Tin Việt Nam – 04/01/2018
Ông Phan Văn Anh Vũ
bị Singapore trục xuất về Việt Nam
Ông Phan Văn Anh Vũ, biệt danh Vũ ‘nhôm’, đang bị Bộ Công An Hà Nội giam giữ, sau khi Singapore trục xuất ông này về Việt Nam vào chiều ngày 4 tháng Giêng.
Bộ Công An Việt Nam ra thông cáo cho biết đã tiến hành tiếp nhận bắt bị can Phan Văn Anh Vũ và tiến hành công tác điều tra theo qui định của pháp luật. Ông này bị đưa về nước trên chuyến bay của Hãng Hàng Không Quốc Gia Việt Nam-VietnamAirlines, và chiếc máy bay đáp xuống sân bay Nội Bài lúc sau 15:30 phút.
Phía Singapore nói rằng ông Phan Văn Anh Vũ vi phạm Luật Di Trú của nước này và đã bắt giữ ông Vũ vào cuối tháng 12 vừa qua khi đương sự đang tìm cách sang Malaysia.
Truyền thông trong nước dẫn lời Bộ Nội Vụ Singapore rằng ông Phan Văn Anh Vũ từng ra vào tiểu quốc này bằng hai hộ chiếu Việt Nam khác nhau; trong đó có một hộ chiếu không đúng nhân dạng. Ông này còn sở hữu thêm một hộ chiếu thứ ba.
Theo Thông báo của Bộ Nội Vụ Singapore mà một số cơ quan truyền thông trong nước có được thì trong lần nhập cảnh mới nhất vào Singapore, ông Phan Văn Anh Vũ đã khai báo sai sự thật với Cục Xuất Nhập Cảnh & Cửa Khẩu Singapore (ICA). Tình trạng này cũng như các lần trước khi ông này vào Singapore.
Phía Singapore hoàn tất điều tra về ông này và áp dụng hình thức ‘cảnh cáo nghiêm khắc’ thay vì ‘truy tố’ đương sự. Ngoài ra Cục Xuất Nhập Cảnh & Cửa Khẩu Singapore đã hủy ‘visit pass’ của ông Phan Văn Anh Vũ, đồng thời trục xuất ông khỏi Singapore theo qui định trong Luật Di Trú nước này.
Một chi tiết khác được cho biết là ông Phan Văn Anh Vũ bị truy nã theo Cảnh báo đỏ của Interpol do chính phủ Việt Nam ban hành.
Ông Phan Văn Anh Vũ, biệt danh Vũ ‘nhôm’, là một đại gia bất động sản và cũng là một thượng tá an ninh Việt Nam. Vào ngày 21 tháng 12, ông bị khởi tố về tội ‘Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước Việt Nam’ theo điều 263 Bộ Luật Hình sự năm 1999.
Sang ngày 22 tháng 12 năm 2017, ông Vũ bị Chính phủ Hà Nội phát lệnh truy nã. Đến ngày 28 tháng 12, tờ Strait Times loan tin ông bị bắt tại Singapore khi đang tìm đường sang Malaysia.
Ông Phan Văn Anh Vũ, 42 tuổi, ngụ tại thành phố Đà Nẵng, là Chủ tịch Hội đồng Quản Trị Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79; Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Nova Bắc Nam 79; Chủ tịch Hội Đồng Thành viên The Sunrise Bay Đà Nẵng. Ngoài ra, ông này còn sở hữu cổ phẩn trong nhiều dự án khác tại Việt Nam.
Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 là công ty mua nhiều nhà công sản hóa giá nhất ở Đà Nẵng trong thời gian qua. Bản thân ông Vũ ‘nhôm’ là chủ sở hữu của nhiều lô đất được gọi là vàng tại trung tâm thành phố Đà Nẵng.
Vừa qua nguyên bí thư thành ủy Đà Nẵng, Nguyễn Xuân Anh, người bị kỷ luật cách chức có liên quan đến việc nhận nhà của Vũ ‘nhôm’.
45 năm quan hệ Singapore và Việt Nam
Bộ Công an Việt Nam hôm 4/1 chính thức thông báo đã “tiếp nhận bắt bị can Phan Văn Anh Vũ” sau khi bị Singapore trục xuất.
Bàn tròn thứ Năm: Ông Vũ ‘Nhôm’ về VN – hệ lụy và bình luận
VN: ‘Báo chính thống lẽo đẽo theo mạng xã hội’
Phan Văn Anh Vũ ‘bị giữ’ ở Singapore
Ông Anh Vũ ‘lo lắng cho an toàn cá nhân’
Ông Anh Vũ, doanh nhân sinh năm 1975, bị Việt Nam truy nã từ hôm 21/12 sau quyết định khởi tố ông vì hành vi “cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước”.
Singapore xác nhận đã tạm giữ ông Singapore từ hôm 28/12.
Cục di trú Singapore (ICA) hôm 4/1 có thư gửi luật sư của ông Anh Vũ, Remy Choo, giải thích vì sao họ xem ông Vũ vi phạm luật di trú.
“Thân chủ của ông nhập cảnh vào Singapore với hộ chiếu không đúng tên thật của mình.
Chính phủ Việt Nam đã thông báo cho Chính phủ Singapore rằng hộ chiếu này là giả, mang danh tính giả.
Ông ta cũng mang một hộ chiếu Việt Nam với tên thật của mình.
Ngoài ra, thân chủ của ông đã khai báo sai lạc khi vào Singapore. Thân chủ của ông cũng là đối tượng truy nã với thông báo “Đỏ” cho Interpol về tội đã vi phạm ở Việt Nam.”
Lá thư nói Singapore quyết định trục xuất ông Vũ dựa theo Luật di trú.
Một thông cáo khác của Bộ Nội vụ Singapore cho biết thêm rằng ông Vũ có ba hộ chiếu, trong đó có hai hộ chiếu Việt Nam.
Thông cáo này xác nhận lại ông Vũ vào Singapore dùng một hộ chiếu tên giả, đồng thời có một hộ chiếu Việt Nam dùng tên thật.
Bộ Nội vụ Singapore nói ông Vũ từng dùng hai hộ chiếu Việt Nam này vào Singapore trước đây.
“Ông cũng sở hữu một hộ chiếu thứ ba. Trong lần vào Singapore mới nhất, cũng như những lần vào trước đây, ông ta đã có khai báo sai với Cục di trú,” thông cáo này nói.
Nhân vụ việc, BBC nhìn lại quan hệ gần đây giữa hai nước Việt Nam và Singapore.
Đối tác lớn
Cuối tháng 11/2017, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân thăm Singapore.
Việt Nam nói chuyến đi này nhằm tiếp tục củng cố hơn nữa quan hệ Đối tác Chiến lược với Singapore có từ 2013.
Đó là chuyến thăm lần đầu của một Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đến Singapore sau 14 năm, kể từ chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An năm 2003.
Singapore là đối tác thương mại lớn thứ chín và là nhà đầu tư lớn thứ ba tại Việt Nam.
Việt Nam vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn thứ 11 của Singapore.
Mới nhất hôm 2/1, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đồng ý tăng vốn từ 875 triệu USD lên 2 tỷ USD và bổ sung thêm hoạt động kinh doanh casino ở Khu nghỉ dưỡng Laguna Lăng Cô (Thừa Thiên Huế) do Tập đoàn Banyan Tree (Singapore) làm chủ đầu tư.
Ông Nguyễn Xuân Phúc thăm khu nghỉ dưỡng Laguna Lăng Cô tọa lạc trên địa bàn huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế hôm 2/1.
VTV trích thuật rằng Thủ tướng Việt Nam nhất trí với chủ trương tăng vốn đầu tư lên 2 tỷ USD và đầu tư kinh doanh casino cho dự án Laguna Lăng Cô.
Sớm ký Hiệp định dẫn độ?
Việt Nam và Singapore chưa có hiệp định dẫn độ song phương.
Khi thăm Singapore, bà Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị hai nước sớm đàm phán, tiến tới ký kết các hiệp định dẫn độ song phương, hiệp định chuyển giao người bị kết án phạt tù.
Bà cũng đề cập việc xem xét đàm phán, tiến tới ký kết Hiệp định hợp tác lao động giữa hai nước.
Vào năm nay, 2018, hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Hồi năm 2016, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Singapore đã ký Thỏa thuận về chương trình nghiên cứu và chương trình nghiên cứu dành cho cán bộ cao cấp Đảng Cộng sản Việt Nam giai đoạn 2017-2019.
Việt Nam hiện có 93 dự án đầu tư tại Singapore với tổng vốn là 235 triệu USD, đứng thứ 12/72 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư của Việt Nam tại nước ngoài.
Các dự án Việt Nam tập trung vào các lĩnh vực dầu khí, khai khoáng, bán lẻ, dịch vụ, công nghệ thông tin, logistics.
Tuy vậy, hai nước chưa có Hiệp định, thoả thuân về hợp tác nông nghiệp hay công nhận lẫn nhau về chứng nhận hợp chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-42555989
Bộ Công an đã ‘tiếp nhận’ Vũ ‘nhôm’
Bộ Công an Việt Nam chiều 4/1 phát đi thông báo chính thức cho biết đã “tiến hành tiếp nhận bắt bị can Phan Văn Anh Vũ” [còn gọi là Vũ “nhôm”].
Trước đó vài giờ, Bộ Nội vụ Singapore (MHA) nói trùm bất động sản Việt Nam Phan Van Anh Vu đã bị trục xuất xuất khỏi Singapore.
Luật sư Choo Zheng Xi, người đại diện cho ông Vũ ở Singapore, nói với The Straits Times rằng ông Vũ đã rời khỏi Singapore vào khoảng gần 2 giờ chiều, trên một chuyến bay về Việt Nam.
Máy bay chở ông Vũ đến sân bay Nội Bài vào lúc 3:40 chiều cùng ngày, theo nguồn tin của Tuổi Trẻ.
Trong tuyên bố ngày 4/1, Bộ Nội vụ Singapore cho biết Cục Quản lý xuất nhập cảnh (ICA) của nước này đã hoàn tất việc điều tra ông Phan Văn Anh Vũ, 42 tuổi, và ông Vũ đã nhận một “cảnh báo nghiêm khắc” thay vì bị truy tố.
ICA cũng đã hủy bỏ tài liệu thông hành của ông Vũ và trục xuất ông ra khỏi Singapore theo Đạo luật Di trú.
Trong thư trả lời The Straits Times, ICA cho biết ông Vũ đã vào Singapore bằng một hộ chiếu Việt Nam không mang tên mình. Nhưng ông Vũ cũng có một hộ chiếu khác mang tên ông.
Chính quyền Việt Nam đã thông báo với Singapore rằng hộ chiếu của ông Phan Văn Anh Vũ là hộ chiếu giả, dẫn đến việc bắt giữ ông vào ngày 28/12.
Ông Phan Văn Anh Vũ, 42 tuổi, một cựu sĩ quan tình báo cao cấp ở Việt Nam được người dân gọi là “mafia Đà Nẵng”, đã trốn khỏi Việt Nam trước khi Bộ Công an có lệnh truy nã ông hồi tháng trước về tội “cố ý tiết lộ bí mật nhà nước”.
ICA cho biết ông Vũ “khai báo sai sự thật khi ông vào Singapore”, dẫn đến việc bị truy nã theo Cảnh báo đỏ của Interpol do cơ quan chức năng Việt Nam ban hành.
Cơ quan này cho biết thêm rằng lời các giấy tờ mà Luật sư Choo Zheng Xi thay mặt ông Vũ nộp lên tòa án Singapore không hạn chế quyền hạn của ICA.
“Tôi thất vọng cho những nỗ lực của mình, khách hàng của tôi đã bị trục xuất mà tôi không được biết hay có cơ hội để phản đối các cáo buộc”, Luật sư Choo nói với The Straits Times.
Ông Choo cho biết thêm rằng “Tôi đã gửi ICA một lá thư vào lúc 1 giờ 10 phút, yêu cầu cho ông ta không bị trục xuất trong khi chúng tôi xem xét các tài liệu được cho là cơ sở cho lệnh trục xuất khách hàng của chúng tôi”.
Vẫn theo The Straits Times, Luật sư Choo cũng đã yêu cầu nhà chức trách Singapore không trục xuất ông Vũ trong lúc các giấy tờ nộp ở tòa án đang được xử lý.
Vũ “nhôm” được xem là người nắm trong tay nhiều bí mật liên quan đến vụ Trịnh Xuân Thanh, một cựu quan chức bị cáo buộc tham nhũng đã trốn sang Đức và bị bắt cóc về Việt Nam vài tháng trước.
https://www.voatiengviet.com/a/bo-cong-an-da-tiep-nhan-vu-nhom/4191809.html
VN: ‘Báo chính thống lẽo đẽo theo mạng xã hội’
Cựu Tổng Biên tập báo Thanh Niên nói vụ Phan Văn Anh Vũ cho thấy báo chí chính thống tại Việt Nam chưa cung cấp ‘loại tin nóng’ kịp thời cho người dân.
Viết trên Facebook cá nhân hôm 3/1/2018, ông Nguyễn Công Khế mô tả ông đã nhiều lần góp với những người có trách nhiệm trong chính quyền về nhu cầu phải đi trước về tin tức.
“Vụ Phan Văn Anh Vũ là một ví dụ gần nhất . Khi có tin Vũ trốn qua Singapore để ngày 28-12-2017 qua Malaysia, đã bị nhân viên cửa khẩu tạm giữ vì vi phạm “Luật qui định về xuất nhập cảnh”.
“Các trang mạng ầm ĩ đưa tin ngay. Trang web của BBC, báo Straitstimes của Sing cũng lên tiếng. Thế mà các báo chính thống không thể có một tin tức nào kịp thời để dư luận tin rằng đã có một nguồn tin chính thức để người đọc yên tâm”, ông Khế bình luận.
Bàn tròn thứ Năm: Ông Vũ ‘Nhôm’ về VN – hệ lụy và bình luận
Ông Anh Vũ ‘lo lắng cho an toàn cá nhân’
Ông Vũ ‘nhôm’ là ‘sĩ quan tình báo Việt Nam’?
Cựu Tổng biên tập báo Thanh Niên dẫn chiếu tới việc tổng biên tập của các soạn đã “tìm mọi cách tiếp cận để có tin sớm” nhưng vẫn “không được xác nhận từ các cấp có thẩm quyền” trừ một tin của Thiếu tướng Lương Tam Quang, chánh văn phòng Bộ công an xác nhận rằng chưa nhận được tin tức nào về vụ này.
Ông Khế cho rằng Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, ông Võ văn Thưởng đã nhiều lần than phiền về sự chậm trễ này.
“Thế nhưng coi bộ không có chuyển biến nào đáng kể trong việc đưa tin sớm cung cấp kịp thời cho người đọc, nhất là những tin thuộc loại nóng mà người dân chờ đợi,” ông Khế bình luận.
Báo chí chống tham nhũng
Trong dòng trạng thái trên facebook, ông Khế mô tả về “một số việc” mà Tổng bí thư và Bộ máy Đảng của ông cùng Chính phủ nhiệm kỳ này đã làm đã ó những chuyển biến về kinh tế, đặc biệt là quyết tâm chống tham nhũng.
Chiến dịch này, theo ông, đã và đang đóng cảnh báo về tình trạng “con ông cháu cha được đưa vào trong bộ máy cấp cao”.
“Việc một số cán bộ cấp cao,kể cả đương kim Ủy viên Bộ Chính Trị , nếu phạm pháp cũng không thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật.
Truyền thông nói gì vụ Phan Văn Anh Vũ?
Phan Văn Anh Vũ ‘xin đi châu Âu tỵ nạn’
“Cán bộ cấp cao dính vào những vụ tham nhũng lớn không tránh khỏi hồi tố và không còn cảnh về hưu là coi như hạ cánh an tàn.
“Từ đây, bất cứ quan chức nào muốn đưa con cái mình vào các chức vụ cao để “nối ngôi” và duy trì quyền “bổng lộc” đều phải biết dè chừng. Ở đây không còn là vùng đất để chia chác quyền lợi của những người quyền thế, của các nhóm lợi ích, nếu như cái lò đốt các loại củi bất kể khô, tươi này tiếp tục duy trì được độ nóng như hiện nay cho đến khi đạt được những mục tiêu cần thiết cho cuộc đấu tranh chống tham nhũng lần này.
Cựu Tổng Biên tập báo Thanh Niên kết luận rằng việc báo chí có thông tin nhanh, chính xác, kịp thời và kiên định chống lại tham nhũng và các loại lợi ích nhóm sẽ đem lại niềm tin cho người dân.
“Chừng nào mà hệ thống thông tin, báo chí chính thống còn lẽo đẽo theo sau mạng xã hội thì ngày đó vẫn còn là thảm họa của sự nhiễu loạn thông tin và tất yếu, nó sẽ dẫn đến những hệ lụy của một xã hội không thể tạo được niềm tin cho dân chúng. Bởi vì trong thời đại này, không ai có thể chận được sự phát triển của mạng xã hội và facebook.
“Điều tôi mong mỏi trông ra rất khó với báo chí Việt Nam trong cung cách quản lý như hiện nay. Thật đáng buồn!'” ông Khế viết.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-42562431
Vụ ”Vũ Nhôm” liệu có tác hại đến Việt Nam ?
Theo thông tin mới nhất vào hôm nay, 04/01/2018, nhân vật Phan Văn Anh Vũ, được báo chí Việt Nam gọi là « Vũ Nhôm », đã bị Singapore trục xuất về nước và đã bị bắt giam ngay khi đặt chân xuống Hà Nội. Như một sự trùng hợp bất ngờ, tờ báo mạng Hồng Kông Asia Times vào hôm qua đã cho đăng một bài phân tích về tác hại tiềm tàng của vụ ông Vũ bỏ trốn ra ngoại quốc, đe dọa công bố những thứ mà ông cho là tài liệu bí mật.
Tác giả bài báo Shawn W. Crispin đã liên kết hai yếu tố : Chính quyền Việt Nam đã truy tố ông Vũ về tội « tiết lộ bí mật Nhà nước », và bản thân ông Vũ, ngoài tư cách là một đại gia địa ốc, còn là một sĩ quan tình báo, trên nguyên tắc có khả năng nắm giữ nhiều bí mật quan trọng.
Theo tờ Asia Times, là một thành viên Tổng Cục 5 của bộ Công An Việt Nam, ông Phan Văn Anh Vũ được cho là có thông tin chi tiết về vụ gọi là « bắt cóc » cựu lãnh đạo PetroVietnam Trịnh Xuân Thanh tại Đức vào năm ngoái. Việt Nam khẳng định là ông Thanh đã tự nguyện về nước để ra đầu thú, trong lúc chính quyền Đức lại cho rằng ông Thanh đã bị Việt Nam cử gián điệp qua Berlin bắt cóc đưa về nước.
Nhà báo Shawn Crispin cho biết thêm là nhiều thông tin bằng tiếng Việt khẳng định rằng khi trốn qua Singapore, ông Vũ có mang theo nhiều giấy tờ bí mật để cung cấp cho cảnh sát Đức thông tin về vụ bắt cóc ông Thanh, kể cả nhân dạng của người ra lệnh tiến hành vụ này. Các nguồn tin trên còn cho rằng ông Vũ sẵn sàng đứng ra làm nhân chứng ở Đức.
Về phần ông Trịnh Xuân Thanh, Asia Times ghi nhận việc ông đang bị buộc tội tham nhũng, trong một vụ liên quan đến 22 quan chức khác của PetroVietnam, trong đó có cả cựu ủy viên Bộ Chính Trị Đinh La Thăng, một người từng được coi là có khả năng trở thành tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam trong tương lai.
Đối với Asia Times, những đối tượng trên bị truy tố trong khuôn khổ một chiến dịch bài trừ tham nhũng do đương kim tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng chủ trương. Thế nhưng, một số người vẫn nhìn thấy đó cũng là một chiến dịch nhằm củng cố quyền lực của ông Trọng chống lại các phe phái đối nghịch.
Vấn đề hiện nay là nếu ông Vũ có thông tin cụ thể về vai trò của ông Trọng trong hoạt động bắt cóc ông Thanh ở Berlin, thì nhân vật trên nguyên tắc là lãnh đạo số một ở Việt Nam có nguy cơ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt có chọn lọc của Đức. Thậm chí, theo một số nhà phân tích, các biện pháp trừng phạt rộng hơn, bao gồm cả lãnh vực thương mại, cũng là một khả năng.
Theo ông Shawn Crispin, bằng chứng về sự tham gia ở cấp cao trong vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh cũng có thể đe dọa hiệp định thương mại tự do Liên Hiệp Châu Âu- Việt Nam vào thời điểm Hà Nội đang cố gắng đa dạng hoá thương mại quốc tế để thoát khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc và sự mất mát do việc Mỹ rút khỏi Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương.
Với việc ông Phan Văn Anh Vũ bị bắt giam tại Việt Nam, câu hỏi được gợi lên vào hôm nay liên quan đến sự tồn tại và giá trị thực thụ của các tài liệu quan trọng được cho là ông đã có trước lúc bị bắt, và nếu có thì hiện đang ở trong tay ai.
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20180104-vu-vu-nhom-lieu-co-tac-hai-den-viet-nam
Luật Hình sự VN mới sửa Điều 79, 88 và 258
Một luật sư bình luận với BBC rằng sự thay đổi các Điều 79, 88 và 258 trong Bộ luật Hình sự tu chính là “lợi bất cập hại.”
Từ ngày 1/1/2018, Bộ luật Hình sự tu chính chính thức có hiệu lực pháp luật. Theo đó, các tội danh “Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”(Điều 79 Luật Hình sự cũ), “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” (Điều 88 luật hình sự cũ) và “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”(Điều 258 Luật Hình sự cũ) đều được giữ lại trong Bộ luật Hình sự tu chính nhưng thay đổi số thứ tự điều luật và còn có thay đổi về hình phạt cho mỗi tội danh này.
‘Chưa LS nào bào chữa thành công các vụ Điều 258’
Việt Nam công nhận ‘quyền im lặng’?
Gia đình LS Đài ‘không chấp nhận luật sư chỉ định’
Vụ án Nguyễn Văn Đài: bắt thêm 4 người
Hôm 4/1, trả lời BBC từ TP. Hồ Chí Minh, Luật sư Đặng Đình Mạnh, Trưởng văn phòng luật mang tên ông, nói: “Điều đáng nói nhất là Bộ luật Hình sự tu chính bổ sung thêm sự chế tài trong cả trường hợp “chuẩn bị phạm tội” mà luật hình sự cũ chưa từng quy định.”
“Cụ thể, tội danh “Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” thuộc Điều 79 luật hình sự cũ nay là Điều 109 Bộ luật Hình sự tu chính, bổ sung thêm Khoản 3: “Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm tù”.
‘Ngày càng khắt khe’
“Tương tự, “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” thuộc Điều 88 Luật Hình sự cũ nay trở thành Điều 117 Luật Hình sự tu chính, bổ sung thêm Khoản 3 : “Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm tù”.
“Đối với “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” thuộc Điều 258 Luật Hình sự cũ nay là Điều 331 luật hình sự tu chính thay đổi quy định tại Khoản 2 từ “Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm” thành “Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm”.
Luật sư là nghề ‘nguy hiểm ở Việt Nam’?
Luật sư ở Việt Nam vẫn là ‘vật trang trí’?
Hơn 100 luật sư cùng ủng hộ Võ An Đôn
Luật sư Đài được giải Nhân quyền của Đức
Luật sư Đặng Đình Mạnh bình luận thêm: “Sự thay đổi khái niệm này vẫn tiếp tục giữ quan điểm điển chế (quy định) Điều 258 theo hướng định tính mơ hồ, bởi lẽ, thế nào là “gây ảnh hưởng xấu?”
“Việc bổ sung thêm sự chế tài đối với cả trường hợp “chuẩn bị phạm tội” của các hành vi theo Điều 79, 88 (Luật Hình sự cũ) bị cho là có thể phương hại đến chế độ, một đàng cho thấy thái độ ngày càng khắt khe, quyết liệt hơn của chế độ, muốn dập tắt hành vi ngay từ trong trứng nước, đàng khác, cũng cho thấy một thực tế rằng các hành vi này ngày càng có vẻ phổ biến, phát triển hơn, “gây nguy hại” nhiều hơn!”
“Tóm lại, thay vì thúc đẩy thay đổi xã hội theo hướng tích cực tiệm cận hơn với các chuẩn mực của thế giới văn minh xung quanh ta, thì việc tu chính pháp luật theo hướng khắt khe hơn không phải là giải pháp của vấn đề, nó tựa như một sự giải khát bằng nước pha muối vậy, “lợi bất cập hại.”
Trong một diễn biến khác, bà Vũ Minh Khánh, vợ của luật sư Nguyễn Văn Đài nói với BBC rằng gia đình “không chấp nhận việc chính quyền chỉ định luật sư cho ông Đài” thay cho ba người mà gia đình đã mời.
Luật sư Nguyễn Văn Đài bị giam giữ đã hơn hai năm nhưng phiên tòa xét xử đến nay vẫn chưa diễn ra.
Bà Khánh nói: “Chồng tôi gửi thư viết là đã kết thúc điều tra hôm 12/12/2017. Lẽ ra khi điều tra xong, họ phải cấp giấy chứng nhận bào chữa cho ba luật sư tôi mà đã làm đủ thủ tục mời là các ông Hà Huy Sơn, Nguyễn Văn Miếng và Đoàn Thái Duyên Hải.”
“Trong hai năm qua, các luật sư viết công văn cứ hết hạn tạm giam ông Đài bốn tháng một lần gửi họ và họ cũng đã viết công văn trả lời luật sư là do đang trong giai đoạn điều tra nên luật sư chưa được tham gia.”
“Vậy mà giờ đây tôi được một luật sư khác báo tin là ông ấy được chỉ định để bào chữa cho chồng tôi vì lý do ông Đài không có luật sư.”
“Gia đình tôi không chấp nhận việc chính quyền chỉ định luật sư cho ông Đài thay cho ba người mà chúng tôi đã mời.”
Nguồn tin của BBC cho hay nhiều khả năng phiên tòa xử Luật sư Đài có thể diễn ra ở thời điểm trước Tết Mậu Tuất 2018.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-42526567
Tập đoàn Than – Khoáng Sản
sai phạm làm thất thoát gần 15 ngàn tỷ đồng
Thanh tra Chính Phủ Việt Nam từng có kết luận rằng Tập đoàn Than – Khoáng Sản Việt Nam (TKV) có những sai phạm khiến thất thoát gần 15 ngàn tỷ đồng.
Cụ thể theo Thanh Tra Chính Phủ Việt Nam thì Hội đồng Thành viên và Tổng Giám đốc TKV đã quyết định chủ trương và quản lý quá trình thực hiện đầu tư tài chính thuộc ngành nghề kinh doanh chính thiếu cơ sở pháp lý và thực tiễn, vi phạm các qui định của pháp luật, bảo lãnh trả nợ vay vượt thẩm quyền…
Hậu quả dẫn đến đầu tư không hiệu quả, thua lỗ, mất vốn… Tổng số tiền và đất đai mà Thanh Tra Chính Phủ phát hiện vần kiến nghị xử lý lên đến gần 15 ngàn tỷ đồng. Ngoài ra cò gần 6,7 triệu mét vuông nhà, đất.
Thanh Tra Chính Phủ Việt Nam nói đã chuyển hồ sơ những vụ việc thuộc TKV có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự sang cho Bộ Công An để điều tra, làm rõ.
Vào chiều ngày 4 tháng giêng, đại diện TKV họp báo và phản bác lại những kết luận của Thanh Tra Chính Phủ như vừa nêu.
Người đại diện được ủy quyền của TKV, bà Đặng Thị Tuyết- Trưởng ban Thanh Tra Pháp Chế của tập đoàn này, nói với báo chí là số tiền gần 15 ngàn tỷ đồng nêu trong kết luận của Thanh Tra Chính Phủ là ‘cần kiến nghị xử lý’ chứ chưa kết luận là ‘sai phạm’.
Bà Đặng thị Tuyết cho rằng có những tiếp cận khác nhau dẫn đến những kết luận khác nhau. Bà này cho rằng cần làm rõ những ý kiến còn khác nhau giữa Thanh Tra Chính Phủ, TKV và những bộ-ngành khác.
Những vụ việc liên quan trạm thu phí BOT
Chủ đầu tư BOT Cần Thơ- Phụng Hiệp bị chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ yêu cầu cho xả trạm nhằm giải quyết ách tắc giao thông tại địa phương.
Tin cho biết vào sáng ngày 4 tháng giêng, một số tài xế lái xe qua BOT Cần Thơ- Phụng Hiệp cho dừng xe để phản đối trạm thu phí này. Một số xe giăng khẩu hiệu yêu cầu miễn 100% phí qua trạm cho dân cư trong bán kính 5 kilomet của trạm, cũng như yêu cầu thu đúng-thu đủ.
Hành động đó khiến giao thông bị ùn tắc.
Ông Võ Thành Thống, chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Cần Thơ, ra đến trạm thu phí BOT Cần Thơ- Phụng Hiệp yêu cầu chủ đầu tư xả trạm. Ông này nói rõ nếu không xả trạm để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông thì thành phố sẽ tiến hành cưỡng chế.
Vụ việc được giải quyết theo yêu cầu của ông chủ tịch thành phố Cần Thơ. Đến 13:30 chiều thì trạm này thu phí trở lại.
Cũng tin liên quan vấn đề trạm thu phí BOT gây bức xúc tại nhiều nơi ở Việt Nam; vào ngày 4 tháng giêng, Công ty Cổ Phần Đầu tư BOT Đèo Cả- chủ đầu tư trạm BOT Ninh An, tỉnh Khánh Hòa, tiến hành đối thoại với hơn 100 chủ phương tiện giao thông ngụ tại Ninh Hòa.
Giới có phương tiện giao thông phải đi qua trạm BOT Ninh An yêu cầu phải miễn phí qua trạm cho họ; trong khi chủ đầu nói chờ chủ tương của Bộ Giao Thông- Vận Tải.
Những người sở hữu phương tiện giao thông phải qua trạm BOT Ninh An cho rằng việc chỉ miễn phí cho 3 xã Ninh Lộc, Ninh Hà, và Ninh Quang thôi là không công bằng, vì họ cũng ở thị xã Ninh Hòa.
Kết quả hai phía thống nhất từ trưa ngày 4 tháng giêng đầu tiên sẽ có gần 200 phương tiện gồm xe 12 chỗ trở xuống, xe tải dưới 2 tấn, các loại xe buýt vận tải công cộng ở Ninh Hòa được miễn vé qua trạm BOT Ninh An. Những xe này được xếp vào loại 1.
Vào ngày 5 tháng giêng, chủ phương tiện các loại xe khác thuộc loại 2 đến loại 4 sẽ cùng Công ty Đèo Cả cam kết thống nhất kiến nghị gửi đến Bộ Giao Thông Vận Tải để xem xét giảm 50% giá vé qua trạm.
http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/bot-issues-01042018101102.html
Án tử hình cho người nổ súng chống cướp đất
Một người sử dụng vũ khí trong vụ tranh chấp đất đai tại tỉnh Dak Nong vào năm 2016 vừa bị tòa tuyên án tử hình.
Đó là ông Đặng Văn Hiến, 47 tuổi. Ngoài ra những người khác trong cùng vụ việc là hai ông Ninh Viết Bình, 35 tuổi, bị án 20 năm; ông Hà Văn Trường, 32 tuổi, án 12 năm. Cả ba chịu án với cáo buộc giết người.
Các bản án được tuyên vào chiều ngày 3 tháng giêng sau hai ngày xét xử tại tòa án Nhân dân tỉnh Dak Nong.
Thân nhân của những người bị tuyên án với cáo buộc giết người như vừa nêu đã phản đối mạnh mẽ các bản án. Đối với án tử hình họ đều cho rằng không thỏa đáng.
Vụ việc nổ súng khiến 3 người thiệt mạng và 13 người khác bị thương xảy ra vào ngày 23 tháng 10 năm 2016 tại tiểu khu 1535, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Dak Nong.
Những người dân trong cuộc cho rằng Công ty Long Sơn, đơn vị nói được giao đất tại tiểu khu 1535, cho người lái xe ủi, máy cày cũng như người dùng hung khí tiến đến phá khu rẫy của một người dân tên Hoàng Văn Thắng.
Những người dân, trong đó có ông Đặng Văn Hiến, dùng súng và bắn chỉ thiên để ngăn chặn người của Công ty Long Sơn. Phía người công ty dùng đá ném lại. Ông Đặng Văn Hiến vào nhà và bắn trả vào đoàn người của Công ty Long Sơn.
Ông Hà Văn Trường tiếp đạn cho ông Đặng Văn Hiến và rồi ông Ninh Viết Bình chạy sang hỗ trợ.
Sau khi xảy ra vụ việc, ông Đặng Văn Hiến và ông Hà Văn Trường bỏ trốn xuống huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Sau đó hai ông ra đầu thú.
Vụ việc tại tiểu khu 1535, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Dak Nong được cho cũng tương tự như một số vụ việc khác mà người bị cưỡng chế đất đai cho là phi pháp. Đơn cử như vụ gia đình Đoàn Văn Vươn, tại Cống Rộc, Tiên Lãng, Hải Phòng cũng phải sử dụng súng và bình ga tự chế để chống lại lực lượng cưỡng chế.
Hỗn loạn sau khi tòa tuyên tử hình
‘người nông dân cầm súng’ ở Đắk Nông
Ngày 3/1, sau khi Tòa án Nhân dân tỉnh Đắk Nông tuyên án tử hình đối với nông dân Đặng Văn Hiến trong vụ nổ súng tranh chấp đất đai hồi năm ngoái, nhiều người dân đã gây hỗn loạn ngay trước cửa tòa án để phản đối phán quyết của tòa.
Sau vụ Đoàn Văn Vươn, đây là vụ án “người nông dân nổi dậy” gây nhiều chú ý nhất trong dư luận gần đây. Theo Đài truyền hình Đắk Nông, ngoài thân nhân những người bị hại, rất đông người dân địa phương đã đến theo dõi phiên tòa sơ thẩm từ sáng sớm trong hai ngày 2/1 và 3/1.
Bước đường cùng
Báo Dân Trí cho biết sau khi tòa tuyên án, nhiều người dân đã bật khóc vì thương cho những đứa con của ông Đặng Văn Hiến.
Nhiều người dân theo dõi vụ xử án qua mạng cũng bày tỏ phẫn nộ khi tòa tuyên án phạt nặng nhất cho nhóm nông dân, những người mà theo họ đã bị “dồn đến bước đường cùng” mới phải dùng đến súng.
Luật pháp, các cơ quan công quyền, bao gồm tòa án, viện kiểm sát…, đã không bảo vệ được cho người dân mà chính họ lại trở thành công cụ đắc lực cho các nhóm lợi ích cướp đất của dân. Cho nên, người dân bắt buộc phải sử dụng biện pháp cuối cùng là sử dụng súng để bảo vệ mảnh đất của mình.
Trịnh Bá Phương
Ông Trịnh Bá Phương, một nhà hoạt động về quyền đất đai được biết tiếng ở Việt Nam, nói bản án tử hình là quá bất công.
“Giống như những kẻ trộm, kẻ cướp xông vào cướp thì người dân có quyền tự vệ bằng mọi biện pháp để bảo vệ tài sản và tính mạng của mình. Với vụ ở Đắk Nông, ông ấy cũng bảo vệ tính mạng của mình và gia đình khi bị lực lượng [công nhân] ném đá vào trong nhà. Cho nên tôi thấy việc đó chỉ là tự vệ và mức án tử hình là quá bất công”, ông Phương nói.
Vụ nổ súng “giữ đất” của nhóm nông dân xảy ra tại tiểu khu 1535, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, vào ngày 23/10/2016, khi công nhân công ty Long Sơn vũ trang gậy gộc, khiên chắn, bao đá… đến cưỡng chế đất, san ủi, hủy hoại vườn cây của người dân để thực hiện các dự án nông lâm nghiệp.
Trước đó, nhóm công nhân của công ty Long Sơn đã được tập dợt và trang bị để đối phó với tình huống người dân phản kháng việc cưỡng chế.
Khi hơn 30 công nhân và 2 xe ủi, 1 máy cày của Công ty Long Sơn kéo đến san ủi vườn điều, cà phê, vốn là toàn bộ tài sản của các nông dân nên họ đã dùng súng tự chế bắn 2 phát chỉ thiên cảnh cáo. Tuy nhiên, công nhân Long Sơn không những không dừng lại mà còn tiếp tục ném đá, tấn công nông dân, dẫn đến hành động bắn trả của ông Đặng Văn Hiến và Ninh Viết Bình.
Vụ nổ súng đã khiến cho 3 người chết tại chỗ và 13 người khác bị thương.
Ông Đặng Văn Hiến sau đó bỏ trốn, nhưng theo lời khuyên của nhiều người, ông quyết định ra đầu thú để được “hưởng sự khoan hồng của pháp luật”.
Ngày ông ra đầu thú, nhiều người đã rơi nước mắt, trong đó có cả những viên công an đi còng tay ông.
Bị kích động tinh thần
Tại phiên tòa ngày 3/1, các bị cáo nói họ đã bắn vào nhóm công nhân trong trạng thái tinh thần bị kích động.
Một trong những luật sư bào chữa cho các nông dân, Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, phát biểu trên trang Facebook cá nhân rằng ông “thất vọng” với quyết định của tòa án.
“10 năm bị ‘áp bức’ bởi công ty Long Sơn, nhiều người dân bị tù tội vì chống lại công ty Long Sơn, hàng chục ha rẫy đã bị san bằng nhiều năm qua, trong hoàn cảnh tài sản bị hủy hoại, tính mạng bị đe dọa… là không bị kích động sao? Hiến đã nổ súng chỉ thiên 2 phát, nhưng bọn chúng vẫn xông vào tấn công là không bị kích động và phòng vệ sao?”, LS. Hưng viết.
Trả lời VOA tối 3/1, LS. Nguyễn Văn Quynh, một luật sư khác bào chữa cho các nông dân, nói những quy định luật pháp mới không cho phép ông thông tin và cập nhật về phiên tòa tại Đắk Nông.
“Theo Bộ luật Tố tụng Hình sự mới vừa có hiệu lực ngày 1/1/2018, phát ngôn của luật sư bây giờ rất bị hạn chế, bị siết lại ghê gớm”, lời LS. Quynh.
Theo Báo Dân Trí, kể từ sau khi “người nông dân cầm súng” Đặng Văn Hiến bị bắt, người dân ở tiểu khu 1535 đã thay nhau chăm sóc cho gia đình của ông Hiến, là hộ có hoàn cảnh khó khăn nhất, với con trai chưa tròn 2 tuổi ngày ông bị bắt đi.
Sau khi tòa tuyên án, một người dân khẳng định với Dân Trí rằng “Nếu chú ấy phải chết, chúng tôi sẽ góp tiền nuôi hai đứa con của chú ấy đến khi trưởng thành”.
Bản án răn đe?
Theo nhận định của nhà hoạt động Trịnh Bá Phương, hệ thống công quyền kết hợp với các nhóm lợi ích đang là nguyên nhân dẫn đến những vụ “nổi dậy” tiếp diễn của người nông dân tại Việt Nam.
10 năm bị ‘áp bức’ bởi công ty Long Sơn, nhiều người dân bị tù tội vì chống lại công ty Long Sơn, hàng chục ha rẫy đã bị san bằng nhiều năm qua, trong hoàn cảnh tài sản bị hủy hoại, tính mạng bị đe dọa…
LS. Nguyễn Kiều Hưng
Ông Phương nói: “Luật pháp, các cơ quan công quyền, bao gồm tòa án, viện kiểm sát…, đã không bảo vệ được cho người dân mà chính họ lại trở thành công cụ đắc lực cho các nhóm lợi ích cướp đất của dân. Cho nên, người dân bắt buộc phải sử dụng biện pháp cuối cùng là sử dụng súng để bảo vệ mảnh đất của mình”.
Ông Phương cho rằng bản án tử hình trong vụ Đắk Nông mang tính chất răn đe nhưng sẽ khó ngăn được làn sóng nổi dậy của người nông dân trong tương lai.
“Bản án này cho thấy rõ nhà nước Cộng sản đang muốn kết án thật nặng để nhằm ngăn chặn làn sóng tái diễn trong tương lai. Tuy nhiên theo tôi, kết án tử hình như vậy cũng không làm thay đổi được thực tế hiện nay có hàng triệu người dân đang bị cướp bóc đất đai sẽ không vì bản án này mà dừng đấu tranh. Thậm chí, xung đột đất đai trong tương lai sẽ xảy ra rất nhiều”.
Trong vụ án ở Đắk Nông, ngoài ông Đặng Văn Hiến, 47 tuổi, bị tuyên án tử hình, các nông dân khác tham gia trong vụ nổ súng đều bị tuyên phạt từ 9 tháng đến 20 năm tù giam.
Khi được nói lời cuối cùng trong phiên sơ thẩm ngày 3/1, ông Ninh Viết Bình, 35 tuổi, người bị tuyên án 20 năm tù, đã bật khóc và nói “nếu không có Công ty Long Sơn thì hôm nay các bị cáo đã không phải có mặt tại tòa, đã không gây ra tội lỗi”, theo Người Lao Động.
CPC không có tên Việt Nam,
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện phản đối
Bộ Ngoại giao Mỹ tái liệt kê 10 nước vào danh sách ‘cần đặc biệt quan tâm’ chiếu theo Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế vì dính líu hoặc dung chấp các vi phạm về tự do tôn giáo, trong số này có 3 nước Châu Á.
Trung Quốc, Myanmar, Triều Tiên bị liệt kê vào danh sách cùng với Iran, Eritrea, Sudan, Ả Rập Xê Út, Tajikistan, Turkmenistan, và Uzbekistan.
Pakistan bị đưa vào ‘Danh sách Theo dõi đặc biệt’ vì các vi phạm nghiêm trọng về tự do tôn giáo.
“Bảo vệ tự do tôn giáo hết sức quan trọng đối với hòa bình, ổn định, và thịnh vượng. Việc liệt kê các nước vào danh sách ‘cần đặc biệt quan tâm’ về tự do tôn giáo nhằm cải thiện sự tôn trọng quyền tự do tôn giáo tại các nước đó,” thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
“Chúng tôi nhận thấy một số nước bị liệt kê đang nỗ lực cải thiện tôn trọng tự do tôn giáo, chúng tôi hoan nghênh các sáng kiến đó và mong đợi các cuộc đối thoại tiếp diễn.”
Phản hồi trước báo cáo của Bộ Ngoại giao, ngày 4/1, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Ed Royce ra thông cáo bày tỏ bất bình vì Việt Nam một lần nữa thoát khỏi danh sách này.
Thông cáo của ông Royce nhấn mạnh: “Tự do tôn giáo là nhân quyền cơ bản, nhưng vẫn còn rất nhiều người trên khắp thế giới bị đàn áp, tù đày và giết hại chỉ vì niềm tin tín ngưỡng của mình. Là người Mỹ, nhiệm vụ của chúng ta là phải lên tiếng cho những người không có tiếng nói. Chính quyền Mỹ đã làm đúng khi đưa việc này lên làm ưu tiên. Việc tái liệt kê Burma (Myanmar) là quốc gia cần đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo là đặc biệt thỏa đáng vì nạn thanh trừng sắc tộc của quân đội nước này đối với người Hồi giáo Rohingya. Tuy nhiên, tôi bất bình khi thấy rằng một lần nữa Việt Nam lại không bị đưa trở lại danh sách này. Người dân Việt Nam tiếp tục bị vi phạm quyền tự do tôn giáo và các nhân quyền khác. Hoa Kỳ chớ nên e dè chỉ ra các nước vi phạm như thế.”
Việt Nam từng bị chính phủ Hoa Kỳ đưa vào danh sách CPC từ tháng 9/2004 đến tháng 11/2006.
Kể từ khi Việt Nam được xoá tên khỏi CPC từ 2006 đến nay, mỗi năm Ủy hội Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) đều đề nghị đưa Việt Nam trở lại CPC vì các vi phạm về tự do tôn giáo.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Ed Royce là một trong những chính khách mạnh mẽ thúc đẩy Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam trở lại danh sách này.