Tin Việt Nam – 04/11/2018
Dẹp chùa An Cư: Mục đích chính
để triệt hạ cơ sở của Giáo hội Việt Nam Thống Nhất
Tuấn Khanh
Chùa An Cư ở quận Sơn Trà thành Phố Đà Nẳng, có thể là một hình ảnh xót xa nối tiếp của cây chuyện cưỡng chế, đập tan như trường hợp Chùa Liên Trì ở quận 2, Thủ Thiêm, Sài Gòn.
Ngôi Chùa chỉ hơn 300m2 được nhận được lệnh cưỡng chế giải tỏa, mặc dù nhiều yêu cầu đưa ra, trong đó chỉ xin đổi lại một nơi khác để tu tập. Mục đích của Đà Nẳng, hay nói chung là chính sách của Nhà nước vô thần hiện nay tại Việt Nam là triệt hạ các cơ sở tôn giáo độc lập, đặc biệt là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất.
Tin cho hay Văn bản cưỡng chế trước đây là từ ngày 24/9/2018, đến ngày cuối là 23/11/2018. Thông báo cưỡng chế chùa lần này là 8 giờ sáng ngày 9/11/2018.
Dưới đây là cuộc trò chuyện với hòa thượng Thích Thiện Phúc, trụ trì chùa An Cư, trước vài ngày Chùa bị cưỡng chế, cùng với sự sách nhiễu và trấn áp nhiều năm nay từ chính quyền.
Tuấn Khanh: Nhờ Thầy tóm tắt, nói rõ thêm cho mọi người đuợc biết về hoàn cảnh của Chùa An Cư hiện nay.
Thích Thiện Phúc: Từ 2003-2004, người ta đã có ý định giải tỏa co việc xây dựng nhưng thực chất, ý của họ là nhằm triệt hạ các cơ sở của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Trước đây các văn bản họ gửi đến Chùa, đều đề tên đời của Thầy chứ không đề tên đạo. Nhưng rồi bẳng đi một thời gian, do chuyện kinh tế trì trệ thế nào đó nên họ tạm yên mấy năm. Từ 2014 đến nay thì họ làm lại, mở lại chuyện giải tỏa đền bù. Họ định bồi thường là 400 triệu hơn, nhưng Thầy không chịu giải tỏa.
Trong những bức thư trước đây mà Thầy gửi cho Chủ tịch thành phố, phường quận… Thày có nói rõ là Thầy không có nhu cầu chuyển nhượng hay mua bán đất. Nếu Nhà nước muốn giải tỏa thì giao lại một mảnh đất tương đương để Thầy xây Chùa, thậm chí là Thầy tự làm cũng được, dĩ nhiên trong quá trình xây dựng thì đừng gây khó dễ. Cuối cùng Thầy cũng nói là nếu mọi thứ vẫn không thể đồng thuận được thì viêc cưỡng chế cần báo trước 15 ngày để thu dọn phần cá nhân, chứ không đặt ra yêu cầu gì nữa, vì đã yêu cầu và thiện chí đến đó không được thì thôi.
Tuấn Khanh: Chùa An Cư đã hình thành như thế nào, hiện nay sinh hoạt ra sao? Giấy tờ của Chùa có đủ hợp pháp để Thầy có thể đối thoại với chính quyền Đà Nẳng không?
Thích Thiện Phúc: Ngày xưa Thầy đi tu ở Bình Dương, Sông Bé. Nhưng sau đó thì dành dụm và mua lại đất của ông Nguyễn Văn Tỏ, người ở nơi này. Thầy mua dần 2 lần để mở rộng. Mua từ năm 1993, đến năm 1995 thì cơi cất thành Chùa và tồn tại đến nay.
Ngày xưa thì không có chuyện gì hết, đến khi họ biết được là người của Phật giáo Việt Nam Thống Nhất thì họ đàn áp, tấn công.
Hiện tại Thầy không còn một đệ tử nào ở lại hết. Tín đồ cũng lui hết. Bởi chính quyền họ cô lập, phân hóa… mục đích làm tê liệt toàn bộ, kể cả vấn đề kinh tế.
Tuấn Khanh: Chính quyền Đà Nẳng nói họ giải tỏa để phát triển đô thị, văn hóa… đã có bao giờ trong đối thoại, Thầy gợi ý với họ rằng gìn giữ và tôn tạo chùa chiền cũng là việc làm văn hóa?
Thích Thiện Phúc: Thầy chưa đặt vấn đề đó với họ, nhưng Thầy có nói rằng nếu cần làm gì tốt cho môi trường thì chúng tôi sẳn sàng ra đi, với điều kiện là phải quyết chỗ để chúng tôi sinh hoạt tín ngưỡng như cũ. Nhưng họ không trả lời. Họ cứ âm thầm làm. Thầy nói rằng nếu cần làm bệnh viện, trường học thì chúng tôi sẳn sàng nhường, chỉ xin một trăm mét đất để chúng tôi tái tạo Chùa nhưng họ cứ nín thinh. Họ không thèm nghe gì cả. Mặc dù bề mặt họ cũng lịch sự “dạ thầy” nhưng trong lòng không phải vậy.
Tuấn Khanh: Ngay vào lúc này, Chùa còn ai ở với Thầy?
Thích Thiện Phúc: Không có ai dám tới con à. Mà họ xử sự rất tệ. Kể cả những ngày gần đây, đợi Thầy đi khỏi Chùa thì họ cho người tới chụp hình. Mới hôm trước, họ cho người chạy theo vác ná thun bắn đá vào người Thầy.
Hồi năm ngoái, Thầy đi cúng cho người ta, thì lúc về họ cho 2 thanh niên chạy theo bắn đá vào lưng, vào đầu Thầy. Còn ở ngay trong Chùa thì họ cho người nhỏ keo super vào ổ khóa, quăng bả độc giết chó trong Chùa, đường trước Chùa thì họ cho người rải đinh 3 phân khắp nơi để Phật tử không dám đến nữa. Thầy trò lúc nào phải ra quét để tránh tai nạn.
Trước đây có người thì còn lo cho người ta, chứ bây giờ còn một mình Thầy cũng không lo như trước. Tình cảnh Chùa An Cư giờ đây cũng không khác nào Chùa Liên Trì ở Quận 2, Thủ Thiêm thôi con à.
Đà Nẳng chỉ còn 2 Chùa gọi là liên đới với Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, nay phá Chùa An Cư thì giờ chỉ còn lại một, là chùa bên kia do Thầy Thanh Quang quản thì lâu nay già yếu nên không có hoạt động hay làm gì nữa thì chắc không sao.
Tuấn Khanh: Bị cưỡng chế, Thầy sẽ đi đâu?
Thích Thiện Phúc: Trong lá đơn mà Thầy gửi cho Chủ tịch thành phố Đà Nẳng, chủ tịch quận… thì điều cuối cùng là nếu chính quyền thành phố này quyết tâm giải tỏa thì Thầy sẽ xin tá túc ở đâu đó. Có vài nơi Thầy có thể đi như Huế, Bình Định hay Sài Gòn để tá túc một thời gian. Mình thấp cổ bé miệng thì biết làm gì? (cười)
Ngày xưa Thầy mình bỏ ngai vàng điện ngọc mà đi, thì mình hôm nay có sá chi những lúc như vậy. Có người trách là Thầy không thuận với chính quyền nên gặp chuyện như hôm nay nhưng Thầy không làm chính trị. Nhưng bất kỳ ai thì cũng phải có thái độ về chính trị, lúc cần thì phải nói về đất nước, non sông, tiền đồ của dân tộc chứ không giành quyền lực chi của người ta hết.
Thầy có nới với Phật tử là ngay cả lúc phá chùa, họ đến tống Thầy vào tù thì cũng không sao con à. Phật dạy thế gian vô thường. Chùa họ đến phá đi được thì mình cũng có là chi? (cười)
Tuấn Khanh (ghi)
————————————–
Tham khảo thêm:
TÂM TÌNH CỦA THẦY THÍCH THIỆN PHÚC VỀ VIỆC NHÀ CẦM QUYỀN THU HỒI ĐẤT CHÙA AN CƯ – QUẬN SƠN TRÀ, THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG.
(ngày 1/11/2018)
Tôi tên Huỳnh Văn Côi, Đạo hiệu Thích Thiện Phúc. Hiện trú tại Chùa An Cư, Tổ 171 nay là tổ 80 Phường An Hải Bắc, Quận Sơn Trà, Thành phố Đà Nẵng. Tôi kính trình đến các cấp lãnh đạo kiến nghị về việc thu hồi đất. Giao cho ban quản lý dự án công trình đường Bạch Đằng sử dụng để xây dựng khu dân cư An Cư 4.
Thưa quý ông bà lãnh đạo thuộc các cấp chính quyền. Xét rằng dự án trên không phải là một dự án quan trọng thuộc bộ Quốc phòng hay các dự án có tầm cở của Quốc gia. Mà là một dự án khu dân cư bình thường. Vì vậy, yêu cầu tái định cư tại chổ là điều khả thi. Vì sự an sinh và phát triển của thành phố, vì sự tọa lạc của chùa An Cư chúng tôi, chúng tôi sẻ ra đi nhưng chúng tôi kiến nghị:
THỨ NHẤT:
– Chúng tôi không bán đất Chùa.
– Chúng tôi không nhận tiền đền bù, không nhận đất ở nơi khác.
– Chúng tôi Không chấp nhận đi đến địa phương nơi khác. Hoán đổi đất và tái định cư tại chỗ đường Vương Thừa Vũ cho Chùa một lô đất bằng tổng diện tích đất mà Chùa bị thu hồi là 317,80m2. Làm lại chùa tương đương với diện tích đã được đo đạc như trong bản kiểm định. Sau khi xây dựng xong cấp quyền sở hữu sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất, thì chúng tôi sẽ trao quyền sở hữu sử dụng cũ và tiến hành bàn giao mặt bằng về nơi ở mới.
THỨ HAI:
– Nếu muốn chúng tôi tự định đoạt thì phải cấp lại đất tương đương cũng như trên, sở tài nguyên và sở xây dựng phải cấp giấy quyền sử dụng đất và giấy phép xây dựng để chúng tôi tiến hành làm lại nơi mới, phải bảo đảm thời gian chúng tôi xây dựng lại kẻo tránh những bất trắc có thể xảy ra, đồng thời treo bảng Chùa như cũ. Chúng tôi sẽ bàn giao mặt bằng.
– Trường hợp không giải quyết được, nếu cưỡng chế thì chính quyền thông báo cho tôi biết trước 15 ngày để tôi dàn xếp y phục và dụng cụ cá nhân. Đến ngày cưỡng chế khi chính quyền đến chúng tôi tự đi ra và giao Chùa cho chính quyền định đoạt, cho chúng tôi xem cảnh phá Chùa . Xong chúng tôi đi tìm nơi tá túc.
Kính chúc Quý Ngài Sức Khỏe. Người kiến nghị kính trình.
Tỳ kheo Thích Thiện Phúc
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
Hơn 2,200 gia đình ở Thủ Thiêm
gửi đơn chất vấn chính sách đất đai
Ngày càng nhiều người dân Sài Gòn nghi ngờ cách thức quan chức thành phố giải quyết các vụ khiếu nại về đất đai từ trước tới nay, sau khi một cuộc thanh tra tìm thấy hàng loạt sai phạm trong quy hoạch của khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Báo mạng VnExpress hôm Thứ Bảy (3 tháng 11) dẫn báo cáo về tình hình khiếu nại đông người trong 9 tháng đầu năm của thanh tra thành phố, cho biết tính đến ngày 18 tháng 10 có 2,206 gia đình ở Thủ Thiêm nộp đơn kiến nghị và khiếu nại đến UBND quận 2. Họ yêu cầu được biết chính sách, chủ trương và được giải quyết bồi thường, hỗ trợ khi nhà đất nằm ngoài phạm vi quy hoạch dự án.
Theo VnExpress, cuộc điều tra ở Thủ Thiêm đã có tác động lớn đến thái độ của những người đang khiếu kiện riêng lẻ từ nhiều năm qua. Người khiếu kiện nay có thái độ gay gắt hơn. Nhiều người so sánh về chính sách giải quyết và nêu vấn đề trách nhiệm của chính quyền. Nhiều người bày tỏ nghi ngờ kết quả giải quyết khiếu nại của nhà cầm quyền thành phố trước đây. Thanh tra thành phố cho rằng, nhà cầm quyền cần có những bước đi để ổn định tình hình an ninh trật tự.
Vào năm 1996, dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm được thủ tướng CSVN khi đó Võ Văn Kiệt phê duyệt. Từ khoảng đầu những năm 2010, thành phố đã bắt đầu tiến hành việc cưỡng chế thu hồi đất. Việc di dời và giải toả đã ảnh hưởng đến khoảng 14,600 gia đình với hơn 60,000 người.
Huy Lam / SBTN
https://www.sbtn.tv/hon-2200-gia-dinh-o-thu-thiem-gui-don-chat-van-chinh-sach-dat-dai/
NSƯT Kim Chi tuyên bố từ bỏ đảng Cộng sản Việt Nam
Ngày 4/11/2018, Nghệ sĩ Ưu tú Kim Chi viết trên Facebook cá nhân “chính thức tuyên bố ra khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam”.
Trong bài viết của mình bà cho biết ý định ra khỏi đảng đã có từ 3 năm trước khi ông Nguyễn Phú Trọng lên làm Tổng bí thư đảng Cộng sản VN vì bà biết rằng “ông Trọng một mực theo đuổi Chủ nghĩa Xã hội – con đường tăm tối không có tương lai cho đất nước, đi ngược xu thế tiến bộ của nhân loại.”
Sự việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương đảng Cộng sản mới đây ra quyết định đề nghị kỷ luật Giáo sư Chu Hảo mà nghệ sĩ này cho rằng là “tuyên chiến với giới trí thức tiến bộ tâm huyết, tuyên chiến với nhân dân” dẫn đến quyết định ngày hôm nay.
“Quá thất vọng, tôi bỏ sinh hoạt đảng từ 2013. Tôi luôn trăn trở: “tuổi cao, sức yếu, không gì đau buồn và hổ thẹn hơn là đột ngột ra đi mà vẫn danh nghĩa là đảng viên CS”. Đã đến lúc tôi phải rời khỏi cái đội ngũ mà thế lực hắc ám ngự trị trong Đảng CSVN đang lạm dụng làm bình phong che chắn cho động cơ vị kỷ, tệ hại của họ.
Tôi thành tâm mong mỏi ngày càng có nhiều đảng viên có lương tri, còn tâm huyết với dân, với nước, nhất là thế hệ trẻ, tiếp tục rời bỏ Đảng CSVN, Đoàn TN CSVN. Vận nước, tương lai dân tộc tùy thuộc mỗi người Việt Nam chúng ta“, bà Kim Chi chia sẻ.
Sự việc Giáo sư Chu Hảo, Giám đốc nhà xuất bản Tri Thức bị đề nghị kỷ luật đảng vì tự “diễn biến” đã khiến một loạt các trí thức, đảng viên kỳ cựu rời bỏ đảng. Tính cho đến nay, ít nhất đã có 14 đảng viên có tên tuổi công khai tuyên bố từ bỏ đảng Cộng sản mà nghệ sĩ Kim Chi là người mới nhất.
Nghệ sĩ ưu tú Kim Chi sinh tại thị xã Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang là một diễn viên điện ảnh và giảng viên tại trường Sân khấu – Điện ảnh TP.HCM.
Bà vào đảng Nhân dân Cách mạng Miền Nam tại chiến trường năm 1971, vài năm qua bà lên tiếng về tình hình đất nước và tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc, tham gia các cuộc tưởng niệm hải chiến Hoàng Sa và thảm sát Gạc Ma – Trường Sa.
Đầu năm 2013, bà Kim Chi được Hội Điện ảnh Việt Nam gợi ý làm hồ sơ để đề nghị Thủ tướng khen thưởng, tuy nhiên bà đã gửi một lá thư ghi rõ lý do từ chối: “Tôi không muốn trong nhà tôi có chữ ký của một kẻ đang làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân. Với tôi, đó là một điều rất tổn thương vì cảm giác của mình bị xúc phạm.”
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/kim-chi-left-the-party-11042018082104.html
Bộ Công an: Nghị định hướng dẫn chi tiết một số điều
của Luật An ninh mạng phù hợp với các cam kết quốc tế
Trong buổi họp báo thường kỳ của Chính phú hôm 3/11, đại diện Bộ Công an Việt Nam khẳng định những diều được ra trong dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật An ninh mạng là hoàn toàn đúng luật, phù hợp với thông lệ quốc tế và các cam kết của Việt Nam với quốc tế.
Trước đó, vào ngày 2/11, Bộ Công an Việt Nam đã chính thức công bố dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng để lấy ý kiến của người dân trong thời hạn hai tháng, trước khi Luật An ninh mạng đi vào hiệu lực vào ngay 1/1/2019.
Theo cổng thông tin điện tử của Bộ Công an, khi được các phóng viên hỏi liệu yêu cầu doanh nghiệp trong và ngoài nước phải lưu trữ dữ liệu, đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam có phụ hợp với luật quốc tế hay không, Thiếu tướng Lương Tam Quang, Chánh Văn phòng Bộ Công an khẳng định quy định này là phù hợp vì 4 lý do.
Những lý do được ông Quang đưa ra bao gồm:
Đã có 18 quốc gia trên thế giới có văn bản luật quy định các doanh nghiệp nước ngoài phải lưu trữ dữ liệu quan trọng trong phạm vi lãnh thổ quốc gia như: Mỹ, Canada, Nga, Đức, Trung Quốc, Indonesia, Hy Lạp, Bulgaria, Phần Lan, Đan Mạnh, Thuỵ Điển….
Quy định này phù với khả năng của doanh nghiệp vì Google đã đặt khoảng 70 văn phòng đại diện, Facebook đặt khoảng 80 văn phòng đại diện trên thế giới.
Phù hợp với hệ thống pháp luật Việt Nam, trong đó có Luật Thương mại năm 2005, Luật Quản lý ngoại thương năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành, quy định các tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài phải lập văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Không trái với cam kết quốc tế bao gồm các điều ước liên quan của WTO và CPTPP.
Với những lý do trên, đại diện Bộ Công an khẳng định nghị định mới không trái với các hiệp định, quy định quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Ngay từ trước khi Luật An ninh mạng được Quốc hội Việt Nam thông qua vào tháng 6 vừa qua, nhiều tổ chức quốc tế và chính phủ trong đó có Mỹ đã lên tiếng chỉ trích một số điều khoản của luật này trong đó có quy định yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp các dịch vụ internet ở Việt Nam phải đặt văn phòng đại diện ở Việt Nam và lưu trữ toàn bộ các dữ liệu cá nhân của người dùng ở Việt Nam. Các chỉ trích cho rằng quy định này đã làm khó cho các doanh nghiệp nước ngoài, gây tăng chi phí cho doanh nghiệp và nền kinh tế, chưa kể quy định này còn bị cho là góp phần gia tăng kiểm soát tự do internet ở Việt Nam, xâm phạm quyền riêng tư của người dân.
Theo kỹ sư Dương Ngọc Thái, một kỹ sư an ninh mạng đang làm việc cho Google tại Mỹ, người đã có những bài viết và thư ngỏ gửi Quốc hội về Luật An ninh mạng, “thông tin đã có 18 nước quy định phải lưu trữ dữ liệu tỏng nước dễ gây lầm tưởng rằng tất cả các quốc gia đều yêu cầu lưu tất cả dữ liệu cá nhân hay cho phép một đơn vị như Cục An ninh mạng được phép tự ý truy xuất các dữ liệu đó. Theo kỹ sư Thái, hiện chỉ có Trung Quốc, nga, và Indonesia là bắt buộc lưu trữ tất cả các dữ liệu cá nhân. Các nước khác chỉ yêu cầu lưu trữ dữ liệu về thuế, kế toán, tài chính hoặc dữ liệu các tổ chức đại chúng.”
Trong một cuộc điều trần ở Thượng viện Hoa Kỳ hôm 5/9, bà Sheryl Sandberg – Giám đốc điều hành Facebook, nói rằng tập đoàn này sẽ không đặt máy chủ ở Việt Nam. “Trừ những ngoại lệ rất ít ỏi khi có mối đe doạ nghiêm trọng xảy ra, chúng tôi không bao giờ cung cấp thông tin cho chính phủ Việt Nam, bao gồm cả thông tin về chính trị”, bà Sheryl Sanderg nói.
Việt Nam đăng quang Hoa hậu Trái đất 2018
Đại diện của Việt Nam đăng quang Hoa hậu Trái Đất 2018 hôm thứ Bảy, đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam giành ngôi vị cao nhất trong một cuộc thi sắc đẹp quốc tế lớn, theo truyền thông trong nước.
Nguyễn Phương Khánh, 23 tuổi, vượt qua 87 người đẹp khác để giành ngôi hoa hậu trong đêm chung kết tại Philippines. Trước đó cô đã giành giành hai huy chương vàng trong vòng thi “Trang phục dạ hội” và “Trang phục dân tộc” và một huy chương bạc phần thi “Bikini.”
Danh hiệu Hoa hậu Không khí thuộc về Áo, Hoa hậu Nước thuộc về Colombia và Hoa hậu Lửa thuộc về Mexico.
Tin tức cho biết trong ban giám khảo năm người có hai người đến từ Việt Nam, Mrs Universe 2017 Lưu Hoàng Trâm và nhà thiết kế Linh San.
Cô Phương Khánh giữ danh hiệu Á hậu 2 cuộc thi Hoa hậu Biển Việt Nam toàn cầu hồi tháng 4, theo truyền thông trong nước.
Trong một năm giữ vương miện, Hoa hậu Trái đất sẽ tích cực quảng bá và tham gia vào công tác bảo tồn môi trường và bảo vệ Trái đất, website của tổ chức này cho biết. Ngoài ra Hoa hậu Trái đất sẽ phục vụ trong vai trò Đại sứ cho các chiến dịch bảo vệ môi trường.
https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-dang-quang-hoa-hau-trai-dat-2018/4643477.html
Việt Nam ‘tổ chức giải đua Công thức Một năm 2020’
Chính phủ Việt Nam và ban tổ chức cuộc đua ôtô tốc độ cao Công thức Một (F1) đã đạt thỏa thuận lần đầu tiên tổ chức một giải đấu ở Hà Nội vào năm 2020.
Ba nguồn thạo tin cho Reuters biết như vậy hôm 2/11. Hiện chưa rõ cuộc đua sẽ được tổ chức ở đâu tại Hà Nội.
Các chi tiết như việc xây dựng đường đua ở khu vực ngoại thành phía tây của thủ đô Việt Nam sẽ được công bố vào ngày 7/11, theo hãng tin Anh.
Cả Việt Nam và một cựu đại diện của ban tổ chức từng nói rằng nhiều khả năng giải đấu sẽ được tổ chức ở Hà Nội, nhưng chưa thỏa thuận nào chính thức được công bố.
Trong khi đó, theo AP, ngoài Hà Nội của Việt Nam, Bắc Kinh cũng có thể là một địa điểm ở châu Á đăng cai giải đấu Công thức Một ở Trung Quốc, sau thành phố Thượng Hải.
Tin cho hay, giải F1 tạo ra doanh thu còn cao hơn cả Liên đoàn Bóng đá Thế giới, FIFA, và Ủy ban Olympic Quốc tế.
Theo AP, tổ chức đăng cai giải đua sẽ phải trả phí khoảng từ 50 tới 60 triệu đôla một năm, và giám đốc Điều hành về hoạt động thương mại của Công thức Một từng cho biết rằng 19 trong số 21 cuộc đua được chính phủ trả tiền đăng cai.
Nhưng đổi lại, hình ảnh của đất nước đăng cai giải F1 sẽ được truyền đi nhiều nước trên thế giới, theo giới quan sát.
https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-to-chuc-giai-dua-cong-thuc-mot-nam-2020/4643995.html