Tin Việt Nam – 05/01/2021
Bộ GTVT chưa hoàn thành đánh giá quá trình chạy thử của tàu Cát Linh – Hà Đông
Đại diện Ban Quản lý Dự án Đường sắt thuộc Bộ Giao Thông- Vận Tải Việt Nam cho báo chí biết, kết quả đánh giá quá trình vận hành thử Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông sẽ hoàn thành dự kiến trong khoảng từ ngày 15 đến 20 tháng 1 năm 2021.
Cũng theo truyền thông Nhà nước, trong đợt vận hành thử từ ngày 12 đến 31 tháng 12 năm 2020, Tổng thầu EPC Trung Quốc đã cho chạy thử hơn 5.700 chuyến tàu với tổng số hơn 70.000 km dưới sự giám sát của các đơn vị tư vấn giám sát, tư vấn độc lập của Pháp, các cơ quan chức năng và Hội đồng nghiệm thu Nhà nước Việt Nam. Mục tiêu để kiểm tra những chỉ tiêu vận hành phục vụ công tác đánh giá an toàn, nghiệm thu kỹ thuật.
Đại diện Metro Hà Nội cho biết, quá trình vận hành thử diễn ra theo đúng quy định đã được phê duyệt, không xảy ra vấn đề gì đáng lo ngại. Hiện nay, Metro Hà Nội vẫn đang chờ kết quả đánh giá về dự án của các đơn vị có trách nhiệm.
Trả lời với báo chí trong nước, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã hoàn tất chương trình vận hành thử nghiệm theo đúng kế hoạch đã được phê duyệt trong 20 ngày. Suốt quá trình này có sự giám sát chéo, chặt chẽ của nhiều bên là Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, Ban Quản lý dự án, tư vấn độc lập của Pháp, Metro Hà Nội, Tổng thầu Trung Quốc.
Tuyến đường sắt này nhiều lần chậm tiến độ và nhiều lần đội vốn. Theo kế hoạch ban đầu, dự án sẽ hoàn thành vào cuối năm 2017 nhưng phải lùi thời hạn vận hành sang năm 2018, tiếp đó lại xin gia hạn tới tháng 4 năm 2019.
Đến nay, sau khi vận hành thử, Bộ GTVT dự kiến khoảng 10 ngày nữa sẽ kết thúc quá trình đánh giá an toàn về dự án. Khi dự án hoàn thiện sẽ bàn giao cho UBND TP Hà Nội để lên kế hoạch đưa vào khai thác thương mại.
Nhà báo tự do Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn bị án tù
Tòa án TP Hồ Chí Minh hôm thứ Ba ra án tù dài hạn cho ba nhà báo tự do với tội danh “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, quy định tại Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Ông Phạm Chí Dũng bị mức án 15 năm tù, ông Nguyễn Tường Thụy 11 năm, và ông Lê Hữu Minh Tuấn 11 năm.
Ông Nguyễn Tường Thụy ‘bị công an bắt giữ’
Phản ứng dư luận sau khi cây bút Phạm Chí Dũng bị bắt
Các nhà báo Phạm Chí Dũng và Nguyễn Tường Thụy nói gì từ trại giam?
Cây bút Phạm Chí Dũng bị bắt vì tội ‘chống nhà nước’
Theo cáo trạng, ông Dũng, 54 tuổi, và ông Thụy, 69 tuổi, cùng 39 người khác thành lập “Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam” vào năm 2014 với mục đích “đấu tranh, làm thay đổi thể chế chính trị Việt Nam hiện nay”.
Ông Dũng, với vai trò Chủ tịch, sau đó cho thành lập trang web “Việt Nam Thời báo”, cho viết và đăng các “nội dung chống phá Nhà nước Việt Nam”, đồng thời “lôi kéo, phát triển hội viên trong và ngoài nước vào hoạt động chống phá Nhà nước Việt Nam”, cáo trạng nói.
Các bài viết của họ là nhằm “bóp méo và phỉ báng chính quyền nhân dân, gây tổn hại đến lợi ích của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam”, Bộ Công an nói.
“Đây là những hành vi cực kỳ nguy hiểm mà nếu không bị ngăn chặn sẽ gây tổn hại đến an ninh quốc gia,” Bộ Công an nói.
Ông Phạm Chí Dũng bị bắt tạm giam hồi 11/2019, ông Nguyễn Tường Thụy 5/2020, và ông Lê Hữu Minh Tuấn 6/2020.
Trước đó, cơ quan an ninh ngày 18/11/2019 đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống phá Nhà nước CHXHCN Việt Nam”.
Về nhà báo Phạm Chí Dũng
Ông Phạm Chí Dũng được giới hoạt động vì nhân quyền, tự do báo chí cho Việt Nam coi là nhân vật nổi trội.
Cho đến khi bị bắt, ông có mục Blog riêng trên trang của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA Tiếng Việt), và được giới thiệu như sau:
“Phạm Chí Dũng là nhà báo độc lập, tiến sĩ kinh tế sống và làm việc tại Sài Gòn, Việt Nam. Trước năm 2013, đã có thời gian 30 năm làm việc trong quân đội, chính quyền và khối đảng. Do viết bài chống tham nhũng, từng bị công an bắt vào năm 2012. Năm 2013, tuyên bố từ bỏ đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 2014, cùng các cộng sự thành lập Hội nhà báo độc lập Việt Nam và giữ cương vị chủ tịch của tổ chức này. Cũng trong năm 2014, được Tổ chức phóng viên không biên giới vinh danh ‘Anh hùng thông tin’.”
Trang VOA cũng ghi “các bài viết của Phạm Chí Dũng là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ”.
Khi chưa bị bắt, ông Phạm Chí Dũng cũng thường xuyên trả lời phỏng vấn của BBC như một tiếng nói trái chiều, bất đồng chính kiến với quan điểm của chính phủ Việt Nam nhưng không bao giờ kêu gọi chống phá, bạo động, lật đổ.
Truyền thông của nhà nước VN nói ông Dũng ‘từng là hạt giống đỏ chuyển màu” vì thuộc gia đình có truyền thống cách mạng cộng sản nhưng theo chính ông thì ông đã chọn hoạt động đấu tranh dân chủ để thay đổi đất nước.
Một bài trên báo Công an Nhân dân (23/11/2019) viết: “Phạm Chí Dũng từng là một “hạt giống đỏ”. Sinh năm 1966, tại Đồng Tháp, cha đẻ của Phạm Chí Dũng là ông Phạm Văn Hùng (còn gọi là Ba Hùng), cựu Trưởng ban Tổ chức Thành ủy TP Hồ Chí Minh.
“Bản thân Phạm Chí Dũng được đào tạo bài bản, tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật quân sự, có học vị tiến sĩ về kinh tế. Trong một thời gian dài, Phạm Chí Dũng công tác tại Ban An ninh Nội chính Thành ủy TP Hồ Chí Minh và là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.”
Hôm 17/11/2020, các luật sư của gia đình ông Phạm Chí Dũng cho BBC News Tiếng Việt biết rằng ông khẳng định với đại diện Viện Kiểm sát tại ngay tại nơi ông đang bị giam rằng ông không vi phạm pháp luật Việt Nam.
Luật sư Nguyễn Văn Miếng nói với BBC đúng một tuần trước ông đã có cuộc tiếp xúc lần đầu tiên với các thân chủ của mình trong vụ án một số nhà báo thuộc Hội nhà báo Độc lập Việt Nam, tổ chức không được nhà nước Việt Nam công nhận, bị chính quyền bắt giữ và có thể được đưa ra xét xử trong thời gian một vài tháng tới.
“Ngay trước mặt tôi, ông Phạm Chí Dũng viết vào một bản cáo trạng mà ông được một đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh đưa cho.
“Ông viết rõ: “Tôi không vi phạm pháp luật Việt Nam” và ký tên vào đó.”
Thời điểm xét xử
Bản án tuyên hôm thứ Ba là vụ mới nhất trong cuộc trấn áp vẫn đang tiếp diễn đối với các nhà bất đồng chính kiến, các nhà hoạt động và những tiếng nói độc lập khác, trong lúc Đảng Cộng sản đang chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng.
Đại hội Đảng là sự kiện chính trị quan trọng diễn ra năm năm một lần, và hàng chục người đã bị bắt giữ, theo các tổ chức nhân quyền.
“Với Đại hội Đảng sắp diễn ra vào cuối tháng này, Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tham gia vào một cuộc đàn áp không có giới hạn đối với những người bất đồng chính kiến,” ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) khu vực châu Á nói về phiên tòa vừa diễn ra.
“Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn bày tỏ quan điểm chỉ trích mà chính phủ không muốn nghe, và như vậy là đủ để tống họ vào tù nhiều năm vì tội danh không có thật,” thông cáo ngày 5/1 của HRW nói.
Đưa tin án chính trị: báo Tuổi trẻ “giật lùi”?
Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh
Hôm nay, phiên tòa sơ thẩm xử các nhà báo tự do của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam – Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn đã kết thúc, với bản án nặng nề dành cho cả 3 người.
Nhận tiền, không nhận tội
Báo Tuổi trẻ giật tít rất lạ: “Nhận tiền viết bài chống phá Nhà nước, Phạm Chí Dũng lãnh 15 năm tù”.
Tại sao “lạ”? Đó là khi người đọc mới thấy cái tựa bài, dễ nghĩ ngay là có ai đó, “bọn phản động” chẳng hạn, đưa tiền “thuê” ông Dũng viết bài “chống phá”.
Nhưng khi xem vào nội dung, hóa ra đó đơn giản chỉ là tiền “nhuận bút”.
Có lẽ hiểu như vậy (như chính các nhà báo quốc doanh thôi), nên chưa thấy có báo nào giật tít kiểu đó; nhiều báo hoàn toàn không đề cập chuyện “nhận tiền”, “nhuận bút”.
Người có kiến thức sơ đẳng có thể phân biệt việc viết bài báo, rồi được hưởng nhuận bút khác hẳn với người được cho tiền (trước) để thuê viết bài.
Còn nhớ, cách đây 8 năm, ông Phạm Chí Dũng bị bắt lần đầu, cũng có chuyện nhận tiền “nhuận bút”; sau nhiều tháng bị “tạm giam”, ông được tha, rồi đình chỉ điều tra.
Trong bản tin của Tuổi trẻ cũng không nêu chi tiết cả ba người có “thành khẩn nhận tội” hay không (riêng báo Thanh niên có đưa “các bị cáo không thừa nhận hành vi của mình là phạm tội”).
Nhớ lại vụ án của bản thân
Năm 2016, phiên tòa phúc thẩm xét xử tôi và một “đồng phạm”. Sau đó, đọc bản tin trên báo Tuổi trẻ về phiên tòa, tôi rất ngạc nhiên và cảm động.
Tựa bản tin là “Y án 5 năm tù với blogger Ba Sàm”. Việc đưa bút danh – tên blog của tôi đã là một sự “chọc tức” cơ quan chức năng rồi. Nhưng chưa hết!
Nội dung có đoạn: “Tại tòa phúc thẩm ngày 22-9, ông Vinh đã bác bỏ toàn bộ cáo trạng cũng như bản án sơ thẩm và cho rằng đây là vụ án điển hình về vi phạm nghiêm trọng tố tụng, có nhiều căn cứ gây oan cho bị cáo. Khi tự trình bày bài bào chữa, ông Vinh cho rằng ông đã gửi nhiều khiếu nại nhưng không được xem xét giải quyết.”
Theo “mặc định” của làng báo quốc doanh, với các án chính trị là tối kỵ đưa tin bị cáo kêu oan, vô tội. Nếu không thấy nêu chi tiết đó, thì độc giả cứ tự hiểu là bị cáo không nhận tội.
Ấy vậy mà trong vụ này, Tuổi trẻ còn “dám” đưa chi tiết bị cáo “phản pháo”, “tố ngược” các cơ quan tố tụng. Thật là chưa từng thấy! Tôi hơi lo cho nhà báo T.L. và Ban biên tập Tuổi trẻ.
Và như thế làm sao không khỏi xúc động? Có điều, nay thì hơi tiếc là nó có vẻ “giật lùi” riêng trong những tin bài loại này.
Cảm thông
Tình trạng báo chí bị kiểm soát, bị “chính trị” hóa, mất lòng tin nặng nề nơi độc giả, hóa ra không phải chỉ ở xứ cộng sản.
Tiếng là báo quốc doanh thì phải “hèn”, ai cũng thấy rõ. Nhưng một khi, mang tiếng báo “tự do” bậc nhất, mà lại dấu giếm cái “hèn” (hay không công bằng, trung thực?) đằng sau danh tiếng tự do của mình, thì xem ra còn nặng hơn. Nó như thể là sự lừa phỉnh độc giả!
Nói vậy để cảm thông cho báo quốc doanh xứ Việt ít nhiều.
Cảm thông thứ hai, là giữa cơn “bão” sắp xếp lại báo chí cả nước, lại sắp Đại hội đảng, với vụ án “điểm” thì báo nào cũng phải thật “tỉnh”, không khéo “ăn đòn đủ”.
Mà Tuổi trẻ thì dính đòn nhiều rồi; gần đây nhất là “án kép” vụ đưa tin (cố) CTN Trần Đại Quang nói về Luật biểu tình và về vụ Đồng bằng sông Cửu Long.
Có điều, “con chim đậu phải (lắm) cành cong” này giờ xem ra nhát hơn cả nhiều con chim khác.
Hà Nội, 05/01/2021
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
Cựu bộ trưởng Công thương và các cựu quan chức TPHCM sẽ hầu toà vào ngày 7/1
Cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng và cựu Phó chủ tịch TPHCM Nguyễn Hữu Tín cùng nhiều cựu quan chức khác sẽ bị Toà án Hà Nội đưa ra xét sử vào ngày 7/1/2021 do sai phạm liên quan hơn 6 ngàn m2 đất tại trung tâm TPHCM.
Truyền thông Nhà nước Việt Nam loan tin trên vào ngày 5/1 đồng thời cho biết cụ thể cựu Bộ trưởng Bộ công thương bị cáo buộc “Vi phạm qui định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí” theo khoản 3 điều 219 Bộ Luật hình sự, tại địa chỉ số 2-4-6 Hai Bà Trưng quận 1, thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM).
Cùng bị đưa ra xét xử vào ngày 7/1 với ông Vũ Huy Hoàng còn có ông Phan Chí Dũng, cựu Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công thương và 8 đồng phạm khác nguyên là lãnh đạo, cán bộ UBND TPHCM gồm: ông Nguyễn Hữu Tín (cựu Phó Chủ tịch UBND TPHCM), Lâm Nguyên Khôi (cựu Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư), Đào Anh Kiệt (cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường), Lê Văn Thanh (cựu Phó chánh Văn phòng UBND TPHCM), Lê Quang Minh (cựu Trưởng phòng Phát triển hạ tầng, Sở KH&ĐT TPHCM), Nguyễn Thanh Chương (cựu Trưởng phòng Đô thị, Văn phòng UBND TPHCM), Trương Văn Út (cựu Phó phòng Quản lý đất, Sở TN&MT TPHCM), Nguyễn Lan Châu (cựu chuyên viên Phòng Quản lý đất, Sở TN&MT TPHCM).
Ông Nguyễn Hữu Tín trước đó đã bị toà án nhân dân TPHCM tuyên phạt 7 năm tù về tội “Vi phạm qui định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”, liên quan đến việc giao đất vàng ở số 15 Thi Sách, Quận 1-TPHCM cho Công ty của Phan Văn Anh Vũ.
Lần này, cựu phó Chủ tịch TPHCM bị cáo buộc làm trái qui định trong việc cho thuê đất tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng Quận 1.
Riêng cựu Bộ trưởng Công thương trong vụ án này bị cáo buộc có vai trò chính, trực tiếp gây thiệt hại. Tuy nhiên trong quá trình điều tra ông Vũ Huy Hoàng chỉ thừa nhận trách nhiệm với vai trò là người đứng đầu Bộ Công thương và ông cho rằng bà cựu thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa-phải chịu trách nhiệm chính về sai phạm khi bà Thoa cùng ông Phan Chí Dũng đã ra các văn bản chỉ đạo cán bộ tại Sabeco dùng quyền sử dụng khu đất tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng và tiền của Sabeco góp vốn với các doanh nghiệp tư nhân thành lập Sabeco Pearl để thực hiện dự án kinh doanh bất động sản sai qui định.
Tuy nhiên bà Thoa hiện đã bỏ trốn và đang bị truy nã.
Được biết, phiên toà sơ thẩm sẽ kéo dài 8 ngày. Có 30 luật sư đăng ký bào chữa cho các bị cáo.
Doanh nghiệp khó tiếp cận hỗ trợ dù Chính quyền TP.HCM đạt thu ngân sách cao năm 2020
Đạt thu ngân sách 91,5% dự toán
Chính quyền TP.HCM thu ngân sách năm 2020 đạt hơn 371 ngàn tỷ đồng, tương đương 91,5% dự toán và chiếm tỷ trọng gần 25% tổng dự toán thu ngân sách quốc gia.
Số liệu này được đưa ra tại Hội nghị báo cáo kết quả thu chi ngân sách nhà nước năm 2020 của TP.HCM, vừa diễn ra và được truyền thông Nhà nước Việt Nam tường thuật vào ngày 1/1/2021.
Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM, bà Phạm Thị Hồng Hà cho biết nguồn thu ngân sách năm 2020 tuy giảm 9,4% so với cùng kỳ năm 2019; tuy nhiên vẫn duy trì tỷ trọng gần 25,5% trong tổng thu ngân sách cả nước hàng năm.
Bà Phạm Thị Hồng Hà cho biết thêm rằng TP.HCM chi ngân sách địa phương tổng cộng trong năm 2020, không tính tạm ứng với số tiền hơn 84 ngàn tỷ đồng, tương ứng hơn 82%. Trong đó, chi đầu tư phát triển là xấp xỉ 41 ngàn tỷ đồng.
Cũng tại hội nghị này, Chủ tịch TP.HCM, ông Nguyễn Thành Phong cho biết Chính quyền TP.HCM đã đảm bảo thực hiện 100% kế hoạch hỗ trợ các đối tượng khó khăn do tác động của dịch COVID-19 với số tiền 600 tỷ đồng. Đồng thời, gia hạn hơn 8.800 tỷ đồng tiền thuế cho doanh nghiệp và gia hạn hơn 200 tỷ đồng tiền thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuế thuê đất của các hộ kinh doanh.
Trog một cuộc họp của Chính quyền TP.HCM, diễn ra vào sáng ngày 8/12/2020, ông Nguyễn Thành Phong cho biết Chính quyền TP.HCM dự kiến chi đợt 2 số tiền 4000 tỷ đồng để hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị khó khăn do COVID-19.
Thuế môn bài, thuế doanh nghiệp…tất cả các loại thuế đều phải đóng, nếu như doanh nghiệp còn hoạt động. Nếu không đóng nữa thì phải xin tạm ngưng hoạt động hoặc giải thể thì mới tạm gác lại việc đóng thuế. Còn doanh nghiệp vẫn hoạt động mà bị thua lỗ hay gặp khó khăn thì tới tháng, tới năm là phải đóng. Nếu không đóng thuế, hay đóng chậm, đóng thiếu thì doanh nghiệp sẽ được tính theo lãi vay ngân hàng. Ngoài tính theo lãi vay thì doanh nghiệp còn bị phạt do chậm nộp thuế. Do đó, việc thu ngân sách thì nhà nước dĩ nhiên không bao giờ không đạt được hết-Bà Nguyễn Thị Ba
Doanh nghiệp: Thuế phải nộp đủ, hỗ trợ thì khó tiếp cận
Bà Nguyễn Thị Ba, nhân viên quản lý của một công ty tư nhân kinh doanh đa mặt hàng, có trụ sở ở quận 1, TP.HCM vào tối ngày 4/12 lên tiếng với RFA về việc doanh nghiệp nộp thuế trong năm 2020.
“Thuế môn bài, thuế doanh nghiệp…tất cả các loại thuế đều phải đóng, nếu như doanh nghiệp còn hoạt động. Nếu không đóng nữa thì phải xin tạm ngưng hoạt động hoặc giải thể thì mới tạm gác lại việc đóng thuế. Còn doanh nghiệp vẫn hoạt động mà bị thua lỗ hay gặp khó khăn thì tới tháng, tới năm là phải đóng. Nếu không đóng thuế, hay đóng chậm, đóng thiếu thì doanh nghiệp sẽ được tính theo lãi vay ngân hàng. Ngoài tính theo lãi vay thì doanh nghiệp còn bị phạt do chậm nộp thuế. Do đó, việc thu ngân sách thì nhà nước dĩ nhiên không bao giờ không đạt được hết.”
Liên quan việc Chính quyền TP.HCM gia hạn thuế, bà Nguyễn Thị Ba nhấn mạnh là doanh nghiệp được lùi thời hạn nộp thuế, chứ không phải được giảm thuế.
“Có gia hạn nhưng không phải là cho. Được gia hạn để nộp trễ và có thể không bị đóng lãi trong thời gian gia hạn do dịch COVID-19. Cho nên, chỉ tiêu đưa ra vẫn thu đủ, không bị thất thu.”
Bà Nguyễn Thị Ba nói thêm rằng thuế thì doanh nghiệp bắt buộc phải đóng đủ, còn về được nhà nước hay chính quyền địa phương hỗ trợ thì doanh nghiệp vừa và nhỏ như công ty nơi bà làm việc không nhận được một đồng nào.
Đài RFA ghi nhận gói tín dụng 16 ngàn tỷ đồng cho doanh nghiệp vay ưu đãi với lãi suất 0% để trả lương cho người lao động ngừng việc, thuộc một trong những chính sách của gói hỗ trợ an sinh xã hội 62 ngàn tỷ đồng, được thực hiện từ cuối tháng 4. Thế nhưng, báo giới quốc nội, vào trung tuần tháng 8 cho biết doanh nghiệp than phiền việc tiếp cận gói hỗ trợ đó “khó như lên trời”, bởi vì bị rằng buộc nhiều điều kiện vô lý và ngân hàng đến thời điểm đó vẫn giữ nguyên lãi suất.
TP.HCM là trung tâm kinh tế-thương mại lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, do tác động của dịch COVID-19, trong năm 2020, có đến hơn 32 ngàn doanh nghiệp ở TP.HCM bị ngưng hoạt động hoặc giải thể.
Truyền thông Nhà nước Việt Nam đồng loạt đăng tải thông tin về phản ánh của doanh nghiệp không thể tiếp cận gói hỗ trợ, mặc dù ông Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong tuyên bố Chính quyền TP.HCM đã đạt 100% hỗ trợ các đối tượng khó khăn do dịch COVID-19.
Vào trung tuần tháng 12/2020, một số doanh nghiệp tại TP.HCM cho RFA biết về tình trạng tiếp cận gói hỗ trợ từ chính quyền. Chúng tôi trích dẫn lại chia sẻ của hai chủ doanh nghiệp:
“Lúc có thông báo là làm gói 62.000 tỷ, nhưng mà cái gói 62.000 tỷ này thì các doanh nghiệp chưa ai nhận được một đồng xu nào cả. Nghe đâu trong giới doanh nghiệp tư nhân bạn tôi cũng không ai nhận được một đồng nào. Nếu muốn nhận được thì phải làm một bộ hồ sơ gửi lên sở thuế và đợi nó giải quyết, nhưng cơ quan thuế im ru. Cũng có nhiều bạn của tôi làm rồi để đó cho vui thôi, để xem tiến trình thực hiện như thế nào thôi, chứ còn chả bao giờ tới tay của doanh nghiệp được đâu.”
“Gói 62.000 tỷ bên tôi không hưởng được. Lý do là vì có rất nhiều điều kiện, các điều kiện ‘cần và đủ’ kèm theo thì mới đủ điều kiện để vay tiền trong gói 62.000 tỷ đó. Nhưng mà mình không đạt được một số chỉ tiêu cho nên mình không có hưởng được chính sách đó.”
Riêng trong lĩnh vực xuất khẩu, ông Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho rằng đó là một điểm sáng về kinh tế của TP.HCM, thu về hơn 44 tỷ USD. Mặc dù vậy, Báo mạng Thanh Niên, vào hôm 29/12/2020, ghi nhận các doanh nghiệp được khuyến cáo cần phải chuẩn bị ứng phó với tình trạng thiếu tàu chở hàng còn tiếp tục kéo dài trong năm 2021.
Chúng tôi nêu vấn đề này với ông Phạm Mẫn, một chuyên gia trong lĩnh vực xuất nhập khẩu gạo và nông sản để tìm hiểu xem Chính quyền TP.HCM có thể làm được gì để hỗ trợ cho doanh nghiệp. Ông Phạm Mẫn trình bày quan điểm của ông:
“Chính quyền TP.HCM chỉ có thể sắp xếp cho một chi phí rất ít ở đầu cảng thôi. Chi phí về logistic, ở cảng, kho bãi thì cũng một phần nhỏ thôi và quyền hạn của Chính quyền TP.HCM có thể sắp xếp được. Còn vấn đề tàu và container thì đa phần chở hàng xuất khẩu đi Châu Âu hoặc những nước bên ngoài Châu Á là ngoài tầm với của Chính quyền TP.HCM. Ngân sách không can thiệp gì được vì những cảng biển container quốc tế thì phần lớn nằm trong quyền điều hành và chi phối của Bộ Giao thông-Vận tải, chứ cũng không nằm trong quyền hạn của Chính quyền TP.HCM. Chính quyền TP.HCM gần như không kiểm soát được và khả năng cao nhất là họ hỗ trợ về phát triển đường xá lưu thông xe tải hàng ra vào thôi.”
Theo kế hoạch ngân sách hàng năm thì sẽ được lên kế hoạch chi cho các dự án mới. Còn nhũng dự án đang dang dở của những nhiệm kỳ trước đã hết kế hoạch chi, nhưng vẫn chưa xong thì đang tồn đọng rất nhiều ở thành phố. Đây là vấn đề khó và gần như phải cơ cấu ngân sách chi cho năm 2021để xử lý và tiếp tục các dự án dang dở đó. Hiện tại, giá trị các dự án dang dở đã bị vượt, vì lỗi giữa các bên tham gia. Đây là một gánh nặng cho ngân sách của TP.HCM-Ông Phạm Mẫn
Khi chúng tôi đề cập đến Chính quyền TP.HCM sử dụng ngân sách để phát triển địa phương với câu hỏi liệu rằng doanh nghiệp có thể được những lợi ích hỗ trợ nào từ các dự án đầu tư công tại thành phố hay không, ông Phạm Mẫn nhận định ngân sách của TP.HCM trong năm 2021 sẽ gặp khó khăn do những “tàn dư” từ các vụ án tham nhũng bị phanh phui trong thời gian qua.
“Theo kế hoạch ngân sách hàng năm thì sẽ được lên kế hoạch chi cho các dự án mới. Còn nhũng dự án đang dang dở của những nhiệm kỳ trước đã hết kế hoạch chi, nhưng vẫn chưa xong thì đang tồn đọng rất nhiều ở thành phố. Đây là vấn đề khó và gần như phải cơ cấu ngân sách chi cho năm 2021để xử lý và tiếp tục các dự án dang dở đó. Hiện tại, giá trị các dự án dang dở đã bị vượt, vì lỗi giữa các bên tham gia. Đây là một gánh nặng cho ngân sách của TP.HCM.”
Hầu hết các đại diện của một số doanh nghiệp mà Đài RFA trao đổi đều khẳng định rằng họ rất cần vốn để xoay sở và duy trì hoạt động kinh doanh, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 có nguy cơ bùng phát mạnh trở lại trong đầu năm 2021.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, một chuyên gia tài chính độc lập, trong năn 2020, đã nhiều lần qua các kênh truyền thông, kêu gọi Chính phủ Việt Nam cần có thêm gói hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ, qua hình thức “Quỹ bảo lãnh tín dụng” để giúp cho doanh nghiệp ở TP.HCM và tại Việt Nam nói chung được vượt qua hoàn cảnh “nguy kịch” về khả năng thanh khoản.
Tuy nhiên, ông Phạm Mẫn lại cho rằng dù TP.HCM thu về ngân sách gần đạt 100% nhưng với các quy định hiện hành thì năm mới 2021 là một năm đầy “sóng gió” và thách thức cho sự sống còn của nhiều doanh nghiệp.
Thanh tra Chính phủ nêu sai phạm ở Hòa Bình và Bình Thuận
Nhiều đồ án quy hoạch các dự án lớn ở Hòa Bình có vi phạm về công tác quy hoạch, hoạt động đầu tư xây dựng, hạ tầng kỹ thuật, nhà ở và thị trường bất động sản, vật liệu xây dựng…
Truyền thông nhà nước Việt Nam loan tin vừa nói hôm 5/1 theo công bố kết luận thanh tra Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Hoà Bình của Thanh tra Bộ Xây dựng.
Đơn cử như Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Hoà Bình đến năm 2035 do Sở Xây dựng làm chủ đầu tư, với diện tích lập quy hoạch là hơn 14.440ha, dân số đến năm 2035 khoảng 300 nghìn
người. Tuy nhiên thời gian lập điều chỉnh quy hoạch chung chậm 16 tháng, vi phạm quy định về thời gian lập quy hoạch theo Nghị định 37/2010 của Chính phủ.
Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/5000 thị trấn Mai Châu, huyện Mai Châu đến năm 2025, cũng vi phạm quy định về thời gian lập quy hoạch chung đô thị 11 tháng và không có hồ sơ lấy ý kiến cộng đồng cư dân, vi phạm Luật Quy hoạch. Chuyển đổi đất thương mại dịch vụ thành biệt thự, nhà liền kề không phù hợp.
Ngoài ra, những dự án khác cũng có sai phạm như: Đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu đô thị mới Hoà Bình – Geleximco tại phường Thịnh Lang, TP Hoà Bình; Đồ án Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu dân cư nông thôn và tái định cư Đồng Trám; Dự án Khu đô thị mới Trung Minh…
Theo Thanh tra Bộ Xây dựng, còn có sai phạm trong công tác triển khai các dự án còn phụ thuộc vào nhu cầu của các nhà đầu tư, dẫn tới nhiều đồ án quy hoạch chi tiết được phê duyệt trước khi quy hoạch chung được phê duyệt như: Khu đô thị cao cấp Yên Quang, Khu đô thị Trung Mường, Khu nhà ở cao cấp Phú Đạt, Khu đô thị sinh thái Phúc Tiến, Hoà Bình xanh…
Cũng trong ngày 5/1, Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu tỉnh Bình Thuận báo cáo sai phạm đất đai liên quan các dự án có dấu hiệu vi phạm pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai đô thị được phát hiện qua công tác quản lý nhà nước giai đoạn 2011-2019.
Cụ thể, Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra các dự án có dấu hiệu vi phạm về quy hoạch; thanh tra việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở; thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước thành đất kinh doanh, xây dựng nhà ở…
Lãnh đạo cấp bộ là ‘nhân tài’ có khả thi và cần thiết?
Hôm 4 tháng 1 năm 2021, Bộ Nội vụ Việt Nam vừa công bố Dự thảo Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài để lấy ý kiến đóng góp…
Cụ thể Dự thảo đề ra mục tiêu từ năm 2026 đến 2030, tất cả các các Bộ, ngành, Ủy ban Nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố phải bảo đảm có từ 2% đến 5% trở lên là ‘nhân tài’ trong cơ cấu lãnh đạo, quản lý; và tỷ lệ ‘nhân tài’ trong cơ cấu cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ là từ 10% đến 15% trở lên.
Sau đó, từ năm 2030 trở đi, mỗi năm phải tăng thêm ít nhất 1% ‘nhân tài’ với nhóm lãnh đạo, quản lý và 3% trở lên trong nhóm chuyên môn, nghiệp vụ.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS đã tự giải thể, khi trả lời RFA hôm 4/1 từ Hà Nội nói:
“Tôi rất là băn khoăn về khái niệm tù mù thế nào là nhân tài, rất đáng tiếc là những người cầm cân nảy mực trong chế độ này có khi họ cũng chẳng hiểu thế nào là nhân tài. Nhưng họ phải dùng những mỹ từ như vậy và thường thì họ gắn với bằng cấp, nào là giáo sư, tiến sĩ… Cách đây hơn 10 năm, tôi từng viết bào đăng trên báo nhà nước là làm công chức không bao giờ cần là giáo sư tiến sĩ cả. Vì những người có chức danh như vậy họ phải hoạt động ở trong trường đại học hay viện nghiên cứu. Còn trong lĩnh vực nhà nước tuyệt nhiên không cần những người như vậy, vì càng nhiều người như vậy, càng chết.”
Tiêu chí từ 2% đến 6% cũng rất là tù mù, nên tôi nghĩ họ mất thời gian để đi vào mấy chuyện vô bổ ấy. Có lẽ người dân cần phải lên tiếng, vì người dân đóng thuế nuôi họ để quản trị đất nước cho tốt thì tôi cho rằng họ là những trò rất vô bổ như thế.
-Tiến sĩ Nguyễn Quang A
Quay trở lại thế nào là nhân tài, theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A là rất tù mù, và chỉ có xã hội và chuyên ngành đó có thể đánh giá thế nào là nhân tài… Ông đưa ra ví dụ:
“Chẳng hạn nhân tài về toán học thì chỉ có những người am hiểu toán học mới đánh giá được… Hoặc nhân tài về uốn dẻo thì mọi người có thể đánh giá qua một cuộc tranh đua trên trường quốc tế hay trong nước… Không có tranh đua thì một kẻ ngu cũng có thể thành nhân tài và như thế sẽ rất khó để đánh giá. Và tiêu chí từ 2% đến 6% cũng rất là tù mù, nên tôi nghĩ họ mất thời gian để đi vào mấy chuyện vô bổ ấy. Có lẽ người dân cần phải lên tiếng, vì người dân đóng thuế nuôi họ để quản trị đất nước cho tốt thì tôi cho rằng họ là những trò rất vô bổ như thế.”
Từ nhiều năm qua, chính quyền Việt Nam luôn theo đuổi mục tiêu về việc thu hút nhân tài giúp xây dựng đất nước. Tuy nhiên dù có ra nhiều quyết định nghị quyết được cho là trải thảm đỏ thu hút nhân tài, nhưng những khó khăn gặp phải khi thực hiện mục tiêu này có vẻ như rất khó vượt qua được, khi hầu như năm nào việc hô hào cũng được lập lại.
Mới nhất là vào ngày 28/4/2020, Bộ Nội vụ đã ban hành kế hoạch xây dựng đề án Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài. Theo kế hoạch đề án này, Bộ Nội vụ sẽ tiến hành khảo sát tại 5 bộ gồm Bộ Khoa học-Công nghệ, Bộ Giáo dục-Đào tạo, Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội, Bộ Tư pháp và tại 5 địa phương: Quảng Nam, Bình Dương, Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM.
Bộ Nội vụ cho biết sẽ khảo sát tập trung vào chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao và thực trạng tuyển dụng, sử dụng nhân tài… Đồng thời, đề xuất cơ chế phát hiện bồi dưỡng tài năng cho những học sinh, sinh viên; nhất là các sinh viên tốt nghiệp giỏi và xuất sắc để đào tạo thành nguồn cán bộ cốt cán, nhằm tăng tỷ lệ ‘nhân tài’ trong bộ máy nhà nước.
Khi trả lời RFA hôm 04/01/2021 từ Sài Gòn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, người có hơn 30 năm kinh nghiệm giảng dạy đại học, hiện là giảng viên tại Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, nhận định:
“Vấn đề không phải tỷ lệ, tỷ lệ là chuyện sau đó… Chuyện trước nhất không hiểu họ định nghĩa thế nào là nhân tài, chẳng hạn nhân tài là có bằng, bằng cấp nào là nhân tài… Mà nếu định nghĩa nhân tài là có bằng thì chỉ Việt Nam định nghĩa như vậy, vấn đề này định nghĩa rất khó khăn. Điểm thứ hai không phải là đưa vô bao nhiêu, kinh nghiệm cho thấy người ta nói trải thảm đón nhân tài, nhưng cuối cùng điều kiện nào cho người tài năng có thể làm được việc? Cái đó quan trọng hơn rất nhiều việc đưa người ta vào. Chứ đưa vào mà làm không được việc, hay tài năng nhưng phải ngu bớt đi để thích hợp được với bộ máy. Những chuyện đó lớn hơn rất nhiều so với lời tuyên bố bao nhiêu phần trăm, cái đó vô nghĩa.”
Đưa vào mà làm không được việc, hay tài năng nhưng phải ngu bớt đi để thích hợp được với bộ máy. Những chuyện đó lớn hơn rất nhiều so với lời tuyên bố bao nhiêu phần trăm, cái đó vô nghĩa.
-Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng
Không chỉ tìm cách thu hút ‘nhân tài’ trong nước, theo truyền thông nhà nước Bộ Nội vụ trong năm 2020 cũng được nói là đã soạn thảo kế hoạch nhằm nghiên cứu ban hành các chính sách, giải pháp để hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật thu hút những người tài giỏi, trong đó có chính sách thu hút người gốc Việt về nước làm việc.
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, từng giảng dạy nhiều năm tại đại học Liège, Vương quốc Bỉ. Ông cũng từng hợp tác nhiều chương trình đào tạo cao học với các trường đại học tại Việt Nam. Khi trả lời RFA hôm 4/1 nói:
“Yêu cầu chất xám trong nước là rất lớn và người Việt có điều kiện học hỏi hay đang cộng tác trong các đại học ở Âu Mỹ cũng khá đông, cho nên việc đóng góp chất xám của các Việt kiều là điều rất cần thiết. Nhưng nói cụ thể, tuy nhà nước và đảng cộng sản Việt đã đưa ra rất nhiều quyết định đặc biệt để thu hút chất xám Việt kiều, nhưng thực tế công tác thực hiện chưa thể hiện được cụ thể về cái tầm để xứng đáng với tình hình.”
Theo nhiều chuyên gia, Việt Nam thật sự đã có đủ điều kiện để chuyên gia từ nước ngoài trở về làm việc. Tuy nhiên trên thực tế thì việc kêu gọi của chính quyền được cho là không thực tâm, khi điều kiện đóng góp tại Việt Nam không đủ thông thoáng cho những người muốn trở về để đóng góp.
Ngoài ra theo Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, những chính sách giáo dục không phù hợp cũng góp phần cản trở, như việc các trường cấp bằng tại chức cử nhân, tiến sĩ trước cho những người có chức quyền, rồi sau đó mới đi học… chưa kể đôi khi cũng có trường hợp gần như không học hành gì nhưng vẫn có bằng.
Vào năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành quy định chính thức công nhận bằng ‘tại chức’ ngang tầm với bằng ‘chính quy’. Quy định này cũng bị dư luận cho là không phù hợp.
Việt Nam cân nhắc việc cấm các chuyến bay từ các vùng có biến thể mới của virus gây COVID-19 trong dịp Tết
Chính phủ Việt Nam đang cân nhắc việc cấm các chuyến bay từ các nước đã phát hiện biến thể mới của virus gây COVID-19 theo đề nghị mới đây của Bộ Y tế.
Truyền thông Nhà nước hôm 5/1/2021 trích lời của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết như vậy.
Trước đó, vào ngày 3/1, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã ký tờ trình gửi Thủ tướng, đề xuất tạm dừng tổ chức và hạn chế cấp phép các chuyến bay về Việt Nam từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có lây nhiễm chủng biến thể mới của virus SARS-CoV-2, vốn được xác định có khả năng lây lan nhanh hơn 70% so với chủng virus trước đó.
Hiện, đã có hơn 40 quốc gia đưa ra lệnh hạn chế nhập cảnh, đóng cửa biên giới, cấm các chuyến bay đến và đi từ Anh và các quốc gia có ghi nhận người nhiễm biến thể virus mới.
Việt Nam hồi cuối tháng 12 cũng đã phát hiện một trường hợp nhiễm biến thể mới về từ Anh và hiện đang được điều trị cách ly.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, ngoài việc hạn chế các chuyến bay, Việt Nam cần quản lý chặt chẽ tình trạng nhập cảnh theo đường biên giới, bao gồm cả nhập cảnh chính ngạch và trái phép.
Hiện, Việt Nam vẫn dừng các chuyến bay thương mại, chỉ thực hiện các chuyến bay giải cứu.
Người phát ngôn của Chính phủ Việt Nam cho biết, dù Việt Nam hiện đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, nhưng cần cẩn trọng vì dịp Tết nguyên đán đang đến gần, cùng với đó là sự kiện Đại hội 13 của Đảng Cộng sản dự kiến diễn ra vào cuối tháng 1.
Trong khi đó, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Thanh Hoá vừa ra quyết định tạm dừng tiếp nhận cách ly người từ nước ngoài về, vì lo ngại dịch bệnh COVID-19 lây lan nhân dịp Tết Nguyên đán.
Theo truyền thông Nhà nước, lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá thông báo dừng tiếp nhận, tổ chức cách ly tập trung người từ nước ngoài về từ ngày 10/1, nhưng không cho biết khi nào các cơ sở cách ly tập trung của địa phương mở cửa trở lại.
Theo thống kê của CDC Thanh Hoá, hiện địa phương đang cách ly tập trung 500 người tại các cơ sở cách ly tập trung. Tỉnh đang duy trì hoạt động của 99 khu cách ly tập trung với khả năng đáp ứng tiếp nhận cách ly 10.000 người.