Tin Việt Nam – 06/04/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 06/04/2017

Dân kỷ niệm một năm thảm họa cá chết ở miền trung Việt Nam

Người dân và các nhà hoạt động từ nhiều nơi trên khắp Việt Nam hôm 6/4 đã có những hoạt động đánh dấu tròn một năm xảy ra thảm họa cá chết ở miền trung mà nhiều người quy lỗi cho hãng Formosa.

…tùy từng nơi, tùy từng lúc chúng tôi đi biểu tình để nói lên tiếng nói của người dân Việt Nam, và để khích lệ cũng như nói lên tinh thần đấu tranh cho môi sinh, môi trường để người dân Việt Nam hiểu hơn, biết hơn và cùng đồng lòng để đấu tranh cho môi trường Việt Nam trong sạch hơn và đẩy Formosa ra khỏi Việt Nam.

Nhà hoạt động Lê Văn Sơn

Thông tin và hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy cả nghìn người ở huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh và một số giáo xứ ở Nghệ An đã cầm biểu ngữ tuần hành đến cổng nhà máy Formosa hoặc đi ra biển để “tưởng niệm” thảm họa môi trường biển.

Bên cạnh đó là các nhóm nhỏ hoặc một số cá nhân riêng rẽ cũng giương biểu ngữ để đánh dấu ngày này tại các địa điểm công cộng ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Bình và một vài nơi khác.

Nhà hoạt động Lê Văn Sơn mô tả các hoạt động kỷ niệm:

“Chúng tôi có những hoạt động cụ thể từ trước, ví dụ như kêu gọi mọi người ký vào kiến nghị về thảm họa Formosa kêu gọi cộng đồng quốc tế bảo vệ môi sinh, môi trường cho biển Việt Nam. Và tùy từng nơi, tùy từng lúc chúng tôi đi biểu tình để nói lên tiếng nói của người dân Việt Nam, và để khích lệ cũng như nói lên tinh thần đấu tranh cho môi sinh, môi trường để người dân Việt Nam hiểu hơn, biết hơn và cùng đồng lòng để đấu tranh cho môi trường Việt Nam trong sạch hơn và đẩy Formosa ra khỏi Việt Nam”.

Anh Sơn cho biết đến nay đã có hơn 100.000 chữ ký vào kiến nghị trên trang thamhoaformosa.com. Đây là kiến nghị do Ban Hỗ trợ Nạn nhân môi trường biển thuộc giáo phận Vinh soạn ra, dự kiến sẽ được gửi đến chính phủ Đài Loan và các tổ chức quốc tế nhằm gây áp lực buộc Formosa đền bù thỏa đáng, cải tạo môi trường. Kiến nghị cũng nhắm đến việc “trục xuất” Formosa ra khỏi Việt Nam.

Thảm họa biển miền trung xảy ra hồi năm ngoái khi nhà máy thép của hãng Formosa (Đài Loan) đặt ở Hà Tĩnh gặp sự cố khi vận hành thử, xả thải độc hại trái phép làm cá chết hàng loạt ở tỉnh này và 3 tỉnh khác.

Tháng 6 năm ngoái, Formosa đã nhận trách nhiệm về vụ này và chấp nhận bồi thường 500 triệu đôla cho chính phủ Việt Nam.

…người dân họ vẫn không tin được việc nhà nước minh bạch con số đền bù cho người dân. Và người ta không được đáp ứng cho nên người ta phải xuống đường yêu cầu minh bạch

Nhà hoạt động Lê Văn Sơn

Từ đó đến nay, nhà chức trách Việt Nam đã phát tiền đền bù cho những người bị ảnh hưởng nhưng nhiều người vẫn chỉ trích rằng số tiền đền bù và sự minh bạch của chính phủ về vụ ô nhiễm còn chưa thỏa đáng.

Trong khi đó, cuộc sống của nhiều cộng đồng ven vùng biển bị thảm họa chưa trở lại bình thường. Nhiều người có sinh kế gắn với đánh bắt, buôn bán hải sản và các dịch vụ du lịch hiện vẫn đang thất nghiệp, không có thu nhập.

Nhà hoạt động Lê Văn Sơn, người đã trực tiếp tìm hiểu tình hình từ nhiều ngư dân, nói với VOA:

“Những ngư dân miền trung họ cho biết rằng hoặc họ không được nhận đền bù hoặc đền bù không thỏa đáng. Thậm chí có những nơi, có những khu vực, có những gia đình nhận đền bù bằng những thứ gạo mốc. Đó là những gì mà chính phủ đang hỗ trợ cho người dân, gọi là đền bù cho người dân. Như vậy thì người dân họ vẫn không tin được việc nhà nước minh bạch con số đền bù cho người dân. Và người ta không được đáp ứng cho nên người ta phải xuống đường yêu cầu minh bạch”.

Trong cuộc biểu tình ở Kỳ Anh hôm 6/4 có nhiều phụ nữ và trẻ em. Người biểu tình mang các biểu ngữ viết: “Formosa hãy bồi thường cho ngư dân chúng tôi”, “Yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam tống cổ Formosa ra khỏi Việt Nam”, “Chính phủ nhận tiền nhân dân nhận thảm họa”, và “Võ Kim Cự kẻ tội đồ dân tộc”.

Ông Võ Kim Cự từng là Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, có liên quan đến quá trình cấp phép để Formosa đầu tư vào dự án ở Hà Tĩnh. Hiện ông là Bí thư đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh Hợp Tác Xã Việt Nam.

Cho rằng ông Cự có những sai phạm khi còn giữ chức ở Hà Tĩnh, Đảng ủy khối cơ quan trung ương cách đây ít ngày đã bỏ phiếu về đề xuất kỷ luật đối với ông. Kết quả cho thấy có nhiều phiếu đề nghị kỷ luật cách chức ông khỏi vị trí hiện nay.

Trên mạng xã hội, nhiều người bình luận rằng đề xuất kỷ luật ông Cự có thể là một động thái của chính quyền nhằm xoa dịu công chúng về thảm họa cá chết, nhưng việc này cho dù có được thực hiện cũng chưa đủ để giải quyết tận gốc vấn đề Formosa. Nhà hoạt động Lê Văn Sơn đưa ra ý kiến:

“Năm 2017 này, tháng 2 rồi những ngày sau đó, thậm chí những ngày gần đây nhất, biển miền trung vẫn có dấu hiệu và hiện tượng nước vàng, nước đỏ và cá vẫn chết. Vì thế để đảm bảo cho môi trường, trả lại môi trường biển sạch cho miền trung thì người dân miền trung chỉ còn một cách duy nhất, một suy nghĩ duy nhất, đó là Formosa phải đóng cửa”.

Anh Sơn cho rằng không chỉ người dân miền trung mà những người Việt Nam khác có quan tâm đến tình hình môi trường miền trung cũng có chung suy nghĩ là Formosa đóng cửa mới trả lại môi trường biển và môi trường sống trong sạch ở đó.

Trái với mong muốn này, Đài Truyền hình Việt Nam đưa tin hôm 5/4 rằng nhà máy thép của Formosa ở Hà Tĩnh đã đáp ứng các điều kiện của Bộ Tài nguyên và Môi trường để bắt đầu chạy thử. Bộ đã kết luận như vậy sau khi dành 3 ngày kiểm tra nhà máy.

Formosa tháng trước cho biết họ sẽ tăng đầu tư khoảng 350 triệu đôla vào dự án để cải thiện các biện pháp an toàn về môi trường với hy vọng bắt đầu sản xuất thương mại vào quý 4 năm nay.

http://www.voatiengviet.com/a/ky-niem-1-nam-tham-hoa-formosa-mien-trung-viet-nam/3798834.html

 

USCIRF vận động đưa Việt Nam trở lại CPC:

Phản ứng của chức sắc tôn giáo

Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ (USCIRF) hôm thứ Năm 6/4 phát động dự án Tù Nhân Lương Tâm Tôn Giáo (TNLTTG). Dự án này nêu bật trường hợp các cá nhân bị bỏ tù chỉ vì đã hành sử quyền tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng của họ, cũng như các điều kiện tại một quốc gia đã dẫn đến việc bỏ tù các tù nhân lương tâm. Trong các trường hợp được nêu lên có trường hợp của Mục sư Nguyễn Công Chính và bà Trần Thị Hồng. Dự án TNLTTG sẽ cung cấp dữ liệu cho các cơ quan Hành Pháp Hoa Kỳ để vận động đưa Việt Nam trở lại vào danh sách Các nước phải Quan tâm Đặc biệt (CPC).

Trong mấy năm gần đây, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ đã mạnh mẽ vận động quốc tế để đưa Việt Nam trở lại CPC.

Rõ ràng Việt Nam đang đối diện với nguy cơ có thể bị đưa trở lại danh sách các nước đáng quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo lần thứ hai vào năm 2017.

Trong phúc trình về tự do tôn giáo quốc tế năm 2016 do USCIRF công bố, Việt Nam vẫn tiếp tục bị xếp vào danh sách các nước chưa có tự do tôn giáo và cần bị theo dõi sát sao vì những hoạt động vi phạm tự do tôn giáo được chính phủ bật đèn xanh.

Trong phúc trình đánh giá tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam để xét có nên đưa Việt Nam vào CPC vào tháng 2 vừa rồi, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế kết luận: “Chắc chắn là Việt Nam đã có cải thiện các điều kiện về tự do tôn giáo trong hơn 40 năm từ khi cộng sản nắm quyền, và cả trong 10 năm từ khi được đưa khỏi danh sách CPC, nhưng những vụ vi phạm quyền tự do tôn giáo vẫn tiếp diễn đã khiến Việt Nam hội đủ các yếu tố để bị đưa vào danh sách CPC theo các tiêu chuẩn của Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ – IRFA.”

Bản cáo cáo này viết tiếp: “Sự kiện Việt Nam bị đưa vào danh sách CPC trong một thời gian ngắn mà thôi cho thấy việc chỉ định CPC đi kèm với thỏa thuận có tính ràng buộc nhằm thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, dù cho không củng cố được những cải thiện về tự do tôn giáo về lâu về dài.”

Theo Đạo Luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế IRFA, chính phủ Hoa Kỳ phải đưa vào danh sách CPC các chính quyền nhúng tay vào hoặc dung túng cho các vụ vi phạm tự do tôn giáo.

Hòa thượng Tích Không Tánh thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất cho VOA biết ông tán thành với quyết định của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ về việc đưa Việt Nam trở lại CPC:

“Việc Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ tới bây giờ mới đề nghị Việt Nam vào CPC, theo tôi là quá trễ rồi.”

Đồng Chủ tịch của Hội đồng Liên tôn Việt Nam và là trụ trì chùa Liên Trì ở Thủ Thiêm, ngôi chùa bị chính quyền quận 2, thành phố Hồ Chí Minh cưỡng chế vào tháng 9 năm ngoái, chia sẻ thêm về tình hình tự do tôn giáo Việt Nam sau khi Việt Nam được rút ra khỏi CPC trong hơn 10 năm:

“Sau khi Việt Nam được rút ra khỏi CPC, phải nói rằng tình hình đàn áp tôn giáo càng nặng nề và tầm trọng hơn. Tất cả những nhóm tôn giáo độc lập, chân truyền, truyền thống đều bị đán áp, bị cô lập, bị bách hại, bị khủng bố, bị bao vây, bị phong tỏa.”

Sau khi Việt Nam được rút ra khỏi CPC, phải nói rằng tình hình đàn áp tôn giáo càng nặng nề và tầm trọng hơn. Tất cả những nhóm tôn giáo độc lập, chân truyền, truyền thống đều bị đán áp, bị cô lập, bị bách hại, bị khủng bố, bị bao vây, bị phong tỏa.

Hòa Thượng Thích Không Tánh.”

Tháng 9/2004, lần đầu tiên chính phủ Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam vào danh sách CPC do đã vi phạm tự do tôn giáo một cách “có hệ thống, liên tục và kinh hoàng.” Vào tháng 11/2006, Việt Nam được đưa ra khỏi danh sách này, khi đó dường như Việt Nam thể hiện một số nhân nhượng về nhân quyền và tôn giáo và mong muốn được tham gia vào Tổ chức Thương mại Quốc tế WTO.

Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng tán thành việc đưa Việt Nam vào lại CPC:

“Tôi cũng đồng ý với vấn đề đưa Việt Nam vào lại CPC. Từ khi Việt Nam được tham gia vào Hội đồng Nhân quyền LHQ với nhiều cam kết, hứa hẹn, nhưng thật sự Việt Nam không có những cải thiện về nhân quyền, trong đó có tự do tôn giáo, mà ngày càng vi phạm trầm trọng hơn. Mới đây Việt Nam tiếp tục ban hành Luật Tín ngưỡng Tôn giáo ngày càng siết chặt tự do tôn giáo nhiều hơn.”

Cùng ý kiến với Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng, ông Nguyễn Văn Điền, Hội Trưởng Trung Ương Giáo Hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần Tuý, cho rằng việc trở lại CPC sẽ là cơ hội gây áp lực để Việt Nam cải thiện tự do tôn giáo tốt hơn:

“Các cơ quan chức năng của quốc tế có thẩm quyền đã nhìn thấy rất rõ rệt. Chúng tôi là người tu hành, chúng tôi không muốn làm khổ ai, nhưng nếu không cho họ một bài học như vậy thì chắc chắn rằng họ sẽ còn nặng tay hơn đối với tôn giáo nói chung và với Phật giáo Hòa Hảo nói riêng. Vì thế chúng tôi tán thành.”

Tháng trước, khi công bố tài liệu tổng kết tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam nhân đánh dấu 10 năm chính phủ Hoa Kỳ ngưng chỉ định Việt Nam là quốc gia phải quan tâm đặc biệt (CPC), Linh mục Thomas Reese, Chủ Tịch USCIRF phát biểu rằng: “Nếu Việt Nam không thực thi những cải cách về tự do tôn giáo nhất quán với các tiêu chuẩn quốc tế, USCIRF sẽ tiếp tục kêu gọi chỉ định Việt Nam là quốc gia CPC.

Ông Thomas J. Reese nói thêm: “10 năm sau khi Bộ Ngoại Giao rút Việt Nam ra khỏi danh sách CPC, tình hình tự do tôn giáo ở nước này đang ở một thời điểm bước ngoặt. Trong khi tình hình đã cải tiến trong một số trường hợp, những vi phạm tôn giáo trầm trọng vẫn tiếp diễn và không phù hợp với chuẩn mực quốc tế.”

http://www.voatiengviet.com/a/uscirf-van-dong-dua-vietnam-tro-lai-cpc-phan-ung-cua-chuc-sac-ton-giao/3798755.html

 

Dân biểu Mỹ đề nghị Tòa Bạch Ốc lập website tiếng Việt

Hơn hai chục dân biểu bên đảng Dân chủ đề nghị dự luật yêu cầu Tòa Bạch Ốc và tất cả các cơ quan liên bang lập trang web tiếng Việt cùng một số ngôn ngữ khác.

Dân biểu Lou Correa đề xướng dự luật yêu cầu các trang web của chính phủ liên bang phải có tiếng Việt, tiếng Hoa, tiếng Tây Ban Nha, và tiếng Tagalog, ngôn ngữ của đa số dân chúng Philippines.

Dân biểu Correa nói với tờ Los Angeles Times rằng các trang web của liên bang cần được dịch sang các thứ tiếng này vì những người nói các ngôn ngữ đó cũng là dân thọ thuế ở Mỹ.

“Đây là cách làm cho chính phủ minh bạch, khả tín, hiệu quả hơn đối với nhiều thành phần dân chúng hơn,” dân biểu Correa nhấn mạnh.

Dự luật này là một phản hồi đối với chính quyền Tổng thống Trump vì chính quyền dỡ bỏ phần tiếng Tây Ban Nha ra khỏi website của Tòa Bạch Ốc kể từ khi ông Trump nhậm chức.

Phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc, khi bị chất vấn về việc này, đã hứa hẹn rằng trang tiếng Tây Ban Nha sẽ sớm được lập lại.

Trong khi tiếng Tây Ban Nha bị loại bỏ ra khỏi website Tòa Bạch Ốc, dân biểu Lou Correa thúc đẩy các trang web của chính phủ liên bang phải có phiên bản bằng ngôn ngữ này.

Dân biểu Correa đến từ California, bang có nhiều dân nói tiếng Tây Ban Nha và tiếng Việt.

Các trang web của các cơ quan, bộ ngành chính phủ Mỹ có phiên bản tiếng Tây Ban Nha sau khi cựu Tổng thống Bill Clinton ký sắc lệnh hồi năm 2000 với mục đích tạo điều kiện tiếp cận cho những người hạn chế về khả năng Anh ngữ. Một chỉ dẫn của Bộ Tư pháp ban hành kèm theo sắc lệnh này nêu rõ các cơ quan được liên bang tài trợ phải làm sao để thông tin đến được thành phần dân chúng không nói hay đọc được tiếng Anh thông thạo.

Theo Washington Examiner / LA Times

http://www.voatiengviet.com/a/dan-bieu-my-de-nghi-toa-bach-oc-lap-trang-web-tieng-viet/3797971.html

 

Các chuyên gia: Việt Nam ‘đề phòng’ về cuộc gặp Trump-Tập

Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 6/4 tại khu nghỉ dưỡng thuộc sở hữu cá nhân của ông Trump ở Mar-a-Lago, Florida.

Hai chuyên gia Lê Hồng Hiệp và Trần Công Trục nhận định rằng khung cảnh không đặt nặng các thủ tục ngoại giao chính thức và trịnh trọng cho thấy đó sẽ là cuộc gặp để làm quen, thiết lập mối quan hệ trong không khí thân mật.

Mặc dù vậy, ông Hiệp và ông Trục tiên liệu lãnh đạo của hai cường quốc chủ chốt trên thế giới cũng sẽ vẫn bàn thảo một số vấn đề quan trọng có ảnh hưởng đến Việt Nam.

Từ Singapore, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, nói lãnh đạo Mỹ-Trung sẽ bàn 3 vấn đề chính là thâm hụt thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc, thứ hai là chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên, và thứ ba là vấn đề Biển Đông.

Đồng ý về dự báo của ông Hiệp, từ Việt Nam, Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, bổ sung thêm ông Trump và ông Tập còn có thể bàn thảo về nguyên tắc “một nước Trung Quốc”.

Ngay sau khi đắc cử, đầu tháng 12 năm ngoái ông Trump đã làm Trung Quốc tức giận khi điện đàm với Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, một động thái bị xem là phá vỡ chính sách đối ngoại Mỹ có từ năm 1979 chỉ công nhận một nước Trung Quốc.

Trong số các vấn đề đó, Biển Đông và kinh tế có liên quan với lợi ích thiết thân của Việt Nam.

… tôi nghĩ rằng hai nước lớn này trong cái dịp gặp gỡ lần này có lẽ là họ cũng có những tính toán nào đó …

Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ Việt Nam

Nhìn vào cuộc thảo luận dự kiến về Biển Đông giữa hai ông Trump-Tập từ góc độ Việt Nam, Tiến sĩ Trần Công Trục nói không phải là không có cơ sở để Việt Nam lo ngại về một thỏa thuận ngầm nào đó giữa hai nước lớn.

Ông điểm lại các sự kiện lịch sử như – theo lời ông – năm 1974 Mỹ “để cho” Trung Quốc đánh chiếm phía tây quần đảo Hoàng Sa lúc đó thuộc Việt Nam Cộng hòa, hay năm 2012 Hoa Kỳ không có động thái gì sau khi Trung Quốc giành lấy bãi cạn Scarborough có tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines, một đồng minh của Mỹ. Từ đó ông nêu ý kiến:

“Đã có những hiện tượng đó, và chắc chắn đối với người Việt Nam chúng tôi thì tôi nghĩ chắc rằng cũng đề phòng đến khả năng có những sự thỏa thuận vì cái lợi ích của họ. Những cái chuyện họ thỏa thuận là quyền của họ. Nhưng vấn đề là họ có làm được những điều đó không và ảnh hưởng lợi ích của các nước nhỏ trong khu vực này không, đặc biệt là Việt Nam”.

So sánh mức độ quan tâm của Mỹ đến hai vấn đề Bắc Triều Tiên và Biển Đông, Tiến sĩ Trục, người có kinh nghiệm 30 năm làm việc ở Ban Biên giới Chính phủ, đánh giá rằng Mỹ “lo lắng nhiều hơn” đến việc Bắc Triều Tiên phát triển chương trình hạt nhân và tên lửa so với tình hình Biển Đông. Trong khi ngược lại, Trung Quốc lại xem trọng Biển Đông. Đó có thể là lý do để Mỹ và Trung Quốc “bắt tay nhau” phân chia ảnh hưởng về hai vấn đề này. Tiến sĩ Trục phân tích:

“Biển Đông rõ ràng không phải là lợi ích, sự sát sườn đối với Hoa Kỳ. Mà họ chỉ bảo vệ tự do hàng hải, hàng không. Mỹ mà có quan tâm, thì tôi cho rằng họ quan tâm đến cái khu vực Đông Bắc Á nhiều hơn là khu vực Biển Đông. Còn với Trung Quốc, họ muốn Biển Đông để vươn lên để mà tranh giành vị trí của Mỹ ở vùng châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là vươn lên trở thành ngang tầm hoặc thậm chí vượt Mỹ nữa. Nhưng vấn đề Triều Tiên cũng là vấn đề mà không phải là họ không gắn bó. Cho nên tôi nghĩ rằng hai nước lớn này trong cái dịp gặp gỡ lần này có lẽ là họ cũng có những tính toán nào đó”.

… lợi ích của Mỹ ở Biển Đông cũng rất là lớn. Họ có lợi ích về mặt tự do hàng hải, các lợi ích chiến lược để kiềm chế sự bành trướng về hàng hải, hải quân của Trung Quốc. Cho nên Mỹ sẽ không dễ dàng từ bỏ lợi ích của mình ở Biển Đông …

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore

Trong khi đó, nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp cho rằng không có khả năng Mỹ và Trung Quốc đi đến thỏa thuận bí mật “có qua có lại” phân chia sự thao túng của họ đối với Biển Đông và Bắc Triều Tiên. Ông Hiệp nêu ra các lý do:

“Vấn đề Bắc Triều Tiên thì kể cả Trung Quốc có muốn nhường cho Mỹ thì Trung Quốc không dễ đạt được. Mặt khác, Biển Đông thì Mỹ có muốn nhường cho Trung Quốc cũng không thể thực hiện được, tại vì lợi ích của Mỹ ở Biển Đông cũng rất là lớn. Họ có lợi ích về mặt tự do hàng hải, các lợi ích chiến lược để kiềm chế sự bành trướng về hàng hải, hải quân của Trung Quốc. Cho nên Mỹ sẽ không dễ dàng từ bỏ lợi ích của mình ở Biển Đông, đấy là chưa kể tới sự cam kết hay lợi ích của các quốc gia khác trong khu vực, trong đó có các quốc gia đồng minh của Mỹ”.

Trái với phỏng đoán của một số người rằng Mỹ, Trung sẽ có một thỏa hiệp nào đó, Tiến sĩ Hiệp dự báo căng thẳng Trung-Mỹ về Biển Đông “sẽ gia tăng” vì Mỹ không từ bỏ quyền lợi, trong khi đó, Trung Quốc đã tuyên bố Biển Đông là lợi ích cốt lõi và không nhượng bộ trong vấn đề này.

Về Bắc Triều Tiên, vị tiến sĩ thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore nói rõ thêm rằng Bắc Kinh “không có nhiều ảnh hưởng, không có nhiều sự kiểm soát” đối với Bình Nhưỡng như nhiều người vẫn nghĩ. Vì vậy, ông nói ngay cả khi Trung Quốc “có muốn giúp” Mỹ, Trung Quốc cũng “rất khó” có thể làm gì.

Chủ đề thương mại giữa nền kinh tế số 1 thế giới và đất nước đông dân nhất hành tinh cũng là mối quan tâm lớn của Việt Nam.

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp nhận định tổng thống Trump sẽ nói chuyện với Chủ tịch Tập về giảm thâm hụt thương mại lớn của Mỹ đối với Trung Quốc và đem công ăn việc làm từ Trung Quốc về Mỹ, hai nội dung quan trọng ông Trump đã hứa với cử tri Mỹ khi tranh cử.

Tuy nhiên, ông Hiệp đánh giá rằng ông Trump sẽ khó đạt được mục đích của mình:

“Tại vì hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ thì trong đấy có một phần đáng kể là của những công ty đa quốc gia, trong đấy có những công ty của Mỹ thiết lập nhà xưởng ở Trung Quốc. Cho nên, nếu hạn chế thương mại với Trung Quốc thì sẽ làm tổn thương, thiệt hại cho các doanh nghiệp Mỹ là những đối tượng ông Trump đang muốn bảo vệ. Bây giờ có lẽ một biện pháp khả dĩ hơn là làm sao để xuất khẩu hàng của Mỹ sang Trung Quốc nhiều hơn để mà thu hẹp được thâm hụt thương mại đó. Tuy nhiên những lợi thế so sánh không cho phép Mỹ có thể xuất khẩu mạnh được sang Trung Quốc như là từ Trung Quốc sang Mỹ”.

Năm 2016, Mỹ chịu thâm hụt thương mại với Trung Quốc lên đến 347 tỉ đôla. Xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc là 116 tỉ đôla, trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc tới 463 tỉ đôla.

Chỉ ít ngày trước cuộc gặp chính thức đầu tiên giữa hai nguyên thủ Mỹ-Trung, hôm 31/3 Tổng thống Mỹ đã ký hai lệnh hành pháp về điều tra gian lận thương mại và lý do làm cho Mỹ bị thâm hụt thương mại lên tới hơn 500 tỷ đôla mỗi năm với 16 quốc gia, trong đó lớn nhất là Trung Quốc. Việt Nam cũng nằm trong số 16 nước đó.

Nhiều nhà quan sát đánh giá đây là dấu hiệu cảnh báo Bắc Kinh, song Washington nhấn mạnh hai sắc lệnh không tập trung cụ thể vào bất kỳ một quốc gia nào.

Trong trường hợp tổng thống Mỹ theo đuổi đường lối cứng rắn trong quan hệ thương mại với Trung Quốc, hai nhà nghiên cứu Trần Công Trục và Lê Hồng Hiệp cảnh báo điều này sẽ có ảnh hưởng tiềm tàng đến Việt Nam. Tiến sĩ Trục nói:

“Mỹ mà thực hiện cái mà ông Donald Trump tuyên bố, rõ ràng nó có thể có ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của Trung Quốc. Đương nhiên với Trung Quốc là nước láng giềng sát với Việt Nam, với tất cả quan hệ kinh tế từ xưa đến nay, thì rõ ràng là Trung Quốc mà có những ảnh hưởng thì nó cũng có thể tác động đến Việt Nam. Với một nước như Trung Quốc, khi mà có khó khăn, có những khủng hoảng, thì chắc chắn điều đó nó cũng lôi kéo cả tình hình kinh tế khu vực và thế giới chứ không phải chỉ riêng Trung Quốc”.

… nếu mà Mỹ mà cấm hoặc hạn chế hàng nhập khẩu từ Trung Quốc … họ sẽ tập trung vào việc đưa các cơ sở sản xuất về Mỹ và tạo công ăn việc làm cho người Mỹ. Cho nên khả năng cao hơn là Mỹ sẽ ưu tiên sản xuất các mặt hàng đấy ở trong nước Mỹ thay vì nhập khẩu từ một nước thứ ba như là Việt Nam chẳng hạn. Thứ hai, bản thân Việt Nam cũng nằm trong danh sách đen của Nhà Trắng trong việc điều tra thâm hụt thương mại lớn của Hoa Kỳ. Việt Nam cũng đang là đối tượng bị Hoa Kỳ tìm cách giảm thâm hụt …

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp

Về phần mình, Tiến sĩ Hiệp nói cụ thể hơn rằng Việt Nam sẽ khó có thể hưởng lợi được từ sự cứng rắn của Mỹ đối với Trung Quốc trong vấn đề thương mại:

“Một mặt, những mặt hàng của Trung Quốc xuất sang Mỹ thì chưa chắc Việt Nam đã có đủ năng lực hoặc là có khả năng thay thế. Đấy là chưa kể những hàng hóa của Trung Quốc bị cấm là vì mục đích giảm nhập khẩu của Hoa Kỳ. Cho nên nếu mà Mỹ mà cấm hoặc hạn chế hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, thì họ sẽ thay vì là tìm kiếm nguồn nhập khẩu từ các nước khác như Việt Nam, tôi nghĩ là họ sẽ tập trung vào việc đưa các cơ sở sản xuất về Mỹ và tạo công ăn việc làm cho người Mỹ. Cho nên khả năng cao hơn là Mỹ sẽ ưu tiên sản xuất các mặt hàng đấy ở trong nước Mỹ thay vì nhập khẩu từ một nước thứ ba như là Việt Nam chẳng hạn. Thứ hai, bản thân Việt Nam cũng nằm trong danh sách đen của Nhà Trắng trong việc điều tra thâm hụt thương mại lớn của Hoa Kỳ. Việt Nam cũng đang là đối tượng bị Hoa Kỳ tìm cách giảm thâm hụt. Khả năng Việt Nam được hưởng lợi từ sự trừng phạt hay các hành động của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc trong vấn đề thương mại thì tôi nghĩ là thấp, không đáng kể”.

Năm 2016, Việt Nam đã xuất siêu sang Mỹ hơn 29 tỉ đôla. Vị tiến sĩ của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á thận trọng cảnh báo rằng vào lúc Mỹ tìm cách giảm nhập siêu từ 16 nước trong đó có Việt Nam, điều này cũng đồng nghĩa khả năng để Việt Nam tăng xuất khẩu sang Mỹ trong thời gian tới sẽ thấp.

http://www.voatiengviet.com/a/chuyen-gia-noi-viet-nam-de-phong-ve-cuoc-gap-trump-tap/3797788.html

 

So sánh dân quyền Việt Nam và Hàn Quốc

LS Ngô Ngọc TraiGửi cho BBC từ Hà Nội

Ý kiến nói vụ bà Park Geun Hye cho thấy quy định pháp luật Hàn Quốc có tính nhân bản, trong lúc ở Việt Nam, những bất cập trong việc giam giữ chưa được giải quyết.

Cựu Tổng thống Hàn Quốc bà Park Geun Hye mới bị Tòa án ra lệnh bắt giam để phục vụ điều tra. Báo chí Việt Nam đưa tin rộng rãi về sự kiện này.

Là một luật sư hình sự hành nghề tại Việt Nam khi theo dõi thông tin về sự việc, tôi thấy được nhiều vấn đề pháp lý quan trọng.

Theo nội dung các bài báo trên các báo như Tuổi Trẻ, Người Lao động, VnExpress, VietnamNet… đều có thông tin bà Park được gặp người thân mỗi ngày một lần và được gặp luật sư không giới hạn thời gian làm việc.

Dân biểu Mỹ lo ngại về nhân quyền Việt Nam

Cựu tổng thống Park bị bắt

Hàn Đức Long về nhà sau bốn lần tuyên án tử

Bản thân tôi rất cảm kích trước quy định pháp lý tiến bộ, tôn trọng quyền của người bị giam giữ như vậy, cho thấy pháp luật của Hàn Quốc rất nhân văn và đề cao bảo vệ nhân quyền.

Sự việc này cung cấp một thông tin tham chiếu rất tốt về một vấn đề vốn gây bức xúc trong nền tư pháp hình sự lâu nay, đó là vấn đề người bị giam giữ gặp người thân và luật sư.

Chúng ta biết rằng việc bắt giam giữ để phục vụ điều tra luôn khiến người ta bị khủng hoảng tinh thần thể xác. Ngoài những nỗi lo sợ vì bị giam giữ và viễn cảnh tù tội, người bị giam giữ đặc biệt bị khủng hoảng do hụt hẫng thay đổi môi trường sống và các mối quan hệ thân thuộc.

Người bị giam giữ theo đó luôn có mong mỏi được gặp mặt người thân và luật sư, đó là một điều tất yếu đương nhiên xét về góc độ tình cảm lý trí con người. Và mọi hệ thống pháp luật nếu không quá tàn bạo thì đều phải có quy định đáp ứng nguyện vọng chính đáng đó.

Luật pháp Hàn Quốc thông qua vụ việc bà Park Geun Hye đã cho thế giới thấy quy định pháp luật có tính văn minh nhân bản.

Còn ở Việt Nam từ lâu nay người bị giam giữ có quyền nhưng luôn bị gặp khó khăn trong việc gặp gỡ người thân và luật sư.

Văn bản năm 1998

Văn bản pháp luật đang có hiệu lực điều chỉnh vấn đề này là Nghị định 89/1998/NĐ-CP của chính phủ ban hành quy chế về tạm giữ tạm giam. Theo văn bản này thì người bị giam giữ có thể được gặp thân nhân, luật sư do cơ quan đang thụ lý vụ án quyết định. Giám thị Trại tạm giam quyết định thời gian gặp nhưng không quá một giờ mỗi lần gặp.

Đây là văn bản có giá trị pháp lý cao nhất tính đến thời điểm này quy định về việc thăm gặp. Tuy vậy việc gặp chỉ là ‘có thể’ do cơ quan thụ lý vụ án quyết định mà không được ấn định rõ ràng.

Vì sự mơ hồ ‘có thể’ cho nên trên thực tế người bị giam giữ rất khó được gặp người thân như cha mẹ, vợ chồng, con cái. Thực tế trong hầu hết các vụ án ở giai đoạn điều tra thường kéo dài nhiều tháng có khi tới cả năm, thì người bị giam không được gặp người thân.

Đối với những vụ án xâm phạm an ninh quốc gia như trường hợp luật sư Nguyễn Văn Đài hay Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị bắt giam thì có khi cả năm trời cũng không được gặp người thân.

Còn sau khi kết thúc điều tra thì việc thăm gặp tùy thuộc vào sự cho phép của bên điều tra và trại giam, sự cho phép không tránh khỏi tùy tiện vì pháp luật không ấn định rõ ràng.

Về việc gặp luật sư thì đỡ tệ hơn nhưng vẫn đầy nhiêu khê. Bằng nhiều văn bản khác nhau không do Quốc hội ban hành, thì trong giai đoạn điều tra luật sư chỉ được gặp bị can khi có sự tham gia cùng của nhân viên điều tra, mà không được gặp riêng.

Còn khi đã kết thúc điều tra rồi thì luật sư được gặp, nhưng theo quy định tại Nghị định 89 nêu trên thì thời gian mỗi lần gặp không quá một giờ đồng hồ.

Đây là quy định bất cập gây nhiều khó khăn cho luật sư bào chữa lâu nay. Vì nhiều vụ án lớn phức tạp luật sư cần nhiều thời gian để trao đổi làm việc, hoặc luật sư phải mất công đi rất xa mới đến được nơi gặp, khi đó quy định thời gian gặp không quá một giờ mỗi lần rõ ràng là một cản trở cho hoạt động bào chữa.

Đó là chưa kể đến tình trạng luật sư bị từ chối cho gặp với đủ mọi lý do. Ví như mới trước đây khi tôi tham gia bào chữa cho tử tù Hàn Đức Long, người bị đi tù oan 11 năm và chịu 4 án tử hình, mới được trả tự do hồi tháng 12/2016. Khi ông Long bị giam giữ tại trại giam T16 của Bộ công an tôi vào thăm gặp, nhưng đã bị từ chối với lý do vụ án phức tạp được chỉ đạo không cho gặp.

Nhân viên trại giam đã xua đuổi tôi về, và đó đối với vụ án kêu oan suốt 11 năm với tính chất đặc biệt nghiêm trọng và được dư luận quan tâm, mà còn bị đối xử như thế.

Luật giam giữ 2015

Năm 2015 Quốc hội đã ban hành Luật thi hành tạm giữ tạm giam thay thế cho nghị định của chính phủ trước kia. Văn bản này đã cải thiện quyền được thăm gặp của người bị giam giữ nhưng vẫn còn kém xa quy định của Hàn Quốc.

Theo đó người bị giam được gặp người thân mỗi tháng một lần, quy định này đã ấn định rõ ràng hơn so với nghị định 89 khi không quy định rõ ràng việc gặp người thân.

Nhưng so với pháp luật của Hàn Quốc bà Park được gặp người thân mỗi ngày thì rõ ràng dân quyền ở Việt Nam còn kém xa. Người Việt Nam chỉ được gặp người thân bị giam giữ mỗi tháng một lần, trong khi người Hàn Quốc được gặp hàng ngày.

Còn về việc gặp luật sư bào chữa thì Luật mới không còn nội dung giới hạn thời gian gặp mỗi lần không quá một giờ đồng hồ. Vấn đề thời gian gặp được để ngỏ nhưng rất có thể sẽ lại quy định cụ thể ở các văn bản dưới luật như nghị định, thông tư mà rồi quyền gặp của luật sư cũng có nguy cơ bị bó hẹp hạn chế.

Tới nay Luật thi hành tạm giữ tạm giam đang bị hoãn thi hành do Bộ luật hình sự năm 2015 bị phát hiện có nhiều lỗi sai phạm cho nên hoãn thi hành kéo theo nhiều văn bản pháp luật về hình sự cũng bị hoãn.

Điều đó khiến cho những bất cập trong việc giam giữ vẫn tồn tại cho đến nay mà chưa được giải quyết.

50 luật sư kiến nghị

Nắm được quy định pháp lý tiến bộ của Hàn Quốc qua các bài báo về vụ bà Park Geun Hye, tôi nảy sinh ý tưởng viết một văn bản kiến nghị đòi hỏi quyền cho người bị giam giữ được gặp luật sư không bị hạn chế thời gian.

Vấn đề này liên quan trực tiếp đến môi trường hành nghề của bản thân tôi và nhiều đồng nghiệp cho nên đã có 50 luật sư đồng ý tham gia kiến nghị.

Theo đó chúng tôi đề nghị các ban ngành tư pháp ở Việt Nam đưa ra văn bản hướng dẫn chỉ đạo, quy định cho phép luật sư bào chữa được gặp người bị giam giữ không giới hạn về thời gian làm việc trong ngày.

Chúng tôi hy vọng qua một sự kiện pháp lý bên Hàn Quốc được đông đảo mọi người quan tâm, chúng tôi xới xáo vấn đề lên để mọi người cùng thấy được quy định bất cập của pháp luật Việt Nam. Từ đó hối thúc sửa đổi, kiến tạo môi trường pháp lý an toàn, bảo vệ các quyền hợp pháp chính đáng của người dân.

Qua đó giúp hệ thống pháp luật Việt Nam tiến bộ tiệm cận với chuẩn mực tư pháp các nước trên thế giới, tránh tình trạng quy định bất cập vô lý, coi thường quyền của người bị giam giữ, coi thường quyền của luật sư như lâu nay.

Bài phản ánh văn phong và quan điểm riêng của tác giả, giám đốc công ty luật Công chính ở Hà Nội.

http://www.bbc.com/vietnamese/forum-39488675

 

Phỏng vấn thượng nghị sỹ Janet Nguyễn

“Gia đình chúng tôi vượt biên sang Thái Lan, rồi từ đó khi tôi 5 tuổi, năm 1981 mới sang tiểu bang Cali. Sang đây chúng tôi nghèo lắm, phải nhờ tiền của chính phủ để có chỗ ở, rồi có đồ ăn hàng ngày.

10 tuổi tôi đã đi giúp người ta dọn nhà để có tiền đi học.

Lúc sang Mỹ tôi không nói tiếng Anh, mà mới 5 tuổi nên tiếng Việt cũng không rành…”

Thượng nghị sỹ Mỹ gốc Việt đầu tiên của tiểu bang California Janet Nguyễn kể về tuổi thơ, khi bà mới cùng gia đình sang đất nước Hoa Kỳ.

“Trước tôi không muốn theo con đường chính trị, mà muốn trở thành bác sỹ đỡ đẻ. Sau tôi có học một khóa về chính trị cộng đồng, tuy lúc đó chưa biết gì về chính trị.

Tôi phải làm ba việc làm thêm trong khi đi học để có tiền ăn. Trong khi chuẩn bị thi vào trường y, tôi có làm việc cho một văn phòng của một giám sát viên. Từ 5 tiếng lên 10 tiếng, rồi sau tôi đổi ngành học sang chính trị học. Lúc đó tôi mới cho ba má biết.”

Bà Janet Nguyễn giải thích rằng sở dĩ bà chọn ngành chính trị học là để trực tiếp tham gia quá trình hoạch định luật pháp cho cộng đồng, những người mà bà đại diện.

“Là phụ nữ [làm chính trị] thì khó khăn lắm, vì đa phần người ta vẫn nghĩ là phụ nữ thì phải ở nhà, lo cho chồng con.

Cái đó là việc [phụ nữ] phải làm thôi, tôi cũng phải làm việc nhà vì chúng tôi có hai con, 6 tuổi và 4 tuổi mà ba chúng cũng đi làm toàn thời gian.”

Nhưng là phụ nữ làm chính trị cũng có “trải nghiệm khác”, nhiều phụ nữ đã chứng tỏ có thể là người vợ, người mẹ tốt và cũng có thể là chính trị gia giỏi, theo bà Janet Nguyễn.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-39519163

 

Biểu tình bằng ô tô chống thu phí cầu Bến Thủy

Biểu tình bằng xe ô tô lại diễn ra tại khu vực cầu Bến Thủy, nối liền hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.

Sáng ngày 6 tháng 4, khoảng 100 chiếc xe ô tô giăng biểu ngữ phản đối thu phí đường bộ qua cầu Bến Thủy.

Những người dân biểu tình sống tại những khu vực ven bờ sông Bến Thủy, họ nói rằng họ chỉ phải trả tiền qua cầu thôi, chứ không trả chi phí đường bộ cho Tổng Công ty Xây dựng Cầu đường 4-CIENCO4 do họ không chạy trên 1 mét đường nào cả.

Những người biểu tình đã dùng tiền lẻ có mệnh giá 200 và 500 đồng để trả ở trạm thu phí, làm cho nhân viên trạm soát vé phải tốn rất nhiều thời giờ, gây ra kẹt xe dài đến 2 cây số.

Lực lượng công an, cảnh sát giao thông, của thành phố Vinh, và huyện Nghi Xuân phải điều lực lượng đến giải quyết chuyện kẹt xe. Và cho đến 11h30 thì tình hình giao thông mới bình thường trở lại.

Cuộc biểu tình bằng xe hơi phản đối trả phí đường bộ tại khu vực cầu Bến Thủy diễn ra lần đầu vào ngày 19 tháng ba, lần kế tiếp là vào ngày 2 tháng tư, và hôm nay 6 tháng tư là lần thứ ba.

Ngày 3 tháng tư, Bộ giao thông vận tải đã ra thông báo nói rằng cư dân sống ở huyện Nghi Xuân, thị xã Hồng Lĩnh thuộc tỉnh Hà Tĩnh, và huyện Hưng Nguyên, thành phố Vinh thuộc tỉnh Nghệ An sẽ được giảm 50% số tiền lệ phí, và điều này sẽ có hiệu lực vào ngày 15 tháng tư tới đây.

Tuy nhiên những người biểu tình cho rằng mức giảm đó là không thỏa đáng, và ngoài ra họ còn yêu cầu phải dời hai trạm thu phí của hai cầu Bến Thủy 1 và 2 ra xa nhau, vì hiện nay hai trạm này chỉ cách nhau có 2 cây số.

http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/continual-protest-against-toll-bridge-in-ben-thuy-ha-tinh-04062017093117.html

 

Hai linh mục đệ đơn phản bác truyền thông Nhà nước

Vào ngày 6 tháng tư đã diễn ra buổi họp phản hồi công văn 333-UBND giữa hai Linh mục Đặng Hữu Nam và Linh mục Nguyễn Đình Thục, đại diện cho các linh mục hoạt động trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu diễn ra tại UBND huyện Quỳnh Lưu.

Công văn phản hồi với chữ ký của 19 linh mục đại diện cho hơn 30 ngàn giáo dân huyện Quỳnh Lưu dẫn chứng điều 11 của pháp lệnh nêu rõ quyền thực hiện nghi lễ tôn giáo, giảng và truyền đạo.

Công văn 333-UBND do UBND huyện Quỳnh Lưu gửi đến các linh mục ngày 17 tháng 3 vừa qua đòi hỏi các linh mục phải xin phép chính quyền và các cơ quan chức năng khi làm lễ ngoài phạm vi giáo xứ. Công văn này còn nhấn mạnh việc bà con ngư dân phản đối công ty Formosa gây ô nhiễm, không đảm bảo an toàn giao thông và ảnh hưởng đến các vấn đề khác.

Linh mục Đặng Hữu Nam thuật lại qua thông tin gửi cho các cơ quan truyền thông cho biết phía UBND huyện gồm Chủ tịch Trần Danh Lai, phó chủ tịch Hồ Ngọc Dũng và ba cán bộ thuộc các ban ngành. Cũng trong bản tin gửi đi, linh mục Đặng Hữu Nam cho biết Chủ tịch Trần Danh Lai có hứa sẽ có công văn cải chính trong vài ngày tới.

http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/priests-accused-by-state-media-file-rejection-04062017091320.html

 

Khởi tố người đưa tin về Formosa

Trong ngày 6 tháng 4, Nguyễn Văn Hoá, nam thanh niên bị bắt giam từ tháng hai đến nay vì đưa thông tin về thảm họa môi trường và những cuộc biểu tình của người dân phản đối nhà máy Formosa gây ô nhiễm, chính thức bị khởi tố theo điều 258.

Đại tá Nguyễn Tiến Nam, Phó giám đốc Công an Hà Tĩnh thông báo và đưa ra cáo buộc tội danh của thanh niên này là “Lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của các tổ chức, công dân”.

Báo mạng Vnexpress trích dẫn lời công an Hà Tĩnh nói rằng “Anh ta ký hợp đồng với các đài, trang mạng nước ngoài với mức 1.500 USD cho 16 phóng sự mỗi tháng.” Thêm vào đó là cáo buộc Nguyễn Văn Hoá đã lập nhiều tài khoản mạng xã hội để đưa thông tin về sự cố môi trường, lũ lụt ở miền Trung.

Cũng theo công an Hà Tĩnh, những nội dung này là bằng chứng cho thấy Nguyễn Văn Hoá đã “gây phức tạp tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.”

Sau khi Nguyễn Văn Hóa bị bắt, chị của anh này khẳng định việc làm của người em không có gì sai trái:

“Trong năm 2016, có vụ nhà máy Formosa xả thải ra biển khiến cá chết nhiều; Hóa cũng là người dân miền Trung nên cũng bức xúc và lên tiếng vì công bằng cho người dân. Công an không thích nên theo dõi, và không có lý do gì nên họ mới bắt cóc.”

http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/police-prosecute-freelance-making-news-ab-formosa-disaster-04062017085753.html