Tin Việt Nam – 07/02/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 07/02/2018

Nông sản tươi Việt Nam xếp hàng ‘chờ chết’

ở biên giới Trung Quốc

Khánh An-VOA

Hàng trăm xe tải chở các loại hoa quả tươi Việt Nam xuất sang Trung Quốc đang bị kẹt lại ở cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn, nhiều ngày liên tiếp. Nguyên nhân được cho biết là do phía Trung Quốc chỉ cho thông quan khoảng 250 xe/ngày, trong khi lượng xe chở hoa quả mỗi ngày đến cửa khẩu lên đến khoảng 700-800 chiếc vào dịp cận Tết.

Tình trạng ùn tắc bắt đầu diễn ra từ ngày 2/2 khi gần cả ngàn xe tải chở dưa hấu, thanh long, xoài, chuối… từ các tỉnh đổ đến cửa khẩu Tân Thanh để chờ làm thủ tục sang Trung Quốc bán.

Đó là vấn đề ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc, thương lượng với nhau thế nào để bảo đảm quyền lợi cho người xuất khẩu tại Việt Nam.

Chuyên gia Bùi Kiến Thành.

Đồn trưởng Biên phòng Tân Thanh, Thượng tá Nông Quang Tám, được Tiền Phong trích lời cho biết mặc dù lực lượng chức năng đã tăng thêm 2 giờ làm việc nhưng vẫn không giải quyết được tình trạng dồn ứ xe nông sản, dẫn đến gần cả ngàn xe nối đuôi nhau hàng chục cây số nằm chờ tại cửa khẩu nhiều ngày.

“Vì mùa này là mùa trái cây xuất đi nhiều, gần Tết mà. Nguyên nhân là do bên đầu của mình dồn ứ nhiều quá nên hải quan thủ tục làm chưa được, nên phải xếp đuôi” chủ một hãng vận tải chuyên đưa hàng lên cửa khẩu Tân Thanh nói với VOA tối 6/2.

Tân Thanh là cửa khẩu duy nhất mà Trung Quốc cho nhập nông sản tươi. Do vậy, dù bị kẹt lại nhiều ngày, các chủ hàng vẫn phải chờ đợi để được phép qua bên kia biên giới bán hàng tại chợ Pò Chài.

Được biết, Trung Quốc có chính sách cửa khẩu và thu thuế riêng cho từng vùng nên doanh nghiệp Việt Nam buộc phải tuân theo chính sách “phân vùng” này. Chẳng hạn, Trung Quốc ra quy định mặt hàng dưa hấu chỉ được phép nhập khẩu qua cửa khẩu Pò Chài và thị trấn Bằng Tường của Trung Quốc, dẫn đến các chủ hàng Việt Nam chỉ có thể xuất hàng qua cửa khẩu Tân Thanh mà không thể đưa sang cửa khẩu nào khác mỗi khi xảy ra ùn tắc.

Xe đông lạnh mà nổ [máy] dầu một ngày thì chết tiền. Một ngày tốn từ 1,5 triệu đến 2 triệu.

Chủ một hãng vận tải.

Một số chuyên gia kinh tế của Việt Nam cho rằng đây không chỉ đơn thuần là vấn đề về chính sách kinh tế, mà còn là “vấn đề ngoại giao hai nước”, nhất là khi tình trạng dồn ứ sản phẩm nông sản đã diễn ra nhiều năm qua, dẫn đến thiệt hại nặng nề cho thương nhân Việt.

Chuyên gia Bùi Kiến Thành nói: “Nếu Trung Quốc chỉ cho một cửa khẩu thì chúng ta bị kẹt ở khâu đó. Đó là vấn đề ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc, thương lượng với nhau thế nào để bảo đảm quyền lợi cho người xuất khẩu tại Việt Nam”.

Một số thương nhân cho biết giá nông sản Việt Nam thường bị ép mỗi khi lượng hàng đổ sang Trung Quốc nhiều. Đôi khi chủ hàng phải bán đổ bán tháo, chấp nhận lỗ vốn để đưa xe về vì nguy cơ nông sản bị hỏng và chi phí trong lúc chờ đợi cao nếu ùn tắc kéo dài nhiều ngày.

“Xe đông lạnh mà nổ [máy] dầu một ngày thì chết tiền. Một ngày tốn từ 1,5 triệu đến 2 triệu”, chủ hãng vận tải không muốn tiết lộ danh tính nói với VOA.

Chi cục Hải quan Tân Thanh nói một phần nguyên nhân của tình trạng ứ đọng hàng nông sản là do thời tiết giá lạnh ở Trung Quốc khiến việc phân phối và tiêu thị hoa quả chậm, dẫn đến chủ hàng Trung Quốc chọn hàng rất kỹ. Báo Thanh Niên dẫn lời Phó chi cục Đoàn Tuấn Anh cho biết với mặt hàng dưa hấu, phía Trung Quốc thường trả về 1-2 tấn hàng mỗi xe.

Nếu họ cứ đơn phương làm như vậy thì Việt Nam phải có cách giải quyết. Nếu không thì buộc phải ứng xử tương ứng.

TS. Nguyễn Đức Thành.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách của Trường Đại học Kinh tế-ĐHQG, cho rằng vì là thị trường tiêu thụ lớn của hàng xuất khẩu Việt Nam và các nước xung quanh, Trung Quốc hay có cách làm “độc đoán” và “khó dự báo trước”, gây thiệt hại cho các quốc gia nhập khẩu vào nước này, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp thực phẩm.

“Trung Quốc họ hay làm khó dễ với nhiều nước nhập khẩu hàng vào. Có lẽ đó cũng là một hình thức họ hạn chế nhập khẩu, hoặc cũng có thể do có vấn đề về mặt kỹ thuật của sản phẩm nông nghiệp của mình”.

TS. Nguyễn Đức Thành nói đây là “cái dở” khi giữa hai nước không có “thiện chí thực sự”.

“Việc này thực ra là do quan hệ của mỗi nước, giữa hai nước với nhau. Nếu họ cứ đơn phương làm như vậy thì Việt Nam phải có cách giải quyết. Nếu không thì buộc phải ứng xử tương ứng”, TS. Nguyễn Đức Thành nói.

Ngày 6/2, Ban quản lý Khu kinh tế cửu khẩu Đồng Đăng, Lạng Sơn, đã phải cử đoàn công tác sang Quảng Tây để kiến nghị phía Trung Quốc tăng thời gian làm việc và rút ngắn thủ tục thông quan để giải quyết tình trạng ứ đọng hàng tại cửa khẩu Tân Thanh.

Thời gian qua, Việt Nam cũng đã cử các đoàn công tác sang Trung Quốc để kiến nghị nước này cho phép xuất khẩu nông sản sang các cửa khẩu khác ngoài Tân Thanh, nhưng việc này vẫn chưa mang lại kết quả.

https://www.voatiengviet.com/a/nong-san-tuoi-viet-nam-xep-hang-cho-chet-o-bien-gioi-trung-quoc/4241585.html

 

Hoa Kỳ lên tiếng

về bản án đối với nhà hoạt động Hoàng Bình

Hoa Kỳ quan ngại sâu sắc về bản án mà nhà chức trách Việt Nam tuyên phạt đối với hai nhà hoạt động môi trường ôn hòa là Hoàng Đức Bình và Nguyễn Nam Phong.

Đó là nội dung trong tuyên bố của phát ngô nhân Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Heather Nauert, đưa ra vào ngày 6 tháng 2 ngay sau khi diễn ra phiên xử đối với hai ông Hoàng Đức Bình và Nguyễn Nam Phong tại Nghệ An.

Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội vào ngày 7 tháng 2 lặp lại tuyên bố của phát ngôn nhân Heather Nauert.

Trong tuyên bố được đưa ra, Hoa Kỳ bày tỏ sự lo lắng trước tình trạng gia tăng đàn áp những người hoạt động ôn hòa từ năm 2016 đến nay tại Việt Nam, và kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho các tù nhân lương tâm, những người bị bỏ tù vì bày tỏ chính kiến của mình một cách ôn hòa.

Hoa Kỳ kêu gọi Việt Nam đảm bảo việc thực thi luật pháp của mình, nhất quán với những cam kết của Việt Nam với thế giới về nhân quyền, cũng như tôn trọng chính bản hiến pháp của mình. Tuyên bố lặp lại rằng tất cả mọi người có quyền cơ bản như tự do biểu đạt, quyền lập hội và tụ tập ôn hòa.

Tuyên bố cũng nhắc đến những nhà hoạt động ôn hòa vì môi trường và xã hội khác là bà Trần Thị Nga và Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức blogger Mẹ Nấm.

Ông Hoàng Đức Bình là một nhà hoạt động môi trường, chống lại việc xả thải gây nên thảm họa môi trường biển của nhà máy Forrmosa ở Hà Tĩnh vào năm 2016.

Ngày 6 tháng 2, năm 2018, ông Hoàng Đức Bình bị một tòa án ở huyện Diễn Châu, Nghệ An kết án 14 năm tù giam với 2 tội danh “chống người thi hành công vụ” và “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” theo điều 257 và 258 bộ luật hình sự.

Sau khi bản án được tuyên, tổ chức hoạt động vì môi trường là nhóm Cây Xanh Hà Nội đã tổ chức phản kháng bản án này trên các trang mạng xã hội của mình

Một người dân Hà Tĩnh, hiện sống tại Hà Nội, anh Nguyễn Quang Chung, là thành viên của nhóm Cây Xanh Hà Nội, nói với đài Á Châu Tự Do:

Theo tôi việc làm của anh Hoàng Bình là việc làm của một người yêu nước, quan tâm đến nỗi khổ của ngư dân sau cái thảm họa miền Trung do nhà máy Formosa gây ra. Anh Hoàng Bình hướng dẫn người dân thực hiện đúng pháp luật là làm đơn khởi kiện Formosa.”

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/us-on-conviction-of-peaceful-activist-02072018080655.html

 

Sức khỏe blogger Mẹ Nấm trong tù không tốt

Tình hình sức khỏe bloger Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh trong nhà tù hiện nay không tốt. Bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, mẹ của blogger Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh cho Đài Á Châu Tự Do biết thông tin này vào ngày 7 tháng 2 sau khi đi thăm con gái tại trại giam hôm 5 tháng 2 năm 2018.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Lan cho biết thêm:

“Thứ hai tuần này ngày 5 tháng 2 thì tôi đi thăm Quỳnh như quy định thì tôi được gặp con tôi chưa đầy 10 phút. Ngoài thăm hỏi thì tôi thấy Quỳnh có vẻ buồn, tôi có hỏi tại sao thì Quỳnh có nói là tiền sử gia đình là huyết áp thấp. Nhưng sao vô đây con mệt và đau đầu, người ta đo cho con thì huyết áp trên 150. Ở nhà thì con vẫn uống Para bình thường nhưng vô đây uống thì bị phản ứng mặt sưng lên. Khi đi ra tôi có trình bày tình hình sức khỏe Quỳnh với anh quản giáo trại giam thì anh nói trong này có thuốc. Tôi nói tôi có thể gởi thẻ bảo hiểm y tế và thuốc vô cho Quỳnh theo yêu cầu không, thì anh vẫn nói trong này có thuốc. Tôi cũng không biết làm sao?”

Bà Lan bày tỏ thắc mắc tại sao con gái của bà liên tiếp có những căn bệnh và hiện tượng lạ xuất hiện trên cơ thể trong nhà tù. Bà Lan cho biết dù trước đây có khối u trong người nhưng blogger Mẹ Nấm cũng chưa bao giờ bị co quắp tay hay sưng phù mặt mày như thế.

Blogger Mẹ Nấm, tên thật là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, bị bắt giam từ tháng 10/2016 vì tội Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam theo Điều 88 – Bộ Luật Hình sự.

Công an tỉnh Khánh Hòa cáo buộc bà đã “soạn thảo, đăng tải, chia sẻ nhiều bài viết, video có nội dung chống đối đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; bôi nhọ các cá nhân…”.

Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh hòa vào tháng 6 năm ngoái đã tuyên án blogger Mẹ Nấm 10 năm tù theo điều 88.

Bà từng bị bắt nhiều lần trước đó trong các cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược biển đảo và đòi nhân quyền, cũng như biểu tình đòi một môi trường biển sạch cho người dân.

Hoa Kỳ vinh danh blogger Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là người phụ nữ can đảm vào dịp tháng 3 năm ngoái.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/blogger-mother-mushroom-s-health-in-prison-02072018075543.html

 

Ông Anh Vũ bị khởi tố và tạm giam bốn tháng

Ông Phan Văn Anh Vũ, còn được gọi là Vũ ‘Nhôm’, vừa bị Bộ Công an Việt Nam quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ hôm thứ Tư 7/2.

Ngoài ra, ông Anh Vũ còn nhận lệnh tạm giam trong thời hạn 4 tháng.

Trước đó, ông Anh Vũ “nhôm” bị khởi tố về hành vi “cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước” và “Trốn thuế” xảy ra tại Đà Nẵng và một số địa phương.

Bộ Công an phát lệnh truy nã vì ông Vũ đã bỏ trốn khi công an đến khám nhà và bắt giữ ông.

Đến đầu tháng 1/2018, ông Vũ bị bắt giữ ở sân bay Singapore và đưa về Việt Nam hôm 4/1.

Khi bị tạm giữ ở Singapore, ông Anh Vũ cũng đã nhờ một luật sư từ ở Frankfurt, Đức, nộp đơn xin Đại Sứ quán Đức tại Singapore cấp visa để “bảo vệ lợi ích của Đức”, tuy nhiên đó “không phải là đơn xin tị nạn”.

Ông Vũ ‘nhôm’ là ‘sĩ quan tình báo Việt Nam’?

Ông Anh Vũ ‘lo lắng cho an toàn cá nhân’

Truyền thông nói gì vụ Phan Văn Anh Vũ?

Gia đình ông Vũ nói với các luật sư ông cho hay ông “là sĩ quan cao cấp ngành tình báo Việt Nam”.

Tuy nhiên nhưng Bộ Công an chưa chính thức xác nhận điều này.

Theo luật Việt Nam, tội lợi dụng quyền hạn là tội dành cho các quan chức nhà nước, trong đó có quan chức ngành công an.

Hãng tin Anh Reuters cho hay họ chưa liên lạc được với ông Vũ và chưa xác nhận được có luật sư nào đại diện cho ông Vũ ở Việt Nam hay không.

Tin cho hay chính quyền Đà Nẵng đã chỉ đạo các cơ quan trong đó có Sở Tư pháp, ngân hàng, tổ chức tín dụng tạm dừng tất cả giao dịch và chuyển đổi chủ sở hữu tài sản trên địa bàn Đà Nẵng của ông Phan Văn Anh Vũ.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-42974391

 

Việt Nam Trung Quốc

cam kết đẩy mạnh quan hệ nhiều mặt

Việt Nam và Trung Quốc sẽ thảo luận những vấn đề cần quan tâm liên quan đến thúc đẩy quan hệ quốc phòng 2 nước thông qua trao đổi đoàn cấp cao.

Đó là nội dung được đưa ra trong cuộc gặp giữa Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Thượng tướng Thường Vạn Toàn, bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN tại Singapore ngày 5/2.

Ngoài ra, 2 bên cũng nhất trí sẽ cùng tổ chức tốt Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt – Trung lần thứ 5 trong năm nay.

Thông tấn xã Việt Nam thuật lời Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh cho biết Bộ Quốc phòng Việt Nam mong muốn tăng cường quan hệ giữa các Quân khu của Việt Nam với Chiến khu miền Nam của Trung Quốc; thúc đẩy hợp tác giữa Học viện Quốc phòng Việt Nam và Đại học Quốc phòng Trung Quốc và 1 số đối tác khác phù hợp với giáo dục của Việt Nam.

Trong 1 diễn biến khác, tại cuộc gặp thường niên diễn ra trong 2 ngày 5 và 6/2 ở Quảng Châu, Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, Uỷ viên Trung ương Đảng Lê Hoài Trung và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Khổng Huyễn Hựu trao đổi về những quan ngại đối với tình hình ở Biển Đông.

Tin trong nước loan đi cho biết những quan ngại về diễn biến phức tạp của tình hình Biển Đông gần đây được hai vị Thứ trưởng Bộ Ngoại giao mang ra bàn. Cả hai bên cho rằng đã đạt được 1 số tiến triển và có sự hiểu biết lẫn nhau trong cơ chế đàm phán trên biển.

Cuộc gặp thường niên giữa hai Thứ trưởng Ngoại giao còn đề cập đến 1 số vấn đề khác như củng cố và thúc đẩy phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện 2 nước; hợp tác ngoại giao, quốc phòng an ninh mạnh sâu sắc hơn; nhất trí tổ chức tốt phiên họp lần thứ 11 Uỷ ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam – Trung Quốc.

Ngoài ra, các vấn đề hợp tác trong kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai quốc gia cũng được thảo luận và nhất trí giải quyết những khó khăn còn tồn tại để một số sản phẩm của Việt Nam có thể tiếp cận thị trường Trung Quốc.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-china-relations-02072018094301.html

 

Mỹ sắp đánh giá an toàn hàng không Việt Nam

Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) sẽ thực hiện Chương trình đánh giá an toàn hàng không quôc tế – IASA dành cho hàng không Việt Nam ngay trong quý 1 năm nay.

Cục hàng không Việt Nam cho biết đã gửi yêu cầu đến FAA vào giữa tháng 1 vừa qua nhằm gấp rút thực hiện những quy chế của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế ICAO và FAA trong việc mở đường bay thẳng đến Mỹ.

Yêu cầu này được đưa ra sau khi FAA đưa ra những khuyến cáo trong đợt đánh giá kỹ thuật chính thức (Technical View) đối với Hàng không Việt Nam. Theo đó, để bay đến Mỹ, Cục hàng không Việt nam cần phải được phê chuẩn CAT1 và sau đó sẽ được phép giám sát các hãng hàng không có trụ sở tại Việt Nam nhằm đảm bảo sự tuân thủ các quy chế và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để có thể bay thẳng đến Mỹ. Hiện Việt Nam đang xếp loại 2, có nghĩa là các quy trình an toàn bay của Việt Nam không đạt yêu cầu và FAA đang xem xét.

Boeing giúp nâng cao mức an toàn bay của Việt Nam

Hãng Boeing của Mỹ hiện đang hợp tác với Việt Nam và chính phủ Hoa Kỳ để giúp nâng cao mức an toàn hàng không của Việt Nam cũng như giúp hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines thực hiện các chuyến bay đến Los Angeles, một quan chức của hãng Boeing cho biết và hãng tin Bloomberg loan đi ngày 7 tháng 2.

Tập đoàn Vietnam Airlines dự định sẽ thực hiện các chuyến bay thẳng tới Los Angeles vào cuối năm 2019 hoặc đầu năm 2020.  Hãng này đã ký thoả thuận sơ bộ với Boeing để mua 8 máy bay 777, nhưng quyết định chung cuộc phụ thuộc vào việc Việt Nam có được nâng cấp tiêu chuẩn an toàn bay hay không; bởi bất kỳ hãng hàng không nào cũng cần phải đảm bảo quy định về an toàn hàng không trước khi quyết định thực hiện những đơn hàng lớn. Dinesh Keskar, Phó Chủ tịch phụ trách bán hàng của Boeing tại khu vực châu Á Thái Bình Dương và Ấn Độ, cho biết như vậy.

Hiện Vietnam Airlines đang tìm cách mở rộng thị trường tới Mỹ, thị trường mà Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế ước tính sẽ nằm trong top năm quốc gia đứng đầu về tăng trưởng trong 20 năm tới.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/the-faa-prepares-to-evaluate-aviation-safety-in-vietnam-02072018085730.html

 

Người dân Hà Nội đối mặt ‘sát thủ thầm lặng’

Viễn Đông

Người dân thủ đô của Việt Nam năm ngoái chỉ có khoảng 38 ngày hít thở không khí sạch, trong khi phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng hơn nhiều so với chuẩn quốc tế, theo nghiên cứu của Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID).

Tổ chức phi lợi nhuận của Việt Nam này mới công bố kết quả nghiên cứu chất lượng không khí ở Hà Nội, dựa trên dữ liệu được thu thập tại trạm quan trắc của Đại sứ quán Hoa Kỳ năm 2017.

Nồng độ bụi trung bình năm ở Hà Nội cao hơn khoảng 4 lần so với hướng dẫn về chất lượng không khí của WHO.

Ông Trần Đình Sính nói.

Ông Trần Đình Sính, Phó Giám đốc của GreenID, cho VOA Việt Ngữ biết rằng ô nhiễm bụi trung bình trong năm ở thủ đô Việt Nam “cao hơn khoảng 4 lần so với hướng dẫn về chất lượng không khí của Tổ chức Y tế Thế giới” và tình trạng đó “chưa có dấu hiệu giảm trong 5 năm gần đây”.

Ông cũng nói rằng các khảo sát năm 2016 và 2017 do tổ chức của ông tiến hành cho thấy rằng “có đến 99% số người được hỏi thể hiện quan ngại sâu sắc về chất lượng không khí” và “khoảng 93% khẳng định chất lượng không khí đang tác động tiêu cực tới sức khỏe của họ”.

Theo WHO, ô nhiễm không khí cả trong nhà lẫn ngoài đường là “sát thủ thầm lặng” và là “một trong những nguyên nhân góp phần gây ra gánh nặng bệnh tật và tử vong hàng đầu tại Việt Nam”.

Ông Sính cho biết rằng vấn đề sức khỏe thường gặp là các bệnh đường hô hấp như viêm đường hô hấp cấp, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư phổi, hen, các bệnh tim mạch như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, và trẻ em là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương do ô nhiễm không khí.

Theo kết quả quan trắc tối 7/2 của cả Đại sứ quán Mỹ và Đức mà VOA Việt Ngữ ghi nhận, chất lượng không khí ở Hà Nội “có hại cho sức khỏe”.

Còn theo AirVisual, trang web cung cấp thông tin về tình trạng ô nhiễm không khí trên thế giới, có không ít lần Hà Nội vượt thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc.

Ông Sính nói rằng tình trạng ô nhiễm không khí hiện nay ở Việt Nam đã gây “quan ngại” cả với các đối tác quốc tế.

Mới đây, sau Đại sứ quán Hoa Kỳ, cơ quan ngoại giao Đức mới thông báo đã lắp đặt máy đo chất lượng không khí ở Hà Nội.

Ông cho rằng nỗ lực đó nhằm “cảnh báo về mức độ ô nhiễm cho công chúng”, và là “hành động tích cực nhằm nâng cao nhận thức của người dân”.

“Thêm vào đó, đây cũng là nguồn cung cấp dữ liệu có sẵn phục vụ phân tích để có những đánh giá toàn diện hơn về chất lượng không khí thành phố”, ông Sính nói.

Ông cho rằng “Việt Nam có tốc độ phát triển đang ở chiều rộng mà chưa có chiều sâu” và rằng “mọi chính sách đề nhằm mục tiêu phát triển mà chưa chú ý đến bảo vệ môi trường, điển hình là vụ Formosa Hà Tĩnh”.

Ô nhiễm không khí không phải là vấn đề của riêng ai…

Ông Trần Đình Sính nói.

“Ô nhiễm không khí không phải là vấn đề của riêng ai, muốn giải quyết vấn đề này cần có sự chung tay của chính quyền và người dân”, Phó Giám đốc của Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh nói.

“Đối với chính quyền, để cải thiện chất lượng không khí cần kiểm soát tốt các nguồn gây ô nhiễm, việc chỉ ra đâu là nguồn đóng góp chủ yếu để có những biện pháp can thiệp phù hợp là cần thiết. Đối với người dân, hãy chủ động trang bị kiến thức để có giải pháp tự bảo vệ môi trường sống của bản thân và gia đình mình”.

https://www.voatiengviet.com/a/nguoi-dan-ha-noi-doi-mat-voi-sat-thu-tham-lang/4242726.html