Tin Việt Nam – 07/10/2019
Quy hoạch cán bộ sai phạm trong vụ Formosa
vào vị trí vụ trưởng về môi trường
Chuyên viên Vụ Pháp chế Bộ Tài nguyên Môi trường – ông Lương Duy Hanh, người từng bị cách chức vì những sai phạm liên quan đến Formosa vào tháng 6/2017, vừa được quy hoạch vào hai vị trí vụ trưởng của Tổng cục Môi trường.
Mạng báo Tuổi trẻ loan tin hôm 7/10 cho biết như vừa nêu.
Theo đó, ông Lương Duy Hanh, chuyên viên Vụ Pháp chế của Bộ Tài nguyên Môi trường đã được quy hoạch vào hai vị trí vụ trưởng Vụ Thẩm định và vụ trưởng Vụ quản lý chất thải, cả hai vụ thuộc Tổng cục Môi trường và được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà phê duyệt.
Ngoài ra, ông Lương Duy Hanh còn được quy hoạch vào vị trí vụ phó Vụ Khoa học công nghệ nhưng việc quy hoạch vào vị trí này đang thực hiện theo quy trình và chưa trình lãnh đạo của Bộ phê duyệt.
Ông Lương Duy Hanh đã từng bị xem xét trách nhiệm liên quan đến sự cố môi trường tại các tỉnh miền Trung xảy ra hồi năm 2016 khi công ty gang thep Formosa xả thải ra biển khiến cá chết hàng loạt. Với việc này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách toàn bộ chức vụ trong Đảng đối với ông Lương Duy Hanh vì những sai phạm liên quan môi trường, thiếu trách nhiệm, không giám sát công trình bảo vệ môi trường trong thời gian thi công xây dựng và vận hành thử nghiệm của nhà máy. Sau khi kỷ luật của Ủy ban kiểm tra trung ương, vào tháng 6/2017 ông Hanh bị Bộ TNMT quyết định cách chức cục trưởng cục kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường và đồng thời chuyển ông về làm chuyên viên Vụ Pháp chế thuộc Bộ này.
Thảm họa môi trường do nhà máy thép Formosa gây nên hồitháng tư năm 2016 khiến cá, hải sản chết hằng loạt dọc theo bốn tỉnh miền Trung. Hằng ngàn chiếc tàu nằm phơi bờ không thể ra khơi đánh bắt cá và hải sản, ảnh hưởng đến đời sống của hàng trăm ngàn người. 4 tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên – Huế.
Sau sự cố, công ty Formosa đã chính thức lên tiếng xin lỗi và bồi thường 500 triệu đô la để khắc phục hậu quả.
Chính quyền đặt camera trước cổng chùa để giám sát ai?
Diễm Thi, RFA
Hiện nay có thực trạng một số chùa tại Việt Nam bị an ninh gắn camera theo dõi trước cổng mặc dù không được sự cho phép của nhà chùa.
Gắn camera “lụi”
Việc gắn camera theo dõi được xem như một hình thức “răn đe”. Các trường học, trung tâm, bệnh viện, sân bay, nhiều cơ quan, đường phố… cũng đã được gắn camera, nhưng bạo hành và các hình thức nhũng nhiễu người dân vẫn không giảm.
Vậy việc gắn camera nơi chùa chiền nhằm mục đích giúp nhà chùa giữ an ninh trật tự hay vì lý do nào khác?
Thượng Tọa Thích Vĩnh Phước, trụ trì chùa Phước Bửu ở Bà Rịa-Vũng Tàu, từng đến Hoa Kỳ hồi giữa năm 2019 để trình bày về tự do tôn giáo và nhân quyền nói với RFA vào tối 7/10/2019 về việc ngôi chùa nơi ông trụ trì mấy tháng qua bị cơ quan chức năng gắn camera mà không hề hỏi ý kiến của ông:
“Trước khi tôi qua Hoa Kỳ thì họ đã cho đặt camera để giám sát người vô ra tại chùa Phước Bửu. Không chỉ chùa Phước Bửu mà từ hơn một năm nay họ đặt rất nhiều camera ở huyện Xuyên Mộc cũng như ở tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Theo suy nghĩ của tôi thì đây là biểu hiện cho một đất nước mà đạo đức suy đồi, trộm cướp hoành hành.
Chùa là nơi tôn nghiêm thanh tịnh. Những người tới chùa là họ hướng tới việc thiện. Chùa Phước Bửu là chùa an ninh, ít xảy ra mất mát nên việc đặt camera như vậy tại một cơ sở tôn giáo, tâm linh thì tôi thấy nó sai rồi.”
Chùa là nơi tôn nghiêm thanh tịnh. Những người tới chùa là họ hướng tới việc thiện. Chùa Phước Bửu là chùa an ninh, ít xảy ra mất mát nên việc đặt camera như vậy tại một cơ sở tôn giáo, tâm linh thì tôi thấy nó sai rồi. – TT. Thích Vĩnh Phước
Điều 38 Bộ Luật Dân sự 2015 ghi rõ: Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý; trừ trường hợp luật có quy định khác.
Như vậy, theo pháp luật, nhà chùa có quyền yêu cầu cơ quan chức năng can thiệp, buộc chấm dứt việc làm trên hoặc có thể khởi kiện nếu cảm thấy hành vi đó ảnh hưởng đến quyền riêng tư.
Luật sư Hà Huy Sơn cho RFA biết ý kiến của ông xung quanh vấn đề này:
“Nếu có chuyện đặt như vậy là trái pháp luật bởi vì chùa là nơi ở của các nhà sư, của những người tu hành. Họ cũng có quyền như công dân. Chuyện đặt camera tại nơi ở của công dân mà không được phép của họ là vi phạm pháp luật.
Theo luật khiếu nại thì cơ quan nào đặt camera trái phép thì cơ quan đó phải giải quyết. Nếu giải quyết không thỏa đáng thì có thể kiện hành vi hành chính này ra tòa án.”
Thượng Tọa Thích Vĩnh Phước cho biết camera được gắn chĩa thẳng vào chùa, nhưng nếu có nói cũng chẳng ai giải quyết. Thầy đưa ra một ví dụ về cái cổng chùa Phật tổ do chùa xây, có xin phép chính quyền địa phương hẳn hoi trước khi xây dựng. Và, cái cổng đã tồn tại 26 năm, nhưng rồi chính quyền cũng ủi sập để thay vào đó bằng tấm bảng “Văn hóa ấp Thạnh Sơn”. Thầy đã đặt vấn đề này nhiều lần, từ năm 2014 đến giờ nhưng mọi việc không hề được lãnh đạo địa phương giải quyết.
Camera & an ninh để giám sát
Không chỉ chùa Phước Bửu, một ngôi chùa khác ở quận Bình Thạnh là chùa Giác Hoa cũng chịu chung số phận bị giám sát từ chính quyền bằng camera, dù họ chẳng hề yêu cầu. Việc gắn camera cũng chẳng có ai hỏi ý kiến của đại diện nhà chùa. Hòa Thượng Thích Không Tánh cho biết chính quyền đặt camera ngay trước cổng chùa, ai ra vô là họ kiểm soát hết. Hòa thượng đã gửi nhiều bản tường trình đến cơ quan chức năng nhưng chẳng ai trả lời. Những ngày chùa có lễ, an ninh đến canh gác ngày đêm. Thầy nói thêm:
“Tôi hỏi thì họ nói họ chỉ đi theo giám sát vì họ có bổn phận phải giám sát mình. Lắp camera là để theo dõi nên nhiều anh em dân chủ và bạn bè muốn đến thì cũng ngại hoặc không dám đến.”
Thượng toạ Thích Thiên Thuận trụ trì chùa Thiên Quang cũng lên tiếng với RFA rằng, chính quyền cho hay camera được lắp ngay trước con đường dẫn vào chùa với lý do an ninh. Chùa Thiên Quang được thành lập từ năm 2000 nhưng gần đây họ mới gắn camera giám sát. Do đó, Thượng tọa Thích Thiên Thuận cho rằng camera được lắp đặt không phải cho an ninh khu phố, mà chỉ để giám sát chùa, bởi con đường này chỉ dẫn vào ngôi chùa mà thôi.
Thượng toạ Thích Thiên Thuận xác nhận việc lắp đặt camera, chùa không hề biết và không được thông báo:
“Họ làm cái gì có bao giờ họ hỏi dân đâu. Họ làm theo việc của họ thôi. Vấn đề an ninh thì mình không biết, nhưng thực chất theo thầy thì họ giám sát chùa Thiên Quang nhiều hơn. Họ giám sát sinh hoạt tôn giáo ở chùa. Từ năm 2000 đến nay thì lúc nào cũng gặp khó khăn vì chùa Thiên Quang không sinh hoạt theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nên họ quản lý rất khó chịu, ngột ngạt.”
Họ làm cái gì có bao giờ họ hỏi dân đâu. Họ làm theo việc của họ thôi. Vấn đề an ninh thì mình không biết, nhưng thực chất theo thầy thì họ giám sát chùa Thiên Quang nhiều hơn. – TT. Thích Thiên Thuận
Việt Nam từng nhiều lần bị đề nghị đưa vào danh sách CPC (Countries of Particular Concern) – Các quốc gia cần quan tâm đặc biệt. Lần gần đây nhất là hôm 11/7/2019. Tại hội trường Quốc hội Hoa Kỳ diễn ra buổi họp khoáng đại vận động cho nhân quyền và tự do tôn giáo tại VN lần thứ 9 do BPSOS tổ chức, bà Gayle Manchin, Phó Chủ tịch Ủy hội Hoa Kỳ về Tự Do tôn giáo Quốc tế đã đề nghị đưa Việt Nam trở lại danh sách này.
Các quốc gia bị chỉ định như vậy sẽ bị Hoa Kỳ đưa ra các biện pháp chế tài, bao gồm biện pháp trừng phạt kinh tế.
Theo một chỉ định bởi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thì đây là những quốc gia có vi phạm đặc biệt nghiêm trọng về tự do tôn giáo theo Đạo Luật Tự Do Tôn Giáo Quốc tế (IRFA) năm 1998 (HR 2431) và sửa đổi năm 1999 (Public Law 106-55).
Những nước “đặc biệt vi phạm nghiêm trọng về tự do tôn giáo” có nghĩa là có hệ thống, liên tục, vi phạm trắng trợn quyền tự do tôn giáo, bao gồm các vi phạm như: tra tấn hoặc đối xử tàn ác, vô nhân đạo hay đối xử hạ đẳng hay trừng phạt; kéo dài thời gian bị giam giữ mà không cần khởi tố; gây ra sự mất tích bằng cách bắt cóc hoặc giam giữ những người này một cách bí mật; hoặc phủ nhận trắng trợn quyền sống, tự do, hoặc sự an toàn của người dân.
Năm 2006, Việt Nam được Bộ Ngoại Giao Mỹ rút khỏi danh sách CPC – Các nước cần quan tâm đặc biệt vì không có tự do tôn giáo. Từ 2006 trở đi, các tổ chức bảo vệ nhân quyền và bảo vệ tự do tín ngưỡng trên thế giới như Human Rights Watch, Amnesty International và USCIRF’s thường lên tiếng cảnh báo về những hành động đàn áp gia tăng của Hà Nội đối với các tổ chức tôn giáo lớn nhỏ trong nước.
17 năm tù cho ba cựu quản giáo
dùng nhục hình làm chết phạm nhân
Tòa án Nhân dân huyện Bến Lức (tỉnh Long An) hôm 7/10 đã tuyên án tổng cộng 17 năm tù cho ba quản giáo trại giam Long Hòa vì tội dùng nhục hình dẫn đến chết người.
Truyền thông trong nước loan tin cùng ngày, cho biết bị cáo Nguyễn Phước Thuận lĩnh án bảy năm, Nguyễn Minh Huân và Châu Minh Nhựt cùng bị tuyên năm năm tù. Trại giam Long Hòa và các bị cáo cũng đã bồi thường gia đình nạn nhân tổng cộng 199 triệu đồng trước đó.
Vụ án xảy ra vào ngày 20/10/2017 khi ba bị cáo lần lượt gọi năm phạm nhân lên để hỏi lý do bỏ lao động, chống đối và không tiếp thu sự giáo dục tại trại giam. Trong số các phạm nhân có trẻ vị thành niên Lại Quốc Huy (17 tuổi).
Cáo trạng cho biết khi các phạm nhân nêu các lý do như bị đau bụng, chưa nắm rõ nội quy nên đi lao động trễ thì bị quản giáo Thuận bắt các phạm nhân nằm sấp xuống nền nhà để quản giáo Huân và Nhựt đánh.
Bốn phạm nhân được thả ra ngoài lao động sau khi bị đánh và tra hỏi, riêng em Lại Quốc Huy không nhận lỗi nên bị các bị cáo còng tay vào lưới B40 và tiếp tục hành hung.
Cho đến khi em Huy bị ngất xỉu, các bị cáo tháo còng tay và đưa đi cấp cứu nhưng em Huy đã tử vong trên đường đến bệnh viện.
Tháng 8/2018, phiên xử sơ thẩm tại tòa án huyện Bến Lức tuyên bị cáo Thuận ba năm sáu tháng tù, bị cáo Huân hai năm sáu tháng tù và bị cáo Nhựt hai năm tù về tội dùng nhục hình.
Nguyễn Minh Huân và Châu Minh Nhựt kháng cáo xin giảm nhẹ sau đó. Gia đình em Lại Quốc Huy cũng kháng cáo vì nghi ngờ cái chết của nạn nhân.
Tháng 12/2018, tại phiên phúc thẩm, Tòa án Nhân dân tỉnh Long An tuyên bố hủy toàn bộ án sơ thẩm do bản án vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Việc dùng nhục hình tra tấn những nghi phạm và tù nhân tại Việt Nam đã từng bị các tổ chức nhân quyền quốc tế lên án. Tai phiên điều trần với Ủy ban Chống Tra tấn của Liên Hiệp Quốc tại Geneva, Thụy Sĩ hôm 15/11 năm ngoái, trả lời các câu hỏi cáo buộc về những vụ nhục hình trong các trại tam giam và đồn công an, đại diện chính phủ Hà Nội đã bác bỏ các cáo buộc này. Trung tướng Công an Nguyễn Ngọc Anh nói tại phiên điều trần rằng tỷ lệ phạm nhân chết trong trại giam rất nhỏ, chỉ khoảng 0,3% số phạm nhân. Phần lớn tử vong do mắc bệnh hiểm nghèo.
Công an Khánh Hòa “tự mâu thuẫn”
khi khởi tố LS Trần Vũ Hải tội trốn thuế
Hôm 7 tháng 10 năm 2019, báo chí nhà nước dẫn thông tin cho biết, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa vừa có kết luận điều tra, chuyển hồ sơ đến Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, đề nghị truy tố tội trốn thuế đối với 4 người trong đó có luật sư Trần Vũ Hải và vợ là Ngô Tuyết Phương bị cáo buộc tham gia với vai trò “giúp sức”.
Mạng báo Pháp luật TPHCM dẫn Kết luận điều tra cho biết năm 2016, bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh có nhu cầu bán đất đã chỉ đạo cho em trai Ngô Văn Lắm thỏa thuận giá chuyển nhượng quyền sử dụng miếng đất tại đường Tuệ Tĩnh, thành phố Nha Trang với giá hơn 16 tỷ đồng với vợ chồng ông Hải.
Tuy nhiên ông Ngô Văn Lắm ghi trên hợp đồng thỏa thuận thực tế là hơn 16 tỷ đồng, còn hợp đồng công chứng chỉ có 1,8 tỷ đồng nhằm giúp bà Hạnh trốn thuế thu nhập cá nhân trên 280 triệu đồng.
Luật sư Nguyễn Duy Bình, một trong 14 luật sư nhận bào chữa cho vợ chồng ông Trần Vũ Hải chiều ngày 7 tháng 10 khẳng định với Đài Á Châu Tự Do rằng cả 4 người này đều không có tội khi ghi giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thấp hơn giá thỏa thuận của 2 bên.
“Khi mà người dân ghi giá mua bán trong hợp đồng để làm cơ sở khai thuế, thường thường ghi thấp hơn thì cơ quan thuế sẽ áp dụng theo bảng giá đất theo các tỉnh thành để tính thuế.
Chính vì vậy người dân từ trước đến nay đều áp dụng phương thức như vậy, hầu như ai cũng ghi thấp cả, không phải riêng trường hợp mua bán của luật sư Trần Vũ Hải và bà Hạnh,” luật sư Bình nói qua điện thoại.
Theo luật sư Bình, Cơ quan Cảnh sát điều tra viện dẫn điều 17, Thông tư 92 về Hướng dẫn thực hiện Thuế thu nhập cá nhân quy định cơ quan thuế sẽ căn cứ theo bảng giá đất của ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố để tính thuế khi người dân ghi giá trị hợp đồng thấp hơn quy định; nhưng sau đó kết luận giám định thì lại áp theo giá thực tế, tức là hơn 16 tỷ đồng.
Điều này theo luật sư bào chữa cho ông Hải là mâu thuẫn với chính mình.
Trước đó, vào ngày 2 tháng 7 năm nay, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa ra quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh khám xét nhà riêng cùng với văn phòng làm việc tại Hà Nội đối với luật sư Trần Vũ Hải để điều tra về hành vi “trốn thuế” liên quan đến một vụ mua bán đất đai ở Khánh Hòa.
Tuy nhiên, khi khám xét công an lại thu giữ luôn cả những tài liệu bao gồm hồ sơ vụ việc blogger Trương Duy Nhất của Đài Á Châu Tự Do, được cho là bị mật vụ Việt Nam bắt cóc từ Thái Lan về nước mà ông Hải đang là luật sư bào chữa.
Tu sĩ phật giáo Hòa Hảo
bị hành hung khi ngăn cản việc phá chùa
6 tu sĩ phật giáo Hòa Hảo vừa bị những người mặc thường phục hành hung vào ngày 7/10 khi đang trên đường đến An Hòa Tự tức chùa Thầy ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, để ngăn cản việc chính quyền địa phương phá chùa.
Vào tối ngày 7/10, tu sĩ Võ Văn Thanh Liêm – trụ trì chùa Quang Minh Tự, một trong 6 người bị đánh nói với Đài Á Châu Tự Do:
“Hôm nay họ dỡ chùa, nhưng chùa vẫn còn mới. Ngày hôm qua họ gác ngoài cửa, hôm nay cũng gác. Khi chúng tôi lên đến phà Thuận Giang thì có 40 đến 50 người chặn lại, đánh ông Tô Văn Mạnh, ông Lê Thanh Thực, Nguyễn Thị Mỹ Triều, và cháu tôi là Võ Thị Thu Ba bị nó đập điện thoại. Tôi thấy vậy thì nó tính đánh tôi nữa mà tôi chế xăng dầu lên mình tôi tử thủ, tôi cắt cổ tôi, rồi nó đuổi về. Nó dùng cây dài thước mấy đánh người đến nát cái cây”
Ông Liêm cho biết, vụ hành hung đã khiến 4 người bị thương, trong đó ông bị thương ở cổ khi tìm cách cắt cổ và châm xăng dọa tự thiêu để đòi bảo vệ chùa.
Ông Võ Văn Thanh Liêm cho biết chùa là di tích chùa cổ đã có hơn 100 năm và đã được sửa sang lại cách đây khoảng 80 năm. Ông nói chùa vẫn còn sử dụng tốt nhưng Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo được nhà nước công nhận vẫn muốn phá chùa này với lý do chùa cũ cần xây mới. Các tu sĩ Phật giáo Hòa Hảo tại chùa Quang Minh Tự không thuộc giáo hội do nhà nước công nhận phản đối việc phá chùa cũ vì cho rằng đây là di tích cổ linh thiêng của Phật giáo Hòa Hảo cần được giữ và chỉ sửa khi bị hỏng.
Đây không phải là lần đầu tiên, chùa bị phá cho mục đích xây mới. Theo ông Liêm, cách đây khoảng 1 tháng, chính quyền địa phương cũng đã tìm cách đến phá chùa nhưng các tu sĩ đã đến kịp để ngăn cản việc này.
Vào ngày 7/10, do không kịp ngăn cản, một số ngói cổ của chùa đã bị dỡ đi và lợp ngói mới, theo lời ông Liêm.
Những năm qua, chùa Quang Minh Tự thường xuyên gặp những cản trở từ chính quyền địa phương khi tổ chức các lễ kỷ niệm trong Phật giáo Hòa Hảo.
Bản thân ông Võ Văn Thanh Liêm (79 tuổi) là người đã từng bị giam cầm hơn 6 năm tù và bị 3 năm quản chế với cáo trạng “chống người thi hành công vụ” vì lên tiếng đòi tự do tôn giáo
Nhà hoạt động Đoàn Thị Hồng
đề nghị có luật sư bào chữa
Nhà hoạt động Đoàn Thị Hồng, người đang bị tam giam chờ ngày ra xét xử với cáo buộc “phá rối an ninh” theo điều 118 Bộ luật Hình sự năm 2015, đã chính thức mời luật sư tham gia bào chữa cho cô tại tòa. Cô Đoàn Thị Khánh, chị gái cô Đoàn Thị Hồng cho Đài Á Châu Tự Do biết như vậy qua điện thoại vào ngày 7/10.
“Hồi đầu tháng 10 đây em gái Đoàn Thị Hồng mới cho tôi biết rằng là ngày hôm qua là ngày 3/10, em đã viết đơn yêu cầu luật sư Ngô Ngọc Trai trợ giúp về mặt pháp lý và em đã gửi đơn ra Viện Kiểm sát rồi.”
Cô Đoàn Thị Khánh cho biết cô nhận được thông tin này sau khi vào thăm em gái tại trại tạm giam ở số 4 Phan Đăng Lưu, thành phố Hồ Chí Minh hôm 4/10 vừa qua.
Trong các lần gặp trước, cô Đoàn Thị Hồng không đồng ý có luật sư đại diện cho mình ở tòa. Cô Đoàn Thị Khánh nghi ngờ khả năng cô Hồng đã bị đe dọa và vì vậy mới từ chối quyền có luật sư.
“Theo những lời nói của em tôi thì tôi hiểu là khi tôi ở ngoài đây đấu tranh, viết bài, đưa thông tin về em, tình hình sức khỏe của em, thì em gái tôi ở trong đó đã bị áp lực gì đó. Ngay lần gặp mặt đầu tiên vào ngày 2/8/2019, em gái tôi đề nghị tôi không nên viết bài gì trên Facebook, nay chị gặp được em thì không nên viết gì nữa, chờ em về…. Tôi nghĩ chắc có lẽ những bài viết của tôi nên em gái tôi đang chịu áp lực gì đó. Em gái tôi yêu cầu tôi dừng mọi việc và nói là chị làm như vậy thì tội em càng nặng.”
Cô Đoàn Thị Hồng (36 tuổi) bị bắt giữ vào ngày 2 tháng 9 năm ngoái khi đang đi chơi cùng một bạn nữ khác. Theo Ân Xá Quốc tế, cô bị bắt mà không có lệnh bắt. Trước đó, vào tháng 6 năm 2018, cô Đoàn Thị Hồng đã tham gia một cuộc biểu tình ôn hòa ở thành phố Hồ Chí Minh để phản đối dự luật Đặc Khu và luật An Ninh Mạng.
Tuy nhiên sau khi bị bắt, cô Đoàn Thị Hồng đã không được gặp người thân trong suốt 11 tháng cho đến ngày 2/8/2019 vừa qua khi cô lần đầu tiên được gặp chị gái Đoàn Thị Khánh.
Cô Đoàn Thị Khánh được một nhân viên an ninh tại trại tạm giam cho biết cô Đoàn Thị Hồng không được tiếp xúc người thân trong thời gian dài vì phạm tội liên quan đến vụ án phá rối an ninh không thể hưởng theo chế độ mà luật pháp đề ra. Trường hợp liên quan đến tội phá rối an ninh chỉ ưu tiên cho phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 9 tháng tuổi chứ không cho trẻ dưới 36 tháng tuổi. Đó là lý do mà cô Đoàn Thị Hồng bị biệt giam suốt 11 tháng qua mà không được gặp gia đình và luật sư.
Hôm 6 tháng 9, Ân Xá Quốc Tế đã lên tiếng kêu gọi chính phủ Việt Nam phải trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho cô Đoàn Thị Hồng vì cô chỉ thực hiện quyền tự do biểu đạt một cách ôn hòa.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/doan-thi-hong-requests-lawyer-10072019105919.html
Người ném bom xăng
đốt xe cảnh sát tại Bình Thuận rút kháng cáo
Tòa án Nhân dân cấp cao tại thành phố HCM (TAND) ngày 7/10 đã mở phiên xét xử phúc thẩm đối với bị cáo Phạm Thanh, 32 tuổi ngụ thị trấn Phan Rí, Tuy Phong, Bình Thuận theo đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt về tội hủy hoại tài sản.
Theo báo Pháp luật TPHCM, tại phần xét xử ở phiên tòa phúc thẩm, Thanh đã nhận ra lỗi lầm của mình và xin rút đơn kháng cáo tại phiên xử.
Do đó, TAND Cấp cao tại TPHCM đã đình chỉ xét xử phúc thẩm và tuyên bố bản án sơ thẩm do TAND tỉnh Bình Thuận xét xử hồi tháng 5/2019 có hiệu lực pháp luật.
Thanh là một trong hai bị cáo đã phóng hỏa thiêu rụi bốn ô tô cảnh sát tại trụ sở Đội Cảnh sát PCCC và cứu hộ Phan Rí vào ngày 11/6/2018.
TAND Bình Thuận đã tuyên phạt Phạm Thanh 11 năm tù về tội hủy hoại tài sản cùng với Đặng Ngọc Tấn (19 tuổi) 17 năm tù theo điều 178 Bộ Luật hình sự năm 2015. Thanh sau đó kháng cáo vì cho rằng cái chai mà Thanh dùng để ném vào xe cảnh sát không có xăng nên kết tội Thanh là không đúng.
Theo cáo trạng tại phiên xử sơ thẩm, khoảng 9h30 ngày 11-6-2018, nhiều người dân tụ tập trên quốc lộ 1 đoạn thuộc thôn Bình Long, xã Phan Rí Thành (Bắc Bình) làm mất an ninh trật tự, gây cản trở giao thông. Lực lượng CSCĐ đang làm nhiệm vụ và chính quyền địa phương đã dùng loa tuyên truyền, yêu cầu những người tham gia tụ tập giải tán để tránh ùn tắc giao thông, không quá khích, gây mất an ninh trật tự.
Tuy nhiên, 2 bị cáo Tấn và Thanh cùng những người tham gia không chấp hành mà còn trở nên quá khích, có hành vi dùng gậy, gạch đá, bom xăng tự chế tấn công vào lực lượng CSCĐ đang làm nhiệm vụ.
Đặng Ngọc Tấn đã châm lửa 2 chai xăng tự chế ném vào lực lượng CSCĐ và vào xe công vụ của Công an huyện Bắc Bình đang đậu ở đây. Chiếc xe bốc cháy và lan sang 3 chiếc khác. Tấn tiếp tục nhặt bom xăng tự chế ném vào một chiếc xe khách bị người quá khích lật nghiêng ở tường rào, chiếc xe bốc cháy dữ dội và lan sang một chiếc xe 30 chỗ dùng để chở quân gần đó.
Thanh cũng tham gia xông vào trụ sở Đội PCCC, dùng bom tự chế ném vào đốt các ô tô đang đậu trong sân. Cáo trạng kết luận bị cáo Tấn và Thanh cùng nhau dùng xăng đốt cháy hoàn toàn 4 ô tô, gây thiệt hại hơn 2 tỉ đồng. Riêng, Tấn còn tự mình đốt 2 ô tô khách đậu gần đó gây thiệt hại hơn 2,5 tỉ đồng.
Vào ngày 10 và 11 tháng 6 năm 2018, hàng ngàn người dân ở nhiều tỉnh và thành phố Việt Nam đã đổ xuống đường để phản đối dự luật Đặc khu và An ninh mạng. Những vụ biểu tình ở Bình Thuận đã dẫn đến bạo động.
Hằng trăm người đã bị bắt giữ, xử phạt và và thậm chí bị kết án tù với các cáo buộc gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ và hủy hoại tài sản.
Sư Thích Thanh Toàn xin hoàn tục
nhưng vẫn muốn giữ đất đai, tài sản
Sư thầy Thích Thanh Toàn, trụ trì chùa Nga Hoàng, hôm 4/10 đã có tờ trình gửi Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc, xin được xả giới, hoàn tục, nhưng vẫn muốn giữ lại toàn bộ tài sản là trang trại, đất đai, vật dụng mang tên chủ sở hữu là thể danh của sư Toàn. Truyền thông trong nước loan tin này hôm 6/10.
Đại đức Thích Thanh Toàn là một nhân vật trong phóng sự điều tra của báo Phụ Nữ thành phố Hồ Chí Minh hồi tháng trước. Theo phóng sự này, sư Toàn đã có những lời nói, hành vi “gạ tình” đối với nữ nhà báo.
Sau phóng sự, vào ngày 25/9 vừa qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết định kỷ luật sư Thích Thanh Toàn bằng hình thức viết kiểm điểm, sám hối Đại Tăng, và bị đình chỉ chức vụ trụ trì chùa Nga Hoàng 3 tháng.
Trong tờ trình của mình, sư Thích Thanh Toàn viết: “Trong thời gian qua, con đã có làm một số việc ảnh hưởng đến Giáo Hội và con cảm thấy không xứng đáng làm một người đệ tử xuất gia”.
Truyền thông trong nước phỏng vấn Đại đức Thích Tâm Vượng, Phó Trưởng Ban trị sự Phật giáo VN tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, tại cuộc họp chiều 5/10, Đại đức Thích Thanh Toàn đã xin xả giới và hoàn tục. Ngoài ra, Đại đức Thích Thanh Toàn còn đưa thỉnh nguyện tại cuộc họp xin được giữ lại những tài sản như trang trại, đất đai, vật dụng mang tên chủ sở hữu là thể danh của sư Toàn, tức Lê Hữu Long.
Theo phóng sự điều tra của báo Phụ Nữ, sư Thích Thanh Toàn cũng có liên quan với tập đoàn Sun Group trong việc lấy đất rừng, làm chùa ở Tam Đảo.
Ô nhiễm không khí gây bất an Hà Nội nhưng dân tự lo
Nguyễn Hà HùngCây bút tại Hà Nội
Đánh răng, rửa mặt, sẽ không còn là việc trước tiên mỗi buổi sáng của người Hà Nội.
Nếu tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng không chấm dứt, họ sẽ đọc các chỉ số bụi mịn, khí thải khi thức giấc. Đến nay đã hơn bốn tuần, Hà Nội bất an.
Đối mặt ô nhiễm, người Hà Nội phải tự làm mọi việc, phát hiện, nêu vấn đề và giải quyết nó.
Dân tự phát hiện ô nhiễm
Hà Nội ‘gần nhất Đông Nam Á’ về ô nhiễm không khí
Việt Nam khuyến cáo dân Hà Nội ‘hạn chế ra đường’
Hà Nội: Xe máy cũ và tình trạng ô nhiễm
Dân đọc chỉ số ô nhiễm không khí bằng các ứng dụng quốc tế trên điện thoại. Họ không nhận được cảnh báo tình trạng ô nhiễm mỗi ngày của các cơ quan nhà nước.
Hiện tại, bản tin thời tiết của báo chí, của cơ quan chức năng, không có thông tin mức độ ô nhiễm không khí. Ủy ban Nhân dân Thành phố có một trang “Cổng thông tin quan trắc môi trường” nhưng có vẻ còn dở dang.
Trang này không có nhiều thông tin, không nêu rõ cách thức tính toán. Số liệu ô nhiễm mà họ công bố có khi thấp hơn một nửa so với các ứng dụng khác.
Người đọc có thể nhận ra họ làm theo chuẩn Việt Nam. Website này hiện không có ứng dụng trên điện thoại. Vì vậy, thông tin của họ ít khả năng tiếp cận được người dân là điều dễ hiểu.
Dân nêu vấn đề
Dân công khai trạng thái lo lắng của mình ngay sau khi có chỉ số ô nhiễm. Họ bày tỏ lo lắng khi bị Air Visual đánh giá Hà Nội ô nhiễm không khí nhất thế giới. Vẫn như trước đây, báo chí đưa tin chậm, phản ứng của quan chức còn trễ hơn nhiều.
Mức độ chậm trễ của truyền thông nhà nước có thể tính theo ngày, trong khi phản ứng của các quan chức có thể tính theo tuần.
Vấn đề của dân là không thể sống nổi trong môi trường bị đầu độc. Trong khi đó, vấn đề của báo chí và quan chức có vẻ là thứ hạng ô nhiễm. Tuy công nhận tình trạng nghiêm trọng, quan chức và báo chí cho rằng thông tin của Air Visual không chính xác.
Họ khuyến cáo dùng số liệu của các nhà cung cấp ít tên tuổi, trong đó có cổng thông tin của Hà Nội nêu trên và AQICN, thiết lập tại Bắc Kinh.
Phản đối hay ủng hộ ý kiến cho rằng Air Visual không đáng tin là quyền của mỗi người. Mọi cáo buộc vắng mặt Air Visual và/hoặc người đại diện của họ là cách làm không chính đáng, không công bằng. Đây cũng là dịp tốt để báo chí điều tra về các giá trị của Air Visual, nếu mục tiêu của báo chí là đem đến cho bạn đọc thông tin trung thực để ra quyết định và hành động đúng đắn.
Dân tự giải quyết
Người dân phải làm sạch không khí trong phòng, đóng hết các cửa, ra đường bịt khẩu trang, giảm thời gian ngoài phố. Không còn cách khác. Kể cả dân mua được máy lọc không khí trong nhà và khẩu trang chuyên dụng, rủi ro vẫn đứng ngoài cửa và bủa vây cả xã hội. Người lớn không thể nghỉ việc, trẻ em phải đi học. Bố mẹ tự cho con nghỉ thì không theo được chương trình, bị trừ điểm thi đua…
Giải pháp toàn diện chính quyền có thể công bố sau, nhưng giải pháp trước mắt phải có ngay để bảo vệ sức khỏe người dân thì chưa thuyết phục. Học sinh chưa được nghỉ học, dân chưa được hỗ trợ dù chỉ một cái khẩu trang.
Báo chí có thể điều tra độ tin cậy của các nhà cung cấp chỉ số ô nhiễm dễ dàng. Thay vì làm điều đó rõ trắng đen, họ khuyên người dân thận trọng, không chạy theo đám đông.
‘Chính quyền đang làm hết sức’?
Cho rằng phải quan tâm đến thứ hạng, nhất là khi bị nước ngoài đánh giá nước mình ô nhiễm nhất thế giới. Tự hào Việt Nam để đâu? Xin thưa, điều người dân cần nhất, trong những lúc như thế này, là không khí sạch để thở. Không có tinh thần dân tộc nào rửa sạch được nội tạng nhiễm bụi. Vì thế, báo chí nhà nước không nên lệch trọng tâm.
Ai đó có thể nói, chính quyền đang làm hết khả năng, đừng kêu ca nữa. Thà thắp một ngọn nến còn hơn ngồi đó nguyền rủa bóng tối. Xin thưa, phản hồi của dân là tài sản đấy, dân im lặng, quay lưng là mất tất cả. Dân tự giải quyết sẽ khó tránh khỏi tình trạng “đèn ai, nhà nấy rạng”. Xã hội sẽ mãi chìm trong bóng tối. Vả lại, đó không phải là cách thức quản trị xã hội đúng đắn.
Chúng ta sẽ phải sống ra sao, con trẻ sẽ phải chịu đựng ô nhiễm đến khi nào?
Nhân dân không thể không trông cậy chính quyền. Họ trả lương cho chính quyền để chính quyền bảo vệ họ.
Đừng để dân phải nai lưng đóng thuế nuôi bộ máy nhà nước, rồi sau đó họ phải làm hết mọi việc, từ phát hiện vấn đề, nói lên thực trạng, rồi rốt cuộc phải tự mình giải quyết.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của ông Nguyễn Hà Hùng ở Hà Nội. Bài đã đăng trên trang Facebook cá nhân của tác giả.
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-49959417
Việt Nam xả thẳng hầu hết nước thải đô thị
chưa xử lý ra môi trường
Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra vào ngày 6/10 cho biết Việt Nam chỉ xử lý 13% lượng nước thải đô thị của cả nước. Báo mạng VnExpress tiếng Anh loan tin ngày 7/10.
Báo cáo dẫn lời ông Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Bộ Xây Dựng cho biết Việt Nam có 43 nhà máy xử lý nước thải đô thị với công suất 926.000 mét khối nước thải mỗi ngày, nhưng những thách thức trong việc thu nhận và xử lý nước thải khiến cho tỷ lệ, xử lý nước thải, thấp.
Trong đó, Hà Nội có 6 nhà máy hoạt động xử lý tổng cộng 276.300 mét khối nước thải mỗi ngày, chiếm tới 22% lượng nước thải hàng ngày. Thành phố cho biết, các nhà máy xử lý nước thải mới vẫn chưa được hoàn thành, và 12 nhà máy nữa đang trong giai đoạn hình thành. Vẫn theo báo cáo, Hà Nội cho rằng việc tìm kiếm nguồn quỹ xã hội hóa cho các hệ thống thoát nước còn khó khăn và đó cũng là một trong những yếu tố khiến tiến trình xử lý nước thải sinh hoạt chưa đạt được kế hoạch.
Trong khi đó, tại thành phố Hồ Chí Minh, hiện có 3 nhà máy hoạt động và các đơn vị khác xử lý tổng cộng 370.624 mét khối nước thải mỗi ngày, đạt khoảng 21,2% tổng lượng nước thải hàng ngày.
Báo cáo cũng dẫn lời ông Nguyễn Việt Anh, Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường (IESE), nói rằng hầu hết các dự án tài trợ ODA không có hệ thống thoát nước với các hộ dân nên cũng khiến cho việc thiết lập hệ thống xử lý nước thải gặp nhiều thách thức.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới về quản lý nước thải đô thị tại Việt Nam, chỉ có 60% hộ gia đình ở Việt Nam được kết nối với hệ thống nước công cộng và chỉ 10% nước thải được thu gom và xử lý. Vì thế, VN sẽ cần khoảng 8,3 tỷ đô la để cung cấp dịch vụ thoát nước đô thị cho 36 triệu công dân vào năm 2025.
Theo một nghiên cứu của công ty Indochina Research, ô nhiễm nước là một trong năm mối quan tâm hàng đầu đối với công chúng Việt Nam, chỉ sau ô nhiễm không khí, an toàn thực phẩm, quấy rối tình dục và chăm sóc sức khỏe.
Hoa Kỳ, Đức Và Anh cảnh báo đỏ công dân của mình
về ô nhiễm không khí Việt Nam
Tin từ Việt Nam, ngày 07/10/2019: Theo Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ thì Đức, Anh và Mỹ mới đưa ra “cảnh báo đỏ” để nói về tình hình ô nhiễm không khí ở mức độ vô cùng nghiêm trọng ở nhiều thành phố lớn của Việt Nam như Hà Nội và Sài Gòn, và khuyến cáo công dân của họ về tác động của ô nhiễm không khí đối với sức khoẻ.
Thông báo của Toà Đại sứ Anh quốc tại Hà Nội vào ngày 01/10 viết “Mức độ ô nhiễm không khí ở mức cao, thậm chí là nguy hiểm, xảy ra ở Việt Nam, đặc biệt là ở các thành phố lớn, có thể làm trầm trọng các bệnh về tim, phổi và hô hấp. Trẻ em, người già và những ai có tiền sử bệnh lý đặc biệt bị ảnh hưởng.” Toà đại sứ cũng kêu gọi công dân Anh quốc tìm kiếm thông tin về phẩm chất không khí và các biện pháp phòng ngừa trên trang web của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hoặc truy cập trang website cung cấp chỉ số phẩm cấp không khí thể giới để xem tình hình ô nhiễm với thời gian thực ở một số thành phố ở Việt Nam.
Theo BBC, tối 01/10, trạm giám sát ở Toà Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội cho biết phẩm cấp không khí ở thành phố này ở mức “không lành mạnh” và “có thể ảnh hưởng tới sức khoẻ của tất cả mọi người.”
Trong khi đó, Toà Đại sứ Đức hôm 01/10 cũng đưa ra cảnh báo đỏ rằng phẩm chất không khí ở Hà Nội không tốt cho sức khỏe.
Cảnh báo của ngoại giao đoàn của một số quốc gia phương Tây ở Hà Nội được đưa ra đúng ngày chính phủ Việt Nam khuyến cáo “người dân, đặc biệt là trẻ em, người lớn tuổi, phụ nữ mang thai, người mắc các bệnh hô hấp hạn chế ra ngoài, hạn chế tham gia giao thông và các hoạt động ngoài trời” và “nếu có nhu cầu ra ngoài thì nên đeo khẩu trang và kính mắt.”
Theo một số chuyên gia, ô nhiễm không khí là hiểm họa môi trường lớn nhất đối với sức khỏe con người ở Việt Nam, thậm chí có thể nghiêm trọng hơn tai nạn giao thông. Các chất gây ô nhiễm không khí được coi là có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và môi trường.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/hoa-ky-duc-va-anh-canh-bao-do-ve-o-nhiem-khong-khi-viet-nam/
Ông Trọng lần đầu nhắc tới Biển Đông
sau 3 tháng căng thẳng
Chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng trong phát biểu khai mạc Hội nghị trung ương lần thứ 11 sáng 7/10/2019 kêu gọi phân tích tình hình Biển Đông để có quyết sách phù hợp.
Đây được xem là phát biểu đầu tiên của người đứng đầu nhà nước và đảng Cộng sản Việt Nam sau hơn 3 tháng đội tàu Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo Công ước Quốc tế về luật biển 1982.
Mạng báo Thanh Niên dẫn lời ông Nguyễn Phú Trọng đề nghị các đại biểu xem xét, phân tích thật kỹ thực tế tình hình của các ngành, lĩnh vực và địa phương để thảo luận, đánh giá khách quan, toàn diện tình hình phát triển kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước 9 tháng năm 2019, dự báo cả năm 2019.
“Chỉ rõ những kết quả, thành tích nổi bật đã đạt được, những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và nguyên nhân.
Đồng thời, phân tích, dự báo có căn cứ, cơ sở khoa học, tình hình thế giới và trong nước, nhất là tình hình Biển Đông.
Chỉ rõ các khả năng có thể xảy ra trong thời gian tới, lường trước những thời cơ, thuận lợi cần nắm bắt, những khó khăn, thách thức cần phải nỗ lực vượt qua”.
Từ khoảng 3 tháng nay, Việt Nam đã phải đối đầu với việc Trung Quốc điều tàu hải cảnh, dân binh và tàu khảo sát Hải Dương 8 vào sâu trong khu vực đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã 4 lần lên tiếng chính thức yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ tàu khỏi vùng biển Việt Nam nhưng tình hình vẫn chưa có gì tiến triển.
Đã có những nhân sĩ trí thức trong và ngoài nước kêu gọi chính phủ Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế, tương tự như vụ Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Quốc tế PCA và có được phán quyết hồi năm 2016.
Hồi năm 2014, khi Trung Quốc đưa giàn khoan dầu HD 981 vào vùng biển Việt Nam khiến quan hệ hai nước trở nên căng thẳng, cũng đã có những lời kêu gọi Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế nhưng sau đó Trung Quốc đã rút giàn khoan và không có vụ kiện nào được thực hiện.
Việt Nam: Cải cách tùy vào Đảng Cộng sản ‘tự sửa sai’
PGS. TS. Phạm Quý ThọGửi cho BBC News Tiếng Việt từ Hà Nội
Cách thức ‘Sai – Sửa’ xuất phát từ phương pháp có tên gọi “Thử và Sai”, được áp dụng trong quản lý xã hội, đặc biệt ở các nước như Việt Nam duy trì chế độ đảng toàn trị trong quá trình chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang kinh tế thị trường.
VN: ‘Bảo trợ chính trị’ đang gây nguy hại cho chế độ?
Cải tổ Công an có thay đổi tư duy cải cách?
Độc quyền BOT, ‘sự cố’ Cai Lậy và bất ổn thể chế
Nhược điểm của phương pháp này là trong điều kiện không có lý thuyết chuyển đổi và kinh nghiệm của Đảng CS Trung Quốc có thể không là chỗ dựa tin tưởng, đường lối, chính sách do Đảng CS Việt Nam đề ra dễ mang tính chủ quan, duy ý chí, thiên sử dụng công cụ bạo lực, hành chính vốn là bản chất của chế độ được sinh ra bằng cách mạng. Bởi vậy, khả năng thực thi mang tính thử nghiệm tăng lên, khi thấy sai sẽ tìm cách sửa. Áp dụng phương pháp này thường mất nhiều thời gian, tốn kém, không thúc đẩy phát huy tư duy đột phá và chỉ có giá trị trong ngắn hạn và thường để lại những hậu quả nặng nề.
Thực tế lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã cho thấy điều đó. Dưới đây nêu một số trường hợp ‘sai – sửa’ điển hình để minh hoạ. Theo cách tiếp cận này ‘Chính phủ kiến tạo’ được nhìn nhận như là ‘thể chế sửa sai’ sau thập kỷ bất ổn trước Đại hội 12 năm 2016. Một trong những nhiệm vụ chủ yếu của Chính phủ này là thúc đẩy tăng trưởng để thể hiện tính chính danh của Đảng. Tuy nhiên, nếu thiếu cải cách đột phá hệ thống chính trị thì trường hợp ‘Sai – Sửa’ là khó tránh khỏi.
Trường hợp điển hình ‘sai – sửa’
Sửa sai trong ‘Cải cách ruộng đất’.
Đây là trường hợp điển hình đầu tiên của Đảng Lao động Việt Nam (sau này đổi tên thành Đảng Cộng sản), trong đó sai lầm được nhìn nhận là nghiêm trọng và việc sửa sai là bãi bỏ việc sử dụng bạo lực và hình thức đấu tố, kỷ luật nghiêm lãnh đạo chịu trách nhiệm và công khai ‘xin lỗi quốc dân đồng bào’.
Bước vào thời kỳ ‘xây dựng chế độ xã hội ở miền Bắc, nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung được coi như một xí nghiệp lớn được điều hành bởi nhà nước trung ương dưới sự lãnh đạo độc tôn của đảng cộng sản với công cụ kế hoạch hoá. Đặt vấn đề cải tổ mô hình thể chế kiểu này là cực kỳ khó khăn cho đến khi hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ vào năm 1989.
Trường hợp sửa sai tiếp theo là ‘khoán hộ’.
Cố bí thư tỉnh uỷ Vĩnh Phúc, ông Kim Ngọc (1917-1979) được coi là ‘cha đẻ’ của việc giao khoán sản lượng lương thực cho hộ gia đình trong nông nghiệp ở Việt Nam. ‘Khoán hộ’ đã gắn sức lao động hộ nông dân với kết quả làm ra, làm tăng năng suất và cải thiện đời sống gia đình. Ông từng phê phán hình thức hợp tác xã: “Xã viên không coi ruộng đất là của mình nên họ chẳng thiết tha gì với đồng ruộng”.
‘Khoán hộ’ được thực hiện từ những cuối năm 60-70 của thế kỷ trước, nhưng Đảng nhận định là trái với chủ trương về hợp tác hoá – việc áp dụng mô hình kinh tế của Liên Xô cũ, khiến cố Bí thư Kim Ngọc bị kỷ luật. Đến 1988 sự can đảm ‘vượt rào’ là cơ sở ra đời Nghị quyết 10 của Đảng, được coi là ‘đột phá’ về ‘khoán hộ’ trong nông nghiệp. Sau này Đảng đã ‘sửa sai’, ghi nhận công lao và ‘truy tặng’ nhiều huân, huy chương.
Trường hợp thứ ba là việc sửa sai ‘bất ổn vĩ mô’.
Sai lầm do ‘Quản lý kinh tế, xã hội yếu kém’ là nguyên nhân trực tiếp của tình hình ‘bất ổn vĩ mô, trong những năm thuộc hai nhiệm kỳ 2006 – 2016. Hơn thế, Đảng nhận định ‘tự chuyển hoá, tự diễn biến’ của cán bộ đảng viên là sự thách thức sự tồn vong của chế độ.
Trong thời gian ngắn Đảng đã thành lập nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước, coi chúng như ‘những quả đấm thép’ với kỳ vọng tạo đột phá tăng trưởng. Ngoài ra, hàng loạt các ngân hàng, tổ chức tài chính, các nhà máy thuỷ điện nhỏ, hàng trăm trường đại học, cao đẳng, … được ‘bung ra’ bằng quyết định hành chính, bất chấp các điều kiện và tiêu chuẩn chuyên ngành.
Hậu quả của ‘bất ổn vĩ mô’ là rất nặng nề về các mặt kinh tế, xã hội và môi trường. Đây được coi là ‘thập kỷ mất mát’. Tuy nhiên, việc sửa sai đã không công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Đã không có lãnh đạo nào chịu trách nhiệm. Cũng không có lời xin lỗi công khai trước nhân dân cả nước.
Dư luận đã xôn xao, bàn tán về việc ‘đồng chí X’ bị ‘kỷ luật hụt’, và rằng mâu thuẫn đã xảy ra trong nội bộ Đảng.
‘Thể chế sửa sai’
Từ cách tiếp cận ‘Sai – Sửa, theo tôi, ‘Chính phủ kiến tạo’ cần được nhìn nhận là ‘thể chế sửa sai’ sau thời kỳ ‘bất ổn vĩ mô’.
Chính phủ với bộ máy và nhân sự hiện có đang ban hành các chính sách, luật lệ, quy tắc và thực thi các hoạt động khá năng động với phương châm ‘kiến tạo, liêm chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp’ với ‘sự tự tin và lạc quan’ rằng ‘hành động của trung ương’ có tác động tích cực và không gây ra những hiệu ứng trái ngược’. ‘Sáng kiến’ này nên được coi là thực tế trong bối cảnh Đảng toàn trị và ‘dư âm’ điều hành của chính phủ tiền nhiệm còn nhiều ảnh hưởng.
Đặc trưng của thể chế này là tăng các công cụ thị trường, đồng thời giảm các biện pháp hành chính. Trong lĩnh vực kinh tế hướng hoạt động chủ yếu được tập trung là thúc đẩy tự do kinh doanh bằng môi trường chính sách, pháp luật, không chỉ sửa đổi, ban hành mới mà còn loại bỏ cũ, lạc hậu, cản trở.
Ngoài ra, sự quyết tâm, năng động của người đứng đầu cũng phát huy được thế mạnh của ‘hệ thống chính trị’ một cách ‘khéo léo’ để không sa vào ‘bạo lực’ mà vẫn đạt kết quả, ứng xử không gay gắt nhưng không ‘dĩ hoà vi quý’. Thúc dục giải ngân vốn đầu tư công nhưng lưu ý về nạn tham nhũng, lãng phí kiểu ‘bán thầu’ B cho B’. Huỷ bỏ kết quả đấu thầu xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam cho thấy sự phản hồi kịp thời trước cảnh báo nguy cơ an ninh quốc gia.
Quyết sách kịp thời cho các tình huống khẩn cấp như sói lở bờ sông biển ở Đồng bằng sông Cửu Long. Hội thảo quốc gia được tổ chức nhiều hơn với hy vọng có nhiều ý kiến ‘đa dạng’ từ doanh nghiệp, các nhà khoa học và chuyên gia ‘đến được’ các lãnh đạo ban, ngành, địa phương…
Ngoài ra, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận về tăng nhanh GDP qua các năm 2016-2019, ‘Chính phủ kiến tạo’ hiên nay đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có những tác động từ ‘hiệu ứng ngược’ của chính sách.
Trước hết, đó là ‘sự phản ứng’ của cán bộ đảng viên trong bộ máy chính quyền, đặc biệt ở địa phương, đang tạo ra tình trạng ‘trên nóng dưới lạnh’ và việc trì hoãn triển khai các chính sách trước nguy cơ bị kỷ luật đảng trong chiến dịch chống tham nhũng.
Hàng nghìn héc ta đất rừng được ‘giao’ cho doanh nghiệp để xây dựng chùa Bái Đính, chùa Ba Vàng, chùa Tam Chúc… rồi ‘bán vé thu tiền’ như một ‘danh thắng’ khiến dư luận đặt nghi vấn về việc ‘kinh doanh tâm linh’. Nhiều vị trí thiên nhiên có ưu thế về địa kinh tế, như phong cảnh ‘sơn thuỷ hữu tình’, về khí hậu, nghỉ dưỡng được ‘ưu ái’ cho các tập đoàn có đủ ‘tiềm lực’ và ‘hữu hảo’ với chính quyền để xây dựng các cơ sở kinh doanh du lịch…
Thúc đẩy tự do kinh doanh tạo ưu thế cho các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân lớn làm tổn hại cạnh tranh, dung dưỡng các quan hệ thân hữu, tham nhũng chính sách, gia tăng xung đột quan hệ sở hữu.
Ngoài ra, những hậu quả đã được cảnh báo như ô nhiễm môi trường thêm trầm trọng, cách biệt giàu nghèo, bất công lớn hơn, giảm sút chất lượng giáo dục, y tế, mất an toàn thực phẩm, tệ nạn xã hội…
Trường hợp ‘sai – sửa’ tiếp theo?
‘Chính phủ kiến tạo’ chỉ là khởi đầu cho sửa sai. ‘Thể chế sửa sai’ sẽ phải bao gồm nhiều giải pháp và điều kiện thực hiện. Trong đó cải cách hệ thống chính trị cần được đặt ra sao cho nền kinh tế đi theo quỹ đạo phát triển thị trường hiện đại và vượt qua lực cản lớn nhất là ý thức hệ xã hội chủ nghĩa giáo điều.
Các đại hội đảng có ý nghĩa quan trọng cho việc duy trì chế độ, không chỉ bởi các chính sách mà còn là công tác nhân sự, đặc biệt vai trò của người đứng đầu. Quan sát công tác chuẩn bị Đại hội 13 của Đảng CS cho thấy nội dung các báo cáo trình đại hội sẽ không có thay đổi đột phá về thể chế chính trị, việc quy hoạch nhân sự theo hướng tập trung hoá quyền lực và việc chuyển giao vị trí lãnh đạo ‘tứ trụ’ vẫn là ‘ẩn số’.
Việc sửa sai lần này vẫn đang chứa đựng nguy cơ bất ổn khi câu hỏi về việc Đảng Cộng sản toàn trị lãnh đạo kinh tế thị trường như thế nào vẫn bỏ ngỏ, bởi vậy trường hợp ‘sai – sửa’ tiếp theo có thể dự đoán sẽ để lại những hậu quả lâu dài.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, nguyên Chủ nhiệm Khoa Chính sách công, Học viện Chính sách & Phát triển, Bộ Kế hoạch & Đầu tư gửi đến từ Hà Nội.
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-49963949
Hội nghị Trung ương 11 khai mạc,
ông Trọng ‘vừa muốn nghỉ vừa muốn làm’
Ben Ngo
Một nhà báo tự do ở Hà Nội hôm 7/10 nhận định Tổng Bí thư đang ở vào thế “vừa muốn nghỉ, vừa muốn làm”. Phát biểu này được đưa ra vào ngày khai mạc Hội nghị Trung ương 11, sự kiện được cho là “quyết định nhiều vấn đề về tổ chức, cán bộ” trước Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Các báo nhà nước cho hay Hội nghị Trung ương 11 khai mạc dưới sự chủ trì của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Công tác nhân sự lãnh đạo chủ chốt được xem là trọng tâm của sự kiện này.
Trong bảy ngày (từ 7 đến 13/10), các đại biểu dự Hội nghị tập trung thảo luận, cho ý kiến một bước về các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng như dự thảo báo cáo chính trị, dự thảo báo cáo 10 năm thực hiện cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); dự thảo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược kinh tế – xã hội 2011-2020…
Hôm 7/10, trả lời RFA, nhà báo tự do Phạm Thành nhận định:
“Về các ứng viên có thể kế vị ghế Tổng bí thư, ba bốn tháng trước lộ ra vài nhân vật như ông Trần Quốc Vượng. Nhưng gần đây có dư luận nói cả ông Nguyễn Xuân Phúc nữa. Ông Vượng hay ông Phúc lên thì đương nhiên ông Trọng phải nghỉ. Tôi cho rằng khả năng ông Trọng nghỉ. Tôi thấy ông Trọng xuất hiện tại các sự kiện rất gắng gượng, trong một tấm ảnh người ta thấy ông giơ tay lên nhưng không phải cánh tay khỏe mạnh. Người ta nói có 5, 7 ông bác sĩ người Trung Quốc chăm sóc sức khỏe cho ông.”
Nhà báo Phạm Thành nói thêm: “Về tham vọng, ông Trọng rất muốn ở lại để tiếp tuc làm tổng bí thư thêm nhiệm kỳ nữa, nhưng sức khỏe của ông không đảm bảo. Nhưng ông ấy có tư tưởng rằng rất mong mình khỏe lên để tiếp tục giữ trọng trách tổng bí thư. Khả năng ông Trọng vừa muốn nghỉ vừa muốn làm đang ở trong tư tưởng của ông. Cho nên một khi ông Trọng chưa chính thức nói tôi muốn nghỉ thì ông Vượng hay ông Phúc cũng chỉ ngấp nghé mà thôi. Có thể ông ấy sẽ bất ngờ tuyên bố nghỉ bất kỳ lúc nào, chúng ta chưa biết được.”
Trước đó, hôm 23/9, trả lời RFA qua email, ông Nguyễn Khắc Giang, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Victoria Wellington, New Zealand, cho biết:
“Theo nguyên tắc chuẩn bị nhân sự từ thấp đến cao, Trung ương 11 nhiều khả năng sẽ bàn về quy hoạch cán bộ cấp ủy viên Trung ương dựa trên danh sách Bộ Chính trị phê duyệt và đệ trình, thay vì cán bộ cấp cao. Không loại trừ vấn đề lãnh đạo cấp cao được thảo luận, nhưng sẽ khó được đưa vào nghị trình chính thức. Như truyền thống của đại hội trước, vấn đề nhân sự cấp cao chỉ nóng lên vào năm bản lề – 2020.”
Nhận định về “cuộc đấu phe phái” trước khi hội nghị diễn ra, ông Giang viết: “Để phân biệt rõ ràng “phe” nào với nhau là rất khó khăn trong thời điểm hiện tại, bởi cái bóng quá lớn của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khiến cho tất cả những ai muốn tranh đấu quyền lực phải ẩn mình chờ thời. Đây có lẽ là lần đầu tiên từ năm 1986 mà chúng ta không phân định được các nhóm lợi ích với ưu tiên chính sách rõ ràng, bảo thủ hay đổi mới. Điều này khiến cho việc đoán định chính sách của đội ngũ lãnh đạo mới sẽ khó khăn hơn.”
Ông Nguyễn Phú Trọng đã giữ chức Tổng Bí thư được hai nhiệm kỳ từ năm 2011. Năm 2016, ông trúng nhiệm kỳ 2 dù đã quá tuổi. Lúc đó đã có những nhận định cho rằng ông sẽ chỉ ở lại nửa nhiệm kỳ.
Hồi tháng 4 vừa qua, trong chuyến đi thăm Kiên Giang, ông Trọng phải đi cấp cứu ở bệnh viện. Ông Trọng vắng bóng trên chính trường trong nhiều tuần sau đó trong khi báo chí chính thống không đưa tin cụ thể ông bị bệnh gì. Sức khỏe của ông Trọng được cho là cũng ảnh hưởng đến việc ông có thể ở lại hay không trong nhiệm kỳ tới.
Bãi Tư Chính: Nhiều trí thức
muốn Việt Nam kiện Trung Quốc
Nguyễn ĐứcTường thuật ở Hà Nội
Một buổi thảo luận về Bãi Tư Chính vừa diễn ra tại Hà Nội ngày 6/10, với sự tham dự của nhiều vị nhân sĩ có tiếng.
TQ đòi VN dừng hoạt động dầu khí ở Bãi Tư Chính
Giải pháp nào cho tranh chấp Tư Chính?
Tọa đàm khoa học “Vùng biển Bãi Tư Chính và Luật pháp quốc tế” do Viện nghiên cứu chính sách pháp luật và phát triển (Viện PLD) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức.
Cuộc gặp có sự tham gia của nhiều nhân sĩ trí thức như GS Nguyễn Đình Cống, cựu đại sứ Nguyễn Trung, GS Chu Hảo, GS Trần Ngọc Vương.
Ngoài ra còn có ông Vũ Quốc Hùng, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên phó chủ nhiệm thường trực UBKT Trung ương, ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, chuyên gia Phạm Chi Lan, KTS Trần Thanh Vân, cựu Đại sứ Nguyễn Trường Giang…
‘Giữ được Bãi Tư Chính là giữ được các đảo khác’
GS Chu Hảo, người mới bị Đảng khai trừ, chia sẻ: “Lần thách thức này là chuyện trước mắt mất nước hay không mất nước. Kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế lúc này là đúng thời điểm, đúng lúc rất quan trọng.”
“Muốn có thế trận lòng dân thì Đảng, chính phủ phải minh bạch thông tin. Đài Tiếng nói, đài truyền hình phải cập nhật liên tục diễn tiến tàu Trung Quốc đang xâm phạm Bãi Tư chính.”
GS Chu Hảo nhấn mạnh hiện tại chính quyền Việt Nam có 3 nút thắt.
Nút thắt thứ nhất là cần kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế.
Nút thắt thứ hai là nâng cấp quan hệ với Mỹ lên thành quan hệ chiến lược, đặc biệt là vấn đề an ninh quốc phòng.
Ông Chu Hảo nói: “Vài người bạn ở Bộ Ngoại giao Mỹ có nói với tôi rằng phản ứng của Việt Nam hiện nay chậm chạp bị động rụt rè, việc này làm cho phía Mỹ nản lòng.”
“Họ nói rằng Mỹ đang căn cứ luật pháp quốc tế để bảo vệ quyền lợi của Mỹ ở Biển Đông chứ không phải vì quyền lợi của Việt Nam.”
Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Mã Lương, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam nêu nhiều ý kiến:
Giữ được Bãi Tư Chính là giữ được các đảo khác của Việt Nam, nếu chúng ta để mất thì Việt Nam sẽ không còn đảo nào.Thiếu tướng Lê Mã Lương
“Dự buổi hội thảo này có các anh ở Bộ ngoại giao, Ban đối ngoại Trung ương, tôi muốn hỏi các anh chính phủ có kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế hay không. Đây là câu chuyện của toàn dân Việt Nam. Giữ được Bãi Tư Chính là giữ được các đảo khác của Việt Nam, nếu chúng ta để mất thì Việt Nam sẽ không còn đảo nào.”
Tại tọa đàm khoa học này, Thiếu tướng Lê Văn Cương – nguyên Viện trưởng Viện chiến lược Bộ Công an – phát biểu thông tin rất đáng chú ý về yêu cầu của Trung Quốc trong một cuộc làm việc với lãnh đạo cấp cao Việt Nam.
Theo Tướng Cương: Sau khi Tòa trọng tài quốc tế tuyên Trung Quốc thua kiện Philippines (phán quyết PCA năm 2016), Trung Quốc cử cán bộ sang làm việc với lãnh đạo cao cấp Việt Nam thực hiện “5 không”.
Thứ nhất, không được ủng hộ phán quyết tòa trọng tài
Thứ 2, không được đưa ra Asean bàn thảo liên quan đến vấn đề Biển Đông
Thứ 3, trong đa phương quốc tế Việt Nam không đưa phán quyết này ra
Thứ 4, trong đàm phán Việt Trung- Trung Việt không được đưa vấn đề này.
Thứ 5, các đồng chí không được kiện Trung Quốc.
Tướng Cương nói: “Tuy nhiên theo tôi biết, không có đồng chí lãnh đạo Việt Nam nói không kiện! Hiện này vẫn chuẩn bị đầy đủ, nhưng theo tôi ngửi mùi cấp trên lúc này chưa thích hợp để kiện!”
‘Kiện Trung Quốc là giải pháp hòa bình’
TS Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nêu ý kiến:
“Kiện Trung Quốc là giải pháp hòa bình, kiện là giải pháp ngăn chặn chiến tranh. Sử dụng luật pháp và dư luận quốc tế khi có mâu thuẫn giữa các bên là biện pháp cần thiết và đúng đắn trong thế giới văn minh và hội nhập.”
“Vì sao ta lại sợ kiện, trong khi chính nghĩa thuộc về ta. Sợ kiện hay sợ Trung Quốc? Đặt câu hỏi như vậy là vì tôi nghe có ý kiến cho rằng, nếu ta kiện Trung Quốc thì họ làm căng hơn nữa, trong khi ta phải sống bên cạnh họ lâu dài, nếu để họ thù vặt thì rất khó ở.”
Mà họ cũng dọa ta như thế. Dọa để ta đừng kiện.TS Vũ Ngọc Hoàng
“Mà họ cũng dọa ta như thế. Dọa để ta đừng kiện. Họ không muốn ta quốc tế hóa vấn đề mà chỉ để riêng họ và ta với nhau để dễ bề ức hiếp. Đó là cách đấm người ta mà muốn bịt miệng không cho la.”
“Tôi nghĩ không thể đồng ý với cái lí lẽ cho rằng vì sợ họ ép ta (hơn nữa) nên thà rằng cứ để cho họ ép dần dần như thế mà không cần phải kiện. Họ sẽ chèn ép ta ngày càng nhiều thêm là quy luật tất yếu, vì mục đích của họ là độc chiếm Biển Đông.”
Mới hôm 3/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định về chủ quyền ở Bãi Tư Chính:
“Đây hoàn toàn không phải là khu vực tranh chấp hay có chồng lấn vì Trung Quốc không có bất kỳ cơ sở pháp lý quốc tế nào để đưa ra yêu sách đối với khu vực này”.
Bộ Ngoại giao Việt Nam xác nhận nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đang tiếp tục mở rộng hoạt động tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.
Bà Thu Hằng nói khi đó: “Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay vi phạm, rút toàn bộ nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển Việt Nam và không để tái diễn hành động vi phạm tương tự.”
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-49920445
An ninh tạm giữ các phóng viên độc lập
đưa tin hội thảo Biển Đông
3 phóng viên của truyền hình CHTV (Chấn Hưng TV) – một kênh truyền thông độc lập ở Việt Nam – đã bị an ninh tạm giữ nhiều giờ đồng hồ, bị thẩm vấn và tịch thu toàn bộ máy quay, điện thoại, sau khi đi đưa tin một tọa đàm về tình hình Biển Đông vào sáng ngày 6/10 ở Hà Nội.
Vào tối ngày 6/10, sau khi được thả, ông Lê Dũng, một trong 3 phóng viên bị an ninh tạm giữ nói qua điện thoại với Đài ACTD:
“Hơn chục người mặc thường phục đi trên hai xe bảy chỗ đã ập đến bắt giữ anh em chúng tôi đưa về trụ sở công an ở số 3 Nguyễn Gia Thiều… Họ tịch thu tất cả điện thoại, máy quay và các tài liệu ghi chép về hội thảo của chúng tôi”.
Ông Lê Dũng cho biết những an ninh mặc thường phục đã bắt giữ các phóng viên khi họ đi ăn trưa sau hội thảo. Họ bị an ninh thẩm vấn về những gì đã diễn ra trong hội thảo, ai là những người tham dự. An ninh chỉ thả những người này về vào khoảng 6 giờ chiều và hẹn họ phải quay lại làm việc vào sáng ngày hôm sau.
Ông Lê Dũng cho biết nguyên nhân an ninh bắt giữ tịch thu máy móc của các phóng viên CHTV là vì “họ lo sợ chúng tôi là truyền hình độc lập đưa tin về hội thảo này. Họ lo sợ vì hội thảo có rất nhiều nhân sĩ trí thức tham dự và bức xúc rất lớn”.
Theo ông Lê Dũng, trong suốt buổi tọa đàm, khoảng chục an ninh đã có mặt theo dõi và quay phim buổi tọa đàm.
Tọa đàm “Vùng biển bãi Tư Chính và Luật pháp Quốc tế” được Viện nghiên cứu chính sách pháp luật và phát triển (Viện PLD), trực thuộc Liên Hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức, quy tụ nhiều học giả là các chuyên gia về Biển Đông, tướng quân đội, và các cựu đại sứ, ông Lê Dũng cho biết.
Tọa đàm này đã được dự định tổ chức vào ngày 22/9 nhưng sau đó bị hoãn lại đến sau ngày 1/10 với lý do được công bố chính thức là: “Theo chỉ đạo của cơ quan chức năng, để có thời gian chuẩn bị và tọa đàm tốt hơn, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam có yêu cầu Viện nghiên cứu chính sách Pháp luật và Phát triển lùi thời gian tọa đàm trên sau ngày 5/10/2019”.
Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 6/10 có bài viết về buổi tọa đàm, trích lời đại sứ Nguyễn Trường Giang nói rằng dân tộc Việt Nam “đang đứng trước một thời điểm lịch sử rất quan trọng, chúng ta đang phải đối mặt với một thách thức rất nghiêm trọng trong việc bảo vệ chủ quyền biển của Việt Nam”.
Buổi tọa đàm diễn ra vào giữa lúc quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh đang có nhưng căng thẳng sau khi Trung Quốc điều các tàu hải cảnh, dân binh và tàu khảo sát vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, gần bãi Tư Chính, từ khoảng giữa tháng 6 và đầu tháng 7 đến nay. Bộ Ngoại giao Việt Nam từ tháng 7 đến nay đã 4 lần lên tiếng chính thức yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ tàu khỏi vùng biển Việt Nam.
Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Nguyễn Sanh Châu mới đây cho trang tin Hindustan Times biết từ ngày 30/9, Trung Quốc đã điều đến 28 tàu vào vùng biển Việt Nam bất chấp việc Việt Nam đã hơn 40 lần gửi phản đối.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hồi tháng trước lên tiếng khẳng định vùng biển Bãi Tư Chính thuộc quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc đòi chủ quyền toàn bộ và yêu cầu Việt Nam phải ngưng toàn bộ hoạt động khai thác dầu khí tại đây.
Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh hôm 28/9, trong phát biểu trước Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc đã đề cập đến căng thẳng Biển Đông thời gian qua nhưng tránh nói tới tên Trung Quốc. Ông cũng nói tới việc giải quyết khác biệt một cách hòa bình qua đàm phán, hòa giải, và thậm chí cơ chế tòa quốc tế.
Khởi kiện sẽ cứu Việt Nam khỏi thảm hoạ
Lập Quyền Dân
Trung Quốc như con hổ đói, càng nhân nhượng nó càng hung hãn muốn nuốt trọn ‘con mồi. Vì vậy ý nghĩa nổi bật của ngày sinh hoạt khoa học hôm 6/10 là sự khẳng định đối với tính tất yếu của việc phải khởi kiện Trung Quốc. Luận điểm “khởi kiện” dựa vào niềm tin sắt đá, ý chí mãnh liệt đối với “trật tự dựa trên luật pháp quốc tế” (LPQT)”…
————————–
Sức lan toả
Vâng, trên đây là cái “hồn cốt” được đúc kết lại sau một ngày dài thảo luận giữa các ý kiến đa chiều tại cuộc Toạ đàm khoa học về “Bãi biển Tư Chính và Luật pháp quốc tế” ngày 6/10/2019 do Viện Chính sách, Pháp luật và Phát triển (PLD) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học – Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đồng tổ chức. Thật ra thì đấy là cả một ngày đầy đặn cho một cuộc Hội thảo khoa học hẳn hoi, xét về tính chất đề tài, quy mô, thời gian và thành phần tham gia tranh biện. Nhưng hình như Viện PLD đã phải hạ thấp thứ bậc, từ “Hội thảo” đánh xuống “Toạ đàm” để lách khâu xin phép. Luật pháp Việt Nam quy định, nếu muốn Hội thảo phải có Giấy phép của nhà nước, Toạ đàm thì có thể “sân siu”.
Có nơi nào như nơi này không, bàn luận về khoa học cũng phải trốn tránh, thậm chí buộc phải trí trá? Nếu không, với thể chế “toàn trị” và “công an hoá” mọi lĩnh vực và triệt để trên mọi phương diện, các sinh hoạt xã hội đều phải có giấy phép từ đâu đó. Kể cả những sáng kiến chỉ để xiển dương lòng yêu nước, thức tỉnh trách nhiệm công dân, đều bị ngăn cấm hoặc vô hiệu hoá! Thì đấy, Toạ đàm này đáng ra được tổ chức vào ngày 26/9 (đã phát Giấy mời như thế), nhưng phải đúng một tuần lễ sau, mới được tiến hành. Lý do…? Có lẽ không một quốc gia độc lập và tự chủ nào trên trái đất này có thể hiểu nổi, bởi vì “từ đâu đó” (phải hiểu là An ninh nội bộ) không cho phép “nói xấu Trung Quốc” trước ngày quốc khánh 1/10! Nhưng hoá ra thế lại hay, cuộc Toạ đàm, chính vì bị ngăn chặn (nghe cứ như là “chiến lược ngăn chặn CNCS” thời chiến tranh Lạnh) mà sức lan toả của nó đã hiển hiện trước khi được tiến hành.
Tính tất yếu…
Ý nghĩa nổi bật đầu tiên là sự khẳng định tính tất yếu của việc khởi kiện Trung Quốc. “Khởi kiện” chứ không phải “khỏi kiện”! Khác biệt chỉ giữa chữ “ơ” và chưa “o” thôi nhưng đó là cả hai thế giới quan đối nghịch nhau như lửa với nước! Luận điểm “khởi kiện” dựa vào niềm tin sắt đá, ý chí mãnh liệt đối với “trật tự dựa trên luật pháp quốc tế (LPQT)”. Trên thế giới hiện có hàng trăm cuộc tranh chấp về biển đảo giữa các nước, nếu thiếu vắng LPQT thì biết bao cuộc chiến tranh đã và sẽ nổ ra? Điều Trung Quốc lo ngại hiện nay cũng là LPQT. Họ hiểu rằng, nếu dùng “sức mạnh cứng” để chế ngự và cướp biển đảo của Việt Nam (như trường hợp Hoàng Sa), thì chẳng có LPQT nào thừa nhận, ngoại trừ luật lệ trong “Trại súc vật” của Orwell. Khốn nỗi, Bắc Kinh lại muốn quàng vào người bộ quần áo “văn minh Trung Hoa” mà thế giới dân chủ đang muốn được rũ bỏ.
Trong khi đó, luận điểm “khỏi kiện” lại là hoả mù vừa được tung ra nhưng mức độ bào mòn và tàn phá lòng yêu nước thì còn cao hơn cả khói bụi ô nhiễm từ mấy tháng nay phủ kín trên bầu trời Hà Nội và Sài Gòn. Đây là luận điểm đầu hàng vô điều kiện của những Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống thời nay. Bọn người này lập luận, chuyện trên Biển Đông hiện nay là chuyện “tranh bá đồ vương” giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Họ tranh nhau làm chủ Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương để làm “sen đầm” trong thiên hạ. “Thượng sách nhất” lúc này là “án binh bất động, là “mọi chuyện có đảng và nhà nước lo”, chúng ta chỉ cần “nâng cao cảnh giác” đừng để “lực lượng thù địch lợi dụng, gây tổn hại đến tình hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc”. Chúng ta hãy lo “giữ lấy đại cục!” (dù không biết đấy là cục gì?)
Chính trong xu hướng giãn dần để tách ra khỏi thế bị Tàu kìm kẹp, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, giám đốc Trung tâm Minh triết đã tung ra sáng kiến bất ngờ. Nhân sỹ bước vào tuổi cửu tuần này kiến nghị thành lập một Tòa án của lương tri để tố cáo, lên án tội ác của Trung Quốc đối với Việt Nam. Đây là tòa án của lương tâm, nhân danh lương tri để lên án Trung quốc về những hành vi tội ác, trái với quy ước pháp lý thông thường, trái với đạo lý của xã hội văn minh. Ông dự định đặt tên là “Tòa Án Lương Tri và Công Lý Biển Đông”. Ông hình dung, một nhóm trí thức và luật sư phối hợp với nhau tổ chức thành các phiên tòa, với hình thức sẽ bắt đầu bằng một phiên tòa chính quy, rồi sẽ có phiên thứ nhất, thứ hai, thứ ba…Tùy yêu cầu và điều kiện cụ thể có thể tổ chức trong nước hay bên ngoài Việt Nam. Có thể nói rằng để đối phó với “tam chủng chiến pháp” của Trung quốc, tới đây, xã hội dân sự cần gia tăng sự nỗ lực cùng với yêu cầu nhà cầm quyền có nhận thức đúng đắn để không có những hành vi cản mũi kỳ đà, làm hạn chế sức mình, vô hình trung tiếp tay cho ngoại bang, phản lại nhân dân yêu nước.
Ý nghĩa nổi bật khác
Trong Toạ đàm đã có nhiều tiếng nói xây dựng góp ý cho chính quyền. Xưa nay, ít Viện NGO nào dám có ý trực diện đối với đảng và chính phủ. IDS trước đây môt vài lần chỉ mới “mó dá… ngựa”, lập tức bị dẹp tiệm dưới danh nghĩa “tự giải thể”. Nhưng chủ nhật qua, nhiều ý kiến chất vấn việc Bộ Ngoại giao phản ứng quá chậm chạp trước mỗi hành động xâm lấn của Trung Quốc, thậm chí có những phê phán khá gay gắt đối cả với “tam trụ”. Đây là hiện tượng lạ, nếu như ai đó biết rằng, trong khán phòng Toạ đàm không dưới cả chục nhân viên an ninh và lãnh đạo của họ đang trà trộn trong hàng ngũ các đại biểu. Có thể cử toạ đã đánh bật được nỗi sợ hãi ra khỏi đầu. Một điều ngạc nhiên khác là có cả ý kiến gửi lên lãnh đạo đảng và nhà nước đòi thả các tù nhân lương tâm, chỉ vì “tội” duy nhất mà ngay các bản cáo trạng cũng không dám ghi rõ. Tội duy nhất đó là chống bành trướng và bảo vệ chủ quyền quốc gia!
Các ý kiến tại Toạ đàm còn mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác liên quan đến các vấn đề nội trị và quan hệ Việt – Trung. Đòi bỏ “chính sách ba không” phi lý, đòi “giãn Trung” để “tách và thoát Trung”, đòi bỏ khẩu hiệu “bốn tốt” và “mười sáu chữ vàng”, vì đấy là những sáo ngữ đại bịp… Bản kiến nghị cá nhân của Đại sứ Nguyễn Trung (từng là Trợ lý đắc lực cho Thủ tướng “xé rào” Võ Văn Kiệt) gồm 4 điểm. Kiến nghị đầu tiên của ông bao gồm: i) Kiện ngay tại Tòa Trọng tài Thường trực (PCA/ La Hay) việc Trung Quốc hơn ba tháng nay có những hành động kèm theo những hoạt động vũ trang liên tục ở quy mô lớn mang tính xâm lược vùng biển bãi Tư Chính nằm trong EEZ và trên CS của Việt Nam. ii) Vận
động Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc (UNGA) có quyết nghị về chủ đề này. iii) Yêu cầu LHQ ra lời kêu gọi các quốc gia không được dùng vũ lực trong xử lý tranh chấp tại Biển Đông… Trong kiến nghị thứ hai, ông yêu cầu chính quyền chủ động và thường xuyên thông tin cho đại chúng kịp thời nắm vững những diễn biến nguy hiểm và phức tạp trên Biển Đông. Kiến nghị thứ ba yêu cầu đảng và nhà nước tiến hành ngay cải cách trong thể chế chính trị để thực hiện những quyền tự do dân chủ của nhân dân. Trong kiến nghị cuối cùng, ông yêu cầu trả lại tự do cho những người bất đồng chính kiến đang bị giam giữ hoặc tù tội.
Last but not least
Một trăn trở khác, tạm cho là ý nghĩa cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, đó là tầm nhìn về tương lai, mà nổi lên là nhu cầu bày tỏ tình cảm yêu nước của người dân. Liệu có tiếp tục bị bưng bít, cấm cản, thậm chí đàn áp, bắt bớ hay không? Khi theo dõi các động tĩnh cả hai phía (Trung Quốc và Việt Nam) trong sự kiện Trung Quốc xâm lược vùng biển Tư Chính, có vị “đương kim” là công chức nhà nước hẳn hoi đã phải thốt lên rằng bản thân đang “tan nát cõi lòng”; có những thanh niên yêu nước, là những nhà báo độc lập, đang bức xúc cao độ, chỉ vì muốn ghi lại và truyền đi những hình ảnh sống động, nhằm nhanh chóng chuyển tải các thông điệp của buổi tọa đàm đến với công chúng, thế mà bị bắt cóc, bị câu lưu tại trụ sở công an và bị tịch thu mọi phương tiện hành nghề (i phone, máy ảnh, máy quay phim…)
“Kiềm chế bức xúc” vốn là yêu cầu của một Tọa đàm khoa học, nhưng trong cuộc Tọa đàm hôm ấy vẫn bật lên những phát biểu đậm vị chua xót và nhức nhối. Có ý kiến đề cập đến sự toa rập của những tên thái thú trong chính quyền với bọn xâm lược Trung Quốc. Chính bọn này đã gây ra bao nghịch lý và phân rã trong xã hội Việt Nam hiện nay. Nhà văn Hoàng Quốc Hải, tác giả của bộ tiểu thuyết “Bão táp triều trần”, đã thẳng thừng cảnh báo: Nhà nước phải có thái độ tôn trọng quốc dân, không được phép khinh dân bằng sự im lặng trước các hành động ngang ngược của Trung Quốc, không được phép đàn áp những người yêu nước nhưng khác chính kiến! Người dân phải được tham gia bàn việc nước! Bộ máy nhà nước tồn tại là do dân nuôi, nếu coi dân như cỏ rác, khi quốc gia lâm nguy, dân sẽ bỏ mặc như đã bỏ mặc nhà Hồ hồi đầu thế kỉ 15! Hơn 600 năm sau, hy vọng lịch sử sẽ không lặp lại đối với dân tộc này. Mong lắm thay!
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/suing-china-saves-vn-from-disaster-10072019134224.html
Trọng hay Phúc sẽ đi Mỹ?
Ẩn số trong phương trình ‘Nguyễn Phú Trọng đi Mỹ’ dường như đang lộ dần đáp án. Chỉ có điều, cái tên Nguyễn Phú Trọng không còn vị thế độc quyền gặp Trump.
“Sao không thấy hình ảnh Nguyễn Phú Trọng đi lại?”
Từ cuối tháng 9 năm 2019, bắt đầu rộ lên thông tin bên lề chính trường Việt Nam về việc ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng gặp phải vấn đề khó khăn về sức khỏe nên sẽ khó có thể đi Washington gặp Tổng thống Trump, dự kiến vào tháng 10.
Dấu hiệu gần nhất và dễ nhận ra nhất là Nguyễn Phú Trọng đã phải vắng mặt tại phiên họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, Mỹ vào cuối tháng 9 năm 2019 – một hội nghị quốc tế lớn mà nếu còn đủ sức khỏe thì Trọng đã luôn hớn hở ‘mình phải như thế nào thì người ta mới tiếp đón như thế chứ’.
Nếu cuộc gặp Trump – Trọng vào tháng 10 bị bỏ lỡ, đó sẽ là lần thứ hai trong năm 2019 bất thành chuyến đi Mỹ của Nguyễn Phú Trọng. Lần đầu tiên không thành là chuyến đi dự kiến vào tháng 7, khi đó Trọng chỉ vừa tạm phục hồi sau cơn bạo bệnh ở Kiên Giang vào tháng 4 năm 2019 nên chưa thể tiến hành được.
Biểu hiện rõ nhất cho ý đồ Nguyễn Phú Trọng vẫn giữ kế hoạch đi Mỹ, dù ông ta đã ‘trốn biệt’ không đi Trung Quốc suốt từ đầu năm 2019 đến giờ, là ‘con thoi’ Phạm Bình Minh. Viên phó thủ tướng kiêm bộ trưởng ngoại giao này đã có một chuyến tiền trạm ở Washington vào tháng 5 năm 2019, với vai trò được nâng cấp hẳn lên sau một thời gian khác dài bị thất sủng trước Trọng từ sau sự biến khủng hoảng ngoại giao Việt – Đức vào năm 2017. Trong chuyến đi Mỹ đó, thậm chí Phạm Bình Minh còn có những cuộc làm việc với cả Bộ Quốc phòng Mỹ, cho thấy rất rõ là Minh đang trở thành một trong những quan chức có được quyền đàm phán song phương, đặc biệt là đàm phán về việc nâng cấp mối quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ thậm chí có thể vươn từ ‘đối tác toàn diện’ lên tầm ‘đối tác chiến lược’ – một nhu cầu mà đảng Cộng sản Việt Nam luôn õng ẹo theo não trạng ‘Mỹ cần ta hơn ta cần Mỹ’, nhưng bất chợt trở nên thúc bách khi nổ ra vụ khủng hoảng Bãi Tư Chính lần thứ ba vào đầu tháng 7 năm 2019.
Cũng vào tháng 5 năm 2019, người ta không nghe nói gì đến ‘phương án Nguyễn Xuân Phúc đi Mỹ’. Vào thời điểm đó, có vẻ việc đi Mỹ và gặp Trump là độc quyền của Nguyễn Phú Trọng. Thêm vào đó, Trump đã có lời mời đích danh Trọng – khi đó đã nghiễm nhiên là chủ tịch nước chứ không chỉ là một tổng bí thư đảng ‘danh không chính ngôn không thuận’ – đi Washington.
Tuy nhiên cho đến tháng 9 năm 2019, tình hình sức khỏe của ông Trọng dường như vẫn trầy trật. Dù báo đài đảng đã cố gắng đưa hình ảnh và phát sóng về ông ta đi nơi này nơi kia cùng vài buổi họp hành trong đảng, nhưng điều lộ diện bị nhiều người thắc mắc nhất vẫn là ‘sao không thấy, hoặc có quá ít hình ảnh Nguyễn Phú Trọng đi lại?’.
Thách thức tự thân với Trọng là biểu đồ hồi phục sức khỏe của ông ta sau một thời gian ngắn tạm ổn nhưng giờ đây lại có vẻ chựng lại và có dấu hiệu đi xuống. Trong ít lần xuất hiện gần nhất, rõ ràng là vận động tứ chi của Trọng không khả quan hơn so với trước đây.
Người ta tự hỏi là với tình trạng sức khỏe chỉ đủ ‘ngồi’ mà không phải là ‘đi’, liệu Nguyễn Phú Trọng có thể bảo đảm cho một chuyến công du dài đến Washington, gặp Trump và sau đó dĩ nhiên phải xuất hiện trước ống kính soi mói của báo chí phương Tây?
Đến lúc đó, bắt đầu manh nha vài tin tức ‘có thể Nguyễn Xuân Phúc sẽ đi Mỹ thay cho Nguyễn Phú Trọng’.
Vì sao lại là Nguyễn Xuân Phúc mà không phải quan chức khác, nếu quả thật Trọng không thể ‘tự đi’?
Cơ hội lịch sử của hội chứng buồn ngủ gặp chiếu manh
Nếu xét về số thứ tự trong danh sách ứng viên cho chức tổng bí hoặc chủ tịch nước tại đại hội 13, cái tên Nguyễn Xuân Phúc có lẽ chỉ đứng thứ hai, sau Trần Quốc Vượng. Vượng tuy là Thường trực Ban bí thư, nhưng được xem là ‘ngoan hiền dễ bảo’ hơn Phúc và đã lọt vào mắt xanh của Trọng như ứng cử viên số một. Chỉ có điều, Trần Quốc Vượng là người bên đảng, mà Trump thì không có thói quen tiếp đảng chính trị, nhất là đảng Cộng sản.
Nếu Nguyễn Phú Trọng không thể ‘cải lão hoàn đồng’ càng sớm càng tốt, vai trò đi Mỹ của ông ta sớm muộn sẽ rơi vào tay người khác, bất chấp Trọng có thích hay không.
Hơn nữa, tình thế của đảng Cộng sản Việt Nam cùng chính thể độc tài này đã vào ngõ cụt, và mức độ nguy hiểm do bị ‘đảng anh’ Trung Quốc đe dọa ngày càng hiện rõ. Sau tuyên bố – được hiểu như một tối hậu thư – vào tháng 9 năm 2019 của Bộ Ngoại giao Trung Quốc về ‘chủ quyền’ của Bắc Kinh ở Bãi Tư Chính và đòi hỏi Việt Nam phải ngừng mọi hoạt động khai thác dầu khí ở khu vực này, xác suất nổ ra chiến tranh từ lá cờ ‘Mười sáu chữ vàng’ đã tăng vọt.
Tình thế nguy khốn ấy buộc ‘đảng em’ – trong nỗi cơ đơn tận cùng dù đã thủ trong túi chẵn một tá ‘đối tác chiến lược’ với nhiều nước – phải tranh cướp thời gian để nhích sang Hoa Kỳ – đối trọng quân sự duy nhất với ‘đối tác chiến lược quan trọng nhất của Việt Nam’ là Trung Quốc ở Biển Đông.
‘Thủ tướng ‘Cờ Lờ Mờ Vờ’ Nguyễn Xuân Phúc cũng bởi thế đang đứng trước cơ hội lịch sử của hội chứng buồn ngủ gặp chiếu manh: nếu sắp tới chính Phúc được đi Mỹ thay cho Trọng, và nếu chuyến đi này mang về cho Việt Nam được món quà ‘nâng tầm đối tác chiến lược’ với Hoa Kỳ, dù món quà này chỉ mang ý nghĩa hình thức và tương tự như cái cách Thủ tướng Phúc chỉ đạo Tổng cục Thống kê Việt Nam ‘thổi’ GDP thật cao để lấy thành tích, đó sẽ là một thành quả chính trị ghê gớm, đủ để biến cá nhân Nguyễn Xuân Phúc trở thành ứng cử viên số một cho cái ghế tổng bí thư tại đại hội 13, nếu từ đây đến đó Nguyễn Phú Trọng không thể cải thiện hơn về mức độ đề kháng tai biến mà có thể khiến cho ‘thái tử’ Trần Quốc Vượng mất ngôi.
Cũng không loại trừ khả năng chuyến đi Mỹ nếu thành công của Nguyễn Xuân Phúc sẽ đưa vị thế của ông ta trong nội bộ đảng sánh ngang với uy quyền một thời của người tiền nhiệm là Nguyễn Tấn Dũng. Và chính thức trở thành một đối thủ chính trị để đối chọi với tham vọng ‘ngồi, ngồi nữa, ngồi mãi’ của Nguyễn Phú Trọng, trong trường hợp Trọng bỗng nhiên ‘trẻ mãi không già’.
https://www.voatiengviet.com/a/nguyen-phu-trong-nguyen-xuan-phuc-di-my/5113708.html