách.
Người Việt bị tù và phạt hơn 770 triệu đồng
vì giết và ăn thịt chó ở Đài Loan
Nhóm 16 người Việt Nam làm việc tại quận Phong Nguyên, thành phố Đài Trung, Đài Loan đã bị phạt tổng cộng hơn 770 triệu đồng, trong đó có 2 người bị tuyên án tù tới 40 ngày vì đã giết và ăn thịt một con chó.
Taiwan News loan tin hôm 7/1 cho biết 4 người đàn ông Việt Nam trong nhóm đã bắt một con chó mực và giữ lại trong ký túc xá của một nhà máy xử lý nước ở Đài Trung, nơi những người này làm việc. Hôm 25/10/2018, 4 người đàn ông đã giết con chó làm bữa ăn cho 12 công nhân Việt Nam khác.
Cảnh sát Đài Loan và giới chức bảo vệ động vật nước này đã có mặt ở bếp của ký túc xá sau khi nhận được thông tin tố cáo hành vi. Cơ quan chức năng đã thu giữ phần thịt chó còn lại, đầu con chó, một con dao, và bình xịt lửa bằng ga để thui chó.
Hai người trong nhóm là Giap Van Hong (53 tuổi) và Nguyen Van Nang (37 tuổi) bị nói đã nhận tội và phải đóng phạt 200 ngàn Đài tệ (hơn 150 triệu đồng). Hai người đàn ông Việt Nam còn bị án tù lần lượt 40 và 30 ngày vì vi phạm Luật Bảo vệ Động vật của Đài Loan.
Hai người tham gia giết chó khác là Nguyen Quang Vu và Vu Van Truyen hiện vẫn đang bỏ trốn
Những người ăn thịt chó còn lại trong nhóm bị buộc đóng phạt mỗi người 50 ngàn Đài tệ (hơn 38 triệu đồng) khiến tổng số tiền phạt của cả nhóm lên tới hơn 770 triệu đồng.
Báo Đài Loan cho biết 16 công nhân Việt Nam đã được người môi giới lao động thông báo rằng việc giết và làm thịt chó bị cấm ở Đài Loan.
Luật Bảo vệ Động vật của Đài Loan được sửa đổi vào giữa năm 2018 quy định cấm việc giết và ăn thịt chó, mèo, và tăng mức xử phạt những trường hợp vi phạm.
Nga xác nhận 8 người Việt Nam bị thiệt mạng
trong vụ cháy ở Moscow
Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga xác nhận 8 thi thể được tìm thấy trong vụ cháy tại Moscow hôm 7/1 là người quốc tịch Việt Nam và không đăng ký cư trú ở Nga.
Truyền thông trong nước vào ngày 8/1 dẫn nguồn từ Thông tấn xã Việt Nam tại Moscow cho biết quyền Thứ trưởng Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga Anatoly Suprunovsky đã lên tiếng xác nhận như vừa nêu.
Ông Anatoly Suprunovsky cũng xác nhận nguyên nhân gây ra hỏa hoạn tại khu nhà kính trồng rau ở làng Nesterovo, quận Ramensky trong lúc các nạn nhân đang làm việc là do chập điện và cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án hình sự cũng như tiến hành khám nghiệm hiện trường.
Vụ cháy xảy ra vào lúc 5 giờ sáng, giờ địa phương hôm 7/1 ở phía Đông thủ đô Moscow và lan rộng trên diện tích 240 m2. Đám cháy được dập tắt hoàn toàn sau 8 giờ đồng hồ.
Thông tấn xã Việt Nam dẫn nguồn tin từ Cảnh sát Nga cho biết 8 người thiệt mạng gồm 1 phụ nữ và 7 người đàn ông. Một phụ nữ khác bị bỏng nặng và được đưa đến bệnh viện điều trị.
Truyền thông trong nước dẫn nguồn từ Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết đã yêu cầu Đại sứ quán Việt Nam tại Nga tiếp tục liên lạc với cơ quan chức năng của Nga để cập nhật thông tin cũng như sẵn sàng các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết.
Nhà cầm quyền Hà Nội
phá sóng điện thoại, internet ở Đồng Tâm
Tin Vietnam.- Ngày 7 tháng 1 năm 2020, facebook Phạm Minh Vũ cho biết, tối ngày 6 tháng 1, nhà cầm quyền Hà Nội đã thực hiện phá sóng điện thoại, và internet ở khu vực cánh đồng Sênh, nơi mà người dân Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội đang quyết tâm giữ đất khiến người dân không thể liên lạc ra bên ngoài.
Tiếp đến, sáng ngày 7 tháng 1, lực lượng bộ đội đặc công Cộng sản đã sử dụng súng ống đứng trấn giữ trước trường huấn luyện sỹ quan đặc công, nơi giáp ranh với cánh đồng Sênh. Đây được xem là điều bất thường của phía quân đội Cộng sản. Ngoài ra, nhà cầm quyền còn huy động những vũ khí khác như máy
phát tiếng ồn có công suất phá thủng màng nhỉ để trấn áp người dân giữ đất. Hành động trên của nhà cầm quyền Cộng sản đã khiến cho dưa luận mạng xã hội mấy ngày nay luôn nóng lòng hướng về đồng tâm. Nhiều người lo lắng nhà cầm quyền sẽ thực hiện đàn áp người dân, cướp đất vào ban đêm nên trên mạng liên tục có những lời cảnh báo SOS, kêu gọi mọi người hướng về Đồng Tâm “đêm nay”. Họ sợ rằng, sẽ có đổ máu xảy ra ở Đồng Tâm. Dân oan Trịnh Bá Tư viết trên facebook rằng, nhà cầm quyền đang dùng kế “căng thẳng”, chiến tranh tâm lý đối với bà con Đồng Tâm.
Còn dân oan Trịnh Bá Phương ở Dương Nội, thành phố Hà Nội cho biết, trước những căng thẳng ở Đồng Tâm, nhà cầm quyền đã cử thêm nhiều an ninh đi trên 1 xe hơi và 4 xe gắn máy đến canh nhà anh vì anh đưa nhiều tin về vụ Đồng Tâm. Nhà cầm quyền Cộng sản có những hành động xem dân như kẻ thù, quyết tâm cướp kế sinh nhai của nông dân Đồng Tâm khiến nhiều người không khỏi phẫn nộ.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/nha-cam-quyen-ha-noi-pha-song-dien-thoai-internet-o-dong-tam/
Vietnam Airlines điều chỉnh đường bay
tránh xa không phận Iran & Iraq
Giữa căng thẳng tại Trung Đông đang diễn ra sau khi Iran phóng tên lửa đạn đạo vào căn cứ quân sự Mỹ ở Iraq, Vietnam Airlines hôm 8/1 cho biết hãng sẽ chuyển hướng các chuyến bay từ Việt Nam đi Châu Âu tránh xa các khu vực có khả năng chịu ảnh hưởng.
Đại diện Vietnam Airlines cho biết thông tin trên mục đích nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hành khách và hoạt động khai thác của hãng.
Theo lịch, các chuyến bay đang khai thác của VNA đi Châu Âu mặc dù không bay qua không phận Iran và Iraq nhưng để đảm bảo tuyệt đối an toàn hãng vẫn tiếp tục điều chỉnh các đường bay tránh xa khu vực có thể bị ảnh hưởng.
Việc điều chỉnh này theo VNA cho biết sẽ khiến chi phí phát sinh lớn vì thời gian bay sẽ bị kéo dài hơn nhưng VNA sẽ vẫn điều chỉnh đến khi tình hình căng thẳng ở Trung Đông kết thúc.
Theo hãng tin Reuters, một vài hãng hàng không Mỹ cũng đã thông báo điều chỉnh đường bay trong ngày 8/1 sau khi Cục hàng không Liên bang ra lệnh cấm các hãng hàng không Mỹ bay qua khu vực đang căng thẳng trên.
Cũng trong ngày, hãng tin AP cho biết các hãng hàng không thương mại khác như Air France, Australia, Malaysia Airlines, Singapore Airlines… đều đã ngừng tất cả các chuyến bay qua không phận Iran và Iraq.
Hãng bay của Đức-Lufthansa cũng cho biết đã hủy các chuyến bay từ Franfurt đến Tehran vào 8/1 và các chuyến bay khác vào ngày 11/1.
Cục hàng không Nga cũng thông báo tất cả các hãng hàng không Nga đều điều chỉnh chuyến bay tránh không phận Iran, Iraq, vịnh Persian và vịnh Oman.
Tuy nhiên, hãng hàng không Qatar cho hay các chuyến bay của hãng này đến Iraq vẫn đang hoạt động bình thường. Buta Airway, một hãng hàng không giá rẻ của Azerbaijani cũng cho biết hôm 8/1 rằng hãng chưa có kế hoạch hoãn hoặc điều chỉnh các chuyến bay hàng ngày giữa Baku và Tehran.
Thung lũng Silicon Đà Nẵng – Liệu có khả thi?
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc hôm 7 tháng 1 năm 2020 ký quyết định thành lập Khu Công nghệ Thông tin (CNTT) Tập trung tại Thành phố Đà Nẵng, nơi được kỳ vọng là “Thung lũng Silicon Đà Nẵng”.
Theo quy hoạch, Dự án Khu Công nghệ thông tin Đà Nẵng sẽ trở thành một trong những cộng đồng phát triển CNTT tầm cỡ của Châu Á, cung cấp những dịch vụ và nguồn nhân lực tốt nhất. Đồng thời, dự án này được kỳ vọng sẽ trở thành một cộng đồng công nghệ thông tin theo mô hình của Thung lũng Silicon tại Hoa Kỳ hay Khu công nghệ cao Hsinchu tại Đài Loan.
Khó khăn
Ông Nguyễn Tử Quảng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghệ BKAV nhận định chuyện này là khó vì cần rất nhiều yếu tố, bởi thực tế ở Việt Nam đã có một số khu CNTT tập trung rồi, nhưng hơn chục năm qua cũng chỉ đạt kết quả ở mức độ vừa phải với khuynh hướng làm thuê cho các công ty khác, chứ không như cách của một Thung lũng Silicon.
“Về lý thuyết thì VN cũng có thể thành lập thung lũng silicon nhưng tôi thì thấy rất là khó. Việt Nam cũng có thể có nguồn nhân lực rất tốt, nhưng còn rất nhiều yếu tố khác về tổ chức, về cơ chế… Thậm chí nó cần cả yếu tố lịch sử chứ không phải cứ đầu tư tiền là có.
Tôi lấy ví dụ về đầu tư, ở Việt Nam hiện nay các nhà đầu tư về lĩnh vực này chưa thực sự phát triển. Nó không hề giống thung lũng silicon ở Mỹ cách đây vài chục năm mà những hoạt động đó đã giúp thung lũng này phát triển. Đó là vấn đề lớn chứ không hề đơn giản. Nguồn nhân lực của Việt Nam về cơ bản là tốt, nhưng những người có khả năng tổ chức thì chưa nhiều. Tất nhiên là mình vẫn cứ hy vọng.”
Tại buổi tọa đàm “Phát triển nguồn nhân lực ICT (Công nghệ thông tin và truyền thông) trình độ cao: Gắn kết cơ sở giáo dục đại học – doanh nghiệp” được tổ chức tại Hà Nội hôm 30 tháng 3 năm 2019, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đưa ra con số 70% cử nhân công nghệ thông tin ra trường phải đào tạo lại.
Ông Nguyễn Lâm Thanh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Truyền Thông Số Việt Nam từng nêu ý kiến về việc này:
“Ngành công nghệ thông tin thì công việc rất là nhiều, chỗ thực tập rất nhiều, bạn nào chăm chỉ thì có rất nhiều cơ hội để thực hành. Đi học thì người dạy cũng tương đối lý thuyết, còn chuyện thực hành thì có rất nhiều cơ hội bên ngoài, nhưng không phải bạn nào cũng bỏ công ra làm. Bạn nào mà chịu khó đi ra ngoài, kể cả bạn không giỏi thì về cơ bản các bạn cũng làm được việc. Lười là cái nguy hiểm nhất.”
Cũng tại buổi tọa đàm, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu phải thay đổi cách đào tạo nguồn nhân lực ICT chất lượng cao hiện nay, đó là học trước rồi làm sau, là thầy dạy trò nghe, học sách giáo khoa là chính, học thuộc là quan trọng, giảng đường là cơ sở chính của đại học, học nhiều thực hành ít. Chính những điều đó khiến Việt Nam thiếu nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực CNTT.
Thuận lợi
Để có thể phát triển khu CNTT tập trung tại Đà Nẵng thành Thung lũng Silicon như dự tính, tháng 8 năm 2019, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã có buổi tọa đàm “Da Nang Business Roundtable” tại Silicon Valley, Mỹ nhằm giới thiệu môi trường đầu tư, kinh doanh ở Thành phố Đà Nẵng. Ông Thơ giới thiệu Việt Nam có những lợi thế về tình hình chính trị ổn định, môi trường sống an toàn, lý tưởng và thị trường lao động dồi dào với chi phí hợp lý rất hấp dẫn các nhà đầu tư.
Ngoài việc mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài, các công ty phần mềm trong nước cũng được những chế độ ưu đãi khác, đặc biệt về thuế với “Nghị quyết số 41/NQ-CP” được Chính phủ ban hành ngày 26 tháng 5 năm 2016 nhằm thúc đẩy việc phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Tử Quảng nói về điều này:
“Hiện nay thì thực ra ưu đãi cho các công ty phần mềm tương đối tốt. Các công ty phần mềm mở ra sẽ có 15 năm ưu đãi về thuế. Chín năm đầu miễn thuế, sáu năm còn lại giảm một nửa. Tất nhiên có thể có những ưu đãi khác nữa, nhưng tôi rất lo ngại nó theo hình thức làm thuê thì rất khó để tạo ra một hình ảnh thung lũng Silicon.”
Theo ông Quảng thì muốn có Thung lũng Silicon, nhân công không thể cứ làm thuê mà phải nghiên cứu công nghệ lãi, công nghệ mới, công nghệ tích hợp để tạo ra những sản phẩm ra thị trường. Nếu cứ làm thuê theo kiểu công ty khác thiết kế rồi mình chỉ viết mã lệnh cho họ thì đó không phải là hình ảnh một Thung lũng Silicon, không có giá trị gia tăng nhiều.
Với cái nhìn của một kỹ sư CNTT từ nước ngoài, ông Võ Bình cho rằng ngoài một số hạn chế, Việt Nam hiện đang có nhiều lợi thế:
“Thứ nhất là nhu cầu sử dụng các sản phẩm về CNTT hiện đang rất cao với dân số hơn 96 triệu. Thứ hai là chính phủ Việt Nam đang xúc tiến xây dựng các thành phố thông minh theo khuynh hướng chung của nhiều nước trên thế giới. Thứ ba là giá cả sản xuất các linh kiện, giá nhân công ở Việt Nam rẻ hơn nhiều nước trong khu vực. Thứ tư cuộc chiến thương mai Mỹ Trung đưa nhiều công ty phần mềm của Trung Quốc sang Việt Nam. Thứ năm là trình độ của đội ngũ nhân viên CNTT ngày càng cao.”
Tháng 10 năm 2019, UBND TP Hà Nội phối hợp với Liên danh Tập đoàn BRG và Sumitomo Corporation (Nhật Bản) tổ chức lễ động thổ và công bố dự án Thành phố thông minh với tổng mức đầu tư hơn 4,1 tỷ USD tại xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh. Dự án được hứa hẹn là sẽ áp dụng nhiều công nghệ thông minh như: Năng lượng, giao thông, quản trị, học tập, đời sống và kinh tế. Khu vực này sẽ được xây dựng với tính cộng đồng rất cao, bảo đảm đầy đủ tiện ích từ trường học, y tế, an ninh, thương mại cũng như công viên cây xanh, mặt nước…
Hồi tháng 7 năm 2019, thông tin trên tờ Nikkei Asian Review cho hay Apple có thể sẽ chuyển nhà máy sản xuất tai nghe không dây AirPods, một trong những phụ kiện quan trọng nhất của hãng, từ Trung Quốc sang Việt Nam, như một cách để giảm dần sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn đang tiếp tục.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/danang-silicon-valley-is-it-possible-dt-01072020121904.html
Việt Nam cần chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế carbon thấp để tuân thủ Thỏa thuận Paris
Việt Nam phải tiếp tục thực hiện các hành động hành động ứng phó với biến đổi khí hậu cụ thể để trở thành một nền kinh tế carbon thấp và tuân thủ Thỏa thuận Paris toàn cầu.
Thông tin vừa nói được các chuyên gia đưa ra tại Hội thảo Tổng kết dự án Hỗ trợ lên kế hoạch và thực hiện các hành động giảm phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia, hôm 7/1 ở TPHCM. Hội thảo do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM tổ chức.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Hiromichi Murakami, Phó Vụ trưởng Vụ Môi trường toàn cầu của JICA cho biết, Việt Nam với tư cách là thành viên của cộng đồng toàn cầu được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện Thỏa thuận Paris.
Những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh, là một tín hiệu rõ ràng về việc tăng cường các hành động ứng phó biến đổi khí hậu để hiện thực hóa một xã hội carbon thấp.
Hội thảo này được tổ chức để xem xét dự án SPI- NAMA mà JICA đã bắt đầu khởi động vào năm 2015 về việc hỗ trợ lập kế hoạch và thực hiện các hành động để giảm nhẹ phát thải khí nhà kính tại Việt Nam, đặc biệt là chuẩn bị thực hiện đầy đủ Thỏa thuận Paris. Đồng thời hỗ trợ các nỗ lực để tạo ra một lộ trình giảm phát thải khí nhà kính (GHG).
Tin cho biết, các chuyên gia Nhật Bản đã đào tạo cho nhân viên tại Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố HCM, trong việc sử dụng Mô hình tích hợp châu Á-Thái Bình Dương để biết về xu hướng phát thải GHG trong tương lai.
Theo đánh giá của Sở TN&MT TP. Hồ Chí Minh, kết quả mô phỏng theo mô hình lượng phát thải khí nhà kính tại thành phố vào năm 2030 sẽ tăng khoảng 2,6 lần so với năm 2016 nếu không có bất kỳ hành động giảm thiểu nào. Tuy nhiên, nếu có các hành động giảm thiểu hiệu quả, thành phố có thể giảm khoảng 20% lượng phát thải này vào năm 2030.
Theo các chuyên gia, sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Việt Nam trong những năm gần đây phụ thuộc vào năng lượng vì hệ thống năng lượng của đất nước này đã trở nên thâm dụng carbon hơn.
Việt Nam dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu do bờ biển dài và các cửa sông rộng lớn, khiến nước này buộc phải xây dựng chính sách cam kết hành động đối với biến đổi khí hậu.
Việt Nam đã nhanh chóng phê chuẩn Thỏa thuận Paris và là một trong những quốc gia đầu tiên xây dựng kế hoạch hành động để thực hiện thỏa thuận, trong đó nêu rõ các biện pháp, trách nhiệm và yêu cầu hỗ trợ cụ thể. Tuy nhiên theo các chuyên gia, Việt Nam vẫn thiếu kinh nghiệm thực hiện.
Thỏa thuận Paris là một thỏa thuận trong Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính được ký kết năm 2016.
Căng thẳng Mỹ – Iran:
Việt Nam lo ngại ‘bùng phát chiến sự quy mô lớn’
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lần đầu tiên lên tiếng về căng thẳng giữa Mỹ và Iran sau vụ Hoa Kỳ triệt hạ tướng Qassem Soleimani ở Iraq, cho rằng “khả năng bùng phát chiến sự trên quy mô lớn là không thể loại trừ”.
“Tình hình an ninh khu vực Trung Đông đang diễn biến theo chiều hướng xấu do các hoạt động quân sự trả đũa lẫn nhau giữa Iran và Hoa Kỳ”, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao Việt Nam nói trong một thông cáo hôm 8/1, đúng ngày các lực lượng Iran bắn tên lửa vào các căn cứ quân sự Mỹ ở Iraq để trả đũa cho vụ giết nhân vật được coi là quyền lực thứ hai ở Iran.
Cơ quan của Bộ Ngoại giao Việt Nam nói thêm rằng “đối với công dân đang có mặt tại các nước bị ảnh hưởng cần lưu ý tránh đến các khu vực đã được nước sở tại khuyến cáo” cũng như “thường xuyên theo dõi và bám sát hướng dẫn của cơ quan chức năng sở tại để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của bản thân”.
Việt Nam không nói rõ “các nước bị ảnh hưởng” là những quốc gia nào, nhưng liệt kê trong thông cáo các số điện thoại đường dây nóng bảo hộ công dân ở đại sứ quán Việt Nam ở những nước như Iran, Qatar, Ảrập Xêút, Kuwait và Các Tiểu Vương quốc Ảrập Thống nhất.
Cảnh báo của Bộ Ngoại giao Việt Nam được đưa ra cùng ngày Iran phóng hơn chục quả tên lửa đạn đạo vào các mục tiêu quân sự của Mỹ ở nước láng giềng Iraq trong một cuộc tấn công mà lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei nói là “cú tát vào mặt” Hoa Kỳ, trong khi Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cho là “kết thúc” phản ứng của Tehran đối với vụ giết ông Soleimani.
Phản ứng về các vụ nã tên lửa của Iran, Tổng thống Donald Trump viết trên Twitter rằng “mọi chuyện vẫn ổn”, cũng như cho biết sẽ ra tuyên bố vào sáng thứ Tư (giờ Washington, tức tối 8/1 giờ Hà Nội).
Trong một diễn biến khác liên quan tới Việt Nam và căng thẳng Mỹ – Iran, tin cho hay, hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines hôm 8/1 cho biết quyết định điều hướng các chuyến bay đến, đi châu Âu “tránh xa khu vực Trung Đông”, nhất là không phận Iran và Iraq.
Trước đó, Cơ quan Quản lý Hàng không Liên bang Mỹ thông báo trên Twitter về việc cấm các hãng hàng không dân sự Hoa Kỳ bay qua không phận Iraq, Iran cũng như Vịnh Ba Tư và Vịnh Oman vì điều cơ quan này nói là “các hoạt động quân sự và căng thẳng chính trị tăng cao”.
Mỹ sử dụng máy bay không người lái để triệt hạ ông Qassem Soleimani ở Iraq hôm 3/1, một ngày sau khi Việt Nam trở thành Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong tháng Một, đánh dấu việc đảm nhiệm vị trí thành viên không thường trực của Hội đồng này trong nhiệm kỳ 2020 – 2021.
Theo trang web của Phái đoàn thường trực của Việt Nam ở Liên Hợp Quốc, Hội đồng Bảo an hôm 2/1 đã thông qua chương trình làm việc trong tháng Một do Việt Nam đề xuất, với hàng chục cuộc họp, cả kín và công khai, về nhiều vấn đề quốc tế và khu vực.
Hiện chưa rõ phía Việt Nam sau đó có đưa ra đề xuất mới nào nhằm thảo luận căng thẳng leo thang hiện thời giữa Iran và Mỹ hay không.
Quan hệ sóng gió giữa Mỹ và Iran là tin đi đầu của phần lớn truyền thông trong nước mấy ngày qua. Có thể thấy những hàng tít như: “Iran chủ đích tấn công căn cứ Mỹ mà không gây thương vong?”, “Yếu tố có thể quyết định chiến tranh Mỹ – Iran” hay “Xung đột Mỹ – Iran có ảnh hưởng kinh tế Việt Nam?”
Việt Nam đã sẵn sàng ‘giải quyết khủng hoảng Mỹ – Iran’?
Ngoài việc đưa ra cảnh báo cho công dân Việt Nam về khả năng “bùng phát chiến sự” ở Trung Đông, chính phủ Việt Nam vẫn chưa đưa ra phản ứng chính thức cho thấy lập trường của Hà Nội về căng thẳng Mỹ – Iran. Các nhà quan sát nhận định rằng Hà Nội “đăng gặp khó khăn” trên chiếc ghế Chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ trong tháng 1, trong khi vẫn phải “thận trọng” trong mọi phát ngôn vì một mặt phải giữ gìn “đối tác đáng tin cậy” với Tehran, một mặt phải làm sâu sắc hơn “đối tác toàn diện” với Washington.
Cho đến chiều ngày 08/01, Bộ Ngoại giao Việt Nam vẫn chưa chính thức đưa ra bất kỳ phản ứng gì sau khi Iran phóng rocket vào các căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq, đáp trả việc Hoa Kỳ phóng tên lửa khiến tướng Iran Qassem Soleimani thiệt mạng hôm 04/01. Tuy nhiên, các cựu đại sứ Việt Nam tại Trung Đông phát biểu với báo chí trong nước chỉ trích hành động “liều lĩnh, thiếu thận trọng” của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.
“Hành động của ông Trump vô cùng liều lĩnh, một bước phiêu lưu mạo hiểm gần như chắc chắn sẽ đẩy cao căng thẳng trong quan hệ Mỹ – Iran cũng như khiến quan hệ Mỹ – Iraq gặp thử thách,” ông Nguyễn Quang Khai, cựu đại sứ Việt Nam tại Iran, Iraq, chuyên gia hàng đầu về Trung Đông, nói với Zing.
“Như nhiều lần trước đây, có lẽ ông Trump đã bốc đồng, hành động mà không tính đến hậu quả,” ông Khai nhận định.
Trang Zing dẫn bình luận trên mạng xã hội của ông Nguyễn Hồng Thạch, cựu đại sứ Việt Nam tại Iran kiêm nhiệm Syria, nói quyết định tấn công của Tổng thống Trump “là khá vội vàng, nếu không nói là thiếu cẩn trọng,” nếu đặt các sự kiện bên cạnh nhau.
Cho đến tối ngày 8/1, Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa phản hồi yêu cầu bình luận của VOA Tiếng Việt.
Nhận định về phản ứng của Việt Nam trước căng thẳng quân sự Mỹ – Iran hiện nay, nhà báo Võ Văn Tạo, nói với VOA rằng dường như lần này Hà Nội “thận trọng” và “khôn ngoan hơn” so phát ngôn vào năm 2003 khi Hoa Kỳ bắt đầu tấn công Iraq và triệt hạ Tổng thống Saddam Hussein. Ông nói khi ấy phát ngôn của Việt Nam “bị hớ” vì cho rằng Hoa Kỳ sẽ “sa lầy và thua trận” ở Iraq.
Ông Võ Văn Tạo đưa ra nhận xét:
“Mấy hôm vừa rồi thì Việt Nam chưa phạm sai lầm như trong quá khứ, lần này các phát ngôn sẽ có vẻ thận trọng hơn. Tuy rằng trên báo chí, Việt Nam vẫn dùng những từ không thiện cảm cho phía Hoa Kỳ trong việc loại bỏ tướng trùm khủng bố Soleimani.
“Tôi không gọi đó là hành vi ám sát hay sát hại như báo chí Việt Nam, mà phần đông nói như thế. Tôi gọi đó là hành động tiêu diệt, loại trừ kẻ khủng bố nguy hiểm cho khu vực và nhân loại.”
Người Việt nghĩ gì về căng thẳng Mỹ – Iran?
Viết trên Facebook hôm 08/01, nhà nghiên cứu Nhân Tuấn Trương ở Pháp, nhận định: “Bây giờ Việt Nam đang đứng trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ (HĐBA), dầu chỉ là “chủ tịch luân phiên”, giới hạn trong tháng giêng năm 2020. Nhưng qua các biến cố vừa xảy ra giữa đại cường Mỹ và Iraq, Iran, ta thấy thách thức cho Việt Nam không hề nhỏ.”
Trước đó, hôm 03/01, Đại sứ Việt Nam Đặng Đình Qúy đã tuyên thệ đảm nhận chức Chủ tịch HĐBA và giới thiệu chương trình nghị sự của Việt Nam, bao gồm bảo đảm việc tuân thủ Hiến chương LHQ và thúc đẩy chủ nghĩa đa phương như đã được HĐBA thông qua.
“Việc tổng thống Trump ra lệnh giết tướng Soleimani của Iran trên đất Iraq, rõ ràng là một hành vi vi phạm Hiến chương LHQ,” ông Nhân Tuấn Trương viết.
“Việt Nam còn sẽ “nhức đầu” vì ngoại trưởng Iran sẽ không thể tới New York để tham dự các cuộc họp của HĐBA, đơn giản vì bị chính quyền Mỹ không cấp visa.”
Chuyên gia này đặt nghi vấn: “Việt Nam có thể đứng ra hòa giải giữa xung đột về “an ninh quốc gia,” mà Mỹ thường nại ra để cấm visa cho các nhà ngoại giao thuộc các quốc gia thù nghịch, với các quyền “ưu đãi và đặc miễn” cho các nhà ngoại giao mà Hiến chương đã qui định hay không?.
Cũng hôm 03/01, Đại sứ Iran tại LHQ Majid Takht Ravanchi đã gửi thư cho Tổng Thư ký LHQ và Chủ tịch HĐBA Đặng Đình Qúy khẳng định Tehran “có quyền sử dụng vũ lực để tự vệ theo luật pháp quốc tế cũng như Hiến chương LHQ.”
“Đó (vụ sát hại Soleimani) là hành vi tội phạm cấu thành sự vi phạm trắng trợn các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, trong đó bao gồm cụ thể là Hiến chương LHQ,” bức thư của Đại sứ Ravanchi có đoạn.
Trong khi đó, các quan chức chính quyền Tổng thống Trump khẳng định vụ sát hại tướng Soleimani là nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công do Iran hậu thuẫn nhắm vào công dân Mỹ tại Trung Đông.
Việt Nam làm Chủ tịch HĐBA LHQ tháng 01/2020: “Cơ hội vàng” phát huy vị thế đất nước với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ.
Phó Thủ tướng, Ngoại trưởng Phạm Bình Minh
Hôm 8/1, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh có bài xã luận cho TTXVN có nhan đề “Việt Nam làm Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tháng 01/2020: “Cơ hội vàng” phát huy vị thế đất nước với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ.”
Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế (ILC) nhận định rằng “Việt Nam đóng vai trò giải quyết khủng hoảng Mỹ – Iran,” trên cương vị Chủ tịch HĐBA LHQ ngay trong tháng 1/2020.
“Ngay trong ngày đầu tiên, Việt Nam đã phải đóng vai trò giải quyết khủng hoảng vùng Vịnh sau vụ máy bay Mỹ bắn tên lửa sát hại tướng Iran tại Iraq vi phạm vùng trời Iraq,” ông Nguyễn Hồng Thao, cựu Đại sứ VN tại Kuwai, viết trên báo PLO hôm 6/1 trong bài có tựa đề “Việt Nam vào nghị trường quốc tế khi thế nước đang lên.”
Việt Nam đã phải đóng vai trò giải quyết khủng hoảng vùng Vịnh sau vụ máy bay Mỹ bắn tên lửa sát hại tướng Iran tại Iraq.
Đại sứ Nguyễn Hoàng Thao
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lần đầu tiên lên tiếng về căng thẳng giữa Mỹ và Iran sau vụ Hoa Kỳ triệt hạ tướng Qassem Soleimani ở Iraq, cho rằng “khả năng bùng phát chiến sự trên quy mô lớn là không thể loại trừ.”
“Tình hình an ninh khu vực Trung Đông đang diễn biến theo chiều hướng xấu do các hoạt động quân sự trả đũa lẫn nhau giữa Iran và Hoa Kỳ”, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao Việt Nam nói trong một thông cáo hôm 8/1, đúng ngày các lực lượng Iran bắn tên lửa vào các căn cứ quân sự Mỹ ở Iraq để trả đũa cho vụ giết nhân vật được coi là quyền lực thứ hai ở Iran.
Căng thẳng Mỹ – Iran: Việt Nam lo ngại ‘bùng phát chiến sự quy mô lớn’
Trong buổi tiếp Đại sứ Iran tại Việt Nam Saleh Adibi hôm 03/01/2020, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, nhấn mạnh: “Việt Nam và Iran tiếp tục hợp tác chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương quốc tế.”
Việt Nam có mối quan hệ “hữu nghị sâu sắc” với Cộng hòa Hồi giáo Iran trong suốt hơn 45 năm qua, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973. Đương kim Tổng thống Iran Hassan Rouhani, người tuyên bố sẵn sàng chiến tranh toàn diện với Mỹ, từng thăm chính thức Việt Nam vào tháng 10/2016 để thắt chặt mối quan hệ Việt Nam – Iran “ngày càng đi vào chiều sâu.”
https://www.voatiengviet.com/a/vietnam-da-san-sang-giai-quyet-khung-hoang-my-iran/5236999.html