Tin Việt Nam – 06/10/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 06/10/2017

Bí thư Đà Nẵng bị cách chức, ra khỏi Trung ương Đảng

Ông Nguyễn Xuân Anh bị Đảng Cộng sản cách chức bí thư Thành ủy Đà Nẵng, mất luôn cả vị trí ủy viên Trung ương Đảng.

Loan báo chính thức ngày 6/10 nói Ban chấp hành Trung ương Đảng quyết định thi hành kỷ luật ông Nguyễn Xuân Anh, vì ông có những “vi phạm nghiêm trọng”.

Đây là kết quả từ buổi họp trong khuôn khổ hội nghị Trung ương 6 đang diễn ra tại Hà Nội.

BBC: Bình luận về Hội nghị TƯ6 BCHTƯ Đảng CSVN Khóa 12

TS Vũ Cao Phan bình luận quan hệ Việt -Trung, ông Xuân Anh và Hội nghị TƯ6

Hai thành viên mới Ban Bí thư có gì đặc biệt?

Vi phạm ‘nghiêm trọng’

Thông báo nói Ban Chấp hành Trung ương Đảng kết luận ông Xuân Anh “vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng; vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm”.

Ông còn bị nói là “vi phạm quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; vi phạm tiêu chuẩn cấp ủy viên”.

Sinh năm 1976, ông Nguyễn Xuân Anh trở thành một trong hai ủy viên Trung ương Đảng trẻ nhất khóa XII.

Trước đó, Ủy ban kiểm tra Trung ương đã kết luận 4 vi phạm của ông Nguyễn Xuân Anh và đề nghị kỷ luật ông.

– Với cương vị là người đứng đầu Thành ủy, ông Xuân Anh chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành ủy nhiệm kỳ 2015 – 2020.

– Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ; chủ trì xem xét, quyết định một số nhân sự có biểu hiện áp đặt; trực tiếp chỉ đạo nhiều công việc cụ thể của chính quyền. Những việc làm của ông đã gây phân tâm, ảnh hưởng đến sự đoàn kết, thống nhất trong Ban Thường vụ Thành ủy.

– Kê khai, sử dụng bằng cấp không đúng quy định, thiếu trung thực, vi phạm tiêu chuẩn cấp ủy viên và Quy định những điều đảng viên không được làm.

– Thiếu gương mẫu trong việc nhận, sử dụng xe ô tô do doanh nghiệp biếu, tặng và sử dụng 2 nhà ở của doanh nghiệp, gây dư luận xấu trong xã hội.

Về tấm bằng Mỹ của ông Nguyễn Xuân Anh

Câu chuyện Xuân Anh và những ‘hạt giống đỏ’

Dư luận nói gì vụ lãnh đạo Đà Nẵng ‘có các vi phạm’?

Vụ Đà Nẵng: Tổng Bí thư muốn ‘chấn chỉnh kỷ luật Đảng’?

Việc thi hành kỷ luật được Trung ương Đảng Cộng sản họp bàn sáng 6/10.

Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm UB Kiểm tra Trung ương Trần Quốc Vượng trình bày trước Trung ương về vấn đề này.

Theo thông báo ngày 6/10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản thi hành kỷ luật ông Nguyễn Xuân Anh bằng hình thức: Cách chức Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng, Uỷ viên Ban Thường vụ, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015 – 2020; và cho thôi giữ chức Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá 12.

Ông Nguyễn Xuân Anh là con nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Văn Chi.

Ông từng là Trưởng ban Quốc tế báo Thanh Niên, Phó giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư Đà Nẵng, Bí thư quận Liên Chiểu, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Phó bí thư Thành ủy Đà Nẵng.

Trước khi Hội nghị Trung ương 6 diễn ra, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản tổ chức họp ngày 2/10 và ra quyết định cảnh cáo Ban Thường vụ Thành uỷ Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015 – 2020.

Các vi phạm của Thành ủy Đà Nẵng đã bị Uỷ ban Kiểm tra Trung ương nêu.

Trong đó có việc “cho chủ trương một số trường hợp; có biểu hiện tác động, ưu ái người nhà của đồng chí Bí thư Thành uỷ”.

Thành ủy Đà Nẵng cũng bị nói là “buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, để các cơ quan, doanh nghiệp vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai”.

Một số Đảng viên cao cấp bị kỷ luật từ sau Đại hội Đảng 12:

Đã nghỉ hưu: Vũ Huy Hoàng, Nguyễn Phong Quang, Dương Anh Điền, Nguyễn Văn Thiện…

Đương chức: Đinh La Thăng, Nguyễn Xuân Anh, Võ Kim Cự, Hồ Thị Kim Thoa, Huỳnh Đức Thơ, Trịnh Xuân Thanh…

Bầu bổ sung Ban Bí thư

Cũng tại buổi họp trung ương ngày 6/10, đã diễn ra việc bầu bổ sung Uỷ viên Ban Bí thư khoá XII.

Kết quả, ông Phan Đình Trạc, Uỷ viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương và Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, được bầu vào Ban Bí thư.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41518048

 

Hai thành viên mới Ban Bí thư có gì đặc biệt?

Ban Bí thư, cơ quan chỉ đạo công việc hàng ngày của Đảng Cộng sản Việt Nam, vừa có hai thành viên mới.

Tại buổi họp trung ương ngày 6/10, đã diễn ra việc bầu bổ sung Uỷ viên Ban Bí thư khoá XII.

Kết quả, ông Phan Đình Trạc, Uỷ viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương và Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, được bầu vào Ban Bí thư.

BBC: Bình luận về Hội nghị TƯ6 BCHTƯ Đảng CSVN Khóa 12

Bí thư Đà Nẵng bị cách chức, ra khỏi Trung ương Đảng

TBT Trọng ‘không chỉ muốn chống tham nhũng’

Theo quy định của Đảng Cộng sản, Ban Bí thư gồm một số Uỷ viên Bộ Chính trị do Bộ Chính trị phân công và một số Uỷ viên Ban Bí thư do Ban Chấp hành Trung ương bầu trong số Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương.

Cơ quan này có nhiệm vụ chỉ đạo công việc hàng ngày của Đảng, quyết định một số vấn đề về tổ chức cán bộ và một số vấn đề khác theo sự phân công của Ban Chấp hành Trung ương.

Đứng đầu Ban Bí thư là Tổng Bí thư, với người thứ hai là Thường trực Ban Bí thư phụ trách, chủ trì công việc hàng ngày của Ban Bí thư.

Trưởng ban Nội chính Trung ương

Ông Phan Đình Trạc được Bộ Chính trị bổ nhiệm, từ chức Phó trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương lên giữ chức Trưởng Ban Nội chính Trung ương vào tháng 2/2016.

Ông vốn là Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An quân hàm Đại tá, sau đó trở thành Chủ tịch UBND, Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An rồi làm Phó trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương.

Tại lễ trao quyết định bổ nhiệm khi đó, ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư ca ngợi ông Trạc là “ở cương vị nào, đồng chí cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.

Sinh năm 1958 tại Nghệ An, ông Phan Đình Trạc đã là Ủy viên Trung ương Đảng hai khóa 11, 12.

Hiện tại ông cũng là Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Ban Nội chính Trung ương được thành lập lại vào cuối năm 2012.

Về chức năng, đây là cơ quan tham mưu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng liên quan lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng.

Trong một lần tiếp xúc cử tri ngày 28/4, ông Phan Đình Trạc phát biểu: “Ai tham nhũng cũng phải xử lý, song cần chọn những vụ việc, vụ án trọng điểm để xử lý trước. Thời gian qua, Tòa án đã xét xử và tuyên 8 án tử hình về tội tham nhũng; phạt tù và nhiều biện pháp khác đối với các tổ chức, cá nhân làm thất thoát tài sản của Nhà nước.”

Đảng CS cảnh cáo chủ tịch Đà Nẵng

Công an VN bắt thêm lãnh đạo PetroVietnam

Trường đào tạo cao cấp nhất của Đảng

Sinh năm 1957 tại Nghệ An, ông Nguyễn Xuân Thắng có học hàm Phó Giáo sư rồi Giáo sư, học vị Tiến sĩ kinh tế.

Theo tiểu sử, ông từng làm nghiên cứu sinh ở Nga tại Viện MEMO thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga trong hơn 5 năm, rồi làm cộng tác viên khoa học cho Viện này trong 3 năm.

Năm 1995, ông về lại Việt Nam, làm việc ở Viện Khoa học xã hội Việt Nam.

Từ 2001, ông làm Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam.

Năm 2016, ông giữ chức Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, ngôi trường đào tạo cao cấp nhất của Đảng Cộng sản.

Tại đây, đào tạo cao cấp lý luận chính trị được xem là nhiệm vụ then chốt, với mục tiêu trực tiếp là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp cho hệ thống chính trị tại Việt Nam.

Trong một bài viết năm 2016, ông Nguyễn Xuân Thắng đánh giá: “Tự thân kinh tế thị trường không đưa đến chủ nghĩa xã hội, nhưng muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công dứt khoát phải phát triển kinh tế thị trường.”

Ông nói “đặc trưng riêng” của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa sẽ là: “Phát triển nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHXN, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, vì lợi ích của đại đa số nhân dân, hướng vào con người, vì con người, lấy con người làm trung tâm của sự phát triển, mọi người được tham gia và mọi người được hưởng lợi.”

Danh sách Ban bí thư khóa XII gồm 12 thành viên:

1. Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư, Bí thư Quân ủy T.Ư

2. Ông Đinh Thế Huynh, ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư

3. Ông Trần Quốc Vượng, ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư, tham gia Thường trực Ban Bí thư trong thời gian ông Đinh Thế Huynh điều trị bệnh kể từ ngày 1/8/2017

4. Ông Phạm Minh Chính, ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư

5. Ông Võ Văn Thưởng, ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư.

6. Bà Trương Thị Mai, ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận T.Ư

7. Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế T.Ư

8. Ông Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị

9. Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng T.Ư

10. Ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án TAND Tối cao

11. Ông Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Nội chính T.Ư

12. Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41528162

 

“Chạy” chức Đại biểu Quốc hội: Lời khai bị từ chối

Cát Linh, RFA

Trong phiên xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị cáo Châu Thị Thu Nga, nguyên đại biểu quốc hội Việt Nam khóa 13, từ năm 2011 đến năm 2016, nói trước tòa án Hà Nội rằng bà đã dùng số tiền trị giá 1 triệu 500 ngàn đô la Mỹ để được làm Đại Biểu Quốc Hội.

Tuy nhiên Tòa án không cho bà Nga khai việc này vì cho rằng điều đó không có liên quan đến nội dung vụ án đang được điều tra.

Vi phạm luật tố tụng

Phiên xử sơ thẩm dự kiến kéo dài trong 20 ngày, bắt đầu từ ngày 2 tháng 10 năm 2017. Vào ngày 5 tháng 10, trước toà án tại Hà Nội, luật sư Hoàng Văn Hướng, người bào chữa cho bị cáo Châu Thị Thu Nga, có câu hỏi thẩm vấn cho thân chủ của ông, đề cập đến khoản tiền 1,5 triệu USD (khoảng 30 tỉ đồng) mà bà Nga đã khai là dùng để “chạy” vào vị trí đại biểu Quốc hội.

Tuy nhiên Tòa án không cho bà Nga khai việc này vì cho rằng điều đó không có liên quan đến nội dung vụ án đang được điều tra.

Một ngày sau khi diễn ra phiên xử, trả lời RFA, Luật sư Hoàng Văn Hướng, cho biết toà không cho phép thân chủ của ông thực hiện lời khai là không đúng nguyên tắc đánh giá chứng cứ khách quan và toàn diện của qui trình tố tụng.

“Tất cả những tài liệu được thu thập trong hồ sơ vụ án để buộc tội hoặc gỡ tội thì đều phải đưa ra trước toà để đánh giá. Những nhiệm vụ của tôi là đặt câu hỏi và đánh giá vấn đề này. Trong hồ sơ có thể hiện bà đã khai như thế. Đến phần này thì hội đồng xét xử không cho hỏi nữa, với lý do ngay trong bản cáo trạng thì đã có 1 phần nêu là nội dung này kèm với 157 tỷ sẽ được tách ra giải quyết bằng 1 vụ án khác. Sẽ mở 1 vụ án khác.”

Trong hồ sơ có thể hiện bà đã khai như thế. Đến phần này thì hội đồng xét xử không cho hỏi nữa, với lý do ngay trong bản cáo trạng thì đã có 1 phần nêu là nội dung này kèm với 157 tỷ sẽ được tách ra giải quyết bằng 1 vụ án khác. Sẽ mở 1 vụ án khác. – LS Hoàng Văn Hướng

Một nhận định khác trong việc Hội đồng xét xử từ chối không cho bà Châu Thị Thu Nga thực hiện lời khai được Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội hơn 14 năm, cho biết ông hoan nghênh những bị can, bị cáo chịu khai như thế.

“Nhưng có khi chủ toạ can, nói là đừng khai vì nó nhạy cảm, phức tạp…Nhiều vụ án người ta sẵn sàng khai, vì người ta vô đây người ta cho là cửa tử rồi, tại sao không khai? Tại sao lại để chết một mình? Cho nên có chứng cứ hay không có chứng cứ thì cơ quan điều tra có trách nhiệm phải chứng minh, đó là một nguồn chứng cứ được cung cấp, thì phải nghe, tại sao lại không cho người ta khai?

Không cho người ta khai là vi phạm tố tụng, vi phạm pháp luật.”

Báo Tuổi Trẻ Online cũng có một bài bình luận về sự việc này, trích dẫn ý kiến của Thạc sĩ Trần Thanh Thảo, giảng viên khoa Luật hình sự Trường đại học Luật TP.HCM cho biết “Việc không cho bị cáo Châu Thị Thu Nga khai về khoản tiền 1,5 triệu USD là không đúng quy định pháp luật.”

Trong vai trò là luật sư bào chữa cho bà Châu Thị Thu Nga, Luật sư Hoàng Văn Hướng một lần nữa cho biết bản cáo trạng có ghi những lời khai của bà Nga, kể cả việc dùng số tiền trị giá 1 triệu 500 ngàn đô la Mỹ để được làm Đại Biểu Quốc Hội là chưa khách quan và chưa đúng.

Ông nói thêm về mức độ được tham gia trong tiến trình tố tụng với tư cách người bào chữa cho bà Châu Thị Thu Nga:

“Trong gần 3 năm điều tra, truy tố và đến nay là xét xử bà Nga, thì hoàn toàn trong quá trình ấy, chúng tôi là luật sư nhưng không được tham gia vào quá trình điều tra kể cả xét hỏi.”

Không cho người ta khai là vi phạm tố tụng, vi phạm pháp luật. – LS Trần Quốc Thuận

Cần phải xem xét lại

Vấn đề được tranh luận sôi nổi tại phiên xử bà Châu Thị Thu Nga trong hai ngày qua, là nội dung của lời khai bị từ chối của bị cáo.

Nói về điều này, luật sư Hoàng Văn Hướng cho biết dư luận hiện đang rất quan tâm vấn đề, và bản thân ông cho rằng nó không phù hợp và không đúng.

“Bởi vì việc chạy vào Đại biểu Quốc hội thì nó không thuyết phục được chúng tôi vì việc vào được đại biểu quốc hội hay không là quyền quyết định của cử tri bằng các lá phiếu ở các đơn vị bầu cử.

Cũng không có 1 thế lực nào, 1 ông nào, 1 người nào có quyền lực có thể đưa vào Đại biểu Quốc hội được. Việc đăng ký, ứng cử Đại biểu Quốc hội là công khai. Thứ 2 nữa, bầu là do hàng triệu cử tri bầu chứ không phải do 1, 2 người quyết định được.”

Do đó, theo luật sư Hoàng Văn Hướng, lời khai của bị can Châu Thị Thu Nga là 1 chứng cứ chưa thuyết phục ở thời điểm này, và cần phải được xem xét lại.

Ngược lại, một ý kiến khác từ Luật sư Trần Quốc Thuận cho rằng việc chạy chức, chạy quyền, chạy danh, thậm chí chạy tuổi, vốn dĩ là một điều không mới lạ ở Việt Nam. Bình luận về sự việc của bà Châu Thị Thu Nga đang làm xôn xao dư luận, theo cách nhìn của ông, ông cho biết.

“Ở Việt Nam, khi bầu cử người ta hay nói là Đảng cử dân bầu. Câu đó khá phổ biến. Người ta nói chưa bầu đã biết trúng cử. Cho nên thường địa phương sắp xếp sẵn những người dự kiến trúng cử và những đối thủ địa bàn. Thường người ta nói những cuộc bầu cử tốn kém hình thức không cần thiết. Người ta muốn có 1 cuộc bầu cử rộng rãi dân chủ hơn, tranh luận sôi nổi hơn.

Cho nên vì vậy mới có chuyện ‘chạy’. Nếu cuộc bầu cử mà để cho dân tự chọn thì chạy để làm gì?”

Khi đã là Đại biểu Quốc hội, trong những cuộc họp, vào giờ giải lao thì quyền tiếp cận với tất cả các người lãnh đạo cao nhất của Đảng và nhà nước này. Như thế, người ta có thể “chạy” một vài dự án hay một vài câu chuyện thì…lấy lại “vốn” rất nhanh. Bỏ ra thì phải thu hồi vốn chứ. – LS Trần Quốc Thuận

Chia sẻ thêm về từ “chạy”, Luật sư Trần Quốc Thuận nói rằng lẽ ra chạy là chạy về phía hàng vạn người dân với những chủ trương, chính sách phù hợp để người dân đồng lòng bỏ phiếu cho mình.

Đại biểu Quốc hội: Bất khả xâm phạm

Phân tích thêm về sự việc “chạy chức Đại biểu Quốc hội” đang được bàn tán trong dư luận, Luật sư Trần Quốc Thuận đưa ra một nhận xét về vị trí được gọi là Đại biểu Quốc hội ở Việt Nam.

“Nếu vào một chức danh, mà nhất là Đại biểu Quốc hội thì bất khả xâm phạm. Đã là Đại biểu Quốc hội thì trước nhất nó có cái danh vọng rất lớn, theo luật thì gọi là bất khả xâm phạm.

Khi đã là Đại biểu Quốc hội, trong những cuộc họp, vào giờ giải lao thì quyền tiếp cận với tất cả các người lãnh đạo cao nhất của Đảng và nhà nước này.

Như thế, người ta có thể “chạy” một vài dự án hay một vài câu chuyện thì…lấy lại “vốn” rất nhanh. Bỏ ra thì phải thu hồi vốn chứ.”

Bà Châu Thị Thu Nga năm nay 52 tuổi, là một doanh nhân ngành bất động sản ở Hà Nội và là đại biểu quốc hội Việt Nam khóa 13, từ năm 2011 đến năm 2016.

Dự định phiên tòa xử vụ án của bà Châu Thị Thu Nga sẽ kết thúc vào ngày 10 tháng 10.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Running-for-national-assembly-member-a-declined-declaration-10062017113958.html

 

Lời tự sự của những cô dâu Việt chồng Hàn

Theo số liệu chính thức của Việt Nam, tính đến tháng 6/2016, Việt Nam có hơn 81.000 người (trong đó nữ giới chiếm 92%) kết hôn với công dân của hơn 50 quốc gia.

Trong đó trên 78% tập trung tại TPHCM và các tỉnh miền Tây Nam bộ.

Một bài báo hôm 3/10 của hãng tin AFP, viết từ Cần Thơ, dẫn trường hợp cô Huỳnh Thị Thái Mười rời vùng thôn quê miền Tây Việt Nam để bắt đầu cuộc sống ở Hàn Quốc với một người đàn ông mà cô hầu như không quen biết.

Không thể nói được tiếng Hàn, còn người chồng mới thì gần gấp đôi tuổi, và cô cũng biết rất ít về ngôi nhà mới của mình, nhưng người phụ nữ 23 tuổi chưa học hết trung học này nói cô đang tìm kiếm tình yêu – và một sự khởi đầu mới.

“Tôi muốn có một cuộc sống mới, tôi muốn thách thức bản thân mình và xem liệu tôi có thể vượt qua được hay không”, Mười nói với cặp má mũm mĩm lấm tấm mụn trứng cá khiến cô trông trẻ hơn tuổi thật.

Mười được mai mối cho một người đàn ông độc thân 43 tuổi tên Kim Kyeong Bok, qua một người họ hàng, cũng kết hôn với một người Hàn Quốc.

Kyeong Bok và Mười cưới nhau chỉ sau vài ngày gặp mặt.

12 năm tù cho kẻ giết cô dâu Việt

So sánh dân quyền Việt Nam và Hàn Quốc

Mười là một trong số khoảng 40.000 cô dâu Việt Nam ở Hàn Quốc, một điểm đến hàng đầu cho những phụ nữ tìm kiếm tình yêu và mong muốn thoát nghèo.

Nhiều người không biết gì nhiều về Hàn Quốc ngoài các ban nhạc K-pop hay các bộ phim truyền hình dài tập và thường kết hôn với những người lạ mà họ quen biết qua mạng.

Nhưng đối với Mười, cuộc sống mới của cô ở thành phố Gwangju với người chồng mới của cô, còn hơn cả những gì cô mong đợi.

“Chồng tôi thực sự yêu tôi, nhiều hơn tôi mong đợi,” Mười nói.

Nhưng cô Mười là một trong những người may mắn.

Nhiều phụ nữ Việt Nam khác thì có một cuộc sống không giống như những gì họ mơ ước: hàng ngàn người ly dị, trở về Việt Nam và không hạnh phúc.

Ông Youn Sim Kim, Giám đốc Trung tâm Hàn Quốc về Chính sách Nhân quyền Liên Hợp Quốc (KOCUN), một tổ chức phi chính phủ ở Cần Thơ, nơi có rất nhiều cô dâu người Việt, nói: “Nhiều người phụ nữ không biết nhiều về người chồng tương lai của mình hay việc di cư và sinh sống tại Hàn Quốc sẽ như thế nào.”

Theo số liệu thống kê mới nhất của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, một trong năm cặp vợ chồng Việt – Hàn đã nộp đơn ly hôn vào năm 2015.

“Tôi nghĩ cuộc sống sẽ ổn thoả như ở Việt Nam, có lẽ sự khác biệt duy nhất là đồ ăn”, Lê Thị Thế, một phụ nữ đã ly dị và hiện đang sống tại Cần Thơ cho biết.

Giai đoạn tuần trăng mật ngọt ngào đột ngột kết thúc chỉ vài ngày sau khi cô phát hiện ra chồng mình không phải là người đàn ông mà cô đã nghĩ.

“Tôi nói tôi muốn về nhà và anh ta nổi giận với tôi, anh ta ném tất cả đồ đạc của tôi ra khỏi nhà”, cô Thế nói.

Hầu hết các cô dâu Việt thường định cư ở vùng nông thôn Hàn Quốc, một viễn cảnh ít hấp dẫn hơn đối với phụ nữ Hàn Quốc, những người muốn chen chân vào đô thị để theo đuổi sự nghiệp. Và ngày càng có xu hướng cho rằng hôn nhân không phải là một điều bắt buộc.

“Ở một số khu vực, có sự mất cân bằng về giới tính, khi nhiều phụ nữ Hàn Quốc từ các vùng nông thôn di cư đến các trung tâm đô thị, gây ra một sự thâm hụt,” Paul Priest, người đứng đầu văn phòng Tổ chức Di cư Quốc tế ở Việt Nam.

Mất tất cả

Đối với những người trở về Việt Nam, việc ly hôn của họ không được công nhận hợp pháp và con cái sinh ra ở Hàn Quốc của họ không đủ điều kiện vào học tại các trường học địa phương.

Người mẹ hai con Nguyễn Thị Kim Hân đã kết hôn với một người đàn ông Hàn Quốc hồi 2007 để giúp gia đình thoát nghèo. Nhưng người chồng lại là một người nghiện cờ bạc, và đã lấy hết tài sản của gia đình – những hai lần.

“Đầu tiên anh ấy rất tử tế, chúng tôi không có nhiều tiền nhưng điều đó không quan trọng”, cô thổn thức nói với AFP.

Nhưng sau đó, cô phát hiện ra anh đã làm mất hết tiền trên sàn chứng khoán.

“Không một đồng xu nào còn lại … Tôi đã rất sốc”, cô nói.

Sau khi lần thứ hai, cô đưa hai con gái về Việt Nam, nhưng lại không thể cho con nhập học, và cuối cùng phải nhờ đến sự giúp đỡ của KOCUN.

Được thành lập năm 2011, trung tâm chuyên giúp đỡ các cô dâu Việt sống tại Hàn Quốc, dạy họ về khí hậu và văn hoá, ngôn ngữ và thực phẩm địa phương, đồng thời hỗ trợ người hồi hương.

‘Bảy cô dâu VN’ trở lại quê hương

Phụ nữ Việt ở Đài Loan bị ‘thành kiến xấu’

Hầu hết các cặp vợ chồng gặp nhau qua các công ty môi giới hôn nhân bất hợp pháp ở Việt Nam, vốn tai tiếng với các buổi tuyển chọn cô dâu trong phòng kín.

Nhưng theo AFP, lực lượng chức năng ở Việt Nam đang đánh mạnh tay vào các đường dây này, và chính phủ Hàn Quốc cũng đã thắt chặt các quy định về thị thực, vì vậy các cuộc hôn nhân nước ngoài như vậy bắt đầu giảm.

Hồi tháng Bảy, gặp nhau bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Hamburg, Đức, Thủ tướng Việt Nam đề nghị Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hỗ trợ cho các cô dâu Việt Nam hòa nhập tốt hơn vào xã hội Hàn Quốc.

Trang web chính phủ Việt Nam nói ông Moon Jae-in nhấn mạnh Hàn Quốc “sẽ nỗ lực chăm lo hơn nữa cho đời sống của các phụ nữ Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc để hội nhập dễ dàng hơn vào xã hội sở tại”.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41508195

 

Giải thích về tăng cường bắt bớ đối lập

Dọn đường đón APEC?

Sau Đại hội Đảng lần thứ 12 và đặc biệt trong mấy tháng gần đây, chính phủ Hà Nội tăng cường bắt giữ nhiều nhà hoạt động, những tiếng nói không cùng quan điểm chính trị.

Chỉ trong vài tháng qua, Việt Nam đã bắt giữ và kết án ít nhất 11 nhà hoạt động xã hội vì các hoạt động ôn hòa chỉ trích chính quyền. Trong đó chỉ trong vòng 1 tuần lễ vào cuối tháng 7 đầu tháng 8 vừa qua, 5 thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ đã bị bắt. Bốn trong số năm người bị bắt với cáo buộc âm mưu lật đổ chính quyền theo điều 79 Bộ luật Hình sự Việt Nam.

Người bị bắt giữ gần đây nhất là anh Nguyễn Việt Dũng, bị bắt hôm 27/9 theo điều 88 Bộ luật hình sự – Tuyên truyền chống Nhà nước.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (Human Rights Watch) gọi năm 2017 là năm tồi tệ nhất cho nhân quyền Việt Nam.

Trả lời phỏng vấn RFA vào hôm 4/10, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách khu vực châu Á thuộc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch, cho rằng có nhiều lý do dẫn đến tình trạng Việt Nam tăng cường đàn áp tiếng nói bất đồng trong thời gian gần đây. Trước hết ông nhận định rằng Đảng Cộng sản Việt Nam từ trước đến nay luôn tìm kiếm cơ hội để dập tắt tiếng nói của các tổ chức dân sự và đàn áp những người bất đồng quan điểm chính trị với họ:

Tôi nghĩ họ thực sự lo lắng sau thảm họa Formosa xảy ra vào năm ngoái tại các tỉnh miền Trung. Chính phủ đã tỏ ra lúng túng trong việc giải quyết thảm họa một cách hiệu quả. Vì vậy họ sợ hãi và phản ứng dữ dội với những tiếng nói chỉ trích họ trong vấn đề này.

Đồng thời họ cũng phản ứng mạnh với bối cảnh thế giới. Đặc biệt trong bối cảnh Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump không quan tâm đến nhân quyền.

Và đặc biệt bây giờ họ đang ra sức đàn áp các nhà bất đồng chính kiến trước Hội nghị Thưởng đỉnh APEC diễn ra tại Việt Nam vào tháng 11 tới đây. Họ muốn đảm bảo rằng hội nghị sẽ diễn ra một cách bình yên và suôn sẻ, mà không có bất cứ vụ biểu tình hay kiến nghị gì về nhân quyền.

Họ muốn đảm bảo rằng hội nghị sẽ diễn ra một cách bình yên và suôn sẻ, mà không có bất cứ vụ biểu tình hay kiến nghị gì về nhân quyền.

– Ông Phil Robertson

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động dân sự ở Hà Nội cũng đồng tình với quan điểm của ông Phil Robertson rằng chính phủ Việt Nam có vẻ đang ráo riết chuẩn bị cho Hội nghị APEC và việc dập tắt, bỏ tù những tiếng nói đối lập có thể nằm trong kế hoạch chuẩn bị của họ. Ông nói:

Trước kia cứ hễ chuẩn bị đến Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam chẳng hạn hoặc Tết, họ cũng tìm mọi cách dẹp những lực lượng mà cho coi là gây mất trật tự bây giờ có thể họ cũng nghĩ những nhà đấu tranh là những người gây rối mất trật tự và họ tìm cách chặn trước.

Tuy nhiên, theo quan điểm của ông, thì APEC chỉ là “cái cớ nhất thời” mà thôi. Bản chất sâu xa, theo ông, là kể từ sau Đại hội Đảng XII, chính quyền mới lên lãnh đạo và chủ trương tích cực đàn áp tiếng nói bất đồng:

Càng ngày họ càng đẩy mạnh chuyện này lên. Họ vẫn suy nghĩ rằng họ có sức mạnh trong tay nào là vũ khí, công an với lực lượng hung hậu. Nhưng những hoạt động cảu họ nhiều khi vi phạm luật chính họ đề ra.

Họ tưởng như vậy là họ rất mạnh, nhưng để phải dùng đến những biện pháp như thế chứng tỏ họ đang trong một thế rất yếu và rất lo sợ. Chính nỗi lo sợ đó thúc đẩy họ dùng đến những biện pháp rất cổ điển của các chế độ độc tài đó là tăng cường đàn áp tư tưởng như tuyên truyền, phỉ báng những người đấu tranh, mị dân. Mặt khác, dùng sức mạnh cơ bắp để đè bẹp những tiếng nói khác với chính quyền.

Tuy nhiên ông cho rằng những biện pháp nêu trên về ngắn hạn có thể làm một số người sợ nhưng về dài hạn sẽ hoàn toàn phản tác dụng.

Lên tiếng với RFA, nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Thiện Nhân cho rằng có hai nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đàn áp tiếng nói bất đồng chính trị ở Việt Nam như hiện nay. Thứ nhất, ông nhận định là do áp lực từ quốc tế không đủ mạnh và không bài bản, đặc biệt là Mỹ và châu Âu. Ông nói tiếp:

Thứ hai, phong trào đấu tranh ở trong nước, do sự đàn áp bắt bớ từ những năm trước đã làm phong trào tạm thời lắng xuống. Nhà cầm quyền đã lợi dụng tình thế này để gia tăng thêm nữa để dập tắt phong trào.

Blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh trước phiên xử ở tòa án thành phố Nha Trang hôm 29/6/2017. Ảnh AFP

Trông chờ quốc tế

Trung tuần tháng 9 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu, ông Bernd Lange nói rằng nhân quyền sẽ là vấn đề trọng tâm trong đàm phán thương mại giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu – EU. Ông Bernd Lange nói tiếp rằng nếu Việt Nam không giải quyết đầy đủ các quan ngại về nhân quyền thì e rằng chuyện thương thảo giữa đôi bên sẽ gặp rắc rối.

Còn ông Daniel J. Kritenbrink, người dự kiến sẽ được bổ nhiệm làm đại sứ Mỹ tại Hà Nội, trình bày trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ vào ngày 27 tháng 9 rằng nhân quyền là một trong những quan tâm của ông.

Họ tưởng như vậy là họ rất mạnh, nhưng để phải dùng đến những biện pháp như thế chứng tỏ họ đang trong một thế rất yếu và rất lo sợ. 

– TS. Nguyến Quang A

Ông Phil Robertson cho rằng đại sứ Mỹ tại Việt Nam hiện tại là ông Ted Osius cũng rất năng nổ trong vấn đề nhân quyền, tuy nhiên điều tiên quyết là liệu họ có nhận được sự hậu thuẫn từ Washington hay không, bởi vì một mình họ không có đủ thẩm quyền để can thiệp vào nhiều quyết định.

Ông Robertson cho rằng điều duy nhất có thể cải thiện tình hình nhân quyền ở Việt Nam là tăng cường áp lực quốc tế:

Các quốc gia khác, trong đó có những nước tài trợ cho Việt Nam phải đứng lên và làm nhiều việc liên quan đến nhân quyền ở Việt Nam thì mới có thể cải thiện được tình hình. Chúng tôi rất thất vọng với Nhật Bản vì chúng tôi đã bàn thảo với họ về tình hình ở Việt Nam nhưng họ chưa hề làm gì để giúp đỡ. Chúng tôi cũng ngỏ ý với Nam Hàn về chuyện giúp nhân quyền Việt Nam. Chúng tôi đã làm việc với hầu hết các chính phủ tài trợ cho Việt Nam hay những chính phủ có tầm ảnh hưởng lớn đến Việt Nam nhưng họ không làm gì nhiều.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A dự đoán rằng trong tương lai gần tình trạng bắt bớ tiếng nói bất đồng sẽ chưa được cải thiện. Ông cũng cho rằng các nhà tranh đấu không nên “kỳ vọng hão” vào sự giúp đỡ của quốc tế vì “họ còn nhiều việc phải làm”.

Nhà hoạt động Nguyễn Thiện Nhân lại nghĩ rằng ngoài áp lực quốc tế ra, phong trào đấu tranh trong nước cần được đẩy mạnh thì mới có đủ sức để phản kháng lại sự đàn áp của nhà cầm quyền.

Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á- Thái Bình Dương năm nay sẽ được tổ chức ở Đà Nẵng, Việt Nam với sự tham gia của lãnh đạo 21 nước thành viên. Nhà Trắng cuối tháng 9 vừa qua ra thông cáo xác nhận Tổng thống Donald Trump và phu nhân sẽ tham dự Hội nghị APEC .

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/why-vietnamese-government-increase-arrests-of-dissidents-10052017132813.html

 

JICA Nhật gửi tối hậu thư cho Hải Phòng

Thành phố Hải Phòng phải tự trả các khoản thanh toán cho Dự án thoát nước mưa, nước thải và quản lý chất thải rắn nếu dự án vẫn chậm tiến độ.

Đó là nội dung trong tối hậu thư do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) gửi cho UBND TP Hải Phòng vào tháng 9 vừa qua.

Trong thư, JICA yêu cầu thành phố Hải Phòng cần đẩy nhanh tiến độ sớm nhất có thể và nhấn mạnh bất kỳ sự chậm trễ nào so với kế hoạch ban đầu đều không được chấp nhận.

Theo tin tức cho biết, dự án vừa nêu là dự án trọng điểm của Hải Phòng, được thực hiện bằng nguồn vốn ODA của Nhật Bản với tổng mức đầu tư 5.513 tỷ đồng.

Tin cho biết theo kế hoạch năm nay, nhu cầu vốn ODA thực tế của dự án là hơn 1400 tỷ đồng; thế nhưng chỉ được giao 680 tỷ đồng. Khoản vốn đối ứng do thành phố Hải Phòng bố trí trên thực tế là gần 566 tỷ đồng nhưng mới được giao hơn 200 tỷ đồng.

Hải Phòng cho biết còn thiếu hơn 360 tỷ đồng đối ứng cho dự án. Trong số này có hơn 100 tỷ từ nguồn ngân sách và 100 tỷ vốn trái phiếu địa phương; thế nhưng chưa được giải ngân.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/jica-ultimatum-10062017100351.html

 

Cựu chủ tịch PVN kháng cáo án tử hình

Ông Nguyễn Xuân Sơn, cựu Tổng giám đốc Ngân Hàng Đại Dương- Oceanbank, cựu Chủ tịch Tập đoàn Dầu Khí Quốc Gia VN- PVN đã làm đơn kháng cáo gửi lên Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội liên quan đến án tử hình dành cho ông.

Thông tin được Thẩm phán Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội ông Trần Nam Hà cho biết vào ngày 6/10. Theo ông Hà, nội dung đơn kháng cáo của ông Nguyễn Xuân Sơn nêu rằng ông này không phạm tội ‘tham ô tài sản’ và không phạm tội ‘lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản’. Ông Sơn chỉ thừa nhận tội ‘cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng’.

Đối với tội danh này, ông Sơn đề nghị tòa án xem mức độ phạm tội để giảm nhẹ án cho ông.

Ngày 29/9 vừa qua, ông Nguyễn Xuân Sơn bị tòa tuyên phạt mức án tử hình về tội tham ô tài sản, tù chung thân về tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản và 17 năm tù tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng hình phạt là án tử hình.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/former-head-of-pvn-appeals-death-sentence-10062017100931.html

 

Viên chức Bộ KH-CN bị nghi ăn cắp ở siêu thị Nhật

Cảnh sát tại một địa phương ở Nhật Bản tạm giữ một viên chức thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam vì nghi ông này ăn cắp trong siêu thị, theo tin trên các trang Dân Trí, VietnamNet và Người Lao Động hôm 6/10.

Tin không nói cụ thể thời gian và địa điểm xảy ra vụ việc, cũng như không nêu tên viên chức liên quan.

Dẫn các câu trả lời từ Bộ KH-CN, các báo cho hay người đàn ông có tên viết tắt là T.Q.H “được mời đến làm việc tại cơ quan cảnh sát” do gặp “sự cố” khi đi mua sắm.

Tin cho hay sau khi “trao đổi, giải trình”, ông T.Q.H, hiện là một phó phòng thuộc Cục An toàn và Bức xạ Hạt nhân của bộ, đã “được cho về và tiếp tục chuyến công tác” của ông.

Cục An toàn và Bức xạ Hạt nhân nói vị phó phòng có mặt ở Nhật để dự một hội thảo nhưng không cung cấp thêm chi tiết.

Theo các báo, trước hôm 5/10 đã xuất hiện thông tin về việc ông T.Q.H bị giữ lại tại Nhật Bản vì bị nghi có liên quan đến trộm cắp trong siêu thị.

Hôm 5/10, ông Nguyễn Tuấn Khải, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và Hạt nhân, cho báo chí biết cục này ở thời điểm đó vẫn đang trong quá trình làm rõ thông tin và họ có phối hợp với phía Nhật về việc này.

Trong vài năm gần đây, đã xảy ra nhiều vụ người Việt trộm cắp ở Nhật Bản nói riêng và nhiều nước ngoài khác nói chung.

Sử dụng từ khóa “người Việt ăn cắp ở Nhật Bản” hoặc “người Việt ăn trộm ở Nhật Bản” đều cho ra trên 300.000 kết quả tìm kiếm trên Google.

Trong số các kết quả là hàng loạt bài báo trên báo chí chính thống trải dài trong nhiều năm với các hàng tít như “Nhật bắt 3 người Việt nghi trộm cắp liên hoàn hàng triệu đô”, “Nhật Bản bắt giữ 7 người tình nghi trộm mỹ phẩm”, “Cảnh sát Nhật bắt 9 du học sinh Việt ăn trộm đồ thể thao”, “Trộm dưa lưới ở Nhật, 6 người Việt bị bắt”, “Bốn người Việt bị bắt giữ ở Nhật vì ăn cắp sữa bột”.

Một số báo dẫn thông tin từ cảnh sát Nhật cho hay năm 2015 họ đã bắt 2.488 vụ ăn trộm có người Việt Nam. Tính trung bình, mỗi ngày có 8 vụ ăn trộm dính dáng đến người Việt. Chưa có số liệu cho năm 2016 và 2017.

Ngay sau khi có tin về phó phòng T.Q.H bị tạm giữ ở Nhật Bản mới đây, hôm 6/10, luật sư Lê Luân, một người có nhiều ảnh hưởng trên mạng xã hội viết trên trang Facebook cá nhân rằng đây là “sự cố nhục nhã”.

Luật sư đưa ra nhận định giáo dục có liên quan đến vấn đề này. Ông viết: “…cán bộ cấp Bộ đi công tác sang một đất nước được coi là văn minh nhất châu Á và cũng là cường quốc thế giới mà còn giở thói trộm cắp ở nơi công cộng thì không còn gì để nói về kết quả trồng người của mấy chục năm (nửa thế kỷ) qua nữa”.

https://www.voatiengviet.com/a/vien-chuc-bo-khcn-bi-nghi-an-cap-o-sieu-thi-nhat/4059386.html

 

Vietnam Airlines tăng 110 chuyến bay phục vụ APEC

Print

Vietnam Airlines sẽ tăng thêm 110 chuyến bay để phục vụ nhu cầu đi lại tăng cao của hành khách trong dịp hội nghị APEC diễn ra tại thành phố Đà Nẵng, theo Tân Hoa Xã.

Ngày 6/10, truyền thông Việt Nam trích lời ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines), cho biết hãng này sẽ tăng 110 chuyến bay, tương ứng hơn 20.000 ghế trên các đường bay từ thủ đô Hà Nội và TP.HCM tới Đà Nẵng, trong thời gian từ ngày 5/10 đến ngày 3/11.

Trong đó, đường bay Hà Nội – Đà Nẵng tăng thêm 64 chuyến và đường bay TP.HCM – Đà Nẵng tăng thêm 44 chuyến.

Vietnam Airlines thông báo sẽ bảo đảm việc nối chuyến và di chuyển của các quan chức, đại biểu từ 21 nền kinh tế trong APEC và khách du lịch đến Đà Nẵng tham gia các hoạt động bên lề, cũng như các nhân sự chuẩn bị cho sự kiện từ trước đó.

Báo Tuổi trẻ nói hãng Vietnam Airlines là đối tác đặc biệt và là nhà vận chuyển chính thức của Hội nghị APEC diễn ra tại Việt Nam.

Báo này trích lời ông Dương Trí Thành nói: “Để mang đến sự chuyên nghiệp và dịch vụ đẳng cấp 4 sao, Vietnam Airlines chủ động điều chỉnh kế hoạch bảo dưỡng máy bay và đào tạo phi công, tiếp viên.”

Vào hồi đầu tuần, khi tiếp ông Kevin Mc Allister, Chủ tịch của công ty Boeing, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi hãng máy bay hàng đầu của Hoa Kỳ, hỗ trợ Việt Nam tổ chức thành công Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.

https://www.voatiengviet.com/a/vietnam-airlines-tang-110-chuyen-bay-phuc-vu-apec/4059510.html