Tin Việt Nam – 04/12/2016

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 04/12/2016

Người dân tiếp tục biểu tình

chặn cầu Bến Thuỷ sang ngày thứ 2

Hàng trăm người dân Hà Tĩnh và Nghệ An hôm Chủ Nhật ngày 4 tháng 12 tiếp tục đậu xe hơi chặn cầu Bến Thuỷ 1 nối liền thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An với huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, để phản đối việc thu phí qua cầu, dù cầu Bến Thủy 1 được xây bằng ngân sách nhà nước, tức tiền thuế của dân.

Đây là ngày thứ hai liên tiếp người dân dùng xe hơi gắn nhiều biểu ngữ với những nội dung như: “Chúng tôi sẽ đấu tranh đến cùng việc thu phí cầu Bến Thuỷ 1 để trả lại sự công bằng cho dân”; “Chúng tôi không đi đường mà tại sao lại phải trả phí?”; “Cầu Bến Thuỷ 1 là của dân yêu cầu không được để tổng 4 chiếm đoạt”; … Cuộc biểu tình phản đối khiến cho giao thông qua cầu Bến Thủy 1 bị tắc nghẽn.

Nhà cầm quyền hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã điều động công an, an ninh, cảnh sát giao thông đến kiểm soát đoàn biểu tình và chuyển hướng xe cộ sang cầu Bến Thuỷ 2, chiếc cầu do Tổng Công Ty Xây Dựng Công Trình Giao Thông 4 (Cienco 4) xây dựng và khai thác theo hình thức BOT, thu phí xe cộ qua cầu để lấy lại vốn trước khi bàn giao cho chính quyền.

Một người có mặt tại hiện trường cho phóng viên SBTN biết rằng, hiện tại nhà cầm quyền chỉ điều động lực lượng đến tìm cách giải tán người biểu tình, nhưng chưa có hành động đàn áp. Người dân nói sẽ tiếp tục biểu tình cho đến khi nhà cầm quyền dẹp bỏ trạm thu phí trên cây cầu xây bằng tiền thuế của dân.

Một nguồn tin khác cho biết nhà cầm quyền đã đưa ra lời đe doạ sẽ xử trị những người gây rối loạn giao thông và những người tổ chức cuộc biểu tình.

Nguyên Nguyễn/SBTN

http://www.sbtn.tv/nguoi-dan-tiep-tuc-bieu-tinh-chan-cau-ben-thuy-sang-ngay-thu-2/

 

Từ thiện qua câu chuyện Phan Anh

Mặc Lâm, biên tập viên RFA

Ngày 16 tháng 10 trên Facebook của MC nổi tiếng Phan Anh post lên một status kêu gọi những người yêu mến anh chung tay cứu giúp đồng bào miển Trung đang gặp lũ lụt. Ngay ngày hôm sau anh đích thân bỏ 500 triệu tiền riêng của mình vào quỹ cứu trợ và bắt đầu dấn thân vào công việc mà hầu hết nghệ sĩ trong giới Showbiz không hoặc chưa nghĩ tới.

Điều ngạc nhiên đã xảy ra: chỉ sau 48 giờ, quỹ của Phan Anh đã quyên được 10 tỷ và con số không ngưng lại ở đó, mỗi ngày tiền gửi về cao hơn, con số cuối cùng kết thúc là 24 tỷ chỉ do một người đứng ra kêu gọi.

Sự kiện được xem là bất ngờ đầy kịch tính này diễn ra duy nhất một lần từ trước tới nay khi một người MC vừa bị VTV lên án là chơi trội với câu hỏi “làm từ thiện với động cơ gì” đã được cộng đồng đứng sau lưng trả lời thích đáng tại sao họ làm từ thiện và động cơ ấy cũng được soi rõ từng chi tiết khi Phan Anh công khai tài chánh, cùng với nhiều người đi vào các vùng xa xôi nhất trao tận tay nạn nhân và chia sẻ niềm đau của họ.

Không như mong mỏi

Thế nhưng câu chuyện không mãi suôn sẻ như Phan Anh và người yêu mến anh mong mỏi. Sau khi Phan Anh trích trong số tiền quyên góp cứu trợ lũ miền Trung để tặng vào quỹ “Hiểu về trái tim” số tiền 2 tỷ thì vụ việc trở nên ồn ào dẫn đến những điều không đẹp cho hình ảnh người MC này.

Có thể do thỏa thuận riêng của họ thì mình chưa biết nhưng nếu kêu gọi như vậy mà lại làm những thứ khác thì chắc chắn là họ sẽ kêu, sẽ phàn nàn.

-Lê Dũng Vo Va

Qua tìm hiểu của chúng tôi thì “Quỹ hiểu rõ trái tim” do một số nghệ sĩ như Phan Anh cùng với những doanh nhân thành đạt hợp tác nhằm giúp các trẻ em có tật chứng về tim. Quỹ đã trao tặng nhiều ca phẫu thuật cho các em nghèo kém may mắn và hiện Quỹ này vẫn còn hoạt động rất hiệu quả.

Tuy trợ giúp 2 tỷ cho một quỹ có các hoạt động công khai và minh bạch, những lời chỉ trích Phan Anh vẫn tiếp tục gay gắt trên trang mạng xã hội cùng với báo chí với những tập hợp thông tin về việc này. Có tờ báo giật title như “Phan Anh bị nhiều người đòi lại tiền vì cho rằng từ thiện sai mục đích” đã dấy lên dư luận tranh cãi về việc đòi tiền lại. Đồng tình hay phản đối, mỗi bên đều có lập luận để bảo vệ cho ý kiến của mình, một trong những ý kiến ấy đăng trên tài khoản Facebook của Châu Ngọc Đáo như sau:

“Đủ lắm rồi, Phan Anh à!

Nếu cảm thấy rằng những chiêu trò đã cạn và không còn sức thuyết phục, tôi khuyên bạn hãy dừng lại đi! Một vở diễn với một kịch bản khá tốt ở những màn đầu nhưng bắt đầu lủng củng ở đoạn cuối làm cho người xem cảm thấy chán chê.

Nhưng bạn có thể vớt vát lại chút tiền vé nếu chịu lắng nghe ý kiến khán giả và sửa chữa lại kịch bản đó. Chẳng ai truy cùng đuổi tận bạn cả, điều cốt yếu bạn có tinh thần cầu thị hay không thôi.

Không phải tôi kêu bạn thú nhận tội lỗi gì cả, nhưng nếu hôm nay bạn kể ra sự thật, tôi tin những khán giả đã thất vọng vẫn cảm thấy an lòng. Thậm chí họ sẽ nâng bạn dậy sau những sai lầm, nó phụ thuộc vào bạn chứ không phải tôi!

Đã lâu rồi, tất cả những gì bạn nói ra đều là “bằng chứng chống lại bạn” trước tòa án lương tâm thời đại. Vậy thì tại sao bạn cứ phải chống chế trong mỏi mệt và kiệt quệ như thế!?

Một lần nữa, bạn hãy nhớ rằng đây là cuộc đời, nếu diễn bạn phải diễn để không ai nhận ra bạn đang diễn. Đừng cứ mãi làm trò hề như thế, bạn chỉ là một MC, không hơn không kém!

Còn nếu bạn nghĩ bạn “đủ sức mạnh” để chơi cho hết trò chơi này thì cứ làm đi. Chỉ sợ đến khi “thân bại danh liệt” rồi kêu khóc, van xin sẽ chẳng ai thương xót, đỡ nâng! Lòng kiên nhẫn luôn có giới hạn với bất kỳ ai!”

Để tìm hiểu thêm ý kiến của nhiều người khác nhau chúng tôi được một cư dân tại Quảng Nam không muốn nêu tên, chúng tôi tạm dùng tên A, nhận xét của anh về việc các tập thể lẫn cá nhân đã và đang chung tay cứu trợ người dân miền Trung mà chính anh cũng là một người từng tham gia:

“Với tư cách một người dân miền Trung đã sống trong vùng đất nghèo khổ đã trải qua nhiều thiên tai nhân họa đủ các thứ thì đối với người dân ở quê tôi nếu có được chút quà cứu trợ thì rất là quý nhưng một khi nó bị chuyển sai mục đích. Làm cứu trợ hay từ thiện nói chung cần sự minh bạch. Đầu tiên phải minh bạch với đối tượng nhận cứu trợ hay từ thiện. Minh bạch về sổ sách minh bạch về số tiền nói chung các loại thông tin đều phải minh bạch. Một khi nhà cứu trợ có khuyết điểm gì đó thì nó sẽ kéo theo cả xâu chuỗi không rõ ràng gây ảnh hưởng tâm lý cho người nhận cứu trợ.”

Khi được hỏi cứu trợ phải minh bạch là cần thiết và niềm tin của người gửi tiền cho mình tăng hay giảm đều do tính minh bạch mà có. Tuy nhiên dùng tiền sai mục đích cũng là một yếu tố làm mất lòng tin của người gửi, anh A chia sẻ:

“Theo tôi riêng cái khoảng 2 tỷ chi cho hội thay tim nếu như thật sự nó minh bạch thì cũng không có gì đáng bàn nếu Phan Anh chi số tiền đó mà có sổ sách đàng hoàng. Bởi vì không nhất thiết cứu trợ bão lụt thì người vùng lũ mới nhận được số đó đâu vì thay tim cũng là cách đem lại sự sống cho người khác hay cứu trợ trong lúc người ta đói, lạnh cũng là một cách chia sẻ gọi là hơi ấm cuộc sống cho người khác.

Cả hai vấn để đó nó cùng chung mục đích cho nên tôi nghĩ nó không sai mục đích tại vì số tiền mà Phan Anh đang cầm rất lớn có thể chia sẻ với nhiều người. Theo tôi biết các đoàn cứu trợ về miền Trung rất nhiều, ở Ba Đồn, Lệ Thủy đặc biệt là rốn lũ Hương Khê xã Hương Mỹ có nhiều gia đình người ta nhận được 50-60 triệu đồng, vài tấn gạo 3-4 chục thùng mì tôm…như vậy nó đã bị bội thực cứu trợ trong khi đó có những em bé hay người bệnh sắp chết người ta cần thay tim hay cần cái gì đó thì sự chia sẻ đó không phải là sai mục đích đâu. Mục đích chung là làm cho người ta gần với cuộc sống hơn và theo tôi nghĩ không hẳn là chủ quan, tôi thấy Phan Anh là người không sai.”

Khác với nhận xét của anh A về tình trạng được anh gọi là “bội thực” do nhận quá nhiều vật phẩm cứu trợ của người dân Hương Khê, Hà Tĩnh anh Lê Dũng Vo Va, người từng trải qua gần nửa tháng tại rốn lũ Hương Khê cho biết:

“Tôi đi vào các xã đi khắp các tỉnh, huyện như Hương Khê Hà Tĩnh vào cả A Lưới trong hơn 15 ngày thì tôi thấy không giúp cho bà con được nhiều lắm. Cứu trợ khẩn cấp mỗi nhà 500 ngàn có nhà một vài triệu và gạo cũng không đáng kể gì đâu. Dù sao thì có sự giúp đỡ của nhiều người như Phan Anh thì cũng rất tốt cho bà con ngay thời điểm nguy cấp.”

Riêng việc bỏ 2 tỷ vào Quỹ “Hiều rõ trái tim” của Phan Anh được Lê Dũng Vo Va nhận xét:

“Thật ra tôi cũng theo dõi lời kêu gọi của Phan Anh từ hồi đầu trong đợt miền Trung bị lũ thì chúng tôi vào đấy ngay sau khi lũ xảy ra. Ba bốn ngày sau tôi thấy Phan Anh và một số anh chị em khác như Hồ Ngọc Hà, Đàm Vĩnh Hưng cùng một số anh em cũng kêu gọi quyên góp đồ mang cho bà con. Tất cả mọi người quyền góp đều nói là cứu trợ khẩn cấp cho bà con miền Trung chứ không dùng vào những việc khác như xây dựng hay bể bơi… tôi thấy những người gửi tiền cho Phan Anh người ta thắc mắc còn những người trực tiếp gửi tiền thì không rõ là họ thỏa thuận như thế nào.

Có những người gửi hàng trăm triệu như cô Lâm Ngân Mai hay những người khác gửi sáu bảy trăm triệu. Mọi người bên ngoài không rõ họ thỏa thuận với nhau ra sao nhưng lúc đầu thì đều nói giúp cho bà con vùng lũ, bão. Có thể do thỏa thuận riêng của họ thì mình chưa biết nhưng nếu kêu gọi như vậy mà lại làm những thứ khác thì chắc chắn là họ sẽ kêu, sẽ phàn nàn.”

Kinh nghiệm không hay cho những lần cứu trợ khác

Sau khi bị chỉ trích, MC Phan Anh khẳng định sẵn sàng trả lại tiền cho những người không tin tưởng anh. Chúng tôi cố liên lạc với anh để tìm hiểu thêm thông tin, Phan Anh cho biết qua tin nhắn:

“Mình thấy không cần phải lên tiếng gì nữa cả :)) Những người cố tình đặt điều họ sẽ không bao giờ chịu hiểu!

Mình thấy không cần phải lên tiếng gì nữa cả :)) Những người cố tình đặt điều họ sẽ không bao giờ chịu hiểu!

-Phan Anh

Im lặng họ bảo sợ hãi

Giải thích họ bảo thanh minh

Tự đồn lên họ bảo không có lửa sao có khói

Chưa cung cấp họ bảo giấu diếm

Cũng cấp họ bảo giả mạo

Không cãi được nữa họ chuyển sang chủ đề khác :))

Nên mình từ chối giải thích tiếp

Mình nói nhiều rồi

Nhưng họ không hiểu

Và mình không có nhu cầu giải thích luôn

Mình không sống để mọi người yêu quý

Mà sống cho chính mình không hổ thẹn là đủ.”

Bên cạnh việc cứu trợ đầy tình người thấp thoáng có sự phê phán gay gắt gần như quá đáng hay ngược lại là những bênh vực không cần lập luận thuyết phục đã khiến cộng đồng mạng nhiều ngày không có giờ nghỉ giải lao.

Việc Phan Anh tuyên bố sẽ trả lại tiền cho ai muốn đòi lại đã xuất hiện những câu hỏi khác khiến câu chuyện ngày một rối rắm hơn. Chẳng những rối trong cung cách phát ngôn mà kết quả những tranh luận này sẽ dẫn đến những kinh nghiệm không hay cho những lần cứu trợ khác.

Qua thái độ của người đóng góp xã hội nhận ra một điều là tình thương đối với đồng bào miền Trung vẫn còn rất nặng trong lòng người Việt. Trong khi nhà nước không mấy thành công trong việc vận động công chúng đóng góp thì người dân đang có khuynh hướng tin vào những khuôn mặt nổi bật trong cộng đồng, miễn là người đó minh bạch trong chi tiêu và chứng minh được cách làm việc khoa học và đúng đắn.

Câu chuyện Phan Anh có mặt tích cực trong việc vận động thành công một số lớn hiện kim cũng như lòng tin của công chúng nhưng rất đáng tiếc anh lại chi tiêu không đúng mục đích ban đầu mặc dù không có biểu hiện nào chứng tỏ anh bị lung lạc. Phan Anh không sống bằng tình thương của người dân và như anh nói chỉ cần anh tự biết là đủ. Thế nhưng dư luận vẫn trông mong anh một lời giải thích chân tình bất kể sự giải thích của anh có làm cho người khích bác anh đồng ý hay không.

Rất không may, miền Trung của chúng ta năm nào cũng cần cứu trợ vì chưa có năm nào người dân hưởng trọn vẹn niềm vui an bình không lũ lụt trên quê hương của họ. Khi đó ai sẽ là Phan Anh tiếp nối vì hình như con đường mang tên niềm tin quá ngắn bởi định kiến quá nặng trên mỗi hành động cho dù vô tình phạm phải.

http://www.rfa.org/vietnamese/programs/LiteratureAndArts/charity-through-phan-anh-story-ml-12012016135655.html

 

Việt Nam chia rẽ về quốc tang dành cho Fidel Castro

Việt Nam dành một ngày quốc tang hôm Chủ nhật, 4/12, cho cựu lãnh đạo Cuba Fidel Castro. Việc này đã gây chia rẽ dư luận.

Ông Fidel Castro qua đời hồi tuần trước ở tuổi 90.

Vào ngày Chủ nhật, các cơ quan nhà nước Việt Nam treo cờ rủ, cùng lúc nhà chức trách kêu gọi các địa điểm vui chơi đề nghị ngừng các hoạt động vui chơi giải trí trong ngày.

Nhưng ngày quốc tang, vốn chỉ dành cho các chính trị gia hay anh hùng thời chiến cấp cao nhất của Việt Nam, đã không được hoan nghênh rộng rãi.

Nhân viên văn phòng 25 tuổi Nguyễn Lưu Hương nói với AFP: “Ông ấy không phải là người Việt. Chúng tôi biết ơn ông ấy về sự ủng hộ của ông, nhưng một ngày quốc tang là hơi quá “.

Doanh nhân Hoàng Báu nói: “Thật nực cười. Tôi chắc chắn nhiều người Việt Nam không quan tâm”.

Trên truyền thông xã hội, nơi nhiều người Việt cảm thấy ít bị hạn chế về tự do ngôn luận, những lời bình luận không ủng hộ quốc tang đã lan tràn.

Nhà hoạt động Lê Dũng nói với AFP: “Không có luật cho phép Đảng Cộng sản yêu cầu cả nước để tang người nước ngoài. Tôi không ủng hộ quyết định này.”

Ngược lại, truyền thông nhà nước đầy rẫy các ý kiến ủng hộ cho rằng một quốc tang dành cho ông Castro là phù hợp vì ông là một trong những người ủng hộ sớm nhất và kiên định nhất đối với cuộc cách mạng cộng sản của ông Hồ Chí Minh ở Việt Nam.

Cuba và Việt Nam duy trì mối quan hệ vững mạnh ngay cả sau khi Liên Xô sụp đổ, bất chấp khoảng cách địa lý giữa hai nước lên đến 15.000km.

Các nhà lãnh đạo Việt Nam đã thường xuyên thăm Cuba, trong đó Chủ tịch Trần Đại Quang là nguyên thủ cuối cùng gặp Castro trước khi ông qua đời.

http://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-chia-re-ve-quoc-tang-danh-cho-fidel-castro/3622319.html

 

Phát biểu của Thủ tướng Việt Nam gây ‘bão mạng’

Một đoạn clip về bài phát biểu của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại một buổi lễ kỷ niệm ở Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam hôm 2/12 đang lan truyền nhanh trên mạng xã hội.
Phát biểu nhân lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập ADB và 20 năm ngày mở đại diện của ngân hàng này ở Việt Nam, ông Phúc “ghi nhận vai trò của ADB trong hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội và giảm nghèo ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung và Việt Nam nói riêng”.

Theo trang web của chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Phúc nói rằng “ADB không chỉ là nhà tài trợ mà còn là đối tác trao đổi, tham vấn chính sách cho chính phủ Việt Nam từ nhiều năm qua. Các nghiên cứu, báo cáo khách quan và độc lập của ADB về kinh tế Việt Nam luôn là tài liệu tham khảo tốt cho chính phủ Việt Nam”.

Thủ tướng Việt Nam cho biết, cho tới nay, Hà Nội và ADB đã “thực hiện trên 160 chương trình, dự án với tổng trị giá khoảng 16 tỷ USD…”

Kênh truyền hình nhà nước VTV sau đó cũng trích đoạn bài phát biểu của ông Phúc trong bản tin của mình. Nhiều người sau đó lên mạng bày tỏ sự khó hiểu về những từ viết tắt “ACMECS”, “CLMV” và “CLV” mà người đứng đầu chính phủ Việt Nam đọc lên.

Ông Phúc nói: “Việt Nam luôn trân trọng và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi, chống thất thoát, lãng phí trong đó có nguồn vốn của ADB và mong ADB tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng chính phủ Việt Nam trong các khuôn khổ hợp tác khu vực như tiểu vùng Mekong, ACMECS, CLMV và CLV về kết nối các nền kinh tế, hạ tầng giao thông, giảm nghèo bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đọc tắt “CLMV” và “CLV” (0:00:17)

Theo các tài liệu của ADB mà VOA tiếng Việt tham khảo, ACMECS viết tắt của từ Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong Economic Cooperation Strategy, tức là một khuôn khổ hợp tác giữa các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.

Trong khi đó, CLMV là từ viết tắt tiếng Anh của Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam, còn CLV là viết tắt của Campuchia, Lào và Việt Nam.

Trang web của chính phủ Việt Nam sau đó cũng đăng tải trích đoạn bài phát biểu của ông Phúc và vẫn để nguyên các từ viết tắt trên mà không có giải thích.

Trong khi có người chê trách ông Phúc “không diễn giải cụ thể các chữ cái viết tắt để cho người dân hiểu”, cũng có người cho rằng đó là “chuyện nhỏ, không nên làm to chuyện”.

Từ chuyện của ông Phúc, nhiều người sử dụng ở trên mạng còn tìm lại được bài viết của tờ Pháp luật TP HCM với tiêu đề, “Việt Nam vẫn đứng trong nhóm “CLMV” kém phát triển”. Tuy nhiên, trong bài viết, tờ báo này cũng đã giải thích “CLMV” là gì.

Theo quan sát của VOA tiếng Việt, nhiều tờ báo ở trong nước cũng cho đăng tải các từ viết tắt trên mà không có sự diễn giải trong ngoặc đơn như thường làm.

Trong bài viết có tựa đề, “Luật hóa ngôn ngữ để viết đúng, nói đúng: Tình trạng dễ dãi trong sử dụng Tiếng Việt”, Đài tiếng nói Việt Nam dẫn lời một nhà nghiên cứu ngôn ngữ nói đến tình trạng “phát âm lộn xộn tiếng Việt và tiếng nước ngoài hay Việt hóa tiếng Anh tùy tiện” hoặc “đọc từ viết tắt theo kiểu tiếng Anh”.

http://www.voatiengviet.com/a/phat-bieu-cua-thu-tuong-viet-nam-gay-bao-mang/3622390.html

 

Lũ lụt khiến ít nhất 13 người thiệt mạng

ở Miền Trung Việt Nam

Mưa lớn từ cuối tháng 11 vừa qua gây ra những cơn lũ trên diện rộng đã khiến ít nhất 13 người thiệt mạng ở miền Trung Việt Nam.

Nhà cầm quyền và truyền thông Việt Nam dự đoán mưa lớn sẽ còn tiếp diễn trong những ngày tới. Truyền thông trong nước hôm Chủ Nhật 4 tháng 12 cho hay, có 6 người đã thiệt mạng trong cơn lũ ở tỉnh Bình Định, và 4 người khác thiệt mạng tại tỉnh Quảng Ngãi. Hơn 10,000 ngôi nhà trong cả hai tỉnh bị nhấn chìm. Báo Thanh Niên trích dẫn các báo cáo từ địa phương cho biết, ba em nhỏ từ 4 tới 13 tuổi bị nước lũ cuốn trôi ở tỉnh Quảng Nam hôm Thứ Bảy.

Cơ quan khí tượng cho biết, một đợt không khí lạnh đang di chuyển về hướng Nam, có thể sẽ đưa thêm những cơn mưa lớn đến các tỉnh miền Trung Việt Nam từ nay cho đến ngày Thứ Năm 8/12.

Hôm Thứ Sáu 2/12 vừa qua, một báo cáo cho biết, những trận lũ lụt đi kèm với hiện tượng hồ thủy lợi và thủy điện đồng loạt xả lũ hồi tháng 10 vừa qua đã khiến 65 người thiệt mạng ở các tỉnh miền Trung, nhận chìm 200,000 ngôi nhà dưới những làn nước sâu tới nhiều mét, làm hư hỏng hệ thống đường sắt và các xa lộ. Mức thiệt hại được ước tính hơn 7 ngàn tỉ đồng (300 triệu Mỹ kim). Các khu vực bị lũ lụt hoành hành trong tháng 10 là các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung phần, nằm ngoài khu vực vành đai cà phê Tây Nguyên và vựa lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Huy Lam / SBTN

http://www.sbtn.tv/lu-lut-khien-it-nhat-13-nguoi-thiet-mang-o-mien-trung-viet-nam/