Tin Việt Nam – 04/12/2018
Trạm BOT An Sương tiếp tục thu phí dù bị phản đối
Trạm thu phí đường bộ (BOT) An Sương- An Lạc, quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục thu phí thêm cho đến năm 2033.
Thông tin này được đưa ra sau khi hàng trăm tài xế đã dừng xe tại trạm này phản đối việc thu phí, vì theo họ trạm này đã hết hạn thu phí, và đã thu phí quá hạn đến 31 tháng.
Trạm An Sương vào chiều tối ngày 3 tháng 12 phải xả trạm để giải quyết chuyện kẹt xe tại đây.
Tuy nhiên sáng nay, 4/12 trạm này đã hoạt động lại bình thường.
Báo Việt Nam trích dẫn phát biểu của giới chức công ty đầu tư trạm này là Công ty Đầu tư & Phát triển Hạ tầng, rằng đúng là đến năm 2017 thời hạn thu phí đã kết thúc, nhưng công ty đã đầu tư thêm một số công trình như là tỉnh lộ 10, cầu vượt,… nên sẽ thu phí cho đến năm 2033.
Giới tài xế thì nói rằng họ hoàn toàn không biết được việc này, và bây giờ họ cần có lời giải thích rõ ràng về chuyện này.
Các trạm BOT tại Việt Nam trong thời gian hai năm qua liên tục bị giới lái xe phản đối, bằng cách chạy chậm khi qua trạm, dùng tiền lẻ,… để gây kẹt xe. Các lý do được các lái xe đưa ra là thu phí cao quá, đặt trạm sai chổ để tận thu,…
Vụ việc căng thẳng nhất diễn ra tại trạm thu phí Cai Lậy vào năm 2017, mà chính quyền phải huy động cảnh sát cơ động đến để giải quyết. Chính phủ Việt Nam cũng đã ra quyết định thanh tra các trạm BOT trên toàn quốc. Tuy nhiên, một số vụ việc mới tiếp tục nảy sinh như vụ trạm thu phí BOT An Sương- An Lạc như vừa xảy ra.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/an-suong-bot-continues-12042018114820.html
Người dân Thủ Thiêm về dựng lều trên đất giải tỏa
Một số người dân ở Thủ Thiêm, quận 2 đã về dựng lều ngay trên phần đất cũ của mình, chứng tỏ vấn đề Thủ Thiêm chưa được giải quyết căn cơ và chưa làm yên lòng dân.
Truyền thông trong nước dẫn lời phát biểu của Bí thư thành Ủy Nguyễn Thiện Nhân tại kỳ họp thứ 12 của Hội đồng nhân dân thành phố khóa IX như vừa nêu.
Theo ông Nhân, từ tháng 4 và 5/2018 đoàn đại biểu Quốc hội đã tập hợp tất cả khiếu nại của bà con báo cáo Thường vụ Quốc hội và tiến hành thanh tra. Sau khi có kết luận của thanh tra vào tháng 9, chính phủ đã có thông báo 1483 về việc giải quyết các vấn đề khiếu nại của người dân tại khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Ông Nhân nhấn mạnh, dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm đã có 22 năm kể từ khi Thủ tướng phê duyệt từ năm 1996 nên rất khó có thể giải quyết nhanh được nên thành phố đã định hướng trước khi có kết luận thanh tra và khi có thông báo kết luận thì tiến hành giải quyết ngay.
Bí thư thành ủy Nguyễn Thiện Nhân còn cho rằng, những ngày qua một số bà con đã trở về dựng lều trên phần đất cũ của mình nhưng đó không phải là giải pháp căn cơ, chính sách đền bù bao nhiêu thì phải làm đúng quy trình. Ông hy vọng qua kỳ họp này, các đại biểu sẽ tìm ra hướng giải quyết cũng như chính sách bồi thường thỏa đáng cho bà con Thủ Thiêm.
Ngoài ra, theo yêu cầu của thanh tra chính phủ, thành phố đã có 10 phiên họp, 3 cuộc làm việc với các Chủ tịch, phó chủ tịch thành phố qua 4 nhiệm kỳ để làm rõ trách nhiệm vấn đề liên quan Thủ Thiêm.
Khu đô thị mới Thủ Thiêm là một siêu dự án có gần 15.000 hộ dân thuộc diện đền bù và giải tỏa hơn 60.000 hộ dân. Từ khi Thủ tướng ký quyết định 367 phê duyêt quy hoạch Thủ Thiêm vào 4/6/1996 đến nay, quá trình triển khai dự án đã trải qua 4 đời chủ tịch như vừa nêu.
Nhiều người dân Thủ Thiêm phải đi khiếu kiện suốt hơn 20 năm qua nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Tình cảnh của họ được cho biết rất khốn đốn.
Cô giáo chống tiêu cực bị đuổi việc
Tin từ Hà Nội, Việt Nam – Ngày 04/12/2018, cô Nguyễn Thị Bích Nhung, giáo viên dạy nhạc ở trường Trung học Cơ sở Yên Sơn (huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội) đã bị đuổi việc vì những hoạt động chống tiêu cực của Ban giám hiệu trường trong nhiều năm qua.
Theo quyết định của hiệu trưởng trường đề ngày 01/8/2018 thì cô bị buộc thôi việc vì hai năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, lý do chính mà cô bị sa thải là do cô đấu tranh với sai phạm về thu học phí và xây dựng của nhà trường.
Theo thầy giáo Đỗ Việt Khoa ở huyện Thường Tín, một người nổi tiếng vì phanh phui tiêu cực trong thi cử ở cấp phổ thông, cô Nhung là giáo viên bị đuổi việc đầu tiên vì bị xếp loại “không hoàn thành nhiệm vụ trong hai năm liên tiếp.
Cũng do đấu tranh với tiêu cực tại địa phương, cô giáo Nhung đã bị mưu sát hơn một năm trước trong một vụ tai nạn giao thông. Hậu quả của sự việc đó là cô bị dập nát bàn tay trái, phải cắt bỏ một ngón. Hiện hoàn cảnh của cô Nhung rất khó khăn. Không có anh chị em, cô nuôi mẹ già 80 tuổi trong căn nhà dột nát. Cô bị cắt lương từ khi bị buộc thôi việc và không có khoản thu nhập nào.
Tuy nhiên, cô đã kiện hiệu trưởng trường THCS Yên Sơn về quyết định buộc cô thôi việc. Luật sự Lê Văn Luân là người trợ giúp pháp lý cho cô trong phiên toà dự kiến vào sáng thứ Năm 06/12/2018.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/co-giao-chong-tieu-cuc-bi-duoi-viec/
Tổng Giáo Phận Hà Nội phản đối chính quyền
xây dựng trên đất của giáo hội
17 linh mục thuộc Tổng Giáo Phận Hà Nội đã đến Ủy Ban Nhân Dân Quận Hoàn Kiếm vào trưa ngày 3/12 yêu cầu chính quyền dừng việc thi công tại số 29 phố Nhà Chung do quận Hoàn Kiếm làm chủ đầu tư, cũng như giải quyết đơn khiếu nại liên quan đến vụ việc đã gửi trước đó.
Trang mạng của Dòng Chúa Cứu Thế – Giáo Xứ Thái Hà loan tin trên cho biết trong số 17 linh mục có vị chánh văn phòng Tòa Tổng Giám mục Anphongsô Phạm Hùng.
Tin cho hay khi đến Ủy Ban Nhân Dân Quận Hoàn Kiếm, các vị linh mục không được gặp lãnh đạo Quận với lý do tất cả bận họp theo lịch. Linh mục Phạm Hùng thì cho biết ông đã gọi điện thoại báo trước.
Bà Nguyễn Thị Hồng Hoa, trưởng Ban Tiếp công dân Quận, thay mặt trao đổi và một người được giới thiệu là ông Quang, thuộc Ban nội vụ của Quận cũng tham gia cuộc gặp.
Các linh mục đã nhấn mạnh 4 nội dung chính với bà Hoa và ông Quang gồm đơn thư khẩn cấp của Tòa Tổng Giám mục Hà Nội chưa được giải quyết; hai là chính quyền vẫn tiếp tục thi công công trình trên khu đất; ba là đề nghị Quận Hoàn Kiếm có cuộc đối thoại với Tòa Tổng Giám Mục trước ngày 18/12; bốn là yêu cầu Quận Hoàn Kiếm cho dừng việc thi công công trình tại số 29 số Nhà Chung ngay lập tức.
Tại buổi làm việc, bà Hoa cũng đã cung cấp cho các linh mục 2 văn bản gồm văn bản Ban Tiếp công dân chuyển đến Giám đốc ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Quận liên quan đến khiếu nại của Tòa Tổng Giám mục Hà Nội; tờ còn lại là bản sao gửi lại cho Tòa Tổng Giám mục Hà Nội có chữ ký của nữ tu trực văn phòng đã nhận.
Linh mục Giuse Đỗ Văn Tuyến có mặt tại buổi làm việc nói với bà Hoa rằng việc làm này của Ủy ban chỉ nhằm kéo dài thời gian và lảng tránh trách nhiệm.
Hơn 3 giờ chiều, bà Hoa cho biết ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Quận không thể về kịp. Các linh mục được mời ký vào sổ kiến nghị tiếp công dân và ra về.
Vào ngày 5/11/2018, Tòa Tổng Giám mục Hà Nội đã Đơn Kiến nghị khẩn cấp gửi đến Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội và các cơ quan chính quyền Hà Nội phản đối việc chính quyền ngang nhiên xây dựng công trình Trường Tiểu học Tràng An tại số 29 phố Nhà Chung.
Trước kia đây là cơ sở Trường Dũng Lạc nằm trên khu đất thuộc quyền sở hữu của Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, có chứng nhận bằng khoán điền thổ số 1794, quyển 9, trang 191.
Tòa Tổng Giám mục Hà Nội khẳng định chưa hề có bất cứ một văn bản nào về việc hiến, tặng, cho hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng khu đất và tài sản tại đây cho bất cứ ai.
Các vụ cơ sở, đất đai tôn giáo bị phía chính quyền, cơ quan chức năng thay đổi chức năng sử dụng, phá hủy, sang nhượng xảy ra lâu nay vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.
Có thể điểm lại một số vụ như cơ sở Dòng Chúa Cứu Thế, Dòng Thánh Phaolô Hà Nội, Thánh đường Hồi Giáo ở Quận 3 – Sài Gòn, Chùa Liên Trì ở Thủ Thiêm – Sài Gòn, Đan viện Thiên An – Huế…
Bình Định: Tạm dừng dự án điện mặt trời
để đối thoại với dân
Trong cuộc đối thoại trực tiếp với người dân xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định hôm 4/12 về dự án điện mặt trời đang gây tranh cãi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định, ông Hồ Quốc Dũng hứa sẽ tạm dừng dự án điện mặt trời để đối thoại với dân.
Báo Sài Gòn Giải Phóng trích lời ông Hồ Quốc Dũng nói “Trước mắt, sẽ cho tạm dừng dự án để tiếp tục làm rõ nhữn điều dân đang thắc mắc. Cần thiết chúng ta thuê xe chở dân đi đến các dự án điện mặt trời tại các tỉnh đã làm được để tham khảo, tìm hiểu”.
Dự án điện mặt trời Phù Mỹ tại xã Mỹ Thắng đang vấp phải sự phản đối của người dân địa phương trong nhiều tháng qua. Theo Sài Gòn Giải Phóng, trong hơn 20 ngày qua, người dân xã Mỹ Thắng liên tục chặn xe, bắt người để phản đối dự án nhà máy điện. Hôm 3/12, người dân đã bắt giữ 2 người vì nghi ngờ đến địa phương khảo sát làm dự án điện mặt trời. Vụ việc đã khiến Ủy ban Nhân dân tỉnh phải tiến hành đối thoại gấp với dân ngay trong ngày 3/12 thay vì theo dự kiến là ngày 4/12.
Truyền thông trong nước trích lời người dân địa phương phản đối dự án vì cho rằng dự án điện sẽ gây ô nhiễm môi trường, phá hoại rừng dương phòng hộ, gây ô nhiễm nguồn nước và hơn thế nữa là dự án chỉ là vỏ bọc để doanh nghiệp khai thác titan.
Phát biểu tại buổi đối thoại vào ngày 4/12, nhiều hộ dân cho rằng vấn đề chính nằm ở sự nhập nhằng, thiếu quyết đoán của chính quyền. Theo người dân, từ năm 2005 đến nay, đã có nhiều dự án dân sự dự định triển khai tại xã Mỹ Thắng nhưng sau đó đều bỏ ngỏ, không triển khai được. Theo truyền thông trong nước, vào năm 2011, người dân xã Mỹ Thắng đã chặn đường, bắt nhốt hàng chục cán bộ để phản đối dự án cấp nước sạch sinh hoạt vùng ven biển phía Đông huyện Phù Mỹ do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Tuy nhiên, người dân lúc đó cho rằng những người này đến địa phương để khai thác titan.
Lãnh đạo địa phương thừa nhận những lỗi trên là do từ công tác tuyên truyền của địa phương chưa đến người dân, một số bộ phận người dân cố tình không chịu lắng nghe.
Lãnh đạo tỉnh tại buổi đối thoại hôm 4/12 cũng cho biết dự án điện mặt trời lúc đầu lấy diện tích 380 ha nhưng qua khảo sát đã rút xuống còn 320ha. Tỉnh cũng đã quyết định diện tích nào có rừng dương thì bỏ ngoài dự án, chỉ làm trên diện tích đất trống.
Ông Hồ Quốc Dũng cam kết sẽ không có một doanh nghiệp nào được phép khai thác titan trên địa bàn xã Mỹ Thắng.
Linh mục Đặng Hữu Nam
bị hội nghị xã ở Nghệ An ‘đấu tố’?
Ý kiến của một luật sư rằng việc chính quyền một xã ở Nghệ An vừa tổ chức hội nghị lên án linh mục Đặng Hữu Nam là cách hành xử tạo tiền lệ xấu.
Hội nghị tại xã Khánh Thành diễn ra hôm 30/11 tại Ủy ban Nhân dân xã, thu hút sự tham gia của “đông đảo người dân trong xã”, theo báo địa phương.
Mục đích của hội nghị là nhằm “lên án, phản đối các hoạt động vi phạm pháp luật của linh mục Đặng Hữu Nam, quản giáo xứ Mỹ Khánh, huyện Yên Thành”.
Phong á thánh cho cố Hồng y Nguyễn Văn Thuận
Hội Cờ đỏ và lời kêu cứu của một linh mục
Đảng CSVN đang ‘mềm dẻo hơn’ với đạo?
Linh mục lên tiếng về các cuộc biểu tình
“Mong muốn lớn nhất của bà con nhân dân là cần phải xử lý nghiêm hành vi của linh mục Đặng Hữu Nam, trả lại cuộc sống bình yên vốn có tại địa bàn,” bài báo trên tờ Công An Nghệ An cho hay.
Trong video đăng tải rộng rãi trên mạng xã hội, hội nghị còn có sự tham gia của nhiều bạn trẻ trong áo xanh đồng phục của đoàn thành niên, và hội phụ nữ.
‘Vô pháp’ và ‘tiền lệ xấu’
“Dù là một chức sắc tôn giáo thì linh mục Đặng Hữu Nam vẫn là một công dân sống trên đất Việt Nam và cần tuân thủ luật Việt Nam. Do đó, nếu ông vi phạm pháp luật thì người dân và chính quyền địa phương có quyền tố cáo ông tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền,” luật sư Ngô Anh Tuấn nói với BBC hôm 4/12.
“Cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp này có thể là công an xã Yên Thành, Nghệ An, hoặc cấp cao hơn, tùy mức độ vi phạm.”
“Sau đó, cơ quan đó sẽ căn cứ vào hành vi của linh mục mà kết luận ông Nam vi phạm hình sự hay chỉ xử phạt hành chính”.
Nhưng việc tố cáo này phải bằng đơn từ chứ không phải bằng tụ tập đông người để thị uy pháp luậtLS Ngô Anh Tuấn
“Nhưng việc tố cáo này phải bằng đơn từ chứ không phải bằng tụ tập đông người để thị uy pháp luật”.
“Việc xử lý cũng phải là trách nhiệm của cơ quan pháp luật chứ không phải của các cá nhân khác.”
“Không thể lấy một hành vi vi phạm pháp luật để xử lý một hành vi vi phạm pháp luật khác.”
“Có thể hành vi của linh mục Nam chưa đủ cấu thành tội phạm, nhưng chính quyền lo ngại gây ảnh hưởng tới người dân và việc quản lý của họ ở địa phương nên cho là hành vi xấu, có nguy cơ tiềm ẩn.”
“Nhưng họ [chính quyền] lại làm một hành vi sai trái để giải quyết.”
Luật sư Tuấn cho rằng việc tổ chức hội nghị “lên án” một cá nhân như vậy càng góp phần chia rẽ cộng đồng mạnh mẽ hơn.
“Đó là chưa nói việc này có thể làm bùng phát những vấn đề không lường trước được từ người dân mà rất khó giải quyết.”
“Tôi cho rằng đây là cách hành xử vô pháp, không nên trở thành một tiền lệ xấu,” luật sư Tuấn nói với BBC từ Hà Nội.
“Đứng về phía sự thật”
Trả lời BBC ngày 4/12, linh mục Đặng Hữu Nam cho hay hội nghị ‘lên án’ ông của xã Khánh Thành giống một cuộc ‘đấu tố’ thời xưa.
Ông nói cuộc ‘đấu tố’ này diễn ra ngay sau khi ông có cuộc gặp gỡ với các đại sứ quán Mỹ, Úc, châu Âu và liên minh châu Âu tại Hà Nội, nơi ông được hỏi về các vấn đề về nhân quyền và tự do tôn giáo và Hội Cờ đỏ của Việt Nam.
“Tại cuộc gặp gỡ này, đại diện các đại sứ quán cũng tỏ ra rất quan tâm khi nhìn thấy hình ảnh hàng ngàn người bao vây bà con giáo dân Mỹ Khánh khi chúng tôi tuần hành cầu nguyện cho tù nhân lương tâm Lê Đình Lượng hôm 16/8 và 18/10.”
“Tôi cũng trình bày với họ về vấn đề lạm thu đối với người dân nghèo ở địa phương chúng tôi, như việc thu tiền sinh con thứ ba, hoặc thu tiền thuế nông nghiệp 200.000đ/người dù các công trình này là vốn ODA không phải đóng thuế theo luật…”
“Ngay sau đó, chính quyền đã có chủ trương dùng “ti vi, báo chí lề phải” để nói về tôi”, linh mục Nam cho hay.
Cũng theo linh mục Nam, một bằng chứng nữa được chính quyền xã An Khánh đưa ra để ‘tố’ ông là các băng rôn, biểu ngữ “chống phá” mà nhà thờ Giáo xứ Mỹ Khánh sử dụng.
“Các băng rôn, biểu ngữ đó vẫn còn đây, vẫn được chúng tôi treo trong nhà thờ. Nội dung là “Không luật An ninh mạng”, “Không luật Đặc khu”, “Không bán đất cho Tàu cộng”.
“Những điều đó có phản động không?”, linh mục Nam đặt câu hỏi.
Ông cũng cho hay đã đưa vấn đề này lên Đức Giám mục và sẽ trao đổi sự việc với Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
Về việc có cố gắng để “hòa giải” với chính quyền và người dân lương ở địa phương hay không, linh mục Nam cho hay ông không phải là người tạo ra căng thẳng. “Tôi chỉ nói sự thật và đứng về phía sự thật.”
‘Chia rẽ đoàn kết lương giáo’
Báo Công an Nghệ an cho hay đây là “hội nghị lên án” và đăng kèm bài báo là hình ảnh nhiều người mang áo xanh bộ đội, giơ cao biểu ngữ với dòng chữ “Hội cựu chiến binh thành phố Vinh kịch liệt phản đối những hành động vi phạm pháp luật nghiêm trọng của linh mục Đặng Hữu Nam”.
Bài báo cho hay linh mục Nam “có nhiều hoạt động gây chia rẽ mối đoàn kết lương giáo, xuyên tạc lịch sử, chống phá chính quyền” và “nhiều lần lên trang cá nhân, trả lời một số trang phản động nước ngoài nói xấu chế độ, xuyên tạc sự thật”.
Một số người được bài báo trích dẫn, như bà Phạm Thị Thuận, Hội trưởng Hội Phụ nữ xóm Vân Đình nói “kịch liệt phản đối, yêu cầu linh mục Nam chuyển khỏi địa bàn” do từ hồi ông về địa phương đã “kích động bà con giáo dân, có nhiều hành động vi phạm thuần phong mỹ tục”.
Hay ông Nguyễn Đình Thọ nói linh mục Nam “xúc phạm Đảng và nhà nước, gây chia rẽ đoàn kết lương giáo…”
Ông Nguyễn Đình Thọ, người được nhắc đến trong bài báo của Công an Nghệ An, cũng là người bị tố cáo xông vào nhà thờ dọa giết linh mục Nam hồi tháng 10/2018.
Trong bài báo trên Công an Nghệ An, ông Thọ được dẫn lời cho hay ông làm vậy vì “bức xúc trước những hành động vi phạm phát luật của ông Nam”.
BBC từ văn phòng Bangkok đã gọi điện cho Chủ tịch xã An Khánh, ông Nguyễn Đào Quý hôm 4/12 để tìm hiểu về hội nghị ‘lên án’ này nhưng ông Quý nói ông ‘đang bận’ rồi cúp máy.
Chính quyền với Giáo hội địa phương và Vatican
Chính phủ Việt Nam và Tòa Thánh Vatican hiện vẫn chưa thiết lập được quan hệ ngoại giao dù đã có nhiều vòng đàm phán, giao tiếp.
Tuy Trung Quốc cũng chưa có quan hệ ngoại giao với Vatican nhưng diễn tiến quan hệ của Tòa Thánh với hai quốc gia cộng sản châu Á có thể đi theo các tiến độ khác nhau.
Báo Crux hồi tháng 9/2018 dẫn lời Henry Cappello, Chủ tịch tổ chức “CIV – Caritas in Veritate International” (Bác Ái Trong Chân Lý) nhận định về việc này:
“Có nhiều cách khác nhau để có mối quan hệ giữa một quốc gia và Vatican. Các chi tiết cụ thể của một thỏa ước có thể thay đổi.”
“Thỏa ước Vatican-Trung Quốc có khả năng tương tự như mô hình Việt Nam,với những sửa đổi phù hợp với tình hình ở Trung Quốc.”
“Việt Nam đã có một thỏa thuận riêng phù hợp với tình hình Việt Nam, do đó các nước khác có thể tiếp cận theo cách này.”
Một trong các vấn đề Vatican cần suy tính là nhu cầu được công nhận và các hoạt động, quyền lợi của giáo hội địa phương tại Việt Nam và chính sách toàn cầu của Giáo hội trên toàn thế giới.
Đôi khi, hai vấn đề này không song hành.
Trên thực tế, hoạt động của Giáo hội Công giáo La Mã tại Việt Nam vẫn chịu những ràng buộc nhất định bởi chính quyền.
Đây không phải lần đầu giới chức Việt Nam hoặc qua báo chí hoặc các nhóm dân vận cấp địa phương lên tiếng phản đối linh mục Đặng Hữu Nam hoặc một số các dòng tu.
Năm 2017, Hội Cựu chiến binh tỉnh Nghệ An có công văn gửi Thủ tướng Việt Nam phản đối “hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng” của linh mục Nam.
Vấn đề với giáo xứ Thái Hà, Hà Nội một số năm trước cũng trở thành chủ đề trong quan hệ Việt Nam – Vatican.
Hôm 17/11 vừa qua, Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên, hiện đang là giám mục giáo phận Hải Phòng, vừa được Tòa thánh La Mã bổ nhiệm vào vị trí tân Tổng giám mục Hà Nội, theo quyết định được công bố lại Vatican buổi trưa cùng ngày giờ Rome.
Một số giới đánh giá quyết định bổ nhiệm tân TGM Hà Nội này gây ra ít nhiều bất ngờ trong giáo dân Việt Nam.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-46436240
Nguyễn Hữu Quốc Duy phải ở tù vì bị cáo buộc
lôi kéo sinh viên, thanh niên khác
Trung Khang, RFA
Tù nhân lương tâm Nguyễn Hữu Quốc Duy, người bị kết án 3 năm tù giam vào ngày 23/8/2016, với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 của Bộ luật hình sự Việt Nam năm 1999, chỉ vì xịt sơn các mẫu tự “ĐMCS” lên tường của một đồn công an và sử dụng mạng xã hội Facebook để bày tỏ chính kiến của mình về tình hình đất nước, vừa mãn hạn tù ba năm và trở về nhà ở Khánh Hòa hôm 27 tháng 11.
Anh dành cho Đài Á Châu Tự Do cuộc phỏng vấn sau thời gian sum họp cùng gia đình.
Trung Khang: Xin chào anh Nguyễn Hữu Quốc Duy. Trước hết xin thay mặt quý khán thính giả cuả Đài Á Châu Tự Do, chúng tôi chung vui với anh đã về với gia đình sau 3 năm phải ở tù với cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước’.
Nguyễn Hữu Quốc Duy: Xin chào Đài Á Châu Tự Do và quý khán thính giả.
Trung Khang: Thưa anh, từ trước khi cho đến sau khi anh bị bắt giữ và đưa ra xét xử, rất ít thông tin về anh được công khai, vậy anh có thể trình bày lại một số hoạt động của bản thân bị phía cơ quan chức năng cho là vi phạm?
Phía cơ quan chức năng cáo buộc tôi đã có những bài viết và bình luận thể hiện quan điểm cá nhân về các vấn đề chính trị xã hội, giáo dục văn hóa, lịch sử, quốc phòng, có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc chống phá. Và cáo buộc tôi đã lôi kéo nhiều học sinh, sinh viên đi theo.
-Nguyễn Hữu Quốc Duy
Nguyễn Hữu Quốc Duy: Phía cơ quan chức năng cáo buộc tôi đã có những bài viết và bình luận thể hiện quan điểm cá nhân về các vấn đề chính trị xã hội, giáo dục văn hóa, lịch sử, quốc phòng, có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc chống phá. Và cáo buộc tôi đã lôi kéo nhiều học sinh, sinh viên đi theo.
Trung Khang: Đối với anh thì những cáo buộc vi phạm như thế có phù hợp với Hiến Pháp Việt Nam cũng như những Công ước Quốc Tế mà Việt Nam tham gia ký kết?
Nguyễn Hữu Quốc Duy: Theo tôi, những cáo buộc này hoàn toàn là suy diễn một phía của nhà cầm quyền Việt Nam, đi ngược lại với quyền tự do ngôn luận, tự do biểu đạt, có trong Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và trong những công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết.
Trung Khang: Điều kiện ở trong trại giam mà anh phải trải qua thế nào?
Nguyễn Hữu Quốc Duy: Điều kiện ở trại giam, nhất là ở trại tạm giam Khánh Hòa là vô cùng khắc nghiệt và vô nhân đạo, can phạm bị đối xử không khác gì như là súc vật. Và có sự phân biệt giữa tôi và can phạm bình thường, bị khủng bố tinh thần kinh khủng, cũng như cơ quan điều tra đã vi phạm nguyên tắc tố tụng rất nhiều trong quá trình điều tra và giam giữ. Có thời gian tôi bị kỷ luật 20 ngày thì bị tra tấn rất là kinh khủng, tôi bị xịt hơi cay và sau đó nó gây bỏng và lở loét kháp cả người. Không cho tôi mang áo vào nên không lau được, sau đó nó tiếp tục lở loét, gây sốt. Làm cho sức khỏe của tôi giảm sút rất là nhanh.
Trung Khang: Anh có thể chia sẻ là điều gì giúp cho anh vượt qua được thời gian 3 năm trong những nơi giam giữ ở Việt Nam?
Nguyễn Hữu Quốc Duy: Ở trong tù tôi chỉ biết cố gắng hết sức, đôi khi tôi kiệt quệ thì tôi nghĩ đến những người bên ngoài, nhất là Mẹ vẫn đang cố gắng đòi công lý cho tôi.
Trung Khang: Được biết kể từ ngày 13/2/2017, anh Nguyễn Hữu Quốc Duy bị chuyển đến Trại giam An Điềm, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, cũng là nơi giam giữ nhiều tù nhân lương tâm, đặc biệt là anh Nguyễn Văn Hóa. Anh có thể chia sẻ thông tin có được về những tù nhân chính trị/tù nhân lương tâm ở cùng trại giam?
Nguyễn Hữu Quốc Duy: Lúc tôi được thả thì hiện cũng còn các tù nhân lương tâm còn ở lại như ông Ngô Hào, anh Nguyễn Bắc Truyển, anh Hoàng Đức Bình, Nguyễn Văn Hóa… và một số người khác. Tất cả thì sức khỏe và tinh thần đều ổn định. Trong tù thì anh em cũng đang đấu tranh để đòi hỏi những quyền lợi chính đáng về điều kiện sinh hoạt, giam giữ tốt hơn. Trong thời gian bị giam giữ thì anh em cũng bị khủng bố tinh thần và thể xác, nhưng anh em đều cố gắng. Và hiện nay sức khỏe và tinh thần của anh em cũng đều tương đối ổn định.
Trung Khang: Bây giờ đã về đến nhà và thời điểm tiếp theo đây thì những điều anh nghĩ cho những ngày trước mắt là như thế nào?
Nguyễn Hữu Quốc Duy: Trước mắt thì tôi sẽ dành thời gian cho gia đình và nghỉ ngơi nhiều hơn, vì thời gian ở tạm giam quá khắc nghiệt đã khiến sức khỏe của tôi giảm sút quá nhiều. Kế đến tôi sẽ tiếp tục đấu tranh để đòi quyền lợi về đất đai của gia đình, đã bị cưỡng chế thu hồi khi tôi bị bắt. Cũng như lên tiếng cho những người cùng cảnh ngộ. Còn đối với những anh em còn ở trong trại giam thì tôi xin chúc anh em nhiều sức khỏe, tinh thần luôn vững vàng. Trước khi tôi về thì anh em còn ở lại trại giam cũng nhắn nhủ bên ngoài cứ yên tâm, anh em ở bên trong lúc nào cũng đoàn kết và tinh thần luôn vững vàng.
Trung Khang: Xin chân thành cảm ơn anh Nguyễn Hữu Quốc Duy đã dành cho những giây phút rất là quý báu khi mà anh vừa mới về đến với gia đình. Và một lần nữa xin thay mặt quý khán thính giả chung vui với anh và mong sẽ còn có nhiêù dịp để được nói chuyện với anh.
Nguyễn Hữu Quốc Duy: Xin cám ơn quý Đài và xin chào quý khán thính giả của Đài Á Châu Tự Do.
Dân biểu Chris Hayes gửi thư cho Đại sứ Úc
tại Việt Nam về trường hợp Trần Huỳnh Duy Thức
Dân biểu Liên Bang Úc Chris Hayes, vào ngày 4 tháng 12 năm 2018, gửi thư cho Đại sứ Úc tại Việt Nam, ông Craig Chittick, yêu cầu quan tâm đến trường hợp Tù nhân chính trị Trần Huỳnh Duy Thức, người bị án tù từ năm 2010 và hiện đang phải thụ án tại nhà tù số 6, tỉnh Nghệ An.
Trong thư Dân biểu Chris Hayes cho biết ông, cộng đồng Việt Nam tại Úc và cử tri của ông, đang rất quan tâm việc ông Trần Huỳnh Duy Thức đã liên tục tuyệt thực nhiều lần để phản kháng việc đối xử dành cho các tù nhân tại Việt Nam, điều kiện trong trại giam số 6, tỉnh Nghệ An, đồng thời chống đối việc nhà cầm quyền Việt Nam cưỡng ép ông chấp nhận đi lưu vong.
Ông Chris Hayes cho biết qua thư của con gái ông Trần Huỳnh Duy Thức là cô Trần Lê Bảo Trâm gởi cho ông, thì ông rất quan ngại về việc việc, với tình hình sức khỏe hiện tại của ông Thức mà phải chịu án 16 năm tù giam.
Dân biểu Chris Hayes cũng cho biết được thông báo rằng vào ngày 20 tháng 11 năm 2018, ông Thức bị các triệu chứng phù, ngộ độc thực phẩm, chóng mặt, sốt và nôn ra máu vì chế độ ăn uống chỉ bao gồm mì ăn liền, do anh Thức không cảm thấy an toàn khi ăn bất kỳ các loại thực phẩm khác trong nhà tù.
Mặc dù vậy, ban quản lý nhà tù lại không cung cấp nước sôi cho ông Thức và đe dọa sẽ không cho ông Thức dùng máy đo đường huyết và máy đo huyết áp.
Dân biểu Chris Hayes cũng nhắc đến những bài viết về vấn đề xã hội, chính trị, kinh tế Việt Nam của ông Trần Huỳnh Duy Thức nhằm đóng góp xây dựng một đất nước dân chủ. Đồng thời khẳng định rằng bản án 16 năm tù mà ông Thức phải chịu là một trong những bản án dài nhất từ trước đến giờ cho một người bất đồng chính kiến tại Việt Nam.
Phát hiện hải sản chết hàng loạt
tại một số địa phương
Trong 2 đến 3 ngày qua, người dân ở một số địa phương tại Việt Nam phát hiện tình trạng hải sản chết hàng loạt, thậm chí trương nổi, bốc mùi nồng nặc.
Theo báo Dân Việt, tại hồ điều hòa nằm giữa phường Cửa Nam và Đội Cung của thành phố Vinh, Nghệ An, trong hai ngày qua, người dân đã phát hiện cá chết nổi trắng, bốc mùi.
Dân Việt trích lời người dân ở địa phương cho biết hồ điều hòa đã bị ô nhiễm bốc mùi từ lâu nhưng bây giờ mới phát hiện cá chết hàng loạt. Loại cá chết chủ yếu là rô phi. Trước đó, người dân địa phương đã kiến nghị lên cấp trên nhiều lần về tình trạng hồ nước ô nhiễm nhưng đến giờ vẫn chưa được giải quyết.
Trong khi đó, tại vịnh Cam Ranh, 3 ngày nay, nhiều hộ dân nuôi tôm hùm phát hiện tôm bỏ ăn, lờ đờ, sau đó lăn ra chết.
Theo Dân Việt, lúc đầu tôm chỉ chết rải rác nhưng sau đó số tôm chết tăng lên ngày càng nhiều. Báo này cho biết từ sau ảnh hưởng của đợt mưa bão hồi tuần trước, đã có trên 100 hộ ở Cam Ranh có tôm hùm bị chết.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cam Ranh cho báo chí biết lực lượng chuyên trách của địa phương đã lấy mẫu xét nghiệm, sau đó mới có thể làm rõ nguyên nhân tôm hùm chết đẻ có biện pháp khắc phục và đề xuất hỗ trợ.
Hai cựu quan chức
Lê Mạnh Hà và Nguyễn Trọng Dũng bị kỷ luật
Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, ông Lê Mạnh Hà và Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển Doanh nghiệp, ông Nguyễn Trọng Dũng bị kỷ luật do có trách nhiệm liên quan trong Dự án Tổng Công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn cầu An Viên (AVG).
Truyền thông trong nước, vào ngày 4 tháng 12 loan tin vừa nêu, dẫn thông báo theo Quyết định 1673/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Lê Mạnh Hà và thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Nguyễn Trọng Dũng. Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào trung tuần tháng 11 cũng đã thi hành kỷ luật về Đảng đối với ông Lê Mạnh Hà và ông Nguyễn Trọng Dũng.
Thanh tra Chính phủ, vào ngày 14/3/2018, công bố kết luận điều tra vụ việc MobiFone mua lại 95% cổ phần của AVG. Theo đó, đây là vụ án kinh tế nghiêm trọng với nguy cơ thiệt hại hơn 7000 tỷ đồng của Nhà nước do mua phải nợ phải trả hơn 1100 tỷ đồng của AVG.
Thanh tra Chính phủ cũng nêu rõ sai phạm của 4 bộ ngành, bao gồm Bộ Thông Tin – Truyền Thông, Bộ Tài Chính, Văn phòng Chính phủ và Bộ Công An trong quá trình từ khâu thẩm định dự án, tham mưu phê duyệt và phê duyệt dự án.
Cho đến nay, trong vụ Mobifone mua AVG có ba cựu bộ trưởng bị kỷ luật gồm hai ông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn đều là cựu Bộ trưởng Bộ Thông Tin-Truyền Thông và ông Bùi Quang Vinh, cựu Bộ trưởng Bộ Kế Hoạch- Đầu Tư.
Gia Lai: Phó Ban QS bắn chết nữ cán bộ ‘vẫn hôn mê’
Một vụ nổ súng ở thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai hôm 03/01/2018 làm chết tại chỗ nữ phó chủ tịch HĐND phường và khiến chính nghi phạm gây án bị thương nặng.
Sự việc được báo Việt Nam cho là nghiêm trọng xảy ra tại phường Đoàn Kết, làm chết bà Kpă H’Ven, Phó chủ tịch Hội đồng Nhân dân, và khiến ông Bùi Chí Hiếu, Phó ban Chỉ huy quân sự phường bị thương nặng.
Ông Hiếu được cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, theo các báo Việt Nam cùng ngày.
Cảnh sát điều tra phòng chống tội phạm thuộc Công an tỉnh Gia Lai cho báo chí biết: ông Bùi Chí Hiếu đã bắn chỉ thiên vào hội trường Ủy ban Nhân dân rồi bắn chết bà Kpă H’Ven, rồi tự sát.
“Nhân chứng tại hiện trường cho biết, sau khi nổ súng tự sát, ông Hiếu nằm ôm thi thể bà Kpă H’Ven.”
“Cũng theo dư luận tại đây, hai nạn nhân này có mối quan hệ tình cảm và do bất đồng trong quan hệ nên xảy ra sự việc, ” trang Thể thao Văn hóa trích nguồn bài và ảnh của Thông tấn xã Việt Nam cho hay.
Sang ngày 4/12, tin cho hay UBND phường nơi xảy ra vụ việc có tủ súng quân dụng.
Ông Hiếu đã “tự ý phá tủ, trộm hai khẩu súng gây án.”
Hiệ́n ông vẫn bị hôn mê nên cơ quan điều tra chưa thể lấy lời khai.
Ban Bí thư chỉ định phó bí thư Yên Bái
‘Đêm vô thức’ và đất Tây Nguyên tới Nhà Hát Lớn
Thăm người Thượng từ VN bị bắt ở Thái Lan
Gia Lai đã có nhiều vụ nổ súng
Hôm 18/10 năm nay, một người đàn ông ở thành phố Pleiku bị nhóm thanh niên dùng súng bắn gây thương tích vào lưng.
Trong tháng 7, một người đàn ông cũng tại Pleiku bị bắn chết trên đường Nguyễn Văn Cừ.
Hồi tháng 4/2018, một vụ nổ súng do bất cẩn tại công ty cao su ở xã Ia Phang, huyện Chư Pưh, làm chết một nạn nhân nam là Rmah Hiơt.
Cũng trong tháng 4/2014, một thủ phạm sinh năm 1998 đã dùng súng K54 bắn chết một phụ nữ trong khu nhà trọ ở đường Lê Duẩn, Pleiku.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-46430310
Phản đối xây tượng Tố Hữu tại Huế
Kính Hòa RFA
Đầu tháng 12/2018, một số tờ báo của nhà nước Việt Nam đưa tin rằng một khu tưởng niệm nhà thơ Tố Hữu sẽ được xây dựng tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, trị giá 28 tỉ đồng, lấy từ ngân sách nhà nước.
Tờ báo mạng Thừa Thiên-Huế hy vọng rằng khu tưởng niệm này sẽ trở thành một địa chỉ văn hóa du lịch của Tỉnh Thừa Thiên-Huế. Tờ này còn viết rằng ông Tố Hữu không chỉ là một lãnh đạo của Đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam mà còn là một nhà thơ cách mạng hàng đầu.
Ông Tố Hữu từng nắm chức vụ Phó Thủ tướng phụ trách về kinh tế của Việt Nam trong những năm 1980, thơ của ông chiếm một phần quan trọng nhất trong sách giáo khoa văn học cho học sinh Việt Nam.
Nhưng ông cũng bị nhiều chỉ trích, cho rằng ông là một nhà thơ làm công việc tuyên truyền cho Đảng Cộng sản.
Theo nhà văn Nguyễn Viện, một người bất đồng chính kiến sống tại Sài Gòn thì cách nhìn nhân vật Tố Hữu, cũng như thơ Tố Hữu có hai góc khác biệt rõ ràng:
“Đối với một nhân vật như ông Tố Hữu thì khó có cái nhìn công tâm, tùy theo quan điểm chính trị, lập trường của chúng ta như thế nào. Đối với những người trưởng thành trong bối cảnh xã hội chủ nghĩa, cụ thể là lớn lên ở miền Bắc, thì ngay từ thời trung học, họ đã được tuyên truyền rằng Tố Hữu là một nhà thơ tiêu biểu của cách mạng.”
Ông Nguyễn Viện là một người lớn lên ở miền Nam, cho rằng thơ của Tố Hữu không hay, thơ của ông nặng tính tuyên truyền, đôi khi đến nỗi khát máu, và nịnh bợ quá đáng.
Đối với một nhân vật như ông Tố Hữu thì khó có cái nhìn công tâm, tùy theo quan điểm chính trị, lập trường của chúng ta như thế nào.
-Nhà văn Nguyễn Viện.
Nhà thơ Hoàng Hưng, sống ở miền Bắc, thuộc thế hệ những nhà thơ nhà văn từng bị đàn áp trong vụ nhân văn giai phẩm, đồng ý với ông Nguyễn Viện rằng thơ Tố Hữu ở miền Bắc, một thời đã thấm sâu vào dân chúng còn hơn cả ca dao. Nhưng ông cho rằng Tố Hữu cũng là người có tài về mặt ngôn ngữ. Ông Hoàng Hưng lấy ví dụ bài thơ Việt Bắc của ông Tố Hữu, dù rằng vẫn là thơ tuyên truyền nhưng có những đoạn tả cảnh núi rừng thiên nhiên, thuần túy thơ ca, vẫn là những câu thơ hay.
Nhà văn Thùy Linh có cùng quan điểm này, rằng dù sao Tố Hữu vẫn là một nhà thơ có tài, nhưng nếu đặt ông vào vị trí độc tôn trong thơ văn Việt Nam thì không đúng.
Ông Tố Hữu bị chỉ trích nhiều nhất ở những câu thơ cổ vũ cải cách ruộng đất, mang tính sắt máu, mà người ta cho là do ông sáng tác:
Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ,
Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong,
Cho đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng,
Thờ Mao Chủ tịch, thờ Sít-ta-lin bất diệt
Tuy nhiên nhà thơ Hoàng Hưng, dẫn lời nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, nói rằng đây là một nghi án văn chương, chưa chắc Tố Hữu đã làm những câu thơ đó.
“Về mặt văn bản học thì không đáng tin lắm đâu. Cũng có nhiều người bảo rằng không phải, chỉ bịa ra thôi. Lại Nguyên Ân bảo rằng đây là một nghi vấn, mà các nhà nghiên cứu Tố Hữu phải chỉ ra rằng có đúng hay không.”
Theo sự cảm nhận cá nhân của nhà thơ Hoàng Hưng thì ông thấy những câu thơ mang tính giết chóc đó quá kém cỏi, có thể không phải từ một người có khả năng về ngôn ngữ như ông Tố Hữu.
Nhà thơ Đỗ Trung Quân, một người lớn lên ở miền Nam nhận xét về ông Tố Hữu:
“Ông ấy là một nhà thơ nổi tiếng, nổi tiếng theo kiểu là hàng đầu của văn học cách mạng. Nhưng đó là chuyện của cách mạng, không phải là chuyện của tôi. Nếu nói là Tố Hữu là một nhà thơ cách mạng cộng sản, thì Louis Aragon cũng theo cộng sản, Jean Paul Sartre thời kỳ đầu cũng chủ nghĩa cộng sản. Sự hấp dẫn của chủ nghĩa cộng sản đối với những văn hào trí thức cỡ đó thì Tố Hữu đi theo chủ nghĩa cộng sản cũng là chuyện bình thường. Nhưng vấn đề là sau đó, Louis Aragon và Jean Paul Sartre đã nhìn nhận lại, đó là thái độ của người trí thức, chúng ta không phê phán sự chọn lựa ban đầu.”
Louis Aragon là một nhà thơ Pháp, còn Jean Paul Sartre là một nhà triết học Pháp, cả hai đều ủng hộ chủ nghĩa cộng sản trong những năm bắt đầu sự nghiệp của mình.
Ngoài tư cách là một nhà thơ cách mạng, ông Tố Hữu còn được biết như một nhà chính trị, trong đó vai trò của ông được đặc biệt nhấn mạnh trong cuộc đàn áp giới văn chương của phong trào Nhân văn giai phẩm tại miền Bắc sau năm 1954. Nhà thơ Hoàng Hưng, một nạn nhân của cuộc đàn áp đó nói với RFA:
“Ngoài cái việc chung thì ông Tố Hữu còn có cái tư thù của ông ấy, vì nhóm Nhân văn dám làm một cuộc hội thảo để phê bình tập thơ Việt Bắc của ông ấy, trong đó có hai người là Trần Dần và Hoàng Cầm.”
Hai ông Trần Dần và Hoàng Cầm là hai nhà thơ bị đàn áp nặng nề trong vụ Nhân văn giai phẩm.
Theo nhà văn Thùy Linh, chính vị trí độc tôn mà cách mạng cộng sản dành cho ông Tố Hữu, cũng như vai trò đàn áp của ông trong vụ Nhân văn giai phẩm làm cho nhiều nhà văn nhà thơ Việt Nam nhìn ông Tố Hữu rất khắt khe, phủ nhận hết những gì gọi là thơ của ông ấy.
Ngoài cái việc chung thì ông Tố Hữu còn có cái tư thù của ông ấy, vì nhóm Nhân văn dám làm một cuộc hội thảo để phê bình tập thơ Việt Bắc của ông ấy.
-Nhà thơ Hoàng Hưng.
Một giáo viên tại Đà Nẵng, gốc Huế, nói với chúng tôi rằng ông cũng có định kiến về ông Tố Hữu, vì thế rất ít đọc về tác giả này.
Với câu chuyện xây khu tưởng niệm ông Tố Hữu tại Huế, người giáo viên này nói:
“Theo tôi thấy thì người dân Huế chẳng ai quan tâm đến Tố Hữu hết, kể cả những người hoạt động cách mạng lúc trước, cho nên một công trình bề thế như vậy không cần thiết, hơn nữa xứ Huế là xứ nhỏ nhẹ, vừa phải, không cần làm những công trình đồ sộ vớ vẫn.”
Cả hai người, nhà thơ Hoàng Hưng và nhà văn Nguyễn Viện đều dễ dàng đồng ý với ý kiến này. Ông Hoàng Hưng cho rằng tưởng niệm một nhân vật thì không có gì quá đáng, nhưng với qui mô của dự án như vậy thì không cần thiết. Nhà văn Nguyễn Viện nói thêm rằng với tư cách một nhà chính trị thì ông Tố Hữu là là người mắc phải rất nhiều sai lầm trong những năm ông phụ trách kinh tế, mà bây giờ lập khu tưởng niệm với tiền thuế của dân nữa thì ông hoàn toàn không đồng ý.
Nhà thơ Đỗ Trung Quân lại đưa ra một ý kiến khác:
“Cứ xây đi, để sau này người ta còn có cái để mà hạ xuống. Đó là ý kiến cá nhân của tôi.”
Nhà văn Thùy Linh nói rằng, với hai tư cách, nhà thơ, và chính khách, Tố Hữu hoàn toàn thất bại.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/to-huu-failed-politician-poet-12032018132920.html
Tố Hữu, người ta đang bỉ bôi ông ấy
Cánh Cò
Việt Nam có lẽ là nơi có nhiều khu lưu niệm không đáng lưu tâm nhất, vì những nhân vật trong ấy nếu không bị người dân chê điểm này thì lịch sử cũng phủ nhận điểm kia. Tệ hơn nữa, có nhân vật vừa nằm xuống thì người dân đua nhau tung hê như thoát được một cái xiềng trong tâm hồn, một nỗi khinh bỉ chen lẫn sợ hãi kéo dài trong đời sống của họ. Nói đâu xa, Tố Hữu, một nhà thơ quấn quanh mình miếng vải cách mạng và châm loại xăng cảm hứng để tự thiêu nhân cách và phẩm giá bằng những bài thơ không ai dám làm, bởi nó vừa hèn vừa bỉ ổi đến mức một trăm năm sau khi đọc lại người ta vẫn còn thấy mùi vị hố xí của nó vẫn còn phảng phất vậy mà người ta đang quyết tâm xây dựng khu lưu niệm dành cho ông tại quê hương Thừa thiên, Huế.
Tố Hữu hôm nay được tôn vinh như một nhà cách mạng vĩ đại, xây tượng, lập khu lưu niệm đến 28 tỷ, số tiền có thể xây dựng hàng chục ngôi trường cho các em nghèo bất hạnh. Nhưng tiền mặc dù lớn và lấy từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và nguồn huy động hợp pháp khác do UBND huyện Quảng Điền, không phải là câu hỏi khi gắn nó với Tố Hữu, hai chữ “lưu niệm” mới là vấn đề với nhà thơ nổi tiếng này.
Câu hỏi đặt ra: Tố Hữu có xứng đáng được nhân dân thương mến đến nỗi cần một khu lưu niệm để họ tới chia sẻ những thương mến đối với một hiền tài của đất nước hay không? Câu trả lời là một chữ “Không” chắc nịch, bởi nhiều lý do mà lý do nào cũng đạp đổ hình ảnh mà chính quyền này cố công xây dựng cho ông ta.
Tố Hữu có ba vai trò trong suốt cuộc đời cách mạng của ông. Vai trò thứ nhất là làm quan, trong nhiều vị trí cao cấp của đảng. Vai trò thứ hai là làm chính trị và vai trò thứ ba là làm…thơ. Cả ba vai trò ấy đều có vấn đề, mà đều là vấn đề lớn liên quan tới nhiều người, nhiều thế hệ và nhiều năm sau đó.
Làm quan, Tố Hữu lợi dụng chức quyền đày đọa cả một thế hệ tinh hoa văn học trong phong trào Nhân văn giai phẩm. Đây là một phong trào đòi tự do nghệ thuật và thể hiện quan điểm chính trị của một số văn nghệ sĩ và trí thức sống ở miền Bắc, khởi xướng đầu năm 1955 và kết thúc vào tháng 6 năm 1958.
Là Thứ trưởng Bộ Tuyên truyển khi phong trào Nhân Văn giai phẩm nổi lên, Tố Hữu đã thẳng tay ra lệnh đàn áp, bắt bớ các thành viên của phong trào và cho tới nay người trong cuộc đã vạch trần mọi sự trước dư luận quần chúng. Trần Dần, Phùng Quán, Hữu Loan, Nguyễn Hữu Đang, Lê Đạt, Quang Dũng, Hoàng Cầm, Văn Cao, Phùng Cung…..Ngày nay thành viên Nhân văn giai phẩm được trả lại sự thật và phục hồi danh dự cho họ nhưng Tố Hữu vẫn lặng im như người ngoài cuộc mặc dù nhiều tư liệu cũng như lời chứng của người trong cuộc cho thấy ông ta chủ trì việc bách hại tự do sáng tác của phong trào này.
Làm chính trị, trong vai trò một Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Tố Hữu tham gia thảo luận và ký quyết định “Giá, lương, tiền” vào tháng 9 năm 1985. Quyết định này đã làm Việt Nam rơi vào vòng xoáy của lạm phát có lúc lên đến 770% và người dân oán thán như bị B52 tận diệt. Tố Hữu trở thành trò hề của kinh tế xã hội chủ nghĩa. Một năm sau cơn khủng hoảng, năm 1986, Việt Nam tiến hành đổi mới, Tố Hữu mất uy tín chính trị vì phải chịu trách nhiệm trong những vụ khủng hoảng tiền tệ nên bị miễn nhiệm các chức vụ quản lý, chỉ còn giữ chức danh đại biểu quốc hội.
Làm thơ có lẽ là lĩnh vực tai tiếng nhất của Tố Hữu. Ông được mệnh danh là nhà thơ cách mạng nhưng bỏ xa đồng nghiệp trong lĩnh vực tuyên truyền và nịnh bợ các tay trùm Cộng sản. Nếu những bài thơ đưa Hồ Chí Minh lên tới mây xanh thì người ta còn có thể hiểu được nhưng với Stalin, con ác quỷ của phe Xã hội chủ nghĩa mà Tố Hữu cũng làm những câu thơ tụng ca y ngang hàng với Thượng đế thì người dân không còn khả năng căm phẫn nữa, họ phỉ nhổ và chà đạp lên những từ ngữ trịch thượng mà Tố Hữu đã dày công sáng tác. Những câu thơ như thế này đã và vĩnh viễn là vết nhơ trong dòng thơ hiện đại Việt Nam, kể cả dòng thơ cách mạng:
“Áo Ông trắng giữa mây hồng
Mắt Ông hiền hậu, miệng Ông mỉm cười
Stalin! Stalin!
Yêu biết mấy, nghe con tập nói
Tiếng đầu lòng con gọi Stalin!
….
Thương cha, thương mẹ, thương chồng
Thương mình thương một, thương Ông thương mười”
Bao nhiêu thứ Tố hữu đã làm được lịch sử ghi lại đầy đủ. Chứng nhân trong vụ Nhân văn giai phẩm, gần sáu mươi triệu đồng bào cả nước trong vụ “Giá, lương, tiền” năm 1985 và hàng triệu trẻ con qua nhiều thế hệ học thơ Tố Hữu trong trường chẳng lẽ còn chưa đủ xấu hay sao mà lại bày trò xây dựng khu lưu niệm cho ông ấy?
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/to-huu-people-are-criticizing-you-12042018092759.html
Doanh nghiệp ngoại cảnh báo
‘thiệt hại kinh tế nghiêm trọng’ do Luật ANM
Đại diện các doanh nghiệp Mỹ và châu Âu hôm 4/12 cảnh báo việc thực thi Luật An ninh Mạng có thể gây ra “thiệt hại kinh tế nghiêm trọng”, cũng như “ảnh hưởng” đến sức hấp dẫn và tính cạnh tranh của Việt Nam.
Những cảnh báo trên được đưa ra tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam ở Hà Nội, một sự kiện thường niên, theo tin trên các báo mạng Một Thế Giới, Tin Tức, Vietnam Finance và Bnews.
Các bài tường thuật của báo chí trong nước cho hay đại diện cho Phòng Thương mại Hoa Kỳ, AmCham, tại sự kiện là ông Michael Kelly, chủ tịch của hiệp hội này tại Việt Nam. Đại diện cho Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam là các ông Chủ tịch Denis Brunetti và Đồng Chủ tịch Nicolas Audier.
Một trích đoạn phát biểu của đại diện AmCham, được báo chí trong nước đăng lại, nêu ra lo ngại rằng Luật An ninh Mạng và một dự thảo nghị định liên quan nếu được thi hành sẽ “buộc cục bộ hoá dữ liệu”, đồng nghĩa với “cản trở luồng dữ liệu tự do”, mà điều này có thể gây ra “thiệt hại nghiêm trọng” cho nền kinh tế Việt Nam.
Luật An ninh Mạng gây nhiều tranh cãi, lo lắng, được ban hành hồi tháng 6/2018, sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2019 sắp tới. Một dự thảo nghị định về thực thi luật được công bố vào đầu tháng 10/2018 với một số điều khoản bị xem là “xâm phạm không gian riêng tư” càng làm gia tăng sự phản đối từ nhiều giới.
Các công ty dịch vụ đấy họ thấy rằng tốn kém quá, tự nhiên phải có rất nhiều người, phải kiểm soát nội dung, phải liên lạc với nhà chức trách, phải mở văn phòng đại diện, và chi phí đội lên. Và người ta bảo ‘Thôi, tôi không mở dịch vụ trên nền tảng internet ở Việt Nam nữa’.
Luật sư Trần Vũ Hải
Có hai điểm trong dự thảo nghị định bị giới kinh doanh và công chúng xem là “cực kỳ nghiêm trọng”.
Thứ nhất, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ internet phải lưu trữ dữ liệu người dùng và cung cấp theo yêu cầu từ Cục An ninh mạng, Bộ Công an.
Dữ liệu đó gồm thông tin cá nhân, kể cả số thẻ tín dụng, hồ sơ y tế, hồ sơ tài chính, quan điểm chính trị; dữ liệu do cá nhân tạo ra như nội dung tương tác, thông tin tải lên; và dữ liệu về mối quan hệ của cá nhân.
Thứ hai, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ internet phải lưu trữ thông tin trong suốt thời gian hoạt động hoặc đến khi không còn cung cấp dịch vụ. Quy định này, nếu chính thức được áp dụng, sẽ “tạo nên gánh nặng lớn” về kinh tế cho doanh nghiệp, đặc biệt với các nhóm khởi nghiệp.
“Việc ngăn chặn luồng dữ liệu tự do khiến cho sự kết nối trở nên tốn kém hơn cho người dân và doanh nghiệp … Sự ngăn chặn này cũng làm suy yếu khả năng tồn tại và sự tin cậy của các dịch vụ dựa trên các ‘đám mây’ [điện toán] trong một loạt lĩnh vực kinh doanh cần thiết cho nền kinh tế số hiện đại”, đại diện của AmCham nêu ý kiến tại Diễn đàn Doanh nghiệp hôm 4/12, theo Một Thế Giới.
Đại diện của EuroCham chỉ ra thực tế là các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam đang vận dụng tối đa các cải tiến của công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh và thương mại xuyên biên giới. Theo lời của vị đại diện này, nhiều công ty đang sử dụng điện toán đám mây, mạng xã hội, thanh toán trực tuyến và các công nghệ thông minh để vận hành doanh nghiệp.
Tuy nhiên, đại diện của EuroCham lưu ý rằng những công nghệ đó được cung cấp bởi các nhà cung cấp nước ngoài, hầu hết không có cơ sở hay chi nhánh tại Việt Nam. Vì vậy, vị đại diện nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp nêu trên “cần có khả năng chuyển tải dữ liệu xuyên quốc gia”.
Đánh giá Việt Nam trong bối cảnh chung của các nước ASEAN, đại diện EuroCham cho rằng “Nghị định Hướng dẫn Luật An ninh mạng sẽ tạo sự ảnh hưởng nhất định đến sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh trong tương lai của Việt Nam trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài, theo hướng công nghệ cao và đổi mới sáng tạo”, theo tin trên các báo.
Việt Nam sẽ sớm trở thành “quốc gia duy nhất trong khu vực Đông Nam Á yêu cầu lưu trữ tất cả dữ liệu trong nội địa”, vị đại diện nêu ra nhận xét.
Trong hoàn cảnh như vậy, đại diện của EuroCham khuyến nghị rằng để đảm bảo khả năng cạnh tranh bền vững của Việt Nam trong khu vực, phù hợp với thực tiễn và các tiêu chuẩn bảo mật ngày càng cao của quốc tế, “Việt Nam nên áp dụng hệ thống phân loại dữ liệu mà chỉ những dữ liệu có ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng sẽ phải lưu trữ tại Việt Nam”.
Vị đại diện nói thêm rằng một số quốc gia trong đó có Indonesia cũng đang áp dụng cách tiếp cận này.
Luật sư Trần Vũ Hải, chủ hãng luật có hợp đồng với nhiều công ty ở Việt Nam, chia sẻ với VOA góc nhìn của ông về tác động của Luật An ninh Mạng đối với doanh nghiệp nước ngoài:
“Các công ty dịch vụ đấy họ thấy rằng tốn kém quá, tự nhiên phải có rất nhiều người, phải kiểm soát nội dung, phải liên lạc với nhà chức trách, phải mở văn phòng đại diện, và chi phí đội lên. Và người ta bảo ‘Thôi, tôi không mở dịch vụ trên nền tảng internet ở Việt Nam nữa, hoặc nếu chúng tôi làm mà bị chặn thì tốt nhất là chúng tôi không làm”.
Ông Hải đưa ra nhận định rằng do “ngao ngán” với các rào cản và chi phí ở Việt Nam, các công ty công nghệ của nhiều nước sẽ tránh làm ăn, và như vậy “có lẽ chỉ có những công ty công nghệ Trung Quốc sẽ chiếm ưu thế trong không gian mạng Việt Nam”.
Riêng về các đại công ty như Facebook, Google và YouTube của Mỹ, vị luật sư dự đoán rằng họ “chưa chắc đã chịu” tuân thủ các quy định của Luật An ninh Mạng, mà thay vào đó họ sẽ vận động để giới chức Mỹ can thiệp thông qua “những thoả thuận song phương”.
Nghị viện châu Âu sẽ có cuộc tranh luận về Luật An ninh Mạng. Và họ cho rằng Luật An ninh Mạng là cản trở, và dẫn tới có khả năng là sẽ có nhiều người họ không ủng hộ luật đó. Và nếu không thông qua [EVFTA], Việt Nam phải mất thêm 1, 2 năm để vận động, và cũng chưa biết nó thế nào.
Luật sư Trần Vũ Hải
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp hôm 4/12, đại diện EuroCham nhắc nhở rằng Luật An ninh Mạng của Việt Nam có thể tác động đến số phận của Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam, EVFTA.
Các báo Tin Tức và BNews cho biết Đồng Chủ tịch ông Nicolas Audier đã phát biểu tại diễn đàn rằng mới đây Ủy ban châu Âu đã trình dự thảo hiệp định lên Hội đồng và Nghị viện châu Âu để phê chuẩn. Mặc dù ông Audier xem đó là “bước tiến tích cực”, song ông cảnh báo là quy trình phê chuẩn “chưa kết thúc” vì còn “nhiều thách thức” đang chờ ở phía trước.
Ông lưu ý rằng qua phiên điều trần trước Ủy ban Thương mại Quốc tế, “vấn đề liên quan tới Luật An ninh Mạng sẽ là một trong những thảo luận thiết yếu ở Nghị viện châu Âu”, theo các bản tin.
Về vấn đề này, luật sư Trần Vũ Hải nhận định với VOA:
“Nghị viện châu Âu sẽ có cuộc tranh luận về Luật An ninh Mạng. Và họ cho rằng Luật An ninh Mạng là cản trở, và dẫn tới có khả năng là sẽ có nhiều người họ không ủng hộ luật đó. Và nếu không thông qua [EVFTA], Việt Nam phải mất thêm 1, 2 năm để vận động, và cũng chưa biết nó thế nào”.
Đại diện của EuroCham, ông Nicolas Audier, khuyến nghị chính phủ Việt Nam “nên đánh giá rộng hơn” mức độ ảnh hưởng của Luật An ninh Nạng tới giới đầu tư trực tiếp nước ngoài và nền kinh tế.
Trong khi đó, đại diên AmCham bày tỏ hy vọng “được làm việc với các lãnh đạo Việt Nam” về các tiếp cận chính sách nhằm “thúc đẩy các mục tiêu cơ bản” của Luật An ninh Mạng, đồng thời “giảm thiểu sự gián đoạn cho các doanh nghiệp, nền kinh tế và sự phát triển của Việt Nam”.
Theo dõi các ý kiến được hai hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài quan trọng ở Việt Nam nêu ra tại Diễn dàn Doanh nghiệp, luật sư Trần Vũ Hải nói chính phủ Việt nam cần có đề xuất với quốc hội về việc “hoãn hiệu lực” của luật này vào ngày 1/1/2019 tới, hay ít nhất cũng nên “sớm đề xuất sửa” luật này.
Trong khi đó, 26 tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam đã đưa lên mạng 3 bản kiến nghị phản đối Luật An ninh Mạng, thu hút được hơn 110.000 chữ ký trong gần 5 tháng trở lại đây, theo thông tin đăng trong diễn đàn Góc nhìn Báo chí-Công dân trên nền tảng Facebook.
Một nhóm có tên Save NET cho biết hôm 1/12 họ đã chuyển danh sách chữ ký của bản kiến nghị cuối cùng, với yêu cầu quốc hội “hoãn thi hành” Luật An ninh Mạng, đến các văn phòng đại biểu.
Save NET nhấn mạnh rằng “đây chưa phải là điểm dừng” và họ sẽ tiếp tục phản đối Luật An ninh Mạng chừng nào luật này “còn đe dọa tới sự tự do biểu đạt của người dân”.
Foxconn, nhà lắp ráp lớn nhất của iPhone
cân nhắc vào VN
Tập đoàn Foxconn Technology, nhà sản xuất, lắp ráp iPhone lớn nhất của Apple, đang có kế hoạch mở một nhà máy iPhone mới tại Việt Nam.
Dự án này được coi như bước đi nhằm giảm thiểu tác động của cuộc thương chiến Mỹ-Trung.
Thái Lan đầu tư vào Việt Nam thì có gì tự hào?
Thương chiến Mỹ Trung ‘có ảnh hưởng tới VN’
Samsung ‘không ăn đời ở kiếp với VN’
Foxconn đang trong quá trình đàm phán với Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội về việc mở nhà máy, theo báo chí Việt Nam.
Việt Nam và Thái Lan được nhắc tới như những điểm đến ưa thích để các công ty chuyển dịch hoạt động tới nhắm ‘tránh bão’ cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc, tuy vẫn bị coi là các thị trường thiếu nhân công có tay nghề và cơ sở hạ tầng chưa tốt, Reuters tường thuật.
Foxconn đã có mặt nhưng làm các dịch vụ khác ở VN
Hãng Foxconn của Đài Loan vốn đã có sự hiện diện tại Việt Nam với hoạt động sản xuất điện thoại di động hiệu Nokia.
Ngoài ra, Sharp Group thuộc sở hữu của Foxconn cũng có nhà máy tại Việt Nam.
Chính thức vào Việt Nam từ 3/2007, cho tới nay, Foxconn đã có ba cơ sở nhà xưởng tại Việt Nam, một tại tỉnh Bắc Ninh và hai tại tỉnh Bắc Giang.
Tại nhà máy ở Bắc Ninh, Foxconn sử dụng trên 34 ngàn lao động, và doanh thu năm 2016 đạt trên 1,5 tỷ đô la, VietNam News tường thuật.
Việc đưa hoạt động sản xuất sang thị trường Việt Nam và các thị trường khác còn phụ thuộc vào diễn tiến của cuộc thương chiến Mỹ-Trung, và Foxconn hiện đang trong giai đoạn đánh giá tình hình, trang tin United Daily News của Đài Loan nói.
Nếu như Foxconn đem hoạt động lắp ráp iPhone vào Việt Nam, thì đây sẽ là bước đi làm rung chuyển ngành sản xuất điện thoại di động tại thị trường này.
Việt Nam là nơi hiện Samsung đang đóng vai trò hàng đầu, nên sự xuất hiện của một tập đoàn lớn nữa sẽ tạo sự cạnh tranh lớn hơn trong mảng nhân công và đem lại nhiều cơ hội làm ăn hơn cho các nhà cung ứng địa phương, theo đánh giá của báo Đầu tư Nước ngoài.
Cho đến nay, Samsung là hãng có đầu tư nước ngoài lớn tại Việt Nam, sử dụng khoảng 160 ngàn lao động tại các nhà máy của hãng ở quốc gia này.
Trong năm 2015, hoạt động của hãng tại Việt Nam xuất khẩu khoảng 32,5 tỷ đô la, với 50% tổng điện thoại di động của hãng được lắp ráp tại Việt Nam.
Riêng hai nhà máy của Samsung tại Bắc Ninh đã cung ứng 200 triệu điện thoại di động cho toàn cầu.
https://www.bbc.com/vietnamese/business-46440779
Điều tra viên Slovakia bác đơn khiếu tố
trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh
Nhân viên Điều tra viên của Bộ Nội vụ Slovakia đã bác bỏ đơn khiếu tố hình sự trong vụ công dân Việt Nam Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc sử dụng đã sử dụng một chiếc máy bay đặc biệt của chính phủ Slovakia, theo trang The Slovak Spectator.
Bộ phận báo chí của Bộ Nội vụ Slovakia nói với hãng tin SITA rằng: “Ông ấy đi tới quyết định này vì không có lý do gì để truy tố hình sự hay hành động nào khác. Quyết định đó được công tố viên giám sát xác nhận. Viên công tố này cũng đã bác bỏ đơn khiếu nại do một người cung cấp tin trong vụ việc này trình lên.”
SITA trích thông tin từ Bộ Nội vụ cho biết: “Cơ quan cảnh sát điều tra đã quyết định công bố quyết định bác bỏ khiếu nại tội phạm này vì sự việc được công chúng quan tâm và bởi vì nhân viên điều tra viên đã đồng ý như vậy.”
Trước đó, hồi tháng 10, báo Denník N daily đã đưa tin rằng hai sĩ quan cảnh sát nói với các điều tra viên người Slovakia rằng khi ở tại sân bay, họ đã trông thấy ông Trịnh Xuân Thanh được đưa vào một chiếc máy bay của chính phủ.
Vào đầu tháng 10, Công tố viện Slovakia đã quyết định khởi tố vụ án dùng chuyên cơ chính phủ Slovakia đưa Trịnh Xuân Thanh ra khỏi khu vực Schengen.
Bộ Nội vụ Slovakia đã cho 44 nhân viên được miễn trách nhiệm bảo mật thông tin để phục vụ cuộc điều tra, nghĩa là họ được phép khai tất cả cho cơ quan điều tra.
Các nhân viên này thuộc các bộ, ngành và cảnh sát hộ tống cùng những người phục vụ cho chuyến đến thăm và làm việc của Bộ trưởng Tô Lâm với Bộ trưởng Nội vụ Robert Kalinak hôm 26/07/2017
Bộ trưởng Nội vụ Slovakia vào lúc đó là ông Robert Kaliňák đã bác bỏ bất kỳ sự can dự nào của Slovakia trong vụ việc này.