Tin Việt Nam – 06/11/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 06/11/2017

Sách nhiễu mạnh tay trước Hội nghị APEC

Trong tháng 10 vừa qua, khi thành phố Đà Nẵng chuẩn bị ráo riết cho Hội nghị Cấp Cao thường niên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 29, thì nhiều nhà hoạt động tại địa phương này bị Công an ép đi làm việc. Họ phải làm việc về chuyện gì và nhận định của họ thế nào trước biện pháp đó của công an?

An ninh Thành phố Đà Nẵng gửi giấy mời

Tổng cộng có 4 người đã bị Cơ quan An ninh Thành phố gửi giấy mời lên làm việc. Anh Trần Lê Quang Vĩnh một người lên tiếng đấu tranh cho tự do, dân chủ tại Đà Nẵng cho biết đã nhận 3 giấy mời liên tiếp, lần lượt vào các ngày 18, 20, 23 tháng 10 năm 2017. Nội dung yêu cầu anh này đến cơ quan an ninh làm việc. Anh thuật lại:

Chính quyền quan tâm mình, mời giấy mời mình vì cái clip, nhưng mình nghĩ cái mục đích của nó cũng vì vấn đề APEC. Đương nhiên khi mà một người bị công an mời thì tâm lý thứ nhất, thứ 2 là gia đình họ cũng ảnh hưởng vì cái tâm lý đó, thứ ba là nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến công ăn việc làm của họ, khi mà họ phải bỏ thời gian để lên theo giấy mời. Nếu không lên theo giấy mời thì họ sẽ có cái biện pháp tiếp theo. Có thể mình chưa nhìn nhận ra cái biện pháp gì, nhưng mà chắc không dễ gì để cho mình ổn định mà sống.”

Anh cũng có nhận định rằng:

“Họ cũng muốn kiểm soát mình và tìm hiểu tư tưởng của mình cỡ như nào và trạng thái của mình khi đối mặt với họ, nó ở vị trí nào để có thể họ tạo một cái hồ sơ để dễ quản lý mình.”

Anh Bùi Tuấn Lâm cũng là một người đấu tranh đang sinh sống tại Đà Nẵng và cũng đã được cơ quan an ninh mời lên làm việc cho biết:

Trong thời gian sắp diễn ra APEC thì động thái của chính quyền là một số người bị đánh giấy mời, một số người bị triệu tập. Theo mình nghĩ đó là động thái người ta muốn “nắn gân” những người bất đồng ở trong khu vực diễn ra APEC thôi.

– Nhà báo tự do Hồ Xuân Thịnh

“Thời gian vừa qua thì cơ quan PA88 của Đà Nẵng, người ta cũng có gởi giấy mời về cho tôi về vấn đề làm việc. Sau 4 lần gặp mời thì tôi cũng sắp xếp thời gian đi. Thời gian đầu thì người ta gởi giấy mời tôi không đồng ý về những cái nội dung của cái giấy mời cho nên tôi phản đối. Tôi đã yêu cầu phải thay đổi cho nó phù hợp. Theo như giấy mời thì người ta ghi là mời lên làm việc về những vấn đề quan điểm và những bài viết trên facebook. Bản thân tôi thì tôi cũng thấy nó làm phiền nhiễu tới công việc của bản thân, của gia đình.

Với bản thân mình thì mình nghĩ là đúng ra những việc này nó không cần thiết. Đó là vấn đề nó vi phạm về quyền tự do của công dân. Như chúng ta biết thì pháp luật thì nó nằm trong tay của cơ quan công an nên người ta muốn làm gì thì người ta làm thôi.”

Sức ép từ chính quyền

Ngoài ra còn có anh Khúc Thừa Sơn một công dân sinh sống tại Đà Nẵng, hiện đang làm việc tại Sài Gòn, đã liên tục nhận 2 giấy mời vào ngày 31 và ngày 6 tháng 9 năm 2017 anh đã từ chối vì công việc quá bận rộn. Sau đó cơ quan an ninh đã thay đổi từ giấy mời sang giấy triệu tập.

Tổng cộng đã có 6 giấy triệu tập, vào các ngày 12, 16, 17, 19, 20, 21.  Vì do công việc quá nhiều nên anh không thể làm việc theo yêu cầu của cơ quan an ninh. Nhưng cơ quan an ninh đã liên tục gây sức ép đối với gia đình anh, buộc anh phải bỏ dở công việc để về lại Đà Nẵng. Sau buổi làm việc anh về lại Sài Gòn công tác, nhưng ngày hôm sau cơ quan an ninh lại tiếp tục đánh giấy mời. Vì có sự đe dọa từ phía an ninh nên anh đã từ chối phỏng vấn.

Không chỉ riêng anh Khúc Thừa Sơn mà còn có chị Hoàng Hồng Thái cũng bị gây sức ép không thể trả lời phỏng vấn.

Với những việc làm trên của cơ quan an ninh Thành phố Đà Nẵng, anh Hồ Xuân Thịnh hiện là nhà báo tự do tại Đà Nẵng nhận định rằng:

“Trong thời gian sắp diễn ra APEC thì động thái của chính quyền là một số người bị đánh giấy mời, một số người bị triệu tập. Theo mình nghĩ đó là động thái người ta muốn “nắn gân” những người bất đồng ở trong khu vực diễn ra APEC thôi.”

Biện pháp mời công dân đi làm việc như đối với 4 nhà hoạt động vừa nêu bị chỉ trích không theo đúng các qui định của luật pháp Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên như trình bày của những người trong cuộc, họ không thể từ chối sau nhiều lần bị mời, rồi áp lực từ phía cơ quan chức năng đối với người thân, gia đình.

Tình trạng này không chỉ xảy ra đối với các nhà hoạt động tại Đà Nẵng mà còn ở nhiều nơi khác trên cả nước.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/reportfromvn/harrass-dissident-before-apec-11062017103318.html

 

Bão 12 gây thiệt hại nặng cho Việt Nam ngay trước APEC

Có gần 50 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương, tính đến 9 giờ tối ngày 6/11, sau khi cơn bão số 12 với tên gọi quốc tế là Damrey đổ bộ vào miền Trung Việt Nam vào ngày 4 tháng 11. Đây là thời điểm ngay trước thềm Hội nghị Cấp Cao thường niên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương APEC lần thứ 29.

Đà Nẵng, nơi tổ chức Hội nghị APEC, đã không bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhưng cơn bão đã đổ bộ vào phố cổ Hội An, một trong những di sản thế giới được UNESCO công nhận, cũng là nơi phu nhân của các vị lãnh đạo cấp cao tham dự APEC lần này sẽ đến tham quan vào cuối tuần này.

Những nhà hàng và khách sạn tại Hội An đã bị ngập trong nước, và khoảng 300.000 người dân và du khách được di tản ra khỏi đây bằng thuyền. Công tác khắc phục hậu quả đang được tiến hành nhanh chóng.

Cựu bí thư thành phố Hội An, ông Nguyễn Sự, vào chiều tối ngày 6 tháng 11 cho Đài Á Châu Tự Do biết một số thông tin về tình trạng mưa lũ tại phố cổ này:

Mấy ngày qua ở khu vực miền Trung, đặc biệt là Quảng Nam mưa rất lớn, mưa trên nguồn kết hợp với triều cường đúng ngày 16 và 17 âm lịch và gió mùa đông bắc. Đồng thời vì lượng mưa quá lớn nên các hồ trên núi phải xả lũ dẫn đến nước Hội An lên rất nhanh và lên cao. Đêm qua lúc 2 giờ sáng nước ở Hội an đã lên mức 3m17 trên báo động 3 là 1m17 tương đương lũ năm 1999. 6 năm nay lượng mưa đã giảm kể cả ở hạ du và đầu nguồn. Hiện nay mực nước đang rút xuống mà xuống chậm, hiện nay mực nước ở Hội An còn cao, dù là ở mức 2m97 tức là trên mức báo động ba là 0m97 và tình hình đến bây giờ là ổn hơn hôm qua nhiều.

Thiệt hại về vật chất do bão số 12 gây nên ở miền Trung hiện đã ở mức chục ngàn tỷ đồng. Đến giờ, tin cho hay có hơn 1.000 căn nhà bị sập đổ, và gần 115.000 căn nhà bị tốc mái, hư hỏng.

Khánh Hòa là tỉnh bị ảnh hưởng nặng nhất với 27 người chết, 5 người mất tích và 89 người bị thương. Bản tin trên mạng của Người Lao Động online viết rằng: Khánh Hòa tan hoang như bình địa, người chết tăng không ngừng.

Ông Huỳnh Ngọc Đông, Chánh văn phòng tỉnh Khánh Hòa vào chiều ngày 6 tháng 11 cho Đài Á Châu Tự Do biết công tác khắc phục và việc bồi thường do trận bão gây nên tại địa phương này:

Chiều này chính phủ tiến hành họp trực tuyến, trong đó có Khánh Hòa, nghe các biện pháp khắc phục sau bão. Hiện nay chính quyền địa phương tỉnh Khánh Hòa cũng đã triển khai xuống các địa phương thực hiện công tác hỗ trợ cho người dân trong công tác khắc phục hậu quả.

Về chính sách thì chúng tôi cũng bảo đảm theo qui định mức hỗ trợ cho người bị thiệt mạng, nhà bị sập, nhà bị đổ. Đó là người bị chết hỗ trợ 20 triệu đồng một người, một nhà bị sập hoàn toàn 20 triệu đồng, một nhà bị đỗ 15 triệu đồng… Chúng tôi đang kêu gọi các tổ chức cùng tham gia hỗ trợ vào quĩ từ thiện để giúp cho dân.”

Như lời ông Huỳnh Ngọc Đông thì vào chiều nay, ngày 6 tháng 11 năm 2017, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với một số tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, để cùng thảo luận về công tác khắc phục hậu quả của cơn bão số 12.

Sau cuộc họp, văn phòng chính phủ cho biết những công tác được thực hiện ngay là hỗ trợ khẩn cấp cho các địa phương bị thiệt hại nặng nề, cung cấp nhu yếu phẩm thiết yếu để người dân không bị đói rét hay thiếu nước uống, đồng thời tập trung lực lượng và phương tiện để tìm người mất tích, và cứu chữa những người bị thương.

Trong khi đó, Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn trung ương cho biết mưa to vẫn tiếp tục diễn ra ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định, phải đến hết ngày 8 tháng 11 mới chấm dứt.

Những bản tin chúng tôi ghi nhận được cho thấy mực nước sông ở các tỉnh vừa nói tiếp tục dâng cao, có thể dẫn đến tình trạng vớ đê điều, hồ đập.

VNExpress dẫn lời ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển-Nông Thôn nói rằng: Tất cả những khu vực đang bị đe dọa ảnh hưởng nặng nề, tất cả các hồ và sông đều ngập nước.

Mưa to, lũ lớn cũng gây nguy cơ sạt lở đất đai ở những khu vực miền núi.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-flood-toll-hit-49-ahead-of-apec-summit-11062017080657.html

 

Có phải gửi tiền vào ngân hàng là ham lãi,

mang giấc mơ làm giàu?

Nguyễn Tường Thụy

Tiết kiệm là một chủ trương lớn của nhà nước Việt Nam ít nhất cũng bằng lời nói, chẳng phải bây giờ mà từ rất lâu rồi. Tôi không biết lần đầu nhà nước hô hào tiết kiệm là thời gian nào, chỉ biết là ngay từ khi đang đánh nhau với Pháp. Tôi lớn lên đã nghe nói đến. Lớn tí nữa thì thấy trên các đường phố, nơi công cộng có những khẩu hiệu hô hào tiết kiệm. Hồi năm 197x, có lần đi trên đường phố thị xã Sơn Tây tôi thấy một cái pano viết: “Tiết kiệm nhà nước hô hào /Anh chị đã gửi đồng nào hay chưa?”. Đọc thấy bật cười vì ngồ ngộ về chữ nghĩa nhưng rõ ràng nó phản ánh chủ trương tiết kiệm của nhà nước. Tới thập niên 80 thì thấy nâng tiết kiệm lên thành “quốc sách”, rồi “quốc sách hàng đầu”. Nói thế để biết nhà nước ngày càng coi trọng tiết kiệm, càng nợ nần, càng hô hào mạnh.

Đấy là đề cập tới chuyện nói chứ không phải chuyện làm. Cứ xem các quan lớn phá của dân, ăn chơi trác táng, trụy lạc thì đủ biết họ có tiết kiệm không. Chuyện này các quan biết, dân biết, người lớn tới trẻ con đều biết nên không kể ra ở đây.

Tiết kiệm ngoài hạn chế tiêu pha còn là sử dụng hợp lý đồng tiền, vật tư, lao động trong sản xuất kinh doanh, trong tiêu dùng. Gửi tiền nhàn rỗi lấy lãi suất là một nội dung của tiết kiệm, là hưởng ứng hoặc hợp với chủ trương của nhà nước. Ngân hàng làm tốt điều này thì người gửi và người vay đều có lợi. Và như vậy, đồng tiền được sử dụng hợp lý, không bị nằm chết mà luôn vận động, người gửi có lãi suất và người sản xuất có vốn để kinh doanh.

Thế mà gần đây, việc gửi tiền vào ngân hàng lại bị chỉ trích nặng nề. Trong khi luật sư Lương Thanh Đức cho rằng gửi tiền vào ngân hàng là “kinh doanh”, người gửi ham lãi suất thì phải chịu rủi ro là đúng thì chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho gửi tiết kiệm không chỉ là ham lãi nữa mà là mang “giấc mơ làm giàu” cần phải “thức tỉnh” bằng cách cho ngân hàng phá sản.

Nếu chỉ cảnh báo đừng đặt lòng tin vào ngân hàng yếu kém thì không nói làm gì. Nhưng chỉ trích, qui kết người gửi như thế là không nên.  Ý kiến của ông Thành và ông Đức nhận được nhiều lời chê bai trên mạng xã hội.

Vậy ngân hàng đã đem lại cho người gửi tiền những gì? Khi mang tiền nhàn rỗi của mình ra ngân hàng gửi, họ đã rất tội nghiệp. Họ phải gửi vì không có khả năng hoặc điều kiện kinh doanh nên không biết làm gì hơn. Cái gọi là lãi tiền gửi chỉ nhằm bù đắp hoặc bù đắp phần nào giá cả tăng do lạm phát, tức là đối phó với sự mất giá của đồng tiền. Vì vậy, không thể nói họ có thể làm giàu từ tiền gửi. Đã xảy ra những chuyện dở khóc dở cười như “12 sổ tiết kiệm trị giá căn nhà: Sau 20 năm còn 3 bát phở”, “Gửi tiết kiệm một chỉ vàng, hơn 30 năm sau nhận lại…20.000đồng”, “Gửi tiết kiệm 2 chỉ vàng sau 34 năm còn 0 đồng”

Còn chuyện tiền gửi bị “bốc hơi”, mất hàng trăm tỉ hiện nay không hiếm, báo chí đã thông tin khá nhiều.

Điều này giải thích tại sao, nhiều người tích trữ vàng, ngoại tệ mà không chịu bán lấy tiền đồng VN gửi vào ngân hàng để lấy lãi.

Gán cho có giấc mơ làm giàu, ham lãi suất nhưng huy động vốn trong dân không dễ

Đợt khủng hoảng tiền tệ năm 1986-1988 do cải cách Giá-Lương-Tiền đã cuốn phăng ghế của một ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng mà trước đó đã có “triệu chứng” Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Lạm phát lên tới 774%, một số mặt hàng tăng giá gấp vài nghìn lần so với 10 năm trước. Lãi tiền gửi có lúc lên tới 12% /tháng. Nhiều người không dám gửi tiết kiệm mà đi mua hàng… cất đi như một hình thức giữ của đã gây nên tình trạng thiếu giả tạo, hàng tiêu dùng đã khan hiếm lại càng khan hiếm thêm.

Vốn trong dân hiện nay còn nhiều dưới dạng vàng, ngoại tệ, tiền Việt nhưng thu hút đâu có dễ. Nhà nước đang tính cách huy động nguồn vốn này nhưng chưa biết bằng cách nào. Thế nhưng một ông chuyên gia kinh tế và một ông luật sư lại chỉ trích những người gửi tiền vào ngân hàng là mang giấc mơ làm giàu rồi “dọa” cho ngân hàng phá sản để trị căn bệnh ham lãi. Vừa chỉ trích, vừa “dọa”, điều này tác động rất nhiều đến tâm lý người dân và vì vậy việc huy động tiền nhàn rỗi trong dân đối với các ngân hàng sẽ gặp khó khăn. Tiền không huy động được trong khi doanh nghiệp lại thiếu vốn sản xuất kinh doanh thì nền kinh tế làm thế nào “cất cánh”?

Và như thế sẽ sinh ra khả năng tiền nhàn rỗi trong dân lại tìm đến tư nhân hoặc họ lại tiêu pha cho hết hay mua nhà đất rồi để đấy. Khi đó, nguồn vốn không được tham gia vào quá trình tái sản xuất và lại gây ra tình trạng giá ảo. Sự tin cậy đối với các ngân hàng thương mại sẽ không còn nữa. Cho tư nhân vay dẫu có rủi ro nhưng không rủi ro bằng việc chỉ bảo hiểm tiền gửi với mức 75 triệu đồng/sổ, nhiều người hàng tỉ đồng sẽ bị mất trắng. Nếu như trước đây, người dân tin tưởng ở ngân hàng mà đem tiền đi gửi, từ chối cho tư nhân vay dù lãi gấp nhiều lần vì có nhiều rủi ro thì bây giờ, nếu độ rủi ro khi gửi tiền vào ngân hàng cao hơn thì xu hướng của đồng tiền nhàn rỗi có thể đảo lại. Tạo điều kiện cho dân thực hiện “giấc mơ làm giàu” nhưng đâu có dễ được chấp nhận.

Chính sách bất công, vô lý

Vì vậy mới có nhiều ý kiến cảnh báo về những hệ lụy khi cho ngân hàng phá sản. Đành rằng việc cho ngân hàng phá sản có cơ sở pháp luật nhưng với việc hạn chế số tiền bảo hiểm ở mức 75 triệu đồng rõ ràng là không ổn. Có những điều rất không công bằng ở đây. Vốn chủ sở hữu bị âm, ngoài do nợ xấu, nợ khó đòi còn do tiền người gửi chui vào túi quan chức ngân hàng. Những vụ án ngân hàng đã nói lên điều đó. Làm ăn be bét nhưng lương nhân viên ngân hàng lại cao hơn hẳn nhiều ngành nghề khác. Sinh viên ra trường “chui” được vào ngân hàng là một ước mơ. Tiệc tiễn một ông phó thống đốc ngân hàng nhà nước về hưu vừa rồi xa hoa lãng phí như vậy chỉ là một ví dụ. Tiền ở đâu ra nếu không phải là tiền của người gửi? Ông Bùi Kiến Thành khăng khăng không thể tăng  bảo hiểm tiền gửi vì ngân hàng không có tiền. Tại sao không có tiền? Tiền của người gửi đi đâu? Nó đã bị các quan chức ngân hàng sử dụng bừa bãi, đút vào túi riêng hoặc để cho kẻ khác chiếm đoạt. Đến khi phá sản chỉ trả cho khổ chủ một khoản qui định là xong khác nào ăn cướp thì hỏi công bằng ở đâu? Chỉ cần một tuyên bố phá sản, họ đã cướp không của người gửi hàng nghìn tỉ đồng. Không thấy ai nói trách nhiệm của quan chức ngân hàng trước pháp luật như thế nào? Có tịch thu tài sản của kẻ tham nhũng, vô trách nhiệm để phát mại, bù đắp cho người gửi ra không. Họ phủi tay đơn giản như thế chăng?

Các quan chức nhà nước “hơn người” ở chỗ đó. Nếu như chủ doanh nghiệp tư nhân cần có đầu óc kinh doanh, ngày đêm lăn lộn trên thương trường vốn đã không có cạnh tranh bình đẳng, làm ăn thua lỗ phải chịu một mình thì các quan nhà nước không cần trình độ, cứ ung dung ngồi đấy mà đục khoét, làm việc bằng cái đầu cũng rỗng của cấp dưới còn ông ta chỉ biết ký.  Doanh nghiệp hết vốn được nhà nước rót tiếp, thua lỗ thì được khoanh nợ, treo nợ, xóa nợ. Thật lạ lùng khi quan chức nhà nước làm chủ tịch cũng được, bí thư cũng được mà giám đốc ngân hàng cũng được. Bằng chính trị cao cấp có thể thạo về xây dựng đảng chứ biết gì về nghiệp vụ ngân hàng mà “dám đốc”. Một điều hết sức vô lý như vậy nhưng đường lối thì vẫn khăng khăng kinh tế nhà nước làm chủ đạo. Phải chăng vì doanh nghiệp nhà nước là phương tiện để làm giàu bất chính cho không chỉ giám đốc mà cho các quan chức nói chung?

Cách gì thì người dân cũng chịu thiệt hại. Đáng tiếc rằng có những người mang tiếng là danh vị này nọ không bệnh vực lại còn chỉ trích họ như những những người xấu tính, vào hùa với kẻ trấn lột như ông chuyên gia kinh tế và ông luật sư trên.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

http://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/are-people-greedy-for-wanting-high-interest-rate-11062017101936.html

 

Đà Nẵng trang hoàng lại APEC ‘từ số không’?

Thời tiết xấu khiến nhiều vùng thuộc bốn tỉnh miền Trung ngập chìm trong nước, chỉ vài ngày trước khi Việt Nam chào đón các lãnh đạo thế giới tới dự hội nghị thượng đỉnh APEC.

Bão Damrey đã cướp đi sinh mạng của hàng chục người và nhấn chìm nhiều vùng trong làn nước.

Đà Nẵng, nơi diễn ra APEC, may mắn không phải là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Tin cho hay thành phố chỉ bị mưa to, gió lớn, nhưng không bị ngập lụt.

Đà Nẵng khai trương Trung tâm Báo chí APEC

Miền Trung Việt Nam ‘thoát’ bão Haiyan – BBC Tiếng Việt

Nhiều người chết vì bão – BBC Tiếng Việt

Tuy nhiên, công tác trang trí, chuẩn bị của thành phố trong suốt một năm qua để đón chào APEC đã bị trận bão đưa về “gần như là con số không”.

Việc đầu tư trang trí làm đẹp thành phố (trước thềm APEC) đến bây giờ gần như là con số khôngCư dân Lê Viết Hoàng

“Tất cả bảng biểu chào mừng đều bão bị xé toạc. Cây cối gãy đổ,” ông Lê Viết Hoàng, một cư dân thành phố nói với BBC hôm 6/11.

“Việc đầu tư trang trí làm đẹp thành phố (trước thềm APEC) đến bây giờ gần như là con số không.”

Được biết Đà Nẵng đã “nhanh chóng chỉ đạo các quận, huyện, các sở, ban, ngành tập trung mọi nguồn lực khẩn trương dọn dẹp, dựng lại các pano biểu ngữ, trang hoàng lại đường phố trước Tuần lễ cấp cao APEC”, theo truyền thông Việt Nam.

“Chính quyền thông tin rất kịp thời tình hình mưa bão. Công việc phòng chống chính quyền làm rất tốt,” ông Hoàng nói thêm.

“Đêm qua, gió mưa rất lớn, một số trục đường cây cối ngã đổ nhưng sau đó cơ quan vệ sinh mọi trường thu dọn ngay”.

Tuần lễ cấp cao APEC 2017 đã bắt đầu diễn ra tại Đà Nẵng từ thứ Hai 6/11.

Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa và Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ đã có cuộc họp khẩn với lãnh đạo các sở, ban, ngành trên toàn thành phố để chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa bão, chuẩn bị cho APEC, theo báo Đà Nẵng.

“Các pano, phướn, bảng hiệu quảng bá ngã đổ, rách phải được dọn dẹp, dỡ bỏ khẩn trương, rồi mới tính đến việc sửa chữa thay thế…,” Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa chỉ thị.

Hơn 2.000 người được huy động tổng dọn vệ sinh môi trường từ nay tới rạng sáng 7/11.

Chủ tịch thành phố, ông Huỳnh Đức Thơ, cũng kêu gọi người dân nỗ lực để “hoàn thành nhiệm vụ nặng nề”.

“Đây là yêu cầu công việc cao nhất, và cũng là thử thách rất lớn nhưng chúng ta phải quyết tâm hoàn thành!” Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ nói.

Theo truyền thông Việt Nam, đã có 74 người chết và mất tích khi bão Damrey quét qua các tỉnh miền Trung Việt Nam, tính đến ngày 5/11.

Hàng chục nghìn tấm pano và công trình chào mừng APEC bị hư hỏng, nhiều cây xanh gãy đổ, nhiều tuyến đường quan trọng hiện ngập trong rác.

Lũ lụt: Thủ tướng VN thăm Ninh Bình

Lũ Thanh Hóa: 700 tù nhân ‘cô lập nhưng an toàn’

Chương Mỹ: Ngàn hộ dân bị cô lập vì ngập lụt

Các hãng hàng không trong nước cho biết nhiều chuyến bay đã bị hủy hoặc chậm chuyến do ảnh hưởng của bão số 12 Damrey.

Mới tuần trước, chính phủ Việt Nam đã khai trương Trung tâm Báo chí APEC ở Đà Nẵng, được trang bị hiện đại có thể cùng lúc đáp ứng hàng ngàn phóng viên tác nghiệp với đường truyền Internet tốc độ cao.

Hiện Đà Nẵng đang chỉ đạo công tác dọn dẹp, dựng lại các pano biểu ngữ, trang hoàng lại đường phố để phục vụ Tuần lễ họp cấp cao APEC, theo Kênh VTV 05/11.

Một điểm khác cũng nằm trong nghị trình đón khách dự APEC là Hội An hiện bị ngập lụt.

Cũng trong tuần này, vì lũ đặc biệt lớn, miền Trung Việt Nam đang có nguy cơ hứng thảm họa chưa từng có, theo trang VietnamNet.

Hơn 100 người chết vì bão số 9 – BBC Tiếng Việt

Siêu bão Haiyan áp sát miền Trung VN – BBC Tiếng Việt

Philippines: Bão Nock-ten vào Manila

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41882430

 

Bão Damrey tàn phá Việt Nam, tử vong tăng cao

Bão Damrey, Việt Nam gọi là bão số 12, quét qua khu vực Nam Trung bộ Việt Nam, gây nhiều tổn thất về nhân mạng và thiệt hại vật chất.

Hãng tin Reuters dẫn tin của Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, tường thuật rằng tính cho tới sáng thứ Hai 6/11, ít nhất 49 người đã thiệt mạng, hơn 116.000 căn nhà bị phá hủy hoặc hư hại, hàng chục người có tên trên danh sách bị mất tích.

Báo chí trong nước dẫn nguồn tin từ Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết tính đến thời điểm này, lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã tìm thấy xác của 8 thuyền viên trên các tàu hàng bị chìm ở ngoài khơi thành phố Quy Nhơn. 71 người sống sót được tìm thấy, và hiện còn 5 thuyền viên trên danh sách mất tích.

Về thiệt hại vật chất, hãng tin Reuters dẫn các nguồn tin từ ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho hay gần 2000 ngôi nhà bị sập, hơn 80.000 căn nhà bị thiệt hại, đường xá bị ngập dưới nước hoặc bị cuốn trôi, gây ùn tắc giao thông trên khắp các tỉnh.

Tin tức từ Việt Nam chiều thứ Hai xác nhận bão số 12 tại các tỉnh Nam Trung bộ và Tây nguyên đã giết chết 49 người, làm 27 người mất tích và 64 người bị thương. Tỉnh Quảng Ngãi có 7 người chết, Quảng Nam 6 người, Lâm Đồng 3 người. Ba tỉnh Phú Yên, Kon Tum và Đắk Lắk mỗi tỉnh có 1 người chết.

Tỉnh Khánh Hòa chịu thiệt hại nặng nề nhất với 23 người chết, kế đến là tỉnh Bình Định, với 7 người. Ngoài ra, bão Damrey còn gây thiệt hại nặng nề về kinh tế. Phần lớn diện tích trồng lúa và hoa màu của tỉnh Khánh Hòa bị ngập và hư hại. Ước tính mức thiệt hại vượt quá 7000 tỉ đồng, theo trang mạng tinmoi.vn.

Theo Reuters, tại Đà Nẵng, chính quyền đã huy động binh sĩ và dân địa phương tiếp tay dọn dẹp khu nghỉ dưỡng nơi tổ chức hội nghị APEC để chuẩn bị dón tiếp các đại biểu đến dự Diễn Đàn Hợp tác Kinh tế Á Châu-Thái Bình Dương, khởi sự vào ngày thứ Hai.

Mặc dù mưa vẫn tiếp tục đổ xuống thành phố này, ban tổ chức cho biết lịch trình hội nghị APEC không bị gián đoạn.

Đà Nẵng sẽ tiếp đón Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump từ ngày 10/11 và các nhà lãnh đạo thế giới khác như Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ Tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng Thống Nga Vladimir Putin.

Dự kiến các nguyên thủ quốc gia đến từ 21 nước sẽ đến dự hội nghị APEC diễn ra từ 8/11 đến ngày 10/11.

Bão đã di chuyển từ vùng duyên hải đến một khu vực chủ yếu trồng và sản xuất cà phê của Việt Nam, nước sản xuất cà phê robusta lớn nhất thế giới. Reuters cho biết bão đã gây thiệt hại một số cây cà phê vào lúc khởi đầu mùa gặt, nhưng giới nông dân ở Darlak, trung tâm khu vực này, cho hay mức thiệt hại chỉ giới hạn.

https://www.voatiengviet.com/a/bao-damrey-tan-pha-vietnam-tu-vong-tang-cao/4102468.html

 

Thấy gì sau ‘biệt thự khủng’ của quan chức?

Mới đây báo chí trong nước đưa tin về căn biệt thự khủng của ông Bùi Cách Tuyến, cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường (TN-MT).

Trả lời phỏng vấn trên báo Người Lao động, ông Tuyến cho biết vào năm 2013 khi ông còn làm tại Bộ TN-MT thì vợ ông mua khu đất ruộng 7.000 m2 ở vùng ven huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh. Đến năm 2015 ông về hưu và vợ chồng ông đã xây căn biệt thự nhà vườn mà báo chí gọi là ‘biệt phủ’.

Khi bị phóng viên chất vấn về giá trị khu biệt phủ và những nghi ngờ về nguồn gốc số tiền thì vị cựu Thứ trưởng cho rằng khu đất vốn là đất ruộng nằm ở sát bờ sông được tôn tạo lên làm đất ở, nằm ở tận Hóc Môn nên giá rẻ.

Tài sản ông Quý: ‘Thanh tra đang làm, sẽ công bố’

Đồng Tâm: Đất quốc phòng hay đất nông nghiệp?

‘Đất đai là thiêng liêng đối với nông dân’

Đằng sau sự việc này cho thấy điều gì?

Bên cạnh những nghi ngờ của dư luận về nguồn gốc khối tài sản lớn của quan chức, thì đằng sau sự việc này tồn tại một vấn đề quyền lợi rất chính đáng của người sử dụng đất, đó là quyền xây nhà trên đất của mình, kể cả là đất nông nghiệp.

Bộ TN-MT là cơ quan quản lý nhà nước về đất đai, vị cựu Thứ trưởng đã sử dụng năng lực thẩm quyền của mình để làm được một việc khó là chuyển đổi khu đất nông nghiệp sang làm đất ở.

Ông ta đã nhìn ra giá trị có thể có của mảnh đất, mua nó và làm thủ tục chuyển đổi, bằng cách đó ông ta có được một căn biệt thự đẹp, gia tăng giá trị kinh tế cho mảnh đất.

Điều này cho thấy việc chuyển đổi một khu đất nông nghiệp kém giá trị thành một cơ ngơi bất động sản nhà ở đồ sộ, cải thiện về nơi ăn chỗ ở cho người sử dụng và làm đẹp cho bộ mặt địa phương, là một việc cần thiết, chính đáng, và rất nên làm.

Kinh tế VN: Bài học từ Donald Trump?

Làm sao để tránh những vụ như Đồng Tâm?

‘Đừng để vấn đề đất đai làm tổn hại phát triển đất nước’

Nhưng lợi ích từ việc chuyển đổi như thế này lại bị bó hẹp trong những trường hợp cá biệt cụ thể, còn thực tế nhiều người dân đang nắm quyền sử dụng những mảnh vườn, mảnh ruộng, họ không thể chuyển mảnh đất của mình sang làm đất ở vì những vấn đề liên quan đến quy hoạch đất đai.

Nhiều trường hợp xây dựng rồi bị phá dỡ chỉ vì làm trên đất nông nghiệp, trong khi thực tế công trình xây dựng cũng chẳng gây ảnh hưởng gì đến ai, không ảnh hưởng gì đến giao thông, thủy lợi, điện lưới hay môi trường, nhưng vẫn bị phá dỡ.

Thực tế rất nhiều những trường hợp xây dựng rồi bị phá dỡ, cho tới nay không hề được các ban ngành thống kê tính toán thiệt hại.

Để hình dung về mức độ thiệt hại thì có thể xét qua những trường hợp nổi bật được báo chí đưa tin, đó là những biệt thự lộng lẫy nguy nga của các vị quan chức, đã bị xử lý yêu cầu phá dỡ không thương tiếc vì làm trên đất nông nghiệp.

Ví như hồi tháng 8/2017 gia đình ông Phó Ban tổ chức tỉnh ủy Đồng Nai bị phát hiện xây dựng biệt thự trái phép trên đất nông nghiệp với diện tích 2000 mét vuông, bị xử lý yêu cầu phá dỡ. Hay hồi tháng 4/2017 gia đình vị Phó Ban nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk cũng bị phát hiện xây dựng biệt thự trên đất nông nghiệp cả nghìn mét vuông cũng bị yêu cầu phá dỡ.

Hồi tháng 6/2017 báo chí đưa tin việc xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp xảy ra tại ven hồ Đầm Trị thuộc khu Hồ Tây, Hà Nội và rất nhiều trường hợp khác.

Nhìn vào những căn biệt thự đẹp mà báo chí chụp ảnh đưa tin, tôi thấy thật tiếc của và tốn kém khi nghĩ đến việc sẽ phải đập điLS Ngô Ngọc Trai

Nhìn vào những căn biệt thự đẹp mà báo chí chụp ảnh đưa tin, tôi thấy thật tiếc của và tốn kém khi nghĩ đến việc sẽ phải đập đi.

Tôi cũng thấy là công trình xây dựng không hề ảnh hưởng gì đến xung quanh, và tôi hình dung ra hàng chục nghìn trường hợp xây dựng trên cả nước bị phá dỡ vì lý do tương tự.

Nhiều ban ngành lâu nay có quan điểm rất coi trọng giữ gìn đất nông nghiệp, từ đó cấm cản việc xây dựng. Các vấn đề quy hoạch cũng kém chất lượng khiến cho nhiều mảnh đất đáng ra có thể làm đất ở nhưng lại bị cho là đất nông nghiệp.

Tôi cho rằng đất nông nghiệp xét cho cùng cũng chỉ là đất sử dụng mà thôi và sử dụng như thế nào để tạo ra hiệu quả kinh tế thì đó là lựa chọn của người sử dụng. Không cho xây nhà họ chán chường bỏ bê ruộng vườn không trồng cấy thì lợi ích cho ai?

‘Xung đột đất ở Thái Bình chưa được coi là bài học’

‘Luật sư Đồng Tâm’ gửi kiến nghị lên Chủ tịch HN

Quan chức VN đi thanh tra ‘mất gần 400 triệu đồng’

Lo lắng giữ gìn đất nông nghiệp cho tương lai, nhưng đời sống người dân ở hiện tại không đáng được quan tâm hay sao?

Sự cấm cản người dân trong lựa chọn mục đích sử dụng đất gây hậu quả đặc biệt xấu cho tầng lớp dân lao động ở nông thôn, khi kìm hãm giam cầm họ trong khó khăn vì không được sử dụng đất vào mục đích đạt hiệu quả kinh tế cao nhất và không giúp cải thiện chỗ ở cho họ.

Thực tế cho thấy, ở nông thôn hộ gia đình nào nhạy bén lo lót chuyển đổi được mảnh đất của mình thì đời sống kinh tế của gia đình đó được cải thiện.

Trả lại quyền cho người dân

Từ trường hợp của vị cựu Thứ trưởng Bộ TN-MT đã chuyển đổi đất nông nghiệp kém giá trị thành đất ở với giá trị cao. Điều đó cho thấy việc chuyển đổi là hoàn toàn có thể, nên làm, và điều đó thực chất cũng chỉ là sửa đi cái câu chữ trong đống giấy tờ của đám thư lại quan liêu mà thôi.

Thực tế khi người dân xin phép chuyển đổi thì các cấp chính quyền sẽ phải làm cái việc là điều chỉnh nội dung quy hoạch.

Đây là chỗ mà người dân sẽ vấp phải bộ máy quan liêu nhũng nhiễu lạm quyền, mà những quan chức thì dễ dàng vượt qua, còn dân đen thì hay gặp khó khiến cho họ cứ xây mà không xin phép để rồi bị đập phá.

Nhiều trường hợp người dân xin chuyển đổi nhưng bị từ chối vì bị cho là phá vỡ quy hoạch về đất nông nghiệp, ảnh hưởng đến những kế hoạch tính toán sử dụng đất trong tương lai.

Tức là những lý do từ chối không hề căn cứ vào những ảnh hưởng xấu thực tế trong hiện tại, mà chỉ vì những lo lắng mơ hồ xa xôi trong tương lai.

Thanh Hóa kỷ luật quan chức vụ Quỳnh Anh

Các góc nhìn ‘Quân đội VN trong kinh doanh’

VN: Chính phủ chỉ đạo Quân đội thôi làm kinh tế

Chính sách đất đai và câu chuyện Đồng Tâm

Nay tôi cho rằng để tháo gỡ vướng mắc cho người dân trong sử dụng đất, trong đó có cả những quan chức đang mắc bẫy vì chính sách quốc gia của chính họ, để tránh đi cái vòng luẩn quẩn giữa xây dựng, phá dỡ và tốn kém, thì chính sách quản lý đất đai cần thay đổi, phải trả lại quyền cho người dân quyền được tự chủ trong lựa chọn mục đích sử dụng đất.

Khi đó việc xây dựng chỉ có thể bị cấm khi gây ảnh hưởng xấu thực tế đến xung quanh, ngoài ra không một lý do nào khác được đưa ra để phá dỡ nhà dân như chỉ vì trái với giấy tờ quy hoạch, chưa xin phép xây dựng, hoặc những lo lắng mơ hồ về bảo vệ đất nông nghiệp.

Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả Ngô Ngọc Trai, Giám đốc Công ty luật Công chính, Hà Nội.

http://www.bbc.com/vietnamese/forum-41886547

 

Ông Tập tới thăm VN ‘chỉ mang tính biểu tượng’

Một nhà quan sát dự báo với BBC rằng chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình “chỉ mang tính biểu tượng nhưng không hứa hẹn cải thiện tình hình ở Biển Đông.”

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn được truyền thông Việt Nam dẫn lời đánh giá chuyến thăm của ông Tập nhân dịp dự Tuần lễ cấp cao APEC là “mốc son mới” trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Đặc phái viên của Tập Cận Bình đến VN

VN tìm cách cân bằng quan hệ với TQ và Mỹ

Ông Phạm Trường Long ‘tái ngộ’ tướng lĩnh VN

TQ tuyên bố ‘xây cất ở Biển Đông là hợp lý’

Hôm 6/11, trả lời BBC, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu cao cấp về chính trị thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) ở Singapore, nói: “Nhìn chung thì chuyến thăm Việt Nam của ông Tập chỉ mang tính biểu tượng, thể hiện chuyện Việt Nam là nước đầu tiên ông đi thăm sau khi tái đắc cử.”

“Điều này là do sự trùng hợp về mặt thời gian APEC diễn ra sau khi Trung Quốc vừa kết thúc Đại hội Đảng 19, còn nếu APEC diễn ra ở thời điểm khác thì chưa chắc.”

“Tuy nhiên, cũng không thể bác bỏ ý nghĩa của chuyến thăm. Thời gian qua, giữa hai nước có những căng thẳng, Trung Quốc cũng muốn thúc đẩy quan hệ song phương với Việt Nam nhằm ngăn việc Hà Nội bị các kình địch như Mỹ, Nhật gia tăng ảnh hưởng.”

‘Biện pháp trấn an’

“Riêng về vấn đề Biển Đông, tôi không có hy vọng chuyến thăm sẽ đem lại hứa hẹn cải thiện tình hình tại khu vực này.”

“Theo tôi hiểu thì trước chuyến đi của ông Tập, hai ngoại trưởng Việt Nam, Trung Quốc đã gặp nhau, thỏa thuận sẽ giải quyết tranh chấp trên Biển Đông một cách hòa bình.”

TQ ra mắt tàu mới, chuyên nạo vét bồi đắp đảo nhân tạo

Tam Sa mở rạp chiếu phim hiện đại

Đâu là toan tính của TQ ở Biển Đông?

“Tuy nhiên, những cam kết, hứa hẹn như thế không phải là điều gì mới mẻ và không đảm bảo thời gian tới căng thẳng trên Biển Đông sẽ giảm xuống.”

Chiến lược cân bằng quan hệ giữa các nước lớn của Hà Nội tương đối nhất quán và phát huy tác dụng, dù không hoàn toàn hiệu quả do Hà Nội còn chịu sức ép, phụ thuộc vào Bắc Kinh về nhiều khía cạnh, đặc biệt là kinh tế.Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp

“Trước đây, nhiều lần hai bên đạt được nhận thức chung về giải quyết tranh chấp trên Biển Đông với nội dung tương tự như thỏa thuận năm nay, như hồi chuyến thăm Bắc Kinh hồi năm 2011 của ông Nguyễn Phú Trọng hoặc sau sự kiện giàn khoan năm 2014.”

“Sau những lần đó, tình hình không có chuyển biến rõ nét, nên tôi không hy vọng có bước tiến mới trong năm nay, mà đó chỉ là biện pháp trấn an của Bắc Kinh trước khi có những bước xác quyết hơn thời gian tới.”

“Gần đây, Bắc Kinh cho hạ thủy tàu nạo vét khổng lồ, được cho là sẽ được đưa đến Hoàng Sa nhằm xây đảo nhân tạo.”

“Nếu vậy thì Việt Nam sẽ gặp nhiều áp lực, khó khăn trong việc vận động sự ủng hộ từ quốc tế vì tranh chấp ở Hoàng Sa chủ yếu là giữa Việt Nam và Trung Quốc chứ không như tranh chấp ở Trường Sa có nhiều bên liên quan.”

Hạm đội Nam Hải ‘cực kỳ nguy hiểm’ cho VN

Quân đội VN làm được gì nếu bị tấn công?

Mỹ-Việt hứa hẹn tăng hợp tác quốc phòng

Đề cập về chiến lược cân bằng quan hệ giữa các nước lớn của Hà Nội, ông Hiệp nói: “Chiến lược này tương đối nhất quán và phát huy tác dụng, dù không hoàn toàn hiệu quả do Hà Nội còn chịu sức ép, phụ thuộc vào Bắc Kinh về nhiều khía cạnh, đặc biệt là kinh tế.”

“Tuy nhiên, việc Việt Nam đã cải thiện quan hệ với Mỹ, Nhật, Ấn Độ… giúp Hà Nội có vị thế tốt hơn trong đàm phán với Trung Quốc.”

Một bài trên tờ South China Morning Post hôm 6/11 cho hay, Bắc Kinh và Hà Nội đang cố gắng làm dịu căng thẳng ở Biển Đông trong lúc ông Tập chuẩn bị đối phó với việc ông Trump tìm cách gia tăng ảnh hưởng trong khu vực.

Tờ báo dẫn nguồn tin từ giới chức ngoại giao cao cấp cho biết hai bên đã đạt được một thỏa thuận về cách giải quyết tranh chấp trên Biển Đông.

Hồi tháng Tám, Trong khi Bộ Ngoại giao Việt Nam tiếp tục khẳng định hoạt động khoan dầu với Repsol nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thì Tập đoàn dầu khí Tây Ban Nha nói họ đã ngừng khoan dầu trong khu vực “tranh chấp với Trung Quốc”.

Một cuộc họp giữa hai bộ trưởng ngoại giao Việt, Trung tại Hội nghị Thượng đỉnh Asean tại Manila hồi tháng Tám đã bị hủy, dù hai bên đã làm việc để hàn gắn quan hệ song phương trong những tuần gần đây.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41868444

 

Dự thảo Luật An ninh mạng: Câu chuyện của chính trị

Cát Linh, RFA

Dự thảo Luật An ninh mạng Việt Nam, khoản 4, Điều 34 đang gây bất bình trong dư luận vì đưa ra quy định các công ty quốc tế cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam đặt máy chủ quản lý dự liệu người sử dụng là công dân Việt Nam trên lãnh thổ quốc gia này.

Dự thảo luật này nói lên điều gì đang diễn ra trong xã hội Việt Nam?

Rất vô lý

Đề xuất ở khoản 4, Điều 34 khiến cư dân mạng phản ứng qui định rằng: “Các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet tại Việt Nam phải tuân thủ pháp luật, tôn trọng chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia Việt Nam, có giấy phép hoạt động, đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam…”.

Nhận định với đài RFA về dự thảo luật này, Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn về Khoa học Công nghệ và Khoa học Quản lý cho biết.

“Mới chiều nay tôi đọc trên mạng loáng thoáng thấy dự luật như thế. Thật ra nếu Việt Nam làm như thế thì Việt Nam chả giống ai. Cả thế giới này chẳng ai kỳ thị Facebook, Google. Tại sao Việt Nam phải làm như thế?”

Thật ra nếu Việt Nam làm như thế thì Việt Nam chả giống ai. Cả thế giới này chẳng ai kỳ thị Facebook, Google. Tại sao Việt Nam phải làm như thế?-TS Nguyễn Bách Phúc

Ngày 3 tháng 11, tờ Tuổi Trẻ trong nước có đăng bài viết trong đó trích dẫn lời ông Nguyễn Hồng Văn, Phó viện trưởng Viện An toàn thông tin cho rằng  “xét ở góc độ an ninh mạng quốc gia thì dự thảo luật này là rất cần thiết.”

Cũng theo lời ông Nguyễn Hồng Văn do báo Tuổi Trẻ dẫn lại: “Điều gì sẽ xảy ra nếu thông tin cá nhân, vị trí, thói quen của người dân Việt Nam bị thu thập phục vụ mục đích của kẻ xấu thông qua các dịch vụ nêu trên, trong khi chúng ta chẳng hay biết và cũng không quản lý được gì?”

Theo ông Hồng Văn, dự thảo luật này là “nền tảng để Nhà nước có thể tiến hành các bước tiếp theo trong việc đảm bảo an ninh mạng quốc gia.”

Đề cập về góc độ an ninh mạng, lý do chính của sự ra đời dự thảo Luật An ninh mạng, Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc đưa ra phân tích:

“Vấn đề an ninh mạng là vấn đề rất lớn ai cũng biết, nhưng sử dụng cái nào là vấn đề chính trị. Ví dụ như nước Mỹ là nước tuyên truyền tự do, nhưng gần đây do mối quan hệ giữa Mỹ với Nga thế nào ấy mà Mỹ cấm người Mỹ không được dùng chương trình chống virus Kaspersky của Nga.

Đó là chương trình tuyệt vời. Cả thế giới đều cho là chương trình hạng nhất.”

Tờ The Guardian đưa tin tháng 9 vừa qua, Bộ An ninh Nội địa Mỹ đã đưa ra một chỉ thị, kêu gọi các phòng ban, các cơ quan lập kế hoạch để loại bỏ phần mềm chống virus của Kaspersky và triển khai thay thế bằng giải pháp khác trong vòng 3 tháng. Tờ The Guardian bình luận rằng động thái này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Nga gia tăng do những cáo buộc Moskva can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.

Cá nhân Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc cho rằng nếu xét ở khía cạnh chính trị thì dự thảo Luật An ninh mạng của Việt Nam cũng giống như việc Mỹ cấm sử dụng chương trình chống virus Kaspersky của Nga trên đất Mỹ.

Đẩy mạnh đàn áp vì sợ

Theo quy định của Dự thảo Luật An ninh mạng này, tất cả các dịch vụ của nước ngoài đang cung cấp tại Việt Nam hiện nay như Google, Facebook, Viber, Skype,… buộc phải có giấy phép hoạt động, có cơ quan đại diện, có đặt máy chủ quản lý dữ liệu người dùng ở Việt Nam mới được cung cấp dịch vụ tại Việt Nam.

Thế nhưng, qua phân tích của Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc thì việc đặt máy chủ quản lý của dịch vụ internet, cung cấp mạng xã hội ở nơi nào không phải là điều quan trọng.

“Về vấn đề kỹ thuật thì đâu cần phải là máy chủ phải đặt ở đâu. Trên thế giới này có 1 góc nào đấy, 1 hòn đảo xa xôi nào đấy cũng được, rừng Targa hay đảo Guam của Mỹ cũng được. Đây là vấn đề chính trị, cho nên luật pháp không cho dùng thì người ở đất nước đó không được dùng.”

Liên quan đến chính trị, là mục đích gia tăng kiểm soát tuyệt đối những tiếng nói bất đồng chính kiến, đặc biệt là cuộc đấu tranh của giới trẻ trong nước hiện nay, chính là ý kiến của Nguyễn Peng, một người trẻ hoạt động khá sôi nổi trong phong trào dân chủ trong nước.

Nguyễn Peng cũng là người thể hiện nhiều quan điểm cá nhân trên mạng xã hội.

“Nhờ Facebook tụi em liên kết được rất nhiều bạn đồng chính kiến, nói lên tiếng nói của mình, tự do ngôn luận. Nhà nước rất sợ những điều đó. Họ sợ thông qua mạng xã hội những người trẻ tụi em liên kết với nhau. Họ dùng những biện pháp ngăn chặn, kiểm soát tụi em.

Em nghĩ cuộc đàn áp này là rất mạnh tay đối với những người dân đang đấu tranh và biểu đạt ý kiến của họ.”

Em nghĩ cuộc đàn áp này là rất mạnh tay đối với những người dân đang đấu tranh và biểu đạt ý kiến của họ. – Bạn trẻ Nguyễn Peng

Cùng quan điểm với Nguyễn Peng, là ý kiến của bạn trẻ Như Uyên. Chia sẻ với chúng tôi ngay khi vừa lực lượng an ninh thả ra sau thời gian bị “đưa đi làm việc”, Như Uyên cho biết .

“Dự thảo Luật này quá vô lý. Vì mạng xã hội không xấu, mà vì bộ máy nhà cầm quyền họ cảm thấy họ sợ dư luận, mạng xã hội. Mỗi lần dư luận được đưa lên mạng xã hội thì nó lan đi rất nhanh. Mỗi khi họ muốn làm cái gì thì đã có mạng xã hội ngăn chặn, không thể thành công. Họ muốn dẹp cái đó (Facebook) thì họ đang nhắm tới anh em đấu tranh đòi tự do nhân quyền.”

Khẳng định cho dù vị trí đặt máy chủ không ảnh hưởng đến tài khoản mạng xã hội của người dùng, nhưng theo Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc, điều khó khăn cho người dùng Facebook, Google nếu dự luật này được thông qua đó là vấn đề pháp lý.

“Khi có luật không cho dùng, nếu tôi dùng thì tôi phạm pháp. Máy chủ của Google, Facebook nằm ở đâu tôi không cần biết, nhưng nếu Việt Nam có luật đấy, tôi dùng thì tôi sai luật Việt Nam, hệ thống pháp luật Việt Nam sẽ kiểm soát tôi chứ không phải Google và Facebook kiểm soát tôi.”

Ông  Huỳnh Thanh Phi, chuyên gia marketing, đưa ra ý kiến với báo Tuổi Trẻ trong nước rằng: “Nếu Việt Nam áp dụng luật này sẽ trở thành một rào cản, khiến người Việt không thể tiếp cận được những tiến bộ về mặt công nghệ truyền thông của thế giới”.

Nhận định riêng về phía cá nhân và Hội Tư vấn về Khoa học Công nghệ và Khoa học Quản lý, Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc cho biết nếu dự thảo luật này được thông qua thì bản thân ông và hội của của ông sẽ rất thiệt thòi.

Vào ngày 3 tháng 11, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có văn bản gửi Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội, cho rằng một số quy định trong Dự thảo Luật an ninh mạng chưa phù hợp về tính thống nhất với cam kết quốc tế của Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Bill-of-the-law-on-network-security-the-story-of-politics-11062017074529.html

 

Việt Nam sẽ có ‘dê tế thần’ cho vụ Trịnh Xuân Thanh?

Một kinh tế gia chuyên tư vấn cho các quan chức của Liên minh châu Âu về hiệp định thương mại tự do với Việt Nam cho rằng nếu Hà Nội tìm được “một con dê tế thần” để chịu trách nhiệm vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Berlin thì hiệp định thương mại này có thể được tiếp tục.

Alicia Garcia-Herrero, chuyên gia kinh tế ở Hồng Kong, nhận định như vậy với New York Times (NYT) và gợi ý rằng “con dê tế thần” đó có thể là đại sứ Việt Nam tại Berlin, Đoàn Xuân Hưng.

“Nó sẽ làm cho Việt Nam suy yếu cả về mặt ngoại giao lẫn chiến lược.”

Tiến sỹ Đoàn Xuân Lộc, Viện Chính sách Toàn cầu, nói với NYT

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) mà Việt Nam rất mong chờ, nhất là sau khi TPP đổ bể vì sự rút lui của Mỹ, đã bị hoãn lại kể từ khi chính phủ Đức yêu cầu Hà Nội xin lỗi vì vụ bắt cóc ngay giữa thủ đô Berlin mà Đức gọi là “hoàn toàn không thể chấp nhận được.”

Doanh nhân và nhà nghiên cứu Nguyễn Quang A cho rằng: “​(Vụ bắt cóc) làm cho quan hệ ngoại giao giữa 2 nước xấu đi một cách trông thấy và đúng là nó có khả năng ảnh hưởng đến hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU. Nếu việc đó có ảnh hưởng thật thì sẽ là một tai họa đối với nền kinh tế Việt Nam.”

Năm ngoái, Liên minh châu Âu nhập khối hàng hóa trị giá 39 tỷ USD từ Việt Nam. EU là nhà đầu tư lớn nhất ngoài châu Á và đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam sau Trung Quốc. Đó là lý do vì sao hiệp định thương mại với EU rất hấp dẫn đối với Việt Nam.

Nhưng Việt Nam có thể mất nhiều hơn là một hiệp định thương mại tự do nếu họ không cải thiện được quan hệ với Đức, chuyên gia nghiên cứu của Viện Chính sách Toàn cầu ở London Đoàn Xuân Lộc nói với New York Times trong bài viết của nhật báo Mỹ đăng tải hôm 2/11 với tựa đề “Một sự biến mất ở Berlin làm che phủ hiệp định thương mại với Việt Nam.”

“Nó sẽ làm cho Việt Nam suy yếu cả về mặt ngoại giao lẫn chiến lược,” theo Tiến sỹ Đoàn Xuân Lộc, người chuyên nghiên cứu về các mối quan hệ của EU với các nước Đông Nam Á.

Tiến sỹ Nguyễn Quang A đồng tình với gợi ý của kinh tế gia Garcia-Herrero về việc Hà Nội nên tìm một “con dê tế thần” để giải quyết mối căng thẳng trong quan hệ với Đức.

“Dùng một ‘con dê tế thần’ nào đấy. Đấy là 1 giải pháp mà tôi cũng khuyến nghị ngay từ ngày đầu. Họ không chịu nghe. Nhưng mà bây giờ thì bên EU họ cũng nói rằng nếu mà dùng một dê tế thần nào đấy ví dụ như ông đại sứ Việt Nam ở Đức chẳng hạn thì hiệp định tự do thương mại song phương giữa Việt Nam và EU có thể không bị ảnh hưởng.”

Sau khi Việt Nam cương quyết khẳng định ông Trịnh Xuân Thanh tự về đầu thú và không đưa ra lời xin lỗi như Bộ Ngoại giao Đức yêu cầu, Berlin đã trục xuất 2 nhân viên ngoại giao của Việt Nam và đình chỉ mối quan hệ đối tác chiến lược với quốc gia Đông Nam Á.

“Dùng một ‘con dê tế thần’ nào đấy. Đấy là 1 giải pháp mà tôi cũng khuyến nghị ngay từ ngày đầu. Họ không chịu nghe. Nhưng mà bây giờ thì bên EU họ cũng nói rằng nếu mà dùng một dê tế thần nào đấy ví dụ như ông đại sứ Việt Nam ở Đức chẳng hạn.”

Nguyễn Quang A, Tiến sỹ và doanh nhân

Kinh tế gia Garcia-Herrero nhận định với NYT rằng thiệt hại cho nền kinh tế Việt Nam từ sự căng thẳng kéo dài trong quan hệ với Đức có thể vượt xa những lợi nhuận chính trị có được từ việc đem ông Trịnh Xuân Thanh trở về. Cựu lãnh đạo ngành dầu khí được cho là đã làm thất thoát hơn 3.000 tỷ đồng và được coi là một mắt xích quan trọng trong chiến dịch chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, Việt Nam đang tìm cách có được các hiệp định thương mại lớn để thoát dần sự lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc. Cả EVFT và TPP mà Việt Nam mong chờ đều chưa có được.

Cách đây vài tháng, Bộ Ngoại giao Đức cho VOA biết Việt Nam đã chủ động tiếp xúc để đàm phán và giải quyết mối căng thẳng nhưng từ đó đến nay Việt Nam vẫn chưa đáp ứng những yêu cầu mà phía Đức nêu ra. Tháng trước nhiều đại sứ các nước châu Âu đã hậu thuẫn Đức trong nỗ lực buộc Việt Nam phải “xin lỗi” vì “phá vỡ lòng tin.”

Điều này gây lo ngại về hệ lụy kinh tế với Đức, đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong khối EU và làm các các doanh nghiệp và người kinh doanh Việt Nam lo lắng. Nhưng họ tin rằng Hà Nội sẽ làm điều gì đó để giải quyết vấn đề này.

“Họ sẽ đánh đổi cái gì đó,” Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ thành phố HCM có các doanh nghiệp thành viên xuất khẩu hàng sang thị trường châu Âu vào thập niên 1990 nói với NYT .

Blogger Nguyễn Xuân Diện so sánh tình thế khó khăn trong quan hệ Việt Nam và Đức với con ếch ngồi trong nồi lẩu nóng. “Con ếch đã thực sự cảm thấy hơi nóng,” tiến sỹ của viện Hán Nôm nói với NYT.

Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Đức tại Việt Nam Marko Walde cho rằng vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh “chắc chắn sẽ được xem xét” trong việc thông qua Hiệp định thương mại Việt Nam-EU được bắt đầu từ 2015 và dự kiến hoàn tất vào 2018.

Nhà phân tích kinh tế Garcia-Herrero cảnh báo về việc EU sẽ đàm phán với Trung Quốc thay vì Việt Nam.

Đức sẽ không bỏ qua những lợi nhuận tiềm năng từ các nhà sản xuất hay đòn bẩy giúp các nhà đàm phán ở châu Âu cò thể tiếp tục thương thảo về thương mại với Trung Quốc.

“Các ông dành nhiều năm trời để đàm phán thứ mà các ông không thể thông qua? Trung Quốc sẽ cười vào mặt các ông,” bà Garcia-Herrero nói.

https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-se-co-de-te-than-cho-vu-trinh-xuan-thanh/4102765.html