Tin Việt Nam – 04/03/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 04/03/2017

Thân nhân người chết bị cảnh cáo ‘không cấu kết phản động’

Khánh An-VOA

Mẹ của một nam thanh niên tử vong trong lúc bị tạm giam tại đồn công an cho biết bà bị giới hữu trách cảnh cáo không được cấu kết hay để “bọn phản động” lợi dụng, nếu không sẽ bị “đi tù mọt gông”.

Bà Nguyễn Thị Ái, mẹ của anh Phạm Ngọc Nhung, người tử vong trong lúc bị công an phường Cầu Ông Lãnh, Q.1, TPHCM, bắt giữ, kể lại cho VOA về trường hợp của con bà:

“Hôm 15/1/2017, con trai em và 3 thanh niên gây lộn trên phố, rồi bị công an phường Cầu Ông Lãnh bắt. Hai ngày sau thì con mất”.

Theo lời bà Ái, ngày 6/2, cơ quan chức năng đã gọi bà lên để trả kết quả khám nghiệm tử thi. Kết quả khám nghiệm cho biết anh Phạm Ngọc Nhung chết do chấn thương sọ não.

Cụ thể, anh bị gãy 2 xương sườn và gãy xương quai hàm bên phải, dập sọ, trên người có 9 vết thương. Mỗi vết dài từ 3 đến 8-9 cm.

Bà Ái khẳng định với VOA con trai bà “cao 1,71 mét, nặng trên 70 kg và không có vấn đề về sức khỏe” trước đó.

Tin cho hay hai người dân tham gia bắt Nhung vì tưởng là cướp đã được thả ra vì camera và lời khai cho thấy không có dấu hiệu những người này đã gây ra chấn thương cho Nhung.

Bà Ái cho biết từ khi bị bắt cho đến khi con trai chết, gia đình bà không hề nhận được thông báo từ cơ quan chức năng. Bà nói: “Tôi chỉ buồn là tại sao công an bắt con tôi, nhân viên của trường Cao đẳng Công nghệ Thông tin TPHCM, mà sao con tôi bị mất tích 7 ngày, gia đình và nhà trường đi tìm, máy của con tôi mở 24/24 mà công an bắt về không ai báo cho tôi, cho gia đình cả. Sau đó họ đem con tôi đi bệnh viện, con tôi chết xong họ mổ, để trong nhà xác. Mấy ngày sau, anh em trong nhà trường đi kiếm cũng không biết. Rồi qua một người bạn báo về cho bạn gái của con trai tôi, nói là con tôi bị tai nạn mất rồi”.

Người mẹ đơn chiếc cho biết bà hiện đang tá túc tại một ngôi chùa ở TPHCM do hoàn cảnh khó khăn. Bà nói trong tiếng khóc: “47 ngày mà tôi vẫn chưa được gặp con. Các cháu xin được cho vào gặp thì tôi cũng không đủ can đảm vào gặp con. Hận mình không bảo vệ được con. Khi con chết, tôi cũng không gặp được. Gần 2 tháng rồi mà tôi cũng chưa gặp được con để nhìn một cái…”

Sau khi vụ việc được đưa lên mạng xã hội, một số luật sư đã làm đơn kiến nghị gửi Bí thư TPHCM Đinh La Thăng để yêu cầu xem xét, làm rõ nguyên nhân cái chết của anh Phạm Ngọc Nhung.

Trước Tết Nguyên Đán, ông Đinh La Thăng đã trực tiếp làm việc với các luật sư và gia đình nạn nhân Phạm Ngọc Nhung. Ông cũng chỉ đạo công an thành phố làm rõ nguyên nhân tử vong theo đơn đề nghị của gia đình.

Luật sư Nguyễn Quynh, một trong số các luật sư tham gia vụ án, hôm 27/2 thông báo trên mạng rằng sau khi bị cản trở không cho gia đình và các luật sư vào làm việc tại Viện kiểm sát TPHCM, cuối cùng nhờ đấu tranh, các luật sư đã được Viện kiểm sát mời vào làm việc. Phó Viện trưởng Viện kiểm sát cam kết, đồng ý trưng cầu giám định tử thi Phạm Ngọc Nhung và sẽ thông báo trong vài ngày tới.

Trả lời VOA tối 3/3, bà Ái cho biết hiện bà vẫn chưa nhận được phản hồi từ cơ quan chức năng. Ngược lại, bà bị cảnh cáo không được cấu kết với “bọn phản động”. Nếu không sẽ bị “tù mọt gông”.

“Họ bảo tôi là phản động. Đi nói với bọn phản động rồi bị bắt, đi tù mọt gông. Tôi mới bảo là ‘Xin lỗi anh, tôi là dân đen ở Nghệ An vào. Anh chỉ cho tôi ai là người phản động để tôi tránh, chứ giờ tôi cũng chả biết ai phản động, ai không phản động cả. Tôi là một người mẹ không biết chữ. Con tôi chết thì tôi cứ đi hết chỗ này đến chỗ khác để xin mọi người cứu mẹ con tôi”.

Những năm gần đây, Việt Nam bị nhiều tổ chức quốc tế chỉ trích về các trường hợp tử vong trong khi bị giam giữ. Ước tính đã có hơn 200 người bị chết trong lúc bị giam giữ tại các đồn công an Việt Nam trong những năm qua.

http://www.voatiengviet.com/a/chet-trong-luc-tam-giam-than-nhan-bi-canh-cao-khong-duoc-cau-ket-phan-dong/3748525.html

 

Đoàn Thị Hương, chất độc VX và hệ lụy

Bộ Ngoại giao Malaysia hôm 4/3 nói rằng cơ quan này “hết sức quan ngại” về chuyện sử dụng vũ khí hóa học bị cấm tại nơi công cộng để ám sát người anh của lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un, và đã kêu gọi hỗ trợ của cộng đồng quốc tế giúp đỡ xử lý vụ việc.

“Bộ cực lực lên án việc sử dụng loại vũ khí hóa học như vậy đối với bất kỳ ai, ở bất kỳ nơi đâu và dưới bất kỳ hoàn cảnh nào”, thông cáo có đoạn. “Việc sử dụng nó tại nơi công cộng có thể đã gây nguy hiểm cho công chúng”.

Đoàn Thị Hương nói ‘tôi vô tội’ trước tòa

Vụ Đoàn Thị Hương: Việt Nam và Indonesia ‘nên hợp tác’

Đoàn Thị Hương ‘được trả tiền’ để ám sát

Cảnh sát trưởng quốc gia Malaysia mới đây thông báo rằng ông Kim Jong Nam thiệt mạng vì chất độc thần kinh VX, vốn bị Liên Hiệp Quốc cấm, trong cuộc tấn công chớp nhoáng do can phạm người Việt Đoàn Thị Hương và một nữ công dân Indonesia Siti Aishah thực hiện. Hai cô gái khai rằng họ tưởng tham gia vào một chương trình truyền hình thực tế.

Sau vụ giết người, cô Aishah bị nôn ọe trong khi bị giam giữ do bị phơi nhiễm VX, vốn nằm trong danh sách vũ khí hủy diệt hàng loạt, theo cảnh sát Malaysia. Cô Hương và Aishah đã chính thức bị truy tố tội giết người hôm 1/3, và nếu bị kết án, hai cô có thể bị treo cổ.

Tờ New York Times đưa tin rằng Malaysia đã thông báo việc sử dụng chất độc này lên cơ quan theo dõi các vũ khí hóa học bị cấm theo các công ước quốc tế có tên gọi Tổ chức Cấm vũ khí Hóa học. Cơ quan này sau đó đã cử đại diện tới Kuala Lumpur hỗ trợ Malaysia. Sau khi rà soát, Malaysia tuyên bố hôm 26/2 rằng sân bay quốc tế Kuala Lumpur vẫn an toàn.

“Ra trát bắt”

Tổ chức này giờ sẽ phải quyết định xem liệu có đưa vấn đề sử dụng trái phép chất độc VX lên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. VX là một trong những vũ khí hóa học nguy hiểm nhất mà con người từng tạo ra: chỉ cần 10 milligram chất độc thần kinh hay một giọt duy nhất là đủ để gây tử vong trong vài phút, theo các chuyên gia.

Theo New York Times, nếu có bằng chứng về việc Bắc Hàn sử dụng chất độc trên, Hoa Kỳ và các đồng minh có thể kêu gọi áp đặt một nghị quyết đối với Bình Nhưỡng tại Hội đồng Bảo an cũng như các biện pháp trừng phạt mới. Washington cũng có thể đưa Bắc Hàn trở lại danh sách các nước tài trợ cho khủng bố.

Đoàn Thị Hương nói ‘bị lợi dụng’

Hàng xóm: Hương ‘không giết nổi một con gà’

Hàn Quốc đã đổ lỗi cho Bắc Hàn gây ra vụ ám sát ông Kim Jong Un. Cảnh sát Malaysia đã xác định 7 người đàn ông Bắc Hàn là nghi can trong vụ giết người.

Tin mới nhất cho hay, cảnh sát Malaysia mới ra trát bắt đối với một nhân viên hàng không Bắc Hàn, ít giờ sau khi thả một nghi can Bắc Hàn duy nhất bị bắt kể từ ngày xảy ra vụ ám sát hôm 13/2.

Kim Uk Il, nhân viên của hãng Air Koryo, trước đó đã được xác định là một trong gần 10 nghi can trong vụ Kim Jong Nam. Chính quyền Malaysia tin rằng ông Kim vẫn còn trốn trong đại sứ quán Bắc Hàn ở Kuala Lumpur cùng với một nghi can khác, Hyon Kwang-song, một nhân viên của đại sứ quán.

Trong một diễn biến mới khác, Malaysia hôm 4/3 thông báo quyết định trục xuất đại sứ Bắc Hàn, buộc ông Kang Chol phải rời quốc gia Đông Nam Á này trong vòng 48 giờ đồng hồ.

Tuyên bố này được coi là sẽ làm leo thang căng thẳng ngoại giao giữa hai nước vì vụ ám sát người anh trai cùng cha khác mẹ của lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un.

http://www.voatiengviet.com/a/doan-thi-huong-chat-doc-vx-va-he-huy/3749622.html

 

Vụ Đoàn Thị Hương: Việt Nam và Indonesia ‘nên hợp tác’

Viễn Đông

Luật sư Việt Nam và Indonesia cho rằng chính quyền Hà Nội và Jakarta nên bắt tay hợp tác để bảo vệ hai nữ công dân bị cáo buộc ám sát anh trai của lãnh tụ Bắc Hàn để họ “được xét xử công bằng” và “không bị xử oan”.

Ý kiến này xuất hiện hôm 3/3, hai ngày sau khi cô Đoàn Thị Hương và công dân Indonesia Siti Aishah chính thức bị truy tố tội giết hại ông Kim Jong Nam trong vụ tấn công chớp nhoáng sử dụng chất độc thần kinh VX tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur hôm 13/2.

Hai bị cáo, công dân hai nước thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), sẽ phải ra tòa lần hai vào ngày 13/4 tới, một luật sư bào chữa của cô Hương cho biết.

Trong khi đó, ông Chu Hồng Thanh, cựu đại diện của Việt Nam trong Hiệp hội Luật gia ASEAN (ALA) và nay là giảng viên luật ở Hà Nội, nói với VOA Việt Ngữ rằng ông nghĩ hai nước nên phối hợp với nhau.

Ông nói tiếp: “Tôi được biết là đại sứ quán Việt Nam đã làm việc với bên Malaysia. Theo tôi thì nên phối hợp với Indonesia nữa. Phối hợp với nhau nó sẽ mạnh hơn, đặc biệt giữa các luật sư với nhau. Các luật sư ấy có tiếng nói chung thì sức mạnh được nhân lên rất nhiều lần. Nhà nước phải sẵn sàng bảo hộ với khả năng cao nhất để bảo vệ công lý. Không phải bảo vệ cho tội ác mà vấn đề là bảo vệ công lý. Làm rõ hành vi tội ác nằm ở đâu, do ai gây ra. Các nhà nước như Malaysia, như là Indonesia hay phía Việt Nam đều phải có những tiếng nói để bảo vệ công lý”.

“Cần phải bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp theo đúng luật để bảo đảm không bị xử oan hoặc xử không đúng người, không đúng tội”, ông Thanh nói thêm.

Báo chí Malaysia trước đó dẫn lời cô Hương và Aishah khai với các nhà điều tra rằng hai cô tưởng tham gia một trò chơi vô hại cho một chương trình truyền hình, khi hạ độc người anh trai cùng cha khác mẹ của ông Kim Jong Un.

Một thông cáo đăng trên trang Facebook của chính phủ Việt Nam hôm 2/3 cho biết rằng cơ qua đại diện ngoại giao của Hà Nội ở Malaysia “đang tiếp tục triển khai các biện pháp bảo hộ công dân trong phạm vi thẩm quyền để bảo đảm tiến trình tố tụng diễn ra công bằng, khách quan, không phân biệt đối xử, cũng như đảm bảo mọi quyền lợi hợp pháp của công dân Việt Nam, trong đó có việc hỗ trợ tìm luật sư phù hợp với quy định pháp luật của nước sở tại”.

Tuyên bố này dường như đáp lại những chỉ trích của nhiều “cư dân mạng” về chuyện nữ nghi phạm người Indonesia có nhiều đại diện pháp lý hơn công dân Việt Nam trong lần xuất hiện nghe công tố viên Malaysia đọc bản luận tội ở tòa hôm 1/3, mà chính phủ trong nước nói “đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đã có mặt để bảo vệ các quyền lợi hợp pháp cho công dân Đoàn Thị Hương”. Trước đó, trả lời VOA Việt Ngữ sau phiên tòa, ông Selvam Shanmugam, luật sư bào chữa người Malaysia cho nữ nghi can người Việt, cho biết rằng cô nói ‘tôi vô tội’.

Tháng trước, quan chức Việt Nam và Indonesia đã có cuộc gặp “tay ba” với Ngoại trưởng Malaysia bên lề một hội nghị của ASEAN để yêu cầu được tiếp xúc lãnh sự với hai nữ nghi can sau nhiều ngày họ bị bắt và tống giam.

Cùng quan điểm với ông Chu Hồng Thanh, luật sư Swandy Halim, đại diện phía Indonesia trong Hội Luật gia ASEAN, cũng cho rằng chính phủ Việt Nam và Indonesia “nên phối hợp với nhau để bảo vệ công dân hai nước trong vụ án” cũng như giúp “đảm bảo sự công bằng trong quá trình xét xử”.

Luật sư này cho biết rằng chính phủ Indonesia đã “tích cực tham gia hỗ trợ công dân” như “trợ giúp về mặt ngoại giao hay chỉ định luật sư ở địa phương tham gia quá trình tố tụng”.

Ông Halim cho biết tiếp về khả năng ALA có thể hỗ trợ cho gia đình cô Hương: “Nếu liên quan tới công dân của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á, Hội Luật gia ASEAN có thể hỗ trợ như giúp tìm kiếm luật sư bào chữa ở địa phương tại Malaysia cũng như trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo. Họ có thể giúp mà không tính phí”.

“Chính phủ nên đứng ở tuyến đầu, không chỉ hỗ trợ về vấn đề lãnh sự mà còn tìm kiếm sự trợ giúp pháp lý từ bên ngoài”, ông Halim nói thêm. “Vụ việc giờ đã được đưa ra tòa ở Malaysia nên cần phải có luật sư địa phương đứng ra bảo vệ công dân của chúng ta”.

Hiện trên mạng xã hội xuất hiện một số lời kêu gọi giúp đỡ gia đình cô Hương sau khi cha cô nói với báo giới rằng ông “không có tiền” đi Malaysia thăm con cũng như để trả phí thuê luật sư.

Một bạn đọc tên Jenny Trần bình luận trên trang Facebook của VOA tiếng Việt: “Chẳng ai biết thực hư chuyện này ra sao. Nếu không giết người, bị vu oan, mọi người còn thương cảm. Nếu thật sự là kẻ sát nhân thì phải chịu hình phạt bên nước người ta thôi. Tội phạm thì chẳng ai thương xót đâu. Ở nước ngoài pháp luật nghiêm lắm, không khoan hồng như ở Việt Nam đâu”.

http://www.voatiengviet.com/a/vu-kim-jong-nam-vietnam-va-indonesia-nen-hop-tac/3748692.html