Tin Việt Nam – 05/03/2017
Biểu tình đòi Formosa rút khỏi Việt Nam
Chân Như, RFA
Đáp ứng lời kêu gọi đồng loạt biểu tình phản đối Formosa, sáng Chủ Nhật 05/03/2017 người dân Việt Nam tại nhiều nơi đã xuống đường tuần hành, với các khẩu hiệu yêu cầu Formosa rút khỏi Việt Nam.
Tại Nghệ An, tin cho hay hàng ngàn tín hữu Công giáo thuộc hai xứ Phú Yên và Mành Sơn ngay từ sáng đã tuần hành bằng xe máy sang hiệp thông với đồng đạo tại xứ Song Ngọc. Linh mục Đặng Hữu Nam cho Đài Á Châu Tự Do biết:
“Sáng nay sang đến Song Ngọc chúng tôi dâng lễ hiệp thông cầu nguyện cho công lý hoà bình. Sau thánh lễ chúng tôi xuống đường tập trung tại xã Quỳnh Ngọc độ hơn 5.000 người, biểu tình kêu gọi Fornosa cút khỏi Việt Nam. Sau đó chúng tôi chia tay nhau và về đến nhà cách đây khoảng 5 phút. Trên đường đi cũng có rất nhiều an ninh sắc phục cơ động an ninh chìm nhưng không cản trở”.
Bà con tự giác và lời kêu gọi toàn nước phải đứng dậy ngày 5/3 nên bà con thúc giục nhau đứng dậy.
Một phụ nữ Vũng Áng
Cũng trong sáng Chủ nhật, gần 1.000 người dân giáo xứ Đông Yên tại Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh tập trung trước cổng nhà máy gang thép Formosa, yêu cầu công ty Formosa rút khỏi việt Nam. Một phụ nữ tham dự cuộc tuần hành chia sẻ với chúng tôi qua điện thoại:
“Bà con tự giác và lời kêu gọi toàn nước phải đứng dậy ngày 5/3 nên bà con thúc giục nhau đứng dậy. Hiện tại bà con đang ở giữa cổng công ty Formosa và bà con đang đọc kinh và cầu nguyện. An ninh không đàn áp, công an xã thì rải rác, còn cơ động thì đứng trong công ty còn dân ở phía ngoài”.
Tại Sài Gòn vào lúc 7:45 sáng khoảng gần 200 người chia thành nhiều nhóm đã có mặt trước khuôn viên Nhà thờ Đức Bà. Một nhóm chừng vài chục người hô to những khẩu hiệu yêu cầu Formosa cút khỏi Việt Nam, sau đó đã bị giải tán ngay lập tức bởi an ninh và cảnh sát chìm. Một số người tiếp tục biểu tình bằng cách ngồi xuống và hô tô bằng tiếng Anh ‘Formosa gets out’ và hát bài ‘Trả lại đây’.
Lực lượng chức năng dùng loa phóng thanh kêu gọi mọi người giải tán. Cuộc biểu tình diễn ra ngắn ngủi vì bị đàn áp. Một số người bị bắt đưa lên xe và các nhóm tham gia bị giải tán. Một bạn trẻ có mặt tại chỗ cho biết:
“Nhóm bên em họ bắt khoảng 20 nguòi đưa lên xe buýt, họ đàn áp rất dã man”.
Nhóm bên em họ bắt khoảng 20 nguòi đưa lên xe buýt, họ đàn áp rất dã man.
Một bạn trẻ Sài Gòn
Tại Biên Hoà, Đồng Nai cũng có một số nhóm xuống đường với khẩu hiệu kêu gọi đuổi Formosa ra khỏi Việt Nam.
Trong khi đó tại Hà Nội, nhiều nhà tranh đấu bị an ninh chốt chặn không cho ra khỏi nhà. Blogger Nguyễn Tường Thụy cho biết ông cũng dự định xuống đường nhưng bị an ninh ngăn chặn ngay từ rất sớm:
“Nó chặn không biết từ bao giờ. Sáng nay ra nó đứng đầy ở đấy, chú định xuống đường nhưng canh thì sao đi được”.
Tình trạng ngăn chặn cũng xảy ra ở Sài Gòn. Tin ghi nhận lực lượng cảnh sát cơ động và cảnh sát giao thông được triển khai rất đông, ngăn chận các ngã đường vào trung tâm thành phố, khiến một số người muốn tham gia biểu tình nhưng không thể vào được.
http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/protests-gainst-formosa-in-vietnam-03052017011914.html
Luật sư Malaysia tới gặp gia đình Đoàn Thị Hương
Luật sư người Malaysia hôm 4/3 đã tới Nam Định gặp gia đình nữ nghi phạm trong vụ ám sát anh trai của lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un, để hỏi về cuộc sống và các mối quan hệ của cô Đoàn Thị Hương, báo chí trong nước đưa tin.
Báo điện tử VnExpress cho hay rằng cha của cô Hương đã viết thư và nhờ luật sư Selvam Shanmugam cầm về Malaysia đưa cho con gái.
Một số tờ báo Việt Nam khi đưa tin về cuộc gặp giữa ông Shanmugam và gia đình cô Đoàn Thị Hương vẫn dùng tên nạn nhân trong vụ sát hại ở phi trường quốc tế Kuala Lumpur là “Kim Chol”, tên trên giấy tờ giả mà ông Kim Jong Nam sử dụng.
Tờ Tuổi Trẻ đưa tin rằng ông Shanmugan ông tình nguyện bào chữa cho Đoàn Thị Hương. Ông cũng từng giúp đỡ cho nhiều ngư dân Việt trong các vụ bắt giữ tàu Việt Nam tại Malaysia, tin cho hay.
Ông Shanmugam là luật sư duy nhất cùng cô Đoàn Thị Hương ra tòa hôm 1/3 để nghe cáo trạng. Sau đó, ông cho VOA Việt Ngữ biết rằng nghi phạm người Nam Định nói “tôi vô tội”.
Theo luật sư người Malaysia, tòa cũng ra lệnh gia hạn giam giữ cô Hương cho tới ngày ra tòa tiếp theo vào ngày 13/4.
Cô Đoàn Thị Hương và nữ nghi phạm người Indonesia Siti Aishah bị cáo buộc sát hại ông Kim Jong Nam hôm 13/2 trong cuộc tấn công chớp nhoáng sử dụng chất độc thần kinh VX. Tuy nhiên, hai cô gái khai rằng họ tưởng tham gia một trò chơi vô hại trên truyền hình.
Luật sư Việt Nam và Indonesia cho VOA Việt Ngữ hay rằng chính quyền Hà Nội và Jakarta nên bắt tay hợp tác để bảo vệ hai nữ công dân bị cáo buộc ám sát anh trai của lãnh tụ Bắc Hàn để họ “được xét xử công bằng” và “không bị xử oan”.
Theo báo chí trong nước, Malaysia và Việt Nam chưa ký hiệp ước tương trợ tư pháp nên các luật sư Việt Nam không thể tham gia bào chữa cho cô Hương.
Luật sư Swandy Halim, đại diện phía Indonesia trong Hội Luật gia ASEAN (ALA), cho rằng chính phủ Việt Nam và Indonesia “nên phối hợp với nhau để bảo vệ công dân hai nước trong vụ án” cũng như giúp “đảm bảo sự công bằng trong quá trình xét xử”.
Luật sư này cho biết rằng chính phủ Indonesia đã “tích cực tham gia hỗ trợ công dân” như “trợ giúp về mặt ngoại giao hay chỉ định luật sư ở địa phương tham gia quá trình tố tụng”.
Ông cũng cho hay rằng ALA có thể giúp bào chữa miễn phí cho cô Hương sau khi gia đình cô nói “không có tiền thuê luật sư”.
http://www.voatiengviet.com/a/luat-su-malaysia-toi-gap-gia-dinh-doan-thi-huong/3750358.html
Biểu tình hôm 5/3 ‘không như mong đợi’
Linh mục được cho là phát động cuộc biểu tình toàn quốc hôm 5/3 nói với BBC về “hiệu ứng không như mong đợi” trong lúc một nhà hoạt động nói ông không đồng tình vì “những lời kêu gọi vu vơ”.
Sáng 5/3, hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy biểu tình diễn ra tại Vũng Áng, Hà Tĩnh, Nghệ An, Vinh, TP Hồ Chí Minh…
Trước đó, trên mạng xã hội có lời kêu gọi biểu tình mọi Chủ Nhật và ngày nghỉ suốt năm 2017, bắt đầu từ hôm 5/3/2017 được cho là phát xuất từ Linh mục Thadeus Nguyễn Văn Lý, một cựu tù nhân chính trị.
Nghệ An: ‘hàng trăm người’ đi kiện Formosa
Báo trong nước im lặng vụ Formosa
Nhà hoạt động Dương Đại Triều Lâm, thành viên Mạng lưới Blogger Việt Nam nói với BBC: “Cuộc biểu tình yêu cầu đóng cửa Formosa diễn ra sáng 5/3 tại khu vực Nhà thờ Đức Bà, quận 1, TP Hồ Chí Minh được khoảng 10 phút thì bị chính quyền can thiệp.”
“Khoảng 100 người tham gia sự kiện này.”
“Họ cầm biểu ngữ và hô vang những khẩu hiệu: “Formosa cút khỏi Việt Nam, Yêu cầu đóng cửa nhà máy Formosa…”
“Tôi chứng kiến những người bị bắt lên xe buýt, đưa đi.”
Còn tại Hà Tĩnh, nhà hoạt động Paulus Lê Văn Sơn cho biết: “Đến 11:20, người dân vẫn đang tọa kháng tại trước cổng công ty Formosa. An ninh, công an, cảnh sát cơ động được bố trí dày đặc và khắp nơi.”
Cũng có ý kiến trên mạng xã hội hôm 5/3 về việc xuất hiện một số hình ảnh, clip biểu tình được cho là đã diễn ra hồi năm ngoái và được đăng tải lại nhằm “gây nhiễu thông tin”.
‘Vấn đề tế nhị’
Hôm 5/3, trả lời BBC từ Nhà Hưu dưỡng Tổng Giáo phận Huế, Linh mục Thadeus Nguyễn Văn Lý nói: “Tôi xác nhận mình là người thay mặt cho Tập Hợp Quốc Dân Việt kêu gọi biểu tình ôn hòa đồng loạt toàn quốc mỗi Chủ nhật từ hôm 5/3.”
“Vì một số vấn đề tế nhị nên tổ chức này tạm thời ẩn danh, chưa thể ra mặt.”
“Nhưng tôi không phải là người điều hành khối người này.”
“Bản thân tôi hôm nay cũng không tham dự biểu tình được do đã bị chặn lại, không cho ra khỏi sân Nhà Hưu dưỡng từ hôm qua.”
“Chính quyền cho người chặn xe, giật cờ ngũ sắc, biểu ngữ chống Trung Quốc và có hai viên công an đến ‘thăm’ tôi từ 6:00 đến 12:00 hôm nay tại Nhà Hưu dưỡng.”
Linh mục cũng nói thêm: “Có thể hôm nay cuộc biểu tình không diễn ra đông đảo như mong đợi nhưng dân tộc Việt Nam không còn lựa chọn nào khác.”
“Dù thất bại, khó khăn bước đầu nhưng tôi rằng những cuộc biểu tình lần tới sẽ tập hợp người dân trên toàn quốc đông hơn.”
‘Dối trá có chủ đích’
Cùng ngày, trả lời BBC từ Hà Nội, nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng nói: “Tôi tôn trọng quyền biểu tình của tất cả mọi người nhưng không đồng tình với lời kêu gọi biểu tình vu vơ từ hôm 5/3 từ những người ẩn mặt, mượn lời cha Lý đưa ra.”
“Là một người từng gánh chịu đàn áp, bắt bớ do đi biểu tình, tôi thấy biểu tình ở Việt Nam rất phức tạp.”
“Nếu không có người tổ chức công khai chịu trách nhiệm, không có kế hoạch rõ ràng thì những người tham gia có nguy cơ không được bảo vệ khi bị hành hung, câu lưu.”
“Tôi cũng không chấp nhận ai đó sử dụng phong trào đấu tranh cho những lợi ích đằng sau của những nhóm nào đó.”
“Nếu ai đó nói những giáo dân miền Trung biểu tình hôm nay là làm theo lời kêu gọi biểu tình nêu trên thì đó là sự nhập nhằng, đánh đồng.”
“Do biểu tình là công việc thường xuyên của giáo dân và họ không cần ai kêu gọi.”
“Còn về việc một số hình ảnh, clip biểu tình cũ xuất hiện trong ngày 5/3, theo tôi đấy là sự dối trá có chủ đích.”
“Những người làm việc này hẳn muốn lừa dối đám đông, khiến người ta mất niềm tin vào phong trào đấu tranh.”
“Dù sao thì tôi vẫn tin rằng qua sự việc đáng tiếc hôm nay, người dân sẽ rút ra kinh nghiệm cho những lần biểu tình về sau.”
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-39152175
Trao đổi Thư tín: Tuần của sự hoài nghi
Hòa Ái, RFA
Sát thủ hay nạn nhân?
Đoàn Thị Hương, một phụ nữ quốc tịch Việt Nam, được dư luận trong và ngoài nước đặc biệt chú ý những ngày qua vì cô có thể đối mặt với án tử hình tại Malaysia do tham gia trong vụ ám sát gây chấn động thế giới, bởi nạn nhân là anh trai cùng cha khác mẹ của Lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-Un.
Qua tấm hình nghi phạm Đoàn Thị Hương rời phiên tòa tại Sepang vào hôm mùng 1 tháng 3 năm 2017 với tay bị còng; gương mặt phờ phạc và ánh mắt mệt mỏi, thất thần, đầy tuyệt vọng; rất nhiều khán thính giả cùng độc giả RFA bày tỏ nỗi xót xa cho thân phận lẽ loi của người con gái Việt Nam bị vướng vào vụ án tội phạm quốc tế. Thính giả Đoàn Kiến Xương chia sẻ “Nếu Hương là kẻ mưu sát thật thì Hương có thâm thù gì với người bị hại? Nếu không thù oán, tất nhiên Hương đã bị dụ dỗ lôi kéo. Vậy ai hoặc tổ chức nào đứng đằng sau vụ này”?
Theo khai báo của nghi phạm Đoàn Thị Hương được truyền thông Malaysia loan tải thì cô nói rằng đã bị lừa trong vụ giết người ở sân bay Kuala Lumpur hôm 13 tháng 2 vì cô tin rằng mình đang tham gia một chương trình truyền hình thực tế. Nhiều thính giả lên tiếng thật tội nghiệp cho cô Hương như thính giả Minh Duc Luong nói là “Thương cho một kiếp người dù bị lừa hay không. Nguyên nhân chính cũng vì kiếm tiền để lo cho cuộc sống”. Tiếp theo trong chương trình, Hòa Ái trích đăng một vài ý kiến liên quan:
“Nhìn mặt cô gái này và nghe hoàn cảnh gia đình có thể nhận thấy cô ta tuổi trẻ, non kinh nghiệm sống hoặc có thể nói là ngu ngơ, ngờ nghệch, không lường trước được sự đời, có thể đã nhẹ dạ và tin vào điều gì đó rồi xảy ra cớ sự. Không rõ cô ta có bị oan uổng hay bị lừa gạt gì không? Một bài học rõ ràng cho bất kỳ ai, bất kỳ thanh niên nào bước chân vào đời.”
“Có thể nói đây là một cô gái ham chơi và bị đặc vụ nước ngoài lợi dụng. Có điều cô ta không biết người mình giết hại là ai. Sự thiếu hiểu biết vô tình mang đến hậu qủa này là đương nhiên. Cô ấy không thể là đặc vụ như nhjều người vẫn tưởng bởi khi đã ra khỏi hiện trường rồi, người có nghề sẽ cải trang và trà trộn vào vô số người Việt Nam đang ở Malaysia. cô ấy non nớt đến mức độ quay lại sân bay khi mà ở đó có rất nhiều mật vụ đang tìm kiếm. Nên đây chỉ là một cô gái ham chơi, không hiểu biết và bị gài bẫy, tất cả tội mình làm mình phải chịu.”
“Cô Hương một mình đi sát hại nạn nhân hay sao? Phải có thế lực mưu sát chính trị to lớn và tinh vi đứng phía sau. Cô Hương cũng chỉ bị lôi kéo lợi dụng là con tốt thí mà thôi. Bây giờ sự đã rồi, không cần suy xét hay hỏi tại sao. Tội hay không, tòa án Malaysia sẽ xử theo luật pháp của họ. Nhưng Chính phủ Việt Nam phải tận dụng mọi khả năng pháp lý bào chữa giúp đỡ công dân của mình đến cùng, cho dù có bị kết án tử hình đi nữa.”
Bên cạnh những lời kêu gọi Chính phủ Hà Nội phải có trách nhiệm giúp đỡ công dân Việt Nam cũng như cộng đồng người Việt trợ giúp tinh thần và pháp lý cho cô Hương vì tình đồng bào, Hòa Ái cũng ghi nhận không ít quý thính giả Đài Á Châu Tự Do nặng lời chỉ trích việc làm của nghi phạm Đoàn Thị Hương, cho rằng “phải trả giá cho việc hư hỏng, tham lam”, “giết người phải đền mạng” trước thông tin giới chức Malaysia cho biết 2 nghi phạm nữ giới được huấn luyện và được trả tiền trong vụ ám sát. Thính giả Trân Châu quả quyết “Giết người không quen không biết vì tiền chẳng khác nào kẻ đâm thuê, chém mướn. Đó là tội ác khó tha”. Ngoài ra, một số thính giả lại tán dương cô Đoàn Thị Hương vì cô được thế giới biết đến như một sát thủ chuyên nghiệp. Thính giả lấy tên Vô Danh viết trên trang Facebook RFA “Dạo này họ Đoàn nổi tiếng quá! Nào là Đoàn Thị Hương đi làm sát thủ thuê. Nào là ông Đoàn Ngọc Hải hăng hái đi dẹp vỉa hè Quận 1 với tuyên bố hùng hồn ‘không dẹp được, tôi cởi áo về vườn’”.
Dẹp vỉa hè đúng luật?
Dạo này họ Đoàn nổi tiếng quá! Nào là Đoàn Thị Hương đi làm sát thủ thuê. Nào là ông Đoàn Ngọc Hải hăng hái đi dẹp vỉa hè Quận 1 với tuyên bố hùng hồn ‘không dẹp được, tôi cởi áo về vườn’
-Thính giả RFA
“Làm mạnh tay quá suy ra làm lố. Theo luật thì đã thấy không đúng trình tự rồi.”
Đây là một ý kiến của thính giả RFA về chiến dịch giành lại vỉa hè với quyết tâm của ông Phó Chủ tịch Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh-Đoàn Ngọc Hải. Chiến dịch này gây nên hai luồng ý kiến đối nghịch nhau. Những người ủng hộ ông Hải vì cho rằng ông nói là làm, ông xông xáo mạnh tay xử lý nghiêm khắc những sai phạm trật tự đô thị trong phạm vi của quận. Tuy nhiên, việc làm đó của ông Đoàn Ngọc Hải gặp phải sự phản đối do ông làm sai luật. Thính giả Hồ Như Hải nhắn với ông Hải rằng “Tôi hiểu và đồng tình việc đòi lại vỉa hè cho người dân. Nhưng không phải xử lý vi phạm bằng một vi phạm ngông nghênh, coi thường luật lệ pháp luật”. Thính giả Đỗ Đen lập luận “Cái vỉa hè giờ không còn là câu chuyện lấn chiếm, cần được giải phóng, trả lại cho người đi bộ theo đúng nghĩa của nó mà nó đang phơi bày sự yếu kém, quan liêu, trì trệ, bảo thủ của một số cán bộ công chức nhà nước”. Trong khi đó, thính giả Phu Cuong Nguyễn lại thấy một hiện tượng rất lạ lùng qua chiến dịch dẹp vỉa hè do ông Đoàn Ngọc Hải thực hiện:
“Tại Việt Nam, khi một ông quan cố làm cho tốt công việc mà bản chất thật sự công việc họ làm chỉ là công việc hiển nhiên của một người cán bộ nhà nước thì than ôi hàng trăm hàng ngàn người tán dương tâng bốc. Phải chăng ở xứ sở này có quá hiếm những hành động như vậy, nên bất chợt làm cho mỗi người dân thấy nó như một việc gì lớn lao mà tưởng chừng như không thể thực hiện. Phải chăng người dân đã quen và nghiễm nhiên chấp nhận một cách phục tùng dù chính quyền đúng hay sai? Hiện tượng ông phó chủ tịch quận đang thực hiện trách nhiệm của ông ta đột nhiên trở thành một hiện tượng lạ như câu chuyện ở xứ sở mù thì thằng cận thị là kẻ sáng mắt nhất”.
Trước những ý kiến trái chiều liên quan chiến dịch giải tỏa vỉa hè mà ông Phó Chủ tịch Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh đáng ráo riết “ra quân” với kỳ vọng khu trung tâm Sài Gòn thành “Singapore thu nhỏ”, thính giả Hanhtruc Vo tin là hàng triệu người dân sẽ vô cùng biết ơn ông Đoàn Ngọc Hải nếu như ông kiến nghị với chính phủ cho phép ông dẹp nhà máy Formosa Hà Tĩnh.
Trứng ruốc hay tảo nở hoa?
Trong tuần qua, dư luận trong nước một lần nữa sôi sục vì những lời giải thích của giới chức địa phương về các dải nước màu đỏ xuất hiện ở vùng biển Cảng Vũng Án và Cảng Sơn Dương-Hà Tĩnh, Chân Mây-Lăng và Bán đảo Sơn Trà-Đà Nẵng. Người dân Việt Nam mong muốn chính phủ đóng cửa nhà máy thép Formosa sau sự cố thảm họa môi trường ở 4 tỉnh Bắc Trung bộ do nhà máy này xả thải có độc tố ra biển hồi tháng 4 năm ngoái. Chưa tròn một năm, khu vực biển miền Trung lại xuất hiện các dải nước màu đỏ gây hoang mang trong dân chúng. Giới chức địa phương lên tiếng khẳng định đây là hiện tượng thủy triều đỏ hay còn gọi là tảo nở hoa và trứng ruốc đỏ mặt biển, báo hiệu của một mùa ruốc bội thu. Một số thính giả Đài Á Châu Tự Do thắc mắc về tính thực hư của những lời giải thích vừa nêu. Thính giả Thuyen Nguyen đặt câu hỏi rằng “Cá và hải sản vùng biển miền Trung chết dạt vào bờ còn ruốc thì sinh sôi nảy nở. Vậy, liệu rằng có phải do chất thải của nhà máy Formosa xả ra biển khiến cho ruốc phát triển nhanh như thế hay không?” Thính giả Le An thì không hiểu tại sao chính quyền Việt Nam cứ bào chữa hết lý do này đến lý do khác như vậy.
Cá và hải sản vùng biển miền Trung chết dạt vào bờ còn ruốc thì sinh sôi nảy nở. Vậy, liệu rằng có phải do chất thải của nhà máy Formosa xả ra biển khiến cho ruốc phát triển nhanh như thế hay không?
-Thính giả RFA
Và, không ít thính giả từ Việt Nam chia sẻ với RFA rằng những ngày đầu tháng 3 năm 2017, họ mong sao có một phép nhiệm màu nào đó giúp cho cô Đoàn Thị Hương thoát được án tử hình vì việc làm nông nỗi của mình; giúp cho không chỉ ông Đoàn Ngọc Hải mà mỗi một giới chức lãnh đạo tại Việt Nam xốt xắng lo cho dân cho nước trên tinh thần thượng tôn pháp luật; cũng như giúp cho mỗi sớm mai thức dậy, người dân không phải phập phồng lo lắng bị trở thành nạn nhân của những cái chết mang tên “đúng quy trình”.
Hòa Ái đặc biệt lưu ý đối với quý thính giả tại Hoa Kỳ nghe chương trình phát thanh của đài qua điện thoại. Hiện Đài RFA có 2 số điện thoại để nghe các chương trình Việt ngữ của đài. Số điện thoại mới nhất là số 641-552-5011. Riêng, quý vị nào sử dụng dịch vụ viễn liên của công ty T-Mobile, quý vị goị vào số 360-398-4204.
Quý thính giả Đài Á Châu Tự Do trên toàn thế giới có thể nghe các chương trình phát thanh bằng điện thoại di động một cách dễ dàng và bất cứ lúc nào qua RFA Mobile Streamer App. Quý vị có thể sử dụng RFA Mobile Streamer App, miễn phí cho cả IOS và Android. Quý thính giả cũng có thể chia sẻ các chương trình phát thanh ưa thích qua email, twitter, facebook, Google + và các công cụ mạng xã hội khác.
Quý khán thính giả và độc giả có thể liên lạc qua email tại địa chỉ vietweb@rfa.org hoặc hoaai@rfa.org, hoặc qua hộp thư thoại tại số 202-530-7775 về các vấn đề quý vị quan tâm.