Tin Việt Nam – 07/04/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 07/04/2018

Cơ quan nào có thẩm quyền điều tra vụ AVG?

Luật sư Ngô Ngọc Trai gửi cho BBC từ Hà Nội

Hôm 5/4, Báo Thanh niên có bài ‘Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ thanh tra vụ MobiFone mua AVG’.

Bài báo cho biết, hai tuần sau khi công bố toàn văn kết luận thanh tra MobiFone mua AVG, Thanh tra Chính phủ đã chuyển hồ sơ và văn bản kiến nghị khởi tố vụ án hình sự sang Bộ Công an.

Đến trưa 6/4, Báo Thanh niên có bài cải chính và cáo lỗi, theo đó thông tin về bài báo ‘Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ thanh tra vụ MobiFone mua AVG’ là không chính xác.

Là một luật sư hình sự quan tâm đến vụ án, tôi thấy đây cũng là dịp phân tích xem cơ quan nào có thẩm quyền điều tra vụ án này.

Khởi tố hay không vụ Mobifone-AVG?

Mobifone huỷ hợp đồng với AVG trong vụ “nhạy cảm”

Xử lý vụ Mobifone-AVG ‘không thể duy ý chí’

Tái cơ cấu Bộ CA: ‘Nước cờ chính trị không dễ chơi’

Tìm hiểu thì thấy, thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra Bộ công an đã có sự thay đổi thu hẹp lại so với trước. Cụ thể theo Bộ luật tố tụng hình sự cũ năm 2003 quy định về thẩm quyền điều tra thì:

Về nguyên tắc ranh giới địa phương ‘Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra những vụ tội phạm xảy ra trên địa phận của mình. Trong trường hợp không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm thì việc điều tra thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm, nơi bị can cư trú hoặc bị bắt’.

Về thẩm quyền trên dưới thì ‘Cơ quan điều tra cấp huyện điều tra những vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án nhân dân cấp huyện; Cơ quan điều tra cấp tỉnh điều tra những vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án nhân dân cấp tỉnh, hoặc những vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra cấp dưới nhưng xét thấy cần trực tiếp điều tra.

Cơ quan điều tra cấp trung ương điều tra những vụ án hình sự về những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra cấp tỉnh nhưng xét thấy cần trực tiếp điều tra’.

Như thế, Bộ luật tố tụng hình sự cũ năm 2003 trao quyền rộng rãi cho cơ quan điều tra cấp trung ương, sự ‘xét thấy cần thiết’ thuộc về ý chí của cơ quan này. Họ được tùy nghi xác định về những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra cấp tỉnh nhưng xét thấy cần trực tiếp điều tra.

Đã thay đổi

Nhưng đến Bộ luật tố tụng hình sự mới năm 2015 có hiệu lực từ 1/1/2018 đã thay đổi quy định về thẩm quyền điều tra, theo đó luật mới quy định.

‘Cơ quan điều tra Bộ Công an điều tra vụ án hình sự về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hủy để điều tra lại; vụ án hình sự về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, vụ án hình sự về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp liên quan đến nhiều quốc gia nếu xét thấy cần trực tiếp điều tra’.

Luật mới đã bỏ đi tình huống trao quyền tùy nghi ‘xét thấy cần thiết’ ở luật cũ và giới hạn rõ ràng về những trường hợp thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra Bộ công an.

Vậy theo quy định mới thì liệu vụ án AVG – Mobifone có thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra của Bộ công an?

Tôi cho rằng cần xác định xem vụ việc mua bán giữa AVG và Mobifone có liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không? Điều này tùy thuộc vào những yếu tố pháp lý có trong hồ sơ và đánh giá của những người liên quan.

Nếu xét thông thường thì thấy việc mua bán giữa AVG và Mobifone do một số người thực hiện ngồi ký với nhau tại một điểm, một chỗ, tức là tại một tỉnh, thành phố.

Hành vi cơ bản là như vậy và tính chất nghiêm trọng của sự việc là ở chỗ các bên bị quy buộc là đã định giá sai giá trị thực của tài sản khiến việc mua bán gây thất thoát tiền của nhà nước, mà điều này thì lại không phụ thuộc vào vùng lãnh thổ địa lý.

Như thế vụ án có thể được đánh giá là không phải xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố khác nhau, và do vậy thẩm quyền điều tra thuộc cơ quan điều tra cấp tỉnh.

Còn nếu cho rằng công ty AVG có trụ sở ở Bình Dương, còn Tổng công ty viễn thông Mobifone có trụ sở tại Hà Nội, như thế là đủ để cho rằng vụ án liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố khác nhau, theo đó thẩm quyền thuộc Cơ quan điều tra của Bộ công an. Thì cơ sở này còn kém thuyết phục.

Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát tối cao?

Cũng trong tuần vừa rồi, hôm 2/4 báo Tiền phong điện tử có bài ‘Hàn Quốc mở lại điều tra Samsung ngăn cản thành lập công đoàn’

Bài báo cho biết Văn phòng Công tố Quận trung tâm Seoul đã thu thập tài liệu và họ sẽ mở lại cuộc điều tra về việc tập đoàn Samsung ngăn cản việc thành lập các liên đoàn lao động trong tập đoàn này.

Tôi rất lưu ý bài báo này vì nó cho thấy thẩm quyền to lớn của cơ quan công tố Hàn Quốc. Nếu coi những sai phạm của tập đoàn Samsung cũng là một dạng ‘đại án’ thì bên đó thẩm quyền giải quyết thuộc về Viện công tố thay vì cơ quan điều tra.

Không chỉ trong vụ việc này mà trong nhiều vụ án lớn trước đây đều chỉ thấy vai trò của Viện công tố Hàn Quốc (cơ quan có vai trò như Viện kiểm sát ở Việt Nam nhưng khác về thẩm quyền) mà tôi không hề thấy họ nhắc đến vai trò của cơ quan điều tra.

Ví như hôm 19/3 vừa rồi Viện công tố quận trung tâm Seoul đã yêu cầu Tòa án ra lệnh bắt giữ cựu Tổng thống Lee Myung-bak với cáo buộc liên quan tới tham nhũng và nhận hối lộ. Hay như năm ngoái cũng cơ quan này đã tiến hành điều tra và đề nghị tòa án bắt giữ một cựu Tổng thống khác là bà Park Geun Hye.

Hay xa hơn nữa cũng Viện công tố là cơ quan đã tiến hành điều tra đề nghị bắt giữ đối với Phó chủ tịch tập đoàn Samsung hồi tháng 1/2017, Chủ tịch tập đoàn Lotte năm 2016 và Chủ tịch tập đoàn Posco năm 2015.

Những thông tin này cho thấy vai trò quyền hạn to lớn của Viện công tố Hàn Quốc mà hoàn toàn đối ngược với vị thế yếu kém của cơ quan Viện kiểm sát ở Việt Nam.

Có một điều ít ai biết, phải là người chuyên sâu về pháp luật hình sự mới hiểu, đó là theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự hiện tại thì thực chất quyền hạn pháp lý của Viện kiểm sát lớn hơn rất nhiều so với Cơ quan điều tra.

Viện kiểm sát có thẩm quyền phê chuẩn hay hủy bỏ tất cả các quyết định của cơ quan điều tra bao gồm quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, quyết định bắt giữ, quyết định khám xét hay thu giữ đồ vật.

Viện kiểm sát có quyền giải quyết trực tiếp đối với những khiếu nại tố cáo việc làm sai của cơ quan điều tra trong các hoạt động bắt, tạm giữ, tạm giam. Viện kiểm sát có quyền yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, đưa ra yêu cầu tiến hành điều tra hoặc trả hồ sơ yêu cầu điều tra lại.

Đặc biệt theo luật mới Viện kiểm sát còn nắm giữ thẩm quyền về việc áp dụng các biện pháp điều tra đặc biệt bao gồm Ghi âm, ghi hình bí mật; Nghe điện thoại bí mật; Thu thập bí mật dữ liệu điện tử.

Thẩm quyền to lớn như vậy nhưng thực tế lâu nay Viện kiểm sát vẫn giữ vị thế vai trò yếu kém so với cơ quan điều tra, đó là do bởi vị thế chính trị đã khiến thay đổi cái thẩm quyền theo pháp luật. Pháp luật theo đó đã không được thượng tôn.

Cũng theo luật hiện nay thì thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra thuộc Viện kiểm sát tối cao chỉ giới hạn trong những vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp, hoặc những vụ án tham nhũng, chức vụ có liên quan tới cán bộ tư pháp.

Quay lại vụ AVG

Vụ án AVG -Mobifone xảy ra trong dịp Bộ luật tố tụng hình sự mới vừa có hiệu lực, nhiều quy định mới được ban hành, nhiều vấn đề về thẩm quyền cần được lưu tâm xem xét.

Do vậy việc xác định thẩm quyền điều tra trong vụ án này là một phần việc quan trọng, mà nếu làm đúng sẽ giúp cho việc giải quyết vụ án có được công lý.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43679480

 

‘VN mong Trung Quốc minh bạch hơn trong khi trỗi dậy’

Việt Nam mong muốn Trung Quốc tỏ ra ‘minh bạch hơn’ trong quá trình phát triển và trỗi dậy ở khu vực và quốc tế, cũng như ‘không đi theo vết xe đổ của các nước phương Tây trước đây,’ một quan chức thuộc Viện Chiến lược Ngoại giao, Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao Việt Nam từ Hà Nội bình luận trên quan điểm riêng về chính sách đối ngoại của VN và an ninh trên Biển Đông.

Trong cuộc trao đổi với BBC Việt ngữ hôm thứ Tư, Phó Viện trưởng, Tiến sỹ Trần Việt Thái cũng đề cập vấn đề các lực lượng tàu ngầm của Trung Quốc ở Biển Đông và kỳ vọng Trung Quốc tỏ ra ‘công khai, minh bạch’ trong hoạt động của lực lượng này tại khu vực.

VN cần hợp tác khai thác hay đưa ra LHQ?

VN-TQ: ‘Hợp tác chung phải tuân thủ nguyên tắc’

Bàn tròn thứ Năm: về ‘hợp tác chung’ Việt – Trung trên biển

‘Căng thẳng biển Đông ảnh hưởng hoạt động của PVN’

Mở đầu cuộc phỏng vấn hôm 04/4/2018, ông Trần Việt Thái bình luận quan điểm của Tướng Daniel Schaeffer, nguyên tùy viên quân sự của Pháp tại Việt Nam, Thái Lan và Trung Quốc, trong một phỏng vấn mà nhà phân tích người Pháp nói với BBC Tiếng Việt, với một số ý như trong đó ông Schaeffer gợi ý:

“Vấn đề biển Đông cần được quốc tế hóa bằng cách đưa ra Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc…; vì Biển Đông là biển quốc tế, các quốc gia Đông Nam Á nên khuyến khích hải quân từ bên ngoài khu vực qua lại trên vùng biển này để nhấn mạnh sự hiện diện và tính chất quốc tế của biển đó…; đồng thời cũng để trình diễn diễn tập hải quân và có thể đề nghị Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc hợp tác khai thác dầu ở các vùng đặc quyền kinh tế của mình.”

Ở phần cuối cuộc trao đổi với BBC, nhà phân tích chiến lược ngoại giao Trần Việt Thái bình luận về quan tâm của Việt Nam ra sao với điều được cho là đang hình thành một ‘khối’ tứ đại cường (Quad) gồm Mỹ – Nhật – Ấn – Úc nhằm ‘đối phó’ lại với tham vọng của Trung Quốc ở Ấn Độ – Thái Bình Dương và khu vực.

Sách về VN ‘không ngại làm phật ý Hà Nội’

Vụ Cá Rồng Đỏ: ‘Khó xảy ra biến cố lớn trên biển thời gian tới’

Không quân TQ ‘sẵn sàng cho chiến tranh’ ở Biển Đông

Mời quý vị theo dõi thêm ý kiến của TS Trần Việt Thái ở đây trao đổi với BBC Tiếng Việt trong dịp này và Bàn tròn thứ Năm với nội dung liên quan ở đây.

http://www.bbc.com/vietnamese/media-43681270

 

Bài bạc qua mạng và sự quản lý lỏng lẽo

Thực trạng đánh bạc

Những năm gần đây, khi công nghệ thông tin ngày một phát triển, internet có mặt ở từng gia đình, từng chiếc điện thoại cá nhân, kéo theo nhiều mô hình hoạt động trực tuyến giúp con người tiện dụng hơn.

Lợi dụng môi trường mạng internet và sự ham muốn thắng thua với may rủi, ngành công nghiệp đỏ đen bắt đầu lấn sân sâu vào thị trường online, trên mạng đang tồn tại hàng loạt sòng bạc trực tuyến núp bóng các trò chơi điện tử, giúp người chơi có thể dễ dàng thỏa mãn đam mê bất cứ ở đâu, bất kể thời gian nào thông qua các thiết bị điện tử tiện dụng, với các điều kiện của trò chơi vô cùng dễ dàng. Chỉ cần lên mạng tìm kiếm từ khóa “chơi bài online ăn tiền” thì sẽ có vô số các trang mạng hiện ra.

Mặc dù chơi cờ bạc trên mạng là tiền ảo nhưng muốn có tiền ảo thì phải bỏ tiền thật ra để nạp vào tài khoản chuyển đổi thành tiền ảo thông qua các đại lý, ví điện tử và một loại đồng tiền trung gian là thẻ điện thoại, những người có máu đỏ đen có thể sát phạt nhau với số tiền lên tới nhiều tỷ đồng.

Theo khảo sát của phóng viên Đài Á Châu Tự Do tại một trong những sòng bạc trên mạng cho thấy hình thức đổi tiền như sau, khoản 23.000 xu có thể đổi là 20.000 đồng, 57.500 xu thì được 50.000 đồng và 575.000 xu thì lên tới 500.000 đồng. Tại các sòng bạc này hoạt động sôi nổi và được nhiều người chơi nhất là tại các phiên Tài Xỉu thu hút hơn cả ngàn người tham gia với tổng số xu từ 200 triệu đến hơn 400 triệu xu cho một lượt và mỗi lượt chơi chỉ diễn ra khoảng 1 phút.

Ngành trò chơi trực tuyến kết hợp với việc mua bán thẻ cào rõ ràng cả hai đơn vị này cùng có lợi.

–  LS. Nguyễn Thanh Hà

Người chơi nào thắng đều được hệ thống tự động cắt một khoản “phế” hay còn gọi là tiền cò từ 2% – 5% trên tổng số xu thắng cược dành cho nhà cái. Theo ước tính chỉ riêng trò Tài Xỉu, tiền “phế” mỗi ngày thu được từ người chơi khoản hơn 4 tỷ xu, nếu quy đổi thành tiền thật không dưới 3 tỷ đồng Việt Nam.

Những quy định pháp luật

Dùng tiền thật mua tiền ảo để đánh bạc hay cá độ đang được cho là thỏa mãn cơn khát và đồng thời điều này khá an toàn vì cho đến nay khung quản lý tiền ảo trên mạng của Việt Nam còn quá nhiều khoảng trống.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà , Công ty Luật S&B trả lời với báo chí rằng “Việc sử dụng thẻ cào để thanh toán trên mạng đã tạo nên sự lưu thông một dạng tiền trên mạng với tốc độ thanh toán rất nhanh. Ngành trò chơi trực tuyến kết hợp với việc mua bán thẻ cào rõ ràng cả hai đơn vị này cùng có lợi.”

Quy định Việt Nam hiện nay cấm đổi các loại tiền ảo thành tiền mặt nhưng chưa có quy định về việc sử dụng thẻ cào làm công cụ trung gian để thanh toán trên mạng. Vì vậy các nhà mạng hưởng lợi từ việc bán thẻ dựa vào lý do nhà mạng không quản lý mục đích sử dụng của thẻ cào.

Luật sư Hà cho biết “Hiện nay, nhà mạng chỉ cung cấp kênh để nạp tiền vào tài khoản trò chơi, đến đó là kết thúc vai trò. Việc khách hàng chơi bài, đánh bạc, đổi thưởng, lấy tiền ra, nhà mạng không chịu trách nhiệm.”

Thu về số tiền lớn từ việc cung cấp dịch vụ thanh toán cho các trò chơi trên mạng, vậy nhà mạng có trách nhiệm như thế nào với các trường hợp công ty thanh toán vi phạm luật. Đại diện một nhà mạng tại Việt Nam khẳng định rằng nhà mạng không ký hợp đồng trực tiếp với các trang mạng trò chơi mà họ chỉ hợp tác với các công ty trung gian thanh toán.

Vị đại diện này còn cho biết thêm: “Khi ký hợp đồng với công ty trung gian thì nhà mạng chỉ cung cấp các dịch vụ cho điện thoại di động, có thể sử dụng thẻ cào để nạp vào trò chơi nhưng chắc chắn trò chơi đó đã được cơ quan chức năng Việt Nam chấp thuận”

Thế lực chống lưng

Vào trung tuần tháng 3 vừa qua, người chơi cờ bạc trên mạng bị lừa mất tiền nên đã đi tố cáo, cuộc điều tra mở ra đường dây cờ bạc xuyên quốc gia qua mạng với giá trị lên tới hàng triệu đô la. Điều đáng nói là chính truyền thông trong nước tích cực đưa tin về hai vị cựu tướng công an có dinh líu đường dây này: ông Nguyễn Thanh Hóa, nguyên cục trưởng Cục Cảnh sát công nghệ cao C50 Bộ Công an và Trung tướng Phan Văn Vĩnh, cựu tổng cục trưởng Tổng Cục Cảnh sát thuộc Bộ Công an.

Theo báo chí Nhà nước Việt Nam thì ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng kết luận trong một buổi họp với Ban Bí Thư rằng vụ việc đánh bạc liên quan đến các tướng của Bộ Công an “có quy mô lớn, sử dụng công nghệ cao, tính chất đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến nhiều người” nhưng chi tiết về vụ việc này không được truyền thông Việt Nam đăng tải chi tiết.

Trung Tướng Phan Văn Vĩnh bị khám xét văn phòng, mở đầu cho nhiều lùm sùm rằng ngành công an sẽ trảm ít nhất 5 tướng.

– NB. Hương Trà

Hồi tháng Giêng 2018, Bộ Công An Việt Nam đã bác bỏ tin trên trang cá nhân của nhà báo Lê Nguyễn Hương Trà rằng Trung tướng Phan Văn Vĩnh đã bị bắt.

Nhà báo viết trên trang cá nhân rằng “Mở rộng điều tra, rất nhiều tướng tá ngành công an dính vô vụ này. Trung Tướng Phan Văn Vĩnh bị khám xét văn phòng, mở đầu cho nhiều lùm sùm rằng ngành công an sẽ trảm ít nhất 5 tướng của hai vụ, trong đó có Rikvip và Tip.Club.”

Vào hôm ngày 6 tháng 4, cơ quan an ninh điều tra Phú Thọ ra quyết đinh khởi tố và bắt tạm giam 3 tháng với ông Phan Văn Vĩnh về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo điều 356 Bộ luật Hình sự. Trước đó ngày 11/3, ông Nguyễn Thanh Hóa cũng bị công an Phú Thọ khởi tố và bắt tạm giam về tội “Tổ chức đánh bạc”.

Vụ việc đánh bạc xuyên quốc gia với quy mô lớn này vẫn đang được điều tra. Pháp luật Việt Nam hiện nay quy định đánh bạc quy mô lớn mới bị xử lý hình sự, vậy quy mô lớn là như thế nào? Một vị luật sư thuộc đoàn luật sư Việt Nam cho biết:

“ Luật không thể quy định được hết các chi tiết trong các điều khoản và tình tiết để xử lý hình sự. Để hiểu từ quy mô lớn là tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trong cùng một lúc cho từ 10 người trở lên, từ 2 chiếu bạc trở lên và số tiền và hiện vật có giá trị từ 20 triệu trở lên.”

Luật pháp của Việt Nam có quy định nghiêm cấm việc đánh bạc và tổ chức đánh bạc dưới bất kỳ hình thức, sẽ xử phạt người chơi và đặc biệt đối với các cá nhân tổ chức đánh bạc.

Hoạt động đánh bạc qua mạng khó có thể thực hiện được với quy mô lớn nếu không có các cổng trung gian thanh toán và các loại thẻ cào. Việc quản lý lỏng lẽo trong phát hành cũng như sử dụng các loại thẻ viễn thông khiến nó dễ dàng trở thành phương tiện để có thể thanh toán vào những hoạt động bài bạc trực tuyến.

Với thực trạng không thể kiểm soát của các thẻ cào điện thoại, Hiệp hội Internet Việt Nam cho biết để quản lý vấn đề thanh toán trên mạng cần sự quản lý chặt từ phía Ngân hàng Nhà nước từ khi phát hành thẻ. Còn theo Bộ Thông tin và Truyền thông thì các biện pháp phải quản lý các đơn vị cung cấp viễn thông.

Giải quyết vụ việc đánh bạc trên mạng này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp và cơ quan chức năng kiểm tra và nghiên cứu trong tháng 5-2018 phải báo cáo tình hình và đề xuất biện pháp quản lý, xử lý việc sử dụng các hình thức thanh toán trên mạng, đặc biệt là các hoạt động thanh toán liên quan đến vi phạm pháp luật như trốn thuế, đánh bạc và rửa tiền.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/online-gambling-and-loose-governance-04062018142753.html

 

Có gì khác khi Lực lượng tác chiến không gian mạng

về Bộ Quốc phòng?

Bình mới rượu cũ?

Việt Nam có động thái tập trung đầu mối trong biện pháp được gọi là ‘tác chiến không gian mạng’ về cho quân đội. Động thái này được giới quan tâm đánh giá ra sao?

Tại Hội nghị Đại biểu thảo luận về Luật An ninh mạng diễn ra vào ngày 4 tháng 4 tại Hà Nội, đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam tuyên bố “Phòng chống chiến tranh mạng và tác chiến không gian mạng phải do Bộ Quốc phòng chủ trì”.

Giải thích về tuyên bố của mình, Ông Đỗ Bá Tỵ cho rằng, Bộ Quốc phòng có đầy đủ chiến lược về tác chiến, khi có chiến tranh không gian mạng xảy ra thì tất cả thành phần trong tổ hợp chung phải do Bộ Quốc phòng chủ trì, chứ không phải chỉ có vấn đề liên quan đến quân sự thì Bộ Quốc phòng mới chủ trì, còn đối tượng khác do Bộ Công an đảm nhiệm.

Sở dĩ có chồng chéo này là trước đây Việt Nam từng thành lập nhiều bộ phận an ninh mạng công khai lẫn bí mật. Cho đến cuối năm 2017, đầu năm 2018 chính phủ Việt Nam công khai thừa nhận những đơn vị như Cục An ninh Mạng thuộc Bộ Công an, Bộ tư lệnh tác chiến không gian mạng hay Lực Lượng 47 thuộc Bộ Quốc phòng thành lập với quân số tới 10.000 người.

Nhận định về việc Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng chính thức về trực thuộc Bộ Quốc phòng , nhà báo Võ Văn Tạo, một người am hiểu tình hình Việt Nam cho biết:

Theo mình quan sát thì mình thấy đây là một cái cách tạm gọi là bình mới rượu cũ thôi, cái chuyện họ đưa lực lượng tác chiến không gian mạng do bộ công an quản lý hay bộ quốc phòng quản lý cũng như nhau thôi.
-Hoàng Ngọc Diêu

“Chưa thấy chi tiết nào cho thấy tập trung hết đầu mối về bên quân đội, lâu nay thì bên công an cũng làm từ trước rồi. Tôi cho rằng đây chẳng qua là tăng cường thêm cho phía quân đội thôi, chứ còn  công an người ta vẫn làm chức năng lâu nay của người ta.”

Ngoài việc đàn áp các tiếng nói đối lập trên mạng internet, các cơ quan an ninh mạng này cũng đã phá nhiều vụ án lớn như vụ phát hiện đường dây đánh bạc trên internet với quy mô lên tới hàng ngàn tỷ đồng do hai ông Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương cầm đầu. Vụ án này khiến ông Phan Văn Vĩnh, nguyên Trung tướng Tổng cục trưởng Cảnh sát thuộc Bộ Công an bị khởi tố và bắt tạm giam về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và ông Nguyễn Thanh Hóa, nguyên Thiếu tướng Cục trưởng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao C50 cũng bị bắt và khởi tố về tội tổ chức đánh bạc.

Tuy nhiên, chính phủ Việt Nam cũng thừa nhận gặp nhiều khó khăn trong việc đối phó tội phạm mạng. Theo Bộ Công an Việt Nam, chỉ trong nửa đầu 2017, toàn lãnh thổ Việt Nam có hơn 4.600 trang web bị tin tặc tấn công hoặc chiếm quyền điều khiển. Nếu tính tổng cộng tất cả các cuộc tấn công mạng trong nam 2017, Việt Nam bị tổn thất gần 543 triệu đô la Mỹ.

Cuối tháng 7 năm 2017, hãng Vietnam Airlines bị tấn công tin tặc với màn hình ở các sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất bị mất quyền điều khiển giao diện và hiển thị nội dung đả kích Việt Nam và Phillipines.

Hiện có rất ít thông tin về, nhiệm vụ, phương thức hoạt động… của Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng. Nhận xét về cơ quan này, ông Hoàng Ngọc Diêu, một chuyên gia công nghệ thông tin sống tại Úc, từng làm việc tại Việt Nam cho biết:

“Theo mình quan sát thì mình thấy đây là một cái cách tạm gọi là bình mới rượu cũ thôi, cái chuyện họ đưa lực lượng tác chiến không gian mạng do bộ công an quản lý hay bộ quốc phòng quản lý cũng như nhau thôi. Bởi vì mục tiêu họ đưa ra rất là rõ là họ chuẩn bị tác chiến với những kẻ chống lại đảng và nhà nước, thì nó mang tính chất chính  trị của nội bộ của nước Việt Nam, chứ nó không cùng tính chất tác chiến trên mạng để chống tin tặc như những quốc gia khác như Hoa Kỳ, Úc Đại Lợi, Canada hay Tân Tây Lan… Cho nên mình thấy cái đó mang tính hình thức hơn là thực chất.”

Hiệu quả hoạt động?

Ông Hoàng Ngọc Diêu cũng cho biết độ bền vững của cơ sở hạ tầng của không gian mạng hiện nay của Việt Nam rất là yếu kém, vì vậy theo ông, nếu chuyển cho quân đội hay công an nắm giữ thì cũng không khác biệt gì.

Nhà báo Võ Văn Tạo cũng cho rằng Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng chưa chắc sẽ hoạt động hiệu quả, ông nói thêm:

“Việc thành lập lực lượng tác chiến trên không gian mạng của Bộ Quốc phòng thì nó sẽ chẳng hiệu quả bao nhiêu đâu. Vì thường anh em bộ đội, dư luận viên nhiều khi không có trình độ, phát biểu ba lăng nhăng, tôi cho rằng nhiều khi còn phản tác dụng. Nhưng mà ở Việt Nam, có một cái khá phổ biến là các ngành, các cấp lâu lâu vẽ ra cái này cái khác để chủ yếu moi tiền ngân sách, tiền dân nộp thuế.”

Ở Việt Nam, có một cái khá phổ biến là các ngành, các cấp lâu lâu vẽ ra cái này cái khác để chủ yếu moi tiền ngân sách, tiền dân nộp thuế.

-Võ Văn Tạo

Tuy nhiên blogger Trương Duy Nhất lại có suy nghĩ khác về việc này:

“Bộ Quốc phòng thành lập Bộ tư lệnh, một binh chủng đàng hoàng. Cái đó cho thấy một cuộc huy động bắt đầu tổng lực. Chính quyền đang lo lắng có sự bất an nào đó trong không gian mạng và huy động tổng lực không chỉ trên mặt trận tư tưởng trước đây mà kể cả Bộ Quốc phòng và Bộ Công an cũng vào cuộc để tấn công.”

Ông Hoàng Ngọc Diêu cho biết thêm:

“Nếu xét về mặt kỹ thuật thì bên quân đội họ được huấn luyện có vẻ kỹ lưỡng hơn bên công an. Nhưng mà nếu xét về mục tiêu họ đối phó đúng theo tin thần của những bài báo là họ đối phó với những lực lượng chống đảng và nhà nước, thì phần lớn những người tạm gọi là “chống phá” lại là những người bên phía dân sự, những người bất đồng chính kiến cũng là phía dân sự. Thí dụ như họ bắt giữ một người “chống phá” đảng nhà nước thì làm sao đem quân đội để bắt một cá nhân dân sự được, họ chỉ có thể dùng công an để bắt người bên dân sự.”

Chính quyền Việt Nam tăng cường kiểm soát internet, kêu gọi kiểm soát chặt chẽ hơn các mạng xã hội và xóa bỏ nội dung mang tính công kích. Trước lo ngại về việc ngăn cản các tiếng nói phản biện trên mạng internet khi lực lượng tác chiến an ninh mạng về bộ quốc phòng, ông Võ Văn Tạo nói:

“Tôi nghĩ rằng sẽ có ảnh hưởng chứ, họ sẽ sử dụng các biện pháp kỹ thuật có thể gây khó khăn cho các nhà hoạt động, các cây bút phản biện. Ví dụ như họ dùng các kỹ thuật như ‘report’, làm giả những người phản đối và họ rất đông, trong khi mạng xã hội phổ biến hiện nay như facebook thì rất máy móc, cứ nhiều người báo cáo thì họ ngắt cái trang của người bị báo cáo. Thế thì bây giờ họ tăng cường lực lượng thì nó cũng sẽ có tác dụng chút đỉnh.”

Ông Hoàng Ngọc Diêu thì cho rằng việc này chỉ mang tính răn đe:

“Thay vì để cho Bộ công an quản lý thì chuyển cho Bộ quốc phòng quản lý để làm cho ra vẻ to lớn, nghiêm trọng và thật sự mang tính răn đe cho người dân trong nước đặt biệt là những người dân không biết được cái tính chất ở bên trong như thế nào? Họ có thể sẽ nghĩ nâng tầm lên Bộ quốc phòng chắc là ghê gớm lắm.”

Một bạn trẻ không muốn nêu tên cũng nói lên suy nghĩ của mình về việc này:

“Theo tôi nghĩ nếu từ công an qua quân đội thì nó sẽ lên một cấp bậc mới cao hơn, thì chắc chắn nó sẽ khó hơn nữa, nó sẽ làm khó mình hơn nữa. Với người thân của tôi ở Việt Nam thì họ im lặng để cho qua chuyện, không ai muốn phiền phức.”

Theo ông Hoàng Ngọc Diêu, những tiểu xảo của chính phủ Việt Nam để kiểm soát người dân sử dụng mạng xã hội, hoặc ngăn cản những tiếng nói phản biện, thì sẽ không thật sự làm thay đổi mà chỉ mang tính răng đe, làm cho những người không nắm rõ thông tin cảm thấy e dè mà thôi.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/difference-when-the-cyberwar-command-is-under-the-ministry-of-defense-tk-04062018134649.html

 

Tự động hóa thu phí BOT: Dư luận nói gì?

Hòa Ái, phóng viên RFA

Vấn đề liên quan các trạm thu phí BOT tại Việt Nam, trong tháng 3 lại gây chú ý đối với dư luận trước thông tin Bộ Giao Thông-Vận Tải đang xem xét hoàn thiện hành lang pháp lý trong việc thu phí BOT tự động, có thể chế tài xử phạt những chủ xe không dán thẻ hoặc không có tiền trong thẻ trả phí tự động BOT.

Chế tài xử phạt

Vào trung tuần tháng 3, truyền trong nước đưa tin Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết đến hết năm 2019, toàn bộ trạm BOT trên cả nước đều phải thu phí tự động.

Tại buổi họp về vấn đề thu phí tự động ở các trạm BOT, diễn ra trong ngày 16 tháng 3, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, ông Nguyễn Văn Huyện khẳng định đó là chủ trương lớn nhằm nâng cao tính minh bạch của thu phí đường bộ, tiết kiệm chi phí và giảm ùn tắc, tai nạn.

Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết trong thời gian tới, các trạm áp dụng thu phí tự động, chỉ còn 1 làn thu phí dừng (thu phí tiền mặt) và đến năm 2019 việc thu phí sẽ hoàn toàn tự động. Ông Nguyễn Văn Huyện nhấn mạnh hiện tại vẫn có tình trạng cản trở do chủ đầu tư BOT không muốn thực hiện thu phí tự động, do đó đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2019, nhà đầu tư BOT nào không hoàn thành lắp đặt thiết bị thu phí tự động thì sẽ không cho thu phí.

Một cựu kỷ sư làm việc nhiều năm trong Quân đội Nhân dân Việt Nam giải thích với RFA nguyên nhân vì sao chủ đầu tư BOT không muốn cách thức thu phí tự động:

Nếu đưa tất cả vào tự động hóa thì trở thành minh bạch và người ta sẽ rất khó để làm gian dối trong đấy. Nói nôm na là làm thủ công thì có khi làm 10 đồng, lấy được 3 đồng mà gần như không ai biết. Nhưng nếu đưa vào tự động, thì nó thể hiện hết trên máy móc

-Kỷ sư xây dựng

“Nếu đưa tất cả vào tự động hóa thì trở thành minh bạch và người ta sẽ rất khó để làm gian dối trong đấy. Nói nôm na là làm thủ công thì có khi làm 10 đồng, lấy được 3 đồng mà gần như không ai biết. Nhưng nếu đưa vào tự động, thì nó thể hiện hết trên máy móc. Tôi nhớ trước đây, có một thời gian có một số lãnh vực lắp máy tự động thì người ta còn cố tình phá hư máy để làm theo thủ công.”

Tại buổi họp của Tổng cục Đường bộ Việt Nam vào ngày 16 tháng 3, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, ông Tô Nam Toàn nói rằng thu phí tự động nhằm loại bỏ tình trạng trả bằng tiền lẻ để cố tình gây ùn tắc, gây rối tại trạm BOT.

Bộ Giao Thông-Vận Tải ra quyết định trong năm 2018, tổng cộng 2, 8 triệu ô tô phải được dán thẻ thu phí tự động. Vào hạ tuần tháng 3, Bộ Giao Thông-Vận Tải cho biết đang xem xét hoàn thiện hành lang pháp lý trong việc thu phí BOT tự động, có thể chế tài xử phạt những chủ xe không dán thẻ hoặc không có tiền trong thẻ trả phí tự động BOT. Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam nói với báo giới quốc nội rằng tiến độ dán thẻ thu phí tự động diễn ra rất chậm, chỉ có khoảng 500 ngàn xe hơi được dán thẻ và các ô tô nào chưa dán thẻ có thể bị phạt.

Dư luận phản đối

Đài Á Châu Tự Do ghi nhận có nhiều phản đối trước thông tin vừa nêu. Một số chuyên gia pháp lý tại Việt Nam cho rằng, theo luật định hiện hành, việc ép buộc dán tem hay bắt nạp tiền vào thẻ là bất hợp lý. Báo Lao Động Online dẫn lời của Luật sư Bùi Đình Ứng, thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội nói là Việt Nam chưa hề cấm thu tiền mặt và trong luật không hề quy định việc khi khách hàng sử dụng dịch vụ, mà trong thẻ không có tiền thì bị xử phạt vì vi phạm luật. Báo Lao Động Online cũng dẫn lời Luật sư Nguyễn Phương Tuyến, thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội đề nghị Bộ Giao Thông-Vận Tải cùng Tổng cục Đường bộ cần xem xét lại các quyết định dựa trên khía cạnh pháp lý, chứ không chỉ đơn giản gây sức ép với chủ xe mà bỏ qua những quy định khác về pháp luật.

Chúng tôi tiếp xúc với một số chủ xe ở Việt Nam và được họ cho biết theo quy định mới của Bộ Giao Thông-Vận Tải khi đăng kiểm xe thì phải dán thẻ thu phí tự động qua trạm BOT. Tuy nhiên, họ cho rằng việc xử phạt nếu thẻ không có tiền là điều phi lý. Một chủ doanh nghiệp vận tải đường bộ, ở Sài Gòn lên tiếng với RFA:

“Tất cả xe nào đi kiểm định thì bên Kiểm định sẽ dán vào xe một cái logo và qua tài khoản trong cái thẻ mình mua thì sẽ trừ tiền dần trong thẻ khi qua trạm BOT. Dán cái logo xong, mà tiền trong tài khoản không có, thì cũng không thể phạt người ta được. Người ta đi qua trạm và trả tiền (tiền mặt), thì cũng là một cách thanh toán, chứ có gì đâu. Đó là giao dịch dân sự giữa chủ BOT với người dân, giao dịch dân sự với nhau mà.”

Bên cạnh đó, không ít chủ xe và dân chúng bày tỏ bức xúc vì điều họ trông chờ Chính phủ và Bộ Giao Thông-Vận Tải cần nhanh chóng công khai minh bạch về những khuất tất của các trạm BOT đặt sai vị trí hay thu phí không đúng quy định thì không tiến hành, mà theo họ Bộ Giao Thông-Vận Tải đang rốt ráo thực hiện cách thức ép buộc người dân trong lưu thông đường bộ khi qua trạm BOT.

Tất cả xe nào đi kiểm định thì bên Kiểm định sẽ dán vào xe một cái logo và qua tài khoản trong cái thẻ mình mua thì sẽ trừ tiền dần trong thẻ khi qua trạm BOT. Dán cái logo xong, mà tiền trong tài khoản không có, thì cũng không thể phạt người ta được. Người ta đi qua trạm và trả tiền (tiền mặt), thì cũng là một cách thanh toán, chứ có gì đâu. Đó là giao dịch dân sự giữa chủ BOT với người dân
-Một chủ doanh nghiệp vận tải

Đài RFA liên lạc với một người dân ở Đồng Nai, đã cùng với khỏang 70 tài xế ký đơn thỉnh nguyện lên các cơ quan chức năng, yêu cầu thanh tra những sai phạm tại trạm BOT Biên Hòa trong cuối năm 2017 và được ông chia sẻ thông tin cập nhật mới nhất:

“Tôi đã liên lạc với Sở Giao Thông-Vận Tải và được cho biết một số điểm thực hiện được thì họ sẽ cố gắng thực hiện, còn những điểm thuộc quyền quản lý và trách nhiệm từ Bộ Giao Thông-Vận Tải thì họ sẽ trả lời sau. Trước mắt thì họ chưa thể trả lời ngay cái đơn kiến nghị của tôi cùng các anh em lái xe đã ký và gửi cho các cơ quan chức năng. Riêng về những lá đơn gửi đến Bộ trưởng, Thủ tướng và Thanh tra Chính phủ, để yêu cầu thanh tra trạm thu phí BOT Biên Hòa thì cho đến nay vẫn chưa nhận được hồi âm trả lời nào.”

Vào ngày 30 tháng 3 vừa qua, 5 tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam cùng với gần một trăm cá nhân công khai một bản tuyên bố tố cáo đa số dự án BOT cầu đường có sự cấu kết bất minh giữa các nhà đầu tư và một số quan chức chính quyền địa phương với trung ương. Bản tuyên bố yêu cầu Nhà nước phải nhanh chóng thanh tra những bất cập của tất cả các dự án BOT, và phải dừng dự án cũng như khởi tố những ai vi phạm nếu phát hiện sai trái; đồng thời cần khuyến khích người dân đấu tranh bất bạo động và hợp pháp khi thấy bất bình trước những sai phạm của các dự án BOT ở Việt Nam.

Trả lời câu hỏi của RFA về chủ trương tự động hóa thu phí BOT của ngành giao thông vận tải, các tài xế và người dân mà chúng tôi trao đổi đều khẳng định một khi Chính phủ minh bạch thông tin các dự án BOT, từ khâu đấu thầu cho đến khâu vận hành, giá cả hợp lý đúng quy trình thì dân chúng tích cực ủng hộ vì sẽ tiện lợi hơn, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là họ không thể trả phí bằng tiền mặt mỗi lúc qua trạm BOT.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/public-concerns-about-automated-bot-fee-collection-in-vn-04062018133624.html

 

Dân Đồng Bằng Cửu Long

nay phải loay hoay kiếm sống

Đồng Bằng Sông Cửu Long từng được ví như vựa lúa và vùng đất phì nhiêu dồi dào tôm cá, trái cây… Nông dân Đất Chín Rồng trước đây có cuộc sống khá dễ dàng không phải ‘bán mặt cho đất, bán lưng cho trời’ như những vùng khắc nghiệt khác tại Việt Nam.

Tuy nhiên, vùng đất trù phú này hiện đang chịu nhiều tác động bất lợi của thiên nhiên khiến cư dân phải chật vật tìm nguồn sinh kế.

Quyết định đổi nghề

Tại các tỉnh duyên hải dọc Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, nhiều hộ dân cho biết họ phải chịu thiệt hại do thiên tai trong hai năm qua; do đó phải chuyển đổi từ trồng nghề trồng hoa mùa truyền thống sang nuôi thuỷ sản và các vật nuôi khác.

Ông A từng là một nhà nông chuyên nghiệp trước đây nhưng do hai năm canh tác thất bát, nay gia đình ông bắt đầu đổi sang đào ao nuôi tôm.

Ở đây bây giờ những ngành nghề khác không giải quyết được gì cho nông dân, vì nông dân rặc chỉ biết chăn nuôi, trồng trọt là chủ yếu.

– Người dân 

“Tại Ba Tri đây là vùng chuyên canh cây lúa nên bị thiệt hại nặng, còn cây khác không có trồng. Tính thiệt hại khoảng 50% sản lượng lúa hằng năm, quy ra tiền khoảng 25 triệu trên một hecta. Cũng nhờ nhà nước chứ mình đâu có cách, tính từ bây giờ họ chuyển đổi từ trồng cây lúa sang nuôi tôm. Chứ làm cây lúa thấy nó không hiệu quả nữa.”

Gia đình ông B ở gần đó cho biết trước kia có nuôi hàng trăm con bò cho lãi lớn, và nguồn thức ăn chính là cỏ mọc từ những cánh đồng lúa bỏ không. Nhưng cũng đang loay hoay bàn tính chuyện nuôi tôm.

“Đang nuôi bò bán hết rồi, chứ chống không nổi với mấy con bò này, rơm thì 25 – 26.000 đồng 1 cục, bán bò thì 5 triệu một con. Nếu con bò được giá như năm rồi năm kia thì tôi không nuôi tôm. Bây giờ lúa, bò chịu hết nổi rồi.

Mỗi công đất lúa là 1.000 mét vuông, làm 1 vụ lời 1 triệu và 1 công đất rơm cho bò ăn là 2 triệu. Hai công là 4 triệu, một năm 2 lần lời 8 triệu. Nhưng nuôi 1 vụ tôm, lấy 2 công đất đó lấy 150 triệu.”

Tình trạng người dân ồ ạt đào ao, chuyển sang nuôi tôm là hình ảnh dễ dàng bắt gặp ở những vùng duyên hải Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Một người nông dân cho biết trước đây trồng lúa, sau nuôi bò nuôi dê. Ông không trồng lúa nữa vì giá thấp quá, trong khu vực ông ở có cả trăm hộ nuôi tôm. Nếu nuôi tôm chừng được 5 năm, 4 công đất thì cũng kiếm đc 500 – 700 triệu.

“Nếu mà tôm bán đc trúng giá thì cũng đc 200 mấy (triệu) trong vòng 3 tháng.”

Khó khăn

Tuy nhiên hoạt động nuôi tôm chủ yếu mang tính chất tự phát nhằm xoay xở, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, người đi trước thì chỉ bảo người đi sau về cách nuôi tôm mà đối với họ hoàn toàn mới mẻ vì trước đây chỉ chuyên canh cây lúa.

Giờ mần ruộng thì cũng sống hết nổi, mần cực dữ lắm, tôi giờ mần mướn, không lời gì hết. Nên giờ họ mới chuyển qua tôm chứ hồi đó giờ vùng này không có vụ nuôi tôm vì nước ngọt.

– Người dân

“Ở đây bây giờ những ngành nghề khác không giải quyết được gì cho nông dân, vì nông dân rặc chỉ biết chăn nuôi, trồng trọt là chủ yếu.”

Có tình trạng đầu ra thiếu ổn định, chăn nuôi chưa khoa học khiến tôm bị nhiễm bệnh, bà con bị mất trắng, nay lại quay sang trồng lúa nhưng đất đã bị nhiễm phèn và nguồn nước tưới không đảm bảo.

“Một vài năm người ta sẽ phải có cách khác, nếu nhà nước không cho thì nghỉ, chứ không phải lâu dài. Theo tôi nuôi tôm không bền vững.”

“Mới đầu không nuôi tôm tính đào trồng dừa nhưng dừa bữa nay rẻ rề. Hồi trước nuôi tôm tôm sú nhưng lời chút đỉnh rồi làm đê trồng lúa cũng khá. Lúc đầu lúa có giá, và làm trúng mùa, rồi mất mùa, chuột ăn tiêu hết. Giờ mần ruộng thì cũng sống hết nổi, mần cực dữ lắm, tôi giờ mần mướn, không lời gì hết. Nên giờ họ mới chuyển qua tôm chứ hồi đó giờ vùng này không có vụ nuôi tôm vì nước ngọt.”

Thực tế cho thấy, việc nuôi tôm đã giúp giải quyết được phần nào các vấn đề kinh tế trước mắt cho một số hộ nông dân bị tác động. Thế nhưng việc nuôi đại trà, thiếu quy hoạch hợp lí dẫn đến nhiều vấn đề như làm nhiễm mặn thêm diện tích đất trồng lúa. Việc sử dụng nguồn nước ngầm triên diện rộng phục vụ nuôi tôm làm trầm trọng thêm tình trạng sụt lún đất nền ở vùng ĐBSCL.

Ông Tom Kompier, Bí thư thứ Nhất phụ trách về Quản lí nước và Biến đổi khí hậu của Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam cho biết về kết quả nghiên cứu: Chỉ trong vòng 25 năm, ĐBSCL từ một khu vực ổn định đã rơi vào tình trạng sụt lún nhanh chóng. Nghiên cứu cho thấy mỗi năm ĐBSCL lún xuống vài centimet, cao hơn nhiều so với tốc độ nước biển dâng. Hiện ĐBSCL chỉ cao hơn mực nước biển 1- 2 mét, nguy cơ xâm nhập mặn, ngập lụt và sạt lở bờ biển đã xảy ra.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/reportfromvn/resident-mekong-river-trying-to-survive-04062018121053.html

 

Cá hồi Na-uy tuồn lậu sang Trung Quốc

qua ngả Việt Nam?

Ba nhà sản xuất cá hồi lớn nhất Na-Uy bác bỏ mọi liên hệ với các hoạt động buôn lậu cá hồi sang Trung Quốc qua ngả Việt Nam.

Các nhà sản xuất Na-uy khẳng định họ không tuồn cá hồi sang Trung Quốc qua trung gian Việt Nam, sau khi chính quyền của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới trấn áp các hoạt động buôn lậu đã khiến cho giá cá hồi tăng lên.

Các tập đoàn Marine Harvest, Cermaq và Leroy Seafood nói với trang tin Undercurrent News rằng họ bác bỏ mọi liên hệ với các giao dịch bất hợp lệ, sau khi giới hữu trách Trung Quốc tuyên bố đã phá vỡ một đường dây buôn lậu cá hồi trị giá khoảng 100 triệu USD vào nước này.

Marine Harvest, nhà sản xuất cá hồi lớn nhất thế giới, đang có kế hoạch xây dựng một nhà máy chế biến tại Thượng Hải trong năm nay. Theo một phát ngôn viên của Marine Harvest, công ty này không có can dự gì vào các hoạt động đưa lậu cá hồi sang Trung Quốc qua ngả Việt Nam.

Công ty này không trực tiếp bình luận về lý do tại sao cá hồi trong hộp có gắn nhãn Marine Harvest lại xuất hiện trên các bản tin ở Trung Quốc.

Theo một phúc trình thực hiện hồi gần đây, doanh thu của Marine Harvest sang châu Á chỉ chiếm có 8% trong quý 4.

Một phát ngôn viên của công ty Cermaq, thuộc quyền sở hữu của tập đoàn Mitsubishi -Nhật Bản, cũng xác định rằng “Cermaq không đưa cá hồi sang Trung Quốc qua ngả Việt Nam”.

Đại diện của tập đoàn Cermaq nói với Undercurent: “Những giao dịch bán cá hồi duy nhất của công ty chúng tôi với Việt Nam chỉ nhắm vào thị trường nội địa. Năm ngoái chúng tôi bán được 2 tấn cá hồi cho tập đoàn Mitsubishi ở Việt Nam”.

Giám đốc điều hành của tập đoàn Leroy, ông Henning Beltestad, cũng bác bỏ cáo buộc cho rằng công ty của ông đã tuồn cá sang Trung Quốc qua trung gian Việt Nam: “Chúng tôi không bán bất kỳ con cá hồi nào cho Trung Quốc qua ngả Việt Nam.” Ông từ chối bình luận thêm.

Đối với tập đoàn Leroy, doanh thu ở châu Á trong quý 4 đạt khoảng 98,9 triệu USD. Tập đoàn này không cung cấp thêm chi tiết nào khác về mức doanh thu ở Châu Á.

Ông Beltestad không bình luận về làm cách nào cá hồi đóng hộp mang nhãn Scottish Sea Farms (SSF) được phát hiện ở Trung Quốc và bị liên kết với các hoạt động mờ ám.

Jim Gallagher, giám đốc điều hành của SSF, nói với Undercurrent: “Scottish Sea Farms đã bán cá hồi có phẩm chất cao cho khách hàng ở Trung Quốc trong nhiều năm qua, chúng tôi xuất khẩu cá hồi trực tiếp vào thị trường TQ với tất cả mọi giấy tờ hợp lệ. Ngược lại, chúng tôi không có giao dịch với Việt Nam và đã không giao dịch từ năm 2015 tới nay.”

Năm ngoái, Na-uy xuất khẩu tổng cộng hơn 23.000 tấn cá hồi Atlantic tươi sang Việt Nam, theo Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), khiến Việt Nam trở thành thị trường lớn nhất cho cá hồi xuất khẩu từ Na Uy, bên ngoài khối EU.

https://www.voatiengviet.com/a/ca-hoi-na-uy-tuon-lau-sang-tq-qua-nga-viet-nam/4335997.html