Tin Việt Nam – 06/03/2017
Hà Nội: Xe máy cũ và tình trạng ô nhiễm
Bas du formulaire
“Tình trạng ô nhiễm không khí đã tới mức báo động,” Phó giáo sư, Tiến sỹ Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển Cộng đồng nói với BBC.
“Mật độ dân cư Hà Nội tăng rất nhanh, nếu tính cả người vãng lai lẫn cư dân ổn định hiện vào khoảng chín triệu, gần 10 triệu người, tập trung đặc biệt đông trong nội đô.”
Xe máy được cho là một trong những nguồn xả khí thải gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất tại thành phố. “Trong điều kiện nhiệt đới ẩm ở Việt Nam, tình trạng ô nhiễm do xe máy gây nên là rất lớn,” bà An, người cũng từng là đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội khóa 13 nói.
Bên cạnh đó, việc sử dụng các nguồn nhiên liệu đạt tiêu chuẩn chưa cao cũng càng góp phần làm trầm trọng mức độ ô nhiễm, bà An giải thích thêm. “Đây là vấn đề mà Việt Nam cũng đang cố gắng cải thiện để đạt chuẩn tốt hơn.”
Hà Nội đang nỗ lực từng bước hạn chế xe máy trong thành phố nhằm đối phó tình hình.
Dự kiến giới chức sẽ chính thức đưa ra phương án cụ thể vào tháng 6/2017, báo Tuổi Trẻ dẫn lời Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nói trong một buổi làm việc với đại diện chính phủ và các bộ ngành hồi trung tuần tháng Hai vừa qua.
Được biết có tới 2,5 triệu trong tổng số khoảng 6 triệu xe máy đang lưu thông tại Hà Nội thuộc diện quá hạn sử dụng, cần thu hồi.
Việc dẹp bỏ xe máy cũ tại Hà Nội là một phần trong chủ trương áp dụng toàn quốc theo quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ Chính phủ ban hành hồi giữa năm 2015.
“Đền bù xe bị thu hồi”
Với đa số dân trong thành phố, xe máy là phương tiện đi lại cần thiết hàng ngày. Với một số người, thậm chí đó còn là phương tiện lao động, phương tiện kiếm sống.
“Hiện xe máy ở Hà Nội rất nhiều, bình quân cứ hai người, hai người rưỡi có một xe máy,” bà An nói. cho nên việc đền bù đối với các xe bị thu hồi là vấn đề đang được giới chức xem xét.
“Chính quyền sẽ nỗ lực tạo ra các phương tiện công cộng tiện lợi hơn, như đặt thêm nhiều bến xe buýt, tăng chuyến, mở tuyến xe buýt đi nhanh hơn, hay mở thêm các loại giao thông công cộng khác thay thế với tiêu chí rẻ hơn so với việc sử dụng xe máy gia đình, để người dân có thể đi chợ, đi làm được.”
“Tôi cho rằng việc đền bù ở đây cần tính cả giá trị vật chất lẫn thời gian lao động, thời gian đi lại sẽ được tiết kiệm từ việc thu hồi xe máy, [chứ không chỉ giá trị tài chính đơn lẻ]. Bởi với việc giảm bớt lượng lớn xe máy, việc lưu thông trên đường sẽ trở nên nhanh hơn, ít bị ách tắc hơn. Đây mới chính là sự đền bù có giá trị lớn, bền vững.”
Ngân quỹ đền bù, theo bà An, “có thể sẽ được huy động từ nhiều nguồn”.
“Ý kiến cá nhân tôi thì có thể một phần từ ngân sách thành phố, một phần từ việc xã hội hóa. Những công ty được tham gia các dự án giải quyết vấn đề giao thông công cộng trong thành phố có thể sẽ là một nguồn được huy động.”
Ngày 6/3/2017 BBC bắt đầu loạt chương trình đặc biệt #SoICanBreathe nói về tình trạng ô nhiễm không khí ở các nơi trên thế giới, phát trên các kênh khác nhau cả video và radio bằng nhiều thứ tiếng.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-39178950
Bên công tố chịu gánh nặng
chứng minh Đoàn Thị Hương có tội
Luật sư Malaysia Selvam Shanmugam vào sáng 6/3, giờ Kuala Lumpur, đã xác nhận ngắn gọn với VOA ông đã tới gặp gia đình của Đoàn Thị Hương để tìm hiểu thông tin cũng như được gia đình ký giấy tờ đồng ý để ông đại diện cho Hương.
Cô Hương, 29 tuổi, quê ở Nam Định, là một trong hai nghi phạm trong vụ ám sát một người đàn ông được cho là Kim Jong Nam, anh trai cùng cha khác mẹ của lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un. Vụ này xảy ra hồi giữa tháng 2. Cùng bị bắt với Hương là một phụ nữ quốc tịch Indonesia.
Hôm 1/3, hai cô đã ra trước một tòa địa phương để nghe tống đạt cáo trạng. Hai cô đối diện bản án tử hình nếu bên công tố chứng minh được các cô đã phạm tội giết người.
Nhà chức trách Malaysia tuyên bố chất độc VX đã được sử dụng trong vụ ám sát. Đây là một chất độc gây tê liệt thần kinh bị Liên Hiệp Quốc cấm.
Sau cuộc gặp với gia đình Hương vừa rồi, ông Shanmugan cho báo chí biết sẽ có một cộng sự là luật sư Việt Nam Hà Hải làm việc cùng ông về vụ này. Ông đã nói với gia đình Hương rằng “sẽ làm hết sức để con gái họ được thả”.
Về phía gia đình, khi được hỏi trong cuộc gặp hai bên đã trao đổi những gì và sau cuộc gặp với luật sư họ có cảm thấy nhiều hy vọng hơn hay không, bố cô Hương, ông Đoàn Văn Thạnh, nói với VOA:
“Bình thường thôi mà, có gì đâu. Thì ông ấy bảo ông ấy giúp đỡ. Thì ông ấy hỏi thăm về nhà cửa, biết nhà biết cửa thôi. Làm sao biết được bây giờ. Chưa biết được”.
Nếu họ không chứng minh được thì cô Hương sẽ được thả.
Luật sư Selvam Shanmugam.
Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Shanmugam nói “gánh nặng nằm ở phía công tố”. Theo ông, họ sẽ phải chứng minh không còn nghi ngờ gì nữa là chất độc VX được sử dụng trong vụ giết người hôm 13/2, cũng như phải chứng minh cô Hương có ý đồ giết người.
Từ Hà Nội, luật sư nổi tiếng Trần Vũ Hải có chung nhận định với luật sư người Malaysia. Ông Hải nói có nhiều dấu hiệu cho thấy cô Hương đã hành động mà không biết bản chất của toàn bộ sự việc. Ông gợi ý một số lập luận có thể dùng để biện hộ:
“Các luật sư phải chứng minh cô ta đang được huấn luyện để làm một [chương trình] truyền hình thực tế cho nên cô ấy phải có tập dượt. Còn về vấn đề rửa tay thì đấy là một phản xạ tự nhiên. Còn cô ta không thể biết được thuốc độc, nếu mà nó nguy hiểm như vậy chắc chắn cũng không tham gia. Nếu mà cô nghĩ rằng tham gia vụ ám sát này, cô không có dại dột nhận có 90 đô rồi lại quay lại phi trường sau một, hai ngày. Thậm chí tôi nghĩ rằng cô ta còn không biết có vụ Kim Jong Nam, cô không liên quan đến vụ Kim Jong Nam. Tóm lại, cô cũng không biết câu chuyện là mình tham gia một vụ ám sát, nên cô cứ quay về một cách rất bình thường, và cuối cùng bị bắt. Tức là cô này cô cũng không có động tác trốn. Tất cả những câu chuyện đấy luật sư Malaysia là phải chứng minh ngược lại cái giả thiết của công tố”.
Với 22 năm kinh nghiệm về các vụ án hình sự, luật sư Shanmugam cho biết bên công tố buộc phải chứng minh được hai yếu tố là hành động giết người và ý đồ giết người. “Nếu họ không chứng minh được thì cô Hương sẽ được thả”, ông nói.
Tại tòa, bên công tố cũng phải chứng minh chất độc VX đã gây ra cái chết của người đàn ông Bắc Triều Tiên chứ không phải do bệnh tật có từ trước của người đó. Vị luật sư 63 tuổi người Malaysia nói chứng minh VX là nguyên nhân gây tử vọng sẽ là một việc rất khó. Ông cho rằng phía công tố sẽ không dễ chứng minh được.
Về trình tự xét xử, luật sư Shanmugam nói sẽ có một phiên tại tòa thượng thẩm để bên công tố và bên biện hộ tranh tụng. Sau đó, nếu có kháng cáo, vụ án sẽ chuyển lên tòa phúc thẩm. Nếu có bên nào vẫn chống lại phán quyết của tòa phúc thẩm, nơi cuối cùng thụ lý sẽ là tòa liên bang – cấp cao nhất trong hệ thống tòa của Malaysia. Quá trình như vậy “nhanh cũng sẽ mất hai năm”, vị luật sư nhận định.
Ông Shanmugam khẳng định với báo chí rằng hệ thống hình sự của Malaysia “rất công tâm”. Ông nhấn mạnh cô Hương “sẽ được xét xử công bằng”, “dựa trên chứng cứ”. Ông nói ông tin cô “sẽ được trả tự do”.
Ý kiến: ‘Đừng kêu gọi hy sinh vô ích’
Lu Bi
Một góc phố buổi sáng, hai ông bà già bán nước tấp tểnh cầm chồng ghế chạy khi hai anh công an từ ô tô lao xuống thu giữ cái quán trà đá bán trên vỉa hè. Tôi chợt nhớ ra cả nước đang trong chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ.
Nhìn hai cụ già quỵ lụy xin xỏ thấy thương lắm,nhưng biết làm sao khi họ làm vì họ có lý, họ giành lại vẻ đẹp cho bộ mặt đô thị. Giờ đi đâu cũng nghe người ta nói, báo đài đưa tin rầm rộ, mạng xã hội tràn ngập hình ảnh của soái ca Vertu “dẹp không cần hỏi”.
Nói cho cùng thì mấy đồng chí quan chức ra chính sách bao giờ mà chẳng có lý, thậm chí là chí lý.
Mua một lít xăng thì đóng thuế một nửa để bảo vệ môi trường nhưng tiền đó không phải dùng tất cả để bảo vệ môi trường. Mua một cái ô tô thì phải nộp thuế cho nhà nước 2,5 cái ô tô vì hệ thống đường xá chưa đáp ứng được dù việc đó không thuộc trách nhiệm người dân. Một mảnh đất chuyển đổi từ nông nghiệp sang mục đích khác phải nộp thuế bằng giá trị mảnh đất đó dù ta đang trên con đường chuyển đổi thoát khỏi nông nghiệp.
Giải tỏa Quận 1: ‘Cần làm đúng pháp luật’
Ban Kinh tế có tham mưu được chính sách tốt?
Đất nước này giờ có nhiều cái có lý đến phát khóc. Nhìn hai cụ già bán nước tôi mới thấy cái kế hoạch hợp lý mà mọi người đang tung hô thật tàn nhẫn.
Xét ở hai thành phố lớn là Hà Nội và Sài Gòn số lượng lao động tự do sống bám trên vỉa hè là bao nhiêu? Vẫn chưa có một thống kê cụ thể nhưng chắc chắn con số này là vô cùng lớn.
Một cụ già bán trà đá, một cậu bé đánh giày, một cô bán hàng rong hay một bác xe ôm, tất cả họ đều có những mảnh đời riêng biệt, tất cả họ cũng đang cuốn vào vòng xoáy cơm áo gạo tiền như mỗi chúng ta.
Họ có muốn một công việc tốt hơn không, có muốn chất lượng cuộc sống tốt hơn không, có muốn thoát khỏi những chuyến mưu sinh lòng đường vỉa hè không? Tôi chắc chắn là có.
Thật dễ dàng khi bạn ngồi trong một chiếc ô tô đời mới, một văn phòng lịch sự hay một quán café sang trọng rồi hướng con mắt ra ngoài và nói rằng vỉa hè cần thông thoáng, đô thị cần mỹ quan, chúng ta cần hy sinh cái nhỏ vì mục tiêu chung.
Thật dễ để nói hy sinh khi đó không phải là mình. Điều tôi muốn nói không phải là duy trì sự nhếch nhách như hiện tại mà tôi muốn nói cần phải giải quyết đến tận gốc rễ của vấn đề mới mong có thể thay đổi thật sự.
Người ta mất cả thập kỷ, từ năm này sang năm khác để đưa ra giải pháp giải quyết bài toán ùn tắc giao thông, mật độ phương tiện tăng chóng mặt ở các thành phố lớn. Rồi người ta tính cấm hết xe máy vào nội thành và lại kêu gọi sự hy sinh vì mục đích chung.
Vấn đề mấu chốt là ở thành phố họ mới kiếm được tiền, ở quê đói nghèo họ phải lên thành phố mưu sinh. Sinh viên học xong thay vì trở lại quê hương phải ở lại thành phố tìm kiếm cơ hội việc làm.
Khi dân số tăng nhanh thì chẳng có giải pháp nào triệt để có thể giải quyết vấn đề mà nó gây ra ngoài giải pháp về dân số.
Hãy thử tưởng tượng đất nước này có rất nhiều trung tâm công nghiệp, rất nhiều trung tâm tài chính. Ở bất cứ đâu cơ hội việc làm cũng nhiều, đời sống được đảm bảo thì những người dân ngoại tỉnh có phải đổ về thành phố hay không, liệu có còn tình trạng cơ sở hạ tầng không bao giờ theo nổi mức tăng dân số không, đường xá có còn tắc nghẽn không?
Cả một đất nước có 63 tỉnh thành chỉ có 13 tỉnh thành có chỉ số đóng góp là dương, vậy người dân không đổ về các thành phố lớn mưu sinh là một điều tất yếu. Chưa kể khả năng quy hoạch “thiên tài” của các nhà lãnh đạo đang băm nát những đô thị lớn.
Đừng đổ hết tội lỗi lên đầu những con người nhỏ bé cặm cụi để kiếm kế sinh nhai, có những quyết sách lớn, những quy hoạch trí tuệ cao mang tính vĩ mô họ đâu được tham gia.
Xin hãy lấy dân làm gốc! Xin hãy suy xét kỹ càng nghĩ đến lợi ích của tất cả nhân dân đồng bào trước khi buông ra những chính sách từ trên trời rơi xuống.
Đừng kêu gọi sự hy sinh vô ích khi đất nước này đã hy sinh 5 triệu người cho cuộc chiến để có một nhà nước xã hội chủ nghĩa như hôm nay.
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của tác giả Lu Bi, gửi cho BBC Tiếng Việt từ Hà Nội.
http://www.bbc.com/vietnamese/forum-39180064
Tranh cãi về tiêu chí chọn luật sư cho Đoàn Thị Hương
Mạng xã hội đang nổi lên tranh cãi về tiêu chí cử luật sư sang Malaysia giúp nghi phạm Đoàn Thị Hương, trong đó có “phẩm chất chính trị đạo đức vững vàng” và “tự bỏ kinh phí”.
Ông Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, được báo Zing cuối tuần qua dẫn lời: “5 luật sư được cử sang Malaysia do Ban chủ nhiệm Liên đoàn chọn trên các tiêu chí: biết ngoại ngữ, có kỹ năng tranh tụng vụ án hình sự, có kinh nghiệm xử lý các vấn đề quốc tế, có phẩm chất chính trị đạo đức vững vàng và tự nguyện tham gia, tự bỏ kinh phí”.
Danh tính của 5 luật sư chưa được công bố ngoài chi tiết hai trong số đó thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội, hai người thuộc Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh và một thành viên thường trực Liên đoàn.
Hôm 6/3, trả lời BBC từ TP Hồ Chí Minh, luật sư Hà Hải, cộng sự của luật sư Selvam Shanmugam [đã nhận bảo vệ cho Đoàn Thị Hương], nói: “Tôi không phải là một trong 5 luật sư được cử sang Malaysia giúp Đoàn Thị Hương.”
‘Luật sư VN không được tranh tụng tại Malaysia’
Nỗ lực trợ giúp gia đình Đoàn Thị Hương
“Tuy vậy, tôi đang đóng vai trò giúp luật sư Shanmugam bảo vệ cô Hương.”
“Những ngày vừa qua, tôi và ông ấy đã thảo luận rất nhiều về hồ sơ vụ này, cùng đến gặp gia đình cô Hương ở Nam Định, tìm hiểu cuộc sống trước đây của cô ấy”.
Tôi cũng có niềm tin rằng cô Hương vô tội và sẽ được trả tự do, giống như điều ông Shanmugam nói với báo chí.”
Theo tôi, tiêu chí ‘phẩm chất chính trị đạo đức vững vàng’ trừu tượng và hơi thừa.Luật sư Hà Huy Sơn
Luật sư Hải Trả lời từ chối bình luận về tiêu chí lựa chọn luật sư giúp Đoàn Thị Hương của Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
“Tôi nghĩ mình đang cần tranh thủ sự ủng hộ của tất cả để có thể trợ giúp Đoàn Thị Hương hiệu quả nhất,” ông nói.
‘Trừu tượng’
Cùng ngày, trả lời BBC từ Hà Nội, Luật sư Hà Huy Sơn, Công ty Luật Hà Sơn nói: “Theo tôi, tiêu chí ‘phẩm chất chính trị đạo đức vững vàng’ trừu tượng và hơi thừa.”
“Chắc người công bố điều này muốn nói đến việc chấp hành sự lãnh đạo của Đảng ở Liên đoàn Luật sư Việt Nam.”
“Tôi cũng cho rằng vụ án Đoàn Thị Hương không nặng về yếu tố chính trị.”
“Việc cử luật sư đi giúp cô Hương chỉ thể hiện trách nhiệm của Nhà nước với công dân và trách nhiệm của luật sư với nghề nghiệp của mình.”
“Luật sư Việt Nam đi [Malaysia] để thể hiện sự quan tâm với đồng hương chứ về mặt chuyên môn chắc không giúp được gì.”
“Tôi không quan tâm Liên đoàn chọn luật sư nào, nhưng nếu đã chọn thì cần phải tìm người có hiểu biết về Luật Malaysia, thông thạo tiếng Anh hoặc tiếng Malaysia.”
“Và nói thật là với hai tiêu chí này thì tôi cũng không đáp ứng được.”
“Tuy vậy, tôi hoan nghênh việc người được chọn phải tự túc chi phí nếu Liên đoàn không có kinh phí cho việc này.”
“Qua vụ này, điều tôi trông đợi nhất là Nhà nước có biện pháp cụ thể, sớm ký Hiệp định tương trợ tư pháp với những quốc gia có nhiều người Việt sinh sống, làm ăn.”
“Được như vậy thì mới có cơ sở để bảo vệ công dân kịp thời.”
Hôm 6/3, BBC liên hệ ông Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhưng không nhận được phản hồi.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-39152178
Tàu hàng Việt Nam chạy thoát cướp biển
Tàu chở hàng MV Phú An của Việt Nam cùng 13 thuyền viên bị cướp biển truy đuổi vào hôm chủ nhật, ngày 5 tháng 3 năm, nhưng may mắn chạy thoát.
Vụ việc xảy ra tại khu vực biển quốc tế ngoài khơi đảo Pulau Boan, Bang Sabah của Malaysia.
Chỉ huy trưởng Lực lượng An ninh miền đông Bang Sabah, ông Abdul Khalid cho biết chiếc Phú An đang trên đường hướng về thành phố Sandakan thì bị một một chiếc tàu cao tốc với 6 người đàn ông có vũ khí bám theo. Tàu Phú An đổi hướng di chuyển và phát tín hiệu cấp cứu. Tàu Phú An được Hải quân Malaysia hỗ trợ và được tàu tuần tra của nước này hộ tống tiếp tục hành trình đến Sandakan.
Báo giới Malaysia loan tin vẫn chưa rõ nhóm người có vũ trang rượt đổi tàu Phú An thuộc nhóm nào và vùng biển tàu Phú An bị rượt đổi thường xảy ra các vụ việc tương tự, do tổ chức khủng bố Abu Sayyaf từ Philippines thực hiện nhằm mục đích bắt thủy thủ để đòi tiền chuộc.
Gần nhất một tàu Việt Nam cũng bị cướp ngoài khơi Philippines là chiếc MV Giang Hải, có một thủy thủ bị bắn chết
Luật sư của Đoàn Thị Hương
đề nghị xét nghiệm lại tử thi Kim Jong-Nam
Luật sư Selvam Shanmugam, người được chỉ định giúp cho nghi phạm Đoàn Thị Hương, trong vụ án ám sát nhân vật được cho là anh trai của chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong Un hôm 13 tháng 2, nói rằng cần phải khám nghiệm tử thi lần thứ hai vì vụ án còn nhiều lỗ hổng nghiêm trọng.
Trong trả lời mạng Báo Zing của Việt Nam vào hôm Chủ Nhật, ngày 5 tháng 3, luật sư Selvam Shanmugam nói rằng nạn nhân Kim Chol, nhưng được tin rằng là Kim Jong Nam-anh trai cùng cha khác mẹ của Lãnh tụ Kim Jong UN, có bệnh án về tim, tiểu đường và huyết áp cao nên cần phải thực hiện khám nghiệm tử thi thêm một lần nữa vì nếu nạn nhân thiệt mạng do chất độc thần kinh VX, thì sao 2 nghi phạm nữ giới cũng như không có bất kỳ ai khác tại sân bay Kuala Lumpur bị tác động bởi loại độc chất này.
Luật sư Selvam Shanmugam nhấn mạnh bệnh tình của nạn nhân có thể là nguyên nhân dẫn đến tử vong. Luật sư Selvam Shanmugam cũng cho biết sẽ có cuộc gặp gỡ đầu tiên với nghi phạm Đoàn Thị Hương vào ngày thứ hai, 6 tháng 3.
Tin cho biết thân phụ của nghi phạm là ông Đoàn Văn Thạnh vào ngày thứ bảy 4 tháng 3 được đích thân luật sư Selvan Shanmugam đến tư gia ở tỉnh Nam Định gặp.
Ông Đoàn Văn Thạnh đồng ý nhờ luật sư Selvan Shanmugam đại diện cho con gái.
Vào tối ngày 6 tháng 3, Đài Á Châu tự do nói chuyện với anh Đào Văn Bình, anh trai của nghi phạm Đoàn thị Hương và được cho biết thông tin về việc luật sư Malaysia đến gặp gia đình cũng như nguyện vọng của người thân:
“Có một người đưa ông ấy xuống đây thì cũng không thể nào hỏi được. Chúng tôi chỉ được biết ông ấy là Luật sư ở Malaysia, ông ấy sang hỏi về gia đình, hoàn cảnh với mong muốn giúp đỡ và muốn bên đấy họ điều tra rõ ràng. Ông hỏi có muốn sang bên đó không thì cũng muốn sang để thăm em thế nào. Họ bảo muốn sang thì họ bao (lo chi phí) cho 2 người sang bên đấy. Các nhà hảo tâm cũng đóng tiền cho mình sang bên đấy.”