Tin Việt Nam – 04/08/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 04/08/2017

Trịnh Xuân Thanh ‘tự thú’ trên VTV:

‘một kịch bản’ diễn sai luật

Các luật sư và nhà bình luận Việt Nam cho rằng hình ảnh ông Trịnh Xuân Thanh “tự thú” trên truyền hình nhà nước Việt Nam, sau khi bị bắt từ Đức về như báo chí quốc tế loan tin, là một màn diễn có kịch bản, nhằm phục vụ cho mục đích chính trị.

Từ thành phố Hồ Chí Minh, luật sư Nguyễn Thanh Lương nhận định rằng nếu thông tin ông Thanh bị “bắt cóc” đúng như Bộ Ngoại giao Đức và quốc tế loan thì việc tự thú của ông Trịnh Xuân Thanh là có kịch bản:

“Tôi nghĩ trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh tự thú trên đài truyền hình là do có kịch bản, có đạo diễn, để phục vụ cho mục đích chính trị của chế độ.”

Tôi nghĩ trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh tự thú trên đài truyền hình là do có kịch bản, có đạo diễn, để phục vụ cho mục đích chính trị của chế độ.

Luật sư Nguyễn Thanh Lương

Khi xét đến khía cạnh tố tụng, thì “màn” tự thú trên TV và việc trưng đơn tự thú như thế là vi phạm pháp luật. Luật sư Lương nói:

“Về mặt tố tụng mà nói – nếu đúng như truyền thông quốc tế, bắt người ở Đức rồi đem về thì làm sao gọi là tự thú được. Cũng phải nói rõ thêm rằng ở Việt Nam gần đây cũng có một số trường hợp, ví dụ như vụ án 7 thanh niên oan sai ở Sóc Trăng, cũng bắt về rồi hợp thức hóa bằng cách cho tự thú. Việc này như là một chủ trương. Như vậy là vi phạm pháp luật đối với chính luật tố tụng của Việt Nam.”

Đài truyền hình trung ương Việt Nam VTV đưa ra hình ảnh ông Trịnh Xuân Thanh xuất hiện trong chương trình thời sự của VTV tối ngày 3/8, đã đưa ra những hình ảnh người đàn ông mà Việt Nam truy nã trong 1 năm qua tự đầu thú với chính quyền Việt Nam.

Đoạn băng ghi hình xuất hiện một ngày sau khi chính phủ Đức ra thông cáo chỉ trích Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Berlin.

Nhận định về sự xuất hiện bất ngờ của ông Thanh trên truyền hình, nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng chia sẻ:

“Sắc diện của ông Trịnh Xuân Thanh rất khác: một gương mặt rất phờ phạc, gần như mất hồn, khác với vẻ linh hoạt ngoài đời. Người ta đặt dấu hỏi rằng chỉ sau một ít ngày mà ông Thanh có sự biến dạng như vậy về khuôn mặt. Việc này làm cho tôi nhớ lại khuôn mặt của ông Phùng Quang Thanh vào 2015 – rất đờ đẫn. Bây giờ ông Trịnh Xuân Thanh cũng như vậy.”

Người ta đặt dấu hỏi rằng chỉ sau một ít ngày mà ông Thanh có sự biến dạng như vậy về khuôn mặt. Việc này làm cho tôi nhớ lại khuôn mặt của ông Phùng Quang Thanh vào 2015 – rất đờ đẫn. Bây giờ ông Trịnh Xuân Thanh cũng như vậy.

Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng

Bình luận về ‘đơn xin tự thú’ được cho là của ông Trịnh Xuân Thanh trong chương trình thời sự ngày 3/8, Luật sư Lê Công Định viết trên Facebook rằng đây là “một trò hề rừng rú:”

“Đơn xin tự thú (nếu có thật) là một tài liệu tố tụng của một vụ án hình sự đã được khởi tố và trong quá trình điều tra, sao lại có thể bị công bố trên phương tiện truyền thông công khai như vậy? Tài liệu tố tụng luôn phải được bảo mật tuyệt đối.”

Nhà báo Phạm Chí Dũng nhận định về nội dung ‘đơn tự thú’ được cho là của ông Thanh ký ngày 31/7:

“Nội dung thư được coi là tự thú không đăng toàn thư, chỉ trích ra một phần, và điều đó cũng không nói lên điều gì lớn. Thư tự thú này tất nhiên là phù hợp với yêu cầu của Đảng và Nhà nước, nhưng không có một từ nào đề cập tới việc bắt cóc.”

Ông Thanh bị Việt Nam truy nã trong gần 1 năm qua với tội danh “làm thất thoát nghiêm trọng tài sản nhà nước” sau khi cùng ban quản lý PVC, một công ty con của tập đoàn dầu khí PetroVietnam, làm thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng trong thời gian từ 2011-2013.

Trong đơn xin đầu thú do VTV đăng tải trong chương trình thời sự ngày 3/8, ông Thanh viết “Tôi thấy lo sợ trước kết luận về vi phạm của tôi và phải chịu trách nhiệm là người đứng đầu trong thua lỗ của PVC. Do lo sợ, suy nghĩ không hết, tôi đã quyết định trốn tại Đức.”

Bộ Ngoại giao Đức đưa hôm 2/8 ra thông báo chỉ trích việc Việt Nam bắt cóc ông Thanh hôm 23/7 tại Berlin và yêu cầu cho phép người đàn ông này trở lại Đức “ngay lập tức” để xem xét việc dẫn độ mà Việt Nam trước đó yêu cầu cũng như đơn xin tị nạn ở Đức của ông Thanh.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 3/8 chỉ đáp lại rằng “lấy làm tiếc,” không bác bỏ, cũng không xác nhận việc bắt cóc ông Thanh.

Luật sư Pestra Isabel Schlagenhauf thụ lý hồ sơ pháp lý cho ông Thanh tại Đức nói với VOA trong cuộc phỏng vấn hôm 3/8 rằng việc xin tị nạn “giúp ông ấy được bảo vệ và có khả năng được ở lại Đức.”

Luật sư Trần Quốc Thuận ở thành phố Hồ Chí Minh và luật sư Lê Quốc Quân ở Hà Nội hồi đầu tuần nói với VOA rằng Việt Nam cần sớm cung cấp thông tin một cách minh bạch về vụ ông Thanh, đặc biệt thông tin từ khi ông Thanh chạy trốn ra nước ngoài, sống ở đâu và làm thế nào có thể về lại Hà Nội trong khi đang bị truy nã quốc tế, để tránh xảy ra nhiễu loạn thông tin và gây xung đột ngoại giao.

Truyền thông Việt Nam từng loan tin rằng vụ án Trịnh Xuân Thanh là vụ án lớn mà đích thân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng “chỉ đạo thực hiện.” Người đứng đầu đảng Cộng sản từng lặp đi lặp lại rằng: “Bằng mọi cách phải di lý, bắt bằng được Trịnh Xuân Thanh về nước phục vụ điều tra, xét xử.”

Luật sư Lê Luân ở Hà Nội viết trên Facebook sau chương trình thời sự VTV tối hôm qua: “Bắt người thuộc về tố tụng hình sự, dù bất cứ ai cũng đều có quyền được đảm bảo về quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền tự do đi lại và không hạn chế về không gian. Nên nếu bị bắt trái luật, dù có khắc phục bằng bất kể lập luận nào thì các hoạt động tố tụng phát sinh sau đó từ việc bắt người trái luật đều sẽ trở nên bất hợp pháp.”

https://www.voatiengviet.com/a/trinh-xuan-thanh-tu-thu-tren-vtv-mot-kich-ban-dien-sai-luat/3972647.html

 

Ngoại trưởng Đức lên tiếng vụ Trịnh Xuân Thanh

Bộ trưởng ngoại giao Đức, Sigmar Gabriel, vào ngày 4 tháng 8 lên tiếng cho biết Berlin đang xem xét những biện pháp đối với Hà Nội về vụ bắt cóc một cựu viên chức dầu khí và mô tả việc chính quyền VN bác bỏ tin bắt cóc gợi lại những phim gián điệp thời Chiến Tranh Lạnh. Tuy nhiên ông ngoại trưởng Đức không nói rõ những biện pháp đang xem xét cụ thể là gì.

Hãng Reuters loan tin cho biết là ngoại trưởng Sigmar Gabriel phát biểu với báo giới trong cuộc họp báo tại Wolfsburg sau cuộc gặp với người tương nhiệm Slovak, Miroslav Lajcak.

Ngoại trưởng Sigmar Gabriel nói rằng Đức đã yêu cầu một viên chức tình báo tại Đại sứ quán Việt Nam ở Berlin rời khỏi nước Đức bởi vì bị cho có liên quan đến vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh. Phía Việt Nam thì nói người bị yêu cầu ra đi tự nguyện về nước.

Ông bộ trưởng ngoại giao Sigmar Gabriel nói phía Đức không phải nài nỉ mà đúng hơn là yêu cầu viên chức tình báo Việt Nam phải rời khỏi Đức bởi lẽ Berlin tin tưởng một cách mạnh mẽ viên chức này chính là người liên quan đến vụ bắt cóc.

Ông Sigmar Gabriel nói rõ không có điều gì trái với suy luận như thế vì tất cả đều củng cố cho suy luận là với sự hổ trợ của viện chức tình báo và dùng nơi cư ngụ tại Đại sứ quán Việt Nam ở Đức nhằm tiến hành bắt cóc một người từng đã nộp đơn xin tỵ nạn.

Theo ngoại trưởng Sigmar Gabriel thì việc đưa ông Trịnh Xuân Thanh ra khỏi nước Đức bằng những phương cách mà theo ông là những cách thức mà người xem thấy trong những phim kinh dị về thời Chiến Tranh Lạnh. Đây là điều mà phía Đức không thể chấp nhận được.

Vào ngày 2 tháng 8, Bộ Ngoại giao Đức ra thông cáo cho biết Berlin cũng có yêu cầu Hà Nội trao trả ông Trịnh Xuân Thanh về lại Đức.

Một nữ phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Đức từ chối không cho biết viên chức không được nêu danh tại Đại sứ quán Việt Nam, người bị ra hạn 48 giờ đồng hồ để rời khỏi Đức, đã về đến Việt Nam hay chưa.

Trong khi đó vào tối ngày 3 tháng 8, Đài Truyền hình Việt Nam chiếu hình ảnh ông Trịnh Xuân Thanh mệt mỏi và dẫn lời ông này là bản thân ra đầu thú.

Luật sư của ông Trịnh Xuân Thanh từ Đức loại trừ khả năng thân chủ Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú; mà nói rõ nhiều nhân chứng thấy có những kẻ vũ trang dùng bạo lực tống một một người đàn ông và một phụ nữ vào chiếc xe có bảng đăng ký của nước Cộng hòa Czech đâu bên ngoài khách sạn Sheraton ở thủ đô Berlin, nước Đức.

Tin cho biết bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20 diễn ra ở Hamburg, các quan chức Hà Nội từng đưa ra đề nghị với phía Đức cho dẫn độ ông Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam.

Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong khối Liên minh Châu Âu. Những thành viên của khối này sắp xửa xem xét việc chuẩn thuận một hiệp định mậu dịch tự do với Việt Nam, nước được cho là một trong những thị trường phát triển nhanh chóng nhất tại khu vực Đông Nam Á.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/german-foreign-minister-announce-kidnap-trinhxuanthanh-08042017122230.html

 

Đức dọa trả đũa Việt Nam vì ‘bắt cóc’ Trịnh Xuân Thanh

Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel hôm thứ Sáu 4/8 tuyên bố Đức đang cân nhắc các biện pháp trả đũa Việt Nam vì cáo buộc Hà Nội bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh ngay tại Berlin.

Việt Nam đã bác bỏ cáo buộc bắt cóc, và để hình ảnh ông Trịnh Xuân Thanh xuất hiện trên truyền hình nói ông tự nguyện trở về nước.

Hôm 4/8, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel nhắc lại Đức đã yêu cầu một sĩ quan tình báo Việt Nam rời Berlin vì tin rằng ông này liên quan đến việc bắt cóc.

Thayer: ‘Nghi vấn bắt cóc gây tổn hại cho VN’

LS Lê Công Định bình luận vụ ông Trịnh Xuân Thanh

Người Việt ở Đức “rất sốc” về vụ Trịnh Xuân Thanh

“Chúng tôi đòi hỏi ông ta ra đi vì chúng tôi rất tin rằng ông ta liên quan vụ bắt cóc,” ông Gabriel nói tại một cuộc họp báo.

“Không có chi tiết gì trái ngược giả thuyết này. Mọi thứ đều ủng hộ giả thiết rằng ông ta, cùng sự giúp đỡ của mật vụ Việt Nam và dùng nơi ở của ông ta tại sứ quán Việt Nam tại Đức, đã bắt cóc một người đã xin tị nạn,” Ngoại trưởng Đức nói.

Ông Gabriel không nói rõ các biện pháp trừng phạt mà Đức đang cân nhắc.

Ông nói thêm ông Trịnh Xuân Thanh “bị đưa ra khỏi Đức, bằng các biện pháp mà chúng tôi tin rằng người ta xem trong các phim hình sự về Chiến tranh Lạnh.”

“Đây là điều chúng tôi không thể chấp nhận.”

Tối 3/8, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đưa hình ảnh ông Trịnh Xuân Thanh nói lời “xin lỗi” trong chương trình thời sự.

VTV nói họ đã liên hệ cơ quan an ninh điều tra “để tìm hiểu” và chiếu đoạn phim được nói là quay ngày 31/7.

Được BBC hỏi về phản ứng sau khi VTV đưa tin, Bộ Ngoại giao Đức nói họ không có gì bổ sung ngoài tuyên bố đã ra hôm 2/8.

Bàn tròn BBC ngay sau khi ông Thanh ‘xin lỗi’ trên VTV

Nhưng trong thư trả lời BBC, Bộ Ngoại giao Đức nhấn mạnh chữ đậm đoạn sau đây trong tuyên bố 2/8:

“Chính phủ Liên bang Đức yêu cầu phải để ông Trịnh Xuân Thanh quay trở lại Đức ngay lập tức để hồ sơ đề nghị dẫn độ và đơn xin tị nạn được xem xét theo đúng trình tự pháp lý.”

Trong khi đó, một luật sư của Trịnh Xuân Thanh ở Đức, Petra Schlagenhauf nói với BBC sau khi xem đoạn phim:

“Đây là ‘tự thú’ ép buộc. Ông ấy bị bắt cóc. Chúng tôi biết, cảnh sát Đức biết, chính phủ Đức biết.”

Hội luận: ông Trịnh Xuân Thanh thực sự ‘ra đầu thú’?

Bà nói thêm: “Tôi lo ngại cho sức khỏe thân chủ. Ông ấy trông rất tệ.”

VTV nói họ đã liên hệ cơ quan an ninh điều tra “để tìm hiểu” và chiếu đoạn phim được nói là quay ngày 31/7.

Trong phim, ông Trịnh Xuân Thanh, ngồi ở địa điểm không xác định, nói ông đã “suy nghĩ không chín chắn”, “đành phải về để đối diện sự thật”.

Ông nói muốn “cần về gặp lại mọi người đặc biệt là những lãnh đạo để báo cáo nhận khuyết điểm, xin lỗi”.

VTV cũng đưa hình về “đơn xin tự thú” ghi ngày 31/7 tại Hà Nội, viết tay, được nói là của ông Thanh.

Đoạn thuyết minh nói trong đơn có đoạn:

“Tôi thấy lo sợ trước kết luận về vi phạm của tôi, và phải chịu trách nhiệm là người đứng đầu trong thua lỗ của PVC do lo sợ suy nghĩ không hết, tôi đã quyết định trốn tại Đức.

“Trong thời gian này, cuộc sống trốn tránh, bấp bênh luôn lo sợ.

“Được sự động viên của gia đình, bạn bè, tôi đã về Việt Nam, ra đầu thú tại cơ quan an ninh điều tra để được hưởng sự khoan hồng của Đảng, nhà nước và pháp luật.”

Trước đó cùng ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 3/8 “lấy làm tiếc” trước thông cáo của Đức nhưng dẫn lời Bộ Công an nói ông Trịnh Xuân Thanh “đầu thú”.

Bộ Ngoại giao Đức hôm 2/8 cáo buộc Việt Nam “bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh” và yêu cầu đại diện tình báo Việt Nam tại Berlin về nước.

Trong thông cáo ra hôm 2/8, Bộ Ngoại giao Đức nói họ có bằng chứng về việc Việt Nam bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh ở Berlin. Bộ Ngoại giao Đức đã triệu Đại sứ Việt Nam lên vào tối 1/8, và sau đó đặt nhân viên tình báo tại Tòa Đại sứ vào vị trí “người không được hoan nghênh” (persona non grata), buộc phải rời khỏi Đức trong vòng 48 giờ.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40816890

 

Thayer: ‘Nghi vấn bắt cóc gây tổn hại cho VN’

Giáo sư Carl Thayer, nhà nghiên cứu và phân tích chính trị Việt Nam và bang giao quốc tế, nói với BBC nếu ông Trịnh Xuân Thanh thực sự bị bắt cóc, ép buộc rời Đức thì điều này là hành động chưa từng thấy của Việt Nam.

Nhà nghiên cứu từ Úc cũng đánh giá rằng nếu nghi vấn bắt cóc được chứng minh là đúng thì nó làm tổn hại nghiêm trọng đến mối quan hệ song phương trong thời điểm Việt Nam rất cần bạn.

“Việc tuyên bố một cán bộ tình báo của Việt Nam là persona non grata cho thấy phía Đức có vẻ có cơ sở để tin rằng Việt Nam trực tiếp liên quan, vì đây rõ ràng là một hành động vi phạm đến chủ quyền an ninh Đức.”

“Đức là một đất nước rất coi trọng pháp trị. Nói đến tổn hại thì về mặt thương mại, Đức là đối tác thương mại lớn nhất tại châu Âu của Việt Nam, và tại Đức có cộng đồng người Việt rất đông.”

LS Lê Công Định bình luận vụ ông Trịnh Xuân Thanh

Mạng xã hội nóng vì Trịnh Xuân Thanh ‘lên VTV’

Đức vẫn yêu cầu cho Trịnh Xuân Thanh ‘trở về Đức’

Bàn tròn BBC sau khi ông Thanh ‘xin lỗi’ trên VTV

“Vụ việc xảy ra khi Việt Nam vốn đang cần rất nhiều bạn trong bối cảnh đang có tranh chấp ở Biển Đông. Việc xa lánh Đức và vi phạm luật lệ quốc tế sẽ đem lại hậu quả nghiêm trọng cho Việt Nam.”

“Việt Nam đang làm hỏng danh tiếng của mình khi tỏ ra lập lờ với sự thật, không nói thật.”

“Đây là việc bắt giữ một cá nhân đang xin tỵ nạn tại Đức, Đức có trách nhiệm phải bảo vệ và phải xem xét đơn xin tỵ nạn xem có thỏa đáng hay không. Họ không thể bắt người này về Việt Nam được.”

“Đối với Đức, nếu như việc [bắt cóc] có thể xảy ra với một người Việt thì nó cũng có thể xảy ra với bất kỳ ai. Mà trong trường hợp này, đó lại là hành động của một quốc gia bạn hữu, một đối tác chiến lược của Đức.”

“Đức có thể sẽ tiếp tục theo đuổi vụ việc. Có thể sẽ có một lệnh trừng phạt cho Việt Nam nếu như phía ngoại giao không thể tìm ra được một giải pháp.”

Khi được hỏi liệu ông có nghĩ chính quyền Việt Nam trực tiếp chỉ đạo vụ mà phía Đức cáo buộc là bắt cóc này hay không, ông Thayer cho rằng ông không rõ việc ra quyết định bắt cóc, nếu có, là một sai sót ở tầm chỉ huy cao cấp hay do nhân viên thực thi ở cấp thấp.

“Việt Nam muốn giải quyết xong các vụ án tham nhũng là để thắt chặt liên minh trong Đảng vốn được thiết lập từ Đại hội Đảng gần đây. Họ cũng liên tiếp bắt giữ giới bất đồng chính kiến để xem phản ứng của phương Tây như thế nào, xem liệu họ có thể chạy thoát con mắt quốc tế với các vụ việc như vậy hay không.”

“Nếu cần, Việt Nam rất có thể sẽ có những động thái làm dịu tình hình trước thềm APEC.”

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40827347

 

Truyền thông quốc tế nói gì về vụ Trịnh Xuân Thanh?

Tin Bộ Ngoại giao Đức tố cáo Việt Nam bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh từ một công viên ở thủ đô Berlin của Đức đã thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế, sau khi vụ Trịnh Xuân Thanh trở thành tin nóng trong suốt mấy ngày qua trên các trang mạng xã hội của người Việt ở trong và ngoài nước. Báo chí quốc tế nói gì về vụ Trịnh Xuân Thanh và về hệ quả của vụ xích mích ngoại giao giữa Việt Nam và Đức?

Truyền thông quốc tế bắt đầu chú ý tới tin Trịnh Xuân Thanh sau khi Bộ Ngoại giao Đức ra thông cáo hôm 2/8, tố cáo mật vụ Việt Nam bắt cóc ông Thanh ‘giữa ban ngày’ từ công viên Tiergarten ở Berlin, một địa điểm du lịch ăn khách, trước sự chứng kiến của nhiều người đi đường, và những người này đã đi báo với cảnh sát.

Nếu thực sự đây là một vụ bắt cóc như Bộ Ngoại giao Đức tố cáo, thì hành động liều lĩnh ấy sẽ có hậu quả nghiêm trọng đối với mối quan hệ song phương. Hậu quả đầu tiên là tùy viên tình báo của Bộ Ngoại giao Việt Nam bị trục xuất về nước, Đại sứ Việt Nam ở Berlin được triệu lên làm việc, và ngoài ra, một thông báo đóng cửa tạm thời bộ phận làm thủ tục visa của Đại sứ quán Đức ở Hà Nội vì ‘lý do kỹ thuật’, cũng được nhiều người cho là có liên hệ tới vụ Trịnh Xuân Thanh.

Báo Financial Times, một tờ báo có uy tín ở Mỹ, hôm 2/8 giật hàng tít “Đức trục xuất Đại sứ Việt Nam sau vụ bắt cóc”, với tiểu tựa ‘Berlin khuyến cáo cú sốc có thể tác động tiêu cực tới các quan hệ song phương’.

Bài viết của ký giả Stefan Wagstyl, sau đó được tạp chí Times trích dẫn, nói Berlin trục xuất Đại sứ Việt Nam và Tùy viên Tình báo của sứ quán về nước sau vụ ‘bắt cóc’. Tác giả nói hai quan chức của Việt Nam được gia hạn 48 tiếng đồng hồ để rời khỏi nước Đức. Thế nhưng sau đó Financial Times cải chính tin đại sứ Việt Nam bị trục xuất khi đăng lại bài viết dưới hàng tít “Đức trục xuất nhà ngoại giao Việt Nam sau vụ bắt cóc”, kèm theo lời cải chính ở cuối bài:

Bài báo này đã được đính chính sau khi phát hành. Một phiên bản trước nói đại sứ Việt Nam bị trục xuất khỏi nước Đức. Điều đó không đúng.”

Báo Financial Times nói Đại sứ quán Việt Nam ba lần không trả lời điện thoại của họ, và cũng không trả lời email của tòa soạn yêu cầu bình luận.

Hãng tin Deutshe Welle của Đức ngày 2/8 nói “vụ bắt cóc doanh nhân người Việt Trịnh Xuân Thanh ở Berlin đã khơi lên một vụ ‘xích mích ngoại giao’ giữa Đức và Việt Nam”, và dẫn thông cáo của Bộ Ngoại giao Đức nói “vụ bắt cóc công dân Việt Nam Trịnh Xuân Thanh trên lãnh thổ Đức là một hành động chưa hề có tiền lệ, vi phạm trắng trợn luật pháp Đức và luật pháp quốc tế.” Bộ Ngoại giao Đức nói vụ việc này có “thể phương hại nặng nề tới các quan hệ giữa Việt Nam và Đức.”

Chính phủ Đức thừa nhận Việt Nam đã yêu cầu Đức dẫn độ ông Trịnh Xuân Thanh bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hamburg. Đức đòi Việt Nam phải lập tức đưa ông Trịnh Xuân Thanh về Đức trở lại, để đơn xin tị nạn của ông và yêu cầu dẫn độ của Việt Nam có thể được xem xét “theo đúng trình tự pháp lý.”

Tờ báo cũng trích phản ứng của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê thị Thu Hằng, nói bà “lấy làm tiếc về thông cáo ngày 2/8 của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đức”.

Luật sư của ông Thanh nói thân chủ của bà bị bắt cóc bằng vũ lực vào 10:40 sáng giờ địa phương trên một con đường gần công viên Tiergarten, trong khi truyền thông Việt Nam tường thuật tin của Bộ Công An nói ông Thanh tự nguyện ra đầu thú ở Hà nội.

Theo tờ báo thì Bộ Ngoại giao Đức phản ứng giận dữ trước những thông tin đó, và sau khi xác định ‘không còn nghi ngờ gì nữa’ về sự dính líu của tình báo Việt Nam và Đại sứ quán của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, Quốc vụ Khanh Văn phòng Bộ Ngoại giao Đức Markus Ederer đã triệu Đại sứ Việt Nam ở Berlin, yêu cầu tùy viên tình báo Việt Nam rời khỏi Đức trong vòng 48 tiếng đồng hồ.

Sau khi ông Trịnh Xuân Thanh xuất hiện ở Hà nội hôm thứ Hai tuần này, các giới chức Bộ Ngoại giao Đức đã cho triệu đại sứ Việt Nam ở Berlin và ra tối hậu thư cho Hà nội, là tới thứ Tư phải đưa ông trở về Đức. Hết thời hạn đó, các giới chức Đức mới lên tiếng và dùng những lời lẽ gay gắt “bất thường” để lên án vụ bắt cóc.

Deutsche Welle còn dẫn lời ông Hoàng Tứ Duy, đại diện của Việt Tân, bày tỏ kinh ngạc trước vụ bắt cóc ông Thanh. Ông Duy nói: “Bắt cóc những nhân vật bất đồng là điều mà tình báo Việt Nam thường tìm cách thực hiện ở Đông Nam Á, nhưng chưa từng nghe xảy ra ở các nước Tây phương. Chính phủ Đức cần lên án hành động trắng trợn này bằng những lời lẽ mạnh mẽ nhất.”

Báo Washington Post và các hãng tin quốc tế khác như Reuters, AFP, đều thuật lại những tình tiết quanh vụ ông Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc, và điểm qua những dấu mốc trong sự nghiệp của ông Trịnh Xuân Thanh ở Việt Nam, thời ông nắm chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, trước khi trở thành đối tượng của lệnh truy nã đỏ.

Báo Deutche Welle nhắc tới chiến dịch chống tham nhũng đang được đẩy mạnh ở Việt Nam, mà tờ báo miêu tả là được dùng như “một vũ khí chính trị”, như ở Trung Quốc.

Deutche Welle nói có nhiều lý do để Hà nội đeo đuổi ông Trịnh Xuân Thanh, ngoài cáo trạng gây thua lỗ lớn cho PVC.

Tờ báo Đức dẫn lời ông Thanh trong một cuộc phỏng vấn với blogger Người Buôn Gió ở Berlin cách đây vài tháng, nói rằng ông thuộc một phe cánh của Đảng Cộng sản Việt Nam mà giờ đã trở thành một mối nguy cho cựu Chủ tịch nước và đương kim Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng. Ông Thanh dọa sẽ công khai các cấu trúc quyền lực trên chính trường Việt Nam, trong bối cảnh cuộc đấu đá tranh giành quyền lực đang tiếp diễn giữa một bên là thành phần bảo thủ trong Đảng Cộng sản Việt Nam, và bên kia là thành phần ủng hộ cải cách theo xu hướng tư bản thực tiễn, mà hiện giờ phe bảo thủ đang chiếm thế thượng phong. Ông Thanh nói cũng giống như ở Trung Quốc, chiến dịch chống tham nhũng đã trở thành “phương pháp được ưa chuộng để loại bỏ các đối thủ chính trị.

Trễ hơn trong ngày 3/8, đài VTV phát hình đoạn video ông Thanh ra đầu thú ‘để được hưởng sự khoan hồng’, câu chuyện bắt đầu từ một status trên trang facebook của Trương Huy San- Osin Huy Đức hôm 30/7, hỏi “Trịnh Xuân Thanh về mà báo chí im ắng nhỉ!” giờ hứa hẹn sẽ còn nhiều tình tiết ly kỳ trong những ngày tới.

https://www.voatiengviet.com/a/truyen-thong-quoc-te-noi-gi-ve-vu-trinh-xuan-thanh/3971410.html

 

Người Việt ở Đức “rất sốc” về vụ Trịnh Xuân Thanh

Cộng đồng người Việt ở Đức đang “rất hoang mang” và “tranh luận mạnh mẽ” vì chuỗi sự kiện liên quan đến vụ ông Trịnh Xuân Thanh, theo một nhà báo người Việt sinh sống và làm việc nhiều năm tại Đức.

“Có thể nói chưa bao giờ cộng đồng người Việt ở Đức lại trải qua một cơn sốc lớn như thế này,” nhà báo Lê Mạnh Hùng từ Berlin nói với BBC.

Những hình ảnh tốt đẹp của người Việt tại Đức dường như “đổ bể” sau khi truyền thông Đức đưa tin rộng rãi tuyên bố của Bộ Ngoại giao Đức về vụ ông Trịnh Xuân Thanh, ông Hùng chia sẻ.

Bàn tròn BBC ngay sau khi ông Thanh ‘xin lỗi’ trên VTV

Mạng xã hội nóng vì Trịnh Xuân Thanh ‘lên VTV’

Vụ việc gây tranh luận lớn trong cộng đồng người Việt với rất nhiều ý kiến trái chiều.

“Chưa bao giờ trong cộng đồng lại có cuộc tranh luận mà ai cũng bộc lộ ra những suy nghĩ, tâm can của mình ra một cách công khai như vậy.”

“Người bênh Việt Nam, người bênh phía Đức. Bên thì tranh luận bằng lý trí nhưng cũng nhiều bên bực dọc một cách lộ liễu.”

Ông Hùng nhận xét cuộc tranh luận này cũng có mặt tích cực.

“Bây giờ người ta mới giật mình và để ý thấy tất cả những điều tạm gọi là chính trị đều có liên quan trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của mình, cho nên không ai có thể làm ngơ và cho rằng việc này chả có liên quan gì đến tôi cả.”

‘Làm hỏng hình ảnh người Việt thân thiện’

Chia sẻ với BBC về tâm lý của cộng đồng người Việt những ngày này, ông Lê Mạnh Hùng nói:

“Cộng đồng người Việt ở đây vào những năm 1990 dưới con mắt của Đức và xã hội Đức thì có rất nhiều tai tiếng. Từ đó đến nay, trải qua 15 năm với bao nỗ lực của người Việt, hình ảnh người Việt Nam ở đây đã được cải thiện rất nhiều. Người ta nhìn mình thân thiện hơn.”

“Tất cả những cái đó bây giờ dường như là đổ bể. Tâm trạng mọi người rất hoang mang, rất nản. Chúng tôi và nhiều đồng hương ở đây bây giờ tiếp xúc với đồng nghiệp, hàng xóm láng giềng, dù tế nhị thôi, nhưng người ta nhìn mình với con mắt rất ngờ vực.”

“Những cụm từ mà nhiều năm gần đây được nghe thấy như người Việt chăm chỉ, người Việt thành công, con cái thành đạt v.v… dường như bây giờ bị lấn át bởi những cụm từ mà truyền thông [Đức] đưa suốt mấy ngày hôm nay. Nào là tội phạm, lẩn trốn, rồi trục xuất và nhiều thứ khác nữa. Cái đó khiến cho bà con ở đây rất hoang mang.”

Quan chức Đại sứ quán VN phải rời Đức

Nhà báo Lê Mạnh Hùng nói với BBC rằng theo một số nguồn tin của ông thì nhân viên ngoại giao bị phía Đức coi là persona non grata và bị yêu cầu rời khỏi Đức trong vòng 48 giờ “là ông Nguyễn Đức Thoa, đại diện của Cục tình báo Việt Nam”.

Ông Hùng tin rằng người này không có cách nào khác ngoài việc phải chấp hành yêu cầu của Đức.

“Nếu không, quyền miễn trừ ngoại giao của ông Thoa sẽ mất và thậm chí ông ấy sẽ bị bắt và trục xuất, do sự hiện diện của ông tại Đức bị coi là bất hợp pháp,” ông Hùng nói.

Đây là sự kiện gây hoang mang lớn trong cộng đồng người Việt, ông Hùng nhận xét.

“Trong suy nghĩ của không ít người Việt ở đây, những cán bộ này lẽ ra có thêm trọng trách là bảo vệ an ninh cho cuộc sống của người Việt ở đây nhưng bản thân ông ấy cũng bị Đức mời ra khỏi Đức. Cho nên người ta cũng đặt ra câu hỏi liệu cuộc sống ở đây có bảo đảm an toàn hay không.”

Đức vẫn yêu cầu cho Trịnh Xuân Thanh ‘trở về Đức’

Tuyên bố của Đức về vụ Trịnh Xuân Thanh

Trả lời BBC về ảnh hưởng của việc này đối với việc làm thủ tục giấy tờ qua lại giữa Việt Nam và Đức, nhà báo Lê Mạnh Hùng cho rằng sắp tới người Việt “sẽ gặp khó khăn không ít”.

“Rõ ràng là người ta cũng cảnh giác hơn và mọi thủ tục phía Đức đặt ra cũng sẽ khắt khe hơn. Khi người ta có thiện cảm với mình thì mọi thứ nó sẽ khác. Nhưng bây giờ nếu người ta cảm thấy phải cảnh giác phải thắt chặt mọi thứ lại thì những gì trong phạm vi luật định người ta sẽ làm rất chặt chẽ,” ông Hùng nói.

“Bà con ở đây vẫn còn đang trong cơn sốc và chưa định đoán được hậu quả của sự vụ này sẽ đi đến đâu. Tất cả còn đang hồi hộp chờ xem cái gì sẽ xảy ra tiếp theo đây.”

Áp lực trước kỳ bầu cử Đức

Một mối nguy cơ tiềm tàng liên quan đến vụ Trịnh Xuân Thanh là áp lực phải thực thi tốt nhiệm vụ của các cơ quan an ninh, cảnh sát Đức trước cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra vào tháng 9 tới, theo nhà báo Lê Mạnh Hùng.

“Các chính trị gia của Đức bây giờ đang chịu áp lực rất lớn của báo chí truyền thông và các đảng phái đối lập.”

“Nếu chính phủ không chứng minh được là các cơ quan công quyền, các cơ quan an ninh, cảnh sát đã làm tròn nhiệm vụ của mình thì điều đó đồng nghĩa với việc không đảm bảo được cuộc sống ở Đức như người ta tưởng tượng. Điều đó có tác động rất lớn tới chính trường của Đức và đặc biệt là với cuộc bầu cử tới đây.”

Hội luận: ông Trịnh Xuân Thanh thực sự ‘ra đầu thú’?

Người Việt được tỵ nạn chính trị ở Đức ‘có tỷ lệ rất thấp’

Đánh giá về tin ông Trịnh Xuân Thanh đã nộp đơn xin tỵ nạn tại Đức, nhà báo Lê Mạnh Hùng cho rằng tỷ lệ người Việt được Đức chấp nhận trao quy chế tỵ nạn chính trị kể từ 1990 trở lại đây là “rất thấp so với [người từ] các quốc gia khác”.

Ông nói lý do của việc này là vì phía Đức cho rằng Việt Nam “không phải là nước quá bị đe dọa”.

Ông cũng cho biết đơn xin tỵ nạn được xét kỹ theo từng trường hợp cụ thể và thủ tục thường kéo rất dài.

“Chỉ có điều chắc chắn nếu ai vào Đức mà đã nộp đơn xin tỵ nạn thì đơn đó phải được cứu xét, và trong thời gian đơn đó được cứu xét thì người đó được tạm dung trên nước Đức và cũng được bảo vệ giống như mọi công dân khác sống ở đây.”

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40825758

 

‘Đầu thú’ có thể giúp giảm nhẹ hình phạt?

Việc ông Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú, theo như thông tin chính thức của giới chức trong nước, sẽ là một tình tiết giảm nhẹ rất đặc biệt, một luật sư từ Bà Rịa – Vũng Tàu nói với BBC Tiếng Việt.

“Tình tiết giảm nhẹ rất đặc biệt” này có thể giúp một người được chuyển xuống một mức án thấp hơn, thậm chí có thể “chuyển khung hình từ tử hình xuống chung thân hoặc 20 năm”, luật sư Trương Xuân Tám, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói.

Do đó, “bị can chả dại gì mà không nhận [là mình tự nguyện ra đầu thú]”, luật sư Tám nói.

Bàn tròn BBC ngay sau khi ông Thanh ‘xin lỗi’ trên VTV

Hội luận: ông Trịnh Xuân Thanh thực sự ‘ra đầu thú’?

Tuy nhiên, để biết được một cách sâu xa, đầy đủ vụ việc thì “cần phải đợi khi ra tòa, mọi tình tiết được thẩm tra, xét hỏi công khai, công chúng mới biết được”.

“Chính bản thân ông Trịnh Xuân Thanh khi đó sẽ trả lời về hoàn cảnh từng tình huống mà ông ấy đã phải trải qua.”

Tuyên bố của Đức về vụ Trịnh Xuân Thanh

Bộ Ngoại giao Đức nói Trịnh Xuân Thanh ‘bị bắt cóc’

Tin Trịnh Xuân Thanh đầu thú ‘lạ tai như phép màu’

Luật sư Trương Xuân Tám cũng giải thích thêm rằng các tình tiết giảm nhẹ chỉ được xem xét tới sau khi việc điều tra xét hỏi đã được tiến hành để xác định đối tượng có tội hay không, nếu có thì tội gì, thuộc khung hình phạt nào.

‘Không nên để yếu tố chính trị chi phối’

Bình luận về những diễn biến mới đây liên quan tới vụ ông Trịnh Xuân Thanh xuất hiện trở lại sau thời gian lẩn trốn khoảng 10 tháng, vị luật sư đồng thời là ủy viên Hội đồng Luật sư Toàn quốc nói: “Với vụ án đã khởi tố, mọi nghi vấn đều được mong muốn làm sáng tỏ, rõ ràng, công khai minh bạch, không bị các yếu tố chính trị chi phối vào tiến trình pháp l‎ý dẫn đến việc ra bản án thiếu công minh.”

“Theo những thông tin trên báo chí thì ông Thanh bị khởi tố về tội tham ô tài sản với số tiền lớn, là tội danh có mức hình phạt cao nhất là tử hình. Đây là khung hình phạt mà theo luật là buộc phải có luật sư bào chữa. Nếu bản thân người bị buộc tội không mời thì cơ quan tiến hành tố tụng phải chỉ định luật sư cho họ.”

“Theo quy định hiện hành, luật sư phải tham gia ngay từ đầu. Trong vòng ba ngày, cơ quan điều tra phải trả lời việc có cấp chứng nhận để luật sư tham gia bảo vệ, bào chữa cho bị can, bị cáo hay không. Tôi không biết là ông Thanh đã mời luật sư ở Việt Nam hay chưa.”

Việc Đức hôm 2/8 tuyên bố ông Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc từ Berlin đưa về và đòi Việt Nam phải trao trả ông để Đức xét hồ sơ tỵ nạn và hồ sơ yêu cầu dẫn độ ‘theo đúng trình tự pháp lý’, còn Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày hôm sau dẫn lời Bộ Công an nói đối tượng “đầu thú” là điều “chưa từng xảy ra”, luật sư Tám nói.

“Chưa có tiền lệ một người bị bắt cóc rồi bị đòi đưa trở lại quốc gia xảy ra vụ bắt cóc đó, trong lúc Việt Nam lại không thừa nhận có việc bắt cóc đó, cho nên rất khó để cho rằng Việt Nam có cần phải chấp nhận đề nghị của phía Đức hay không cho tới khi có những thông tin mới được đưa ra, làm sáng tỏ các tình tiết.”

Giới chức hiện không công bố thông tin ông Trịnh Xuân Thanh đang ở đâu.

Theo luật sư Tám, một đối tượng bị truy nã khi ra đầu thú có thể bị tạm giam, cũng có thể được cho tại ngoại kèm theo một số biện pháp ngăn chặn nào đó, hoặc thậm chí không kèm biện pháp nào.

Tuy nhiên, ông cho rằng khó dựa vào cảnh video clip vừa được phát trên truyền hình hôm 3/8 để phỏng đoán ông Trịnh Xuân Thanh có đang bị tạm giam hay không.

“Khi cho phóng viên tiếp xúc với bị can, cơ quan điều tra có thể dùng phòng hỏi cung của trại giam nhưng cũng có thể là một phòng nào khác, chẳng hạn như phòng làm việc của cán bộ.”

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40814939

 

Thêm một thành viên Hội Anh em Dân chủ bị bắt

Cựu tù nhân chính trị Nguyễn Trung Trực và là thành viên của Hội Anh em Dân chủ bị cơ quan an ninh khám xét nhà và bắt đi vào ngày 4 tháng 8 với cáo buộc ‘hoạt động lật đổ chính quyền’ theo điều 79 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.

Con trai của ông Nguyễn Trung Trực xác nhận tin người cha bị bắt:

“Gần 9 giờ sáng, công an cả trai cả gái cả đồng phục lẫn không đồng phục, vào nhà em trên dưới 100 người, họ lôi ba em ra, họ quay phim chụp ảnh, xong họ còng tay ba lại, bắt ba ký, lục soát lấy giấy tờ, họ bắt ký niêm phong, họ thu hết điện đoại các thứ, họ làm việc gần 3 tiếng đồng hồ, gần 1 giờ chiều đưa ba em đi.  Họ đọc lệnh điều 79.”

Một thành viên của Hội Anh em Dân chủ tại khu vực Quảng Bình cũng cho Đài Á Châu Tự Do biết:

“Sáng nay lực lượng an ninh chừng 100 người đến nhà anh Nguyễn Trung Trực đọc lệnh bắt anh theo điều 79 và lệnh khám nhà; rồi họ khám nhà đến khoảng 12:30 thì áp giải anh Trực đi.”

Như vậy, ông Nguyễn Trung Trực là thành viên khác nữa của tổ chức xã hội dân sự độc lập Anh em Dân Chủ tại Việt Nam bị bắt trong vòng tuần lễ qua.

Vào ngày 30 tháng 7 vừa qua có bốn cựu tù chính trị bị bắt gồm mục sư Nguyễn Trung Tôn ở Thanh Hóa, nhà hoạt động Phạm Văn Trội ở Hà Nội, nhà báo Trương Minh Đức và luật sư Nguyễn Bắc Truyển cả hai đều ở Sài Gòn.

Bốn người này hoặc là thành viên hiện tại hay là cựu thành viên của Hội Anh Em Dân chủ.

Một thành viên trong nhóm sáng lập hội là luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài bị bắt giữ từ ngày 16 tháng 12 năm 2015 đến nay. Ông này bị bắt cùng người cộng sự là cô Lê Thị Thu Hà.

Cả hai bị bắt với cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước’ theo điều 88 Bộ Luật hình sự; tuy nhiên truyền thông trong nước vào ngày 30 tháng 7 khi xảy ra vụ bắt giữ bốn người như vừa nêu cho rằng họ có liên quan đến vụ án “Nguyễn Văn Đài’’ nhưng lại bị cáo buộc ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền theo điều 79.

Còn trường hợp ông Nguyễn Trung Trực, trước đây từng hoạt động tại Malaysia trong phong trào có tên ‘Chấn Hưng Nước Việt’. Ông này bị phía Malaysia bắt giữ, bị đưa ra tòa và cuối cùng bị trục xuất về Việt Nam trong cùng vụ với ông Vũ Quang Thuận, hay còn có tên Võ Phù Đổng.

Hiện ông Vũ Quang Thuận cũng đang bị giam giữ. Ông này và một người khác là anh Nguyễn Văn Điển bị bắt hôm đầu tháng 3 với cáo buộc làm và phát tán những video clip có nội dung xấu trên mạng.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/one-more-member-of-brotherhood-of-democracy-association-arrested-08042017120152.html

 

Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam thăm Hoa Kỳ

Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân uỷ Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng sắp có chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ từ ngày 7 đến ngày 10 tháng 8 năm 2017.

Đây là chuyến công du Hoa Kỳ đầu tiên của ông Ngô Xuân Lịch trong cương vị người đứng đầu ngành ngoại giao Việt Nam. Và bộ trưởng quốc phòng Việt Nam sang thăm Mỹ theo lời mời của người tương nhiệm Hoa Kỳ, ông James Mattis.

Vào ngày 26 tháng 7 vừa qua, đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam sắp mãn nhiệm Ted Osius có cuộc gặp với Đại tướng Ngô Xuân Lịch. Theo lời của ông Ted Osius thì cuộc gặp trao đổi về những biện pháp nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng Việt-Mỹ theo tinh thần Bản ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương ký năm 2011, và Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng năm 2015.

Vào tháng 5 vừa qua, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc được tổng thống Donald Trump tiếp tại Nhà Trắng. Hai phía ra tuyên bố chung tăng cường mối quan hệ đối tác toàn diện trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục hoạt động quyết đoán tại khu vực Biển Đông.

Dưới thời của tổng thống Donald Trump, Hải quân Hoa Kỳ cũng tiến hành hai cuộc tuần tra tự do hàng hải đi vào phạm vi 12 hải lý của hai đảo ở Biển Đông.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/copy_of_vietnamese-minister-of-defense-visits-usa-08042017113133.html

 

Bảy cán bộ dính líu vụ Trịnh Xuân Thanh

Có tất cả 7 cán bộ cao cấp dinh líu trong vụ án Trịnh Xuân Thanh đã hoặc đang bị thi hành kỷ luật.

Truyền thông trong nước vào ngày 4 tháng 8 tổng hợp danh sách 7 cán bộ cấp cao đó. Trước hết là ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ trưởng Bộ công thương, có lỗi trong việc thăng tiến cho ông Trịnh Xuân Thanh lên làm chánh văn phòng của bộ này ở Đà Nẵng, sau khi ông Thanh rời khỏi công việc của ông ở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Ông Vũ Huy Hoàng cũng đề nghị Tỉnh Hậu Giang cho ông Thanh giữ chức phó chủ tịch tỉnh này.

Ông Hoàng đã bị kỷ luật bằng cách cắt bỏ các chức vụ ông đã từng giữ.

Những cán bộ cấp cao khác còn có ông Trần Lưu Hải, nguyên Phó ban thường trực Ban tổ chức trung ương đảng cộng sản Việt Nam. Ông Huỳnh Minh Chắc, nguyên Bí thư tỉnh ủy Tỉnh Hậu Giang.

Trần Công Chánh, đương kim Bí thư tỉnh ủy Hậu Giang.

Nguyễn Duy Thăng, Thứ trưởng Bộ nội vụ, cơ quan có trách nhiệm chính thức trong việc điều chuyển cán bộ cao cấp. Bà Trần Thị Hà, giữ chức Trưởng ban thi đua và khen thưởng của Trung ương đảng cộng sản Việt Nam. Bà này có trách nhiệm trong việc ký phong danh hiệu Anh hùng lao động cho ông Trịnh Xuân Thanh. Bà Hà bị kỷ luật khiển trách.

Người thứ bảy là ông Bùi Cao Tỉnh, nguyên trợ lý Trưởng Ban tổ chức trung ương. Ông Tỉnh bị kỷ luật cảnh cáo vì không nhận ra sai lầm trong công văn tăng cường chức Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang, và ban chức này cho ông Trịnh Xuân Thanh.

Ngoài ra còn có một cán bộ cao cấp khác cũng đang bị điều tra về một vụ án không liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh, đó là bà Thứ trưởng Bộ công Thương Hồ Thị Kim Thoa.

Bà Thoa được cho là đã lợi dụng vị trí của mình khi làm Tổng giám đốc công ty bóng đèn điện Điện Qung để trục lợi, mua nhiều cổ phiếu cho mình và gia đình, khi công ty này được cổ phần hóa. Ngoài ra bà cũng không báo cáo về những khoản tiền lời của công ty Điện Quang cũng như những lợi nhuận về đất đai của công ty này sở hữu.

Bà Thoa đã làm đơn xin nghỉ việc, nhưng vào ngày 3 tháng 8, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, chủ nhiệm văn phòng chính phủ nói với báo chí rằng chính phủ không cho phép bà Thoa từ chức vì bà đang bị điều tra.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/seven-officials-trinh-xuan-thanh-08042017092749.html

 

Trò chuyện cùng công nhân nhà máy điện Vĩnh Tân

Một số công nhân nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân tại Tuy Phong, Bình Thuận lao động và sinh sống ra sao, phóng viên RFA có cuộc trò chuyện với họ.

Ô nhiễm khói bụi

Vùng đất nắng gió Bình Thuận cộng với khói bụi của nhà máy khiến cho công việc của người công nhân thêm phần nặng nhọc.

Vào giáp cái lò làm thì người lúc nào cũng đổ mồ hôi, việc nhẹ bao nhiêu cũng đổ mồ hôi. Nó nóng hực ra ngoài. Nó hực mình chịu không được.

Nắng nè, họ làm ngoài trời nắng bịt lại cho mát. Một phần đỡ bụi một phần thì cho mát. Làm việc lao động phổ thông thì việc nào cũng mệt hết á.

Giày với mũ thì người ta cấp cho, khi lên cao thì vẫn có dây an toàn.

Bảo hộ bụi bặm hả? Cái đó bên hàn có chứ mình ở đây không có.

Như trình bày của người công nhân vừa rồi thì ngay trong một khu nhà máy điện rộng lớn, có rất nhiều công ty thầu khác nhau và mỗi chủ thầu có đáp ứng khác nhau về trang bị lao động cho người công nhân.

Có một số công ty thì người ta trang bị cho công nhân. Còn có số thì tự trang bị cho mình. Chỉ có đặc biệt lên cao là nhắc nhở an toàn, lên cao là kiểm tra…còn bụi bặm là mình tự lo cho mình.

Công nhân làm việc tại bãi xỉ than là đối tượng phơi nhiễm nhất với các loại bụi thải ra trong quá trình phát điện.

Chúng tôi được dịp gặp trò chuyện với công nhân bãi xỉ về công việc của họ lúc họ đang dùng bữa trưa.

Xe nó chở tro vô cái bắt đầu hai người nắm vòi xịt. Làm ngày nào cũng như ngày nấy. Bên xịt nước thì xịt nước, bên lát đá thì làm đá. Xịt cho nó đỡ bụi á. (00:27) Thấy nó xịt nước 24/24 mà gió tới xịt nước cũng không xi nhê gì đâu.

Theo người công nhân này thì biện pháp xử lý bụi xỉ như thế chỉ là giải pháp tạm thời.

Xịt nước cho đỡ bụi thôi, còn nước mưa xuống nó xoáy lở ra hết á. Nó chảy tứ lung tung hết. Nó chảy ra đây nữa nè, chất thải nó chảy, màu đen là màu của nó.

Công nhân bãi xỉ thường chỉ làm vào ngày nắng, còn khi trời mưa thì bãi xỉ không cần phải tưới. Điều này cũng khiến số ngày làm của công nhân bãi xỉ giảm đi và tất nhiên thu nhập giảm.

Tháng mình làm đều tháng thì 9 triệu, tháng mà làm bập bênh bữa nắng bữa mưa thì còn 6 triệu…

Người công nhân tại nhà máy điện Vĩnh Tân cũng như bao lao động làm công ăn lương khác đều mong nhận được đồng lương đúng kỳ để chi phí cho cuộc sống thường nhật. Tuy nhiên vấn đề trả lương chậm là một mối quan tâm lớn của công nhân.

Lương thì có nhanh đưa nhanh, có chậm đưa chậm. Nhiều lúc một tháng cũng có, hai ba tháng gì cũng có. Thành thử là mình vất vả, nhiều lúc mình vô mình ứng tiền xăng, tiền cơm, rồi tới tháng có nó đưa. Nhiều lúc nó không đưa nó hẹn thì mình cũng bó tay chứ không lẽ… mà trong đây có người nó giật tiền của công nhân nữa.

Công ty nó chậm lương bắt đầu những người thầu có người có tiền có vốn cao thì người ta bỏ ra thanh toán cho công nhân trước từ từ lấy lại sau. Còn những người vốn yếu thì người ta chịu đựng cỡ một hay nửa tháng cho tạm ứng vậy thôi. Rồi bắt đầu người ta chậm.

Do lao động trong môi trường khắc nghiệt nắng nóng, bụi bặm nên nhiều công nhân đổ bệnh.

Có tháng ốm đau thì không làm đều được, ốm đau thì nghỉ cả tuần, hai tuần.

Một thực tế được công nhân nhà máy điện Vĩnh Tân nêu ra là tình trạng người Trung Quốc được chủ thầu đưa sang làm việc, mặc dù đó là những loại việc mà công nhân Việt Nam hoàn toàn có thể đảm trách.

Dân TQ thì khỏi nói luôn. Bước đầu nó vô là cho dân VN làm, sau này đưa dân TQ qua cất nhà trong đó quá trời luôn, nhiều lắm.

Những công nhân tại cụm nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân đang được triển khai mà chúng tôi tiếp xúc đều bày tỏ mong muốn được bảo đảm công ăn việc làm, các điều kiện bảo hộ lao động, tiền lương đủ trang trải cuộc sống… Nguyện vọng của họ không khác gì mấy người công nhân tại nhiều nơi khác ở Việt Nam.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/reportfromvn/talk-to-vinhtan-hydro-power-workers-rfa-08042017074537.html

 

Ông Trọng thắng hay thua vụ Trịnh Xuân Thanh?

Nguyễn Anh Tuấn, viết từ VN

Niềm hân hoan, phấn khích sau khi bắt được “con cá không quá to nhưng láu” – Trịnh Xuân Thanh – đã nhanh chóng nhường chỗ nỗi hoang mang, lo âu trước phản ứng quyết liệt của người Đức đối với việc cựu quan chức Việt Nam này bị bắt cóc ngay trên đất của họ – sự sỉ nhục đối với bất kỳ quốc gia có chủ quyền nào.

Một sĩ quan tình báo ở sứ quán Việt Nam đã bị buộc yêu cầu rời khỏi Đức, song đây chỉ là động thái bước đầu mang tính biểu tượng. Điều đáng lo ngại thực sự nằm ở “những hành động khác ở cấp độ chính trị, kinh tế và chính sách phát triển” mà Chính phủ Đức bảo lưu quyền thực hiện, được nêu ra trong tuyên bố chính thức của họ, trong trường hợp yêu cầu giao trả Trịnh Xuân Thanh về Đức không được phía Việt Nam đáp ứng.

Danh dự Tổng Bí thư dĩ nhiên không cho phép đòi hỏi này đáp ứng. Nghĩa là gần như chắc chắn Việt Nam sẽ không thoát khỏi những trừng phạt từ người Đức.

Trừng phạt ấy có thể là gì? Và nó có ảnh hưởng gì đến chính trị nội bộ Việt Nam?

Đầu tiên, và quan trọng nhất hiện nay, chính là Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam với Liên minh Châu Âu (EU) mà Đức là lãnh đạo hàng đầu. EU hiện là nhà nhập khẩu lớn thứ hai của Việt Nam nên Hiệp định này đang được cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đặt nhiều kỳ vọng, nhất là sau cái chết của TPP. Cộng đồng doanh nghiệp trước đây không trách Chính phủ Việt Nam khi TPP chết yểu vì lý do chính là sự rút lui của Mỹ sau khi Trump lên Tổng thống; tuy nhiên, nếu vụt mất FTA lần này vì bị Đức trừng phạt thì Chính phủ Việt Nam sẽ khó tránh khỏi áp lực từ cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước vì nguyên nhân bây giờ hoàn toàn mang tính chủ quan. Điều này, một khi cộng hưởng với tình trạng khó khăn trong tăng trưởng của nền kinh tế hiện nay, sẽ bắt đầu thổi hơi nóng chính trị vào Ba Đình. Đón luồng hơi trực tiếp không ai khác chính là Tổng Bí thư.

Đòn trừng phạt thứ hai, hứa hẹn nhiều dư vang hơn, sẽ liên quan tới tình hình trên Biển Đông. Mọi nỗ lực của Việt Nam kêu gọi các bên tuân thủ luật pháp quốc tế trong vấn đề Biển Đông ít nhất sẽ bị Đức (và cả Liên minh Châu Âu mà nước này đang dẫn dắt) phớt lờ hoặc coi là lố bịch một khi Việt Nam đã chứng tỏ họ sẵn sàng bất chấp luật pháp quốc tế để đạt được mục đích của mình, ngay trên đất Đức, ngay trên đất Châu Âu. Theo đó, lập luận chính của Việt Nam đối với vấn đề Biển Đông sẽ trở nên yếu ớt vô cùng; và họ cũng chẳng còn tư thế nào phản đối việc Trung Quốc chơi luật rừng trên biển, khi đây cũng là thứ luật mà họ vừa áp dụng ngay trước mắt cộng đồng quốc tế.

Vậy là, nỗ lực của biết bao người nhằm mở rộng giao thương và củng cố lập trường Biển Đông của Việt Nam trên trường quốc tế bỗng dưng đổ sông đổ biển chỉ để thoả mãn tự ái của một người. Là thoả mãn tự ái, chứ không phải vì lợi ích quốc gia, ngay cả khi cố khoác lên nó vỏ bọc chống tham nhũng; vì nếu thực sự vì lợi ích quốc gia chẳng ai lại đưa ra một lựa chọn nhiều hệ luỵ cho quốc gia đến như vậy.

Những ủy viên Trung ương vốn lâu nay thấp thỏm mình là chuột hay bình dưới thời “đánh chuột không vỡ bình” của Tổng Bí thư sẽ nhanh chóng tập hợp thành một liên minh xung quanh hai hồ sơ quan trọng này (kinh tế và biển đảo) để chất vấn năng lực cầm quyền của Tổng Bí thư, tiến tới giáng những đòn quyết định vào chiếc ghế của ông trong những kỳ Hội nghị Trung ương gần nhất tới đây.

Áp lực chính trị không phải từ một đầu lãnh hay một phe mà là một liên minh kiểu này không dễ bị hóa giải chỉ bằng việc thao túng các quy chế nội bộ trong đảng – điều ông Trọng thường làm một cách thành thạo. Chỉ có thể chống lại áp lực này nếu sau lưng ông Trọng là một khối quần chúng đông đảo ủng hộ ông trong cuộc chiến chống tham nhũng.

Ông Trọng có vẻ đang dần nhận ra tầm quan trọng của điều này khi trong phiên họp gần đây nhất của Ban chỉ đạo TƯ Phòng chống tham nhũng, ông nói: “chống tham nhũng đã trở thành phong trào, xu thế của cả xã hội”. Hẳn chính ông Trọng cũng lờ mờ nhận ra, câu nói này của ông có vẻ phản ánh một mơ ước nhiều hơn là nhận định thực tại. Hình ảnh “toàn dân đoàn kết sau lưng Tổng Bí thư chống tham nhũng” vẫn còn xa vời. Chẳng hề có một phong trào, xu thế chống tham nhũng nào trong xã hội cả, họa chăng chỉ có trong nội bộ đảng, và là vỏ bọc cho các xung đột phe phái. Trớ trêu thay, chính việc trì hoãn cải cách chính trị mà ông Trọng chủ xướng lại ngăn ông có một khối hậu thuẫn quần chúng như thế.

Vậy thì chờ xem, kỳ Hội nghị Trung ương tới đây, ông Trọng sẽ làm gì để đối phó với các đồng chí trên tay cầm hồ sơ kinh tế và biển đảo lăm le hất ghế ông để thoát cảnh “nay chuột mai bình”?

* Bài viết không thể hiện quan điểm của đài Á Châu Tự Do

http://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/nguyenphutrong-won-or-lost-about-txt-08042017113449.html

 

Malaysia bắt 38 ngư dân VN đánh cá lậu

Hôm 3/8 Cơ quan hải giám Malaysia (MMEA) đã bắt giữ hai tàu đánh cá Việt Nam và 38 thuyền viên trên tàu vì đánh cá ở vùng biển Sabah ngoài khơi Malaysia mà giấy phép không rõ ràng.

Theo trang The Malay Mail Online, Đô đốc Adam Aziz, Giám đốc khu vực Kota Kinabalu của MMEA, nói rằng hai chiếc thuyền đã bị bắt giữ vào thứ Ba 1/8 vào lúc khoảng 8 giờ 40 phút sáng khi cơ quan này tuần tra thường lệ cách đảo Pulau Mengalum tám hải lý.

Ông nói: “Các nhân viên KM Banggi đã phát hiện hai tàu đánh cá – SBF 30 và SBF 31 – và khi kiểm tra thì thấy những điểm đáng ngờ trong giấy phép của họ, và đã bắt giữ tất cả 38 thuyền viên Việt Nam, tuổi từ 18 đến 46.”

Các giấy phép này được cho là không hợp lệ, hoặc là giả mạo.

Ông Aziz nói trong một tuyên bố: “Trong quá trình kiểm tra, các thuyền viên thậm chí đã đưa hối lộ 3.400 nhân dân tệ cho cảnh sát để được thả ra.”

Tuy nhiên, theo tờ New Straits Times, cảnh sát Malaysia không nhận tiền hối lộ của các thuyền viên Việt Nam.

Sau khi kiểm tra kỹ hơn, cảnh sát cũng tìm thấy 1.800 kg cá, 195,5 kg trai và 110kg sò và các loại hải sản khác, cùng với các thiết bị đánh bắt cá trên thuyền.

Hai chiếc thuyền đã được đưa tới bãi tàu của cơ quan MMEA ở Vịnh Sepanggar để tiếp tục điều tra về giấy phép và hành vi đưa hối lộ theo luật của Malaysia.

Ngư dân Malaysia ngày càng bị bất bình với việc tàu cá nước ngoài vào đáng bắt trái phép trong vùng biển của họ.

Người dân địa phương cũng đổ lỗi cho ngư dân nước ngoài đã làm họ thất thu đến 50%, và tố cáo ngư dân lậu sử dụng các phương pháp khai thác mang tính phá hoại và bất hợp pháp cũng như việc đẩy giá bán lẻ thủy sản lên cao.

Người ta ước tính có khoảng 30 đến 40 thuyền đánh cá của Việt Nam được cấp phép và khoảng 20 đến 30 tàu đánh cá bất hợp pháp hoặc đáng ngờ đánh bắt trong vùng biển Sabah giàu thủy hải sản.

Các hiệp hội nghề cá và phe đối lập đã kêu gọi chính phủ liên bang ngừng cấp giấy phép cho các công ty đánh cá nước ngoài cũng như tăng cường thực thi pháp luật nhằm kiềm chế việc đánh cá trái phép.

https://www.voatiengviet.com/a/malaysia-bat-38-ngu-dan-vn-danh-ca-lau/3971114.html