Tin Việt Nam – 04/02/2019

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 04/02/2019

TP HCM hứa không di dời cơ sở chính

của Nhà thờ và Nhà dòng Mến Thánh giá tại Thủ Thiêm

TPHCM hứa không di dời cơ sở chính của Nhà thờ và Nhà dòng Mến Thánh giá tại Thủ Thiêm.

Báo chí nhà nước ngày 4/2/2019 tường thuật về chuyến đi của Bí Thư Thành ủy TPHCM thăm, chúc Tết Nhà thờ Thủ Thiêm hôm 2/2 qua đó khẳng định sẽ giữ nguyên trạng tất cả các công trình mang tính lịch sử bao gồm Nhà thờ và Nhà dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm.

Truyền thông trong nước dẫn lời ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết, sắp tới chính quyền thành phố sẽ có phương án chống ngập để hỗ trợ tu viện và tổ chức kết nối giao thông trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Còn ông Huỳnh Cách Mạng, Phó chủ tịch UBND TP.HCM lại trả lời phỏng vấn với báo Thanh Niên cho hay, hướng giải quyết của thành phố là giữ lại các công trình chính yếu của Dòng mến Thánh giá Thủ Thiêm và nhà thờ Thủ Thiêm tồn tại hàng trăm năm qua ở Thủ Thiêm.

Riêng một số khu vực lân cận sẽ được xem xét chỉnh trang cho phù hợp quy hoạch, đảm bảo mỹ quan.

Hồi tháng 12 năm ngoái, nhà báo Nguyễn Công Khế cũng chia sẻ trên trang cá nhân thông tin chưa được kiểm chứng về cuộc họp của lãnh đạo TPHCM cho biết là “gần như có quyết định không di dời Dòng Mến Thủ Thiêm và Nhà Thờ Thủ Thiêm và đề nghị khu này được công nhận là khu di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.”

Nhà thờ Thủ Thiêm đầu tiên được xây dựng vào năm 1859, còn Nhà dòng (Tu viện) Mến Thánh giá Thủ Thiêm có mặt từ năm 1840.

Những năm qua, cả Nhà thờ và Nhà dòng ở Thủ Thiêm đều nằm trong tầm ngắm thu hồi của chính quyền TPHCM để giao cho chủ đầu tư, khi là cơ sở tôn giáo lâu năm còn tồn tại duy nhất ở Thủ Thiêm.

Một cơ sở tôn giáo khác là Chùa Liên Trì thuộc Tăng đoàn Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất bị phá bỏ năm 2016 trong sự phản đối của dư luận, tới nay trụ trì chùa là Hòa Thượng Thích Không Tánh vẫn chưa ổn định chỗ ở.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/hcm-city-chief-promises-not-to-move-the-catholic-church-and-the-lovers-of-holy-cross-covent-02042019074321.html

 

Nhiều vụ án giết người cướp tài sản

trước tết Nguyên Đán 2019

Công an Thành phố Hà Nội vào ngày 4 tháng 2 chính thức công bố một số thông tin kết quả điều tra ban đầu vụ tài xế taxi bị cứa cổ trước cổng Sân Vận Động Quốc Gia Mỹ Đình ở  Quận Nam Từ Liêm hôm tối 29 tháng 1 vừa qua.

Truyền thông trong nước dẫn lời thượng tá Nguyễn Bình, trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự Công an thành phố Hà Nội rằng sau khi nhận được tin báo từ người dân, Công an thành phố Hà Nội đã yêu cầu các cơ quan chức năng phối hợp với Công an quận Nam Từ Liêm tiến hành khám nghiệm hiện trường và điều tra làm rõ vụ việc.

Theo báo cáo của cơ quan điều tra, nạn nhân là tài xế taxi có tên là Nguyễn Văn Duy sinh năm 1993 đã chở một vị khách đến đường Lê Đức Thọ trước cổng số 2 sân vận động quốc gia Mỹ Đình và bị hung thủ cứa cổ sát hại với mục đích cướp tài sản.

Cơ quan điều tra cho rằng, đây là vụ án nghiêm trọng, gây hoang mang dư luận. Do đó, lãnh đạo Bộ Công an yêu cầu có bộ ngành phối hợp chặt với công an thành phố Hà Nội phải điều tra làm rõ vụ án, truy tìm thủ phạm và xử lý nghiêm trước pháp luật.

Vào chiều tối ngày 3 tháng 2, Công an bắt giữ nghi phạm có tên Nguyễn Cảnh An, sinh năm 1999, thường trú tại Xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An.

Ông Bình cho biết tại Cơ quan Điều Tra, Nguyễn Cảnh An thừa nhận hành bi gây án.

Trong khi đó Công an Bình Thuận hiện đang truy tìm hung thủ giết nhân viên trạm xăng cướp tài sản ngay giáp Tết Nguyên Đán 2019.

Truyền thông trong nước loan tin cho biết như vừa nêu hôm 4/2.

Theo cơ quan điều tra công an Bình Thuận cho biết, qua trích xuất từ thiết bị ghi hình an ninh tại trạm xăng Đăng Nam, huyện Tuy Phong, Bình Thuận cho thấy, một thanh niên chạy xe máy đến trạm để đổ xăng sau khi nhân viên đang lấy vòi để bơm thì người thanh niên đã cầm một vật cứng đánh vào người nhân viên trạm bất tỉnh. Sau khi nhân niên nằm nằm xuống hung thủ đã cướp tài sản rồi bỏ chạy.

Nhân viên trạm xăng đã được đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng không qua khỏi do vết thương quá nặng.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/social-evils-rampant-02042019081922.html

 

CPTPP: Lao động VN

vẫn chưa coi công đoàn độc lập là thiết yếu

Joe BuckleyGửi đến BBC từ London, Anh Quốc

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), có hiệu lực tại Việt Nam kể từ ngày 14 tháng 1, đã gợi lên các tranh cãi về vấn đề quyền tự do hội họp trong chính phủ.

Đây là quyền được hình thành các công đoàn độc lập mà không thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (VGLC) do chính phủ quản lý, cũng là liên đoàn hợp pháp duy nhất ở Việt Nam.

Dù hiệp định này có thể mang đến nhiều triển vọng, tuy nhiên nó vẫn gây ra nhiều hoài nghi.

Việt Nam thiếu kinh nghiệm về Công đoàn độc lập?

LHQ: ‘Nhà nghiên cứu lao động VN bị hăm dọa’

VN: Nghiệp đoàn sau CPTPP ‘không làm chính trị’?

Ký kết CPTPP: Việt Nam có lợi gì?

Chính phủ Việt Nam có thể cho phép các công đoàn hoạt động độc lập một cách hợp pháp, đồng thời gây khó dễ nhất định cho họ.

Trên thực tế, các công nhân cũng không đòi hỏi về công đoàn.

Hiệp định CPTPP tuy cam kết Việt Nam phải tôn trọng quyền tự do hội họp, nhưng điều này vẫn còn khá mơ hồ.

Trong chương 19 của hiệp định, yêu cầu các bên tham gia tôn trọng Tuyên bố của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) năm 1998 về Nguyên tắc và Quyền cơ bản tại nơi làm việc, trong đó bao gồm quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể.

Việt Nam,với tư cách là một thành viên của ILO từ năm 1992, do đó đã nghiễm nhiên cam kết về việc tôn trọng quyền tự do hội họp trên giấy tờ, tuy nhiên trên thực tế thì có vẻ không.

Sự khác biệt giữa cam kết của ILO và CPTPP là các điều lệ phụ trong thỏa thuận, trong đó các quốc gia khác có thể gửi đơn khiếu nại nếu Việt Nam không thực hiện nghĩa vụ của mình.

Quyền tự do hội họp được nêu ra chi tiết hơn trong ‘Chiến lược Tăng cường Quan hệ Thương mại và Lao động giữa Hoa Kỳ và Việt Nam’, một văn kiện song phương được ký giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trong các thương lượng trước đó về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Trong văn kiện, Việt Nam cam kết cho phép người lao động thành lập các công đoàn lao động mà không cần sự cho phép trước, sau đó sẽ đăng ký với Liên đoàn Lao động Việt Nam hoặc các cơ quan chính phủ có thẩm quyền.

Đồng thời, các công đoàn đó có thể thành lập hoặc tham gia các tổ chức lao động thuộc các doanh nghiệp hoặc các cấp cao hơn, bao gồm các cấp ngành và khu vực.

Kể từ khi Hoa kỳ rút khỏi TPP, văn kiện đó đã bị hủy bỏ. Tuy nhiên, nhiều người tỏ ra bất ngờ khi chính phủ Việt Nam đang thực hiện nghiêm túc các cam kết của CPTPP đối với các công đoàn độc lập, dựa trên các thảo luận về mô hình được nêu trong các văn bản song phương trước đó bởi Hoa Kỳ và Việt Nam.

Áp lực cải cách VGCL, thực hiện thương lượng tập thể, và thực hiện các dự án của ILO là hệ quả của các cuộc đình công tự phát. Nói cách khác, áp lực của các cuộc đình công tự phát đã dẫn đến: việc hình thành hệ thống lương tối thiểu hiện tại, cải cách VGLC, thực hiện thương lượng tập thể và các dự án được ILO hỗ trợ.

Tuy nhiên, các cuộc cải cách vẫn chưa diễn ra thành công, và vẫn còn xảy ra các cuộc đình công tự phát. Áp lực từ bên dưới kết hợp với bên trên, các đàm phán thương mại quốc tế, đã thúc đẩy nhà nước thực hiện các thảo luận nghiêm túc về câu hỏi làm thế nào để cho phép các công đoàn hoạt động đôc lập.

Điều này có vẻ rất khả quan, và nhiều người tỏ ra phấn khích về triển vọng của các tổ chức công đoàn độc lập trong tương lai.

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều khúc mắc trong vấn đề này.

Đầu tiên, các cuộc thảo luận trong các diễn đàn chính phủ thường chỉ tập trung vào những cơ hội và thách thức mà sự thay đổi này sẽ mang lại cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thay vì tập trung vào việc làm sao để thực thi các luật lệ mới này một cách nghiêm minh.

Nhiều người cho rằng chính phủ Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ và đứng sau Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, và làm sao để nó là liên đoàn chính trị duy nhất, khi mà các liên đoàn độc lập khác không được phép tham gia các hoạt động mang tính chính trị.

Hiện nay, vẫn chưa có các thảo luận hoặc thông tin về cách thức hỗ trợ các liên đoàn độc lập này. Tất cả điều này gợi lên rằng, trong khi Việt Nam có thể hợp pháp hóa tự do hội họp, chính phủ cũng có thể gây khó dễ cho các công đoàn trên thực tế.

Thực tế hoạt động công nhân và nghiệp đoàn khu vực

Việc này không hề mới, nó vẫn xảy ra thường xuyên ở các nước Đông Á và Đông Nam Á.

Ở Campuchia, nơi tồn tại quyền tự do lập hội, chính phủ đã tài trợ cho các công đoàn liên minh với nhà nước, đồng thời gây khó khăn cho các công đoàn độc lập, bao gồm việc sửa đổi luật pháp để gây trở ngại cho các hoạt động của họ, và tấn công, bắt giữ và bỏ tù các lãnh đạo.

Ở Indonesia, nhiều nhà hoạt động về quyền lao động cũng bị tấn công và bắt giữ, nhiều công ty và khu vực công nghiệp đều nghiêm cấm các hoạt động đình công.

Ngoài ra, ở Hàn Quốc chính quyền đã nhiều lần đột kích vào các văn phòng của công đoàn và bỏ tù các lãnh đạo của nó.

Đây sẽ là một trở ngại lớn ở Việt Nam.

Chưa kể còn một số vấn đề khác nữa.

Ví dụ công nhân ở Việt Nam không đòi hỏi về các công đoàn độc lập. Phần lớn các cuộc đình công xoay quanh nhu cầu về tiền lương và cách thức quản lý của nhà máy.

Thi thoảng vẫn tồn tại các cuộc đình công để phản đối những chính sách của chính phủ, nhưng chưa có cuộc đình công nào xảy ra với mục đích đòi hỏi quyền thành lập các tổ chức công đoàn.

Điều này dễ hiểu.

Hiện nay, đa số các cuộc đình công đều khá hiệu quả, với phần lớn các cuộc đình công đều đạt được mục đích của nó. Các cuộc đình công tự phát là một hình thức quan trọng và hợp lý của tổ chức lao động.

Nó không tự phát trong sự tức giận hay ức chế, mà thay vào đó, các công nhân đã thảo luận và lên kế hoạch chung từ trước, bao gồm việc có nên đình công hay không, làm gì khi đình công và khi nào thì nên chấm dứt.

Các cuộc đình công tự phát này đòi hỏi mức độ tổ chức cao hơn các cuộc đình công dẫn dắt bởi công đoàn, vì nó không tồn tại bộ máy quan liêu hay các cơ cấu tổ chức trước đó.

Vì vậy, đa phần các công nhân cho rằng việc lập ra một công đoàn là không cần thiết, vì họ vẫn có thể đạt được các nhu cầu trước mắt của mình qua những cuộc đình công xé lẻ này.

Cho nên, nếu tồn tại quyền tự do hội họp, thì nó chỉ đến từ yêu cầu của cấp trên chứ không phải từ các công nhân ở cấp cơ sở.

Một công đoàn như vậy nhiều khả năng sẽ dẫn tới việc công nhân buộc phải chấp nhận các cấu trúc và quy trình không thỏa đáng của nó, và làm giảm khả năng khởi động các cuộc đình công tự phát và các hành động khác.

Do đó, dù áp lực từ phía dưới có thể khiến chính phủ phải cân nhắc trong vấn đề tự do liên kết, nhu cầu thực tế thì lại không.

Thật vậy, ở Việt Nam, mong muốn về việc thành lập các công đoàn độc lập không đến từ người công nhân, mà thay vào đó là từ những người sử dụng lao động (dù là một phần rất nhỏ), như một cách để ngăn chặn các cuộc đình công tự phát, gây ra gián đoạn đến hoạt động sản xuất.

Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông lo lắng rằng các công đoàn độc lập sẽ trở thành các “công đoàn vàng”, thuật ngữ được sử dụng để miêu tả một liên đoàn mà trên thực tế được điều hành bởi các ông chủ để đàn áp và bóc lột công nhân hơn nữa.

Điều này nghe có vẻ khá là nực cười, khi ông sử dụng lý lẽ đó để bảo vệ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, một liên đoàn mà đa số công nhân cho là vô dụng.

Tuy nhiên, ở một chiều hướng khác, ông cũng có lý.

Tất nhiên, không ai muốn tước bỏ quyền được liên minh của các công nhân để phản đối việc bóc lột sức lao động. Nhưng cũng cần phải lo ngại về quá trình hình thành tự do hội họp hiện tại.

Việc phát triển những hoạt động đến từ phía dưới – các cuộc đình công tự phát vốn hiệu quả của công nhân – có tốt hơn việc giới thiệu một mô hình mới từ cấp trên áp xuống?

Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của ông Joe Buckely, nghiên cứu sinh tiến sỹ về International Development tại SOAS University of London. Ông có thời gian sống ở Việt Nam và đã tiếp xúc với giới hoạt động công nhân tại đây.

https://www.bbc.com/vietnamese/forum-47070685

 

Chợ bông Tết bến Bình Đông

A Nghêu

Bến Bình Đông, cái tên nghe đã thấy thương, thấy hiền, thấy dân dã và ngập tràn phong vị Nam Bộ xưa, nơi ghe thương hồ bôn ba sông nước mỏi mê rồi vui sướng cắm neo cột thuyền nằm nghỉ nơi bến sông rộn ràng nào đó. Bến Bình Đông, bến Mễ Cốc, bến Phú Định, những bến sông dọc dài bên cạnh Xóm Củi, rạch Cát, rạch Ong, rạch Lò Gốm, kinh Tàu Hủ,  …  gọi ra mênh mang cả một lịch sử làm ăn và sinh sống nơi phương Nam nắng gió. Dù ngày nay không mấy người còn chịu khó tìm hiểu nguồn cội của những cái tên, dù rạch Ong (nơi có nhiều bầy ong về làm tổ) đã bị gọi sai hẳn đi cả về địa danh lẫn ngữ nghĩa thành rạch Ông, nhưng cứ mỗi cuối năm, mùa Tết, cái chất sống quật cường đã luân lưu khắp mạch máu người dân Nam Bộ lại chảy mạnh. Bến Bình Đông lại rộn rã trên bến dưới thuyền, hoa và cây kiểng từ miền Tây đổ lên náo nức cả một đoạn bến dài.

Nội thành Sài Gòn có rất nhiều chợ hoa xuân nằm trong các công viên hoặc bãi đất trống ở mỗi quận huyện hoặc một khu vực. Trung tâm thì năm nào cũng có chợ hoa trong công viên Tao Đàn và công viên 23/9, công viên Lê Văn Tám. Nhưng tôi thương, tôi nhớ, tôi mê chợ hoa ở bến Bình Đông nhất, nơi mà theo đúng giọng người Nam Bộ, không ai gọi “hoa” mà gọi “bông”. Chợ bông tết bến Bình Đông.

 

Là vì chợ bông ở đây không chỉ là chợ bán bông.

Những đoàn ghe bầu sức chở hàng trăm tấn, giương tròn hai con mắt màu đen nổi bật trên nền đỏ tươi ngược từ miệt Cái Mơn (Bến Tre), Đồng Tháp theo dòng nước mênh mông tràn khắp đồng bằng Nam Bộ, len lỏi vô tới tận giữa cái ruột của thành phố lớn nhất nước, chở theo cả tràn trề màu nắng, tươi rợi màu lá, sắc thắm rực rỡ của vạn hoa, chở cái sinh khí ngùn ngụt của vườn, của đất, của sông rộng và trời cao theo chân những nông dân có sắc da nâu sậm. Dưới sông, trên bờ, bông, cây, lá, trái, to đậm, trĩu cành, mạnh khỏe và tốt tươi, kìn kìn, lũ lượt, đua chen san sát đẫm ngời dưới cái nắng vàng trong đặc biệt chỉ những ngày giáp tết mới có ở Sài Gòn. Cái khí chất mạnh mẽ sung mãn đó khiến bến Bình Đông gây nghiện khác hẳn với những chợ hoa khác ở giữa trung tâm.

Từ dưới chân cầu Chà Và chạy dài dọc theo kinh Tàu Hũ tới tuốt cầu Nguyễn Tri Phương, một bên vẫn còn những nhà kho hàng trăm năm có những cái bao lơn bụng phệ bằng sắt uốn chồm ra lơ lửng bên ngoài, một bên là dòng Tàu Hủ ghe thuyền kín sông. Đèn sáng như sao sa. Dân Sài Gòn ùa về nườm nượp. Trai gái nắm tay người yêu đi bộ rảo rảo ngắm bông, chụp hình. Cha mẹ ghé vô lựa kiểng chưng Tết. Đàn ông quần quật khiêng những tháp tắc cảnh (cây tắc, cây quất, cây hạnh, tùy cách gọi từng vùng miền) cao hàng hai mét trái sây tròn khắp chung quanh từ dưới ghe lên bờ, từ sạp lên xe tải chở về nhà cho khách. Mấy anh thợ làm bánh người Mã Lai tóc râu đen bóng, cái mũi dọc dừa dưới đôi mắt sắc khéo léo cầm cục bột dẻo quật trên mặt bàn, cứ một lần quật là cục bột xòe mỏng ra như tấm lụa. Một đám trung niên bày bàn ra nhậu sớm bên lề đường đối diện, cầm micro với cái điện thoại hò hát rân trời. Sâu trong các hàng bông có người kéo mí võng quấn kín như con sâu nằm toòng teng bên hàng rào sắt bờ sông ngủ say sau một đêm mua bán. Ai làm việc gì thì miệt mài làm việc nấy, tách ra hổng thấy liên quan chút gì tới nhau, mà nhập lại thì rộn rã, vang lừng, náo nhiệt vui tươi, cả một trời xuân sắc, tết nhứt bừng bừng.

Đầu đường mấy chị gái bày một loạt ớt kiểng đủ màu. Có loại trái màu tím sẫm, màu đỏ, màu vàng chen nhau lúc ngúc trên nền lá xanh sẫm. Có loại trái ớt màu vàng chanh tròn xoe mới trông tưởng là trái sơ  ri.

Chị Ngọc bán ớt kiểng ở bến Bình Đông tới nay là tám năm. Mỗi chậu ớt đẹp như vầy bán có 25.000 đ. Nếu trồng trong cái sọ dừa được tỉ mẩn đánh bóng như vầy thì thêm 5.000 đ nữa.

Kế bên là bông giấy. Năm nay mưa nhiều mà bông giấy đẹp hết sức, cánh mềm và dày bóng như lụa chớ không xác xơ mỏng quẹt như “giấy”. Màu tím nhạt quá phổ thông không được ưa chuộng mấy, màu cam mấy năm trước rất mới lạ nay cũng nhường hàng. Năm nay màu đỏ điều lên ngôi. Có những chậu bông giấy người trồng khéo tay chen một xíu bông trắng vô làm nền cho màu điều, cả hai bên cạnh nhau đều bật nổi ngời ngời.

Nhà vườn nào khéo mang lên một cây bông giấy cao đâu gần bốn mét, toàn thân là một bó hoa bừng cháy rực rỡ. Cả một con đường phơi đủ sắc hoa, chỉ duy nhất một cây bông giấy này cao bật lên tươi rói. Màu đỏ tuyệt đẹp vừa tươi thắm, vừa đủ đằm để không một chút chói mắt nào ngay cả giữa cái nắng ban trưa. Vừa mở miệng trầm trồ khen cây bông quá đẹp tôi đã nghe tiếng một chị hưởng ứng ngay bên cạnh: “Mình mà có một cây bông giấy vậy ở nhà mình nhìn quài luôn, ngắm quài luôn, nhịn đói luôn, khỏi ngủ cũng được”.

“Nhịn đói thiệt luôn hả?” –Tôi quay sang vừa trêu chị một câu thì nghe thấy một tràng tiếng cười giòn giã sau lưng một anh mặt cũng hơn hớn đang phóng xe đi mất.

Năm nay là năm con heo nên nhiều nhà vườn cũng tranh thủ tạo hình con heo trong cây kiểng. Như cây dừa con này, phần sọ dừa được mài bóng rồi thêm tai thêm mắt khá ngộ nghĩnh.
Có người phun nhũ vàng lên khắp trái dừa bông to rồi vẽ thêm mấy bông mai, bông đào trang trí, cùng vài câu chúc tết trông cũng lạ và hay.

Cô Bưởi cũng ở Cái Mơn. Nhà bán bông tết ở chợ Bình Đông ba năm rồi nhưng năm nay cô mới theo ghe lên tới đây. Cái nón có bèo màu đỏ làm gương mặt cô trông như một bông hoa.

Người bán bông ở bến thường đã bán quen nhiều năm. Thuê ghe chở bông lên đây, ghe cà dom lớn nhất chở được 1.000 cây tắc lớn. Giá 30 triệu/chuyến, ghe này có hai ba chủ thuê chung. Bán xong ngày nào về ngày đó, nếu hàng còn nhiều, họ bán tới trưa 30 tết mới dọn. Người thì lên xe đò, người thì theo ghe về lại Cái Mơn. Ghe nhỏ hơn đi hết một ngày rưỡi, về tới quê đã là trưa mùng 1 đầu năm, kiểm tiền lời xong mới bắt đầu xả hơi ăn tết. Còn ghe cà dom lớn này đi có một ngày, nhưng về tới quê cũng đã là sáng mùng một rồi.

Năm nay bông và cây kiểng không nhiều loại mới. Ngoài những loại cây kiểng hoặc bông truyền thống như mai, hạnh thường được tạo dáng tháp; cúc, vạn thọ chỉ cần ú nụ và vàng ươm, hay cây trúc vạn niên thường được đeo tua đỏ hoặc bao lì xì…, hầu hết đều được để dáng tự nhiên. Thấy rõ nhà vườn-người sản xuất không đưa ra được các loại cây mới hay tạo dáng mới để thu hút người mua. Có mỗi một sạp bán thí nghiệm cây vú sữa nhỏ xíu cao chừng ba tấc nhưng cũng đơm trái tròn nụm, nhỏ bằng cái chén tống bàn trà nhưng không thấy ai hỏi, chắc tại dáng cây gầy guộc không toát lên không khí no ấm sung túc. Nhà vườn cũng đặt đại mấy chậu vú sữa ở một xó chớ không buồn chưng ra cho thiệt bắt mắt người đi ngắm.

Ngoài tạo dáng và màu sắc, tên gọi cũng phải đánh trúng tâm lý ước ao sung túc  thì mới hy vọng bán được. Ngó thấy mấy cây củ cải đỏ nhìn mắc cười, tôi hỏi thử thì anh bán hàng trịnh trọng nói nó là cây “hồng phát”,  80.000 đ/chậu. Tên thiệt đẹp, năm mới mà vừa đỏ vừa phát thì người Việt nào hổng ham, nhưng tội nghiệp cái cây, màu nó chỉ hồng tím lạt lạt, lá lại hơi quăn queo. Chứ ai mà lai giống được cho đỏ au còn lá thì xanh rờn to bản thì loại “hồng phát” củ cải này bán chạy phải biết.

Năm ngoái có cây “kim ngọc mãn đường”, có lẽ do trái nhỏ, tròn xoe và đỏ tươi kết từng chùm rất đẹp, năm nay không thấy mấy. Mà rộ lên bông giấy đỏ điều như đã nói. Có lẽ người chơi kiểng cũng thực tế hơn nhiều, bông giấy dễ trồng và ưa nắng, chơi tết xong chỉ cần chăm bón chút xíu lại có bông tươi quanh năm.

Những chiếc ghe mang cả miền quê lên cho dân Sài Gòn xa xứ. Những cái mui chằm bằng lá buông khiến người ta bùi ngùi nhớ quê, nhớ ngôi nhà cũ. Nước da sạm nắng dãi dầu của những người nông dân khiến người ta nhớ mẹ nhớ cha, nhớ đám bạn lên năm lên ba cởi truồng đánh lộn. Cây cầu bắc từ bờ lên ghe chỉ có một thanh gỗ, nay có người thay bằng cầu tôn như vầy, nhưng trời mưa chắc dễ trơn trợt. Người bán cũng không chỉ là những nông dân nhìn đã biết suốt ngày lăn lộn ngoài vườn, mà có cả thế hệ con cháu đi học, những thanh niên mặt mũi sáng trưng, tay chân mảnh khảnh, vừa cầm cái smartphone lướt facebook vừa coi hàng. Người mua thấy cưng quá giơ điện thoại chụp hình thì lỏn lẻn cười trông thương gần chết.

Chợ bông Tết Bình Đông còn là nơi để người ta tới để gặp nhau, tận hưởng cái không khí bình yên bên nhau giữa cuộc sống cứ cuốn vội người đi.

Bên này đường là cây kiểng và bông tươi ngời cắm rễ sâu trong đất, bên kia đường là cây vàng lá bạc, lấp lánh ánh ngân nhũ, cắm điện vô thì xoay từ từ và phát sáng. Hổng sao, cây nào cũng có người mua. Tết mà, ai cũng rộng rãi, cũng dễ dàng. Chan chứa niềm vui cho nhau để ước mong một năm mới bình an.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/binh-dong-tet-flower-market-02042019081900.html

 

Nguồn tin từ VN: ‘Khả năng cao’ thượng đỉnh

Trump-Kim ở Đà Nẵng; tiền trạm Mỹ đã hiện diện

Một nguồn tin làm việc tại phái bộ ngoại giao Mỹ ở Việt Nam hôm 3/2 xác nhận với VOA rằng tin tức của CNN nói cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kimp sẽ diễn ra ở Đà Nẵng là “thông tin đáng tin cậy”.

Vào tối 31/1, giờ Washington, CNN dẫn lời các nguồn thạo tin nói rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un đang lên kế hoạch gặp nhau ở Việt Nam vào cuối tháng 2.

Bản tin nói thông tin được cung cấp bởi một quan chức cấp cao trong chính quyền ông Trump và một nguồn tin thứ hai cũng biết về vấn đề này.

Hai nguồn tin không tiết lộ danh tính nói với CNN rằng cuộc gặp thượng đỉnh thứ hai giữa tổng thống Mỹ và lãnh tụ Triều Tiên được lên kế hoạch sẽ diễn ra ở thành phố Đà Nẵng của Việt Nam.

Cuộc gặp đã được chốt lại. Ông ấy [King Jong Un] mong đợi nó. Tôi mong đợi nó

Tổng thống Mỹ Donald Trump

Nguồn tin từ Việt Nam đề nghị ẩn danh cho VOA biết phái bộ Mỹ đã cử người đi khảo sát sơ bộ ở Đà Nẵng, và sẽ có đoàn tiền trạm của Nhà Trắng gồm hàng chục người đi tới thành phố biển miền trung Việt Nam trong vài ngày ngay trước giữa tháng 2.

Tuy nhiên, nguồn tin ở Việt Nam nói với VOA rằng người này chưa có thông tin chính xác về ngày giờ cụ thể của cuộc gặp thượng đỉnh.

Mới đây, trong một cuộc trả lời phỏng vấn được phát trên kênh CBS ở Mỹ hôm 3/2, Tổng thống Donald Trump nói ngày giờ và địa điểm của cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới giữa ông và lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un “đã được nhất trí”, và có thể sẽ được công bố trước hoặc trong bản Thông điệp Liên bang mà ông sẽ được đọc hôm 5/2.

“Cuộc gặp đã được chốt lại. Ông ấy [King Jong Un] mong đợi nó. Tôi mong đợi nó”, tổng thống Mỹ nói trong chuyên mục “Face the Nation” (Đối diện với quốc gia) của đài CBS.

Ông Trump nói thêm rằng ông thấy có “khả năng cao” sẽ đạt được thỏa thuận với Triều Tiên về phi hạt nhân hóa.

Trong khi đó, vào tối 3/2, một quan chức cấp sở của Đà Nẵng nói với VOA rằng phía thành phố chưa nhận được công hàm chính thức từ phía Mỹ về vấn đề này và cũng chưa đón tiếp đoàn tiền trạm nào.

Quan chức không muốn nêu tên nói thêm rằng nếu Đà Nẵng được chọn, chính quyền thành phố “sẵn sàng” làm chủ nhà cho sự kiện quan trọng này.

https://www.voatiengviet.com/a/nguon-tin-vn-kha-nang-cao-thuong-dinh-trump-kim-dien-ra-o-danang/4771462.html

 

Hỗn loạn số liệu kiều hối trong giới chóp bu

Phạm Chí Dũng

Sau năm 2017 im thít mà không dám công bố số tổng kiều hối về Việt Nam bị lao dốc thê thảm từ mức đỉnh 13,2 tỷ USD của năm 2015, có lẽ giới chóp bu Việt Nam đã ‘rút kinh nghiệm sâu sắc’ khi năm 2018 chấm dứt một chu kỳ lê lết mỏi mệt trong nỗi căng thẳng thường trực phải đào bới bằng được những nguồn ngoại tệ còn lại để trả nợ cho nước ngoài.

Nguyễn Phú Trọng nói theo… Ngân hàng Thế giới

Lần này, đích thân ‘Tổng chủ’ Nguyễn Phú Trọng xuất đầu lộ diện. Trong một bài phát biểu tại sự kiện có tên “Xuân quê hương 2019” ở Hà Nội, ông Trọng thông báo rằng người gốc Việt sinh sống tại các nước trên thế giới gửi về Việt Nam gần 16 tỷ đôla trong năm 2018 và không quên nhấn mạnh rằng con số đó “tăng gấp hơn 100 lần so với năm 1993”.

Có thể cho rằng đây là lần đầu tiên Nguyễn Phú Trọng thông tin công khai về số kiều hối tổng – sát với thời điểm lần đầu tiên ông Trọng hào hứng khoe thành tích của đội tuyển bóng đá Việt Nam tại Cúp bóng đá châu Á.

Tuy nhiên, sự thể tréo ngoe là trong khi ‘Tổng chủ’ nói về số kiều hối quốc gia gần 16 tỷ USD của năm 2018 thì lại chẳng có bất kỳ cơ quan quản lý kinh tế nào của chính phủ như Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng nhà nước… chịu công bố số kiều hối này cho đến nay.

Trong lúc đó, con số kiều hối ‘gần 16 tỷ USD’ từ miệng ông Trọng chỉ đến từ… Ngân hàng Thế giới.

Không hiểu vì lý do hay động cơ nào mà trong hai năm 2017 và 2018, trong lúc các cơ quan ‘có trách nhiệm’ của Việt Nam vẫn như cấm khẩu thì Ngân hàng Thế giới lại đều đặn công bố “Năm 2017, kiều hối gửi về Việt Nam đạt 13,8 tỷ đô la, tăng 16% so với năm 2016 và cũng đã là mức cao kỷ lục của đất nước” và “Việt Nam đã nhận tổng cộng 15,9 tỷ đô la kiều hối trong năm 2018”.

Ngay lập tức, các tờ báo đảng và ‘thân đảng’ ở Việt Nam dẫn tin từ Ngân hàng thế giới để khoa trương thành tích nhờ có nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác về người Việt Nam ở nước ngoài và các chính sách nhân văn nhân bản của đảng và nhà nước ta mà Việt Nam đã thu hút được ngày càng nhiều kiều hối từ ‘khúc ruột ngàn dặm’ hay từ ‘kiều bào ta’.

Khi cơ quan ‘ăn bám’ lên tiếng

Trong lúc con số kiều hối 15,9 tỷ USD về Việt Nam năm 2018 do Ngân hàng Thế giới công bố còn đang gây nghi ngờ rất lớn về tính sai sót thống kê và cả tính trung thực lẫn động cơ chính trị của nó, thì một cơ quan của Việt Nam lại phóng vọt kết quả kiều hối năm 2018 lên tới… 18,9 tỷ USD !

Nhưng vẫn không phải những cơ quan chuyên trách hoặc có lên quan phần hành thống kê kiều hối như Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng nhà nước…, mà cơ quan phát ra con số 18,9 tỷ USD trên lại là Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài: https://nhipcaudautu.vn/thuong-truong/gan-19-ti-usd-kieu-hoi-do-vao-dau-3327429/

Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài là cơ quan bị nhiều Việt kiều đánh giá là ‘vô tích sự’ và ‘ăn bám’ vì chỉ biết nói theo đảng mà không có nổi một chính kiến về chính thể Việt Nam Cộng Hòa và những hỗ trợ mang tính thực tế cho ‘trí thức kiều bào ta’ dụng võ ở Việt Nam.

Song cũng tương tự như Ngân hàng Thế giới khi công bố số kiều hối về Việt Nam trong hai năm 2017 và 2018, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài chỉ phát ra con số duy nhất về lượng kiều hối về Việt Nam năm 2018 mà không trưng ra được một liệt kê chi tiết nào cần có về cơ cấu khu vực và quốc gia trên thế giới gửi kiều hối về Việt Nam, cơ cấu khu vực và ngành nghề ở Việt Nam nhận kiều hối, phương pháp tính kiều hối của Ngân hàng Thế giới…

Độ chênh giữa hai con số của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và Ngân hàng Thế giới và ‘Tổng chủ’ Trọng lên tới 3 tỷ USD. Trong khi đó, các cơ quan quản lý kinh tế Việt Nam vẫn ‘câm như thóc’.

Kiều hối thực chất là bao nhiêu?

Mới đây, một thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM đã công bố trong năm 2018, Sài Gòn nhận được 5 tỷ USD kiều hối, thấp hơn con số năm 2017 là 5,2 tỷ USD. Cơ quan này cũng xác định về cơ cấu địa phương tiếp nhận kiều hối năm 2018: Sài Gòn nhận khoảng 50% trong tổng số kiều hối về Việt Nam.

Sự thừa nhận trên cho thấy ngay cả Sài Gòn – bị giới chóp bu Hà Nội xem là ‘con bò sữa’ để tha hồ vắt kiệt sức dân và doanh nghiệp – cũng đã lần đầu tiên bị giảm kiều hối sau nhiều năm.

Như vậy nếu căn cứ vào con số 5 tỷ USD của Sài Gòn và tỷ lệ 50% mà Sài Gòn thường chiếm trong tổng lượng kiều hối của cả Việt Nam, con số tổng kiều hối về Việt Nam trong năm 2018 chỉ vào khoảng 10 tỷ USD chứ không thể lên đến 15,9 tỷ USD như Ngân hàng Thế giới công bố hay 18,9 tỷ USD như Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài ‘vẽ’.

Nhưng con số 10 tỷ USD trên vẫn có thể là lạc quan, bởi phản ánh chung của báo chí và giới chuyên gia tài chính là trong những năm gần đây, kiều hối đổ về Việt Nam có khuynh hướng ngày càng tập trung về Sài Gòn – nơi có hàng triệu gia đình có thân nhân ở nước ngoài, chủ yếu từ thị trường Hoa Kỳ (chiếm 55-60% tổng kiều hối từ các nước gửi về Việt Nam), trong khi giảm mạnh ở tỉnh thành khác. Nếu tỷ lệ kiều hối về Sài Gòn vượt trên 50 – 60% nhưng vẫn giữ giá trị tuyệt đối là khoảng 5 tỷ USD thì dĩ nhiên con số tổng kiều hối quốc gia sẽ phải giảm dưới mức 10 tỷ USD.

Cho đến nay, ngay cả một số tờ báo nhà nước cũng nghi ngờ rằng nếu Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước cho rằng kiều hối về Sài Gòn chiếm khoảng 50% tổng lượng kiều hối cả nước, con số kiều hối tối đa mà Việt Nam nhận được trong năm 2018 chỉ khoảng 10 tỷ USD chứ làm sao được ‘vẽ’ đến 15,9 tỷ USD như công bố của Ngân hàng Thế giới?

Nói cách khác, giữa Ngân hàng Thế giới và chính quyền Việt Nam liệu có tồn tại âm thầm một thỏa hiệp chính trị nào để tô hồng cho chế độ độc đảng này? Liệu Ngân hàng Thế giới có tiếp tay, hoặc đã có một hành động hoàn toàn không khách quan và trung thực, cho chính thể độc trị ở Việt Nam khi nêu ra con số thống kê lượng kiều hối về Việt Nam năm 2018 lên đến 15,9 tỷ USD?

‘Nghề của chàng’

Sau hơn hai chục năm duy trì xu hướng tăng liên tục, hiện tượng rất đáng chú ý là vào năm 2016, lần đầu tiên dòng kiều hối bị khựng lại, suy giảm rất mạnh và báo hiệu về dòng kiều hối này sẽ đảo chiều trong những năm tới.

Trong hai năm 2017 và 2018, số kiều hối về Việt Nam rất có thể đã giảm thê thảm, chỉ còn khoảng 7-8 tỷ USD.

Nhưng ở Việt Nam, dối trá lại là ‘nghề của chàng’. Một chế độ mà toàn ‘chế’ ra những con số tô hồng và đánh bóng nhưng chẳng có gì xác thực thì cái chân đứng của chế độ đó coi như là ‘xong’.

Cho tới nay, khả năng rõ ràng hơn cả là để bảo vệ thành tích ‘năm sau cao hơn năm trước’ của chế độ độc đảng độc trị, các cơ quan quản lý kinh tế của chính phủ đã đùn đẩy nhau để rốt cuộc không cơ quan nào dám chịu trách nhiệm công bố con số kiều hối tổng của hai năm 2017 và 2018 vì sợ khi công bố sẽ bị báo chí và dư luận xã hội truy vấn về nguồn gốc con số và cách thống kê, mà đẩy trách nhiệm công bố cho một cơ quan bị coi là vô tích sự là Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài.

Một trạng thái hỗn loạn về công bố và trấn an số liệu kiều hối đang bùng nổ trong giới chóp bu Việt Nam. Độ chênh về số liệu kiều hối giữa Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và ‘Tổng chủ’ Nguyễn Phú Trọng lên đến 3 tỷ USD không chỉ phản ánh tình trạng ‘loạn số liệu’ trong công tác quản lý điều hành đất nước, mà còn là một bằng chứng hỗn quân hỗn quan về tình trạng bất khả tin cậy về uy tín của giới lãnh đạo đương thời cùng cái sự thật ngân sách đang cạn kiệt ngoại tệ mà có thể vỡ nợ nước ngoài trong không bao lâu nữa.

https://www.voatiengviet.com/a/kieu-hoi-ngan-hang-trung-uong-so-lieu/4771708.html

 

Những đốm sáng

trước thời điểm ‘tống cựu, nghinh tân’

Trân Văn

Ở những ngày, những giờ cuối cùng của một năm cũ, giữa rừng thông tin chủ yếu vẫn là những chuyện đáng buồn về một xã hội càng ngày càng hỗn độn, đạo đức – văn hóa trở thành quí – hiếm, có ba điểm sáng le lói khiến người ta không quá tuyệt vọng trước thềm năm mới

Cướp được gọi là… anh!

Công an tỉnh Bình Dương vừa bảo với báo giới rằng, có lẽ họ sẽ đình chỉ điều tra về một vụ cướp xảy ra vào ngày 28 tháng 1 (24 tháng Chạp âm lịch) ở thị xã Thuận An theo đề nghị của… nạn nhân – cô Phan Thị Bích Tuyền.

Hôm ấy, trước khi về quê nghỉ Tết, Tuyền được nơi cô làm việc giao 100 triệu đồng để mang tới ngân hàng, gửi vào tài khoản của công ty. Trên đường, ba lô có 100 triệu đồng của công ty, cùng với bảy triệu đồng của riêng Tuyền, hai điện thoại di động và toàn bộ giấy tờ tùy thân bị một gã thanh niên cướp mất…

Dẫu đã khai báo về vụ cướp với công an nhưng giống như nhiều người khác, Tuyền tin, sau Tết, chính cô sẽ phải bồi thường cho công ty 100 triệu đồng mà cô được giao gửi vào ngân hàng…

Cuối ngày hôm đó, Tuyền được Công an phường An Phú, thị xã Thuận An nhắn đến nhận lại 100 triệu đồng và hai điện thoại di động. Không phải công an bắt được cướp, thu hồi lại số tài sản ấy để giao cho Tuyền. Chính gã thanh niên đã cướp ba lô của cô nhờ công an giúp anh ta…

Lá thư dài ba trang giấy, được viết nguệch ngoạc, đầy lỗi chính tả của kẻ thủ ác, giải thích tại sao anh ta đi cướp: Vợ sanh, hai vợ chồng không có tiền, phải vay “tín dụng đen”. Sát Tết, không có khả năng trả nợ, không muốn du đãng đến nhà siết nợ làm vợ suy sụp khi đang nuôi con chưa đầy ba tháng. Anh ta đi cướp…

Tên cướp không dè số tiền trong ba lô mà anh ta cướp được quá lớn! Khoản tiền 107 triệu đồng khiến tên cướp cảm thấy bất an vì có thể hành động của anh ta đã gieo đại họa cho người khác. Tên cướp quyết định nhờ công an trả lại 100 triệu, hai điện thoại di động, chỉ “mượn” bảy triệu để trả nợ, kèm lời hứa khi có thể “sẽ trả lại cho xã hội”.

Tên cướp xin nạn nhân thông cảm vì cướp xong, lục bóp lấy hết tiền. tên cướp đã vứt bóp cũng như toàn bộ giấy tờ tùy thân của nạn nhân vào thùng rác. Lúc phát giác trong ba lô còn 100 triệu nữa và quyết định hoàn lại số tiền này cho nạn nhân, tên cướp đã lục thùng rác, tìm lại bóp thì bóp đã mất…

Vụ cướp làm Tuyền mất bảy triệu nhưng cô đã viết đơn gửi công an, đề nghị đừng truy bắt “anh cướp”. Tuyền bảo, cô biết, người nghèo phải gánh chịu áp lực như thế nào khi vay “tín dụng đen”. Tuyền nhấn mạnh với báo giới là cô không oán, không trách “anh cướp”. Cô cầu mong “anh cướp” an lành trong năm mới (1)…

Chỉ xin đừng phạt!

Ông Phạm Ngọc Tuyền, tài xế xe buýt số 65 ở Sài Gòn xem điều ông và đồng nghiệp – tiếp viên Lâm Thị Kim Hoa, vừa làm tối 3 tháng 2 (29 tháng Chạp âm lịch) là tất nhiên. Ông Tuyền chỉ mong các viên chức hữu trách trong lĩnh vực vận chuyển hành khách công công đừng phạt vì ông chạy sai… tuyến, trễ giờ.

Một trong những hành khách mà ông Tuyền vận chuyển tối hôm đó là một phụ nữ quê ở Tây Ninh. Người phụ nữ này đang mang thai bảy tháng. Cô từ Tây Ninh lên Sài Gòn khám bệnh nhưng không đủ tiền nên phải quay về. Đến Bến xe An Sương thì cô đau bụng, cô tất tả đón xe buýt quay lại bệnh viện…

Ông Tuyền kể rằng, trong khi lái xe, ông nghe người phụ nữ gọi điện thọai cho vài nơi hỏi mượn tiền… ông đã cảm thấy chạnh lòng trước hoàn cảnh của cô, bụng mang dạ chửa, chỉ có một thân, một mình, cần vào bệnh viện mà không có tiền… Thế rồi người phụ nữ đột ngột đề nghị ông Tuyền ngừng lại, cô thấy không ổn vì bụng đau dữ dội…

Sợ phiền ông Tuyền, người phụ nữ muốn xuống xe buýt, đón taxi. Đến lúc đó, tiếp viên Lâm Thị Kim Hoa phát giác, thân dưới của cô đầy máu… Không chỉ ông Tuyền, bà Hoa mà những hành khách có mặt trên xe đều khuyên người phụ nữ ngồi lại trên xe vì khó mà có taxi nào chịu đón – đưa cô đến bệnh viện như vậy…

Ông Tuyền cho xe buýt đổi hướng, di chuyển đến bệnh viện gần nhất. xe ngừng ở Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh – quận 10, không chỉ có ông Tuyền, bà Hoa mà những hành khách có mặt trên xe đã cùng nhau chuyển người phụ nữ vào phòng cấp cứu. Ông Tuyền kể thêm, ông và các sinh viên là hành khách trên xe góp được một triệu đồng.

Một người mẹ có mặt trên xe bảo cô con gái: Có bao nhiêu hãy góp hết đi!… Cuối cùng, tổng số tiền mà tài xế, tiếp viên và hành khách trên chuyến xe số 65 đã góp trong tối 29 tháng Chạp âm lịch để giúp người phụ nữ đáng thương đã kể là bốn triệu đồng. Ai ở Việt Nam không biết, đa số những người đi xe buýt đều là người nghèo, thậm chí rất nghèo?

Những chiếc xe đột ngột dừng lại giữa đường

Cho đến sát giờ giao thừa, nhiều người sử dụng mạng xã hội Việt ngữ vẫn còn chuyển cho nhau xem status và những tấm ảnh mà Huan Phạm chia sẻ về một cảnh mà facebooker này chứng kiến ở cầu Ba Son – Thị Nghè, Sài Gòn: Một anh chàng kiếm sống bằng nghề giao hàng, sơ ý để số cam mà ah ta đang vận chuyển rơi tung tóe trên đường. Tết – ai cũng vội nhưng khi thấy anh chàng hối hả lượm cam, sợ xe cộ qua lại sẽ cán bẹp chúng, Huan tường thuật: Những người lái xe không chỉ dừng lại, một số người, có cả những người đang ngồi trong xe hơi đã bước ra khỏi xe, phụ anh chàng giao hàng lượm cam (3)…

***

Dẫu những đốm sáng trước thời khắc “tống cựu, nghinh tân” có thể vẫn còn làm người ta lấn cấn, chẳng hạn:

Tại sao hệ thống ngân hàng chỉ rót tiền cho các dự án vô bổ, chỉ cho một số doanh nghiệp vay để đầu tư vào các công trình hạ tầng giao thông theo hình thức BOT,… cuối cùng người nghèo phải dựa vào hệ thống “tín dụng đen”? Bao nhiêu người nghèo hiện là nạn nhân của hệ thống tàn tệ đang hoành hành trên khắp Việt Nam và gây ra đủ loại thảm cảnh này? Bao nhiêu dân lành vì thế mà trở thành “anh cướp”?..

Đất nước đã thống nhất gần năm thập niên, các nguồn lực quốc gia đã được sử dụng thế nào khiến chính sách an sinh xã hội vẫn chưa phải là chỗ dựa cho những công dân “thất cơ, lỡ vận” như người phụ nữ mang thai bảy tháng trên chuyến xe buýt số 65. Cuối cùng, sinh tồn vẫn trông vào từ tâm và chủ yếu là “lá rách đùm lá nát”?..

Song có lẽ đó sẽ là những chuyện bàn vào thời điểm khác. Năm mới đã đến, hãy để những đốm sáng le lói, lấp lánh tình người ấy vun vén hy vọng.

…Nhấc cao ly này. Hãy chúc ngày mai sáng trời tự do. Nước non thanh bình. Muôn người hạnh phúc chan hoà. Ước mơ hạnh phúc nơi nơi. Hương thanh bình dâng phơi phới!

Chú thích

(1) https://nld.com.vn/tin-doc-quyen/nan-nhan-bi-cuop-107-trieu-dong-mong-cong-an-khong-truy-bat-hung-thu-20190201122138439.htm

(2) https://tuoitre.vn/nhan-vien-hanh-khach-xe-buyt-gop-tien-dua-ba-bau-di-benh-vien-2019020410584497.htm

(3) https://www.facebook.com/huan.pham.562/posts/10157179727124917

https://www.voatiengviet.com/a/nhung-dom-sang-thoi-diem-tong-cuu-nghinh-tan/4771696.html

 

Mùa Xuân qua những ca khúc bất hủ

Thanh Phương

Bên cạnh ca khúc « Ly rượu mừng » ( mà đến đầu năm 2016 mới được cho phép hát ở Việt Nam ! ), cứ mỗi Tết đến, những ca khúc quen thuộc của mùa Xuân lại rộn ràng cất lên trong các chương trình văn nghệ mừng năm mới. Đại đa số các sáng tác bất hủ về chủ đề Xuân đều là những bài hát có từ trước năm 1975. Trước thềm năm mới Kỷ Hợi, hôm nay chúng tôi xin mời quý vị điểm qua một số bản nhạc Xuân tiêu biểu, với sự tham gia của giáo sư – nhạc sĩ Trần Quang Hải tại Paris.

Một trong những ca khúc xưa nhất về mùa Xuân, chắc ai cũng biết, đó là « Xuân đã về »(1950) của nhạc sĩ Minh Kỳ. Với giai điệu nhịp nhàng và tiết tấu rộn ràng, « Xuân đã về » miêu tả thật sống động cảnh vật mùa xuân trên cánh đồng quê Việt Nam. Nghe ca khúc này, ai cũng cảm thấy lòng phơi phới, yêu đời.

Và chắc cũng không ai mà không biết đến ca khúc vui tươi, rộn ràng không kém, đó là « Anh cho em mùa Xuân » của nhạc sĩ Nguyễn Hiền, phổ thơ Kim Tuấn :

Anh cho em mùa xuân, nụ hoa vàng mới nở

Chiều đông nào nhung nhớ

Đường lao xao lá đầy, chân bước mòn vỉa phố

Mắt buồn vịn ngọn cây…

Tuy ra mắt từ năm 1962, nhạc phẩm này vẫn được nhiều người ưa thích, và tiếp tục được nhiều ca sĩ trình bày, kể cả trong giới trẻ hiện nay. Bài hát được viết theo điệu tango, nhưng cũng nhiều người hát theo điệu Cha Cha Cha cho nó sôi động hơn.

Nhưng bên cạnh đó, có những ca khúc tuy không được phổ biến nhiều bằng, nhưng cũng là những sáng tác rất hay về mùa Xuân, như ghi nhận của nhạc sĩ Trần Quang Hải:

« Ví dụ như « Xuân Thôn Dã » hoặc « Xuân Miền Nam » của ông Văn Phụng cũng rất là hay, còn Hoàng Trọng cũng có một bài rất nổi tiếng, đó là bài « Gió Mùa Xuân Tới ». Một bài khác cũng được nhiều người biết đến, do nữ ca sĩ Thu Hương từng hát, đó là bài « Gái Xuân » của Từ Vũ, phổ thơ của thi sĩ Nguyễn Bính và sau này cũng được nhiều ca sĩ hát.

Còn bài « Mộng Chiều Xuân » của ông Ngọc Bích là một trong bài hát về Xuân theo điệu tango. Ngay như ông Phạm Đình Chương cũng có viết một bài vào năm 1953, đó là « Xuân Tha Hương ». Bài này cũng rất nổi tiếng, nhưng điệu nhạc hơi buồn, vì ông nói đến lúc mới di cư vào Nam, còn nhớ về quê mẹ, cho nên được viết theo cung thứ, buồn hơn là bài « Ly Rượu Mừng ».

Theo nhạc sĩ Trần Quang Hải, cố nhạc sĩ Phạm Duy cũng là một người có rất nhiều sáng tác về mùa Xuân, mà tiêu biểu là ca khúc « Xuân Ca »:

” Phạm Duy là người sáng tác rất nhiều bài Xuân nổi tiếng, như bài « Xuân Ca », được nhiều người hát, hay bài « Hoa Xuân » « Tuổi Xuân ». Nhưng có một bài mà tôi còn đặt nghi vấn là bài « Bến Xuân », viết chung với ông Văn Cao, nhưng trong tất cả các tài liệu, họ chỉ đề « Bến Xuân » là của Văn Cao. Theo tôi, bài này do cả hai người viết trước năm 1954. « Bến Xuân » là một bài hát rất hay, rất êm dịu, nhẹ nhàng, chứ không phải là nhạc tranh đấu “.

Đa số những ca khúc về mùa Xuân sáng tác trước năm 75 đều phản ánh một thời kỳ chiến tranh máu lửa và gắn liền với mùa Xuân là hình ảnh của anh chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa, theo ghi nhận của nhạc sĩ Trần Quang Hải.

Một số ca khúc Xuân trước năm 75 cũng phản ánh tâm trạng của người lính phải sống cảnh xa nhà trong những ngày Tết, vì họ phải ở lại tiền đồn heo hút để canh giữ cho người dân được đón năm mới trong thanh bình, mà tiêu biểu nhất chính là « Xuân này con không về »của nhạc sĩ Nhật Ngân, nhạc phẩm bất hủ vốn gắn liền tên tuổi của cố danh ca Duy Khánh. Nhạc sĩ Trần Quang Hải nhắc lại:

« Nhạc sĩ Nhật Ngân viết bài « Xuân này con không về » với dòng nhạc đặc biệt miền Trung, nhạc ngữ rất là miền Trung, âm giai cũng là miền Trung. Thành ra những người nào miền Trung khi hát thì đều làm thoát ra được cái hình ảnh đó, mà anh Duy Khánh là một trong những ca sĩ gốc miền Trung, có một giọng hát rất truyền cảm và gây ra một ảnh hưởng rất lớn trong giới tân nhạc Việt Nam.

Tôi nghĩ đó là một bài về mùa Xuân với một hình ảnh không có gì là hy vọng. Nói rằng « Xuân này con không về » có nghĩa là con phải ở lại đó, hoặc có thể là con bỏ thây nơi sa trường. Đó là những hình ảnh rất đẹp mà anh Duy Khánh đã lột tả được và đã đem bài đó đi khắp nơi trong miền Nam. Tôi thấy đó là một đóng góp rất lớn. »

Tuyệt đại đa số các nhạc phẩm nổi tiếng về mùa Xuân đều là sáng tác ở miền Nam trước năm 75, nhưng đặc biệt có một ca khúc của cố nhạc sĩ Văn Cao, ra đời sau thời điểm đó, trong nhiều năm tưởng đã bị chìm vào quên lãng, nhưng cuối cùng cũng được cho phép hát công khai và dần dần cũng trở thành bất hủ, đó là bài « Mùa Xuân Đầu Tiên », được Văn Cao sáng tác vào dịp Tết Bính Thìn ( 1976 ). Nhạc sĩ Trần Quang Hải kể lại số phận ba chìm bảy nổi của ca khúc này:

« Sau năm 75, tờ báo Sài Gòn Giải Phóng đặt ông Văn Cao viết bài đó và đăng đầu tiên trong số Xuân Sài Gòn Giải Phóng. Nhưng lúc đó, tất cả những bài hát của Văn Cao đều bị cấm. Cho tới gần 20 năm sau mới được hát trở lại. Ông có nói với người là Văn Thao : « Cha viết bài này là muốn mừng cho đất nước được thống nhất và nhân dân được đoàn tụ. Nhưng cái đó chỉ là ước mơ thôi, sau đó thì không được như thế.

Tới khi ông ấy mất vào ngày 20/07/1995, lúc đó tất cả nhạc của ông Văn Cao được hồi phục. Trong buổi lễ 49 ngày ông Văn Cao mất, có một người đứng ra hát « Mùa Xuân Đầu Tiên », được nổi tiếng từ đó, đó là ca sĩ Thanh Thúy, khi ấy mới 17 tuổi. Bài hát này sau đó được phổ biến rộng rãi ở Việt Nam, phần lớn là ở miền Bắc hơn là trong miền Nam. »

Cũng rơi vào buổi giao thời tương tự như « Mùa Xuân Đầu Tiên », đó là « Điệp Khúc Mùa Xuân », một bài hát có tiết tấu nhanh, nhưng vẫn dịu dàng, thích hợp với không khí vừa náo nức vừa mơ màng của những ngày Xuân, với niềm mong ước “tình xuân ơi xin dệt mối yêu thương, từ bao nhiêu năm tình sầu muôn hướng”. Nhạc sĩ Trần Quang Hải cho biết thêm vài chi tiết về sáng tác này của nhạc sĩ Quốc Dũng, một trong những người đầu tiên viết những ca khúc nhạc trẻ bằng tiếng Việt vào đầu thập niên 1970 ở miền Nam:

« Quốc Dũng đã sáng tác rất nhiều bài và đặc biệt là bài « Điệp Khúc Mùa Xuân », viết theo điệu nhạc kích động, sáng tác vào tháng 10/1974, nhưng được nổi tiếng vào thời gian sau 75, được người ở miền Nam hát rất nhiều. Bảo Yến, vợ đầu tiên của Quốc Dũng, đã hát bài này đầu tiên và sau đó được hàng chục ca sĩ khác nối tiếp nhau hát, tại vì bài này có tiết tấu phù hợp với sở thích của giới trẻ. Có thể nói đây là một trong những bài nổi tiếng nhất về mùa Xuân sau 75 tại Việt Nam.”

Chương trình đặc biệt đón Xuân Kỷ Hợi đến đây làm chấm dứt. RFI Việt ngữ rất cám ơn nhạc sĩ Trần Quang Hải tham gia vào chương trình và nhân đây xin chúc toàn thể quý vị thính giả một năm mới an khang thịnh vượng.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20190204-mua-xuan-qua-nhung-ca-khuc-bat-tu

 

Những bài thơ Xuân viết từ nhà tù

Thiện Ý

Sau khi phát hiện Mặt Trận Nhân Quyền Việt Nam bị công an gài người vào tổ chức, người viết đã tìm đường vượt biên ra nước ngoài và bị bắt vì tàu bị đâm vào cồn cát ngoài cửa biển ở Miền Tây (Tháng 10-1978). Sau vài tuần bị giam ở một ngôi đình trên một cù lao bên kia bến đò chợ Vĩnh Long, chúng tôi bị tách ra khỏi những người vượt biên cùng chuyến đưa vào khám lớn Vĩnh Long.

Sau này được biết là vì hiền thê của tôi nghe tin chuyến tàu vượt biên không thoát đã báo tin cho ông Chủ tịch Mặt trận Nhân Quyền Việt Nam Nguyễn Đình Phượng ở giáo khu Bình An. Từ đó, người “nằm vùng” trong tổ chức biết, nên công an cho người xuống Vĩnh Long tách tôi ra khỏi đám vượt biên, đưa qua nhà tù tỉnh Vinh Long giam một đêm, sáng sớm hôm sau đem tôi về Sài Gòn, đưa thẳng vào buồng giam tập thể số 7 nhà tù số 4 Phan Đăng Lưu gần chợ Bà Chiểu Gia Định.

Buồng giam số 7 là buồng giam tập thể duy nhất nằm tận cùng dãy nhà tôn dài có các phòng biệt giam của Khu C.2. Dãy nhà này nằm song song và cách khoản 2 mét sân láng xi măng với dãy nhà tôn dài phía ngoài với 6 buồng giam tập thể theo số thự tự 3, 4, 5 và 6.Sau khi công an dẫn giải bàn giao cho công an trại giam tại văn phòng ở đầu dãy, tôi được tháo còng số 8, dẫn tới cửa sắt duy nhất của buồng giam số 7. Lúc đó khoảng 10 giờ tối một ngày trong tháng 11-1978, các tù nhân trong phòng đã ngủ yên hay thức mà phải im lặng. Tôi thấy mọi người nằm xếp lớp giở đầu đuôi như cá hộp và nồng nặc hơi nóng vì đông người. Tôi được Trưởng buồng xếp cho một chỗ nằm ở góc phòng gần góc làm nơi vệ sinh tập thể cho tù nhân.

Buồng giam tập thể số 7 rộng khoảng 3 mét, dài 12 mét, nền láng xi măng, với một góc làm nơi vệ sinh tập thể ở góc nhà, ngăn cách với nền nhà ngủ cho khoảng 40 tù nhân bằng một tấm bê tông thấp. Nơi đây, chỉ có một vòi nước, một nhà cầu hở, không che kín. tôi không gặp ai quen biết trước, nay chỉ còn nhớ tên hai người vì gần gũi và có những kỷ niệm khó quên. Một là giáo sư Cao Xuân Linh, em ruột ông Cao Xuân Vỹ Thủ lãnh Thanh Niên Cộng Hòa và là người thân cận ông cố vấn Ngô Đình Nhu thời Đệ nhất VNCH.Hai là ông Trần Liễu, Thượng sĩ binh chủng nhẩy dù Quân lực VNCH. Sau này được biết giáo sư Cao Xuân Linh đã được gia đình bảo lãnh qua Hoa Kỳ, ở Nam California, chúng tôi có liên lạc nói chuyện điện thoại đôi lần và đã mất liên lạc từ lâu. Còn Ông Trần Liễu sau được biết cũng đoàn tụ với gia đình ở Houston, nhưng đã chết khi tôi chưa có dịp gặp lại, nên chỉ kể lại đôi điều lúc ở chung cho con trai Ông hiện vẫn đang sống ở Houston. Sau khoảng hơn một tuần sống ở buồng giam tập thể số 7, tôi được chuyển vào biệt giam số 6 cũng thuộc Khu C.2 nhà tù số 4 Phan Đăng Lưu. Biệt giam, với một cửa sắt chỉ có một cửa gió vừa đủ cho một khuôn mặt áp sát hít thở không khi trong giờ làm việc. Bên trong là một phòng giam ngang khoản hơn 1 mét, dài khoảng 3 mét, với một bệ xi măng cao là chỗ ngủ cho tù nhân. Phần nền thấp chạy từ cửa vào tường bên trong người tù gọi là “Phi đạo”, Vừa bước qua cửa ngay bên trái là một vòi nước và cầu tiêu, ngăn cách với bệ ngủ bằng một miếng bê-tông thấp. Sau giờ làm việc, cửa gió đóng lại, cả phòng ngập trong ánh sáng mờ của một bóng đèn ngủ trên trần cao có song sắt…

Tôi bị biệt giam khá lâu và bị gọi “làm việc” (hỏi cung) với chấp pháp liên tục ngày đêm và không được gia đình gặp mặt, gửi quà thăm nuôi cũng khá lâu. Cái Tết đầu tiên trong tù nằm 1979 với tôi lúc đó như không có Tết. Vì không được nhận quà Tết của gia đình như các tù nhân thâm niên, tôi chỉ ăn Tết với đồ ăn của nhà tù, chỉ khác đồ ăn thường ngày là cơm gạo hẩm thay bo-bo hay “bánh bao” (bột mì nhồi thành cục hấp như bánh bao không nhân, đặc và cứng, không mùi thơm) thêm vài miếng thịt lợn bạc nhạc khoảng vài đốt ngón tay lềnh bềnh trong canh rau muống nước nhiều hơn rau. Khi nghe vẳng đâu ngoài kia tiếng pháo Giao thừa nổ, tôi không khỏi chạnh lòng nhớ đến người vợ trẻ, đàn con thơ dại và mẹ già mà từ khi bị bắt tôi cố tìm cách quên đi để không bị suy sụp tinh thần; bùi ngùi thương cảm tôi đã tức cảnh nằm suy tư trong đầu “những vần thơ xuân nhớ vợ hiền”. Những vần thơ này tôi đã viết lại trong thư sau đó gửi về cho hiền thê, khi được phép trại giam viết thư về cho gia đình. Thơ rằng:

“Đêm Xuân nhớ vợ hiền”

Ngoài kia tiếng pháo Giao thừa nổ

Khuấy động hồn Anh giây phút thiêng

Thương về tổ ấm lòng vương vấn

Chắc hẳn giờ này Em vẫn trông?

Vâng Anh biết và cảm thông sâu sắc

Với nỗi lòng mơ ước của riêng Em.

Niềm phận tủi liễu đào khi xuân đến

Trước thềm Năm Mới!

Biết nói gì đây?

Thôi được rồi! Hỡi em yêu dấu!

Cố lên đi như đã gắng tự bao ngày,

Công lao ấy mai này Anh đền đáp.

Hãy nhìn kìa! Con mình đẹp biết mấy!

Đẹp tự Thiên thần,

Là Mùa Xuân Thần Thánh chấp cánh bay cao,

Là mùa xuân tự hào của tình yêu ta đó…

Phải không Em? Hỡi Em dấu yêu!

Sau khoảng 17 tháng biệt giam, hồ sơ vụ án Mặt Trận Nhân Quyền Việt Nam kết thúc một thời gian, tôi đã được đưa ra buồng giam tập thể số 5 đối diện với biệt giam số 6 nơi tôi bị biệt giam lâu nhất. Vì trong khoảng 17 tháng biệt giam ấy, có khi tôi phải di chuyển đến biệt giam nơi Sở Công an thành phố để làm việc ít tháng. Trong thời gian ở biệt giam số 6, tôi được biết một số đồng nghiệp luật sư niên trưởng của tôi cũng từng bị nhốt ở các buồng giam tập thể đối diện (như luật sư Trần Danh San, Triệu Bá Thiệp…) Biệt giam số 1 có luật sư Vũ Ngọc Truy (Mặt Trận Việt Nam Tự Do…) Thiếu Tá nhẩy dủ Nguyễn Văn Viên (em linh mục Nguyễn văn Vàng, Mặt Thận Liên Tôn, bị kết án tử hình…).

Tôi còn nhớ rõ sáng hôm ấy, khi cán bộ quản giáo trại giam đưa đến trước buồng giam tập thể số 5 anh em tù trong phòng ùa ra hỏi dồn dập “Mới bị bắt à? Tội gìTội gì?”. Tôi bình thản trả lời ngắn gọn “ 17 tháng biệt giam. Phản động”. Có người hoài nghi “Sao anh còn tươi thế”. Tôi đáp lại “vào đây không tươi thì héo à?”…

Thế là cái Tết năm 1980 tôi được hưởng một cái Tết tập thể với anh em bạn tù. Tôi đã xướng và yêu cầu anh em họa thành bài thơ xuân thứ hai trong tù. Đó là bài:

Vịnh mắm tôm (*)

Gần Tết sao mà lắm mắm tôm,

Anh nào anh nấy sực mùi thơm,

Ăn vào lại sợ lên cơn ngứa,

Sợ cả Lê Hiền nó “đánh bom”!(**)

Không chanh, không ớt, không hành tỏi,

Cơm nhạt lùa vào sao vẫn ngon,

Ai về cho nhắn con cùng vợ

Quà kết năm này nhớ mắm tôm!.

(*) Mắm tôm hay mắm ruốc ở đây không phải là nguyên chất mà là ngào với thịt heo băm ra là một trong những món ăn thông dụng cho người tù. Vì độ mặn giúp để lâu cho người tù dùng dần dần. Những món ăn thông dụng khác như thịt kho tiêu mặn, cá kho tiêu mặn, đồ ăn nào cũng mặn vừa để lâu được, vừa đỡ tốn đồ ăn….

(**) Câu thơ này là một “điển tích” trong buồng tù lúc bấy giờ. Đó là có một người tù tội kinh tế tên Lê Hiền. Anh này thiếu nhiều răng nên nhai bo-bo và thức ăn không nhuyễn được, nên khi “trung tiện” toát ra một mùi hôi khó chịu trong một buồng giam chật chội, nóng nực hơi người, làm anh em “Sợ cả Lê Hiền nó đánh bom” là vậy.

Trong ít tháng ở buồng giam tập thể số 5 do một Thiếu tá quân đội nhân dân tên Tích, bị tù vì tham nhũng, làm Trưởng buồng, tôi và các bạn tù ở đây chắc không thể quên Tiến sĩ Phan Văn Song (Tiến sĩ kinh tế tốt nghiệp ở Pháp, Nguyên Tổng giám đốc hãng bia Con Cọp) ở chung buồng lúc đó về tài kể chuyện hấp dẫn của anh. Sau bữa ăn chiều, anh em tù đều mong chờ đến giờ kể chuyện của Ts Phan Văn Song để tìm niềm vui trong song sắt, giúp quên đi những ngày đêm dài không biết ngày mai của thân phận một người tù không tuyên án. Một trọng những chuyện Ts Song kể không thể nào quên là “Người tù khổ sai Papillon”. Năm 2017, người viết có dịp gặp lại tiến sĩ Phan Văn Song ở Houston sau 37 năm xa cách (1980-2017). Ông hiện sinh sống tại Pháp, có nhiều bài viết cổ súy cho dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam. Trong quán cà-phê “Ông Già” ở khu Saigon Plaza trên đại lộ Bellaire vùng Southwest Houston, chúng tôi có địp hàn huyên và tôi đã không quên nhắc lại bài thơ xuân “Vịnh mắm tôm” năm nào của tập thể anh em tù nhân buồng giam tập hể số 5 Khu C.2 nhà tù nổi tiếng Phan Đăng Lưu, trong đó, vào lúc đó, cho đến bây giờ vẫn còn là nơi giam giữ những người yêu nước bất đồng chính kiến đã đấu tranh cách này cách khác cho tự do, dân chủ, nhân quyền với mục tiêu tối hậu là dân chủ hóa đất nước.

Sau ít tháng ở buồng giam tập thể số 5, tôi được chuyển qua nhà tù Chí Hòa, cùng chuyến với linh mục Nguyễn Văn Vàng (Mặt Trận Liên Tôn, bị kết án chung thân, cùng với em là Thiếu tá nhẩy dù Nguyễn Văn Viên bị kết án tử hình). Chúng tôi ở chung buồng giam tập thể F.11 khoảng một tháng thì bị đưa đi lao động cải tạo ở trại tù K.1 Z.30D Hàm Thân Thuận Hải cho đến khi được trả tự do vào cuối năm 1981. Còn Linh mục Nguyễn văn Vàng bị đưa đi đâu sau đó, sống chết ra sao tôi không rõ. Sau này được biết Cha đã chết trong tù từ lâu rồi.

Houston,Giáp Tết Kỷ Hợi 2019

https://www.voatiengviet.com/a/nhung-bai-tho-xuan-viet-tu-nha-tu/4771843.html