Tin Việt Nam – 04/11/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 04/11/2017

‘Phủ chúa’ nguy nga giữa thành phố Thanh Hóa

Báo mạng Luật Sư Việt Nam, cơ quan ngôn luận của Liên Đoàn Luật Sư Việt Nam, vừa ghi nhận một “biệt phủ” chưa rõ là của ai nằm giữa thành phố Thanh Hóa.

Tờ báo dẫn lời nhiều người dân Thanh Hóa cho rằng phải gọi tòa nhà là “phủ chúa” vì nó nguy nga, tráng lệ hơn bất cứ biệt phủ nào báo chí trong nước từ trước tới nay đã tìm ra và giới thiệu với dân chúng cả nước.

Những hình ảnh và phóng sự về các biệt phủ to nhỏ ngày càng được nhiều người dân Việt Nam chú ý, bởi vì chúng là dấu hiệu rành rành của tình trạng tham nhũng ăn sâu và lan rộng trong tầng lớp quan lại của chế độ CSVN hiện nay.

“Phủ chúa” của Thanh Hoa tọa lạc trên hơn 10,000 mét vuông trong khu dân cư An Phú Hưng, thuộc phường Đông Hương. Mặc dù báo mạng Luật Sư Việt Nam không nêu tên chủ nhân của “phủ chúa”, nhưng tờ báo cho rằng để tìm ra chủ nhân của nó là ai thì chắc không khó. Theo giới kinh doanh bất động sản tại thành phố Thanh Hóa, giá đất phía đông giáp đường Đông Hương 1 của khu An Phú Hưng khoảng 45 triệu/m2. Như vậy riêng giá đất của “phủ chúa” cũng phải hơn 300 tỉ đồng (13 triệu Mỹ kim).

Cư dân phường Đông Hương cho biết “phủ chúa” được xây dựng từ năm 2016 đến tháng 6 năm nay thì hoàn tất. Có nguồn tin cho biết bên trong “phủ chúa” có nhiều đồ đạc nhập cảng, và giá trị xây dựng toàn bộ tòa nhà lên tới gần 100 tỉ đồng (hơn 4.3 triệu Mỹ kim).

Huy Lam / SBTN

http://www.sbtn.tv/phu-chua-nguy-nga-giua-thanh-pho-thanh-hoa/

 

Người dân Sài Gòn bán nhà,

ồ ạt gởi tiền ra nước ngoài vì sợ đổi tiền

Trước những lo sợ về khả năng chính quyền CSVN sẽ đổi tiền để cướp của dân như đã từng làm ở thế kỷ 20, hoặc đồng tiền sẽ mất giá như Venezuela, rất nhiều người dân đang sinh sống tại thành phố Sài Gòn đã tìm cách chuyển tiền của gia đình mình sang nước ngoài để tài sản được đảm bảo hơn.

Chị Nguyễn Thanh M., cư trú tại quận Bình Thạnh, Sài Gòn cho biết, gia đình chị có 2 đứa con đều đã được cho đi nước ngoài bằng con đường du học. Vợ chồng chị không thể theo con để ra nước ngoài định cư được vì còn phải chăm sóc bố mẹ đã già yếu.

Tuy nhiên, trước tình trạng nền kinh tế Việt Nam khủng hoảng ngày càng nghiêm trọng, thông tin cho phá sản các ngân hàng và đổi tiền không còn là tin đồn, khi chính miệng quan chức CSVN nói trên báo chí, các khỏan thuế phí ngày càng tăng để bóc lột người dân… chị M. càng thêm lo sợ.

Để tránh tình trạng tiền Việt mất giá và bị cướp “có kế hoạch”, chị M. đã bán 2 căn nhà mà trước đó chị mua cho 2 đứa con để lấy tiền mặt, cộng với khoản tiền tiết kiệm của gia đình mình, chị M. đã gửi hết toàn bộ số tiền có được ra nước ngoài cho các con giữ.

Theo chị M., không chỉ bản thân chị làm vậy, mà khi chị đi gửi tiền thì thấy có rất nhiều trường hợp giống chị, khắp các con đường ở Sài Gòn đều xuất hiện tấm biển rao bán nhà. Vì quá lo sợ tài sản của gia đình mình sẽ trở thành giấy vụn khi để ở trong nước, nên nhiều người dân đã ồ ạt tìm cách chuyển tiền hàng trăm tỷ đồng mỗi ngày ra nước ngoài.

Phải làm việc trên, chị M. tâm sự mình cũng rất buồn, nhưng chị tâm sự:“Không thể để tài sản của mình bị mất trắng vào tay nhà nước!”

http://www.sbtn.tv/nguoi-dan-sai-gon-ban-nha-o-at-goi-tien-ra-nuoc-ngoai-vi-so-doi-tien/

 

Vợ chồng gốc Việt bị kết án

vì buộc thiếu nữ bị buôn sang Anh làm nail

Một cặp vợ chồng Việt vừa bị nhà chức trách Anh kết án với cáo buộc về nô lệ hiện đại, vì có vai trò trung tâm trong một đường dây chiêu dụ thiếu nữ Việt Nam trốn khỏi những gia đình chăm sóc tạm, và buộc các em này làm lao động cưỡng bức trong các tiệm nail.

Viet Hoang Nguyen, 29 tuổi, còn có tên là Ken, và vợ là Giang Huong Tran, 23 tuổi, còn có tên là Susan, hôm Thứ Sáu 3 tháng 11 ra tòa ở Staffordshire, tiếp theo sau một cuộc điều tra trên toàn nước Anh. Một người phụ nữ khác là Thu Huong Nguyen, 48 tuổi, còn có tên là Jenny, cũng bị kết án về tội cưỡng bức lao động. Cảnh sát tìm thấy 60,000 bảng Anh tiền mặt nhét trong một con gấu bông trong tủ quần áo nhà bà Thu Huong.

Cuộc điều tra khởi sự hồi tháng 2 năm 2016, khi các giới chức bố ráp tiệm Nail Bar Deluxe ở thành phố Bath. Hai thiếu nữ 17 và 18 tuổi được giải cứu khỏi tình trạng bị bóc lột ở đó, nhưng đều biến mất. Cảnh sát đã tìm ra dấu vết của các cô tại một tiệm làm móng ở Burton-on-Trent. Nhà chức trách cho biết đến nay có 4 nạn nhân được xác định danh tính, nhưng họ tin còn nhiều nạn nhân khác nữa.

Thám tử Charlotte Tucker thuộc sở cảnh sát Avon và Somerset, nói các thiếu nữ này có tuổi thơ khó khăn và bị thương tổn. Các em bị những kẻ buôn người đối xử như những món hàng, buộc phải sống và làm việc trong những điều kiện không thích hợp, không được trả lương hoặc trả rất ít, và phải chịu đựng sự bạo hành về thể chất cũng như ngôn ngữ. Cặp vợ chồng Viet Hoang Nguyen và Giang Huong Tran bị kết án về tội thông đồng để cưỡng bức lao động. Thu Huong Nguyen thì bị kết án về tội danh vừa kể cộng thêm tội thông đồng hoặc sắp xếp vận chuyển người để khai thác lao động.

Vụ án được phanh phui sau khi hơn 150 thiếu niên nam nữ Việt mất tích từ các gia đình chăm sóc và nuôi tạm kể từ năm 2015.

Huy Lam / SBTN

http://www.sbtn.tv/vo-chong-goc-viet-bi-ket-an-vi-buoc-thieu-nu-bi-buon-sang-anh-lam-tiem-nail/

 

Dự luật an ninh mạng CSVN bị chống đối kịch liệt

Dự thảo luật an ninh mạng của CSVN đang bị các chuyên gia, các tổ chức thương mại và cộng đồng cư dân mạng chống đối kịch liệt, vì điều khoản đòi hỏi các công ty như Google và Facebook phải mở văn phòng và đặt máy chủ tại Việt Nam.

Dự luật do bộ công an CSVN soạn thảo, có điều khoản: “Các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam phải… đặt cơ quan đại diện và máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Giới chuyên gia cho rằng Việt Nam không thể đơn giản đưa ra một quy định như vậy, và điều khoản này đi ngược lại các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Phòng Thương Mại Và Công Nghiệp Việt Nam VCCI, một trong những tổ chức lớn tiếng phản đối dự luật an ninh mạng, nói rằng dự luật này vi phạm cam kết của Việt Nam khi tham gia Tổ Chức Thương Mại Thế Giới WTO, và Hiệp Định Thương Mại Tự Do Liên Âu – Việt Nam EVFTA. Theo cam kết với WTO mà Việt Nam đã ký năm 2006, các dịch vụ viễn thông cung cấp qua biên giới không bị hạn chế tiếp cận thị trường. Cam kết trong EVFTA cũng tương tự. Vẫn theo VCCI, Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP cũng không cho phép các nước ký kết ngăn cấm các công ty đặt máy chủ bên ngoài lãnh thổ. Có ý kiến chuyên gia cho rằng, nếu dự luật an ninh mạng của Cộng Sản Việt Nam được thông qua, thì Google và Facebook có thể sẽ rút khỏi thị trường Việt Nam.

Dự luật an ninh mạng cũng gặp phải làn sóng chỉ trích dữ dội của các blogger và cư dân mạng Việt Nam. Nhà báo tự do Huy Đức gọi đây là “luật chống lại loài người”. Huy Đức viết rằng, “Nếu ai bỏ phiếu thông qua một đạo luật khiến cho người dân Việt Nam không thể tiếp cận được với mạng xã hội, với Facebook, Google… thì lịch sử sẽ không coi bọn họ là bảo thủ hay dốt nát, mà là như những tên tội phạm chống lại loài người, chống lại cơ hội tiếp cận với thế giới văn minh của 90 triệu người dân Việt Nam”. Tác giả “Bên Thắng Cuộc” cũng yêu cầu báo chí “công bố tên tuổi những người chấp bút đạo luật này” cũng như những người đã lên tiếng ủng hộ nó.

Theo báo Tiếng Dân hôm Thứ Bảy, nhiều blogger, Facebooker và cư dân mạng khác cũng bày tỏ ý kiến phản đối mạnh mẽ. Facebooker Trần Song Hào bình luận rằng, “đảng muốn có chi bộ trong máy chủ!”. Facebooker Nguyễn Sơn cảnh cáo, “Việt Nam sẽ sắp sánh vai với… Bắc Hàn về mức độ tự do ngôn luận”. Nhà báo Nguyễn Thông thẳng thừng đả kích, “Đó là thứ tư duy cộng sản man rợ, mông muội của những năm đầu thế kỷ 20. Miệng hô hào kêu gọi cách mạng 4.0, nhưng tay thò kéo cắt cáp internet, đó là sự kéo dài tính man rợ”.

Nhà văn Nguyễn Quang Lập từng bị bỏ tù một thời gian vô cớ viết rằng, “Chỉ cần một năm vắng bóng Facebook và Google sẽ thấy đất nước này lạc hậu so với thế giới hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm”. Luật sư Lê Văn Luân nhận xét: “Luật pháp (Việt Nam) ban hành ngày càng tệ và có xu hướng đi ngược lại tiến trình phát triển văn minh của nhân loại… Thế giới thì vẫn ngày càng tiến lên, còn chúng ta chết vì sự ngu dốt của chính chúng ta mà thôi”.

Huy Lam / SBTN

http://www.sbtn.tv/du-luat-an-ninh-mang-csvn-bi-chong-doi-kich-liet/

 

Bão Damrey ập vào tàn phá Miền Trung

trước hội nghị thượng đỉnh APEC

Bão Damrey đổ bộ vào Việt Nam sáng Thứ Bảy 4 tháng 11, mang theo mưa lớn và gió mạnh trước thềm hội nghị thượng đỉnh của Diễn Đàn Hợp Tác Kinh Tế Châu Á – Thái Bình Dương APEC vào tuần tới.

Đây là cơn bão thứ 12 hình thành trên Biển Đông trong năm nay. Cơn bão mạnh nhất trong ít nhất 16 năm qua tấn công miền Trung và miền Nam Việt Nam với sức gió cấp 12, gió giật cấp 15. Hình ảnh chia sẻ trên truyền thông xã hội cho thấy những cơn gió giật làm đổ cây cối tại các thành phố miền Nam như Nha Trang và Sài Gòn.

Dự đoán bão sẽ mang mưa lớn tới trên toàn miền Trung, bao gồm thành phố lớn thứ ba của Việt Nam là Đà Nẵng, nơi hội nghị thượng đỉnh APEC sẽ được tổ chức từ ngày 8 đến 10 tháng 11. Chính quyền Đà Nẵng dự trù bắt đầu Tuần Lễ Lãnh Đạo APEC vào ngày Chủ Nhật, giữa lúc thành phố đang bị bão Damrey tàn phá.

Tại thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, tình trạng mất điện xảy ra tại hầu hết các quận huyện, nhiều cây cối bật gốc và cột điện đổ xuống đường. Dọc theo đoạn quốc lộ 1 qua tỉnh Khánh Hòa, gió mạnh tốc mái nhiều ngôi nhà, quật đổ cây cối và những trạm bơm xăng. Đường xe lửa Bắc-Nam bị đình chỉ hoạt động.

Trước khi bão Damrey ập vào miền Trung, năm tỉnh gồm Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Bình Thuận và Ninh Thuận đã di tản hơn 75,000 gia đình với 386,000 người. Thành phố Sài Gòn cũng di tản gần 4,000 người ở huyện Cần Giờ.

http://www.sbtn.tv/bao-damrey-ap-vao-tan-pha-mien-trung-truoc-hoi-nghi-thuong-dinh-apec/

 

Ít nhất 19 người chết khi Bão Damrey quét qua Việt Nam

Bão Damrey đã làm ít nhất 19 người thiệt mạng ở nam trung bộ Việt Nam hôm thứ Bảy, chính phủ cho biết, trong khi cơn bão này tiến sâu vào đất liền chỉ vài ngày trước cuộc họp thượng đỉnh APEC của các nhà lãnh đạo Châu Á-Thái Bình Dương.

Bão Damrey đổ bộ vào lúc 4 giờ sáng giờ địa phương với gió giật lên đến 90 km/giờ, làm tốc mái hơn 1.000 căn nhà và làm đổ hàng trăm cột điện và cây cối.

Ít nhất 12 người mất tích và trên 370 ngôi nhà bị sập, Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết. Hơn 33.000 người đã được sơ tán.

Trước đó chính phủ đã nói có sáu tàu bị chìm với 61 người trên tàu ở ngoài Biển Đông và 25 người đã được giải cứu, nhưng không cung cấp thêm chi tiết về số phận của những người còn lại.

Cơn bão đổ bộ gần thành phố Nha Trang, khoảng 500 km về phía nam thành phố Đà Nẵng, nơi mà hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) sẽ diễn ra vào tuần sau.

Tin tức cho hay có mưa và gió mạnh ở Đà Nẵng, nhưng không có báo cáo tức thời về thương vong. Thành phố này sẽ đón tiếp Tổng thống Mỹ Donald Trump từ ngày 10 tháng 11 cũng như Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc, Tổng thống Vladimir Putin của Nga và những người tương nhiệm từ các nước thành viên APEC khác.

Bão đã di chuyển từ khu vực ven biển vào khu vực trồng cà phê chủ chốt của Việt Nam, nước sản xuất cà phê robusta lớn nhất thế giới. Giới thương nhân đã dự liệu cơn bão sẽ gây trì hoãn việc thu hoạch, nhưng không chắc nó có gây tổn hại cho cây cà phê hay không.

Chính phủ cho biết hơn 40.000 hectare cây trồng đã bị hư hại, bao gồm mía, ruộng lúa và cao su. Hơn 40 chuyến bay đã bị hủy.

Lũ lụt đã làm hơn 80 người thiệt mạng ở miền bắc hồi tháng trước, trong khi một cơn bão đã tàn phá các tỉnh miền trung vào tháng 9.

https://www.voatiengviet.com/a/it-nhat-19-nguoi-chet-khi-bao-damrey-quet-qua-viet-nam/4099890.html

 

Việt Nam bãi bỏ chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu

Chính phủ Việt Nam đã quyết định bãi bỏ chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu trong một nỗ lực nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính và giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư, truyền thông trong nước loan tin hôm thứ Bảy.

Nghị quyết 112/NQ-CP được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành yêu cầu Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan thực hiện phương án này, và nó có hiệu lực thi hành từ ngày 30 tháng 10 năm 2017.

Các nhóm thủ tục hành chính về cấp, đổi và cấp lại chứng minh nhân dân sẽ được bãi bỏ trong khi sổ hộ khẩu, một hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú, sẽ không còn cần thiết nữa. Thay vào đó nhà chức trách sẽ quản lý bằng thứ được gọi là “mã số định danh cá nhân.”

“Từ đó, bãi bỏ kết quả giải quyết thủ tục là ‘Sổ hộ khẩu’ và thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư,” theo phương án được Thủ tướng Phúc ký ban hành kèm nghị quyết.

Những loại giấy tờ như giấy chuyển hộ khẩu, giấy chứng minh về mối quan hệ gia đình, giấy khai sinh đối với trẻ em đăng ký thường trú cũng được bãi bỏ.

Tương tự, việc quản lý tạm trú cũng sẽ không còn đòi hỏi “sổ tạm trú” nữa mà chỉ cần mã số định danh cá nhân và thông tin cập nhật trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Một loạt những thủ tục liên quan tới sổ hộ khẩu và sổ tạm trú được thực hiện tại các cấp huyện, xã cũng thuộc diện bãi bỏ.

Phương án liệt kê thêm nhiều nhiều lĩnh vực quản lý khác được đơn giản hóa thủ tục hành chính như xuất nhập cảnh và đăng ký xe, mà theo đó người dân giờ không cần phải xuất trình sổ hộ khẩu hay chứng minh nhân dân nữa.

Quyết định bãi bỏ các loại giấy tờ này được nhiều người đón nhận một cách tích cực. “Một quyết định mang tính chất lịch sử và hợp lòng dân. Chúng tôi mong chờ điều này đã từ rất lâu rồi,” một người bình luận dưới bản tin của Báo Tuổi Trẻ.

Trên trang Facebook cá nhân của mình, luật sư Lê Văn Luân mô tả quyết định này là “trút bỏ sợi xích” vốn gây nên không chỉ những phiền toái mà cả những rắc rối pháp lý.

Việc cấp số định danh cá nhân đã được triển khai thông qua cấp thẻ căn cước công dân và giấy khai sinh từ đầu năm 2016. Tuy nhiên, chưa rõ khi nào thì Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có thể đưa vào hoạt động.

Giới hữu trách cho biết đến nay Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mới hoàn thành các thủ tục để chuẩn bị xây dựng, chậm hai năm so với dự kiến ban đầu trong khi sự phối hợp giữa các bộ, ngành trong triển khai nhiệm vụ cũng vẫn chưa nhịp nhàng, theo Báo Điện tử của chính phủ.

Nỗ lực đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư được chính thức khởi động vào năm 2013. Ông Nguyễn Xuân Phúc, khi đó là phó thủ tướng, giữ vai trò Ban chỉ đạo Đề án.

Ông từng được báo chí nhà nước dẫn lời nói rằng đề án cải cách này là điều người dân rất mong đợi, và ông quyết “không để người dân đi đến đâu cũng ôm đống giấy tờ tùy thân.”

https://www.voatiengviet.com/a/vietnam-bai-bo-chung-minh-nhan-dan-so-ho-khau/4100011.html

 

Tân đại sứ Mỹ đến HN 4/11, kịp cùng TT Trump dự APEC

Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội tiễn cựu nghinh tân trong cùng một ngày, một số nguồn tin không muốn nêu danh tính cho VOA biết.

Nguồn tin cho hay các đại diện đại sứ quán đã tiễn ông Ted Osius rời Việt Nam chiều ngày thứ Bảy, 4/11, sau khi ông kết thúc nhiệm kỳ vào ngày hôm trước. Vài giờ sau khi tiễn cựu đại sứ, đại diện đại sứ quán dự kiến đón tân đại sứ Mỹ Daniel Kritenbrink vào buổi tối cùng ngày.

Ngay đầu tuần sau, ông Kritenbrink có kế hoạch trình quốc thư lên Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang, chính thức trở thành đại sứ Mỹ ở Việt Nam, theo nguồn tin.

VOA đã gửi email đến Bộ Ngoại giao Việt Nam trong ngày nghỉ cuối tuần để xác nhận thông tin kể trên, và vẫn đang chờ hồi đáp từ phía bộ vào thời điểm bài này được đăng.

Hai ngày trước khi rời Việt Nam, đại sứ Mỹ khi đó, ông Osius, nói trong một cuộc họp báo rằng tân đại sứ Mỹ Kritenbrink sẽ tháp tùng Tổng thống Trump từ 10-12/11 tại Hội nghị Diễn đàn Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương ở Đà Nẵng, cũng như khi ông Trump thăm chính thức ở Hà Nội.

Ông Kritenbrink, được Thượng viện chuẩn thuận làm đại sứ hôm 26/10, là nhà ngoại giao chuyên nghiệp cấp cao có nhiều kiến thức và kinh nghiệm làm việc ở châu Á, trải dài từ 1994 đến nay.

Người tiền nhiệm Ted Osius nói trong cuộc họp báo mới đây rằng tân Đại sứ Kritenbrink với kinh nghiệm của mình “sẽ giúp tổng thống hiểu thêm về Việt Nam”. Ông Osius cũng bày tỏ tin tưởng rằng người kế nhiệm “sẽ biết cách tận dụng” những thành quả có được sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Trump “để tiếp tục thúc đẩy quan hệ song phương”.

Trước khi trở thành đại sứ ở Việt Nam, chức vụ gần đây nhất của ông Kritenbrink là Cố vấn Cao cấp về Chính sách đối với Triều Tiên tại Bộ Ngoại giao Mỹ.

Nhiều nhà quan sát chỉ ra có sự liên quan giữa chức vụ cũ của ông Kritenbrink, cương vị đại sứ sắp tới của ông ở Việt Nam, và những động thái cứng rắn của Tổng thống Trump đối với Triều Tiên.

Nhận định về điều này, ông David Shear, từng giữ chức đại sứ Mỹ ở Việt Nam từ 2011-2014, nói với VOA hồi tháng 7 là ông tin chắc chắn rằng “Mỹ đã thảo luận với Việt Nam về tầm quan trọng của việc thực thi các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an đối với Triều Tiên”, và ông trông đợi tân đại sứ Kritenbrink “sẽ tiếp tục theo đuổi lợi ích sống còn đó của Mỹ”.

https://www.voatiengviet.com/a/tan-dai-su-my-den-hn-4-thang-11-kip-cung-tt-trump-du-apec/4099786.html