Tin Việt Nam – 05/9/2018
Quảng Ngãi: Dân thả 3 cán bộ,
công an vẫn giam 9 người
Chiều ngày 4 tháng 9, Đại tá Võ Văn Dương, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ngãi cho hay, cơ quan chức năng đã tạm giữ hình sự 9 người vì có hành vi gây rối trật tự công cộng, chống đối người thi hành công vụ, và lập biên bản vi phạm hành chính với 23 người khác liên quan đến vụ việc chặn Quốc lộ 1A vào đêm 2-9, rạng sáng 3-9.
Số người này bị cáo buộc là đã dùng gạch đá và bom xăng để ném vào lực lượng cảnh sát cơ động, người dân sau đó lên tiếng bác bỏ cáo buộc này và trong các đoạn video quay tại hiện trường cũng không thấy sự việc cháy nổ do bom xăng.
Phát biểu tại buổi họp báo chiều ngày 4/9, ông Dương cho biết có khoảng 500 người, vào sáng 4-9, đã bao vây UBND xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ để đòi trả tự do cho số người bị bắt trước đó, đồng thời tạm giữ 3 cán bộ gồm 1 công an và 2 người thuộc nhà máy xử lý chất thải MD, đơn vị bị người dân tố cáo là gây ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, đến khoảng 16 giờ chiều thì 3 cán bộ này lần lượt được trả tự do trong khi 9 người dân vẫn còn bị giam giữ ở công an huyện Đức Phổ.
Một nhân chứng giấu tên có mặt tại UBND xã Phổ Thạnh vào trưa 4/9 nói với Đài Á Châu Tự Do qua điện thoại rằng, có khoảng 2 ngàn người vây UBND xã và công an đánh một người dân phải nhập viện.
“Ở đây bà con bị đánh rất nhiều, bà già, con nít, một thai phụ bị bóp cổ và đánh đến sẩy thai. Tôi chứng kiến, ở đây toàn dân xã Phổ Thạnh đều chứng kiến sự việc đó như vậy. Một số người bị bắt, bị đánh, họ thả về còn khoảng 10 người, họ bắt là phải đồng ý ký không di dời nhà máy rác mới thả ra. Dân chúng tôi không đồng ý và lên UBND xã và mời Chủ tịch xã để nói chuyện. Ông Chủ tịch xã nói là ông không có thẩm quyền để nói, ông không gặp, trốn tránh mà cho các anh cảnh sát giấu mặt để đánh dân tôi.”
Đài Á Châu Tự Do đã gọi điện cho Công an huyện Đức Phổ để xác định thông tin nhưng bị từ chối trả lời.
Mạng báo Soha dẫn lời Đại tá Võ Văn Dương nói rằng, từ ngày 29/7 đến nay người dân xã Phổ Thạnh liên tục tập trung trước khu vực ngã ba đường tránh Tây Quốc lộ 1ª, đoạn qua Sa Huỳnh nối lên Nhà máy xử lý rác thải rắn sinh hoạt MD.
Những người này phong tỏa tuyến đường, không cho xe ra vào nhà máy. Nhà máy xử lý rác thải MD buộc phải ngừng hoạt động trong suốt thời gian trên.
Cũng theo tờ báo này, chính quyền địa phương đã nhiều lần tổ chức đối thoại với người dân nhưng bất thành. UBND tỉnh Quảng Ngãi sau đó đã đồng ý phương án di dời nhà máy.
Theo báo Quảng Ngãi, nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt huyện Đức Phổ do công ty TNHH Thương Mại và Công nghệ Môi trường MD làm chủ đầu tư sử dụng công nghệ lò đốt, với số vốn hơn 50 tỷ đồng, công suất xử lý 50 tấn rác/ngày đêm, được đầu tư từ nguồn xã hội hóa.
Nhà máy được xây dựng tại bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt, thôn La Vân, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ. Nhà máy khởi công từ tháng 8 năm 2016 và đi vào hoạt động từ tháng 3 năm 2018.
Tuy nhiên, người dân địa phương phản ảnh là nhà máy này xây chỉ cách khu dân cư có 600 mét và khi xây không hỏi ý kiến người dân, dạo gần đây phát sinh mùi hôi thối và ô nhiễm nguồn nước khiến những người dân phải sống trong cảnh khổ sở.
Thêm 1 Facebooker bị bắt
vì “chống phá đảng và nhà nước”
Ông Huỳnh Trương Ca, một Facebooker có những đoạn video trực tiếp trên các mạng xã hội để nói về thực trạng xã hội Việt Nam vừa bị cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Đồng Tháp phối hợp cùng với Công an tỉnh Tiền Giang bắt giữ khi ông đang trên đường từ Tiền Giang lên thành phố Hồ Chí Minh hôm 4 tháng 9.
Mạng báo Vietnamnet dẫn thông tin từ cơ quan công an cho hay, ông Huỳnh Trương Ca, 47 tuổi, sinh sống tại huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp bị bắt khi đang lên TPHCM “để kích động kêu gọi biểu tình, gây rối trật tự” và ông này được cho là có hành vi “sử dụng mạng xã hội youtube, facebook cá nhân đăng tải nội dung bịa đặt, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước và tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của Việt Nam”.
Theo công an, ông Huỳnh Trương Ca là thành viên nhen nhóm của tổ chức có danh xưng là “Hiến Pháp”, ông này được cho là thường xuyên sử dụng mạng xã hội để đăng tải, chia sẻ các bài viết, clip, livestream có nội dung xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước; nói xấu chính quyền, lãnh đạo và lực lượng Công an địa phương.
Cũng tin từ tờ báo điện tử này, dạo gần đây ông Huỳnh Trương Ca “tiếp tục có những bài viết, chia sẻ nội dung để kích động quần chúng nhân dân xuống đường biểu tình chống chế độ vào dịp Quốc khánh 2/9.”
Theo tìm hiểu của phóng viên Đài Á Châu Tự Do, tài khoản Facebook mang tên Huỳnh Trường Ca hôm 14/6 có đăng tải một tấm giấy mời làm việc của công an huyện Hồng Ngự để “trao đổi một số việc có liên quan đến tụ tập đông người xảy ra tại TPHCM vào ngày 10/6/2018”.
Dòng trạng thái cuối cùng của trang Facebook này là phản đối việc bắt giữ 2 Facebooker khác “một cách bừa bãi và vi hiến”.
Trước và sau ngày lễ 2-9, có ít nhất 4 người bị bắt về các cáo buộc có liên quan đến an ninh quốc gia.
Hàng loạt các Facebooker khác được bạn bè thông báo là bị mất tích không rõ nguyên nhân.
Trước dịp lễ Quốc khánh 2/9, chính phủ đã cảnh báo về nguy cơ những cuộc biểu tình rộng khắp trên toàn quốc. Công an được huy động để siết chặt an ninh tại các thành phố lớn trong dịp này.
Số người chết và mất tích
vì mưa lũ ở miền Bắc tăng lên 20 người
Đã có ít nhất 15 người chết, 5 người mất tích, hàng trăm căn nhà bị sập đổ, hàng ngàn ha lúa và hoa màu bị thiệt hại… vì mưa lũ ở các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ Việt Nam tính đến sáng ngày 5 tháng 9.
Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai công bố số liệu vừa nêu hôm 5 tháng 9.
Cụ thể, Thanh Hóa là địa phương có số người thiệt mạng nhiều nhất với 9 người, Yên Bái có 2 người, Lạng Sơn, Hòa Bình, Lai Châu, Sơn La, mỗi tỉnh có 1 người thiệt mạng. Ngoài ra có 3 người mất tích tại Thanh Hóa, 1 người mất tích tại Lai Châu và Yên Bái.
Mưa lũ cũng làm sập 382 căn nhà, gần 800 hộ dân phải di dời, hơn 5 ngàn héc ta lúa, hoa màu bị ngập úng, hơn 100 ngàn gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi. Nhiều tuyến đường hư hại.
Tại Thanh Hóa, mưa lớn nhiều ngày qua khiến nước sông dâng cao đã cuốn trôi nhiều nhà cửa, hoa màu, cầu treo, gây ngập sâu vùng hạ lưu dọc sông Mã của tỉnh Thanh Hóa.
Theo báo Infonet, tại huyện Quan Hóa đã có hàng chục ngôi nhà sống cạnh sông Mã bị nước lũ cuốn trôi, 2 cây cầu treo cũng bị cuốn trôi khiến hàng trăm hộ dân bị chia cắt, làm hư hỏng nhiều tuyến đường quan trọng như Quốc lộ 15A nối huyện Quan Hóa với huyện Mai Châu thuộc tỉnh Hòa Bình.
Vụ phụ huynh bị công an triệu tập:
công an xã nói việc đăng tải thông tin trên mạng
có ảnh hưởng đến an ninh trật tự
Báo Pháp Luật, vào ngày 5/9, trích lời Trưởng Công an xã Sơn Đồng, ông Nguyễn Hữu Tháng nói với báo giới rằng “Việc đăng tải thông tin dễ nảy sinh ra mâu thuẩn trong nội bộ nhân dân, cũng như ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa phương”.
Ông Tháng nói điều này sau khi công an xã Sơn Đồng hôm 4/9 mời một số phụ huynh lên làm việc vì đăng tải trên facebook những bức xúc về tình trạng lạm thu ở trường tiểu học Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, Hà Nội.
Ông Tháng nói việc mời phụ huynh làm việc là để lắng nghe phụ huynh và nếu thông tin phản ánh của phụ huynh là đúng thì sẽ yêu cầu trường Sơn Đồng thu đúng theo quy định.
Một vài phụ huynh có con đi học tại trường tiểu học Sơn Đồng, vào tối ngày 3 tháng 9, chia sẻ sự bức xúc trên mạng xã hội Facebook về việc lạm thu của trường trong năm học mới 2018-2019 lên đến hơn 8 triệu đồng.
Vào ngày 4 tháng 9, các phụ huynh này bị Công an xã Sơn Đồng mời làm việc.
Vào chiều ngày 4 tháng 9, trường tiểu học Sơn Đồng tổ chức buổi họp báo với phụ huynh của trường.
Bà Nguyễn Kim Oanh, Hiệu trưởng trường tiểu học Sơn Đồng, tại buổi họp báo nói rằng những khoản thu chỉ là dự kiến, chưa phải chính thức. Và buổi họp báo chấm dứt, trong khi nhiều thắc mắc của phụ huynh không được bà hiệu trưởng giải thích tường tận.
Vào sáng ngày 5 tháng 9, Chủ tịch thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung yêu cầu chính quyền huyện Hoài Đức kiểm tra thông tin lạm thu tại trường tiểu học Sơn Đồng, nghiêm cấm lạm thu.
Báo giới dẫn nguồn từ lãnh đạo của huyện Hoài Đức cho biết một số phòng, ban liên quan đã triệu tập cuộc họp để “bàn cách giải quyết, ổn định tình hình”.
Thanh Hóa đề xuất chi 1,7 tỷ đồng
cho ba cán bộ đi Mỹ
Tỉnh Thanh Hóa vừa có đề xuất trích 1,7 tỷ đồng trong ngân sách cho chuyến đi Hoa Kỳ của ba cán bộ tỉnh để quảng bá về tiềm năng thương mại, du lịch của tỉnh với các doanh nghiệp Mỹ từ ngày 8-19/9 tới đây.
Thông tin này được tờ Nhà báo và Công Luận loan đi vào ngày 5 tháng 9, và cho biết thêm, mục đích của chuyến đi nhằm thúc đẩy quá trình hội nhập và phát triển của tỉnh, đề xuất này do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương Mại và Du lịch tỉnh Thanh Hóa soạn thảo.
Những khoản dự toán cho chuyến đi bao gồm tiền phòng nghỉ hơn 398 triệu đồng, tiền phương tiện di chuyển hơn 359 triệu, chi phí các buổi làm việc gần 371 triệu, và phần kinh phí cho các tài liệu lên đến gần 137,5 triệu.
Theo quyết định mà Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Thanh Hóa, ông Nguyễn Đình Xứng ký, ba người sẽ đi là bà Lê Thị Thìn – Ủy ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh; ông Nguyễn Văn Biện – Giám đốc Sở Ngoại vụ; và bà Trần Thị Thu Hằng – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đàu tư Thương Mại Du lịch.
Theo tờ Nhà báo và Công Luận, bà Hằng cũng chính là người ký văn bản cho việc thẩm định chi phí chuyến đi này.
Trước đó, chuyến đi quảng bá tại Hoa Kỳ dự tính đi từ 10-12 ngày, bao gồm từ 10-12 lãnh đạo cấp cao của tỉnh, và tổng cho phí ngân sách là 2 tỷ đồng.
Dai dẳng mùi hôi thối tại bãi rác Đa Phước
Xử lý mùi hôi của các bãi rác đòi hỏi nhiều biện pháp rốt ráo và công nghệ tiên tiến. Công ty Xử lý Rác Đa Phước tại Thành phố Hồ Chí Minh từng cho biết họ mang qui trình từ Mỹ về để áp dụng cho dự án đầu tư tại thành phố này. Thế nhưng cho đến thời điểm hiện tại, người dân ở khu vực quận 7 tiếp tục phải chịu đựng mùi hôi thối mà họ cho rằng nó đến từ phía bãi rác Đa Phước. Mùi hôi có lúc giảm bớt nhưng gần đây lại bốc mùi nặng hơn. Chúng tôi ghi nhận một số ý kiến của người dân sống gần bãi rác Đa Phước và người dân ở quận 7.
-Cái mùi hôi thì mới gần đây bị lại. Trước đó thì cũng thấy đỡ rồi nhưng mới gần đây thì bị lại. Có một cái quãng, một thời gian chị không nhớ rõ nhưng mà nó hôi liên tục xong rồi báo chí, mọi người nói um sùm đó thì cải thiện, sau đó thì cải thiện được một thời gian tương đối dài nhưng mới gần đây lại bị lại… hôi lắm.
Vừa rồi là trình bày của một phụ nữ sống tại khu dân cư Phú Mỹ, quận 7 và theo bà này thì thời điểm cụ thể chuyện mùi hôi lại hành hạ người dân địa phương là khoảng sau Tết Nguyên Đán.
-Bây giờ là tháng 8 đúng không, hình như là sau Tết thì bắt đầu bị lại. Mở ra nồng nặc hết toàn bộ. Nó giống như có cơn gió, nó có từng đợt. Như bây giờ là không bị nhưng có lúc sáng sớm mở cửa ra nghi ngút luôn.
Dù đã phải lên tiếng nhiều lần, nhưng người dân ở quận 7 và các khu vực lân cận vẫn tiếp tục hứng chịu mùi hôi mà họ cho rằng bốc lên từ hướng bãi rác Đa Phước. Người dân sống ở Đa Phước, cũng phản ánh tình trạng hôi thối vẫn còn, nhất là trong các đợt mưa. Và xe rác chạy liên tục làm người dân sống gần đó còn bị ô nhiễm tiếng ồn.
-Dạ hôi lắm chú ơi. Xe rác chạy qua thấy ồn lắm á!
-Mưa xuống thì nghe, mà nghe chịu không nổi phải đóng cửa chứ đâu có dám ở ngoài sân đâu. Đóng cửa thì cũng nghe mà nó đỡ hơn.
-Mấy hôm trước còn dữ nữa, từ lúc mới vừa rồi là cũng bị hôi thúi bên Phú Mỹ Hưng người ta cũng kiện quá trời xong rồi nó đỡ rồi đó, mới vừa rồi, mới đợt tháng rồi nè.
Những cư dân đang chịu đựng mùi hôi này đã cùng nhau lập ra một nhóm trên Facebook để đưa tin về mùi hôi, thông tin trong nhóm cho biết hiện tại mùi hôi vẫn còn bốc lên nồng nặc mỗi khi gió mùa Tây Nam thổi đến. Người dân bày tỏ quan điểm, cho rằng chính quyền cần nhanh nhạy khi giải quyết các vấn đề ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Vì lâu nay các phương tiện truyền thông – báo chí cũng thường xuyên phản ánh mùi hôi của bãi rác này. Chính quyền nên giải quyết trước khi người dân phải đưa đơn kiện hoặc khiếu nại lên chính quyền.
Thụ thủ tục hành chính rườm rà bị nêu là trở ngại khi người dân muốn đệ đơn khiếu kiện hoặc phản ánh điều gì đó với chính quyền.
-Chị nghĩ chính quyền biết rất rõ rồi chứ. Đơn từ cái gì, chỉ cần thấy hiện tượng thì cũng phải đi giải quyết cho mọi người nhưng mà đơn hành chính thủ tục nó nhiều như là…haizz, nói chung chính quyền giải quyết được thì quá tốt!
-Ở đây phản ánh cũng…ấy thôi à, chỉ có bên Phú Mỹ Hưng phản ánh thì có chính quyền tới chứ còn ở đây phỏng vấn không thấy ai tới. Nhiều khi mình dân ấy mình nói chứ cũng đâu có ai, bên Phú Mỹ Hưng nói thì có người tới, ở đây nói xong cũng vô đó.
Khi hỏi thêm rằng, nếu tình trạng này vẫn cứ tái diễn và không được chính quyền xử lý, họ có giải pháp riêng nào cho hoàn cảnh hiện tại không, họ cho biết:
-Chịu, nhà mình ở đây thì sống ở đây, giống như sống chung với lũ vậy đó.
Và theo lẽ thường ai có điều kiện họ sẽ chuyển đi nơi khác.
-Chị thì bệnh đủ thứ hết á, tại đất bà má chồng cho thì phải chịu phải ở thôi chứ biết sao giờ. Có tiền cũng phải đi chỗ khác ở chứ ở đây lớp thì nghĩa trang, lớp thì …rác, lớp thì xử lý bùn, lớp thì môi trường xanh, thấy ô nhiễm dữ không!
Quốc lộ 50 là con đường chính mà các xe rác chạy qua để về tập kết tại bãi rác Đa Phước và Cty Môi Trường Xanh, người dân dọc QL 50 cho biết:
-Mùi hôi thì cũng bớt chứ không có nhiều hung, mà có đôi khi xe nó chạy ngang nó chảy nước á. Chảy nước xuống thì nó hôi chứ mà bốc mùi hôi thì lúc này không có nghe hôi nhiều. Có khi nó chở nhiều quá nó bị tràn ra ngoài đường.
Cũng đỡ phải chịu mùi hôi một phần vì gió thổi mùi hôi về phía Phú Mỹ Hưng, người dân dọc QL 50 chỉ phải chịu mùi hôi từ xe rác bốc ra, mùi hôi từ nước rỉ rác khi xe rác chạy dọc đường.
Bãi rác đã có kể từ năm 2007 đến nay và thời gian chịu đựng của người dân sống cạnh gần cũng nhưnhưng cách đó hơn chục kilomet hơn chục năng rồi. Công nghệ chôn lấp không thể nào khử được mùi hôi của bãi rác.
Tin cho biết hiện Thành phố Hồ Chí Minh đang kêu gọi đầu tư hai dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt đến năm 2025 với công nghệ đốt thu hồi năng lượng tại Khu Liên hiệp Xử lý chất thải rắn Phước Hiệp ở Củ Chi. Công suất là 2 ngàn tấn rác mỗi ngày.
Thống kê cho thấy mỗi ngày thành phố này thu gom và xử lý chừng 8900 tấn rác thải rắn sinh hoạt.
Công bố nguyên nhân cá lồng bè
chết hàng loạt tại Vĩnh Tân
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bình Thuận vào hôm 5/9 vừa công bố kết quả lần 2 xác định nguyên nhân cá nuôi lồng bè chết hàng loạt từ tháng 4 – 6/2018 tại khu vực gần nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bình Thuận cho biết nguyên nhân chủ yếu cá chết hàng loạt là do chất rắn lơ lửng và dầu mỡ nhiều làm giảm oxy trong nước tại khu vực này.
Dựa vào kết quả công bố, hàm lượng oxy hòa tan trong nước biển ban đêm thấp hơn ngày rất nhiều và lúc biển êm, không động tại khu vực này nên dẫn đến cá nuôi bị thiếu oxy vào ban đêm và gây chết cá. Ngoài ra, sau khi phân tích mẫu nước tại các bè nuôi cá, tổng dầu mỡ vượt mức cho phép gấp 30 lần và chất rắn lơ lửng trong nước vượt mức cho phép.
Hiện tượng cá chết hàng loạt bất thường tại khu vực nuôi cá lồng bè tại xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong xảy ra từ tháng 4 – 6/2018 và đỉnh điểm nhất vào ngày 25/6. Đây là khu vực gần trung tâm nhà máy điện lực Vĩnh Tân khoảng 1 km và cách bờ biển khoảng 1,2km.
Theo truyền thông trong nước, loại cá chết hàng loạt tại khu vực này chủ yếu là cá nhỏ dưới 50 ngày tuổi với số lượng bị chết từ 10% đến 20% mỗi hộ nuôi và đặc biệt có hộ nuôi cá bị chết hoàn toàn với hơn 2000 con.
Người sử dụng Facebook chỉ trích
nhà xuất bản để lọt sách có đường lưỡi bò
Một đại diện của Nhà xuất bản Thế giới hôm 4/9 thừa nhận có những sai sót khi phát hành một bộ sách cho học sinh in hình lược đồ Trung Quốc và Biển Đông có đường lưỡi bò gây tranh cãi, theo báo chí Việt Nam.
Đây là bộ sách được dịch sang tiếng Việt từ bản gốc tiếng Trung. Nhà xuất bản Thế giới nói họ đã thu hồi sách cách đây một tuần, song các nhà hoạt động nói với VOA rằng điều đó là dối trá vì thông tin này bị phát hiện và đưa lên mạng xã hội mới hôm 2/9.
Báo chí trong nước cho biết bộ sách có tên “Wow! – Những bí mật kỳ diệu” gồm 12 tập, dành cho học sinh từ 6 đến 16 tuổi, nói về những điều cơ bản trong khoa học và cuộc sống. Bộ sách đã được Nhà xuất bản Thế giới và Công ty sách Đinh Tị phát hành từ tháng 3/2017.
Các bản tin nói “nhiều phụ huynh” phát hiện trong một cuốn của bộ sách có hình minh họa bản đồ “thể hiện đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc”.
Thuật ngữ “đường lưỡi bò”, hay còn gọi là đường 9 đoạn, nói đến ranh giới mơ hồ mà Trung Quốc vẽ ra trên bản đồ vùng Biển Đông để tuyên bố chủ quyền của nước này đối với hầu hết vùng biển hiện đang có tranh chấp với Việt Nam và một số nước trong khu vực.
Ông Đoàn Trần Lâm, Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Thế giới, hôm 4/9 đã thừa nhận những sai sót này. Ông được báo chí trích lời cho hay đã gửi công văn “yêu cầu đơn vị liên kết là Công ty sách Đinh Tị thu hồi, chỉnh sửa bộ sách”.
Vị lãnh đạo của nhà xuất bản giải thích thêm rằng “phần bản đồ minh họa có đường lưỡi bò quá nhỏ nên các biên tập viên không chú ý hoặc nhầm lẫn là tuyến đường hàng hải”.
Một đại diện không thấy báo chí nêu tên của Công ty Đinh Tị cũng thừa nhận “do sơ suất không chủ ý trong khâu biên tập và kiểm duyệt” nên đường lưỡi bò do tác giả Trung Quốc “đơn phương vẽ” đã xuất hiện trong bản in ở Việt Nam.
Đại diện Công ty Đinh Tị được báo chí dẫn lời nói rằng: “Đây là bài học lớn đồng thời là lời cảnh báo tới đồng nghiệp ngành xuất bản Việt Nam trước việc mua – dịch những cuốn sách có ẩn chứa nội dung độc hại tinh vi liên quan đến chủ quyền”.
Nhiều người sử dụng Facebook và các diễn đàn trên mạng đã bàn luận và chỉ trích nặng nề hai đơn vị phát hành sách kể trên trong mấy ngày gần đây.
Ông Hoàng Dũng, một nhà hoạt động vì dân chủ, tiến bộ ở Việt Nam, hiện sống ở thành phố Hồ Chí Minh, nói với VOA rằng phải xem vụ việc vừa rồi là một lỗi nghiêm trọng về nhận thức chính trị, chứ không thể coi đó là “sơ xuất”. Ông nói:
“Những việc làm như của Nhà xuất bản Thế giới và Công ty Đinh Tị vừa rồi tôi cho là phía nhà cầm quyền Việt Nam phải trừng phạt mạnh mẽ, ít nhất là phạt tiền, để làm gương cho những trường hợp khác về nhận thức chính trị tồi như hiện nay”.
Ông Dũng đưa ra quan sát của mình rằng Trung Quốc tỏ ra rất nhất quán trong việc thúc đẩy trên toàn cầu hình ảnh đường lưỡi bò ở mọi hình thức có thể được, như in trong hộ chiếu, sách, quả địa cầu, bản đồ hay in trên áo. Ông mô tả chính sách này của Trung Quốc là “rất ghê gớm”.
Trong khi đó, nhà hoạt động nêu ra thực tế là những người Việt đấu tranh để chống đường lưỡi bò lại bị nhà chức trách trong nước “trấn áp”.
Nhà hoạt động kêu gọi nhà nước cần có “cách làm và thể hiện quan điểm tốt hơn” về vấn đề đường lưỡi bò, thay vì trấn áp tiếng nói của các nhà hoạt động.
Vì sao bộ sách “Tiếng Việt lớp 1
Công nghệ giáo dục” bị phản đối?
Hòa Ái, phóng viên RFA
Bộ sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục được giảng dạy trong năm học 2018-2019 gặp phải sự phản đối của không chỉ từ các bậc phụ huynh học sinh tiểu học, mà cả dư luận trong nước vì cách đánh vần mới trong bộ sách này.
Phụ huynh lo lắng
Báo mạng Lao Động Online, vào ngày 26 tháng 8, cho biết bộ sách “Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục” được áp dụng từ năm 2014 và trong năm học mới 2018-2019 có đến gần 50 tỉnh, thành cho học sinh học chương trình của bộ sách này.
Những ngày qua, hàng trăm ý kiến phản hồi qua mạng xã hội và các trang fanpage của báo mạng quốc nội về chia sẻ của một số phụ huynh có con em bắt đầu vào lớp 1, phải học bộ sách vừa nêu rằng họ rất hoang mang với cách đánh vần mới, ví dụ các chữ “c”, “k” và “q” đều đọc là /cờ/; hay các chữ “r”, “d” và “gi” đều đọc là /dờ/…Do đó, học sinh không thể phân biệt được các từ khác nhau về nghĩa nhưng đồng âm khi đánh vần. Một điều đáng chú ý là bộ sách này chỉ áp dụng cho lớp 1 và học sinh học theo cách đánh vần mới, khi lên lớp 2 thì phải học theo cách đánh vần cũ. Nhiều phụ huynh bày tỏ rằng gia đình gặp trở ngại trong việc giúp đỡ cho các cháu học tập ở nhà.
Bên cạnh cách đánh vần mới, bộ sách “Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục” còn dạy nhiều từ ngữ địa phương, khó hiểu. Một phụ huynh chia sẻ:
“Sách lớp 1 năm nay có sự cải cách từ ngữ mà mình đọc không được, chẳng hạn như từ ‘khuýp khùym khuỵp’, những từ nhiều khi đọc bị trẹo miệng luôn. Sách tiếng Việt năm nay đưa vào những từ như vậy, mình sẽ không bao giờ có thể đọc và dạy cho các bé được. Khi mình đọc cái từ mà mình không hiểu nghĩa thì làm sao có thể giải thích cho con mình hiểu được.”
Sách lớp 1 năm nay có sự cải cách từ ngữ mà mình đọc không được, chẳng hạn như từ ‘khuýp khùym khuỵp’, những từ nhiều khi đọc bị trẹo miệng luôn. Sách tiếng Việt năm nay đưa vào những từ như vậy, mình sẽ không bao giờ có thể đọc và dạy cho các bé được. Khi mình đọc cái từ mà mình không hiểu nghĩa thì làm sao có thể giải thích cho con mình hiểu được
-Một phụ huynh
Ý kiến của giới chuyên môn
Nhà giáo Phạm Toàn, thuộc Nhóm làm sách Cánh Buồm-một bộ sách 36 cuốn cho 6 lớp tiểu học, vào ngày 29 tháng 8, phổ biến một bài viết với mục đích để mọi người cùng hiểu cách tổ chức học sinh lớp 1 học tiếng Việt.
Trong bài viết với tựa đề “Hạnh phúc nhọc nhằn với Tiếng Việp lớp Một”, Nhà giáo Phạm Toàn trình bày chi tiết có hai cách học để biết đọc biết viết tiếng Việt, đó là “đánh vần theo chữ” và “theo ngữ âm”. Nhà giáo Phạm Toàn nhấn mạnh sách “Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục” bị ồn ào chê trách về cách đánh vần ba chữ “c”, “k” và “q” đều đọc là /cờ/, nhưng không gọi tên chung cho cả ba chữ là chữ “cờ”. Nhà giáo Phạm Toàn giải thích đó là cách học theo đường lối ngữ âm học. Và qua phần diễn giải rất cụ thể về cách học theo ngữ âm trong bài viết, Nhà giáo Phạm Toàn tin rằng những ai ứng dụng theo hướng dẫn trong bài viết của ông thì dễ dàng dạy con em ở gia đình biết đọc biết viết nhanh và chắc chắn tiếng mẹ đẻ.
Trong khi đó, Tiến sĩ Trần Văn Hải, một cựu giáo viên thuộc ngành tâm lý ngữ học, cho rằng cách đánh vần trong bộ sách “Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục” được biên soạn mang tính áp đặt và không đạt tiêu chuẩn, vì không đánh vần bằng âm. Từ Hoa Kỳ, Tiến sĩ Trần Văn Hải nói với RFA:
“Ở Việt Nam hiện nay, những người này họ lầm lẫn giữa hai lãnh vực là tiếng nói và chữ viết: tiếng nói đi trước và chữ viết đi sau. Ngữ âm không phải là điều mới mẻ, mà từ trước đến nay thì lúc nào người ta cũng dựa vào cách phát âm của tiếng nói đặc thù của một dân tộc, rồi người ta tìm những ký hiệu (mẫu tự) để dùng làm biểu tượng cho các âm mà được phát ra từ tiếng nói đó để dạy cho trẻ em vừa nói và viết. Họ nói là đánh vần theo âm. Nhưng nói như vậy thì mẫu tự tiếng Việt dùng để làm gì?”
Thầy giáo Chu Mộng Long, giảng viên trường Đại học Quy Nhơn, trình bày quan điểm của ông, qua trang facebook cá nhân, xoay quanh phản ánh của dư luận về bộ sách “Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục”. Thầy giáo Chu Mộng Long khẳng định khẳng định về mặt khoa học thì cách đánh vần cả ba chữ “c’, “k” và “q” đều đọc là /cờ/ không sai và sách “Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục”, việc phân biệt chữ cái và âm (vị), quy ước kết hợp chữ trong các phụ âm với âm đệm, âm đôi với âm cuối cũng hoàn toàn chuẩn xác.
Mặc dù vậy, Thầy giáo Chu Mộng Long cho biết khi ông xem trang hướng dẫn cách đánh vần của sách giáo khoa này, thì ông “tá hỏa vì một số chỗ sai nghiêm trọng, phản khoa học”. Một trưng dẫn với 3 chữ “r”, “d” và “gi” cùng đọc là /dờ/, Thầy giáo Chu Mộng Long phân tích nếu dựa vào thực tiễn ngôn ngữ, có thể xem chữ “d” và chữ “gi” cùng âm đọc thì chấp nhận được, nhưng nhập phụ âm “r” (âm xát-rung) vào đó để đọc cùng âm “dờ” thì không được. Thầy giáo Chu Mộng Long nhận định đánh vần theo ngữ âm học chưa hẳn giúp ích gì cho việc viết đúng quy định chính tả, nếu không khéo còn đẩy trẻ em từ chỗ đơn giản rơi vào phức tạp. Chúng tôi xin được trích nguyên văn ông nhận xét:
“Sách tiếng Việt lớp Một công nghệ và hiện hành đã lựa chọn nửa nạc nửa mỡ (nửa tuyến tính nửa phi tuyến tính) dẫn đến lú lẫn hơn là phục vụ cho mục đích nhận diện chữ viết để viết đúng chính tả. Kể cả việc bắt trẻ em trình độ lớp Một phải nhận diện một cách khoa học vấn đề âm vị học cũng không cần thiết.”
Phải thống nhất cách dạy chữ Quốc ngữ
Trả lời câu hỏi của RFA về ngành giáo dục có quyết định như thế nào trước phản ứng của dư luận về bộ sách “Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục”, một cán bộ thuộc phòng giáo dục ở Cần Thơ, không muốn nêu tên, cho biết năm học 2018-2019, đồng bằng Sông Cửu Long có 5 tỉnh áp dụng thực nghiệm chương trình sách giáo khoa này:
Ở đồng bằng Sông Cửu Long thì mới có Cần Thơ làm thí điểm. Chương trình này thì phần Tiếng Việt cũng hơi khó cho phụ huynh. Phải chờ đến giữa học kỳ hay cuối học kỳ thì mới có đánh giá chính xác được. Khi đó mới sơ kết, rút kinh nghiệm và điều chỉnh từ từ
-Cán bộ Phòng giáo dục, ở Cần Thơ
“Ở đồng bằng Sông Cửu Long thì mới có Cần Thơ làm thí điểm. Chương trình này thì phần Tiếng Việt cũng hơi khó cho phụ huynh. Phải chờ đến giữa học kỳ hay cuối học kỳ thì mới có đánh giá chính xác được. Khi đó mới sơ kết, rút kinh nghiệm và điều chỉnh từ từ.”
Vị cán bộ trong ngành giáo dục cho biết thêm hiện Bộ Giáo Dục có nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau và bắt đầu năm học 2019-2020 thì:
“Chương trình sẽ khoán về cho các trường, tự mỗi trường lựa chọn và thống nhất với phụ huynh. Tại vì tùy theo vùng, miền. Nếu thống nhất chương trình theo đại trà thì nhiều khi các trường ở thành phố chê là nhẹ, còn ở vùng sâu thì kêu là nặng. Cả nước Việt Nam sẽ áp dụng quy định này từ lớp 1.”
Riêng về bộ sách “Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục”, Luật sư Lê Văn Luân, vào ngày 27 tháng 8, phổ biến một thư kiến nghị trên mạng xã hội, kêu gọi cộng đồng ký tên gửi đến Quốc Hội và các cơ quan Nhà nước Việt Nam đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cho dừng ngay tức khắc việc giáo dục đối với kiểu loại chữ viết trong bộ sách này. Luật sư Lê Văn Luân cho rằng việc giảng dạy khác nhau đối với tiếng Việt là đang xâm phạm nghiêm trọng vào Hiến pháp, khi phá vỡ tính thống nhất và đơn nhất của chữ Quốc ngữ.
Cộng đồng Việt ở Úc lo làn sóng tỵ nạn từ VN
Cộng đồng Việt ở Úc lo rằng nhóm người Việt bị nghi là tìm đường tị nạn tại Queensland, Úc, có thể thuộc làn sóng người trốn chạy vì bị vi phạm nhân quyền và mất đất tại Việt Nam, theo The Australian.
Nhóm 17 người này có thể bị trục xuất từ Úc về Việt Nam hôm 30/8 trên một chuyến bay do chính quyền nước này thuê, theo The Australian.
Trước đó, hôm 29/8, nhóm người Việt này được đưa đến Chrismast Island ở Úc để cơ quan di dú tại đây xử lý theo luật định, sau khi thuyền đánh cá của họ trôi dạt vào bờ Bắc Far Queensland, theo hãng ABC.
Vì sao rời quê hương?
Hiện vẫn chưa rõ nhóm người này từ đâu ở Việt Nam đến, và tại sao, họ phải chạy tỵ nạn, bài báo trên ABC cho hay.
Nhưng giới lãnh đạo cộng đồng người Việt ở Úc nói rằng tình hình nhân quyền ngày càng tồi tệ ở Việt Nam, việc mất đất đai vào tay Trung Quốc, khiến người Việt di cư sang các những nước khác, trong đó có Úc.
Ông Bon Nguyen, Chủ tịch Cộng đồng Việt ở Úc, phát biểu trên ABC rằng hàng trăm người Việt chạy sang Thái Lan, Indonesia những năm gần đây. Có một số thuyền chở người tỵ nạn Việt Nam đã bị giới chức Úc cho trục xuất về lại Việt Nam.
Thăm người Thượng từ VN bị bắt ở Thái Lan
Hong Kong và kỷ niệm của một thuyền nhân
Ông Bon Nguyen cũng dự đoán rằng số lượng người tỵ nạn sẽ tăng do chính quyền Việt Nam tăng cường việc áp bức người dân, và đề cập đến dự thảo luật đặc khu kinh tế, cho phép Trung Quốc thuê đất tới 99 năm, làm bùng lên các cuộc biểu tình trên khắp Việt Nam.
“Lẽ ra phải bảo vệ quyền lợi của người Việt, thì chính quyền lại quay sang xoa dịu Trung Quốc và đàn áp, tra tấn những người biểu tình,” ABC trích lời ông Bon Nguyen nói.
Ông Bon Nguyen nói thêm rằng việc Trung Quốc tấn công các tàu cá của Việt Nam ở Biển Đông khiến sinh kế của ngư dân Việt bị ảnh hưởng cũng là một trong các yếu tố khiến họ rời Việt Nam.
Ngoài ra, ông Bon Nguyen nói nhiều người Việt bỏ quê hương vì bị chính quyền thu hồi đất, và quyền của họ bị xâm phạm.
Ông Trịnh Bá Phương, một trong những người tham gia vào các cuộc biểu tình nhiều năm qua để đòi lại đất bị chính quyền tịch thu ở Dương Nội, Hà Nội, nói với BBC ngày 4/9 rằng tình trạng tịch thu đất của nông dân và đền bù không thỏa đáng diễn ra ở nhiều nơi.
“Gia đình tôi may còn đất ở Hòa Bình nhưng không rơi vào cảnh cùng cực. Nhưng không phải ai cũng may mắn như thế.””Tôi được biết có nhiều người Thượng ở Tây Nguyên bị chính quyền lấy mất đất đai, phải bỏ chạy sang Thái Lan,” ông Phương nói với BBC từ Hà Nội.
HRW: ‘Không chỉ vì kinh tế’
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cho hay hồ sơ nhân quyền của Việt Nam rất tồi tệ ở mọi lĩnh vực, như giới hạn tự do ngôn luận, bức hại người thiểu số Công giáo, gia tăng các hình phạt đối với người chống lại chính quyền, theo ABC.
HRW cho biết các nhà hoạt động phải đối mặt với đe dọa, bị đánh đập và giam cầm nếu họ tìm cách lên tiếng, và nông dân tiếp tục mất đất cho các dự án phát triển mà không được bồi thường thích hợp.
Ông Phil Robertson, Giám đốc khu vực châu Á của HRW phát biểu trên ABC rằng sẽ là điều sai lầm nếu đánh đồng mọi người Việt chạy tỵ nạn sang Úc đều chỉ vì lý do kinh tế.
Ông nói thực tế thì kinh tế Việt Nam đang bùng nổ, vào loại phát triển nhanh nhát châu Á. “Có nhiều xáo trộn ở Việt Nam. Nhiều người phải từ bỏ đất đai của mình, và những người cố gắng làm điều gì đó cho cộng đồng bằng cách lên tiếng thì phải đối mặt với trả thù. Đó là một nhà nước độc đảng, một chế độ độc tài,” ông Robertson nói.
Mới đây, phóng viên BBC đã tiếp xúc với gần 200 người Thượng Việt bị chính quyền Thái Lan bắt giữ cho cư trú bất hợp pháp. Nhiều người trong số này cho hay họ chạy sang Thái vì bị chính quyền Việt Nam đàn áp tôn giáo và tịch thu ruộng đất.
Nguy cơ bị bức hại
HRW trước đó đã kêu gọi chính quyền Úc tuân thủ các quy trình phù hợp để xác định liệu những người Việt Nam bị giam giữ tại Christmas Island có phải đang kiếm tỵ nạn hay không.
HRW cũng chỉ trích quyết định của Úc năm 2015 trục xuất một nhóm người Việt khi thuyền chở họ còn đang lênh đênh trên biển.
Những người này khi về đến Việt Nam đã bị chính quyền bỏ tù. Bốn người trong số đó đã chạy khỏi Việt Nam lần thứ hai trước khi nhận được chứng nhận cho phép tỵ nạn do Liên Hiệp Quốc tại Indonesia cấp.
HRW trước đó cũng kêu gọi Úc cho phép Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Người tỵ nạn được tiếp xúc với nhóm người Việt đang bị giam giữ tại Christmas Island.
“Chúng tôi rất lo ngại những người này nếu bị trục xuất về Việt Nam sẽ đối mặt với tù tội,” ông Phil Robertson nói.Một bài báo đăng trên Đài Tiếng nói Việt Nam viết: “Luật pháp Việt Nam luôn tôn trọng và bảo vệ các quyền tự do, trong đó có quyền tự do ngôn luận của công dân. Nhưng Việt Nam cũng kiên quyết xử lý mọi hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng các quyền đó để xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, làm tổn hại đến lợi ích của quốc gia, dân tộc.”
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45404739
Người Việt uống bia quá đà,
Tổ chức Y tế Thế giới lo ngại
Cơ quan chuyên trách về y tế toàn cầu của Liên Hợp Quốc mới gửi thư tới Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, bày tỏ quan ngại về tình trạng sử dụng đồ uống có cồn ở mức “báo động”, trong khi đó, tin cho hay, người Việt tiêu thụ trên 4 tỷ lít bia năm 2017.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc sử dụng rượu, bia ở Việt Nam “đã dẫn tới 79.000 ca tử vong trong năm 2016”, và “hàng trăm nghìn người khác phải nhập viện điều trị”.
Tổ chức này cũng cho rằng việc tiêu thụ đồ uống có cồn ở mức có hại “là yếu tố chính, góp phần vào gánh nặng các bệnh không lây nhiễm”, cũng như “gây tai nạn giao thông đường bộ, bạo lực và thương tích”.
Việt Nam bán các tập đoàn bia vì ‘khát’ tiền
Ông Nguyễn Phương Nam, chuyên gia của WHO tại Hà Nội, cho VOA tiếng Việt biết rằng “mức tiêu thụ rượu, bia của người Việt khá cao so với các quốc gia khác trong khu vực” và “97% tổng lượng tiêu thụ đồ uống có cồn ở Việt Nam là bia”.
Ông Nam cho hay, “lượng tiêu thụ trung bình của mỗi người Việt Nam trên 15 tuổi là 8,3 lít đồ uống có cồn trong năm 2016”.
Ông nói thêm rằng, theo một cuộc điều tra về nguy cơ đối với các bệnh không lây nhiễm năm 2015 ở Việt Nam, hơn 44% nam giới tiêu thụ rượu bia ở mức nguy hiểm, tức gần tăng gấp đôi so với con số hơn 25% năm 2010.
“Các quốc gia khác trong khu vực có mức tiêu thụ trung bình thấp hơn nhiều như Mông Cổ (7,4 lít), Trung Quốc (7,2 lít), Campuchia (6,7 lít), Philippines (6,6 lít) và Singapore (2 lít)”, chuyên gia người Việt nói.
Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia, rượu, nước giải khát, từng được báo chí trong nước trích lời nói rằng số lượng bia tiêu thụ ở Việt Nam năm 2017 là trên 4 tỷ lít.
Ông Shin Young-soo, Giám đốc phụ trách khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO, mới đây đã gửi thư tới Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.
Ông Martin Vandendyck, chuyên gia về vấn đề lạm dụng chất gây nghiện của WHO, cho VOA tiếng Việt biết rằng lá thư của ông Young-soo kêu gọi Việt Nam “nhanh chóng đánh giá và thông qua dự luật về phòng chống tác hại của bia rượu”.
WHO cũng khuyến nghị Hà Nội đưa ra các “quy định về mật độ các điểm bán rượu, bia qua cơ chế cấp phép nghiêm ngặt; hạn chế số ngày và giờ được phép bán rượu, bia; và quy định độ tuổi tối thiểu được mua hoặc sử dụng đồ uống có cồn”.
Tin cho hay, dự luật này dự kiến sẽ được Quốc hội Việt Nam mang ra thảo luận trong kỳ họp vào tháng tới.
“Chúng tôi đã chứng kiến sự gia tăng các cuộc tham vấn và thảo luận về dự luật của chính phủ và các cơ ủy ban liên quan của Quốc hội. Đây có thể là một chỉ dấu cho thấy chính phủ Việt Nam đã xem xét các đề xuất trong lá thư [của ông Young-soo]”, ông Vandendyck nói.
Tổ chức Y tế Thế giới đã kiến nghị Việt Nam “thực hiện các biện pháp hiệu quả” như có chính sách giá đối với đồ uống có cồn vì “các bằng chứng cho thấy việc tăng giá rượu, bia có tác dụng giảm việc sử dụng rượu, bia ở mức nguy hại của những người uống rượu nói chung và thanh thiếu niên nói riêng”.
Ngoài ra, WHO cũng khuyến nghị Hà Nội đưa ra các “quy định về mật độ các điểm bán rượu, bia qua cơ chế cấp phép nghiêm ngặt; hạn chế số ngày và giờ được phép bán rượu, bia; và quy định độ tuổi tối thiểu được mua hoặc sử dụng đồ uống có cồn” cũng như “có các chính sách về tiếp thị, quảng cáo sản phẩm rượu, bia”.
Bộ Y tế Việt Nam hồi tháng Tư năm nay đã đề xuất 3 phương án giờ cấm bán rượu, bia, có thể từ 22 giờ đêm hôm trước tới 6 giờ sáng hôm sau, trừ một số khu vực nhất định.
Theo báo chí Việt Nam, dự luật đã gây ra các tranh luận “nảy lửa” cũng như “vấp phải sự phản đối của các doanh nghiệp kinh doanh rượu, bia”.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng “việc sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng”.
WHO cho biết “sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và các đối tác, cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách để ngăn chặn và phòng ngừa sử dụng rượu, bia ở mức nguy hại ở Việt Nam”.
Trong một cuộc họp mới đây với WHO, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng “việc sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe người dân và cộng đồng”.
Theo Tiến sỹ Kidong Park, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam, “tổng thiệt hại về mặt xã hội do sử dụng rượu, bia ở Việt Nam tương đương khoảng 1,3 – 3,3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP)”.
Tổng cục Thống kê Việt Nam cho biết, GDP của Việt Nam năm 2017 đạt 220 tỷ đôla, và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được báo chí trong nước dẫn lời hy vọng sẽ nâng con số đó lên 300 tỷ đôla vào năm 2020.
Ông Trọng đi Nga bàn gì?
Với mục tiêu “làm sâu sắc mối quan hệ đối tác chiến lược”, chuyến đi thăm Nga của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào ngày 5/9 có thể liên quan đến các vấn đề hợp tác chính trị, kinh tế, giải quyết vụ Trung Quốc cản trở hãng dầu khí quốc gia Nga Rosneft khai thác dầu khí tại mỏ Lan Đỏ ngoài khơi Vũng Tàu, đẩy mạnh hợp tác quốc phòng và có thể có cả chủ đề “tế nhị” là vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, theo nhận định của một số chuyên gia.
Tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng bắt đầu chuyến thăm 3 ngày tới Nga từ ngày 5/9 – 8/9. Trả lời hãng thông tấn Nga TASS trước chuyến đi, ông Nguyễn Phú Trọng nói “chuyến thăm chính thức tới Liên bang Nga lần này của tôi nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt-Nga, tăng cường sự gắn bó chiến lược và thúc đẩy hợp tác trên tất cả các lĩnh vực”.
Tổng bí thư Việt Nam cũng không quên đề cập đến truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” đối với sự giúp đỡ “to lớn, chí tình và hiệu quả” của Liên Xô trước đây.
“Nhân dân Việt Nam không bao giờ quên”, ông Trọng nói với thông tấn TASS.
Tìm đường ra cho xuất khẩu
Nhắc đến quan hệ hợp tác song phương về kinh tế, thương mại, ông Trọng thừa nhận hai nước hiện chưa phát triển tương xứng với “quan hệ chính trị tốt đẹp”, khi kim ngạch thương mại giữa hai bên chỉ đạt khoảng 3,5 tỷ đôla trong năm 2017, chiếm chưa đầy 1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm của Việt Nam.
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, một chuyên gia phân tích kinh tế-chính trị tại Việt Nam, cho rằng trong tình cảnh Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn từ thị trường Âu-Mỹ, thì khả năng ông Trọng đi Nga để thúc đẩy xuất khẩu là có thể xảy ra.
“Vì Việt Nam hiện nay thực sự càng ngày càng bế tắc về các kênh xuất khẩu, đặc biệt là sang Mỹ và cộng đồng châu Âu, là hai thị trường lớn nhất của Việt Nam nhưng hiện nay đều gặp khó khăn vì những hàng rào thuế quan”, TS. Phạm Chí Dũng nói.
Tuy nhiên theo ông, nếu chỉ dừng lại ở mục tiêu kinh tế, thì người đi sang Nga lần này sẽ không phải là ông Trọng, mà sẽ là một lãnh đạo nhà nước khác.
Đối phó Trung Quốc ở Biển Đông
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, một nhà nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) của Singapore, cho rằng mục tiêu hợp tác chính trị, an ninh và kinh tế sẽ là những nội dung chính nằm trong nghị trình làm việc, trong đó nổi lên hàng đầu vẫn là việc giành thêm ủng hộ, hỗ trợ từ Nga để đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông.
Ông nói: “Việc đẩy mạnh mối quan hệ đối tác chiến lược với Nga có mục tiêu là Việt Nam có được điều kiện kiện tốt hơn, được ủng hộ về mặt chính trị và quốc phòng để có thể xử lý những vấn đề ở Biển Đông”.
Cụ thể hơn, TS. Phạm Chí Dũng cho rằng có thể ông Trọng lần này sẽ đề cập đến việc giải quyết bế tắc trong dự án khai thác dầu khí liên doanh giữa Việt Nam và công ty Rosneft Vietnam BV, một công ty con của tập đoàn dầu khí quốc gia Nga Rosneft, tại mỏ Lan Đỏ ngoài khơi bờ biển Vũng Tàu.
Hồi tháng 5, Trung Quốc lên tiếng tuyên bố không cho phép bất kỳ ai tiến hành khai thác dầu khí ở “vùng biển của Trung Quốc” khi chưa có sự đồng ý của Bắc Kinh, sau khi Reuters tường thuật rằng Rosneft Vietnam BV lo ngại bị Trung Quốc gây sức ép trong dự án hợp tác khai thác dầu khí với Việt Nam.
Chi nhánh của tập đoàn Rosneft sở hữu 35% cổ phần và giữ vai trò điều hành các dự án thăm dò, khai thác dầu khí ở mỏ khí Lan Tây, Lan Đỏ và Phong Lan Dại, thuộc Lô 06.1, cách bờ biển Việt Nam 370 km về phía đông nam. Lô này lại nằm trong khu vực đường lưỡi bò 9 đoạn mà Bắc Kinh vạch ra và tuyên bố chủ quyền trên đó.
Tình trạng Rosneft Vietnam BV bị Trung Quốc “bắt chẹt” khiến nhiều người quan ngại dự án khai thác dầu khí của Rosneft cũng sẽ cùng chung số phận với các dự án khai thác dầu mà Việt Nam hợp tác với các nước đã bị đình chỉ trước đó ở lô Cá Rồng Đỏ và Cá Voi Xanh.
TS. Phạm Chí Dũng cho rằng “Chuyến đi này của ông Trọng chắc cũng phải đề cập đến mỏ Lan Đỏ và có sự thúc giục đối với người Nga để họ mạnh mẽ hơn với Trung Quốc, phải thu xếp làm sao để Trung Quốc không can thiệp vào mỏ Lan Đỏ để tập đoàn Rosneft của Nga, liên doanh với PetroVietNam, khai thác mỏ Lan Đỏ, cứu vãn ngân sách của Việt Nam”.
Trong khi đó, TS. Hà Hoàng Hợp nói mặc dù Nga và Trung Quốc gần đây có chiều hướng gần nhau hơn nhưng đây không phải là mối quan hệ “đồng minh”. Vì vậy, Việt Nam “không cần phải hy vọng quá nhiều” vào việc Nga sẽ thay đổi quan điểm chính của mình về vấn đề Biển Đông, đó là không nên có sự can thiệp từ bên ngoài vào Biển Đông, “nhưng có thể hy vọng rằng vì nước Nga cũng có lợi ích chiến lược ở Biển Đông, đặc biệt trong quan hệ song phương với Việt Nam về an ninh lẫn kinh tế, đặc biệt trong khai thác dầu khí, thì Nga sẽ có một vai trò nào đó trong việc kiềm chế cả Trung Quốc lẫn các nước khác”.
Cả hai chuyên gia đều cho rằng chắc chắn việc hợp tác về an ninh, quốc phòng, cụ thể là các cam kết về việc Nga cung cấp các thiết bị quân sự cho Việt Nam, cũng sẽ được đề cập đến trong chuyến đi lần này của ông Trọng.
Vụ Trịnh Xuân Thanh
Ngoài các chủ đề lớn trên, TS. Phạm Chí Dũng cho rằng có thể một chủ đề “tế nhị” liên quan đến hai nước cũng sẽ được nhắc đến trong chuyến thăm, đó là vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Theo các nhà điều tra Đức và Slovakia, các giới chức Việt Nam đã sử dụng máy bay mượn của chính phủ Slovakia để áp giải Trịnh Xuân Thanh từ Slovakia sang Moscow, Nga, rồi từ đó trở về Việt Nam.
Cho đến nay, chính phủ Nga hoàn toàn chưa lên tiếng về vụ bắt cóc này. Vì vậy, theo TS. Phạm Chí Dũng, nếu vụ Trịnh Xuân Thanh được đề cập tới trong chương trình nghị sự giữa hai bên lần này, thì sẽ có nhiều khả năng mở ra.
“Nga sẽ lên tiếng như thế nào về vụ này? Hay là Nga sẽ im lặng? Nếu quả thực có việc đưa Trịnh Xuân Thanh qua Moscow thì Nga có bao che cho Việt Nam hay không? Nga có đánh đổi vị trí nước lớn để bao che cho Việt Nam hay không? Hay Nga sẽ giữ vị trí cường quốc, không bao che cho Việt Nam và minh bạch hóa vấn đề này theo yêu cầu của cảnh sát Đức, giới ngoại giao quốc tế và cảnh sát châu Âu”.
Trong thông báo chính thức hôm 31/8, Điện nói Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tiếp ông Nguyễn Phú Trọng tại Sochi vào ngày 6/9, và “Những vấn đề khu vực và quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước sẽ được bàn thảo, và nhiều hiệp định song phương sẽ được ký kết”, thông báo nói.
https://www.voatiengviet.com/a/nguyen-phu-trong-di-tham-nga/4558201.html