Tin Việt Nam – 06/01/2021

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 06/01/2021

Ba tổ chức nhân quyền Việt Nam lên tiếng về việc kết án 3 nhà báo độc lập

Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam và hai tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền Việt Nam, Tổ chức Yểm trợ Nhân quyền vào ngày 6 tháng 1 ra tuyên bố chung về việc tòa án Thành phố Hồ Chí Minh kết án 3 thành viên Hội Nhà báo Độc Lập Việt Nam.

Thông cáo báo chí cho rằng phiên tòa kết tội ba ông Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn thuộc Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam là bất công, không theo chuẩn mực quốc tế về xét xử công bằng. Cụ thể, việc kết án được thực hiện sau nhiều tháng biệt giam cả 3 người kể từ khi họ bị bắt giữ cho đến tháng 12 năm 2020. Lúc đó họ mới được tiếp xúc lần đầu với luật sư bào chữa. Còn tại phiên xử kéo dài chưa tới 6 tiếng đồng hồ, tất cả mọi lời bào chữa của luật sư và lời khai của 3 nhà báo độc lập không được tòa tôn trọng.

Toà án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên tổng cộng 37 năm tù đối với 3 thành viên của Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước theo điều 117 Bộ Luật Hình sự năm 2015.

Ba tổ chức cùng ra tuyên bố chung cho rằng ông Phạm Chí Dũng, ông Nguyễn Tường Thụy và anh Lê Hữu Minh Tuấn bị tuyên những bản án vô cùng nặng chỉ vì họ thực thi quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hiệp hội. Đây là những quyền con người căn bản nhất được ghi trong hiến pháp Việt Nam và các công ước quốc tế về nhân quyền mà chính phủ Hà Nội đã ký kết.

Ba tổ chức cho rằng những bản án tuyên cho 3 nhà báo độc lập Việt Nam vừa nêu là hoàn toàn bất công. Do đó họ nêu ra yêu cầu chính quyền Việt Nam hủy bỏ các bản án, xóa bỏ cáo buộc và trả tự do ngay, vô điều kiện cho 3 ông.

Những yêu cầu khác gồm ngưng việc đàn áp Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam và những nhà báo độc lập, Facebookers  khác; bảo đảm các quyền tự do cơ bản, đặc biệt quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do báo chí và tiếp cận thông tin được tôn trọng; hủy bỏ điều 117 trong phần An Ninh Quốc gia của Bộ Luật Hình sự vốn được chính phủ Việt Nam dùng nhằm đàn áp người phản biện ôn hòa.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-human-rights-network-and-defend-the-defenders-issue-joint-statement-on-the-sentencing-of-3-independent-journalists-01062021064323.html

Hoa Kỳ lên tiếng về những bản án đối với 3 nhà báo độc lập Việt Nam

Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Hoa Kỳ trong ngày 5 tháng 1 ra thông cáo bày tỏ sự thất vọng sau khi biết tin về những bản án nặng tuyên đối với 3 thành viên của Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam, trong đó có người sáng lập là ông Phạm Chí Dũng.

3 thành viên của hội bao gồm Chủ tịch hội Phạm Chí Dũng, Phó Chủ tịch hội Nguyễn Tường Thuỵ và Biên tập viên Lê Hữu Minh Tuấn vừa bị Toà án Nhân dân TP Hồ Chí Minh tuyên án tổng cộng 37 năm tù với cáo buộc “ Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, quy định tại Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Thông cáo nêu rõ những bản án nặng này là mới nhất trong xu thế đáng lo lắng về tình trạng bắt giữ và kết án những công dân Việt Nam chỉ thực thi quyền được ghi trong hiến pháp Việt Nam.

Hoa Kỳ kêu gọi chính phủ Việt Nam đảm bảo các hành động nhất quán với các quy định về nhân quyền trong chính hiến pháp Việt Nam cũng như các nghĩa vụ và cam kết quốc tế của mình.

Phía Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhắc lại quyền tự do báo chí là căn bản cho vấn đề minh bạch và quản trị có trách nhiệm. Các nhà văn, bloggers và nhà báo thường thực thi công việc của họ với nguy cơ cao; chúng tôi thúc giục chính phủ và công dân toàn thế giới, trong đó có chính phủ Việt Nam, bảo đảm sự bảo vệ cho họ.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/us-embassy-on-the-harsh-sentences-to-3-independent-journalists-01062021063143.html

Liên Âu mong Việt Nam trả tự do cho 3 lãnh đạo Hội Nhà báo độc lập vừa bị tuyên 37 năm tù

Người Phát ngôn Liên minh châu Âu EU hôm 6-1-2021 ra thông cáo khẳng định việc Tòa án nhân dân TPHCM trước đó 1 ngày kết án với 3 lãnh đạo Hội Nhà báo độc lập Việt Nam là “diễn biến tiêu cực”.

Thông cáo được đăng tải trên Fanpage Liên minh châu Âu tại Việt Nam và trên website chính thức của Liên minh châu Âu khẳng định:

Quyền tự do biểu đạt được đảm bảo bằng Hiến pháp của Việt Nam, Tuyên bố Toàn cầu về Nhân quyền và các công ước quốc tế khác mà Việt Nam tham gia ký kết, bao gồm cả Công ước Quốc tế về các Quyền Chính trị và Dân sự.

Hơn nữa, trong khuôn khổ của Đánh giá Định kỳ Phổ quát, Việt Nam đã chấp nhận các khuyến nghị để đảm bảo và dỡ bỏ các hạn chế đối với quyền tự do bày tỏ quan điểm và biểu đạt.

Tuy nhiên, việc gia tăng những vụ bắt bớ, bỏ tù và kết án những nhà báo Việt Nam và những nhà bảo vệ nhân quyền lại đi theo hướng ngược lại.

Liên minh châu Âu mong các nhà chức trách Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho ông Dũng, ông Thủy và ông Tuấn, cũng như tất cả các nhà báo, blogger và các nhà bảo vệ nhân quyền bị bỏ tù vì đã bày tỏ quan điểm một cách ôn hòa.

Liên minh châu Âu sẽ tiếp tục theo dõi và làm việc với các cơ quan chức năng của Việt Nam và tất cả các bên liên quan để cải thiện tình hình nhân quyền ở Việt Nam.”

Liên minh châu Âu cũng cho biết, Hiệp hội Nhà báo Độc lập Việt Nam (IJAVN) là một tổ chức xã hội dân sự thúc đẩy tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do lập hội.

Các quốc gia phải bảo vệ quyền tự do ngôn luận và tạo ra một môi trường thuận lợi cho các cuộc tranh luận công khai ngay cả khi các ý kiến được bày tỏ trái ngược với những ý kiến mà chính quyền đưa ra.

Quyền tự do bảy tỏ quan điểm và biểu đạt – cả trực tuyến và trực tiếp – là yếu tố quan trọng để đảm bảo tính minh bạch, công bằng xã hội, phát triển bền vững và bao trùm cũng như thịnh vượng.” – thông cáo của người phát ngôn EU thể hiện.

Hôm 5-1-2021, Tòa án TPHCM kết án 3 nhà báo thuộc Hội Nhà báo độc lập tổng cộng 37 năm tù giam bao gồm ông Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội – 15 năm tù, ông Nguyễn Tường Thụy, Phó Chủ tịch và Biên tập viên Việt Nam Thời Báo Lê Hữu Minh Tuấn cùng 11 năm tù.

Cả 3 đều bị khép tội “Làm, tàng trữ, phát tán thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” theo điều 117 Bộ uật Hình sự 2015.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/eu-urges-vn-free-3-leaders-of-independent-journalists-association-of-vn-01062021062304.html

VN: Nhóm Triều đại Việt bị bộ Công an nói là tổ chức ‘khủng bố’

Bộ Công an Việt Nam vừa ra thông cáo chính thức về nhóm Triều đại Việt, nói rằng đây là tổ chức ‘khủng bố’ từ nước ngoài.

Theo đó, Bộ Công an Việt Nam cho hay tổ chức này ban đầu được gọi là “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” thành lập tháng 1/2018, trụ sở đặt tại Canada.

Những người đứng đầu tổ chức này gồm Ngô Văn Hoàng Hùng, sinh tại Tiền Giang, quốc tịch Canada, tự xưng là “tổng tư lệnh Triều đại Việt”; Trần Thanh Đình, sinh tại Nam Định, quốc tịch Đức, tự xưng là “phó thủ tướng”; Ngô Mạnh Cương, sinh tại TP.HCM, quốc tịch Pháp, tự xưng là “tổng cục trưởng tổng cục đặc nhiệm”; Huỳnh Thanh Hoàng, quốc tịch Mỹ, “phát ngôn viên Triều đại Việt”.

Triều đại Việt được cho là đã gửi hàng chục ngàn USD cùng hàng trăm triệu đồng tiền Việt cho người ở Việt Nam để mua vũ khí, chế tạo bom, mìn, may cờ, in truyền đơn, khẩu hiệu phản động, Bộ Công an Việt Nam thông tin.

Vụ nổ bom trụ sở CA: Gần 200 năm tù cho nhóm Triều Đại Việt

Nhà báo tự do Chí Dũng, Tường Thụy và Lê Tuấn bị án tù

HRW: Việt Nam chưa cải thiện nhân quyền

Việt Nam có 12 nhà báo đang bị cầm tù

Theo thông cáo của Bộ Công an Việt Nam, tổ chức Triều đại Việt hoạt động theo phương châm “Đốt sạch”, “Giết sạch”, “Phá sạch”, “Cướp sạch”; hỗ trợ tiền, chỉ đạo số cơ sở trong nước tiến hành các hoạt động khủng bố, phá hoại; kích động người dân xuống đường biểu tình, bạo loạn cướp chính quyền.

Bộ Công an Việt Nam cũng đưa ra cảnh báo những người tham gia tổ chức này hay “lôi kéo” người khác tham gia, nhận tài trợ từ Triều đại Việt “sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam”.

BBC đã liên lạc trên trang Facebook có tên Chính phủ Quốc gia VN lâm thời, nhưng chưa nhận được hồi âm.

Hồi diễn ra phiên tòa xử 20 thành viên Triều đại Việt tháng 9/2020, hãng tin Reuters cũng cho hay không thể liên lạc được với tổ chức này để hỏi bình luận về vụ việc.

Phiên xử 20 thành viên Triều đại Việt

Hồi cuối tháng 9/2020, Việt Nam đã xử sơ thẩm 20 người được cho là thành viên của nhóm Triều đại Việt.

Phiên tòa kéo dài 2 ngày, kết thúc trưa 22/9, đưa ra án tù lên tới 200 năm cho 20 bị cáo.

Người chịu án nặng nhất là ông Nguyễn Khanh (sinh năm 1964 tại Bình Dương), 24 năm tù, 5 năm quản chế, và phải bồi thường tổng cộng hơn 200 triệu đồng. Ông Khanh bị tuyên hai tội danh là “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân” và “Chế tạo, tàng trữ, mua bán trái phép vật liệu nổ”.

Các bị cáo khác nhận mức án từ 2 năm đến 18 năm tù.

Trẻ nhất trong số 20 bị cáo sinh năm 1993, lớn tuổi nhất sinh năm 1952. Hai người trong số này là dân tộc thiểu số S’Tiêng. Bị cáo đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau như Tiền Giang, TP Hồ Chí Minh, Long An, Nghệ An, Đắk Nông, Thanh Hóa, Kiên Giang, Bình Dương, chủ yếu làm lao động tự do.

Cáo trạng cho hay 20 bị cáo này đã làm bom tự chế và cho nổ ở ba địa điểm khác nhau tại Việt Nam, gồm trụ sở công an tỉnh Hậu Giang; trụ sở công an phường 12, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh; tại một cột điện ở Kiên Giang.

Các vụ nổ không gây thương vong, nhưng vụ ở trụ sở công an phường 12 khiến hai người bị thương nhẹ, thiệt hại khoảng hơn 400 triệu đồng.

Tại tòa, ông Khanh nói do gia đình khó khăn nên mới nhận tiền để lo cho gia đình chứ không hề có y’định chống phá nhà nước.

Trao đổi với BBC sau phiên tòa, luật sư Nguyễn Văn Miếng, người bào chữa miễn phí cho 2 trong số 20 bị cáo, nói với BBC News Tiếng Việt rằng ‘tòa đã đi vô trọng tâm vấn đề, chỉ ra cái sai của các bị cáo’, nhưng ‘mức án quá nặng’ nên không cho các bị cáo cơ hội hối cải.

Báo Việt Nam đưa tin rằng tổ chức Triều Đại Việt thường đăng các video livestream trên mạng xã hội “nhằm tuyên truyền, nói xấu Đảng, nhà nước, đả kích chế độ xã hội chủ nghĩa, lôi kéo và chỉ đạo mua vật liệu nổ, chế tạo trái nổ, gây nổ tại trụ sở cơ quan nhà nước, công an…”

Thông cáo của Bộ Công an Việt Nam về tổ chức Triều đại Việt được đưa ra trong bối cảnh Việt Nam đang tăng cường trấn áp các tiếng nói bất đồng trước thềm đại hội đảng toàn quốc sắp diễn ra vào cuối tháng này.

Vụ việc mới đây nhất là phiên tòa xét xử ba nhà hoạt động Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Minh Tuấn hôm 5/1 với “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-55513273

Hơn 32 triệu người Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19

Hơn 32 triệu người tại Việt Nam bị ảnh hưởng về công ăn việc làm do đại dịch COVID-19 trong năm 2020.

Số liệu vừa nêu được công bố tại buổi họp báo của Tổng cục Thống kê Việt Nam về tình hình lao động việc làm Quý IV và năm 2020, diễn ra tại Hà Nội vào ngày 6/1.

Theo số liệu ghi nhận của Tổng cục Thống kê Việt Nam, tính đến tháng 12/2020, Việt Nam có 32,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc hoặc luân phiên, giảm giờ làm và giảm thu nhập.

Ba khu vực lao động bị ảnh hưởng nặng nề nhất gồm khu vực dịch vụ, khu vực công nghiệp-xây dựng và khu vực nông-lâm nghiệp và thủy sản. Tỷ lệ ảnh hưởng lần lượt là hơn 71%, hơn 64% và hơn 26%.

Dịch COVID-19 gây tác động đến 1,3 triệu người không có việc làm trong năm 2020. Riêng Quý IV, có khoảng 1,2 triệu người thất nghiệp, tăng gần 137 ngàn người so với cùng kỳ năm 2019.

Thu nhập bình quân của người lao động tại Việt Nam trong năm 2020 ở mức 5,5 triệu đồng/tháng, giảm 2,3% so với năm 2019.

Cục trưởng Cục Thu nhập dữ liệu và ứng dụng công nghệ thông tin thống kê, bà Vũ Thị Thu Thủy, tại cuộc họp báo, cho biết mức giảm lao động có việc làm trong năm 2020 là chưa từng xảy ra trong một thập niên qua. Trong số 1,3 triệu người không có việc làm thì có đến gần 52% phụ nữ và đa số hiện đang trong độ tuổi lao động.

Bà Vũ Thị Thuy Thủy cho biết thêm rằng do nền kinh tế Việt Nam có sức chống chịu và từng bước hoạt động trở lại, cho nên những ngành bị ảnh hưởng nặng nề đều có dấu hiệu tăng trưởng và tình hình lao động, việc làm trong Quý IV được khởi sắc hơn so với Quý III.

Đại diện của Tổng cục Thống kê nhấn mạnh Việt Nam trong năm 2020 có thể tạo công ăn việc làm cho thêm 1,6 triệu người, nếu không có dịch COVID-19 xảy ra.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/more-than-32-million-people-in-vietnam-badly-affected-bycovid-19-01062021073349.html

Đánh “nhị Hải” nhưng lại lo “bình” vỡ

Nguyễn Hoàng Lê

Can tội ba năm rõ mười

Trước Tết năm ngoái, ngày 8/1/2020, ĐCSVN quyết định kỷ luật Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành uỷ Hà Nội. Ông này bị Đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng đưa vào lò vì đã “có những vi phạm nghiêm trọng” hồi y làm Phó Thủ tướng, từ 2007 đến 2016. Hơn hai tháng sau, ngày 20/3/2020, Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy TP.HCM nhận án kỷ luật “bị cách chức”. Tuy nhiên, “Thù Trọng Lắng” (dân gian nói lái “Thằng Trọng Lú” cho tên của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng) vẫn chưa biết xử lý tiếp “hai con sâu bự” này như thế nào để các “đồng chí Trung Quốc” chấp thuận. Số là cả “nhị Hải” – Hoàng Bí thư lẫn Lê Bí thư – đều là “con cưng của Tàu”, người của Trung Nam Hải cài cắm vào Bộ Chính trị ĐCSVN từ lâu. Đây là một “bí mật công khai” ai cũng biết. Nó như hai cái dằm đâm sâu vào bàn chân ĐCSVN lâu nay.

Ngày 9/12/2019, tội của Hoàng Trung Hải được nhắc tới lần đầu. Ủy ban kỷ luật Đảng công bố: Thời gian giữ cương vị Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Thủ tướng Hải (dưới quyền Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từ tháng 7/2006 đến tháng 4/2016) đã có vi phạm, khuyết điểm khi chỉ đạo Dự án TISCO II. Đây là Dự án mở rộng giai đoạn II – Công ty Gang thép Thái Nguyên. Thép Thái Nguyên là “món quá” đầu tiên của Trung Hoa “vĩ đại” viện trợ cho đàn em Bắc Việt thuở mới chập chững công nghiệp hoá. Bản tin của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) hôm 10/01/2020 đã không gọi Hải là “đồng chí” như thường lệ. Bản tin nói, “những vi phạm, khuyết điểm của Hoàng Trung Hải là nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội”. Hình thức thi hành kỷ luật  là “cảnh cáo”.

Ngày 20/3/2020, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật (nguyên) Lê Bí thư bằng hình thức “cách chức” Bí thư Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2010 – 2015, vì để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm kéo dài trong quá trình thực hiện Dự án đầu tư Khu đô thị mới Thủ Thiêm, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng bộ và chính quyền Thành phố, gây bức xúc trong xã hội. Điều bỡn cợt là, đằng sau hậu trường chính trị, từ lâu vẫn chờ đợi tin tức loan báo Lê Thanh Hải (tức Hai Nhựt) hồi còn là Chủ tịch UBND TP.HCM suốt 5 năm 55 ngày, đã từng cố tình sai phạm trong Dự án quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm. Hai Nhựt tiếp tục dấn sâu vào tội ác trong thời gian y “lên ngôi” Bí thư Thành ủy kéo dài 9 năm 222 ngày. Tại vị gần 15 năm trời, Hai Nhựt đủ thời gian phá nát “thành Hồ”.

Tháng 12/2005, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Đua (dưới trướng Lê Thanh Hải) ký quyết định 6565 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung khu đô thị mới Thủ Thiêm tỷ lệ 1/5000. Tại Điều 2 của quyết định này có nội dung “thay thế Quyết định 367 ngày 4/6/1996 của Thủ tướng”. Kể từ đó oan khuất của dân Thủ Thiêm dâng cao ngút trời và kéo dài mãi đến tận hôm nay… Còn Dự án TISCO II do Công ty Gang thép Thái Nguyên cùng với Tổng Công ty thép Việt Nam và nhà thầu Trung Quốc MCC đảm nhiệm. Theo kết luận từ Thanh tra Chính phủ về dự án TISCO II, Công ty Gang thép Thái Nguyên điều chỉnh sai qui định từ 3.800 tỷ đồng lên trên 8.100 tỷ đồng, thanh toán cho MCC trên 92% giá trị hợp đồng nhưng các hạng mục của dự án đều chưa hoàn thành.

Làm cách nào để khỏi vỡ “bình”

Tuy bị kỷ luật, Hoàng Trung Hải vẫn được “cả” Trọng nâng lên vị trí mới trong hệ thống Đảng, cao hơn cả chức Bí thư Thành ủy. Ngày 7/2/2020, Bộ Chính trị phân công Hải giữ chức Phó Trưởng Bộ phận Thường trực chuyên trách Tiểu ban Văn kiện Đại hội 13. Là “con bài tẩy” được cài cắm để làm hại kinh tế Việt Nam, Hải rất ít khi nói về chính trị, chỉ lặng lẽ làm việc, ký các hiệp định, tạo điều kiện cho Trung Quốc đưa đầu tư vào Việt Nam theo nguyên tắc nếu đầu tư lỗ thì không những không mất bãi đáp để chứa các nhà máy phế thải mà còn bán chúng cho Việt Nam. Đường sắt trên cao Hà Nội – Cát Linh là một bằng chứng rõ ràng. Đến bây giờ vẫn chưa hoạt động được dù Dự án tăng 3 lần vốn mà đã 10 năm rồi, hiện mỗi năm Việt Nam vẫn phải trả cho Trung Quốc 436 tỉ.

Trong vụ Lê Thanh Hải, cảm giác chung là “giơ cao, đánh khẽ”. Lúc Thanh Hải là lãnh đạo số một của thành phố, cũng là khi Dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm bắt đầu được triển khai. Hải đã ký nhiều công văn chỉ đạo liên quan đến việc quy hoạch, xây dựng khu đô thị được kỳ vọng hiện đại nhất Đông Nam Á. Một trong những cú áp phe thời “vương triều Hai Nhựt” là đã giao 23,3 ha đất ở phường Bình An cho 5 doanh nghiệp đầu tư kinh doanh nhà ở, khu vui chơi, giải trí, thương mại. So với quy hoạch phê duyệt, diện tích khu đô thị mới Thủ Thiêm đã giảm 26,3 ha. Để bù vào phần hụt này, ngày 16/9/1998, dưới sự chỉ đạo của chính quyền, Kiến trúc sư trưởng thành phố phê duyệt quy hoạch 1/2000 có nội dung bổ sung quy hoạch khoảng 4,3 ha đất phía Bắc.

Sỡ dĩ Nguyễn Phú Trọng phải rón rén trong việc đưa “hai thanh củi bự” trên vào lò, là vì vừa làm vừa phải đo lường phản ứng từ Bắc Kinh. Cho đến giờ này, ĐCSVN vẫn chưa chốt được ai sẽ là Tổng Bí thư do chưa chọn xong “trường hợp đặc biệt” trên 65 tuổi, mặc dù Đại hội 13 sắp khai mạc vào ngày 25/1 tới. Nghĩa là Trung Cộng còn phân vân. Điều này đồng nghĩa với việc các phe cánh còn đấu đá cho đến phút chót. Cuộc đua “tam/tứ mã” xem ai sẽ là người cán đích, giành được ghế Tổng Bí thư xem ra vẫn còn chưa ngã ngũ. Nguyễn Phú Trọng liệu có “ra đòn lần chót” hay không để lấy những quyết định cứng rắn hơn, đúng người đúng tội, vì các sai phạm ở Gang thép Thái Nguyên và ở Thủ Thiêm đối với “nhị Hải” trước khi diễn ra Đại hội 13, vẫn còn là câu hỏi khó đoán.

Trước đây, Trọng bộc bạch: “Chống tham nhũng là cực kỳ phức tạp và quá khó… có nhiều việc muốn mà chưa làm ngay được… Đây là vấn đề lợi ích, cấu kết, móc ngoặc với nhau… ông mất chân giò, bà thò chai rượu, những quan hệ lằng nhằng…”. Vấn đề “nhị Hải” thật ra phức tạp gấp bội những “lằng nhằng” này. Ở đây có sự pha trộn yếu tố Trung Quốc với các yếu tố lợi ích nhóm trong đảng. Nguyễn Phú Trọng cảnh báo, đánh chuột (nhị Hải) nhưng đừng để vỡ bình hoa (không làm cho Trung Quốc phật ý). Cái “bình hoa” ông Trọng ám chỉ là dẹp “điệp viên” của Tàu mà Trung Quốc vẫn để yên cho mà đại hội. Theo nguồn tin nội bộ, vụ “nhị Hải” sẽ được chìm xuồng. Chỉ có cách cho chìm xuồng thì bình mới không vỡ. Đến Uỷ ban Kỷ luật cũng phải dừng trước vùng cấm.

Chính trường là chiến trường. Văn minh như Hoa Kỳ, dù trải qua 44 đời tổng thống chuyển giao quyền lực ôn hòa, nhưng đến đời thứ 45, có thể thế giới sẽ chứng kiến một cuộc chuyển giao vô tiền khoáng hậu. Chính trường Việt Nam còn khốc liệt hơn thế nữa. Như các nhà quan sát đã nhận xét, với cộng sản, rất khó để biết ai là đồng minh, ai là kẻ thù, bởi ngoài mặt họ luôn tỏ ra ủng hộ nhau, nhưng mỗi người đều dấu trong mình con dao găm, để quyết chiến với đối thủ của họ, giành ghế bằng mọi giá. Cho nên, có lẽ vẫn quá sớm để đưa ra bộ khung tứ trụ, bởi ra đòn bất ngờ luôn là cách mà những người cộng sản sử dụng. Chính nỗi sợ hãi của ông Trọng là không làm chủ được tình hình. Mọi thứ có thể bung bét ra. Nhưng biết đâu, một chuyển động Bơ-rao-nơ như thế lại tốt hơn trong bối cảnh hiện nay./.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/attacking-two-hai-but-still-worry-about-instability-01062021102546.html

Lãnh đạo cần làm gương công khai tài sản và để dân giám sát!

Nghị định số 130/2020 của chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức nhà nước ban đầu dự kiến có hiệu lực thi hành từ ngày 20/12/2020. Nhưng theo ông Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Pháp chế cho báo chí biết, vì tính chất phức tạp của nghị định, nên chưa thể hoàn thành vào cuối năm 2020, mà sẽ bắt đầu từ ngày 1/1 và hoàn thành trong quý 1 năm 2021.

Những quy định mới trong Nghị định 130 sẽ cho phép ‘xác minh ngẫu nhiên với bất cứ người nào và không vì lý do gì’.

Ông Đinh Văn Minh giải thích nghị định này sẽ hỗ trợ rất lớn cho công tác phòng chống tham nhũng, vì cho phép các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ một cách ngẫu nhiên. Bất cứ người nào cũng có thể bị xác minh, vào bất cứ lúc nào và không vì lý do gì. Ông Minh cho rằng đây là cảnh báo cho tất cả những người muốn che giấu tài sản bất minh.

Ông Lê Văn Triết, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do từ Sài Gòn hôm 5/1, cho biết ý kiến của mình:

“Nói vậy chứ có làm được gì đâu, có ai kê khai gì, lâu lâu có chỗ nổi cộm thì lại lôi ra… rồi lập hồ sơ, mở phiên tòa, rồi lại kết luận gây hậu quả nghiêm trọng do kém ý thức tổ chức… chứ có giải quyết gì đâu. Theo tôi muốn giải quyết vấn đề này phải nghiêm minh từ bên trong, từ trên xuống, nghiêm tức trong tổ chức thực hiện. Chứ không phải muốn nói gì thì cứ nói đại một cái, đưa ra văn bản này, văn bản nọ, nói thế thì ai nghe, ai làm, chả đi đến đâu, họ hết việc làm rồi…”

Theo tôi muốn giải quyết vấn đề này phải nghiêm minh từ bên trong, từ trên xuống, nghiêm tức trong tổ chức thực hiện. Chứ không phải muốn nói gì thì cứ nói đại một cái, đưa ra văn bản này, văn bản nọ, nói thế thì ai nghe, ai làm, chả đi đến đâu, họ hết việc làm rồi…

-Ông Lê Văn Triết

Theo ông Lê Văn Triết, nếu kê khai mà tài sản bị tẩu tán hay che giấu không khai sự thật, vi phạm quy định, nghị định về kê khai tài sản… thì phải bị xem xét để xử lý, như vậy mới công bằng trong xã hội, mới nghiêm minh trong việc kê khai tài sản và minh bạch trong việc sở hữu tài sản.

Việc xác định cán bộ phải kê khai tài sản theo Vụ trưởng Pháp chế Đinh Văn Minh, sẽ được thực hiện theo hình thức bốc thăm, chứ không phải tất cả cán bộ sẽ lần lượt phải kê khai tài sản. Điều này khiến dư luận lo ngại nghị định này cũng sẽ đi theo vết xe đổ của việc hô hào kê khai tài sản cán bộ trước đây.

Ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Ban Dân vận Trung ương, hiện là thành viên nhóm Lập quyền dân, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 5/1, nhận định:

“Vấn đề kê khai tài sản cán bộ được đặt ra từ lâu, nhưng làm một cách hời hợt, không nhất quán, kiểu như làm cho có chuyện… Thành ra dân không tin, bởi vì kê khai tài sản bất minh tỷ lệ rất thấp, chỉ có một hai trường hợp kê khai không đúng, người ta cho rằng đấy là trò tào lao đánh lừa dân. Bở vì bây giờ ai cũng thấy quan chức lãnh đạo từ huyện, từ xã đến tỉnh thì họ giàu kinh khủng, nhưng cách kê khai của họ làm dân không tin vào chuyện này. Họ cho rằng việc này là bày ra cho có vẻ là minh bạch rõ ràng, nên người ta không tin lắm vào biện pháp này.”

Theo ông Nguyễn Khắc Mai, đầu tiên hết phải kê khai tài sản của những người thuộc Bộ Chính trị, những người này phải làm gương công khai rõ ràng, thì người dân mới tin được. Ông nói tiếp:

“Thứ hai nữa, trong kê khai tài sản thì dấu hiệu bất minh rất rõ, một chủ tịch huyện mà có thể làm một tòa lâu đài nguy nga thì phải biết là tiền ở đâu? Bố mẹ anh có mỏ vàng để lại, hay anh có tài sản gì để có thu nhập như thế… thì cần làm cho rõ. Những việc kiểm tra tài sản lâu nay theo tôi là làm không tốt, làm một cách rất là trớt chát, như vị ở Yên Bái chẳng hạn… Tôi nghĩ phải làm một cách nào đó để dân có thể giám sát, nếu dân chỉ ra tài sản bất minh thì phải điều tra nghiên cứu đến nơi đến chốn nguồn gốc tài sản ở đâu…”

Việc ông Nguyễn Khắc Mai lo ngại không phải là không có căn cứ khi Nghị định 130 quy định việc xác minh ngẫu nhiên phải kê khai tài sản vẫn phải căn cứ theo kế hoạch. Theo ông Đinh Văn Minh, ví dụ năm nay Ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống tham nhũng xác định một số lĩnh vực có nhiều sai phạm, tham nhũng… thì chỉ những cán bộ, công chức làm việc trong lĩnh vực đó phải kê khai. Quy định này được cho là có thể bỏ sót người phạm tội.

Để tìm hiểu thêm về Nghị định 130, RFA hôm 5/1 liên lạc Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam, và được ông giải thích:

“Nghị định 130 của chính phủ ban hành để thực hiện Luật chống tham nhũng. Trước đây việc kê khai tài sản ‘nặng tính hình thức’. Trình tự, thủ tục lúc nào cũng rất đúng, mọi người kê khai rất đầy đủ, đúng thời gian, năm nào cũng 99%. Tuy nhiên, qua việc kê khai để phát hiện ra những dấu hiệu bất thường, bất minh, từ đó xử lý thu hồi tài sản thì rất ít. Và tôi thấy nghị định này ra đời sẽ là cơ sở pháp lý để xác định sự không trung thực và phải chịu chế tài đối với bất kỳ người nào.

Tôi nghĩ phải làm một cách nào đó để dân có thể giám sát, nếu dân chỉ ra tài sản bất minh thì phải điều tra nghiên cứu đến nơi đến chốn nguồn gốc tài sản ở đâu…

-Ông Nguyễn Khắc Mai

Việc xác minh tài sản thu nhập có mục đích quan trọng nhất là đánh giá người kê khai trung thực hay không. Nếu người kê khai bị kết luận là không trung thực thì theo quy định của Luật Phòng chống tham nhũng và nghị định mới, họ có thể bị kỷ luật cảnh cáo chứ không còn khiển trách như trước.

Từ đó, người vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật, nếu người đó đang được quy hoạch thì bị bỏ ra khỏi quy hoạch, đang ứng cử thì bị gạch tên khỏi danh sách ứng cử, đang được dự kiến bổ nhiệm sẽ không được bổ nhiệm… Đó là những hình thức xử lý rất nghiêm khắc.”

Trong khi cần công khai minh bạch tài sản để có thể xác minh, thu hồi khi có vi phạm tham nhũng, thì vào đầu tháng 6 năm 2020, Bộ Tư pháp lại đưa ra dự thảo quy định số liệu thu hồi tài sản tham nhũng là ‘danh mục tối mật’. Theo Bộ này giải thích, dự thảo căn cứ theo quy định tại khoản 14 Điều 7 của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018. Trong đó, nội dung về thông tin về hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng được xác định thuộc phạm vi bí mật nhà nước.

Ông Nguyễn Khắc Mai cho biết thêm ý kiến của mình:

“Đây là một vấn đề lớn hiện nay, liệu chính quyền có dám để cho dân giám sát? Mà với cung cách, thể chế chính trị như hiện nay thì không có giám sát, vì phủ bên phủ, huyện bênh huyện… Và như thế nó chứng tỏ một sự yếu kém của năng lực quản trị đất nước hiện nay.”

Còn về vấn đề kê khai tài sản nói chung, Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng cần phải sửa lại những quy định của pháp luật. Trước khi một người được bổ nhiệm chức vị, có liên quan người có chức vụ và quyền hạn, thì phải kê khi tài sản một cách trung thực, như vậy sẽ rất minh bạch và sẽ được người dân đồng tình.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/continued-regulations-that-officers-must-disclose-their-assets-01052021130059.html

Đại hội 13: Vì sao Đảng không công khai kết quả nhân sự tại các hội nghị trung ương?

TS. Phạm Quý Thọ

Câu trả lời tưởng như đơn giản: Đảng lãnh đạo toàn diện, công tác cán bộ là nội bộ. Tuy nhiên, sự bí hiểm như “trò chơi quyền lực”với những luật chơi phức tạp như các quy định về “tiêu chuẩn” hay “bầu cử, ứng cử”… đang thu hút sự chú ý của dư luận trong quá trình Đảng chuẩn bị nhân sự cán bộ lãnh đạo cao cấp cho Đại hội Đảng cộng sản lần thứ 13. Kết quả nhân sự không những không được công khai mà lại còn thuộc danh mục “tuyệt mật”.

Bài viết lý giải vấn đề dưới góc nhìn thể chế việc sàng lọc, sắp xếp nhân sự đảng trong bối cảnh chuyển giao quyền lực đang gặp khó khăn.

“Liên quan đến sự sống còn của Đảng, vận mệnh của chế độ”

Để có thể chủ động “kiểm soát tình hình”, trước đại hội Đảng chính thức thường có phiên trù bị được tổ chức, trong đó quyết định ai sẽ giữ vị trí nào, trong cấp uỷ ở địa phương và cơ sở, và Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành ở trung ương. Trong những nhiệm kỳ gần đây những hội nghị về cán bộ lãnh đạo chuẩn bị cho đại hội đảng ngày càng kéo dài và căng thẳng cho đến “phút chót”, đặc biệt trong chuyển giao thế hệ lãnh đạo và các chức danh “tứ trụ”: tổng bí thư, thủ tướng, chủ tịch nước và chủ tịch quốc hội.

Sau những bất ổn thể chế chính trị trong hai nhiệm kỳ gần đây, công tác cán bộ đảng nói chung và việc chuẩn bị nhân sự cho Đại hội đảng 13 nói riêng được đặc biệt quan tâm. Ông Nguyễn Phú Trọng, người có thâm niên ở nhiều vị trí cao cấp của Đảng, nắm giữ hai nhiệm kỳ ở cương vị Tổng bí thư khoá 11 và 12, và từng trải qua giai đoạn “bất ổn” đã phát biểu: “Công tác tổ chức, cán bộ phải là điểm đột phá, là “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”, có liên quan đến sự sống còn của Đảng, vận mệnh của chế độ”.

Như đã biết, Ban chấp hành Trung ương khoá 12 trong năm 2020 đã tiến hành ba kỳ hội nghị về công tác cán bộ. Hội nghị 12 được tổ chức vào tháng 5/2020 “để thảo luận, cho ý kiến về: Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII của Đảng”. Hội nghị TƯ 13 – đầu tháng 10/2020 “đã bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự tham gia Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII”. Hội nghị TƯ 14 – tháng 12/2020 đã “bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII”.

Tuy nhiên, Hội nghị 14 đã kết thúc trước kế hoạch và không phải là “cuối cùng” như dự kiến, mà theo thông báo, sẽ có Hội nghị 15 trước thềm Đại hội 13 cận kề, dự định tổ chức vào 25/1 đến 2/2 năm 2021,  để “cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng, nhiều mặt thông qua quy trình chặt chẽ” những “trường hợp đặc biệt” tham gia BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII sẽ được trước khi trình BCH Trung ương khóa XII. Ngoài ra, ngày 30/12/2020, hàng loạt báo mạng chính thống của nhà nước đưa tin về Quyết định: “Phương án nhân sự Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội là “tuyệt mật” khiến dư luận đồn đoán về mức độ căng thẳng chuyển giao quyền lực.

“Trò chơi quyền lực”

Trong bối cảnh bất ổn thể chế, những yêu cầu về công khai kết quả nhân sự trở thành món hàng “xa xỉ”. Những lý lẽ mọi việc cần công khai để “dân biết, dân kiểm tra, giám sát” như Đảng đã cam kết, và sự tham gia chính trị của quyền người dân được quy định trong Hiến pháp… trở nên lạc lõng, được cho là “không phù hợp”, thậm chí bị chỉ trích có “biểu hiện dân tuý”.

Như “trò chơi quyền lực” việc lựa chọn, bố trí nhân sự cấp cao của đảng ngày càng trở nên phức tạp, trong đó người chơi, nhất là người đứng đầu có vai trò quan trọng, có phẩm chất “đặc biệt”, sử dụng mọi cách kể cả thay đổi luật chơi để đạt mục đích. Hơn thế, nếu đích đến là “vương quyền” thì sự chuyển giao sẽ nghiêm trọng hơn.

Các phương án nhân sự cấp cao được Bộ Chính trị cân nhắc và dự kiến trước khi trình Ban Chấp hành trung ương quyết định, Quy định 224/TƯ năm 2014 về bầu cử và ứng cử, loại bỏ tranh cử khiến cho việc bầu cử ở Đại hội đảng toàn quốc trở nên hình thức. Việc bầu các chức danh nhà nước như chủ tịch nước, thủ tướng, chủ tịch quốc hội, các bộ trưởng… tại Quốc hội được tiến hành theo cơ chế “đảng cử, dân bầu” cũng chỉ là “hợp pháp hoá” các quy trình nhân sự của Đảng. Bởi vậy, Hội nghị Trung ương 15 có ý nghĩa đặc biệt khi “đáp áp” của trò chơi “vương quyền” sẽ được quyết định.

Hình minh hoạ. Các đại biểu là sĩ quan quân đội dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 ở Hà Nội hôm 28/1/2016. Reuters

Có thể nhận biết các tiêu chuẩn và loại cán bộ lãnh đạo nào sẽ là “luật chơi” chủ yếu của “trò chơi quyền lực” trong điều kiện tập trung quyền lực bằng cách tăng cường chỉnh đốn đảng, chống suy thoái và tham nhũng trong nội bộ. Trước hết, sự trung thành với đảng, phục tùng tuyệt đối chỉ thị cấp trên phải được đặt lên hàng đầu, mà biểu hiện cụ thể là phải trực tiếp tham gia vào quá trình này. Bởi vậy, nhân sự đảng chuyên trách, đặc biệt trong các cơ quan nội chính, kiểm tra kỷ luật, tổ chức đảng, tuyên giáo, dân vận, và tất nhiên, cả công an và quân đội là những thành phần “đương nhiên” và sẽ chiếm ưu thế trong danh sách Bộ Chính trị.

Ngược lại, sự suy thoái của các nhà kỹ trị, lãnh đạo kinh tế vẫn tiếp tục là “nỗi ám ảnh” đối với “vương quyền”. Họ sẽ không có nhiều không gian để tạo ra “nhóm lợi ích” hay “phe phái”. Trong nhiệm kỳ khoá 12 Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng rất quan tâm và hàng năm đều tham dự các Hội nghị Chính phủ với các địa phương. Mới đây, tại Hội nghị năm 2020 ông đã có bài phát biểu nhắn nhủ “… các cán bộ có chức, có quyền, đang nắm trong tay quyền và tiền, và một tài sản khổng lồ của đất nước, lại đang sống và làm việc trong môi trường có rất nhiều cám dỗ, rất dễ xảy ra tham nhũng, hư hỏng, tiêu cực…” và trong nhiệm kỳ 12 “đã có 113 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý đã bị thi hành kỷ luật, thậm chí một số đồng chí bị xử lý hình sự. Đáng lưu ý là, trong số đó có đến 53 đồng chí công tác ở các cơ quan chính quyền, 31 cán bộ lực lượng vũ trang…”. Mới gần đây, hai uỷ viên Bộ Chính trị, những nhà kỹ trị kinh tế, nguyên Thống đốc Ngân hàng nhà nước và nguyên Phó thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016 đã bị kỷ luật cảnh cáo.

Sau cùng, “trường hợp đặc biệt” sẽ là đích đến của “trò chơi vương quyền”, là bước lùi so với “tiêu chuẩn chung” nhưng sẽ là “bất ngờ” đối với nhiều dự đoán khi sự cân bằng của đồng thuận theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo bị phá vỡ.

Tóm lại, công tác nhân sự của đảng gắn liền với bản chất chế độ trong đó quyền lực là mục đích tự thân. Chế độ đảng toàn trị ra đời bởi cách mạng bạo lực, quyền lực là mục đích tự thân để tổ chức đời sống xã hội được theo một kế hoạch duy nhất dựa vào chủ nghĩa tập thể, và khát vọng đã biến nó trở thành tuyệt đối. Cải cách và mở cửa để chuyển đổi nền kinh tế theo hướng thị trường đã loại bỏ công cụ này, nhưng vẫn duy trì hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa để duy trì quyền lực. Đây chính là căn nguyên của bất ổn thể chế, có thể sẽ lặp lại mang tính chu kỳ.

Mặc dù các nhà tư tưởng vĩ đại của thế kỉ 19, như Lord Acton và Jacob Burckhardt đã từng chỉ ra quyền lực là cái ác tuyệt đối, nhưng quy tắc chính trị thực tế là các nhà lãnh đạo làm bất cứ điều gì để giữ quyền lực, lợi ích quốc gia chỉ là bình phong. Để đạt được mục tiêu, những người lãnh đạo phải tạo ra quyền lực, và sự thành công tuỳ thuộc vào mức độ quyền lực mà họ giành được.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/party-congress-13-why-party-doesnt-want-to-publicize-candidate-list-after-plenums-01062021100939.html