Tin Việt Nam – 06/12/2016
Liệu Việt Nam có đang trở thành một xã hội xấu xí?
Trong đoạn video được nhiều người chia sẻ trên mạng Facebook mấy ngày qua, một nhóm người cầm dao xẻ thịt con trâu đã chết giữa đường trên một đoạn đường ở tỉnh Bình Dương. Tin của VNExpress hôm 6/12 cho biết công an thị xã Thuận An đã vào cuộc để ‘điều tra’ vụ việc này.
Đây không phải là lần đầu tiên người dân Việt Nam tham gia vào các vụ “hôi của” trên đường. Trước đây truyền thông trong nước và mạng xã hội đã tung ra những hình ảnh chiếu cảnh dân tranh nhau cướp bia, tiền và thậm chí cả dầu nhớt thay vì cứu giúp người gặp nạn.
Theo nhà xã hội học Lê Bạch Dương, đây là một hiện tượng xã hội ở Việt Nam cho thấy người dân đang trở nên ích kỷ đối với chính cộng đồng của mình:
“Nó cũng thể hiện cái việc là bây giờ ai cũng lo cho cá nhân, không quan tâm lắm đến giúp đỡ người khác. Tất nhiên không phải tất cả mọi người đều như vậy. Nhưng nhìn chung thì ai cũng nghĩ bây giờ làm sao mà thu lợi nhiều nhất cho gia đình cho cá nhân, còn những cái lợi cho bên cộng đồng cho xã hội thì cũng không phải là cái ưu tiên cao.”
Truyền thông trong nước vẫn thường đưa ra những nhận xét về hình ảnh người Việt Nam đang trở nên xấu xí vì những vụ ‘hôi của’ kiểu ấy, và cho rằng đây là chỉ dấu suy vong của đạo đức xã hội.
Vụ 1 chiếc xe tải chở 1.500 thùng bia gặp nạn ở thành phố Biên Hòa cách đây 3 năm và người dân địa phương đổ ra tranh cướp các lon bia Tiger bị đổ xuống đường đã được truyền thông khai thác. Theo VTC News, mặc cho tài xế “gào khóc thảm thiết”, người dân “tiếp tục nhặt, khuân vác từng thùng bia để mang về nhà.”
Những vụ ‘lấy của người khác làm của của mình’ gồm cả việc nhặt các xấp tiền văng trên đường, và đánh cắp các thùng dầu nhớt từ ô tô bị lật. Trong một vụ khác xảy ra gần đây,nhiều người đã xông vào cướp hàng giả chưa được tiêu hủy tại bộ Khoa Học & Công Nghệ.
Theo tiến sĩ Dương điều này thể hiện việc người Việt Nam thiếu hiểu biết về pháp luật:
“Họ cũng không hiểu biết nhiều về pháp luật và cũng có tâm lý là thấy cái gì mà không phải mất tiền mà mình lấy được thì lấy thôi. Trong cái bối cảnh xã hội bây giờ khi mà nhận thức về pháp luật không được tốt thì người dân họ sẽ hành xử theo cái lối đó.”
Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản đã được ghi trong điều 137 Bộ Luật Hình Sự Việt Nam. Luật sư Triệu Trung Dũng của Đoàn Luật Sư TP Hà Nội được VTC News trích lời nói rằng “hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản của những người ‘hôi của’ sẽ bị khởi tố hình sự theo quy định” của bộ luật này.
Nhưng vấn đề lớn hơn từ hiện tượng ‘hôi của’ này, theo tiến sĩ Dương, là một sự rạn nứt trong quan hệ xã hội:
“Tôi nghĩ ở đây, mối quan hệ xã hội bây giờ đang ở trong tình trạng không có sự gắn kết, không có sự chia sẻ thông cảm, không giúp đỡ gì cả và ai cũng thu về để có cái lợi nhất, cái an toàn nhất cho mình ngay cả khi cái đấy ảnh hưởng đến người xung quanh.”
Trong khi đó có ý kiến cho rằng hiện tượng ‘hôi của’ là hiện tượng xã hội ở những đất nước đang phát triển. Một người quốc tịch Hàn Quôc có tên Thomas Kool đã sinh sống ở thành phố HCM hơn 9 năm được TuoiTreNews trích lời nhận xét về hiện tượng này cho rằng “nó là một vấn đề chung của thế giới đang phát triển.” Tuy nhiên, tiến sĩ Dương cho rằng người Việt Nam không còn đói khổ để phải đi “lấy đồ của người khác” mà bởi vì “những hành vi xấu như vậy đã ăn quá sâu trong xã hội từ cấp cá nhân cho đến cộng đồng.”
http://www.voatiengviet.com/a/lieu-vn-co-dang-tro-thanh-1-xa-hoi-xau-xi/3625030.html
‘VN dạy Nhật một bài học’ trong vụ điện hạt nhân
Tờ Nikkei Asian Review, thuộc sở hữu của một trong những tập đoàn truyền thông lớn nhất Nhật Bản, đăng bài viết với tựa đề như vậy hôm 5/12, một tháng sau khi Việt Nam ngừng dự án điện hạt nhân.
Tờ báo này cho rằng quyết định đó của Việt Nam là “một bài học cay đắng” cho Nhật Bản về việc “phải biết rõ khách hàng của mình, dù đó là một cá nhân hay một chính phủ”.
Chính quyền Hà Nội hồi tháng 11 thông báo ngừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận do thấy không khả thi trong bối cảnh kinh tế Việt Nam hiện nay, theo báo chí trong nước.
“Nhật phải đánh giá kỹ càng nhu cầu của nước đối tác và tính khả thi về tài chính của một dự án trước khi thúc đẩy các dự án cơ sở hạ tầng vào một nước nào đó”, Nikkei viết.
Trả lời VOA Việt Ngữ, ông Nguyễn Việt Phương, Nghiên cứu viên về vấn đề hạt nhân thuộc Trung tâm Belfer, Trường hành chính Kennedy, Đại học Harvard, cho biết rằng ông “không bất ngờ” trước quyết định của Việt Nam vì đã thấy việc nhiều lần trì hoãn khởi công nhà máy.
Ông cho biết thêm đã “nói chuyện với một số chuyên gia nước ngoài, một số cựu quan chức thì họ cũng đều không tỏ ra bất ngờ lắm trước quyết định này vì đối với các quốc gia đang phát triển, thì điện hạt nhân quả thực là một món ăn không dễ nuốt”.
Nhà nghiên cứu này nói thêm:
“Theo tôi, lý do quan trọng nhất của việc dừng dự án điện hạt nhân, đấy là tính kinh tế của điện hạt nhân bây giờ không còn nữa vì hai điều. Thứ nhất, nhu cầu điện năng của Việt Nam trong thời gian qua có hãm lại một chút so với thời điểm mình định phát triển điện hạt nhân. Và thứ hai là, việc phát triển điện hạt nhân quả thực là quá đắt trong điều kiện kinh tế của Việt Nam hiện nay”.
Ông Phương cho rằng việc thay đổi đội ngũ lãnh đạo ở Việt Nam thời gian qua “không phải là yếu tố quan trọng nhất” dẫn tới việc ngừng chương trình điện hạt nhân của Việt Nam.
Về quan ngại của người dân, nhà nghiên cứu này cho rằng theo quan sát cá nhân của ông, điện hạt nhân “không bị phản đối kịch liệt như ở một số nước”.
Tờ báo của xứ sở mặt trời mọc đưa tin rằng Nhật Bản giành hợp đồng xây dựng các nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam năm 2010 trong cuộc gặp giữa Thủ tướng nước này khi ấy là ông Naoto Kan và người đồng nhiệm Nguyễn Tấn Dũng.
Tờ báo cũng đăng bức ảnh hai người đứng đầu chính phủ Việt Nam và Nhật Bản khi ấy bắt tay và cười tươi khi ký thỏa thuận.
Nikkei viết rằng “các quan chức của Bộ Ngoại giao Nhật Bản cũng có mặt tại cuộc họp và vỗ tay tán thưởng”.
Tờ báo đặt câu hỏi: “Liệu có bất kỳ ai tham gia đấu thầu từng đặt ra suy nghĩ rằng dự án có thể sẽ khó thực hiện vì khó khăn về tài chính và kỹ thuật?”
Về lý do ngưng dự án, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, được VnExpress dẫn lời nói rằng “công nghệ hạt nhân của Nga và Nhật Bản đều tiên tiến nhất hiện nay và có mức độ an toàn rất cao” nên “việc dừng dự án không phải với lý do công nghệ, an toàn mà do điều kiện kinh tế nước ta hiện nay”.
Trong bài viết có tựa đề “Số phận của năng lượng hạt nhân ở Việt Nam” trên một trang web dành cho các nhà khoa học về hạt nhân và nguyên tử, nhà nghiên cứu Nguyễn Việt Phương viết: “Trong khi bản thân người Việt sẽ thua thiệt nhất từ quyết định ngừng phát triển hạt nhân của chính phủ, nó còn có thể gây ra những tác động bên ngoài đất nước, đối với các đối tác kinh doanh của Hà Nội và đối với an ninh hạt nhân trong khu vực và trên toàn thế giới”.
Cũng liên quan tới vấn đề điện hạt nhân và Việt Nam, hồi tháng Mười, thông tin ba nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc, nằm cách Việt Nam không xa, chính thức đi vào hoạt động, thu hút sự quan tâm của dư luận trong nước.
Báo chí đăng tải nhiều bài viết về sự kiện này với những hàng tít như “Không được chủ quan với nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc” hay “Nguy cơ của các nhà máy điện hạt nhân đặt gần Việt Nam”.
Theo ông Nguyễn Việt Phương, việc các nhà máy điện hạt nhân xây ở gần biên giới các quốc gia không phải là chuyện hiếm và “vấn đề mà chúng ta phải đặt ra ở đây là “làm thế nào phải đảm bảo đường dây thông tin giữa Việt Nam và Trung Quốc về vấn đề an toàn. Và vấn đề thứ hai đó là đề nghị Trung Quốc xúc tiến việc đảm bảo an toàn cho các nhà máy này”.
http://www.voatiengviet.com/a/vn-day-nhat-1-bai-hoc-trong-vu-dien-hat-nhan/3624848.html
TBT Nguyễn Phú Trọng: Sẽ bắt được ông Trịnh Xuân Thanh
Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng, nói rằng sớm hay muộn thì chính quyền Việt Nam sẽ bắt được ông Trịnh Xuân Thanh hiện trốn ở nước ngoài.
Ông Tổng bí thư nói như thế trong một cuộc gặp cử tri quận Long Biên, thủ đô Hà Nội vào ngày hôm nay thứ Ba 6/12/2016.
Ông cho biết thêm là trong vụ án liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh đã có 8 cán bộ bị kỷ luật.
Xin nhắc lại là ông Trịnh Xuân Thanh từng là một cán bộ quản lý cao cấp của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, sau đó ông được chuyển sang làm Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang. Ông bị cho có liên quan đến một vụ thất thoát hàng ngàn tỉ đồng tại Tổng Công ty Cổ Phần Xây Dựng thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Ông Trịnh Xuân Thanh bị đảng Cộng sản Việt Nam khai trừ khỏi đảng sau khi ông công bố trên mạng internet một lá đơn xin ra khỏi đảng, trong lúc được cho là đang trốn ở nước ngoài.
Sau đó chính phủ Việt Nam đã phát lệnh truy nã quốc tế đối với ông Thanh. Hiện không có một tin chính thức nào từ nhà nước Việt Nam cho biết ông đang trốn tránh ở đâu.
Cũng liên quan vấn đề chống tham những, khi trả lời câu hỏi của cử tri: Tại sao cựu Vộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã về hưu sao còn bị cách chức? Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói rằng Bộ chính trị đảng cộng sản Việt Nam đang chỉ đạo cho Quốc hội xây dựng căn cứ pháp lý để xử tội những trường hợp như ông Vũ Huy Hoàng.
Phó Chủ tịch Hội nhà báo VN
đề nghị điều tra việc xúc phạm các nhà báo
Ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội nhà báo Việt Nam cho biết là ông đã gửi một công văn lên Thanh tra chính phủ, đề nghị xem xét việc ông Nguyễn Minh Mẫn, Vụ trưởng một vụ thuộc cơ quan này, đã có lời lẽ xúc phạm các nhà báo.
Theo báo Tuổi trẻ tại thành phố Hồ Chí Minh thì trước đó một đoạn ghi âm tiếng nói của ông Nguyễn Minh Mẫn đã được đưa lên mạng xã hội. Trong đoạn ghi âm ông Mẫn đang phát biểu tại một cuộc họp với Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, ông Mẫn nói rằng bất cứ ai tiết lộ những sai phạm trong các công trình xây dựng của đại học quốc gia ra cho báo chí sẽ bị kỷ luật.
Và điều làm xúc phạm các nhà báo là ông Mẫn nói rằng nếu các nhà báo tìm đến thì ông sẽ đuổi ngay lập tức.
Xin nhắc lại Việt Nam hiện có chừng 800 đơn vị báo chí- truyền thông; tuy nhiên tất cả đều do nhà nước quản lý.
Indonesia trao trả 57 ngư dân cho Việt Nam
Trưa hôm nay 57 ngư dân Việt Nam đã được Indonesia trao trả cho cơ quan ngoại giao Việt Nam tại sân bay quốc tế thủ đô Jakarta. Và ngày mai sẽ lên đường hồi hương.
Số ngư dân này đi đánh cá trên các tàu thuộc các tỉnh Bình Thuận, Kiên Giang, Tiền Giang, Bà Rịa- Vũng Tàu, và đã bị hải quân hoặc kiểm ngư Indonesia bắt giữ với lý do vi phạm vùng biển của nước này.
Toàn bộ 57 người này bị giam trên đảo Natuna của Indonesia. Người bị giam lâu nhất là 5 tháng.
Báo chí Việt Nam cho biết là theo qui định của Indonesia thì khi các tàu đánh cá nước ngoài vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của nước này thì chỉ có thuyền trưởng sẽ bị tù tối đa là 12 tháng, còn ngư dân trên tàu sẽ được trả về nước.
Trong thời gian gần đây Indonesia áp dụng một biện pháp rất cứng rắn là đánh chìm các tàu đánh cá nước ngoài vi phạm lãnh hải, sau khi tòa án ra các bản án tù dành cho các thuyền trưởng.
http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/indo-releases-57-vnese-fishermen-12062016095419.html
“Xúc phạm lãnh tụ”, một cái gông khác cho nhà báo
Mặc Lâm, RFA
Nhà báo Phùng Hiệu, quyền phụ trách cơ quan phía Nam của tờ Nhà Báo & Công Luận thuộc Cơ quan Trung ương Hội nhà báo Việt Nam vừa bị ngưng việc và có thể bị kỷ luật do ông viết trên Facebook cá nhân phê phán lãnh tụ Fidel Castro sau khi ông này mất vào ngày 27 tháng 11 vừa qua.
Việc này được dư luận đánh giá là cái cùm ngày một siết chặt cổ báo chí lề phải trong việc trình bày chính kiến riêng của mình thông qua một vấn đề, một nhân vật mà Đảng không muốn bàn tới.
Status của Phùng Hiệu
Trước ngày lãnh tụ Fidel Castro được cử hành quốc tang tại Việt Nam dòng status trên Facebook của nhà báo Phùng Hiệu như một tiếng sét trong làng báo lề phải vì dám nói lên suy nghĩ của một nhà báo dòng chính dám nêu một thực trạng mà người dân đã chán ngán tận cổ đó là thói sùng bái lãnh tụ, dòng tâm trạng có nội dung như sau:
“Xin thắp cho ông Fidel Castro một nén nhang, chúc cho dân tộc của ông bước sang một trang sử mới. Sau gần 50 năm cai trị đất nước Cuba với sự độc tài, bảo thủ và tôn thờ chủ nghĩa Marx một cách mê muội, ông Fidel Castro đã để lại một Cuba nghèo nàn, lạc hậu với những chiếc xe Lada cũ kỹ thời Xô Viết và những chiếc tivi màn hình đen trắng.
Mấy hôm nay báo chí và nguời dân nuớc tôi cứ ngây thơ ca ngợi, tiếc thuơng ông mà không xót xa cho một đất nước hơn nửa thế kỷ chìm đắm, ngủ quên trong lạc hậu và bị cô lập, cấm vận; mất cả quyền tự do, bình đẳng. Rất may nguời em của ông đã nhìn thấy và kịp vực dậy, đưa dân tộc thoát dần ra khỏi tối tăm. Hy vọng sau khi ông mất nguời dân Cuba sẽ hòa nhập vào thế giới tiến bộ của con nguời.”
Ý kiến giới cầm bút
Đối với cư dân mạng thì câu status này rất bình thường chẳng có gì nghiêm trọng đến nỗi phải e dè, sợ hãi nhưng đối với một nhà báo, những gì anh viết lên trái với ý muốn của hệ thống là cả một sự phấn đấu tâm lý, vượt qua sự sợ hãi thường nhật để nói lên suy nghĩ của anh vốn không được trang trải trên mặt tờ báo mà mình đang công tác.
Sự khác biệt này được nhà báo Nguyễn Đình Ấm chia sẻ:
“Cái status của ông này rất là thật chứ không có gì sai trái cả thế nhưng do nói trái với ý của Đảng thế thôi vì đây không có luật gì cả. Giống như ông Như Phong ông ấy đăng lại bài báo của bà con ở nước ngoài tuy không có gì sai, ông ta chỉ đăng lại nhưng cũng bị cách chức sa thải.
Ngày xưa tôi cũng học ở đại học báo chí. Học viện báo chí người ta dạy việc có thật thì phải đúng lợi ích của Đảng mới được còn làm gì mà không lợi ích cho Đảng thì không được viết. Anh nào cũng thế thôi nhưng trong thời gian gần đây thì khắc khe hơn nhiều.
Hồi xưa thì anh có thể nói nhẹ tới những điều không trúng ý Đảng thì có thể được nhưng mấy năm nay thì quá tệ hại tức là người ta quá khắc khe về cái việc này tức là nói hơi đụng một tí không trúng ý Đảng thì có thể bị sa thải luôn.
Nhà báo bây giờ ở Việt Nam rất là khó bởi vì kinh tế thì sa sút, quảng cáo ít đi sự thật không được nói nên nhà báo Việt Nam bây giờ rất khổ những nhà báo chân chính dần dần có lẽ bị loại hết.”
Nhà báo Nguyễn Thông, hiện đang viết cho tờ Một Thế Giới đã than trên trang Facebook của mình:
“Đọc lại những nhận xét của nhà báo Phùng Hiệu, tôi thấy anh chả có gì sai, chỉ nói ra một sự thật cay đắng mà những người u mê xứ ta không dám công nhận. Bộ máy cai trị giờ tệ đến nỗi khi ai đó nói lên sự thật về một người… nước ngoài cũng làm nó phải giãy nảy lên.
Bây giờ họ trừng phạt anh ấy (Phùng Hiệu) nhưng tôi tin rằng chả bao lâu nữa họ phải âm thầm thừa nhận anh ấy đã nói đúng, quá đúng.
Qua vụ này, thấy thế sự đảo điên hết cả rồi”.
Tuy nhiên ngay cả việc chia sẻ một việc đơn giản như vậy vẫn không dễ dàng đối với các nhà báo khác, nhà báo Đức Hiển của tờ Pháp Luật khi được hỏi về việc này đã khéo léo thoái thác:
“Đang kẹt rồi anh ơi đang trực không nói chuyện được anh Lâm ơi.”
Vai trò của Hội Nhà Báo VN?
Hội Nhà báo Việt Nam được thành lập để trợ giúp hội viên của mình từ tinh thần đến vật chất, nhất là đối với những nhà báo đang gặp khó khăn về mặt kỹ thuật hay pháp lý, tuy nhiên khi ông Phan Hữu Minh, Trưởng ban Ban Kiểm tra, Hội Nhà báo Việt Nam được chúng tôi hỏi về nhà báo Phùng Hiệu đã tránh né khi nói:
“Anh có thể hỏi anh Hồ Quang Lợi hộ tôi được không, tôi đang lái xe trên đường anh ạ với lại tôi không chuẩn bị gì cả, thế anh hỏi anh Lợi đi vì ảnh ở nhà và việc này ảnh biết hơn ạ.”
Kiểm soát nhà báo trên mạng
Vấn đề kiểm soát ngôn ngữ của nhà báo trên mạng xã hội không phải mới xảy ra đối với anh Phùng Hiệu, nhà báo Đỗ Hùng, tức facebooker Mít Tờ Đỗ, Phó Tổng Thư ký tòa soạn báo Thanh Niên, phụ trách nội dung online đã đăng một status “toàn dấu sắc”, nhan đề “Quốc khánh” có tính chất trào phúng:
“Lúc ấy, Thế chiến (thứ mấy tớ . . . .nhớ), Đế quốc đánh với Phát xít. Phía Phát xít, Thống chế chết. Đám tướng tá, lính lác đánh đấm kém, chết hết (. . .) sót mấy mống. Phía Đế quốc thắng lớn. Thế chiến kết thúc.
Chớp lấy cái thế ấy, bác Ái Quốc, tướng Giáp với mấy chú, mấy mế xứ Pác Bó vác cuốc, vác giáo mác, vác súng ống xuống đánh phát xít, đánh Pháp, cướp lấy khí giới, cướp thóc, chiếm bốt, cứ thế đánh tới bến…”.
Ngay lập tức nhà báo Đỗ Hùng bị tạm đình chỉ công tác và một thời gian trầy trật rất căng thẳng anh mới được nhận trở lại cho báo Thanh Niên sau khi tự kiểm điểm không biết bao nhiêu lần đối với nhiều quan chức trong ngành báo chí và cả với Ban tuyên giáo Trung ương.
Với nhà báo Phùng Hiệu sau khi bị đình chỉ công tác và tước quyền phụ trách cơ quan phía Nam của tờ Nhà Báo & Công Luận đã nói với nhà báo Lê Nguyễn Hương Trà rằng:
“Năm nay tam tai mà, nhưng tôi chỉ nói đúng sự thật thôi. Với lại 10 năm làm báo là quá đủ rồi. Báo tôi bán đâu ai mua, làm thằng đại diện phía Nam phải chạy vạy làm ra tiền nuôi cả chục anh em, rồi phải chạy chỉ tiêu cả tỉ bạc hàng năm cho cơ quan. Mỗi lần đi xin quảng cáo các doanh nghiệp tôi thấy quá xá nhục. Thôi, sẵn dịp này bỏ nghề luôn!”
Với gần 18 ngàn nhà báo còn lại chữ “bỏ nghề” xem ra quá khó khăn vì cơm áo gạo tiền của họ và gia đình.
Không ít anh chị em trong làng báo cho rằng người làm báo thời nay còn khó khăn tủi hổ hơn thời kỳ của thực dân Pháp mặc dù phương tiện in ấn lúc ấy còn thô sơ nhưng ít ra không ai bắt nhà báo phải ca tụng lãnh tụ cũng như phải tránh xa kẻo phạm húy khi nhắc tới một nhân vật nước ngoài nào đó như Fidel Castro.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/another-shackle-for-vn-journalists-12062016113646.html
Chuyên gia nói gì về tin đồn Việt Nam đổi tiền?
Các chuyên gia tài chính trao đổi với BBC về tin đồn Việt Nam sắp đổi tiền trong bối cảnh tỷ giá USD và giá vàng tăng mạnh.
Truyền thông Việt Nam tường thuật tỷ giá đôla Mỹ tại các ngân hàng thương mại và thị trường tự do “đồng loạt tăng mạnh trong hôm 6/12”.
Giá USD trên thị trường tự do được ghi nhận “ở mức 23.217 đồng/USD, tăng 170 đồng”.
Hôm 6/12, trả lời BBC từ TP Hồ Chí Minh, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nói: “Tôi cho rằng mọi người nên bình tĩnh trước tin đồn vì hiện tại tôi không thấy có căn cứ hoặc dấu hiệu nào khiến chính phủ Việt Nam phải tính đến cách này.”
Tuy vậy, tiến sĩ cũng nói thêm: “Việt Nam đang chịu áp lực từ bên ngoài và bên trong về tỷ giá.”
“Trong những tháng cuối năm, cả doanh nghiệp và chính phủ đều cần ngoại tệ để trả nợ.”
“Dù thế, tôi vẫn tin là Ngân hàng Nhà nước đang có trong tay công cụ hữu hiệu để kiểm soát tỷ giá.”
Ông Hiếu cũng cho hay “không thấy mối tương quan giữa nợ công đang gia tăng và tin đồn đổi tiền”.
Theo ông, để giảm thiểu những tin đồn liên quan đến chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước “cần cung cấp thông tin chính thức về vốn tự có của những ngân hàng bị mua với giá 0 đồng, cũng như tìm cách giải quyết dứt điểm vấn đề nợ xấu, sở hữu chéo, đầu tư chéo của các ngân hàng”.
Đổi tiền ‘khó xảy ra’
Cùng ngày, từ Đại học Strasbourg, Pháp, chuyên gia tài chính Nguyễn Văn Phú nói với BBC: “Tin đồn đổi tiền sẽ có tác động tiêu cực lên kinh tế Việt Nam, gây thiệt hại cho cả doanh nghiệp lẫn nhà nước.”
“Trước mắt là sẽ gây khó khăn cho việc điều tiết chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.”
Tiến sĩ nói thêm: “Việc đổi tiền có thể là không có thật. Tuy nhiên việc để biến động tỷ giá giữa VND và USD như hiện nay cho thấy khả năng ứng phó của Ngân hàng Nhà nước có vấn đề.”
Việc đổi tiền có thể là không có thật. Tuy nhiên việc để biến động tỷ giá giữa VND và USD như hiện nay cho thấy khả năng ứng phó của Ngân hàng Nhà nước có vấn đềNguyễn Văn Phú
“Có thể nó xuất phát từ việc ngân sách dự trữ ngoại hối của Việt Nam không đủ khả năng để hỗ trợ tỷ giá cho VND.”
“Nếu dự trữ ngoại hối dồi dào thì sẽ không có việc biến động tỷ giá quá lớn như vậy trong các ngày qua.”
“Việt Nam thông báo có dự trữ ngoại hối trên 40 tỷ USD, nhưng đây là những con số không minh bạch, khó kiểm chứng.”
“Tuy nhiên, theo tôi, việc đổi tiền có thể khó xảy ra vì chuyện này sẽ gây nhiều hậu quả khó đoán trước như lạm phát, tiền VND tiếp tục mất giá nặng hơn, khủng hoảng kinh tế.”
Ông Phú cho rằng việc bác tin đồn gặp nhiều khó khăn do “Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không có sự độc lập, dù chỉ có tính tương đối, trong việc điều hành chính sách tiền tệ”.
“Khi việc điều hành chính sách không minh bạch, thì đây là đất sống của các tin đồn.”
“Về lâu dài, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần phải có sự độc lập nhằm tăng sự minh bạch.”
“Các nhà đầu tư trên thị trường ngoại tệ hoạt động theo dự đoán về các thông tin chính sách, tỷ giá. Nếu dự đoán sai thì hậu quả vô cùng lớn, do đó khi Ngân hàng Nhà nước minh bạch thông tin, thì sẽ giúp các nhà đầu tư dự đoán tốt hơn, không phải đối phó các tin đồn thất thiệt,” ông Phú nói với BBC hôm 6/12.
Lần đổi tiền gần nhất của Việt Nam diễn ra hồi tháng 9/1985 nhằm “phục vụ cuộc cách mạng về giá và lương”, theo tỷ lệ 10 đồng tiền cũ ăn 1 đồng tiền mới.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú được báo Thanh Niên hôm 5/12 dẫn lời: “Trong điều kiện kinh tế xã hội đang ổn định, không có lý do gì lại phải đổi tiền, kể cả thay đổi cơ cấu mệnh giá.”
“Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hoàn toàn không có động tác hay hoạt động nào liên quan đến đổi tiền. Bởi giá trị, cơ cấu, mệnh giá VND là hoàn toàn phù hợp và đáp ứng yêu cầu trong hoạt động thanh toán của nền kinh tế.”