Tin Việt Nam – 07/02/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 07/02/2017

Vỡ quỹ hưu đe dọa đến chế độ?

Báo chí Việt Nam hôm 6/2 đưa tin Kiểm toán Nhà nước mới đây đã hoành thành việc kiểm toán báo cáo tài chính năm 2015 của cơ quan Bảo hiểm Xã hội.

Cơ quan kiểm toán cho hay trong vòng 30 năm nữa, nhiều quỹ của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) sẽ bị âm nghiêm trọng. Một chuyên gia kinh tế nói nếu vỡ quỹ lương hưu, điều này có thể đe dọa sự tồn vong của chế độ cộng sản.

Theo dự báo được báo chí trong nước dẫn lại từ Kiểm toán Nhà nước, vào năm 2031, Quỹ hưu trí-tử tuất có thể bắt đầu rơi vào tình trạng chi nhiều hơn thu, với số chênh lệch là 35.962 tỷ đồng. Mặc dù vậy, đến cuối năm 2031 quỹ vẫn có số dư là 3.848.676 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nếu chênh lệch thu chi vẫn tiếp tục với cán cân nghiêng về phần chi, đến năm 2047 quỹ hưu bắt đầu mất cân đối và số dư quỹ sẽ là âm 625.540 tỷ đồng.

Tương tự, Quỹ ốm đau-thai sản được dự báo đến năm 2025 chênh lệch thu chi quỹ bắt đầu âm 1.421 tỷ đồng. Sau 10 năm, vào năm 2035, quỹ bắt đầu mất cân đối, số dư quỹ sẽ là âm 24.011 tỷ đồng.

Về Quỹ Bảo hiểm Y tế, số liệu của nửa đầu năm 2016 cho thấy số chi đã vượt quỹ khám chữa bệnh 3.404 tỷ đồng. Với tốc độ chi như vậy, từ năm 2017, Quỹ Bảo hiểm Y tế bắt đầu bội chi hàng năm và phải dùng quỹ dự phòng để bù đắp.

Dự báo đối với năm 2017 là quỹ dự phòng phải bù 14.464 tỷ đồng, năm 2018 phải bù 16.736 tỷ đồng, năm 2019 phải bù 18.354 tỷ đồng. Cuối năm 2019, quỹ dự phòng sẽ hết và âm 144 tỷ đồng.

Theo con số của cơ quan BHXH, ước tính đến hết tháng 6/2016, có hơn 12,5 triệu người tham gia BHXH.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một chuyên gia kinh tế ở Việt Nam, nói với VOA về tác động trên bình diện rộng nếu việc vỡ quỹ hưu trí xảy ra:

“Nó sẽ có một tác động vô cùng kinh khủng đối với xã hội và cũng có thể gây ra những hậu quả hết sức khó lường. Đến 2047 mà quỹ âm đến trên nửa triệu tỷ đồng, đấy thực sự là một tai họa. Đấy là một hệ quả dễ nhìn thấy, dễ tiên đoán của một hệ thống an sinh xã hội đã hết sức lạc hậu của Việt Nam”.

Một phần đáng kể trong những người đóng BHXH là cán bộ, nhân viên của các lực lượng an ninh, quốc phòng. Theo luật, họ được hưởng những ưu đãi như được nghỉ hưu sớm hơn 5 năm so với các ngành nghề khác và hệ số lương hưu cao.

Trong quá khứ, một số sĩ quan đã phát biểu mang tính khuyên răn rằng những người trong hệ thống nhà nước cần trung thành, bảo vệ chế độ để “bảo vệ sổ hưu” hay “còn Đảng còn mình”.

Lâu nay đã có những phàn nàn của một số chuyên gia và nhiều người trong công chúng rằng những ưu đãi hưu bổng dành cho các nhân sự của các lực lượng đó là một phần gây mất cân đối quỹ.

Liệu việc vỡ quỹ hưu sẽ ảnh hưởng như thế nào đến lực lượng “còn Đảng còn mình” cũng như chế độ cầm quyền? Tiến sĩ Quang A, người cũng là nhà hoạt động dân chủ tích cực, đưa ra nhận định:

“Tôi nghĩ rằng chưa cần đến lúc nó vỡ quỹ, có thể là chế độ đã sụp đổ từ lâu rồi. Chỉ cần một lượng mấy trăm ngàn người [mất lương hưu] thôi thì đã có thể bục ra sự xáo động xã hội. Chuyện đấy chưa cần phải đến cái lúc hoàn toàn vỡ quỹ cho đến 2047”.

Theo cách nhìn của vị tiến sĩ, nguyên nhân lớn hơn làm cho chế độ đứng trước nguy cơ sụp đổ là họ đã “vay vô cùng nhiều” và “chi tiêu bừa bãi, không hiệu quả”. Ông cho rằng tương lai nhà nước bị vỡ nợ là “không xa lắm”.

Khi xuất hiện thông tin các quỹ của BHXH sẽ bị âm trong vài chục năm nữa, trên mạng XH, một số người nêu ra khả năng nhà nước sẽ tính đến các biện pháp cứu vãn như tăng thu qua các hình thức thuế, phí khác hoặc kéo dài độ tuổi làm việc. Về khả năng này, Tiến sĩ Quang A, có ý kiến:

“Họ có thể vá víu bằng những kiểu thí dụ là dâng tỉ lệ đóng góp lên rồi bắt càng nhiều người đóng bảo hiểm, thì nó sẽ kéo dài thêm được một chút cái sự vỡ quỹ đó. Nhưng mà về cơ bản đây là một hệ quả dễ tiên đoán của một hệ thống an sinh xã hội lạc hậu”.

Hồi giữa năm 2016, một cán bộ của cơ quan BHXH nói số người tham gia BHXH đã tăng thêm khoảng 220.000 người so với năm 2015, tuy nhiên tốc độ tăng như vậy vẫn bị xem là “chậm” và “còn thấp so với yêu cầu đặt ra”.

http://www.voatiengviet.com/a/vo-quy-huu-de-doa-den-che-do/3709501.html

 

Mùa xuân qua làng chài biển chết

Làng chài Lăng Cô nằm ở phía Bắc chân đèo Hải Vân, nơi có bề dày gần ba trăm tuổi với nghề chài lưới và lặn hải sản. Đây từng là một làng chài thịnh vượng, có khả năng cung cấp nguồn cá tốt nhất và ngon nổi tiếng miền Trung. Nhưng chỉ trong vòng chưa đầy một năm, sau sự cố Formosa xả độc ra biển miền Trung, làng chài Lăng Cô-Thừa Thiên Huế có nguy cơ đi vào quên lãng bởi mọi hoạt động đánh bắt bị đình trệ, ngư dân bỏ lưới và mất sinh kế.

Ông Tí, ngư dân trẻ làng chài Lăng Cô-Thừa Thiên Huế, chia sẻ: “Nếu chưa xảy ra sự cố môi trường biển thì như tháng này mình làm sắm Tết trong nhà đầy đủ, không dư nhưng cũng không thiếu. Không đi biển thì mình đi lưới, chài ở đầm. Nhưng từ lúc bị sự cố môi trường biển, làm ăn khó khăn hơn mấy năm. Như mấy năm trước thì giờ mấy anh em đi biển, đi chài hết chứ có đâu ở nhà thế này đâu, thành ra khó đủ thứ.”

Một ngư dân tên Tuấn ngậm ngùi: “Như hồi chưa có sự cố môi trường biển thì mấy tháng Tết này chúng tôi lặn về bán được cả mấy chục triệu nhưng giờ ngồi không, không có gì hết trơn luôn.”

Ông Thu, một ngư dân khác ở làng chài Lăng Cô, cho biết: “Tết thì giờ không được như ngày xưa. Bởi làm có được đâu mà có gì ăn Tết hay ăn Tết cho vui vẻ được…”

Xuân về Tết đến cũng là mùa đánh bắt khởi niên của làng chài Lăng Cô, nhưng các thợ lặn tôm sú, tôm hùm ở Lăng Cô không hề có động tịnh nào. Khác với nhiều năm trước đây, vào Mồng Hai Tết, cả làng chài sẽ làm lễ khai trương năm đánh bắt bằng cách đưa tàu thuyền ra khơi để lặn tôm hùm, tôm sú và đánh bắt cá. Nhưng từ khi biển bị nhiễm độc đến nay, dường như nguồn hải sản bị cạn kiệt và cái chết vì biển độc của một số thợ lặn ở Hà Tĩnh đã khiến cho các thợ lặn làng chài Lăng Cô cảm thấy lo sợ, không dám xuống nước. Công việc ngưng trệ kéo theo hàng trăm hệ lụy. Tết về, đời sống ngư dân trở nên eo hẹp và ngột ngạt. Mặc dù mọi hoạt động đón Tết vẫn phải diễn ra, nhưng dường như phía sau những hoạt động đón Tết của các gia đình ngư dân là một sự trống rỗng, tuyệt vọng, khó diễn tả thành lời. Bởi thêm một năm bất an và vô định đối với nghề biển đang chờ phía trước.

Ông Tuấn, ngư dân làng chài Lăng Cô-Thừa Thiên Huế, tiếp lời: “Như cá mình nuôi giờ cũng chết, cứ nuôi là chết, lồng cá vứt hết, tiền đâu mà bù nổi, vốn đâu? Nhà nước bồi thường nếu phát được một lần thì người dân còn có thể dùng để sắm gì đó mà đổi nghề chài, nhưng đằng này họ chia làm mấy đợt, có sắm được gì đâu, mỗi lần phát còn không đủ để ăn thì lấy gì mà, không đủ ăn trước trả sau…”

Dường như các khoản tiền bồi thường nhỏ nhoi, có tính nhỏ giọt bởi chia ra quá nhiều đợt từ phía Formosa và chính phủ Việt Nam đối với ngư dân làng chài Lăng Cô nói riêng, và các làng chài Bắc miền Trung nói chung, không những không giúp ổn định kinh tế mà còn đặt lên vai ngư dân một gánh nặng trong tương lai, khi mà tiền đền bù của Formosa chẳng thấm vào đâu, nghề chài lưới lại tiếp tục khủng hoảng và kinh tế miền Trung cũng khủng hoảng dây chuyền. Tết về trên làng chài Lăng Cô như một dấu lặng, buồn và ảm đạm.

http://www.voatiengviet.com/a/mua-xuan-qua-lang-chai-bien-chet/3708629.html

 

LM Phan Văn Lợi bị chặn trên đường đi lễ

Một linh mục ở Việt Nam đã bị những người bị nghi là nhân viên an ninh chặn không cho đi dâng lễ nhà thờ vào dịp đầu năm âm lịch.

Linh mục Phan Văn Lợi đã bị hai người, mà ông nói là nhân viên an ninh tỉnh Thừa Thiên Huế, mặc thường phục chặn đường không cho ông đi dự thánh lễ tại giáo xứ Tây Linh, sáng ngày 2/2, tức ngày mùng 6 Tết.

Linh mục Phan Văn Lợi cho VOA biết hai thanh niên mặc thường phục mà ông tin chắc họ là nhân viên an ninh đã vi phạm quyền tự do đi lại của ông như sau:

“Vừa mới ra khỏi cổng nhà thì có hai người mặc thường phục, xông tới và đẩy tôi lui. Tôi biết rằng đây là công an vì trước đây họ lãng vãng trước nhà của tôi rồi. Tên đó là một tên to xác như tôi đã đưa lên video đó, cứ đẩy tôi lui. Tôi nói gì thì nói, hai người đó vẫn cứ đẩy tôi lui, xô tôi lui.”

Trên Facebook có phổ biến một đoạn video quay cảnh hai người mặc thường phục xô đẩy Linh mục Phan Văn Lợi một cách thô bạo.

Linh mục Phan Văn Lợi yêu cầu họ rằng nếu chính quyền muốn ngăn chặn việc đi lại của ông thì phải có lệnh chính thức của tòa án, nhân viên thi hành lệnh của chính quyền khi tiếp xúc với người dân phải mặc sắc phục, và phải trình giấy tờ. Linh mục Phan Văn Lợi nói rằng hai thanh niên vẫn hung hăng liên tục xô đẩy ông. Vị linh mục 66 tuổi đành phải lui vào nhà.

Là người tham gia tranh đấu cho tự do tôn giáo và dân chủ, nhân quyền từ năm 2001, ông thường xuyên lên tiếng về các vấn đề của đất nước, và tố cáo những sai lầm của chính quyền. Ông không bị quản chế, nhưng ông nói rằng chính quyền luôn cho người canh giữ ông từ 2001 đến 2004.

Linh mục Phan Văn Lợi giải thích rằng việc ông đấu tranh giành công lý cho Đan viện Thiên An có thể là lý do khiến chính quyền ngăn cản việc ông ra khỏi nhà:

“Cách đây 2 tháng các thầy ở dòng Thiên An có mời tôi lên nói chuyện về tình hình đất nước và giáo hội. Và tôi là một trong những người lên tiếng bênh vực dòng Thiên An. Cho nên nhà cầm quyền biết rằng tôi và dòng Thiên An có mối liên hệ rất chặt chẽ. Tôi từng đưa các tài liệu, kháng thư của dòng Thiên An lên mạng. Sau cái vụ đó thì công an gia tăng canh gác.”

Theo Linh mục Lợi, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế luôn tìm cách chiếm đoạt đất đai của Đan viện Thiên An. Đan viện Thiên An có 107 hecta đất mua từ 1940, sau năm 1975 thì bị chính quyền chiếm đoạt phần lớn để xây khu vui chơi giải trí. Vài tháng gần đây chính quyền yêu cầu Đan viện Thiên An xác nhận phần đất đang sử dụng, khoảng 7-8 hecta. Linh mục Lợi nói rằng nhà nước có ý định chiếm khoảng hơn 90 hecta của Đan viện.

Theo tin từ trang Tin mừng cho người nghèo, gần 200 công an, dân phòng, Hội phụ nữ của xã, huyện, tỉnh gây khó khăn, đánh đập một số tu sĩ của Đan viện Thiên An, tỉnh Thừa Thiên Huế, vào chiều ngày 02/01/2016. Khi đó, nhiều tu sĩ bị đạp vào mặt và lăng mạ vì chính quyền cho rằng họ đã chặt cây thông trái phép.

Linh mục Phan Văn Lợi cho biết thêm lý do khác khiến chính quyền không muốn cho ông ra khỏi nhà là ngăn cách việc tiếp xúc giữa ông với các linh mục bất đồng chính kiến khác như Linh mục Nguyễn Văn Lý và Linh mục Nguyễn Hữu Giải, dù họ ở rất gần tư gia của ông:

“Linh mục Nguyễn Văn Lý, người bạn của tôi đã ở tù về, hiện đang ở tòa Tổng Giám mục Huế. Người bạn thứ hai là Linh mục Nguyễn Hữu Giải, đã về hưu cũng đang ở tòa Tổng Giám mục Huế. Nhà của tôi cách Tòa Tổng Giám mục Huế khoảng 500m, cho nên họ không muốn chúng tôi gặp nhau. Bởi vì họ nghĩ rằng nếu chúng tôi gặp nhau sẽ bàn chuyện gì đó về tranh đấu. Lý do nữa là tôi là thành viên của Hội đồng Liên tôn quốc nội, Hội Cựu Tù nhân Lương tâm. Tôi đã từng lên tiếng mạnh mẽ về các vấn đề của đất nước, nhất là vụ Formosa.”

Linh mục Phan Văn Lợi tin chắc rằng chính quyền sẽ tiếp tục tìm cách ngăn chặn ông không cho ra ngoài trong thời gian tới:

“Chắc chắn rằng từ đây về sau, không biết đến khi nào, công an sẽ còn giữ tôi, không cho tôi ra khỏi nhà, dù là đi làm các công việc bình thường của một linh mục.”

Nhiều ngày liền vào tháng 11, 2016, có một số người lạ mặt, mà Linh mục Lợi cho rằng là người của chính quyền, đã tụ tập xung quanh nhà, ngăn chặn ông đi dự thánh lễ, thậm chí ném đá và chất bẩn vào nhà ông làm hư hỏng tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân xung quanh.

Vị linh mục, đồng thời là thành viên của Hội đồng Liên tôn cho biết trong nhiều năm qua, nhà riêng của ông luôn trong tình trạng bị canh gác, chốt chặn. Ông nói rằng những hành động sách nhiễu này vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo và tự do đi lại của công dân.

http://www.voatiengviet.com/a/linh-muc-phan-van-loi-bi-chan-khong-cho-di-lam-le/3708244.html

 

EU, Mỹ lên tiếng việc Việt Nam bắt giới hoạt động

Việc nhà chức trách Việt Nam bắt giữ một số nhà hoạt động trong nửa cuối tháng 1 đã làm các phái bộ ngoại giao của EU và Mỹ “quan ngại”. Họ đã nhanh chóng lên tiếng vào thời điểm cuối tháng 1, trùng với những ngày nghỉ Tết kéo dài ở Việt Nam, khi báo chí và người dân dường như chú ý nhiều hơn đến các thông tin về Tết.

Hai nhà hoạt động vì nhân quyền là bà Trần Thị Nga và ông Phan Văn Phong bị bắt giữ ngày 21/1 ở Hà Nam với cáo buộc “tuyên truyền chống phá nhà nước”. Hai ngày trước đó, một nhà hoạt động nhân quyền khác là ông Nguyễn Văn Oai bị bắt giữ tại tỉnh Nghệ An với cáo buộc “chống lại người thi hành công vụ” và vi phạm thời hạn án treo.

Trong thông điệp đăng hôm 26/1 trên trang Facebook của Phái đoàn Liên hiệp châu Âu ở Việt Nam, Đại sứ Bruno Angelet kêu gọi rằng “Sự an toàn của những nhà bảo vệ nhân quyền cùng với quyền được thể hiện chính kiến một cách tự do, ôn hòa mà không bị đe dọa hay cản trở cần phải được bảo đảm”. Vị trưởng đại diện phái đoàn nhấn mạnh đây là “một trong những cam kết quốc tế và trong nước của Việt Nam về nhân quyền”.

Đại sứ của Liên hiệp châu Âu cũng kêu gọi chính quyền Việt Nam “đảm bảo quyền lợi của bà Trần Thị Nga, ông Phan Văn Phong và ông Nguyễn Văn Oai được tôn trọng”. Thông điệp của đại sứ nhắc lại rằng “Ủng hộ các nhà bảo vệ nhân quyền là một nội dung lâu đời trong chính sách của Liên hiệp châu Âu về nhân quyền”.

Từ Việt Nam, ông Vũ Quốc Ngữ, Tổng giám đốc của Người Bảo vệ Nhân quyền, nói với VOA hôm 6/2 ông đánh giá cao tuyên bố của EU:

“Tôi cũng thấy mừng là bên EU họ cũng ra một tuyên bố để phản đối việc bắt giữ chị Nga và anh Nguyễn Văn Oai. Tôi cũng trông đợi phản ứng này của EU từ lâu rồi. Đấy là một tín hiệu ủng hộ của Liên minh châu Âu đối với hoạt động nhân quyền ở Việt Nam. Thường là những người bị bắt vì cáo buộc về an ninh quốc gia là do họ thực hiện những quyền tự do ngôn luận và bày tỏ chính kiến, chứ họ cũng không phải những người thực sự gây hại cho an ninh quốc gia Việt Nam”.

Chỉ 3 ngày trước khi phái bộ EU công bố thông điệp của Đại sứ Bruno Angelet, hôm 23/1, Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội đã gửi VOA hồi đáp của họ khi được hỏi về vụ bắt giữ bà Nga.

Đại sứ quán Mỹ nói họ “quan ngại sâu sắc về việc bắt giữ bà Trần Thị Nga tại Hà Nam” và “Hoa Kỳ kêu gọi Việt Nam thả bà Nga và tất cả tù nhân lương tâm khác, và cho phép tất cả cá nhân tại Việt Nam tự do thể hiện quan điểm chính trị của mình trên mạng và ngoài đời mà không lo sợ bị trừng phạt”.

Email của Đại sứ quán Mỹ gửi VOA cũng nhắc lại là họ “đã liên tiếp kêu gọi chính quyền Việt Nam bảo vệ quyền tự do hội họp một cách ôn hòa, quyền lập hội đoàn, quyền tự do biểu đạt và quyền tự do tôn giáo đã được quy định trong Hiến pháp 2013 và các nghĩa vụ quốc tế về nhân quyền của Việt Nam”.

Việc nhà chức trách bắt những người đấu tranh gần dịp Tết, khi các gia đình quây quần, đoàn tụ đã dẫn đến những chỉ trích gay gắt trên mạng xã hội từ nhiều nhà hoạt động thúc đẩy dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Họ gọi đó là hành động “độc ác”, “vô nhân đạo”.

http://www.voatiengviet.com/a/eu-my-len-tieng-ve-viec-viet-nam-bat-cac-nha-hoat-dong/3708121.html

 

Báo điện tử PetroTimes vừa xuất bản trở lại

Báo điện tử Năng lượng mới (PetroTimes) vừa được xuất bản trở lại sau khi bị Bộ Thông tin -Truyền thông đình bản ba tháng vì “sai phạm có tính hệ thống”.

Hồi đầu tháng 10/2016, tờ báo này nhận quyết định đình bản và Tổng biên tập Nguyễn Như Phong bị cách chức, thu hồi thẻ nhà báo.

Quyết định số 1701/QĐ-BTTTT do Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn ký, viết “đình bản tạm thời Báo điện tử PetroTimes trong thời hạn ba tháng vì Báo đã để xảy ra những sai phạm trong hoạt động báo chí, bị cơ quan chủ quản đề nghị tạm dừng hoạt động.”

Cơ quan chủ quản của PetroTimes là Hội Dầu khí Việt Nam.

Bố cáo của PetroTimes viết: “Đúng 11 giờ 11 phút ngày 6 tháng 2 năm 2017 tức ngày 10 tháng Giêng năm Đinh Dậu, báo điện tử PetroTimes.vn đã xuất bản trở lại phục vụ bạn đọc theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Thông tin -Truyền thông”.

Báo này cam kết “nguyện bám sát tôn chỉ mục đích và sự lãnh đạo chỉ đạo của các cơ quan quản lý Nhà nước, của Hội Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cùng với những ý kiến đóng góp xây dựng của bạn đọc”.

Hiện nay PetroTimes vẫn đang trống chức danh Tổng biên tập và chỉ có Phó tổng biên tập phụ trách là ông Nguyễn Tiến Dũng và một Phó tổng biên tập khác là ông Phạm Thuận Thiên.

Sai phạm ‘mang tính hệ thống’

Tuy quyết định kỷ luật của Bộ trưởng Trương Minh Tuấn không nói lý do, nhưng sau đó khi trả lời báo chí trong một cuộc họp báo của Chính phủ tháng 10/2016, ông Tuấn cho biết tờ PetroTimes có nhiều vi phạm “mang tính hệ thống”.

Một thí dụ vi phạm tiêu biểu là việc đăng lại bài phỏng vấn về Trịnh Xuân Thanh, cựu cán bộ cao cấp Bộ Công thương hiện đang bị truy nã, với blogger Người Buôn Gió (Bùi Thanh Hiếu).

PetroTimes hôm 30/9/2016 đã trích đăng lại một phỏng vấn với ông Hiếu tỏ ý bênh vực ông Trịnh Xuân Thanh, dựa theo bản gốc phỏng vấn của một trang web đặt tại Đức.

Bài báo ngay sau đó đã bị xóa. Tuy nhiên, việc làm của PetroTimes bị cho là “gây nhiễu loạn thông tin, gây cản trở cuộc đấu tranh chống tham nhũng, hoang mang dư luận, gây bất lợi cho cơ quan thực thi pháp luật”.

Thí dụ khác cho vi phạm của PetroTimes là vụ án Năm Cam, vốn được coi là thành tích lớn của cơ quan công an nhưng báo này đã đăng nhiều bài bị mô tả là “lật lại vụ án”.

PetroTimes cũng bị nói đã đăng nhiều thông tin “giật gân câu khách, không chính xác”, như về đại biểu Quốc hội Đặng Thành Tâm hay về Trung Quốc lấy nội tạng tử tù…

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-38895836

 

Bùi Thị Minh Hằng và Đoàn Huy Chương sắp ra tù

Tại Việt Nam, hai blogger, nhà hoạt động sắp mãn hạn tù những ngày tới: Bùi Thị Minh Hằng (hôm 11/2) và Đoàn Huy Chương (hôm 13/2).

Tháng 8/2014, bà Bùi Thị Minh Hằng, một blogger hay tham gia nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc, bị tòa án tỉnh Đồng Tháp kết án ba năm tù giam về tội Gây rối trật tự công cộng, bị truy tố theo Điều 245, Bộ Luật hình sự.

Thời điểm ấy, Đại sứ quán Hoa Kỳ phát đi tuyên bố nói họ “quan ngại sâu sắc”.

“Việc các cơ quan chức năng Việt Nam sử dụng các điều luật về trật tự công cộng để bỏ tù những người chỉ trích chính phủ vì họ bày tỏ quan điểm chính trị một cách ôn hòa là điều đáng báo động.”

Tháng 10/2010, ông Đoàn Huy Chương, một trong ba thành viên sáng lập Phong trào Lao Động Việt, bị Tòa án tỉnh Trà Vinh tuyên án 7 năm tù giam vì tội Phá rối an ninh trật tự nhằm chống lại chính quyền nhân dân’ theo Điều 89 Bộ Luật Hình sự.

Hôm 7/2, trả lời BBC từ Trà Vinh, bà Chiêm Thị Tường Mạnh, vợ ông Chương, nói: “Tôi đang ngóng đến sáng sớm 13/2 sẽ đón chồng tại nhà tù Xuân Lộc, Đồng Nai.”

“Bảy năm dài đằng đẵng vậy là cũng sắp trôi qua.”

“Tôi luôn mong chờ ngày chồng ra tù để phụ nuôi hai đứa con hiện đang phải gửi nhờ ông bà ngoại ở quê.”

Bà Mạnh cũng cho biết thêm: “Trong bảy năm chồng tôi đi tù, dù thu nhập của một công nhân may ở TP Hồ Chí Minh chỉ khoảng 4 triệu đồng, nhưng tôi vẫn đều đặn đi thăm nuôi chồng hàng tháng.”

“Lần đi thăm chồng mới nhất là hôm 26/1 (tức 29 Tết)”.

“Tôi còn nhớ chồng tôi bị bắt cũng hôm 29 Tết năm 2010 khi đang phụ gia đình gói bánh tét ở nhà.”

“Về con đường chồng tôi đã chọn thì tôi chỉ biết tôn trọng chứ không biết khuyên anh ấy thế nào.”

Nhà hoạt động công đoàn được thả

Mỹ phản đối án tù ở Đồng Tháp

Trên trang Facebook cá nhân, anh Trần Bùi Trung, con bà Bùi Thị Minh Hằng, đang đếm ngược ngày về của mẹ mình.

Hôm 7/2, cựu tù nhân chính trị Nguyễn Bắc Truyển nói với BBC: “Tôi và một số người khác sẽ đi đón bà Hằng tại nhà tù Gia Trung, Gia Lai hôm 11/2 tới.”

“Tôi đặc biệt vui mừng trước tin bà Hằng sắp ra tù vì án của bà ấy có liên quan đến tôi.”

“Bà Hằng cùng hai người khác bị kết án do ngày 11/2/2014 đi thăm gia đình tôi trong lúc tôi đang bị áp giải”.

“Xuất thân là một người làm kinh doanh, bà Hằng đã đi vào con đường đấu tranh cho nhân quyền.”

“Tôi nể trọng bà ấy vì tính cách bộc trực và luôn thương yêu người khác.”

Hiện trên mạng xã hội, một số nhà hoạt động đang có những lời kêu gọi đi đón bà Bùi Thị Minh Hằng và ông Đoàn Huy Chương cũng như trợ giúp họ ổn định cuộc sống sau khi ra tù.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-38878722

 

Bộ Công thương khẳng định

làm đúng pháp luật vụ Vũ Huy Hoàng

Bộ Công thương Việt Nam hôm nay khẳng định Bộ làm đúng pháp luật khi trình lên chính phủ một văn bản có chữ ký của nguyên Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, người đang bị kỷ luật về những sai phạm trong quá trình công tác tại Bộ.

Văn bản đệ trình là dự thảo nghị định về hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại được ông Vũ Huy Hoàng ký vào ngày 14 tháng 12 năm 2015 khi còn đương chức. Văn bản được đề trình tại cuộc họp chính phủ vào ngày 3 tháng 2 vừa qua.

Bộ Công thương cho biết dự thảo này được thực hiện theo chương trình công tác của chính phủ vào năm 2015. Bộ Công thương chủ trì và phối hợp với các bộ ngành có liên quan để xây dựng dự thảo nghị định. Bộ Công thương cho biết bên cạnh dự thảo ký vào năm 2015, Bộ cũng đã bổ sung thêm một báo cáo riêng được đóng dấu treo để giải trình về các nội dung có liên quan. Bộ Công thương khẳng định toàn bộ quá trình thực hiện là đúng pháp luật và đương kim Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng đã có văn bản báo cáo về dự thảo nghị định và báo cáo tại phiên họp thường kỳ vào tháng 1 năm 2017.

Một số ý kiến trước đó cho rằng Bộ Công thương đã hơi cẩu thả trong việc trình văn bản có chữ ký của ông Vũ Huy Hoàng lên chính phủ vì ông Hoàng đã bị cách chức và bị xóa tư cách nguyên Bộ trưởng.

http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/ministry-of-trade-talk-ab-submit-document-signed-b-discipline-former-minister-02072017085719.html