Tin Việt Nam – 05/01/2017
Vì sao liên tục có nghi án công an đánh chết dân?
Cát Linh, phóng viên RFA
Chỉ trong 3 ngày đầu tiên của năm 2017 đã xảy ra hai sự việc liên quan đến hành xử của những người mặc sắc phục công an gây phẫn nộ trong dư luận cả nước, đặc biệt là cộng đồng mạng.
Đuổi và đánh
Một đoạn video nhanh chóng được lan truyền khắp cộng đồng mạng vào rạng sáng ngày 2 tháng 1 cho thấy hình ảnh hai người mặc sắc phục công an bị người dân địa phương bắt giữ và hành hung 2 thành viên trong tổ tuần tra, bắt hai người này quỳ gối xin lỗi trước thi thể một thanh niên đã tử vong.
Sự việc này được cho là liên quan đến công an tỉnh Bình Định trong lúc thực hiện công tác tuần tra, truy bắt một nhóm người chơi bầu cua ở xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Người tử vong là Phạm Đặng Toàn, 24 tuổi.
Theo lời của ông Phạm Đặng Tiến, anh trai nạn nhân thuật lại là nhóm người này không phải tụ tập để đánh bạc lớn, chỉ là hình thức trò chơi “bầu cua cá cọp”
Theo tôi được biết, cảm nhận cá nhân cũng như quá trình làm việc, kinh nghiệm cho thấy những vụ việc này đa số là bên phía nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng không khởi tố, bưng bít thông tin, bao che.
– Luật sư Võ An Đôn
“Đại khái không phải là đánh bạc gì lớn, mà là đánh bầu cua nhỏ nhỏ, 10 ngàn, 20 ngàn. Khi công an ập vô, nó (người thiệt mạng) có tiền nhiều, nó sợ công an bắt nó nên nó chạy trốn. công an rượt theo đánh nó.”
Nhiều báo chí trong nước ngay sau đó loan tin này, cùng với tường trình sự việc là Tổ công tác Công an Huyện Tuy Phước đi tuần tra trên các đoạn đường thuộc địa bàn huyện. Đến 22 giờ 15 phút cùng ngày, Tổ tuần tra phát hiện một nhóm thanh niên khoảng 20 – 30 người đang tụ tập tại khu vực chợ Định Thiện đang đánh bầu cua.
Trong một diễn tiến khác xảy ra ngay ngày đầu năm mới được cộng đồng mạng truyền nhau nhanh chóng, vào lúc 0 giờ 24 phút ngày 1/1/2017, tại cổng B trường đại học Cần Thơ đường 3/2; phường Xuân Khánh; Quận Ninh Kiều; thành phố Cần Thơ, một thanh niên bị cho là ngừng xe trên đường gây lấn chiếm lòng lề đường bị 2 cảnh sát cơ động đánh gây tổn thương nặng.
Bao che, bưng bít
Sự việc trên hoàn toàn không được báo chí trong nước nhắc đến.
Còn đối với cái chết của nạn nhân Phạm Đặng Toàn thì cách truyền tin của báo chí trong nước về sự việc này đã đẩy sự phẫn nộ của người dân lên đến tột đỉnh.
Thiếu tướng Nguyễn Bá Nhiên, giám đốc Công an tỉnh Bình Định được trích dẫn bởi những truyền thông chính thống nói rằng, Trung tâm Pháp y tỉnh đã khám nghiệm tử thi để điều tra nguyên nhân cái chết của anh Toàn. Và theo kết quả mới nhất được loan đi ngày 4 tháng 1 kết luận rằng, nạn nhân Phạm Đặng Toàn chết do chạy quá sức.
Anh của nạn nhân Toàn kể lại:
“Sáng nay khám nghiệm tử thi xong rồi thì công an tỉnh Bình Định nói là đem về tỉnh để xét xử nhưng mà có xét xử hay không cũng không biết rõ được.”
Luật sư Võ An Đôn cho biết gia đình nạn nhân ngay sau xảy sự việc có liên lạc với ông để trình bày, và ông sẽ sẵn sàng hỗ trợ pháp lý miễn phí cho gia đình nếu cần thiết.
Tuy nhiên, ông không nghĩ rằng pháp luật sẽ đứng về phía gia đình nạn nhân, cho dù theo ông, trong suốt thời gian qua đã xảy ra rất nhiều vụ việc công an đánh chết dân ở nhiều nơi:
“Nhưng khi báo chí đăng rồi, trang mạng lên thì không thấy các cơ quan nhà nước vào cuộc. Mà đã vào cuộc rồi thì cũng im xuôi. Theo tôi được biết, cảm nhận cá nhân cũng như quá trình làm việc, kinh nghiệm cho thấy những vụ việc này đa số là bên phía nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng không khởi tố, bưng bít thông tin, bao che. Và chính tình trạng bao che này nên xảy ra tình trạng đánh chết dân là tất nhiên rồi.”
Ngày sau khi câu chuyện nghi án công an Bình Định đánh chết người được lan truyền khắp mạng xã hội cùng với phản ứng mạnh mẽ của người dân, bà Nguyễn Thị Thắm, người đưa đoạn phim lên trang facebook cá nhân đã lên tiếng xin lỗi cộng đồng mạng với lý do đưa tin sai sự thật. Bà Thắm thừa nhận mình là người quay và đăng tải 2 đoạn phim ngắn cảnh 2 công an huyện Tuy Phước bị hành hung.
Tuy nhiên, điều này lại một lần nữa làm cộng đồng mạng nổi giận với hàng loạt những chia sẻ cho thấy họ không tin đây là hành động được thực hiện bởi chủ ý cá nhân của bà Thắm.
Khó giải quyết
Những lý do khác khiến người dân ngày càng bức xúc là những câu chuyện liên quan đến hành xử của công an trong lúc thực hiện việc được gọi là “thi hành công vụ” hoặc người dân tử vong sau khi ra khỏi phường, nhập viện sau khi lên phường làm việc đã không được điều tra và có câu trả lời thoả đáng. Hầu như tất cả nghi án đều đi đến một kết luận là vụ việc đang được tiến hành điều tra, hoặc người bị tố thực hiện hành vi đó bị đình chỉ công tác.
Anh Võ Hướng, người bị công an huyện Tuy Đức đánh liệt nửa người vì cho là có liên quan đến vụ ghi số đề tại nhà vào ngày 8 tháng 11 năm 2016 cho biết, sau 3 tháng, chính quyền địa phương vẫn đang điều tra, chưa thấy thông báo gì cho gia đình.
“Cách đây khoảng 1 tuần 10 ngày, người ta có mời người nhà ra làm việc, hỏi thì người ta nói là đang trong quá trình điều tra, chưa có hồ sơ gì cả.”
Nhưng sau khi lý luận một hồi, tôi vẫn cứ đi thì họ xô vào và nói tao là côn đồ đây, mày không được đi. Đi ra là đánh.
– Luật sư Lê Quốc Quân
Luật sư, tù nhân lương tâm Lê Quốc Quân nói rằng ông rất lo ngại khi những câu chuyện tương tự như thế diễn ra ngày càng phức tạp hơn.
“Bất cứ nơi đâu còn việc đánh thì nó đánh, nó đánh cả luật sư Nam, luật sư Quân. Nhiều thứ nó gây chìm xuồng lắm.”
Ông nhận xét về những hành vi của lực lượng công an là “sự ngang nhiên không có pháp quyền và vô pháp luật.”
Luật sư Quân cho biết rất khó để mà giải quyết vì trong con người đó và chính lời của họ nói ra, họ đã thừa nhận mình đang phục vụ cho một hệ thống không có pháp luật. Trong hệ thống đó, công an và côn đồ, không phân biệt được.
Kể lại một sự việc đã xảy ra khi ông nhận lời mời đến buổi chiêu đãi ở Đại sứ quán Mỹ, ông đã bị ngăn chặn bởi lực lượng công an. Lúc đầu là những lời lẽ rất lịch sự bởi những người xưng là công an. Nhưng sau đó:
“Nhưng sau khi lý luận một hồi, tôi vẫn cứ đi thì họ xô vào và nói tao là côn đồ đây, mày không được đi. Đi ra là đánh.”
Cho đến giờ phút này, chưa có kết luận nào khác do cơ quan chức năng đưa về vụ việc của nạn nhân Phạm Đặng Toàn ngoài kết quả “chết vì chạy quá sức.” Trong khi đó, rất nhiều ý kiến tiếp tục chia sẻ truyền nhau trên cộng đồng mạng cho biết họ đang chờ Bộ trưởng Bộ công an có câu trả lời thoả đáng cho sự việc này.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/police-brutality-n-common-pp-death-cl-01042017145005.html
Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ thăm Việt Nam tuần tới
Bộ trưởng Ngoại giao sắp mãn nhiệm của Hoa Kỳ, ông John Kerry, vào tuần tới sẽ đến thăm Việt Nam. Đây là chuyến thăm Việt Nam lần cuối của ông John Kerry trong cương vị người đứng đầu ngành ngoại giao Hoa Kỳ.
Tin này được Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh cho báo chí biết vào sáng hôm nay 5/1/2017.
Cũng theo ông Phạm Bình Minh, chuyến đi Việt Nam của ông John Kerry dự kiến đã diễn ra vào tháng 12 năm ngoái, nhưng bị hoãn lại; tuy nhiên, ngày đến cụ thể của ông John Kerry lần này chưa được cho biết rõ.
Ông John Kerry, trong vai trò Ngoại trưởng Hoa Kỳ đã nhiều lần đến thăm Việt Nam, gần đây nhất là trước chuyến công du Việt Nam của tổng thống Barack Obama, ông Kerry đã có chuyến đi gọi là “tiền trạm”.
Bản thân ông John Kerry cũng là người được nhìn nhận có nhiều đóng góp tích cực vào việc bình thường hoá quan hệ Việt – Mỹ.
Cũng tại buổi trả lời báo chí, ông Phạm Bình Minh nhắc lại cuộc điện đàm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Tổng thống đắc cử Donald Trump vào ngày 4/12, sau khi có kết quả bầu cử tổng thống Mỹ.
Theo lời ông Phạm Bình Minh thì trong buổi điện đàm, ngoài việc chúc mừng, thủ tướng Phúc còn ngỏ lời mời ông Donald Trump đến dự Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương APEC tổ chức ở Việt Nam vào cuối năm 2017.
http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/john-kerry-visit-vietnam-nextweek-01052017101123.html
TBT Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc vào tháng 1
Tổng bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng sắp thăm Bắc Kinh trong tháng này để “đưa quan hệ với Trung Quốc đi vào chiều sâu”.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết chuyến thăm chính thức Trung Quốc của ông Trọng là theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Chưa rõ chuyến đi này diễn ra vào thời điểm nào và kéo dài bao lâu.
Lần cuối ông Trọng thăm Trung Quốc là vào tháng 4/2015.
Thông thường tổng bí thư đảng CSVN thăm Trung Quốc khi có các diễn biến quan trọng trong quan hệ giữa hai đảng cầm quyền hai bên.
Báo trong nước dẫn lời ông Phạm Bình Minh nói năm 2017 cũng sẽ là một năm có nhiều chuyến thăm giữa lãnh đạo Việt-Trung.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói với các nhà báo ở Hà Nội hôm thứ Năm 5/1 rằng chuyến thăm của ông Nguyễn Phú Trọng “nhằm tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc, khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ và tăng cường quan hệ với các nước, trong đó có Trung Quốc – một đối tác chiến lược quan trọng – của Việt Nam”.
Theo ông Phó Thủ tướng, chuyến thăm sắp tới “khẳng định rõ Việt Nam mong muốn đưa quan hệ với Trung Quốc thực sự đi vào chiều sâu, hiệu quả, ổn định, đảm bảo không chỉ lợi ích của hai nước mà còn đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực”.
Gần đây giới quan sát đang đưa ra cảnh báo căng thẳng trên biển giữa hai nước có thể gia tăng trước khi đảng CS Trung Quốc tổ chức Đại hội 19 vào tháng 10/2017.
Ông Tập Cận Bình được cho đang nỗ lực củng cố quyền lực trước đại hội quan trọng này.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-38522885
Nhiều người vất vả tìm mua vé tàu xe về quê ăn Tết
Phóng viên RFA tại Việt Nam
Năm nào cũng vậy, thời gian trước Tết Nguyên Đán, sinh viên người lao động từ các tỉnh lên thành phố học hành kiếm sống, đều phải chạy đôn chạy đáo tìm mua cho được chiếc vé tàu vé xe về quê ăn Tết với gia đình người thân.
Vất vả tìm chiếc vé…
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cũng như một số nhà xe thông báo bán vé về quê ăn tết trước cả vài tháng. Vài năm gần đây, việc bán vé tàu xe còn được quảng cáo thực hiện qua mạng Internet. Thế nhưng nhiều sinh viên, công nhân và dân nhập cư vẫn thấp thỏm lo âu về điều này.
“Đầu tháng 10 là em phải mua vé rồi, trong khi vé Tết là… tháng 2. Mở bán, em nhớ là khoảng ba đợt, mà chờ để mua vé được vé như ưng ý là khó lắm, phải chờ. Trường lúc đó chưa có lịch thi phải đợi khoảng gần cận ngày khoảng đầu tháng 12 trường mới có lịch thi nên vé phải đổi qua đổi lại nhiều lần, nên cũng khó khăn…
Đúng ngày, em nhớ là đúng ngày 1 tháng 10 là 8 giờ sáng là bắt đầu mở bán. Từ 8 giờ sáng em ôm laptop ra thư viện trường em bấm. Vào là em thấy mấy chặng đó màu đỏ, đỏ là không có mua được…”
Không mua được vé dù canh thời gian vừa mở bán, năm trước có rất nhiều người như Tuấn bạn em không thể mua vé tàu qua website. Thêm vấn đề nữa đó là vé giả, cách đây vài ngày có nhiều đối tượng lừa đảo bán vé giả khiến cho người mua vé mất trắng.
Cô Hồng Vân, nhân viên hỗ trợ khách hàng tại ga Sài Gòn đưa ra lời khuyên:
“Nếu mà muốn mua đúng thì tốt nhất mình nên mua trong ga… còn không thì mình vào website dsvn.vn đó là trang web chính thức của đường sắt… nhiều đại lý ở ngoài mình không có quản lý được…tốt nhất anh nên mua trong ga hoặc vào website đường sắt…”
Càng cận Tết, càng khó khăn
Công nhân, sinh viên, người xa quê đi làm cận Tết càng khó khăn hơn vì lịch làm việc, lịch thi cử đã chiếm hết thời gian đi lo vé về Tết.
“21 dương là 24 âm mới thi xong bữa cuối cùng. Trường Khoa Học Tự Nhiên hay là trường Ngân Hàng cho nên mấy bạn đó hầu như là phải đi đặt vé xe hoặc chưa biết thế nào…”
Chúng tôi gặp cô Nguyễn Thị Hồng, công nhân công ty Rosa trong khu công nghiệp Bình Tân vừa tan ca lúc 8 giờ tối, cô chia sẻ.
“Lịch ngày Tết cuối năm nó cận quá rồi, sắp xếp thời gian về…ít được về lắm. Tại cô làm ở đây lịch nghỉ tới 29 nên cô ít khi được về quê lắm. Đi hai mươi mấy năm mà mới về quê Tết được có 1,2 lần gì à…thiệt thòi ở chỗ đó, xa quê hương nó hơi bị thiệt thòi”.
Tin tức cho biết một số công ty vừa qua cũng tạo điều kiện thuê xe đưa công nhân về quê. Thực tế này có xảy ra thế nhưng chỉ rất cá biệt; nhiều người chỉ mong muốn được hỗ trợ chút ít họ cũng thấy phần nào được an ủi vì công ty quan tâm chăm sóc nhu cầu của công nhân:
“Những công ty lớn chứ công ty may đây không có đâu…năm trước có công ty Việt Tiến họ lo vé nhưng mà họ hỗ trợ thôi chứ còn lo thì họ không có lo”.
“Có chương trình này cô rất là muốn, hy vọng là sẽ giúp được những người mà hoàn cảnh khó khăn có điều kiện để về quê được càng tốt”.
Nạn chặt chem, nhồi nhét
Theo báo chí loan tin thì dịp Tết năm ngoái, nạn chặt chém, nhà xe nhồi nhét khách đường dài vẫn diễn ra. Cơ quan chức năng như Bộ Giao Thông- Vận tải cũng lên tiếng, công bố số điện thoại nóng để nạn nhân có thể báo; tuy nhiên có mấy ai may mắn được can thiệp:
“Nó cũng kẹt cho người dân nhưng cô thấy đâu ai can thiệp đâu, mình cần thì mình đi thôi. Cứ lên xe nói bao nhiêu mình đưa bấy nhiêu…không thấy nhà nước can thiệp gì hết”.
Vấn nạn ‘tàu xe ngày Tết’ tiếp tục là một chuyện dài trong muôn vàn khó khăn mà người dân Việt Nam phải gánh chịu suốt bao năm qua. Mỗi chuyến về quê của nhiều sinh viên, công nhân, người lao động… là một đoạn đường dài đau khổ; thế nhưng vì hiếu đạo, vì nổi nhớ quê nhà buộc họ phải đành chấp nhận!
http://www.rfa.org/vietnamese/reportfromvn/year-end-train-ticket-01042017152137.html
Phán đoán về chính trị Việt Nam sắp tới
Một nhà nghiên cứu lâu năm về chính trị Việt Nam vừa có bài viết tiếng Anh cho rằng đã có mâu thuẫn trong đảng và tranh đua vị trí tại Việt Nam, chưa đầy một năm sau Đại hội Đảng 12.
Đăng trên trang The Diplomat hôm 23/12/2016, Giáo sư Zachary Abuza, Học viện Quân sự Quốc gia (National War College), Hoa Kỳ, dự đoán có thể Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ nghỉ giữa nhiệm kỳ, và ông Đinh Thế Huynh, Thường trực Ban Bí thư, là ứng viên thay thế hàng đầu.
Ông cũng cho rằng ba vụ điều tra gần đây – liên quan cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận, là cách gián tiếp là suy yếu vị thế Bí thư Thành ủy TP. HCM Đinh La Thăng.
BBC có cuộc phỏng vấn với Giáo sư Zachary Abuza về những điều ông đề cập trong bài viết.
BBC:Trong bài viết mới nhất của ông, ông cho rằng ông Đinh Thế Huynh đang có nhiều cơ hội nhất để trở thành Tổng Bí thư kế tiếp tại Việt Nam. Có phải quá sớm để nhận định như vậy?
Có thể còn sớm, và tôi có thể sai, nhưng theo tôi, tình hình đang diễn biến theo chiều hướng này.
Ông Nguyễn Phú Trọng được bầu lại thêm một nhiệm kỳ, nhưng quan điểm đồng thuận dường như cho rằng ông ấy sẽ chỉ ở lại nửa nhiệm kỳ.
Khó thấy còn ai khác đang rất nhiều cơ hội để thay ông Trọng giữa nhiệm kỳ. Tôi đoán là ông Trần Đại Quang đang chờ đến Đại hội Đảng 13. Tôi không nghĩ rằng có ai đó dành nỗ lực chính trị để ngăn ông Huynh lúc này.
BBC:Bằng chứng nào để ông nghĩ rằng ông Nguyễn Phú Trọng sẽ nghỉ giữa nhiệm kỳ?
Không hoàn toàn chắc chắn, nhưng có lẽ ông ấy sẽ nghỉ. Ông Trọng sinh năm 1944, tương đối già hơn so với người nhiều tuổi thứ hai trong Bộ Chính trị. Đảng Cộng sản có lý do khi họ đề ra mức giới hạn tuổi khi chọn nhân sự.
BBC:Bài viết của ông có đề cập đến Chủ tịch nước Trần Đại Quang, mà một số người cũng đồn đoán là ứng cử viên cho chức Tổng bí thư. Đánh giá của ông?
Tôi đồng ý là ông Quang có nhiều triển vọng. Ông đã mở rộng kinh nghiệm công tác, ra ngoài Bộ Công an. Ông sẽ là ứng viên rất mạnh. Tôi dự trù ông có thể là Tổng bí thư tại Đại hội 13.
Nếu có sự chuyển giao giữa nhiệm kỳ, và có đủ sự phản đối ông Huynh, thì ông Quang cũng sẽ là ứng viên rất mạnh.
BBC:Bài báo của ông tập trung nói về mâu thuẫn nội bộ trong Đảng sau Đại hội 12. Ông có thể giải thích rõ hơn?
Chính trị Việt Nam bị chi phối bởi quan hệ người bảo trợ – đồ đệ, vì thế khi có điều tra ai đó, nó có thể không hẳn là vì tội phạm kinh tế mà thường là nhắm gián tiếp vào người bảo trợ.
Trước các kỳ Đại hội Đảng, luôn có nhiều đấu tranh phe phái. Nhưng sau đó, thường là giai đoạn “trăng mật”, hay tương đối bình yên khi mà chính phủ và cán bộ mới hòa nhập vào vị trí mới. Nhưng một số bạn bè và tôi bắt đầu chứng kiến các dấu hiệu mâu thuẫn nội bộ chỉ trong vòng một năm.
BBC:Ông viết rằng các cuộc điều tra và bắt giữ gần đây dường như là cách nhắm vào Bí thư Thành ủy TP. HCM Đinh La Thăng. Ông có vẻ cho rằng ông Thăng thuộc nhóm cải cách, bị những người bảo thủ tấn công. Trong khi đó, một vài tiếng nói hiếm hoi ở bên trong Việt Nam cũng đã có bài trên mạng xã hội xem ông Thăng là đối tượng cần điều tra. Ông có xem xét quan điểm của họ không?
Đáng tiếc là nền chính trị Việt Nam vốn vô cùng bí hiểm. Vì thế phần lớn quan tâm là chỉ về các bê bối tham nhũng. Chính trị Việt Nam bị chi phối bởi quan hệ người bảo trợ – đồ đệ, theo cùng vây cánh, vì thế khi có điều tra ai đó, nó có thể không hẳn là vì nghi ngờ tội phạm kinh tế mà thường là nhắm gián tiếp vào người bảo trợ. Nó khiến các đối thủ chính trị phải lo lắng, làm yếu đi nền tảng ủng hộ họ, mà điều này rất quan trọng trong một hệ thống chính trị chú trọng đến sự đồng thuận.
Cần khẳng định chống tham nhũng và chống đối thủ chính trị không hẳn là loại trừ nhau. Nhưng cũng cần thấy vì sao chỉ một số người bị điều tra về tham nhũng, còn những cán bộ làm điều tương tự lại không bị. Khả năng có hạn của nhà nước có thể là câu giải đáp, nhưng câu trả lời thuyết phục hơn thường liên quan chính trị.
Ta cũng cần thừa nhận có nhiều tham nhũng trong chính trị cấp cao ở Việt Nam, vì không có báo chí tự do kiểm tra, đảng cộng sản nói chung đứng trên luật pháp, kiểm soát tòa án và công tố. Quan trọng hơn cả, trong hệ thống hỗn hợp của Việt Nam, là nơi nhà nước vẫn kiểm soát rất nhiều (như vốn, đất đai), khu vực công sở hữu quá nhiều tài nguyên và nguồn lợi thì cơ hội tham ô là ở bên trong nhà nước. Một số ít người lại kiểm soát việc phân bổ hàng hóa, dịch vụ, vốn trong khi lại có quá ít sự kiểm tra và minh bạch.
BBC:Trong bài, ông viết nếu ông Đinh Thế Huynh lên làm Tổng bí thư, sẽ không tốt cho Việt Nam vì ông ấy có vẻ là người bảo thủ. Ông cũng nghĩ ông Đinh La Thăng là nhà cải cách. Nhưng chính trị Việt Nam rất bí mật. Liệu có ổn khi quy trách nhiệm hay chê trách cho một số cá nhân, ca ngợi một số nhà “cải cách”, mặc dù ít ai biết thực sự điều gì xảy ra trong các cuộc họp của Bộ Chính trị?
Tôi đồng ý rằng sự phê phán này là công bằng. Tôi biết một số người hoàn toàn bất đồng với tôi khi tôi cho rằng ông Đinh Thế Huynh là người bảo thủ. Có một người nói ông Huynh là người “trung dung”, nhưng tôi không thấy có bằng chứng. Rõ ràng là ông ấy có rất ít tiếp xúc với bên ngoài. Toàn bộ sự nghiệp của ông Huynh là ở trong bộ máy Đảng như một nhà lý luận, ít kinh nghiệm thực tiễn.
Có thể nếu ông Đinh Thế Huynh trở thành Tổng bí thư, những hạn chế và thực tế của việc lãnh đạo sẽ hạn chế những gì ông có thể làm. Nhưng tôi cảm giác ông ấy rất lo lắng quyền uy và quyền quyết định của Đảng bị kéo trôi về phía các nhà kỹ trị trong chính phủ. Ông muốn tái xác lập sự lãnh đạo tối cao của Đảng, đây là việc không tốt cho nền kinh tế ngày càng phức tạp và hiện đại của Việt Nam.
Bài ‘The Fault Lines in Vietnam’s Next Political Struggle; Infighting ahead of the next mid-term Congress is already visible’ được đăng trên trang The Diplomat 23/12/2016.