Tin Việt Nam – 05/11/2016
Thảm họa Formosa và thảm họa BP:
So sánh để học kinh nghiệm
Thảm họa môi trường biển chưa từng thấy trước nay tại Việt Nam do Formosa gây ra hồi tháng 4 khiến người ta nhắc nhớ thảm họa môi trường biển lớn nhất lịch sử Mỹ trong vụ tràn dầu của công ty BP cách đây 6 năm.
Cả hai cùng là khủng hoảng do con người gây ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế, sức khỏe, đời sống của nhiều thế hệ và tương lai môi trường.
Tuy nhiên, có những khác biệt rất rõ nét về cách giải quyết giữa hai vụ việc, dẫn đến những kết cục khác nhau.
Một nhà hoạt động pháp lý từng tích cực hỗ trợ vô số ngư dân gốc Việt tại các bang duyên hải bị ảnh hưởng trong vụ tràn dầu BP tại Mỹ năm 2010 phân tích những điểm khác biệt này để nêu lên những cách xử lý Việt Nam nên học hỏi, áp dụng vào sự cố Formosa.
Ngoài việc giúp đỡ pháp lý cho hàng trăm người Mỹ gốc Việt trong thảm họa môi trường BP, luật sư Phan Quốc Cường còn tham gia vận động chính sách và điều trần tại Quốc hội, kêu gọi bảo vệ quyền lợi cho các nạn nhân bị thiệt hại.
Trong cuộc trao đổi với Tạp chí Thanh niên VOA, vị luật sư trẻ dấn thân vì cộng đồng nhìn lại vụ tràn dầu BP để chia sẻ kinh nghiệm với các đồng nghiệp trong nước nhân thảm họa Formosa.
CPJ kêu gọi Việt Nam trả tự do cho ông Hồ Văn Hải
Trong một thông cáo đưa ra ngày 04/11/2016, Ủy Ban Bảo Vệ Nhà Báo CPJ, trụ sở tại New York, đã kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho bác sĩ Hồ Văn Hải, chủ một trang mạng xã hội Facebook, được biết dưới tên Hồ Hải.
Ông Hồ Văn Hải đã bị công an bắt giữ ngày 02/11 tại Thủ Đức, vì bị cáo buộc « phát tán »trên mạng những thông tin và tài liệu có nội dung « chống chính phủ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam », « gây mất lòng tin của người dân vào chính quyền ». Ông Hồ Văn Hải bị xem là vi phạm điều 88, bộ Luật Hình sự Việt Nam về tội « tuyên truyền chống Nhà Nước », một tội danh mà theo CPJ vẫn thường được sử dụng để bắt giữ và kết án các nhà hoạt động, nhà báo, các nhà bất đồng chính kiến ở Việt Nam.
Trong thông cáo nói trên, đại diện cao cấp khu vực Đông Nam Á của CPJ, ông Shawn Crispin, cho rằng việc bắt giam bác sĩ Hồ Văn Hải càng cho thấy Việt Nam đúng là một trong những nước giam giữ phóng viên nhiều nhất thế giới. Theo ông Crispin, ông Hồ Văn Hải phải được trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện, cùng với toàn bộ các nhà báo khác đã bị tống giam trái phép vì những bài viết của họ.
CPJ nhắc lại rằng blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức Mẹ Nấm, cũng đã bị bắt vào tháng trước với tội danh « tuyên truyền chống Nhà Nước ». Trong năm nay, ba blogger khác là Nguyễn Hữu Vinh, tức Anh Ba Sàm, Nguyễn Thị Minh Thúy và Nguyễn Ngọc Già đã bị kết án tù vì những bài viết của họ trên mạng.
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20161105-cpj-keu-goi-viet-nam-tra-tu-do-cho-facebooker-ho-van-hai
Cách chức ông Vũ Huy Hoàng chỉ mang tính biểu tượng
Ban Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam vừa ra quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương, bằng cách cắt chức Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Công thương của ông. Việc ông Hoàng bị cách chức sau khi đã nghỉ hưu đặt ra nhiều câu hỏi. Một số người cho rằng “đánh chuột khi nó đã ra khỏi bình” thì chẳng còn ý nghĩa gì nữa.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà quan sát và vận động cho xã hội dân sự tại Việt Nam, nói với VOA:
“Tôi thấy người ta làm một cái trò vô cùng kỳ quặc. Một người không còn chức đấy, đã đi về hưu bao nhiêu tháng trời, gần cả năm rồi, mà bây giờ họ bảo là cách chức mà ông ta đã từng giữ. Tôi nghi là người ta muốn kỷ luật ông ấy ở mức cao hơn. Để về sau, khi mà nói đến ông ta, người ta không còn phải nhắc đến ông ấy nguyên là bí thư của một đảng bộ nào đấy. Bởi vì như thế nó ô danh cho đảng Cộng sản Việt Nam”.
Ông Vũ Huy Hoàng bị cáo buộc là thiếu gương mẫu, có biểu hiện vụ lợi trong việc phân bổ nhân sự khi còn tại chức. Cựu Bộ trưởng Bộ Công thương bị quy trách nhiệm về việc bổ nhiệm con trai ông, Vũ Quang Hải, vào Hội đồng quản trị Tổng công ty Rượu bia nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và hàng loạt quyết định bổ nhiệm tai tiếng khác, kể cả vụ ông Trịnh Xuân Thanh, một giới chức đang bị Việt Nam truy nã quốc tế.
Trả lời báo giới bên hành lang Quốc hội hôm 4/11, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Quốc Vượng cho biết sau khi bị cách chức về mặt đảng, ông Vũ Huy Hoàng cũng sẽ bị xử lý tương xứng về mặt chính quyền.
Dư luận đang theo dõi xem quyết tâm xử lý “không có vùng cấm” như trong trường hợp của ông Vũ Huy Hoàng sẽ đi đến đâu.
Theo Phó Giáo sư – Tiến sĩ Phạm Quý Thọ, một chuyên viên Chính sách công của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc cách chức cựu lãnh đạo của Bộ Công thương chỉ mang tính biểu tượng.
“Việc xử lý như thế này nó có tính chất biểu tượng nhiều hơn. Nghĩa là người ta cho rằng cần đánh giá lại nhiệm kỳ của ông ấy là từ năm 2011 – 2016, đánh giá lại tất cả những việc mà ông ấy làm là không xứng đáng với chức vụ đó. Việc cách chức chỉ có tính chất biểu trưng như thế, chứ nó cũng không còn ý nghĩa thực tế nữa”.
Tiến sĩ Phạm Quý Thọ nói quyết định cách chức ông Vũ Huy Hoàng là “chưa có tiền lệ” ở cấp cao như vậy. Nhiều trường hợp trước đây sau khi xử lý về mặt đảng thì vụ việc rơi vào im lặng. Nhưng riêng trường hợp ông Vũ Huy Hoàng, vì là quan chức cấp cao và có liên quan đến nhiều vụ việc được cho là nghiêm trọng khác, nên TS. Thọ cho rằng Việt Nam có thể sẽ có những cách xử lý khác tiếp theo sau khi kỷ luật về mặt đảng đối với ông Vũ Huy Hoàng.
http://www.voatiengviet.com/a/dang-cong-san-viet-nam-cach-chuc-mot-bo-truong-da-ve-huu/3581079.html
RSF: ‘Tự do báo chí là nền móng của nhân quyền’
Tổ chức Phóng viên Không Biên Giới (RSF) nói về lý do đưa Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào danh sách “kẻ thù của tự do truyền thông”.
RSF vào hôm 2/11 lập danh sách mà họ mô tả là “kẻ thù của tự do truyền thông” trên thế giới.
Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng, có tên trong danh sách 35 người bao gồm lãnh đạo một số nước, chính khách, lãnh tụ tôn giáo…
BBC đã phỏng vấn ông Benjamin Ismail, Trưởng Ban Châu Á Thái Bình Dương của RSF.
Benjamin Ismail: Chúng tôi lập danh sách 35 kẻ thù của tự do truyền thông và ông Nguyễn Phú Trọng nằm trong danh sách này. Giai đoạn ông Trọng làm tổng bí thư thì có nhiều bloggers bị ngồi tù.
Việc đưa cá nhân vào danh sách này là chiến thuật của các tổ chức dân sự và các tổ chức như của chúng tôi. Chúng tôi muốn điểm mặt chỉ tên và tạo áp lực với những cá nhân dính dáng vào việc trấn áp tự do báo chí.
Chúng tôi cũng từng nhắm tới cả ông Nguyễn Tấn Dũng. Nhưng trong nhiều năm chúng tôi tập trung vào người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đó là vì nhà nước thì bị chi phối bởi Đảng Cộng sản và Đảng thực hiện việc trấn áp báo chí để duy trì quyền lực. Mục đích của bước đi này là để qui trách nhiệm đối với các cá nhân bị nêu tên và chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế cũng như đặc biệt là LHQ tham gia.
BBC: Tự do báo chí nằm ở đâu trong các cuộc đối thoại nhân quyền giữa Việt Nam và các bên như Hoa Kỳ, EU…?
Trong những năm qua chúng tôi đã thông qua các nước phương Tây, EU có quan hệ gần gũi với Việt Nam tạo áp lực trực tiếp với nhà chức trách Việt Nam và yêu cầu trả tự do cho các bloggers, nhà báo mà họ bắt giữ.
Tự do báo chí là một phần trong các cuộc đối thoại song phương về nhân quyền giữa Việt Nam và một số nước và trớ trêu là dường như càng đối thoại nhiều thì lại có thêm nhà báo và bloggers bị bắt, bị đem ra xét xử và bị nhận án tù.
Tự do báo chí là một phần trong khá nhiều chủ đề trong đối thoại nhân quyền. Nhưng tự do báo chí là nền móng của nhân quyền. Vấn đề là để có được các cuộc đối thoại nhân quyền, tự do tôn giáo hay các chủ đề mà người ta cho là nhạy cảm thì nhà báo và các cơ quan truyền thông phải đưa những thông tin này ra để các bên muốn đối thoại với nhau có thể nắm được.
Do đó, tự do báo chí là việc tạo điều kiện để làm thước đo cho những hình thái tự do khác và quan trọng nhất trong trật tự có tính logic. Chúng ta nên nhớ là không chỉ các nhà báo, bloggers bị trấn áp mà người thân hay bè bạn của họ cũng bị sách nhiễu và thậm chí có sự tham gia của một số côn đồ được thuê để hành hung các nhà báo, bloggers và người nhà của họ.
Chính phủ Việt Nam và Đảng Cộng sản Việt Nam cần ngưng hành động này và nên hiểu rằng các bloggers và nhà báo không tạo ra sự đe dọa nào. Họ chỉ tăng cường nhu cầu bàn luận và trao đổi trong công chúng và hỗ trợ cho sự phát triển của đất nước và dùng các quyền cơ bản và chính đáng của họ.
BBC: Nếu ông có điều kiện gặp ông Nguyễn Phú Trọng thì ông sẽ nói gì với ông ấy?
Tôi sẽ đưa cho ông ấy danh sách những người mẹ, người cha, người con, mà đang bị coi là phạm vào những tội mà họ không hề vi phạm như các điều 88 hay 79 của Bộ luật Hình sự về tuyên truyền chống nhà nước hay lật đổ chính quyền cũng như lạm dụng quyền tự do dân chủ. Họ chỉ cung cấp thông tin cho các công dân khác về các chủ đề hết sức quan trọng và họ không nên bị ngồi tù vì việc làm đó.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-37878486
Phong trào ‘Việt Nam nói là làm’:
dân mạng đang ‘like’ điều gì?
Ben NgôBBC Tiếng Việt
Những lượt ‘like’ trên mạng xã hội cho thấy giới trẻ Việt Nam đang quan tâm, ủng hộ điều gì và nếu xem số lượng ‘like’ là thước đo thì liệu chúng ta có nên quan ngại?
Hiện đang có trào lưu “Việt Nam nói là làm” gây ra những vụ cười ra nước mắt.
Gần đây nhất, một thanh niên 21 tuổi, sống tại TP. Hồ Chí Minh, sở hữu trang cá nhân có gần nửa triệu người theo dõi, đăng tuyên bố sẽ nhảy từ tầng bốn tòa nhà Bitexco nếu có một triệu người bấm ‘like’. Vài hôm sau, có ba triệu người xem video và có hơn 300 ngàn lượt ‘like’. Người này, hồi tháng Chín cũng đã “đốt người” và nhảy cầu để thực hiện lời hứa khi bức ảnh của mình nhận được 40.000 lượt ‘like’.
Tháng Mười, truyền thông Việt Nam tường thuật vụ một bé gái 13 tuổi ở tỉnh Khánh Hòa đổ xăng đốt trường sau khi “đủ ngàn like” trên Facebook.
Cô bé, người phải nhập viện vì bỏng nặng, sau đó nói với báo Thanh Niên rằng khi đăng lên Facebook nội dung ‘đủ 1.000 like sẽ đốt trường’ chỉ là đùa vui. Đến khi đạt số ‘like’, cô bé rất sợ hãi và bỏ trốn, “nhưng người ta mua xăng, ép bé đốt trường nếu không sẽ bị đánh”.
Trả lời BBC từ Hà Nội, Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, nhà hoạt động xã hội và là tác giả chính luận, nói: “Có thể những bạn trẻ muốn thực hiện những vụ “Nói là làm” trên mạng xã hội là nhằm để gây chú ý và nhận được sự tán thưởng từ đám đông.”
Có thể là vì ‘like’ những điều không-liên-quan-đến-chính-trị thì an toàn cho bản thân họ và không có nguy cơ gặp rầy rà với chính quyền.
“Những bạn trẻ này không có lỗi và hành vi này có thể được lý giải là do họ không được phát triển tâm lý lành mạnh, cũng như thiếu một nền tảng nhân văn nên có khao khát làm những điều nổi loạn, táo bạo.”
“Tôi dự đoán sẽ còn có thêm những vụ tương tự trong thời gian tới một khi những người trẻ không nhận được sự quan tâm thích hợp từ phía gia đình, nhà trường và xã hội.”
‘An toàn’
Cũng có ý kiến cho rằng dường như cư dân mạng, phần lớn trong số đó là những người trẻ tuổi, chỉ thích nhấn ‘like’ cho những chủ đề ‘vô thưởng vô phạt’ hơn là những vấn đề mang tính chính sự như biểu tình đòi đóng cửa Formosa hay tính minh bạch của hoạt động cứu trợ lũ lụt miền Trung, hoặc quan chức tham nhũng…
Có thể là vì ‘like’ những điều không-liên-quan-đến-chính-trị thì an toàn cho bản thân họ và không có nguy cơ gặp rầy rà với chính quyền.
Thực tế, các post của giới nhà báo, nhà hoạt động ở Việt Nam bình luận về những vấn đề thời sự, chính trị nếu có được cỡ vài ngàn lượt ‘like’ thì xem như đã “được dân chúng quan tâm kinh khủng”.
Trong một diễn biến khác, một loạt website, trang thông tin điện tử tại Việt Nam vừa bị cơ quan chức năng phạt hàng chục triệu đồng mỗi trường hợp vì để lọt những comment ‘không thích hợp’ hoặc ‘đi ngược đường lối chủ trương của Đảng’ trên trang của họ.
Bắt ‘bác sĩ Hồ Hải’ để dập tắt tiếng nói phản biện?
Nhiều báo tại Việt Nam hiện cũng đã khóa comment trên fanpage và chỉ cho phép người đọc nhấn ‘like’ chứ không được có ý kiến gì.
Có thể bằng cách này, chính quyền muốn kiểm soát suy nghĩ của cộng đồng mạng và đưa thông tin “đi đúng hướng” mà họ muốn.
Trong hàng ngàn lượt comment bên dưới post tuyên bố sẽ nhảy từ tầng bốn tòa nhà Bitexco của facebooker nêu trên , có một bình luận: “Tao like cho mày chết!”. Còn trong đoạn video đốt trường thì các bạn trẻ đi kèm luôn giục “đốt đi, đốt đi…”.
Phải chăng các luợt “like’, bình luận, cổ vũ ấy cho thấy sự vô cảm và thiếu nhân tính trong xã hội đã không còn giới hạn? Và nếu đã không còn giới hạn thì chúng ta sẽ mong chờ điều gì ở thế hệ trẻ hiện nay?
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-37873027
‘Sầu nữ’ Út Bạch Lan qua đời
Nghệ sĩ Út Bạch Lan, một trong những tên tuổi nổi bật nhất của cải lương miền Nam, qua đời tại nhà riêng ở TP. Hồ Chí Minh, sau một thời gian chống chọi với bệnh ung thư.
Người được mệnh danh là ‘sầu nữ’ và là một trong những “cây đại thụ của cải lương Việt Nam” hưởng thọ 81 tuổi.
Tên thật của bà là Đặng Thị Hai, sinh ra tại tỉnh Long An.
Giữa thập niên 1950, Út Bạch Lan được báo chí Sài Gòn và giới mộ điệu cải lương biết đến qua vở dã sử Đồ Bàn Di Hận trên sân khấu Thanh Minh.
Hơn 60 năm gắn bó cùng sân khấu, tên tuổi của bà gắn liền với những vở: Nửa Đời Hương Phấn, Chưa Tắt Lửa Lòng, Bên Đồi Trăng Cũ…’.
Những năm cuối đời, bà ăn chay trường, thường tham gia những chuyến đi hát và trao quà từ thiện cho người nghèo tại những vùng hẻo lánh.
Tin cho hay, ngày 24/10, dù đang đau ốm, bà vẫn lên sàn tập vở ‘Mẹ ngồi sàng gạo’ để diễn quyên tiền trao học bổng cho con em nghệ sĩ nghèo.
‘Không màng danh hiệu’
Hôm 5/11, trả lời BBC từ TP. Hồ Chí Minh, nghệ sĩ Kim Tử Long nói: “Trong giới cải lương từ độ tuổi của tôi trở xuống đều gọi nghệ sĩ Út Bạch Lan là má Út và xem bà là tấm gương về nghề nghiệp và nhân cách sống.”
“Bà qua đời là mất mát lớn cho sân khấu cải lương vì theo tôi, không diễn viên nào qua được bà khi thể hiện vai người mẹ nhân hậu.”
“Điều tôi quý nhất ở má Út là sự hiền hậu, sống cuộc đời đơn giản, không màng danh hiệu và những hào nhoáng của sự nổi tiếng.”
“Dù được được chính quyền đề nghị nộp đơn xin danh hiệu ‘nghệ sĩ nhân dân’ nhưng bà khước từ và nói rằng chỉ muốn mãi làm ‘sầu nữ’ trong lòng khán giả mộ điệu.”
Trên website Sân Khấu Cải Lương có một bài viết kể chuyện nghệ sĩ Út Bạch Lan nuôi bốn đứa con rơi của chồng, nghệ sĩ Thành Được.
Bài báo dẫn lời bà: “Phần hậu vận, tôi có đóng góp ở chùa, nên mai sau chết đi, việc tang chế cũng chẳng lo lắng gì. Tôi có dặn các con, khi má chết nhớ đem thiêu rồi mời thầy, thuê ghe ra sông rắc tro và tuyệt đối không được làm đám giỗ cho tốn kém. Mỗi ngày khi ăn cơm, nếu nhớ má thì để chén đũa riêng ra, mời má về ăn cơm cùng tụi con, thế là má vui lắm rồi”