Tin Việt Nam – 04/04/2018
HRW: ‘Việt Nam không có phiên toà thực sự’
Phó giám đốc phụ trách khu vực Châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế Human Rights Watch, ông Phil Robertson, nói ‘Việt Nam không có phiên toà thực sự’.
Ông cũng khuyên giới bất đồng chính kiến đoàn kết và tìm sự hỗ trợ trong và ngoài nước trước phiên tòa xử luật sư Nguyễn Văn Đài ngày 5/4.
Hôm 4/4 tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế phổ biến thông cáo báo chí yêu cầu Việt Nam hủy bỏ mọi cáo buộc đối với các nhà vận động nhân quyền Lê Thu Hà, Nguyễn Bắc Truyển, Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Văn Đài, Phạm Văn Trội và Trương Minh Đức, đồng thời phóng thích họ ngay lập tức.
Vợ luật sư Đài ‘không được xuất cảnh’
Lời kêu gọi thả luật sư Nguyễn Văn Đài
Ý kiến trước phiên xử Nguyễn Văn Đài
Vụ án Nguyễn Văn Đài: bắt thêm 4 người
Cộng sự LS Đài ‘sẽ tự bào chữa’
Cả sáu nhà hoạt động đã tham gia nhiều công việc liên quan tới nhân quyền, giảng bài về tiêu chuẩn nhân quyền, vận động cho tự do tôn giáo, và hỗ trợ các tù nhân chính trị và gia đình họ. Một số trong họ còn tham gia các nhóm xã hội dân sự khác để đấu tranh chống Formosa, công ty thép Đài Loan đã thải độc xuống biển gây ra thảm họa môi trường quy mô lớn dọc bờ biển miền trung Việt Nam.
BBC phỏng vấn ông Phil Robertson về phiên tòa sắp diễn ra và tình hình nhân quyền tại Việt Nam.
Ông Robertson: Đây là phiên tòa xét xử các nhà hoạt động dân chủ, những người đã bày tỏ quan điểm và đưa ra các tuyên bố quan trọng mà chính phủ không thích. Phiên tòa này cho thấy rõ ràng chính phủ Việt Nam đã hình sự hóa các hoạt động đấu tranh ôn hòa vì nhân quyền.
Các nhà hoạt động này đang sử dụng quyền tự do ngôn luận, quyền tự do hội họp một cách ôn hòa để nói về các vấn đề như Formosa, nhân quyền, hay dân chủ ở Việt Nam. Và các quan điểm này khác biệt với quan điểm của chính phủ.
Chính phủ Việt Nam sử dụng lý do ‘âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân’ để buộc tội, truy tố họ. Điều này, thẳng thắn mà nói cho thấy chính phủ Việt Nam hung hãn thế nào và Việt Nam xếp hạng rất thấp trong hệ thống các chính phủ thật sự có dân chủ và tôn trọng quyền con người.
BBC: Các luật sư gặp khó khăn khi tiếp cận với thân chủ của họ, trong khi người nhà luật sư Đài và các tù nhân lương tâm khác cho hay họ không được tham dự phiên tòa. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
Ông Robertson: Thành thật mà nói, đối với hệ thống tư pháp của Việt Nam thì không có ‘phiên tòa thực sự’. Các quyết định thật ra đã được đưa ra từ trước, về việc họ sẽ bị tù bao lâu đến các biện pháp ngăn chặn sau khi họ ra tù sẽ được thực hiện như thế nào. Các phiên tòa chỉ là vở diễn.
Cái chúng ta thấy là Việt Nam tiếp tục thất bại trong việc có những phiên tòa công khai, nơi quyền con người được tôn trọng. Việc tiếp cận với luật sư, gia đình có quyền dự phiên tòa…, là những quyền hết sức cơ bản trong bất cứ hệ thống pháp luật của bất cứ quốc gia nào trên thế giới, nhưng VIệt Nam thì phủ nhận.
Cái chúng ta thường thấy là các nhà hoạt động, bất đồng chính kiến bị giam cầm trong sự căng thẳng, đôi khi còn bị đánh đập, tra tấn. Chúng ta cũng thường thấy những người nhận tội trong phiên tòa có vẻ bị tù ngắn hơn những người dám đứng lên, bảo vệ quyền của họ và nói ‘Những điều tôi làm không có gì sai trái’ – họ thường bị phạt tù dài hơn.
BBC: Ông dự đoán thế nào về kết quả của phiên tòa ngày mai, dựa trên các phiên tòa xử các nhà bất đồng chính kiến trước đây của chính phủ Việt Nam?
Ông Robertson: Chúng tôi nghĩ rằng họ có thể sẽ nhận bản án rất nặng, với thời gian tù rất dài. Và sau khi được thả ra, có lẽ sau 6, 10 năm, hay lâu hơn nữa, họ sẽ phải đối mặt với những biện pháp ngăn chặn của chính phủ. Họ sẽ bị hạn chế trong một số lĩnh vực cụ thể. Những gì chúng ta thấy là xu hướng án ngày càng nặng, thời gian tù ngày càng dài cho những người đấu tranh vì nhân quyền.
Chính quyền của ông Trump không quan tâm tới vấn đề nhân quyền. Một số nước châu Âu quan tâm nhưng họ lại có vẻ quá bận rộn để giải quyết những vấn đề khác như nhập cư hay Brexit.
Thế là Việt Nam tận dụng cơ hội. Họ nghĩ rằng đây là thời điểm, khi mà sự phản kháng và chỉ trích của quốc tế đối với vấn đề nhân quyền có vẻ như bớt đi so với cách đây vài năm, hoặc so với thời Obama làm Tổng thống Mỹ.
Đặc biệt là vào thời điểm này, chính quyền Việt Nam cố gắng đưa càng nhiều người bất đồng chính kiến vào tù càng tốt vì họ nhận thấy đây là thời điểm để làm điều đó.
BBC: Các tổ quốc tế như Tổ chức Theo dõi Nhân quyền sẽ có những hành động gì để bảo vệ các nhà bất đồng chính kiến như luật sư Đài, những người đã, đang và sắp bị tù đày?
Ông Robertson: Chúng tôi có nhiệm vụ truyền tải các thông điệp ra thế giới về những gì đang diễn ra đối với các nhà bất đồng chính kiến ở Việt Nam. Mục tiêu của chúng tôi là cất lên tiếng nói mạnh mẽ về các vấn đề này để thu hút sự chú ý của cộng đồng. Chúng tôi cố gắng đưa ra vấn đề đàn áp nhân quyền của Việt Nam. Kết quả là đã có một số nước như Pháp, Úc, Đức và Mỹ nhanh chóng chỉ trích Việt Nam về vấn đề này. Chúng tôi là tổ chức giám sát, theo dõi nhân quyền, và một phần việc của chúng tôi là nói ra sự thật, tìm kiếm và kiểm chứng thông tin, sau đó lan tỏa thông tin đó ra toàn thế giới.
Do đó, chính phủ Việt Nam không thể nói với Liên Hiệp Quốc là họ tôn trọng nhân quyền. Vì chúng tôi có bằng chứng họ đàn áp nhân quyền.
Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục làm việc với cộng đồng quốc tế, làm việc với Liên Hiệp Quốc, cũng như với các công ty như Formosa ở Đài Loan. Chúng tôi vận động, đưa ra ánh sáng các vụ đàn áp nhân quyền tại Việt Nam và chỉ ra ai đứng sau các việc này. Đồng thời cố gắng để đảm bảo rằng các việc bắt bớ, xét xử các nhà bất đồng chính kiến như vậy, như phiên tòa ngày mai, sẽ không còn xảy ra trong tương lai.
Chúng tôi cũng hi vọng có thể khiến chính phủ Việt Nam nhận ra rằng nhà bất đồng chính kiến thực ra là những người yêu nước, họ chỉ ra các vấn đề và đưa các giải pháp. Và chính phủ Việt Nam không nên tù đày những người đưa tin bất đồng.
BBC: Trong bối cảnh hiện nay, theo ông, những nhà hoạt động dân chủ, bất đồng chính kiến tại Việt Nam nên làm gì để bảo vệ mình và tiếp tục con đường của họ?
Ông Robertson: Tôi cho rằng các nhà bất đồng chính kiến Việt Nam nên cùng nhau xây dựng mạng lưới, sự hợp tác, và tiếp tục đấu tranh cho quyền lợi của mình.
Cái chúng ta từng thấy là những nhà hoạt động càng nổi tiếng thì chính phủ Việt Nam có vẻ càng e ngại trong việc bắt bớ họ. Nhưng những điều này nay đã thay đổi. Mới đây, ca sỹ Mai Khôi bị tạm giữ ở sân bay. Mặc dù cô được thả sau đó mà không bị buộc tội nhưng đây mới là lần đầu cô bị bắt giữ.
Điều này cho thấy chính phủ Việt Nam ngày càng quyết liệt hơn, họ theo dõi những người tự do biểu đạt ý kiến và chia sẻ ý tưởng mà chính phủ không thích. Tôi cho rằng điều rất quan trọng là những người bất đồng chính kiến cần hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau, tìm kiếm sự hỗ trợ cả trong và ngoài nước.
Rất nhiều người trong số họ biết rằng họ có thể bị tù đày vào một ngày nào đó. Nhưng đó là điều mà họ đã lường trước khi quyết trở thành một nhà hoạt động. Sự dũng cảm của họ có thể khiến các tổ chức nhân quyền như chúng tôi muốn nỗ lực hơn nữa để giúp đỡ họ.
Về mặt cơ bản, rất khó khăn để có bất kỳ thay đổi nào từ chính quyền Việt Nam. Nhưng những nước cộng sản như Việt Nam cần hiểu rằng họ không thể đứng một mình mà chỉ có thể thành công nếu mời công dân cùng tham gia trong các quyết định của chính phủ, và rằng quyền biểu đạt, quyền tự do dân chủ của con người không thể bị ngăn cản.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43637556
Khắp nơi kêu gọi trả tự do
cho 6 nhà bảo vệ dân chủ sắp ra tòa
Một ngày trước phiên xử sơ thẩm các nhà hoạt động xã hội dân sự Hội Anh Em Dân Chủ một ngày, gần 50 tổ chức cùng ký vào một bản lên tiếng yêu cầu Tòa án Hà Nội xem xét đình chủ vụ án và trả tự do cho các nhà hoạt động dân sự trong vụ án này.
Phiên xử dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 5/4/2018 tại Tòa án Nhân dân Hà Nội. Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các nhà hoạt động xã hội dân sự Nguyễn Văn Đài, Phạm Văn Trội, Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Bắc Truyển, Trương Minh Đức và Lê Thu Hà bị truy tố về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự Việt Nam. Trong số này, ngoài cô Lê Thu Hà, cả 5 người còn lại là những thành viên hoặc cựu thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ.
Theo bản lên tiếng, cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao dành cho các bị cáo là sự sao chép sơ sài và nghèo nàn kết luật điều tra trước đó của công an, trong khi các chứng cứ đưa ra chỉ là sự suy diễn nhằm mục đích ghép tội.
Bản lên tiếng cũng khẳng định hoạt động được mô tả trong cáo trạng dành cho các nhà hoạt động là những điều bình thường của người dân được làm và được hiến pháp bảo vệ.
Ông Chris Hayes, một dân biểu Úc hôm 4/4 cũng ra bản thông cáo kêu gọi trả tự do cho các nhà hoạt động xã hội Nguyễn Văn Đài, Phạm Văn Trội, Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Bắc Truyển, Trương Minh Đức và Lê Thu Hà. Theo ông, những người này bị bắt theo những điều luật an ninh quốc gia mù mờ chỉ vì họ đã thực hiện các quyền tự do bày tỏ ý kiến và lập hội.
Vào tháng 11 năm ngoái, dân biểu Chris Hayes và dân biểu Tim Wilson cũng đã gửi thư cho Đại sứ Việt Nam tại Úc trong đó có nêu tên của cả 6 nhà hoạt động xã hội dân sự sắp bị xét xử, đề nghị Việt Nam tuân thủ các cam kết với quốc tế theo Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị.
Dân biểu Chris Hayes cho biết ông sẽ tiếp tục theo dõi trường hợp của 6 nhà hoạt động dân sự để yêu cầu Hà Nội tôn trọng nghĩa vụ quốc tế và tôn trọng nhân quyền cơ bản của người dân.
Cũng trong ngày 4/4, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch đã ra thông cáo yêu cầu Việt Nam hủy bỏ mọi cáo buộc đối với sáu nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền về tội ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’.
Theo Human Rights Watch, những nhà hoạt động này đã thực hiện các hoạt động dân sự hợp pháp bao gồm các khóa học về nhân quyền, dân sự và dân chủ, các kỹ năng về an toàn và an ninh trên internet. Đây là những người đã tham gia và các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc và và nạn ô nhiễm môi trường.
Trong số 6 người sắp bị xét xử có luật sư nhân quyền, blogger Nguyễn Văn Đài và đồng sự là cô Lê Thu Hà bị bắt từ tháng 12 năm 2015. Cả hai người đã bị giam giữ suốt 20 tháng mà không được tiếp cận với luật sư của mình. 4 người còn lại bị bắt vào tháng 7 năm 2017.
Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền tại khu vực Châu Á, ông Brad Adams cho rằng, chính quyền Việt Nam lẽ ra phải cảm ơn những nhà hoạt động này vì những nỗ lực để cải thiện tình hình đất nước, thay vì bắt giữ và đem họ ra xét xử.
Phản đối, biểu tình
trước phiên tòa xét xử Hội Anh em Dân chủ
Hôm 4/4 các tổ chức Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, Ân xá Quốc tế, và Cộng đồng người Việt Nam ở Hoa Kỳ kêu gọi Việt Nam hủy bỏ mọi cáo buộc đối với các nhà vận động nhân quyền Nguyễn Văn Đài, Lê Thu Hà, Nguyễn Bắc Truyển, Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Văn Đài, Phạm Văn Trội và Trương Minh Đức, đồng thời phóng thích họ ngay lập tức.
Trong một thông cáo, ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói: “Tội duy nhất mà những nhà hoạt động nói trên phạm phải là đã vận động không mệt mỏi cho một nền dân chủ và bảo vệ các nạn nhân bị vi phạm nhân quyền. Chính quyền Việt Nam đáng lẽ cần cảm ơn họ vì những nỗ lực cải thiện tình hình đất nước, thay vì bắt giữ và đem họ ra xử.”
Chính quyền Việt Nam đáng lẽ cần cảm ơn họ vì những nỗ lực cải thiện tình hình đất nước, thay vì bắt giữ và đem họ ra xử.
Brad Adams, Human Rights Watch
Theo nghiên cứu mới nhất của Ân Xá Quốc Tế, công bố hôm 4/4, hiện có ít nhất 97 tù nhân lương tâm trong các trại giam ở Việt Nam, đa số phải sống trong các điều kiện tệ hại và bị ngược đãi. Danh sách này được công bố một ngày trước khi sáu nhà hoạt động bị đưa ra xét xử, trong đó có 5 người thuộc Hội Anh Em Dân chủ.
Các tổ chức nhân quyền đưa ra lời kêu gọi này một ngày trước khi Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội dự kiến xét xử các nhà tranh đấu cho nhân quyền vào ngày 5/4. Sáu nhà hoạt động bị cáo buộc tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 của Bộ luật hình sự.
Ông James Gomez, Giám đốc Amnesty International tại Đông Nam Á tuyên bố: “Việt Nam là một trong những nhà tù tích cực nhất Đông Nam Á – một danh hiệu đáng xấu hổ. Cả 97 tù nhân lương tâm mà chúng tôi biết là những con người can đảm, đã bị giam cầm chỉ vì muốn thúc đẩy nhân quyền. Con số 97 này có thể thấp hơn so với thực tế.”
Cũng trong ngày 4/4, cộng đồng người Việt Quốc gia thành phố Houston sẽ thực hiện một cuộc biểu tình trước tòa Tổng lãnh sự quán Việt Nam tai bang Texas.
Ông Đặng Quốc Việt, một thành viên của cộng đồng nói với VOA rằng cộng đồng lên tiếng phản đối phiên tòa ngày 5/4 và đồng hành cùng các nhà tranh đấu ở quê nhà.
“Cộng đồng sẽ tổ chức cuộc biểu tình trước tòa lãnh sự của Việt Nam. Tất cả các anh em tranh đấu chỉ vì lòng yêu nước và lên tiếng một cách rất ôn hòa, cũng như vận động cuộc dân chủ hóa Việt Nam một cách ôn hòa, nhưng ngược lại chính quyền Việt Nam lại đàn áp, bắt bớ, giam cầm và tuyên án nặng nề.”
Danh sách 97 tù nhân lương tâm do tổ chức Ân xá Quốc tế đưa ra gồm có các nhà đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền và môi trường một cách ôn hòa, các blogger, luật sư; nhiều người bị những bản án nặng nề. Theo Amnesty International, các tù nhân lương tâm bị giam trong những điều kiện tệ hại như biệt giam, bị từ chối cho gặp luật sư và thân nhân; một số bị đánh đập.
Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, các nhà hoạt động trong Hội Anh em Dân chủ có nguy cơ đối mặt với những bản án nặng nề như chung thân, thậm chí tử hình.
Ông James Gomez kêu gọi Việt Nam trả tự do vô điều kiện cho sáu nhà đấu tranh trên, đồng thời phóng thích toàn bộ các tù nhân lương tâm, hủy bỏ các đạo luật hình sự hóa các hoạt động tranh đấu ôn hòa.
Với các mục tiêu được ghi rõ là “bảo vệ các quyền con người đã được Hiến pháp Việt Nam và các Công ước quốc tế thừa nhận” và “vận động xây dựng một xã hội dân chủ tiến bộ, công bằng và văn minh tại Việt Nam,” Hội Anh em Dân chủ cung cấp một mạng lưới cho các nhà hoạt động cả trong và ngoài nước, những người muốn vận động cho dân chủ và nhân quyền Việt Nam.
Ông Đặng Quốc Việt nói thêm rằng cuộc biểu tình ngày 4/4 tại Houston sẽ là tiếng nói kêu gọi cộng đồng quốc tế lên tiếng mạnh mẽ hơn về việc chính phủ Việt Nam vi phạm nhân quyền và đàn áp các nhà tranh đấu.
“Chúng tôi nhận thấy trong thời gian vừa qua các nhà đấu tranh dân chủ như bà Trần Thị Nga, blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh… đã bị tuyên những bản án rất nặng nề. Chính các hành động đàn áp này mà cộng đồng người Việt tại Houston cần phải lên tiếng hỗ trợ cho những nhà đấu tranh dân chủ, và lên tiếng trước dư luận quốc tế về việc vi phạm nhân quyền để đất nước có thay đổi, có tự do dân chủ.”
Cộng đồng người Việt tại Houston cần phải lên tiếng hỗ trợ cho những nhà đấu tranh dân chủ, và lên tiếng trước dư luận quốc tế về việc vi phạm nhân quyền để đất nước có thay đổi, có tự do dân chủ.
Ông Đặng Quốc Việt, đại diện Cộng đồng Người Việt Quốc gia Houston
Theo Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, các thành viên của hội đã tổ chức các khóa tập huấn không chính thức về xã hội dân sự, nhân quyền và dân chủ, và các kỹ năng như an toàn và an ninh mạng Internet.
Tổ chức Nhân quyền cho biết các thành viên Hội Anh em Dân chủ tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc và bảo vệ môi trường, và các hoạt động nhân đạo như giúp đỡ các nạn nhân bị thiên tai hay thương phế binh. Hội trợ giúp về pháp lý cho một số nhà hoạt động bị bắt và truy tố về các hoạt động dân chủ, và cùng ký các kiến nghị kêu gọi dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam. Họ đi thăm các gia đình tù nhân và can phạm chính trị để bày tỏ tình đoàn kết.
Cả sáu nhà hoạt động đã tham gia nhiều công việc liên quan tới nhân quyền, như vận động cho các nạn nhân, giảng bài về tiêu chuẩn nhân quyền, vận động cho tự do tôn giáo, và hỗ trợ các tù nhân chính trị và gia đình họ.
Ngoài ra, các nhà tranh đấu Nguyễn Bắc Truyển, Nguyễn Trung Tôn, Phạm Văn Trội và Trương Minh Đức cũng tham gia các nhóm xã hội dân sự khác để đấu tranh chống Formosa, một công ty thép Đài Loan đã thải độc xuống biển gây ra thảm họa môi trường quy mô lớn dọc bờ biển miền trung Việt Nam. Bốn người bị bắt vào tháng 7/2017.
Công an bắt giữ Nguyễn Văn Đài và Lê Thu Hà vào tháng 12/ năm 2015 và cáo buộc họ tội tuyên truyền chống nhà nước theo điều 88 bộ luật hình sự. Cả hai người đều bị tạm giam gần hai mươi tháng mà không được tiếp xúc với nguồn hỗ trợ pháp lý.
Human Rights Watch nói chỉ trừ bà Lê Thu Hà, cả 5 người còn lại đã từng phải thụ án tù giam vì các hoạt động dân chủ và nhân quyền ôn hòa của mình.
Tối hôm 4/4, anh Nguyễn Trung Trọng Nghĩa, con của ông Nguyễn Trung Tôn cho VOA biết có 8 cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam yêu cầu được dự phiên tòa nhưng vẫn chưa được phép, dù trước đó có tin đại diện sứ quán Mỹ, Úc, và EU sẽ được phép tham dự.
Hôm 4/4, bà Nguyễn Kim Thanh, vợ của ông Trương Minh Đức thông báo trên Facebok rằng tòa án Hà Nội đã đồng ý cho gia đình của các bị cáo được phép vào phòng xử án vào sáng 8 giờ ngày hôm sau.
Ân Xá Quốc Tế:
Việt Nam còn giam giữ gần 100 tù nhân lương tâm
Có ít nhất 97 tù nhân lương tâm đang bị cầm tù tại Việt Nam. Nhiều người trong số họ bị giam giữ trong điều kiện chật chội, bẩn thỉu và thường xuyên bị tra tấn hoặc ngược đãi.
Đây là nội dung trong bản nghiên cứu mà Tổ chức Ân Xá Quốc Tế vừa công bố vào ngày 4 tháng 4 năm 2018.
Tổ chức Ân Xá Quốc Tế cho công bố danh sách 97 nhà hoạt động này một ngày trước khi diễn ra phiên xử sáu nhà hoạt động, trong đó có 5 người thuộc Hội Anh Em Dân Chủ. Sáu nhà hoạt động này đang phải đối mặt với sự xét xử không công bằng và có nguy cơ bị án tù về những cáo buộc “cố ý lật đổ chính quyền nhân dân”.
Ông James Gomez, Giám đốc Khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương của Tổ chức Ân Xá Quốc Tế cho biết Việt Nam là một trong những nhà tù hoạt động tích cực nhất của Đông Nam Á dành cho những nhà hoạt động ôn hòa. Đây là một danh hiệu đáng hổ thẹn không ai mong muốn. Theo ông, 97 tù nhân lương tâm ở Việt Nam là những người dũng cảm đã bị cướp mất quyền tự do chỉ vì muốn thúc đẩy nhân quyền trong nước.
Ông nói thêm rằng con số 97 này thật ra ít hơn con số thực tế những người đang bị cầm tù, và rất khó để biết được bao nhiêu người bị giam giữ thực sự do chính quyền Việt Nam che giấu.
Tái cơ cấu Bộ CA: ‘Nước cờ chính trị không dễ chơi’
Cựu tổng biên tập một báo ở Thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam nói với BBC rằng việc tái cơ cấu Bộ Công an là “nước cờ chính trị không dễ chơi” và là ‘một cuộc điều động lớn’.
Mới đây, chính phủ công bố chính thức về kế hoạch tái cơ cấu Bộ Công an theo hướng “bớt cấp trung gian, thu gọn đầu mối”.
Đến thời điểm này, đề án tinh giản bộ máy Bộ Công an do Đảng ủy Công an trình đã được Bộ chính trị thông qua và chờ hoàn thiện các thủ tục nhà nước.
Đức ‘điều tra tướng công an VN’
VN: Công an ‘làm việc’ với tướng Phan Văn Vĩnh
Hôm 4/4/2018, trả lời BBC, ông Đặng Tâm Chánh, cựu tổng biên tập báo Sài Gòn Tiếp Thị, nói: “Diện tác động của đề án này rộng lớn, và tới cả hàng ngũ cao cấp của công an.”
“Đề án xác định bãi bỏ sáu tổng cục thuộc Luật Công an nhân dân hiện hành qui định cấp tổng cục, tổng cục trưởng lên tới trung tướng.”
“Mặt khác, số lượng các cục chuyên môn của Bộ Công an theo sắp xếp mới này cũng giảm đến phân nửa, từ 126 xuống còn 60.”
“Chỉ riêng việc sắp xếp này đã đụng chạm đến 300 – 400 tướng tá công an tại vị, theo tướng về hưu Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng nghiên cứu chiến lược Bộ Công an.”
“Bộ Công an từ 2009, thời Chính phủ thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng liên tục phình to bộ máy, hình thành thêm nhiều tổng cục, nhiều đầu mối cấp cục. Cũng từ giai đoạn này ngành công an được phong thêm nhiều tướng, quá nhiều tướng,” ông Tâm Chánh phân tích thêm.
“Nay thì Bộ trưởng Công an Tô Lâm, người được cho là tác giả chính yếu của đề án, đã chọn một nước cờ chính trị không phải dễ chơi.”
“Ủng hộ xu hướng tập trung quyền lực cho Đảng, bộ trưởng công an đề xuất lập Đảng ủy Công an, như một kiểu quân ủy, với sự tham gia trực tiếp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông Trọng phát biểu tại Đảng ủy Công an đã dẫn đến việc mở đường cho một cuộc cải cách chưa từng có của ngành công an.”
“Từ việc thực hiện yêu cầu tinh giảm nhân sự bộ máy thành áp lực chuyển đổi mô hình bộ công an là một tư duy chính trị khéo léo.”
“Nó là cơ sở cắt giảm “binh quyền” của công an.”
“Nói cho ngay, hình thái hoạt động của các tổng cục hiện nay giống với một tổ chức vũ trang hơn là một cơ quan quản lý nhà nước.”
“Công cuộc quản lý trị an gắn liền với cơ sở và địa phương. Trong khi đó lực lượng chuyên nghiệp lại được đầu tư ở cấp bộ.”
“Cải cách của Bộ Công an là thay đổi tình trạng này. Trong đó đề án yêu cầu tổ chức ngay công an chuyên nghiệp ở cấp xã, thị trấn.”
‘Cuộc điều động lớn?’
Trong cuộc trao đổi với BBC, cựu tổng biên tập nhận định: “Việc sắp xếp lại nhân sự sẽ là cuộc điều động lớn các cán bộ ở các tổng cục, cục, trung tâm… bị cắt giảm về tuyến cơ sở.”
“Có thể đây là một xáo trộn lớn định vị lại địa bàn của các nhóm lợi ích.”
“Trong một chừng mực nào đây có thể là nguy cơ trực tiếp của các bước đi cải cách.”
Chính phủ kiến nghị Bộ Công an xử lý TKV
TBT Trọng: ‘Công an phải bảo vệ Đảng’
Giám định chết ở đồn công an ‘là bí mật’?
“Đặt một dấu nối từ một cải cách mà đầu những năm 1990, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khởi xướng và quyết liệt chỉ đạo, giải thể kinh tế công an, quân đội, và cả kinh tế đảng, bước đường cải cách ngành công an dường như thiếu những những cơ sở nhận thức nhất quán.”
Cấm công an có kinh tế riêng, Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhất quán trong quan niệm cải cách, trên căn bản tư duy nhà nước nhỏ xã hội lớn. Không cho phép công an làm kinh tế, ông bảo vệ quyền uy của công an dựa trên chính năng lực cốt lõi của lực lượng này.”
“Quyết tâm này của ông Kiệt cũng đã dở dang ngay sau khi ông không còn là thủ tướng, từ chính lối tư duy đã làm phình to bộ máy công an.”
“Thực tế, cải cách dường như chỉ có thể bắt đầu khi nhà nước đã cạn kiệt hầu bao.”
“Nhân vụ này, tôi cũng muốn đặt hai câu hỏi: Cải cách liệu có bảo vệ được mình khi lãnh đạo không có đủ nhiệm kỳ?” ông Tâm Chánh nói với BBC hôm thứ Tư.
Vingroup ‘đề nghị công an điều tra người bôi nhọ’
Blogger làm triển lãm giấy mời của công an
Công an VN bắt thêm lãnh đạo PetroVietnam
Hôm 3/4, website của Bộ Công An thông báo: “Thời gian qua, một số báo điện tử như VTC News, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, VnExpress, Tiền Phong… đưa tin không chính xác về việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của lực lượng công an nhân dân. Đề nghị các cơ quan quản lý báo chí, cơ quan chủ quản của các trang báo nên trên chấn chỉnh, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.”
Thông báo này không đề cập đến việc “giải thể tổng cục thuộc Bộ” mà chỉ viết: “Về chức năng, nhiệm vụ không thay đổi. Xây dựng tổ chức bộ máy Bộ Công an tập trung, thống nhất, chuyên sâu, tinh gọn đầu mối, hoạt động hiệu lực, hiệu quả tăng cường cho cơ sở theo hướng:
“Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”. Không tổ chức cấp trung gian; sắp xếp, thu gọn các đơn vị sự nghiệp công lập, giáo dục, báo chí, y tế trong công an nhân dân. Tổ chức lại Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gắn với công an tỉnh, thành phố để bảo đảm gắn kết, phát huy tối đa nguồn lực trong thực thi nhiệm vụ…”
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43609760
Phải chăng Bộ Công an đã hết thời hoàng kim?
Ngày 2/4/2018, báo chí Việt Nam đưa tin, Bộ Công an sẽ bị xóa bỏ tất cả sáu tổng cục đang có, hạ cấp các bộ tư lệnh, giảm biên chế triệt để. Trang mạng VTC còn nói rằng việc giải thể, sắp xếp lại bộ máy của ngành công an sẽ tác động trực tiếp đến hàng chục sĩ quan cấp tướng trong ngành, là những người giữ chức tổng cục trưởng, tổng cục phó, cục trưởng, cũng như các sĩ quan cấp tác các cục, các phòng.
Sau khi tin về việc xóa bỏ các tổng cục của Bộ Công an được đưa ra, nhà báo Phạm Chí Dũng, người từng làm việc trong cơ quan an ninh Việt Nam trước kia, viết trên trang CaliToday tại Mỹ rằng việc cải tổ Bộ Công An đã được Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam bàn tới từ cuối năm 2017, và đặc biệt là cơ quan có quyền lực nhất Việt Nam đã không đồng ý phương án cải tổ Bộ Công an do chính bộ này đưa ra vào đầu năm nay.
Qua những vụ bắt tướng công an, bắt Vũ Nhôm, trong thời gian qua và trong thời gian sắp tới, có lẽ vai trò và vị trí của ông Tô Lâm chịu một thử thách rất lớn.
-Nhà báo Phạm Chí Dũng.
Ông Phạm Chí Dũng nhấn mạnh đến hai vụ bắt bớ những sĩ quan công an cao cấp vào đầu năm 2018 là ông Thượng tá Phan Văn Anh Vũ, tự Vũ Nhôm, và ông Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa, đã giáng một đòn mạnh vào Bộ Công An.
Ông “Vũ Nhôm” có quân hàm thượng tá công an, được cho là bị bắt về những lũng đoạn thị trường nhà đất và quyền lực tại Đà Nẵng. Ông Nguyễn Thanh Hóa bị bắt vì liên quan đến một đường dây đánh bạc.
Vào trung tuần tháng 3/2018, nhà báo Phạm Chí Dũng nói với đài RFA từ Sài Gòn:
“Qua những vụ bắt tướng công an, bắt Vũ Nhôm, trong thời gian qua và trong thời gian sắp tới, có lẽ vai trò và vị trí của ông Tô Lâm chịu một thử thách rất lớn. Nếu ông ấy tồn tại được ở cương vị bộ trưởng thì đấy là một điều đáng ngạc nhiên.”
Ông Phạm Chí Dũng còn đưa ra dự đoán trên tờ CaliToday rằng sẽ có sắp xếp lại về nhân sự ở Bộ Công an, kể cả những nhân sự cao cấp nhất, trước cả đại hội trung ương Đảng Cộng sản lần thứ 7, dự trù tổ chức vào tháng 5 tới đây.
Nhận định về ông Tô Lâm, Bộ trưởng đương nhiệm, Luật sư Trần Vũ Hải từ Hà Nội, viết trên Facebook, cho rằng ông là người có những ý định cải cách khá cởi mở.
Vào ngày 17/3, đám tang cựu Thủ tướng Phan Văn Khải được cử hành tại Sài Gòn, báo chí Việt Nam công bố danh sách ban lễ tang, trong đó ông Tô Lâm đứng hàng thứ 13. Một số nhà quan sát căn cứ vào đó nói rằng vai trò của ông Tô Lâm đã suy giảm, vì trong những dịp lễ nghi như vậy, tầm quan trọng của một quan chức có liên quan đến vị trí danh dự của họ trong danh sách ban lễ tang.
Một nhà nghiên cứu chính sách tại Hà Nội, xin ẩn danh nói với chúng tôi rằng có lẽ ông Tô Lâm sẽ không bị đụng đến, vì hình phạt mà Bộ Chính trị giáng xuống là bỏ tất cả các tổng cục của bộ này đã là một hình phạt nặng nề.
Nhà báo Phạm Chí Dũng nói với chúng tôi vào giữa tháng 3/2018:
“Vai trò của Bộ Công An, mặc dù vẫn được xem là thanh kiếm và lá chắn bảo vệ Đảng Cộng sản, nhưng có lẽ đã vượt qua cái đỉnh quyền lực và danh vọng của nó hồi năm 2016 rồi.”
Đầu năm 2016, sau Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12, người ta thấy một loạt nhân vật công an được đưa vào bộ máy quyền lực chính trị cao nhất Việt Nam hiện nay là Bộ chính trị của Đảng. Trong số đó có ông Trần Đại Quang, Chủ tịch nước, ông Trương Hòa Bình Phó Thủ tướng, ông Phạm Minh Chính, Trưởng Ban tổ chức Trung ương đảng.
Bình luận với chúng tôi về những diễn biến mới nhất liên quan tới Bộ Công an, Tiến sĩ Vũ Hồng Lâm, từ Hawaii nói với chúng tôi rằng việc giảm biên chế ở Bộ Công an là nằm trong việc giảm biên chế chung của cả bộ máy chính phủ, tuy nhiên những vụ bắt bớ các sĩ quan công an như vừa qua chứng tỏ quyền lực Bộ Công an bị suy giảm.
Có ảnh hưởng tích cực tới việc giảm bới đàn áp dân chủ nhân quyền trong nước hay không?
Trả lời chúng tôi câu hỏi rằng liệu với sự suy giảm quyền lực của Bộ Công an, việc đàn áp xã hội dân sự có giảm đi hay không? Và đó có phải là sự chuyển biến tích cực của xã hội Việt Nam hay không?
Nhà báo Phạm Chí Dũng trả lời:
“Tích cực một cách vô hình chung, chứ không có chủ ý, tức là thời thế tạo ra như vậy. Nhân quyền và xã hội dân sự có thể vô hình chung được hưởng lợi chứ không phải do sự tác động của xã hội dân sự và nhân quyền đối với Bộ Công an, tại vì cho tới giờ tất cả những tác động như vậy là không ăn thua. Công an ngày càng công an trị, chẳng qua sự sa sút và suy yếu của Bộ Công An, có vấn đề khó khăn về ngân sách này kia làm cho công an không còn toàn tâm toàn ý đàn áp giới đấu tranh dân chủ nhân quyền ở Việt Nam.”
Vào đầu năm 2016, trong lúc có những thông tin về những viên tướng công an được thăng tiến trong chính trường Việt Nam ở Đại hội đảng lần thứ 12, Linh mục Phan Văn Lợi, một nhà hoạt động dân sự bất đồng chính kiến tại Huế có nói với đài RFA rằng ông lo ngại việc đó sẽ thúc đẩy sự đàn áp lên phong trào dân chủ tại Việt Nam.
Tháng 4/2018, nói chuyện với chúng tôi một ngày sau khi tin tức về việc chấn chỉnh Bộ Công an được đưa ra, Linh mục Phan Văn lợi nói:
“Bất cứ chế độ cộng sản nào thì họ cũng gây dựng sức mạnh, duy trì quyền lực trên lực lượng công an. Không thể nào họ lại không làm cho lực lượng này mạnh mẽ. Đây là việc tinh giản biên chế, sắp xếp nội bộ của họ thôi. Còn bàn tay sắt của Đảng Cộng sản thì lúc nào cũng chực giáng xuống.”
Theo nhà báo Phạm Chí Dũng, sự đàn áp dân chủ trong nước cũng có thể được giảm xuống nhờ vào những áp lực quốc tế.
Bất cứ chế độ cộng sản nào thì họ cũng gây dựng sức mạnh, duy trì quyền lực trên lực lượng công an.
-Linh mục Phan Văn Lợi.
Theo ghi nhận của chúng tôi, sau chuyến đi sang Pháp của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, vấn đề nhân quyền đã được hai bên đặt lên hàng đầu trong tuyên bố chung của hai nước. Chuyến đi này được giới quan sát cho rằng Cộng đồng Châu Âu, mà đại diện là nước Pháp đã tạo sức ép lên ông Nguyễn Phú Trọng, để đánh đổi lấy những hiệp định thương mại mà Việt Nam rất cần trong tình hình kinh tế hiện nay.
Linh mục Phan Văn Lợi không đồng ý rằng sức ép từ nước ngoài có tác động đáng kể. Ông nói rằng muốn biết việc đàn áp dân chủ nhân quyền tại Việt Nam có giảm hay không thì hãy chờ xem phiên tòa xử những người hoạt động dân sự thuộc tổ chức Hội anh em dân chủ vào ngày 5/4/2018.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/police-ministry-climax-over-04032018115511.html
Hội nghị Trung ương 7 sẽ bàn luận chuyện gì?
Hội nghị Trung ương 7 khóa XII là hội nghị đầu tiên trong năm 2018 của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm ngoái, Hội nghị 6 diễn ra vào tháng 10/2017 đã đưa ra nhiều quyết định trong đó nổi bật nhất là việc cách chức ông Nguyễn Xuân Anh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng.
Nhà quan sát chính trị Tiến sĩ Phạm Chí Dũng ở Sài Gòn nói với RFA rằng có khả năng hội nghị năm nay sẽ được tổ chức vào tháng 4, tức là sớm hơn so với dự kiến.
Về những nội dung có thể được đưa ra bàn bạc tại Hội nghị, ông Phạm Chí Dũng dự đoán:
Có một điều chắc chắn là Hội nghị này sẽ bàn về vấn đề cơ chế, thứ nhất là tinh gọn bộ máy bên Đảng và bên chính quyền. Thứ hai là tiếp tục triển khai nhất thể hóa và có lẽ sẽ đặt vấn đề không chỉ nhất thể hóa ở cấp quận huyện mà có thể cả cấp tỉnh thành. Thứ ba là tiếp tục tinh giản biên chế cho bộ máy chính quyền để có thể đạt mục tiêu giảm khoảng 250.000 công chức từ nay cho đến năm 2021.
Vừa rồi Việt Nam đã thực hiện nhất thể hóa một số cơ quan của Đảng và chính quyền Nội vụ, thanh tra chính quyền với ủy ban kiểm tra của bên Đảng và ở một số địa phương đặc biệt là tỉnh Quảng Ninh.
Về vấn đề tinh giản biên chế, cuối tháng 3 vừa rồi Bộ Nội vụ cho biết đã giảm được 34.663 công viên chức trong bộ máy Nhà nước, tính từ năm 2015 đến ngày 28/2/2018. Đồng thời, mới hôm 2/4 vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành nghị quyết sắp xếp lại Bộ Công an. Theo đó, Bộ này sẽ giảm triệt để tầng nấc trung gian mà cao nhất là sẽ không còn cấp tổng cục.
Có một điều chắc chắn là Hội nghị này sẽ bàn về vấn đề cơ chế, thứ nhất là tinh gọn bộ máy bên Đảng và bên chính quyền.
– TS. Phạm Chí Dũng
Theo ông Phạm Chí Dũng, những người quan tâm đến nhân quyền cũng đang trông đợi Hội nghị Trung ương 7 và sau đó là kỳ họp Quốc hội giữa năm 2018 sẽ nhắc đến vấn đề nhân quyền liên quan đến Hiệp định Tự do Thương mại Việt Nam- Liên minh châu Âu EU:
Trong cuộc gặp giữa Việt Nam và EU vào tháng 2 vừa qua thì VN đã chịu cam kết một số điều về nhân quyền trong đó có việc ban hành luật về hội và hứa hẹn đến năm 2020 có thể sẽ cho phép thành lập công đoàn độc lập. Thế thì, muốn có công đoàn độc lập thì phải có luật về hội, thì vừa qua VN đã bắt đầu khơi lại các hội thảo về luật về hội.
Giới quan sát cho rằng VN hiện nay đang gấp rút thúc đẩy EU ký kết Hiệp định Tự do Thương mại, đặc biệt kể từ khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tăng cường bảo hộ mậu dịch qua việc tăng thuế rất nhiều sản phẩm nhập khẩu vào nước Mỹ trong đó có mặt hàng thép, nhôm, và cá basa của Việt Nam. EU có vẻ muốn nhân cơ hội thông qua Hiệp định này để thúc giục VN phải cải thiện tình hình nhân quyền trong nước.
Bên cạnh những nội dung vừa nêu, ông Dũng còn cho rằng rất có khả năng Hội nghị 7 sẽ xem xét đưa ông Đinh La Thăng ra khỏi Trung ương Đảng. Ông Đinh La Thăng nguyên là một quan chức cấp cao ngành dầu khí, một ủy viên Bộ Chính trị, và Bí thư Thành ủy HCM nhưng đã bị cách chức vì dính líu đến một số đại án tham nhũng và hiện đang thụ án tù chung thân.
Từ Pháp, nhà báo – cựu đại tá Bùi Tín lại dự đoán hai nội dung chính sẽ được đưa vào nghị trình của Hội nghị Trung ương năm nay đó là chống tham nhũng và quy hoạch cán bộ chiến lược cao cấp:
Họ sẽ tổng hợp lại chiến dịch chống tham nhũng, sẽ kể lể khoe rằng vừa rồi chống tham nhũng được khá đấy. Đến tháng 5 mới họp, thì còn ba bốn vụ sắp sửa xử tiếp.
Nhưng chủ đề lớn nhất đó là bàn về cán bộ, tức là quy hoạch cán bộ chiến lược để chuẩn bị hai năm rưỡi nữa quy hoạch vào bộ chính trị mới và ban chấp hành Trung ương mới, cũng như khung Bí thư và Phó Bí thư Tỉnh ủy mới bởi vì các vị đó có đến một nửa đã lên đến 60-65 tuổi rồi mà quá 55 tuổi là không được vào Trung ương nữa.
Theo truyền thông trong nước, Ban Tổ chức Trung ương sẽ sẽ trình ra tại Hội nghị 7 Đề án “Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Bản dự thảo của đề án này đặt ra mục tiêu đến năm 2020 phải hoàn thành nghiên cứu và bồi dưỡng nhân sự để chuẩn bị cho đại hội Đảng các cấp. Ông Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức Trung ương cũng từng nói năm 2018 là năm bản lề, cần phải chuẩn bị cán bộ cho nhiệm kỳ tới.
Về chiến dịch chống tham nhũng, năm 2017 được nói là một năm chống tham nhũng quyết liệt của Đảng Cộng sản VN, nổi tiếng với tên gọi chiến dịch lò nóng- củi tươi của ông TBT Nguyễn Phú Trọng. Trong đó, hàng loạt các vụ đại án bị phanh phui liên quan đến các ngành ngân hàng, dầu khí, và gần đây ngành công an cũng được nói đã bị “sờ gáy”. Ngoài ra, hiện Bộ Công an cũng đang điều tra vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG trong đó có dính líu đến 4 bộ ngành. Bên cạnh đó, dư luận thời gian vừa qua cũng rất quan tâm đến vụ án đánh bạc qua mạng hàng ngàn tỷ đồng mà một trong những người cầm đầu là ông Nguyễn Thanh Hóa, nguyên Cục trưởng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao.
Hội nghị TƯ 7 chắc là người ta sẽ bầu thêm hai hoặc ba Ủy viên Bộ chính trị cho số thiếu trong thời gian vừa qua.
-TS. Hà Hoàng Hợp
Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu và phân tích chính trị Việt Nam thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) của Singapore cũng cho rằng vấn đề nhân sự sẽ là trọng tâm của Hội nghị Trung ương 7. Theo ông, họ sẽ chuẩn bị nhân sự cho nửa cuối của Khóa XII tức đến năm 2021 và cho cả khóa XIII sau đó:
Trong sự chuẩn bị đó, Hội nghị TƯ 7 chắc là người ta sẽ bầu thêm hai hoặc ba Ủy viên Bộ chính trị cho số thiếu trong thời gian vừa qua. Và sẽ chuyển đổi một số người từ vị trí này sang vị trí kia và đưa ra danh sách nhân sự cho khóa XIII, đặc biệt là nhân sự ở cấp tỉnh.
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng khẳng định rằng sau Hội nghị Trung ương 7 chắc chắn nhiều nhân vật của Bộ Công an sẽ bị thay đổi. Tuy nhiên cả ba nhà nghiên cứu chính trị đều nói rằng họ không kỳ vọng một biến chuyển lớn trong thể chế, đường lối chính trị của VN sau Hội nghị năm nay.
Giáo phận Vinh kêu gọi hành động
đòi công lý cho nạn nhân thảm họa Formosa
Ban Công Lý và Hòa Bình cùng Ban Hỗ Trợ Nạn Nhân Ô Nhiễm Biển Miền Trung thuộc Giáo phận Vinh vào ngày 2 tháng 4 gửi thư kêu gọi hành động giúp đòi hỏi công bằng và công lý cho các nạn nhân của thảm họa Formosa.
Thư kêu gọi do hai Linh mục Antôn Nguyễn Văn Đính và Giuse Phan Sỹ Phương ký tên gửi chủng sinh, tu sỹ nam nữ và cộng đồng dân Chúa Giáo phận Vinh cùng các nhà hoạt động cổ võ cho việc bảo vệ môi trường và đòi công lý cho nạn nhân thảm họa Formosa.
Theo thư kêu gọi, 2 năm sau thảm họa môi trường do công ty Gang thép Formosa gây ra đối với các tỉnh miền Trung, đến nay, nhiều nạn nhân của thảm họa Formosa vẫn chưa được bồi thường xứng đáng. Thư cũng chỉ trích nhà cầm quyền đã vu khống, đàn áp, sách nhiễu và bắt bỏ tù những người đứng lên đòi hỏi quyền lợi cho các nạn nhân do Formosa gây ra.
Văn bản cũng cho biết Giáo phận Vinh cùng nhiều tổ chức đã cố gắng hỗ trợ các nạn nhân và tìm kiếm giải pháp nhằm khắc phục hậu quả như cứu trợ thực phẩm, cấp phát học bổng cho học sinh, hỗ trợ phương tiện để tái lập nghề nghiệp. Đồng thời, nhiều vị Linh mục đã cùng giáo dân đi đòi công bằng, gửi nhiều văn thư đến chính quyền cũng như thực hiện nhiều các chuyến vận động trong nước và quốc tế.
Giáo phận Vinh kêu gọi hành động bằng cách tham gia dâng lễ và tổ chức giờ chầu Thánh Thể để cầu nguyện, đồng thời, tổ chức thêm các buổi cầu nguyện cho những người đang bị bách hại, tù tội vì lên tiếng bênh vực cho các nạn nhân.
Công an kết luận điều tra vụ Ngân hàng Đông Á
Cơ quan điều tra Bộ Công an hôm 4/4 đề nghị truy tố nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng Đông Á vì tội cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Á (DAB)
Theo kết luận điều tra, ông Trần Phương Bình đã mua đô la Mỹ cho ông Phan Văn Anh Vũ, cũng như cho ông Vũ vay tiền để mua chính cổ phần của Ngân hàng Đông Á.
Ông Phan Văn Anh Vũ, có hàm thượng tá công an, sống ở Đà Nẵng bị bắt vào đầu năm 2018 trong một vụ án khác có liên quan đến lạm dụng quyền lực và thao túng thị trường địa ốc tại Đà Nẵng để trục lợi.
Kết luận điều tra cho biết ông Phan Văn Anh Vũ, còn gọi là Vũ Nhôm, đã khai ra rằng ông Bình đã mua cho ông 13 triệu 400 ngàn đô la Mỹ, và cho đến nay ông Vũ chưa trả cho ông Bình đồng nào. Ông Vũ nói cũng không biết ông Bình lấy tiền ở đâu để mua đô la Mỹ cho ông Vũ.
Cơ quan điều tra nói không có cơ sở để xem xét trách nhiệm hình sự đối với ông Vũ trong vụ mua đô la này nhưng ông Vũ phải trả số tiền này lại cho ông Bình.
Theo cơ quan điều tra thì số tiền 13 triệu 400 ngàn đô la, tương đương với 284 tỉ đồng tiền Việt Nam chỉ là một phần nhỏ trong tổng số tiền bị thất thoát tại Ngân hàng Đông Á là 3.405 tỉ đồng, mà trách nhiệm thuộc về ông Trần Phương Bình.
Ngoài ông Bình, cơ quan điều tra còn đề nghị truy tố 20 bị can khác, bao gồm 2 nguyên Phó Tổng Giám đốc DAB là bà Nguyễn Thị Kim Xuyến và Nguyễn Thị Ngọc Vân với tội danh tương tự.
Trong số 21 bị can đề nghị truy tố, có 8 bị can được tại ngoại, 13 bị can bị tạm giam.
Từ năm 2016 trở lại đây, một loạt các lãnh đạo ngân hàng thương mại và ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã bị truy tố vì các tội thiếu trách nhiệm, cố ý làm trái, tham ô và lạm dụng chức quyền để chiếm đoạt tài sản. Một lãnh đạo ngân hàng đã bị tuyên án tử hình vào năm ngoái, trong khi một cựu Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước là ông Đặng Thanh Bình hôm 22/3 đã bị Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao tống đạt cáo trạng truy tố.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/tran-phuong-binh-vu-nhom-04042018084634.html
Đất vẫn là mồi béo cho quan chức
Tại Việt Nam lại xảy ra một vụ tranh chấp đất giữa chính quyền với dân địa phương mà người dân phản ứng mạnh dẫn đến xô xát, bắt cán bộ làm con tin và rồi cơ quan chức năng điều lực lượng cơ động đến để trấn áp dân phản đối.
Tình trạng này nói lên điều gì?
Vụ mới nhất nhưng theo cách cũ thu hồi đất bán cho doanh nghiệp
Khoảng hai giờ chiều ngày 31 tháng 3, một lực lượng rất đông gồm cảnh sát cơ động và cảnh sát giao thông được cho của xã Đèo Gia và huyện Lục Ngạn thuộc tỉnh Bắc Giang đến trấn áp người dân phản đối cưỡng chế đất tại địa phương.
Hình ảnh video tung lên mạng Internet cho thấy người phản đối dùng đá ném lại lực lượng chức năng. Hậu quả là một số người dân tại hiện trường nằm bất tỉnh, còn một số khác bị lực lượng chức năng bắt đi.
Theo lời kể của người dân một ngày trước tức vào ngày 30 tháng 3 một số người bị lực lượng công an đánh phải nhập viện cấp cứu, nên họ liền bắt một số cán bộ công an và giam giữ tại nhà văn hóa Thôn Đèo Gia.
Từ thời đấy giữ gìn đất mà bây giờ dân không được canh tác, làm ăn mà phải vượt biên sang Trung Quốc làm ăn. Tại sao đất đấy không giao cho dân canh tác làm ăn mà lại giao cho công ty là thế nào?
– Người dân
Nguyên nhân vụ việc được cho biết là do mâu thuẫn đất đai giữa người dân và chính quyền. Theo người dân, khu đất mâu thuẫn nằm tại Thôn Đèo Gia trước đây là đất rừng và hiện đang được chính quyền giao cho dân canh tác, nhưng nay lại có thông tin chính quyền bán một nửa phần đất này cho doanh nghiệp, phần còn lại mới giao cho dân. Một người xin dấu tên cho biết:
Đất này thuộc đất lâm nghiệp, do nhà nước giao cho dân quản lý, không cho ai chặt phá rừng. Đến năm 2016, nhà nước có văn bản giao đất để dân canh tác, làm ăn trên mảnh đất ấy để phát triển kinh tế. Một xã có 7 thôn thì 6 thôn kia đã được nhận đất, giao sổ rồi. Chỉ còn mỗi Thôn Đèo Gia, người ta muốn là một nửa cho công ty, còn một nửa mới giao cho dân. Thế là dân phản ánh, không đồng tình.
Người dân Thôn Đèo Gia cho biết sau khi nghe tin một số cán bộ xã và huyện loan tin bán đất cho doanh nghiệp, họ liền đi chặt cây rừng khoanh lương làm rẫy vì họ cho biết hoàn cảnh khó khăn, sợ không có đất trồng trọt thì sẽ bị đói. Sau đó, chính quyền địa phương được cho rằng đã vịn cớ người dân Thôn Đèo Gia phá rừng nên huy động lực lượng đến đàn áp. Một người có người thân bị đánh nhập viện chia sẻ với chúng tôi.
Dân nghĩ bảo là tự dưng mình gìn giữ đất này bao nhiêu đời từ thời các cụ rồi. Từ thời đấy giữ gìn đất mà bây giờ dân không được canh tác, làm ăn mà phải vượt biên sang Trung Quốc làm ăn. Tại sao đất đấy không giao cho dân canh tác làm ăn mà lại giao cho công ty là thế nào? Dân tức quá mới tự lên phá, rào quanh vùng lại.
Cổng thông tin điện tử Huyện Lục Ngạn tỉnh Bắc Giang hôm 31 tháng 1 đăng tải thông tin ông La Văn Nam, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy chủ trì cuộc họp với lãnh đạo UBND huyện, Tổ tuyên truyền, Công an huyện, Đảng ủy- UBND xã Đèo Gia và Chi bộ thôn Đèo Gia về công tác giao rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn thôn Đèo Gia. Theo nguyên văn của văn bản thì ‘Công an huyện phối hợp với Công an xã Đèo Gia tăng cường lực lượng tuần tra, kịp thời ngăn chặn các trường hợp phá hoại tài sản; khẩn trương làm rõ các đối tượng vi phạm.’
Chúng tôi liên hệ ông La Văn Nam mong có được thông tin cụ thể hơn về những trường hợp vi phạm cũng như nhận định từ phía chính quyền, và được ông cho biết:
Anh ơi, nguyên tắc phát ngôn là đồng chí Bí thư Huyện uỷ. Điện cho Bí thư Huyện uỷ. Tôi là phó thôi. Cảm ơn anh.
Chúng tôi liên hệ với ông Thân Văn Khánh, Bí thư Huyện uỷ Huyện Lục Ngạn nhưng ông này từ chối trả lời.
Nếu mà có ấy (vấn đề gì) thì anh cứ sang gặp Uỷ ban nhé. Cứ về đây làm việc với Uỷ ban. Tôi không làm việc qua điện thoại đâu nhé.
Cưỡng chế đất đai – Vấn đề nóng
Trong những năm qua, các vụ việc cưỡng chế đất tiếp tục diễn ra. Vụ tại Đèo Gia, Lục Ngạn, Bắc Giang cũng tương tự vụ Thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội vào tháng tư năm ngoái. Khi đó, chính quyền tiến hành cưỡng chế thu hồi mảnh đất hơn 100 hecta tại Đồng Sênh, thôn Hoành để giao cho Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel vì nói rằng đây là đất quốc phòng. Người dân lại cho rằng đây chỉ là một phần đất quốc phòng, còn lại là đất nông nghiệp. Đỉnh điểm vụ việc xảy ra khi người dân phản ứng dữ dội và bắt giữ 38 người gồm cán bộ huyện Mỹ Đức, công an và cảnh sát cơ động giam trong nhà văn hoá thôn. Đích thân ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch thành phố Hà Nội phải về tận thôn Hoành để đối thoại với người dân.
Một số vụ được nhiều người biết đến trước đó gồm Dương Nội từ năm 2010 đến nay, vụ ‘tiếng súng hoa cải’ Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng năm 2012 hoặc nhiều câu chuyện đất đai khác đều có điểm chung là người dân đã cương quyết phản kháng, chống lại việc chính quyền tổ chức cưỡng chế, thu hồi đất bằng bạo lực mà người dân trong diện bị thu hồi phát hiện đất được lấy để bán cho doanh nghiệp làm dự án bất chấp qui định chỉ lấy đất của dân để phục vụ mục tiêu công ích hay quốc phòng.
Một tin liên quan vấn đề quản lý đất đai là vào ngày 2 tháng 4 vừa qua, Thanh Tra Chính Phủ Việt Nam về tỉnh Kiên Giang thông báo quyết định tiến hành thanh tra toàn diện những lĩnh vực mà truyền thông Nhà Nước gọi là ‘nhạy cảm’ ở tỉnh này nhất là công tác quản lý đất đai.
Kiên Giang là tỉnh có đảo Phú Quốc đang được xem là thiên đường du lịch. Đất đai trở nên đắt giá vì nhiều nhà đầu tư muốn bỏ vốn để xây dựng các khu nghỉ mát cho khách có tiền.
Nhiều sai phạm tại Phú Quốc như vụ Khách sạn 5 sao Hương Biển vi phạm hành lang biển đến nay vẫn chưa được xử lý. Bí thư tỉnh Kiên Giang hiện nay là ông Nguyễn Thanh Nghị, con trai ông cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/land-grab-to-satisfy-officials-greed-04042018094909.html
Khuyến cáo kiểm tra tài khoản
làm dân lo NH né trách nhiệm
Một phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mới đây khuyến nghị người dân nên thường xuyên kiểm tra tài khoản tiền gửi để tránh mất cắp. Nhiều người, kể cả luật sư và doanh nhân, phản ứng bất bình về khuyến cáo này. Tuy nhiên, cũng có chuyên gia ngân hàng cho rằng điều vị phó thống đốc nói không có gì sai.
Tại một cuộc họp báo tối 2/4, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đưa ra lời khuyên là người gửi tiền “nên thường xuyên đến trụ sở ngân hàng thực hiện giao dịch, kiểm tra số dư thường xuyên”.
Nữ lãnh đạo ngân hàng nhà nước lưu ý thêm: “Khi phát diện dấu hiệu bất thường thì phải báo ngay cho tổ chức tín dụng, cơ quan nhà nước để ngăn chặn hành vi chiếm đoạt”.
Có rất nhiều giao dịch chính ngay ngân hàng cũng không liên quan và không chịu trách nhiệm, chẳng hạn như các hacker họ tấn công các tài khoản của ngân hàng … Trong những trường hợp như thế rõ ràng ngân hàng không chịu trách nhiệm.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu
Ý kiến của bà phó thống đốc được đưa ra sau khi có câu hỏi của báo giới về một số vụ khách hàng mất tiền gửi tổng cộng lên đến hàng trăm tỉ đồng tại các ngân hàng khác nhau.
Vụ việc gây chấn động nhất là trường hợp một nữ khách hàng gửi tiết kiệm 301 tỉ đồng ở Eximbank từ năm 2013 nhưng gần đây phát hiện 245 tỉ đã “bốc hơi”.
Báo chí trong nước nói có bằng chứng ban đầu cho thấy một cựu phó giám đốc chi nhánh Eximbank ở thành phố Hồ Chí Minh đã làm giả giấy tờ để rút tiền từ các sổ tiết kiệm của vị khách. Cựu phó giám đốc này đang bị truy nã.
Lời khuyến cáo về thường xuyên kiểm tra tài khoản đã làm nhiều người bày tỏ lo lắng hoặc bức xúc trên mạng xã hội và báo chí, cho rằng ngân hàng “đẩy rủi ro” cho khách hàng và sẵn sàng “phủi tay” đối với trách nhiệm.
Người dân cũng đặt câu hỏi rằng thế nào là “kiểm tra thường xuyên”, hàng giờ, hàng ngày, hay hàng tuần, hàng tháng.
Nhà đấu tranh dân chủ Lê Công Định, một luật sư từng bị chính quyền bỏ tù, viết trên Facebook cá nhân rằng phát biểu của bà phó thống đốc cho thấy “hệ thống ngân hàng thương mại được nhà nước bảo kê sẵn sàng phủi trách nhiệm khi xảy ra mất tiền, với lý do đơn giản là người gửi tiền không thực hiện nghĩa vụ ‘thường xuyên kiểm tra tài khoản tiền gửi’”.
Doanh nhân Lương Hoài Nam, người cũng là một chuyên gia kinh tế, coi ý kiến của bà Nguyễn Thị Hồng là “đáng lo ngại”. Lấy tư cách là một chủ tài khoản, ông Nam phân tích trên Facebook cá nhân rằng tài khoản là một trang ghi chép công nợ giữa chủ tài khoản và ngân hàng. Chuyên gia này lập luận rằng sau khi chủ tài khoản giao tiền cho ngân hàng và có xác nhận của ngân hàng, số dư tài khoản thể hiện số tiền ngân hàng nợ chủ tài khoản, và ngân hàng có nghĩa vụ trả cho chủ tài khoản khi đến hạn.
Ông Nam viết rằng “chúng ta không thể im lặng” trước ý kiến của nữ phó thống đốc ngân hàng nhà nước. Quan điểm của ông được trích đăng lại trong một bài trên báo Pháp luật Việt Nam.
Nếu mà một khách hàng mà không có phương tiện để kiểm tra thường xuyên qua internet, sau một vài năm mới kiểm tra, thì họ có thể phát hiện tiền đã mất. Đúng, đấy cũng là sơ hở về vấn đề kỹ thuật. Đáng lý ra ngay cả những tài khoản tiết kiệm cũng cần phải được vào internet.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu
Bài báo cũng dẫn lời một luật sư, ông Trương Thanh Đức, cho rằng lời khuyên của ngân hàng nhà nước là “sai cơ bản”. Vị chủ tịch Công ty Luật BASICO khẳng định: “Trách nhiệm bảo dảm an toàn là của ngân hàng”. Ông bình luận thêm trên báo Pháp luật: “Kiểm tra chỉ để biết mất hay chưa, tức buồn nhanh hay buồn chậm chứ không tránh được rủi ro!”
Tuy nhiên, chuyên gia tài chính ngân hàng người Mỹ gốc Việt Nguyễn Trí Hiếu coi điều Phó Thống đốc Hồng nói là “hợp lý” và theo ông, người dân không nên “ngủ quên” sau khi gửi tiền tại ngân hàng. Ông nói với VOA:
“Có rất nhiều giao dịch chính ngay ngân hàng cũng không liên quan và không chịu trách nhiệm, chẳng hạn như các hacker họ tấn công các tài khoản của ngân hàng, rồi họ tấn công hệ thống công nghệ thông tin của ngân hàng để đánh cắp tài sản. Trong những trường hợp như thế rõ ràng ngân hàng không chịu trách nhiệm. Và nhiều khi ngân hàng cũng không biết được là tài khoản bị đánh cắp cho đến khi khách hàng loan báo rằng tiền của tôi trong tài khoản đã không cánh mà bay”.
Mặc dù vậy, về trường hợp gửi tiết kiệm không sử dụng các giao dịch trên mạng mà vẫn bị mất tiền, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng ngân hàng “có trách nhiệm liên đới”.
Với hàng chục năm kinh nghiệm làm việc ở Mỹ, Việt Nam và một số thị trường khác, ông Hiếu chỉ ra một “lỗ hổng” trong các giao dịch như vậy, đó là việc giao nhận tiền và lập sổ tiết kiệm ngoài ngân hàng. Ông nói:
“Việc cho phép ngân hàng phục vụ khách hàng tại tư gia có lẽ cần phải suy xét lại. Chưa có một văn bản nào [của Ngân hàng Nhà nước], mà theo tôi được biết, cấm cán bộ nhân viên một ngân hàng đến phục vụ khách hàng tại tư gia. Các cán bộ nhân viên nhận tiền của khách hàng tại tư gia, và trên con đường di chuyển từ tư gia đến chi nhánh ngân hàng tất cả mọi chuyện đều có thể xảy ra”.
Tiến sĩ Hiếu khẳng định khi cán bộ, nhân viên ngân hàng lợi dụng chức vụ của họ, lợi dụng sự tin tưởng của khách hàng và cướp tiền của khách hàng rồi tẩu thoát, ngân hàng phải chịu trách nhiệm.
Hiện nay, ở Việt Nam, nhiều ngân hàng vẫn chỉ cấp sổ tiết kiệm bằng giấy khi người dân gửi tiền. Điều này cũng tạo ra những trở ngại đối với việc người dân kiểm tra tài khoản, ngay cả khi họ muốn làm theo lời khuyến cáo của bà phó thống đốc ngân hàng nhà nước. Tiến sĩ Hiếu nói rõ hơn với VOA:
“Nếu mà một khách hàng mà không có phương tiện để kiểm tra thường xuyên qua internet, sau một vài năm mới kiểm tra, thì họ có thể phát hiện tiền đã mất. Đúng, đấy cũng là sơ hở về vấn đề kỹ thuật. Đáng lý ra ngay cả những tài khoản tiết kiệm cũng cần phải được vào internet, và mỗi giao dịch cũng cần qua hệ thống mobile banking [giao dịch ngân hàng qua điện thoại di động] để mà có dịch vụ tin nhắn sms để mà thông báo ngay cho khách hàng nếu có giao dịch nào được thực hiện”.
Từ kinh nghiệm cá nhân, ông Hiếu chia sẻ rằng khách hàng nên gọi điện đến ngân hàng kiểm tra tài khoản ít nhất 1 tháng 1 lần, hoặc thưa hơn là 3 tháng 1 lần.
… ai cũng biết được rằng gửi tiền ngân hàng vẫn là chỗ an toàn nhất … Cái việc mà đưa đến hiện tượng mà người ta rút tiền hàng loạt sẽ không xảy ra
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu
Trên Facebook cá nhân, luật sư Lê Công Định cho rằng lời khuyến cáo gây lo lắng của Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng có thể khiến dòng tiền của dân “sẽ không vào hệ thống ngân hàng để chảy vào nền kinh tế nữa”. Nhưng tiến sĩ Hiếu có nhận định khác:
“Tôi nghĩ rằng chuyện đó không xảy ra. Tại vì ai cũng biết được rằng gửi tiền ngân hàng vẫn là chỗ an toàn nhất, ngay cả an toàn hơn việc tôi bỏ tiền tôi vào két sắt của tôi, hoặc tôi đào một cái hố ở trong sân nhà của tôi mà tôi giữ tiền ở đó. Cái việc mà đưa đến hiện tượng mà người ta rút tiền hàng loạt sẽ không xảy ra”.
Theo một bài trên Thời báo Ngân hàng ngày 4/4, các ngân hàng, tổ chức tín dụng nhận định và kỳ vọng rằng môi trường kinh doanh năm 2018 sẽ thuận lợi, mặt bằng lãi suất duy trì ổn định. Họ kỳ vọng huy động vốn toàn hệ thống tăng trưởng bình quân 4,71% trong Quý II/2018 và tăng 16,65% trong cả năm 2018, theo bài báo.