Tin Việt Nam – 05/06/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 05/06/2018

Bộ trưởng TNMT: ‘Yên tâm’ ‘yên tâm’ và ‘yên tâm’

Trả lời chất vấn trong phiên họp Quốc Hội ngày 5/6, Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường (TNMT) Trần Hồng Hà nói đại biểu ‘yên tâm’ trước nhiều vấn đề mấu chốt liên quan đến môi trường.

Trong buổi sáng ngày 5/6, 66 đại biểu đã đăng ký để chất vấn Bộ trưởng TNMT Trần Hồng Hà. Các câu hỏi xoay quanh việc người nước ngoài mua đất, Formosa, nguy cơ ô nhiễm phóng xạ từ nhà máy hạt nhân của Trung Quốc gần biên giới Việt Nam, v.v…

Bộ trưởng Hà trả lời hàng loạt chất vấn khác nhau của các đại biểu với hai chữ ‘yên tâm’.

‘Yên tâm’ về Formosa

Đại biểu Hoàng Văn Thưởng chất vấn về việc bảo đảm hoạt động của nhà máy Formosa.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời rằng ‘đại biểu yên tâm’ vì đến nay, Formosa đã đi vào vận hành và thay đổi hoàn toàn phương pháp quản lý.

Formosa: Đã đền bù thỏa đáng?

Thấy gì sau hai năm thảm họa Formosa ở VN’?

Ông Hà nói đã yêu cầu đầu tư công nghệ sản xuất, bổ sung về công nghệ xử lý môi trường với công suất lớn hơn rất nhiều; đã ứng dụng công nghệ giám sát, kiểm soát môi trường trực tuyến.

Ngoài ra có ba bước để đề phòng sự cố: Sự cố ngay tại nơi sản xuất, sự cố trong nhà máy và sự cố ngoài phạm vi nhà máy. Ngay hồ sinh học thì hoàn toàn có thể tái sử dụng nước.

Với cách làm như vậy, từ khâu xem xét đánh giá công nghệ đến giám sát, kiểm tra chặt chẽ thì không có ngành nghề nào xảy ra sự cố nếu chúng ta làm tốt, ông Hà khẳng định.

‘Yên tâm’ về nhà máy điện hạt nhân TQ

Đại biểu Phạm Tất Thắng đặt câu hỏi: “Hiện nay Trung Quốc đang vận hành ba nhà máy điện hạt nhân, đặt khá gần Việt Nam từ 50 đến 200 km, nguy cơ gây ô nhiễm phóng xạ đối với Việt Nam là rất lớn. Đề nghị bộ trưởng cho biết giải pháp phòng ngừa, ứng phó như thế nào?”.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói “vấn đề này chúng tôi đã biết rất rõ”.

Ông Hà cho hay chính phủ đã giao Bộ Khoa học Công nghệ (KHCN) xây dựng các trạm để theo dõi. “Bộ KHCN đã làm việc với các cơ quan hạt nhân quốc tế để thường xuyên có những đoàn thanh tra quốc tế kiểm soát các quy chuẩn an toàn hoạt động tại đây”, ông Hà nói.

Bộ trưởng TNMT nói rằng ngay thời điểm các nhà máy trên đi vào hoạt động, một số chuyên gia cho rằng người dân không nên hoang mang vì tiêu chuẩn lan toàn luôn đặt lên hàng đầu. “Tuy nhiên cũng cần chuẩn bị kỹ các phương án phòng ngừa sự cố.”

Ông Hà thêm rằng mới đây Hà Nội đã đưa ra kế hoạch rất cụ thể về việc phòng tránh ô nhiễm hạt nhân nếu nguy cơ xảy ra. Trong đó, Hà Nội dự báo một trong 10 rủi ro có thể trở thành thảm hoạ là rò rỉ phóng xạ.

Theo đó, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội được giao chủ trì xây dựng kịch bản chi tiết khi có thảm họa rò rỉ chất phóng xạ và tham mưu cho thành phố liên quan đến các giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ để phòng, chống và giảm nhẹ thảm họa.

“Vấn đề các nhà máy điện hạt nhân không chỉ chúng ta mà tổ chức kiểm soát hạt nhân quốc tế cũng có nhiệm vụ giám sát. Với công nghệ hiện đại, chúng ta phối hợp với quốc tế tốt để kiểm soát tốt, Việt Nam hoàn toàn có thể yên tâm”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

‘Yên tâm’ về hai nhà máy alumin

Liên quan đến hai nhà máy alumin Nhân Cơ và Tân Rai, đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) nêu vấn đề rằng chỉ qua một thời gian vận hành đã phát sinh hàng loạt sự cố như vỡ hồ chứa bùn thải, hiệu quả kinh tế không như đặt ra.

Bộ trưởng Hà cho hay đã đích thân đi kiểm ra dự án ở Nhân Cơ (Đắk Nông). “Sự cố rò rỉ chỉ xảy ra nội bộ, quy mô nhỏ chứ không phải thảm hoạ gây ảnh hưởng lớn”, ông Hà nói.

Ông Hà cũng nói đang chỉ đạo và cho và cho giám sát thường xuyên tại các nhà máy này:

“Riêng hồ lắng bùn đỏ thì đang được làm theo ba nấc hồ, việc lựa chọn và thiết kế độ bền của bạt đáy hồ cũng như hệ thống bao quanh hồ đã được cơ quan chức năng thẩm định”.

“Tuy nhiên vấn đề môi trường thì tôi cũng thống nhất là cần giám sát, kể cả trách nhiệm giám sát của Tập đoàn Than Khoáng Sản VN. Vì thế về cơ bản là chúng ta có thể yên tâm được”, ông Hà nói.

‘Không có chuyện người nước ngoài mua đất’

Ngoài ra, trước lo ngại của các đại biểu Quốc hội về việc người nước ngoài sẽ lấy đất tại đặc khu rồi bao chiếm như ở dọc bờ biển miền Trung, bộ trưởng Hà nói theo luật hiện nay, người nước ngoài không có quyền mua đất ở Việt Nam, mà chỉ được quyền mua căn hộ.

“Tôi nhờ các đại biểu cung cấp thông tin cho tôi biết là nếu có tình trạng đó thì mua ở đâu?”, bộ trưởng Hà nói.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44365562

 

Nhóm ‘đánh bom Tân Sơn Nhất’ không được giảm án

Tòa phúc thẩm ở Việt Nam, sau hai ngày xét xử, hôm 5/6 giữ y án sơ thẩm với nhóm người bị cáo buộc tội âm mưu đánh bom sân bay Tân Sơn Nhất.

Ông Đặng Hoàng Thiện (24 tuổi), ông Nguyễn Đức Sinh (32 tuổi) cùng 13 đồng phạm hồi tháng 12/2017 bị đưa ra tòa sơ thẩm xét xử với tội danh “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”, bà Lê Thị Thu Phương (21 tuổi, bạn gái ông Thiện) bị truy tố tội “Không tố giác tội phạm.”

VN: Xử 15 người bị cáo buộc ‘khủng bố Tân Sơn Nhất’

Y án sơ thẩm cho bốn thành viên Hội Anh Em Dân Chủ

Linh mục Thục ‘không được xuất cảnh’

Công dân VN từ Ba Lan bị cấm vào Tân Sơn Nhất

Theo phán quyết của tòa sơ thẩm, ông Thiện bị mức án 16 năm tù.

Những người khác bị án từ 18 tháng tù treo cho đến 14 năm tù giam

Nhóm đã “cài bom xăng tại bãi đậu xe và tại sảnh tới của Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất” hồi tháng Tư năm ngoái, theo tuyên bố của Bộ Công an ra hồi tháng Giêng.

Truyền thông trong nước nói công tác an ninh tại tòa được thắt chặt trong hai ngày xét xử, với sự hiện diện của lực lượng cảnh sát cơ động có trang bị súng tiểu liên, và lực lượng cảnh sát mang theo súng, dùi cui điện ở khu vực quanh tòa.

Khu vực phòng xử án được cách ly và những người đi vào trong phòng xử bị kiểm tra an ninh nghiêm ngặt.

14 bị cáo có đơn kháng cáo,.

Các bị cáo kêu oan, thừa nhận có hành vi phạm tội nhưng không phải là tội danh và trong khung hình phạt như án sơ thẩm đã tuyên, và muốn giảm nhẹ hình phạt.

Trong phiên xử phúc thẩm, Tòa Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh bác toàn bộ các nội dung kháng cáo và giữ nguyên phán quyết của tòa sơ thẩm.

Tòa nói rằng nhóm này đã nhận tiền từ một tổ chức có tên là ‘Chính phủ Quốc gia Việt Nam Lâm thời’ đặt tại California do hai công dân Mỹ là Đào Minh Quân và Lisa Phạm đứng đầu, nhằm mua vũ khí, chế bom xăng, tiến hành các hoạt động khủng bố và xúi giục bạo loạn, biểu tình chống chính quyền.

Hồi cuối tháng Giêng, Bộ Công an liệt tổ chức này vào dạng tổ chức khủng bố, và tuyên bố “người nào có hành vi tham gia, tuyên truyền, lôi kéo, xúi giục người khác tham gia, tài trợ, nhận tài trợ” từ của nhóm này, hoặc “tham gia các khóa đào tạo, huấn luyện” do nhóm tổ chức, hoặc “hoạt động theo chỉ đạo” của nhóm, đều bị coi là phạm tội “khủng bố” hoặc “tài trợ khủng bố”, và do đó “sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam”.

Các bị cáo đã bị xử sơ thẩm và tuyên án chừng một tháng trước khi Bộ Công an ra thông cáo.

Bên cạnh việc xét xử các bị cáo, giới chức cũng nhắm tới Đào Minh Quân và bà Lisa Phạm.

Hai người này hiện “đang ở nước ngoài nên cơ quan chức năng bắt được sẽ xử lý sau”, trang tin VnExpress nói hôm 6/5.

Có tổng số bảy người gốc Việt bị coi là ‘cầm đầu tổ chức khủng bố’ này, gồm sáu công dân Mỹ và một công dân Canada, theo thông báo của Bộ Công an.

Hồi tháng Giêng, một phát ngôn viên của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội nói Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ không coi nhóm của ông Đào Minh Quân là tổ chức khủng bố.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44371501

 

Vụ BS Hoàng Công Lương: Tòa trả hồ sơ, điều tra lại

Hội đồng xét xử sơ thẩm trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung vụ án liên quan bác sĩ Hoàng Công Lương.

Ý kiến về vụ BS Hoàng Công Lương

Ý kiến về vụ BS Hoàng Công Lương

Diễn biến bất ngờ xảy ra chiều 5/6, với việc TAND TP Hòa Bình từ chối tuyên án vụ án “Vô ý làm chết người” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” liên quan đến sự cố y khoa làm 9 người chết.

Thay vào đó, tòa trả lại hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung để làm rõ các vấn đề liên quan, tình tiết mới trong vụ án.

Bị cáo, bác sỹ Hoàng Công Lương nói sau phiên tòa 5/6: “Sau khi Tòa tuyên trả hồ sơ, tôi có 2 điều muốn phát biểu. Thứ nhất, HĐXX chưa đủ tự tin để tuyên tôi vô tội, TAND xét xử công tâm, khách quan chưa đủ căn cứ buộc tội. Việc trả hồ sơ là điều đáng mừng không chỉ riêng tôi mà với cả người nhà bệnh nhân”.

Theo báo Tuổi Trẻ, Hội đồng xét xử kiến nghị cơ quan điều tra xem xét khởi tố đối với ông Hoàng Đình Khiếu – phó giám đốc bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, thời điểm xảy ra sự cố là trưởng khoa Hồi sức tích cực và ông Trần Văn Thắng – trưởng phòng Vật tư thiết bị.

Theo hội đồng, hai người này cần bị khởi tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Hội đồng xét xử cũng kiến nghị cơ quan điều tra làm rõ trách nhiệm của nguyên giám đốc Bệnh viên đa khoa Hòa Bình Trương Quý Dương và giám đốc công ty Thiên Sơn trong việc ký hợp đồng mua bán cũng như sửa chữa, báo dưỡng máy móc chạy thận tại khoa Hồi sức tích cực, bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Diễn biến vụ án

Sự cố y khoa xảy ra sáng 29/5/2017 tại tại Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình khiến nhiều bệnh nhân tử vong.

Cơ quan điều tra nói có tồn dư hóa chất khử khuẩn trong hệ thống nước RO.

Ngày 22/2/2018, có quyết định truy tố bị can Bùi Mạnh Quốc về tội “vô ý làm chết người “, Trần Văn Sơn và Hoàng Công Lương về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Phiên tòa sơ thẩm diễn ra từ 15/5.

Ngày 23/5, Viện Kiểm sát đề nghị đề nghị mức án 30 – 36 tháng cho ông Hoàng Công Lương nhưng cho hưởng án treo.

Viện kiểm sát đề nghị 4-5 năm tù cho ông Trần Văn Sơn, và 5-6 năm tù cho ông Bùi Mạnh Quốc.

Chiều 5/6, tòa trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44370571

 

Tù nhân Trần Thị Nga được phép gọi điện về nhà

Tù nhân lương tâm Trần Thị Nga vào ngày 5 tháng 6 được phép gọi điện về nhà sau nhiều tháng không được Trại giam Gia Trung ở tỉnh Gia Lai cho hưởng tiêu chuẩn này.

Ông Phan Văn Phong, người phối ngẫu của bà Trần Thị Nga, và là cha của hai con trai của bà Nga, vào lúc 8:30 tối ngày 5 tháng 6 cho Đài Á Châu Tự Do biết:

Cô ấy gọi về chừng 5 phút. Trước hết cô ấy trách tôi việc gửi giấy vào khuyên cô ta ‘dù không phạm tội nhưng đang bị giam nên cũng mặc áo tù để được gặp con’; cô ta bảo không được khuyên như thế.

Sau đó cô hỏi thăm gia đình hai bên; rồi nói chuyện với các cháu.”

Đây là lần đầu tiên bà Trần Thị Nga được gọi điện về cho gia đình kể từ khi bị tuyên án 9 năm tù giam rồi bị chuyển đến trại xa nhà ở Gia Trung, tỉnh Gia Lai.

Ông Phan Văn Phong cũng cho biết vào ngày 12 tháng 6 tới đây, ông cùng hai con nhỏ sẽ đến Trại Gia Trung thăm bà Trần Thị Nga và hy vọng lần đi thăm tới đây sẽ được gặp thân nhân.

Bà Trần Thị Nga sinh năm 1977 và cư ngụ tại phường Hai Bà Trưng, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Bà là nhà hoạt động vì quyền lợi công nhân cũng như lên tiếng cho các vấn đề dân chủ nhân quyền tại Việt Nam. Bà bị bắt vào tháng giêng năm 2017 và bị tuyên án 9 năm tù giam và 5 năm quản chế trong phiên xử vào ngày 25 tháng 7 năm 2017. Phiên phúc thẩm vào ngày 22 tháng 12 cùng năm y án sơ thẩm. Cáo buộc tòa đưa ra là nhà hoạt động Trần Thị Nga ‘tuyên truyền chống nhà nước’ theo điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/political-prisoner-tran-thi-nga-allowed-to-phone-home-06052018103732.html

 

VN tham gia quỹ khu vực sông Mekong

để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc

Thái Lan sẽ chủ trì việc thành lập một quỹ khu vực Mekong với các nước láng giềng Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam để hỗ trợ các dự án xây dựng hạ tầng và phát triển, giúp giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn vốn đầu tư của Trung Quốc.

Tờ Nikkei của Nhật ngày 4 tháng 6 cho biết Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha sẽ đưa ra đề xuất này cho các lãnh đạo năm nước lưu vực sông Mekong tại hội nghị cấp cao lần thứ 8 về Chiến lược hợp tác kinh tế khu vực Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS) diễn ra tại Thái Lan vào ngày 16 tháng 6 tới đây.

Nikkei cũng dẫn lời ông Arthayudh Srisamoot, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết quỹ khu vực Mekong sẽ đi vào hoạt động vào năm 2019 và Thái Lan sẽ đóng góp một khoản tiền ban đầu lớn cho quỹ này, có thể là hàng triệu đô la. Các tổ chức tài chính và các quốc gia không thuộc khung hợp tác ACMECS cũng có thể đóng góp cho quỹ.

Hiện tại các thông tin cụ thể của quỹ này vẫn chưa được thảo luận, nhưng dự kiến các nước thành viên của quỹ này sẽ nắm quyền kiểm soát bằng cách thành lập một ủy ban quản lý chung.

Hiện tại, các nước trong khu vực vẫn chủ yếu vay vốn qua các thỏa thuận song phương với các bên ngoài khu vực như các ngân hàng, tổ chức tài chính.

Nhật Bản và các nước phương Tây trước kia là những nhà đầu tư chính trong khu vực, nhưng Trung Quốc gần đây đã gia tăng sự hiện diện trong việc cung cấp vốn đầu tư cho các dự án hạ tầng cơ sở qua sáng kiến Vành Đai Con Đường của nước này. Bắc Kinh đã hứa sẽ cung cấp khoảng 1 tỷ rưỡi đô la vốn vay ưu đãi cho 5 nước thuộc khu vực sông Mekong.

Tuy nhiên, theo Nikkei, sự phụ thuộc vào nguồn vốn đầu tư của Trung Quốc thường phải trả giá đắt. Chẳng hạn, để được Hoa Lục đầu tư thủy điện, đường cao tốc và đường sắt, Lào phải chấp nhận nhượng quyền sử dụng đất đai và các quyền phát triển khác cho Bắc Kinh.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/thailand-to-launch-mekong-regional-fund-to-reduce-china-dependence-06052018095139.html

 

Tù chính trị Vương Văn Thả

bị kỷ luật trong trại giam

Tù chính trị Vương Văn Thả bị kỷ luật trong trại giam. Con gái ông Thả là chị Thảo cho RFA biết vào tối 5/6/2018:

Hơn 6 tháng nay gia đình em không được gặp mặt Tía. Mấy tháng trước gia đình có hỏi vì sao không được gặp mặt thì họ trả lời là Tía em bị kỷ luật, bị biệt giam rồi cắt luôn không cho gia đình thăm nuôi, gặp mặt, không cho gửi đồ ăn luôn. Rồi thời gian sau này, cách đây khoảng hai tháng mẹ em hỏi đi thăm nuôi thì họ nói giải quyết cho gia đình thăm gặp nhưng Tía em không chịu ra. Tía em nói ông được mặc đồ bà ba thì ông mới ra còn mặc áo tù thì ông không ra.

Chị Thảo nói thêm rằng gia đình chỉ được nghe một phía là công an nói chứ gia đình không được liên lạc với ông Thả. Tháng nào gia đình ông Thả cũng lên thăm nhưng không được gặp, hai tháng nay thì được gửi đồ ăn.

Ông Vương Văn Thả là một cư sĩ Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy, giáo phái không theo Ban Trị Sự do Hà Nội dựng lên. Ông bị  Tòa án Nhân dân tỉnh An Giang tuyên án 12 năm tù vào sáng ngày 23/1/2018 với cáo buộc Tuyên truyền chống Nhà nước theo Điều 88 Bộ luật Hình sự Việt Nam.

Ông Thả từng bị kết án 3 năm tù hồi năm 2012 với cáo buộc “Lợi dụng tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích của tổ chức, công dân”, theo Điều 258 Bộ luật Hình sự Việt Nam, và mãn án vào hồi đầu tháng 10 năm 2015.

Vào dịp Tết Nguyên Đán năm Đinh Dậu, ông Vương Văn Thả bắt đầu lên tiếng trên mạng xã hội về hoàn cảnh và chính kiến của ông đối với chế độ Cộng sản tại Việt Nam. Cả gia đình ông gồm 9 người bị lực lượng công an, cảnh sát cơ động…bao vây cô lập trong thời gian gần 2 tháng, cho đến ngày 18 tháng 5 năm 2017, ông Vương Văn Thả cùng người con trai và hai người cháu song sinh bị bắt.

Con trai ông Thả là Vương Thanh Thuận, sinh năm 1990, cùng hai người cháu song sinh Nguyễn Nhật Trường, Nguyễn Văn Thượng, sinh năm 1985, cũng bị ra tòa vào ngày 23 tháng giêng vừa qua.

Anh Vương Thanh Thuận bị tòa tuyên 7 năm tù và hai anh Nguyễn Nhật Trường, Nguyễn Văn Thượng, mỗi người bị tuyên án 6 năm tù.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/authentic-hoa-hao-buddhist-prisoners-punished-in-jail-06052018092104.html

 

Vinaphone hợp tác với công ty Đức

trong công nghệ an ninh mạng

Công ty dịch vụ viễn thông Vinaphone của Việt Nam vừa hợp tác với công ty chuyên về an ninh mạng Secucloud của Đức để cung cấp cho khách hàng dịch vụ mới bảo vệ an ninh mạng trên điện thoại di động. Trang tin Security Brief Asia loan tin này hôm 5/6.

Theo Security Brief Asia, hợp tác giữa hai công ty đã hoàn tất vào tháng 5 và hiện VinaPhone đã bắt đầu cung cấp dịch vụ mới qua phương thức tính giá dựa trên thuê bao thứ cấp.

Các khách hàng của VinaPhone sẽ được sử dụng dịch vụ mới của Secucloud hoàn toàn miễn phí trong vòng 4 tuần để thử tính năng dịch vụ. Sau giai đoạn thử, khách hàng có thể bổ sung dịch vụ này vào hợp đồng hiện tại bằng cách đặt mua qua nhắn tin hoặc vào trang mạng.

Dịch vụ an ninh mới dựa theo dịch vụ Advanced Security Suite của Secucloud và đã được thay đổi một chút để phù hợp với cơ sở của VinaPhone. Dịch vụ mới giúp chặn những mối nguy gồm viruts, Trojans và các malware khác bằng cách phát hiện chúng sớm và loại bỏ chúng trước khi chúng đến được máy điện thoại của người dùng.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-based-telco-adapts-german-cybersecurity-tech-for-customers-06052018091453.html

 

Việt Nam tăng cường hợp tác quốc phòng với Canada

Bộ trưởng Quốc phòng Canada Harjit Singh Sajjan thăm chính thức Việt Nam từ ngày 4 đến ngày 6 tháng 6 năm 2018.

Tin cho biết chuyến thăm Việt Nam lần này của Bộ trưởng Quốc phòng Canada theo lời mời của Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc Việt Nam.

Hai vị Bộ trưởng quốc phòng Canada và Việt Nam đã có buổi gặp gỡ tại Trụ sở Bộ Quốc phòng Việt Nam ở Hà Nội vào chiều ngày 5 tháng 6.

Theo báo chí trong nước, chuyến thăm Việt Nam của ông Harjit Singh Sajjan có ý nghĩa quan trọng, góp phần tăng cường quan hệ giữa hai nước, thúc đẩy quan hệ quốc phòng, phù hợp với khuôn khổ quan hệ Đối tác toàn diện vừa được thiết lập giữa hai quốc gia.

Việt Nam và Canada sẽ kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao: 21/8/1973-21/8/2018.

Trước đó, vào ngày 4 tháng 6, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Canada Harjit Singh Sahan tại Trụ sở Bộ Ngoại giao.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác với Canada.

Bộ trưởng Quốc phòng Canada Harjit Singh Sahan cũng bày tỏ ấn tượng về sự phát triển của Việt Nami, đánh giá cao chính sách đối ngoại và vị thế ngày càng tăng của Việt Nam trên trường quốc tế.

Ông Harjit Singh Sahan khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng của Canada.

Cũng tin liên quan, thủ tướng chính phủ Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Phúc từ ngày 8 đến ngày 10 tháng 6 này sẽ có chuyến công du đến Canada để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng và thăm nước này.

Vào ngày 4 tháng 6, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch cũng hội đàm cùng gặp gỡ Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Young-moo đến thăm Việt Nam.

Trong buổi hội đàm với Bộ trưởng Song, ông Ngô Xuân Lịch cho biết chuyến thăm sẽ tạo thuận lợi cho việc thực hiện có hiệu quả Tuyên bố Tầm nhìn chung về Hợp tác Quốc phòng đến năm 2030 đã ký kết vào tháng 4 năm 2018 giữa hai Bộ Quốc phòng Việt Nam và Hàn Quốc.

Ông Lịch cũng bày tỏ sự ủng hộ cho sự phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên và khẳng định tầm quan trọng của Việt Nam gắn liền với mối quan hệ ổn định và lâu dài với Hàn Quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc cũng cho biết, Hàn Quốc đánh giá cao vị trí và vai trò trung tâm của Việt Nam trong ASEAN cũng như khu vực Đông Nam Á.

Kết thúc buổi hội đàm, hai vị bộ trưởng quốc phòng đã cùng chứng kiến việc ký biên bản ghi nhớ về hỗ trợ hậu cần trong sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, các hoạt động chống thiên tai, nhân đạo và hỗ trợ giữa hai bộ quốc phòng.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/canada-defense-minister-to-visit-vietnam-06052018082138.html

 

Ông Tất Thành Cang bị đề nghị kỷ luật

Ông Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) vừa bị Ban thường vụ Thành ủy thành phố này đề nghị kỷ luật vì có quyết định không đúng thẩm quyền liên quan việc bán khu đất hơn 320.000 m2 huyện Nhà Bè cho công ty Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai.

Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM cho rằng ông Cang đã quyết định không đúng thẩm quyền; vi phạm các quy định của nhà nước về quản lý tài sản, đầu tư trong các doanh nghiệp nhà nước, về kinh doanh bất động sản; không bảo đảm quy trình, nguyên tắc xử lý công việc của Đảng bộ thành phố và thiếu kiểm tra trong triển khai thực hiện các quyết định của mình.

Ủy ban kiểm tra Thành ủy cho biết cũng đang tập hợp hồ sơ gửi Ủy ban kiểm tra Trung ương để xem xét xử lý theo quy định của Đảng.

Xin nhắc lại ngày 5 tháng 6 năm ngoái, ông Cang cho phép Công ty Tân Thuận chuyển nhượng hơn 320.000 m2 đất tại dự án Khu dân cư Phước Kiển (huyện Nhà Bè) cho Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai. Đây là khu đất được nói có vị trí đẹp nhưng giá bán lại rẻ, chỉ có 1,29 triệu đồng/m2, thu về 419 tỷ đồng cho ngân sách. Trong khi đó khu đất này được ước tính có giá khoảng hơn 2.000 tỷ đồng.

Sau đó, Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM đã đánh giá lại khu đất  và cho biết giá trị là hơn 574 tỷ đồng, tức Công ty Tân Thuận đã gây thất thoát 150 tỷ đồng.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/hcm-official-proposed-for-disciplines-due-to-and-misconduct-06042018141607.html

 

Đặc khu kinh tế và 99 năm:

Bài toán cũ và lỗi thời

Cát Linh, RFA

Ngày 15-6 sắp đến, Quốc hội sẽ hoàn tất quá trình thảo luận và quyết định việc thông qua Dự thảo Luật Đặc khu kinh tế đối với Vân Đồn – Bắc Vân Phong và Phú Quốc.

Hàng triệu triệu người Việt Nam đang nỗ lực lên tiếng phản đối về dự án cho nước ngoài thuê đất làm đặc khu kéo dài 99 năm.

Phần 1: Đâu là những giá trị kinh tế cốt lõi của đặc khu kinh tế và những ‘nguy cơ’ nếu thực hiện điều này ở Việt Nam.

Mô hình không mới

Thuật ngữ “Đặc khu kinh tế” được nhắc đến rất nhiều những ngày qua vốn dĩ không phải ý tưởng mới với Việt Nam, và càng không xa lạ với thế giới.

Có một cách lý giải đơn giản nhất để hiểu về Đặc khu kinh tế (Special Economic Zone – SEZ), hay còn gọi là khu kinh tế tự do, là các khu kinh tế được thành lập trong một quốc gia nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước bằng các biện pháp khuyến khích đặc biệt.

Ông Lê Hưng Quốc, Nguyên Phó giám đốc Sở Ngoại vụ TPHCM chia sẻ cùng RFA về lịch sử của mô hình này.

“Cái mô hình kinh tế này thế giới người ta đã làm và có thành công có thất bại. Thành công ở Thẩm Quyến, rồi Thượng Hải. Thế nhưng, nhìn ở phía thứ hai, như Ấn Độ chẳng hạn. Ấn Độ hồi năm 60, 70 làm đặc khu như thế thì lại thất bại. Thành thử ra Việt Nam mình cũng muốn tìm mô hình nào đó để thúc đẩy phát triển kinh tế thì hoàn toàn chính đáng. Bây giờ 90 triệu dân mà không tìm ra bước đột phá thì rất nguy.”

Nói đến sự phát triển của Trung Quốc, người ta hay nhắc đến Thâm Quyến, hay Thượng Hải. Trong một tài liệu do Cộng đồng tri thức và Giáo dục nghiên cứu cho biết, vào năm 1978, khi Trung Quốc thực hiện chính sách kinh tế “mở cửa”, Thâm Quyến chỉ là một làng chài nghèo nàn, bên cạnh Hồng Kong lúc đó là thuộc địa của Anh quốc, giàu sang hoa lệ hàng đầu châu Á. Sau 30 năm khi Thâm Quyến được phát triển thành SEZ, ngôi làng này trở thành một trong những trung tâm kinh tế hàng đầu Trung Quốc, với dân số gần 13 triệu người và GDP hàng năm lên đến gần 300 tỷ USD.

Quốc hội khoá 14 năm 2017 từng đã thảo luận Dự luật Đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt với 104 điều khoản. Nếu được thông qua, văn bản này sẽ là cơ sở pháp lý cho việc hình thành SEZ ở Phú Quốc (Kiên Giang), Vân Phong (Khánh Hoà), và Vân Đồn (Quảng Ninh).

Thời trước những ông như Võ Văn Kiệt cũng đã nghĩ đến chuyện lập đặc khu. Ở Trung Quốc như Thâm Quyến người ta cũng lập đặc khu và đã đạt được mục đích nào đấy. Việt Nam cũng đã thử lập đặc khu đấy chứ, ví dụ như Đặc khu Bà Rịa – Vũng Tàu. Xong rồi cũng không điều khiển gì được, rồi cũng tan. – GS Nguyễn Đình Cống

Chi tiết này được Giáo sư Nguyễn Đình Cống khẳng định là “Đúng” và nhấn mạnh ngay rằng “Cách đây ba bốn chục năm, việc đặc khu là việc hay.”

“Thời trước những ông như Võ Văn Kiệt cũng đã nghĩ đến chuyện lập đặc khu. Ở Trung Quốc như Thâm Quyến người ta cũng lập đặc khu và đã đạt được mục đích nào đấy. Việt Nam cũng đã thử lập đặc khu đấy chứ, ví dụ như Đặc khu Bà Rịa – Vũng Tàu. Xong rồi cũng không điều khiển gì được, rồi cũng tan.”

Ngay cả việc lựa chọn Vân Đồn – Bắc Vân Phong và Phú Quốc làm đặc khu kinh tế, Giáo sư Nguyễn Đình Cống cũng khẳng định không phải là ý kiến mới xảy ra vài tháng nay.

“Nó từ lâu rồi. Những điều thảo luận chỗ ấy là Thường vụ Quốc hội đã thảo luận từ năm 2017. Và năm 2016 người ta đã đề xuất. Như thế là người ta đã chọn 3 nơi ấy.”

99 năm: Không còn mang lại lợi ích

Một vấn đề cũng quan trọng không kém, nhận được sự phản đối rất lớn từ cộng đồng, đó là thời gian cho thuê đất 99 năm.

Giải thích về con số này, Giáo sư Nguyễn Đình Cống cho biết nó có điểm xuất phát từ Trung Quốc cổ.

“Con số 99 năm là 1 con số có trong lịch sử, nhà Mãn Thanh cho nước Anh thuê Hồng Kong 99 năm. Và người ta cũng kiêng con số 100. Sau này có nhiều nước học theo. Đấy là chuyện xưa cách đây hàng trăm năm, lúc mà công nghệ phát triển chậm, đầu tư lao động, tài chính là chủ yếu. bây giờ với giai đoạn cách mạng 4.0 không cần phải yêu cầu có thuê đất dài như thế. Tôi cho là không cần.”

Một thời gian dài 99 năm, có thể tương ứng với 3 thế hệ trong gia đình. Do đó, lợi ích kinh tế, xã hội, văn hoá có được trong thời gian đó là vấn đề không nhỏ. Đây là nội dung được tranh luận khá nhiều trong các phiên họp Đại biểu Quốc hội vừa qua. Ông Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tich Quốc hội nêu ý kiến “Một câu hỏi cần được trả lời rõ là 3 đặc khu này mang lại lợi ích gì cho đất nước. Chúng ta phải bỏ ra cái gì để thu được cái gì?”

Cái mô hình kinh tế này thế giới người ta đã làm và có thành công có thất bại. Thành công ở Thẩm Quyến, rồi Thượng Hải. Thế nhưng, nhìn ở phía thứ hai, như Ấn Độ chẳng hạn. Ấn Độ hồi năm 60, 70 làm đặc khu như thế thì lại thất bại. Thành thử ra Việt Nam mình cũng muốn tìm mô hình nào đó để thúc đẩy phát triển kinh tế thì hoàn toàn chính đáng. Bây giờ 90 triệu dân mà không tìm ra bước đột phá thì rất nguy. – Ông Lê Hưng Quốc

Trả lời cho câu hỏi này, Giáo sư Nguyễn Đình Cống nhắc đến những nội dung được đưa ra trong Dự thảo Luật Đặc khu mà ông cho là không thực tiễn và không hợp thời.

“Tôi đọc dự thảo Luật Đặc khu 85 điều, 6 Chương, viết rất nhiều những thứ vớ vẫn trong ấy, gần 3 vạn từ.”

Việc lập ra 3 đặc khu này theo tôi là lợi ích, hại nhiều. Vì thứ nhất, cách lập đặc khu như luật dự thảo ấy đã cũ quá, không phù hợp nữa. Thứ hai, nó quá thiên về ý chí chủ quan của 1 số người định mang tư tưởng ấy ra áp đặt cho 1 thực tế sinh động.”

Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn định nghĩa Đặc khu kinh tế như những cửa ngõ để đón nhận nguồn lực từ bên ngoài, là 1 nơi để chính quyền bắt đầu hội nhập với thế giới có thể học hỏi những kinh nghiệm, và áp dụng rộng rãi trên toàn quốc. Do đó ông cho rằng mô hình này không còn mang lại lợi ích với Việt Nam hiện tại.

“Phải nói rằng Việt Nam trong mấy chục năm đổi mới và mở cửa thì tính hội nhập của Việt Nam vào kinh tế thế giới rất cao, Tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam còn cao hơn cả GDP. Điều đó cho thấy độ hội nhập của Việt Nam rất sâu vào kinh tế thế giới. Tôi cảm thấy những cơ chế thoáng nếu có thể áp dụng ở 1 nơi thì có thể áp dụng lại ở những nơi  khác.”

Vấn đề ông đặt ra là nếu Việt Nam đã chấp nhận một mô hình kinh tế mở và có một cơ chế đầu tư nước ngoài như thế thì nên áp dụng rộng rãi ở các địa phương khác. Do đó, cá nhân ông cho rằng Việt Nam hiện tại không cần những mô hình đặc khu kinh tế như Quốc hội đang thảo luận.

Vì không cần nên cũng không thể mang lại lợi ích, đó cũng là ý kiến của Giáo sư Nguyễn Đình Cống.

“Thành ra trước đây có ý kiến cho rằng đặc khu cũng có lợi ích kinh tế nào đấy trong hoàn cảnh còn khó khăn, cần phải thu hút vốn liếng của nước ngoài. Nhưng tình hình Việt Nam hiện nay, thì nhiều nhà nghiên cứu và tôi cũng tán thành rằng đặc khu không mang lại nhiều lợi ích, không quan trọng.”

Thành ra trước đây có ý kiến cho rằng đặc khu cũng có lợi ích kinh tế nào đấy trong hoàn cảnh còn khó khăn, cần phải thu hút vốn liếng của nước ngoài. Nhưng tình hình Việt Nam hiện nay, thì nhiều nhà nghiên cứu và tôi cũng tán thành rằng đặc khu không mang lại nhiều lợi ích, không quan trọng. – GS Nguyễn Đình Cống

Ý kiến này đồng thuận với nhận định của ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, được Giáo sư Tương Lai trích dẫn trong bài viết của ông: “Đặc khu 1960 xây dựng là lúc kinh tế thế giới đóng, vì thế mà các ưu đãi thuế phát huy hiệu quả. Nhưng hiện nay Việt Nam là mở … chúng ta phải tìm kiếm nguồn đầu tư và tài nguyên phát triển trong tương lai trong mối quan hệ mới, cần những chính sách mới thay vì chỉ cởi bỏ thuế quan”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm thứ Hai 4-6-2018 lên tiếng cho hay, dự thảo luật đang trong quá trình chỉnh lý, hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua vào cuối kỳ họp này. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ phân tích các ý kiến góp ý và cuối cùng Quốc hội sẽ xem xét, cân nhắc nhiều mặt trước khi thông qua. Thủ tướng Phúc nhấn mạnh “Thẩm quyền cuối cùng thuộc về Quốc hội.”

Trong bài phóng sự kế tiếp, chúng tôi xin gửi đến phần phân tích Vì sao sự phản đối của người dân trong nước và cả chuyên gia quốc tế đều nhắm vào Trung Quốc?

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Special-economic-zone-and-99-years-the-problem-is-old-and-outdated-06042018152341.html

 

Các “siêu” dự án

ven biển miền Trung của FLC gây lo lắng

Tập đoàn FLC, một tập đoàn được cho là phát triển nhanh như vũ bão trong vòng một thập niên qua, đang đẩy mạnh kêu gọi đầu tư nước ngoài vào các dự án của tập đoàn này, chủ yếu là những dự án dọc 14 tỉnh ven biển miền Trung. Tuy nhiên, dư luận lại quan ngại về nhiều hệ lụy từ các dự án của FLC.

Phát triển thần tốc

Tập đoàn kinh doanh bất động sản FLC chính thức đi vào hoạt động tại Việt Nam vào năm 2008, trụ sở chính ở Hà Nội. Tiền thân của FLC là Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Đầu tư Trường phú Fortune, với vốn điều lệ 18 tỷ đồng. Tính đến tháng 10 năm 2017, Công ty Quản lý quỹ Unicap định giá Tập đoàn FLC 9 tỷ đô la Mỹ. Cuối năm ngoái, Chủ tịch Tập đoàn FLC, ông Trịnh Văn Quyết được xếp hạng là người giữ vị trí giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam trong năm 2017.

Các dự án nổi bật của Tập đoàn FLC như Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn, khánh thành năm 2015; Quần thể sân golf, resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp FLC Quy Nhơn. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, Thành viên Ủy ban Chính sách Phát triển Liên Hiệp Quốc, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương đánh giá về hiệu quả kinh tế của các dự án vừa nêu:

“Tập đoàn FLC cho đến nay những dự án họ đầu tư đều đem lại những kết quả rất tích cực. Ví dụ, dự án ở Sầm Sơn thì thay đổi hẳn hình ảnh của Sầm Sơn và hiện nay khách du lịch đến đó đông vô kể và làm cho khả năng thu hút khách du lịch của tỉnh Thanh Hóa tăng lên rất rõ rệt. Tương tự như vậy là dự án ở Quy Nhơn. Hiện nay, dự án ở Quy Nhơn lớn đến mức mà số khách du lịch đến đó cần phải tăng thêm các chuyến bay. Và vì vậy, Tập đoàn FLC đã lập ra một hãng hàng không gọi là Bamboo Airlines (Hãng hàng không Tre Việt) để chuyên chở khách và họ đang kết nối với Thái Lan để chuyển khách quốc tế từ Thái Lan đi đến những chỗ đó.”

Tôi xin đánh giá thuần túy từ mặt kinh tế đối với các địa phương thì tôi thấy tác động như vậy đối với các địa phương là tích cực và việc các địa phương mong muốn thu hút FLC đến đầu tư và thu hút khách du lịch là điều có thể hiểu được. Và một điểm đáng lưu ý nữa, du lịch được coi như một trong các ngành mũi nhọn của Việt Nam, cho nên việc phát triển du lịch và hoạt động của FLC như vậy có lẽ cũng là một điều có tác động tích cực đến hoạt động kinh tế của Việt Nam

-Tiến sĩ Lê Đăng Doanh

Là một trong 10 tập đoàn đầu tư bất động sản hàng đầu tại Việt Nam, truyền thông trong nước cho biết Tập đoàn này đã và sẽ có tổng cộng 11 dự án ven biển ở 14 tỉnh miền Trung. Tập đoàn FLC được ghi nhận là doanh nghiệp mà lãnh đạo địa phương đặc biệt ưu ái, trải thảm đỏ gọi mời đầu tư cho những “siêu” dự án ở các vị trí đắc địa, có thể kể tên một số dự án bao gồm Quần thể resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp FLC Quảng Bình, với diện tích hơn 1900 héc-ta ở hai xã Hải Ninh và Hồng Thủy  Quần thể du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái FLC Bình Châu-Lý Sơn, Quảng Ngãi với tổng diện tích lên đến 3.890 héc-ta. Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận giao cho Sở Kế hoạch-Đầu Tư nghiên cứu hồ sơ đề xuất đầu tư dự án Khu đô thị nghỉ dưỡng sinh thái và sân golf FLC Bình Thuận 1 với quy mô 300 héc-ta tại xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân và báo cáo trước ngày 15 tháng 6 tới đây. Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, hồi cuối tháng 5, cũng có chuyến khảo sát thực địa khu vực Tập đoàn FLC dự kiến đầu tư khu phức hợp du lịch, dịch vụ ven biển Cửa Tùng-Cửa Việt, với tổng diện tích 1000 héc-ta để xây dựng các hạng mục sân bay, sân golf, khu resort…

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh đưa ra nhận định của ông về sự nồng nhiệt của chính quyền địa phương các tỉnh miền Trung chào đón Tập đoàn FLC đến đầu tư là lẽ đương nhiên, qua hiệu quả kinh tế mà điển hình là hai dự án ở Sầm Sơn và Quy Nhơn. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói với RFA:

“Tôi xin đánh giá thuần túy từ mặt kinh tế đối với các địa phương thì tôi thấy tác động như vậy đối với các địa phương là tích cực và việc các địa phương mong muốn thu hút FLC đến đầu tư và thu hút khách du lịch là điều có thể hiểu được. Và một điểm đáng lưu ý nữa, du lịch được coi như một trong các ngành mũi nhọn của Việt Nam, cho nên việc phát triển du lịch và hoạt động của FLC như vậy có lẽ cũng là một điều có tác động tích cực đến hoạt động kinh tế của Việt Nam.”

Quan ngại hệ lụy

Bên cạnh những nhận xét tích cực về hiệu quả kinh tế của các dự án mà Tập đoàn FLC mang lại cho địa phương nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung, như của Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, Đài Á Châu Tự Do ghi nhận cũng có không ít ý kiến thắc mắc về hàng loạt các dự án của Tập đoàn FLC tập trung tại những khu vực biển miền Trung Việt Nam. Câu hỏi mà dư luận đặt ra vì sao Tập đoàn FLC có thể tiến hành thâu tóm và thực hiện các dự án một cách nhanh chóng, kể cả việc chính quyền địa phương của tỉnh Quảng Ngãi sẵn sàng ứng trước ngân sách khỏang 500 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng cùng với 12 công văn hoả tốc trong vòng 45 ngày cho dự án ở Bình Châu-Lý Sơn? Nỗi lo lắng của dư luận về hệ lụy từ các dự án này sẽ nghiêm trọng đến mức nào khi Chủ tịch Tập đoàn FLC, ông Trịnh Văn Quyết tuyên bố tại một hội thảo diễn ra ở Nhật Bản, hồi năm ngoái rằng FLC có thể chuyển nhượng cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Chúng tôi nêu vấn đề với Thạc sĩ Hoàng Việt, chuyên gia nghiên cứu biển Đông của Việt Nam, về mối quan ngại an ninh quốc gia trong trường hợp các khu vực biển miền Trung nằm trong những dự án của FLC được chuyển nhượng cho tập đoàn nước ngoài sở hữu và quản lý. Thạc sĩ Hoàng Việt nêu lên ý kiến cá nhân của ông:

Khi người Pháp tấn công vào Việt Nam năm 1858 thì họ tấn công từ phía biển. Cho nên Việt Nam đối với chiều dài cả 3000km bờ biển thì có rất nhiều nơi gọi là phương yếu và quan trọng. Hải cảng Cam Ranh chẳn hạn, một hải cảng hết sức quan trọng và có vị trí chiến lược không chỉ của Việt Nam mà có tác động lớn trong khu vực. Thế thì phải xem tùy thuộc vào khu vực biển nào. Thứ hai nữa, khu vực biển mà nếu nước ngoài quản lý thì họ kiểm soát cái gì?

-Thạc sĩ Hoàng Việt

“Khi người Pháp tấn công vào Việt Nam năm 1858 thì họ tấn công từ phía biển. Cho nên Việt Nam đối với chiều dài cả 3000km bờ biển thì có rất nhiều nơi gọi là phương yếu và quan trọng. Hải cảng Cam Ranh chẳn hạn, một hải cảng hết sức quan trọng và có vị trí chiến lược không chỉ của Việt Nam mà có tác động lớn trong khu vực. Thế thì phải xem tùy thuộc vào khu vực biển nào. Thứ hai nữa, khu vực biển mà nếu nước ngoài quản lý thì họ kiểm soát cái gì? Thật sự, tôi cũng nghe thông tin các tập đoàn như FLC có thể gây ảnh hưởng rất nhiều. Tuy nhiên khoan hãy nói về vấn đề an ninh, vì cần phải có thông tin đầy đủ mới có thể nói được. Nhưng, ngay vấn đề quan trọng đầu tiên là ở Việt Nam bây giờ liên quan đến sở hữu đất đai và giải tỏa đất đai để làm dự án. Qua đó cho thấy vấn đề về dân sinh, làm sao khi giải tỏa họ vẫn có cuộc sống bình thường thì chương trình đó bị đảo lộn rất nhiều và điều này ảnh hưởng đến kinh tế-chính trị-xã hội của Việt Nam.”

Vào ngày 4 tháng 6, báo giới quốc nội cho biết Tập đoàn FLC lần đầu tiên tổ chức một hội thảo ở thủ đô Washington, Hoa Kỳ trong ngày 25 tháng 6 tới đây, với sự tham dự của 400 khách mời để kêu gọi đầu tư nước ngoài cho các dự án của tập đoàn này, trong đó có hơn 50 dự án với tổng diện tích gần 9000 héc-ta dọc bờ biển của Việt Nam. Trong năm 2017, Tập đoàn FLC cũng tổ chức hội thảo tương tự tại Singapore, Nhật Bản và Nam Hàn.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/flc-outstanding-projects-along-coastline-and-public-concerns-06042018150127.html

 

Nhân viên rút ruột,

ngân hàng chối bỏ trách nhiệm

4900 tỷ đồng chiếm đoạt của nhiều doanh nghiệp, ngân hàng, cá nhân mà chỉ riêng 1 trong số những bên bị hại là một doanh nghiệp Malaysia có nguy cơ mất trắng 10 triệu đô la Mỹ tiền gửi. Tuy nhiên, Vietinbank, ngân hàng chủ quản nơi nhân viên Huyền Như mượn danh để thực hiện những hành vi chiếm đoạt tài sản lại được toà án Việt Nam xử vô can.

Trong một phán quyết được đưa ra hôm 30/5, Tòa án Nhân dân Tối cao (TAND) thành phố Hồ Chí Minh đã bác bỏ kháng cáo của các nguyên đơn trong đó yêu cầu ngân hàng Vietinbank hoàn trả số tiền lên tới 4900 tỷ đổng (tương đương 215 triệu USD) mà bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như đã chiếm dụng. Thay vào đó, Toà phúc thẩm quyết định thủ phạm chính Huỳnh Thị Huyền Như có trách nhiệm phải bồi thường một số tiền 1085 tỷ đồng đã “chiếm đoạt” của 5 công ty là Công ty Hưng Yên, Công ty An Lộc, Công ty Phương Đông, Công ty Bảo Hiểm Toàn Cầu và Công ty SBBS (Malaysia).

để cứu Vietinbank, giải thoát cái trách nhiệm dân sự cho Vietinbank nên người ta không thay đổi tội danh cho Huyền Như mà vẫn để Huyền Như lừa đảo, và biến các công ty này thành nạn nhân của sự lừa đảo – LS Nguyễn Minh Tâm

Đại diện công ty SBBS, luật sư Nguyễn Minh Tâm cho rằng, toà phúc thẩm đã bác bỏ quyết định của toà sơ thẩm và đưa ra một phán quyết có lợi hoàn toàn cho phía ngân hàng Vietinbank. Luật sư Tâm nói:

“5 công ty này họ mở tài khoản hợp pháp nên vì thế mà án phúc thẩm mới huỷ án với nhận định là Huyền Như có dấu hiệu tham ô. Nếu xét xử Huyền Như về tội tham ô, có nghĩa rằng trách nhiệm dân sự của Vietinbank phải bồi thường cho khách hàng. Cho nên bây giờ để cứu Vietinbank, giải thoát cái trách nhiệm dân sự cho Vietinbank nên người ta không thay đổi tội danh cho Huyền Như mà vẫn để Huyền Như lừa đảo, và biến các công ty này thành nạn nhân của sự lừa đảo”

Tin cho biết Huỳnh Thị Huyền Như lấy danh nghĩa quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ chi nhánh TP.HCM đi huy động tiền gửi cho Ngân hàng Vietinbank để trực tiếp gặp gỡ, thỏa thuận với các đối tượng môi giới, đại diện của 5 công ty vừa nêu về việc nhận tiền gửi với lãi suất ưu đãi vượt lãi suất trần Nhà nước quy định. Khi các đơn vị này chuyển tiền vào tài khoản thanh toán của họ mở tại Vietinbank, Như đã lập các chứng từ, ký giả chữ ký của chủ tài khoản, sử dụng quyền trên hệ thống (là kiểm soát viên, Trưởng phòng giao dịch) trực tiếp thao tác chuyển tiền từ các tài khoản của khách hàng đi trả nợ cá nhân cho Như.

Do đó, việc HĐXX bác kháng cáo của các nguyên đơn và cho rằng các nguyên đơn dân sự gửi tiền nhưng đã bỏ mặc cho Như chiếm đoạt nên phải chịu trách nhiệm về sai sót do lỗi của mình theo luật sư Nguyễn Minh Tâm là hoàn toàn thiếu thuyết phục. Luật sư Tâm nói tiếp:

Bây giờ anh không theo dõi, không giám sát nhân viên cụ thể để nhân viên của anh gây ra việc phạm pháp như thế thì anh cũng phải gánh chịu một phần – PGS.TS Đỗ Linh Hiệp

“Ở đây không có chuyện Huyền Như lừa gì công ty cả, vì tiền được chuyển vào tài khoản một cách hợp pháp, nằm trong sự quản lý của Vietinbank, Huyền Như áp dụng các thao tác gian dối qua mặt Vietinbank để rút tiền ra, thì chủ tài khoàn làm sao mà biết được. Điều này thì ai cũng biết, dân chúng kể cả những người chẳng cần hiểu biết gì về pháp luật họ cũng đều cho rằng đó là thuộc trách nhiệm của Vietinbank”

Trên thực tế, theo luật sư Tâm, bất cứ một giao dịch nào trên hệ thống ngân hàng cũng đều được phản ảnh trên hệ thống mạng quản lý của các ngân hàng. Do đó, ngân hàng này phải có trách nhiệm với hành vi của cá nhân Huỳnh Thị Huyền Như như việc làm giả chữ ký, chứng từ và sau đó rút tiền … từ tài khoản của các doanh nghiệp đã gửi tiền trong phạm vi quản lý của ngân hàng Vietinbank.  Bình luận về điều này, PGS-TS Đỗ Linh Hiệp, giảng viên khoa Tài chính – ngân hàng, Trường ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng ngân hàng Vietinbank phải chịu một phần trách nhiệm nếu để nhân viên gây hậu quả dưới uy tín của chính ngân hàng. PGS-TS Đỗ Linh Hiệp nói:

“Cô này đang làm việc ở ngân hàng, với danh nghĩa ngân hàng, rồi không vào sổ sách hay gì gì đó để mà lừa thì trách nhiệm của ngân hàng cũng phải có 1 phần vì cô này đang làm việc đó dưới danh nghĩa là một nhân viên ngân hàng, tại ngân hàng luôn. Bây giờ anh không theo dõi, không giám sát nhân viên cụ thể để nhân viên của anh gây ra việc phạm pháp như thế thì anh cũng phải gánh chịu một phần.”

Không chỉ Vietinbank, một số vụ việc mất tiền khác trong thời gian gần đây như việc gần 300 tỷ đồng của khách hàng gửi tiết kiệm tại ngân hàng Eximbank không cánh mà bay, vụ 17 khách hàng mất gần 400 tỷ đồng tại ngân hàng Ocebank hay 26 tỷ đồng tại ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng VPBank bị rút khống…và đặc biệt là pháp lệnh hồi cuối năm 2017 quy định ngân hàng phá sản, người gửi tiền chỉ được bồi thường tối đa 75 triệu đồng đã khiến không ít người bày tỏ hoang mang và lo lắng về tính an toàn khi gửi tiền tại các ngân hàng thương mại Việt Nam. Trong khi đó, hệ thống ngân hàng đã không có những biện pháp tích cực và kịp thời trong việc thực hiện trách nhiệm bồi hoàn đối với khách hàng trong trường hợp xảy ra mất mát. Chị Thuỳ Linh, một người gửi tiền cho rằng đó là hành xử không công bằng đối với những người gửi tiền tại ngân hàng hiện nay:

Trong trường hợp mình là người đi vay, không may mình bị lừa và không có khả năng trả tiền đúng hạn cho ngân hàng, thì mình phải chịu rất nhiều những khoản phí phát sinh… so với việc ngân hàng cầm sổ tiết kiệm của mình rồi lại chây ỳ trong việc  trả lại tiền cho mình thì nó là không công bằng”

Các chuyên gia tài chính ngân hàng mà đài RFA đã có dịp tiếp xúc đều cho rằng, ngân hàng tại các quốc gia phát triển thường có trách nhiệm bồi thường cho khách hàng trong vòng 24-72 giờ và cũng là pháp nhân chịu trách nhiệm trong trường hợp để xảy ra việc mất tiền của khách hàng. Đặc biệt, trong các trường hợp ngân hàng có nhân viên gian dối, lừa đảo rút tiền của khách hàng thì ngân hàng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm bởi những cá nhân đó là người đại diện cho ngân hàng thực hiện các giao dịch. Tuy nhiên, ở Việt Nam, quá trình điều tra thường diễn ra quá lâu và ngân hàng chỉ chịu bồi thường thiệt hại cho khách hàng trong điều kiện có quyết định của toà án. Điều này không chỉ gây thiệt hại về tâm lý cũng như kinh tế đối với khách hàng mà còn khiến cho chính uy tín của chính các ngân hàng Việt Nam bị ảnh hưởng và rõ ràng sẽ là một tác động tiêu cực đến việc huy động nguồn tiền nhàn rỗi từ người dân và các doanh nghiệp đối với chính các tổ chức tín dụng, ngân hàng này.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/nhan-vien-rut-ruot-ngan-hang-choi-bo-trach-nhiem-06042018143512.html

 

Nhiều chuyên gia:

Dự luật an ninh mạng ‘sai về bản chất’

Quốc hội Việt Nam có kế hoạch biểu quyết về dự luật an ninh mạng hôm 12/6, trong bối cảnh gần một tháng nay nhiều đại biểu quốc hội, chuyên gia, cựu quan chức và người dân lo ngại rằng dự luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo đi chệch hướng, có thể làm giảm tự do internet ở trong nước.

Phản ứng mới nhất về dự luật là thư kiến nghị của một nhóm chuyên gia trong lĩnh vực quản lý công nghệ thông tin gửi đến quốc hội và thủ tướng về vấn đề này, được báo chí đăng tải hôm 5/6.

Nhóm do cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Đặng Hữu làm đại diện viết trong thư rằng họ “lo ngại về việc trao quá nhiều quyền hạn cho lực lượng chuyên trách an ninh mạng của Bộ Công an”.

Thư kiến nghị chỉ ra rằng trong dự luật có 18 điểm dẫn chiếu và trao quyền cho công an, từ thẩm định, thanh kiểm tra, đánh giá, cho đến xử lý vi phạm an ninh mạng, song nội dung và thủ tục thực thi “không được quy định rõ ràng”.

Giáo sư Đặng Hữu, cựu Ủy viên Trung ương Đảng, cùng các chuyên gia tên tuổi khác như Chu Hảo, Mai Liêm Trực, và Nguyễn Khánh Toàn bày tỏ lo ngại rằng với dự thảo như vậy, “rủi ro lạm quyền đe doạ tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân xuất phát từ lực lượng [công an] này là rất cao”.

Nhóm chuyên gia này từng đóng vai trò quan trọng trong việc chuẩn bị đưa internet vào Việt Nam cuối thập niên 1990. Họ nhận xét thêm trong thư kiến nghị rằng dự luật không những “không giải quyết được vấn đề tấn công mạng, không giúp bảo vệ được an toàn internet của Nhà nước và người dân”, mà ngược lại “có thể kéo lùi sự phát triển của internet, của kinh tế số và xã hội thông tin Việt Nam”.

Đi vào các chi tiết, nhóm chuyên gia nói Điều 15 của dự luật có nội dung “quá rộng và không rõ ràng” về thế nào là thông tin “xấu, độc”. Trong khi đó, Điều 26 buộc các tổ chức cung cấp dịch vụ trên không gian mạng, hoặc sở hữu hệ thống thông tin, phải cắt dịch vụ internet, điện thoại, hoặc tài khoản email, v.v… của các tổ chức, cá nhân nếu cơ quan quản lý cho rằng tổ chức, cá nhân đó đăng tải thông tin “xấu, độc”.

Nhóm chuyên gia khẳng định: “Điều luật này rõ ràng hạn chế tự do internet, đi ngược lại tiến bộ; đặt công dân trước rủi ro vi phạm pháp luật và bị thanh tra, kiểm tra, nhũng nhiễu bởi lực lượng chuyên trách an ninh mạng, Bộ Công an”.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động nổi tiếng, đồng ý với nhóm chuyên gia. Chỉ ra rằng dự thảo luật này là một bản sao của luật ở Trung Quốc, ông nói thêm với VOA:

“Vì bản thân công an họ dự thảo nên họ phải làm thể nào để thuận lợi nhất cho họ. Đấy là điều không thể chấp nhận được. Cảnh sát ở Việt Nam đã lộng quyền đến một mức không thể chịu nổi. Và bây giờ ở trên mạng nó cũng muốn giành quyền kiểm soát về nó, để nó có thể trừng trị bất kỳ ai nó muốn. Đấy là vấn đề cốt lõi”.

Trước khi xuất hiện thư kiến nghị kể trên, trong một cuộc trả lời phỏng vấn, được báo mạng VNExpress đăng hôm 29/5, Thiếu tướng công an Nguyễn Thanh Hồng, nói: “An ninh mạng nếu giải thích dễ hiểu nhất là không truyền bá, cổ súy, khai thác những nội dung chống phá Đảng, Nhà nước và làm sao để mỗi công dân có ý thức trong việc phòng chống tội phạm, bảo vệ bản thân và gia đình”.

Thiếu tướng Hồng là đại biểu quốc hội, đồng thời giữ ghế ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, cơ quan thẩm tra dự luật an ninh mạng.

Phát biểu của ông Hồng cho thấy dự luật ‘sai về bản chất”, theo đánh giá của 2 vị tiến sĩ khi trả lời phỏng vấn của VOA.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhìn nhận rằng an ninh mạng chủ yếu liên quan đến kỹ thuật, công nghệ để chống các hoạt động xâm nhập, phá hoại, đánh cắp thông tin trên mạng. Nhưng ông cho rằng chính quyền Việt Nam nhìn vào khía cạnh hoàn toàn khác:

“Người ta hiểu sai hoàn toàn về vấn đề an ninh mạng. Ở Việt Nam, họ học theo kiểu muốn kiểm soát dân chúng kiểu Trung Quốc. Họ hiểu theo ý là kiểm soát tư duy của người dân. Tức là nó là vấn đề kiểm soát tư tưởng”.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Chính sách Pháp luật và Phát triển, nói:

“Dùng an ninh mạng để kiểm soát về mặt nội dung thì không có ý nghĩa gì cả, hoàn toàn không đúng. Công cụ an ninh mạng là tạo nên môi trường điện tử kết nối thúc đẩy cho phát triển xã hội, kinh tế. Chứ không phải là môi trường an ninh mạng làm công cụ để đi kiểm soát nội dung. Tôi nghĩ rằng vị đại biểu quốc hội này chắc không am hiểu lắm về mạng và ý nghĩa của nó cũng như về mặt kỹ thuật của nó”.

Một vấn đề bất cập lớn khác trong dự luật được nhóm chuyên gia do giáo sư Đặng Hữu làm đại diện chỉ ra là quy định về việc “lưu trữ tại Việt Nam thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam và các dữ liệu quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia”.

Theo các chuyên gia, yêu cầu “lưu trữ tại Việt Nam” đối với thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam đồng nghĩa với việc cô lập không gian mạng trong phạm vi đất nước. Họ cũng khuyến cáo rằng xét trên góc độ kỹ thuật, yêu cầu này “có thể sẽ khó khả thi trên thực tế vì các chuẩn công nghệ của các chủ sở hữu mạng khác nhau với mức độ bảo mật khác nhau”.

Cả ba vấn đề lớn được nhóm chuyên gia kỳ cựu đưa ra cộng hưởng với các ý kiến của nhiều đại biểu quốc hội và của các chuyên gia trẻ tuổi hơn đã được báo chí Việt Nam đăng tải trong những ngày qua.

Nhóm của ông Đặng Hữu, các chuyên gia trẻ như ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông, và kỹ sư Dương Ngọc Thái, chuyên gia trong lĩnh vực an ninh mạng đang làm việc tại Silicon Valley, Mỹ, đã đưa ra những kiến nghị riêng rẽ song chia sẻ các điểm chung.

Họ kêu gọi quốc hội và chính phủ Việt Nam thu hẹp phạm vi dự luật, tập trung vào bảo đảm an ninh mạng trong các cơ quan nhà nước; bãi bỏ hoàn toàn Điều 24, 26 và một số điều khác có tính chất can thiệp, cấm cản tự do internet; thu hút những chuyên gia hàng đầu giúp chính phủ hoạch định chính sách, chiến lược an ninh mạng quốc gia; và quốc hội giao Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thẩm tra dự luật an ninh mạng thay vì giao cho Uỷ ban Quốc phòng An ninh.

Chính phủ Mỹ hồi cuối tháng trước đưa ra những quan ngại với phía Việt Nam về dự luật này. Một bản tin của Reuters dẫn nguồn tin tại Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội cho biết hôm 24/5 rằng phó Đại diện thương mại Mỹ Jeffrey Gerrish bày tỏ quan ngại trong một cuộc họp với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.

Ông Gerrish nêu “mối lo ngại của Mỹ về dự luật an ninh mạng của Việt Nam bao gồm việc tác động tới nhu cầu nội địa hóa và hạn chế đối với các dịch vụ đa quốc gia cũng như ảnh hưởng đến sự phát triển và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam”.

https://www.voatiengviet.com/a/nhieu-chuyen-gia-du-luat-an-ninh-mang-sai-ve-ban-chat/4425399.html