Tin Việt Nam – 06/12/2017
Xử phúc thẩm nhà hoạt động Trần Thị Nga
Phiên xử phúc thẩm nhà hoạt động Trần Thị Nga sẽ diễn ra vào ngày 22 tháng 12 tới đây.
Luật sư Hà Huy Sơn, người nhận bào chữa cho bà Trần Thị Nga, cho biết nhận được giấy báo của Tòa Án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội như vừa nêu. Theo đó phiên phúc thẩm đối với nhà hoạt động Trần Thị Nga sẽ diễn ra vào lúc 8 giờ sáng ngày 22 tháng 12 sắp tới.
Nhà hoạt động nữ Trần Thị Nga vào ngày 25 tháng 7 bị tòa án tỉnh Hà Nam tuyên 9 năm tù giam và 5 năm quản chế với cáo buộc ‘tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam’ theo các mục a,b,c khoản 1 Điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Luật sư Hà Huy Sơn là một trong 3 luật sư tham gia bào chữa cho bà Trần Thị Nga tại phiên sơ thẩm trong ngày 25 tháng 7 vừa qua.
Những cáo buộc được nêu tại phiên xử trong ngày 25 tháng 7 đối với nhà hoạt động Trần Thị Nga là đưa lên mạng những bài viết và băng hình video tố cáo nhà nước cộng sản vi phạm nhân quyền, kêu gọi đa nguyên- đa đảng, bãi bỏ Điều 4 Hiến pháp nước Cộng Hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam qui định sự lãnh đạo toàn diện của đảng cộng sản.
Phiên xử sơ thẩm nhà hoạt động Trần Thị Nga được thông báo công khai; tuy nhiên tương tự những phiên xử giới bất đồng chính kiến lâu nay, không ai được vào dự tòa.
Nhà hoạt động nữ Trần Thị Nga, 40 tuổi, hiện có hai con nhỏ, bị bắt vào ngày 21 tháng giêng năm nay, ngay trước tết âm lịch Đinh Dậu.
Bà là người được biết đến với tinh thần cương quyết, trực diện đấu tranh với lực lượng công an, an ninh, chính quyền trong các lần đi đòi hỏi quyền lợi chính đáng của công dân, chống bất công, cường quyền…
Bản thân là một công nhân xuất khẩu lao động sang làm việc tại Đài Loan, bị ngược đãi, thương tích nên bà thấu hiểu hoàn cảnh của những người lao động xa xứ. Sau khi về nước bà tham gia giúp đỡ cho những trường hợp bị lừa xuất khẩu lao động.
Tiếp đó bà tham gia các hoạt động chính trị, xã hội như biểu tình chống Trung Quốc gây hấn với Việt Nam, hỗ trợ cho các nhà hoạt động khác, cũng như giúp đỡ những thành phần dân chúng phải khiếu kiện vì đất đai bị cưỡng chế phi pháp, lên tiếng về thảm họa môi trường do nhà máy thép Formosa gây nên tại khu vực biển miền Trung…
Bà Trần Thị Nga từng bị những thành phần mặc thường phục hành hung đến thương tích vào giữa năm 2014. Nhà của bà ở Phủ Lý, Hà Nam thường xuyên bị canh giữ, bị ném chất dơ…
Bà Trần Thị Nga là thành viên của một số tổ chức xã hội dân sự độc lập tại Việt Nam gồm Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam, Hội Bầu bí Tương Thân…
http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/appeal-court-for-tran-thi-nga-12062017093042.html
Thép VN ‘xuất xứ TQ’ bị Mỹ trừng phạt
Bộ Thương mại Hoa Kỳ áp thuế trừng phạt lên một số sản phẩm thép từ Việt Nam bị cho là có xuất xứ Trung Quốc.
VN-TQ bàn về hợp tác song phương
Báo Trung Quốc: Việt Nam ‘chọn bạn mà chơi’
Kinh tế Mỹ ‘sẽ tăng tốc sau giảm thuế’
Tàu cá vỏ thép: Làm sao để có được sản phẩm chất lượng?
Thông báo hôm 5/12 đưa ra sau khi Hoa Kỳ nói đã phát hiện các sản phẩm này né các lệnh chống bán phá giá và chống trợ cấp của Hoa Kỳ.
Bộ Thương mại Mỹ đồng ý với quan điểm của các nhà sản xuất Mỹ rằng 90% giá trị sản phẩm thép nhập vào Hoa Kỳ bắt nguồn từ Trung Quốc.
Thép cuộn cán nguội Việt Nam sẽ phải chịu mức thuế chống trợ cấp và thuế chống bán phá giá của Mỹ là 531%, trong khi thép chống ăn mòn sẽ đối mặt với mức thuế 238% .
Năm 2016, Trung Quốc đã bị Hoa Kỳ áp lệnh chống bán phá giá và chống trợ cấp của Hoa Kỳ, với mức thuế 266% với sản phẩm thép.
Nhưng sau đó, thép không gỉ từ Việt Nam vào Mỹ đang từ 2 triệu USD/năm đã tăng lên 80 triệu USD/năm, thép cuộn lạnh tăng từ 9 triệu USD lên 215 triệu USD/năm, theo phía Mỹ.
Bản quyền hình ảnh Reuters Image caption Công nhân xếp càng vòng thép để xuất khẩu tại một nhà máy ở Giang Tô, Trung Quốc
Các mức thuế cuối cùng dự kiến sẽ được công bố vào ngày 16/2 năm 2018.
Quyết định này được đưa ra sau khi Liên minh châu Âu vào tháng 11 cũng đã phát hiện ra các chuyến hàng thép từ Việt Nam vào EU phá vỡ nguyên tắc thuế.
Theo hãng AFP, các nhà nhập khẩu thép từ Việt Nam có thể được miễn thuế nếu như họ chứng minh được vật liệu sử dụng có xuất xứ ở nơi khác ngoài Trung Quốc.
Trong khi hôm 24/11, theo VTV, Tổng cục Hải quan Việt Nam nói số liệu 90% thép của Việt Nam vận chuyển qua Mỹ có xuất xứ từ Trung Quốc là chưa chính xác, chỉ có 11 mặt hàng thép, tức 34% sản lượng thép Việt Nam xuất khẩu qua Mỹ có mã phân loại hàng hóa trùng với mã nhập khẩu thép từ Trung Quốc.
Việt Nam là quốc gia nhập khẩu thép lớn thứ 6 trên thế giới. Theo báo cáo của Cục thống kê thép thế giới (ISSB), thép nhập khẩu từ Trung Quốc vào Hoa Kỳ giảm mạnh ngay sau khi có quyết định áp thuế.
Nhưng trong cùng kỳ số lượng thép Việt Nam nhập từ Trung Quốc lại tăng gấp 10 lần.
http://www.bbc.com/vietnamese/business-42248408
Khai trừ đảng viên đòi thể chế xã hội dân sự
Đảng viên Cộng sản Việt Nam nào đòi thực hiện thể chế ‘tam quyền phân lập’, ‘xã hội dân sự’, ‘đa nguyên- đa đảng’ sẽ chịu hình thức kỷ luật khai trừ.
Đây là một nội dung trong Quy định được người đại diện Bộ Chính Trị Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Trần Quốc Vượng, thành viên thường trực Ban Bí Thư/ Chủ nhiệm Ủy Ban Kiểm Tra Trung ương đảng, ký ban hành và truyền thông trong nước loan đi vào ngày 6 tháng 12.
Theo Quy định số 102 ngày 15 tháng 11 năm 2017 thì ngoài những vi phạm vừa nêu, những đảng viên cộng sản Việt Nam sẽ bị khai trừ nếu cố ý nói, viết có nội dung bị đảng cho là ‘xuyên tạc lịch sử, sự thật, phủ nhận vai trò lãnh đạo và thành quả của Đảng và dân tộc; phản bác, phủ nhận chủ nghĩa Mác- Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nguyên tắc tập trung dân chủ, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.’
Quy định số 102 cũng nêu rõ sẽ khai trừ những đảng viên cộng sản Việt Nam nào ‘phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng đối với lực lượng vũ trang, đòi phi chính trị hóa quân đội và công an; phủ nhận vai trò của đảng đối với báo chí, văn học- nghệ thuật; sáng tác, quảng bá những tác phẩm căn hóa, nghệ thuật mà bị đảng cho là lệch lạc, bóp méo lịch sử, hạ thấp uy tín của đảng và các lãnh đạo đảng, nhà nước’.
Quy định số 102 của đảng còn nêu rõ biện pháp kỷ luật khiển trách, cảnh cáo đối với một số hoạt động bị cho là vi phạm như ‘bị người khác xúi giục, lôi kéo, mua chuộc mà có hành vi nói, viết, lưu trữ, phát tán, xuất bản, cung cấp thông tin, tài liệu, hiện vật với nội dung mà đảng cho là trái với đường lối, quan điểm của đảng….’
Thanh tra toàn diện
các dự án Sơn Trà và Đa Phước, Đà Nẵng
Chính phủ Việt Nam quyết định tiến hành thanh tra toàn diện các dự án ở bán đảo Sơn Trà và Đa Phước tại thành phố Đà Nẵng trong thời gian 45 ngày.
Công bố được ông Bùi Ngọc Lam, phó Tổng Thanh tra Chính phủ đưa ra tại trụ sở Ủy Ban Nhân Dân Thành phố Đà Nẵng sáng thứ Tư, 6 tháng 12, theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Trương Hoà Bình.
Nội dung thanh tra bao gồm việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng đất, bảo vệ và phát triển rừng, môi trường, và các dự án đầu tư được xây dựng trên bán đảo Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng trong thời gian từ năm 2003 đến 2016.
Vào tháng 5 vừa qua, ông phó thủ tướng Việt Nam, Vũ Đức Đam đưa ra chỉ đạo đề nghị tạm dừng Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà trong vòng 3 tháng. Bản Quy hoạch này được phê duyệt vào tháng 11 năm ngoái và được công bố chính thức vào giữa tháng 2 năm nay. Ngay sau khi bản Quy hoạch này được đưa ra, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng có kiến nghị với một nội dung chính là giữ nguyên hiện trạng của bán đảo Sơn Trà, không xây dựng thêm cơ sở lưu trú trên đó.
Nhiều chuyên gia môi trường và giới hoạt động dân sự độc lập cũng lên tiếng kêu gọi ngưng mọi hoạt động xâm hại đến sinh thái bán đảo Sơn Trà.
Đối với dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước có vốn đầu tư gần 5 ngàn tỉ đồng, Ủy Ban Nhân Dân Thành phố Đà Nẵng cho rằng đó là 1 trong những dự án đô thị phức hợp lấn biển lớn nhất ở Đà Nẵng.
Quảng Bình sẽ đền bù các cơ sở hải sản thiệt hại do Formosa
Tỉnh Quảng Bình ngày 5/12 tổ chức họp Hội đồng Bồi thường Thảm họa Môi trường biển Formosa cho các đối tượng còn tồn đọng.
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, ông Lê Minh Ngân nói rằng việc bồi thường cho những người còn lại phải hoàn thành trước ngày 31/12 năm nay. Đối với những trường hợp không được phê duyệt, ông Ngân yêu cầu hủy quyết định bồi thường.
Ông Lê Văn Lợi, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Bình đã yêu cầu cơ quan chức năng hướng dẫn các chủ cơ sở hải sản cân đong số hàng hóa tồn đọng để quy thành tiền bồi thường.
Tính đến ngày 4/12, tỉnh Quảng Bình cho biết đã giải ngân gần 2.700 tỷ đồng tiền bồi thường cho các nạn nhân thảm họa Formosa. Số này tương đương 99% số tiền được phê duyệt.
Thời gian vừa qua, nhiều chủ cơ sở hải sản khô và đông lạnh lên tiếng với RFA rằng họ không nhận được một đồng bồi thường mặc dù cơ quan chức năng đã đến cân đong hải sản và hứa sẽ đền bù. Nhiều người lâm vào tình cảnh thất nghiệp, nợ nần chồng chất, và một số phải bỏ nhà cửa đi tha hương.
Thảm họa môi trường biển xảy ra tại 4 tỉnh Bắc Trung bộ từ tháng tư năm ngoái do nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh xả thải gây ra. Thảm họa làm cá chết hàng loạt nổi trắng ven biển, khiến hàng trăm ngàn người dân mất sinh kế. Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã từng yêu cầu việc đền bù phải hoàn thành trước ngày 30/6/2017.
Việt Nam sắp nhận thêm
chiến hạm Nga, đặt Ba Lan đóng tàu
Chiến hạm loại Gepard 3.9 thứ tư mà Việt Nam mua của Nga đã rời cảng Novorossiysk vào chiều ngày 4 tháng 12, đang trên đường về nước bằng tàu vận tải Rolldock Star của Hà Lan.
Gepard 3.9 thuộc dự án tàu tên lửa 11661 do Nga phát triển, có chức năng bảo vệ hạm đội, tuần tra, chống ngầm, rải mìn… Tàu Gepard 3.9 dài 102 m, thuỷ thủ đoàn tối đa 103 người, có tốc độ tối đa 42,5 km/giờ, tầm hoạt động 9.200 km.
Vũ khí chính trên tàu Gepard 3.9 gồm hệ thống tên lửa diệt hạm Uran-E, pháo bắn nhanh và tên lửa phòng không… Ngoài ra tàu còn chở được 1 trực thăng.
Các chiến hạm Gepard 3.9 của Việt Nam được đóng tại Nhà máy đóng tàu mang tên Gorky ở Zelenodolsk, Cộng hòa Tatarstan, Nga. Hai chiếc đầu tiên về Việt Nam vào năm 2011 là Chiến hạm Đinh Tiên Hoàng và chiến hạm Lý Thái Tổ.
Ba Lan đóng tàu SAR cho Việt Nam
Ba Lan sẽ đóng 6 tàu SAR cho Việt Nam. Trong đó, hai chiếc sẽ được đóng tại Ba Lan và bốn chiếc còn lại sẽ được đóng tại Việt Nam theo hình thức chuyển giao công nghệ.
Theo Tạp chí quốc phòng IHS Jane’s của Anh, thỏa thuận này được Chủ tịch Trần Đại Quang và Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda ký ngày 28 tháng 11 tại Hà Nội.
Theo thỏa thuận, Ba Lan sẽ cho Việt Nam vay 200 triệu Euro để đóng 6 tàu tìm kiếm và cứu hộ SAR. Hai tàu SAR đầu tiên sẽ được công ty Cenzin thuộc Tập đoàn vũ khí nhà nước Ba Lan PGZ đóng tại nhà máy đóng tàu Remontowa.
Bốn tàu tiếp theo sẽ được đóng tại Việt Nam dưới hình thức chuyển giao công nghệ, thiết bị và có sự hỗ trợ của các chuyên gia của Cenzin từ Ba Lan.
BOT Cai Lậy: lợi thế có đang thuộc về các tài xế?
Nguyễn Anh Tuấn
Trước hết tôi rất khâm phục những gì các tài xế đã thể hiện trong những ngày qua. Từ lý lẽ đến hành xử, từ mục tiêu đến phương pháp, đều rất mẫu mực. Nhìn những gì xuất hiện trên truyền thông dễ có cảm giác là ngày chiến thắng của các bác tài đã gần kề khi BOT Cai Lậy đã phải liên tục xả trạm trước những chiến thuật biến hoá khôn lường. Tuy nhiên, tôi lại có một nhận định ngược lại, rằng lợi thế đang không thuộc về các tài xế.
Tôi cũng hi vọng mình nhận định sai nhưng cũng xin đưa ra những căn cứ dưới đây để mọi người cùng đánh giá.
Một là sự kiên quyết của cấp cao nhất chính phủ. Ba ngày trước Thủ tướng đã chỉ đạo không để tái diễn tình trạng ở Cai Lậy, và rồi hôm nay Bộ Công an cũng đã chính thức tuyên bố sẽ “tổ chức trinh sát điều tra, thu thập, củng cố chứng cứ các đối tượng cầm đầu, có hành vi kích động xúi giục tại đây.” Không quá khó hiểu cho động thái quyết liệt này khi mà báo chí đã chỉ ra Cai Lậy không phải là BOT duy nhất “đặt nhầm chỗ”, mà còn có 7 trạm khác trên khắp cả nước. Buông Cai Lậy, số phận các trạm khác sẽ đi về đâu? Đó là chưa nói đến trong nhãn quan của người nắm quyền, buông Cai Lậy sẽ giúp người dân bắt đầu tự tin về sức mạnh của họ, cũng như dần hiểu ra cách thức để tạo ra sức mạnh đó. Chiến thắng luôn truyền cảm hứng, mà một thứ cảm hứng về sức mạnh nhân dân thì lại không dễ kiểm soát một chút nào. Vậy thì, đứng trước “những biện pháp nghiệp vụ” của Bộ Công an, các tài xế, đặc biệt là những người chủ chốt, đã chuẩn bị những gì?
Căn cứ thứ hai liên quan tới câu hỏi quan trọng bậc nhất trong những cuộc so găng kiểu này: “Thời gian đang đứng về bên nào?” Đồng ý rằng những hình ảnh trên truyền thông qua những ngày qua đã làm nức lòng dư luận cả nước. Nhưng có vẻ truyền thông và sự chú ý của dư luận là tất cả những gì các bác tài có trong cuộc chiến này. Tuy nhiên, chỉ mới là 3 ngày, sẽ ra sao nếu cuộc giằng co “xả rồi thu – thu rồi xả” này kéo dài 1 tháng, 3 tháng rồi 6 tháng. Truyền thông và dư luận liệu có còn giữ nguyên mức độ chú ý? Cần lưu ý rằng BOT Cai Lậy có đến 13 năm để thu phí, sẽ ra sao nếu họ chấp nhận 6 tháng không màng lợi nhuận chơi lầy với các bác tài? Bên nào thiệt hại nhiều hơn và bên nào sẽ bỏ cuộc trước? Hãy nhìn những gì xảy ra ở Hong Kong trong phong trào Dù Vàng, hàng chục ngàn sinh viên ngay cả khi đã chiếm được các khu phố thương mại nhiều tháng trời nhưng một khi không đạt được mục tiêu thì đã bị phản ứng, bắt đầu là từ cộng đồng doanh nhân, sau đó là các thành phần khác trong xã hội. Thời gian càng kéo dài mà không đạt được mục đích dời trạm thì liệu sự ủng hộ của công chúng có còn được giữ nguyên như lúc này? Hay thay vào đó là cảm giác mệt mỏi? Những người lái xe không trong nhóm tranh đấu đã chấp nhận phiền toái thời gian vừa qua vì công cuộc chung, nhưng nếu thời gian giằng co quá lâu liệu họ có còn kiên nhẫn? Sẽ ra sao nếu có thêm phản ứng gay gắt từ những xe có công việc gấp phải đi, như cấp cứu, đám tang…?
Trong trường hợp này, phe tài xế cần làm gì?
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
http://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/who-s-on-winning-side-12052017132126.html
Việt Nam giao Thánh Giá Long Tân cho Australia
Việt Nam vừa giao Thánh Giá Long Tân cho Úc sau các cuộc mật đàm giữa chính quyền hai nước, truyền thông Úc cho biết ngày 6/12, dẫn lời cảm ơn của Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull về sự “rộng lượng” của Hà Nội.
Theo ABC, Thánh Giá Long Tân đã được Việt Nam giao cho Úc từ đầu tháng trước như một động thái mở màn cho hội nghị cấp cao APEC tại Đà Nẵng. Tuy nhiên, sự kiện này đã được cả hai phía giữ bí mật cho tới ngày 5/12, khi Thánh Giá Long Tân được chính thức đặt tại phòng trưng bày Reg Saunders của Úc.
Trong lễ tưởng niệm ở Canberra hôm 6/12, Thủ tướng Turnbull nói ông cám ơn người đồng nhiệm Việt Nam về “hành động quảng đại tuyệt vời”.
“Thật phi thường khi những người đàn ông lớn tuổi đã từng cầm súng đối đầu nhau trong chiến tranh bây giờ không hề giữ ác cảm với nhau”, AP dẫn lời Thủ tướng Úc nói.
Các giới chức Úc cho biết việc di chuyển Thánh Giá Long Tân đã được giữ bí mật trong suốt những tuần qua vì tính “nhạy cảm” của vấn đề.
Thánh Giá Long Tân được Việt Nam xếp hạng là di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia vào năm 1988. Thánh Giá sau đó được đưa về trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Đồng Nai vì lý do “bảo vệ an toàn” cho cây thập tự.
Sự kiện Việt Nam giao Thánh Giá Long Tân cho Úc diễn ra sau khi Hà Nội có quyết định không cho phép các cựu chiến binh Úc trở lại Long Tân để tưởng niệm các tử sĩ trong trận đánh này.
https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-giao-thanh-gia-long-tan-cho-australia/4151741.html
8 ngày,
Campuchia tịch thu giấy tờ của hơn 1.700 gia đình Việt
Trong vòng 8 ngày, Campuchia đã tước giấy tờ của 1.733 gia đình người Việt tại tỉnh Kampong Chhnang, hoàn thành một nửa mục tiêu đề ra trong chiến dịch thu hồi giấy tờ nhắm vào cộng đồng người Việt, Phnom Penh Post cho biết hôm 6/12.
Kampong Chhnang là tỉnh đầu tiên thí điểm thực hiện chiến dịch vì là nơi có nhiều người Việt sinh sống trên các làng bè ở Biển Hồ, theo lời người phát ngôn Bộ Nội vụ Campuchia được tờ nhật báo nước này dẫn lời vào tuần trước.
Trong khi đó, một người Việt sống ở khu vực này nói với VOA rằng chiến dịch thu hồi giấy tờ của chính quyền Campuchia có thể có động cơ chính trị.
Trên thực tế, nhiều người Việt bị cho là có giấy tờ giả, thực ra đã được chính quyền sở tại cấp trước đây vì họ có nhà cửa hợp pháp. Nhiều gia đình đã sống tại đây qua nhiều thế hệ.
Hiện tại có hàng trăm trẻ em người Việt trong khu vực không được học ở hệ thống trường công lập Campuchia vì ‘không có giấy tờ hợp lệ’.
Ông Pan Laikheang, Cục trưởng Cục Xuất nhập cảnh tỉnh Kampong Chhnang nói với Phnom Penh Post rằng ông không biết khi nào thì quá trình kiểm tra và thu giữ giấy tờ sẽ hoàn tất.
Tổng cộng có 2.393 gia đình ở tỉnh Kampong Chhnang bị nhắm mục tiêu trong chiến dịch thu hồi giấy tờ, gây ảnh hưởng đến hơn 10.000 người.
Trước đó, Bộ Nội vụ Campuchia xác định có 70.000 người sẽ bị thu hồi giấy tờ trên toàn quốc. Trong đó, hơn 90% là người gốc Việt.
“Sau khi tịch thu các giấy tờ không hợp lệ, chúng tôi sẽ làm hồ sơ để gửi đi [Bộ Nội vụ], nơi sẽ xác nhận họ là những người nhập cư hợp pháp”, ông Pan Leikheang cho biết thêm.
Theo luật, di dân đến Campuchia có thể đăng ký quốc tịch sau 7 năm cư trú. Tuy nhiên với những người không rõ quê quán và lớn lên ở Campuchia, quá trình chờ 7 năm bây giờ mới bắt đầu, Phnom Penh Post dẫn lời giới chức phó của ông Laikheang, Pal Soth, cho biết.
“Trong thời gian đó, họ phải đóng thuế theo quy chế di dân”, ông Soth nói thêm.
Tiếp theo động thái giải tán đảng đối lập chính, đuổi các hãng truyền thông quốc tế ra khỏi nước, chính quyền của Thủ tướng Hun Sen bị các tổ chức quốc tế chỉ trích là vi phạm nhân quyền khi tước giấy tờ của cư dân.
Luật sư Lyma Nguyễn, người từng hỗ trợ cộng đồng người Việt ở Campuchia, nói với VOA qua email rằng việc đây là điều rất “đáng lo ngại” và người Việt ở Campuchia nên được đối xử công bằng.
Bà Lyma cho biết các cư dân gốc Việt sống trên Biển Hồ, cũng là nạn nhân nạn diệt chủng Pol Pot, là những người mà bà đã đại diện trước Tòa án Khmer Đỏ.
Nữ luật sư người Úc gốc Việt nói nhiều người Việt Nam được coi là “sống không có quốc tịch ở Campuchia” và trên thực tế chính quyền đương nhiệm vẫn không công nhận họ.
Bà nói, sau khi bị Khmer Đỏ trục xuất vào những năm 1970, những người này sống như người tị nạn ở Việt Nam, nhưng phía Việt Nam không chấp nhận họ là công dân Việt Nam.
Động cơ chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng
Xoa dịu sự phẫn nộ của người dân, tăng cường sự kiểm soát trong Đảng, đấu tranh phe phái, cải thiện hình ảnh của khu vực Nhà nước và củng cố niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài có thể là một số nguyên nhân khiến cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiến hành chiến dịch chống tham nhũng quyết liệt, theo nhận định của nhà báo David Hutt trên tờ AsiaTimes.
Trong bài báo có nhan đề “Sự hủ bại ở Việt Nam tệ đến mức nào”, nhà báo David Hutt đã điểm lại những vụ án tham nhũng nổi cộm ở Việt Nam trong thời gian qua như vụ Trịnh Xuân Thanh ở PetroVietnam, vụ Hà Văn Thắm và Nguyễn Xuân Sơn ở OceanBank và PetroVietnam.
Bài báo dẫn lại việc ông Trọng yêu cầu sớm đưa Trịnh Xuân Thanh ra xét xử và cho rằng việc xử tội ông Thanh có ý nghĩa quan trọng với ông Trọng cho nên Việt Nam mới bất chấp việc rạn nứt quan hệ ngoại giao với Đức để đưa ông Thanh – vốn lẩn trốn ở Đức – về Việt Nam quy án.
“Một số người cho rằng chiến dịch bài trừ tham nhũng của ông Trọng là một nỗ lực để xoa dịu quần chúng trong nước vốn đang phẫn nộ với tình trạng tham nhũng rõ ràng ngày càng lan rộng trong Đảng,” bài báo viết và dẫn lời GS Carl Thayer thuộc Đại học New South Wales ở Úc cho rằng các phiên tòa và các hình phạt nặng nề được báo chí đưa tin rộng rãi là nhằm mục đích này
Trong vụ án PetroVietnam-OceanBank, có tổng cộng 51 bị cáo bị cáo buộc các tội danh từ biển thủ công quỹ cho đến lừa đảo. Hà Văn Thắm bị kêu án chung thân còn Nguyễn Xuân Sơn bị tuyên án tử hình.
Tuy nhiên các nhà phân tích cũng nghi ngờ có âm mưu chính trị đằng sau chiến dịch này. Một phần là do hồi tháng Năm, ông Đinh La Thăng đã bị đưa ra khỏi Bộ Chính trị và sau đó bị cách chức Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là lần đầu tiên trong vòng hơn 20 năm qua ở Việt Nam mới có một ủy viên Bộ Chính trị bị khai trừ như vậy. Ông Thăng là đồng minh thân cận của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Ông Trọng được cho rằng đang tìm cách thanh trừng phe cánh ông Dũng và nhổ tận gốc mạng lưới lợi ích mà ông Dũng đã xây dựng khi tại nhiệm vốn bao gồm bộ máy lãnh đạo tại PetroVietnam và OceanBank.
Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng việc bè phái trong Đảng với việc chống tham nhũng là hai chuyện khác nhau và không có liên quan gì với nhau.
Một lý do nữa là ông Trọng muốn tăng cường sự kiểm soát của ông đối với Đảng khi mà tại kỳ Đại hội Đảng lần tới vào năm 2021, ông bắt buộc phải về hưu sau hai nhiệm kỳ trên cương vị Tổng bí thư. Do đó, nhiều khả năng ông Trọng muốn đảm bảo rằng dàn lãnh đạo mới phải tuân thủ đường lối của Đảng.
Chỉnh đốn lại khu vực kinh tế quốc doanh vốn làm thất thoát lớn tài khoản quốc gia cũng là một lý do. Đặc biệt điều này lại càng quan trọng trong bối cảnh chính quyền Việt Nam đang kêu gọi cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước từ các nhà đầu tư nước ngoài.
“Mặc dù các nhà đầu tư nước ngoài đã thể hiện sự quan tâm lớn đối với Sabeco và Habeco (hai tập đoàn đang kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần), các doanh nghiệp nhà nước khác không có được sự quan tâm như vậy do tiếng tăm đã bị hủy hoại sau nhiều năm xảy ra tình trạng tham ô và quản lý yếu kém,” bài báo viết.
Bất chấp những nỗ lực này, GS Carl Thayer được dẫn lời cho rằng nó “không có tác dụng răn đe cho lắm trước tình trạng tham nhũng thâm căn cố đế ở Việt Nam”. Theo lời ông giải thích, đó là vì “nguyên nhân gốc rễ là quản trị đất nước yếu kém khi không có một hệ thống kiểm toán, điều tra và công tố độc lập không bị chi phối bởi ảnh hưởng chính trị.”
https://www.voatiengviet.com/a/dong-co-chong-tham-nhung-cua-ong-nguyen-phu-trong/4150241.html
Sam Rainsy : « Trung Quốc và Việt Nam
đang chia nhau kiểm soát Cam Bốt »
Chủ Nhật 03/12/2017, ông Sam Rainsy, cựu lãnh đạo đối lập Cam Bốt hiện đang lánh nạn tại Pháp đã dành cho phóng viên ba cơ quan truyền thông tại Paris là RFI, TV5 và báo Le Monde một cuộc phỏng vấn dài. Trong buổi nói chuyện này, ông lần lượt đưa ra các nhận xét về tình hình nền dân chủ đất nước, tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực và mối quan hệ láng giềng phức tạp mà Cam Bốt đang duy trì với Việt Nam cũng như là Thái Lan.
Trước tiên, ông Sam Rainsy nhìn nhận Thỏa thuận Paris năm 1991 đã cho phép tái lập hòa bình và trong một chừng mực nào đó là tiến trình dân chủ hóa tại Cam Bốt. Tuy nhiên, ông cũng lấy làm tiếc là cộng đồng quốc tế, dưới sức ép của Trung Quốc, đã không đưa thuật ngữ « diệt chủng » vào trong thỏa thuận, để lên án Khmer Đỏ thảm sát hàng triệu người Cam Bốt dưới thời Pol Pot.
Thời gian gần đây, tình hình chính trị Cam Bốt có những biến đổi nhanh chóng. Đảng đối lập bị giải thể, lãnh đạo Kem Sokha bị khởi tố vì tội phản quốc với cáo buộc âm mưu lật đổ chính phủ với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, bản thân ông Sam Rainsy cũng phải chạy trở về Pháp sống lưu vong…, nhưng ông vẫn hy vọng mọi việc sẽ có thay đổi. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định tạm thời chưa trở về nước vì e sợ cho sự an toàn của chính bản thân.
Hoa Kỳ từng cam kết hỗ trợ tài chính cho Cam Bốt để tổ chức bầu cử lập pháp, dự kiến diễn ra vào tháng 7/2018. Thế nhưng, trước những diễn biến gần đây, Nhà Trắng thông báo ngưng chương trình hỗ trợ này. Câu hỏi đặt ra liệu đấy có là một phương pháp tốt hay là nên làm như Pháp và Anh Quốc là chỉ lên án mà không trừng phạt ?
Về điểm này, ông Sam Rainsy cho rằng phương Tây không nên chỉ dừng ở việc lên án mà còn phải đi xa hơn. Chẳng hạn như không nên hỗ trợ cơ quan bầu cử mà ông cho là vô nghĩa. Đối với ông, một cuộc bầu cử mà không có đối lập là một trò hề. Hơn nữa, phương Tây nên có nhiều áp lực dưới nhiều hình thức nhắm vào cá nhân các lãnh đạo : từ chối cấp visa nhập cảnh, tịch biên tài sản có được tham nhũng, từ buôn lậu, phá rừng…
Cựu lãnh đạo đối lập Cam Bốt cho rằng nhiều hồ sơ quốc tế lớn như Afghanistan, Irak, Trung Quốc hay Bắc Triều Tiên đã khiến cộng đồng quốc tế lơ là với Cam Bốt. Theo ông, Cam Bốt tuy nhỏ bé, nhưng cũng đáng để quốc tế dành chút sự quan tâm do việc Phnom Pênh đang dần đi theo quỹ đạo của Bắc Kinh. Một việc mà ông Sam Rainsy đánh giá là có thể để lại nhiều hệ quả nghiêm trọng cho hòa bình khu vực.
Đây cũng là điểm được các phóng viên RFI, TV5 và Le Monde đặc biệt quan tâm, muốn biết quan điểm của Sam Rainsy về việc Trung Quốc đã trở thành đối tác kinh tế, tài chính và nhà đầu tư hàng đầu tại Cam Bốt, trong khi mà ảnh hưởng của Việt Nam lên xứ Chùa Tháp này vẫn chưa hề suy giảm.
RFI Tiếng Việt xin lược dịch lại một phần phỏng vấn liên quan đến mối quan hệ phức tạp mà Cam Bốt đang duy trì với Việt Nam và Trung Quốc.
RFI, TV5, Le Monde : Thủ tướng Hun Sen mới đây có chuyến thăm Bắc Kinh. Phải chăng mối quan hệ ưu tiên này sẽ giúp Cam Bốt thoát được mọi áp lực đến từ châu Âu và Mỹ ?
Sam Rainsy: « Tôi nghĩ là mối quan hệ nhân – quả sẽ như sau : Bởi vì Hun Sen đã vi phạm nghiêm trọng nhân quyền, ông ấy đã cho giải tán đảng đối lập, Cam Bốt không còn là một nền dân chủ. Hun Sen bị phương Tây lên án và cảm thấy bị cô lập nên ông ấy không còn lựa chọn nào khác là xích lại gần và tìm cách dựa vào Trung Quốc. Một kịch bản gần giống như dưới thời Pol Pot. Khmer Đỏ đã giết chết hàng triệu người dân. Dĩ nhiên họ bị cả thế giới cô lập, ngoại trừ Trung Quốc, vốn dĩ không màng đến chuyện nhân quyền. »
Trung Quốc là do độc đảng cai trị. Phải chăng Hun Sen cũng đang hướng theo mô hình này ?
« Chính xác. Trung Quốc dường như mang đến cho Hun Sen cùng một kiểu mô hình. Nhưng có một điểm khác biệt. Bởi vì Trung Quốc có một mô hình chủ nghĩa chuyên chế “khai sáng”, còn tại Cam Bốt chủ nghĩa chuyên chế của Hun Sen là “ngu muội” (…)
Nghĩa là tại Trung Quốc các nhà lãnh đạo họ có học thức hơn, nội bộ đảng có sự thống nhất, và cứ mỗi 5 hay 10 năm thì lãnh đạo thay đổi. Trong khi đó, Hun Sen cầm quyền từ 32 năm nay, đảng của ông lãnh đạo đất nước từ 38 năm qua. Chẳng có một sự đổi mới gì cả. Và ông ấy cũng không chấp nhận bất cứ ý kiến thay đổi nào. Đấy chẳng phải ngu muội là gì ».
Ở đây có một sự nghịch lý. Trong các chiến dịch tranh cử, nhất là vào năm 2013, ông đã cáo buộc chính quyền Pnom Pênh lúc bấy giờ là thần phục, là bị Việt Nam mua chuộc. Nhưng giờ đây ông lại cáo buộc Hun Sen thần phục Trung Quốc. Điều này không mấy tương thích. Bởi vì Bắc Kinh và Hà Nội gần như đang đối đầu nhau, chủ yếu trong hồ sơ Biển Đông. Vậy chính quyền Cam Bốt hiện nay là thần phục ai, Trung Quốc hay là Việt Nam ?
« Hun Sen hiện đang đánh đu giữa hai phe. Đây là một trò nguy hiểm. Ông ấy đang tìm cách dàn xếp với cả hai bên. Nhưng vì do cố đánh đu giữa hai phía nên sẽ có ngày ông ấy ngã đau. Cựu hoàng Norodom Sihanouk đã từng cho là Cam Bốt nằm dưới sự quản lý của Trung Quốc và Việt Nam. Nhưng điều này nguy hiểm. Bởi vì một khi căng thẳng giữa Hà Nội và Bắc Kinh gia tăng, vị thế của Hun Sen sẽ khó mà giữ được ».
Trong suốt chiến dịch vận động tranh cử, ông thường cáo buộc người Việt Nam là đến cướp công ăn việc làm, phá rừng tại Cam Bốt. Phải chăng đất nước của ông đang chịu một hình thức xâm chiếm nào đó từ Việt Nam ? Liệu những phát biểu đó mang tính chất dân tộc chủ nghĩa, thậm chí là bài người Việt của ông có thể dẫn đến bạo động hay không ?
« Không hẳn như thế. Người Cam Bốt là một dân tộc hiếu hòa. Từ hơn 20 năm qua chưa bao giờ có những hành động bạo lực xuất phát từ tình trạng phân biệt chủng tộc cả. Nhưng có một dạng bạo động chính trị dai dẳng mãnh liệt. Ở đây tôi muốn nói là Trung Quốc và Việt Nam đang chia nhau kiểm soát Cam Bốt.
Hà Nội kiểm soát Pnom Pênh chủ yếu trên phương diện quân sự, bởi vì có rất nhiều cố vấn quân sự Việt Nam nhan nhản khắp nơi. Hà Nội còn triển khai cả một đội quân quan trọng nằm dọc theo biên giới và tại một số vùng thuộc Cam Bốt. Do đó, ảnh hưởng Việt Nam về mặt quân sự lên Cam Bốt là điều không thể chối cãi.
Ngược lại, Trung Quốc lại có tầm ảnh hưởng tài chính đáng kể. Đó là nhà đầu tư lớn nhất. Trên bình diện chính trị, Hun Sen ngày càng xích lại gần với Bắc Kinh hơn. Ông đã phá vỡ tình liên đới của khối ASEAN trong tranh chấp Biển Đông và ông ấy đã ủng hộ Trung Quốc để cho nước này không tôn trọng Công ước Quốc tế về luật biển. »
Theo ông đâu là giải pháp cho Cam Bốt ? Ngoảnh mặt với cả Trung Quốc lẫn Việt Nam ?
« Không phải. Giải pháp duy nhất có thể nhắm đến là một nước Cam Bốt trung lập và độc lập. Cam Bốt phải thoát khỏi tầm ảnh hưởng tai hại từ Việt Nam cũng như là Trung Quốc ».
Liệu Cam Bốt có thể thoát được cuộc chơi tranh giành ảnh hưởng của những nước lớn đó hay không ?
« Trong chính trị nên biến những gì cần thiết thành điều có thể ».
Hoa Kỳ phải có phản ứng như thế nào đối với Cam Bốt ?
« Trong khu vực này hiện nay đang có những biến đổi sâu sắc về địa chính trị. Việt Nam và Hoa Kỳ đã trở thành đồng minh. Họ làm đồng minh với nhau là để chống Trung Quốc. Điều đó đã làm thay đổi diện mạo khu vực. Khi Cam Bốt phải khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế để tồn tại và bảo vệ nền độc lập và chủ quyền quốc gia, thì cũng nên tính đến diện mạo địa chính trị này »
Như vậy là những phát biểu của ông nhắm vào Việt Nam có thể bị chuyển hướng ?
« Nó có khả năng bị chuyển hướng nếu như tình hình chính trị có tiến triển. Như vậy, lập trường của chúng tôi và những phát biểu của chúng tôi cũng phải thay đổi theo để bảo vệ bằng mọi giá các lợi ích quốc gia. »
Nhưng hiện nay đất nước của ông không có chiến tranh. Có thể chính vì vậy mà quốc tế không nói đến gì nhiều về Cam Bốt, bởi vì trong trước mắt Cam Bốt đang trong một thế cân bằng tạm thời với các nước láng giềng có đường biên giới chung như Thái Lan, Việt Nam. Tất cả đều cho thấy có sự cân bằng bấp bênh ?
« Có một cuộc chiến mà không ai nói đến đó là cuộc chiến mà Hun Sen đang tiến hành chống lại chính người dân của mình. Cam Bốt tiêu tốn nhiều kinh phí cho an ninh quốc gia, nhưng trên thực tế, binh sĩ Cam Bốt không được bố trí dọc theo các vùng biên giới mà được huy động để trấn áp người dân. Tình trạng này cần phải được quan tâm đến sao nền dân chủ lấy lại được quyền tại Cam Bốt ».
Cuộc phỏng vấn diễn ra tại trụ sở của đài Radio France Internationale với sự tham gia của các phóng viên Françoise Joly (TV5 Monde), Christophe Ayad (báo Le Monde) và Sophie Malibeaux (RFI).
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20171206-sam-rainsy-tq-vn-kiem-soat-cam-bot