Tin Việt Nam – 05/06/2017
Luật sư trả thẻ nếu phải tố giác thân chủ
Các luật sư và nhiều người Việt Nam đang phản đối dự thảo sửa đổi một điều trong luật hình sự đòi luật sư tố cáo thân chủ nếu biết người đó phạm tội nghiêm trọng. Có những luật sư nói sẽ trả thẻ hành nghề cho liên đoàn luật sư nếu điều khoản sửa đổi được thông qua.
Dự thảo sửa đổi khoản 3 của điều 19 trong Bộ luật Hình sự 2015 viết: “…Người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự do không tố giác khách hàng về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác đặc biệt nghiêm trọng quy định tại điều 389”. Có tới 80 tội danh trong danh sách những tội đặc biệt nghiệm trọng.
Vấn đề này được đưa ra thảo luận ở Quốc hội Việt Nam cách đây hơn một tuần, từ đó đến nay đã có nhiều phản ứng bức xúc từ giới luật sư lẫn nhiều người trong công chúng.
Sau khi nhiều luật sư đã bày tỏ quan điểm riêng trên cả báo chí chính thống lẫn trên mạng xã hội, hôm 4/6, khoảng 40 luật sư đã tổ chức tọa đàm tại trụ sở Liên đoàn Luật sư Việt Nam ở Hà Nội.
Nó cũng không phù hợp với bản Hiến pháp 2013 của Việt Nam. Mục tiêu của Hiến pháp là bảo vệ quyền con người. Quyền bào chữa và quyền được bào chữa là quyền của con người. Trên góc độ về khoa học pháp lý, chưa bao giờ vai trò của người bào chữa lại đi làm cùng một hướng với người thú tội. Và chúng tôi cũng có tìm hiểu luật của những nước đi trước, đã hoàn thiện, thường thường người ta chỉ điều chỉnh vai trò luật sư chỉ đưa vào quy tắc mẫu về đạo đức, chứ điều chỉnh hẳn bằng luật hình thức của hình sự thế này thì rõ ràng là không phù hợp
Luật sư Hoàng Văn Hướng
Luật sư Hoàng Văn Hướng, Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Hưng ở Hà Nội, cho VOA biết cuộc tọa đàm có mục đích thu nhận các ý kiến để gửi một kiến nghị “một cách tích cực” lên quốc hội, đề nghị xem lại dự thảo về khoản 3 điều 19 Bộ luật Hình sự.
Theo ông Hướng, việc buộc luật sư tố cáo thân chủ là “hoàn toàn không đúng với tôn chỉ, mục đích của nghề”. Ông phân tích thêm về những điểm bất hợp lý:
“Nó cũng không phù hợp với bản Hiến pháp 2013 của Việt Nam. Mục tiêu của Hiến pháp là bảo vệ quyền con người. Quyền bào chữa và quyền được bào chữa là quyền của con người. Trên góc độ về khoa học pháp lý, chưa bao giờ vai trò của người bào chữa lại đi làm cùng một hướng với người thú tội. Và chúng tôi cũng có tìm hiểu luật của những nước đi trước, đã hoàn thiện, thường thường người ta chỉ điều chỉnh vai trò luật sư chỉ đưa vào quy tắc mẫu về đạo đức, chứ điều chỉnh hẳn bằng luật hình thức của hình sự thế này thì rõ ràng là không phù hợp”.
Tại cuộc tọa đàm, luật sư Đinh Việt Thanh, cũng thuộc Văn phòng Luật sư Hoàng Hưng, đã yêu cầu những luật sư đang là đại biểu quốc hội và lãnh đạo Liên đoàn Luật sư Việt nam “tìm mọi cách thuyết phục” quốc hội không thông qua điều luật dự thảo đang gây tranh cãi
Nếu đoàn không bảo vệ được tôi thì tôi trả lại cho đoàn cái thẻ đoàn đã cấp cho tôi. Phản ứng của tôi là phản ứng đối với tổ chức nghề nghiệp của tôi. Đương nhiên khi nhà nước thông qua [điều 19.3], tôi thấy không phù hợp với tôi.
Luật sư Đinh Việt Thanh
Ông Thanh tuyên bố nếu quốc hội vẫn thông qua điều luật được gọi tắt là 19.3, ông sẽ trả thẻ hành nghề cho liên đoàn vì ông không muốn “làm điều thất đức”. Những người có mặt tại buổi tọa đàm cho VOA biết rất nhiều luật sư đã vỗ tay sau khi ông Thanh phát biểu. Có những luật sư cũng khẳng định sẽ làm như ông.
Luật sư Thanh nói rõ thêm về chính kiến của ông:
“Đoàn luật sư đại diện cho tôi. Nếu đoàn không bảo vệ được tôi thì tôi trả lại cho đoàn cái thẻ đoàn đã cấp cho tôi. Phản ứng của tôi là phản ứng đối với tổ chức nghề nghiệp của tôi. Đương nhiên khi nhà nước thông qua [điều 19.3], tôi thấy không phù hợp với tôi. Nếu pháp luật bắt buộc phải tham gia một đoàn luật sư thì mới được hành nghề luật sư, thế thì bây giờ tôi trả lại cho đoàn, có nghĩa là thôi. Nếu như vậy thì tôi hoạt động làm gì nữa, bởi vì cái điều đó mang lại rất là nhiều rủi ro cho tôi. Vì là luật sư, tôi nghĩ rằng mình phải có ý chí của mình. Mình không thể im lặng”.
Giới luật sư cho rằng nếu điều 19.3 được thông qua, đó sẽ là một “bước thụt lùi” trong nền tư pháp Việt Nam, dù trong hơn một thập niên trở lại đây hệ thống pháp luật Việt Nam được giới luật sư đánh giá là “đã hoàn thiện tương đối tốt”.
Không thiết thực vì ở Việt Nam chưa có tòa Hiến pháp. Chắc chắn là không làm được. Không có phương pháp tài phán đối với cái vi hiến như thế này
Luật sư Hoàng Văn Hướng
Trong các thảo luận trên mạng xã hội, một số người nêu ý kiến các luật sư có thể nộp đơn kiện chống lại điều luật mới, nếu nó được thông qua, với lập luận rằng nó trái Hiến pháp.
Tuy nhiên, luật sư Hoàng Văn Hướng không lạc quan về khả năng này:
“Không thiết thực vì ở Việt Nam chưa có tòa Hiến pháp. Chắc chắn là không làm được. Không có phương pháp tài phán đối với cái vi hiến như thế này”.
Theo các luật sư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần đăng ký một cuộc gặp với Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, thậm chí có thể mời các nhà khoa học tham gia, để phân tích và thuyết phục phía Quốc hội cân nhắc.
Các luật sư khẳng định nếu so sánh với hầu hết các hệ thống luật pháp trên thế giới hiện nay, sẽ thấy việc ép luật sư phải tố cáo hành vi phạm tội của thân chủ là “lạc lõng” và “phi lý”.
Họ nhấn mạnh rằng trong rất nhiều hệ thống tư pháp nước ngoài, việc trao đổi thông tin giữa luật sư và thân chủ được bảo vệ bởi “đặc quyền của mối quan hệ giữa luật sư và thân chủ”. Đặc quyền này bắt buộc luật sư phải bảo vệ thông tin của thân chủ một cách tuyệt đối.
https://www.voatiengviet.com/a/luat-su-tra-the-neu-phai-to-giac-than-chu/3887388.html
Nắng nóng kỷ lục tại Hà Nội
Nhiều nơi ở miền bắc Việt Nam, nhất là Hà Nội, đang trải qua một đợt nắng nóng kỷ lục, gây xáo trộn sinh hoạt thường ngày của người dân.
Theo Trung tâm Dự báo Khí thượng Thủy văn Trung ương, nhiệt độ ở thủ đô của Việt Nam hôm 4/6 là khoảng 41 độ C, cao nhất trong hơn 40 năm qua.
Cơ quan này cho biết rằng đợt nắng nóng sẽ tiếp tục ngày 5/6 ở Hà Nội với “nhiệt độ cao nhất trong ngày từ 38 – 40 độ C”.
“Từ ngày 06/06 nắng nóng sẽ kết thúc ở Bắc Bộ và dịu dần ở các tỉnh miền Trung”, trung tâm trên thông báo.
Hà Nội có kế hoạch “chặt hạ 1.300 cây xanh, phần lớn là xà cừ lâu năm trong 3 tháng tới” để mở rộng đường ở thủ đô, gây ra nhiều chỉ trích trên mạng xã hội.
Tân Hoa Xã dẫn lời cơ quan dự báo thời tiết này nói rằng tình trạng nắng nóng xảy ra do “gió Lào hoạt động mạnh”, “tình trạng biến đổi khí hậu” và “mùa mưa đến muộn”.
Báo điện tử VnExpress dẫn lời các chuyên gia nói rằng “Hà Nội nóng hơn vì hiệu ứng bê tông với hàng loạt chung cư cao tầng, mật độ xe cộ nhiều và ít cây xanh”.
Theo báo chí trong nước, số người nhập viện, nhất là trẻ em và người già, gia tăng do nắng nóng trong mấy ngày qua.
Tình trạng nắng nóng xảy ra trong khi Hà Nội có kế hoạch “chặt hạ 1.300 cây xanh, phần lớn là xà cừ lâu năm trong 3 tháng tới”, để mở rộng đường ở thủ đô, gây ra nhiều chỉ trích trên mạng xã hội.
https://www.voatiengviet.com/a/nang-nong-ky-luc-o-ha-noi/3886392.html
Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái xin lỗi ông Huỳnh Tấn Vinh
Thứ trưởng Bộ Văn hoá thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái nhận trách nhiệm về nội dung trong văn bản yêu cầu xử lý Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, ông Huỳnh Tấn Vinh về phát biểu tại một hội nghị liên quan phát triển du lịch tại Bán đảo Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng vào cuối tháng 5 vừa qua.
Trả lời một số báo chí trong nước ngày 5 tháng 6, ông Huỳnh Vĩnh Ái cho biết văn bản số 2383/BVHTTDL-TCDL ban hành ngày 2 tháng 6 có một số sai sót về nội dung và từ ngữ, khiến luận xã hội bức xúc. Do đó, Bộ đã có công văn thu hồi vào ngày 4 tháng 6.
Ông Huỳnh Vĩnh Ái nhấn mạnh rằng ông xin chịu trách nhiệm trước Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, xin lỗi Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng và cá nhân ông Huỳnh Tấn Vinh.
Ngày 2 tháng 6 vừa qua, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái, đại diện cho Bộ Văn hoá thể thao và du lịch đã ký một văn bản, nêu rõ tại tọa đàm “Phát triển du lịch bền vững khu du lịch quốc gia Sơn Trà” hôm 30 tháng 5, ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội du lịch TP Đà Nẵng, đã phát biểu các ý kiến liên quan đến Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà “thiếu chính xác”.
Nội dung “thiếu chính xác” được Bộ dẫn ra là ông Vinh nói quy hoạch Sơn Trà vi phạm các điều luật như: Luật Bảo vệ phát triển rừng, Luật đa dạng sinh học, Luật tài nguyên môi trường biển và hải đảo…
Hai ngày sau đó, chính ông Huỳnh Vĩnh Ái đã yêu cầu thu hồi văn bản.
Báo Dân trí dẫn lời đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân cho biết việc yêu cầu xử lý phát ngôn của ông Huỳnh Vĩnh Ái đối với Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Huỳnh Tấn Vinh là không đúng thẩm quyền lãnh đạo.
http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/deputy-minister-of-culture-apologizes-06052017095249.html
Phát triển kinh tế gây ô nhiễm môi trường đáng báo động
Giới chức môi trường Việt Nam vào ngày 5 tháng 6 tham gia Hội nghị đối thoại chính sách về môi trường và phát triển bền vững tại khu vực phía nam tổ chức ở Vũng Tàu.
Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên – Môi Trường Nguyễn Linh Ngọc phát biểu tại Hội nghị rằng Việt Nam đang chịu nhiều áp lực lớn từ các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội.
Báo trong nước dẫn lời ông Ngọc cho biết cụ thể cả nước có 67 khu công nghiệp, 532 cụm công nghiệp đang hoạt động chưa hoàn thành hệ thống xử lý nước thải tập trung, hơn 5000 làng nghề còn sử dụng công nghệ lạc hậu.
Theo ông Ngọc, Việt Nam còn nhiều các cơ sơ có nguy cơ ô nhiễm môi trường đang hoạt động, đặc biệt việc khai thác khoáng sản đã và đang gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, ô nhiễm nguồn nước do khí thải phát sinh trong quá trình khai thác.
Cũng trong buổi đối thoại, vấn đề sửa đổi hoàn thiện Luật Bảo vệ Môi trường được nhắc đến.
Đoàn nghị sĩ Hoa Kỳ kết thúc chuyến thăm Việt Nam
Đoàn nghị sĩ Hoa Kỳ vừa có chuyến làm việc tại Việt Nam ra thông cáo về đợt công tác.
Theo thông cáo do ba thượng nghị sĩ John McCain, Chris Coons và John Barrasso đưa ra thì chuyến thăm được tiến hành trong bối cảnh có những diễn biến đáng ngại khu vực và những thách thức gia tăng tại vùng Biển Đông.
Trong những cuộc tiếp xúc với lãnh đạo Hà Nội gồm ông chủ tịch nước Trần Đại Quang, Bộ trưởng quốc phòng Ngô Xuân Lịch, chủ tịch Quốc hội Nguyễn thị Kim Ngân và những đại biểu Quốc hội khác; chính quyền Việt Nam nhấn mạnh với đoàn cam kết tuân thủ luật pháp quốc tế và duy trì sự quân bằng quyền lực thuận lợi tại khu vực Châu Á- Thái bình Dương.
Đoàn nghị sĩ Hoa Kỳ tìm cách mở rộng hỗ trợ an ninh và hợp tác quốc phòng với phía Việt Nam. Đoàn cũng thảo luận những cách thức để tăng cường quan hệ thương mại, tăng tiến đầu tư nước ngoài, và vượt qua những rào cản mậu dịch gồm biện pháp loại bỏ chương trình điều tra cá da trơn tốn kém, nặng nề và gia tăng xuất khẩu thị bò, gia cầm Mỹ sang Việt Nam.
Thông cáo cũng cho biết đoàn phát biểu một cách thẳng thắn về tầm quan trọng của việc tôn trọng nhân quyền và khuyến khích nhà cầm quyền Việt Nam tuân thủ những cam kết quốc tế về các quyền tự do hội họp, lập hội.
Đoàn nhấn mạnh chính sự tiến bộ trong vấn đề vừa nêu sẽ giúp cho mối quan hệ Mỹ- Việt được gia tăng.
Đoàn bày tỏ hy vọng nhà cầm quyền Việt Nam sẽ trả tự do cho các tù nhân chính trị như luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài.
Thông cáo của đoàn nghị sĩ Hoa Kỳ nêu rõ điều đáng chú ý là vào khi các vị thượng nghị sĩ Mỹ đang có mặt tại Việt Nam thì chính quyền của tổng thống Donald Trump tuyên bố mong muốn làm sâu sắc thêm mối quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam sau chuyến công du của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Đoàn bày tỏ hy vọng trong tương lai Hoa Kỳ tiếp tục mở rộng mối quan hệ quân sự với Việt Nam và cùng làm việc chặt chẽ hỗ trợ cho quyền tự do hàng hải và hàng không tại khu vực Châu Á- Thái Bình Dương.
Đoàn nhắc lại chuyến lên thăm chiến hạm USS John McCain khi chiến hạm này đang trong chặng dừng kỹ thuật thường lệ tại Cảng Quốc tế Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam. Theo thông cáo thì sự hiện diện của chiến hạm này là một biểu tượng hòa giải giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Điều đó nhắc nhở cho các đồng minh cũng như kẻ thù về cam kết bền vững của Mỹ tại khu vực này.
Thủ tướng Việt Nam dự Hội Nghị Tương lai Châu Á tại Nhật
Thủ tướng Việt Nam, Nguyễn Xuân Phúc, đang có mặt tại Xứ Phù Tang trong khuôn khổ chuyến công du Nhật Bản từ ngày 4 đến 8 tháng 6 theo lời mời của người tương nhiệm nước chủ nhà và cũng để tham dự Hội Nghị Tương lai Châu Á lần thứ 23 tại thủ đô Tokyo.
Vào chiều ngày 5 tháng 6, ông Nguyễn Xuân Phúc đến dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam. Sự kiện này được đánh giá là quy mô lớn nhất từ trước đến nay mà Việt Nam tổ chức tại Nhật Bản.
Tin cho biết hội nghị có sự tham dự của 1600 đại biểu, doanh nghiệp; trong số này có 200 đại biểu doanh nghiệp Việt Nam.
Phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến Đầu tư Việt Nam vừa nêu, ông Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại thời kỳ các thương nhân Xứ Phù Tang đến làm ăn tại Việt Nam, lập nên ‘thị trấn Nhật bản’ tại Hội An. Thủ tướng Việt Nam nhắc lại từ đầu thế kỷ thứ 17, Nhật Bản là một thị trường xuất khẩu quan trọng của nước Việt thời bấy giờ.
Thống kê cho thấy hiện nay Nhật Bản là quốc gia viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất cho Hà Nội, chiếm khoảng 30% tổng cam kết ODA của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam.
Nhật Bản là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai và là đối tác lớn thứ ba về du lịch, lớn thứ tư về thương mại đối với Việt Nam.
Cho đến hết năm ngoái, Nhật bản có hơn 3200 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 42 tỷ đô la Mỹ, chiếm 15% tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.
Sau hơn 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Nhật Bản trở thành đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam.
Cũng trong khuôn khổ chuyến công du Nhật Bản hiện nay của ông thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, vào chiều ngày 5 tháng 6, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, thứ trưởng Bộ Quốc Phòng Việt Nam có buổi làm việc với người tương nhiệm phía Nhật là thứ trưởng quốc phòng Ro Manabe.
Tại cuộc làm việc, hai phía đồng ý tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực đào tạo, trao đổi kinh nghiệm về hoạt động giữ gìn hòa bình Liên Hiệp Quốc, khắc phục hậu quả chiến tranh thông qua công tác xử lý bom, mìn; tẩy rửa chất hóa học/dioxin, an ninh mạng, an ninh biển…
Phía đoàn Việt Nam do ông thứ trưởng quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh đại diện đưa ra đề nghị phía Nhật xem xét hỗ trợ ODA để Việt Nam thực hiện hợp tác thử nghiệm công nghệ xử lý chất độc hóa học/dioxin tại Sân bay Biên Hòa, giúp Việt Nam thực hiện các dự án rà phá bom min còn lại sau chiến tranh.
Hai đoàn đánh giá cao việc Việt Nam và Nhật bản ký công hàm trao đổi cho dự án Bảo đảm an toàn và an ninh hàng hải nhân chuyến công du Nhật bản của ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; theo đó phía Nhật Bản cam kết cung cấp ODA đóng mới 6 tàu tuần tra cho Cảnh sát Biển Việt Nam.
Nhân dịp này hai phía cũng đồng ý cần tiếp tục thúc đẩy triển khai các nội dung của Bản Ghi nhớ về hợp tác và trao đổi quốc phòng song phương Việt- Nhật ký năm 2011.
http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/vns-pm-visits-jp-06052017081130.html
Việt Nam: Luật về hội lại bị hoãn vì “nhạy cảm”
Trong phiên họp toàn thể lần thứ 5 ngày 13/04/2017, Ủy Ban Pháp Luật Quốc Hội quyết định hoãn dự luật về lập hội, theo đề nghị của chính phủ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao cho bộ trưởng Tư Pháp chuẩn bị báo cáo của chính phủ để giải trình lý do tại sao chính phủ chưa trình Quốc Hội dự luật này. Chưa biết chính phủ sẽ giải thích như thế nào, nhưng quyết định này đã một lần nữa gặp phản ứng bực tức từ một số đại biểu Quốc Hội, bởi vì kỳ trước chính phủ đã nói cần thời gian để hoàn thiện đạo luật, thế mà kỳ họp này vẫn chưa làm.
Vào tháng 10 năm 2016, khi giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết rằng “mục tiêu quan trọng khi xây dựng Luật về Hội là Nhà nước bảo đảm và tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân lập hội theo quy định của Hiến Pháp”. Nhưng lấy lý do là có quá nhiều ý kiến khác nhau về các điều của dự luật, ông Tân nói rằng Ban soạn thảo xin thêm thời gian “nghiên cứu, hoàn chỉnh, trình dự thảo trong kỳ họp sau”.
Chính phủ Việt Nam đã bắt đầu soạn thảo dự luật về lập hội ngay từ đầu thập niên 1990. Dự luật này đã được đưa vào chương trình nghị sự của Quốc Hội từ cách đây 10 năm, nhưng lần nào cũng bị xếp vào ngăn kéo. Vậy những nguyên nhân nào khiến quyền căn bản đó của người dân tiếp tục bị treo như vậy? Sau đây mời quý vị nghe ý kiến của đại biểu Quốc Hội Dương Trung Quốc:
Đại biểu Quốc Hội Dương Trung Quốc31/05/2017Nghe
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20170605-luat-ve-hoi-lai-bi-hoan-vi-%E2%80%9Cnhay-cam%E2%80%9D