Tin Việt Nam – 07/01/2021
Việc lên tiếng, viết bài chống bất công khiến ông Nguyễn Tường Thụy bị án tù 11 năm
Vào ngày 5 tháng 1 năm 2021, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) trong phiên tòa sơ thẩm, đã tuyên 3 lãnh đạo Hội Nhà báo độc lập tổng cộng 37 năm tù, trong đó có 1 blogger của Đài Á Châu Tự Do là ông Nguyễn Tường Thụy.
Nhà báo – Blogger Nguyễn Tường Thụy, người từng có nhiều bài cộng tác cho Ban Việt Ngữ- Đài Á Châu Tự Do. Ông chỉ dùng ngòi bút của mình để lên tiếng cho công lý, công bằng xã hội, nhưng lại bị chính quyền kết án tù.
Vào năm 2014, nhân Ngày Tự Do Báo Chí Thế Giới, ông Nguyễn Tường Thụy đã từng đến Mỹ để tham dự một buổi điều trần về tình hình tự do báo chí ở Việt Nam tại Hạ viện Hoa Kỳ. Trả lời RFA khi đó, Nhà báo – Blogger Nguyễn Tường Thụy, nói:
“Tôi là Nguyễn Tường Thụy, đến từ Hà Nội, là người viết báo tự do và là một blogger. Vấn đề tôi quan tâm là vai trò của báo mạng trong quá trình thúc đẩy sự phát triển của xã hội hiện nay. Ở Việt Nam quyền tự do báo chí rất hạn chế, ở Việt Nam chỉ thừa nhận báo chí nhà nước do một Bộ Văn hóa Thông tin và Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương quản lý và chỉ đạo thống nhất.”
Trên trang Blog của RFA, ông Thụy từng có nhiều bài viết lên tiếng cho những người phải chịu sự đối xử bất công của chính quyền cộng sản Việt Nam. Đơn cử như những bài viết về Tử tù Hồ Duy Hải, người đang phải chịu bàn án tử hình dù nhiều chuyên gia pháp luật cho là oan sai.
Theo ông Thụy, thi hành án đối với Hồ Duy Hải là giết một con người, trong khi tòa án không có một bằng chứng nào thuyết phục. Dấu vân tay của tử tù không trùng với bất cứ dấu vân tay nào thu được ở hiện trường; không chứng minh được Hải có thể có mặt ở hiện trường vào thời điểm ấy; vật chứng như dao, thớt mua ngoài chợ… Tất cả chỉ dựa vào lời nhận tội của Hồ Duy Hải, còn lời khai của Hải dưới áp lực nào thì tòa án không cần cần tính đến.
Lời khai của Hồ Duy Hải có thể làm căn cứ để tử hình Hải hay không? Ai cũng nghĩ đến việc Hải bị tra tấn, khủng bố tinh thần không chịu đựng nổi mà buộc phải khai. Qua nhiều vụ án oan cho thấy, nghi phạm không thể làm cách nào khác ngoài việc khai theo cán bộ điều tra mớm cung vì không chịu được tra tấn. – Nhà báo Nguyễn Tường Thụy phân tích.
Ông cũng có nhiều bài viết khác Phản bác Hội đồng thẩm phán vụ Tử tù Hồ Duy Hải.
Pháp luật Việt Nam như thế đó, chúng tôi sống rất bất an, họ có vào đánh người, giết người chúng tôi cũng chịu, kêu chẳng được.
-Nhà báo Nguyễn Tường Thụy
Bà Phạm Thị Lân, vợ ông Nguyễn Tường Thụy, khi trả lời RFA từ Sài Gòn hôm 6/1, nhớ lại:
“Về vụ án Hồ Duy Hải, anh Thụy rất thương và cảm thấy gia đình này bị oan, anh cũng có nhiều bài viết nhưng thực tế là quá bất lực. Còn kỷ niệm về anh thì nhiều lắm, ngay trước bữa cơm gia đình, anh thường xuyên nhắc nhở cả nhà, các con ăn bữa cơm này, thì hãy nghĩ đến những người cùng khổ.”
Với cách viết ôn hòa, thấu tình đạt lý, Nhà báo – Blogger Nguyễn Tường Thụy cũng có nhiều bài viết lên tiếng cho dân oan mất đất, hay nhân kỷ niệm ngày 30/4, ông cũng có bài phản bác các bài viết của dư luận viên với giọng điệu miệt thị, giễu cợt đồng bào trốn chạy cộng sản đợt 30/4/1975.
Ông nêu lý do cần chấm dứt chỉ trích nhằm vào đồng bào phải bỏ nước ra đi. Ông cho rằng, Việt Nam Cộng hòa là bên thua cuộc nhưng họ không có lỗi và càng không có tội… và có ý kiến cho rằng nên gọi là bên bỏ cuộc. Và điều quan trọng nhất là Việt Nam Cộng hòa không gây nên cuộc chiến này.
Theo ông, trong một cuộc chiến tranh, thua thắng có khi chỉ là nhất thời và tương đối. Bây giờ ý nghĩa của chiến thắng 30/4 như thế nào? Nhìn vào thực trạng đất nước 45 năm sau đã rất nhiều người ngộ ra. Vì vậy, bên thắng cuộc có gì mà tự hào, kiêu hãnh, càng không có lý do để sỉ nhục phía bên kia.
Bà Phạm Thị Lân nói tiếp:
“Tất cả những năm trước, vào dịp giao thừa thì không bao giờ ảnh ở nhà, mà đi thăm dân oan, đó là việc làm thực tế của ảnh, tôi sợ đêm hôm anh đi một mình nên tôi có đi theo, tôi thấy đó là việc làm của con người có lương tri. Nhà tôi khi anh chưa bị bắt thì họ luôn canh gác, cũng xảy ra va chạm, đến khi bị bắt rồi thì họ vẫn canh gác. Tôi thấy chính quyền này không có pháp luật gì cả.”
Nhà báo, blogger Nguyễn Tường Thuỵ. Courtesy of FB.
Nhà báo Nguyễn Tường Thụy sinh năm 1950 gia nhập Quân đội nhân dân Việt Nam năm 1970 và phục vụ trong đó 22 năm trước khi giải ngũ với cấp hàm Đại úy. Hơn mười năm qua, ông viết báo, viết blog và là chủ trang blog mang tên ông với gần 4 triệu lượt truy cập.
Chỉ vì lên tiếng trái với ý muốn của chính quyền, ông thường xuyên bị công an, an ninh sách nhiễu hăm dọa, thậm chí tấn công ông. Trả lời RFA vào năm 2013, sau khi bị công an tấn công nhà mình, ông nói:
“Pháp luật Việt Nam như thế đó, chúng tôi sống rất bất an, nếu tình trạng như ngày hôm qua xảy ra, hung hãn như ‘một bầy quĩ dữ’ như hôm qua xảy ra. Lúc nào cũng có những người muốn nhà chúng tôi đi để cướp tài sản. Bây giờ tôi chỉ còn cách đi nước ngoài ở thôi, chứ ở đây họ thích thì vào đập cửa. Hôm qua, họ phá bung hết các chốt cửa nhà tôi để vào. Khóa cửa thì họ phá cửa; nếu chắc chắn quá họ có thể sử dụng bộc phá để phá. Đó là chuyện của họ. Họ có vào đánh người, giết người chúng tôi cũng chịu, kêu chẳng được. Hôm qua tôi mất máy ảnh và vì chưa kiểm lại nhưng nếu mất tiền kêu cũng chẳng được, không ai giải quyết đâu.”
Cùng bị Tòa án nhân dân TPHCM kết án hôm 5/1 với ông Nguyễn Tường Thụy còn có Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo độc lập bị tuyên 15 năm tù, và Lê Hữu Minh Tuấn – Biên tập viên của Việt Nam Thời Báo bị mức án 11 năm tù giam như ông Thụy, với cáo buộc ‘làm, tàng trữ, phát tán thông tin, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam’.
Nhà hoạt động Trần Bang, một người bạn cùng hoạt động với ông Thụy và cũng là một người thân với gia đình ông, nói với RFA hôm 5/1:
“Phiên toà xử Hội nhà báo độc lập hôm 5 tháng 1 năm 2021 là phiên toà ô nhục của Toà án thành phố Hồ Chí Minh. Ông Phạm Chí Dũng, ông Nguyễn Tường Thụy và ông Lê Hữu Minh Tuấn là những người viết báo phản biện xã hội. Họ không vi phạm pháp luật nhà nước. Cộng sản Việt Nam đã truy tố các nhà báo công chính. Theo tôi, nhà cầm quyền cộng sản mới vi phạm pháp luật Việt Nam và vi phạm Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền mà cộng sản Việt Nam đã ký cam kết thực hiện… Đó là Điều 19 trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền.”
Bà Phạm Thị Lân, vợ ông Nguyễn Tường Thụy được tham dự phiên tòa với tư cách người làm chứng, kể lại với RFA những gì bà thấy trong phiên tòa:
“Trong phiên tòa tôi cũng là nhân chứng, người ta có hỏi tôi có biết việc làm của anh Thụy không, thì tôi bảo tôi không biết. Nhưng tham gia phiên tòa rồi tôi mới biết công lý ở Việt Nam rất là mù mờ. Qua phiên tòa tôi thấy việc làm của các anh ấy không có gì vi phạm pháp luật Việt Nam hết, đó là quyền tự do ngôn luận, quyền tự do lập hội, quyền tự do báo chí… mà Hiến pháp Việt Nam đã quy định. Hơn nữa họ nói vi phạm điều 117 tuyền thông tin tài liệu chống nhà nước, mà cáo trạng đọc lên thì tôi thấy nếu các anh làm điều đấy thì không có gì vi phạm pháp luật cả, mà làm những việc chính nghĩa của những người có lương tâm. Qua phiên tòa tôi thấy những việc làm của anh Thụy thì tôi rất tự hào, dù có phải chịu khổ tôi cũng sẽ cùng anh đi đến hết con đường.”
Việc nhà cầm quyền bắt những người như anh Thụy để bỏ vào tù với những bản án nặng nề là sự trả thù đối với những người dám nói lên sự thật, đấu tranh cho công lý, là người nói lên thao thức của mình trước sự mất còn của dân tộc, trước vận mệnh của đất nước.
-Nhà báo JB Nguyễn Hữu Vinh
Chủ tịch Đài Á Châu Tự Do, ông Stephen Yates, vào ngày 5 tháng 1 đã ra thông cáo lên án Tòa Thành phố Hồ Chí Minh tuyên 11 năm tù đối với ông Nguyễn Tường Thụy, một blogger từng có bài cộng tác cho Ban Việt Ngữ- Đài Á Châu Tự Do. Thông cáo nêu rõ: “Đài Á Châu Tự Do lên án việc kết tội đối với ông Nguyễn Tường Thụy và kêu gọi trả tự do ngay cho ông này. Việc tuyên án nặng nề ông Thụy và hai nhà báo độc lập khác là một sự tấn công trực diện vào các quyền tự do căn bản và nhắm thẳng vào quyền tự do biểu đạt được qui định trong hiến pháp Việt Nam.”
Trước đó vào ngày 23/5/2020, Đài Á Châu Tự Do cũng đã có thông cáo báo chí lên án vụ bắt giữ blogger Nguyễn Tường Thuỵ, gọi đây là một diễn biến đáng báo động nhằm bóp nghẹt tự do bày tỏ ý kiến. Tuy nhiên, theo thông cáo báo chí của RFA, điều này mặt khác lại củng cố thêm nhu cầu có được nền báo chí độc lập tại Việt Nam.
Nhà báo JB Nguyễn Hữu Vinh, một người bạn cùng hoạt động lâu năm với blogger Nguyễn Tường Thuỵ, nhận xét về anh với RFA hôm 5/1:
“Tôi và anh Nguyễn Tường Thụy biết nhau đã lâu, từ những cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược, hồi năm 2011. Và sau đó là các hoạt động chung như biểu tình về chủ quyền biển đảo, chống chặt cây xanh và những hoạt động giúp đỡ chỗ này chỗ kia. Tôi nhận xét anh Thụy là một người ôn hòa, thân thiện, rất nhiệt tình trong công việc chung đồng thời với bạn bè anh em thì rất thoải mái,
chí tình chí nghĩa… Anh là một người cất tiếng nói của mình cho công bằng xã hội trước những hiện tượng bất công. Tôi nghĩ anh Thụy là một người đáng kính trọng. Việc nhà cầm quyền bắt những người như anh Thụy để bỏ vào tù với những bản án nặng nề là sự trả thù đối với những người dám nói lên sự thật, đấu tranh cho công lý, là người nói lên thao thức của mình trước sự mất còn của dân tộc, trước vận mệnh của đất nước.”
Theo Nhà báo JB Nguyễn Hữu Vinh, việc nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam trả thù các nhà báo của Hội Nhà báo Độc lập, bằng những bản án nặng nề là sự trả thù rất là hèn hạ và chỉ làm lộ rõ thêm bộ mặt phản động của họ mà thôi.
Facebooker ở Đồng Nai bị phạt tù với cáo buộc nói xấu lãnh đạo huyện
Một Facebooker ở Đồng Nai vừa bị tuyên án 1 năm tù với cáo buộc đã live stream nói xấu hai cán bộ lãnh đạo huyện Trảng Bom.
Truyền thông Nhà nước Việt Nam cho biết Tòa án huyện Trảng Bom, vào ngày 7/1 mở phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Văn Nhanh, ngoài 20 tuổi, về tội “làm nhục người khác”.
Theo cáo trạng, anh Nguyễn Văn Nhanh bị cáo buộc là chủ tài khoản Facebook “Hồ Bàu Hàm” và blog “Người Bàu Hàm”. Anh đã sử dụng hai tài khoản này để live stream trong hai ngày 18/5 và 17/6 nhằm xúc phạm, miệt thị, chửi rủa Chủ tịch huyện Trảng Bom, bà Vũ Thị Minh Châu và Phó Chủ tịch huyện, bà Lương Thị Lan.
Tin cho biết hai Chủ tịch và Phó Chủ tịch huyện Trảng Bom đã tố cáo Nguyễn Văn Nhanh với công an, và xin vắng mặt tại phiên tòa.
Bị cáo Nguyễn Văn Nhanh khai báo việc live stream trên Facebook là do bức xúc vì hai cán bộ lãnh đạo của huyện Trảng Bom không làm tròn nhiệm vụ và giải quyết công việc liên quan đến quyền lợi về đất đai của một số hộ dân bị ảnh hưởng bởi công trình thủy lợi Hồ Suối Đầm, ở xã Bàu Hàm. Bị cáo Nguyễn Văn Nhanh khẳng định trước tòa rằng việc live stream không có ý xúc phạm 2 lãnh đạo của huyện Trảng Bom.
Hội đồng Xét xử được nói là đã bác yêu cầu hoãn phiên tòa của bị cáo Nguyễn Văn Nhanh và ra phán quyết 1 năm tù giam đối với bị cáo.
Báo giới Nhà nước Việt Nam, vào ngày 7/1, cũng loan tin về Facebooker Nguyễn Thị Ngọc Hồng bị Công an huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương phạt 7,5 triệu đồng vì đã đăng tải bài viết trên mạng xã hội có nội dung xúc phạm công an.
Vụ việc được cho biết xảy ra vào tối ngày 6/12/2020. Công an thị trấn Dầu Tiếng lập biên bản lỗi vi phạm giao thông xe của Nguyễn Thị Ngọc Hồng. Cô Hồng đã dùng điện thoại chụp hình công an tuần tra và đăng tải hình ảnh chụp được trên Facebook với nội dung than phiền ‘ăn cướp của dân”.
Công an tỉnh Bình Dương đã ra quyết định xử phạt hành vi của Facebooker Nguyễn Thị Ngọc Hồng số tiền 7,5 triệu đồng với lý do xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức trên mạng xã hội. Đồng thời buộc cô Hồng cam kết không được tái phạm.
Năm cựu cán bộ thành phố Phan Thiết bị bắt và khởi tố liên quan sai phạm đất đai
Năm cán bộ Văn phòng đăng ký đất đai và Chi cục thuế thành phố Phan Thiết đã bị bắt và bị khởi tố do sai phạm về quản lý đất đai.
Thông tin trên được Công an tỉnh Bình Thuận cho truyền thông Nhà nước hay vào ngày 7 tháng 1.
Cụ thể, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Thuận đã khởi tố 5 người và bắt tạm giam 3 người gồm Nguyễn Hữu Hoành, nguyên Phó giám đốc Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai TP Phan Thiết (ĐKĐĐPT); Trần Văn Đông và Nguyễn Ngọc Quang, cán bộ Chi cục thuế PT.
Riêng Nguyễn Ngọc Hải, nguyên Giám đốc văn phòng ĐKĐĐPT và Nguyễn Thị Hoàng Oanh, nhân viên chi nhánh VP ĐĐPT được cho tại ngoại.
Cả 5 người bị khởi tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong vụ án vi phạm các qui định về quản lý đất đai ở TP Phan Thiết trong thời gian từ 2016 đến cuối năm 2018.
Cũng liên quan đến sai phạm trong quản lý đất đai tại TP Phan Thiết, trước đó ngày 21/8/2020, Toà án Bình Thuận đã tuyên phạt 6 bị cáo nguyên là Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND TP Phan Thiết cùng các lãnh đạo, nhân viên các phòng chuyên môn khác tại thành phố này.
Trong đó, ông Đỗ Ngọc Điệp nguyên là Chủ tịch bị tuyên 24 tháng tù, cho hưởng án treo và Trần Hoàng Khôi, nguyên Phó chủ tịch bị tuyên 4 năm tù giam.
Hoãn phiên xử cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng và đồng phạm
Toà án Nhân dân TP Hà Nội hôm 7/1/2021 đã phải hoãn lại phiên xét xử sơ thẩm cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng và 9 người khác liên quan đến những sai phạm trong quản lý đất đai gây thất thoát hàng ngàn tỷ đồng do sự vắng mặt của một số những bị cáo và những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Truyền thông Nhà nước Việt Nam loan tin này ngày 7/1/2021.
Ông Vũ Huy Hoàng và các bị cáo bị cáo buộc “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí”, và “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”. Đây là vụ án xảy ra tại Bộ Công thương và thành phố Hồ Chí Minh, liên quan đến Dự án xây dựng khách sạn 6 sao trên khu đất hơn 6.000 m2 tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng, phường Bến Nghé, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.
Trong số các bị cáo hầu toà, chỉ có ông Vũ Huy Hoàng được tại ngoại. Theo truyền thông Nhà nước, ông Vũ Huy Hoàng cùng luật sư đã có mặt tại toà từ khoảng 8 giờ sáng.
Theo cáo trạng, ông Vũ Huy Hoàng, cựu Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa và ông Phan Chí Dũng – cựu Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ đã có ý kiến chỉ đạo cấp dưới thuộc Bộ Công thương và Tổng công ty cổ phần Bia- Rượu- Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) thành lập công ty liên doanh Sabeco Pearl. Đây là doanh nghiệp cùng với các doanh nghiệp tư nhân thực hiện đầu tư xây dựng khách sạn 6 sao, trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị, hội thảo, văn phòng cho thuê tại khu đất nói trên.
Tuy nhiên ông Hoàng chỉ thừa nhận trách nhiệm với vai trò người đứng đầu Bộ Công thương, và cho rằng trách nhiệm chính thuộc về bà Hồ Thị Kim Thoa, người đang bỏ trốn ra nước ngoài và bị truy nã.
Tại phiên toà ngày 7/1/2021, dù đã bị toà triệu tập, 3 bị cáo khác là ông Nguyễn Hữu Tín – cựu Phó chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh, Lê Văn Thanh – cựu Phó chánh Văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh và Nguyễn Thanh Chương – cựu Trưởng phòng Đô thị, Văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh, đã vắng mặt. Luật sư của ông Tín cho biết ông Tín vắng mặt vì lý do sức khoẻ nên xin được xử vắng mặt.
Ngoài ra, theo truyền thông Nhà Nước, còn có một số những người khác có quyền lợi nghĩa vụ liên quan cũng vắng mặt tại toà.
Do vậy, hội đồng xét xử xác định sự vắng mặt của các bị cáo và những người có liên quan ảnh hưởng tới quá trình xét xử nên quyết định hoãn phiên toà. Thời gian mở lại phiên toà hiện vẫn chưa được xác định.
Quảng Bình: Làm rõ việc ‘Thôn’ cử người nhận tiền từ Thủy Tiên, nhưng không phát cho dân
Hiểu Minh
Ông Lê Đình Hoản (thủ quỹ, thủ kho của thôn Lộc An) cho hay, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn và Nguyễn Thanh Tâm, nguyên trưởng thôn Lộc An đã nhận thay 12 phiếu nhận quà (mỗi phiếu 3 triệu) không ghi vào sổ quỹ của thôn trong đợt lũ lụt tháng 10/2020 vừa qua.
Theo Thanh Niên, một số người dân thôn Lộc An (xã An Thủy, H. Lệ Thủy, Quảng Bình) đã làm đơn phản ánh đến việc ông Nguyễn Thanh Xuất, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Lộc An và Nguyễn Thanh Tâm, nguyên trưởng thôn Lộc An đã phân chia hàng hóa trợ cấp lũ lụt không công bằng. Những người ở vùng bị lũ lụt lại không có, những người ở xa thì lại được chia đầy đủ, nhiều nguồn hỗ trợ không được nhập vào quỹ tiếp nhận của thôn…
Đáng nói, theo phản ánh, có nhiều gia đình không nhận được khoản hỗ trợ từ ca sĩ Thủy Tiên, mặc dù họ thuộc diện được hỗ trợ; và số tiền đó lại rơi vào… thôn.
Theo đơn của ông Lê Đình Hoản (thủ quỹ, thủ kho của thôn Lộc An), 12 hộ dân có phiếu nhận quà từ ca sĩ Thủy Tiên do Ủy ban MTTQ xã phát về nhưng những hộ đó không có mặt tại địa phương khi lũ đến. Vì thế, Ban Mặt trận thôn Lộc An đã họp và thống nhất cử người mang số phiếu này đi nhận thay về nhập vào quỹ thôn. Tổng cộng có 12 phiếu, mỗi phiếu được nhận 3 triệu đồng.
“Không biết ông Nguyễn Thanh Xuất, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn và Nguyễn Thanh Tâm, nguyên trưởng thôn Lộc An sử dụng vào mục đích gì mà không thấy thể hiện trên sổ quỹ tiền mặt của thôn. Bởi tại hội nghị bàn giao trưởng thôn giữa ông Nguyễn Thanh Tâm và ông Lê Đình Tám vào ngày 22/12/2020 vừa qua không thấy thể hiện số tiền trên”, ông Hoản cho biết thêm.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Thanh Tâm thừa nhận có sự việc trên và đã nhận “thay” đến 15 phiếu. Ông Tâm giải thích: “Khi lập danh sách thì có hộ không có mặt tại địa phương, có người qua đời, anh em họp xong rồi cử cán bộ mặt trận thôn đi nhận về chia lại cho dân. Có nghĩa là có những người chết rồi nhưng khi lập danh sách cử tri (trước đó, và dùng danh sách này để nhận hỗ trợ luôn-PV) thì quên xóa đi, họ qua đời rồi, giờ không thể đưa cho con họ được thì nói thôi cử mười mấy anh em lấy về rồi tái chia lại cho toàn dân. Tổng có 15 hộ, trong quá trình họp có 12 hộ nhưng khi phát cho dân thì phát hiện thêm 2 hộ không có mặt nữa”.
Khi PV thắc mắc tiếp, thì ông Tâm nói thêm: “Vì cứ nghĩ là lấy được thì lấy, không lấy được thì thôi, cũng không quan trọng. Nên nghĩ thôi cứ cầm đi, không được thì trả phiếu lại cho xã. Trước cứ nghĩ họ đọc tên mới phát chứ, Thủy Tiên phát đâu phải đơn giản như vậy. Nhưng có phiếu là họ phát. Mỗi suất 3 triệu, tổng được 45 triệu và về nhập quỹ ban cứu trợ tiếp nhận”.
Về việc số tiền 45 triệu đồng đó được tái chia lại cho những người nào thì ông Tâm cho biết là không thống kê được, vì nhập từ nhiều nguồn khác nhau rồi chia cho nhiều người?!
Trước sự việc trên, chủ tịch xã An Thuỷ cho biết đang làm rõ vụ việc.
Ngày 29/10/2020, ca sĩ Thủy Tiên đã đến xã An Thủy trao tiền hỗ trợ cho 2.700 hộ dân trên địa bàn xã; mỗi hộ 3 triệu đồng.
Trước một ngày 28/10, ca sĩ Thủy Tiên về xã Cảnh Hóa, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) trao quà ủng hộ cho thôn Ngọa Cương, xã Cảnh Hóa, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) 6 triệu đồng. Nhưng đoàn từ thiện vừa đi khỏi thì ban cán sự thôn đã thu lại toàn bộ số tiền hơn 400 triệu đồng, tuy nhiên sau đó thôn đã phải trả lại vì vấp phải phản ứng từ dư luận cả nước.
Bộ Giao thông – Vận tải đề nghị công an can thiệp tại BOT Ninh Xuân
Bộ Giao thông – Vận tải Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ Công an và Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa về tình trạng được nói là mất an ninh trật tự tại trạm thu phí Ninh Xuân tại thị xã Ninh Hòa và đề nghị xử lý nghiêm những người bị cho là gây rối.
Truyền thông Nhà nước ngày 7/1 cho biết 2 trạm thu phí Ninh Xuân đặt trên tuyến Quốc lộ 26 tại hai tỉnh Khánh Hóa và Đắc Lắc vừa hoàn thành và đưa vào thu phí từ hôm 16/12/2019.
Bộ Giao thông – Vận tải cho biết từ khi bắt đầu thu phí, tình hình an ninh trật tự tại trạm BOT Ninh Xuân diễn biến phức tạp vì một số hoạt động phản đối, cản trở việc thu phí khiến việc thu phí bị gián đoạn liên tục.
Bộ Giao thông – Vận tải nói đã nhiều lần đề nghị tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo giải quyết tình hình này nhưng vẫn chưa có chuyển biến.
Một số vụ việc bị nêu danh như một số người bị nói đến gây sự, hành hung nhân viên trạm khiến bị đa chấn thương phải đưa đi cấp cứu; hay vụ xảy ra vào hôm 2/1 khi nhân viên thu phí bị đuổi đánh đến trước nhà điều hành sau đó bị đâm dao vào ngực dẫn đến thương tích nghiêm trọng và đang trong tình trạng nguy kịch.
Bộ Giao thông – Vận tải đề nghị Bộ Công an chủ trì, cùng công an địa phương tỉnh Khánh Hòa xem xét, xử lý những ai cố tình vi phạm cản trở giao thông (như quay đầu xe nhiều lần, cố tình dừng xe trước trạm rồi bỏ đi nơi khác) và thực hiện hành vi phá hoại thiết bị trạm thu phí.
Những người phản đối cho rằng có những bất hợp lý khi đặt trạm và thu phí tại những địa điểm vừa nêu ở địa phương.
Tập đoàn Yên Khánh kháng cáo vụ cao tốc TPHCM – Trung Lương
Tập đoàn Yên Khánh ngày 7/1 đã gửi đơn kháng cáo và đề nghị xác định lại chính xác doanh thu bị nói che giấu trong hoạt động thu phí cao tốc TPHCM -Trung Lương gây thất thoát lãng phí 725 tỷ đồng.
Truyền thông nhà nước Việt Nam loan tin tập đoàn Yên Khánh, đơn vị có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, kháng cáo một phần bản án sơ thẩm Toà án Nhân dân TPHCM tuyên ngày 22/12/2020 và khẳng định phán quyết của bản án đã ảnh hưởng đến quyền lợi, hoạt động tại doanh nghiệp.
Tập đoàn Yên Khánh đề nghị Toà án Nhân dân cấp cao tại TPHCM xử phúc thẩm xác định lại chính xác doanh thu bị che giấu trong hoạt động thu phí cao tốc TPHCM – Trung Lương cũng như quyền sở hữu hợp pháp đối với số tiền này.
Tập đoàn Yên Khánh đồng thời đề nghị toà phúc thẩm huỷ bỏ các lệnh phong toả đối với các tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của tập đoàn. Ông Đinh Ngọc Hệ, thường được biết đến với biệt danh Út Trọc, cựu Phó tổng giám đốc tổng công ty Thái Sơn thuộc Bộ Quốc phòng, người thành lập công ty Yên Khánh cũng kháng cáo bản án này.
Trước đó, Hội đồng Xét xử sơ thẩm vụ xác định doanh thu đường cao tốc TPHCM – Trung Lương bị che giấu là hơn 725 tỷ đồng. Theo kết luận của Hội đồng Xét xử đó là tài sản do Bộ Giao thông- Vận tải sở hữu nhưng bị các bị cáo chiếm đoạt. Để khắc phục thiệt hại, toà duy trì lệnh phong toả, kê biên đối với tài sản thuộc Yên Khánh.
Trong vụ này, toà tuyên phạt ông Đinh La Thăng, cựu Bộ trưởng Bộ GTVT, 10 năm tù về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí. Các cấp dưới gồm ông Nguyễn Hồng Trường, cựu thứ trưởng Bộ GTVT, 4 năm 6 tháng tù và các cựu lãnh đạo của bộ cùng với công ty Cửu Long từ 2-4 năm tù.
Riêng ông Đinh Ngọc Hệ bị cho là vai trò chủ mưu nên bị toà tuyên phạt tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, một số đồng phạm khác bị phạt từ hai năm án treo đến 10 năm tù.
Tập đoàn AES đồng ý bán vốn chủ sở hữu Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 2
Tập đoàn AES (Hoa Kỳ) đã ký thỏa thuận bán toàn bộ phần vốn chủ sở hữu tại Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 2 tại Việt Nam cho một liên doanh đứng đầu bởi một nhà đầu tư có trụ sở tại Hoa Kỳ. Tạp chí PowerTechnology đưa tin 5/1/2021.
Thoả thuận vừa nêu dự kiến sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022, tùy thuộc vào quá trình phê duyệt của Chính phủ Việt Nam và các đối tác thiểu số khác của nhà máy.
Tạp chí PowerTechnology dẫn lời ông Andrés Gluski, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành AES, cho biết: “AES có kinh nghiệm rất tích cực trong việc phát triển, xây dựng và sở hữu Mông Dương 2 và Việt Nam vẫn là thị trường tăng trưởng quan trọng đối với AES. Để phù hợp với chiến lược toàn cầu về đầu tư vào năng lượng tái tạo và cơ sở hạ tầng LNG tại Việt Nam, AES đang tiếp tục đạt được những bước tiến trong việc phát triển Dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ 450 TBTU với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Nhà máy điện tua bin khí chu trình hỗn hợp Sơn Mỹ 2 có tổng công suất 2,250 MW.”
AES sở hữu 51% vốn cổ phần tại Nhà máy Mông Dương 2, công ty Posco Energy sở hữu 30% và Stable Investment Corporation, một công ty con của China Investment Corporation, sở hữu 19% còn lại. Nhà máy Mông Dương 2 có công suất 1.242 MW được hoàn thành xây dựng vào năm 2015 theo theo hợp đồng Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao (BOT), với Hợp đồng Mua Bán Điện (PPA) 25 năm được ký với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), một công ty thuộc sở hữu nhà nước.
Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 2 có tổng mức đầu tư khoảng 2,1 tỷ USD, được đầu tư theo hình thức BOT và sẽ được chuyển giao cho Chính phủ Việt Nam sau 25 năm vận hành. Đây hiện là nhà máy Nhiệt điện BOT đầu tiên tại Việt Nam sử dụng công nghệ lò hơi đốt than phun.
Chủ đầu tư Dự án Nhiệt điện BOT Mông Dương 2, là một công ty TNHH được thành lập bởi Tập đoàn AES (Hoa Kỳ), Tập đoàn Posco Energy (Hàn Quốc) và Tập đoàn Đầu tư Trung Quốc (CIC). Nhà máy được vận hành thương mại từ năm 2015.
Từ ngày 17 tháng 4 năm 2020, Công ty chính thức được đổi tên từ Công ty TNHH Điện lực AES-TKV Mông Dương thành Công ty TNHH Điện lực AES Mông Dương.
VN ráo riết thảo luận với Mỹ nhằm gỡ nhãn ‘thao túng tiền tệ’
Hà Nội đã trao đổi qua điện thoại với phía Hoa Kỳ, nhằm “chủ động xử lý những vướng mắc quanh vấn đề chính sách tiền tệ và nguyên liệu gỗ”, Bộ Ngoại giao Việt Nam ra thông cáo hôm 6/1.
Tin cho hay Phó Thủ tướng, Ngoại trưởng Phạm Bình Minh đã điện đàm với Ngoại trưởng Mike Pompeo, liên quan tới việc Hà Nội đang bị Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) điều tra về các vấn đề trên.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và TT Trump trao đổi về ‘thao túng tiền tệ’
Chính quyền Donald Trump chính thức điều tra Việt Nam ‘thao túng tiền tệ’
Mỹ chính thức dán nhãn thao túng tiền tệ cho Việt Nam
“Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định các bộ, ngành Việt Nam sẽ tiếp tục chủ động hợp tác với các đối tác Mỹ, giải quyết một cách toàn diện các quan tâm của Hoa Kỳ và Việt Nam, qua đó duy trì quan hệ thương mại ổn định, hướng tới cán cân thương mại hài hòa, bền vững, cùng có lợi,” báo Tuổi Trẻ trích dẫn nội dung thông cáo nói.
Chủ đề ‘thao túng tiền tệ’ cũng được nhắc tới trong phiên họp sáng 7/1 của ngành công thương Việt Nam, theo đó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố “quyết tâm cùng Mỹ thực hiện kế hoạch chung hướng tới cán cân thương mại hài hoà và bền vững”.
Cuộc điện đàm cấp ngoại trưởng diễn ra sau khi người đứng đầu chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hôm 22/12 đã trao đổi cũng qua điện thoại với Tổng thống sắp mãn nhiệm Donald Trump.
Tin tức nói tới đêm muộn 7/1, giờ Việt Nam, phía Việt Nam sẽ tiếp tục liên lạc với Hoa Kỳ để thảo luận tình hình.
“Theo Thủ tướng, 22h hôm nay, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh sẽ điện đàm với Trưởng USTR để hiện thực hoá những điều mà lãnh đạo hai nước đã trao đổi trước đó, tiến đến ‘xoá bỏ vụ việc phức tạp này’,” trang tin VnExpress viết.
Trước đó, hôm 16/12, chính quyền ông Trump đã dán nhãn thao túng tiền tệ lên Việt Nam, cáo buộc Hà Nội can thiệp không thỏa đáng vào thị trường ngoại hối nhằm giành lợi thế trong hoạt động xuất khẩu.
Vì sao Việt Nam bị ‘dãn nhãn’ thao túng tiền tệ?
Để bị dán nhãn thao túng tiền tệ, các quốc gia ít nhất phải vi phạm ba tiêu chí. Đó là có thặng dư thương mại song phương hơn 20 tỷ đôla với Hoa Kỳ; can thiệp ngoại hối vượt quá 2% tổng sản phẩm quốc nội; và thặng dư tài khoản vãng lai toàn cầu vượt quá 2% GDP.
Việt Nam hiện được cho là can thiệp ngoại hối ở mức 5% GDP. Báo cáo ra hồi tháng 12/2020 của Bộ Tài chính Hoa Kỳ nói Việt Nam can thiệp ngoại hối một phần bằng cách hạ giá tiền đồng là nhằm đạt được lợi thế thương mại.
Về thặng dư thương mại với Hoa Kỳ, số liệu do chính phủ Việt Nam công bố nêu con số 58 tỷ đô la trong bốn quý, tính đến tháng 6/2020.
Tuy nhiên, IMF dự báo rằng thặng dư tài khoản vãng lai của Việt Nam sẽ giảm xuống dưới ngưỡng 2% GDP vào năm 2020.
Không phải lần đầu
Chính quyền ông Trump từng dán nhãn thao túng tiền tệ cho Trung Quốc hồi 2019, vào lúc cuộc thương chiến Mỹ-Trung đang căng thẳng đỉnh điểm.
Tuy nhiên, việc này đã bị xóa bỏ vào tháng 1/2020 sau “giai đoạn 1” đàm phán thương mại giữa ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Dẫu không còn bị coi là ‘quốc gia thao túng’ nhưng trong bản phúc trình 12/2020 của Bộ Tài chính Hoa Kỳ, Trung Quốc vẫn bị đưa vào danh sách các nước cần giám sát tiền tệ, bên cạnh chín nền kinh tế khác là Nhật Bản, Nam Hàn, Đức, Ý, Singapore, Malaysia, Đài Loan, Thái Lan và Ấn Độ.
Thủ phủ hồ tiêu tiêu điều ảm đạm
Tre
Đầu năm, đọc cái bài trên báo Việt Nam mà buồn lòng.
Báo điện tử Infonet chạy hàng tít ẩn: “Sững sờ ngày trở lại xã giàu nhất Đắc Nông ba năm trước”.
Tít hiện lên trang là tít khác, cụ thể và cay đắng hơn: “Xã giàu nhất nước, dân làng sắm 300 ô tô chạy chật đường, giờ hoang tàn ảm đạm”.
Tác giả đưa người đọc vào xã Nâm N’Giang, huyện Đăk Song, nơi được coi là thủ phủ của thủ phủ hồ tiêu Việt Nam-tỉnh Đắc Nông.
“Ba năm trước đây, Nâm N’ Giang được coi là một trong những xã giàu nhất khi có hàng trăm ngôi nhà tiền tỷ, 300 xe hơi, nhà nhà tậu ô tô phóng chật đường làng”.
Xe hơi ở Mỹ chỉ là một phương tiện giao thông thông thường, nghèo giàu gì cũng phải có nếu không muốn bị “chặt chân”, nhưng ở Việt Nam, phải có nhiều tiền mới có thể xài xe hơi. Đầu tiên là do các chính sách thuế và phí nên một chiếc xe hơi về Việt Nam có giá gấp 3 lần chiếc cùng loại ở nước ngoài. Ở các thành phố lớn, diện tích đất ở chật hẹp cùng với chính sách không khuyến khích sở hữu xe hơi cá nhân, nên chi phí thuê bãi đỗ, bảo hiểm, thuế xăng dầu..v.v cộng với nỗi lo canh cánh bị trộm vặt gương chiếu hậu và các khoản đút túi “bánh mì cho cảnh sát giao thông” khiến ở Việt Nam, xe hơi thực sự là một chỉ dấu cho sự khá giả, chỉ người có tiền mới sắm được.
Còn nhà tiền tỷ? Ở thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng nơi giá đất đắt bậc nhất thế giới, bất cứ ngôi nhà nào cũng có thể có giá trị tiền tỷ. Nhưng ở một vùng miền núi Tây Nguyên, thuộc cao nguyên Trung phần trước kia, nơi chung sống đến 40 dân tộc, với thu nhập bình quân đầu người từng nằm trong diện thấp nhất cả nước, đất rộng người thưa, hầu hết làm nông nghiệp, thì vài tỷ đồng là con số ghê gớm, có thể xây hoàn chỉnh cả một biệt thự.
Ông phó chủ tịch UBND xã nói với phóng viên báo Thanh Niên năm 2017: “Hơn một năm nay, bình quân mỗi tuần trên địa bàn xã có thêm 4 – 5 chiếc ô tô mới, vài biệt thự tổ chức tân gia. Cuối năm nhiều nhà đi gửi ngân hàng 5 – 7 tỉ đồng”.
Đó là thời kỳ vàng son, hay nói đúng hơn là vàng đen của Nâm N’ Jang trong suốt bốn, năm năm, khi giá tiêu ổn định ở mức rất cao, khiến nông dân trồng tiêu hầu hết đều thành tỷ phú.
Còn bây giờ, tin tức trên báo chí vẫn còn, nhưng là các tin buồn bã. Các ngôi nhà biệt thự chưa hoàn tất phải vội rao bán, 70% người trong độ tuổi lao động đi các nơi kiếm việc làm. Trên các trang tin bất động sản, các thông tin “bán gấp đất vườn, nhà vườn” ở Nâm N’ Jang nhan nhản.
Nguyên nhân là vì giá tiêu đã rớt nặng, từ việc nguồn cung trên toàn thế giới đã tăng đến 8%-10%
mỗi năm, trong khi nhu cầu chỉ tăng 2%-3%.
Lại thêm, khi giá tăng thì chất lượng tiêu trong nước lại giảm so với thế giới, nên giá trị nói chung lại càng giảm.
Tôi nhớ những ngày trên thủ phủ hồ tiêu Việt Nam. Những mảnh sân bát ngát phơi ngập tiêu nhưng không hề đồng đều về chất lượng.
Câu chuyện này nghe thì não nề, thế nhưng, nó không mới.
Không chỉ nông dân mà bất cứ ai có thể đọc tiếng Việt, đều quá quen thuộc với điệp khúc “giải cứu nông sản” của Việt Nam từ nhiều năm nay.Từ cà chua, dưa hấu, thanh long, dừa, khoai lang, cam, vải, sầu riêng, tôm, cá… cứ như một bài hát phải có điệp khúc, cứ mỗi năm một hoặc vài lần, truyền thông cả nước gióng giả ca bài “giải cứu”.
OK giải cứu. Cơ mà có là hero anh hùng bay bay như gia đình siêu nhơn Incredibles chăng nữa thì cũng phải có xèng mới đặt may bộ đồ chịu lửa, hay co giãn được chứ. Giải cứu lần đầu tiên có thể là lỗi của thị trường, nhưng giải cứu đến lần thứ ba? Đó chắc chắn là lỗi của người sản xuất.