Tin Việt Nam – 04/09/2018
18 người chết, mất tích
do mưa lũ tại khu vực phía Bắc
Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết con số vừa nêu vào sáng ngày 4 tháng 9. Thanh Hóa là tỉnh có thiệt hại nặng nề nhất về người với 9 người thiệt mạng và 3 người mất tích.
Mưa lũ cũng làm sập gần 380 nhà, trên 800 hộ dân phải di dời khẩn cấp, gần 5.800 héc ta lúa, hoa mùa bị hư hại… trong đó nặng nhất là Thanh Hóa, Nghệ An, Sơn La, Yên Bái…
Theo Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, tính đến chiều ngày 2 tháng 9, mưa lũ đã làm 267 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, hơn 12.000 ngôi nhà ngập trong nước, hàng ngàn héc ta lúa và hoa màu bị ngập úng. Hàng chục ngàn gia súc, gia cầm bị chết và hàng trăm héc ta nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại.
Cũng tại Thanh Hóa, đã có 5 cây cầu bị sập, nhiều đường xá bị sạt lở, ngập nước, gây ách tắc.
Tại tỉnh Sơn La, mưa lũ làm gần 40 nhà sập đổ hoàn toàn, nhiều tuyến đường huyện, liên xã ngập nước. Huyện Mường La là địa phương bị thiệt hại nặng với hàng trăm nhà bị ngập, nhiều căn bị cuốn trôi hoàn toàn.
Cũng trong ngày 4 tháng 9, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương phía bắc tập trung khắc phục hậu quả thiên tai, thông xe các tuyến đường bị chia cắt do mưa lũ. Riêng tỉnh Thanh Hóa phải tổ chức tuần tra, đảm bảo an toàn hệ thống đê điều.
Ngoài ra, các địa phương khu vực hạ du hồ Hòa Bình phải đảm bảo an toàn khi hồ xả lũ.
Hằng ngàn người dân Quảng Ngãi
bao vây Ủy ban xã đòi 31 người bị bắt
Theo tin từ người dân cho hay, vào sáng ngày 4 tháng 9 năm 2018, có khoảng hai ngàn người ở xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi bao vây Ủy ban nhân dân xã này để đòi trả tự do cho 31 người dân bị bắt vào đêm 2 tháng 9 khi chặn quốc lộ 1 A yêu cầu làm rõ có hay không việc nhà máy xử lý rác gây ô nhiễm đang hoạt động.
Một người dân giấu tên có mặt ở UBND xã, vào chiều ngày 4 tháng 9 cho Đài Á Châu Tự Do biết như sau:
“Ở đây đồng bào bức xúc rất nhiều việc, người dân lên xã mời những người có thẩm quyền để mời người ta nói chuyện. Khi dân lên thì họ đưa những lực lượng công an ra đánh dân 1 người phải đi bệnh viện.
Đếm ra là lên đến hai ngàn mấy người, ở đây người ta không đối thoại mà đem lực lượng cảnh sát cơ động, cảnh sát giao thông, hình sự áp chế dân, đàn áp dân thôi.
Nhân dân chúng tôi ngày hôm nay bức xúc lên là do không tin tưởng vào lời nói của cán bộ vì cán bộ đã kêu là chờ quyết định để ra quyết định mà nhà máy rác lại làm lén lút, nên dân chúng tôi bức xúc xuống, mời chủ tịch xã đứng lên làm chứng cho dân mà anh lại cho lực lượng khống chế người dân.”
Ở đây đồng bào bức xúc rất nhiều việc, người dân lên xã mời những người có thẩm quyền để mời người ta nói chuyện. Khi dân lên thì họ đưa những lực lượng công an ra đánh dân 1 người phải đi bệnh viện. – Người dân
Cũng theo người phụ nữ này, nhiều người đã bị đánh trong đó có cả người già và phụ nữ. Chị cho biết nhiều người chứng kiến một phụ nữ bị đánh, bị bóp cổ đến sẩy thai.
Chúng tôi gọi điện thoại cho Công an huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi để xác minh sự việc nhưng người công an trực ban không nêu danh tính và từ chối trả lời câu hỏi của phóng viên. Đài Á Châu Tự Do không có nguồn độc lập khác để xác minh số người đang tập trung ở UBND xã.
Mạng báo Bảo vệ Pháp luật cho hay, từ ngày 29 tháng 7 đến ngày 7 tháng 8, nhiều người dân ở xã Phổ Thạnh đã ngăn chặn không cho xe chở rác vào Nhà máy xử lý rác Sa Huỳnh để xử lý, thậm chí người dân còn mang cả quan tài để ra đường.
Theo người dân, sở dĩ họ có phản ứng là do nghe thông tin, rác từ TP.Quảng Ngãi cũng được chở về đây để xử lý. Bên cạnh đó, trong quá trình xử lý, nhà máy xử lý rác chưa đảm bảo môi trường, phát sinh mùi hôi và khoảng cách từ nhà máy đến khu dân cư chỉ khoảng 600m.
Một người dân địa phương giấu tên bày tỏ:
“Bắt đầu sự việc là vào ngày 29-7 người dân tập trung ở nhà máy xử lý rác vì nó được xây dựng không đúng với khoảng cách từ nhà máy đến nhà dân, khi xây dựng cũng không lấy ý kiến của dân.
Vào ngày 23-8-2018 thì ông Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi cũng tuyên bố là có sai phạm và di dời nhà máy.
Tuy nhiên sau khi tuyên bố không cho hoạt động nhà máy nữa thì vào ngày 2-9-2018 thì người dân mới phát hiện ra nhà máy có sự hoạt động. Phía người dân mới lên yêu cầu UBND xã xác minh là sự việc đúng hay sai, nếu đúng thì yêu cầu lập biên bản.
Phía bên xã thì không có ai ra giải quyết cho dân, người dân thì dợi quá lâu nên bức xúc mà chặn đường Quốc lộ 1 A để mà cho công an vào để báo cáo sự việc xảy ra ở nhà máy rác.”
Người dân cho biết đến trưa ngày 4/9, chính quyền địa phương vẫn còn bắt giữ 10 người và yêu cầu người dân ký biên bản đồng ý cho phép nhà máy hoạt động thì mới thả tiếp những người còn lại, nhưng người dân không đồng ý.
Kênh truyền hình An ninh TV trong một bản tin vào sáng 3-9 cũng phản ánh sự việc nhiều người dân xã Phổ Thạnh tập trung chặn xe ở Quốc lộ 1A và ném gạch đá, bom xăng khiến nhiều cảnh sát bị thương và có 31 người bị bắt, hiện đang bị tạm giữ tại Công an huyện Đức Phổ.
Tuy nhiên người dân phủ nhận thông tin này và cho biết những người đi đấu tranh chỉ toàn là người già, phụ nữ và trẻ em do đàn ông nơi này phần lớn là đi đánh cá ở biển.
Nguyện vọng của người dân địa phương hiện nay là nhà máy xử lý rác thải cần di dời khỏi xã Phổ Thạnh, cách xa khu dân cư và có công nghệ xử lý rác hiện đại để tránh gây ô nhiễm môi trường.
Nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt Sa Huỳnh do công ty TNHH Thương Mại và Công nghệ Môi trường MD làm chủ đầu tư. Nhà máy hoàn thành và được đưa vào hoạt động từ tháng 3/2018. Nhà máy được thiết kế để xử lý rác cho toàn huyện Đức Phổ. Tuy nhiên, trong ba lần đối thoại với chính quyền địa phương trước đó, người dân cho rằng việc bố trí nhà máy ở quá gần nhà dân là không hợp lý, gây ô nhiễm nguồn nước và không khí. Theo ý kiến người dân, hơn 22 ngàn tấn rác thải ở bãi rác được đào bới lên để đưa vào nhà máy xử lý gây hôi thối dữ dội mà đến nay vẫn chưa được xử lý.
Trong một cuộc chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV vào ngày 5 tháng 6 vừa qua, Đại biểu Lê Công Nhường chỉ rõ, hiện nay môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng chủ yếu do rác thải và phế liệu. Xử lý rác đã trở nên bất cập do thiếu hướng dẫn và vượt quá khả năng xử lý của chính quyền địa phương, cũng như lãng phí vì đầu tư công nghệ xử lý rác chưa đạt.
Ông Lê Hồng Hà sau đó thừa nhận có việc này đồng thời nhận trách nhiệm trên cương vị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
Khởi tố ông Nguyễn Ngọc Ánh
vì “Tuyên truyền chống nhà nước”
Công An tỉnh Bến Tre hôm 4/9 cho biết đã khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Ngọc Ánh (38 tuổi) để điều tra về tội ‘làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liêu’ nhằm chống phá nhà nước theo điều 117 Bộ Luật Hình sự năm 2015. Báo Thanh Niên trích lời đại tá Phạm Văn Ngót, người phát ngôn Công an tỉnh Bến Tre cho biết như vậy.
Trước đó, vào ngày 1/9, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh đã ra quyết định bắt giữ đối với ông Nguyễn Ngọc Ánh.
Ông Nguyễn Ngọc Ánh bị bắt và giam tại trại tam giam công an tỉnh Bến Tre vào hôm 30/8.
Báo Thanh Niên trích nguồn tin từ cơ quan chức năng cho biết, từ ngày 31/3 đến 14/8, ông Ánh đã lập hai tài khoản Facebook để chia sẻ, đăng tải các livestream với nội dung tuyên truyền chống phá đảng, nhà nước. Ngoài ra, ông Ánh còn bị nói là đã kêu gọi, xúi giục người dân biểu tình, phá hoại trong tháng 6 và dịp quốc khánh 2/9.
Ông Đoàn Huy Chương, Phó Chủ tịch phong trào Lao Động Việt, vào chiều ngày 1/9 nói với Đài Á Châu Tự Do:
“Như báo Người Lao Động nói là tuyên truyền chống nhà nước là vấn đề chụp mũ những người nói lên tiếng nói, những người nói lên sự xảo trá của chế độ cộng sản, chứ thực ra không có gì gọi là tuyên truyền. Tôi biết anh Ánh khoảng 2 tháng trở lại đây khi tôi có những buổi live stream nói về quyền lợi người lao động, tình hình đất nước thì anh Nguyễn Ngọc Ánh thường lên live stream của tôi nói về tình hình công nhân nói chung, nền kinh tế VN và thảm cảnh của người lao động.”
Ông Lê Thăng Long:
‘Không loại trừ việc ông Thức được thả để chữa bệnh’
Tính đến ngày 4/9, tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thực sang ngày thứ 22. Ông Thức đã “sụt mất hơn 4 kilogam”, theo thông tin đăng hôm 31/8 trên Facebook của ông Trần Huỳnh Duy Tân, em trai ông Thức, sau khi ba người nhà thăm ông Thức tại trại giam ở Nghệ An vào cùng này.
Mặc dù trông ông “yếu và ốm đi nhiều, da mặt sạm đen”, song ông Thức vẫn động viên rằng gia đình hãy “yên tâm” và ông “không sao”, ông Tân cho biết thêm qua mạng xã hội.
“Lý do anh Thức tiếp tục tuyệt thực là yêu cầu công lý và Nhà nước phải thượng tôn pháp luật”, ông Tân viết.
Người em trai của tù nhân lương tâm giải thích rõ hơn rằng ông Thức đòi được trả tự do, căn cứ theo Khoản 3 Điều 109, Bộ luật hình sự 2015, có hiệu lực từ đầu năm 2018.
Điều luật này quy định về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, trong đó, Khoản 3 về “chuẩn bị phạm tội” quy định mức hình phạt 1 đến 5 năm tù, nhẹ hơn rất nhiều so với hành vi phạm tội.
Hồi cuối tháng 4/2018, gia đình ông Thức đã gửi đơn tới các lãnh đạo hàng đầu và một số cơ quan cấp bộ của Việt Nam để đề nghị họ xem xét đặc xá cho ông.
Luật sư Ngô Ngọc Trai, người tư vấn cho gia đình ông Thức, tin rằng những gì ông Thức đã làm để dẫn đến việc bị kết án 16 năm tù hồi năm 2010 chỉ có thể bị quy là “chuẩn bị phạm tội”.
Gia đình và luật sư hiện đưa ra quan điểm là căn cứ theo điều luật mới, thời gian ở tù của ông Thức đã vượt qua mức hình phạt tương xứng, do đó, ông cần phải được trả tự do ngay.
Tuy nhiên, đến đầu tháng 8, các văn bản phúc đáp từ Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối ca nói hiện nay nhà nước “chưa có chủ trương đặc xá” năm 2018 nên “không có căn cứ để xem xét, đề nghị đặc xá cho phạm nhân Trần Huỳnh Duy Thức”.
Về phía gia đình ông Thức, họ khẳng định ông đang bị nhà chức trách ép buộc phải nhận tội mới có thể được xét đặc xá. Nhưng tù nhân này cương quyết không nhận tội.
Viết trên Facebook hôm 31/8, ông Tân cho hay anh trai mình “muốn nhà nước phải sử dụng đúng điều luật” để trả tự do cho ông ấy.
Hơn nữa, theo ông Tân, điều sâu xa hơn mà ông Thức đấu tranh là vụ án của ông sẽ được làm án lệ để sau này chỉ khi nào một người có hành động cụ thể mới bị kết tội theo điều luật về “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.
Bên cạnh những điều đó, cuộc tuyệt thực của ông Thức còn nhằm phản đối việc trại giam có những hạn chế đối với thư tín của ông gửi ra ngoài, ông Tân cho biết thêm.
“Anh Thức biết việc của mình là đấu tranh cho công lý và anh sẽ cương quyết thực hiện việc tuyệt thực cho đến khi nào đạt được công lý. Gia đình sẽ cùng đồng hành tuyệt thực và kêu gọi mọi người đồng hành tuyệt thực cùng Trần Huỳnh Duy Thức để yêu cầu nhà nước tôn trọng pháp luật, trả tự do cho anh Thức”, ông Tân viết trên Facebook.
Lời kêu gọi này đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ từ được hàng chục nhà hoạt động vì dân chủ và những người ủng hộ họ.
Trong số họ là các ông Lê Thăng Long và Lê Công Định, hai trong ba nhà hoạt động cùng bị kết án tù vào năm 2010 cùng với ông Trần Huỳnh Duy Thức. Ba nhà hoạt động đó đã nhận các mức án thấp hơn và đều đã ra tù cách đây vài năm.
Ông Lê Thăng Long, cựu bạn tù của ông Thức, nói với VOA rằng là người từng tuyệt thực hai lần trong tù, ông thấy “đau đớn” khi người bạn thân của mình đã tuyệt thực hơn 3 tuần. Mong muốn ông Thức giữ gìn tính mạng và sức khỏe, ông Long bày tỏ:
“Tôi ủng hộ việc đấu tranh của anh Thức. Đó là phương tiện cuối cùng của người ở trong tù. Tôi đề nghị anh Thức ngưng tuyệt thực. Nhưng tôi và các bạn ủng hộ lập trường đấu tranh đó, thì chúng tôi tiếp sức cho anh để anh ngưng tuyệt thực, nhưng mà bảo vệ quan điểm của anh để đấu tranh để anh phải được trả tự do trong thời gian sớm nhất”.
Từ kinh nghiệm trong quá khứ, cựu tù nhân lương tâm này nói khó có chuyện chính quyền “lắng nghe” tiếng nói đấu tranh của tù nhân.
Mặc dù vậy, ông Long cho rằng cuộc tuyệt thực kéo dài của ông Thức và sự ủng hộ của nhiều người hiện nay là sự khác biệt lớn với những gì từng xảy ra trước đây. Điều này có thể tạo ra tiền lệ là nếu “áp lực đủ lớn”, nhà cầm quyền có thể “có động thái giải quyết vấn đề một cách nào đó”, ông Long nhận định.
Thời gian qua, một số nhà hoạt động và nhà quan sát nêu ra khả năng chính quyền Việt Nam tuy không đặc xá cho ông Thức song có thể sẽ thả ông với lý do “để chữa bệnh”.
Về khả năng này, ông Lê Thăng Long nói đã có tiền lệ là nhà bất đồng chính kiến Cù Huy Hà Vũ được thả theo hình thức như vậy vào tháng 4/2014 và ông Vũ đã ngay lập tức bị đưa đi Mỹ tị nạn chính trị.
Lưu ý rằng ông Trần Huỳnh Duy Thức đã nhiều lần từ chối việc được thả tù kết hợp với phải đi nước ngoài, một điều có thể gây khó xử cho phía chính quyền, ông Long vẫn đưa ra nhận định rằng ông “để ngỏ” khả năng là ông Thức được thả “để chữa bệnh”:
“Nếu mà chuyện đó xảy ra thì đó cũng là một bước tiến. Anh Thức cũng như chúng tôi là những người biết lắng nghe. Nếu mà điều đó xảy ra thì đó cũng là bước tốt hơn. Và từ đó, anh Thức cũng như về phía nhà cầm quyền, cũng như các bên có thể cùng ngồi lại có những trao đổi, có những thương thảo để hướng tới tương lai, có một tương lai tốt đẹp hơn, dân chủ và văn minh cho Việt Nam”.
Hội Ân xá Quốc tế khu vực Đông Nam Á-Thái Bình Dương hôm 3/9 cũng lên tiếng về trường hợp tuyệt thực của ông Trần Huỳnh Duy Thức.
Một bài bằng tiếng Anh và tiếng Việt trên trang Facebook của tổ chức này với bức họa chân dung ông Thức có đoạn “Hãy bày tỏ tình đoàn kết với nhà hoạt động và blogger Trần Huỳnh Duy Thức, người hiện đang tuyệt thực, bằng cách sử dụng hình ảnh này làm hình đại diện của bạn”.
Trên trang Facebook có tên Tiếp sức tuyệt thực Free THDThức, đến ngày 4/9 có hơn 1800 người theo dõi và nhiều người đăng hình ảnh bản thân họ cầm biểu ngữ tuyên bố họ tuyệt thực ít nhất một ngày để ủng hộ ông Thức.
Thứ trưởng Công an tố cáo các ‘nhóm lợi ích’
thâu tóm đất công, rút tiền nhà nước
Tại phiên họp toàn thể lần thứ 11 của Ủy ban Tư pháp Quốc hội diễn ra vào ngày 4/9, Thứ trưởng Bộ Công An Lê Quý Vương lên tiếng tố cáo các ‘nhóm lợi ích’, ‘công ty gia đình’ tham gia đấu thầu dự án, thâu tóm đất công, rút tiền nhà nước, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng.
Báo cáo trước Ủy ban Tư pháp, ông Lê Quý Vương nói việc xử lý các vụ án lớn đã cho thấy các đối tượng triệt để lợi dụng những sơ hở trong cơ chế, chính sách để thông đồng, tạo ra ‘các nhóm lợi ích’, hoặc móc ngoặc giữa khu vực nhà nước và doanh nghiệp tạo ‘sân sau’, ‘công ty gia đình’, dùng ảnh hưởng của mình để đấu thầu dự án, thâu tóm đất công, cho vay sai nguyên tắc, thế chấp vòng vo, rút tiền của nhà nước.
Ông Vương cho biết trong 10 tháng qua, công an Việt Nam đã phát hiện 282 vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về tham nhũng và chức vụ, tăng hơn 27% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đến thời điểm này, Việt Nam đã khởi tố tổng cộng 1.247 vụ với hơn 1.800 bị can phạm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tăng hơn 68% về số vụ so với cùng kỳ năm ngoái.
Những vụ án nổi tiếng được nêu ra trong báo cáo trước Quốc hội bao gồm các vụ tham nhũng, cố ý làm trái như Phạm Công Danh (Ngân hàng Xây Dựng), Hà Văn Thắm (Ocean Bank), Trịnh Xuân Thanh, Phan Văn Anh Vũ, Đinh Ngọc Hệ (tức Út Trọc).
Báo cáo của chính phủ Việt Nam trước UN
che giấu những vi phạm về nhân quyền
Bản thảo báo cáo do chính phủ Việt Nam chuẩn bị cho kỳ Kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) tại Liên Hiệp Quốc (UN) đã che giấu những vi phạm về nhân quyền và cố tình làm sai lệch các thông tin trước cộng đồng quốc tế. Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) và Ủy ban Nhân quyền Việt Nam (VCHR) cho biết như vậy trong thông cáo báo chí công bố ngày 4/9.
Theo dự kiến, phiên kiểm điểm định kỳ phổ quát lần thứ ba của Việt Nam sẽ diễn ra vào ngày 22/1 tới tại trụ sở của UN ở Geneva, Thụy Sĩ.
Thông cáo trích lời Tổng thư ký của FIDH, bà Debbie Stothard, cho biết: “Báo cáo hiện tại của chính phủ Việt Nam tại Kiểm điểm định kỳ phổ quát cho thấy Hà Nội không có khả năng thừa nhận những thách thức về nhân quyền đang có và thiếu ý chí chính trị trong việc nhìn nhận những vấn đề này. Chính phủ (Việt Nam) nên xem xét tất cả những đóng góp ý kiến từ xã hội dân sự, đặc biệt là về tình hình tồi tệ liên quan đến các quyền chính trị và dân sự, đảm bảo rằng những quan ngại của các tổ chức này được phản ánh trong bản báo cáo trước kiểm điểm định kỳ”.
Theo FIDH, kể từ lần kiểm điểm định kỳ lần trước vào tháng 2/2014, chính quyền Việt Nam đã gia tăng đàn áp đối với xã hội dân sự, và những người dám lên tiếng chỉ trích chính quyền.
Theo thống kê của FIDH và VCHR, từ năm 2014 đến tháng 7 năm 2018, đã có ít nhất 160 người bảo vệ nhân quyền và các nhà hoạt động xã hội đã bị bắt giữ tùy tiện hoặc bị bỏ tù.
Trang web Bộ Ngoại Giao Việt nam viết rằng bản thảo báo cáo hiện tại đã phản ánh những tiến bộ về nhân quyền trong nước kể từ lần báo cáo trước đó.
Báo cáo mới của chỉnh phủ Việt Nam đề cập đến các luật về tôn giáo, tố tụng hình sự và báo chí. Báo cáo nhận định những điều trong các luật này đã đặt nền móng cho việc đảm bảo tự do tín ngưỡng tốt hơn cho người dân, đảm bảo nguyên tắc không kiểm duyệt đối với việc xuất bản, phát thanh truyền hình. Luật Tố tụng hình sự được cho là đảm bảo các phiên tòa công bằng và quyền lợi cho những người bị tạm giữ, người bị giam giữ không bị ép cung. Chính phủ Việt Nam cũng nhấn mạnh việc nâng can hiểu biết của người dân về nhân quyền và coi đây là một trong các ưu tiên hàng đầu.
Quốc ngữ và nỗ lực ‘thoát Hán’
của các vua nhà Nguyễn
Nguyễn Quang DuyGửi tới Diễn đàn BBC từ Melbourne, Úc
Trên Diễn đàn BBC nhà báo Nguyễn Giang đưa ra một cách nhìn khá mới lạ để ghi công và đánh giá những nhân vật lịch sử đã đóng góp cho việc truyền bá chữ Quốc ngữ.
“Các vị truyền giáo có công tạo ra bộ mẫu chữ, nhưng việc này không có gì quá độc đáo hay quá khó khăn và giả sử nếu không có họ thì việc đó cũng có thể làm được sau này.”
Ý kiến cũng nói rằng Trung Hoa, Thái Lan, Ấn Độ, Ả Rập, Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều quốc gia khác đều đã có những văn tự bằng tiếng La Tinh nhưng chưa bao giờ trở thành chữ quốc ngữ của họ.
Cũng theo nhà báo Nguyễn Giang, Đông Kinh Nghĩa Thục chỉ xóa hàng rào cản tâm lý quá lạc hậu để giới sỹ phu yên tâm dùng chữ Quốc ngữ.
Xem bài:Những người giúp chữ Quốc ngữ ‘làm nên’củaNguyễn Giang
Và rằng chính nỗ lực tiên phong quảng bá quốc ngữ là của trí thức miền Nam và nhờ chính sách tiến bộ, khoa học của chính quyền Pháp tại Đông Dương tạo đà cho chữ Quốc ngữ lan tỏa.
Nhưng tôi nghĩ cũng lạ tại sao ba nước Việt, Miên và Lào có chung hoàn cảnh, đều là thuộc địa của Pháp mà Miên và Lào lại không sử dụng La Tinh làm chữ quốc ngữ.
Nội các Trần Trọng Kim: 5 thành tựu trong 4 tháng
Sử gia Nguyễn Đình Đầu buồn vì sách Petrus Ký bị thu hồi
Ở đây cần xem cả đến công lao các vị vua cuối cùng của triều Nguyễn, dù họ không thực sự nắm quyền thời Pháp thuộc.
Sắc lệnh của Vua Thành Thái
Theo sử gia Liam Kelley (2016) vào đầu thế kỷ XX cả người Pháp lẫn những nhà cách mạng đều không đủ quyền lực để chữ Quốc ngữ có thể lan ra sâu rộng xuống đến tận làng quê.
Các thầy đồ quyết liệt chống lại các chính sách giáo dục của nhà cầm quyền Pháp với quan niệm chữ Quốc ngữ là sản phẩm của ngoại bang và là công cụ của các nhà truyền giáo
Qua nghiên cứu những nguồn tài liệu trong giai đoạn này, sử gia Liam Kelley kết luận chính nhà Nguyễn mới đi đầu trong công cuộc cải cách giáo dục.
Trong bài “Emperor Thành Thái’s Educational Revolution”, Liam Kelley (2016) đã công bố sắc lệnh của vua Thành Thái được lưu trữ trong Đại Nam Hội Điển Sử Lệ Tục Biên.
Bài viết được Nguyễn Hồng Phúc lược dịch có đoạn như sau:
“Hoàng đế Thành Thái đã tuyên bố trong một sắc lệnh rằng vào năm trị vì thứ 18 của ông (năm 1906), cha mẹ có thể quyết định việc cho con theo học một trường ấu học Hán văn hoặc một chương trình giảng dạy Nam âm (Quốc ngữ).
Với những người học theo chương trình Hán văn, sẽ có một cuốn sách giáo khoa được soạn ra nhằm giới thiệu những từ chữ Hán theo cấp độ khó dần. Nó cũng bao gồm một danh mục các Hán tự kèm theo phiên âm và định nghĩa bằng quốc ngữ được dùng trong tài liệu.
…Trong khi, một cuốn sách giáo khoa bằng quốc ngữ khác sẽ được soạn ra để dạy những người theo chương trình học ‘Nam âm’ nhằm giới thiệu cho họ những thông tin cơ bản về xứ Đông Dương, thiết chế cai trị của nó, những phong tục tập quán…
Thêm vào đó, cũng có thêm một cuốn sách nữa được dịch từ Hán văn sang Nam âm nhằm cung cấp những loại thông tin mà học viên đang luyện thi khoa cử cần biết. Bản dịch này được soạn ra cho những người không muốn thi khoa cử, nhưng nó vẫn được đưa vào chương trình để cho họ biết thêm về những gì mà những người đang luyện thi khoa cử phải học…”
Sắc lệnh này vô cùng quan trọng vì khi nhà vua ra lệnh sử dụng chữ Quốc ngữ là nhà vua đã công khai ý định muốn thấy tầng lớp quan lại và sỹ phu phải thoát khỏi ảnh hưởng Trung Hoa trong giáo dục, văn hóa, và nhất là tư tưởng.
Vừa thoát Trung vừa chống Pháp
Xin nhắc lại về cuộc đời vị vua trẻ tuổi.
Sinh năm 1979, vua Thành Thái lên ngôi năm 1889, khi mới 10 tuổi, và đến năm 1907 bị Pháp ép thoái vị.
Ngài bị quản thúc ở Vũng Tàu rồi đến năm 1916 bị đày sang đảo Réunion.
Vua là người cầu tiến, học tiếng Pháp, có hiểu biết khá toàn diện, cắt tóc ngắn, mặc Âu phục, phong cách của người theo tân học.
Vua thường xuyên tiếp xúc với sỹ phu và dân chúng, đồng thời trọng dụng nhiều nhân tài, thanh liêm, đức độ với hy vọng khôi phục và canh tân đất nước.
Sắc lệnh cho dạy Quốc ngữ chính là văn bản ủng hộ Phong Trào Duy Tân (1906) và Đông Kinh Nghĩa Thục (1907) thúc đẩy việc theo tân học và dùng chữ quốc ngữ.
Cắt tóc ngắn trở thành một dấu hiệu của người theo tân học.
Nhiều thanh niên lúc ấy sắm cho mình một cái kéo, đi tuyên truyền, vận động cắt tóc và vận động canh tân.
Đến khi Vua bị người Pháp ép thoái vị năm 1907 hình ảnh một vị vua yêu nước, chống Pháp, cắt tóc ngắn nhanh chóng lan tỏa xuống đến tầng lớp nông dân.
Tháng 3 năm 1908, bắt đầu từ tỉnh Quảng Nam, nông dân đầu cắt tóc ngắn lũ lượt kéo đến các phủ huyện đòi giảm sưu giảm thuế.
Tất cả đều hớt tóc ngắn đi thành đoàn, phong trào mở rộng vào Nam đến Bình Định, Phú Yên và ra Bắc đến Nghệ An, Hà Tĩnh.
Pháp và triều Nguyễn gọi cuộc biến động này là Giặc cắt tóc, ở Bình Định gọi là Giặc đồng bào, sau được đổi lại là cuộc Dân biến Trung kỳ.
Đây là cuộc đấu tranh bất bạo động đầu tiên trong lịch sử Việt Nam và đoàn biểu tình lấy biểu tượng là Vua Thành Thái một vị vua yêu nước, theo tân học nhưng chống Pháp.
Như vậy ngay từ đầu thế kỷ thứ 20, người Việt đã công khai thực hành phương pháp đấu tranh bất bạo động với biểu tượng vua Thành Thái, có tổ chức, có chiến thuật, có mục tiêu và có chiến lược một cách rất rõ ràng.
Cuộc đấu tranh bất bạo động bị Pháp đàn áp dã man. Nhiều người tổ chức và tham dự bị bắt, phong trào Duy Tân và Đông Kinh Nghĩa Thục bị dập tắt.
Các vị vua tiếp tục cải cách
Năm 1907 vua Duy Tân tiếp nối việc cải cách giáo dục bằng cách cho thành lập Bộ Học nhằm cai quản việc học hành và thi cử.
Thượng thư Bộ Học Cao Xuân Dục là một nhà giáo dục cổ vũ thực học, thực tài, bỏ đi kiểu học từ chương, xa rời thực tế và chủ trương phát triển nền giáo dục “không học vì bằng cấp” mà phải học lấy thực tài để ra giúp dân, giúp nước.
Đáng tiếc ông lại hết sức bài bác chữ Quốc ngữ, nhưng không phải vì thế mà chữ Quốc ngữ bị đưa ra khỏi nền giáo dục.
Theo Trần Gia Phụng từ năm 1909, chương trình thi Hương bắt buộc thí sinh phải làm các đề thi luận văn bằng cả chữ Hán lẫn chữ Quốc ngữ.
Ngày 26 tháng 11 âm lịch năm Mậu Ngọ (tức ngày 28/12/1918) vua Khải Định ra đạo dụ chính thức bãi bỏ khoa cử kiểu Hán học.
Năm 1919 là năm cuối mở khoa thi Hương ở Huế, từ đó chữ Quốc ngữ thành chữ viết chính thức của người Việt Nam.
Vai trò của các ông giáo trường làng
Bên cạnh các trường công do triều đình và người Pháp lập ra là một hệ thống trường tư do các thầy đồ sau chuyển thành thầy giáo làng giảng dạy.
Mỗi làng có khi lên đến vài ba trường, hoặc dạy ở nhà thầy, hoặc ở nhà người giàu có nuôi thầy cho con ăn học và cho con các nhà lân cận trong làng theo học.
Thầy đồ đa số là những người có học, có người đỗ tú tài, có người là quan hồi hưu mở lớp dạy học.
Thầy đồ hoàn toàn tự do không chịu sự giám sát của triều đình.
Mặc dầu được tự do mở lớp giảng dạy giới thầy đồ vẫn giữ lòng trung với các vua nhà Nguyễn và với sách Thánh hiền.
Các thầy đồ quyết liệt chống lại các chính sách giáo dục của nhà cầm quyền Pháp với quan niệm chữ Quốc ngữ là sản phẩm của ngoại bang và là công cụ của các nhà truyền giáo.
Với họ, chữ Hán giáo dục về luân lí, về lịch sử, là chữ Thánh hiền còn Quốc ngữ chỉ để đọc báo, đọc Kinh Thánh, những sản phẩm của quân xâm lược, biết đọc chẳng ích lợi gì.
Nhưng khi sắc lệnh cho dạy Quốc ngữ của vua Thành Thái được ban ra thì chính các thầy đồ đã thay đổi đã tự học chữ Quốc ngữ để truyền dạy lại cho học sinh.
Ba lớp Đồng ấu học trước khi học sinh vào tiểu học đều do các thầy giáo trường làng dạy hoàn toàn bằng chữ Quốc ngữ.
Nhờ thế chữ Quốc ngữ trở thành phổ thông đại chúng.
Những bộ sách giáo khoa như Sử ký địa dư giáo khoa thư, Luân lý giáo khoa thư, Quốc văn giáo khoa thư, được học giả Trần Trọng Kim và các cộng sự biên soạn để dạy lớp ấu học trường làng.
Bộ sách giáo khoa ‘Việt Nam Sử lược’ được học giả Trần Trọng Kim soạn để dạy các lớp cao hơn và đã hoàn toàn chỉ cho những người đã biết Quốc ngữ.
Lên lớp nhì và lớp nhất ở trường chính phủ, mỗi tuần chỉ dạy chữ quốc ngữ một giờ rưỡi và bậc trung học chỉ dạy ba giờ.
Thời gian còn lại học sinh được dạy bằng tiếng Pháp và hầu hết do người Pháp dạy.
Từ đó ta thấy căn bản tiếng Việt, sử địa, luân lý, văn hóa về Việt Nam của học sinh hầu như đều thu nhận được từ các thầy giáo trường làng.
Vua Bảo Đại là người Tây Học
Tốt nghiệp trường Khoa học Chính trị Paris về nước, vua Bảo Đại bắt tay ngay vào việc cải cách đất nước, mong từng bước khôi phục lại chủ quyền quốc gia.
Ngày 10/12 năm 1932, vua Bảo Đại cho công bố đạo dụ nước ta theo chế độ Quân chủ Lập hiến, nhà vua sẽ trực tiếp điều khiển nội các và cho cải cách hành chính, giáo dục và tư pháp.
Một nội các mới đã được thành lập gồm những người trẻ theo tân học như Phạm Quỳnh, Ngô Đình Diệm, Nguyễn Đệ…
Bộ Học được đổi tên thành Bộ Giáo dục và giao cho Phạm Quỳnh từng là chủ nhiệm báo Nam Phong một người luôn tha thiết với chữ Quốc ngữ điều hành.
Các cuộc cải cách của vua Bảo Đại đều bị người Pháp cản trở, riêng cải cách về giáo dục nhờ Phạm Quỳnh được người Pháp tin nên ít bị cản trở.
Chữ Quốc ngữ được tăng giờ dạy ở các trường công.
Nhờ thế sau khi Nhật đảo chánh Pháp, trao trả độc lập cho Việt Nam, chỉ trong vòng 5 tháng chính phủ Trần Trọng Kim đã thực hiện thành công cuộc cải cách lấy chữ Quốc ngữ làm ngôn ngữ chính trong giáo dục.
Ngoại giao Pháp và những cơ hội bị bỏ lỡ của VN
Việt Nam và cải cách sách giáo khoa
Các giáo sư ‘khóc thét’ với đề Toán THPT
Bộ trưởng Giáo dục Hoàng Xuân Hãn có công lao lớn khi soạn cả sách toán và kỹ thuật bằng tiếng Việt Quốc ngữ để dạy ngay trong niên học 1945-46 tại miền Bắc và miền Trung.
Từ 1948 đến 1955, chính phủ Quốc gia Việt Nam tiếp tục lấy tiếng Việt làm ngôn ngữ giảng dạy đến hết bậc trung học.
Bắt đầu từ chuyển biến tư tưởng thời Thành Thái
Học tiếng Pháp, theo tân học thoát khỏi tư tưởng Trung Hoa nên vua Thành Thái đã hiểu rõ những khái niệm về tự do, dân chủ, quốc gia, dân tộc, quân chủ, cộng hòa… hiểu từ sách Pháp không phải từ sách Trung Hoa.
Thay đổi quan trọng nhất của nhà vua là về mặt tư tưởng, về ý thức đất nước không còn của nhà vua nữa mà là của quốc gia của dân tộc.
Quốc gia là một thực thể độc lập có chủ quyền thoát khỏi tư tưởng thuộc địa hay chư hầu Trung Hoa.
Khái niệm ‘quốc gia’ bắt đầu được sử dụng đối nghịch với ‘thuộc địa’, ‘chư hầu’.
Mặc dù không có quyền lực trong tay các vua triều Nguyễn đã thực hiện thành công cải cách từ giáo dục, văn hóa, đến chính trị đưa đất nước thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Hoa.
Bài học các vua triều Nguyễn đã thực hiện là nếu muốn cải cách giáo dục phải bắt đầu bằng thay đổi tư tưởng cho chính mình.
Vì thế, theo tôi, nhu cầu thiết yếu của đất nước ngày nay không phải là cải cách tủn mủn về phát âm, ký tự Quốc ngữ mà phải vừa thoát khỏi một ý thức hệ duy nhất, vừa thoát Trung để khôi phục các nền tảng cơ bản cho Việt Nam.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của ông Nguyễn Quang Duy, Melbourne, Australia. Quý vị có bài phản biện, ý kiến đa chiều về chủ đề này hoặc các vấn đề lịch sử Việt Nam, xin gửi về vietnamese@bbc.co.uk
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-45407297
LS Nguyễn Quốc Lân nói về
bầu cử Mỹ và cử tri gốc Việt
Tina Hà GiangBBCvietnamese.com
Nhân chuyến ghé thăm văn phòng BBC ở Bangkok, Luật Sư Nguyễn Quốc Lân dành cho chúng tôi cuộc chuyện trò về cử tri gốc Việt và cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ sắp tới.
BBC: Thấm thoát ông Donald Trump làm tổng thống đã gần được hai năm, luật sư có nhận định gì về cuộc bầu cử giữa kỳ sắp tới? Có dấu hiệu gì cho thấy Dân Chủ, Cộng Hòa, đảng nào đang nắm lợi thế không?
LS Nguyễn Quốc Lân: Tôi thấy được sự không chắc chắn kỳ này. Bên đảng Cộng Hòa thì có lợi điểm về phát triển kinh tế. Họ coi đó là cái thành công của Tổng thống Donald Trump. Ngược lại, họ cũng có nhiều điểm bất an, liên quan đến cuộc điều tra về nghi vấn Tổng thống Donald Trump cấu kết với Nga, và những rắc rối về pháp luật của ông, và những người thân tín của ông có thể gây rắc rối rất nhiều. Phía đảng Dân Chủ thì họ muốn lợi dụng tình hình rắc rối về pháp lý của Tổng thống Donald Trump để dành được quyền kiểm soát của hoặc Thượng viện hoặc Hạ viện và họ rất kỳ vọng rằng kỳ này tối thiểu họ sẽ được quyền quyền kiểm soát Hạ viện. Nhưng mà cuộc bầu cử sơ bộ trong tháng Sáu, tháng Tám mới vừa qua và hiện nay đang xẩy ra trong một số tiểu bang không cho thấy đó là điều chắc chắn. Thượng viện cũng rất là bấp bênh không biết được như thế nào. Nếu những tin tức thuận lợi về kinh tế tiếp tục, thì rất có thể họ sẽ gặp rắc rối. Nhưng những rắc rối mà Tổng thống Donald Trump đang gặp cũng khiến có sự bấp bênh cho cả hai bên.
Clinton tìm cách bảo toàn lượng phiếu cho đảng Dân Chủ
Johnson ra đi trước giờ Trump đến London
BBC: Thế cử tri người Việt mình có những suy nghĩ gì, phản ứng ra sao và sẽ bỏ phiếu thế nào trong cuộc bầu cử giữa kỳ này?
LS Nguyễn Quốc Lân: Phía cộng đồng Việt Nam thì từ ngày Tổng thống Donald Trump đắc cử hai năm trước đây, họ nghĩ ông sẽ mạnh với Trung Cộng, sẽ cứng rắn với Nga, sẽ là một cơ hội để Hoa Kỳ cứng rắn cả với đảng Cộng sản Việt Nam. Nhưng mà sau đó họ không thấy Tổng thống Donald Trump làm gì mạnh trong quan hệ ngoại giao với Việt Nam trong vấn đề nhân quyền nên họ bắt đầu không thấy là Tổng thống Donald Trump có khác biệt gì hơn Tổng thống Obama, và họ mất đi sự hăng hái đó. Tuy nhiên trong cộng đồng Việt Nam cũng còn những thành phần theo Công giáo, những người chống phá thai, những người quan tâm về quan hệ gia đình, cho nên vẫn còn có nhiều người dành sự ưu ái hơn cho Tổng thống Donald Trump. Nhưng càng ngày thì cái lùm xùm rắc rối, cái rùm beng của những vấn đề pháp lý của Tổng thống Donald Trump ngày nó càng lớn tiếng hơn thành ra họ cũng bắt đầu mất dần sự ủng hộ.
Cộng đồng Việt Nam cũng có một thành phần ngày càng mạnh mà không ai ngờ đến, đó là những người được lợi về công ăn việc làm nhờ kỹ nghệ quốc phòng. Họ là kỹ sư, là chuyên viên kỹ thuật trong kỹ nghệ quốc phòng. Những người này rõ ràng thấy rằng với Tổng thống Donald Trump thì việc xây dựng cấu trúc của quân đội mạnh hơn, cho nên họ thấy họ có nhiều công ăn việc làm hơn, trở lại thời kỳ Tổng thống Reagan chẳng hạn, kỹ nghệ quốc phòng mạnh. Thành ra có thể những thành phần đó họ nghĩ là cho dù Tổng thống Donald Trump tai tiếng, nhưng mà ít nhất công ăn việc làm của họ vững chắc hơn, thuế má của họ thấp hơn, lợi tức của họ cao hơn. Đó là một thành phần người Việt mà tôi thấy nổi trội hơn trong thời gian gần đây.
BBC: Có phải cử tri người Việt mình ai cũng ủng hộ ông Donald Trump?
LS Nguyễn Quốc Lân: Cũng có thành phần không tin tưởng Tổng thống Donald Trump. Cộng đồng Việt Nam phải nói cộng là cộng đồng thiểu số duy nhất có sự phân chia ngang ngửa giữa Donald Trump hay không. Chứ hầu hết các cộng đồng di dân, thiểu số khác đều hỗ trợ phía Dân Chủ, tại vì Tổng thống Donald Trump đã đứng về phía cứng rắn với vấn đề di trú, cứng rắn với những chương trình trợ cấp xã hội, cứng rắn với chương trình giúp đỡ người nghèo, bảo hiểm y tế. Thành ra đa số các cộng đồng thiểu số họ không đồng ý với những quan điểm đó, chỉ có cộng đồng Việt Nam là đôi bên bênh chống ngang ngửa. Việc nhiều người trong số họ đồng ý với quan điểm di trú của Tổng thống Donald Trump là điều rất là kỳ lạ với một cộng đồng di dân như cộng đồng Việt Nam. Có thể một số người thất vọng vì chính sách bảo hiểm y tế, nhưng một số người lại cho rằng phải làm như vậy thì nước Hoa Kỳ mới mạnh được. Đặc biệt họ nghĩ vấn đề di dân, đặc biệt là di dân bất hợp pháp là một gánh nặng của xã hội, và họ nghĩ vì phải gánh gánh nặng đó, chính phủ phải cắt đi những chương trình tài trợ khác, như tài trợ giáo dục, v.v… Có lẽ đây là một trong những điểm tạo nên sự chia đôi đó trong cộng đồng của mình.
BBC:Vâng, ngay cả nếu không có sự chia cách này, theo nhiều phân tích thì vì đặc tính của phiếu cử tri đoàn (electoral votes) dù tất cả người mọi người trong cộng đồng Việt Nam có dồn hết phiếu cho một ứng cử viên tổng thống nào, thì cũng không tạo được sự khác biệt cho kết qủa bầu cử. Luật sư nghĩ gì về việc này?
“Bầu cử giữa kỳ lần này rất bấp bênh khó đoán”
LS Nguyễn Quốc Lân: Đúng là như vậy, tại vì người Việt Nam mình đa số ở những tiểu bang thuần tuý hướng về đảng Dân Chủ, thí dụ như California, cho dù tất cả mọi người Việt Nam có dồn phiếu cho phía kia, cũng không thay đổi được gì. Họ cũng không tạo được sự khác biệt ngay cả ở Texas. Tiểu bang đó thuần túy là của Cộng Hòa, Cộng Hòa rất là mạnh cho nên có thêm hỗ trợ của người Việt Nam ở đó hay không cũng không thay đổi gì. Nhưng mà có những vùng họ có thể làm thay đổi cục diện được, thí dụ như vùng Virginia, vùng West Virginia, vùng Maryland, những vùng đó quan điểm Dân Chủ Cộng Hoà rất là ngang ngửa, cho nên nếu cộng đồng Việt Nam mà dồn cho một hướng, nó cũng là một bài toán cho họ tính chứ không phải là không. Nhưng ảnh hưởng này có tính cách địa phương, chứ không phải ở vị trí tổng thống, thậm chí không cả ở cấp tiểu bang. Nếu cộng đồng Việt Nam mà biết sử dụng lá phiếu của mình thì trong một số các cuộc tranh cử họ có thể là những lá phiếu quyết định, nhưng mà ngay trong những cuộc tranh cử cấp dân biểu hay thượng nghị sĩ đó, cộng đồng Việt Nam cũng chia rẽ. Họ có sự phân cách đó là vì cử tri biện luận theo quan điểm của hướng Dân Chủ hay hướng của Cộng Hòa, chứ không phải theo quan điểm cho quyền lợi của của cộng đồng Việt Nam, vì thế tôi chưa thấy là cộng đồng mình sử dụng được lá phiếu cho đúng mức.
BBC:Điều gì đặc thù về cộng đồng Việt Nam khiến cho có sự phân rẽ như vậy, mà không có đa số không ủng hộ ông Donald Trump như những cộng đồng khác?
LS Nguyễn Quốc Lân: Bắt đầu thì cộng đồng Việt Nam đa số ghi danh theo đảng Cộng Hòa, vì họ nghĩ rằng đảng Cộng Hòa là đảng chống cộng, chống Nga, bảo vệ truyền thống gia đình. Họ nghĩ rằng đảng Cộng Hòa là đảng chiến đấu với Việt Nam, không đánh mất Việt Nam như đảng Dân Chủ. Họ nghĩ cái chữ Cộng Hòa nó tương đương như chữ Việt Nam Cộng Hòa. Họ nghĩ là như vậy. Và đúng khi mà họ mới đến Hoa Kỳ thời gian đầu tiên thì họ sống dưới thời Tổng thống Ronald Reagan, là một người Cộng Hoà, là một người chống Nga, đưa đến sự sụp đổ của liên bang Xô Viết, của khối cộng sản Đông Âu và đe dọa ngay cả Việt Nam, và họ nghĩ chính sách đó sẽ đem lại sự sụp đổ của cộng sản, cho nên họ tin vào, họ nghĩ rằng đảng Cộng Hòa là cứng rắn, là mạnh. Nhưng càng ngày thì cử tri Việt Nam họ cũng không thấy Cộng Hòa khác Dân Chủ cái gì. Cả hai bên đều có cái tốt cái xấu cho nên phải nói là khối cử tri Việt Nam ngày họ càng ghi danh theo kiểu “Decline to state” tức là không muốn nói mình là Cộng Hòa hay Dân Chủ. Khối cử tri Việt Nam trong bầu cử sơ bộ họ không bầu theo đảng mà bầu theo cái gì có lợi cho họ. Thứ hai là họ không bầu theo các khối Á Châu khác. Các cộng đồng Á Châu khác đa số là bầu cho đảng Dân Chủ, Việt Nam là khối Á Châu duy nhất hoặc là ngang ngửa hoặc là toàn bầu cho đảng Cộng Hòa.
BBC:Người Việt Nam hải ngoại,trong đó có Hoa Kỳ, rất tha thiết với việc Việt Nam có dân chủ và có nhân quyền. Nhưng xem ra ông Donald Trump có vẻ không mặn mà lắm về nhân quyền cho Việt Nam, điều này có làm cho ông Trump mất điểm với cộng đồng mình không?
LS Nguyễn Quốc Lân: Dưới thời Tổng thống Obama người Việt đã không thấy ông mạnh tay đối với vấn đề nhân quyền của Việt Nam, cho nên khi Tổng thống Donald Trump đắc cử thì họ kỳ vọng có cái gì mới, đặc biệt là đảng Cộng Hòa mạnh tay với Trung Cộng, mạnh tay với Nga. Nhưng mà qua thời gian gần hai năm vừa rồi, họ không thấy Tổng thống Donald Trump làm gì khác hơn Obama thì đảng Cộng Hòa có thể mất điểm về cái đó. Không phải là họ đã bỏ phiếu cho ông Trump là họ sẽ tiếp tục như vậy, họ sẽ đổi, nhưng mà họ vẫn có ưu tiên với đảng Cộng Hòa, tại vì họ nghĩ đảng Dân Chủ đã để mất miền Nam Việt Nam, sau đó đảng Dân Chủ là đảng bình thường hóa ngoại giao với Việt Nam, dưới thời tổng thống Clinton.
Trump nói đi rồi phải nói lại gây bức xúc ở Mỹ
Trump gặp Putin: ‘Khởi đầu tốt’ ở Helsinki
Trump bênh Nga trước cáo buộc của FBI
BBC:Điều này khá thú vị là vì chúng ta đangtrong thời tưởng niệm cố Thượng Nghị Sĩ John McCain, là một người thuộc đảng Cộng Hòa, và ông McCain được người Việt mình cho là người có công lớn trong việc tái tạo bang giao giữa hai nước, vậy việc người mình không thích đảng Dân Chủ vì cho rằng đảng này bình thường hoá quan hệ với Việt Nam có công bình không?
LS Nguyễn Quốc Lân: Đúng! Đó là chính sách chung của Hoa Kỳ chứ không phải của riêng tổng thống nào, nhưng vì việc đó xảy ra dưới thời Tổng thống Clinton nên người ta nghĩ rằng đó là việc làm của đảng Dân Chủ. Ở Thượng viện lúc đó có hai thượng nghị sĩ đẩy mạnh việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam, đó là Thượng Nghị Sĩ John Kerry [Dân Chủ] và Thượng Nghị Sĩ John McCain. Hai người này quan điểm khác nhau. Thượng Nghị Sĩ John Kerry muốn tái lập ngoại giao với Việt Nam tại vì ông nghĩ là chiến tranh Việt Nam là sai lầm, đã giết chết người dân vô tội, cho nên Hoa Kỳ cần phải hàn gắn lại những đau khổ đó như là một hình thức bồi thường chiến tranh. Trong khi đó, Thượng Nghị Sĩ John McCain nghĩ rằng phải bình thường hóa ngoại giao, rồi mới có quan hệ, rồi mới buộc Việt Nam phải làm những gì họ phải làm. Và chính trong qúa trình đó, Thượng Nghị Sĩ John McCain buộc chính quyền Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền, vì đó là một trong những điều kiện để được bang giao. Và cũng qua những thảo luận về chính sách đó thì Thượng Nghị Sĩ John McCain mới buộc chính quyền Việt Nam phải nhả người Việt Nam ra qua chương trình ODP, chương trình con lai, v.v… Những chương trình đó sẽ không đạt được nếu Hoa Kỳ không có quan hệ tốt với Việt Nam. Cho nên tuy hai Thượng Nghị Sĩ Kerry và McCain cùng làm việc với nhau để đẩy mạnh quan hệ, quan điểm của họ, mục đích của họ hoàn toàn khác nhau.
BBC:Người Việt mình nghĩ thế nào về sự cứng rắn của ông Trump với Trung Quốc? Ông có thực sự cứng rắn không? Hay cuộc chiến thương mại là cách mà ông ấy tỏ ra cứng rắn?
LS Nguyễn Quốc Lân: Thực ra cái chính sách của Tổng thống Donald Trump với Trung Quốc cho tới giờ này nó rất là mập mờ, không thấy là làm mạnh mà cũng không thấy yếu. Rồi lại đổi hướng. Tự nhiên lúc mới đắc cử ông lại tổ chức cuộc gặp mặt với Tổng thống Đài Loan, tuyên bố không công nhận chính sách “một Trung Quốc” rồi sau đó lại đổi ý đi ngược chiều lại mấy ngày sau. Rồi chính sách nói mạnh với Trung Quốc, nói cứng rắn vẫn không thấy làm gì hết mà dùng cái phương thức đánh thuế về thương mại đó nó cũng không hẳn là điều tốt cho Mỹ.
Tại vì trên thực tế, nền kinh tế của Mỹ phát triển lợi, có lời nhiều nhờ họ lợi dụng được giá lao động rẻ ở Trung Quốc, đồng thời vẫn có thể xuất cảng sản phẩm của Mỹ đến Trung Quốc được, vẫn bán được. Thành ra nếu mà cứ nhìn cái bất quân bình của số lượng xuất cảng và nhập cảng thì nó không đúng. Xuất cảng của Trung Quốc qua Mỹ nhiều và xuất cảng của Mỹ qua Trung Quốc ít có khi lại là điều tốt, tại vì mình mua được đồ rẻ thì mình có tiền dư, mình làm được những chuyện khác. Trong lúc mình bán đồ qua bên kia mình bán ít hơn nhưng mình bán đồ mắc tiền không à, thành ra nó là cái lợi cho kinh tế chứ không phải là không. Cuộc chiến thương mại không ai biết nó sẽ đi về đâu, không biết ai sẽ có lợi hơn ai.
BBC: Nhưng nhiều người Việt, kể cả người Việt trong nước vẫn cho đây là một điểm son của ông Donald Trump, rằng chỉ có ông mới đập được cho ông Tập Cận Bình được như thế. Luật sư có thấy thế không?
LS Nguyễn Quốc Lân: Thật ra cho đến giờ không ai biết được. Nền kinh tế của Trung Quốc cũng rất bấp bênh. Một khi hàng hoá của họ không xuất cảng qua Mỹ được thì công ty hãng xưởng của họ bắt đầu lay off tạo ra sự bất an trong xã hội của họ. Người dân Trung Quốc có thể không tin tưởng Tập Cận Bình nữa. Họ chỉ cần chừng vài tháng lộn xộn thì Trung Quốc có thể bị vấn đề, trong khi Mỹ sẽ không bị hề hấn gì. Cho dù nông phẩm của Mỹ không xuất cảng được Mỹ vẫn có cách tài trợ cho nông dân để làm chuyện này. Họ chỉ mất việc làm ở một số nơi thôi và họ vẫn sống lâu hơn Trung Quốc. Nếu người Trung Quốc mất công ăn việc làm lâu dài thế lực của Tập Cận Bình có thể bị ảnh hưởng. Cho nên người ta đang xem là Tổng thống Donald Trump có đúng hay không khi ông nói là Hoa Kỳ sẽ thắng trong cuộc chiến này. Thắng là Trung Quốc sẽ chào thua, hay thắng là tạo được sự bất ổn chính trị cho Trung Quốc để rồi họ sẽ chùn bước sẽ nói ok, bây giờ tôi sẽ mua đồ của anh nhiều hơn nữa.Nhưng dầu sao đối với những người ủng hộ Tổng thống Donald Trump là điều tốt của ông ta. Và người Việt Nam ủng hộ Tổng thống Donald Trump họ nghĩ như vậy cũng có phần đúng vì đúng, chỉ có Donald Trump mới dám làm như vậy, chứ từ bao năm nay mọi người đều chỉ trích Trung Quốc mà không ai dám làm gì mạnh tay mạnh chân với Trung Quốc hết.
BBC:Nếu phải tiên đoán, luật sư nghĩ là vào bầu cử giữa kỳ chỉ còn vài tháng nữa thôi này, đảng Dân Chủ có lấy được đa số ghế ở một trong hai viện không, hay là sẽ như thế nào?
LS Nguyễn Quốc Lân: Trong cuộc midterm này, như lúc nãy tôi nói nó rất bấp bênh. Có thể đảng Dân Chủ sẽ lấy được kiểm soát của Hạ Viện, mà nếu không hoàn toàn lấy được thì sự sai biệt sẽ rất là mong manh, thì cũng chết cho đảng Cộng Hoà. Trong khi Thượng Viện thì không ai có thể đoán được vì nó rất ngang ngửa không ai có thể biết nó sẽ đi như thế nào, thành ra tôi không dám đoán về kết cục của Thượng Viện.
Tôi muốn nói thêm là kết qủa cuộc bầu cử giữa kỳ lần này rất nguy hiểm cho chính trị Hoa Kỳ. Tại vì vận mệnh của Tổng thống Donald Trump dựa trên Thượng Viện hay Hạ Viện có bị mất kiểm soát hay không. Tại vì nếu mất kiểm soát một viện hay là quyền kiểm soát của một viện còn mong manh qúa, thì chính sách của Tổng thống Donald Trump sẽ hoàn toàn bị tê liệt trong thời gian sắp tới, đó là chưa nói tới cuộc điều tra về vấn đề cấu kết với Nga, nó có thể đưa tới chuyện impeachment, và vì thế cuộc bầu cử giữa kỳ lần này nó trở thành cuộc chiến sống còn cho những người liên hệ trong chuyện này. Có thể nói là chết hay sống họ cũng phải thắng cho được Hạ Viện, cho nên cuộc bầu cử sẽ rất là căng thẳng cho mọi vị trí dân biểu của Mỹ.
BBC:Là một người trong đảng Cộng Hòa luật sư mong nhìn thấy gì?
LS Nguyễn Quốc Lân: Tôi vẫn muốn đảng Cộng Hòa thắng, nhưng tôi nghĩ Tổng thống Donald Trump phải làm gì cho bớt đi những rắc rối này. Tại vì đảng Cộng Hòa theo tôi có những chính sách có thể đem lại sự phồn thịnh cho nền kinh tế Hoa Kỳ, vững chắc cho nền an ninh của Hoa Kỳ. Tuy nhiên những sự rắc rối gây ra bởi chính Donald Trump nó làm yếu đi khả năng đạt được những mục tiêu đó.
https://www.bbc.com/vietnamese/45398314
Sản xuất tại Việt Nam
phát triển chậm lại trong tháng 8
Theo Nikkei hôm 4/9, chỉ số Nhà quản trị mua hàng Purchasing Managers’ Index (PMI) toàn phần trong lĩnh vực sản xuất Việt Nam, PMI Việt Nam đã giảm xuống mức 53,7 điểm trong tháng Tám so với mức 54,9 điểm trong tháng Bảy, thấp nhất trong 4 tháng qua.
Chỉ số PMI trên 50 cho thấy có những cải thiện, trong khi dưới 50 mức giảm tổng thể.
Ông Andrew Harker, Phó Giám đốc tại IHS Markit – công ty thu thập kết quả khảo sát nhận định “Mặc dù có sự sụt giảm về sản lượng trong tháng Tám, nhưng ngành sản xuất Việt Nam dường như đang ở vị thế vững chắc nhờ vào khả năng tiếp tục đảm bảo nguồn vốn mới.”
Ông lo ngại thương mại toàn cầu có thể tác động đến các doanh nghiệp Việt Nam trong những tháng tới.
Trong lĩnh vực xuất khẩu hàng điện tử, Bộ Công thương cho biết trong 8 tháng đầu năm nay Việt Nam đạt gần 31 tỷ USD từ xuất khẩu điện thoại và linh kiện, chủ yếu sang Mỹ, Liên minh châu Âu, Hàn Quốc và Đông Nam Á.
Cũng trong 8 tháng đầu năm, Việt Nam đã chi khoảng 9,3 tỷ đô la Mỹ để nhập khẩu điện thoại và linh kiện, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo thống kê của cơ quan Viễn thông Việt Nam, tính đến cuối tháng 6, với dân số khoảng 95 triệu người, cả nước có gần 127 triệu thuê bao di động và cố định, trong đó có hơn 119 triệu thuê bao di động, đạt tổng doanh thu viễn thông gần 8,2 tỷ đô la Mỹ.
Địa ốc Việt Nam lọt tầm ngắm giới đầu tư ‘Vành Đai Và Con Đường’ Trung Cộng
Việt Nam ở trong 10 thị trường trên lộ trình “Vành Đai Và Con Đường” được giới đầu tư địa ốc Trung Cộng để ý nhất.
Trang mạng Uoolu của Trung Cộng, chuyên về buôn bán bất động sản xuyên biên giới, hồi cuối tháng 8 vừa qua công bố bản báo cáo “Dữ liệu đầu tư nhà đất Uoolu 2018 về 10 quốc gia trên Vành Đai Và Con Đường”. Dự án “Vành Đai Và Con Đường” được nhà cầm quyền Trung Cộng đặt ra vào năm 2013, nhằm tái lập sự thống trị của Đế Quốc Trung Hoa nhiều thế kỷ trước. Uoolu chọn ra tám quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, và hai quốc gia ở Trung Đông đưa vào bản báo cáo của họ. Đây là các chọn lựa căn cứ vào cái gọi là “Chỉ số phát triển hợp tác” nhằm đánh giá rủi ro đầu tư trong khắp khu vực “Vành Đai Và Con Đường”.
Mười quốc gia được xếp hạng theo những tiêu chí khác nhau như mức độ gia tăng giá nhà và tỉ lệ giữa giá mua và giá thuê. Theo Uoolu, người Trung Cộng đầu tư địa ốc ở nước ngoài chủ yếu ở trong lứa tuổi tư 30 tới 49, và hầu hết làm việc trong những kỹ nghệ mới, như công nghệ thông tin và kinh doanh qua mạng Internet. Thế hệ giàu mới nổi của Trung Cộng cũng cho thấy khả năng quyết định nhanh chóng. Gần 44% các nhà đầu tư Trung Cộng chỉ mất một tuần để đưa ra quyết định đầu tư nhà đất. Khoảng hai phần ba trong số họ bỏ ra từ 70,000 tới 150,000 Mỹ kim. Như vậy “Vành Đai Và Con Đường” cũng là một lộ đồ hướng dẫn giới đầu tư Trung Cộng thâu tóm đất đai ở những quốc gia khác.
Mới đây, thủ tướng Mã Lai Mahathir Mohamad đã tuyên bố hạn chế các nhà đầu tư Trung Cộng vào Mã Lai, với lý do bảo vệ thương nhân Mã Lai và ngăn chặn tham vọng bành trướng của Trung Cộng.
Huy Lam / SBTN
https://www.sbtn.tv/dia-oc-viet-nam-lot-tam-ngam-gioi-dau-tu-vanh-dai-va-con-duong-trung-cong/